Đổ thêm một thùng nước cuối, cái lu lớn đã đầy ắp, nước dư tràn cả ra ngoài, Tha thở phào, úp thùng lên sàn nước.
Bỗng:
- Xẻng!
Một hòn đất bay phớt qua đùi cậu, va mạnh vào cái thùng. Tha giật mình nhìn quanh. Rồi như hiểu ra, tuy chẳng thấy ai, cậu cười hỏi lớn:
- Tới sớm vậy mậy?
Không một tiếng trả lời. Mấy con gà bước lững thững. Một chú trống cồ đập cánh gáy vang.
Tha tiếp tục nói to với đứa bạn còn ẩn nấp đâu đó:
- Cha, muốn chơi trò “ném đất giấu mặt” hả? Được rồi, thử chọi lần nữa coi!
Lập tức:
Lập tức:
- Xẻng! Xẻng!
Hai hòn đất bay tới một lượt. Đứa ném đất thật tài tình. Hai hòn đất lần nầy không đi theo đường thẳng mà phóng vào một góc xoài, ở cạnh sàn nước, rồi mới chẹt sang cái thùng xách nước. Tha vẫn chưa đoán ra nơi xuất phát mấy hòn đất tinh nghịch. Nhưng nhìn quanh một lượt nữa, cậu tiến đại về phía một bụi bùm sụm um tùm ở gần đám chuối cau lửa. Có cái gì động đậy trong ấy. Nhưng:
- Hù!
Vai Tha bị chụp mạnh phía sau. Cậu lại phải một phen giật mình, quay lại: Thằng Đông, bạn cậu, cười ha hả:
- Dở ẹt, tao núp ở gốc dừa kia mà kiếm hổng ra!… Xách nước rồi hả? Còn làm gì nữa hôn?
- Không. Để tao vô xin phép ông già rồi mình đi liền.
Nói đoạn, Tha bước vào nhà. Đông bảo vói:
- Tao đợi mầy ngoài đầu cầu nghe!
Một lúc sau Tha từ trong nhà đi ra. Đông đang ngồi chồm hổm trên gò mối ở gần đầu cây cầu dừa bắc ngang rạch. Nó hỏi:
- Bộ ông già mầy khó lắm sao mà đi học về phải làm nầy làm kia, đi đâu phải xin phép xin tắc nữa?
Tha lắc đầu:
- Không, ổng dễ lắm! Nhưng giúp việc nhà, “đi thưa về trình” là tự thói quen của tao. Mầy không biết chứ, mình phụ việc nhà chút đỉnh cũng tự cảm thấy vui. Đi đâu thưa gởi một chút với ông già bà già cũng tự thấy phải. Vả lại, má tao thì không nói gì, ba tao ổng đối với tao cũng rất tốt, tao phải tỏ ra là một thằng con ngoan chứ!
- Nghe nói ba mầy bây giờ là ba ghẻ chứ không phải ba ruột hả mậy?
Tha gật đầu:
- Ừ, nhưng ổng thương tao như con đẻ, bởi vậy tao cũng xem ổng như ba ruột. Mầy đừng nhắc tới hai tiếng ba ghẻ với tao nữa, nghe nó xa lắm!… Thôi, nói chuyện đâu không hà! Bây giờ thì đi chứ?
- Đi đâu?
- Cái thằng kỳ hôn! Vậy chứ hôm qua mầy hẹn với tao làm sao? Làm bộ lộn xộn tao đá văng xuống rạch bây giờ!
- Tao đâu phải trái banh mà để cho mầy đá!… Mầy muốn bây giờ mình đi lại nhà ông Tám chứ gì?
- Ừ.
- Tao lấy làm “đau khổ” mà báo cho mầy hay: Ổng đã đi Mỹ Tho mất đất rồi!
Tha đập tay:
- Chết cha! Vậy rồi làm sao?
- Biết làm sao! Chính tao nãy giờ cũng tức cành hông!
- Ổng đi hồi nào? Biết đâu ổng về kịp lúc?
- Tao đã hỏi kỹ, ổng đi có chuyện cần lắm, và mai mới về!
Tha lại giậm chân tiếc rẻ. Rồi bỗng cậu sáng mắt:
- A, nhưng còn bà Tám?
Đông lắc đầu:
- Đừng hy vọng ở bà già đó mất công! Trái ngược với ông Tám, bả ghét độc cái mục đó, làm gì bả thuận theo ý mình!
Tha nhặt một hòn đất ném mạnh xuống lòng rạch:
- Vậy là bao nhiêu nôn nao chờ đợi mấy ngày qua, rốt cuộc cụt hứng! Mầy biết hôn, hồi hôm tao nằm chiêm bao thấy nhiều pha thiệt khoái. Sáng vô lớp tụi tao bàn bạc, đoán kết quả, cãi nhau thiếu điều đánh lộn!
- Ha ha! Lớp tao cũng vậy!
Tha nheo mắt, nhìn mặt trời chênh chếch ở hướng Tây:
- Khoảng ba giờ hơn rồi đó!
- Nghĩa là chỉ còn chừng nửa giờ nữa là bắt đầu!
Im lặng một lúc, Đông vụt vỗ tay reo:
- A, phải rồi, ông bầu ông bí của mình đi khỏi thì còn người khác! Mầy hãy theo tao, mau lên!
Nói đoạn Đông rời gò mối đi băng qua cây cầu dừa. Tha nối gót:
- Ai đó mầy?
- Ậy, rồi mầy sẽ biết! Nói trước hổng hay!
Đi một đỗi, Đông ra hiệu cho Tha dừng lại trước một ngôi nhà gạch. Tha chẳng lạ gì nhà nầy: Nhà ông Ba Thiên, một người thuộc hàng khá giả trong làng.
Ngôi nhà cất kiểu gọn gàng xinh xắn. Xung quanh có sân rộng trồng hoa kiểng. Phía trước, một dãy rào dâm bụt, có chỗ trổ hoa. Những đóa hoa cánh đỏ nổi bật giữa đám lá xanh rì trông thật đẹp.
Đông trỏ vào nhà, hỏi bạn:
- Mầy có nghe gì không?
Tha gật đầu. Đông tiếp:
- Cho mầy biết, ông Ba nầy cũng như ông Tám, cũng như tụi mình, cùng có chung một cái ghiền! Tuy không tiếp xúc, nhưng nhiều lần tao thấy ổng có tới xem tụi mình chơi… À, mầy nghe kỹ coi, chưa tới giờ. Chắc ổng cũng đang đợi.
Tha hỏi:
- Mầy dẫn tao tới đây để vào xin nghe khính hả? Sao tao ngại quá mầy! Mình có quen biết gì người ta đâu?
- Thì tao cũng nghĩ vậy: Vô xin nghe khính mà người ta cho thì không nói gì, rủi người ta đuổi cổ ra thì ê mặt. Chỉ có một cách là lại bên hè ngồi nghe đại, không thèm xin xỏ gì hết! Mầy để ý coi, ổng để ra-dô sát bên cửa sổ có hàng lu đó. Mình lại ngồi dựa hàng lu là nghe rõ mồn một.
- Như vậy là nghe núp nghe lén, cũng bậy nữa!
- Nhưng biết cách nào hơn? Bỏ qua thì uổng quá!
- Rủi người ta bắt gặp?
- Thì mình cứ nói thiệt, rồi “hạ hồi phân giải”. Mình ở ngoài sân, có ăn cắp ăn trộm gì mà sợ?
Tha lắc đầu:
- Thiệt, có cái ghiền nào cũng khổ! Thôi thì tao nghe theo mầy đại đó!
Đông nắm tay Tha:
- Vậy theo tao!
Dãy rào dâm bụt chỉ chắn phía trước cho đẹp, hai bên hông sân nhà để trống. Nhà ở vườn thường có sân thật rộng, ít ai làm trọn một vòng rào lớn để bao bọc khắp xung quanh.
Đông và Tha vòng sang hông phải. Nhảy qua một cái mương nhỏ, đôi bạn ngó trước trông sau, rồi tiến lại phía hàng mái tàu tráng men vàng bóng, chắc để chứa nước mưa. Tới bên cái cửa sổ song sắt có tiếng máy thu thanh phát ra inh ỏi một điệu nhạc, Đông kéo Tha ngồi lọt vào giữa một khoảng trống giữa hai cái lu cao.
Vừa ngồi yên chỗ, hai đứa bỗng nghe có tiếng con gái léo nhéo ở phía sau nhà:
- Ra đây, cho tao phục thù trận hôm trước coi!
- Phục thù, hay lại nếm mùi “thất bại chua cay” như ớt ngâm dấm đó cô nương?
Và rồi liền đó, hai cô gái cùng trạc tuổi Tha Đông, ăn mặc gọn gàng, xách vợt vũ cầu đi ra. Không nhìn thấy hai kẻ lạ ẩn sau hàng lu, hai cô bé tự nhiên nói cười ròn rã, mở cuộc chơi ngay khoảng sân cạnh đó.
Tự nhiên hai thằng con trai trở thành hai khán giả bất đắc dĩ. Hai đứa nhìn nhau méo mặt cười không ra tiếng. Đông kề tai Tha thì thào:
- Con nhỏ bận áo xanh dợt tên Hồng, là con của ông Ba chủ nhà nầy đó. Con nhỏ kia tên Mai, bạn nó.
Tha thì thào đáp lại:
- Tao biết rồi! Thì tụi nó học chung trung học Cai Lậy với mình chứ đâu, đi học đi chung xe đò hoài mà!
Mầy có làm quen với tụi nó chưa?
- Chưa!
- Tao cũng vậy, kẹt quá!…
Ngoài sân, Hồng và Mai ráo riết tranh tài. Chiếc vợt nắm chắc trong tay, hai cô gái lúc tràn qua phải, lúc nghiêng qua trái, lúc nhảy lên cao, tới lui hoạt động trông rất ngoạn mục. Chiếc cầu kết lông trắng bị đánh văng qua văng lại trong không, không kém đẹp mắt. Thỉnh thoảng một cô đánh hụt, quả cầu rơi xuống đất, cả hai lại cười giòn.
Bất chợt, trong lúc đỡ một cú “kết thúc” thật tuyệt của Mai, Hồng đánh bật quả cầu văng chệch đúng vào chỗ Tha và Đông ngồi. Không kịp suy tính, Tha giơ tay hất quả cầu bay trở ra.
Hai cô gái cùng ngạc nhiên kêu lên:
- Ủa, cái gì vậy?
- Ai ở trỏng?
Thấy không còn lánh mặt được nữa, Tha kéo Đông bước ra, mặt đỏ bừng:
- Tôi! Tụi tôi!
Hồng cau mày:
- Hai anh làm cái gì núp trong đó?
Đông đáp, giọng “liều mạng”:
- Bữa nay ra-dô có trực tiếp truyền thanh đá banh quốc tế. Tụi tôi không có ra-dô, ông Tám – ông bầu của tụi tôi – đi vắng, tụi tôi phải lén tới đây núp nghe khính ra-dô của ba Hồng. Bây giờ Hồng cho tụi tôi ở đây nghe được không? Hay muốn đuổi đi tụi tôi đi liền!
- Lạ thiệt! Mấy anh ghiền banh tới nước đó lận à?
- Thì tôi nói rõ như vậy, tin hay không tùy Hồng!
Cô gái chưa biết tính sao, bỗng có tiếng đàn ông hỏi lớn:
- Chuyện gì đó Hồng?
Ông Ba Thiên đã bước tới bên cửa sổ ngó ra. Hồng trỏ bọn Tha:
- Hai anh nầy muốn xin “nghe đá banh” với ba đó, cho hôn ba?
Tha và Đông những tưởng ông Ba Thiên sẽ sầm mặt xuống, khước từ. Nhưng không ngờ ông vụt cười ha hả:
- A! Tưởng ai, thằng Tha thằng Đông cầu thủ bóng tròn hội thiếu niên Dưỡng Điềm đây mà! Được rồi, vô đây, vô đây! Sắp tới giờ rồi đó mấy cháu!
Tha nhìn Đông. Hai đứa mỉm cười. Trong nhà, ra-dô vụt trỗi lên bản nhạc quen thuộc mở đầu giờ thể thao, rồi kế tiếp cái giọng vừa thanh vừa mạnh của phái viên Huyền Vũ vang lên thật rõ:
- Kính thưa quý vị, đây là buổi trực tiếp truyền thanh trận cầu quốc tế giữa đội tuyển Việt Nam và Trung Hoa Quốc Gia. Chúng tôi đang có mặt tại vận động trường Cộng Hòa…
Tự nhiên Tha cũng như Đông và chắc cả ông Ba Thiên nữa, vụt thấy trong trí tưởng tượng một sân cỏ thênh thang, có khán đài rộng lớn vây bọc, đen nghẹt khán giả. Rồi hai đội cầu từ dưới hầm khán đài chạy ra sân. Mỗi đội mặc một màu áo. Tất cả chào khán giả. Khán giả hoan hô như vỡ chợ. Rồi tiếng còi trọng tài ré lên… Ôi hào hứng, ôi sôi động! Những “dân ghiền” banh tròn nghe lòng say mê không tả.
Chẳng e ngại gì nữa, Tha khoác vai Đông bước vào nhà ông Ba Thiên.
*
- Hè! Đẩy nè tụi bây!
Một ông sồn sồn, mười một thằng con trai, khoảng 14, 15 tuổi, hăm bốn cánh tay, mười hai cặp giò cùng vận sức. Chiếc xe lam cũ kỹ chuyển bánh chạy tới te te. Máy xe kêu khèn khẹt, rồi nổ giòn, xịt khói khét lẹt. Chiếc xe vọt mạnh tới trước, bỏ đám người đẩy nó lại phía sau. Bác tài thắng xe lại, ngoái đầu gọi lớn:
- Máy chạy được rồi! Anh Tám với mấy cháu lên đi!
- De lại một chút không được sao cha!
Nói vậy, nhưng rồi ông Tám Thanh cũng cùng bọn nhỏ chạy lúp xúp tới. Ông và Đông ra phía trước ngồi hai bên bác tài. Còn Tha và chín đứa bạn kia chia nhau ngồi chen chúc ở hai băng sau thùng xe. Xe lại rồ máy, quẹo vào ngã ba Đông Hòa.
Ông Tám Thanh cười ha hả:
- Từ đây vô tới Tân Lập (1) không biết mình còn phải đẩy xe mấy lần nữa?
Đông tiếp:
- Cứ chạy một khoảng lại hè hụi đẩy như vầy, vô tới trỏng chắc tụi tôi đứa nào đứa nấy mệt le lưỡi, còn hơi sức đâu mà đá, có môn lấy cần xé đựng banh của hội Tân Lập tặng đem về làm “kỹ nghệ”!
Phía sau, một thằng vọt miệng nói:
- Bác tài ơi, xe bác mua hồi nào vậy? Coi bộ đem lên viện bảo tàng chưng được à!
Ông Tám Thanh nạt:
- Nói bậy ảnh buồn mầy! Coi vậy chứ xe còn khá lắm chứ bộ, phải hôn anh Hai?
Bác tài gật đầu:
- Dà, tại bữa nay khi không nó giở chứng, chứ mọi khi máy chạy tốt lắm!
Đông:
- Chết tía, vậy là điềm xui cho hội mình!
Một thằng phía sau:
- Nãy giờ mầy cứ nghĩ tầm bậy, xui cái gì? Mình mà thua Tân Lập hả? Cá hôn, tao nói mình ăn họ ít nhứt hai trái!
Như được bắt trớn, cả bọn nhao nhao bàn cãi, quên cả đường xa. Hết chuyện của mình, bọn nhỏ lại bắt sang chuyện tranh tài quốc tế giữa các đội banh Việt Nam và Trung Hoa vừa rồi. Tuy chỉ được đọc báo, hay nghe tường thuật qua ra-dô, nhưng đứa nào cũng làm như thấy tận mắt các trận đấu. Mỗi đứa nhắc lại một pha “dàn xếp” thật tuyệt của đội Việt Nam , và chê đội khách rậm rề. Những Rạng, Đực Hai, Ngôn, Thuận, Vinh, Ngầu, Tam Lang… được chúng yêu nể, tôn hẳn lên ngôi thần tượng. Chẳng rõ các cầu thủ tài danh đó có bao giờ biết cho rằng, ở những miệt quê xa xôi như nơi đây, có những đứa trẻ chưa hề thấy mặt mũi mình, lại ngưỡng mộ mình tới mức đó không?
Trong khi bạn bè tranh luận cười giỡn, Tha ngồi im ở một góc. Nhưng trí cậu lại làm việc rất lung. Cậu cũng nghĩ tới trận Việt Nam thắng Trung Hoa mấy quả hôm trước. Tự nhiên trong chuyến đi đấu giao hữu với đội banh xã bạn nầy, cậu tự cho đội mình như đội Việt Nam , đội kia như đội Trung Hoa vậy. Và như thế, hôm nọ đội Việt Nam “làm tình làm tội” đội Trung Hoa Quốc Gia, thì hôm nay, đội thiếu niên Dưỡng Điềm phải làm hơn đội Tân Lập mới được!
Song, Tha còn có một chuyện khác để nghĩ, để suy tính. Cậu nhớ buổi chiều hôm qua xuống bếp xin phép bà già:
- Má, ngày mai cho con theo hội banh đi Tân Lập đá giao hữu nghen!
Thím Tư An, má cậu, quay lại:
- Tân Lập hả?
- Dạ.
- Đi mấy đứa?
- Thì cũng như thường khi, đi cả hội mười một đứa do ông bầu Tám Thanh hướng dẫn. Con xin phép má trước vậy thôi, một lát thế nào ông Tám cũng tới nói với ba má.
- Đi thì đi, nhưng phải cẩn thận. Đá banh có cái gì hay mà sao tụi bây ưa quá vậy hổng biết nữa!
Im lặng, hơi ngần ngại một chút, rồi Tha hỏi:
- Má nè, hình như Tân Lập là “quê nội ruột” của con hả má?
Thím Tư An gật đầu:
- Ừa.
- Con muốn nhân chuyến đi nầy thử tìm thăm mấy người bà con bên nội, được hôn má?
Thím Tư An nhìn con, nhíu mày không đáp.
Tha nói:
- Từ hồi con có “ba mới”, lâu lắm má không về Tân Lập. Con biết má ngại bà con bên nội con nói nầy nói kia, Má đừng lo, chuyến nầy tìm thăm bà con, con sẽ làm cho mọi người ở đó hiểu má, nhìn nhận cái phải của má! Con bây giờ kể cũng lớn rồi, con biết nhận xét. Con thiệt tình nói với má nghe: Chuyện má bằng lòng cùng ba ghẻ con chung sống, sau khi ba ruột con mất một thời gian lâu, là hợp lý, là một điều thiệt tốt đẹp. Bởi vì má coi đó, ba ghẻ của con đã đem đến hạnh phúc cho má, đã thương con không khác các em con sau nầy. Có ba ghẻ con, gia đình mình hoàn toàn êm ấm. Thiệt ra con không muốn nhắc tới hai tiếng ba ghẻ. Con chỉ muốn kêu một tiếng ba, ba!…
Tha vừa dứt lời, bỗng một bàn tay vỗ nhẹ lên vai cậu. Chú Tư An đứng ở phía sau, âu yếm nhìn Tha:
- Cám ơn con đã có ý tốt đối với ba. Thiệt thì ba thương con phần lớn cũng vì con là một đứa trẻ ngoan, ngoan thiệt ngoan đó!
Quay sang vợ, chú bảo:
- Để cho con nó đi tìm thăm bà con bên nội của nó đi mình. “Lá rụng về cội”, dù sao thì cũng phải để nó biết bên nội nó chớ!
Nhớ đến đó, Tha bỗng nghe thương kính người cha ghẻ rộng lượng đầy lòng nhân ái của mình vô cùng.
Cậu móc bóp xem lại một bức hình thật cũ chụp chung hai người đàn ông đứng cạnh một chậu kiểng. Bức hình nước thuốc đã hơi mờ, nhiều chỗ tróc ra lốm đốm trắng. May mà mặt hai người trong hình còn rõ lắm. Theo lời má Tha cho biết lúc trao ảnh cho cậu, thì người trẻ hơn đứng bên trái là cha ruột cậu, người kia là bác hai cậu, người bác ngày trước thương ba má cậu lắm. Tha nhất định sau trận đấu bóng tròn, sẽ ở lại Tân Lập một buổi, đi tìm cho ra người bác đó. Cậu không quên lời dặn của thím Tư An:
- Vô làng con cứ hỏi thăm bác Hai Thuận, chắc là người ta sẽ biết, chỉ nhà cho con.
Xe đã tới chợ Tân Lập. Đây là một xã lớn, nhà cửa san sát, dân cư đông đúc hơn cả xã Dưỡng Điềm của Tha.
Đã có hẹn trước, xe lam của bọn Tha vừa dừng lại, một tốp người lớn lẫn con nít tiến lại đón, hướng dẫn đoàn cầu khách tới sân vận động xã, cách chợ cũng chẳng bao xa.
Sân banh ở đây khá rộng và bằng phẳng. Hai đầu sân có hai khuôn thành, nhưng chỉ làm như hai cái cổng, không có cây chống ở phía sau, không như các khuôn gỗ của một sân bóng tròn đúng cách. Đã vậy, một khuôn gỗ lại mất cả sà ngang, chỉ còn có hai cây trụ. Lưới bọc khuôn gỗ dĩ nhiên là chẳng có rồi.
Tuy thế, ông Tám Thanh và bọn Tha cũng chẳng có gì không bằng lòng. Sân banh Dưỡng Điềm còn tệ hơn nữa kia: đất ruộng nứt nẻ, nhiều khi chạy sụp lỗ chân trâu, cầu thủ trẹo cả giò!
Đội túc cầu của ông Tám Thanh là một đội có tiếng, từng đoạt giải vô địch thiếu niên toàn tỉnh, nên trận đấu hôm nay thu hút khá đông khán giả. Sân không có khán đài, khán giả gồm toàn đàn ông con trai, trẻ nít, ngồi vây quanh sân. Có mấy đứa chăn trâu cho trâu gặm cỏ cạnh sân, ngồi chễm chệ trên lưng mấy con vật, dự khán.
Khi bọn Tha vào sân, khán giả cùng chú mục nhìn, tụi con nít thì chạy sát theo như lạ lắm. Tự nhiên đám cầu thủ be bé Dưỡng Điềm tự thấy quan trọng hẳn lên, không khỏi thích thú thầm.
Sau một lúc nghỉ ngơi, và các nhà dìu dắt bàn lại giờ giấc điều lệ xong, các đội thay áo quần ra sân. Đội Dưỡng Điềm chỉ mặc áo thun trắng thường, trừ thằng thủ môn mặc áo xám, loại áo ấm rẻ tiền. Đội Tân Lập sang hơn, “điều” đâu được trọn bộ mai-dô xanh tươi sọc trắng, nhưng đã hơi cũ. Tức cười nhất là chiếc áo của anh trung ứng mang số 5 bị lủng một lỗ khá to giữa bụng, bày cả rún ra. Cả hai đội đều chân không, hay nói theo bọn Tha là mang giày da người.
Đám thiếu niên Dưỡng Điềm nhỏ hơn nhưng đồng đều. Đám Tân Lập có lớn có nhỏ.
Bắt thăm chọn sân, Tân Lập thuộc phần sân có khuôn gỗ mất sà ngang.
Hai đội đã dàn trận. Không cần chiến thuật “đúp em”, 4-2-4 hoặc “bê tông cốt sắt” gì ráo, bên nào cũng như bên nào, cầu thủ tự động sắp xếp theo lối cổ điển quen thuộc. Ông Tám Thanh đứng dựa khuôn gỗ bên đội của mình, nhìn soát lại đám cầu thủ con cưng: Thủ thành có Phước. Hậu vệ Bổn và Định. Tiếp ứng có Chay, Nghiệp, Thệ. Hàng tiền đạo: hữu biên Kiệt, hữu nội Tươi, trung phong Tha, tả nội Đông và tả biên Tạo. Không một cầu thủ phòng hờ, nếu rủi có đứa trật chân thì đành còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu.
Tuy lúc nào cũng tin tài nghệ của “đám gà nhà”, ông Tám Thanh vẫn không khỏi hồi hộp. Trước đó, ông đã dặn từng đứa:
- Người ta lớn hơn, đừng có ham lừa. Phải đá mau, đưa banh ngắn, nghe không!
Tiếng còi trọng tài đã ré lên. Tân Lập giao banh trước. Anh trung phong số 9 tạt banh xéo ngang cho hữu nội số 10. Anh nầy dẫn banh xuống. Đông nhảy tới chận, nhưng bị lừa qua mặt dễ dàng. Ngũ phong Tân Lập chưa chi đã làm dữ, kéo rốc xuống. Hàng hậu vệ lẫn tiếp ứng Dưỡng Điềm bối rối. Nghiệp cố bám theo một địch thủ đang dẫn banh. Nhưng anh nầy đã giao banh cho một đồng đội khác. Định lên truy cản. Bổn lui xuống đứng án bớt một góc khuôn thành. Phước đã khom người chuẩn bị…
Khán giả ủng hộ đội nhà cổ võ la ó rần rần. Mới ở phút đầu trận đấu đã gây hào hứng.
Quả da đang tới ngang cánh trái vùng cấm địa Dưỡng Điềm. Anh cầu thủ có banh tạt sà vào giữa. Tả nội Tân Lập tiếp luôn một cú sút búa bổ. Quả da xé gió bay vào khuôn thành. Phước bay ra đón, hụt! Nhưng may quá, Bổn ở phía sau đã kịp dùng vế đỡ banh ra. Phước nhào lại quả da lần thứ hai, bắt dính.
Khán giả ồ lên tiếc rẻ. Ông Tám Thanh quát:
- Bình tĩnh lại, tụi bây!
Phước nhồi quả da, nhìn các đồng đội rồi đá mạnh lên cho Kiệt. Kiệt chận gắn, giao ngay cho Tươi. Tới phiên Dưỡng Điềm tấn công trả đũa.
Tươi gạt qua một đối thủ, chẹt cho Đông. Đông giao Tạo. Hai đứa chạy song song. Hậu vệ Tân Lập ào ra, Tạo trả cho Đông lại. Không chần chờ nữa, Đông sút mạnh. Quả bóng đi hơi cao, xẹt vào giữa hai trụ thành không có sà ngang. Thủ môn Tân Lập nhảy lên chụp trễ.
Bọn Tha đồng loạt la lớn:
- Vô! Vô!
Nhưng trọng tài khoát tay, lắc đầu. Ông Tám Thanh hối hả chạy ra hỏi:
- Bộ hổng vô sao?
- Banh đi cao quá sà ngang!
Ông Tám Thanh giơ hai tay lên trời tỏ ý bất bình: Cái sà ngang tưởng tượng đã được trọng tài cho hạ thấp xuống!
Trận đấu tiếp tục. Bị xử mất thắng một quả quá ức, nhưng đám thiếu niên Dưỡng Điềm đã lên tinh thần. Tất cả không để cho địch còn dịp tốt gây rối trước cửa thành mình. Phước trở nên rảnh rang, ngồi làm khán giả. Ngược lại, thủ môn, hậu vệ bên kia làm việc trối chết trước cái mũi dùi của đội khách. Hàng tiếp ứng, tiền đạo phải lui về phụ giải vây. Thỉnh thoảng cũng có một lúc Tân Lập vùng lên thoát xuống, nhưng đều bị chận đứng. Hai đội như chỉ chơi ở hai phần ba sân phía bên đội chủ.
Ông Tám Thanh đã cười ha hả, la hét khoái trá.
Rồi chuyện phải đến không tránh được. Liên tiếp, trung phong Tha ốm sút thắng hai bàn. Hiệp nhứt mãn trong sự hậm hực của đội thua.
Tái đấu, vẫn không thay đổi cuộc diện, tuy có đổi phần sân. Tha vẫn là mũi tên vàng bên cạnh các bạn đứa nào chơi cũng xuất sắc. Thêm một lần nữa, Tha ghi cho đội nhà bàn thứ ba. Tỉ số khó gỡ, nhứt là đã gần mãn trận, cầu thủ Tân lập nhiều anh nổi nóng. Và tất cả như chỉ cố tình kềm chế Tha.
Còn năm phút nữa mãn trận, Tha – lại Tha – nhận được banh do Nghiệp phóng lên. Cậu chận lại, lừa banh xuống. Quả da như bám theo bước chân chạy gấp của Tha. “Vẽ” qua một đối thủ nữa, cậu sắp sửa sút “búa đồng”. Thình lình, một hậu vệ Tân Lập nhào tới đạp mạnh vào ống quyển Tha. Cậu thét to, ngã nhào xuống sân cỏ, ôm chân đau đớn.
- Ê chơi xấu!
- Chơi xấu!
Ông Tám Thanh và đám bạn của Tha la lên, chạy lại. Khán giả tuy theo phe đội nhà cũng bất bình tràn vào sân, vây quanh chỗ Tha lăn lộn.
Ông Tám Thanh vẹt đám đông, nhảy vào toan đỡ Tha dậy, thì nhanh hơn, một người đàn ông đã tiến tới ôm lấy chân Tha, xoa nắn, xem xét. Ông ta nói lớn:
- Không sao, không đến nỗi gãy! Ai có dầu cù là hôn, cho tôi mượn!
Trong đám khán giả, một người lật đật móc túi lấy ra một chai Nhị Thiên Đường:
- Thoa đỡ cái nầy đi!
Ông Tám Thanh đỡ vai Tha:
- Tha, thấy làm sao? Mầy có gì là tao ăn thua đủ với cái thằng nọ!
Tha:
- Đau lắm, nhưng chắc không sao đâu ông Tám!
Người đàn ông săn sóc Tha hỏi ông Tám Thanh:
- Ông anh là ông bầu của đội Dưỡng Điềm?
- Phải. Tôi không dè anh em Tân Lập chơi xấu như vậy!
- Ông anh hãy trách mắng riêng cái thằng Trời đánh chơi xấu em nầy, hay trách mắng ngay tôi nè! Tôi là ba nó đó! Tôi cũng hết sức tức giận trước hành động của thằng con. Tôi xin lỗi ông anh, xin lỗi em!
Vừa nói, người đàn ông vừa vỗ vai Tha, tỏ ra rất lấy làm tiếc. Tha nhìn ông thông cảm, và sẵn sàng bỏ qua. Bỗng, cậu vụt khám phá ra một cái gì thật bất ngờ. Cậu hỏi:
- Xin lỗi bác, bác có phải là bác Hai Thuận không?
Ông nọ ngạc nhiên:
- Ủa, đúng rồi, sao em biết qua?
Như quên cả đau, Tha vụt nhổm dậy, nắm lấy tay ông kêu lên xúc động:
- Bác Hai! Con là con của Ba Thiết cháu ruột của bác nè!
Ông nọ đúng là ông Hai Thuận. Ông sững sờ:
- Em nói sao?
Tha gọi một đứa bạn, nhờ đem lại giùm cái quần dài mặc ngoài của mình, và rút bóp lấy tấm hình cũ kỹ làm tín vật đưa cho ông bác coi.
Xem hình, ông Hai Thuận vụt ôm đầu Tha nhìn trân trối, rồi run giọng bảo:
- Trời, đúng là cháu tôi rồi!
Đoạn ông quay ra phía ngoài đám đông gọi lớn:
- Thằng Hùng đâu, lại đây mau tao bảo!
Anh cầu thủ chơi xấu Tha ban nãy rụt rè bước vào. Bác Hai Thuận trỏ Tha, hỏi:
- Mầy có biết thằng nầy là ai không? Em chú bác ruột của mầy đó! Quỷ thần ơi, anh em mà chơi xấu, đạp lọi giò nhau!
Hùng ngẩn ra chẳng biết nói gì. Bác Hai Thuận nạt:
- Mầy còn chưa lại xin lỗi, nhìn thằng em của mầy nữa sao? Coi chừng đó, về nhà biết tay tao!
Hùng tiến lại, ngồi xuống, vỗ nhẹ chân Tha:
- Xin lỗi bồ, bồ có đau lắm không? Phải tôi biết bồ là anh em bà con ruột thịt thì tôi đâu có làm bậy vậy!
Tha cười:
- Thôi hổng sao đâu anh! Nhưng có điều… tại sao mình không thể xem nhau như anh em, khi chưa biết nhau là anh em, hay khi không phải là anh em?
Hùng lặng thinh cúi đầu…
Trận banh kể đã kết thúc. Khán giả tản mác ra về lần.
NGUYỄN VĂN NGHỆ
_________________
(1) Xin bịa một tên xã để tránh hiểu lầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét