Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Nến Trời Ai Thắp - NGUYỄN PHƯỚC TIỂU DI

Ngôi nhà thường ngày em vẫn thấy, tường cao, vôi trắng, sân đá cuội và những khóm hoa vàng chạy dọc theo con đường uốn khúc, những đóa hoa cọng dài mong manh dễ thương kinh khủng. Trong nhà cũng có một cô bé dễ thương không kém, nghe Đường Thu nói cô bé tên Trâm, Hồ Trâm. Gởi chiếc xe đạp nhỏ ở nhà người bạn, em đi bộ đến đây, con đường tối với hai hàng cây lộng gió, chiếc khăn quàng trên cổ em bay bay, chiếc mũ chóp có những tua ngũ sắc ngộ nghĩnh và những vòng lục lạc leng keng theo bước chân em, chỉ thay bộ pan này bằng một chiếc xà rông là em giống hệt cô công chúa Jarai trong ngày đại hội. Giáng Sinh, tiếng nhạc như tỏa từ trên hàng cây rơi xuống êm đềm. Em nhón chân nhìn qua cánh cổng, những hoa vàng trong đêm rủ xuống, ngủ yên. Cửa khóa, em nhớ rồi, chỗ tường trống em và Đường Thu vẫn chui vào hái trộm hoa. Men theo con đường cuội xám, em bước lên những tam cấp cao, hương Ngọc Lan thoang thoảng đâu đây, em gõ nhẹ vào cánh cửa gỗ nâu, tiếng vang nhỏ và trầm không gọi nổi người nghe. Em kêu nhỏ:
- “Hồ Trâm”.
Căn phòng khách tối khiến em không nhìn rõ bên trong, chỉ nghe tiếng Hồ Trâm:
- “Ai đó?”
Đèn bật sáng cho thấy cái dáng gầy gầy của Hồ Trâm trong chiếc xe lăn, em ra dấu cho Hồ Trâm thấy:
- “Du đây, Tiên Du đây”.
Bên trong cánh cửa, đôi mắt Hồ Trâm nhíu lại, cái nhìn có vẻ dò hỏi và xa lạ:
- “Tiên Du nào cơ?”
Em áp má vào khung cửa gương lạnh ngắt, đùa:
- “Mở cửa vào rồi nói, ngoài này lạnh lắm, Trâm”.
Hồ Trâm cười, có lẽ cô bé nhìn thấy vài nét quen quen nào đó, nơi em:
- “Đúng rồi, Tiên Du đi học ngang đây hoài phải không?”
Em gật đầu:
- “Đi ngang và trộm hoa nữa. Vườn hoa nhà Trâm đẹp nhất Nha Trang”.
Hồ Trâm chỉ ghế cho em ngồi, lên tiếng:
- “Tiên Du đi chơi hở?”
- “Du đến chơi với Hồ Trâm. Du biết cả nhà đi lễ, Hồ Trâm ở nhà một mình buồn dữ lắm”.
Hồ Trâm nắm tay em:
- “Tiên Du không đi lễ sao?”
- “Không, Du không có đạo. Nhưng Du cũng thích vào nhà thờ ; đông và vui lắm”.
Đôi mắt Hồ Trâm tối lại, em đưa chiếc mũ chóp và vòng lục lạc ra trước mặt:
- “Ở đâu vậy Tiên Du?”
- “Mua đó, họ bán nhiều ghê. Trâm thích không?”
- “Xinh quá hở? Nhưng… để làm gì?”
Em hớn hở:
- “Để mang vào cổ tay hoặc chân, lúc đi chạy nó kêu leng keng ngộ lắm”.
Em chợt khựng lại khi nhìn Hồ Trâm, từng tiếng nói thốt ra khó khăn:
- “Hay Hồ Trâm mang vào cổ con mèo cũng được, nó khỏi chạy lạc, Trâm à!”
- “Cám ơn Tiên Du.”
Mân mê thanh sắt lạnh ngắt trước mặt Hồ Trâm, em cố kể chuyện cho Hồ Trâm vui:
- “Hồ Trâm có biết Đường Thu không nhỉ? Cô bé vẫn đi chung với Tiên Du đó.”
- “Cô bé có chiếc cady màu huyết dụ chứ gì?”
- “Ờ, Hồ Trâm rành ghê.”
Hồ Trâm cười buồn:
- “Ở đây mãi Hồ Trâm biết hết những khuôn mặt quen thuộc của trường Sacré-Coeur đó.”
- “Tụi bạn Tiên Du cũng biết Hồ Trâm nữa.”
Đôi mắt Hồ Trâm tròn lên:
- “Ai cơ?”
- “Thì Đường Thu nè, Hòa nè, Nguyện nè, Phi nè, cả… Tiên Du nữa.”
Hồ Trâm reo lên:
- “Hồ Trâm biết Nguyện rồi, Nguyện là cô bé tóc bím và ôm chiếc cặp có hình mấy trái táo chứ gì?”
- “Ừ, Nguyện là hoa khôi của lớp Tiên Du đó.”
- “Còn Tiên Du, Tiên Du là gì?”
- “Tiên Du là con nhỏ nghịch nhất lớp.”
Hồ Trâm lắc đầu nghịch ngợm:
- “Không tin, Tiên Du là… “
- “Là gì cơ?”
- “Là cô Poupée xinh. Không, Tiên Du là thiên thần nhỏ.”
Em giữ nụ cười trên môi:
- “Dữ vậy?”
Hồ Trâm thành khẩn:
- “Khi hồi Trâm ngồi một mình tự nhiên Trâm nghĩ rằng đêm nay Chúa sẽ sai các thiên thần xuống thế, ban niềm vui cho mọi người, nhất là… Hồ Trâm nghĩ rằng Chúa thương Trâm lắm, con chiên nhỏ không đủ sức đến quỳ bên chân Chúa, nhưng Chúa vẫn biết… Rồi Tiên Du đến, Trâm không ngạc nhiên chút nào. Chúa thương Hồ Trâm lắm, phải không Tiên Du?”
- “Ừ, Chúa thương Hồ Trâm lắm.”
Khuôn mặt Hồ Trâm rạng rỡ, em tiếp:
- “Bây giờ mình đi chơi nghe Hồ Trâm.”
Hồ Trâm ngạc nhiên:
- “Đi chơi? Hồ Trâm ngại lắm.”
Em dỗ:
- “Không sao đâu, có Tiên Du mà.”
- “Khi hồi Trâm vừa từ chối đi với gia đình nhưng chắc Trâm sẽ đi với Tiên Du.”
Em reo lên:
- “Nhất Hồ Trâm rồi. Bây giờ Tiên Du dìu Trâm xuống tam cấp nha.”
- “Đừng, đi cửa sau xuôi hơn.”
Hồ Trâm lăn xe xuống, em khóa cửa phòng:
- “Chìa khóa cổng đâu Trâm?”
- “Trong hộp thư.”
- “Thôi mình đi.”
Em tháo chiếc Foulard choàng cho Hồ Trâm:
- “Ngoài đường lạnh quá, Trâm hở?”
Hồ Trâm gật đầu, con đường thênh thang dẫn vào phố đông. Hồ Trâm nhìn em:
- “Vui quá, chưa đến giờ lễ sao mà phố còn người đông vậy Tiên Du?”
Em nhìn đồng hồ:
- “Còn nửa tiếng, tí nữa Hồ Trâm đi lễ không?”
Hồ Trâm lắc đầu:
- “Trâm nhìn vào thôi, rồi về.”
- “Cũng được.”
Bên kia đường, tụi bạn đưa tay vẫy em. Định trốn nhưng tụi nó ùa qua, Đường Thu chỉ:
- “Anh Huy kìa Tiên Du.”
Anh Huy cũng ngừng xe lại, đám bạn vây quanh em và Hồ Trâm:
- “Tiên Du định trốn há!”
- “Đâu có.”
Đường Thu cười:
- “Hồ Trâm phải không? Tối nay Hồ Trâm bắt cóc Tiên Du của tụi này.”
Hồ Trâm chớp mắt:
- “Tiên Du rủ Trâm đi.”
Nguyện lên tiếng:
- “Bây giờ tụi mình đi đâu?”
Em nói:
- “Hồ Trâm đề nghị đi vòng vòng chơi.”
Đường Thu kêu lên:
- “Mỏi chân chết.”
Em nhìn anh Huy, xúi dại:
- “Tối nay ba ở nhà. Anh Huy về mượn xe ba đi.”
Phi reo lên:
- “Ý kiến hay. Tụi mình sẽ đi tuốt lên Đà Lạt hái Anh Đào.”
Đường Thu:
- “Lên tận thiên đàng luôn.”
Hồ Trâm tròn mắt:
- “Để làm chi?”
- “Làm những cô thiên thần nhỏ.”
Hồ Trâm nhìn Đường Thu, nhỏ nhẹ:
- “Không cần phải lên thiên đàng, học trò ở Sacré-Coeur đều là những cô thiên thần nhỏ.”
Anh Huy lên tiếng xí phần:
- “Còn anh nữa chi.”
- “Anh hở? Anh là ông Noel”.
Em đùa, vì chiếc mũ hóa trang của anh Huy giống chiếc mũ của ông già Noel kinh khủng. Và theo đúng truyền thống hào hoa của ông Noel, anh Huy lôi một nắm kẹo bạc từ trong túi ra chia đều, em nhìn thấy trong đôi mắt Hồ Trâm rạng rỡ những ngọn nến trời ai thắp. 

 Gởi những mùa Giáng sinh còn đủ bạn bè  
Nguyễn Phước Tiểu Di           
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 229, ra ngày 1-12-1974)


Bác Thông và Tơ Nhện mùa GIÁNG SINH - HOA CHÂU THỔ

TRUYỆN KỂ ĐÊM ĐÔNG



Mùa Đông năm ấy trở về với từng cơn gió lạnh rì rào trên khu rừng rậm rạp. Gió nhiều, tuyết phủ đầy mặt đất khiến chú chim Sâu gẫy mất một cánh, chú loạng choạng lê chiếc cánh còn lại bay tìm chỗ trú ẩn cho ấm áp. Mắt nhìn dáo dác chú bỗng mừng rỡ khi thấy khu rừng trước mặt. Chú tưởng tượng cảnh ấm cúng khi nấp mình dưới bác cây đầy lá rậm và chú đã bay tới bìa rừng. Bác cây chú gặp đầu tiên là một cây Phong, áo bạc lấp lánh:

- Bác Phong ơi! Bác có thể cho cháu sống trong các cành lá của bác suốt mùa Đông giá lạnh này không?

- Ha, ha, mi có điên không? Ta chưa săn sóc, che chở cho các  cành của ta, mà còn che chở cho mày sao được. Đi chỗ khác!

Chú chim Sâu buồn bã cố gắng lê bước đến một cây khác. Đây là bác Sồi to lớn, nhưng nỗi vui mừng vừa đến thì bác Sồi đã cất tiếng đuổi chim Sâu ngay lập tức. Lại cố gắng chú chim Sâu vỗ cánh gãy bay đến bác Liễu đang ngắm bóng bên sông. Cũng như hai lần trước, bác Liễu kiêu kỳ sỉ vả mắng nhiếc chim Sâu thậm tệ. Không biết hỏi ai nữa, chim Sâu hoàn toàn thất vọng không biết đi đâu bây giờ. Bỗng nhiên bác Thông già trông thấy chú ta đang ủ rũ dưới mô tuyết lạnh, bác dịu dàng hỏi : “Đi đâu đó, chú chim Sâu kia?”

- Cháu cũng không biết nữa, không ai cho cháu nương náu. Mà cháu lại không thể bay xa hơn với chiếc cánh gãy này.

- Tội nghiệp! Lại đây chú bé, chú cứ lựa lấy cành nào chú thích mà trú ẩn. Này, có lẽ cành bên phải của tôi ấm nhất đấy!

Chú chim Sâu lắp bắp cám ơn bác Thông:

- Cháu cảm ơn bác nhiều lắm, nhưng cháu có thể ở đây suốt mùa được không?

- Vâng, cháu cứ tự nhiên, ở suốt bốn mùa cũng được.

Và chú chim an tâm trong khi bác Thông già hiền từ mỉm cười với chú chim Sâu.

Các bác cây khác thấy thế cùng nhau chế riễu bác Thông. Rồi một đêm tối tăm, lạnh lẽo, Gió Bấc đến viếng khu rừng này, hắn thổi những luồng hơi lạnh buốt vào các cành cây khiến lá rơi lả tả. Hắn muốn cho cả khu rừng trụi lá vì đó là trò chơi hắn thích nhất. Hắn hỏi Vua Gió:

- Con có thể thổi vào bất cứ cây nào phải không cha?

- Ồ! Tùy ý con, nhưng phải trừ những cây nào có lòng tử tế cho chú chim Sâu tàn tật ẩn náu.

Thế là từ đó, dưới làn hơi Gió Bấc, cả khu rừng đều trụi lá trừ bác Thông già. Và cho đến bây giờ con cháu của cây Thông vẫn giữ nguyên lá suốt mùa đông. Và trong đêm Giáng Sinh, cây thông được trang trí trong nhà, ai cũng chiêm ngưỡng được dung nhan của cây Thông hướng thượng, chỉ có lũ Nhện là không thấy gì mới lạ trong nhà. Ở mãi trên gác, chán lắm, chúng bèn dẫn nhau đến xin Chúa Hài Đồng cho lại gần để ngắm cây Giáng Sinh. Thấy chúng năn nỉ quá, Chúa bèn cho phép chúng xem cây Noel lúc mọi người đi lễ.

Tối đến dân Nhện theo thứ tự, từ nhỏ đến lớn, từ Nhện mới sinh đến Nhện lão ông cùng nhau trèo lên cây Noel. Trước mắt dân Nhện, một vẻ đẹp quá sức tưởng tượng của cây Noel. Bởi vậy chúng leo lên, leo xuống, leo ngang, leo dọc trên thân, trên cành. Xem đã rồi chúng im lặng trở về gác nhỏ của chúng.

Đến nửa đêm, Chúa Hài Đồng hiện xuống chúc lành cho cây Thông và phát quà cho trẻ ngoan. Trước cây Thông, Chúa thấy toàn là màng nhện phủ đầy các cành Thông. Chúa chạm khẽ ngón tay vào cây, tức khắc các màng nhện hóa ra óng ánh như bằng vàng. Đẹp biết bao!

Cũng từ đấy, thói quen giăng dây kim tuyến trên cây thông Noel được bắt đầu, cũng là nhờ cuộc viếng thăm của dân Nhện đấy!


HOA CHÂU THỔ        
(kể theo truyện ngoại quốc)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 117, số đặc biệt Giáng Sinh, ra ngày 19-12-1973)

Noel và cô bé - ĐÔNG THI





Đêm Noel! Đêm Noel!
Giáng Sinh về nơi ngôi nhà đỏ

Nho nhỏ nho nhỏ
Hang cỏ Chúa hài đồng

 Lung linh lung linh
Ánh nến soi hồng đôi má

 Lấp lánh lấp lánh
Trái châu vàng lẩn lá thông xanh

 Leng keng leng keng
Đám phong linh thoảng kêu trong gió

 Đo đỏ đo đỏ
Hàng dây kim tuyến mắc quanh phòng

 Hồng hồng hồng hồng
Tấm áo quàng thân cô bé

 Khe khẽ khe khẽ
Cô bé đặt giầy dưới góc giường.

                                               ĐÔNG THI
                                           (trung học Hưng Đạo Sàigòn)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 117, số đặc biệt Giáng Sinh, ra ngày 19-12-1973)

Tranh bìa của Vi Vi : Quà Giáng Sinh

Phỏng Vấn Ông Già Noël - THU HẰNG



Hình ảnh một ông già râu bạc với nụ cười rạng rỡ bất tuyệt, áo đỏ viền lông Trắng, chân đi bốt cao và, trên lưng, luôn luôn chĩu nặng một túi đồ chơi… đã hầu như không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh… Đó là Ông Già Noël.
Vâng! Ông Già Noël, Ông là ai?
Chúng tôi xin phép Tạp chí THỜI NAY đăng lại bài phỏng vấn kỳ lạ dưới đây của tác giả THU HẰNG để độc giả TUỔI HOA hiểu rõ hơn về nhân vật nửa tiên nửa tục này, hàng năm vẫn trung thành mang nguồn vui và niềm hy vọng đến cho hàng triệu trái tim hồng khắp thế giới…
- Ông là ai, từ đâu đến?
- Khó mà nói cho rõ ràng được. Bởi vì ông ở trong cổ tích và chuyện xưa. Ngay nhiều nhà học giả cũng nhầm lẫn bộ tịch của ông. Có người bảo ông là con cháu của một họ thiêng dòng Gô-loa. Có người lại bảo ông là thần khổng lồ Gar-gan thời trung cổ mà văn hào Pháp Rabelais đã phóng đại và bóp méo thành nhân vật Gargantua
Ông tin rằng trong người ông còn trộn lẫn những nhân vật ca dao và là một phúc thần có dính dáng rất nhiều đến thần thoại thánh Nicolas. Chính ở miền Bắc nước Pháp và miệt Trung Âu, người ta vẫn gọi ông bằng tên ông thánh ấy.
- Nhưng làm thế nào ông đi từ chuyện thần thoại sang chuyện có thật được?
- Chuyện kể cũng hơi ly kỳ thật đấy. Cách đây 70 năm, ông vẫn còn trong các giai thoại. Thế rồi tháng chạp đến với những buổi tối dài đăng đẳng, người ta thường kể chuyện ông bên củi thông bốc cháy. Những trẻ con như các con vậy, lấy làm thích thú, cho là chuyện quan trọng. Quên cả lo sợ những bước chân xa vắng vang trên con đường lạnh lẽo đêm khuya hay tiếng chó tru bên cánh rừng hoang. Ông trở thành nguồn hy vọng, và là ánh sáng trong đêm tối chực chờ mang đến những niềm vui. Ông mang lại lễ Giáng Sinh với những cây đèn nến và những vì sao, máng cỏ và cây thông. Ông hứa hẹn một bình minh với những trái cam đỏ ối, những hoa giấy bay xào xạc, và những tiếng reo mừng rỡ. Là người mang thư trong một buổi mai độc nhất ông đem lại sự ngạc nhiên cho các trẻ con dưới ống khói lò sưởi.
Bây giờ ông biến thành người thật. Bởi một nghịch thuyết dễ hiểu, người ta càng ít tin ông bao nhiêu thì các ông lại xuất hiện nhiều bấy nhiêu. Khi lòng không thể đem lại niềm vui trên ánh mắt thì chính những món đồ chơi nho nhỏ kia làm cho các con sung sướng. Ông già trong cổ tích đã biến thành một nhân viên quảng cáo. Là một kẻ dẫn đường. Cần gì phải tin khi đã thấy. Nhưng các con không còn cho những món đồ chơi mà các con thích là một ảo ảnh nữa. Các con không phải đợi những món ấy hiện ra trong xứ thần tiên, mà trái lại các con có quyền lựa chọn tự do trước mặt.
- Từ đâu nảy sanh ra cái ý nghĩ công khai ấy?
- Chính ở Anh người ta dùng ông già Noel bằng da bằng thịt. Ban đầu có thể vì mục đích quảng cáo nhưng người ta không thể nào bôi nhọ nhiệm vụ thiêng liêng của ông.
- Thế ông đại diện cho cái gì và vai trò ông như thế nào?
- Một vai trò, à! Vai trò của ông không thể nào rời khỏi ý niệm Noel được. Nhưng cái lễ này được xem như là ngày phát đồ chơi cho các con. Trong nhiệm vụ mới này ông biến thành người tục. Nhưng ông cải trang như thế có lẽ hay hơn. Ông là người biến mộng thành thực, nhưng chỉ là một kẻ tháp tùng theo buổi lễ, để làm cho các em vui. Vì thế ông phải khôi hài, làm những trò kỳ cục. Càng ngày đồ chơi càng có vẻ khoa học nên lòng dễ tin của các con bớt lần, và chỉ những em bé nhỏ mới tin các ông mà thôi.
- Ông vừa nói đến chuyện cải trang…
- Các con hiện thấy ông mặc áo đỏ đầu chụp mũ vải viền lông chồn… Đó là sai. Ông già Noel phải mặc đồ trắng, mũ trắng. Ở miền Provence (Pháp) còn giữ lệ cổ nên già Noel mặc trắng như tuyết. Đồ đỏ chỉ dành cho già Tháng Giêng thôi. Thỉnh thoảng các con thấy ông mang ủng bện bằng rơm. Đó chẳng qua để cho khỏi dơ áo dài khi mang những đồ chơi quăng vào lò sưởi. Các con nghĩ xem, ông thuê cái áo dài này 2.000 quan mỗi ngày. Các con cũng nên biết rằng lễ Noel, tưởng niệm ngày giáng sinh của Chúa Cứu Thế, chỉ cử hành vào ngày 25 tháng Chạp từ một ngàn sáu trăm ba mươi năm nay. Chính Đức Giáo Hoàng Jules I, năm 336, đã định ra ngày đó để tránh những buổi lễ của bọn tà giáo đặt vào tiết đông chí. Hãy tưởng tượng một ông già hơn 1.600 tuổi mà không râu thì thấy thế nào! Tuy nhiên râu của ông ngoài ra còn là dấu hiệu để chứng tỏ rằng đó là một người giàu kinh nghiệm, độ lượng, khôn ngoan và quảng đại.
- Công việc của ông gồm có những gì?
- Thay đổi tùy theo chỗ. Dọc đường ông có thể là người bạn hướng dẫn các con chụp hình. Trong các cửa hàng ông có thể là một nhân viên bưu điện để chuyển một bức thư xuyên hành tinh, là một người có đủ sức thực hiện ý muốn các con. Và bao nhiêu chuyện khác!
- Trẻ con bây giờ có khác trẻ con trước kia không?
- Có chứ! Bây giờ từ nhỏ chúng đã muốn làm người lớn, làm những công việc như người lớn. Đồ chơi càng ngày càng mất vẻ đồ chơi và biến thành đồ dùng. Xe lửa điện với đầy đủ tiện nghi, xe hơi toàn hảo, búp bê chỉ còn thiếu bộ óc nữa thôi, dụng cụ y tá, những món đồ gỗ xinh xắn y như thật… Hồi xưa đồ chơi làm sao bằng của các con bây giờ!
- Đồ chơi khoa học có làm mất vẻ thiêng liêng không?
- Người ta không thể chối bỏ tài bắt chước của trẻ con. Nhưng ông thấy những cậu mà cha mẹ làm nghề may vá, vẫn còn thích lượm vải vụn và ống chỉ để chơi.
- Ông nhận thấy nơi bọn bạn tí xíu của ông có những đặc tính gì?
- Trước hết, tự nhiên. Cũng không vòi vĩnh cho lắm.
- Hạng nào ông không ưa?
- Những hạng chỉ muốn xem ông già Noel là một kẻ bị phàm tục hóa, những hạng chỉ chực bóp nghẹt trí tưởng tượng của trẻ con, giết hại hy vọng và lý tưởng của chúng.
- Thế giới tân tiến ngày nay có còn thích hợp với ông già Noel nữa không?
- Sự thật hình như không. Không phải ông chỉ nghĩ rằng mấy kiến trúc sư đã cất nhà không ống khói, mỗi thời đại có mỗi ông già Noel riêng. Sự thật, điều mà ông tượng trưng rất có ích. Vả lại lòng từ thiện chưa dứt hẳn trong chúng ta.
- Người ta thường đặt ông câu hỏi nào nhiều nhất?
- Những trẻ con thích muốn biết tìm đồ chơi ở đâu, làm cách nào để có. Nhưng câu hỏi mà ông nghe nhiều nhất, và khốn khổ thay, ông không thể trả lời được là: “khi nào chúng tôi tìm được căn nhà cho thuê?”.
- Những gì khiến ông xúc động nhất?
- Nụ cười sung sướng của đứa bé nghĩ đến giấc mộng của mình và nụ cười buồn bã khi đứa bé mộng đến giấc mộng của mình!
- Ông thích làm việc ở chỗ nào?
- Bên cạnh cây Noel, bởi vì cây này đẹp và quí phái, không thể vắng mặt trong buổi lễ Giáng sinh. Các con nên biết rằng chính công chúa Hélène de Mekleurbourg, nữ quận công Orléans, đã bày ra cây Noel ở Ba lê năm 1840, nó vốn là cổ tục có từ lâu bên Đức. Tuy nhiên nó chỉ được phổ thông từ đệ II Đế chế, do nữ hoàng Eugénie. Một cây thông dù lớn dù nhỏ, nếu gắn đèn và hoa giấy, tự nhiên thấy vui mắt và khiến cho lòng thấy rộn rã…
- Cái gì dễ nhất đối với ông?
- Phát hiện niềm vui bất cứ lúc nào.
- Cái gì khó nhất?
- Dưới lớp cải trang, ông không thể thực hiện điều mình muốn cho mình như mình đã muốn cho người khác.
- Ông nghĩ sao khi hoàn thành sứ mạng?
- Nghĩ đến sự trái nghịch giữa hai cuộc sống.
- Trong “đời tư” ông làm gì?
- Công chức. Nhưng cũng có thể là thợ thuyền, săn bắn, hay “bảy nghề” như nhiều ông khác!
- Ông nhận thấy địa vị hiện thời ra sao?
- Như đi nghỉ mát vậy thôi. Trong một tháng làm ông già Noel, trẻ con nghĩ đến ông 24 ngày. Chúng chờ ông suốt một đêm, và 11 tháng sau đó chúng quên ông. Thời gian làm phúc thần rất là ngắn ngủi.
- Ông vẫn thường đọc sách chứ? Loại nào?
- Dĩ nhiên loại truyện Noel và nhiều loại sách khác. Nhiều khi ông cũng buồn khi thấy sách trẻ con càng ngày càng hiếm. Càng buồn hơn nữa khi thấy một số người lợi dụng nhu cầu trẻ con làm giàu túi tiền rồi còn đầu độc chúng nữa.
- Ông đọc cho các con nghe một câu thơ mà ông thích nhất đi!
- Hầu hết các câu thơ trong Thánh kinh ông đều thích.
- Những tiếng nào làm thâm tâm ông xúc động?
- Tự nhiên – Thật thà – Hăng hái – Giản dị.
- Ở đâu ông cảm thấy dễ chịu hơn hết?
- Bên cạnh những đứa bé còn tin Ông Già Noel.
- Và cảm thấy bối rối?
- Bên những tiếng cười chế nhạo của những kẻ tưởng rằng mình không còn dễ tin nữa.
- Ông yêu loài vật không?
- Lắm lắm. Thánh François d’Assise vẫn hằng khuyên chúng ta điều ấy.
- Hiện giờ ông ao ước điều chi?
- Hòa bình bao trùm khắp nhân loại và không có nạn chủng tộc phân chia.
THU HẰNG
(Trích Thời Nay số 54)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 215, ra ngày 15-12-1973)