Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Con Rươi - ĐẶNG HOÀNG


Rau Âm Phủ (1) nấu với Mũ Nàng Tiên (2)
Ngựa Ông Cai Biền (3) nấu với Ả Nàng Treo (4)

Câu ca dao trên chỉ về hai loại thức ăn đặc biệt của đồng bào miền Bắc : Canh Riêu và canh Rươi. Canh riêu thì ai cũng biết vì món chính là cua đồng hầu như nơi nào cũng có, vả lại không đến nỗi khó mua thành thử quá quen thuộc rồi khỏi bàn tới, nhưng ở đây điểm cần nhấn mạnh chính là khế chua. Canh riêu nêm với khế chua mới thật tuyệt vời, nên đã nếm qua một lần chắc khó quên. Thế còn canh rươi? Canh rươi nấu lẫn cải xanh thêm chút gừng, nước sẽ thơm lại ngọt bùi không chê vào đâu được, mà đã nhắc đến rươi tức là nói về một sản phẩm độc đáo mang hương vị đất Bắc, vì đây là con vật hiếm hoi bởi lẽ chúng chỉ xuất hiện từng mùa nhất định ở xứ này mà thôi.

Trong Vườn Trẻ - PHAN KHƯƠNG THÁI


Nếu không nhờ mấy trái khế chua khiêu khích vị giác, có lẽ Hiền chưa khám phá ra bọn trẻ. Mấy nhỏ bạn thiệt rắn mắt. Tụi nó kiếm đâu được một cành tre và một cọng kẽm. Nhỏ Liên uốn cọng kẽm và luồn vào cái bao nylon nhỏ, gắn vào đầu cành tre. Vậy là xong cái lồng hái khế dã chiến. Nhỏ Chính tay dài, có phận sự trổ tài. Hiền và nhỏ Liên canh chừng ông “Ba già”, ông giám thị khó tính. Nhỏ Chính dở ẹt, đụng rớt một trái chín vàng. Nhỏ Liên càu nhàu: 

- Thôi mày để con Hiền, mày mỏi tay rồi. 

- Nè, hái đi, coi run không cho biết. 

- Mày sợ roi mây của ông Ba già? 

- Còn lâu. Sợ bọn con trai ngó thấy, chọc tụi mình. 

Phiên Hiền cũng chẳng hơn gì. Một trái mọng nước (chắc ngọt lắm!!) vừa lọt lưới. Hiền nhoài mình ra bao lơn, tiếc rẻ. Trái khế dập nát dưới nền xi măng. Một cặp mắt đen láy ngó lên Hiền. Ồ không! 6, 7 cặp mắt, xinh ơi là xinh. Chúng đang nghịch những xô đựng cát. Một bé gái có hai cái bím chỉ vừa chấm vai ngoắc tay với Hiền. Hiền vẫy lại. Con bé lắc đầu. Hai cái bím tóc đong đưa. Bỗng một tiếng chuông điện reng dài. Bọn trẻ đứng dậy, phủi tay, ùa vào lớp học. Đồ chơi lổm cổm khắp sân. Hình như còn một con bé tóc hoe vàng vẫn ngồi trên ghế đu mút que kem. Một chị giúp việc thu dọn đống đồ chơi vứt bừa bãi. Chị đến đu lôi con bé. Con bé trừng mắt nhìn chị và hét lên. Chị chỉ cho con bé thấy cửa lớp vừa đóng. Con bé nguýt chị ta một cái và thản nhiên xích đu. Giờ chơi bên trường Hiền cũng đã hết theo tiếng reng. Nhỏ Chính nhắc Hiền mới nhớ. Nhỏ thoáng thấy bóng ông giám thị. Nhỏ Liên giấu biến cây lồng hái. 

Sở dĩ Hiền phân biệt trường Hiền và của bọn trẻ bởi vì trường Anh Văn kế bên đâu lưng với trường Hiền. Vườn trẻ Anh – Pháp là một phần của trường Anh Văn. Đa số bọn trẻ là con lai, chỉ một số ít là trẻ Việt và trẻ ngoại quốc. Hiền không rõ chúng có thuộc đủ mọi quốc tịch hay không? Hiền thèm được như bọn trẻ. Nghĩa là mãi nhỏ bé để chơi đùa, không một chút vướng bận với bài vở. Hình như bọn trẻ đang ồn ào trong giờ ra chơi kế tiếp. Chao ơi! Một buổi học ra chơi 2, 3 lần. 

Giờ chơi hôm nay, Hiền đợi mỏi mắt. Nhỏ Chính, nhỏ Liên đều nôn nao. Nhưng tụi nó chỉ nhớ mấy trái khế. Nhỏ Liên khoe với Hiền gói muối ớt đâm sẵn. Tụi nó quyết thanh toán mục tiêu. Riêng Hiền xin từ chối trước, không tham gia. Hiền sẽ làm quen với bọn trẻ. “Reng…” Hiền thở phào, cất vội tập vở chạy tuôn xuống thang lầu. Khuất sau chỗ để xe gắn máy có hai cổng cây. Từ đó Hiền dễ dàng quan sát sinh hoạt của bọn trẻ. 

Lâu ngày Hiền có thể đọc vanh vách tên bọn trẻ. Nhỏ Kim lai Đại Hàn có gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt một mí đen láy, nhút nhát trong mọi trò chơi. Nhỏ e dè với tất cả các bạn. Nhỏ tung quả banh sáu màu – mang theo từ nhà – một mình. Đôi lúc cô giáo Pháp hay chị giúp việc đến chuyền banh, nhỏ thích lắm và cười nắc nẻ. Hai anh em thằng Nam, Vũ láu cá nhất trong số hăm mấy đứa. Thằng Nam đá những cục gỗ đủ màu của thằng Danny. Nó gây sự với một đứa khác, chạy giựt tung thắt lưng áo đầm của bé Kim. Nó rút súng nước ra “Pang, Pang”, rồi vô cớ xiết cổ thằng My. Trong khi thằng Vũ thổi tu huýt giả vờ bắt anh nó để thừa cơ đạp tất cả đồ chơi của bạn khác trên đường nó chạy. Nam, Vũ giống nhau như đúc. Nhất là hai cặp mắt xanh. Có vài bé gái cũng chơi chạy đuổi. Nhưng cũng có vài bé gái cặp kè đi vòng trong sân ăn bánh, kẹo. Con bé Monique tóc hoe vàng ăn luôn mồm. Nó không thích vào lớp, không chơi với ai. Nó cũng chẳng sợ anh em thằng Nam, sẵn sàng mắng chửi bọn du côn này. Phải nói là bọn du côn vì có những 6, 7 đứa kỳ khôi. Con trai mà, chúng bày toàn trò nhiệt náo. Sáu, bảy đứa này coi như đầu mối của những giọt nước mắt và thưa gửi. Phải kể thằng Nam, Vũ, Hồng, Robert, René, William, Peter. Mỗi mình thằng Robert lai Mỹ đen là đủ sức vật lộn với thằng Nam, hay Vũ. À quên, còn hai chị em con bé sanh đôi Danna và Anna nữa chứ. Chạy mà đụng vào người hay xô đựng cát của chúng là sẽ có chuyện. Con Anna vén váy đầm lên, rút chiếc giày cao gót phang liền. Hiền quên tả bộ dạng chị em nhỏ này. Chúng thật là dị hợm. Cứ thỉnh thoảng Hiền thấy chúng mặc “jupe” người lớn, đi giày hay guốc cao gót. Chân chúng nhỏ xíu, lọt tuốt xuống mũi giày. Cái gót cao lêu khêu không thể làm chúng té. Có lẽ chúng được cưng chiều dữ lắm. Sáng nào khi ba mẹ chúng đi vắng, chị người làm phải dỗ bằng cách cho chúng mặc đồ “đẹp”, chúng mới chịu lên xe đưa rước tới trường. 

Nhỏ Aicho người Nhật, với mái tóc bum bê ụp gọn gương mặt tròn trịa. Nhỏ hay che cái dù con lợp bằng thứ vải may áo Kimono. Hiền thích nghe nhỏ hát, cái giọng phát âm ngọng nghịu. Nhỏ hay hát lắm, đại để: 

“Good morning to you, little boy, little boy. 
Good morning to you, little girl. 
How are you? – I am Aicho.” 

Không nghe nhỏ hát bài tiếng Nhật nào. Suốt ngày bọn trẻ chỉ ăn và chơi. Hiền biết chúng vào lớp chỉ để dán những hình thú vật bằng giấy thủ công cắt sẵn, tập hát và tô màu. Nhỏ Quỳnh hay khoe những thành tích đó. Nhỏ đem những móng tay đủ màu để nắn đất sét. Nhỏ lăn vạ khi cô giáo bắt rửa tay. Một hồi khi rửa những vệt đất sét, màu cũng sẽ trôi theo nước. Chẳng thà vậy! Nơi đây chỉ để giữ trẻ trong một buổi. Chúng chỉ còn phá phách ở nhà ít hơn, nhờ phung phí khá nhiều sinh lực trong buổi “học”. 

Nhỏ Chính hôm nay khéo tay. Khoảng một chục trái khế xanh có, vàng có… được chia nhau trong giờ Sử Địa. Mấy nhỏ kia cứ nhăn mặt với hít hà riết. Dãy bàn trước, rồi dãy bàn sau hay tin. Bọn Hiền không đủ khế chia. Nhỏ Liên hứa cho mượn lồng hái lúc giờ chơi. Mới tảng sáng chưa ăn gì, Hiền sợ xót ruột. Khổ nỗi của chua hấp dẫn làm sao! Nhỏ Liên ác ghê là. Nhỏ thu nhặt hột me, lõi khế và hăm sẽ liệng vào đầu lũ “em nuôi” của Hiền. Nhỏ khen sân vườn trẻ là một nơi thủ tiêu rác lý tưởng nhất. Và nhỏ làm thiệt. Nhỏ nghịch không thua gì nam sinh lén đốt pháo trong khi người ta cấm. Có lần Hiền và Chính suýt bị đứt vạt áo dài sau vì nhỏ đã cột gút, nhân lúc Hiền và nhỏ Chính đang mải ngắm mây bay ở hành lang. Nhỏ nhắm đầu thằng Vũ để “thả dù” hột me. Thằng bé đang tu mồm vào vòi nước. Trong phòng học có sẵn nước lọc và ca mủ nhưng thằng bé lười chẳng cần đến. Lần thứ hai, lần thứ ba… nạn nhân vẫn là thằng Vũ. Thằng bé bắt đầu bực mình ngó dáo dác. Nhỏ Liên lặng lẽ liệng như “anh chàng thợ may ném sỏi chọc hai gã khổng lồ” trong một truyện cổ tích. Thằng Vũ chợt tìm ra thủ phạm, con bé Danna đây rồi!! Nhỏ này chẳng đang nhâm nhi gói me cam thảo là gì? Thằng Vũ xông đến tát con bé Danna. Con bé đỏ bừng mặt la chói lói và rượt theo. Nó quên đôi giày da bạc dưới chân, chỉ hai bước nó đã đạp lên “jupe”, quấn nó ngã lăn ra. Con bé Anna xui hơn, binh em cũng chạy vội. Vạt áo làm bằng thứ voan mỏng manh tét nghe rất rõ. Con bé bất kể, xách hai chiếc giày lên lách mấy đứa khác đang vỗ tay reo hò, băng theo thằng Vũ. Hoạt cảnh náo nhiệt chưa từng thấy. Bọn Hiền chồm ra theo dõi, bọn đang tập sự hái khế cũng ngưng ngang. 

Ông Ba già đến sau lưng bọn Hiền êm thắm. Ông ta bữa nay “tu” chỉ tịch thu mỗi cây lồng hái. Lúc bọn Hiền tỉnh hồn quay lại, bốn đứa trẻ đã được cô giáo can ngăn. Đầu tóc anh em thằng Vũ rối tung lên. Bốn đứa đều khóc. Chị em con bé Danna khóc vì thua. Anh em thằng Vũ khóc vì bị cắn và cào quá đau. Nhỏ Liên ngẩn ngơ. Hiền không tìm được nét xúc cảm nào nơi gương mặt gan góc của nó. Nhỏ tung những rác còn lại lên nóc của dãy phòng thuộc vườn trẻ. Thôi, thế cũng xong. Người ta không biết được còn một bọn phá phách trên đây. Chân tâm Hiền mong mai ngày bọn trẻ vô tư sẽ quên đi những chuyện đáng tiếc xảy ra. Từ giã mấy trái khế. Nếu muốn, Hiền sẽ hòa tuổi thơ qua rồi của mình ở khe cửa dưới sân kia, chứ không cần phải nhoài người qua bao lơn này nữa. Vì bao lơn, Hiền có thể tiếp xúc trực tiếp với bọn trẻ bằng một lần té nguy hiểm. 

PHAN KHƯƠNG THÁI 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 128, ra ngày 1-9-1974)

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Tựu Trường - TÔN NỮ QUỲNH TRÂM




Giữa mùa mưa tháng tám
Lũ chim về hỏi han
Đậu trên từng ô cửa
Vạch từng nét vội vàng

Sữa Chua (yaourt) - T. TH.



Sữa Chua là gì?

Vài năm gần đây, Sữa Chua là món giải lao phổ thông và rất được ưa chuộng tại các thành phố, cùng lúc với loại tủ kem (freezer) xuất hiện nhan nhản khắp nơi.

Khoảng mươi năm trước, Yaourt chỉ được bán ở các tiệm kem, quán nước lớn ở đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ v.v… và lúc đó Yaourt toàn làm bằng sữa tươi. Nếu chưa ăn thử bao giờ có lẽ hơi khó nuốt một tí, và khi ăn thường phải cho thêm đường mới vừa miệng. Dần dà sữa tươi hiếm đi, và sẵn óc “phóng tác” rất phong phú, người (VN) ta nghĩ ra cách dùng sữa đặc có đường (sữa hộp) thay thế. Kết quả chúng ta có thêm món giải lao lạ miệng, thông dụng, và tương đối rẻ tiền, lại nhuận trường, rất tốt cho bộ máy tiêu hóa hơi còm cõi của dân ta.

LA TY : Một chút ưu tư và Huế vĩnh cửu - NGUYÊN LY


Góp mặt trong vườn thơ Tuổi Hoa đã lâu, với những bài thơ đủ loại, đủ kiểu nhưng cái tên LATY vẫn chưa gợi cho người đọc một hình ảnh rõ ràng nào về tác giả. Hôm nay NGUYÊN LY muốn được làm cái hân hạnh đó là được giới thiệu người thơ LATY với các bạn thơ của T. H.

LATY hay Lê thị Thảo, hai mươi tuổi là cựu học sinh một trường nữ học nổi tiếng ở Huế – Trường Đồng Khánh. Thảo đã nghỉ học, bỏ Huế để làm công chức tại xứ cát nóng Phan Rang.

Trăm Năm - TÔN NỮ THU DUNG



Hát lên em chim nhỏ
quên đời như phù vân
đóa cười trên môi đỏ
nở một lần trăm năm

Thương Em - VŨ PHƯƠNG TRÌNH


Nếu có ai hỏi Trung vì sao yêu em nó thế, Trung chắc chắn không thể trả lời được. Phải chăng vì con Búp quá xinh, vì chúng chỉ có 2 anh em? Hay vì nó ngoan ngoãn theo lời dạy của má nó, của cô giáo ở trong trường? – Với Trung, không hẳn chỉ có thế. Còn nhiều nguyên do nữa kia. Những nguyên do mơ hồ nó không định rõ được, không biết lấy lời lẽ gì để diễn tả. Lần con Búp lên sởi, nóng sum súp, nó thương quá đến phải ôm em, để thốt “Sao anh thương Búp thế?” mà nước mắt hai hàng vắn dài nữa là…

Không riêng gì mẹ nó mà cả xóm Ngã Sáu đều biết việc ấy. Hình ảnh thằng nhỏ Trung ốm nhom, cõng con Búp đi chơi khắp phố, đã quen thuộc với mắt mọi người như một bức tranh sống. Nhất là những ngày nghỉ hè nầy. Buổi sáng, buổi chiều, hoặc vườn “Ông Tượng”, hoặc đầu hẻm chú Tư hớt tóc, đều có mặt 2 anh em nó, tụm ba tụm bẩy với mấy đứa trẻ cùng xóm chơi đùa. Má Trung có thể kể là người nghèo nhất khu phố. Bà bán hàng rong ở chợ, đi sớm, về muộn nên ít thì giờ chăm sóc tới chúng. Nội việc lo cái ăn cho ba mẹ con cũng đã mệt rồi. Tuy vậy, không cần dạy, lòng thương mẹ cũng đủ khiến Trung ngoan ngoãn. Nó có thể lý lắc, ham chơi thật đấy – trẻ con nào không thế – nhưng ít khi thái quá đến nỗi làm má nó buồn. Khi Búp mới đầy 2 tuổi, má Trung

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Sông Đêm - KIM HÀI


Thằng Cổn rõi mắt nhìn qua bên kia bờ. Dừa nước lá xanh, dài, cứng chắc, vươn thân thẳng như hàng rào. Cây hoang, đước, bần mọc rậm rì che kín mép bờ. Cây còn mọc lan ra ngoài nước, rễ buông dài lâu năm gạn lọc tích tụ phù sa, bùn đất, rác rưởi, cây chết, lá rụng tạo lầy. Ai không biết tưởng đến bờ, đặt chân xuống là đừng hòng rút chân lên. Những ngày mới đến đây, thằng Cổn cứ ngỡ hai bên bờ không có thôn xóm gì hết. Cây rậm quá. Mãi đến chiều tối, khi những đợt khói nấu cơm bay chậm chạp là đà trên ngọn cây, thằng Cổn mới yên bụng. Chung quanh đây toàn xóm nhà ở. Đất đai lại phì nhiêu. Cây trái sum suê. Có lần thằng Cổn lên bờ mua thức ăn và dò đường ra chợ. Đi

Trên Tầng Mây Thấp - VỊ THA

MỘT

Hình như trời đêm nay hơi lạnh, em nhủ thầm. Trời tháng bảy lúc nào cũng chơm chớm nổi rét, thật rét mướt ở hồn và lạnh mát ở mỗi đêm. Hoa Ngọc Lan ở cuối sân đang trở mình đung đưa những chiếc lá xanh non để cho những đài hoa tưng bừng khoe hương thoang thoảng. Em tì tay vào lan can, nhìn về phía cuối sân, nơi mà những ô tối đằm đằm chiếm ngự và để mắt em chẳng còn bắt gặp những viên sỏi trắng thân thuộc hàng ngày. Mùi hoa Lan như ngộp cả vùng trước mặt, em nâng niu hít thật nhẹ vào hai buồng phổi. Thật nhẹ nhàng. Như thể em sợ, hương hoa sẽ bị đau, bị mất đi ưu vị thánh thiện.

Ở đây, em không có một không khí gia đình mà em ao ước. Để những đêm thật khuya, một mình thẫn thờ nhẹ bước trên hàng hiên u vắng. Để nhớ những hình ảnh mà với em bây giờ đã xa lơ xa lắc. Và dứt khoát thật sự từ ngày bố lạnh lùng cho em vào nội trú. Em có cảm giác như ai đã bóp thật chặt tim, và máu từ tâm thất ngừng hoạt động. Cả một vùng trời lung linh trước mắt em. Đổ vỡ. Em không dám cưỡng lại lời bố. Bởi ở bố bao giờ cũng là một uy quyền bắt em phải sợ. Mà em sợ thật. Sợ thật sự khi em thoáng nghĩ bố không còn thương yêu em nữa.

Cả nội trú có ai buồn dàu dàu như em hoài đâu. Nỗi buồn hình như lúc nào cũng đậu trên mắt, trên môi, trên nụ cười. Nỗi buồn hình như từ tiền kiếp xa xôi nào đậu lại. Em không thể chung vui với bạn bè, trong những nụ cười, câu nói rất hồn nhiên. Em thui thủi, như một vì sao lạc loài, bé nhỏ xa tít ở một thế giới nào. Em vẫn không thể giấu nỗi buồn, và em nhiều khi chẳng biết mình đang buồn gì. Một nỗi buồn đang mênh mang, diệu vợi. Một nỗi buồn mà chính em không biết căn do.

Em vẫn đứng nơi vị trí cũ, tay mân mê thành xi măng lạnh buốt. Thật im lặng. Ngọn đèn néon ở cuối hành lang tỏa chiếu một ánh sáng trắng dịu dàng, và thật mỏng. Có những đêm thật khuya, em vẫn thao thức. Trằn trọc trong đôi mắt ráo hoảnh. Nằm ôm chiếc gối thân thuộc để nghe tiếng cắc kè chắc lưỡi và để bâng khuâng nhớ một cái gì. Một cái gì mà em đang muốn quên.

Có bóng dáng của soeur giám thị thấp thoáng ở phòng của Chúc Hân. Có lẽ ma soeur đang đi kiểm soát một lần cuối cho chắc chắn trước khi đi vào giấc ngủ ngoan hiền bên niềm tin Chúa. Em kéo lại cổ áo, lùi vào phòng, nhìn gian phòng bằng đôi mắt thật quen. Lọ hoa thúy cúc mũm mĩm, thùy mị ở bàn học. Em ngồi vào bàn, sửa lại dáng cho hoa và nhìn chồng sách ở góc. Có tiếng chân đi nhẹ và bóng ma soeur đi vào thật nhẹ. Trong tối, màu áo trắng của dì thanh khiết.

- Chandi! Con chưa ngủ ư?

- Thưa dì! Tự dưng đêm nay con khó ngủ ghê ạ!

Hình như dì không tin lời em nói, dì đi loanh quanh trong phòng:

- Nệm gối vẫn phẳng phiu, con nói dối.

- Thưa dì!…

- Đi ngủ đi! Hãy đọc kinh nguyện Chúa sẽ ban cho con giấc ngủ hiền.

- Dạ!

Em cúi đầu lặng lẽ. Tự dưng em muốn khóc. Dì giám thị đi ra và nhẹ tay khép cửa. Một cái gì em muốn ẩn tiềm trong quá khứ, bỗng dưng vỡ òa trở dậy. Giọng trách móc, tia mắt khoan dung. Mẹ em! Em khóc òa. Chẳng bao giờ em có được những giây phút rất thần tiên nữa. Mẹ đã yên ấm ở một phương trời mới. Mẹ đang ngọt giọng cười. Mẹ đang tưng bừng trong đêm dạ vũ. Một cái gì đánh thức nỗi bất hạnh trong em. Mẹ ngàn đời quên mất em rồi. Tội nghiệp bố! Một cái gì chận ngang cổ. Mẹ ơi! Bố ơi!

Em sẽ khóc mãi, nếu ngoài kia trời đừng trở gió. Gió thốc vào phòng em. Em run run. Em lê bước lên giường tìm hơi ấm của chăn. Thật im lặng. Mắt em vẫn tỉnh táo. Ngày mai. Ngày vẫn tiếp nối ngày. Cũng như em sẽ hụt dần bóng dáng thân yêu của bố.


HAI

• BUỔI SÁNG

Khu nội trú vẫn bình lặng, thật bình lặng như thể muốn khoe rằng sự im lặng đó rất tuyệt vời. Thấp thoáng có vài bóng trắng ở nơi nhà nguyện và em thấy thật quen thuộc dấp dáng của Chúc Hân. Cô bạn của em lúc nào cũng dễ thương với tất cả mọi người. Mà em thì không muốn quen với ai ngoài Chúc Hân. Hình như Chúc Hân lúc nào cũng áy náy trước nỗi buồn của em. Đìu hiu, xa vắng. Cho nên Hân lúc nào cũng cố làm một cái gì cho em vui, cho em cười. Cô bé bảo vậy. Nụ cười của Chandi khó tìm thấy ghê cơ. Bộ Chandi muốn làm Bao Tự hở. Em lợt lạt cười không trả lời. Chúc Hân lúc nào cũng hồn nhiên, rạng rỡ vì cô bé không bất hạnh như em. Từ Nha Trang cho con vào Saigon học hẳn bố mẹ Chúc Hân phải xót xa, thương nhớ. Cô bé bắt đầu làm quen với khung cửa Đại học, cũng như cô bé bắt đầu làm quen với không khí buồn hiu của nội trú. Còn em, em thật nhỏ, thật thấp trước Chúc Hân. Em vẫn còn miệt mài ở bậc đệ nhị cấp.

Mỗi chiều thứ bảy, rất quen thuộc, vừa khi nắng còn dìu dịu ở một góc sân là bố mẹ Hân tươi cười trước cổng. Và cô bé Hân ríu rít chạy ra. Không hạnh phúc nào hơn. Với em chẳng có giây phút nào ngọt ngào như thế. Mẹ ở bên kia trời Âu với cuộc sống mới. Bố vẫn miệt mài ôm nỗi trống vắng thật xưa, và bôn ba trong việc sinh nhai. Em biết thật sâu tâm hồn bố, tâm hồn của bố bây giờ có một vết rạn sâu đằm đằm thương tích mà em biết chắc lâu lắm, lâu hơn thời gian mà em đã được ngần nầy tuổi, bố của em mới trở lại bình thản, cười vui trọn vẹn. Thoắt mà bốn năm, bốn năm mà em tưởng chừng như bốn thế kỷ, bốn năm mà bố em tưởng chừng như bốn kiếp người. Mẹ đi là mang hết linh hồn, sự sống của em, của bố. Mẹ em! Một thời nào đã cho em những vuốt ve, những săn sóc của một người mẹ hiền. Một thời nào đã cho bố quên những nhọc mệt của những chuyến đi xa. Bố cười trong ngôn ngữ dịu dàng của mẹ em, cười vô tư bên những săn sóc của mẹ. Nhưng thời đó đã thật sự chìm sâu, thật sâu trong dĩ vãng. Bây giờ chỉ em, chỉ bố cười trong nhớ thương dịu vợi. Bố hiền, bố biết là mình không còn uy quyền nào để gọi bước chân người vợ về với gia đình. Cả con bé Chandi tội nghiệp trong tuổi mười hai. Bố thản nhiên. Em biết nỗi thản nhiên ấy là một hình thức giấu giếm. Mẹ chả cần em, chả cần con bé Chandi một thời mẹ yêu quí. Về bên ấy, mẹ sẽ có những Chandi khác. Em đâu là gì để mẹ nhớ, mẹ thương. Phải không mẹ!

Em muốn quên, mà chính ra em lại nhớ nhất. Tưởng như một vết đau trường kỳ không thuốc thang nào cứu chữa. Em đìu hiu trong nội trú, để cả tháng bố đến đón em ra. Em nghẹn ngào, nhìn bố sừng sững nói chuyện với ma soeur giám đốc. Bố vẫn như dạo nào, bố đón em bằng vòng tay êm ái. Và bố dẫn em loanh quanh trong thành phố, nghe em tỉ tê tâm sự. Lúc đó, em ngụp lặn trong nguồn hạnh phúc của bố, của em. Bố nói, em nói. Hai bố con muốn nói thật nhiều…

Chỉ có Chúc Hân mới biết em buồn, em khóc. Không phải em nói mà chính Hân tế nhị, nhận ra. Và cũng chính vì vậy, mà em gần gũi Chúc Hân nhiều. Hân săn sóc em từng ý nghĩ, từng bài học. Lẽ ra em phải gọi Chúc Hân bằng chị, bởi vì giữa em với Hân có một ranh giới học vấn quá xa cũng như số tuổi. Hân lớn hơn em một tuổi mà Hân lúc nào cũng tươi non còn em thì cỗi cằn. Hân rủ em hòa mình với hạnh phúc của gia đình Hân. Mỗi lần xuất trại với bố mẹ Chúc Hân đều kéo em đi. Bố mẹ Hân thương em như Hân, em Hân hồn nhiên xem em như Hân. Em hòa đồng với hạnh phúc bé nhỏ của Chúc Hân. Cả anh Duy cũng săn sóc, cũng chìu em như thể là em ruột thịt. Em cười, em nói và Chúc Hân cười nồng nàn trong mắt. Muốn Chandi cười khó ghê anh Duy ạ! Anh Duy nhìn em cười: ghê thế hở Chandi. Em cúi đầu bẽn lẽn. Mi ác vừa nhá Hân. Câu nói của em cho Hân khi hai đứa trở về nội trú…

Chúc Hân đi với chị Bích Cầm, có lẽ hai người từ nhà nguyện đi lên. Chị Cầm cười với em: Không xuống xem lễ hở Chandi. Em cười gượng: Hôm nay em mệt chị Cầm ạ! Chúc Hân lí lắc: Hắn thích đi chùa hơn chị Cầm ơi! Chị Cầm cười đi vô phòng. Em nhìn theo, ở chị Cầm có vẻ gì quan liêu, quý phái. Cũng như dấp dáng chị dễ thương như cái tên Công Huyền Tôn Nữ Bích Cầm. Chúc Hân ôm vai em:

- Chandi biết gần đến lễ gì không?

- Không!

- Sao hôm nay Chandi dốt quá vậy!

Em ngơ ngẩn:

- Có lẽ Di quên Hân ạ!

Chúc Hân thì thầm:

- Lễ Vu Lan Di ơi!

Em chợt à:

- Thế mà Di quên, dễ đòn Hân hở?

- Chiều mai bố mẹ Hân vào rước Hân về, có anh Duy nữa. Di ra với mình nhé.

- Để Di tính.

- Còn tính với toán, ghét Di ghê!

- Lỡ bố Di đến thì sao?

- Thì… thôi.

Hai đứa nhìn nhau cười. Em vẫn thích nụ cười của Chúc Hân. Ở Chúc Hân là cả một sự duyên dáng, tế nhị. Mười tám tuổi mà Hân vô tư kinh khủng.

- Hôm nay, Hân không đến trường hở?

- Lười ghê!

- Di méc với anh Duy… Hân làm biếng đi nhé!

- Thách Di!


BA

BUỔI TRƯA. 
Em còn loay hoay với giấc ngủ thì bóng soeur Từ Nguyên xuất hiện. Tiếng dì ngân cao:

- Nguyễn thị Chandi, có người nhà đến đón.

Em chỗi dậy lẹ làng, mừng vui vỡ òa trong mong đợi. Bố đến đón em về, tưởng chừng như ai đã làm cho em được hồi sinh. Em tíu tít chạy ra phòng khách. Bố với dáng điệu quen thuộc đang trầm ngâm bên khói thuốc. Em gọi bằng giọng sũng nước mắt:

- Bố!

Bố cười hiền:

- Con! Vào sửa soạn đi, rồi bố đưa con về.

- Về nhà hở bố?

- Ừ! Nhanh đi, TiTi!

Em sung sướng, đi nhanh về phòng. TiTi! Cái tên ấu thời mà mẹ đặt cho em và bố rất thương, rất quí. Những tưởng bố đã chôn theo dấu chân của mẹ, quên đi trong đời cùa bố: Bố vẫn nhớ và bố đã gọi em bằng TiTi thân thuộc cũ. Ô! Bố ơi! Em muốn gọi ngàn lần tiếng bố yêu dấu…

Em quàng cái sắc vào vai, giục bố:

- Mình đi, bố nhá!

- Ừ! Để bố xin phép soeur giám đốc mình về.

Soeur giám đốc và soeur Từ Nguyên đang nhìn em cười. Nụ cười hàm ẩn tình thương bao la, và ánh mắt của dì em hình dung được Chúa Jésus đóng thân vào cột chịu tội cho loài người. Bố gọi em:

- Chandi! Chào hai dì về, con ạ!

Em vòng tay thật ngoan:

- Thưa hai dì, con về.

Nụ cười của dì hiền hậu, em loáng thoáng nghe câu nói của soeur giám đốc:

- Tội nghiệp con bé!…

- Ấy chết! Bố ơi!

Bố quay lại:

- Gì thế, TiTi?

Em dài giọng:

- TiTi tưởng bố không đến, nên TiTi hứa ra với Hân. Bây giờ, bố đón con, mà con quên gửi giấy lại cho Chúc Hân. Chắc Hân giận con bố ơi!

- Chúc Hân hiểu con, chắc không giận đâu.

- Mà TiTi sợ, bố ạ!

- Thì bố xin lỗi giùm Ti của bố.

- Thật hở bố?

- Ừ!

Em nhìn bố đang chăm chú lái xe. Và em bỗng khám phá, trán bố hình như nhăn hơn, gương mặt bố hình như mệt mỏi, có một sợi mây xám vương vướng mắt bố. Em gọi khẽ:

- Bố!

- Hử?

- Bố buồn hở?

- Nhảm! Bố buồn khi nào?

- Con có làm bố giận không bố?

- Bố cưng Ti nhất!

- Con thấy bố cứ thở dài mãi! Bố cho con biết với. Em năn nỉ.

- Không tin tưởng bố hở Ti?

- Dạ!…

Bố cười xòa:

- Bố làm bộ, con ạ!

Em cười lỏn lẻn và ngồi im. Đường phố xôn xao người đi dạo. Nắng chỉ còn lất lây trên tàn me xanh um lá. Có những ô nắng rơi xuống mặt đường và lá me bay lảo đảo. Em muốn được ngồi bên bố mãi. Mãi mãi. Bên bố, em như thoát xác, cứ líu lo mãi. Đến thành vớ vẩn. Bố nói thế: gặp bố, Ti cứ vớ vẩn không! Em nũng nịu: Tại con vui mờ, bố không thích hở?

- Bố thích chứ…

- Bố ơi! Bố con mình đi chùa lễ Phật nhá!

- Ừ!

- Bố định chừng nào?

- Tối con nhá!

Em dạ thật ngoan, muốn nói thật nhiều mà hình như lời cứ biến đi đâu mất. Bố vẫn lái xe đi loanh quanh. Bỗng bố chùng giọng:

- Ti nầy! Tối nay trước khi lễ chùa bố có quà cho con.

- Quà đẹp hôn bố?

- Bố chả biết.

- Nhiều… hở bố?

- Bố cũng chả biết.

- Ghét bố ghê!

Bố cười. Hình như buồn hiu. Hình như xa vắng. Bố nghĩ gì? Đừng! Đừng! Bố ơi! Bố đừng buồn TiTi sợ lắm. Bố ơi!


BỐN

Bố tặng em một bông hồng trắng. Em tưởng chừng suýt chết ngất khi nắp hộp được mở ra. Nước mắt chợt òa chảy, từng giọt, từng giọt để rồi đầm đìa. Em chết lặng. Và bố hình như đang bối rối. Như thế, bố đã can đảm dứt khoát và bố cũng muốn em dứt khoát. Ngôi nhà một thời ngột ngạt tiếng cười, bây giờ đìu hiu, lạnh lẽo. Bố ngồi đúng vị trí mà ngày xưa bố thường ngồi. Khói thuốc lung linh, lãng đãng. Ánh sáng của ngọn đèn néon nhạt nhòa trước mắt, chìm mất hết, mất hết, chỉ còn dáng bố uy nghi, thánh thiện. Bố ngồi thật lặng lẽ và em cũng lặng lẽ. Bố chịu đựng quá nhiều và bây giờ bố muốn dứt khoát. Và em có nên dứt khoát? Hở bố? Hở mẹ? Em run tay áp đóa hồng trắng vào ngực, lan man một giòng suối chảy hiền, từng mạch máu, từng hơi thở. Bố thở dài. Em thảng thốt gọi:

- Bố!

- Con! Con của bố.

Em im lặng, trong khi bố cố gắng:

- Con… hiểu?

- Vâng! Con hiểu bố ạ!

Vâng! Con hiểu bố ạ! Con hiểu từ bốn năm trước, từ mẹ đành lòng bỏ Chandi. À không! TiTi của mẹ. TiTi trong tuổi mười hai, mười ba gì đó. Bố con mình ôm nhau ngồi khóc. Con đã hiểu lờ mờ là mình xa mẹ. Xa hẳn rồi từ mẹ bước lên phi cơ. Như thế, mẹ đã khước từ, mẹ đã thản nhiên khước từ và bố con mình chấp nhận sự khước từ đó. Mười hai năm! Mười hai năm trong chật vật, trong những hôm bố đi sớm, về khuya. Vậy mà hạnh phúc! Rất tuyệt vời trong ý nghĩ của bố, của con, Bố không ngờ và con cũng không ngờ. Đâu ai biết được chữ “ngờ” quái ác. Bố thấy mẹ dịu hiền, ngoan ngoãn khâu từng cái áo, chăm từng miếng ăn. Con thấy mẹ thật bao la, thật mênh mông như biển Thái bình trong những lần con ốm, bố ốm. Mẹ thức, mẹ khóc vì sợ, mắt mẹ thâm quầng vì mất ngủ. Để khi bố hết đau, hết ốm, mẹ cười và bố nhìn mẹ rưng lệ. Bố âu yếm hôn vào mắt mẹ. Như ban thưởng. Như tạ ơn. Bố sung sướng trong hạnh phúc bé nhỏ đó. Bố cũng như con nào nghĩ tới ngày nầy. Phải không bố!

- Ti ơi! Con nghĩ gì?

- Ti không biết bố ạ!

Bố châm điếu thuốc khác, buồn buồn:

- Mẹ quên thật bố con mình, Ti ạ! Bằng chứng bốn năm…

- Vâng! Bốn năm… Ti năm nay mười sáu tuổi.

- Bốn năm bố chờ, bố đợi. Cho bố! Không! Cho con, Ti ạ! Bố không tin là mẹ ham giàu, mẹ quên hẳn bố con mình. Ngày xưa mẹ yêu bố lắm và bố cũng yêu mẹ không lường nào đo được. Mẹ chưa hề than van, hay trách móc bố. Con ra đời và tình yêu mẹ bố càng thắm thiết. Vì lẽ gì mẹ bỏ bố con mình, bố thắc mắc bốn năm, Ti ạ!…

- Nếu mẹ về, bố có tha thứ cho mẹ?

- Bố không giận gì mẹ! Bố vẫn đợi vì con và cho bố.

- Chắc mẹ quên Ti rồi bố ơi!

- Có lẽ thế, con ạ! Bằng chứng bốn năm… Tội cho con của bố! Mất tình thương của mẹ…

Bông hồng trắng và lễ Vu Lan! Ôi! Chua xót cho em. Em sẽ cài lên áo để chứng tỏ cho mọi người biết rằng em không có mẹ. Mẹ em không chết mà mẹ bỏ đi, bỏ đi về bên kia trời Âu xa tít. Bỏ đi như thể loài chim ngủ suốt mùa đông và đi khi mùa xuân rạng rỡ tưng bừng. Đi mà có thể trở lại hoặc không. Sàigòn – Bletchey. Hai phương trời xa quá xa…

- Mẹ đã bỏ con, bố đừng bỏ con bố nhé!

- Bố sống để nuôi con hoài!

- Bố hứa chắc à!

- Ừ! Bố hứa.

- Con thương bố nhất!

- Ừ!



Em sẽ ngủ triền miên trong tình thương của bố. Côi cút. Em như loài thảo nương nhờ cổ thụ, ốm yếu, mỏng manh! Chỉ sợ mai kia cổ thụ ngã vì một lý do gì đó, chắc em cũng gầy mòn vì thiếu bóng râm nương tựa. Nương tựa một tình thương.

Em cài bông hồng trắng lên ve áo, cúi xuống thật thấp để giấu hàng nước mắt sắp rưng rưng. Như thế em đã chứng tỏ rằng mẹ chẳng còn thương em nữa. Chứng tỏ rằng em đang nhận một thiệt thòi. Thật đớn đau.
Em khoác tay bố, nũng nịu:

- Bố con mình đi chùa, nha bố!

- Ừ!

- Bố thay đồ đi.

- Được rồi, TiTi ạ!

Bóng hai bố con đìu hiu, ngã dài trên sân vắng.


NĂM

Và em trở lại kiếp nội trú thật buồn. Bố đến với em và bố lại xa để lo những chuyến buôn khác. Ngày thi lại đến và em miệt mài học. Chúc Hân vẫn an ủi em và anh Duy vẫn trêu em hay buồn. Những lần về nhà, bố mẹ Chúc Hân vẫn nhắc nhở em khi Hân về một mình. Và ngày sau, Chúc Hân trở vào với túi quà nho nhỏ. Mẹ Hân nhắc Chandi hoài. Em chớp mắt, xúc động đến rưng lệ…

Buổi tối, em ở trong nhà nguyện, đang thả hồn trong bài hát Thánh ca dìu dịu. Chị Bích Cầm chạy vào gọi em ra! Chị mệt nhọc nói:

- Có bố đến tìm Di kìa!

Em ùa chạy lên phòng khách. Bố không ngồi nơi phòng khách như mọi lần mà bố đứng ngoài hành lang bồn chồn, lo âu. Em cười rạng rỡ:

- Bố! Bố thăm con hở?

- Bố báo cho con một tin…

Em thảng thốt:

- Tin gì hở bố?

Giọng bố trĩu buồn:

- Ti của bố đã thật sự cài hoa hồng trắng. Mẹ chết rồi.

Hình như mắt em mờ dần, em lay tay bố:

- Bố! Bố nói gì?

- Mẹ chết rồi, Ti ơi!

- Sao mẹ chết, hở bố? Ai nói bố biết?

Bố sũng giọng:

- Mẹ tử nạn phi cơ trên đường về V.N. Có lẽ mẹ chưa quên bố con mình. Hãng bảo hiểm vừa cho tin, con ạ!

Em khóc òa. Và mắt bố lung linh, sũng ướt. Như một thứ băng hà tích tụ bao tháng ngày bây giờ mất điểm tựa, và đổ xuống thung lũng phì nhiêu. Mẹ chưa quên bố con mình, hở bố?


SÁU

Như thế, em đã thật sự cài hoa hồng trắng. Đời đời. Bốn năm, bố đợi, em đợi. Và mẹ thật sự trở về. Dù thiên thu…



VỊ THA 
(Nhóm Tình Biển) 
(Ht viết để kính tặng cô Bạch Hạc dấu yêu, GiGi Hạnh, GL)


(Trích từ bán nguyệt san tuổi Hoa số 207, ra ngày 15-8-1973)
Bìa của Vi Vi : Nụ hồng cho con