Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Chú Gấu Con MICKA (II) - NHÃ ĐẢO, LY CƯƠNG




(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 216, ra ngày 1-1-1974)

Chú Gấu Con MICKA (I) - NHÃ ĐẢO, LY CƯƠNG





(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 215, ra ngày 15-12-1973)
Bìa ViVi - mơ Giáng sinh

Cây Anh Đào Kỳ Diệu - CAM TÒNG


Ngày xưa… tôi xin mở đầu bằng hai tiếng ngày xưa êm đềm đó. Đã lâu lắm rồi, ở một tỉnh lỵ nhỏ thuộc nước Anh, có một chàng kỵ sĩ tên là Cơ-Rắc. Vóc người cao lớn, mạnh khỏe, tính tình vui vẻ, rộng lượng.

Ngoài công việc hàng ngày, anh còn là một người láng giềng tốt được mọi người chung quanh kính nể, coi trọng. Với ý chí kiên nhẫn, chịu đựng và sức khỏe, Cơ-Rắc đã lần hồi gây dựng được một tài sản dồi dào không thua gì một nhà quý phái danh tiếng. Nhưng khác với những bọn ỷ vào sức mạnh kim tiền mà hống hách, nạt nộ kẻ thế cô, Cơ-Rắc vẫn khiêm nhường giúp đỡ những người nhờ cậy đến mình.

Trong nhiều năm trước, anh đã mướn một số gia nhân giúp việc, nhưng họ phải ra đi lên đường nhập ngũ khi chiến tranh bùng nổ. Chiến tranh chấm dứt, thanh bình trở lại trên mảnh đất thân yêu đã một thời tang tóc, họ trở về với tất cả sự vui mừng, ôm chầm lấy nhau, hát lên những bài ca tạ ơn Thượng Đế. Nhưng rồi với hai bàn tay trắng, họ không biết làm gì để sống. Cảm thương họ, Cơ-Rắc đã xuất ra một số tiền để giúp những người này tìm được kế sinh nhai.

Mỗi năm, đến ngày Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Chúa Jésus ra đời tại máng cỏ tồi tàn xứ Bết-lê-Hem, người ta lại bắt đầu rộn rịp tổ chức liên hoan. Nói đến tiệc tùng, khách khứa, mọi người đều sung sướng, nhất là các cô thiếu nữ, luôn mơ nghĩ đến những chàng trai mà mình khiêu vũ tối hôm đó. Cơ-Rắc cũng tổ chức một bữa tiệc của Hoàng Gia.

Ngày hôm đó, khi tuyết bắt đầu rơi trên nền trời đen huyền của ngày kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, những người quen lũ lượt đến nhà Cơ-Rắc để ăn mừng sự giàu sang và phú quý của chàng. Họ hình như không nghĩ đến Chúa – gần 2.000 năm trước đây, lạnh lẽo trong máng cỏ của chuồng chiên. Từ trong phòng Cơ-Rắc vang lên điệu ca nhạc vũ, tiếng sáo ngân nga dìu dặt làm mọi người say sưa theo dõi. Sau khi khiêu vũ, tất cả quây quần ăn uống : những con gà quay vàng trên đĩa bạc, thịt cừu ngon ngọt tỏa mùi thơm như gợi thèm kẻ muốn ăn. Từng đĩa trái cây chạy dài theo bàn đưa ta đến một đĩa bánh khổng lồ đặt ở giữa; những dòng kem, sữa dịu dàng chảy. Tiệc tan, Cơ-Rắc tỏ lòng ưu ái bằng cách tặng những món quà đáng giá bằng vàng và bạc, áo quần đẹp, ngựa tốt cho thực khách.

Gần mười năm như vậy, Cơ-Rắc đã đãi tiệc và cho đồ đạc với tất cả lòng thành. Vui hưởng giàu sang hạnh phúc, Cơ-Rắc đã quên không để ý đến sự nghiệp mà ông gầy dựng bấy lâu nay đã lần lần sụp đổ bởi nhiều lần vui chơi yến tiệc. Than ôi! Từ một tài sản khổng lồ dựng lên với biết bao khó nhọc, giờ chỉ còn trơ lại tòa lâu đài cũ kỹ và mảnh đất cằn cỗi không canh tác. Nhìn lại những người mà có một lần hay nhiều lần ông giúp đỡ thì họ ngoảnh mặt làm ngơ, không buồn để ý đến, thật là chán ngán! Vì cuộc sống hằng ngày, con lại ốm, Cơ-Rắc bán lần hồi gia sản. Nếu có ai đi qua đoạn đường đất đỏ, rẽ sang vườn cây Anh-tạc-líp sẽ thấy một căn nhà nhỏ nằm cô độc kế cận khu vườn chỉ trồng độc nhất một cây Anh đào đã qua mùa ra trái. Đó là căn nhà của Cơ-Rắc, nơi gia đình chàng bắt đầu một đời sống thực là cơ cực, lầm than.

Một ngày tuyết rơi đầy trên bầu trời, Gia đình Cơ-Rắc lại đón Giáng Sinh trong cảnh vắng vẻ âm thầm. Không còn ai nữa – những người quen đã ra đi tìm đất sống vì nạn mất mùa đang đe dọa toàn vùng. Áp ngày Giáng Sinh, Cơ-Rắc không còn chịu đựng được nữa, chàng cúi đầu khóc nức nở. Với tấm lòng ăn năn, Cơ-Rắc hướng về Thượng Đế mà cầu nguyện. Từng tiếng nói, Cơ-Rắc bày tỏ những lỗi lầm mình đã phạm suốt mấy năm qua và xin được tha thứ. Ngồi bất động trên tuyết giá, Cơ-Rắc cầu nguyện mặc cho tuyết phủ, gió bay. Chàng nài xin bằng những lời vô cùng thành khẩn, rồi mở mắt ra với một lòng tin tưởng dạt dào. Chàng im lặng bước, nhưng… kìa, Cơ-Rắc trố mắt ngạc nhiên: Cây Anh đào trơ trụi lá bỗng mọc đầy những trái chín vàng đỏ ối, cành cũng bắt đầu có lá xum xuê. Cây Anh đào đã hồi sinh thật rồi! Vui mừng, Cơ-Rắc hát bí bo rồi lẹ làng ngắt một cành đầy những trái đem vào nhà. Anh thì thầm: “Ta đã được nhận lời – đây sẽ là nguồn sống cho gia đình ta”.

Mọi người trong nhà cùng cất tiếng hát…


*

Sáng hôm sau, Giáng Hương, người vợ yêu quý nhất đời của Cơ-Rắc, xếp một rổ đầy Anh đào chín đỏ, tươi mát nhất để cho chàng đem dâng tặng Đức Vua.

Cơ-Rắc và con gái Pép-Ty lên đường, nhắm kinh đô thẳng tiến. Gió lạnh làm hai cha con run lên từng hồi.

- Br… br… gr… Rét… quá… cha à…

Cơ-Rắc nhìn Pép-Ty thương xót:

- Ráng lên con, hãy đi sát lại gần cha.

Từ xa, kinh đô đã mập mờ trong bầu trời âm u. Gió lạnh vẫn rít đều trên ngàn hoa cỏ.

Khi quan gác cửa nhìn thấy hai cha con Cơ-Rắc với bộ đồ tiều tụy rách nát tiến vào thì lên mặt xua đuổi:

- Đi ngay, hạng ăn xin. Muốn ở tù à?

Bằng một giọng thật lễ phép, Cơ-Rắc thưa:

- Thưa ngài, chúng tôi đến đây để mang quà biếu Đức Vua.

Ngạc nhiên, quan gác cửa mở cái nắp rổ lên: những trái Anh đào kiêu hãnh nằm ngoan ngoãn. Ông ta thảng thốt:

- Anh đào mùa Giáng Sinh! Thật là kỳ diệu!

Đất hình như cứng lạnh dưới chân ông ta. Ông ta biết rằng Đức Vua sẽ trọng thưởng cho những kẻ nào dâng nó. Với ý nghĩ xảo quyệt, quan gác cửa nói:

- Anh sẽ không được vào yết kiến Đức Vua nếu anh không hứa cho tôi một phần ba món quà mà Đức Vua tặng anh.

Hơi lưỡng lự, nhưng rồi Cơ-Rắc bằng lòng. Quan gác mở cửa thành cho Cơ-Rắc và Pép-Ty vào. Bước vào tòa nhà chính, Cơ-Rắc phải khựng lại vì một vị quan khác vừa xuất hiện. Tiến lại gần với một giọng khinh mạn, ông ta quát:

- Đi ra, đồ dơ bẩn! Ai cho chúng mầy vào đây?

- Thưa ngài…

- Không thưa gửi gì hết. Ra ngay cho được việc.

- Nhưng tôi mang quà tặng cho Đức Vua mà. Đừng vô lý như thế!

- Quà à? Đâu đưa coi.

Cũng như lần trước, khi thấy rổ Anh đào của Cơ-Rắc, vị quan này trố mắt ngạc nhiên và nói:

- Lạ quá, lạ quá! Anh sẽ không được đặt chân vào đây nếu anh không cho tôi một phần ba món quà mà Đức Vua tặng anh.

Cơ-Rắc buộc lòng phải hứa lần thứ hai và hơi nản chí. Nhưng với lòng tin tưởng, anh cùng con tiến vào phòng đại sảnh. Hai cha con rón rén bước vào trong không khí thật trang nghiêm. Tưởng đã yên, nào ngờ một vị quan nghi lễ lại lù lù xuất hiện, tiến tới trước mặt Cơ-Rắc:

- A… a! Ai cho nhà ngươi hỗn láo thế này? Vào diện kiến Đức Vua mà không được ai hướng dẫn à? Muốn bay đầu sao chớ?

- Thưa ngài – Cơ-Rắc kiên nhẫn thưa – tôi mang quà biếu Đức Vua.

Một lần nữa, rổ Anh dào lại được mở ra.

- Anh đào vào mùa Đông! Thật không thể tin được. À! Anh không thể lại gần Đức Vua, trừ khi anh hứa cho tôi một phần ba món quà mà Đức Vua chắc chắn sẽ tặng cho anh.

Cơ-Rắc bóp cằm suy nghĩ:

- “Nếu ta chia quà của Đức Vua cho ba người này thì ta chẳng còn gì nữa. Nhưng đã vào đây…”

- Được rồi! Tôi bằng lòng.

Vị quan hớn hở chạy vào, rồi trở ra mời cha con Cơ-Rắc vào.

- Cha! Mình vào hở?

- Ừ, mình vào, con à!

Bước vào, Cơ-Rắc quỳ xuống trước mặt Vua và dâng rổ Anh đào lên:

- Kính thưa bệ hạ! Hạ thần mạn phép đến đây để xin biếu món quà nầy: những quả Anh đào ngon đã chín đỏ tối qua trong nhà của hạ thần.

Chàng nói một cách đơn giản.

Vua rất bằng lòng và cám ơn Cơ-Rắc với giọng thân mến. Để thưởng thức, Vua nếm thử và đưa cho các quan, các mệnh phụ chung quanh cùng ăn.

“Thật là ngọt”. Mọi người trầm trồ khen. Mùi thơm bay ngập cả căn phòng. Vua cảm thấy tâm thần sảng khoái, nói với Cơ-Rắc lúc đó đang quỳ mọp:

- Ta rất cám ơn khanh đã không ngại đường xa, gió lạnh mà dâng cho ta món quà nầy. Nguyện ơn trên ban phước cho khanh. Bây giờ, khanh muốn gì? Hãy nói đi, nếu thấy hợp lý ta sẽ ban cho.

Cơ-Rắc nhớ lại ba lời hứa vừa rồi, ngẩng đầu lên đáp:

- Thưa Đức Vua! Đất đai, tiền bạc, giàu sang đối với hạ thần nhiều quá. Hạ thần chỉ xin bệ hạ cho “mười hai cái đập”

- Tại sao khanh lại có ý nghĩ điên rồ như vậy? Mười hai cái đập! – Đức Vua sững sờ lập lại – Khanh không sợ mang tội khi quân à?

- Hạ thần nào dám vậy nhưng xin bệ hạ hãy nhận lời.

Nhà Vua tức giận và buồn rầu nhưng buộc phải giữ lời hứa.

Cơ-Rắc bước xuống giữa đám đông để trả quan hướng dẫn “phần thưởng” của ông ta. Giữ lấy cổ, Cơ-Rắc đập thật mạnh một gậy vào mông rồi ba gậy liên tiếp. Quan hướng dẫn méo mặt xuýt xoa. Ra ngoài phòng, Cơ-Rắc thưởng luôn quan thư ký bốn cái đập không kém phần mạnh bạo rồi bước tới bồi luôn quan gác cửa phần quà còn lại của ông ta.

- Thế là ta đã làm trọn vẹn lời hứa rồi nhé. Đừng ân hận – Cho chúng bay chừa thói hống hách, khinh bạc dân nghèo mà còn hay lợi dụng, hối lộ.

Xong xuôi, Cơ-Rắc trở lại triều đình, quỳ xuống trước mặt Vua:

- Cám ơn bệ hạ đã cho thần thỏa mãn lời cầu xin đó. Giờ đây hạ thần xin kiếu từ.

- Khoan… Ta muốn biết lý do những đòi hỏi kỳ cục vừa rồi.

Pép-Ty thực tình kể lại bằng giọng nói trong và dễ cảm. Nghe xong, Đức Vua cười lớn:

- Ha ha… ta có lời khen khanh đó. Khanh thật thông minh, ta quyết không bỏ một người tài ba như khanh đâu.

- Thần xin cám ơn Bệ Hạ.

Với sự khoan dung của Cơ-Rắc, ba tên quan lại được tha bổng nhưng phải cách chức về nhà làm ruộng cho thấm thía với cuộc sống bần cùng.

Từ đó, Cơ-Rắc được hưởng lại tất cả những quyền lợi của một người kỵ sĩ. Chàng được chuộc lại tất cả đất đai, nhà cửa, ruộng vườn. Pép-Ty được Vua thương yêu giữ lại triều đình. Gia đình Cơ-Rắc hưởng đầy hạnh phúc và vui sướng, nhưng Cơ-Rắc không quên vì sao chàng lại được địa vị ngày nay… Cây Anh đào kỳ diệu, một câu chuyện ngàn đời còn ghi nhớ giữa mùa đông tuyết phủ, tiếng chuông ngân của giáo đường thoang thoảng vang vọng từ xa.

CAM TÒNG 
(Phóng tác theo Janet Gray)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 70, ra ngày 24-12-1972)
Bìa của Vi Vi : Hợp tấu

Nai Nhỏ - TÔN NỮ THU NGA


Nai đứng bên giàn hoa giấy đỏ, thập thò chờ mẹ đi dạy về. Một tiếng động nhỏ sau lưng cũng làm Nai chùn xuống, nấp sau cánh cửa xanh, úi chao, u già mà thấy Nai đứng đây thế nào cũng xách cổ Nai vào nhà – u sợ Nai chơi ngoài sân, nhà chẳng có ai lỡ mẹ mìn bắt mất. Nai không sợ mẹ mìn, vì bên cạnh Nai có con chó Chihuahua nhỏ quanh quẩn. Con chó mà năm ngoái ông già Noel đã cột vào chân giường Nai với mảnh giấy dặn dò rằng nó sẽ làm bạn với Nai, gìn giữ Nai… ôi chao, còn có mục ngăn ngừa không cho Nai ra đường một mình nữa.

Nai ngồi xuống thềm, táy máy bứt rời từng cánh hoa giấy đỏ và mải mê nhìn theo từng cánh bay lăng quăng trong gió đến khi mất biệt… trò chơi dần dần chán trong sự tĩnh lặng của buổi sáng. Nai bỗng nhiên nghiêng tai nghe ngóng. Bên nhà Cỏ dại vang lên những tiếng đàn mở đầu bản nhạc Giáng Sinh quen thuộc mà năm ngoái chú Út đã bày Nai hát – Nai bước đến hàng rào thưa, ghé mắt nhìn qua nhà Thảo, con bé ngồi ăn lúng búng một cái bánh nhoẻn cười với Nai. Nai cũng nhe hàm răng sún ra cười với nó. Nai thấy sau cánh cửa phòng khách một cây thông phủ đầy tuyết trắng. Nai say sưa ngắm những trái châu sáng lóe xinh đẹp…

- Kìa Nai, qua đây chơi con.

Bố Thảo từ trong phòng đi ra, ông cười với Nai, đôi mắt long lanh dưới vành nón kết. Bộ quân phục của ông láng và thẳng làm Nai nhớ bố Nai quá… Nai lắc đầu:

- Thưa… mẹ cháu không cho ra đường.

- Nai ngoan ngoãn quá. Ồ nầy Thảo đừng làm nhầu quần áo bố…

Con bé Thảo vừa ôm chầm bố nó nhõng nhẽo, bị la bèn xịu mặt xuống. Bố nó nhìn xuống rồi cúi ẵm nó lên tay. Nai muốn cười quá, con bé lớn hơn Nai gần hai tuổi mà còn đòi bố ẵm; thế nhưng Nai không cười. Nai nhớ bố, bố đi xa một tháng không về để ẵm Nai và để chơi trò cỡi ngựa với Nai. Nai hay hỏi mẹ bố con ở đâu bây giờ? Để trả lời mẹ vẽ ra một chiếc tàu xám, người lính tím đi lênh đênh trên những con sóng bạc tại một nơi nào xa xôi trên tấm bản đồ đầy màu sắc rực rỡ. Bố Nai đi xa thế, giờ này chắc bố nghiêng ngửa trên đầu sóng và không biết đến bao giờ mới trở về. Nai buồn buồn quay vào thềm nhà, đôi mắt đăm chiêu nghĩ ngợi. Chợt Nai nhảy nhổm reo lên:

- Mẹ về, mẹ về, u ơi!

Nai cuống cuồng chạy xuống bếp la lớn:

- U ra mở cổng cho mẹ, mẹ về rồi nhanh nhanh lên.

U già quậy nồi cơm sôi sùng sục gắt lên:

- Từ từ đã, cơm sôi đây nầy, thấy chưa?

U moi túi, ném lên bàn chùm khóa cửa, Nai cầm lấy chạy ra sân, lúi húi mở ổ khóa to tướng. Mẹ nhìn Nai mỉm cười, chú nhỏ loay hoay trông ngộ nghĩnh quá sức. Mẹ bước vào khung cửa nhỏ Nai vừa mở rộng, cúi xuống mi mi đôi má Nai hồng hồng rồi xoa mái tóc tơ mềm:

- Sáng nay Nai làm gì? Nai có học được chữ nào không?

Nai hớn hở cầm tay mẹ, tay kia khư khư giữ cái ví da của mẹ đeo lòng thòng gần sát đất. Nai nhoẻn cười:

- Con vẽ bản đồ Việt Nam.

- Con vẽ làm gì vậy?

- Để khi nào bố về con hỏi bố tàu bố đậu chỗ nào.

Mẹ bật cười:

- Con vẽ được à? Đưa mẹ coi chút.

Nai buông tay mẹ lôi từ trong túi áo ra tờ giấy xếp nhỏ – mẹ cầm lấy mở ra xem; mẹ thấy một con giun đen ngoằn ngoèo và một lằn bờ biển xanh ngắt. Mẹ lại mỉm cười, cúi xuống bên má Nai. Áp mặt mình vào mái tóc con, mẹ hình dung ra một con tàu lênh đênh ở xa xăm và nỗi nhớ bỗng dâng lên đầy mắt.

- Mẹ không dựng hang đá hả mẹ?

Mẹ gật đầu, thấy mặt Nai bí xị mẹ kéo Nai vào lòng thủ thỉ:

- Nếu bố không về Noel nầy Nai vui không?

Nai lắc đầu, mắt chơm chớp buồn bã.

- Mẹ cũng không vui nên không muốn làm gì hết.

Nai ngây thơ nhìn mẹ:

- Mẹ không biết làm hả? Mai mốt lớn Nai sẽ làm cho mẹ nghe.

Mẹ mỉm cười và mi mi lên má Nai:

- Thôi, Nai đi ngủ đi, đêm nay mẹ con mình cầu nguyện cho bố về ngày mai nghe con.

Nai sốt sắng gật đầu. Lon ton chạy vào phòng, Nai lấy ra bức tượng của Chúa. Đến một bên mẹ, Nai chắp hai bàn tay nhỏ… Đọc xong kinh nguyện tối, Nai cầu nguyện ông thánh Giuse cho ngày mai bố về, vì ở trường Ma Soeur dạy rằng ông Thánh Giuse rất yêu thương con nít. Nai là con nít và lại hay ngoan ngoãn vâng lời. Nai hy vọng lắm.


*


Một đôi môi rung động làn mi khiến Nai giật mình tỉnh dậy, ánh nắng làm Nai chói mắt kinh khủng. Bàn tay nhỏ của Nai chạm vào cái cằm nhám nhám, hơi thở nồng nàn, Nai tỉnh hẳn, Nai ôm chầm cái bóng trước mặt mình la lớn:

- Bố, trời ơi, bố về.

Âm thanh thảng thốt của Nai làm bố mẹ bật cười. Bố mẹ thương hai tiếng kêu “trời ơi” hốt hoảng của Nai lắm. Nai dụi đầu vào cổ bố. Hơi da thịt bố nồng nàn mùi biển mặn quen thuộc vô cùng với khứu giác Nai. Bố nâng đầu Nai ra, chùi một vệt ghèn còn đọng bên khóe mắt lóng lánh.

- Thôi con, để bố đi tắm một chút.

Nai quyến luyến ngồi lên đùi bố, đôi tay vòng quanh lưng bố. Nai ngước lên, say sưa ngắm gương mặt đen thui duy có đôi mắt long lanh những niềm yêu dấu. Nai sung sướng quá muốn hét lên thật to cho thỏa chí, cho u già giật mình sợ sệt nhưng Nai sực nhớ ra, Nai tuột khỏi chân bố chạy đến giở pho tượng ông thánh Giuse lấy đưa cho bố miếng giấy nhỏ – Bố mở ra nhìn – môi bố nở nụ cười vì bố thấy các hình vẽ của con cưng. Một hình chiếc tàu méo mó đi trên những con sóng xanh. Một hình thằng người ốm nhom đầu đội nón kết đang bước vào căn nhà có hai mẹ con đứng chờ nơi cửa. – Bố ôm vai đứa con nhỏ bé, lắng nghe quả tim mình đập những nhịp rộn rã. Riêng Nai, Nai đứng im trong lòng bố lắng nghe u già đánh trứng quệt trong chiếc tô men. Nai cảm thấy mùi trứng chiên thơm ngát mũi và tiếng mẹ thanh thoát vang lên:

- Kìa, hai bố con ra ăn điểm tâm cho mau để ở nhà vừa dọn hang đá vừa trông nhà cho mẹ với u già đi chợ. Còn phải mua thức ăn cho Réveillon nữa chứ…

Tôn Nữ Thu Nga 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 229, ra ngày 1-12-1974)

Người khách lạ trong rừng Vienne - PHẠM CHÍ THÀNH


Trên cánh rừng ngập đầy tuyết trắng của thành Vienne, vào đêm Giáng Sinh, người khách lạ lầm lũi bước đi, không cần biết sẽ về đâu, không phương hướng, không chủ đích – trong im lặng và lạnh lùng. Đầu đội chiếc nón vành rộng che sụp cả khuôn mặt, mang áo tơi kín cổ, hai tay vấn sâu trong túi, đi như trốn chạy với những bước dài vào cõi đen tối mênh mông tuyết trắng.

Sau lưng, thấp thoáng qua màn đêm mù mịt trắng xóa mưa tuyết, thành phố vươn mình, lấp lánh ánh đèn đủ sắc. Trên tháp chuông cao ngất một ngôi sao trắng treo chót vót tận đỉnh, sáng lung linh, mập mờ, như ánh sao mầu nhiệm năm xưa đã dẫn lối cho ba vị tiểu vương cùng đám mục đồng hướng về thành Béthleem, tìm đến hang đá nghèo nàn – nơi mà một hài nhi vừa ra đời trên máng cỏ. Không khí trầm, thánh thót – tiếng đàn cùng tiếng hát đồng ca của đám trẻ nhà thờ với bản thánh ca mừng Chúa. Hình như người khách không để ý tới, từ lâu, anh ta vẫn chưa lần nào quay lưng nhìn lại ngôi thánh đường cổ kính đang rộn ràng đón giờ làm lễ, anh ta chỉ nghe mình tấu lên muôn tiết điệu: tiếng tuyết lún dưới bước chân, tiếng run rẩy của hàng cây băng giá, tiếng nhấp nháy của ngôi sao trên trời cùng mùi vị của bầu sương dầy đặc đằng trước mà anh sắp chôn sâu mình vào đấy để trốn chạy không khí trưởng giả ấm êm đầy hạnh phúc ở thành Vienne cũng như trốn chạy dư âm tan vỡ của cuộc tình.

Từ chiều, anh rời bỏ gian phòng nhỏ mà Cherubini – bạn anh gọi là “Cái chuồng bò”. Căn nhà dơ dáy và tồi tàn quá sức tưởng tượng. Nước rửa chén bát, tắm giặt từ hôm trước không thoát được, ngập lấp sấp ngang cổ chân mà khi muốn vào phải lội bì bõm trong làn nước đục trôi lờ đờ những mẩu bánh mì vụn cùng giấy vo viên. Trên gác xép, bức tường tróc vôi cạnh bàn ăn loang lổ quầng vàng, di tích của những quả trứng gà mà trong lúc bực dọc anh đã ném lên. Thức ăn thì vương vãi khắp trên cây đàn, giá nhạc cuối gác vì anh ta không khi nào chịu rời đàn, cả giờ ăn. Có lúc anh còn chơi đàn suốt ngày từ đêm nầy đến đêm khác, ngủ vất vưởng trong xó tối, mắt lờ đờ như hơi rượu xông luôn nhìn qua khung cửa hẹp.

Trên mọi thứ dơ bẩn, xấu xí của bức tường, bức ảnh bán thân của Lugwid – ông nội anh ta – ngự trị một cách an lành và trang trọng. Là một nhạc sĩ lừng danh dưới triều đình Boon, ông đã chết đi giữa lúc đứa cháu trai kháu khỉnh chập chững học đàn với cha. Người mập mạp, gương mặt đôn hậu, thường mặc áo choàng xanh lông thú kết viền trắng và hàng nút bạc sáng ngời. Ông mất giữa ngày Noel – và từ đó Noel đối với anh là nguyên nhân của nỗi bất hạnh đầu đời.

Hàng năm, mỗi lần Giáng Sinh mọi nhà đều tưng bừng rộn rịp bên cành thông rực rỡ những tua chỉ bạc phản chiếu những chiếc đèn sao giăng giắc khắp cành. Ngọn nến hồng soi sáng bao gương mặt hân hoan, người ta quỳ dưới tượng Chúa, cầu nguyện thành kính những ước mơ hằng ấp ủ. Họ sung sướng, dìu nhau khiêu vũ và tổ chức linh đình tiệc đêm sau khi chuông nhà thờ vang rền báo hiệu nửa đêm. Còn anh – người cha yêu quý đã ra đi, người ông kính mến với ngón đàn tuyệt diệu đã vùi mình dưới cỏ xanh, anh không còn tình thương gia đình để những đêm bên cửa sổ mở ra khung trời đầy sao mà dạo những điệu đàn rã rời thắm thiết.

Hôm nay anh rời bỏ căn nhà tồi tàn, trốn chạy thành Vienne với bầu không khí ngợp niềm tin và thương yêu thánh thiện để ra đi một mình trong bầu trời mịt mùng không âm thanh lời nói. Ngày xưa, anh thường đùa bỡn, chế nhạo tương lai “ta sẽ nắm chặt lấy định mệnh và nó sẽ không bao giờ khuất phục được ta”. Nhưng cuộc đời lắm trái ngang, định mệnh đã bạc đãi anh vô cùng tàn nhẫn. Guilietta, nàng tiên lứa tuổi 15 khiến anh say mê chỉ thích lời cầu hôn của bá tước Gallenbeg, Josephine Brunzvick dịu dàng ngày xưa nay trở thành bà bá tước Deym, rồi Magdalena Willman với giọng hát tuyệt vời cũng tìm cách xa lánh cho đến Bethina lộng lẫy vương hậu của nhan sác đã lạnh lùng gạt bỏ trái tim của chàng nhạc sĩ nghèo để khoác lên chiếc áo của bá tước Arnym.

Anh tự hỏi, không biết họ ở đâu. Giờ nầy chắc họ đang làm lễ mừng Chúa trong ngôi nhà sang trọng nào đó với chồng con bên lò sưởi ấm áp, đỏ rực tàn lửa bắn tanh tách vui tai. Quanh cành thông cổ truyền họ đang khiêu vũ với nhau thật tuyệt diệu theo tiếng nhạc dương cầm của đứa con đầu lòng mà họ đã dạy nó trong những đêm hạnh phúc.

Anh miên man bước mãi, mãi trong thế giới riêng biệt chỉ có nhịp điệu của con tim và tiếng tuyết rơi nhè nhẹ trên mặt đất.

Dấu chân in sâu như uất hận buồn bã. Khẽ lắc đầu, anh lại bước nhanh hơn vào bóng đêm mờ mịt.

Đến khi kéo vành nón lên, người khách trẻ thấy một khung cảnh thật thần tiên – toàn rừng cây dầy đặc mà mỗi cành khô xơ xác là một ren tuyết trắng, dưới bầu trời, muôn vạn vì sao như những viên bảo ngọc nạm trên nền vải đen lấp lánh sáng. Không gian thật im lặng.

Cái lạnh se sắt thấm vào tim, người khách chợt nhớ là mình đã đi ngót hai mươi cây số qua rừng, nỗi mệt nhọc từ đâu xâm chiếm toàn vẹn con người trĩu nặng cả đôi vai.

Lúc ấy, anh ta chọt thấy ánh lửa lấp loáng cuối con đường và tới gần hơn nữa mới nhận ra một mái che nhỏ nhô cao khỏi đám tuyết hỗn độn.

“Một túp lều, dù tệ thế nào đi nữa, nó cũng giúp ích cho mình”.

Anh ta buột miệng và rảo bước thật mau.

Đó không phải là túp lều như anh tưởng mà là một kiểu nhà săn thú với lối xây cất ngộ nghĩnh lạ lùng: hai tháp tròn có mái che nhô cao lên ở hai góc mặt trước căn nhà. Qua cửa sổ, anh bắt gặp khung cảnh mà nó đã khiến anh bỏ thành Vienne : một người đàn ông cùng một thiếu phụ với ba đứa con, quây quần bên cành thông xanh ngắt trang hoàng đơn sơ với đôi chùm lá bạc, những món đồ chơi bé với mấy chiếc đèn nhỏ được choàng khuất sau lớp lá rậm, sáng rực rỡ đủ sắc màu.

Ôi! Đêm Giáng Sinh, đêm an lành của mọi người, đâu đâu cũng vui tươi rộn rã, từ thành phố náo nhiệt tưng bừng cho đến ngôi nhà ẩn mình trong rừng tuyết.

Bước đến bên mái hiên, đứng yên lặng một lúc lâu, anh ta mới đưa tay gõ cửa. Tiếng động vang rõ trong gian nhà ấm cúng chỉ độc một âm thanh tanh tách của củi non cháy đỏ. Người đàn ông lặng lẽ bước ra.

Cánh cửa hé mở đem theo ánh sáng vàng vọt đổ chập chờn trên thân người khách lạ soi rõ khuôn mặt sau vành nón: Anh ta đôi mắt xanh nhạt, rạng rỡ vẻ đôn hậu hiền lành, gương mặt rắn chắc, hai lưỡng quyền cao đen sạm, môi khẽ mím trên chiếc cằm rộng khô khan. Dở nón, vuốt lại mái tóc rối bời vì gió tuyết, anh ta nói khẽ:

“Tôi là khách lỡ giữa rừng, tôi lạnh quá!”

Chủ nhà cười niềm nở:

“Thế thì mời ông vào, chúng tôi sửa soạn làm lễ và dùng tiệc tối vì có lẽ đã đến nửa đêm”.

Anh ta bước vào gian phòng hồng rực ánh lửa. Ba đứa nhỏ giương to đôi mắt kinh ngạc lẫn sợ hãi nhìn người khách lạ nhưng ánh mắt xanh lơ chứa đựng nét dịu hiền phúc hậu kia đã trấn an được nỗi lo sợ của chúng. Gian phòng tuy nhỏ bé nhưng thanh nhã với lối bày biện giản dị. Trên tường, mấy bức họa “thiên thần hòa nhạc” sắp dài theo một câu truyện của Fra Angelico nổi bật phân nửa màu sắc dưới ánh sáng say mờ dịu của hai chiếc đèn lồng. Bức tường xám, cạnh lò sưởi, oai vệ bức hình của chủ nhà với nhung phục triều đình. Bỗng trực giác của anh ta đảo quanh và đọng lại bất thần ở góc phòng, bờ môi mấp máy rung động, một mãnh lực huyền bí lôi kéo anh bước lại nó – chiếc đàn dương cầm!

Người chủ nhà đưa tay mời, dáng điệu thân thiện:

“Ông có biết chơi đàn không?”

Anh ta như không nghe lời nói và cử chỉ ấy, chân vẫn bước trong mê man về phía cây đàn, mở nắp nhìn dàn phím, trầm ngâm trước đôi mắt kinh ngạc của hai vợ chồng. Đôi tay lạnh buốt ướt đẫm lướt nhẹ – như một thói quen – rồi đánh đôi nốt hòa âm trầm bỗng, tiếng nhạc kỳ bí buông rơi chầm chậm vào căn phòng vắng lặng khiến cả thảy đều say mê chăm chú lắng nghe. Tiếp theo là bản mục ca ngắn, tiếng nhạc chập chùng lênh đênh như lướt sóng mường tượng bước chân trần lạnh cóng của đám trẻ xua chiên chạy vội trên đồng. Âm thanh chợt tắt ngấm trên phím đàn, không gian chìm trong khắc khoải – đôi tay lại lướt đi – nhạc điệu đổi mới, trầm lặng vang vang xa gần. Ông ta đang dạo bài Noel giản dị, với đôi tay xuất thần với phép dùng nhạc truyền diệu một đề tài – một câu chuyện được kể thật rõ ràng như lời nói:

“Vì Thiên thần cánh trắng bảo mục đồng rằng : Một vị Chúa cao cả của con người vừa ra đời trong hang đá ở thành Béthleem. Ngài chính là Chúa cứu thế mà tên ngài sẽ bất tử. Vậy noi theo ánh sao sáng nhất trên trời các ngươi hãy tới để tung hô mừng đón ngài”.


“Đám mục đồng theo lời dạy, tìm gặp ông Joseph và bà Maria trong hang đá ; trên lớp cỏ, một hài nhi nằm ngủ an lành, gương mặt thật đẹp và vô cùng hiền hậu, giấc ngủ dưới hơi thở ấm của mấy con bò chầu quanh.

Trong vầng hào quang sáng rõ tỏa vòng trên máng cỏ, thiên thần bay lượn tung hô tấu nhạc đón mừng. Đêm ấy đất trời mở hội, vạn vật hoan ca, xa xa có tiếng chuông đổ réo rắt và trên trời cao muôn vạn vì sao như ngừng lại.


Lũ mục đồng trở về đem tin vui kể khắp mọi nơi để rồi dưới ánh lửa bập bùng, đoàn người thắp đuốc hướng về Béthleem với niềm kính mến vô cùng.”

“Sáng danh Thiên chúa trên trời. Bằng an dưới thế cho người thiện tâm”…

Tiếng nhạc trầm lắng trong gian phòng vắng ấm áp, đường tơ ngân dài mất hút trên phím ngà mà tơ lòng người nhạc sĩ rung động không thôi.

Khi quay lại, anh ta thấy đôi mắt hai vợ chồng long lanh ngấn lệ và niềm kính phục cũng dâng tràn trên khóe mắt. Anh ta đọc câu hỏi người là ai trong tia nhìn đầy hân hoan và cảm động. Là ai? Người khách lạ lang thang trong đêm băng giá có lẽ là một nhạc sĩ đại tài với điệu đàn chinh phục trọn vẹn lòng người và rung động của con tim.

Anh sẽ trả lời:

- Thưa ông tôi là Lugwid Van Beethoven!

Như làn gió thổi mạnh vào rừng cây xao động, tiếng nói vừa dứt thì hai vợ chồng sụp xuống bên chân và ba đứa con theo cha mẹ quấn quít nắm tay người khách lạ.

Mầu nhiệm thay, cao cả thay, giữa đêm đông băng giá, Chúa đã ban cho gia đình ông, cho ngôi nhà bé nhỏ ẩn mình trong tuyết trắng một món quà vô cùng vĩ đại mà dù cho vua đầy uy quyền và châu báu cũng không mua được, đó là người nhạc sĩ tài hoa nức tiếng đã làm se sắt bao tâm hồn chai đá bằng nốt nhạc, cũng là một con người tuyệt vọng nhất trên đời.

Trong khi ấy, người nhạc sĩ nắm tay xoa đầu đám trẻ bằng bàn tay thần diệu. Nhìn ánh mắt ngây thơ ngộ nghĩnh, nhìn ánh lửa bập bùng, anh thấy hạnh phúc vươn lên như tiếng tuyết rơi trên mái nhà càng lúc càng lớn.

Một đoạn văn của Homère lướt qua trong trí:

“… Thế rồi, bình minh chợt đến, những ngón tay hồng dâng lên và đem ánh sáng hạnh phúc cho người cõi thế”

Chàng lẩm bẩm: Đây rồi, một ngày vui đã đến với đời tôi…

Phạm Chí Thành 
(Nguyên tác Jead Witolel)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 133, ra ngày 15-12-1974)