Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

KẺ LẠ MẶT TRÊN HẢI CẢNG - Chương IX


CHƯƠNG IX
Chiếc Hy Vọng vượt qua eo biển khi trời chưa sáng rõ. Bạn Minh đem theo café và một ít thức ăn cho cuộc hành trình.
Sương mờ mờ la đà trên mặt biển và bắt đầu tan khi mặt trời ló dạng. Gió hiu hiu đưa từng tảng mây đen đến và mưa rây nho nhỏ trên mặt biển. Minh nhìn trời, lẩm bẩm:
- Mong rằng thời tiết không xấu lắm, anh há?
- Trời thương chúng ta, cho chúng ta tắm đó mà em!
Bạn nó khôi hài. Dần dần mặt trời lên cao và trời đứng gió, chiếc Hy Vọng trôi quá chậm. Buồm im sững, không căng.
Tuy nhiên, bạn Minh vẫn tỏ ra kiên nhẫn, bảo nó cứ chịu khó chờ giây lát. Anh ta chỉ cho Minh điều khiển con thuyền trong lúc Minh buồn rầu nghĩ : vô ích! Biết rõ nó làm chi? Nó sắp rời mình, về tay kẻ khác, kia mà? Song Minh không nói ra, e buồn lòng bạn.
Thì giờ trôi qua. Mưa tạnh hẳn, gió xuôi, thuyền phăng phăng rẽ sóng, đôi lúc tiếng vang nổi lên như tiếng lụa xé. Anh bạn dọn bữa ăn thanh đạm ra. Buổi trưa trôi qua rồi xế và chiều đến. Mênh mông giữa trời và nước, Minh cảm thấy mình bé nhỏ biết ngần nào.
Từ trên bờ, xóm chài thấp thoáng ánh đèn viền quanh bãi biển như vòng chuỗi hạt trai lấp lánh, nom khá vui mắt.
- Cậu thủy thủ nhỏ! Ngủ đi! Anh coi chừng thuyền cho.
Minh vâng lời, lặng lẽ nằm xuống lòng thuyền, ngửa mặt nhìn sao đêm lóng lánh và thiếp ngủ. Nó mơ thấy những hòn đảo xa xôi, thấy cọp lội nước ra tận thuyền nó, thấy dưới ánh trăng xanh biếc, rừng rậm lộ ra và những người mò hạt trai… Nó thấy…
- Thức dậy đi, chú nhỏ! Có việc làm đây! Bão đến viếng ta! Bão bất ngờ thật…
Minh vươn vai, dụi mắt hỏi:
- Mình qua khỏi Gi-li-ô chưa vậy, hở anh?
- Đã, qua từ hai giờ đồng hồ rồi, Minh ơi!
Trời sáng dần, một cơn gió mạnh làm thuyền tròng trành. Bờ còn xa lắm. Minh nhận thấy thế. Bạn nó mở hết buồm, buồm căng gió no tròn. Bạn nó nghiêm giọng nói:
- Chắc chắn là có bão lớn đây! Phải tìm cách tránh, mau lên! Minh! Em lùi lại, nhường chỗ cho anh xoay xở…
Mũi chiếc Hy Vọng bất ngờ đâm vào một làn sóng to, bọt văng tung tóe, cả thân thuyền rung chuyển. Gió hú từng hồi dài, lướt vùn vụt trên mặt biển như con vật hung tàn, man rợ, vô hình. Dưới cơn mưa như trút nước, mầu biển xám như mầu chì lỏng. Bạn Minh vẫn điềm tĩnh điều khiển con thuyền đương đầu cùng bão tố. Minh ngồi co rúm dưới băng sau và bám chặt vào đó, tối tăm mặt mày vì nước tạt vào không ngớt.
Sóng chồng lên nhau như những nấc thang lỏng, quái dị và ngay sau đó đổ ào xuống. Đằng phía mũi tàu, một ngọn sóng bổ choàng lên và cả chiếc thuyền như chui qua cái khe hở của bức thành cao ngất bằng nước biển.
Có lúc, trời và nước như liền vào nhau không còn phân biệt được gì. Con thuyền lướt như bay trên đầu sóng, nghiêng qua, đảo lại tựa cái nút chai.
Hơn hai giờ liền như vậy, cơn bão có vẻ dịu lại. Bất ngờ, con thuyền đứng hẳn lại trên nước rồi khẽ đảo qua, đảo lại một chút. Cuối cùng, nó quay tít như cái chong chóng và “rắc” một tiếng ghê người, cột buồm gãy gập làm đôi, ngã xuống. Nhanh nhẹn, anh bạn Minh rút dao phạt đứt hẳn cột quăng xuống biển cho nhẹ thuyền và rộng chỗ.
Chiếc thuyền đáng thương bấy giờ mặc cho sóng gió hành hạ. Minh và bạn cũng không để ý thuyền hiện ở vị trí nào. Vì có ích chi đâu? Họ biết rằng họ sẽ bị đắm cùng với nó. Cả hai đều đã quen với hiểm nguy nên vẫn giữ vững tinh thần. Minh biết là cha đã nhận tiền của ông Ất Cơ rồi, thuyền không còn là của mình, mình có bổn phận phải đưa nó đến tận nơi, giao cho chủ mới, phải cố gắng làm tròn phận sự.
Hai người hợp sức, chống chọi một cách hăng hái… và tuyệt vọng, vì con thuyền lúc bấy giờ chẳng khác gì món đồ chơi trong lòng biển cả hung tàn.
- Em Minh! Phải can đảm, em hiểu chớ?
- Vâng, em hiểu lắm!
Cậu bé vuốt khuôn mặt đẫm nước, trả lời. Họ  phải hét thật to để nghe nhau, vì sóng át cả tiếng họ.
*
Trời bấy giờ quang hơn, song sóng gió vẫn dữ dội như xoáy tận đáy biển. May mắn có một chiếc tàu hàng đang chống cự để khỏi bị va vào đá đã nhìn thấy cảnh này qua ống dòm của thuyền trưởng. Thoạt tiên, ông ta chỉ thấy một cái chấm nhỏ xoay tròn trước mắt, thật xa. Một chốc sau, ông ta nhận ra hai người, một phía sau và một phía mũi thuyền đang cố sức giữ để thuyền đỡ mất thăng bằng. Ông cho tàu đến tiếp cứu. Khi đến gần, ông thấy hai người bám cứng vào con thuyền tơi tả. Mặc dù sóng lớn, ông cho thả ca nô xuống để cứu họ. Và sau một hồi vật lộn với sóng gió, người ta chỉ cứu được người thôi.
Họ được thoát hiểm, lạnh cóng và kiệt lực hoàn toàn, được đưa lên tàu, rồi được người ta xoa bóp cho máu lưu thông, thay quần áo khô. Song cả hai buồn rũ khi nhận ra những ngôi nhà ở Gi-vi-ta-vét ẩn hiện trước mắt ; mục tiêu đó mà không đạt tới! Bạn Minh an ủi:
- Đừng khóc nữa, Minh! Chúng ta đã gắng tận lực, em có lỗi gì đâu?
- Đúng vậy! Các người can đảm lắm, nhất là chú nhỏ… Đừng khóc nữa, em! – Vị thuyền trưởng góp lời an ủi.
Cuộc thử thách chưa chấm dứt : còn phải trình diện ông Ất Cơ, người đã bỏ ra số tiền 500.000 đồng mua con thuyền mà giông tố vừa chôn dưới đáy biển sâu.
Khi Minh và bạn đến gặp ông, ông đang ngồi thoải mái trong văn phòng, trên một cái ghế xoay bọc da sang trọng, cửa sổ rộng mở, hướng ra vườn hoa hút thuốc lá. Ông ta đã được thông báo mọi sự, vì chiếc tàu cứu Minh và bạn là tàu của ông ta. Viên thuyền trưởng kể lại, bằng giọng thán phục, cuộc chiến đấu vô vọng, quyết liệt của họ.
Khuôn mặt của Minh và bạn còn xám ngoét, môi tái nhợt và mắt đỏ quạch lên.
Ông chủ nhã nhặn mời cả hai ngồi xuống, song cả hai vẫn đứng yên. Ông ta cảm động nhìn thằng bé, thầm nghĩ : nó đúng là con trai của Hải, viên thủy thủ gan dạ từng phục vụ dưới tàu ông ngày trước.
Và ông chủ nghĩ rằng có những người luôn luôn gặp vận rủi. Tội nghiệp họ!
- Tôi biết… tôi biết hai người đã làm hết sức mình, đã liều chết vì con thuyền bé nhỏ đó. Thôi, đừng bận tâm đến nó…
- Thưa ông, số tiền chúng tôi nợ ông quá lớn, thật vậy! Nhưng xin ông vui lòng ; chúng tôi hứa danh dự sẽ hoàn lại ông… không có ngay một lần được, nhưng…
- Nợ ta? Thôi đi cháu! Chúng ta không xa lạ gì nhau mà! Vả lại, cháu đâu có lỗi gì? Tại bão tố chớ? Cháu nên biết rằng ta mua chiếc Hy Vọng chỉ để cho con ta chơi thôi, không phải dùng trong một mục đích quan trọng nào hết. Vậy thì… coi như… không có gì. Ta không nợ gì nhau hết, nghe cháu?
Ông Ất Cơ do dự : với những con người tự trọng này, ta tỏ ra rộng rãi với họ cũng khó khăn đây, không thể dùng tiếng cho nói với họ được đâu. Người bạn thấy rõ sự bối rối của cả đôi bên, anh ta chen vào nói:
- Thưa ông, tôi biết rõ thằng bé này, nó can đảm như một người lớn. Nó sẽ phải vất vả, nhưng nó muốn công bằng. Một số tiền lớn như vậy không thể dễ dàng bỏ qua…
Anh ta mỉm cười, nụ cười tin tưởng của kẻ quen phấn đấu, coi thường gian khổ. Ông Ất Cơ nhìn họ giây lâu, đoạn bảo:
- Thôi được! Tôi sẽ nói chuyện này sau, với ba nó, người cộng sự cũ của tôi. Dù sao, tôi rất hài lòng về cách xử sự của hai chú.
Ông đứng lên, bắt tay Minh và bạn nó một cách thân mật, và rồi họ chia tay.
Cả hai thở phào nhẹ nhõm khi ra đến đường phố. Minh đề nghị:
- Anh em mình xin quá giang xe, anh há?
- Sao lại quá giang? Nếu có xin đi nhờ xe thì cũng đi trên đường bộ mà? Em vẫn không chừagiang với hải há?
Minh bật cười trước câu pha trò của bạn. Anh ta tiếp:
- Ta về bằng tàu hỏa.
- Tiền đâu?
- Anh vẫn còn giàu lắm, em ơi!
*
Với số tiền to bán Hy Vọng, cha Minh đã tậu lại con thuyền đánh cá. Sinh hoạt của họ trở lại bình thường. Chiếc thuyền cũ sơn xanh cũng được Minh chiếu cố. Đảo Xanh có nhiều dịp đón tiếp cậu thủy thủ chưa đến tuổi 15. Nó dậy sớm, dong buồm đi đón khách. Bạn hàng vốn quen với Minh từ lâu và câu chuyện may mắn liền theo xui xẻo của nó được chuyền đi nhanh chóng. Họ đều là dân nghèo song tâm địa rất rộng rãi. Họ đưa cho nó những đồng tiền lớn và khoát tay thoái thác khi Minh sắp thối lại tiền lẻ cho họ. Rồi người này biếu nó miếng phó mát, người kia một quả táo tươi ngon.
Để giúp thằng bé sớm thanh toán được món nợ lớn, sự giúp đỡ của mọi người hoặc kín đáo, hoặc lộ liễu bằng nhiều cách. Chẳng hạn ông chăn nuôi kia cần chở một đàn bò, nếu đi tàu hơi nước thì chỉ vài chuyến, song ông lại để cho Minh chở từ từ nhiều bận, mỗi bận một con, sau khi trói chân như trói gà và đặt con vật nằm giữa khoang thuyền, như thế, nó sẽ không cử động làm mất thăng bằng con thuyền. Một người khác, tin vào thời vận, đã dúi vào tay nó tờ vé số. Nhưng Minh, dù nể bà ta, nhận lấy mà không tin vào may rủi chút nào. Nó tặng lại bạn mình để anh ta vấn thuốc hút. Bạn nó cười dài:
- Anh đồng ý, nhưng vội gì, chờ xổ xong đã, biết đâu.
Rồi ngày xổ số đến, cái vé số vô dụng được đem ra vấn thuốc y như Minh tiên đoán.
Ngày lại, tháng qua. Cuộc sống đều đặn : chuyên chở, làm việc, gặp bạn, ăn uống, đọc báo…
Một hôm kia, Minh lớn tiếng đọc tên cái tàu cập bến và nó thấy mắt bạn nó như tóe lửa khi nghe đến cái tên : Gi-li-ô Xê-za. Anh ta chặn lời Minh:
- Đọc lại anh nghe coi!
- Gi-li-ô Xê-za từ Singapore đến…
- Gi-li-ô Xê-za!
Anh ta gằn giọng lặp lại và bất thần ném điếu thuốc vào đống lửa. Khuôn mặt anh ta như co rúm lại khi nghe chiếc thương thuyền này ghé bến ngày mai. Minh quan sát bạn thầm lặng và không khỏi lo lắng.
Không nén được, nó ấp úng hỏi bạn:
- Anh ơi! Có phải lâu nay anh đợi chiếc tàu này không?
- Đúng! Anh đợi nó, và sẽ đợi nó tại đây cho đến chừng nào…
- Em lo cho anh… Liệu anh có đủ sức…
- Hãy tin anh! Anh đã hoàn toàn bình phục, em thấy đó mà!
Anh ta nhìn sâu vào mắt Minh và nhận ra cảm tình sâu đậm của nó đối với mình : nó muốn giúp anh! Nhưng người ta không thể lôi cuốn con trẻ vào chuyện phục thù, rửa hận. Anh ôn tồn:
- Em cứ yên tâm! Nếu sóng gió dạo đó không giết được anh em mình thì thằng hèn đã hại lén anh làm sao giết nổi? Chiều mai ta sẽ gặp nhau! Nhớ đem cho anh thứ gì ngon nhất, nghe không? Bây giờ thì cậu thủy thủ ơi! Nên về ngủ để có sức mai ra khơi làm việc!
Trọn một ngày, đầu óc Minh căng thẳng trong lúc luôn luôn bận rộn vì điều khiển con thuyền. Nó chỉ mong cho mau tối để trở về tìm bạn. Và nó yên lòng biết bao khi từ xa, nó nhận thấy ánh lửa thấp thoáng trong căn lều ván, chứng tỏ sự hiện diện của bạn mình. Ôi! Cảm ơn Chúa biết ngần nào. Anh ấy được bình yên! Anh ấy, người bạn không tên mà Minh được quen biết, được giúp đỡ, đã cùng Minh chia sẻ tất cả ngọt bùi cùng gian nguy trên biển cả!
Anh bạn lùa mấy ngón tay xương xẩu vào mái tóc bù rối của Minh, cười ưu ái:
- Sao? Cả ngày nay em sốt ruột dữ há? Chắc sợ anh chết chớ gì?
Minh cười bẽn lẽn, gật đầu thú nhận. Nó nóng biết kết quả cuộc phục thù và anh ta hiểu như vậy nên để nó phải chờ đợi lâu lâu… Sau cùng Minh phải lên tiếng hỏi:
- Anh có gặp được tên khốn đó không?
- Có, làm sao lại không gặp chớ?
- Rồi?...
- Rồi sao? Em muốn hỏi gì đây?
Bạn nó ỡm ờ, đoạn cười phá lên:
- Thôi, trêu em như vậy cũng nhiều rồi. Anh nói hết cho nghe đây! Anh đã xuống tàu, gặp tên khốn đó, nó đang nằm ngủ. Ý chà, phải nói là anh mừng lắm. Anh lôi cổ nó dậy, quyết một trận sống mái. Nhưng khi nhìn kỹ thì… em ơi! Nó không phải ngủ mà đang ốm liệt giường. Em nghĩ sao? Anh có thể đang tay hành hạ một tên dở chết dở sống hay sao?
- Coi chừng nó giả vờ!
- Không, nó đau thật sự : rượu và vi trùng các chứng bệnh đang thi nhau vật nó. Nó mất hết phong độ khi xưa…
- Chắc gã ta xanh xao lắm nên anh thương hại chớ gì?
- Không, hắn vàng như củ nghệ, và anh, anh không đánh nhau với một củ nghệ, hiểu chưa, hở nhóc con?
- Thì củ nghệ! Và anh thương hại củ nghệ chớ gì?
- Không, anh mà thương hại ai! Nhưng một củ nghệ đâu có thể tự vệ? Đánh một người không tự vệ được đâu có sướng tay, hả dạ, hở Minh?
- Bây giờ anh tính sao?
- Bỏ qua!
- Bỏ qua?
Minh lập lại với chút bàng hoàng, lo lắng. Minh biết là thù hận đã xui cho anh ta dừng bước lại đây, chờ đợi và bây giờ cái lý do khiến anh ta lưu lại không còn, anh ta sẽ ra đi… Minh cảm thấy đau nhói trong lòng, định hỏi coi chừng nào anh ta đi nhưng nó lại không đủ can đảm, nó sợ sự thật tàn nhẫn phũ phàng đó. Tuy nhiên sau cùng, nó nghĩ là thà đối mặt với sự thật còn hơn phải hồi hộp thế này:
- Vậy thì anh sẽ đi?
Bạn nó gật đầu, không nói. Minh choáng váng cả mặt mày, lắp bắp:
- Mà chừng nào anh đi?
- Ngày mai! Đáng lẽ anh đi từ lúc xế, nhưng còn đợi gặp em… Minh ạ! Em ở lại bình yên nghe! Gắng làm việc, sống lương thiện như lâu nay. Rồi sẽ có ngày chúng ta lại gặp nhau. Anh xin hứa!
Minh cảm thấy đầu óc trống rỗng, cơ thể mệt nhoài… còn tệ hơn cái hồi nó và bạn chống chọi vô vọng giữa biển khơi trong con thuyền tơi tả. Song nó biết rằng phải xử sự như người lớn để đẹp lòng anh bạn nên gắng gượng gật đầu, nước mắt tuôn dài xuống má.
*
Trong nhiều ngày, Minh sống lẻ loi, buồn bã với công việc sau khi anh bạn ra đi. Nó không để ý đến Bình. Nó không để ý đến một ai. Chị Mai cũng thông cảm nỗi buồn của nó với một chút ganh tị – chút chút thôi – mơ hồ : em cô yêu thương người lạ hơn cả chị mình!
Một bữa chiều về, Minh gặp Bình. Nói cho đúng hơn : chính Bình đón đợi Minh. Bình lên tiếng vồn vã:
- Ê, Minh, bữa nay chở khách có khá không?
- Cũng tàm tạm thôi. Tao xoay xở có một mình… Làm sao bằng mày nổi! Mày…
Minh nhớ chuyện cũ, định mỉa mai cho hả lòng, nhưng đột nhiên nó nhận thấy ánh mắt buồn bã, khuôn mặt và thân hình khẳng khiu của bạn. Trong khoảnh khắc, nó động lòng nghĩ Bình cũng không sung sướng gì. Nó không được có bạn tốt như mình, dù hiện giờ người bạn đó đã xa nó hàng bao nhiêu hải lý. Bình buồn rầu, khuôn mặt nó chợt nghiêm trang lại và cái nhìn không còn chút gì lém lỉnh, gian manh:
- Mày vẫn còn giận tao sao, Minh? Dầu sao, mình cũng là bạn cũ, không lẽ mày giận tao mãn đời sao?
- Ô, không, nhưng tao nghĩ là mình không hợp nhau, tốt hơn ai đi con đường nấy…
- Minh ơi! Tao biết là tao bậy lắm. Tao biết con đường tao đi không ngay thẳng, tao muốn…
- Bộ ma nhập vô mình mày sao? Mày mà công nhận là…
- Mày không tin tao sao? – Giọng Bình có một chút hờn dỗi – Tao biết là tao không bao giờ được mày coi như bạn, tao làm sao so sánh được với anh chàng thủy thủ đã bỏ mày ra đi…
- Thôi, im đi! Mày lại tính gây sự hay sao? Ừ, tao coi anh ấy hơn mày đó, có sao không?
Minh nổi nóng bất ngờ vì Bình muốn kết thân mà vụng về nhắc lại những gì không nên nhắc. Nhưng quát to như thế xong, Minh chợt hối. Quả thật nó và Bình đã từng là bạn cũ, trước khi anh thủy thủ lạ mặt đến nơi này. Song không phải vì anh ấy mà nó lờ bạn cũ, chính vì Bình đã làm xằng nên nó mới bỏ Bình. Dù sao, trước một người bạn cũ, cùng cảnh ngộ, cũng nghèo như mình và tỏ ra biết hối, Minh cảm thấy không thể tỏ ra tàn nhẫn được, nó đổi giọng:
- Tao nóng thật, Bình ơi! Mày không giận tao chớ?
- Không, tao đáng trách, tao có lỗi với mày… Tao biết lỗi tao, đáng lẽ tao tìm mày xin lỗi từ lâu mà tao không làm được, tao ngu ngốc quá, Minh ơi!
Bình ngừng lại, vì quá xúc động. Minh cũng xúc động không kém, nó tiến đến, nắm tay bạn, an ủi:
- Mình vẫn là bạn cũ chớ, Bình? Thôi quên đi…
Bình lúng túng một giây rồi móc túi quần đưa cho Minh tờ giấy báo gấp nhỏ:
- Tao vẫn theo dõi mày, tao có cất cái này cho mày. Mày giận tao, bỏ tao, chớ tao vẫn… Tao hối hận lắm, Minh ơi!
Minh đón lấy, mở ra, nó nhận ra đó là cái hình nó chụp trước con thuyền Hy Vọng ngày nào, được đăng lên báo. Bình nhoẻn cười:
- Tao cắt trong báo Thế Giới Mới, đợi có dịp sẽ đưa cho mày, nhưng tao nghĩ chắc mày cũng có… phải không?
- Ô không! – Minh tỏ ra sốt sắng – Tao không có cái hình này. Cảm ơn mày lắm. Tao sẽ giữ làm kỷ niệm, mày cho tao chớ?
- Chắc chắn như vậy rồi. Tao cho mày chớ cất làm chi?
Minh chợt hỏi:
- Mày… buôn bán ra sao?
- Tao hả? – Bình cười buồn – Tao thất nghiệp dài dài…
- Tại sao? Tao ngỡ là mày phát tài lắm chớ?
- Không, tao đã nghĩ kỹ rồi, mình phải sống lương thiện. Anh bạn mày có lý… Anh ta bảo tao…
- Ủa, mày cũng quen anh ấy sao?
- Có chớ… trước khi đi, ảnh có gặp tao, ảnh khuyên tao vậy đó. Tao không được ảnh thương như mày, nhưng ảnh cũng tốt với tao lắm, Minh à!
Minh cảm thấy sung sướng và gần bạn hơn bao giờ. Nó đột ngột có ý định:
- Vậy bây giờ mày tính làm gì? Mày…
- Tao đánh giày, khuân vác, nhưng công việc đó không hợp với tao. Tuy nhiên, làm gì cũng được, miễn là nghề lương thiện…
- Bình ơi! Tao có ý kiến : mày chở thuyền với tao không?
Bình nhìn sững Minh : có thật là Minh đề nghị đàng hoàng không hay chỉ là lời nói chơi thôi? Minh giục:
- Sao, mày có muốn làm việc chung với tao không? Hai đứa thì đỡ vất vả và cũng vui hơn. Tao mong mày không từ chối…
- Không, tao đâu có từ chối? Tao chỉ sợ mày cao hứng bất tử rồi lại đổi ý thôi.
- Vậy là mày nhận lời há?
- Tao nhận! Tao rất sung sướng được làm việc chung với mày, Minh ạ!
Bình vui vẻ nói, mắt ngời sáng và nó lôi từ túi quần ra một điếu thuốc nhầu nát, ngắt làm đôi, đưa cho bạn:
- Hút đi!
Thấy Minh có vẻ lưỡng lự, nó cười to, phát vào vai bạn:
- Hút đi, tụi mình cũng gần là người lớn rồi mà!
Rồi chợt nó nhớ ra, thôi cười, tiếp:
- Đừng ngại. Đây không phải là thuốc lá lậu thuế của Mỹ đâu. Tao bỏ nghề đó lâu rồi.
- Không – Minh cải chính – tao biết, tao tin mày, nhưng tao nhớ đến anh ấy. Anh ấy hay ngắt điếu thuốc làm đôi chia cho tao lắm, Bình ơi!
Đôi bạn sánh vai bước đều trên bến vắng. Lần thứ nhất từ khi anh bạn ra đi, Minh cảm thấy ấm áp trong lòng : Bình đã hồi tâm trở lại với cuộc sống lương thiện. Hai đứa cùng chung sức làm việc và chia sẻ mọi buồn vui như trước kia nó chia sẻ với anh bạn không tên.
Minh đâu ao ước gì quá tầm tay.

MINH QUÂN     
Saigon 7-3-74   

KẺ LẠ MẶT TRÊN HẢI CẢNG - Chương VIII


CHƯƠNG VIII


Phải! Ông Hải không chết, ông chỉ nằm liệt nhiều ngày rồi khi ông bắt đầu đi đứng được thì việc đầu tiên ông nghĩ tới là phải tậu một chiếc thuyền đánh cá khác thay thuyền đã đắm, vì không chỉ lo cho gia đình mình mà ông tự coi như có bổn phận đối với hai người giúp việc. Trong hai người, một người bị thương tích trầm trọng ngang hông và người nữa thì chỉ trầy trụa sơ sơ. Tuy nhiên, những dân chài can đảm đó không than thân trách phận mà còn mừng vì biển cả đã tha mạng sống của họ, họ được trở về. Khi một trong hai người tỏ ý lo lắng thì ông Hải ngắt lời họ ngay:
- Tôi còn sống đây, tôi không để các anh chết đói. Để tôi lo! Tôi không bỏ những cộng sự viên của tôi, những người đã cùng tôi đi biển trên cả chục năm trời nay đâu!
Thật vậy, mười năm nay, ông Hải đã dìu dắt họ, điều khiển họ, hướng dẫn họ, ông là đầu óc, họ là tay chân, làm sao ông có thể không lo cho họ? Thậm chí, quay cuồng dưới biển trong cơn bão, mà ông còn cố gắng dìu được một người đặt lên mảnh ván thuyền trước khi kiệt lực hoàn toàn, buông tay, ngất đi trong vòng tay người thủy thủ lực lưỡng của chiếc tàu đến cứu.
Được ông chủ trấn an, hai người thợ chài vững lòng chào ông và trở về nhà, chờ đợi. Họ tin ở ông.
Trong khi đó, ông Hải bưng đầu, moi óc cố tìm coi có thể mua lại của ai một con tàu đánh cá có thể thay vào chiếc của mình, một chiếc không lớn lắm, mới lắm mà cũng không quá cũ, vừa phải. Ông chợt nhớ đến già Phú, người có con thuyền hợp với công việc của mình.
Chỉ còn vấn đề nan giải : tiền đâu? Con thuyền đó, ít nhất cũng phải năm trăm ngàn đồng mà ông hiện giao cho Mai cất chưa quá 200 đồng. Ông ngồi lặng giây lâu, song như vậy, không có nghĩa là ông Hải không làm việc, đầu óc ông làm việc nhiều hơn lúc nào hết, hơn cả bao giờ.
Không thể mong chờ vào ai được. Chỉ còn có cách… nghĩ đến Minh, đến con thuyền mới xinh đẹp của con trai, ông cảm thấy yên tâm phần nào. Nhưng liệu Minh có bằng lòng không? Minh có chịu hy sinh con thuyền đó, bằng lòng để cha bán đi lấy tiền đặng trang bị một con thuyền đánh cá khác không? Nó còn nhỏ quá, mà những đứa trẻ thì không thể đòi hỏi nó hy sinh dễ dàng được. Dù sao, ông Hải nghĩ rằng cứ thử đề nghị xem nó có thái độ ra sao. Phải! Nó còn nhỏ quá, song tuổi trẻ của con nhà nghèo, quen vất vả, chịu đựng hẳn là khác xa tuổi trẻ sống trong nhung lụa, nuông chìu. Con ông sẽ hiểu. Hơn nữa ông dò hỏi chứ không bắt buộc.
*
Minh buông cái nĩa, nghẹn ngào, nhìn sững cha một giây rồi không nói tiếng nào, nó bưng đầu chạy biến ra đường. Ông Hải cũng không kịp có phản ứng gì cả. Ông muốn đứng lên, gọi con lại, bảo là nếu nó không muốn thì thôi, ông không bắt buộc, song ông còn yếu quá… ông ngồi lặng, khe khẽ thở dài.
Mai hiểu ý cha, cô lại gần ông, đặt tay lên vai cha, trấn an:
- Ba đừng buồn, con chắc nó sẽ bằng lòng… Em con là đứa hiếu thảo…
- Ba chả còn biết tính sao nữa, nó làm như đứa hóa cuồng. Ít nhất, nó phải hiểu cho ba…
Trong lúc đó, Minh chạy chân không bén đất, dẫm càn lên những mảnh ván nằm la liệt, đôi chân trần bị nhiều vết sướt, trầy da, rướm máu. Nó cần được gặp một người hiểu nó nhất, dù đó là người dưng chứ không chút liên hệ huyết nhục.
Đâm sầm vào lều bạn, nó thở hồng hộc, mặt tái mét làm cho bạn nó cũng hoảng lên:
- Lại có gì đây? Sao em như là bị ma đuổi vậy, Minh?
- Anh không biết đâu, anh không thể… em không thể…
- Bình tĩnh lại coi! Em phải xử sự như một người lớn chớ!
- Anh không hiểu được mà – Minh rền rĩ, nước mắt tuôn ròng ròng – Anh không giúp em được gì đâu…
- Phải! Có thể anh không giúp em được gì, nhưng cứ nói ra, chúng ta là bạn, phải không, Minh? Em không tin anh sao?
Giọng điềm tĩnh, dịu dàng của anh bạn làm Minh đỡ khổ đôi chút, nó ấp úng:
- Ba em… ba em muốn em bán chiếc Hy Vọng… Anh nghĩ coi…
- Để làm gì chớ?
- Để lấy tiền cho ông mua chiếc thuyền đánh cá khác, thay chỗ chiếc bị chìm. Ba em nói là ông còn phải nghĩ đến gia đình hai anh bạn chài nữa… Anh nghĩ coi : em trách nhiệm gì về họ? Anh nghe không? Ba em muốn bán…
- Sao lại không nghe? Anh nghe rõ rồi, tên thủy thủ nhỏ kia! Em không bằng lòng chớ gì? Nghe đây! Bộ em tưởng ba em sung sướng khi đề nghị việc này sao? Em phải hiểu…
- Em không hiểu gì hết – giọng Minh hờn dỗi – Anh đứng về phía mấy người lớn, anh cũng muốn lấn át em… Em chán hết người lớn…
- Minh ơi! Anh mến em lắm. Em thường tỏ ra biết điều, biết nghĩ đến người khác, em tốt bụng lắm. Sao lần này em lại chỉ nghĩ đến sở thích em thôi? Em nên biết là ba em khổ tâm lắm, hiển nhiên là không còn cách gì khác, ông mới phải đòi hỏi em hy sinh. Hãy tỏ ra người lớn, coi nào!
- Người lớn? Em 14 tuổi…
- Với con thuyền xinh đẹp đó, em rất vui vẻ, sung sướng, em lại dư một chiếc nằm ườn phơi nắng. Còn ba em, ông đang cần thuyền đánh cá mưu sinh cho nhiều miệng ăn. Bao nhiêu người trông cậy vào mình ông.
- Hừ! – Minh kêu lên một tiếng vô nghĩa rồi chợt im.
Giọng anh bạn vẫn đều đều, rót vào tai trong lúc Minh muốn bịt tai lại, không nghe:
- Em nghĩ kỹ đi rồi sẽ trả lời ba em. Em mất vui nhiều, anh biết nhưng mà em còn chiếc cũ để đưa khách kiếm tiền. Chiếc Hy Vọng không quá cần thiết, em công nhận chớ?
- Em công nhận lời anh… Nhưng mà…
Minh đã đưa ống tay áo lau khô nước mắt. Nó xúc động vì những lời giải thích của bạn nó. Nó biết rằng hơn ai hết, anh hiểu nỗi buồn của nó. Thằng bé lắc đầu, xua đuổi mọi tư tưởng buồn rầu và quả quyết nói:
- Em xin nghe anh! Em sẽ xử sự như người lớn để ba em hài lòng.
- Em tốt lắm!
- Chiều nay, em có nhận chở một chuyến hàng về phía nam, vịnh Ben-ri-nô, họ trả cho em khá nhiều tiền…
- Em hãy đi đi! Đi lần chót trước khi chiếc thuyền xinh đẹp về tay kẻ khác.
*
Nghe theo lời khuyên của bạn, Minh không đăng quảng cáo mà lấy một mảnh gỗ kẻ mấy chữ bằng sơn xanh : “Thuyền bán”, đem treo trước chiếc Hy Vọng.
Hôm ấy nhằm ngày chúa nhật, là ngày mà các thuyền buồm được ra khơi, cũng như những chiếc xe du lịch dạo rong khắp thành phồ.
Trời thật tốt. Nhiều du khách và chủ thuyền máy đi ngang chiếc Hy Vọng và hầu hết đều dừng lại trước con thuyền xinh đẹp.
Bọn con trai trạc Minh cười nhăn nhở khi hay tin này. Chúng cho là Minh biết làm gì với con thuyền xinh đẹp đó, nếu không đem bán lấy tiền tiêu? Nếu chúng mà làm chủ con thuyền như vậy coi, chúng sẽ dùng số tiền bán được xài cho thỏa thích… Minh không buồn cải chính nửa lời.
Minh ngồi xa xa, trên đống dây thừng, nhìn đăm đắm vào con thuyền yêu dấu. Chợt nó trông thấy dáng bộ còm nhom của Bình trước mặt. Tức thì, nhanh như cắt, Minh nhảy phóc tới trước mũi thuyền lấy tấm vải bạt che mảnh gỗ lại. Nó sợ Bình thấy hàng chữ, sẽ chế giễu nó, nó chịu gì nổi?
Quả nhiên, Bình đi ngang không nhận thấy gì khác, ngoài con thuyền xinh đẹp.
Ngay trưa hôm đó, có khách hàng đến mặc cả mua thuyền. Đó là ông Ất Cơ, một ông chủ tàu giàu sụ mà trước kia, cha Minh đã có làm công dưới tàu ông ta. Qua vài câu chuyện, hai bên nhận ra nhau và nhờ vậy, việc mua bán hoàn tất mau chóng vì ông Ất Cơ tốt bụng, không mè nheo giá cả đối với một người giúp việc cũ của mình.
Ông ký chi phiếu ngay cho cha Minh và yêu cầu Minh đưa con thuyền đó đến Xi-vi-ta-vét cho ông, còn ông thì đi tàu hỏa về trước.
Dưới ngọn đèn mờ, bên đĩa súp loãng, cha Minh kể lại mọi chuyện trong ngày cho Minh biết. Giọng ông trầm xuống, buồn rầu:
- Ba rất khổ tâm về điều này. Ba biết con quí chiếc thuyền…
- Xin ba đừng bận lòng. Con rất vui được giúp ba làm tròn lời hứa. Thuyền đó không phải để dành cho con chơi.
Giọng vui vẻ giả tạo, nó tiếp:
- Con xin phép ba cho con rủ người bạn cùng con đem thuyền giao cho chủ ở Xi-vi-ta-vét.
- Ồ, con cứ đi, nếu con muốn có bạn cùng theo thuyền.
Suốt hai ngày qua, hôm nay Minh mới thấy vui vui một chút, khi nó đề nghị việc đưa thuyền đi và được bạn nó nhận lời:
- Anh sẽ đi với em. Em muốn đi ngày nào đây?
- Em muốn đi liền vào ngày mai, em muốn cho xong…
- Lúc nào anh cũng sẵn sàng.
Tối đó, nằm trên gác, trong cái võng, Minh không sao chợp mắt. Mọi việc xảy ra y như là trong một giấc mơ.
Ngọn nến chập chờn, những bóng đen nhảy múa in lên vách. Đột nhiên, Minh choàng dậy, đi thẳng lại bức vách, chỗ mà nó dán những tranh ảnh về tàu bè. Minh nhìn lại lần chót cái hình nó đứng trước chiếc Hy Vọng, do nhiếp ảnh viên của báo Thế Giới Mới chụp, đăng lên báo và gửi tặng nó mà nó đã cắt, dán lên.
Soạt một tiếng, Minh đưa tay xé đôi tấm hình, vo tròn trong tay vứt ra cửa sổ. Đoạn, nó trở lại võng nằm. Ngọn nến cũng bắt đầu tàn dần, căn gác chìm ngập trong bóng đêm đen.
_____________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IX

KẺ LẠ MẶT TRÊN HẢI CẢNG - Chương VII


CHƯƠNG VII


Những ngày sung sướng của Minh trôi khá mau, Minh không kịp nhớ. Nó chia sẻ nguồn vui với cả gia đình. Ngay sau hôm nó làm chủ con thuyền sang trọng đó, chị Mai nó và ba đứa em diện những áo quần xinh đẹp nhất, kéo nhau xuống bến để chiêm ngưỡng món quà bất ngờ như từ trên trời rơi xuống. Mà các nhà láng giềng cũng chia sẻ cái tin mừng ấy. Người cha từ biển khơi trở về trông thấy bàn ăn được trải tấm khăn sặc sỡ và một bữa ăn tối khá tươm tất. Chị Mai có sáng kiến mời bạn Minh đến ăn cho vui – người cho đến nay vẫn được coi là kẻ lạ mặt chứ không rõ tên họ là chi. Tức thì Minh nghe theo và lát sau nó trở về, hơi kém vui vì anh ta không chịu đến. Mặc dù vậy, lúc ăn tráng miệng, người cha nâng ly lên chúc mừng sức khỏe người vắng mặt còn Minh thì bùi ngùi nghĩ đến cái bộ dạng trầm ngâm, lặng lẽ của anh ta bên đống lửa, một mình.

Đêm nay, anh ấy không được nghe Minh đọc báo, song Minh hứa ngày mai sẽ đọc bù cho anh.

Ngôi nhà nhỏ như sáng rực vì niềm vui của gia đình Minh. Đứa con trai đề nghị:

- Thưa ba, con sẽ bán chiếc thuyền cũ đi, nó vừa được anh bạn con thay đáy và sơn sửa lại, khá lắm. Với tiền đó, ba sẽ mua một bộ lưới mới…

- Hay lắm. Và chắc con tính chở khách bằng chiếc Hy Vọng?

- Thưa ba, đúng vậy. Con sẽ tăng giá chút đỉnh…

- Không nên đắt lắm, con ạ! Nên tính vừa phải thôi…

- Vâng, con không tính đắt lắm đâu, ba cứ tin con đi.

- Ba rất hài lòng vì con có vẻ tháo vát… Ờ, mà con cũng sắp trưởng thành đó thôi!

Tối đó, trước khi lên võng nằm, Minh đưa mắt nhìn lại chỗ trống, chỗ mà trước kia nó đặt chiếc chai. Đêm nay, Minh không thay áo ngủ vì nó biết rằng sẽ không sao chợp mắt : con thuyền mới tinh khôi, trắng lốp choán rợp lấy tâm trí nó. Cho đến 11 giờ đêm nó phóc ra khỏi võng, gấp gọn cái chăn đơn, kẹp vào nách và thổi tắt ngọn nến trước khi rời phòng riêng.

Từ khuôn của sổ, nó nhìn ra phía bên kia đập đá, ánh trăng xanh biếc, đang trải lên mặt biển cái ánh sáng huyền ảo, mơ màng.

Chiếc Hy Vọng đang ở đó như chờ đợi, mời mọc chủ nhân. Với đôi chân trần, Minh nhảy từ thuyền này sang thuyền khác để đến tận thuyền mình, rồi nó giở tấm vải thô màu đỏ đậy phía sau thuyền ra, nằm dài xuống sàn thuyền, đắp mình bằng cái chăn mang theo, ngửa mặt nhìn những vì tinh tú lấp lánh trên trời. Mãi thật khuya Minh mới ngủ thiếp đi.

Khi Minh tỉnh giấc, mặt trời lên khá cao và nó sững sờ vì thấy bạn mình đứng ở bên bờ vẫy gọi. Nó ngạc nhiên hỏi:

- Sao anh biết em ở đây?

- Anh thừa biết, em làm sao ngủ được đêm nay tại trong nhà?

- Anh ra khơi với chiếc Hy Vọng với em hôm nay chớ? Em muốn thử…

- Rất sẵn lòng!

Bạn nó xuống thuyền. Minh hớn hở đề nghị để anh ta lái thuyền song anh ta từ chối, ngồi cạnh nó hướng dẫn cho nó điều khiển. Minh nong nả giương buồm lên, gió sớm làm gợn sóng trên mặt biển. Như một con tuấn mã, chiếc Hy Vọng cũng trẻ trung và nong nả giống chủ mình.

Đôi bạn vong niên đảo một vòng quanh Đảo Xanh, nơi mà trước kia Minh vẫn đưa khách kiếm tiền bằng chiếc thuyền cũ kỹ hiện đang nằm phơi mình trên bến vắng. Gió thuận, buồm căng, chiếc Hy Vọng phăng phăng lướt sóng, trở về. Bạn nó khen:

- Chiếc Hy Vọng khá lắm đó, Minh ơi!

- Ngày mai em sẽ bắt đầu làm việc, anh thấy sao?

- Còn thấy sao nữa? Vui chơi như vậy quá nhiều rồi, làm việc đi chớ, cậu!

Cả hai cười ròn rã, tiếng cười lan trên mặt biển. Khi anh ta rời Minh, nó dõi mắt theo anh và nhận thấy anh không còn khập khiễng nữa, Minh rất hài lòng.

Vừa nhảy lên bờ, Minh chạm trán một gã đàn ông có vẻ phong nhã, bảnh bao trong bộ quần áo thể thao, sau anh ta là một gã trẻ hơn, vai mang máy ảnh.

- Chào cậu bé, cậu là chủ nhân cái thuyền đó phải không?

- Vâng!

- Cậu là Hà Đình Minh?

- Vâng, ông hỏi có chuyện gì? – Minh hồi hộp hỏi lại.

- Tôi được biết câu chuyện lạ lùng của cậu do dân chài kể lại. Tôi xin tự giới thiệu : tôi là phóng viên của tờ Thế Giới Mới… Cậu biết tờ nhật báo này chớ?

- Vâng, tôi đọc mỗi ngày…

- Tôi muốn cống hiến độc giả câu chuyện cái chai phiêu lưu của cậu. Tôi muốn biết cậu có gửi gắm gì trong cái chai ngoài con thuyền buồm xinh đẹp? Và tại sao cậu lại nảy ra cái sáng kiến ngộ nghĩnh như thế? Cậu có hy vọng gì khi gửi chai đi?

- Tôi không hy vọng gì… Tôi thích phiêu lưu và tôi thử viết một lá thư bỏ vào chai… Tôi nghĩ đến khi cái chai trôi đi khắp, vậy là vui rồi.

- Nhưng, nguyên do chính khiến cậu… tôi nghĩ là còn có một nguyên cớ gì…

- Tôi có một người bạn tốt, anh ta rất nghèo và anh ta đã chịu khó ngồi làm một con thuyền xinh đẹp đặt vào trong chai tặng tôi, nhưng lại không bằng lòng cho tôi giữ nó. Anh bảo tôi bán đi lấy tiền giúp gia đình. Mà tôi thì không muốn đem vật kỷ niệm quí báu đó đổi ra tiền. Nhưng vì đã hứa với anh là không giữ, nên tôi thấy chỉ còn có cách là gửi nó cho biển cả…

Hai gã phóng viên như bị mê hoặc vì cái vẻ ngây thơ thành thật của Minh. Họ ngồi yên nghe Minh kể lại từng chi tiết một. Khi Minh dứt lời, gã cao lớn lên tiếng:

- Tôi sẽ viết lại đầy đủ câu chuyện đăng lên báo, tôi sẽ tặng cậu một tờ làm kỷ niệm và bây giờ, nào! Mời cậu chụp một tấm hình để đăng lên cho thêm phần long trọng!

Nói xong, gã kéo tay Minh, dáng bộ thân mật làm Minh rất hài lòng. Trước hết, anh ta bảo bạn chụp nguyên người Minh, phía sau là hải cảng cũ kỹ. Cái thứ hai là Minh đứng trên thuyền.

Sau đó, gã mời Minh đi ăn, song Minh từ chối vì nó nóng về nhà kể chuyện cho chị với cha hay.

Tối đó, như thường lệ : Minh mua thực phẩm cho bạn cùng với tờ nhật báo. Bạn Minh cười vui vẻ:

- Tôi xin khuyên bạn : đêm nay hãy về ngủ tại nhà nghe! Đừng có xuống canh thuyền mới nữa, không ai ăn cắp của bạn đâu!

Minh cười theo, tỏ ý vâng lời.

Ngày thứ hai, Minh rời bến trước khi mặt trời mọc, đến Đảo Xanh, Minh đón được sáu hành khách và chỉ buổi sáng, nó đưa được 6 chuyến đi về. Minh ăn trưa trong thuyền mình, bánh mì nướng, xúc xích có cả hành tây, do một bà bán rau biếu nó. Trời nhá nhem tối Minh mới về đến nhà và chỉ về để đưa tiền cho chị rồi hộc tốc ra bến tàu tìm anh bạn để kể lại việc đưa hành khách hôm nay.

- Anh thấy con thuyền của em sang quá, không xứng với những giỏ gà, giỏ rau! – Bạn nó pha trò, còn Minh vội vàng giở tờ báo ra, ở trang nhất, dưới hàng chữ lớn tướng : Cuộc phiêu lưu kỳ thú của chàng thủy thủ trẻ tên Minh là tấm ảnh thật rõ và đẹp của nó, đứng trên chiếc Hy Vọng, mặt tươi tỉnh, mắt sáng ngời vì thích thú. Một cột dài, kể lại, bằng giọng lưu loát, bóng bẩy câu chuyện của Minh.

Lại một ngày nữa trôi qua. Minh luôn luôn bên cạnh con thuyền như kỵ sĩ và con tuấn mã thân yêu. Sau mỗi ngày, Minh không rời thuyền ngay, mà nằm dài lên đó, gác đầu vào mạn thuyền, lắng nghe tiếng sóng gợn nhẹ vỗ về, vuốt ve con thuyền phía dưới.

Trong lúc đó, anh chàng thủy thủ không tên, bạn nó đang làm gì? Anh ta cũng đang vuốt ve, săn sóc chiếc thuyền cũ kỹ của Minh. Anh ta thủ thỉ với con thuyền cũ kỹ đó như Minh với chiếc Hy Vọng:

- Chà, mày uống ba nước sơn rồi đó! Mày cũng không phải là vô dụng. Sẽ có lúc cậu bé đến với mày! Mày cũng là bạn nó mà!

Thật vậy, dù có thuyền mới xinh đẹp, Minh cũng không quên hẳn chiếc thuyền cũ này. Minh và nó há không từng chia sẻ mọi vất vả đó ư? Trước khi về nhà, Minh tạt ngang thăm nó vài giây.

*

Một hôm, rời bến nhỏ trên Hải đảo, Minh nhận thấy trời đổi gió. Đàn hải âu trở về vịnh bay là là trên đầu thành từng đàn dày đặc. Biển từ mầu xanh đổi sang mầu xám như chì. Gió hổn hển như một người khổng lồ sắp đứt hơi. Biển cả nổi giận. Chiếc Hy Vọng đảo qua, đảo lại trên sóng, như vướng trên bùn, nó cũng tỏ ra nóng nảy như con ngựa chứng lên cơn. Mầu nước đùng đục như mầu dầu nhớt, song không phải là thứ dầu nhớt thường mà thứ dầu nhớt được nấu sôi lên. Lướt qua khỏi đám nước xoáy, Minh mất ngót hàng giờ. Song rồi sau cùng, Minh cũng đưa được Hy Vọng đến bến bình yên, thở phào nhẹ nhõm. Khi nó phàn nàn với bạn về sự thay đổi bất ngờ của biển cả, anh ta cười, thản nhiên nói:

- Biển thế đấy! Không bao giờ chịu báo trước khi sắp giở trò tác hại. Đêm nay, sẽ có nhiều thuyền cột trong vịnh nhảy múa còn những thuyền đang giữa ngàn khơi thì không biết số phận chúng ra sao?

Im lặng bao quanh đôi bạn sau câu nói. Minh từ biệt bạn về nhà. Ngoài khơi, từng lúc, những tia sáng lóe lên, đe dọa. Gió gào thét đinh tai, nhức óc, báo hiệu bão tố đến nơi, tiếng sấm vang rền. Trên căn gác nhỏ, Minh chợp ngủ và thức giấc không biết mấy lần, gió rít trên mái nhà như muốn quật tung mái lên. Cái đuôi của cơn bão biển quét ngang thành phố. Minh nghe tiếng còi của chiếc Báo Gấm rời bến, đó là chiếc xà lan được báo động phải đi cấp cứu đám dân chài đang bị nạn giữa trùng dương.

Minh run sợ nghĩ đến cha và hai bạn đồng hành phụ việc của ông, tàu cá của họ thì cũ mèm, rất tệ. Minh trải qua một đêm lo lắng.

Bình minh đến, trời cũng dịu dần. Mà không riêng gì Minh : hầu hết dân chài trong xóm đều không ngủ yên. Tai nạn sẽ giáng xuống gia đình nào đây? Lũ trẻ được mẹ phái đi xuống bến trước hết. Rồi đến phiên các bà mẹ, sau khi chờ đợi quá lâu, nóng ruột phải đi theo. Mai bối rối nhìn em trai:

- Minh ơi, chị lo quá, không biết ba mình ra sao…

- Ba là tay đi biển rành nghề.

Minh cố trấn an chị nó, trong khi đó nó lo lắng không kém gì Mai. Nó đi thẳng ra kho hàng, gặp bạn, anh ta cũng lộ vẻ buồn rầu. Họ chỉ biết chờ đợi.

Rồi thì, ngõ biển vào vịnh, lác đác có vài cánh buồm xác xơ, tơi tả thoát hiểm trở về. Các bà đứng giữa, bâu quanh là đàn trẻ, đưa tay che mắt ngóng ra khơi. Tiếng hỏi han, tiếng trả lời vang dậy trên bến nước. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng thuyền cha, dù vậy, Minh không đủ can đảm hỏi han gì, nó vẫn kiên tâm chờ đợi cho đến tối mịt, lại thất thểu quay về.

Bốn chiếc thuyền đánh cá, trong số đó có thuyền của cha Minh, bặt tin và không ai hay biết số phận nào dành cho chúng.

Một chốc sau, người con cả của gia đình bác Mạc cho hay là anh ta có thấy thuyền của cha Minh bị sóng cuốn…

Mai không sao ngăn nước mắt, nhưng cô cố gắng cầm giữ để lũ em được yên tâm.

Minh lại trải qua một đêm trằn trọc. Mờ sáng hôm sau, có tiếng ồn trước cửa. Minh vội vàng chạy xuống : người ta khiêng cha Minh vào nhà, ông và hai bạn may mắn được chiếc tầu tuần cứu thoát, nhưng con thuyền thì bị sóng cuốn mất tăm.

Mai kêu gào khóc lóc nhưng ông Hải không nghe chi cả, cột buồm gãy đập mạnh vào ông đến nỗi ông ngất lịm mê man qua nhiều giờ rồi.

Hồi lâu, khi xóm giềng tản mác hết, ông choàng tỉnh. Để trấn an lũ con, ông gượng lắp bắp vài lời:

- Đừng… đừng khóc… Ba có chết đâu…

Rồi ông lại lịm đi, nhưng đàn con rất mừng rỡ, vì biết cha mình sẽ vượt qua như đã từng vượt qua.

________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VIII

KẺ LẠ MẶT TRÊN HẢI CẢNG - Chương VI


CHƯƠNG VI

Sáng hôm ấy có nhiều tàu cập bến : hai chiếc chở đầy nhóc dầu hỏa, một chiếc chở chuối và chiếc nữa là du thuyền ba buồm xinh đẹp có vẻ là tàu Đan Mạch hay Thụy Sĩ chi đó.

Bến tàu nhộn nhịp : hàng hóa được trục lên từng thùng lớn, chất đống trên bến. Hàng chục chiếc xe hơi với thùng xe bóng loáng, xoay tít trên không, do cần trục nâng lên và thả xuống từ từ, những sợi dây cáp bằng thép mỏng bao quanh. Nom xa, qua các khung gỗ bọc ngoài, chúng y hệt đàn nhện khổng lồ giăng tơ. Trong đám thợ và phu khuân vác, người ta thấy hai người có vẻ sang trọng. Một người cao lớn, tóc bạc phất phơ trước gió, đứng tựa người lên cái dù xanh và người nữa lùn tịt, bụng phệ, béo tròn trục, mỗi khi muốn trò chuyện với ông kia phải ngẩng lên.
Đó chính là ông người Anh và gia nhân của ông, người đã làm chủ cái chai có bức thư của Minh với lời lẽ trẻ con mà ta đã biết. Hai người đang theo dõi con thuyền bé nhỏ lơ lửng ở đầu sợi cáp bắt ngang cái ròng rọc của cần trục. Con thuyền đang được thả xuống trong lúc đám thợ giơ tay lên đón và đặt nhẹ xuống đất, vẻ trân trọng.
- Tốt quá! Vậy là xong, giờ thì anh chịu khó giúp tôi tìm đến nhà thằng bé nhé?
- Vâng!
- Nhớ đừng nói gì với nó về tôi, nghe? Tôi muốn chứng kiến sự ngạc nhiên của nó. Tôi đứng tránh ra đây… khi anh đưa nó đến. Tôi muốn nó không biết kẻ đã tặng nó món quà là ai, hiểu không?
- Thưa vâng!
- … Nhưng tôi cũng muốn biết nó sẽ có thái độ ra sao. Tôi sốt ruột lắm. Đi ngay đi thôi! Tôi đợi anh đây!
Tên gia nhân lùn, béo song vẫn nhanh nhẹn, rút khăn tay ra lau mồ hôi đang tuôn ròng ròng trên trán, khua vội đôi chân ngắn ngủn.
Họa sĩ ngồi lại trên một cái thùng gỗ, cái dù xanh bên cạnh, ông ta quan sát bến tàu trong khi chờ đợi. Rồi mươi phút sau, ông ta rút từ túi ra một xấp giấy và một cái bút chì, bắt đầu công việc của mình dưới ánh nắng chói chang.
Về phần gã lùn, gã tìm đến ngay nhà Minh không mấy khó khăn, song lại vào lúc không có Minh ở nhà. Chị Mai của nó có vẻ lo lắng khi thấy người lạ biết rành rẽ tên tuổi em mình, ông lùn phải trấn an cô rằng ông ta tìm em cô báo một tin lành, tuy nhiên, ông chỉ có thể nói với chính nó thôi. Mai còn đang bối rối thì chợt Bình đi ngang trước nhà. Cô nói là Bình có thể đưa ông đến chỗ em cô và quả như vậy : Bình đưa ông lùn đến gần kho hàng, chỗ Minh hay ra đó chơi với bạn nó. Bình nhận được 100 đồng do ông lùn đãi nó về khoản tiền công. Bình không từ chối, chỉ cảm ơn rồi dông liền.
Từ đằng xa, Minh và bạn đã trông thấy ông lùn, cả hai hết sức ngạc nhiên, và họ càng ngạc nhiên hơn khi ông ta đi thẳng đến trước mặt nó, cao giọng hỏi:
- Có phải cậu tên Minh, 14 tuổi, cha cậu làm nghề chài lưới, tên là…
- Đúng là tôi, thưa ông, ông muốn hỏi gì đây?
- Cậu có một tin lành, nhưng tôi không thể nói trước, mời cậu đi theo tôi ngay bây giờ đến cầu tàu, sẽ thấy!
Minh nhìn bạn, dáng do dự. Bạn nó đưa mắt ra hiệu ngầm như muốn nói : cứ đi đến xem sao. Song Minh ngần ngừ một giây rồi quyết định:
- Em muốn anh cùng đi với em!
Bạn Minh không từ chối. Thế là bộ ba kéo nhau về hướng bến tàu số 2. Không ai bảo ai, Minh và bạn nó đều không khỏi trầm trồ khi nhìn thấy con thuyền trắng, mới tinh, xinh đẹp nổi bật giữa cái bến đầy ghe thuyền cũ kỹ. Gã lùn cất tiếng:
- Có người tặng cậu món quà này nhưng không muốn ra mặt. Tôi thay mặt ông ấy. Hãy nhận đi! Nó là của cậu đó!
Minh đứng sững như trời trồng trong lúc bạn nó càng ngạc nhiên hơn, vì từ đầu, Minh giấu kín không cho anh hay biết gì về bức thư do nó thả trôi trên biển cả. Sự xúc động cũng như niềm vui chẹn lấy cổ họng Minh. Bạn nó bấy giờ đã thốt lên thành tiếng:
- Đẹp thật, Minh à! Em hên lắm đó!
Minh lắp bắp:
- Nhưng em… em biết cảm ơn ai đây?
- Đừng lo, tôi sẽ cảm ơn giùm cậu. Thôi, tôi đi đây! À, quên, cậu hãy nhận lấy giấy tờ sở hữu chủ con thuyền xinh đẹp này cho hợp pháp!
Ông ta vừa nói, vừa đưa cho Minh một bao thư dày mầu xanh, Minh vội giở ra và nhận thấy bên trong tất cả giấy tờ, biên lai chứng nhận người chủ là Minh.
- Xin cảm ơn ông nhiều lắm. Nhờ ông…
- Được, em cứ yên tâm, tôi sẽ trao lời lại ông ấy. Chúc em được vui với con thuyền mới của em.
*
Cách chỗ ba người cỡ 6 thước, ông người Anh ngừng tay phác họa. Khuôn mặt kẻ mà ông tặng món quà bất ngờ, quí giá kia đang sáng rỡ vì sung sướng làm ông cũng cảm thấy vui lây. Ông nảy ra cái ý giữ chút kỷ niệm cái phút hay hay này và ông lại cắm cúi trên trang giấy trắng : khuôn mặt rám nắng, mái tóc xõa trên trán và đôi mắt sáng ngời… Rồi đột nhiên ông lại chú ý đến bạn Minh, gã đàn ông có khuôn mặt dày dạn phong sương cũng là đề tài cho nhà họa sĩ.
Phía bên này, Minh nhờ bạn và vài người dân chài nữa giúp sức để hạ thủy con thuyền xinh đẹp. Nó đặt tên là chiếc “Hy Vọng”.
Trên bờ, chống cái dù xanh, họa sĩ dõi mắt theo con thuyền với đôi bạn ở trên đang từ từ rời hải cảng, lướt sóng một cách hăng say, thích thú. Ông quay sang tên gia nhân:
- Tôi thấy thằng bé có vẻ sung sướng lắm nhỉ? Anh Lễ?
- Thưa ông, nó sung sướng hơn một ông Hoàng!
Còn Minh, Minh cũng bắt đầu kể lại câu chuyện thả mật thư theo cái chai trên sóng. Thú thật xong, nó nói với anh bạn bằng giọng thích thú:
- Em tính kể cho anh biết mà sợ anh giận. Tại anh không cho em giữ nó, anh bảo bán đi. Mà em không muốn bán vật kỷ niệm của anh, sau cùng em nghĩ ra một cách… mà không ngờ lại…
- Em gặp may đấy! Minh à! Thôi, đừng nghĩ ngợi gì hết, tại sao anh lại giận em? Anh mừng cho em chớ!
Tuy nhiên, Minh nhận thấy anh ta mừng một cách trầm lặng, vừa phải, hay là ở tuổi 30, người ta đã hết cái nông nổi của tuổi 14, 15?

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VII

KẺ LẠ MẶT TRÊN HẢI CẢNG - Chương V


CHƯƠNG V

Ba ngày qua, Minh luôn luôn trong trạng thái mơ màng đến nỗi anh bạn để ý hỏi:
- Kìa, cậu thủy thủ trẻ! Suy nghĩ gì đó hở?
Minh chối biến:
- Em có nghĩ gì đâu…
- Không nghĩ gì, thiếu chút nữa là mày dẫm đúng vào thùng dầu hắc sôi sục rồi. Thôi, cậu bé! Đừng mơ mộng nữa, đưa anh cái kéo coi, mau lên nào!
Anh ta sốt sắng với việc của Minh hơn cả chính Minh. Anh không bỏ phí một phút nào, cứ chốc chốc lại lên tiếng cắt đặt nó:
- Đưa anh cái đục coi!
Rồi thì:
- Đừng giỡn chớ! Trét dầu kiểu đó sao cho kín được? Vậy mà đòi làm thủy thủ. Coi thử còn nhiều ít mở bò trong xô, em Minh!
Hay:
- Một miếng ván nữa, em ơi! Chịu khó cho kịp vài ngày nữa, hạ thủy cho rồi!
Minh vâng lời anh ta như cái máy, như kẻ vô hồn.
Công việc tiến đều, con thuyền được hàn vá hoàn tất, sơn phết lại gần như mới, sẵn sàng vượt sóng theo ý cậu chủ nhỏ của nó lâu nay.
Trong lúc đó, cái chai trôi dần xa bờ biển Ý Đại Lợi và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Nó trôi nổi bềnh bồng trên đầu sóng, mất hút giữa trời nước mênh mông, về phía Nam rồi nó xa hẳn lộ trình của các tàu hàng tiến gần các tàu đánh cá. Và rồi, một ngày nọ, nó lọt trong tấm lưới khổng lồ và lẫn lộn trong đàn cá vùng vẫy, sau cùng nằm la liệt trên sàn tàu. Chuyến phiêu lưu của cái chai chấm dứt tại đây, trong hầm tàu giữa cá và nước đá chăng? Không, do một sự tình cờ, một anh thợ chài trông thấy nó trong khi chọn cá, nhưng vì nó bị một lớp rong rêu phủ kín, bao quanh, nên anh ta nắm lấy cổ chai, vứt lại xuống lòng biển cả không chút do dự. Nó lại lênh đênh lần nữa…
Và cứ hướng Nam trôi xuôi, rong rêu dần dần rời khỏi cái chai, bấy giờ chai phơi ra lấp lánh, lửng lơ trên sóng nước lôi cuốn theo một số hải âu. Đàn chim bay là là theo cái chai như thể hộ tống một vật lạ. Rồi chai gặp một đàn cá heo xinh đẹp, bờ lưng tròn trĩnh, xương sống cong vòng, chúng nhảy lên khỏi mặt nước và rớt xuống như quả ngư lôi rồi lại trồi lên.
Cuối cùng chai dạt đến bờ biển Sardaigne, vướng trong một đống sắt rỉ sét đầy rong xanh. Đó là một con tàu Tây Ban Nha chở vàng bị đắm từ nhiều thế kỷ trôi qua… Chai lăn qua, lăn lại trên sàn gỗ mục nát của boong tàu và bị kẹt dưới một khẩu súng đại bác bằng đồng, nòng súng vẫn còn chĩa ra khỏi cái lỗ khoét ở thành tàu.
Xác tàu quái quỉ này nửa chìm, nửa nổi với bộ xương cột buồm sừng sững như có vẻ luyến tiếc buổi xa xưa, khi nó còn tung hoành trên sóng nước. Vào một đêm gió lớn, xác tàu chìm ngập dưới làn nước dâng cao ; nhờ vậy, cái chai lại trôi dạt theo thủy triều ngang qua mỏm đất phía nam của đảo, vào vịnh Ca-li-a-ri.
Từ trên mỏm đá cao, hai thằng bé con của hai dân chài cùng một lúc nhìn thấy cái chai. Cũng như đã nhiều lần chúng đến đây và vớt được nhiều thứ khác, song lần này chúng không thể xác định cái vật sáng lóng lánh đó là cái gì. Thế là chúng nhảy ùm xuống nước cùng một lúc, cố hết sức để bơi ra chiếm cho được món quà kỳ lạ. Sau một hồi xô đẩy, giành nhau dữ dội, đứa nhỏ hơn vớt được cái chai. Nó ôm khư khư vào lòng bơi sải dọc theo những tảng đá và lên bờ. Chỉ giây sau, bạn nó theo kịp:
- Đưa cho tao coi thử cái gì, nào?
- Mày không được động đến, nó là của tao!
- Tao chỉ coi thử thôi!
- Thì cứ coi đi!
Thật là một con thuyền quá đẹp, đầy đủ buồm, lái, thủy thủ, đèn, cờ, v.v… nom linh động như một con thuyền buồm thu nhỏ – chúng không nhận ra mảnh giấy. Bỗng đứa lớn nảy ra sáng kiến : nó rủ bạn đánh một ván cờ thử thời vận, nếu thằng nhỏ thắng thì lấy con dao 3 lưỡi của nó, còn nó thắng thì nó sẽ được cái chai. Sau một hồi do dự, thằng bé nhận lời thách thức, vì xem ra, con dao 3 lưỡi cũng đáng giá đối với nó.
Thế là trận chiến bắt đầu : một cái que vạch lên mặt cát ướt, những viên sỏi trắng là quân cờ của thằng lớn, sỏi đen là quân cờ của thằng bé.
Mươi phút sau, chúng tập trung hết tâm trí vào các thế cờ và cái chai bị bỏ quên. Thoạt tiên, sóng lại gần, quét lên cái chai một lượt bọt trắng xóa như thăm dò rồi vội vàng lùi ra. Lần thứ hai, sóng bạo dạn hơn và bốn năm lần nữa, sóng cuốn cái chai xuống biển, đưa đi. Cuộc phiêu lưu lại bắt đầu, hai đứa trẻ vẫn chưa hay biết, cho đến khi chúng bị ướt đẫm vì sóng lớn thêm, và chợt nhớ thì không còn thấy cái chai đâu nữa.
Trên một con thuyền tiến về hướng Xanh Ma-xim, ông chủ tàu và người thủy thủ thấy cái chai trôi lềnh bềnh trước mặt. Ông chủ ra lệnh tắt máy và người thủy thủ nhảy xuống, vớt cái chai đem lên thuyền, ông chủ đưa tay kéo anh ta lên. Ông bảo người thủy thủ:
- Nếu nó đáng giá, tao sẽ chia cho mày.
Họ lại tiếp tục công việc. Một giờ sau, thuyền bỏ neo và bận rộn với những thúng cá chài được, ông ta suýt quên đi cái chai có con thuyền xinh đẹp bên trong.
- Đây không phải lần đầu tiên tao vớt cái chai như thế này, nhưng con thuyền trong lòng chai thì quả đặc biệt. A! Tên nào khéo tay dữ! Mà nó không hạp với mình đâu. Để tao đem lại cho ông người Anh. Chắc ông ta thích.
“Ông người Anh” đây thật ra là một họa sĩ hữu danh và vốn là người Pháp. Song dân chài ở Xanh Ma-xim gọi ông người Anh vì ông luôn luôn xách kè kè cái dù màu xanh lá cây bên mình, dù trời nắng hay mát, có mưa hay không. Ông ta cũng là tay sưu tầm tất cả những gì liên quan đến biển cả.
Vì vậy, lão dân chài đến ngôi biệt thự của ông ta cùng với cái chai. Lão bảo là lão tặng ông ta. Ông người Anh thích lắm, săm soi cái chai một cách trìu mến như cô tiểu chủ vuốt ve con mèo xinh đẹp của mình.
- Bao nhiêu đây?
- Ơ, không, tôi xin biếu ông!
Dĩ nhiên, đời nào có chuyện tặng không giữa hai bên? Ông người Anh rất lịch sự, không thể trả giá một món quà tặng và 10 phút sau, người dân chài hớn hở ra về với một nắm tiền giấy, rất đáng công.
Còn lại một mình, ông người Anh thận trọng cạy cái nút có trét sáp quanh miệng chai, cẩn thận dùng một cái que dài, cời cái giấy xếp tư dưới đáy thuyền ra, tò mò, hồi hộp đọc:
“Tôi tên Minh, Hà-Đình-Minh, tôi 14 tuổi. Cha tôi tên Hà-Đình-Hải làm nghề đánh cá. Tôi làm việc cực nhọc để giúp gia đình tôi, tôi không than phiền gì, song có một điều, tôi ao ước được có một chiếc thuyền thật sự, với cột buồm bóng loáng, một cánh buồm tam giác xinh đẹp…Ô! Nếu tôi có được phép mầu… Tôi vẫn hy vọng, tuy tôi biết là vô lý. Có con thuyền như thế, tôi sẽ dùng để làm gì? Tôi quí lắm, tôi sẽ lớn phổng lên. Tôi xin cám ơn người đọc, tôi chỉ ao ước suông thế thôi, vì với gia cảnh tôi, cho tới khi tôi bạc tóc, chắc không bao giờ có.”
Bên dưới ghi địa chỉ của người viết bức thư kỳ quặc. Ông người Anh mơ màng. Thật y như một chú nhỏ gửi thư cho ông già Noel! Một ý nghĩ chợt đến trong đầu người họa sĩ giầu sụ : Ồ! Ta có thể làm một ông già Noel lắm chớ, sao không?
Họa sĩ không có vợ con. Lại cũng ít giao thiệp, bạn bè. Ồ! Họa sĩ nghĩ thành tiếng:
- Chú bé xa lạ kia ơi! Ta sẽ giúp chú đạt được ước vọng, chú sẽ được như ý muốn!
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI

KẺ LẠ MẶT TRÊN HẢI CẢNG - Chương IV

CHƯƠNG IV

Căn gác riêng của Minh ngay sát nóc nhà, nom như cái chuồng bồ câu. Khi nó đứng thẳng, đầu gần chạm mái. Bốn phía quét vôi trắng toát, Minh treo những hình ảnh cắt ra từ các tạp chí : toàn là tranh về tàu bè, thuyền buồm, canô, đó là những gì nó mơ ước ngày đêm.

Mỗi chúa nhật, Minh luôn luôn có mặt ở bến và luôn luôn cảm thấy thèm thuồng chen lẫn một chút ghen tị khi trông thấy các công tử con nhà giàu trạc nó ra bến bằng xe gắn máy trong bộ quần áo sang trọng và lên canô, ra khơi.

Minh ngắm chúng say mê : vốn quen lạng xe trên đường phố nên trên mặt biển chúng càng tự do hơn. Lái canô! Ôi chao là thích thú, canô như những con ngựa tơ, lướt sóng bằng tốc độ tối đa, chúng cũng cuồng nhiệt như tuổi trẻ của chủ chúng : lao tới, giật lùi và lướt như bay theo chiều gió.

A! Biết bao giờ Minh được lái canô ra khơi, không phải như điều khiển con thuyền cà tàng kiếm tiền giúp gia đình mà là để đi chơi như những cậu trai kia?

Minh dõi mắt theo cho kỳ đến lúc canô mất tăm trên mặt biển mới lủi thủi quay về.

Trên căn gác chật chội, gia tài Minh cũng chỉ là cái xắc tay, à, quên, còn một cái rương cũ kỹ trong góc nữa.. Một cái võng, quà của người bạn già cho nó đã lâu. Từ cửa sổ, Minh thường bắc thang để lên xuống, ra ngoài. Minh đưa mắt nhìn ngang, trên dãy nóc nhà san sát là quãng cuối của đập đá và những con sóng gợn từ xa, bọt trắng xóa vỗ vào ghềnh đá rắn. Rồi Minh quay vào trong.

Tại sao lại phải bán món quà quí giá này đi? Nó là kỷ niệm đáng kể, vì một ngày kia anh bạn sẽ ra đi, mình còn lại chi đâu? Sao anh ta lại bắt mình hứa điều này? Minh cầm cái chai lên, bên trong con thuyền bốn buồm xinh đẹp vẫn hiển hiện trước mắt nó. Nó đặt cái chai lên kệ đã mấy ngày rồi. Mỗi tối, nằm dài lên võng, Minh ngắm báu vật đó say mê trước khi thổi tắt ngọn bạch lạp.

Một tuần trôi qua, ngày nào Minh và anh bạn cũng đổ mồ hôi dưới nắng lo vá víu con thuyền dài 7 thước của nó, nguyên cái đáy thuyền phải thay hết một loạt ván, mà ván thay đáy thuyền thì phải đổi bằng tiền, chứ không phải thứ ván vụn nhặt nhạnh trong số gỗ vương vãi trên bến tàu mà làm được. Khi anh bạn nói lên ý kiến hay ho đó, Minh xịu mặt xuống:

- Em biết vậy, nhưng em đâu có tiền?

- Đã có anh lo! Anh không có nhiều, song cũng đủ mua gỗ thay đáy thuyền cho tử tế.

Giọng chắc nịch, vui vẻ, gã đàn ông tuyên bố và Minh nghẹn ngào xúc động vì nó biết số tiền anh ta dành dụm cũng rất nhỏ nhoi. Cầm số tiền vốn liếng dành dụm lâu nay của gã, Minh cảm thấy bùi ngùi. Nào anh ta có liên hệ máu thịt gì với Minh đâu. Hai kẻ nghèo kiết gặp nhau trên bến vắng và rồi tình bạn thân thiết đến với họ, thế thôi.

- Em đừng thắc mắc gì hết. Bạn bè thì phải giúp nhau chớ, anh rất vui được có dịp giúp em. Rồi mình sẽ sơn con thuyền lại y như mới, nó sẽ không kém cạnh gì chiếc Va-pơ…

- Em ưng sơn màu xanh dương.

Minh sung sướng quá, lên tiếng đề nghị quên phắt mối bận tâm. Anh bạn cười dễ dãi:

- Ừ, sơn màu xanh dương. Khi ta sửa sang xong, cam đoan với em : cả trăm năm nữa, con thuyền này mới mục lại.

Một đêm, lục trong xắc kiếm dụng cụ, anh ta để lộ cho Minh thấy tất cả đồ vật bên trong : một cái đàn ghi ta bé nhỏ, thùng là cái mai rùa, vài cái vòng đeo tay của nô lệ, mấy chiếc lông chim, một cái kèn săn và vài phiến đá nhỏ bóng nhoáng, nặng nặng. Anh ta giải thích:

- Vàng đó nghe em! Nếu mà anh ham giàu thì anh đã dừng bước lại nơi vùng ấy, nơi mà anh tìm thấy vàng này.

Để có tiền mua một ký lô đinh đóng đáy thuyền, anh ta đã phải bán đi một cái mặt nạ của dân da đen và thêm con dao găm của thổ dân Mã Lai, con dao tuyệt đẹp có cái cán chạm trổ hoa mỹ bằng thứ đá xanh biếc.

Ôi! Tình bạn giữa đôi bên…

Ờ, nhưng tại sao Minh lại phải đổi vật kỷ niệm quí báu kia lấy tiền? Minh không muốn làm điều đó. Vì gia đình nó nghèo lâu rồi, có bán đi cũng chỉ đổi được ít thực phẩm, vậy thôi chớ có thay đổi tình trạng gia đình nổi đâu?

Một đêm, sau khi đọc báo xong, từ biệt bạn, nó trở về và nó đã quyết định xong số phận của cái chai có chiếc thuyền xinh đẹp bên trong. Được! Nó sẽ không giữ cái chai cho đúng lời hứa với anh bạn, nhưng cũng không bán, vì nó có cách giải quyết hay hơn.


*


Và Minh thực hành ý định ngay buổi chiều hôm sau. Khi Minh chui vào căn gác của nó thì bên trong đã nhập nhòa đầy bóng tối, tuy vậy, Minh không cần đèn đóm gì, nó có thể đi thẳng lại cái kệ nơi đặt cái chai và bức tượng Đức Bà. Rất cẩn trọng, Minh cầm cái chai, từ từ trở xuống thang, ra đường lớn. Băng qua công viên vắng ngắt, Minh đi dọc theo dãy bờ thành đến đập đá. Đập đá này hoàn thành nhờ hàng tấn ximăng đổ đầy lên những tảng đá.

Biển lặng. Chỉ có tiếng rì rào của từng đợt sóng nhỏ va vào gành. Bám chân vào đá thật chắc để khỏi trượt, Minh leo khỏi bờ đập ra tận một tảng đá mấp mé mặt nước, đầy rong rêu. Rồi nó cũng đứng lặng, vẻ mơ màng. Tâm trí Minh bị thu hút vì một câu chuyện của người bạn : anh ta kể rằng có những cái chai đóng nút kỹ được du lịch khắp đại dương, trôi bồng bềnh vòng quanh trái đất. Mắt nó sáng rực lên khi nó nghĩ đến cuộc du lịch mà nó dành cho cái chai có con thuyền xinh đẹp bên trong. Một lần nữa, Minh xem xét lại lớp sáp nó gắn trên miệng chai quanh cái nút. Cần nhất là không để cho nước thấm vào chai, vì ngoài con thuyền xinh đẹp còn có bức mật thư Minh đã viết, nhét vào nữa. Cũng như những kẻ đắm tàu, ký thác nguyện vọng mình vào trang giấy nhét vào chai, gửi cho biển cả, Minh cũng gửi gắm hết ước vọng mình trong mảnh giấy nhét vào chai.

Lần này thì Minh không do dự gì nữa. Nó đứng thẳng lấy đà, vươn mình tới ném cái chai ra thật xa. Chỉ một thoáng, cái chai chỉ còn là một chấm nhỏ lấp loáng trên mặt nước đen ngòm… rồi mất hút theo sức đẩy của những con sóng nhỏ.

Minh bình tĩnh trở về lều. Bữa ăn thanh đạm lại diễn ra, song khác với mọi lần, Minh mải thả hồn theo cuộc hải trình của cái chai, quên cả chuyện anh bạn vong niên nói : chiếc thuyền của nó sắp hoàn thành gần như… mới!

Ờ, cái chai sẽ đi đến đâu? Số phận nó sẽ ra sao? Kỳ công của bạn nó sẽ bị sóng quật vỡ tan chăng? Trôi dạt đến một xóm chài bên Châu Phi? Hay Châu Á? Chỉ có Trời mới biết được món quà đó ra sao. Và Minh lặng lẽ, kiên tâm chờ đợi.
____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V

KẺ LẠ MẶT TRÊN HẢI CẢNG - Chương III



CHƯƠNG III


Sáng hôm sau, y hẹn, Minh đến kho hàng sớm để uống café sáng với bạn và chuẩn bị việc trục chiếc thuyền của mình lên.

- Sao, em nói con thuyền hiện chìm lỉm chỗ cầu neo số 1 phải không?

- Đúng vậy đó, anh ơi!

- Tốt lắm. Để đó tao lo cho! Phần em, cứ đi dạo một vòng thành phố như thường lệ…

- Em phải phụ với anh chớ?

- Khỏi! Mình tao đủ rồi. Hãy lo phần em đi!

Minh vẫn có lệ mỗi sáng dạo quanh một vòng thành phố, không phải dạo chơi mà là để bán những cái chai trong lòng có con thuyền do bạn nó làm.

Công việc không khó khăn chi : Minh chỉ việc rao lên và cho khách hàng xem món quà xinh đẹp. Đôi khi, gặp khách sang không mặc cả, Minh rất sung sướng đem về cho bạn những món tiền đáng kể. Minh hỏi lại:

- Mà sáng nay anh bảo em đem chai nào đi bán đây? Cái anh vừa làm xong hôm qua hay chiếc “La Belle”?

- Bán chiếc mới làm, để chiếc “La Belle” lại.

La Belle là chiếc thuyền kiểu Y Pha Nho có 4 buồm lại được anh ta trang hoàng tuyệt hảo, một công trình đặc biệt của anh ta. Minh rất ngạc nhiên thấy anh không hề nghĩ đến việc đem bán nó như mấy chiếc kia. Song Minh không bao giờ gạn hỏi lý do.

Trèo lên những bậc cấp ở bến tàu, chỗ tụ họp của du khách, Minh bắt đầu rao hàng. Đường phố cũng bắt đầu tấp nập, dọc theo lề đầy nhóc những chiếc vespa và lambretta lao vun vút, ngược xuôi. Minh đi sát lề đường để tránh những chiếc xe gắn máy leo lề qua mặt xe ba bánh.

Dưới Khải hoàn môn, con đường được lát bằng gạch men. Minh muốn bói một quẻ xem sao. Nó nhắm mắt lại đếm 3 tiếng, bước 3 bước, nó tin là nếu chân mình đặt đúng trên đường viền xi măng quanh tấm gạch men tức là nó sẽ may mắn hôm nay. (Minh cũng nghĩ rằng nếu anh bạn mà trông thấy trò này, anh ta sẽ giễu nó ngay). Cuộc thử thời vận thất bại : chân Minh đặt ngoài vòng mong muốn!

Minh nhìn quanh công viên : du khách ngược xuôi, vai mang máy ảnh, mắt mang kính mát. Một con bé tóc vàng đang rải mẩu vụn bánh mì cho bồ câu, thấy Minh liền bỏ trò chơi, chạy ù lại bên cha trong khi cha nó đang chụp ảnh cái vòi nước hình cá heo. “Ba ơi!” đứa trẻ nũng nịu, kéo tay cha về phía Minh. Minh không hiểu ngôn ngữ của cha con họ, song nó biết rằng con bé đang vòi cha mua cái chai có đựng con thuyền xinh xắn bên trong. Minh liền đưa ra cho họ xem, nét mặt tươi tỉnh, vì nó biết rằng người ta không ưa nhìn nét mặt cau có của kẻ bán hàng. Cùng một lúc Minh cảm thấy phấn khởi lên vì nghĩ rằng có thể trò bói toán của mình là thứ nhảm nhí, không đáng tin. Mình gặp hên rồi đây! Minh tự nhủ, còn đứa trẻ thì kéo áo cha, không ngớt kêu “ba, ba!”

Tội nghiệp Minh, nó quá tin tưởng : ông khách là người Mỹ với đôi má đỏ hồng không rộng rãi với con như nó tưởng (vậy mà người ta bảo những người to béo rất hào phóng!) Đứa con gái thất vọng không kém gì Minh, trở lại với đàn bồ câu.

Đồng hồ các nhà thờ thi nhau đổ : 9 giờ rồi! Minh vòng quanh công viên lần thứ hai, đưa cho du khách xem tỉ mỉ cái chai lần thứ sáu mươi mấy chi đó và toét miệng cười cũng ngần ấy lần không kém.

Khi đồng hồ gõ 12 tiếng, Minh cảm thấy rã rời cả toàn thân. “Nhớ trở về ăn trưa nhé?” Minh như nghe văng vẳng bên tai giọng gã đàn ông căn dặn. Đôi chân bỏng rát, Minh lê về bến. Ngang một công viên nhỏ, nó thấy Bình đang ngồi dựa vào bồn nước. Bình cất tiếng:

- Tao đợi mày đó, Minh ơi!

Bình là một thiếu niên cao lớn, đôi chân dài ngoẵng, vừa đúng 16 tuổi. Áo nó cụt ngủn, mầu đỏ mà bám nhiều bụi đến nỗi hóa ra mầu rượu chát, lông mày với khuôn mặt đầy tàn nhang cũng đầy bụi là bụi. Đôi mắt nó chiếu cái nhìn vừa buồn rầu vừa hung tợn, nụ cười nhếch lên khỏi vành môi, nom giống như một con ngựa trông thật khó chịu, và mỗi lúc cười, Bình để lộ khoảng trống của hai cái răng. Bình cười nham nhở, lặp lại:

- Ê. Tao đang chờ mày đó, bồ Minh!

- Để tao yên, tao không bồ bịch với mày đâu!

- Nghe tao nói đây, Minh! Tao…

- Không, tao không muốn nghe mày nói gì hết.

Giọng Minh cương quyết, dấm dẳng.

- Mày hãy nghe đã, nào! Tao có chuyện hay lắm…

- Tao biết chuyện hay của mày mà! Mà tao không muốn, nghe chưa? Tao đã nghe mày nói nhiều lần rồi…

- Ít nhất – Bình gằn giọng – mày phải biết nghĩ đến quyền lợi chớ?

- Mặc tao, nếu tao không nghĩ đến quyền lợi. có can gì mày không?

- Nhưng cũng có quyền lợi tao trong đó – Bình dịu lại một chút – Việc quan trọng cho cả hai đứa mình… Hãy biết điều! Nhận lời làm việc với tao đi!

- Không! Không bao giờ!

- Thôi đi, đừng có ngốc quá như vậy. Tao thuê mày và trả tiền sòng phẳng ; tao sẽ có nhiều tiền lắm, nghe Minh : mỗi gói thuốc lá tao trả mày 2 cắc. Phải nắm lấy cơ hội tốt chớ? Thuốc lá Mỹ…

- Đã nói không , đừng có nhiều lời, mất công. Tao không ưng dính vô đồ lậu…

- Tao sẽ trả 3 cắc, bằng lòng chưa?

- Không phải chuyện 3 hay 2 cắc. Tao không ưng dính…

- Nếu vậy, mày sẽ biết tay tao!

Bình đổi giọng, dọa dẫm, nom mặt nó lúc này càng giống mặt ngựa hơn. Dù vậy, Minh cố gắng để không tỏ ra  sợ hãi. Đột nhiên, Bình đứng lên, kéo quần, tiến lại gần Minh:

- Sao? Vẫn từ chối, hử? Mày thích làm mọi cho thằng lạ mặt hơn hợp tác với anh em nhà há? Mày biết tung tích nó ra sao không? Mày không thấy nó cứ lẩn quẩn dưới bến sao? À, coi chừng cảnh sát tóm cổ có ngày à!

- Cái gì? Sao lại cảnh sát tóm cổ người ta? Mày nói gì vậy?

Giọng lững lờ, Bình cười khẩy:

- Thì vậy đó, tao có nói tiếng Tàu đâu, mày nghe rõ mà? Đây này : tao cấm mày giao du với thằng cha đó…

- Mày quyền gì mà cấm tao? Anh ấy đối với tao như bạn, tao cần tình bạn…

- Hừ, tình bạn! Hắn sai mày đi bán ba cái chai có thuyền bên trong, rồi được đồng nào, nạp hết cho hắn. Tình bạn! Đừng có ngốc, em ơi! Dẹp lại, cộng tác với tao…

- Đừng có hòng lôi tao vô việc bất lương, thà tao chịu đói, nghèo…

- Nhất định hả? – Mắt long sòng sọc, Bình gặng.

Song dáng bộ hung hãn của nó không làm Minh do dự khi quyết định. Với Minh, to lớn chưa chắc đã can đảm và khỏe mạnh. Nó tìm chỗ an toàn để đặt cái chai rồi nghênh chiến liền. Bình không nói gì nữa, lao về phía địch thủ.

Minh nhanh nhẹn tránh được và dùng hai tay ôm chặt Bình, thằng này mất đà quờ quạng, hai cánh tay khẳng khiu của Bình khoa tứ tung trong không khí một chút rồi chộp cổ Minh. Cả hai đứa ngã lăn xuống đất, ghì chặt nhau, trận đấu diễn ra trên lề đường, không có trọng tài.

Minh chợt kêu to lên : Bình giật tóc nó, đấm vào mặt nó túi bụi, song vẫn không làm Minh phải đầu hàng. Minh cảm thấy đau ê ẩm, nhưng vì danh dự mình – và cả của người bạn lạ mặt nữa – phải chiến đấu tới cùng. Bình vừa đấm vừa la:

- Đầu hàng chưa? Nghe tao chưa?

- Thằng hèn! Đừng hòng tao sợ mày…

Minh hổn hển thở, trả lời đứt quãng. Biết rằng Minh đã thấm đòn, nhưng vẫn không tuân phục mình, Bình càng điên tiết lên. Nó buông địch thủ ra – một ý nghĩ tai quái vừa lóe sáng trong đầu nó : nó đứng lên, và mặc kệ Minh phản đối, nó chạy bay lại chỗ cái chai, dùng đôi giày rách đạp dẫm lên cho kỳ cái chai vỡ vụn, thuyền bè bên trong nát bét ra.

Rồi tên vô lại đốt thuốc hút – thứ thuốc lá Mỹ lậu thuế – trong khi Minh không sao cầm nước mắt được nữa. Không phải nó khóc vì đau mà vì tiếc cái chai, bao nhiêu là công trình của bạn nó? – người bạn vong niên mà nó vẫn chưa biết tên cho đến hôm nay – Bình đắc ý lắm : nó đi ngang Minh, phà khói vào mặt Minh, giọng chế giễu:

- Hẹn lần sau, chuột nhắt nhé!

Lần này, nó bỏ đi luôn mặc Minh ngồi thẫn thờ với cái chai nát vụn.

*

- Kìa, em về trễ vậy? Lại có gì đây?

Minh đứng lặng, đầu cúi thấp, tay buông xuôi trước căn lều, dáng bộ thiểu não. Nhờ lời khuyến khích của bạn, nó nghẹn ngào kể lại chuyện xảy ra. Anh ta không chút gì giận dữ hết:

- Đừng buồn, em ạ! Một ngày kia em sẽ hiểu việc đời hơn. Chai bằng thủy tinh, mà thủy tinh thì phải vỡ, một ngày nào đó, không sớm thì muộn, đó là số phận của nó. Em đói bụng chứ? Thôi, ngồi xuống, ăn đi!

- Em không đói!

- Sao lại không? Ăn đi! Phải nghe lời anh! Đây, cá mòi cũng ngon lắm, Minh ơi!

Minh tuân lời anh ta. Giọng vui vẻ, anh ta tiếp:

- Sao? Bộ em quên con thuyền chìm của em rồi sao?

- Anh vớt nó lên rồi hở?

- Phải! Hiện nó nằm phơi bụng ngoài nắng. Ôi chào! Tình trạng nó thật đáng ngại : như cái áo cũ lâu năm vậy đó, Minh ơi! Thôi, cứ ăn xong rồi tính. Trước hết, phải nậy bùn ở đáy thuyền ra hết rồi mới lo việc sửa chữa nó. Hơi lâu một chút, nhưng rồi cũng xong.

Thế là, sau bữa ăn, cả hai sóng bước bên nhau, băng qua kho hàng đến cầu neo dưới ánh nắng gay gắt của buổi xế. Giờ làm việc bắt đầu, các công nhân đang cưa đục trên khung tàu. Không khí nóng bỏng, trộn lẫn mùi gỗ ẩm ướt, mùi dầu hắc và rong biển. Anh ta lên tiếng khi thấy Minh lầm lỳ bên cạnh:

- Sao câm như cá vậy, hở cậu thủy thủ? Anh cấm em nghĩ đến cái chai, không tiếc làm chi việc đã rồi, không phải lỗi em. Coi kìa : chiếc thuyền của em nằm phơi bụng như con ếch coi hay không? Ta sẽ tắm rửa, cạo sạch bùn cho nó. Nào, bắt đầu!...

Hai người hì hục cho đến khi mặt trời lặn vẫn chưa xong : Minh thì đi tới đi lui từ nước đến thuyền, tay xách xô nước biển để rửa sạch con thuyền trong khi bạn nó thì đục, cạo, chà rửa và nậy bỏ những tấm ván mục và bùn ở đáy thuyền.

Cho tới gần khuya, đói meo, cả hai mới về lều. Minh giữ ý không đi mau vì bạn nó đi khập khiễng, kéo lê một chân thật khó nhọc. Tội nghiệp anh ta!

Anh bị gãy hai chỗ ở ống quyển, mỗi lúc lên cơn ho anh gập người lại, dáng bộ thảm não làm sao. Chính vì tai nạn ấy, anh bị đuổi khỏi tàu và sau khi rời bệnh viện, anh nhận chân gác kho khiêm nhường này.

Trong bữa ăn, anh ta tâm sự:

- Không phải là một tai nạn thường, em ạ! Anh bị một vố nặng lần đó. Anh có sức khỏe, dễ gì thua ai? Nhưng đối thủ của anh là đứa hèn hạ : thừa lúc nắp hầm tàu mở, nó xô anh xuống. Tên khốn kiếp! Nếu mà cứ đường hoàng đánh nhau thì đâu đến nỗi? Anh thề sẽ trả thù này! Bởi vậy, anh phải theo dõi…

Thình lình, anh ta đổi giọng trong lúc Minh ái ngại, thương, giận trong lòng ; và nó chợt hiểu cái lý do khiến anh ta đòi biết những tin tức tàu cập bến. Minh đưa đề nghị:

- Em đi mua tờ báo chớ?

- Thôi, khuya quá rồi, em à.

- Chưa đâu, em có thể tìm ra chỗ còn bán.

Vậy là việc đọc báo để biết tin tức tàu bè lại diễn ra như thường lệ. Vẫn không có tin tức của chiếc tàu mà trên đó, kẻ thù anh ta đang có mặt. Người bạn lớn tuổi hỏi Minh:

- Này, nếu em có thể ngủ lại đây mà không bị nhà rầy thì…

- Sao không được, nếu em muốn em có thể ngủ lại đây. Nhưng để làm gì?

- Mỗi đêm phải đi tuần vài ba lần, mà hôm nay, chân anh nhức quá…

- Em sẽ đi thay anh.

- Không, lần này để anh đi, gần sáng đã. Giờ thì cứ ngủ trước đi!

Minh sung sướng vì được ngủ lại nhà bạn. Nhưng rất lâu, nó cứ trăn trở không chợp mắt. Bạn nó hỏi:

- Sao vậy? Đất cứng quá, không bằng ngủ ở giường nhà mày chớ gì?

- Không đâu, em không ngủ được vì nghĩ đến tai nạn của anh. Anh ơi!... Em muốn biết…

- Bỏ qua đi…

- Nhưng tại sao chớ? Chả lẽ tự nhiên mà đánh nhau? Người đó là ai?

- Hắn là cai tàu, sếp của thủy thủ đoàn. Anh đã cho hắn một bài học đích đáng. Hắn rất độc ác, ưa hành hạ kẻ yếu. Lạ quá : hình như trên đời có những kẻ ưa hành hạ người yếu, bắt nạt…

Minh chợt nhớ đến Bình. À, tên này giống Bình chăng? Người đàn ông tiếp:

- Hắn rất mạnh và lại hay lạm dụng sức mạnh. Hắn đánh túi bụi vào kẻ dưới quyền. Tao tức lắm, nhất là khi hắn hành hạ một đứa trẻ, hắn đá thằng bé lọt xuống biển. Gây gổ cùng khắp, bắt nạt cùng khắp. Cho đến một hôm, tao điên tiết, tao nện cho hắn một trận nên thân. Hắn chùn đi ít lâu. Tao tưởng đã cải hóa hắn nào ngờ tên hèn hạ trả thù lén… Nhưng không sao, trái đất tròn mà. Tao sẽ phục thù, em ạ! Tao sẽ có dịp phục thù! Thôi, ngủ đi em, khuya quá rồi đó!

Quay đầu về phía vách ván, Minh gối lên cái sắc của bạn nó. Trước cửa lều anh ta ngồi trầm tư, thanh củi đỏ hồng một đầu trong tay : anh ta sắp châm điếu thuốc trong khi bóng tối tỏa rộng vây quanh.

*

Mỗi lần đến giờ đi tuần, anh bạn lại gọi Minh dậy, còn anh ta vẫn thức, tỉnh táo suốt đêm.

Anh ta ngáp dài, bảo Minh:

- Bao nhiêu việc cũ hiện ra trong đầu tao suốt đêm. Bây giờ thì lại cảm thấy buồn ngủ...

- Em phải về nhà một chút coi có gì không. – Minh vươn vai, nói.

- Đúng đó, em nên về nhà. Chốc nữa sẽ trở lại lo vụ con thuyền.

Cậu con trai băng hẻm, về nhà. Cha nó đang chống cùi chỏ trên bàn, ăn xúp. Lũ em vẫn còn ngủ vùi, chị Mai nó thì đi chợ. Ông già vui vẻ:

- Mày về đó hở Minh? Chuyến này cha gặp hên : đầy nhóc cá. Tao mới sai chị mày đem đến nhà nguyện dâng một con cá thu thật to.

Rồi ông chợt nhớ, hỏi:

- Sao, con thuyền của mày ra sao rồi? Tao nghe nói…

- Ba khỏi lo : con và anh bạn con sửa gần xong rồi…

- Sao con ưng mua việc làm chi? Con đi đánh cá với ba…

- Con không muốn làm nghề chài lưới, con mơ ước trở thành thủy thủ, ba biết rõ mà?

- Ừ, thì vậy đó! Ba không ngăn con, con được tự do trong việc chọn nghề hợp với sở thích…

Một chốc sau, Minh trở lại bến tàu cùng bạn tiếp tục việc hàn vá chiếc thuyền hư, rồi chiều về lại ghé quán mua thức ăn, thuốc lá và tờ báo như thói quen. Bên đống lửa bập bùng, Minh kể cho bạn nghe những lời cha nói và nguyện vọng của mình. Gã đàn ông chăm chú lắng tai nghe, đầu gật gù.

- … Ba em nói là nghề nào cũng tốt, song em thì em ưa làm thủy thủ hơn đánh cá. Em giống như anh…

- Anh lênh đênh trên mặt biển khắp mọi nơi, không phải anh mơ làm thủy thủ mà tại vì anh muốn được đi đây, đi kia, Minh ạ!...

- Và bây giờ anh ở lại đây?

- Đó là vì cái tai nạn ngoài ý muốn : tên khốn đã xô anh từ trên cao 6 thước xuống hầm tàu. Chà, không hiểu sao tao lại còn sống được… Mà thôi, gác nó lại, cái chuyện khốn kiếp ấy. Cho em hay : anh không thể ở mãi một nơi đâu, dù là anh biết chỉ khi nào đặt chân lên đất liền, ta mới có tình bạn…

- Ủa, vậy trên tàu thì…

- Rồi em sẽ biết, sau này… Ở đây, anh được gặp em… Tình bạn là cái gì kỳ diệu, nặng trĩu như… như cái neo tàu. Một ngày kia lớn lên em sẽ thấy. Ờ, lớn lên, em sẽ hiểu.

Minh không hiểu hết những lời úp mở của anh ta, song một điều chắc chắn là anh ta có cảm tình với Minh, coi Minh như bạn. Minh sung sướng cảm thấy vậy, nhất là khi Minh thấy anh chui vào lều giây lát và khi trở ra, anh ta đưa cho Minh cái chai bên trong đựng con tàu Y Pha Nho đặc biệt. Ban đầu, Minh ngỡ anh ta đưa để Minh đem bán như những lần kia, song nó ngạc nhiên và sung sướng biết bao khi anh ta khẳng định:

- Không, không bán, của em đó, Minh ơi!

- Anh cho em? – Minh ấp úng hỏi.

- Phải! Chúng ta là bạn mà! Em đã xử tốt với anh, em giúp anh đủ việc, em bênh vực anh, chịu đòn vì anh… Anh nghèo lắm, đâu có gì để tặng em cho xứng đáng…

- Nhưng… nhưng anh cũng tốt với em lắm…

- Nghe đây! Anh cho em, song đừng giữ nó, hãy bán đi, kiếm chút đỉnh tiền cho chị và các em của em. Hiểu không?

Quả thật Minh chưa bao giờ dám mơ đến món quà xinh đẹp thế. Tuy nhiên nó vừa sung sướng vừa lo lắng : tặng món quà này có nghĩa là anh ta sắp bỏ nó ra đi chăng? Nó cần phải hỏi để biết rõ, nó không thể chịu nổi sự úp mở này.

- Không đâu, anh chưa đi đâu.

Anh ta chưa đi, và như vậy không có nghĩa là anh ta không đi. Tại sao? Vì tình bạn giữa đôi bên? Vì cái chân chưa lành hẳn hay vì anh ta cần trốn tránh chi đây? Biết chừng đâu? Thằng Bình độc ác nó đã gieo vào lòng Minh một mối lo âu : cảnh sát đang dò la tung tích bạn Minh? Trông dáng bộ tư lự của Minh, bạn nó liền hỏi:

- Sao? Em còn gì phải bận tâm chăng? Anh đã nói, anh còn ở lại đây mà!

- Thật khó nói ra… em lo thật đó, anh ơi! Em lo cho anh…

- Chuyện gì? Anh rất an toàn trong kho hàng…

- Dạ, em lo cho anh, thằng Bình…

- Nó làm gì anh?

- Nó không làm gì anh, nó nói thôi, vậy em mới lo…

- Nó nói gì?

- Nó nói anh đang trốn tránh pháp luật, là cảnh sát đang lùng bắt anh…

Anh bạn cười rộ lên:

- Đừng lo, em Minh ơi! Anh không có gì tội lỗi mà trốn tránh cảnh sát. Ở đây hay ở chỗ nào cũng vậy. Em yên lòng đi!

- Thật không anh?

- Em muốn anh thề không? Anh xin thề cho em vững lòng, đây…

- Em muốn anh giơ cả hai tay lên kia.

Anh bạn làm theo lời Minh. Chưa bao giờ thằng bé thấy hài lòng như thế.

Trong màn đêm tĩnh lặng có tiếng còi tàu vừa hụ lên. Có chiếc tàu nào đến eo biển, sắp vào bến. Nhìn vào đồng hồ tay – vật quí duy nhất của mình, gã đàn ông bảo Minh:

- 10 giờ rồi, em nên về ngủ đi.

- Đêm nay anh cần em đi tuần thay anh không?

- Khỏi, anh làm được.

Minh chợt do dự:

- Này, em muốn hỏi anh một chuyện.

- Còn chuyện gì đây?

- Thằng Bình… tại sao nó lại nói vu cho anh làm gì vậy? Em không hiểu nổi.

- À, tại sao hở? Vậy tại sao nó rủ rê em làm chuyện bất lương? Ở đời có một số người như vậy đó. Điều cần là ta phải tránh xa họ, có những kẻ làm xằng và không muốn thấy ai tốt hơn mình... Thôi, về đi em. Đừng thắc mắc làm chi. Ta phải gắng sống lương thiện, kiếm tiền bằng mồ hôi và sức lực của ta, dù nghèo ta có thể yên vui suốt đời, hiểu không?


_________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV