Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Chim nhớ - LINH HƯƠNG

Cái điều bé nhỏ mà to tát đó đã xảy ra. Ngọc ơi. Những tiếng đó chìm đắm trong tim, mê man trong lòng Thỏ. Những dấu chân lặng trầm như vừa in lối hôm qua, ánh nhìn còn rộn rã hôm kia. Thấy gì không Ngọc, trên đỉnh trời sau mây trắng che là hương bay là kỷ niệm. Thỏ ngẩng nhìn lên mãi theo. Cũng đành thôi trả lại Thượng Đế, những gì mà đôi tay khờ khạo Thỏ không giữ nổi, ngác ngơ ánh mắt hoài mà không tìm thấy. Ngọc ơi, vẫn nghĩ là ấm đến se lòng nếu được đứng đây và gọi thầm tiếng đó. Còn nhớ cô bé thuở nhỏ đầy ắp hồn nhiên, rạng rỡ như những đóa rạng đông đỏ má tủm tỉm cười với cô nhỏ lật tay trên trang sách tô đậm hai chữ bóng chim và đôi cánh mờ nhạt nền trời trắng. Ừ ngày xưa là tăm cá. Ừ Ngọc là bóng chim. Loài chim đã mất dấu từ lâu. Thỏ học hết

Tim Mật - LINH HƯƠNG

Trầm đứng dưới cây khuynh diệp lá dài dài, nhọn nhọn, mấy chú ong cứ xập xòe đáp trên những đóa hoa sứ vàng nhụy bên cạnh rồi bay lên cao, từng đôi, ồn ào dễ thương. Một vài cánh hoa úa bị động mạnh lả tả rơi xuống đất. Trời thu xám buổi sáng. Trầm thoang thoáng nhớ chiếc mền đắp ấm và quyển truyện thật dầy. Tuyệt quá chứ! Nhưng xấp bài còn nặng trên tay, để khi cây kim dài dừng ở số 12, Trầm đã nghiêm trang ngồi trước trang giấy trắng tinh và đề thi được phát dần đến. Bóng Nga thấp thoáng ở “ngã tư”, khuất một chút sau phòng Học Vụ rồi lại ló ra, thấy Trầm, đôi má nhỏ căng ra rồi liến láu:

- Học xong chưa, bài ít mà khó ghê.

Phía sau nhà thờ - KIM HÀI

MỘT

Tuấn ngồi bó gối trên tấm nệm rơm đặt ở góc gác chuông, nổi cao lên đến cạnh bờ thứ nhất của thanh gỗ ngang chống đỡ. Rơm lún đến tận thắt lưng, cứa vào da chân nhột nhạt, ngứa ngáy. Nhưng Tuấn vẫn không rời chỗ của mình. Đấy là nơi tốt nhất để Tuấn có thể đưa tầm mắt vượt khỏi bức rào dày bịt chè hoang, trông vời tận mút con đường dẫn đến quán chú Ba, sát chợ, để thấy được bóng dáng của thằng Ty, thằng bạn mà Tuấn đang ngóng đợi đến mỏi mòn.

- Quái, thằng này sao mãi chả đến. Đã hẹn rồi mà còn quên. Lần này mà tới trễ ông nhét cả đống rơm vào mồm cho xem.

Tuấn đứng dậy, nhún chân trên đống rơm khô, trèo đến nửa vời gác chuông, vắt vẻo trên mấy thanh gỗ ngang màu đen nhớp nháp vì mưa suốt mấy tháng qua. Gió lạnh đập vào lưng và ngực làm Tuấn suýt soa luôn miệng. Vẫn không thấy dáng thằng Ty đâu cả. Chỉ vài bà đi chợ muộn tất tả trên đường về. Tuấn lại leo xuống ngồi phịch trên đống rơm xót. Để giết thì giờ, Tuấn thả người nằm dài, hai chân giải xuôi xuống bờ rơm, rõi mắt ngắm nghía ngôi sao thiêng màu xanh và trắng vĩ đại sừng sững trên nóc nhà thờ vạch một đường hình cong trông lạ mắt.

Đông Xuân - LINH HƯƠNG

Một

Như chú chim bé, không thưởng thức nổi mùa đông sương êm, như thân cây già cỗi trơ vơ không cành lá, như nụ hoa mỏng manh sớm mai chất ngất đợi chờ cánh mẹ ấm nồng, nắng mềm quấn quít. Không, sương còn vỡ trên những chồi lá non để nắng ngại reo dưới những vòm cây và em rời trường đã mười mấy hôm, nằm im lìm giữa bốn bức tường vôi xanh, như chiếc lồng kiên cố, như gác cũi nhỏ xinh giam giữ sơn ca líu lo, cầm chân sóc nâu tinh nghịch, ốm mềm người từ dạo trời đầy gió.

Cô em gái út - LINH HƯƠNG

Cứ mỗi trưa tan học về, bước chân đầu tiên đặt lên thềm nhà của cô gái út chút tôi là căn nhà nhỏ lại rộn rịp hẳn lên. Mọi người cùng hỏi nhao nhao trên bàn ăn trong lúc em nhanh chóng rửa tay để nhập bữa.

Cẩm:

- Có mua gì cho chị không, út?

Bé tuyệt thực - LINH HƯƠNG

Tranh minh họa của ViVi
- “… Trước cửa hoa mai vàng nở rộ, trời xanh thực xanh, gờn gợn một vài cụm mây trắng mịn…” A ha! Chị Phương định làm văn sĩ ta…

“Biết ngay mà!” Bé chỉ kịp nhủ thầm một câu rồi tuột vội xuống giường, cáu sườn ghê lắm đấy nhá! Những “tác phẩm” dang dở sáng tác lúc “nửa khuya” về tối… à không, về sáng là chồng giấy cồm cộm dày dày Bé xếp ở đầu giường. Ai đụng tới là cả một điều tối kỵ đối vối Bé… thế mà… Bé vẹt màn bước ra sân “oai phuông” như một nữ tướng:

- Trả cho Bé, Bé không giỡn với Minh đâu nhé!

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Nhà nghèo - NGUYỄN THÁI HẢI

1

Ngồi bên bờ giếng, con Lành đang mải vo gạo thì có tiếng sột soạt ngoài hàng rào bông bụt. Qua kẽ lá, nó thấy thấp thoáng chiếc áo nâu của thằng Thụ, rồi đầu thằng Thụ lấp ló. Lành bỏ giá gạo lại chậu nước, bước đến bên rào. Có tiếng thằng Thụ:

- Chị hai...

Lành đưa tay vạch một khoảng trống giữa hàng bông bụt để hai chị em nó thấy mặt nhau. Gương mặt lấm lem của thằng Thụ hiện ra, Lành hỏi:

Lợn ốm - NGUYỄN THÁI HẢI

Con xề đòi ăn kêu eng éc. Mận bưng vội rổ rau muống về phía chuồng lợn. Thấy bóng Mận, con xề càng kêu to hơn. Dưới chân nó, sáu con lợn con nhao nhao xấn vào bú mẹ. 

Mận đổ vội rổ rau xuống máng ăn. Con xề chúi đầu xuống, ăn lấy ăn để. Đám lợn con cũng châu đầu vào: vú mẹ hết còn hấp dẫn chúng rồi!

Từ ngoài ngõ, bà Nhỡ nặng nhọc vần bao cám. Bà nhìn về phía chuồng lợn hỏi Mận:

Bạch em can đảm - NGUYỄN THÁI HẢI

“Thỏ Ngọc lo đầy đủ tất cả. Bếp lửa đã được đốt lên để sưởi ấm, đống rơm đã vừa êm để ông lão nghỉ lưng. Thế mà ông lão vẫn còn run. Ông rên hừ hừ thật tội nghiệp. Thỏ Ngọc nói:

- Thưa ông, ông còn cần gì nữa không ạ?

Ông lão nhìn Thỏ Ngọc, giọng yếu ớt đáp:

- Ta đói quá...

Thỏ Ngọc vội thưa:

- Vâng, xin ông đợi con một chút...

Rồi nó băng mình giữa trời mưa tuyết giá lạnh đi tìm thức ăn cho ông lão. Một lúc sau, nó quay về với mấy củ khoai. Thỏ Ngọc cẩn thận lại bên bếp lửa nướng khoai cho chín rồi mới kính cẩn dâng cho ông lão. Ông lão đón lấy ăn ngấu nghiến, chỉ một thoáng là hết sạch. Thỏ Ngọc hỏi:

- Thưa ông, chắc ông đã tạm no lòng?

Nhưng ông lão lắc đầu:

- Ta... ta vẫn còn đói lắm... Con có gì cho ta ăn được nữa không?

Thỏ Ngọc có vẻ bối rối. Vì mấy củ khoai vừa rồi đã là những món lương thực cuối cùng còn sót lại trên vùng đất giá rét này. Biết lấy gì cho ông lão ăn bây giờ?

Chừng như ông lão đoán biết nỗi lo âu của Thỏ Ngọc, ông nói:

- Ta biết nếu không còn gì ăn thêm thì ta sẽ chết mất, nhưng thôi con ạ. Ta cảm ơn con đã lo lắng cho ta nào lửa ấm, nào rơm êm, nào những củ khoai ngọt bùi. Ta hứa với con là khi chết đi, ta sẽ theo phù hộ cho con...

Nghe ông lão nói, Thỏ Ngọc nhỏ lệ đáp:

- Không, thưa ông, xin ông đừng nói như thế. Ông sẽ không chết đâu. Con hứa là sẽ tìm cho ra thức ăn để ông được no lòng...

Thỏ Ngọc nói vậy vì nó vừa nghĩ ra một cách. Nó bước dần đến bên bếp lửa. Ngọc lửa nóng hừng hực khiến nó chùn bước. Nhưng khi quay nhìn ông lão đang rên hừ hừ vì đói, nó quyết định tiến tới. Thỏ Ngọc nói với ông lão:

- Thưa ông, đây, thức ăn của ông đây...

Đoạn, nó nhảy mau vào bếp lửa định đem thân mình làm thức ăn cho ông lão... Nhưng ngay lúc ấy,hào quang lóe sáng cả một khoảng không gian. Thỏ Ngọc thấy đống lửa biến đâu mất và nơi đống rơm ông lão nằm, một ông Tiên râu tóc bạc phơ, tay cầm phất trần đang nhìn nó mỉm cười. Ông Tiên thong thả nói:

- Này Thỏ Ngọc! Ta vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống trần gian để thử lòng con xem con có đúng là đứa nhân đức, thương người như lời đồn không. Ta rất hài lòng vì con, cho nên ta sẽ cho con lên Cung Trăng để được sống một đời nhàn hạ, sung sướng...

Đoạn, ông Tiên phe phẩy phất trần. Thỏ Ngọc thấy mình bay bổng. Mặt trăng lơ lửng trên cao mỗi lúc một gần hơn. Gần hơn...” 


*
*     *


Thỏ Bố ngừng kể, nhấp một ngụm “trà” nóng, khà một tiếng thích thú. Bạch anh nằm cạnh bố, mắt lim dim chờ đợi. Mãi, không thấy bố lên tiếng nữa, nó mới hỏi:

- Sao không kể tiếp đi bố?

Thỏ Bố cười, xoa đầu con nói:

- Hết rồi còn đâu mà kể nữa!

Bạch anh bẽn lẽn nói khỏa đi:

- Thỏ Ngọc can đảm và có lòng quá, bố nhỉ.

Thỏ Bố vênh mặt hãnh diện:

- Chứ sao! Dòng Thỏ Ngọc chúng ta là nhất mà! Chả thế sao tổ tiên ta dám trêu cả voi...

Bạch anh tiếp:

- ... và chọc ghẹo cả cọp...

Nãy giờ vẫn nằm im lặng, bây giờ Bạch em mới lên tiếng:

- Nhưng này bố ơi...

Thỏ Bố nhìn con dịu giọng:

- Gì thế con?

Bạch em nhìn Bạch anh rồi nói với bố:

- Bố bảo anh Bạch anh đừng “cốp” đầu con nữa, con mới dám nói...

- Ừ... Này! Bạch anh! Bố cấm mày không được “cốp” đầu em đấy nhé!

Bạch anh vâng một tiếng. Bây giờ Bạch em mới nói:

- Bố bảo dòng Thỏ Ngọc chúng ta can đảm thế, sao hôm nọ theo bố xuống vườn cà rốt của loài người, con nghe thằng bé người bị bố nó mắng là “Nhát như thỏ”. Sao vậy hả bố?

Câu hỏi thật quái ác khiến Thỏ Bố tắc tị chẳng biết phải trả lời sao. Trong lúc ấy, Bạch anh bị va chạm tình yêu nòi giống cực đoan, quên béng lời hứa, chồm tới “cốp” ngay đầu Bạch em một cái.

Thế là Bạch em òa lên khóc.

Thỏ Bố muốn nhân dịp này lảng tránh phải trả lời con, quay sang nạt Bạch anh:

- Đồ hư thân mất nết! Có mặt bố mày ở đây mà mày dám “cốp” em như thế đấy hở? Cút xéo đi chỗ khác chơi không? Tao lại tẩn cho mấy gậy bây giờ...

Bị bố mắng, Bạch anh sợ hãi bỏ chạy mất. Thỏ Bố đợi Bạch anh đi khuất rồi mới nói với Bạch em:

- Nó đánh con có đau lắm không?

Bạch em mếu máo:

- Anh ấy toàn “cốp” đầu con không à... Làm anh gì mà cứ ăn hiếp em hoài. “Cốp” đầu người ta rồi người ta học ngu thì sao... hu hu...

- Thôi nín đi. Bố đền cho củ cà rốt, chịu không?

Bạch em tươi ngay nét mặt nhưng còn vờ nói:

- Chịu... Nhưng con không ăn nhiều đâu bố ạ. Cô giáo bảo ăn nhiều bội thực thì khổ... Bố cho con củ cà rốt nào be bé thôi nghe bố...

- Ấy! Đâu được. Bố sẽ cho con củ cà rốt to nhất chứ...

Bạch em cười híp mắt. Thỏ Bố tiếp:

- Nhưng con phải ăn từ từ đấy. Ăn chậm mới thưởng thức hết hương vị thơm ngon của cà rốt.

Bạch em đáp:

- Vâng ạ.

Rồi lót tót theo bố đi lấy cà rốt, quên béng là bố chưa trả lời câu hỏi của mình. Trong lúc ấy Thỏ Bố vừa đi vừa nghĩ ngợi: “Thằng bé hỏi vậy mà độc địa thật chứ chả chơi. Tại sao người ta lại nói NHÁT NHƯ THỎ nhỉ?”. 


*
*     *


Loài người vẫn cho là họ có lắm bảo vật tinh thần. Nào cả kho tàng đạo lý Đông phương: Khổng, Lão... Nào bao pho kinh điển Phật giáo... Nào Thánh Kinh... Nghe đâu nhờ Thánh Kinh mà người ta đã tìm ra nhiều mỏ dầu và khám phá được nhiều điều hữu ích cho khoa học, cho nhân loại...

Dòng Thỏ Ngọc không có nhiều bảo vật như thế. Bảo vật duy nhất của dòng Thỏ Ngọc - cũng là của loài thỏ - là cuốn Ngọc Thố Thư, một cuốn sách ghi lại những truyện truyền kỳ, cổ tích, lịch sử; đồng thời, cả những lời khuyên răn, dạy bảo, những câu châm ngôn cho loài thỏ. Chính nhờ Ngọc Thố Thư mà loài thỏ đã làm được bao chuyện phi thường qua nhiều thế hệ.

Bạch anh đi học đã được một năm và cũng vừa biết đọc, biết viết. Loài thỏ không có cấp tiểu học, trung học, đại học; cũng không có lớp một, lớp hai... lớp mười một, mười hai. Loài thỏ cũng không có bằng tú tài, cử nhân hay tiến sĩ gì cả. Ngọc Thố Thư dạy rằng bằng cấp chỉ cho ta một xác định rất mơ hồ về kiến thức. Lại nữa, bằng cấp có thể phát sinh những ganh tị, rồi từ ganh tị, người ta thù hằn nhau, oán ghét nhau. Đó chính là một trong muôn ngàn đầu mối của chiến tranh.

Loài thỏ không thích chiến tranh nên loài thỏ không oán ghét nhau; loài thỏ không cần bằng cấp nên loài thỏ chỉ cần biết đọc, biết viết là đủ. Sau đó, muốn hiểu biết thêm thì phải tự tìm hiểu lấy. Tài năng sẽ thẩm định giá trị.

Bạch anh đã qua một năm học. Nó đã được quyền đọc Ngọc Thố Thư để mở mang kiến thức.

Hôm nay, Bạch anh đọc đến trang nói về lòng can đảm của loài thỏ. Ngọc Thố Thư viết:

“Lịch sử đã chứng tỏ loài thỏ có một lòng can đảm vô bờ, nhất là dòng Thỏ Ngọc. Những sưu tầm và nghiên cứu qua nhiều thế hệ thỏ đã chứng minh rằng Can Đảm là một đặc tính di truyền của loài thỏ. Cho nên bây giờ, dòng Thỏ Ngọc vẫn là dòng thỏ can đảm nhất...”

Đọc đến đây, Bạch anh sướng phổng mũi. Ngọc Thố Thư nói đó: Dòng Thỏ Ngọc là dòng thỏ can đảm nhất... Vậy mà Bạch anh lại là chắt đúng 1732 đời của Thỏ Ngọc. Nhất định Bạch anh phải can đảm rồi. Nhất định Bạch anh không phải là phường nhát gan!

Nhưng mà... tại sao Bạch em lại nói: người ta bảo nhát như thỏ nhỉ? Hẳn là loài người chẳng hiểu loài thỏ chút nào. Thỏ mà nhát ư? Bạch anh này mà nhát ư?

Bạch anh quay sang Bạch em và hỏi:

- Có đúng mày nghe họ nói thế không?

Bạch em quyết chắc:

- Em mà nói láo cho thợ săn giết em đi. Lúc ấy, bố thằng bé người bảo nó đi bắt sâu cho cây cam, nó không chịu đi viện cớ sợ sâu, thế là bố nó mắng nó, em nghe rõ ràng: “Đồ nhát như thỏ!”...

Bạch anh nghe đến ba chữ “nhát như thỏ” thì tự nhiên cáu tiết, nắm tay “cốp” vào đầu em tức khắc.

Bạch em vừa khóc vừa bù lu bù loa:

- Hu hu... Nói người ta kể, người ta kể cho nghe. Vậy mà lại “cốp” người ta... Hu hu... Nhỡ trúng huyệt người ta lăn đùng ra chết thì sao... Hu hu...

Bạch anh động lòng, dỗ dành em:

- Tao xin lỗi mày... Tại tao nóng tính quá...

Bạch em sụt sịt:

- Nóng tính? Cứ nóng tính cái điệu đó thì có ngày đầu người ta sưng to bằng quả dưa hấu...

Bạch anh phì cười và trong trí bỗng nảy ra một ý. Ừ! Phải đấy! Bạch em nhắc đến dưa hấu mình mới nhớ. Gần đây có một nông trại dưa hấu, nơi đó, không một ai trong họ hàng nhà thỏ dám bén mảng đến từ sau khi hai vợ chồng thỏ nhà nọ bị bắt nấu sốt vang tại đó. Nếu mình đến nơi đó, lại ra về bình yên với quả dưa hấu làm quà cho bà con thì nhất định từ nay, Bạch em sẽ chẳng bao giờ dám hỏi: “Tại sao người ta lại nói nhát như thỏ” nữa. Và một điều khác nữa, sau kỳ công này, nhất định Bạch anh sẽ nổi tiếng là can đảm!

Bạch anh hỏi em:

- Mày thích ăn dưa hấu không?

Bạch em đang sụt sịt bỗng nín bặt. Nó cười toe mà tưởng tượng ra quả dưa hấu mọng đỏ. Nó liếm mép rồi lẩm nhẩm một mình: “Dưa hấu ngon lắm!”.

Bạch anh nói:

- Tao sẽ đi hái dưa hấu về cho mày ăn, chịu không?

- Hái ở đâu?

- Thì ở nông trại dưa hấu của loài người chứ ở đâu!

- Anh không sợ sao! Ai cũng nói ở đó họ canh chừng kỹ lắm. Đến như bố mà còn không dám tới nữa...

- Nhưng tao dám. Bộ mày quên tao là cháu 1732 đời của Thỏ Ngọc sao? Nhảy vào lửa tao cũng dư sức dám chứ đừng nói là đi hái dưa hấu. Can đảm mà mày!

Bạch em:

- Chưa chắc đã là can đảm đâu!

- Gì mà chưa chắc? Dám xả thân vào chốn nguy hiểm không là can đảm thì là gì?

Bạch anh nói rồi bỏ đi, không cho Bạch em nói thêm gì cả. 


*
*     *


Bạch em lo lắng quá. Bạch anh vừa ra đi xong. Cản ngăn thế nào, Bạch anh cũng nhất quyết ra đi “chứng tỏ rằng tao can đảm” - Lời Bạch anh nói. Bạch em đã được cô giáo giải nghĩa về lòng can đảm. Cô dạy rằng muốn được gọi là can đảm thì sự gan góc, hy sinh phải được đặt đúng chỗ, đúng lúc. Bằng không thì sự gan góc chỉ là sự liều lĩnh, sự hy sinh chỉ là sự mù quáng.

Bạch em có nói cho Bạch anh nghe và kết luận rằng việc đi đến trại dưa của Bạch anh chỉ là một việc liều lĩnh. Nhưng Bạch anh vẫn khăng khăng giữ lập trường: “Xả thân vào chốn hiểm nguy là can đảm”.

Bạch anh đi đã được đúng mười một phút. Bạch em nghe ruột nóng như cồn. Chịu không được nữa, nó phóng mình đuổi theo anh.

Đang đi, nghe tiếng chân chạy phía sau, Bạch anh quay lại nhìn. Thấy Bạch em, nó ngạc nhiên hỏi:

- Mày đi theo tao làm gì. Đã bảo cứ ở nhà mà đợi rồi tao đem dưa hấu về cho mà ăn...

Bạch em rưng rưng nước mắt:

- Nhưng em chẳng yên tâm tí nào hết. Em lo cho anh quá...

Bạch anh có vẻ cảm động. Nó đến bên cạnh em, choàng tay qua vai Bạch em và nói:

- Em ngoan lắm. Nhưng em đừng lo cho anh. Anh tin ở tài sức của mình và nhất là tin ở lòng can đảm vô biên của dòng Thỏ Ngọc. Nhất định anh sẽ trở về bình yên mà. Em hãy về nhà đợi anh nhé. Nhớ đừng cho bố biết. Đợi anh về rồi hãy hay...

Bạch em lắc đầu:

- Em không về đâu. Em đi theo anh luôn...

Bạch anh ngạc nhiên lắm:

- Không được đâu! Em phải về nhà ngay mới được. Bộ em không sợ nguy hiểm à?

- Sợ chứ! Nhưng em không đành để anh đi một mình.

Bạch anh suy nghĩ. Đến nước này thì chỉ còn hai cách chọn lựa: hoặc là trở về nhà, chôn chặt giấc mộng đến vườn dưa vào đáy lòng, hoặc là tiếp tục đi và phải cho Bạch em theo. Trở về nhà? Hừ! Khiếp nhược lắm! Nhưng cho Bạch em đi theo? Nguy hiểm cho nó vô cùng...

Bạch anh nói:

- Anh đề nghị với em điều này nhé. Nếu em bằng lòng thì anh cho em đi theo...

- Gì đó anh?

- Khi đến nơi, em chỉ được đứng xa xa mà xem anh hành động thôi. Khi nào anh cho phép mới được rời chỗ nấp. Chịu không?

Bạch em vui mừng:

- Em chịu.

- Vậy thì mình lên đường.

Hai cái bóng trắng thoăn thoắt nhảy từng bước dài hướng về phía trại dưa. 


*
*     *


Bạch em thu mình bên một gốc cây to hồi hộp theo dõi từng cử động của Bạch anh.

Bạch anh quả là gan dạ! Gã giữ vườn nằm trên ghế dựa trước căn nhà chòi cách đấy có hơn năm thước mà Bạch anh coi như không, cứ bình tĩnh gặm cho đứt cuống một quả dưa to.

Chung quanh vườn dưa không có hàng rào mà chỉ có một rãnh nước bao bọc. Bạch anh chọn quả dưa nằm sát rãnh ý chừng muốn tí nữa dễ dàng lấy đi.

Quả dưa đã bị cắn đứt cuống. Bạch anh thở phào nhẹ nhõm rồi đưa mắt nhìn gã giữ vườn. Gã nằm lim dim đôi mắt mơ màng, chẳng hay biết gì cả. Yên tâm, Bạch anh đẩy quả dưa dần về phía rãnh nước.

Ùm!

Quả dưa rơi xuống rãnh nước, nổi lềnh bềnh. Bạch anh nép mình vào một chỗ rậm rạp đề phòng. Quả nhiên, nghe tiếng động, gã giữ vườn đứng dậy đi rảo quanh quan sát. Một lúc, không thấy gì, gã lại trở về chiếc ghế dựa, nằm nghỉ lưng.

Bạch anh đợi cho gã giữ vườn nằm yên một lúc rồi mới rời khỏi chỗ nấp, đến bờ rãnh ra hiệu cho Bạch em sang giúp mình một tay. Lúc Bạch em đến bên kia rãnh nước, Bạch anh dã dầm mình dưới rãnh, ôm quả dưa, bơi lần về phía Bạch em.

Bạch anh đẩy qua dưa lên bờ rãnh thoai thoải. Bạch em cúi xuống giúp anh kéo quả dưa lên.

Húp! Quả dưa đã lăn hẳn lên bờ rãnh bên này và Bạch em bị mất đà, ngã ngửa ra sau. Nó lồm cồm ngồi dậy nhìn về phía Bạch anh định mỉm cười với anh. Nhưng nó chợt tái mặt khi thấy trước mặt nó, sừng sững gã giữ vườn như một hung thần, một tay xách tai Bạch anh, tay kia đang chuẩn bị chộp nó. Bạch em co giò phóng thật nhanh vào một lùm cây. Gã giữ vườn lục lạo một lúc không thấy, đành quay lại chỗ cũ. Gã nhảy qua bên kia bờ rãnh, giơ cao Bạch anh lên, cười ha hả:

- Có thế chứ! hà hà... Không ngờ chú thỏ lại to gan lớn mật đến thế. Nhưng cũng hay, nhờ thế mà chiều nay ta có một bữa nhắm thịt thỏ nấu sốt vang... Hà hà... Coi bộ cũng mập đó chứ...

Rồi gã quay về phía căn chòi. Bạch anh giãy dụa. Nước rãnh thấm ướt người Bạch anh văng từng giọt, từng giọt...

Đằng này, Bạch em còn đang chìm trong những giây phút hãi hùng khi chứng kiến tận mắt cảnh anh bị bắt giữ mà không biết phải hành động ra sao. Trở về báo tin cho bố biết ư? Ích gì! Cứu anh? Bằng cách nào?

Bạch em suy nghĩ thật nhanh. Việc trước tiên là phải qua bên kia vườn dưa đã!

Vút!

Bạch em phóng mình qua rãnh nước, lẩn nhanh vào vườn dưa. Nó len lỏi giữa những quả dưa to tròn, da xanh láng bóng. Cuối cùng, nó đến gần sát căn chòi, nơi gã giữ vườn đang ngắm nghía Bạch anh trên tay. Gã bỗng nhìn quanh. Bạch em hoảng hốt tưởng gã đã nhận ra mình. Nhưng không, gã lẩm nhẩm:

- Chà! Phải kiếm cái gì nhốt chú chàng rồi mới về nhà gọi bạn bè ra cùng đánh chén được.

Gã trông thấy một cái giỏ gần đó, liền bước lại. Bạch anh đợi đúng lúc gã cúi xuống nhặt cái giỏ, vùng vẫy thật mạnh. Gã giữ vườn bị cú bất ngờ, tuột tay. Bạch anh phóng nhanh. Nhưng... Một chân của gã giữ vườn đã giơ ra, đạp mạnh lên người Bạch anh, đè nó đau điếng. Gã làu bàu mắng:

- Giỏi há! Muốn trốn hả? Ông lại đập cho nát đầu ra bây giờ...

Bạch anh vùng vẫy...

Trong lúc đó, Bạch em nghe tim nhảy thình thịch. Những diễn biến quá bất ngờ khiến nó không giữ được bình tĩnh mà suy nghĩ nữa. Đến lúc Bạch anh bị gã giữ vườn bắt lại, Bạch em mới nghĩ ra... Phải chi đúng lúc Bạch anh vùng chạy, nó nhô ra làm phân tâm gã giữ vườn, biết đâu Bạch anh chả thoát.

Gã giữ vườn ngồi xuống, tay mở nắp cái giỏ, chân đè chặt Bạch anh. Sẵn sàng rồi, gã mới với tay tóm cổ Bạch anh để bỏ vào giỏ. Bạch anh vùng vẫy thật mạnh, gã càng nắm chặt hơn.

Ngay lúc ấy, Bạch em phóng vụt ra, đâm sầm vào cánh tay đang nắm giữ Bạch anh của gã giữ vườn. Gã hoảng hốt buông tay ra. Thế là Bạch anh rơi bịch xuống đất, phóng một cái thật mạnh, lẩn mất dạng trong vườn dưa.

Bạch em, sau hành động đột kích bất ngờ, đầu bị sưng một cục to tướng, cũng đã chạy kịp theo anh. Hai anh em cùng nhảy qua rãnh nước về phía rừng, cùng lúc với giọng tiếc rẻ của gã giữ vườn:

- Hoài của! Thế là vọt mất con mồi...


*
*     *


Chiều xuống, Bạch anh và Bạch em lại lén trở lại vườn dưa. Gã giữ vườn đang nằm trên chiếc ghế dựa, ngửa mặt nhìn trời hát ôm ổm. Có lẽ gã đã quên tuốt câu chuyện vừa rồi.

Bạch anh rút dây ra, buộc quả dưa thật chắc. Sau đó Bạch em cùng anh cắn hai đầu dây, kéo về.

Hai anh em cùng im lặng, không gây ra tiếng động nào để phòng gã giữ vườn phát giác. Đi được một quãng khá xa, cả hai mới dừng lại. Bạch anh vừa đưa tay quệt mồ hôi vừa mỉm cười, nói với Bạch em:

- Quả dưa khá to, Bạch em nhỉ.

Bạch em cười theo anh:

- Nhưng to cách mấy thì to, về nhà thế nào anh em mình cũng bị bố đánh cho sưng mông...

Bạch anh cười:

- Bố đánh ấy hả? Bố chỉ đánh mình anh thôi chứ. Còn em, em có tội gì đâu. Trái lại, em còn có công là khác...

- Công gì?

- Công đã cứu anh thoát chết. Anh sẽ lạy bố xin bố tha cho em. Anh sẽ kể lại cho bố nghe tất cả đầu đuôi câu chuyện. Thế nào bố cũng khen em là can đảm.

Bạch em trố mắt nhìn anh:

- Em can đảm?

Bạch anh dịu giọng:

- Đúng rồi! Em mới thật là can đảm. Vì em đã dám xông vào nguy hiểm để cứu anh. Còn anh, bây giờ anh mới thấy là em nói đúng. Đến vườn dưa chỉ là một việc làm liều lĩnh...

Rồi giọng Bạch anh trở nên mơ màng:

- Cô giáo em dạy rất phải... Sự gan dạ phải được đặt đúng chỗ mới gọi là can đảm...

Nghe anh nói, Bạch em thấy mũi mình phồng to hơn bình thường... Ôi! Mình đã làm một việc can đảm không ngờ! Anh Bạch anh đã công nhận như thế. Vậy mà bấy lâu nay mình cứ tưởng trí óc mình đần độn vì những cái “cốp” của anh ấy chứ! Đần độn thì sao biết nghĩ ra cách cứu anh ấy chứ!

Thôi, từ nay nhất định mình sẽ không bao giờ nhắc đến ba chữ “nhát như thỏ” nữa! Mình mà nhát ư? Phải đấy, chắt chít đời thứ 1732 của Thỏ Ngọc chứ bộ!

NGUYỄN THÁI HẢI
(Bán nguyệt san Tuổi Hoa số 157, ra ngày 15/7/1971)

Vở kịch Bà Trưng - NGUYỄN THÁI HẢI

Những ngày đầu cắp sách đến trường của tôi quả là... kỳ cục! Năm tôi lên sáu, gia đình tôi ở Đà Nẵng và tôi được cậu mợ đưa đến học với cô giáo nọ. Ngay buổi đầu tiên, trong những lời dặn dò, cô giáo đã nói một câu làm tôi đổ mồ hôi: “Em nào ăn kẹo, mút đá để bị sún răng, cô sẽ lấy kìm mà bẻ răng cho chừa!”. Đổ mồ hôi chỉ vì tôi có một cái răng cửa bị... sún! Suốt buổi học đầu tiên ấy - cũng là buổi học duy nhất với “cô giáo dọa bẻ răng” - tôi không dám hở môi (Theo nghĩa đen) chỉ sợ cô trông thấy cái răng sún của mình thì khổ! Qua hôm sau, dù bị cậu mợ tôi đánh đến sưng mông, tôi cũng nhất định không chịu đi học nữa, không là không! Nặng tay rồi

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Quà Giáng Sinh Cho Em - KHƯƠNG HOÀI – NGUYÊN KHANG

Ba má em chỉ có mình em. Ba em là công chức đi làm suốt ngày, má thì lo việc bếp núc. Những buổi không đi học, em lủi thủi ở nhà một mình, chẳng có ai chơi. Đi ra rồi đi vô, chẳng biết làm gì, em lôi sách vở ra học, nhưng chỉ thoáng một cái là xong. Thế là lại ngồi không. Buổi trưa ở xóm lao động thật là im lặng. Em nghe thấy tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng ru buồn buồn và cành lá xôn xao trong gió. Em lấy cuốn Tuổi Hoa lên giường nằm đọc. Em là một độc giả trung thành của báo. Tới ngày ra báo, em chạy đôn đáo đi mua báo. Chỉ ghét một cái là sạp báo ở gần nhà em thì làm biếng hạng nhất, không bao giờ có báo sớm, em phải chạy một khoảng khá xa mới mua được báo sớm. Má em la hoài: Học không lo, cứ lo mấy tờ báo, bữa nào đem đốt hết. Em cười, con học rồi, má. Mầy thì suốt đời học rồi, ngồi học thì làm biếng, đến chừng coi truyện, cái mặt tươi rói. Ba mầy mà biết, ổng đánh nát thây. Nói là nói vậy chứ, em biết ba má thương em lắm. Nhưng ít khi em làm cho ba má buồn. Đôi lúc, em cũng thích nhõng nhẽo như cô nhỏ trong truyện, những cô bé dễ thương, có anh chị thương yêu và hay nũng nịu với ba má. Em không dám như vậy, sợ ba má em la, với lại em cũng chẳng có anh chị quí mến hay đứa em nhỏ kháu khỉnh. Em chỉ có một mình.

Phải, VIRGINIA ạ, có Ông Già NÔ-EN chứ - CHARLES DANA

Thư của Chủ bút tờ New York Sun, ông CHARLES DANA, viết vào năm 1897 để trả lời một cô bé viết thư hỏi “Có Ông Già Nô-En hay không?”

Nhiều năm đã trôi qua nhưng lá thư vẫn đẹp, và còn đẹp mãi, như một ngọn nến trắng thắp sáng trong đêm Sinh Nhật. 


VIRGINIA thân mến, 

Mấy nhỏ bạn của em đã lầm. Các em đó đã bị ảnh hưởng của thuyết hoài nghi trong một thời đại đầy nghi kỵ. Chúng chỉ tin những gì chúng được nhìn thấy ; và những gì mà trí óc chúng không hiểu nổi thì chúng cho rằng không thể nào có được. Mà, Virginia thân mến, mọi trí óc, của trẻ con hay của người lớn chăng nữa, đều nhỏ bé và vô nghĩa.

Trong vũ trụ bao la này của chúng ta, con người chỉ là một con sâu, con kiến, nếu đem so sánh sự hiểu biết của họ với thế giới bất tận chung quanh, hoặc đem so sánh với sự thông hiểu toàn thể chân lý và kiến thức. 

Phải, Virginia ạ, có ông già Nô-en chứ.

Ông già Nô-en thực sự có, cũng như tình yêu, lòng quảng đại và sự tận tụy…, là những cái đã làm cho cuộc sống của em tươi đẹp và vui thú vậy. Chao ôi, thế giới này sẽ đáng sợ biết bao nếu không có Ông già Nô-en. Cũng đáng sợ biết ngần nào nếu không có những em gái mang tên Virginia. Vì như thế sẽ không có cái niềm tin trẻ thơ, không có thi ca, không có mơ mộng để mà chịu đựng những thực tế của đời sống. Chúng ta sẽ không còn sự hoan lạc ngoại trừ những điều, những cái chúng ta biết qua cảm quan và thị quan. Cái ánh sáng vĩnh cửu mà tuổi thơ đã mang lại cho thế giới này cũng sẽ tan biến mất.


Không tin có Ông già Nô-en ư? Như vậy em lại cũng không tin có các nàng Tiên! Có thể em nói với Ba cho người “mai phục” ở các ống khói nhà em vào đêm Giáng Sinh để “bắt tại trận” một Ông già Nô-en ; Nhưng ngay cả khi họ không trông thấy bóng dáng Ông chui xuống, thì điều đó có chứng tỏ được gì không? Chưa ai thấy Ông Già Nô-en, nhưng cũng không có dấu hiệu nào chứng tỏ không có Ông Già Nô-en. Chính những cái cụ thể nhất trong thế giới này lại là những cái cả trẻ con lẫn người lớn đều không thể trông thấy.

Em có bao giờ gặp các nàng Tiên khiêu vũ trong vườn hoa chưa? Dĩ nhiên là chưa, nhưng đó đâu phải là bằng chứng để nói rằng các nàng Tiên không có ở đó?

Em có thể phá tung cái lục lạc của em bé để khám phá xem cái gì trong đó đã khiến cái lục lạc phát ra những tiếng kêu leng keng. Nhưng có một tấm màn che phủ cái thế giới vô hình kể trên, mà dù cho một người khỏe nhất, hay kết hợp sức mạnh của tất cả những người mạnh nhất trên thế gian lại, cũng không thể xé rách được.

Chỉ có niềm tin, óc tưởng tượng, thi ca, tình yêu và sự mơ mộng mới có thể vén được tấm màn đó sang một bên cho chúng ta nhìn ngắm vẻ đẹp huy hoàng ở phía sau mà thôi.

Điều đó có thực không?

Ngoài những điều đó ra, trên thế giới này chẳng có điểm gì khác có thực và tồn tại mãi đâu, Virginia ạ.

Không có Ông Già Nô-en ư? Cảm ơn Thượng Đế, Ông Già Nô-en vẫn sống, và sống mãi. Cả ngàn năm sau… không, mười lần mười ngàn năm sau nữa, Ông Già Nô-en sẽ còn tiếp tục mang niềm vui đến cho hàng triệu trái tim trẻ thơ…

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 229, số đặc biệt Giáng Sinh, ra ngày 1-12-1974)

Chuỗi Ngọc Lam - NGUYỄN HIẾN LÊ


      Ngày em gái Joan Grace đẩy cửa bước vào tiệm của Pierre Richard thì Pierre là con người cô độc nhất thành phố. Có lẽ hồi ấy các bạn đã được nghe phong thanh câu chuyện đó? Nhưng báo chí không nêu tên mà cũng không kể các chi tiết, nên hôm nay tôi xin thuật lại tường tận.
     Pierre đã được ông nội để lại cho một cửa tiệm bán đồ cổ. Trong cái tủ kính nhỏ xíu chàng chất đủ các thứ đồ kỳ cục : vòng, mề đay đeo vào dây chuyền từ thế kỷ trước, nhẫn vàng, hộp bạc, ngọc thạch hoặc ngà chạm trổ, tượng nhỏ bằng sứ…

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

TUỔI NGỌC XUÂN HỒNG 1975 ra ngày 22-1-1975

Gửi tặng mọi người số đặc biệt quyển tạp chí dành cho tuổi vừa lớn, tuần báo của yêu thương TUỔI NGỌC số XUÂN HỒNG TUỔI NGỌC ...ra sạp báo ngày 22/1/1975...tờ TUỔI NGỌC XUÂN cuối cùng (và cũng là 1 cố gắng lớn vì những năm 74, 75...tình hình quá căng thẳng và nhiều điều khó khăn, nhưng ban trị sự và biên tập vẫn cho ra đều đặn tạp chí thuần chất về văn chương này, như một nét son khó phai mờ trong làng báo trước 1975, và không thể phủ nhận giá trị thẩm mỹ, và giá trị nhân văn...mà tuần báo đã cố truyền tải, để lại trong lòng những nam nữ học sinh thời đó), với muôn ngàn những áng thơ bài văn nồng nàn hương & sắc xuân...đọc mà bùi ngùi và ngây ngất..với những kỉ niệm (có 1 thứ kỉ niệm...khơi gợi từ những câu chữ, tuy rằng mình chưa bao giờ trải qua).

TUẦN BÁO TUỔI NGỌC số 80 ra ngày 7-12-1972



TUẦN BÁO TUỔI NGỌC số 76 ra ngày 9-11-1972




TUẦN BÁO TUỔI NGỌC số 75 ra ngày 2-11-1972

TUẦN BÁO TUỔI NGỌC số 74 ra ngày 26-10-1972



Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Lòng Mẹ - NHẬT LỆ GIANG


Truyện : NHẬT LỆ GIANG
Loại hoa xanh
Tủ sách Tuổi Hoa - 1967


Sưu tầm và đánh máy : BD

Một Mùa Giáng Sinh - TRẦN THỊ HẬU


Em co ro trong chiếc áo len dài quá đầu gối bước vội tới trường. Những sáng mùa đông lạnh như ri em rất lười dậy đi học. Giá giờ này được nằm trong vòng tay ấm áp của mẹ thì thú biết chừng nào. Em những tưởng chẳng mền len nào ấm áp bằng tay mẹ vì rứa mà mỗi sáng đi học tuy mẹ đã mặc áo ấm kỹ càng em vẫn thấy lạnh. Hai bàn tay lạnh cóng một xách cặp, một cầm bình mực tím khiến em không xỏ vào túi áo cho ấm được. Nhỏ Thanh bày em, từ nhà tới trường muốn khỏi lạnh thì đi thật nhanh hay chạy càng tốt nhưng em chả dám – mẹ biết được thì chết. Ma soeur thương em lắm. Ma soeur xin phép mẹ cho em được ở trong trường qua hết mùa đông nhưng mẹ không bằng lòng. Mẹ sợ ở trong trường mỗi tối không ai thức dậy năm lần bảy lượt để đắp mền cho em mặc dầu ma soeur đã hứa với mẹ đủ điều.

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Mái Tóc (Chương 7) - THỤY Ý

Chương 07 (hết)

Thấm thoát mà ba Mai qua đời đã được một tháng. Trong một tháng đó, biết bao nhiêu biến cố xảy đến cho gia đình Mai. Từ ngày ba Mai mất, má mai đau ốm liên miên, tiền bạc trong nhà dần dần cạn. Mai nghỉ học giữa niên khóa. Mới đầu Mai xin nghỉ má Mai không bằng lòng. Bà Tình không muốn cho con dang dở. Nhưng câu chuyện sau đây xảy ra và Mai bắt buộc phải ra đời.

Bà Tình ốm rất nặng. Trong nhà không còn tiền bạc. Mai chạy qua cậu dì Sang để mượn tiền, nhưng lại nhằm lúc cậu dì đi Mỹ Tho một tuần mới về. Hàng xóm thì người ta cũng không xấu gì, nhưng vay họ cũng đã nhiều rồi. Hơn nữa, người ta thấy tình cảnh gia đình Mai như thế ai mà dám cho mượn tiền. Mai thất thểu bước đi. Đến nhà nào thì họ cũng không cho vay, mà ngày mai là ngày cuối cùng của thời hạn phải đóng học phí cho mấy đứa em Mai. Má Mai thì liệt giường nằm đó, đâu có lo lắng gì được. Đầu óc Mai rối như tơ vò. Mai bỏ học đã mấy ngày nay, công việc ở nhà không ai lo, các em chưa có tiền đóng tiền học. Ngày mai – Ngày mai – Nội trong ngày hôm nay, Mai phải xoay sở cho được một số tiền tám trăm đồng để ngày mai đóng tiền học cho mấy em. Về đến đầu phố lúc nào mà Mai cũng không hay. Chợt mắt Mai đập vào hàng chữ “Viện uốn tóc Đài Trang”. Mai không quên là dạo trước Mai đi học về ngang đây, bà chủ tiệm đứng chơi trước nhà, thường tấm tắc khen mái tóc Mai đẹp. Mai chợt lóe lên trong đầu một ý nghĩ. Mai ôm mái tóc mình, hôn vào làn tóc nhung mượt, mái tóc mà Mai đã nâng niu từ nhỏ, mái tóc mà Mai đã quý như bản thân mình. Mai đứng rất lâu trước cửa tiệm. Mai muốn vào dạm bán mái tóc mình, để lấy tiền đóng học cho mấy em. Nhưng vốn bản tính nhút nhát, Mai sợ lỡ người ta không thèm mua, người ta cười Mai thì sao ?

Mai dợm bước đi, nhưng ý nghĩ ngày mai các em không được học, hình ảnh của những đứa em cắp sách lang thang ra khỏi lớp làm Mai thêm can đảm. Mai đẩy cửa bước vào phòng uốn tóc. Bà chủ tiệm thấy Mai quen, đến bên dịu dàng :

- Em đi đâu ?

Mai ấp úng :

- Thưa bà…

- Em uốn tóc hả ?

- Dạ không.

Rồi thu hết can đảm, Mai nói :

- Thưa bà, em muốn hỏi xem bà có muốn mua mái tóc em không ?

Bà chủ tiệm Đài Trang “à” lên một tiếng. Thì ra cô bé này vào đây để dọ bán mái tóc. Bà nói :

- Tại sao em lại muốn bán ?

Mai thú thật :

- Thưa bà, em cần tiền lo một việc riêng của gia đình.

- Thế em định bán bao nhiêu ?

- Em cũng không biết.

Bà chủ tiệm Đài Trang lắc đầu nhè nhẹ. Bà thương cảm cho cô con gái thùy mị đáng yêu này. Có lẽ phải túng quẩn lắm đây cô mới chịu cắt đi mái tóc, vì tóc cô ta đẹp quá. Mai thấy bà ta lắc đầu, lại lo ngại bà chủ tiệm uốn tóc không chịu mua mái tóc mình, Mai năn nỉ :

- Thưa bà, em thú thật với bà là em cần tiền ghê lắm. Nếu không, em không bán mái tóc này đâu !

Bà chủ tiệm gật gù :

- Tôi biết, tóc em đẹp lắm.

Mai ngây thơ :

- Thế bà định không mua ư ?

Bà chủ tiệm phì cười :

- Không, tôi lắc đầu đâu có phải là tôi không mua – Nhưng tôi hỏi là em cần bao nhiêu ?

- Thưa bà, khoảng tám trăm đồng.

Bà chủ tiệm bước vào trong quầy. Một lát sau bà trở ra.

- Đây, tôi cho em mượn tám trăm đồng. Khi nào có trả lại cho tôi.

Mai ngước nhìn người đàn bà xa lạ nhưng tốt bụng, rưng rưng nước mắt. Nhưng một chút gì trong tâm hồn Mai chợt bùng dậy. Mai cũng không thể phân tích và tìm hiểu được cái sức mạnh đó là gì, vì Mai đang không có thời giờ. Nhưng cái sức mạnh ấy rất mãnh liệt, nó thúc đẩy Mai bật lên lời từ chối :

- Thưa bà, em chỉ bán mái tóc thôi – Nếu bà thương mua dùm thì cám ơn bà, chớ em không dám nhận tiền.

Bà chủ tiệm ngạc nhiên :

- Kìa, tôi cho em mượn mà em không lấy sao ?

- Thưa bà, em cám ơn lòng tốt của bà, nhưng em không dám nhận.

Bà chủ tiệm thở dài nhè nhẹ.

- Thôi được, em vào đây.

Mai theo chân bà bước vào, ngồi trong cái ghế lớn. Bà chủ tiệm lấy dụng cụ, rồi đích thân bà cắt tóc Mai. Nhìn từng lọn tóc dài bị xắp ra khỏi mái tóc, nước mắt Mai dâng lên nghẹn ứ cả cổ, nhưng Mai cố nén không cho nó trào ra. Vậy là hết. Công phu ba bốn năm trời nuôi dưỡng. Mái tóc Mai được cắt, xếp gọn gàng trông thật đẹp mắt. Bà chủ tiệm nói :

- Tôi chải úp vô cho em nghe.

- Dạ, thưa bà sao cũng được.

Mai nhìn khuôn mặt mình trong gương, xa lạ đến tàn nhẫn. Mai đưa tay ôm mặt. Mai muốn chạy trốn mái tóc ngang cổ này, nhưng nó vẫn nằm trên đầu Mai. Bà chủ tiệm nhìn Mai thương hại. Bà nói như để bào chữa :

- Đó là tại em muốn.

Mai gật đầu :

- Dạ em đâu có nói chi.

Bà chủ tiệm vuốt tóc Mai, đứng lên lấy tiền. Bà dúi vào tay Mai bốn tờ giấy năm trăm.

- Đây, em cầm lấy về lo cho gia đình.

Mai không biết nói sao trước sự tốt bụng của bà chủ tiệm uốn tóc Đài Trang. Mai hiểu mái tóc của mình tuy đẹp thật, nhưng nếu bán thì chỉ giá một ngàn bạc là cùng. Bà vừa mua mà vừa cho Mai. Mai lắp bắp cám ơn bà. Lòng nhẹ một mối lo, Mai bước ra khỏi cửa hiệu uốn tóc.

Về đến nhà, việc trước tiên của Mai là đưa tiền cho thằng Sơn đi đóng học cho mấy em, xong Mai thay áo vào thăm mẹ. Vừa nhìn thấy con, bà Tình bật ngồi dậy, giọng bà nghiêm trang :

- Mai !

- Dạ.

- Con cắt tóc rồi phải không ?

Mai cúi đầu :

- Thưa má… con không vay được tiền đóng học cho mấy em. Ngày mai người ta không cho chúng nó đến trường nữa. Mà dở học một tháng là hỏng luôn một năm…

- Con đã qua cậu dì Sang chưa ?

- Dạ thưa má qua rồi. Mà cậu dì Sang đi Mỹ Tho một tuần mới về.

Bà Tình bật khóc, bà thương đứa con có hiếu. Bà biết lòng Mai yêu quý mái tóc của cô đến đâu. Mai cắt mái tóc, trong lòng hẳn phải đau tiếc lắm.

- Tội nghiệp con tôi ! Con bán cho người ta mái tóc, con buồn lắm phải không ?

- Thưa má không. Con không muốn mấy em phải bỏ học. Vả lại, thuốc của má cũng đã hết. Con bán được hai ngàn, đưa Sơn đi đóng học tám trăm, còn đây một ngàn hai, má giữ để chi tiêu.

Bà Tình thở dài :

- Thôi, con giữ mà đi chợ cho mấy em ăn.

Mai cắn môi – Cô muốn thưa với mẹ về việc mình nhất định nghỉ học. Mai ngồi xuống giường.

- Thưa má, sẵn đây con muốn nói với má là con nghỉ học để đi làm.

- Thì tình cảnh này, má còn biết nói sao hơn. Con muốn nghỉ học đi làm giúp cho gia đình thì má cũng không cản được. Nhưng liệu con có xin được việc làm hay không ?

Mai mừng rỡ :

- Dạ, con có chị bạn giới thiệu cho con đi làm ở hãng xuất nhập cảng. Nếu má cho con nghỉ học, thì cuối tháng nầy con bắt đầu đi làm.

Bà Tình gật đầu, mệt nhọc trở mình. Mai biết mẹ mình muốn nghỉ nên đứng lên.

Ra nhà ngoài, việc trước tiên của Mai là tìm Thảo bế nó trên tay. Bé Thảo hôm nay gầy hơn mấy hôm trước nhiều lắm. Đã hai ngày nay hết sữa mà trong nhà không có tiền mua, Mai đành cho em bú nước cháo pha đường. Mai gọi thằng Bình, đưa cho nó tờ giấy năm chục, bảo nó đi mua hộp sữa. Thằng Bình đi rồi, Mai xuống bếp nấu ấm nước sôi.

Pha một chai sữa, Mai cầm lên cho em bú. Con Thảo nghe mùi sữa mừng rỡ, bú một hơi hết cả bình sữa. Nhìn em bú không kịp nuốt, Mai hiểu rằng mình quyết định bỏ học đi làm là phải lắm. Tuy Mai biết tương lai mình ngắn ngủi và không rực rỡ, nhưng Mai chọn con đường đó, vì nó nặng phần trách nhiệm và bổn phận. Mai phải lo cho các em không bị đuổi học, cho Thảo có sữa bú, cho bữa cơm của mấy đứa nhỏ không chỉ có nước mắm. Má Mai yếu đuối, không thể làm gì được để nuôi mấy em thì tự Mai, Mai phải gánh lấy, tuy Mai tiếc mái trường thân yêu, mấy dãy lớp im lìm và tiếng cô giáo đều đều. Mai hiểu một lần này xa là không bao giờ trở lại, nhưng nếu Mai ích kỷ, Mai chỉ nghĩ cho Mai thì Mai không xứng đáng làm con của ba mẹ Mai, làm chị mấy đứa trẻ ngây thơ vô tội kia. Mai phải nghĩ đến gia đình Mai trước tiên…


***

Buổi sáng Mai thức dậy. Cô đưa tay định búi mái tóc lên như mọi hôm, nhưng bàn tay Mai chạm vào những đuôi tóc lởm chởm và cái cổ mát lạnh. Mai chợt rùng mình, nhớ lại là mình đã cắt tóc. Mai hít một hơi dài không khí, tự nhủ “Thôi, giã từ tất cả. Mình đã bước vào một cuộc đời mới rồi”.

Hôm nay là ngày Mai đến nhận việc làm. Một chị bạn của Mai đã giới thiệu cho Mai vào làm ở hãng xuất nhập cảng của người chú chị ấy.

Mai dậy sớm nấu cháo cho mẹ và chiên cơm cho mấy em, quét dọn nhà cửa. Xong xuôi, Mai cho Thảo bú. Tất cả những công việc trong nhà Mai đã xếp đặt ngăn nắp và kỹ lưỡng để ở nhà mẹ Mai khỏi phải làm gì.

Mai đi thay áo. Chiếc áo dài đã quá cũ, sờn cả hai tay. Nhưng Mai phải mặc nó, vì ngoài nó ra, cô còn chiếc nào đâu. Với tay lấy cái khăn tang, Mai vấn gọn lên đầu rồi vào nhà trong, chỗ mẹ Mai nằm :

- Thưa má con đi.

- Ừ, con đi. Ráng giữ gìn lời ăn tiếng nói nghe con, coi chừng người ta không bằng lòng cho mình làm thì khổ.

Mai vâng dạ. Lòng cô dậy lên một mối nôn nao kỳ lạ. Tay cầm chắc lá thư giới thiệu của ba chị bạn, Mai thấy tay mình run run ; làm sao mà không hồi hộp cho được, lần đầu tiên Mai đến một nơi làm việc, để xin việc làm. Mai cố trấn tĩnh, nhưng không được. Đứng đợi xe lam mà Mai mang trong lòng nhiều lo âu. Ngồi trên xe, tâm tư Mai có nhiều mâu thuẫn. Một nửa thì Mai mong cho xe chạy mau thật mau, cho đến nơi liền để mình vào trình diện xin việc ; một nửa thì Mai muốn xe chạy càng chậm càng tốt, để Mai khỏi đối diện với cái thực tại đáng lo ngại ở cuối quãng đường xe này.

Nhưng chuyện gì rồi cũng được êm đẹp. Mai được nhận vào hãng với số lương hàng tháng là sáu ngàn đồng. Ông chủ hãng thương hoàn cảnh của Mai nên ông còn cho Mai đi học thêm đánh máy, vì một khi đã khá về đánh máy thì lương tháng của Mai sẽ được tăng thêm. Dần dần Mai quen với cuộc sống ngày hai buổi đến sở, về nhà thì lo cho các em. Mẹ Mai đã bình phục, nhưng Mai muốn mẹ mình lành mạnh hẳn rồi hãy lo công việc. Mẹ Mai dự tính làm một hàng bún để bán, nhưng Mai hiểu là mẹ mình yếu đuối không thể nào mà gánh nổi gánh bún. Hơn nữa, nghĩ đến mẹ còng lưng, trên vai gánh bún, sáng tinh sương đã phải đi, khan cả giọng để rao mời, Mai thấy bất nhẫn. Mai muốn bao giờ mình không đủ sức làm thêm nữa thì mẹ hãy lao lực. Hơn nữa, nếu mẹ Mai đi bán như thế thì ở nhà các em ai lo cho ăn uống. Do đó, buổi tối Mai xin lãnh thêm sổ sách về làm. Nhờ dạo trước có phụ giúp ba trong công việc nên Mai cũng không thấy khó khăn gì mấy. Cuộc sống gia đình Mai nhờ thế mà đỡ túng thiếu.

Mai dần dần quen với nếp sống của mình. Nhưng những buổi tối, ngồi trong đêm khuya cộng sổ, Mai nhớ ba đến khóc nức nở. Mai nhớ lại những ngày tháng trước đây, Mai ngồi học, còn ba Mai thì ngồi trước mặt làm sổ sách. Thỉnh thoảng ba ngủ gục ngay trên bàn, ngáy lên mấy tiếng rồi giật mình choàng tỉnh dậy. Mai không làm sao quên được ba Mai. Mai tưởng tượng như ba Mai còn đâu trong nhà. Mai không bao giờ làm quen được với ý nghĩ là ba Mai đã chết cả. Mai tưởng như ba Mai đi đâu xa một thời gian rồi ba Mai sẽ về, ba Mai không bao giờ đi luôn cả.

Má Mai thì lúc nào nghe nhắc đến ba Mai là hai hàng nước mắt nhỏ dòng dòng. Mai hiểu mẹ đau đớn trước cái chết của ba. Cái chết của ba là một vết thương đâm quá mạnh vào lòng mẹ mà không có thứ thuốc nào chữa được. Còn Mai, Mai nhớ ba nhưng Mai không khóc. Mai dùng nghị lực của mình để ngăn chận những dòng lệ nóng mà bất cứ lúc nào Mai nghĩ đến ba là nó lại chực tuôn ra. Bây giờ, Mai hiểu bổn phận mình. Mai muốn làm vừa lòng ba Mai bên kia thế giới, cách tốt nhất là Mai dùng hết khả năng mình để lo cho các em học hành đến nơi đến chốn, như thế là ba Mai toại nguyện lắm rồi. Vì lúc sinh thời ba Mai cũng chỉ ước mong một điều duy nhất là sống mà lo cho các con ăn học tử tế.

Có nhiều lúc Mai nhớ về Liên và muốn viết thư cho Liên hay sự tình của mình, nhưng Mai lại nghĩ, mình đã dứt khoát hẳn với khoảng đời quá khứ thì thôi cho dứt luôn. Liên lạc với Liên làm gì nữa. Mai không ghen ghét bạn, nhưng Mai nghĩ mình đã có cuộc đời của mình, Liên có cuộc đời của Liên. Mình đã nghèo như thế này, làm bạn với Liên có xứng đáng không ? Liên giầu quá. Cuộc sống của Liên là một cuộc sống đóng khung trong vàng son nhung lụa. Liên làm sao thông cảm được với tình cảnh gia đình Mai. Nghĩ thế cho nên Mai không viết thư cho bạn nữa. Hơn nữa, cuộc đời Mai bây giờ bận rộn ngày hai buổi đến sở, tối về chong đèn làm sổ sách, Mai không có thời giờ rỗi rảnh để mà viết thư. Một lá thư bỏ tốn hai mươi mấy đồng bạc tem. Hai lá thư là đủ mua cho em Mai một lon sữa rồi. Nghĩ đi nghĩ lại đủ mọi vấn đề mà Mai hời hợt với Liên.

Đã tám tháng qua, từ ngày Liên đi Pháp. Cuộc sống ở hải ngoại dần dần cũng quen. Liên đã đến kỳ hè. Me Liên đánh điện tín qua bảo anh Tấn cho Liên về Việt Nam thăm nhà một tháng. Liên rất mong muốn được trở về quê hương, nhất là về để thăm Mai. Từ khi Liên đi, được hơn một tháng thì bặt tin Mai. Liên không biết bạn bặt tin cho mình là vì lý do gì. Có thể Mai dọn nhà đi. Nhưng nếu dọn đi sao còn nhận được thư Liên và trả lời mấy lá trước ? Rốt cuộc Liên không tìm ra nguyên nhân nào đã xui Mai không viết thư cho Liên nữa. Liên muốn về tìm đến thăm bạn, Liên sẽ ôm Mai mừng rỡ. Tám tháng xa cách, không biết Mai có thay đổi gì không ? Kỳ thi vừa qua, không biết Mai đậu không ? Nhưng dù chưa biết tin, Liên cũng tin chắc rằng Mai phải đậu mà đậu hạng cao nữa, vì Liên biết bạn học rất giỏi, hơn nữa Mai lại thông minh.

Đặt chân xuống phi cảng, Liên đã thấy ba me và hai anh đứng đón. Liên và anh Tấn chạy bay đến chỗ gia đình chờ. Liên nhảy lên ôm cổ mẹ, hai mẹ con ôm chặt nhau. Tám tháng xa cách, Liên thấy cảnh vật nào cũng đáng yêu hết. Liên ôm ba và hai anh. Nỗi mừng rỡ làm nghẹn tiếng. Cả nhà ra xe. Ngồi trong xe gắn máy lạnh, Liên đưa mắt nhìn ra hai bên đường. Cảnh vật vẫn không thay đổi. Xe chạy từ Công Lý ra Saigon . Đáng lẽ xe quẹo về nhà, nhưng Liên yêu cầu người tài xế chạy luôn một vòng cho Liên nhìn lại Saigon . Xe vừa chạy được một vòng thì me Liên cản lại :

- Thôi bác tài quay về đi. Liên này, con hãy về nghỉ đã. Mai mốt muốn đi đâu thì đi. Con ở nhà một tháng cơ mà.

- Thưa me vâng.

Chiếc xe vòng về. Con đường im mát quen thuộc hiện ra trước mắt. Xe vừa về đến cổng, Liên đã mở tung cửa nhảy xuống. Hai con chó ngoại quốc to lớn thấy chủ về mừng rỡ vẫy đuôi chào. Liên ôm đầu từng con. Tiếng lao xao của những người làm trong nhà mừng Liên về tới. Không khí quen thuộc làm Liên cảm động đến rưng rưng nước mắt. Ngả người cạnh mẹ trên ghế, Liên thở ra sung sướng. Trở về nhà sau hơn nửa năm trời xa quê, Liên thấy như mình đi từ lâu lắm. Đồ vật trong nhà không có gì thay đổi. Liên hỏi :

- Thưa me, phòng của con... ?

- Vẫn thế. Me đã hứa mà.

- Cám ơn me ạ.

Bà Phát ôm đầu con. Tóc Liên đã dài ngang vai. Bà cười :

- Con gái yêu của me dạo này để tóc dài rồi cơ à ?

Liên cùng cười theo mẹ. Từ lúc về Liên cười luôn miệng. Cô cảm thấy yêu cuộc sống quá và đời đẹp quá.

- Con để tóc dài đó me. Me đã cho phép cơ mà. Để hôm nào con gặp Mai xem hai đứa tóc đứa nào đẹp hơn me nhỉ !

- Ừ, cũng nhờ mái tóc của nó mà me mới cho con để tóc đấy chứ.

Liên ngập ngừng :

- Mà me ạ, sao lâu nay con không nhận được thư Mai.

- Con có viết cho nó không ?

- Dạ con vẫn viết thường.

Bà Phát hơi nhíu mày :

- Có lẽ nó bận hay có một lý do nào đó nó không thể viết cho con.

Liên tâm sự với mẹ :

- Mà me ạ, sao con nhớ Mai ghê. Xa Việt Nam , sau gia đình mình con nhớ Mai nhất me ạ. Me nghĩ xem : Hai đứa chơi với nhau thân thật là thân vậy đó. Mai thương con lắm mà con cũng thương Mai lắm cơ me.

- Thế bây giờ con còn thương không ?

- Dạ còn chứ ạ. Con nóng gặp Mai. Me cho con gặp nhé.

Bà Phát gắt yêu con :

- Nóng gì thế. Thì cũng để mai hãy hay. Con mới về mà chưa đi thăm bà con họ hàng gì hết, đã lo thăm Mai rồi.

Liên nũng nịu :

- Thôi, me không cho thì thôi vậy.

Bà Phát dỗ dành con :

- Me muốn con hãy nghỉ cho khỏe đã. Ngày mai con đi thăm nó cũng chưa muộn cơ mà.

Liên dạ cho vừa lòng mẹ. Thật tâm, cô muốn chạy bay đến nhà Mai xem bạn có thay đổi gì không sau tám tháng xa cách mình. Liên vào phòng thay đồ và tắm. Nước mát lạnh cho Liên cảm giác dễ chịu. Liên nghĩ đến những món quà mình đã mua để dành cho Mai. Con búp bê nhồi bằng bông thật khéo chắc sẽ làm Mai thích thú lắm. Liên vẫn biết tính Mai thích những cái gì nho nhỏ, xinh xinh và có vẻ giản dị. Hai xấp hàng đắt tiền mầu thiên thanh và hồng phấn. Nước da Mai trắng và mịn, Liên tin chắc rằng Mai mặc vào thì phải đẹp ghê lắm. Liên thấy Mai không có áo dài màu. Mai cứ mặc áo trắng hoài trông buồn quá. Liên quyết định tối nay sẽ xin mẹ đến nhà Mai, vì Liên không biết trong niên khóa này Mai học buổi sáng hay buổi chiều. Thôi cứ đến buổi tối mà lại tiện hơn cả. Thế nào cũng gặp Mai.

Liên hớn hở sửa soạn. Cô lục tung va-li để tìm mấy món quà của Mai. Liên gói cẩn thận rồi lên xin phép mẹ đến nhà Mai. Bấy giờ vào khoảng bẩy giờ. Xe vừa ngừng trước con hẻm dẫn vào nhà Mai. Liên hấp tấp mở cửa xe nhảy xuống, cầu xin cho Mai còn ở đây, chưa có dọn đi đâu.

Mà Mai còn ở đây thật. Bằng cớ là nghe tiếng người vào nhà, Mai lên mở cửa. Đôi bạn ôm nhau mừng rỡ. Nhưng Liên ngạc nhiên đến rụng rời khi nhìn thấy giữa nhà, bài vị ba Mai nằm sừng sững. Liên nhìn Mai, thấy nét mặt bạn già hẳn đi và mang một vẻ chịu đựng nào đó. Tóc Mai buộc sau gáy, trông Mai người lớn hẳn lên. Liên không dám mở miệng hỏi, nhưng Mai đã kéo Liên ngồi xuống ghế, kể tất cả cho bạn nghe. Mai nói nguyên do vì sao mình không viết thư cho bạn. Mai kể chuyện cô Mỹ mất, Mai kể cho bạn nghe những nỗi long đong của mình. Thôi, Mai đâu có còn mặc được nữa. Liên nói :

- Liên ngỡ là Mai đã thi đậu và học đệ nhất. Liên mua cho Mai hai xấp hàng. Liên chọn mầu rất hợp với nước da Mai. Nhưng bây giờ thì Mai đâu có mặc được nữa. Thôi Liên chỉ còn một món quà nhỏ này nữa để tặng Mai.

Liên lấy con búp bê nhồi bông rất khéo ra, nhìn bạn để xem phản ứng. Liên biết Mai rất thích, ngày xưa Mai vẫn chả thường nói với Liên là gì ? Nhưng Liên chợt xót xa khi thấy bạn đã thay đổi quá nhiều. Sự mừng rỡ của Mai mang một nét giả tạo mà Liên nhận thấy ngay từ phút đầu. Mai muốn làm vừa lòng bạn chứ hình như thật ra Mai chả còn thích gì nữa. Liên nắm tay bạn :

- Mai… Hình như Mai đã thay đổi ?

Mai chậm rãi lắc đầu :

- Không, tự Mai, Mai không thay đổi đâu Liên. Nhưng hoàn cảnh thì đã thay đổi. Và bởi vì hoàn cảnh không còn thích ứng với Mai nữa nên tự Mai, Mai hiểu là mình phải thích ứng với hoàn cảnh. Mai đã trải qua những giờ phút lo lắng, mà chính trong những giờ phút đó, Mai thấy mình đột nhiên trở thành một người lớn, với đầy đủ trách nhiệm và bổn phận của họ. Mai thấy Mai trưởng thành trong một thời gian rất ngắn. Liên ạ, lúc đầu Mai những tưởng là mình không thể nào làm quen được với sự thay đổi quá ư lớn lao này. Mai quyến luyến lớp học, Mai quyến luyến cuộc sống học sinh. Nhưng quyến luyến không có nghĩa là không thể xa được. Mai đi làm, Mai chịu đựng sự khiển trách của người khác. Lúc đầu Mai cảm thấy khổ sở, nhưng dần dần rồi cũng quen đi. Bây giờ thì Mai hiểu rằng cái gì rồi cũng có thể trở thành quen thuộc với mình hết.

Liên để tay bạn trong tay mình, im lặng nghe bạn nói. Khuôn mặt hồn nhiên của Mai thoáng hiện một nét gì chua xót, nhưng rồi biến ngay đi. Mai nhìn Liên cười :

- Nhưng số mệnh đã sắp đặt như vậy rồi, Mai biết làm sao hơn. Mai còn các em nhỏ của Mai, Mai phải lo cho chúng nó.

Nghe Mai nhắc đến mấy em, Liên như chợt nhớ ra. Cô lấy gói bánh lớn đặt trên bàn :

- À, Liên mang đến cho mấy em ăn cho vui. Thảo đâu Mai ?

- Thảo nó theo má Mai đi qua nhà dì Mai có tý việc. Chi vậy Liên ?

- Liên định gọi Thảo ra chơi, lâu ngày nhớ nó.

Mai nhớ ra, hỏi bạn :

- Hai bác ở nhà vẫn mạnh Liên nhỉ ? À, mà Liên về rồi đến bao giờ Liên mới đi lại ?

- Một tháng nữa cơ, Mai.

- Thú nhỉ.

Cả hai cùng im lặng hình dung lại những lần nghỉ hai giờ sau, hai đứa lang thang đi với nhau. Với Liên, đó là một kỷ niệm đẹp của tuổi học sinh tại Việt Nam . Nó là một bức tranh mà Liên thưởng giở lại để nhớ mỗi khi nghĩ về Việt Nam . Với Mai, nó là một kỷ niệm mà Mai ít khi dám nhớ tới. Mai muốn chôn vùi tất cả vào dĩ vãng thì khơi lại những hình ảnh ấy có ích gì đâu ? Chỉ làm mình thêm mất can đảm và ý chí phấn đấu cho hiện tại. Nhưng Liên vô tình không hiểu sự sâu xa trong bạn. Cô nói :

- Liên nhớ những buổi mình lang thang. Chẳng biết đến khi nào hai đứa mới trở lại cái thời đó nữa !

Mai quay mặt đi :

- Chẳng bao giờ cả, Liên ạ.

Mai tránh không nói với Liên về những gì của dĩ vãng. Mai không muốn khơi động lại sợ mình bị chi phối. Chắc Liên cũng đã nhận thấy Mai quá thay đổi, nhưng Mai nghĩ, mình đâu cần giấu giếm bạn. Có một điều Mai ân hận, đó là đã xét đoán Liên tầm thường hơn sự thật. Mai thân Liên, nhưng nhiều lúc Mai thấy xa Liên do sự sống của gia đình Liên quá đầy đủ. Mai sợ Liên không thông cảm cho hoàn cảnh của mình. Nhưng không, bây giờ thì Mai nhận thấy dù đi xa về, Liên vẫn giữ được bản tánh hồn nhiên thân ái như trước. Mai đâm ra ân hận là đã không viết thư cho bạn dạo trước. Mai trở lại vấn đề :

- Liên à, Liên có giận Mai không ?

- Giận gì đâu Mai !

Liên nhìn sâu vào mắt bạn.

- Không, Liên không bao giờ giận Mai đâu. Có thể là Liên hiểu Mai và hy vọng là Liên đã hiểu được Mai. Tại sao Mai lại nghĩ như vậy ? Liên không giận Mai đã không viết thư cho Liên, nhưng Liên buồn là Mai nghĩ tình bạn của mình hơi hững hờ. Mai nên biết rằng dù ở bất cứ hoàn cảnh cuộc sống nào, mình vẫn là bạn thân của nhau. Dù bây giờ Mai đã ra đời, Mai phải lo cho gia đình, dù Liên vẫn còn đi học và sống bám vào gia đình, tình bạn của chúng mình vẫn thế. Chúng mình vẫn thân nhau được mà ? Trong tâm hồn Liên lúc nào cũng mang hình ảnh một cô bé tóc dài áo trắng, hiền lành nhất lớp, hình ảnh đó là Mai…

Liên chợt ngưng nói vì thấy bạn mình nhìn mình với đôi mắt kỳ lạ. Đôi mắt như ẩn chứa một u uất nào mà Liên không phân tích được. Liên nắm tay bạn lắc mạnh :

- Mai, Mai làm sao thế ?

Mai chớp mắt, trấn tĩnh :

- Có làm sao đâu.

- Mai nhìn Liên kỳ quá, làm cho Liên cảm thấy như Mai vừa trải qua một sự xúc động mãnh liệt nào đó.

Mai gật đầu :

- Có lẽ…

- Hình như Liên có nói điều gì chạm đến Mai.

Mai không nói – nhưng cô nghe một nỗi tiếc nuối dâng lên trong lòng. Phải rồi – Liên ơi ! Liên vừa nhắc đến mái tóc. Liên nhắc đến mái tóc làm Mai nhớ là cái hình ảnh cô Mai áo trắng tóc dài trong Liên đã không còn là cô Mai tóc dài nữa. Hình ảnh Liên nghĩ về Mai đã có một sự thay đổi rồi. Mai hiểu Liên vẫn chưa biết mình đã cắt tóc, vì Mai thường ngày vẫn quấn tóc lên sau gáy nên hôm nay Liên không để ý. Mai không hiểu mình có nên nói cho bạn biết không, nhưng trước hay sau gì rồi lại chả nói.

Trong khi đó, Liên ngồi nhìn bạn không chớp. Liên không ngờ rằng ngày mình trở về là ngày để chứng kiến những thay đổi quá lớn lao và khắt khe đối với người bạn thân nhất đời của mình. Liên những tưởng mình trở về sẽ gặp Mai hồn nhiên vui thích như ngày cũ. Sự thay đổi đó làm cho Liên cảm thấy mất mát một cái gì, nhưng đồng thời cũng làm nổi lên trong Liên một sự cảm phục vô biên lòng hy sinh của bạn.

Là đôi bạn thân, Liên hiểu Mai ham học đến đâu. Sách vở hầu như là lẽ sống thứ hai của Mai. Ngoài việc học, Mai không còn biết đến gì nữa. Bởi vậy, khi Mai quyết định thôi học là Mai phải chịu đựng một sự đau đớn ray rứt ghê gớm. Nhưng Mai đã có đủ can đảm làm. Mai đã hy sinh tất cả những gì thuộc cá nhân mình để lo cho gia đình. Đứng trước một tâm hồn đẹp, Liên thấy mình kém thua bạn xa. Từ lúc Liên còn vui đùa thì Mai đã biết suy nghĩ chín chắn. Sinh kế gia đình không cho phép Mai hồn nhiên như Liên được. Liên thấy mình quá đầy đủ, từ nhỏ chưa bao giờ biết lo lắng về tiền bạc trong gia đình. Vì có ai để cho Liên lo lắng đâu. Ba me, các anh còn đó – Vả lại, gia đình Liên thì cần gì lo lắng đến tiền bạc. Bạn Liên bây giờ đảm nhận một bổn phận người lớn.

Phần Mai, cô không nghĩ gì đến dĩ vãng nữa. Cô luôn luôn dùng ý chí và nghị lực để buộc mình quay mặt về tương lai. Dĩ vãng đã qua rồi, không có gì phải hối tiếc về nó cả. Nhớ mong về nó để mà tiếc cái thời đó chỉ tổ làm cho mình cảm thấy hiện tại thêm xót xa. Mai sống trong một hoàn cảnh bắt buộc phải can đảm, dần dần cô tập được thói quen. Can đảm đối với Mai bây giờ hầu như đã thành một thói quen không xóa bỏ. Cô phấn đấu, đôi lúc, với ý chí của một người đàn ông, như ba cô vậy.

Thình lình Mai nắm chặt tay Liên và bằng một giọng cứng rắn, cô kể cho bạn nghe nguyên nhân và diễn tiến cái buổi mà cô thất thểu đến viện uốn tóc Đài Trang.

Liên mở to hai mắt khi Mai quay người lại : Mái tóc đã ngắn trên vai ! Liên nhìn mái tóc cắt ngắn của bạn, tự nhiên bên tai Liên như văng vẳng câu nói ngày nào của Mai :

“Chỉ trừ khi Mai chết, ai muốn làm gì thì làm, chớ Mai còn sống thì không bao giờ Mai cắt tóc đi cả”.

Tự nhiên hai dòng lệ nóng ứa ra, lăn dài trên gò má mịn hồng của Liên…

THỤY-Ý

------------------------------------------------------------------------------------------
Chân thành cám ơn ĐÈN BIỂN đã sưu tầm và đánh máy truyện gửi cho Tủ sách Tuổi Hoa (http://tuoihoa.hatnang.com)

Mái Tóc (Chương 6) - THỤY Ý

Chương 06

Thế là Liên đi đã được một tuần. Mai buồn thấy rõ. Hôm nào vào lớp, cô cũng thấy trống vắng làm sao. Một cô học sinh khác ngồi cạnh Mai, nhưng Mai không muốn bắt chuyện. Mai nhớ Liên ghê !

Chiều nay đi học về, Mai bước nhẹ trên đường. Hôm nay phải học thêm buổi chiều, vì buổi sáng hôm qua có nghỉ hai giờ sau. Về đến nhà Mai thấy thằng Bình đứng tuốt đầu hẻm. Nó nhìn Mai ra vẻ bí mật. Mai định hỏi em, nhưng rồi thôi. Cô vào nhà. Thằng Bình lẽo đẽo theo sau, ánh mắt tinh quái và nghịch ngợm. Mai tức mình quay qua hỏi :

- Sao Bình cứ theo chị hoài vậy ?

- Tại em có cái này hay lắm.

Mai ngạc nhiên :

- Gì vậy ?

- Chị la em, em đâu có nói – Mà chuyện của chị cơ.

Mai ngạc nhiên thật sự :

- Của chị ?

- Dạ. Chị có thư.

Mai nhìn em xem nó nói thật hay chơi. Từ trước có bao giờ Mai nhận được thư ai đâu. Thằng Bình chạy vào, một lát nó cầm lá thư ra.

- Đây nè chị Mai.

Mai hấp tấp đón lấy lá thư trên tay em. Dòng chữ Liên hiện ra. Mai mừng tưởng muốn hét lên thành tiếng. Cô mở thư.

Paris ngày…

Mai thương,

Liên qua đến đây lúc mười giờ sáng hôm nay. Anh Tấn ra đón Liên ở phi trường và hai anh em về thẳng nhà. Trời lạnh ghê ! Và Liên thấy tuyết Mai ạ. Tuyết không rơi nhiều nhưng bay nhè nhẹ như những mảnh bông gòn nhỏ phất phơ trong gió. Liên lại tả cảnh rồi hả Mai ?

Mai ơi, Liên qua đến 10 giờ thì tối nay Liên viết thư cho Mai liền đây. Không biết giờ này Mai của Liên đang làm gì ? Trường mình vẫn đẹp chứ hả Mai ? Liên lẩm cẩm ghê đi Mai nhỉ, vì trường mình thì bao giờ chả đẹp. Vả lại, Liên mới đi chỉ hai ngày thôi mà. Hôm kia chính Liên còn đến trường đón Mai để cùng ra phi cảng mà. Ừ Mai này, Liên vừa xa Việt Nam mà sao Liên cảm thấy như mình xa quê hương từ bao giờ vậy. Ở đây cái gì cũng lạ lùng với Liên, lạnh nhạt với Liên. Liên nhớ nhà quá Mai ơi, nhất là Liên nhớ Mai. Mai có đánh bím tóc để thả xuống vai không ? Liên sẽ để tóc dài luôn Mai ạ, cho mái tóc hai đứa mình giống nhau. Liên còn nhớ Mai đã nói là chỉ trừ khi nào Mai chết đi, ai muốn làm gì tóc Mai thì làm chớ bây giờ, Mai còn sống thì nhất định không bao giờ Mai cắt tóc đi. Phải thế không Mai ? Mai thấy Liên tài ghê chưa, Liên nhớ cả những ý nghĩ của Mai nữa, những câu nói nho nhỏ của Mai.

Có bao giờ Liên quên Mai được đâu. À để ít hôm Liên quen phố xá rồi, Liên sẽ đi phố mua quà gởi về cho Mai nhe. Bên này thì có nhiều cái đẹp là cái chắc rồi há Mai há. Anh Tấn nói với Liên là ngày mai anh ấy sẽ dẫn Liên đi phố, mua hàng vải cho Liên may đồ. Anh Tấn nói bên này hàng vải nhiều thứ đẹp lắm. Để Liên cũng sẽ gởi về cho Mai nữa.

Lạnh ghê Mai ơi ! Liên mặc ba áo mà còn run cầm cập đó. Mai thấy chữ của Liên khó đọc đó là tại tay Liên run nhiều. Anh Tấn thì vẫn thản nhiên, vì anh đã chịu quen rồi. Chỉ tội cho Liên thôi. Mai có thấy thương Liên không hở Mai ?

Mai nhớ cho Liên kính lời thăm ba má Mai và trìu mến thăm các em. À, đừng quên gốc cây phượng của tụi mình nhé Mai. Hãy đến ngồi đó để nhớ nhau.

Thôi thư khá dài, Liên dừng bút đây. Rất mong thư Mai và xin Chúa che chở Mai của Liên luôn luôn.

Thân, thương Mai nhiều.

Bạn Mai

ĐỖ THỊ ĐĂNG LIÊN

Mai gấp lá thư của bạn, cho vào cặp rồi đi thay áo, vì từ lúc đi học về, thằng Bình đưa lá thư là Mai để nguyên quần áo dài đang mặc, bóc vội thư bạn ra coi. Mẹ Mai thấy con về, vẻ mặt lại vui. Vì lúc nãy đến giờ bà ở sau bếp nên không để ý đến việc Mai nhận được thư Liên. Mai khoe :

- Mà nè, con nhận được thư Liên.

Bà Tình hỏi :

- Thế à ? Nhận bao giờ, sao má không hay ?

Thằng Bình lúc đó đứng gần, chen vào :

- Dạ, tại buổi sáng ông đưa thư đến thì má đi chợ rồi.

Bà Tình “à” một tiếng. Mai tiếp :

- Nó kính lời thăm má – Liên nói nhớ Việt Nam lắm má ơi !

Bà Tình cười :

- Thì bắt buộc phải nhớ chớ sao không, con ? Má mà cho đi má cũng không đi đâu.

- Sao vậy má ?

- Qua bển không phải dân tình mình, sống sao nổi con.

Mai chắc lưỡi :

- Con thì cho con là con đi.

Bà Tình nói :

- Con khác. Tuổi trẻ mới cần đi đây đi đó. Má già rồi.

Mai nghe thương má quá – Má mai thì lúc nào cũng thương và chìu theo ý các con. Mai tự hiểu rằng mình không thể sống thiếu mẹ được. Cơm chiều xong, Mai dọn dẹp đọc kinh sớm. Ba Mai đi trực ở sở buổi tối không về. Mai lấy giấy bút ra viết thư trả lời cho Liên.

Saigon ngày…

Liên thương,

Chiều nay cô Tâm dạy thêm hai giờ Pháp văn Liên ạ. Mai đi học một mình buồn quá Liên ơi ! Thấm thoát mà Liên và Mai đã xa nhau tuần lễ. Mai vừa về đến nhà thì em Mai nó đưa lá thư Liên gởi cho Mai. Mai mừng quá, chả kịp thay quần áo gì, Mai bóc thư Liên ra đọc ngay. Vừa đọc, Mai vừa tưởng tượng Liên đang run cầm cập bên lò sưởi mà viết thư cho Mai. Có đúng như vậy không hở Liên ?

Liên ơi ! Liên nhớ Mai chớ bộ Mai không nhớ Liên sao ? Mai thấy là mai nhớ Liên nhiều nhiều hơn là Liên nhớ Mai nữa kìa. Bởi vì sao Liên biết không ? Vì Liên qua bên đó có những cái lạ lùng mới mẻ quyến rũ Liên, Liên nhớ thì cũng sơ sơ. Còn Mai, Mai phải hàng ngày ngồi vào chỗ cũ, mà không có Liên bên cạnh. Tiếng chuông reo tan trường mà thu xếp sách vở một mình. Mai buồn quá, có hôm Mai ứa nước mắt, mấy chị bạn ái ngại nhìn Mai mà Mai cũng chả thèm lau nữa, kệ họ nhìn.

Liên à,

Mai vẫn thường ra gốc cây để ngồi trong giờ chơi đó Liên. Nhưng Mai ngồi có một mình thôi. Liên đi rồi, Mai không chơi với ai hết. Tại vì lúc đi, Liên nhớ không, hai đứa mình đã giao kết rồi mà. Không được thương người bạn nào nữa hết mà, Liên nhớ không.

Mấy hôm nay Saigon mưa rồi Liên, tuy chỉ mới bắt đầu thôi. Trời âm u và buồn. Liên đi thì trời còn nắng. Chắc tại trời khóc thương hai đứa mình xa nhau đó Liên nhỉ ?

Mai lẩm cẩm ghê, nhớ Liên mà chả chịu lấy hình Liên xem. Tại sợ càng xem thì càng nhớ Liên ạ. Má Mai nói Liên dễ thương, má Mai cũng thăm Liên sức khỏe đó. Hồi chiều lấy thư, Mai đọc xong, khoe với má Mai. Má Mai cũng mừng là Liên cũng được bình yên.

Liên nhớ cầu nguyện nhiều nghe Liên. Đứng quên buổi chiều cuối cùng hai đứa mình ngồi bên nhau trong nhà nguyện. Liên đã cầu nguyện những gì ? Chắc thế nào Chúa cũng chấp nhận lời cầu xin của chúng mình.

Thương chúc Liên của Mai vui khỏe và học hành có kết quả. Nhớ thư đều về cho Mai nghe.

Thương Liên nhất,

Bạn Liên

NGUYỄN THỊ TỪ MAI

Mai bỏ thư vào bì. Cô bước ra sân. Bà Tình đang ngồi trước nhà. Mai nhắc cái ghế đẩu bên cạnh mẹ, ngồi xuống. Gió mát thổi mấy sợi tóc Mai bay tung. Ở nhà Mai búi tóc lên. Tóc Mai dài và nhiều nên búi lên trông rất đẹp. Bà Tình nhìn con thương mến. Mai gợi chuyện :

- Má à, sao má không đi bác sĩ, dạo này con thấy má yếu ghê.

Mà quả thật vậy, dạo sau này bà Tình yếu đi thấy rõ. Tại vì phải gánh vác một gia đình, lo lắng nhiều việc mà bà vốn đã có bịnh tim sẵn, bà yếu ớt hẳn đi. Cơn mệt tim đã nhiều lần làm khổ bà… Mai còn nhớ rõ, một hôm má Mai đang cho heo ăn sau nhà, bỗng nhiên từ từ quỵ xuống. Cơn mệt bất thình lình kéo tới. Có mấy chị em ở nhà, Mai không biết làm sao hơn là khiêng mẹ vào trong nhà rồi đánh dầu. Bà Tình tỉnh dậy liền sau đó, nhưng cũng từ đó, bà đâm ra yếu hẳn đi. Đã nhiều lần ông Tình khuyên bà nên đi bác sĩ, nhưng bà không chịu, cứ lần lựa mãi sợ tốn tiền. Một hôm ông nói quá bà mới chịu đi nhà thương bình dân. Ở đó người ta cho biết là bà Tình bị sưng cuống tim phải chạy chữa gấp.

Mai thấy má mình gầy và xanh, Mai không để cho mẹ làm gì. Cô đi học về là giặt giũ, nấu ăn. Nhưng bà Tình không muốn con khổ sở, nên bà thường tự tay làm lấy những lúc Mai đi học vắng.

Gió mát thổi lồng lộng. Hai mẹ con ngồi bên nhau. Mấy đứa nhỏ đang học bài trong nhà. Bà Tình lên tiếng :

- Thật má không biết nói sao – Vật giá lúc này cao quá.

Mai im lặng. Bà Tình nói tiếp :

- Con nhớ không, hồi đó má đi chợ một ngày năm ba chục, mà bây giờ ba trăm vẫn chưa đủ.

Câu nói của bà Tình gợi cho Mai nhớ những ngày tháng gia đình Mai còn ở Kiến Phong, quận Cao Lãnh. Hồi đó ông Tình được cấp cho một căn nhà của Chánh phủ. Căn nhà, Mai nhớ rất rõ, nằm ngay mặt đường. Hồi đó, Mai học lớp nhì, nhưng rất thích trồng cây hơn là học bài. Mỗi ngày đi học, giữa đường thấy có cây nào đẹp là Mai lén bứng về trồng trước nhà mình. Mai trồng nhiều nhất là bông cúc dao. Bông mầu tím, nhỏ bằng đầu ngón tay cái, có từng múi nho nhỏ kết lại với nhau. Trong những múi đó là mầm sống của hoa. Những hạt mầm đen đen đó, khi hoa tàn rụng xuống sẽ nẩy mầm thành những cây mới. Hoa không có mùi hương gì, nhưng Mai thích là vì nhìn thấy nó đẹp mắt, với lại nó có một vẻ nho nhỏ dễ thương. Mai cũng thích trồng hoa mười giờ, loại hoa dễ trồng nhất. Trước sân nhà Mai buổi sáng trông đỏ hồng mặt đất vì hoa mười giờ nở.

Nhà Mai ở, con đường cái thẳng băng luôn luôn ồn ào vì tiếng xe lôi. Xe lôi là một loại xe chỉ được sử dụng ở một số tỉnh miền Tây mà điển hình là tỉnh Kiến Phong. Xe gồm một cái thùng đóng bằng thiếc đủ cho hai người ngồi, dưới có hai bánh xe. Trước thùng, người ta móc vào với một chiếc mô bi lét. Và xe chạy dễ dàng. Bên kia đường cái là sân vận động. Sân vận động có một khán đài bằng gỗ rất đẹp. Tụi Mai thường chui vào sân vận động để lên nhà đó chơi năm mười. Sân vận động trồng cỏ nhung trông rất mượt, có chỗ chơi tê-nít, có chỗ chơi bóng rổ, chơi banh. Đi khỏi sân vận động là một thửa rừng rậm rạp. Bọn Mai thường vào đó hái trái cây dại hay bắt dế, cào cào. Đi lên một khoảng nữa là nhà thờ mới. Sở dĩ gọi là nhà thờ mới là vì quận đã có một ngôi nhà thờ rồi. Ngôi nhà thờ đã cũ, xây từ thời Pháp nên tường ngói loang lổ, đổ nát nhiều nơi. Cha Sở mới quyên tiền bổn đạo mà xây một ngôi nhà khác, dân chúng quen miệng gọi là nhà thờ mới. Nhà thờ xây mất một tháng, kiến trúc đơn sơ mà thanh nhã. Chung quanh nhà thờ mới, cha Sở cho trồng những loại hoa đẹp. Mấy đứa con nít bằng tuổi Mai, đi nhà thờ cứ lén bứt bông bị ông từ rượt chạy có cờ. Phía sau nhà Mai một khoảng là bờ sông. Con sông không rộng nhưng sâu, trên bờ sông người ta làm những miếng gỗ nhô ra để giặt giũ, tắm rửa. Bọn Mai thường ra đó tắm. Thường thường mùa mía, ghe mía người ta ra chợ, thế nào cũng ngang đó ghé bán. Lúc đó mía rất rẻ, một bó mười hai cây to chỉ mất có sáu đồng. Mai thường cùng chúng bạn mua mía, rồi vừa tắm vừa ăn. Ở gần bờ sông có nhà bà Tám. Bà Tám bán hàng quán trẻ con. Trước nhà bà có cây trứng cá rất to, nhiều trái. Những trái trứng cá đó, mọng nước, ăn vào ngọt ngon vô cùng. Bọn Mai thường đến nhà bà ngồi nghe bà kể chuyện. Bà Tám không có con cái, sống một thân một mình trong căn nhà nhỏ, bán kẹo bánh cho con nít. Bà rất thương Mai, có lẽ tại Mai là đứa nhỏ lễ phép nhất trong bọn hay mò đến nhà bà. Bà Tám thường cho Mai mượn lồng để hái trứng cá ăn, không phải leo lên như mấy đứa khác. Bà nói leo lên như thế, vừa hái được ít, vừa nhỡ ra mà sẩy tay té xuống thì nguy. Hơn nữa, con gái không nên leo trèo. Có những buổi tối, học bài xong đã tám, chín giờ, Mai lần mò ra nhà bà Tám. Đêm yên tĩnh, bà Tám ngồi trên chiếc chõng tre kê trước nhà. Thấy Mai qua thế nào bà cũng lấy kẹo bánh cho ăn và kể chuyện đời xưa. Răng bà đã rụng nhiều nên cách phát âm của bà không được đúng lắm, hơi khó nghe là khác. Thế mà Mai vẫn nghe và hiểu. Do đó bà Tám chịu kể chuyện cho Mai nghe nhất. Có những hôm bà ngồi nói chuyện Mai nghe đến khuya rồi mới dẫn Mai về nhà, xong bà mới về ngủ. Những kỷ niệm thời thơ ấu đó, Mai chẳng bao giờ quên được dù đã sáu, bảy năm trôi qua rồi. Mai làm sao quên được những lần bà ngoại Mai từ Huế vào tận cao Lãnh thăm con gái và các cháu. Những tháng ngày đó thật là thần tiên. Bà ngoại dắt Mai đi chợ, mua đồ nấu ăn, nhất là những ngày đó lại là ngày hè của Mai.

Mai còn nhớ có một hôm, bà ngoại thấy dưa hấu ngon nên mua về một trái thật to. Hôm đó cả nhà lại đi vắng, chỉ có Mai và ngoại ở nhà. Mai một mình ăn gần hết nửa trái. Tối đau bụng khóc, mẹ Mai ngạc nhiên hỏi tại sao. Mai giấu, bảo là không hiểu tại sao đau. Đến lúc bà ngoại xuống tìm nửa trái dưa mang lên cho cả nhà ăn thì mới hay là nó đã không cánh mà bay mất rồi. Hôm đó Mai bị cả nhà cười cho một trận nên thân. Từ đó, Mai bỏ luôn tật ăn tham.

Thấy con ngồi ngẩn ngơ, bà Tình hỏi :

- Kìa Mai, nghĩ gì mà ngẩn ngơ vậy ?

Mai giật mình đáp lời mẹ :

- Thưa má, con nhớ Cao Lãnh.

- Ừ, Cao Lãnh…

Bà Tình như chợt nhớ ra :

- À, con nhớ bà thú y không ?

Mai đáp :

- Dạ nhớ.

Bà “thú y” là bà Trưởng Ty Thú Y, hồi đó ở trước mặt nhà Mai. Bà rất hiền, có bốn người con trai chớ không có con gái. Mai nhớ trong bốn người con của bà thì hết hai anh vào chủng viện. Đó là hai anh lớn. Còn anh Ngữ và anh Dụng hồi đó hơn Mai bốn, năm tuổi thì vẫn còn ở nhà đi học. Mấy anh đó thương Mai lắm, vì Mai không có anh. Hôm nào mấy anh ấy đi đá banh lãnh thưởng về là thế nào cũng mang ra cho Mai. Nghe mẹ nhắc đến, Mai chợt nghe nhớ mấy người hàng xóm ở Cao Lãnh. Mai hỏi mẹ :

- Thưa má, con nhớ, mà chi vậy má ?

- Cách đây mấy hôm má có gặp bà thú y.

Mai nhổm người lên :

- Thiệt hả má ?

- Chẳng lẽ má nói chơi.

Mai mừng rỡ :

- Bả còn nhớ mình không má ?

- Nhớ chớ.

- Còn…

Mai ngập ngừng, cô muốn hỏi về Ngữ và Dụng. Mẹ Mai như hiểu ý con :

- Má gặp bà ấy, bà hỏi thăm mấy đứa bây lớn không. Bả nói con chắc dạo này lớn đại rồi.

Rồi bà Tình thở dài :

- Bà ấy thế mà buồn.

- Dạ sao vậy má ?

- Thì thằng Ngữ đó, nó chết rồi.

Mai thảng thốt :

- Chết ?

Cô nghe rùng mình. Anh Ngữ chết rồi ! Bà Tình tiếp :

- Nó thi đậu phần II xong đi lính, ra trường có bốn tháng đã chết. Bà ấy buồn lắm.

Mai im lặng. Hai mẹ con đứng lên đi vào nhà. Mai đến bàn học, giở tập học bài trong khi mẹ Mai đi mắc mùng cho mấy đứa nhỏ. Mẹ mai không cho Mai làm mấy việc lặt vặt như vậy. Mẹ Mai cho là Mai đã làm nhiều rồi. Hình ảnh anh Ngữ và những lời nói của mẹ như văng vẳng bên tai Mai. Cô thấy bài vở hơi nhảy múa. Tự nhiên Mai liên tưởng đến cái chết của một người thân nào đó trong gia đình mình. Và nếu… nếu mà… Mai không dám nghĩ tiếp là nếu mà ba, má hay một đứa em nào của Mai chết, không biết Mai sẽ đau khổ tới đâu…


***

Cả lớp đang học thì bỗng có cô Tổng Giám Thị tới. Cô mang tin buồn : Cô Mỹ, nữ giáo sư Pháp văn của lớp Mai vừa từ trần tại bịnh viện Grall. Cô Mỹ ốm đã mấy tuần nay, cô Phương phải dạy thế. Cả lớp ai cũng mến cô Mỹ, vì cô rất dịu dàng và thương học sinh. Đứa nào cũng ứa nước mắt. Không khí trong lớp im lặng đến nỗi một con ruồi bay qua cũng nghe thấy tiếng kêu nữa. Cô Tổng Giám Thị đã ra khỏi lớp mà không khí bàng hoàng như còn nặng nề khắp phòng học. Cả lớp đứng im cho đến lúc cô lý hóa bảo ngồi xuống mới thẫn thờ buông mình trên ghế. Cô Mỹ chết rồi ! Bốn tiếng đó như vang vang trong đầu óc Mai. Cô Mỹ ! Mai làm sao quên cô được. Cô thương Mai nhất lớp. Bài nào của Mai cô cũng khen. Và cô tỏ ra quý Mai đặc biệt. Bây giờ cô mất rồi. Mới cách đây ba tuần, cô phát bài Pháp văn còn khen Mai làm Analyse logique khá nhất lớp. Mai nhớ đến khuôn mặt trắng xanh của cô. Đôi mắt to, buồn buồn. Cô đã lớn tuổi mà chưa lập gia đình, sống với cha mẹ và người em trai.

Cả lớp lo chuyện góp tiền mua tràng hoa phúng điếu. Buổi học hôm đó buồn da diết. Mai về xin mẹ tiền. Bà Tình cho con một trăm. Một trăm bạc đối với gia đình Mai là quý lắm. Đào đâu cho ra tiền. Mai cầm trăm bạc, nhìn các bạn góp năm ba trăm mà ứa nước mắt. Nhưng Mai tự an ủi, ăn thua là ở tấm lòng mình chớ đâu phải mấy trăm bạc là quý. Mai thương cô, Mai nhớ cô và đêm nào Mai cũng sẽ cầu nguyện cho cô, thế là đủ rồi.

Đám tang cô Mỹ thật đông đủ. Học sinh đi đưa không thiếu một lớp nào. Vòng hoa cườm chở hai mươi xe xích lô, học sinh đi bộ, quan tài cô chở bằng xe tứ mã. Đám tang cô lớn quá. Từ hai hôm trước Mai đã sửa soạn hàng giờ cho ngày hôm nay, vì ngày hôm nay Mai phải làm một việc trọng đại, đại diện lớp mình lên đọc lời cuối cùng trước quan tài cô, trước khi hạ huyệt. Mọi nghi thức tôn giáo đã xong, Mai run run bước ra, tay cầm tờ điếu văn đã được viết sẵn. Mỗi lớp đều cử đại diện lên để tỏ lòng thương tiếc người quá cố. Nước mắt rưng rưng, Mai nói như trong mơ. Mai đọc một cách cảm động trước một số quá đông thính giả lớn tuổi. Bài điếu văn của lớp Mai coi như thành công nhất vì điệu bộ và giọng Mai diễn tả. Mọi người cúi đầu trước tiếng nói chân thành của một đứa học trò nhỏ thiết tha nhắn gởi với người cô thân yêu trước khi vĩnh viễn nằm sâu dưới ba thước đất. Mọi người cúi đầu cảm động trước những lời hứa của một lớp học đã được cô chăm nom săn sóc. Sở dĩ lớp Mai được lên đọc trước tiên là vì cô Mỹ là giáo sư hướng dẫn lớp Mai. Cô là người mẹ thứ hai cho cả lớp. Mai đọc xong òa khóc nức nở và chạy về chỗ đứng. Không khí chợt bừng lên những tiếng khóc than ai oán của gia đình cô Mỹ. Nhìn cảnh bà mẹ già tóc bạc lụm khụm chống gậy đi đưa đám con, ai mà không mủi lòng ? Đã mấy lần bà ngất đi tưởng không còn dậy nổi. Hai cô Phương và Lan dìu bà đi. Mấy bà chị của cô Mỹ, mỗi người dắt một đàn con thút thít đứng bên quan tài em. Từ hồi nhỏ, Mai chưa bao giờ được đi coi đám tang ai. Bây giờ, nhất nhất những cảnh ấy đều ăn sâu vào trí não non nớt của cô. Mai tưởng chừng như mình không thể nào quên được bất cứ một hình ảnh nào trong đám tang cả.

Buổi tối trở về, lòng Mai như mang một nỗi buồn mới lạ, một nỗi buồn mà Mai không biết nên gọi bằng gì. Mai cảm nghe tâm hồn mình dậy lên một niềm nôn nao kỳ lạ rồi bùng lên, rồi lại dịu xuống. Mai kết luận vội vàng rằng đó là vì lòng thương cô mà ra. Mai đâu thể hiểu được, mỗi người đều có một linh tính. Và chính cái mầm rung động nôn nao sâu xa kỳ lạ trong tâm hồn Mai hôm đó chính là tiếng nói của linh tính.

Tối hôm đó, Mai lấy giấy bút viết thư cho Liên. Mai kể cho bạn nghe về cái chết của cô, về những nỗi xúc động hầu như kỳ lạ của mình.

Hai tuần sau, Mai nhận được thư Liên. Liên đau đớn vì không đưa được người cô thân yêu đến phần mộ lần cuối. Liên kể chuyện Paris và sau cùng kết luận như Mai, rằng cái cảm giác Mai bắt gặp, theo Liên, chính là một sự đau đớn tột cùng trong sự mất mát.

Hôm nay là ngày giỗ ông ngoại Mai. Mỗi năm đến ngày ông ngoại mất, ba má Mai xin lễ và má Mai đi chợ làm những món ăn ông thích. Xong, cả nhà quây quần chung quanh chiếc chiếu trải giữa đất và nghe ba Mai nói chuyện về ông. Giỗ ông ngoại, đứa nào cũng thích vì lúc sinh thời, ông ưa ăn ếch, nên ngày giỗ ông má Mai mua ếch. Ếch xào, ếch um, ếch nấu canh. Ngày giỗ của ông lại vào tháng mà ếch béo ngậy. Buổi sáng Mai thúc các em dậy đi xem lễ cho ông. Mấy chị em lục đục rửa mặt rửa mũi. Mai thay quần áo cho mấy đứa nhỏ rồi cả nhà đi lễ. Trời còn sớm, gió khuya lạnh thật lạnh còn thổi phần phật qua những dãy phố lầu nằm san sát nhau. Mai cuộn hai tay vào hai vạt áo dài. Làm như thế rất đỡ lạnh. Thằng em nhỏ của Mai đi sau lưng Mai, thấy chị làm vậy cu cậu cũng bắt chước. Nhưng nó làm gì có áo dài mà làm theo cho nên cu cậu lót tót chạy theo sau lưng chị, níu vạt áo dài sau của Mai và cho hai tay vào. Cứ như thế hai chị em làm thành một cái “người có đuôi” đi trong phố đêm. Nhà thờ đã đông người, đèn sáng choang. Bước vào nhà thờ nghe một cảm giác ấm cúng rõ rệt chạy khắp thân thể. Bọn Mai chọn một dãy ghế ngồi chung với nhau. Lễ xong thì trời đã khá sáng. Mai giục các em đi mau để về còn sửa soạn đi học nữa.

Trưa hôm đó, buổi cơm cũng như mọi ngày giỗ, ồn ào, bởi vì mấy đứa em Mai đang thì thầm về những thành tích của ông ngoại mà ba sắp kể.

Ông ngoại Mai là một người rất can đảm. Từ nhỏ, ông vốn đã không sợ ma. Lớn lên, chuyện đó đối với ông lại càng vô lý và huyền hoặc dù rằng đã nhiều lần chính tụi ma đã hiện ra để trêu ông. Ông ngoại của Mai ưa đi câu. Ông giăng mồi để bắt ếch và săn những con thú ăn đêm.

Giọng ba đều đều duyệt qua các thành tích sáng chói trong cuộc sống của ông ngoại. Đối với tụi em trai nho nhỏ của Mai, ông ngoại là một hình ảnh thần tượng, điển hình cho sự gì oai dũng nhất. Ba đã kể xong tiểu sử của ngoại, cả nhà bắt đầu dùng cơm. Mai thích nhất món ếch chiên, nên cô cứ muốn gắp, nhưng lại ngại vì má Mai làm không nhiều mà các em thì thích. Do đó Mai cứ bỏ đũa của mình sang những phần ăn khác. Má Mai để ý thấy con gái như vậy nên gắp con ếch chiên vàng ngậy bỏ vào chén mai. Ba Mai vừa ăn vừa khề khà bên ly rượu đế.

Hồi trước, khi gia đình còn khá giả, ba Mai thường uống rượu. Nhưng từ khi sa sút, chỉ những dịp nào quan trọng thì ba Mai mới dùng một tý rượu mà thôi. Ba Mai cũng không uống nhiều. Bữa cơm trôi qua vui vẻ. Má Mai luôn nhắc rằng ba Mai là ông rể được ông ngoại bà ngoại Mai quý trọng nhất nhà. Ba Mai nghe thế lại cười và kể thêm vài thành tích của ngoại.

Dọn dẹp xong, Mai định đi gội đầu thì bỗng nghe có tiếng mẹ gọi. Cô chạy lên nhà, một cảnh tượng diễn ra trước mắt làm Mai hốt hoảng : Ba Mai đang nằm trên đi-văng, vẻ mặt mất thần, còn mẹ Mai thì đang cuống quít chạy qua chạy lại. Mai hoảng hốt chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra, cô vội chạy đến bên ba. Ông Tình đang còn tỉnh, thấy con, ông ra dấu cho Mai lại gần hơn. Ông thì thào :

- Ba nhức đầu quá, con biểu đứa nào kêu cho ba cái xe taxi.

Mai giật nẩy cả mình. Kêu xe ! Hẳn là ba Mai phải cảm thấy trong người khó chịu lắm nên mới bảo kêu xe, vì từ trước, ba Mai chưa bao giờ bảo kêu xe để đi nhà thương cả. Mai nghe hai hàm răng của mình đánh nhau kêu cồm cộp. Một cảm giác lạnh giá truyền khắp thân thể Mai. Cô lắp bắp không muốn ra tiếng :

- Sơn… Sơn đâu… đi kêu taxi mau !

Má Mai chạy đến quỳ bên đi văng.

- Ông… Ông thấy trong người bây giờ ra sao hả ông ?

Ba Mai đáp :

- Không sao đâu bà, tôi chỉ nhức đầu thường thôi.

Nhưng Mai hiểu ba Mai đáp như vậy chỉ là để trấn an má Mai thôi. Thật ra, tia nhìn của ba Mai bắt đầu rối loạn và ánh mắt hơi lạc thần. Mai thu hết bình tĩnh nắm chặt lấy bàn tay ba, bàn tay nóng hầm hầm. Ba Mai chỉ kêu lên những tiếng nho nhỏ nhức đầu quá. Ngoài ra ông không nói gì thêm. Cũng dễ hiểu là bởi vì mẹ mai đau tim, ba Mai không muốn làm kinh động mẹ Mai, nên dù đau đớn ông cũng cố giấu không nói ra cho vợ con hay. Má Mai ngồi như pho tượng trên cái ghế gỗ. Hai mắt bà nhìn trừng trừng ông Tình đang lăn trở kêu đau đầu. Cơn mệt đâu chợt kéo về nhưng bà gượng lại được. Khuôn mặt ông Tình mỗi lúc một đỏ thêm lên.

Chiếc xe taxi đã đến đầu hẻm. Vì hẻm nhỏ nên xe không vào được. Mai ôm tay ba nói :

- Ba ơi, xe tới rồi ba.

Ông Tình thì thào :

- Hả… Đâu xe đâu ?

Tuy miệng ông nói mà đôi mắt ông vẫn nhắm nghiền. Mai nói :

- Dạ xe ở ngoài hẻm đó ba.

- Con… con nói xe vô đây.

- Dạ hẻm mình xe vô đâu được ba.

Ông Tình lại lăn trở kêu đau. Mai rối rít chạy ra kêu thằng Sơn – Hai chị em đến bên ba Mai – Mẹ Mai cũng đến, nhưng thoáng nghe tiếng bà Tình, ông Tình đã mở bừng mắt. Ông nói :

- Bà đi nghỉ đi. Tôi không sao hết. Để con nó đưa tôi đi bác sĩ, nhà thương. Mình đi nghỉ đi.

Bà Tình đã mệt trong người lắm rồi. Nhưng thấy chồng như vậy bà rối trí quá nên không biết phải làm gì. Mai hỏi ba :

- Thưa ba, ra xe nha ba ?

Ông Tình yếu ớt :

- Ba… con và Sơn dìu hai bên tay ba. Ba đi không được đâu.

Hai chị em chạy đến hai bên ông Tình. Vịn mỗi tay vào mỗi đứa con, ông Tình từ từ đứng dậy. Hai chị em dìu ông ra xe taxi. Buổi trưa lối xóm ngủ hết nên không có ai phụ lực. Cửa xe taxi vừa mở là ông Tình đã buông người vào. Ông gục lả mình trên nệm xe. Mai chui vào ngồi bên cạnh ba. Chiếc taxi đóng sầm cửa lại. Tài xế hỏi :

- Đi đâu đây ?

Mai nghe ba nói gì nho nhỏ trong miệng. Cô cúi sát xuống.

- Cho ba vô nhà thương Chợ Rẫy đi.

Mai lập lại câu nói, bác tài bẻ tay lái cho xe qua đại lộ Trần quốc Toản. Buổi trưa im vắng xe cộ, chiếc xe lao đi trên con đường im vắng. Ngồi cạnh ba trên xe, đầu óc Mai quay cuồng trăm ngàn ý nghĩ. Tất cả những tư tưởng của Mai như xoắn lại với nhau, siết lấy nhau rồi lại chợt bung ra. Cứ như thế, Mai không phân tích được mình đang nghĩ gì, cần gì. Tất cả xảy ra chớp nhoáng quá làm Mai không kịp nhận xét. Chợt ông Tình nghiêng người qua một bên, nôn thốc tháo. Mai một tay đỡ đầu ba, một tay vịn thành ghế cho khỏi ngã. Ông tài xế hỏi :

- Sao vậy, ổng nôn hả ?

- Dạ, ba cháu chắc bị lộn ruột.

- Chắc đang nhức đầu mà đi taxi nên thế đó.

Xe ngừng trước bịnh viện Chợ Rẫy ở phòng cứu cấp. Người ta đem chiếc băng ca ra, nhưng ba Mai đã hầu như mê man, không còn biết gì nữa. Chỉ thỉnh thoảng ông kêu “nhức đầu quá” mà thôi. Mai không biết làm thế nào thì vừa đó thằng Sơn cũng đi xe đạp tới. Hai chị em phụ với người y tá đưa ông Tình từ xe taxi lên chiếc băng ca. Hai tay Mai lạnh buốt và mướt những mồ hôi. Nỗi lo sợ tràn ngập thân thể làm Mai đôi lúc thấy như không còn cảm giác nữa. Đôi lúc Mai muốn suy nghĩ, nhưng Mai thấy đầu óc mình trống rỗng và tê buốt. Làm một cử động nhỏ Mai cũng thấy khó khăn. Vị bác sĩ đứng lên đặt ống nghe trên ngực ba Mai. Khuôn mặt ông chợt mang một nét trầm trọng nào đó làm Mai hốt hoảng. Ông nói :

- Ông nhà có bị té không cô ?

- Dạ thưa bác sĩ, không.

- Chắc ông ấy có nôn ?

- Dạ có, mới lúc đi xe đây thôi.

Vị bác sĩ mím môi, quay trở lại bàn thuốc. Mai để Sơn đứng canh chừng ba, theo chân vị bác sĩ. Giọng cô trẽn xuống nghe như từ một bến bờ xa xăm nào :

- Thưa… thưa bác sĩ… Ba tôi làm sao thế ?

Vị bác sĩ nhìn Mai, ánh mắt bao hàm một sự thương hại. Ông chậm rãi nói :

- Ba của cô… ông nhà đã bị vỡ mạch máu.

Mai đưa tay lên bịt miệng cho khỏi kêu rú lên một tiếng thảm thiết. Hai mắt Mai mở trừng trong khoảng không, tứ chi nghe rũ liệt. Đứt ? Vỡ mạch máu ? Trời ơi ! Mấy tiếng đó gieo vào lòng Mai như xé nát tâm hồn nhỏ bé. Mai muốn ôm mặt chạy vụt ra khỏi phòng trực bác sĩ, nhưng Mai tự hiểu mình không thể chạy được. Mai thất thểu bước ra. Thằng Sơn đang cầm cái quạt, quạt nhè nhẹ trên người ông Tình, thấy chị ra, quay lại :

- Ba sao đó chị Mai ?

Mai lắc đầu, cô không muốn nói cho Sơn biết – Nó biết làm gì – Rồi cũng thế mà thôi, không cứu vãn được gì hơn. Nhưng ánh mắt Sơn nhìn chị van lơn. Mai buột miệng :

- Ba bị vỡ mạch máu rồi.

Mai thấy Sơn đang đè nén chịu đựng một sự gì tột cùng. Khuôn mặt nó biến đổi dữ dội, hai mày nó nhíu lại rồi cặp mắt chớp mau. Hai chị em nhìn nhau lặng lẽ. Giờ phút này hai chị em không hiểu phải nói gì với nhau, dù trong cả hai, ai cũng thấy và hiểu rằng mình cần nói lên – nói gì cũng được nhưng mà phải nói.

Cô y tá đến bên Mai dịu dàng :

- Em đẩy ba em về phía phòng 26.

Mai ngước nhìn cô, cảm động vì trong ánh mắt cô bao hàm một tình thương nhỏ. Mai hỏi lại :

- Thưa cô, phòng 26 ở đâu ?

- Em đi hết dãy hành lang này, quẹo trái.

Sơn đỡ một đầu băng ca lên, nó kéo còn Mai đẩy. Cứ như thế hai chị em băng hết dãy hành lang dài. Đến trước phòng 26, Mai còn đang bối rối chưa biết phải làm sao thì cô y tá lúc nãy đã trờ tới. Tay cô cầm hai chai nước biển. Cô đi với một người nam y tá. Ông này đỡ ba Mai lên giường. Họ đo áp huyết cho ba Mai và đâm vào tay tìm mạch máu. Hai tay ông Tình bị cột chặt lại để cho nước biển vào. Mai ngước nhìn lên, mấy giọt nước chảy chậm chạp và nặng nhọc. Thằng Sơn đề nghị :

- Thôi bây giờ ba đã nằm đây, chị Mai ngồi với ba, em về báo tin cho mọi người biết.

Mai do dự :

- Hay là… Sơn ở đây với chị luôn đi.

- Nếu em ở đây thì nhà không thể nào biết được. Khổ vậy.

Mai thấy nó cũng có lý. Ở nhà má Mai chưa biết ba Mai được đưa đi đâu, chắc đang nóng lòng lắm. Còn cả hai chị em cùng ở đây thì cũng chẳng lợi gì. Bề nào thì ở đây cũng khá yên, có y tá, bác sĩ. Mai đỡ cái quạt trong tay em quạt nhè nhẹ trên mình ông Tình. Thì ra ông bị áp huyết cao đến vỡ mạch máu. Mai đau đớn nhìn cha nằm thở mà không còn biết gì nữa. Chẳng hiểu người ta có hy vọng gì cứu thoát ba của Mai không. Mấy giọt nước biển nhỏ đều và chậm. Mai muốn khóc mà sao nước mắt như khô ráo, không có lấy một giọt. Mai lấy làm ngạc nhiên. Từ trước đến nay, chính Mai là đứa mau nước mắt nhất nhà. Đụng một tý gì Mai cũng khóc được. Thế mà không hiểu sao bây giờ Mai nghe xót xa mà không khóc được. Bàn tay Mai cầm quạt trở nên nặng nề. Một ý tưởng bùng lên trong đầu Mai… Nếu ba chết ? Ồ không ! Mai không muốn nghĩ như thế. Gia đình mình không thể bất hạnh như thế được. Ba Mai sẽ còn sống, sống để nuôi tụi Mai. Ba Mai còn trẻ, ba Mai hiền lành, làm sao ba Mai có thể chết được ? Mai run rẩy không dám nghĩ đến tiếng “chết”. Tiếng đó nghe sao mà dễ sợ ! Mai chồm người lên nhìn vào khuôn mặt ba. Trên khuôn mặt đã đóng kín đó, có một cái gì như báo cho Mai biết rằng tất cả những hy vọng cũng không ích gì. Thốt nhiên Mai rùng mình. Một bác sĩ khác tới dùng tay vạch từng con mắt của ba Mai, dùng đèn pin rọi vào. Ông hơi lắc đầu, có vẻ thất vọng. Mai nhìn ông cầu khẩn, nhưng ánh mắt của ông đã thay ngôn ngữ mà trả lời cho Mai rồi. Mai gục đầu xuống giường trải drap trắng. Một lát sau, bác sĩ đã ra khỏi phòng từ bao giờ mà Mai vẫn không hay.

Thằng Sơn về và đã trở lên với mấy người bà con. Tất cả đứng im lặng bên giường ba Mai. Những giọng thì thầm nho nhỏ. Sự im lặng trong phòng thật dễ sợ. Mai đứng lên kêu em ra góc, hỏi :

- Má đâu ?

- Dạ cậu Sang nói má đang đau tim nặng, sợ cho biết bịnh tình bây giờ rồi má lên cơn mệt nằm luôn thì khổ.

Mai bứt rứt :

- Nhưng chẳng lẽ không cho má biết hay sao ?

Sơn nhìn chị nghiêm trang :

- Bác sĩ có nói gì về bịnh tình ba không chị ?

- Ít hy vọng lắm. Theo chị thì giờ này nên cho má vào.

- Em không biết. Chị hỏi ý kiến cậu Sang xem.

Mai rời em, đến bên mấy ông cậu, ông anh họ. Mai len đến cạnh cậu Sang.

- Thưa cậu…

- À, Mai đó hả ? sao cháu ?

Ông bước khỏi đám người, đi chầm chậm ra khỏi phòng. Mai bước theo cậu vì hiểu là ông đang muốn nói gì với mình. Quả nhiên, vừa khuất cửa phòng ông Sang đã lên tiếng :

- Bịnh tình ba con cậu coi có mòi trầm trọng. Bây giờ cậu định đưa má con vào.

Mai mừng rỡ :

- Dạ, cậu cho má con vào thăm ba con một chút đi cậu.

- Khoan đã, cậu sẽ đưa má con vào, nhưng trước hết là bây giờ phải đi rước cha đã. Để ba con chịu các phép rồi rước má con sau cũng không muộn.

Cậu Sang nói xong, đi thẳng ra cổng bịnh viện luôn. Mai đứng ngẩn ngơ trông theo cậu. Nắng trưa làm rát mặt nhưng Mai hầu như không còn cảm giác gì nữa. Thần kinh cô như tê liệt. Mai nhắc chân lên – Những bước chân Mai nghe nặng nề trên lối bịnh viện. “Ba sẽ chết !”. Ba tiếng đó gieo vào đầu Mai như một điệp khúc kinh hoàng. Tự nhiên Mai ôm mặt. Ồ không, ba ơi ! Ba không thể chết được. Ba của con. Chúng con cần ba. Chúng con thương yêu ba, ba ơi ! Ba đừng bỏ tụi con ba ơi ! Mai đi như người mất hồn vào phòng bịnh viện.

Một lát sau thì cậu Sang rước cha đã vào tới. Vị linh mục làm các phép bí tích. Ba Mai vẫn nằm im. Chân tay ba Mai nóng hổi một cách kỳ lạ. Mai lần tay trên thân thể ba. Trời ơi ! Ba không thể chết được mà, ba không bỏ tụi con được mà ba ơi ! Bàn tay Mai lạnh buốt trên làn da ba nóng bừng bừng. các phép đã xong, vị linh mục đứng lên nói riêng với cậu Sang mấy câu chuyện. Thằng Sơn đứng ở góc phòng, khuôn mặt khô ráo không nước mắt nhưng nó cũng mang một nét rối loạn trầm trọng. Cậu sang nói với người anh họ của Mai :

- Anh ở đây coi với mấy đứa nhỏ này. Tôi về rước chị lên một chút.

Mai đứng dậy :

- Cậu cho con theo.

- Chi vậy ?

- Dạ, con về với má con chút.

- Cũng được.

Mai bước theo cậu. Về đến nhà, Mai thấy mấy em lủi thủi trong góc nhà, má Mai thì đang nằm trên đi văng, dì Sang và bà chị họ Mai đang đánh dầu cho má Mai. Sự tình đang như vầy, không hiểu làm sao mà nói cho má Mai hiểu được tình cảnh của ba Mai trên bịnh viện. Mai phân vân, nhưng cậu Sang đã bình tĩnh bước vào nhà. Dì Sang vừa thấy chồng về đã đứng bật dậy. Giọng dì đầy vẻ lo âu :

- Sao mình ?

Cậu Sang không đáp lời vợ, chỉ lắc đầu, cái lắc đầu thay cho một câu nói thương tâm mà cậu tránh không thốt ra miệng. Má Mai đang nằm rũ người, nghe cậu Sang về cũng cố gượng lên.

- Cậu về đó à. Nhà tôi sao cậu ?

- Dạ, thưa chị…

Cậu Sang ngập ngừng, liếc nhìn vợ.

- Dạ… em tính đưa chị lên gặp anh bây giờ.

Như có một sức mạnh vô hình nào truyền vào mạch máu, má Mai vùng ngồi dậy. Dì Sang đưa tay đỡ vì sợ má Mai té. Nhưng không, bà Tình ngồi rất vững. Bà cúi tìm đôi dép và đứng lên. Bà im lặng không nói gì, nhưng sự im lặng của bà mới đáng sợ. Chợt bà trông thấy Mai – Mai nãy giờ đứng trong xó nhà – giọng bà muốn nghẹn :

- Con đấy à.

- Dạ, thưa má.

- Ba khá không con ?

Mai không dám trả lời mẹ. Cô nhìn cậu, nhưng ông Sang ra hiệu cho Mai đừng nói gì. Mai đánh trống lảng :

- Má sửa soạn đi với cậu Sang má.

- Thôi đi chứ, sửa soạn gì con. Má nóng ruột quá rồi.

Ông Sang ra xe, Mai nối gót mẹ. Dì Sang phải ở nhà trông mấy đứa nhỏ. Mai nhìn thấy em mà ứa nước mắt. Đứa nào đứa đó buồn thiu. Chúng nó có lẽ chưa hiểu gì, nhưng thấy vẻ trầm trọng của người lớn nên cũng sợ. Mai muốn chạy đến ôm lấy em dỗ dành, nhưng Mai lại phải theo mẹ vào nhà thương. Trở lại lần này, Mai hiểu rằng tính mạng của ba Mai không thể nào cứu vãn được nữa. Nhưng Mai cố nén không khóc. Mọi người đứng quanh giường của ba Mai. Thấy mẹ Mai vào, tất cả đều lùi ra nhường chỗ. Bà Tình đứng nhìn chồng đang thoi thóp từng phút chống chọi với thần chết. Nhưng tuy còn sống mà ông đã mê man không còn biết gì nữa. Bà quỳ xuống bên giường chồng gục đầu vào chăn khóc. Bà khóc không thành tiếng nhưng những giọt nước mắt và khuôn mặt bà hùng biện hơn cả tiếng nấc, nó tố cáo một nội tâm đang bị dày xéo và đau đớn dữ dội. Hai bà chị họ của Mai đến dìu bà Tình đi ra. Cậu Sang đến gần.

- Chị thăm anh rồi, thôi về nhà nghỉ một tý.

Bà Tình yếu ớt :

- Nhà tôi…

Cậu Sang cúi đầu :

- Dạ…, anh sẽ về nhà chiều nay.

Bà Tình thất thểu theo hai người đàn bà. Còn lại trong phòng, Mai và Sơn đưa mắt nhìn không chớp vào bình dưỡng khí. Nó yếu dần dần và đột nhiên ngưng hẳn. Cậu Sang kêu lên :

- “Chúa ơi !”

Và đưa tay xem đồng hồ. Mai và Sơn chạy lại quỳ xuống chân giường. Mai ôm chân ba nóng hổi. Những giọt nước mắt của Mai thấm ướt khoảng drap trắng. Có ai kéo cánh tay Mai. Một giọng nói cất lên :

- Cháu đừng cho nước mắt nhỏ xuống xác ba.

Mai giằng tay ra để chạy đến bên ba, nhưng bàn tay nắm chặt quá, Mai không thể vùng vẫy được. Cô yếu đuối nhìn thân xác ba lạnh dần dần, bàn tay và chân hơi móp lại, mầu da sao thấy như vàng hơn thường lệ. Tiếng cầu kinh đâu chợt nổi lên nho nhỏ. Mọi người làm dấu thánh giá và đọc kinh cho linh hồn người quá cố. Nhân lúc đó, Mai gỡ tay bà chị và chạy lại đến bên xác ba. Cô không khóc, cô chỉ quỳ ôm chân ba nói nho nhỏ :

- “Ba ơi ! Ba ơi ! Ba đi thật sao ba ? Ba ơi ! Có phải là ba nằm đây không ba ? Sao thân ba lạnh dần dần như thế này ? Ba ơi ! Sao cũng được. Con muốn nghĩ đến bất cứ một chuyện gì chứ không thể nghĩ là ba đi được ba ơi ! Ba đừng bỏ tụi con nghe ba ? Mấy đứa em con nó chưa nói, chưa thấy được ba lần cuối. B ơi ! Sao ba đi mà không nói lời nào với má, với con ba ơi !”

Mai cứ thì thầm mãi hai tiếng ba ơi ! Và thật ra bấy giờ đầu óc Mai trắng xóa. Mai không muốn nghĩ gì nữa, muốn nhớ gì nữa. Mai muốn quên đi rằng ba Mai đã chết. Mai không dám nghĩ rằng nay mình không bao giờ có quyền được gọi hai tiếng “ba ơi” nữa.

Giấy nhà thương đã làm xong. Cậu Sang xin đưa xác ba Mai về nhà. Vì không phải là chứng truyền nhiễm nên nhân viên nhà thương đồng ý, nhưng họ bảo chờ đến một giờ nữa đã. Cậu Sang lo về nhà trước để sắp đặt lại nhà cửa lấy chỗ để ba Mai nằm.

Cậu Sang đi rồi, mấy người bà con đứng tránh ra xa xa nhường chỗ cho Mai và Sơn. Hai đứa đứng dưới chân giường ba. Sơn hai mắt đỏ ngầu, nhưng Mai không thấy một giọt nước mắt nào. Nó không khóc được hay nước mắt nó đã khô cạn ? Đầu nó cúi xuống trong một tư thế buông xuôi. Mai nhìn em và thốt nhiên cô hoảng hốt. ý tưởng từ đâu kéo nhanh về làm chật cả đầu óc nãy giờ trắng xóa của Mai. Cô hình dung đến một ngày mai, không còn ba nữa, má đau yếu, tất cả trách nhiệm sẽ đổ xuống Mai. Mai không sợ, nhưng Mai lo ngại mình không đủ khả năng để gánh vác trách nhiệm đó. Thằng Sơn đã lớn, phải cho nó học hành tới nơi tới chốn. Bốn đứa em trai của Mai, một đứa em gái, Mai phải làm sao mà gánh vác cho chu toàn. Mai muốn bật hét lên, nhưng cổ Mai sao nghẹn tiếng. Mai ôm mặt chua xót. Mấy đứa em Mai, chúng nó tội tình gì mà phải chịu mồ côi cha ? Mai vuốt vuốt làn da chân ba. Chân đã bắt đầu lạnh, mấy ngón chân cứng đờ. Mai mân mê mấy ngón chân ba, nhớ đến lần ba Mai bị té xe trầy cả bàn chân, mỗi ngày Mai làm thuốc cho ba. Bây giờ ba chết, ba sẽ nằm sâu dưới ba thước đất, ba mang theo bàn chân với mấy vết sẹo nhỏ mà con đã từng băng bó cho ba. Ba mang theo tiếng ngáy đều đặn trong căn nhà nhỏ thân yêu. Ba mang theo những tiếng cười ròn rã những lần ba đố câu gì mà tụi con đoán trật. Ba đi, mang theo ánh mắt nghiêm trang mà đầy trìu mến của ba.

Mải nghĩ ngợi mà cậu Sang đã trở lại lúc nào. Mọi người lo đưa ba Mai trở về nhà. Ông Tình được nằm ngay ngắn chính giữa nhà, trên chiếc đi văng. Các em Mai ngoài những đứa lớn đã hiểu biết, còn một hai đứa nhỏ chưa biết gì, thấy mẹ và chị khóc cũng khóc theo. Buổi tối hôm đó, nhà Mai rộn rịp vì hàng xóm đến giúp may áo tang. Họ khiêng bàn máy đến để đầy khoảng sân nhà. Đèn đuốc bật sáng choang, máy may kêu đều tai. Suốt đêm Mai không ngủ. Mai ngồi cạnh xác ba trong khi cả nhà đã đi ngủ. Không khí im lặng và buồn đến rùng mình. Mai bắc một chiếc ghế đẩu, ngồi bên cạnh xác ba Mai đã được phủ drap trắng từ đầu. Khuôn mặt ba Mai đã bắt đầu ngả sang màu vàng. Trán ông lạnh và hình như có rịn những mồ hôi. Hai tay ông đã cứng không thể đụng đậy hay sửa lại. Hai mắt ba nhắm nghiền, không bao giờ mở ra nữa.

Mai ngồi bên cạnh ba, lâm râm cầu nguyện. Mai không thấy buồn ngủ mặc dù cả ngày cô lăng xăng không bao giờ được nghỉ ngơi. Mai nhìn mãi khuôn mặt ba mà không thấy chán. Chừng như Mai muốn thu hình ảnh thân yêu này vào tâm hồn, vì ngày mai là cô không còn bao giờ được nhìn thấy ba cô nữa. Đêm đến thật là đen. Thỉnh thoảng Mai rời chỗ ngồi, bước ra ngoài trời. Bầu trời đầy những sao lấp lánh. Đêm đẹp và yên tĩnh. Tự nhiên Mai mong sao cho đêm cứ mãi kéo dài, cho ngày không bao giờ đến để Mai không phải xa ba, để người ta không liệm ba Mai vào quan tài đóng kín.

Nhưng việc gì rồi cũng diễn tiến bình thường. Ngày hôm sau, liệm ông Tình xong, bọn Mai mặc áo tang rộng. Nhìn mấy đứa em xúng xính trong áo tang, cười đùa vui vẻ, Mai đau đớn trong lòng như ai lấy dao mà đâm thẳng vào. Trưa hôm đó, cậu Sang kêu Mai xuống nhà và bảo :

- Cậu thấy cháu có vẻ đuối sức lắm rồi. Để khách khứa công việc đó cho các cậu dì anh chị đây lo, cháu hãy đi nghỉ một lát.

Mai vâng lời cậu ngay, vì thật ra Mai cũng đã quá mệt. Mai nghe tứ chi mình rã rời tưởng chừng như không còn hoạt động được nữa. Mai leo lên gác, để nguyên đồ tang, cô buông mình xuống chiếu.

Mai tỉnh dậy trong một trạng thái bàng hoàng. Cô ngỡ như mình vừa qua một cơn mơ và cô mong sao mình vừa qua một cơn mơ thật. Nhưng không, sự thật vẫn là sự thật. Bộ đồ tang trên người Mai đã nói lên điều đó. Mai ôm mặt khóc một lúc rồi thất thểu đi xuống nhà.
_______________________________________________________________________