Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Thằng Bảo (Phần XI)


CHƯƠNG XIV

Thầy Vinh chạy tới, cánh tay mở rộng chào đón. Thầy cố lấy vẻ vồn vã :

- Xin chào ông thanh tra. Tôi là thầy Vinh, ông thanh tra muốn gặp tôi…

- Vâng, vâng. Hân hạnh được gặp thầy.

Ông thanh tra vui vẻ nói trong khi Mão và Ẩn xích lại gần hơn để nghe cho rõ.

Thấy hai đứa nhỏ, thầy Vinh khó chịu gắt khẽ :

- Đi chỗ khác chơi ! Để tôi tiếp chuyện với ông Thanh tra.

Chờ cho bọn trẻ đi khuất, thầy Vinh mới quay lại phía ông thanh tra :

- Tôi xin lỗi ông thật nhiều. Đó là một sự hiểu lầm thường xảy ra. Thật tôi không cố ý.

Ông Đức Minh như rớt ở trên trời xuống :

- Hả ? Ông nói gì ?

- Dạ, tôi không cố ý phá luật… luật đi đường… luật cấm đậu ngày lẻ…

Ông Đức Minh lắc đầu ngán ngẩm… làm thầy Vinh luống cuống :

- Hôm qua… tôi tưởng là một ngày chẵn, nên tôi mới cho xe đậu phía đó. Thật ra hôm qua lại là một ngày lẻ. Tôi ghi trong sổ tay là ngày thứ Năm 24… Tôi…

Lại sổ tay : ông Đức Minh muốn điên cả đầu. Trường gì mà toàn những người…

- Ông biết không – thầy Vinh tiếp – tôi mới đậu được một chút, đi tới tiệm chữa răng, lúc lại thì đã thấy một nhân viên của ông đã đứng đợi đó rồi.

Ông Đức Minh không kềm nổi nữa la to lên :

- Ông câm miệng lại đi ! Cái gì mà nhân viên của tôi… Tôi làm gì có nhân viên mà ai cũng nói tới nhân viên của tôi… Bộ trong trường này không có ai có được một bộ óc bình thường sao ?

Như để trả lời, bóng hai người lớn nữa chạy tới : một người trẻ thì ông Đức Minh đã gặp khi nãy. Còn người kia già hơn, mập mạp, có vẻ vô hại. Nhưng thầy Vinh hồi nãy không tỏ ra vô hại là gì ? Ông Đức Minh vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng khi ông già hơn gật đầu chào :

- Xin chào ông Đức Minh. Tôi là Hiệu trưởng trường Tây Sơn này. Tôi xin lỗi ông vì sự chậm trễ của tôi.

Rồi ông giơ tay ra bắt. Ông Đức Minh hờ hững đưa tay ra :

- Có thật ông là Hiệu trưởng trường này ?

- Vâng chính tôi là Hiệu trưởng.

- Vậy tôi hy vọng ông giải thích cho tôi rõ những chuyện kỳ cục xảy ra từ lúc tôi bước chân vô đây cho tới giờ…

Ông Hiệu trưởng không biết ất giáp gì cả, nhưng ông cũng rối rít :

- Tôi… tôi thành thật xin lỗi ông.

- Tôi không cần xin lỗi – Ông Đức Minh gay gắt – tôi chỉ xin ông giải thích cho tôi rõ thôi : tôi đang ngồi thì có thằng bé dắt tôi xuống coi những cái công tơ rồi bắt tôi coi những quyển sổ ghi tên tuổi, địa chỉ…

Thầy Cang nhíu mày nhìn qua phía thầy Vinh :

- Sao vậy, thầy Vinh ? Chuyện gì đã xảy ra…

Ông Đức Minh vội vàng :

- Ông đừng hỏi ông này chi cho vô ích, ông ta cũng khùng chẳng kém gì bọn trẻ.

Thầy Vinh lúng túng :

- Tôi… tôi vừa mới xin lỗi ông ta vì cái lỗi hôm qua tôi đậu xe không đúng chỗ, tôi tưởng ông này là Cảnh sát.

Thầy Hiệu trưởng lắc đầu nhăn nhó, trong khi ông thanh tra “à” lên một tiếng hiểu biết.

Thầy Cang nhẹ nhàng vỗ vai thầy Vinh :

- Anh lầm rồi. Ông Đức Minh đây là một thanh tra của Bộ.

Thầy Vinh sửng sốt :

- Hả ? Thanh tra… Bộ… – thế mà tụi nó bảo tôi có ông Cảnh sát đến tìm tôi.

Thầy Cang cười :

- Ai nói với anh như vậy ?

Thầy Vinh tức tối :

- Thằng ranh Bảo chứ ai. Nó sẽ biết tay tôi…

Thầy Hiệu trưởng không để cho thầy nói hết câu :

- Chuyện đó chút nữa hãy hay. – Và quay sang ông Đức Minh, ông lịch sự :

- Xin mời ông thanh tra vào phòng khách, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều.

Ông Đức Minh không còn giận trước vẻ ôn tồn, lịch sự của ông Hiệu Trưởng nữa. Nghĩ lại ông thấy buồn cười. Các đồng nghiệp ông nghe ông kể lại chắc sẽ cười vỡ bụng.

Thầy Vinh có vẻ ngượng. Thầy giận mấy thằng nhỏ ghê gớm.

2 giờ chuông vào lớp, thầy Vinh hầm hầm đi ra lớp của đội 3. Thầy gặp thầy Cang ở phòng Hiệu trưởng đi ra. Thầy Cang hỏi :

- Anh dạy giờ này hả ?

- Vâng, tôi dạy giờ Sử.

- Vậy anh nên sửa soạn đi thì vừa. Ông thanh tra muốn lại thăm anh ở lớp đó. Anh nên biết trước kia ông ta là giáo sư Sử Địa đấy.

Thầy Vinh nhăn mặt :

- Thật khổ ghê. Giờ tôi vẫn thấy xấu hổ.

Thầy Cang an ủi :

- Không có gì đâu. Ông ta nói chỉ buồn cười thôi.

Thầy Vinh mai mỉa :

- Buồn cười ? Chắc ông ta hay cười lắm nhỉ ? Rồi anh xem sẽ có màn “trời trồng” nữa cho xem. Rồi ông thanh tra sẽ nghĩ là bọn này chưa bao giờ nghe nói đến Sử cho xem.

Rồi thầy Vinh uể oải bước vào lớp. Thầy chẳng nói chẳng rằng, cầm phấn vẽ lên bảng sơ đồ về các vua triều Nguyễn. Thầy nghĩ : nữa ông thanh tra có vào, thấy bọn trẻ đang cắm cúi viết thì ông sẽ không hỏi lôi thôi.

Thầy quay xuống ra lệnh :

- Vẽ thật đẹp, sạch sẽ bản đồ này vào vở.

Bảo giơ tay :

- Thưa thầy… hôm nay thứ sáu…

- Im – Thầy Vinh trợn mắt quát.

- Nhưng thưa thầy…

- Tôi bảo im.

Bảo đành im… Được một chút thì ông Hiệu trưởng dẫn ông Đức Minh vào lớp. Mạnh, Bảo chưa biết gì, vẫn tưởng ông khách lạ này là nhân viên Cảnh sát. Chúng lo sợ : không lẽ ông ta tới để bắt thầy Vinh ?

Tiếng ông Hiệu trưởng làm nó giật mình :

- Các em, đây là ông Thanh tra Bộ Giáo Dục…

Bảo nhìn sang Mạnh, thấy thằng này cũng sửng sốt như nó : ông này không phải là Cảnh sát !

Sau vài lời giới thiệu, ông Hiệu trưởng đi ra. Ông Thanh tra đưa cặp mắt thật hiền nhìn cả lớp rồi quay lại thầy Vinh :

- Thưa thầy, thầy có thể cho phép tôi hỏi các em vài câu không ạ ? Tôi thích nhất môn Sử.

Thầy Vinh mỉm cười gật đầu, nhưng ánh mắt thầy thật bối rối.

Ông Thanh tra quay xuống đám học trò đang mở to mắt nhìn ông, rồi ông chậm rãi :

- Các em đang học về triều Nguyễn, một triều đại gần đây nhất. Vậy em nào có thể cho tôi biết một vài chi tiết về triều Nguyễn không ?

Không đứa nào nhúc nhích…. Ông mỉm cười tiếp :

- … Chẳng hạn như : đời sống dân chúng dưới triều Nguyễn hoặc chính trị…

Vẫn chẳng đứa nào động đậy… Thầy Vinh thở dài quay nhìn ra cửa. Trong khi ông Thanh tra thúc dục :

- Nào, có ai biết không ? Chịu khó nhớ một tí…

Cặp mắt ông lại làm một vòng quanh lớp và dừng lại ở thằng bé có cặp kính cận :

- Em ngồi bàn cuối kia. Thử trả lời xem.

Bảo hết cả hồn. Nhưng tay ông Thanh tra lại chỉ vào Mạnh. Nó thở dài thoát nạn trong khi Mạnh rụt rè đứng dậy. Câu hỏi này, nếu là thầy Vinh nó sẽ trả lời thật xuôi chảy. Nhưng sao bây giờ đầu óc nó trống rỗng. Nó chẳng nhớ gì cả. chữ nghĩa trong đầu nó chảy đi đâu mất hết. Nó lí nhí :

- Dạ… Con không biết ạ.

Thầy Vinh nhắm mắt và cố nén cơn giận : thật, chúng đã phản bội công lao khó nhọc của thầy.

Ông Đức Minh kiên nhẫn :

- Em khác… Em nào nói được ? Tôi tin rằng thầy Vinh đã kể cho các em rất nhiều chuyện về triều Nguyễn…

Vài tiếng ho rồi… im lặng.

Ông Đức Minh còn cố nuôi hy vọng :

- Này nhé… vị vua đầu tiên của triều Nguyễn lên ngôi năm 1802…

Bảo đột ngột đứng lên : cái gì chứ cái năm 1802 làm sao nó quên được, cái này có trong bài nó phải trả ngày hôm nay.

Ông Thanh tra gật gù :

- Em biết gì về năm 1802 ? Khoan đã, em tên gì ?

- Dạ, con tên Nguyễn Hoàng Bảo.

- Được, em cứ nói những gì em biết.

Bảo hắng giọng rồi hiên ngang :

- Vị vua đầu tiên của triều Nguyễn là vua Gia Long. Ông lên ngôi năm 1802, lấy hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân. Rồi sai sứ sang Tàu xin phong vương.

Năm Giáp Tí (1804) tức Gia Long năm thứ ba, nhà Thanh phong vương cho vua Gia Long.

Năm Bính Dần (1806) vua Gia Long làm lễ xưng đế hiệu ở điện Thái Hòa…

Thằng Bảo nói không vấp váp, từng chữ, từng chữ thoát ra cửa miệng nó dễ dàng… Trên kia, ông Đức Minh thích thú, thầy Vinh ngạc nhiên đứng trân trân nhìn thằng bé nghịch ngợm nhất trường, cả lớp nín thở theo dõi :

… Về cách tổ chức chính quyền trung ương : quan lại trong triều được sửa định gần giống như chế độ nhà Lê nhưng bãi bỏ chức Tham tụng và Bồi tụng. Vua Gia Long còn đặt ra 6 bộ : Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Lại, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công. Đứng đầu mỗi bộ có quan Thượng thư…

Bảo dừng lại để thở trước những con mắt ngạc nhiên lẫn thán phục của đám bạn. Nó sửa giọng đọc tiếp, nhưng ông Đức Minh đã khoát tay :

- Thôi. Cám ơn em. Em giỏi ghê lắm…

Bảo nhún nhường :

- Dạ, đó chỉ vì con nhớ những lời thầy Vinh đã giảng thôi ạ.

Ông Đức Minh quay qua thầy Vinh tươi cười :

- Tôi có lời khen thầy. Học trò anh có triển vọng nhiều đấy.

Thầy Vinh ngượng nghịu bắt tay ông Thanh tra, nhỏ nhẹ :

- Vâng, cám ơn ông.

Rồi ông Thanh tra tươi cười, giơ tay chào cả lớp và đi ra… Ra tới cửa, ông còn ngoái đầu lại :

- Hoan hô em Bảo. Em mang danh dự lại cho cả lớp đó.

Ông Thanh tra đi rồi, thầy Vinh hoan hỉ :

- Bảo giỏi lắm. Các em vỗ một tràng pháo tay mừng Bảo đi.

Tiếng vỗ tay vang dậy. Thầy Vinh sung sướng hơn bao giờ : Thầy cười luôn miệng… Lúc đó, một hồi chuông đổi giờ vang lên. Thầy Vinh ôm quyển sách và gật đầu chào cả lớp đi ra…

Trong hành lang, thầy gặp thầy Cang đang đi tới.

Thầy Cang cười hóm hỉnh :

- Thế nào anh Vinh ? Không có gì chứ ?

Thầy Vinh hớn hở trả lời :

- Tuyệt nữa là khác. Tất cả đều nhờ thằng Bảo. cả lớp mới vỗ tay mừng nó xong.

Và mặc cho thầy Cang tròn mắt sửng sốt, thắc mắc, thầy Vinh hiên ngang bước đi…

HẾT

NGUYỄN THỊ QUẢNG BÌNH

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 206, ra ngày 1-8-1973)

Thằng Bảo (Phần X)


CHƯƠNG XIII

Bích đang đọc sách trong phòng, nghe tiếng hát kỳ cục liền chạy ra hành lang :

- Ai làm gì mà om sòm vậy ?

Ẩn cười :

- Thằng Mão đấy. Tớ nhờ nó đi báo cho bà Sinh biết là có ông thanh tra tới.

Bích giật mình :

- Ông nào tới ? Ông thanh tra hả ?

- Ừ, ông thanh tra.

Bích tái mặt :

- Ô… ông thanh tra ! Thôi rồi, ông ta đến để coi khai sinh của tao…

Ẩn tròn mắt ngạc nhiên :

- Mày có khùng không ? Mắc mớ gì ông ta lại đến để coi khai sinh của mày.

- Không. Hôm qua tao đi xe buýt… tao mua có nửa vé… nhưng ông soát vé không tin tao mới có 12 tuổi… tao nói mãi ông ta cũng không tin, và cuối cùng ông ta cũng đành bán cho tao nửa vé, nhưng ông ta bảo sẽ có người tới điều tra xem có thật tao 12 tuổi không.

- Vậy, bây giờ mày có giấy tờ gì không ?

Bích do dự :

- Tao có quyển sổ tay ghi những ngày đáng nhớ, như ngày tao sinh, ngày tao đi học và còn ghi cả ngày tao bước chân vào trường này nữa. Có cả số nhà của tao.

- Vậy thì mày cứ đưa quyển sổ đó cho ông ta xem.

- Tao sợ ông ta không tin… Hay là… mày đi cùng với tao để làm chứng đi.

Ẩn nhận lời và quên khuấy đi mất bài đàn đang chờ nó…


*


Vào phòng đọc sách, Mạnh thấy Bảo đang gò lưng trên quyển sách Sử. Ngẩng đầu lên thấy Mạnh, Bảo cười toe toét :

- Tớ thuộc bài hết rồi. Bồ dò giùm tớ đi.

Mạnh khoát tay :

- Đợi chút nữa đã. Bây giờ tớ đang đi tìm thầy Vinh, có ông thanh tra muốn gặp thầy.

- Thật ông thanh tra hả ?

Mạnh gật đầu kiêu hãnh :

- Chứ sao. Tao thấy đầu tiên và đi báo với thầy Cang nè.

- Có phải ông ta đi bằng xe cảnh sát phải không ?

Mạnh ngớ ngẩn ra :

- Ơ… ơ… ông này đâu có mặc đồ cảnh sát, ông ta mặc “vét” mà…

Bảo hỏi nhỏ :

- Chắc có chuyện gì quan trọng lắm phải không Mạnh ?

Rồi nó gấp quyển sách lại và chạy theo Mạnh :

- Chắc ông này phải to lắm há Mạnh. Tìm mau lên đừng để cho ông ta chờ.

Mạnh mong cho có chuyện gì xảy ra để khỏi phải học chiều nay. Thứ nhất là giờ Sử - Còn Bảo vẫn tỉnh bơ :

- Tớ thuộc bài rồi, có đi học cũng không sao. Để tuần sau tớ quên bài mất.

Hai đứa đi ngang qua lớp của đội 5, Bảo thoáng thấy bàn tay đang vẽ những hình tam giác trên tấm bảng. Nhìn vào, nó kêu lên :

- Ồ, thầy Vinh ! Vậy mà từ nãy giờ chúng con đi tìm thầy khắp nơi.

Thầy Vinh khó chịu quay lại :

- Cái gì ?

- Thưa thầy, có một ông thanh tra muốn gặp thầy.

- Sao ? Ông thanh tra, có phải ông cảnh sát ?

Bảo gật đầu :

- Dạ, có lẽ, mà ông này mặc thường phục.

Thầy Vinh bàng hoàng :

- Cái ông… coi thế mà hiểm…

Mạnh hơi ức. Nó muốn chính nó là người báo tin này cho thầy Vinh vì nó là người thấy trước mà: quan trọng lắm chứ giỡn sao. Thế mà… cái thằng Bảo láu cá đã giành quyền của nó. Để chứng tỏ nó không phải là kẻ thừa, nó hỏi :

- Thầy ! Có chuyện gì không vậy thầy ?

Thầy Vinh gật đầu. Thầy lo lắng thật sự : Cái ông Cảnh sát… thầy đã năn nỉ hết lời thế mà ông ta vẫn ghi số xe của thầy. Thấy thầy gật đầu, Mạnh hỏi tiếp :

- Bây giờ thầy phải ra Ty Cảnh sát ? Thầy có về dạy giờ Sử chiều nay không ạ ?

- Có – Thầy Vinh gắt – Bộ các anh muốn tôi ở tù lắm hả ?

Mạnh cụt hứng lấm lét nhìn thầy. Thầy Vinh hỏi :

- Bây giờ ông thanh tra ở đâu ?

- Dạ, hồi nãy con chạy đi thì ông ta ngồi trong phòng các giáo sư – Và Mạnh ngập ngừng – Thầy… thầy cho tụi con đi với.

- Đi làm gì ? Đi chơi đi.

Và thầy Vinh tất tả chạy đi. Đầu óc thầy miên man nghĩ đến cuộc hội kiến sắp tới với viên thanh tra Cảnh sát.


*


Ông Trần Đức Minh, thạc sĩ, là một người cần mẫn. Ông còn trẻ lắm : chỉ độ 30 tuổi. Còn trẻ nên ông rất hăng say trong công việc. Ông là một người kiên nhẫn hiếm có. Ông rất ít khi gắt gỏng, bao giờ ông cũng bình tĩnh dịu dàng cho nên ít khi ông tỏ ra bối rối.


Ông đang ngồi đọc tờ “Tập san Sử học” thì nghe có tiếng gõ cửa và một thằng bé mặc sơ mi trắng, quần xám tro ló đầu vào. Ông thân mật :

- Chào cậu bé, cậu tên gì và đi đâu vậy ?

- Dạ, chào ông ạ. Cháu tên Mão. Bà Sinh nói cháu lên mời ông… Ông có phải là…

Nhìn cách ăn mặc của ông khách, Mão đâm lo, ông ta chẳng có vẻ gì là… nhân viên của hãng “Esso gaz” cả.

Nhưng ông Đức Minh đã vội nói :

- Phải, tôi là thanh tra, có phải em đến dẫn tôi đi gặp ông hiệu trưởng ?

- Dạ… không, bà Sinh bảo cháu dắt ông xuống dưới hầm.

- Dưới hầm ?

Ông thanh tra ngạc nhiên, nhưng ông không hấp tấp làm gì, cứ theo thằng bé sẽ rõ. Có lẽ ông hiệu trưởng mắc bận dưới đó.

Mão lên tiếng :

- Dưới đó tối lắm. Ông có mang theo đèn bấm không ?

- Không – Ông Đức Minh kinh ngạc – Tại sao lại phải mang đèn bấm ?

Mão dắt ông khách qua khỏi dãy hành lang, tới cầu thang dẫn xuống hầm, nó thận trọng dò từng bước :

- Tối như vậy làm sao ông nhìn thấy được – Ông đi coi chừng té.

Ông Đức Minh ngơ ngác :

- Không lẽ ông hiệu trưởng lại muốn gặp tôi dưới căn phòng tối om như thế này ?

- Không, ông hiệu trưởng đâu có ở đây. Dưới này chỉ có toàn là công tơ không thôi. Bà Sinh bảo cháu dắt ông xuống đây coi rồi để ông đi lên một mình cũng được.

Ông Đức Minh cảm thấy tự ái bị va chạm, trong nghề chưa bao giờ ông bị đón tiếp một cách kỳ lạ như vậy. Mặt ông bắt đầu nóng ran lên. Bỗng có tiếng chân đi xuống và hai cái bóng nhỏ xuất hiện.

Thấy ông, cái bóng lớn lên tiếng :

- Dạ, xin lỗi ông, ông có phải là ông thanh tra không ?

Ông Đức Minh trả lời cộc lốc :

- Phải.

- Vậy, thưa ông – cái bóng lớn tiếp – Đây là quyển sổ tay của cháu có ghi rõ ngày sinh, tên, họ của cháu nữa. Cháu mau lớn nên to con…

- Chú bé nói gì tôi không hiểu ?

Quyển sổ tay được đưa ra trước mặt ông thanh tra. Qua ánh sáng tù mù của căn hầm, ông đọc được hàng chữ :

Tên họ : Hoàng Đình Bích.

Tuổi : (tính theo lần Sinh nhật vừa qua) 12.

Đi học ngày : …

Số nhà : …

Bích nhìn viên thanh tra đắc thắng :

- Đó ông thấy chưa, cháu mới có 12 tuổi. Có cả địa chỉ của ba má cháu nữa. Nếu ông không tin ông hỏi thằng này sẽ rõ.

Bóng nhỏ bấy giờ mới lên tiếng :

- Dạ. Đúng nó mới 12 tuổi. Vậy nó có quyền đi xe buýt nửa vé chứ, thưa ông.

Ông Đức Minh sửng sốt :

- Nhưng để làm gì, tôi có cần biết tuổi của các chú làm gì ? Và địa chỉ nữa.

Bích giải thích :

- Dạ… cháu chỉ muốn cho ông xem tuổi của cháu thôi. Vì hôm qua… cháu nói cho nhân viên xe buýt của ông mà ông ấy không tin.

- Tôi làm gì có xe buýt … mà có nhân viên.

Bích giật mình :

- Thế ra, ông không phải là thanh tra… nghiệp đoàn xe buýt ?

Mão cười to :

- Sao mày ngơ thế Bích. Ông đây đâu phải là thanh tra xe buýt. Ông đây là…

Ông Đức Minh nhìn Mão biết ơn… trong khi Mão tiếp :

- Ông là người của hãng “Esso gaz”… tới để xem tháng này trường mình xài hết mấy kí gaz mà…

Mặt ông Đức Minh đỏ rần lên. Ông tức giận :

- Mấy người điên ! Điên hết ! Mấy người làm ơn đưa tôi lên cái phòng hồi nãy đi. Trời ơi !

Nói xong ông vội vàng chạy lên cầu thang. Mão, Bích, Ẩn lẹt đẹt chạy theo sau. Đứa nào cũng chưng hửng : té ra đây không phải ông thanh tra xe “ô tô buýt” mà cũng chẳng phải nhân viên của hãng “Esso gaz”… Vậy ông ta là cái gì ?

Vào đến phòng chơi, ông thanh tra cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút. Dù sao ánh sáng cũng làm cho con người vững tâm hơn. Ông nhìn chung quanh và bắt gặp một người đàn ông đang hối hả đi tới. Ông thanh tra mừng mừng. Ông quay lại hỏi :

- Có phải ông Hiệu Trưởng đó không ?

Mão lắc đầu :

- Dạ không ạ. Đó là thầy Vinh, thầy dạy Toán và Sử.
_________________________________________________________________________________
Xem tiếp Phần cuối

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 205, ra ngày 15-7-1973)

Thằng Bảo (Phần IX)


Mạnh phì cười :

- Còn giả bộ ngây thơ nữa. Cụ chơi lưu manh đấy nhé.

Bảo có biết gì đâu. Nhưng nó vội nhẩy lên giường vì bóng thầy Cang vừa xuất hiện. Thầy hỏi Mạnh:

- Cái gì mà giả bộ hả Mạnh ?

Thằng bé lúng túng :

- Dạ, không có gì ạ.

Thầy Cang bỗng ngạc nhiên khi cả phòng ngủ số 4 bữa nay sao ngoan lạ thường. Đứa nào cũng nằm yên trên giường : không biết chúng gấp “ra”, quần áo gì mà mau dữ vậy. Thầy nghi có chuyện gì đây… Thầy làm một vòng quanh phòng, rồi ra phòng rửa mặt :

- Ồ, cái vòi nước này còn chảy ?

Bảo nói vọng ra :

- Thầy, ngày mai ông Tư ông ấy sẽ sửa.

- Phiền ông ấy. Để thầy sửa lại cũng được.

Thầy Cang bước đi để lại sau lưng những ánh mắt lo ngại. Bầu không khí trong phòng ngủ số 4 như đặc lại.

Bảo rên rỉ :

- Thầy mà sửa, chắc cái nồi thành than luôn.

Mạnh đề nghị :

- Hay là đằng ấy chạy xuống bắc ra một tí đi.

Bảo le lưỡi :

- Sợ lắm ! Lỡ gặp thầy Cang. Biết thế hồi nãy bưng lên cho yên chuyện.

Bích tiếc rẻ :

- Uổng nhỉ ?

- Suỵt, thầy lên rồi kìa.

Tiếng suỵt lan rộng đúng lúc thầy Cang vừa bước vào… thầy ngạc nhiên, nhưng thầy mỉm cười thản nhiên bước ra sửa vòi nước.

Bảo rụt rè :

- Thầy chữa có lâu không ạ ?

- Có lẽ chừng mười phút... – và thầy hóm hỉnh thêm : cũng có khi tới nửa giờ.

Một phút nặng nề trôi qua. Bảo bỗng nhỏm dậy : thôi chết rồi ! Mạnh nằm gần cửa sổ cũng nghếch lên : nó vừa ngửi thấy mùi gì là lạ.

Thầy Cang nghe động quay đầu lại :

- Cái gì đó Bảo, Mạnh ?

Mùi khét bay lên nồng nặc.

- Mùi gì… cháy đó thầy…

Thầy Cang hít hít mũi :

- Ừ, chắc không sao đâu.

Vừa khi đó có tiếng chân chạy huỳnh huỵch lên cầu thang, tiếng chân chạy về phòng ngủ số 4… và thầy Vinh xuất hiện. Thầy thở hổn hển :

- Anh Cang… Cháy…

- Cái gì cháy ?

- Ai mà biết. Chỉ thấy đám khói đen mù mịt ở dưới kia. Tôi lên tìm cái sô để múc nước dội đây.

Và hấp tấp thầy lấy cái sô chạy xuống. Bọn trẻ nằm im thin thít. Chỉ có Bảo vội vàng nhảy xuống giường và chạy theo thầy Vinh không kịp xỏ dép : ít nhất nó cũng phải tìm cách thủ tiêu cái “nồi” trước khi thầy Vinh dập tắt được ngọn lửa…

Thấy Bảo chạy, thầy Cang gọi giật lại :

- Bảo ! Chạy đi đâu vậy ?

- Dạ, con đi giúp thầy Vinh.

Và nó không thèm quay lại xem thầy Cang có bằng lòng không.

Trên lầu, thầy Cang vẫn bình tĩnh giữ trật tự. Thầy đi đi lại lại. Qua nhà để chổi, thầy nhìn vào và thầy ngạc nhiên biết bao khi thấy ở dưới đất có một hộp giấy màu trắng. Thầy cúi xuống lượm lên nhìn hàng chữ… gật gật đầu đắc ý…

Thầy ôm hộp vào phòng ngủ số 4, thong thả nói giữa những cặp mắt no tròn của lũ nhỏ :

- Hộp này mang tên Bảo, vậy ai góp phần vào nữa ?

Mão, Ẩn ngơ ngác như kẻ vô can. Bích mơ màng ngó mông lung lên trần nhà. Chỉ có Mạnh nằm im chờ đợi…

- Dạ, mấy cái bánh đó để… – Mạnh thú nhận khi thấy tia mắt thầy Cang dừng lại trên nó.

Thầy Cang :

- Mấy em mua bánh để ăn trong phòng ngủ. Thiết tưởng các em mới ăn no xong, các em không có quyền làm như vậy chứ.

Mạnh thấy tưng tức, câu nói của thầy Cang làm nó nhớ tới lý do thúc đẩy chúng bày ra bữa tiệc này. Nó nói to :

- Tụi con mua đồ ăn… là vì… là vì các thầy cũng ăn mỗi bữa tới hai lần.

Thầy Cang sửng sốt :

- Ai nói với em như vậy ?

- Bà Sinh. Hay đúng hơn bà Sinh nói với thằng Bảo là bà bưng thêm một mâm nữa cho các thầy.

Thầy Cang vẫn không hiểu gì cả. Mạnh cũng không rõ gì hơn… Thầy Cang cố moi trí nhớ… Một hồi sau thầy chợt hiểu : phải rồi. Thầy cười khoái trá :

- Thầy biết rồi. Bữa đó bà Sinh có bưng một mâm cơm lên phòng các giáo sư, nhưng không phải cho các thầy mà là cho các nhân viên kế toán ở lại làm cho xong sổ sách…

Kinh ngạc vây lấy từng khuôn mặt. Bích xấu hổ :

- Cái thằng Bảo ! Tại nó mà ra cả đấy thầy.

Thầy Cang :

- Thật đáng tiếc. Đợi Bảo lên, tôi sẽ phạt cả phòng để làm gương.

Thầy Cang chẳng phải chờ lâu, có tiếng chân lên cầu thang : thầy Vinh xuất hiện và Bảo thất thểu theo sau.

- Chẳng phải cháy, vậy mà tôi lo quá – thầy Vinh cười nói – Chắc già Tư lại nấu nướng cái gì đây.

- Sao anh không xem xem cái gì cháy ?

- Có thấy gì đâu, khi tôi xuống thì chỉ còn than là than.

Bọn trẻ thở phào nhẹ nhõm : dầu sao tội chúng cũng đỡ nặng hơn.

Thầy Vinh chỉ thằng Bảo, tiếp :

- Cám ơn anh đã cho Bảo xuống giúp tôi.

Thầy Cang quay lại nhìn Bảo, lúc ấy đã quấn gọn người trong chăn. Thầy vẫy tay :

- Bảo lại đây ! Có phải em định phát bánh cho các bạn ăn sau khi tắt đèn ?

- Dạ… đâu có thầy – nhưng nó vừa chợt nhận ra hộp bánh trên tay thầy Cang – Dạ, cái hộp đó là con mua giùm thầy Vinh.

Thầy Vinh nghe nói đến tên mình, vội gật đầu xác nhận :

- Vâng, đúng rồi, không phải của nó đâu. Khi trưa tôi mượn nó mua để tối nay mừng sinh nhật anh Hinh đấy.

Thầy Cang à lên hiểu biết. Trước khi ra cửa thầy còn quay lại nhìn Mạnh làm thằng bé bối rối… Rồi thầy với tay tắt đèn…

Đợi bóng hai thầy khuất sau cầu thang, Bích thở dài :

- Thôi rồi ! Xoi hỏng bỏng không.

Mạnh càu nhàu :

- Tại mày đó Bảo. Khi không bày ra chuyện các thầy ăn hai lần. Để bây giờ tốn công vô ích.

Rồi nó kể lại những lời thầy Cang nói cho Bảo nghe. Thằng bé chưng hửng, nhưng nó vẫn bướng:

- Nhưng dù sao, hiện tại các thầy cũng đang nhâm nhi nước trà, bánh ngọt, trong khi tụi mình thèm muốn chết…

Ẩn vặn lại :

- Tao đâu có chết ?

- Thì không chết thật cũng chết đi một tí cõi lòng. Giời ơi ! Còn làm bộ…

Rồi Bảo xoay lưng lại. Nó thầm ước làm người lớn vì làm người lớn sướng thật : muốn ăn lúc nào cũng chẳng ai nói năng gì cả… Hai mắt nó dần dần sụp xuống đưa nó đi dần vào giấc ngủ…




CHƯƠNG XII

Chiều thứ ba thì Bảo có thể đọc trơn tru hai trang Sử rồi. Hôm sau nó thuộc được một trang rưỡi nữa. Và sáng thứ năm thì nó đọc được cho Mạnh nghe hết trang thứ năm.

Cùng sáng thứ năm ấy, Bích đi tìm thầy Cang :

- Thưa thầy, bà Sinh nói con tới xin thầy cho con đi khám cái răng sâu.

Thầy Cang gật đầu :

- Ừ, chút nữa thầy Vinh ra phố đấy. Để thầy nhờ thầy ấy.

- Dạ, nhưng thưa, thầy ấy không trở về liền. Thầy cho con tiền xe đi về.

Thầy Cang đưa nó tờ giấy 20 đồng. Thầy Cang còn dặn :

- Phải sẵn sàng chờ thầy Vinh, hễ thầy gọi là đi liền đó.


*


Xe bon bon chạy ra tỉnh. 5 phút sau thầy Vinh đã đậu xe ở đường Độc Lập, gần tòa Tỉnh. Rồi thầy đưa Bích đến phòng chữa răng.

Lúc thầy trở lại thì thấy một viên Cảnh sát đứng xớ rớ gần xe thầy rồi. Thầy cảm thấy lo lo… Thầy đi tới, thì viên Cảnh sát lôi trong túi ra một quyển sổ nhỏ :

- Xin lỗi. Xe này của ông ?

- Vâng, xe của tôi, thưa ông có gì không ạ ?

Viên cảnh sát chỉ tấm bảng đặt gần đó mà hồi nãy thầy Vinh không để ý : “Cấm đậu những ngày lẻ”.

Thầy Vinh hiểu ý, vội vàng xin lỗi :

- Ồ, xin lỗi ông. Tại tôi vội quá nên chắng để ý gì cả. Xin ông bỏ qua giùm…

Viên cảnh sát thản nhiên xoa cằm :

- Ai phạm lỗi cũng vội chuyện cần như ông cả.

Rồi ông ta bỏ quyển sổ vào túi áo và lạnh lùng bước đi. Thầy Vinh nhìn theo lo lắng : không biết ông ta có làm biên bản không… Cầu trời cho ông ta có tính… độ lượng…

Một giờ sau Bích lên xe buýt về trường. Nó hỏi mua một vé dành cho con nít và trả 10đ.

- Chú mà mua có nửa vé ? Chú mấy tuổi rồi ? – Viên soát vé nhìn nó nghi ngờ.

- Dạ, cháu 12 tuổi.

Viên soát vé không tin :

- Sao ? To đầu như chú mà chỉ mới có 12 tuổi ?

- Dạ, thật chứ ạ. Cháu 12 tuổi, còn một tháng nữa cháu mới được 13 tuổi, tại cháu to xác…

Nhưng mặc kệ, người soát vé vẫn xé cho nó tấm vé người lớn 20đ. Bích nài nỉ :

- Cháu chỉ có 10đ. Cháu chưa được 13 tuổi mà. Ông không tin, ông cứ tới trường cháu thì rõ. Ông hiệu trưởng sẽ cho ông xem giấy khai sinh của cháu.

Người soát vé càu nhàu :

- Tôi không có việc đi điều tra lý lịch của khách. Tôi sẽ báo cáo và có người đi làm việc đó.

Rồi ông xé vé con nít đưa cho Bích.

Ngày hôm sau, trong phòng các giáo sư chỉ có một mình thầy Cang. Có tiếng gõ cửa và Mạnh ló đầu vào :

- Thưa thầy có một ông khách tới ở nhà chơi, ông bảo con đi báo cho thầy nào biết cũng được.

Thầy Cang :

- Ông hiệu trưởng đang bận. Em ra mời ông ấy vào đây, thầy sẽ đi mời ông hiệu trưởng xuống.

Một lúc sau, một ông thật cao, chững chạc bước vào phòng. Gương mặt ông nghiêm nghị, lại còn mang một cặp kính trắng không viền và nơi tay, một cái cặp giấy. Giọng ông khoan thai rõ ràng :

- Xin chào ông. Tôi tên Trần Đức Minh, thanh tra của Bộ Giáo Dục.

- Ô, xin chào ông Thanh tra. Ông tới bất ngờ quá làm chúng tôi chẳng kịp sửa soạn gì cả.

- Hôm qua tôi có gửi giấy rồi mà.

- Sao không nghe ông hiệu trưởng nói gì cả… – thầy Cang lẩm bẩm.

- Dạ, mời ông ngồi.

Thật ra, ông hiệu trưởng mới ở Sàigòn về. Cả một xấp thư từ, công văn, ông chưa kịp xem cái nào cả.

Ông Đức Minh ngồi xuống và nhẹ nhàng nói :

- Đúng ra, chưa đến kỳ đi thanh tra. Nhưng tôi được phái đến đây để duyệt lại một vài vấn đề mà trước đây Bộ đã lưu ý.

- Dạ, để tôi đi mời ông hiệu trưởng… Phiền ông ngồi chờ chút xíu… Ông có đọc báo ngày hôm nay không ạ ?

- Ồ, cám ơn ông. Tôi có đem theo Tập san Sử học đây. Trong khi chờ đợi, tôi xem qua cũng được. Trước kia tôi là một giáo sư Sử Địa.

Thầy Cang lịch sự gật đầu mà chợt nhớ đến thầy Vinh : hôm nay thầy có giờ Sử ở đội 3, phải báo cho anh ta biết để chuẩn bị… ừ mà cũng phải báo cho bà Sinh biết để lỡ ra ông có xuống dưới ấy.

Qua hành lang, thầy Cang gặp Mạnh và Ẩn đang cãi nhau ỏm tỏi. Thầy gọi :

- Mạnh, Ẩn, lại đây.

Hai đứa giật mình, rón rén đi lại :

- Dạ thầy gọi hai đứa con.

- Cái gì mà om sòm vậy… – Mạnh đi tìm thầy Vinh giùm thầy và nói với thầy là có ông Thanh tra tới – Còn Ẩn xuống nói với bà Sinh là có lẽ ông Thanh tra cũng xuống dưới đó nữa.

Ẩn lắc đầu :

- Dạ, thưa thầy con phải đi tập đàn bây giờ…

- Vậy tìm đứa nào đi thế cho cũng được.

Xong, thầy Cang vội vã quay đi.

Ẩn vừa lên tới phòng đàn thì gặp Mão đang làm thằng mù dò dẫm đi. Hai đứa đụng nhau đau điếng. Mão mở choàng mắt càu nhàu :

- Mày không chịu nhìn chi cả. Tao là phi hành gia mù, mày phải tránh đường cho “phi thuyền bay” chứ. Tao sẽ bay tới phòng bà Sinh nhờ bà mạng giùm chiếc bít tất…

Ẩn cười dễ dãi :

- Thôi, tao xin lỗi. Tới phòng bà Sinh hả ? Nói giùm tớ là ông thanh tra sẽ xuống dưới đó.

Mão ngập ngừng rồi cũng gật đầu :

- Ổng thanh tra gì vậy ?

- Ai mà biết. Thầy Cang đâu có nói.

- Cả đống thứ thanh tra : thanh tra vệ sinh, thanh tra trường học, thanh tra tùm lum… Tao biết thứ thanh tra gì bây giờ ?

Ẩn nói đại :

- Thanh tra nào cũng được. Cứ nói ông thanh tra là được rồi.

Mão không chịu :

- Đâu được. Phải rõ ràng chứ. – Mão nhíu mày – Hay là… ông ta là nhân viên của hãng “Esso gaz”. Chắc ông ta tới để tính tiền gaz tháng vừa rồi chứ gì.

Ẩn gật đầu :

- Chắc vậy.

Mão lại nhắm mắt, tay quay vù vù : phi thuyền bắt đầu cất cánh. Vừa chạy nó vừa hát :

Tính tính tính tình tang tang.

Ông thanh tra đi viếng bà Sinh.

La lá la la là…
_________________________________________________________________________________
Xem tiếp Phần X

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 204, ra ngày 1-7-1973)
Bìa của Vivi - Bên khung cửa Extachrome

Thằng Bảo (Phần VIII)


Ẩn :

- Tớ có dặn bà tớ mang mà bà tớ bảo đau, ăn thứ đó không được.

Bích lại giảng hòa :

- Mấy đứa này sao… Nếu tụi mày còn muốn làm tiệc, tao đề nghị góp tiền… Đứa nào có bao nhiêu góp nhiêu đó.

Bảo hăng hái :

- Tớ có 170đ

- Tớ có tấm mandat 200.

Mạnh : 100, Bích 80, Ẩn không có gì cả nên lãnh phần đầu bếp.

Bích cộng tất cả lại :

- 170, 200, 100, 80… Vậy tất cả là 550đ.

Cả bọn vỗ tay reo mừng.

Mạnh náo nức :

- Bao giờ thì mình ăn được ?

Mão :

- Làm sơm sớm chừng nào hay chừng ấy. Kẻo thằng Ẩn lại ăn vạ ở phòng bệnh thì khổ… Hay là tối mai đi. Đứa nào xin đi phố mua đồ rồi về mình trộn chung tất cả bắc lên bếp. Được không ?

Mọi cặp mắt đều hướng về phía Bảo làm thằng bé ngập ngừng : nó không muốn làm thầy Vinh giận nó thêm nữa. Nhưng… nó là “Sếp sòng”… nên nó phải nhận lời :

- Được, tớ nhận việc đi phố – Chà, còn bài Sử… Không biết bao giờ mới thuộc được đây…

Sáng hôm sau Bảo lấy tờ giấy ghi những thứ cần thiết phải mua.

- Thịt mỡ… 100g.

- Xúc xích… 5 miếng.

- Khoai tây… chừng ba củ.

- Một ít bánh rán để lỡ tụi phòng bên cạnh có qua.

Mão đưa tấm mandat cho Bảo. Bảo hất đầu về phía Bích :

- Còn phần bồ ?

Bích lôi trong ngăn ra bốn chai limônat không lên bàn :

- Một chai bán được 20 đồng. Vị chi là 80 tất cả.

Thấy Bảo ngơ ngác, nó giải thích :

- Bất cứ tiệm tạp hóa nào cũng mua vỏ chai. Họ mua chắc giá là hai chục đồng một cái.

Còn Mạnh đem ra mấy con tem :

- Bốn con tem 25đ mới tinh, được 100 – Có cái hết cồn ở đàng sau rồi, 1 cái bị dính mực sơ sơ, nhưng không sao, chưa cái nào có đóng dấu cả.

Bảo không chịu :

- Lỡ họ không mua thì sao ?

- Sao lại không mua. Mày biết không mỗi lần hết tem, họ mua ở Sàigòn cơ đấy, mình bán cho họ, họ đỡ phải mua tận Sàigòn.

Bảo miễn cưỡng nhận :

- Vậy là đúng 550 đồng.

Mão vỗ tay nói lớn :

- Ha… ha… ha vậy là mình có quyền ăn thả cửa.

Tiếng chuông vào lớp vang lên. Bọn trẻ ùa nhau chạy nhanh về lớp sắp hàng. Đứa nào cũng tưởng tượng tới bữa tiệc ngon lành chúng sắp được hưởng.




CHƯƠNG X

Bọn trẻ đang sắp hàng vào ăn cơm trưa thì bà Sinh bưng mâm cơm từ trên phòng bệnh bước xuống. Đi ngang qua thầy Cang, khi ấy đang khám tay bọn trẻ, bà nói thầm một vài câu với thầy.

Đàng kia thầy Vinh đang dán bảng tên các đội banh chiều nay. Bà Sinh nhắc :

- Đừng quên nghe thầy Vinh. Có chừng 3, 4 người gì đó không kể thầy Hinh.

Một phút luống cuống, thầy Vinh cười :

- Ồ, may bà nhắc tôi mới nhớ. Tại bận nhiều việc quá nên tôi không để ý.

- Còn giờ mà. Thầy lấy xe chạy ra phố một chút cũng được.

- Xe tôi hư, chưa sửa xong.

Bà Sinh cố giấu vẻ thất vọng qua nụ cười thật tươi :

- Ồ, chẳng sao ! Có ai đi thì thầy nhờ mua cũng được.

Thầy Vinh nghĩ thầm : ai mà đi phố chiều nay, thầy Cang, bận coi bọn nhỏ… Không nhờ thầy Hinh…

- Thưa thầy, con xin phép…

- Xin phép ?

- Dạ…

- Xin thầy Cang kìa, tôi không có phận sự.

Bảo quay sang thầy Cang :

- Thưa thầy cho con ra phố mua ít đồ ăn…

Thầy Vinh khó chịu :

- Lúc nào cũng ăn với ăn…

Thầy Cang thông cảm hơn vì trong trường không có hàng quà bánh. Thầy thường cho phép như vậy nên thầy dễ dãi gật đầu :

- Được. Nhưng phải về cho sớm trước giờ học.

- Dạ cám ơn thầy.

Và nó định chạy về chỗ, nhưng thầy Vinh đã gọi nó lại :

- Nếu anh qua phố, thì mua giùm tôi một ít bánh ngọt được không ?

- Thầy mua bánh… để ăn ?

- Chứ không lẽ để vất đi… Đây 500… mua một chục cái giống nhau.

Bảo cầm tiền :

- Rồi con đem vào trong phòng thầy ?

Thầy Vinh gật đầu. Bà Sinh vừa đi ngang, bà dặn theo :

- Này Bảo, nói họ đem tới trường cũng được, đừng ôm theo mà nó nát hết ra.

Bảo dạ thật to rồi chạy mất.

Trên đường ra phố, Bảo vừa đi vừa nhẩm lại bài Sử :

- Vua Gia Long… năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi… lấy hiệu là Gia Long – Nó gật đầu chào con ngựa đua đang nhai cỏ bên bờ giậu. Hôm nay là thứ hai, tới thứ sáu không biết nó có thuộc hết không ? Học được hai trang mà cứ vấp lên vấp xuống.

… Năm Giáp Tí (1804) tức Gia Long năm thứ ba, vua nhà Thanh mới phong vương cho vua Gia Long… Năm 1806…

Nó cười với con sáo sậu đậu trên cao – Nó cố nhớ cái biến cố xảy ra năm 1806. Nhưng đến đầu phố thì đầu óc nó chẳng còn mảy may nghĩ đến bài Sử nữa. Nó còn phải tính toán để mua hàng nữa chứ.

Trước tiên phải mua bánh cho thầy Vinh. Nó vào tiệm bánh Như Mai – Bà Như Mai từ dưới bếp đi lên nhìn nó tươi cười :

- Cậu mua gì đó ? Hàng tôi có đủ thứ : pâté chaud, bánh kem, bánh đậu xanh, hạt sen… Thứ nào cũng ngon và mới làm cả.

- Không sao ! Bà lấy cho cháu 1 chục cái giống nhau và bà đem tới trường giùm cháu.

Bà Như Mai bỏ tiền vào hộp :

- Cậu cho tôi địa chỉ chút nữa nhà tôi về sẽ đem tới cho cậu.

- Tên cháu là : Nguyễn Hoàng Bảo _ Trường Tây Sơn.

Cậu khách đi rồi, bà chủ lựa một chục cái cẩn thận bỏ trong một hộp giấy và đề bên ngoài :

Dễ vỡ - Khẩn

Nguyễn Hoàng Bảo

Trường Tây Sơn.

Trong lúc đó, chẳng để mất thời giờ, Bảo chạy nhanh ra tiệm bán tạp hóa. Nó gặp một cô bán hàng thật xinh.

- Xin lỗi cô ! Ở đây có bán ra-gu hộp không ?

- Không, thứ hộp chúng tôi không có, nhưng chúng tôi có đủ các thứ để nấu. Cậu muốn mua không ?

Bảo lôi trong túi ra các thức cần mua. Cô bán hàng đi lấy và sửa soạn gói lại… Bảo chợt nhớ tới món bánh rán và tráng miệng, không biết có đủ tiền mua không. Nó hỏi :

- Cô ơi ! Tất cả cái này giá bao nhiêu…

- 410 đồng cả thảy.

- Vậy thì được, tôi có 550 đồng… À cô ơi ! Ở đây cô có mua vỏ chai này không ?

Bảo đặt bốn vỏ chai lên mặt bàn và… chờ đợi : nhìn qua màu cái vỏ chai cô bán hàng… lắc đầu :

- Không phải… ở đây chúng tôi không mua cái loại này.

- Sao không mua ? 20 đồng một cái mà.

- Ở đây chúng tôi không bán loại nước ngọt này nên không mua vỏ được. Cậu thông cảm cho.

Mặt Bảo xìu xuống :

- Á !!! Vậy là mất 80. Thôi ! Cô lấy lại hàng đi. Để tôi đi lãnh tiền rồi lấy mấy thứ kia.

Nhưng ở Bưu điện, nó lại thất vọng : nó đưa tấm bưu phiếu và ông già ngồi trong quầy hỏi nó :

- Thẻ học sinh của em đâu ?

Bảo đưa tấm thẻ học sinh cho ông già. Lật qua lật lại, ông cau mày :

- Em tên Bảo ?

- Vâng, cháu tên Nguyễn Hoàng Bảo.

- Vậy, tôi không thể đưa tiền cho em được.

- Thưa ông sao vậy ?

- Vì trong mandat đề tên Mão.

- Dạ, đúng rồi. Mão là bạn cháu, nó nhờ cháu lãnh giùm.

- Không được, của ai thì chính người ấy tới lãnh mới được.

Bảo bàng hoàng :

- Thật là đại họa. Nhưng thưa ông cháu có thể xóa tên Mão và đề tên cháu được không ạ ?

Ông già bật cười :

- Thế cháu không sợ mang tội giả mạo ? Ở tù đó nghe cháu.

Nghe nói đến ở tù Bảo lè lưỡi. Nó dợm bước đi, nhưng nhớ tới mấy con tem, nó quay lại :

- Thưa ông, còn mấy con tem này, ông có mua không ?

- Tem ? – ông già kêu lên – Đây chỉ bán tem chứ không mua tem. Vả lại cậu coi, tem gì mà dính mực tùm lum, lại chẳng còn keo nữa thì làm sao mà xài.

- Thì ông chịu khó cho một tí keo vào cũng được…

Ông già chỉ cười lắc đầu. Nó thở dài và quay lại tiệm tạp hóa, trả lại gần hết những thứ nó đã mua, rồi chạy vội về trường. Mấy cái vỏ chai đập vào nhau kêu loong coong… loong coong…




CHƯƠNG XI

Về tới trường, nó kể lại cho tụi bạn nghe những khổ cực của nó, nhưng chẳng có đứa nào để ý cả : càng tốt, phần của chúng chẳng hư hao gì cả. Tức quá Bảo la lên :

- Tụi bây chỉ là lũ ăn hại. Chỉ có mình tao lãnh tất cả thôi. Cứ ngồi đó mà chực người ta đưa tới miệng thôi.

Mạnh an ủi :

- Thôi mà Bảo, trộn xúc xích với khoai tây nấu bậy cũng được mà. Để tớ ăn cắp thêm mấy lá su bỏ vào nữa là chu !

Bảo giật mình :

- Mày không lượm ở thùng rác chứ ?

- Không ! Không đời nào ! Tao xin thằng Bình mà.

Ẩn lấy dũa móng tay gọt khoai và lấy dao gọt bút chì để cắt ra từng miếng nhỏ. Nó trộn tất cả vô một cái lon sắt, thêm chút nước. Sau cùng nó bắc lên lò…

Sau khi ăn cơm, Mạnh xuống coi. Nồi ra-gu gần sôi, mùi thơm làm nó thèm nhỏ dãi.

10 phút sau, Mão chạy xuống và tuyên bố là sơn ở cái lon đang tróc, có lẽ sắp chín.

8 giờ rưỡi, Bảo chạy xuống và ở tịt dưới đó luôn. Chuông đi ngủ mà nó vẫn chưa lên.

Đứng trong hàng chờ lên phòng ngủ, Mạnh thì thầm :

- Tụi mình phải leo lên giường thật lẹ. Để thầy Cang sang là tắt đèn liền. Và lúc thầy đi ăn lần thứ hai thì mình cũng bắt đầu nhập tiệc.

Bích cười hóm hỉnh :

- Tớ chỉ thích cái vụ ăn thôi…

- Ừ, tớ cũng vậy… Mà sao thằng Bảo làm gì dưới đó mà tới bây giờ vẫn chưa lên ?

Thầy Cang cho phép bọn trẻ đi lên. Khi đi ngang qua nhà chơi, liếc lên bàn, Mạnh bỗng chú ý tới cái hộp vuông vuông có hàng chữ :

Dễ vỡ - Khẩn

Nguyễn Hoàng Bảo

Trường Tây Sơn

Mạnh ngạc nhiên, nó tò mò mở nắp hộp :

- Ồ, Bích ơi ! Bánh ngọt : 1, 2, 3, 4… đủ chục cái…

Bích cũng ngạc nhiên không kém :

- Tiền đâu mà nó mua vậy nhỉ. Sao nó không cất đi mà lại để ở nhà chơi ?

Mạnh lý luận :

- Chắc nó muốn dành cho bọn mình một sự ngạc nhiên. Cái thằng coi thế mà… ghê. Mình phải chơi lại nó mới được.

Mạnh ôm hộp bánh lên lầu. Và cho chắc ăn, Mạnh giấu ở phòng để chổi, sô, bố lau nhà. Nó cẩn thận đậy cái sô lên. Rồi hai đứa hấp tấp chạy lên nhà ngủ, thay quần áo thật lẹ. Bích còn dặn :

- Đừng đứa nào hỏi chuyện lôi thôi nghe, để mau mau thầy Cang về phòng.

Lúc đó chúng nghe có tiếng chân chạy trên cầu thang và bóng Bảo nhảy xổ vào :

- Nguy quá tụi bây ơi ! Ông già Tư đang quét dọn dưới đó. Ông cũng thấy tớ nữa. Thế nào ông cũng đi mách với các thầy.

Mạnh đút vội 5 cái dĩa giấy mà nó hì hục làm cả buổi chiều xuống dưới gối :

- Thế còn cái nồi ? Ra sao rồi ?

Bảo vừa cởi áo vừa trả lời :

- Vừa chín. Hơi cháy. Chẳng còn tí nước nào, xúc xích nó đen đen rồi.

Ẩn la lên :

- Đen ? Thế cháy rồi hả ?

- Chưa cháy, chỉ đen thôi. Nếu bây giờ bắc xuống thì được, chốc nữa sợ đắng.

Mạnh nheo mắt :

- Có món tráng miệng nữa phải không Bảo ?

- Tráng miệng ở đâu ?
_________________________________________________________________________________
Xem tiếp Phần IX

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 203, ra ngày 15-6-1973)
Bìa của Vivi - Nắng hè

Thằng Bảo (Phần VII)


Thầy Cang :

- Thôi anh đến nói cho bà ta biết cho rồi… – Thầy Cang nhìn đồng hồ – thôi tôi xuống coi bọn trẻ nhé.

Thầy Cang đi rồi, thầy Vinh cũng chán nản đi về phía nhà đau.

Trong lúc đó, ở trên gác thượng, tình trạng càng thảm não hơn.

Dùng hết mọi cách cái cửa quái ác vẫn không chịu nhúc nhích, Bảo than thở :

- Trời ơi ! Sao chẳng có ai đi qua để mình kêu mở giùm nhỉ ?

Nó suy nghĩ thật nhiều để tìm cách kêu cứu. Bỗng mắt nó sáng lên : có cách rồi. Gác thượng nằm phía trên phòng bệnh. Dưới đó có thằng Ẩn nằm. Nếu nó làm cho thằng Ẩn chú ý, chúng sẽ được giải thoát. Nó giải thích cho Mạnh hiểu rồi kết luận :

- Nếu thằng Ẩn dậy không được, nó sẽ nói cho bà Sinh biết lên mở cửa cho tụi mình.

Mạnh thắc mắc :

- Nhưng làm sao cho thằng Ẩn biết tụi mình đang mắc kẹt ở trên này ?

- Đơn giản lắm : mình chỉ việc tìm cái gì dài dài để đập vào cánh cửa kính là nó phải chú ý liền.

Rồi Bảo lấy cái lồng, nối các sợi dây cột giấy tờ lại được một sợi dây thật dài. Trước khi vào việc, Bảo cẩn thận bỏ con chuột vào trong áo sơ mi.

Bảo nói :

- Nếu đập vào cửa kính không được thì mình đập trên nền nhà cũng được. Cái này bằng mây nên không sợ bể gạch.

… Ở dưới nhà đau, bà Ái đang ngồi nói chuyện với cháu thì thầy Vinh bước vào. Thầy lúng túng :

- À, bà Ái. Thật tôi không biết nói sao cho bà hiểu. Nhưng bà cứ yên trí tôi sẽ phạt những đứa hay phá phách.

Bà Ái ngơ ngác :

- Thưa thầy, thầy nói gì ạ ?

- Dạ, hai thằng bé, tôi bắt được ở vườn rau… chúng không được phép mang con mèo vào phòng tôi…

Bà Ái lại càng ngơ ngác :

- Thầy nói gì mà có con mèo trong đó nữa ?

Thầy Vinh vẫn không chú ý tới vẻ ngơ ngác của bà Ái :

- Thưa bà, thật đáng tiếc. Nhưng những chuyện tương tự như vậy ở trường nào cũng có, dù trường đó có khắt khe đến đâu cũng vậy.

- Xin lỗi thầy, hồi nãy giờ thầy nói gì tôi không hiểu. Thầy làm ơn nói lại cho tôi hiểu được không ?

Thầy Vinh chợt nhận ra cái ngớ ngẩn của mình, thầy bối rối… thì bỗng có tiếng “bum… bum… “, im một chặp rồi lại “bum… bum… “ đều đặn gõ trên trần nhà.

Thằng Ẩn cười lên ha hả :

- Thầy, thầy có nghe gì không, hay quá thầy nhỉ. Hahaha…

Bà Ái cũng cười theo cháu. Thầy Vinh lại càng luống cuống : không biết đứa nào… Thầy xin lỗi :

- Xin lỗi bà, để tôi đi xem đứa nào mà phá dữ vậy.

Bà Ái không ngờ trong nội trú lại có những trò chơi kỳ lạ như vậy.

Tiếng chạy như ngựa phi trên cầu thang cho Bảo và Mạnh biết có người đang đi lên gác thượng, hai đứa hồi hộp đứng chờ. Nhưng bỗng chúng tái mặt khi nghe tiếng giận dữ của thầy Vinh :

- Ai ở trong đó ?

Bảo run run :

- Dạ… tụi con.

- Ai ?

- Dạ, Bảo với Mạnh.

Bảo, Mạnh, lại cũng hai thằng quỷ này. Thầy quát :

- Có mở cửa ra không hai thằng quỷ.

Giọng Bảo mếu máo :

- Dạ thưa thầy… quả đấm rớt ra phía bên đó rồi.

Nhìn xuống đất thầy Vinh thấy quả đấm và que sắt nằm lăn lóc trên bậc thang. Thầy lấy xỏ vào lỗ và xoay mạnh, cánh cửa bật mở. Thầy thấy hai thằng bé đang khép nép đứng sát vào nhau.

Thầy tức tối :

- Các anh làm gì ở đây ?

- Thưa thầy chúng con bị nhốt.

- Tôi hỏi các anh làm gì ở trên này ?

Bảo ấp úng :

- Dạ… chúng con chờ thầy…

- Tôi bảo các anh chờ tôi trên gác thượng hả ?

- Dạ không, nhưng con thấy con mèo, con sợ nên lên đây tìm cái lồng…

- Các anh định nhốt con mèo vào trong cái lồng ? ?

- Dạ không… con lấy cái lồng để nhốt…

Ánh mắt thầy Vinh chợt đậu trên thắt lưng của Bảo, cái áo được bỏ trong quần thật gọn ghẽ, nhưng sao nó lại căng phồng lên như thế kia. Và chỗ phồng nó lại động đậy nữa chứ. Thầy nhìn thẳng vào mặt Bảo :

- Bảo ? Cái gì trong bụng anh vậy ?

Bảo líu ríu lôi con vật ra. Thầy Vinh chụp lấy la lên :

- Con chuột Tàu… Ở đâu các anh có đây ? ?

Bảo ấp úng :

- Dạ con chuột của chúng con… chúng con tìm cái lồng…

- Con chuột của các anh ? Tôi xin đính chính : nó là con chuột của tôi chứ không phải của các anh.

Bảo cãi lại :

- Không, của chúng con, tuần trước chúng con mất, bữa nay mới tìm lại được.

- Còn tôi, tuần trước, tôi tìm lại được và mới mất ngày hôm nay.

Hai đứa tròn mắt nhìn thầy Vinh… Mạnh bỗng vụt nói :

- Thế ra… thầy cần mấy lá su để cho nó ăn…

- Chứ sao… không lẽ tôi lấy để ăn sống !

Và quay lại phía Bảo thầy ra lệnh :

- Bảo, bỏ con này vào lồng rồi đi ra lớp, sau giờ học đến gặp tôi. Mau !

Bảo bàng hoàng làm theo và đi xuống. Bóng hai thằng bé khuất sau cầu thang, thầy Vinh thở dài khoan khoái : tưởng nó đi đâu mất rồi chứ… Cái thằng Bảo, thầy không thể nào tha thứ được.

Khi bà Ái ra về thì giờ Sử của thầy Vinh cũng gần hết, thầy vội vàng chạy ra lớp, chưa đến cửa thầy đã giục :

- Mau lên ! Giở sách Sử chương chín…

Cả lớp xịu mặt. Nãy giờ vắng thầy, cả lớp tha hồ chơi : Bích chơi cờ ca-rô với Mão, Thuyết lợi dụng thời cơ để xếp lại tập tem, Bình, Truyền chơi phóng tên bằng cây bút của Bảo cho đến khi cái ngòi gãy thì chúng quay qua nói chuyện gẫu… Đứa nào cũng đinh ninh thầy Vinh không tới, vậy là tuần này không có bài Sử : điều mà đứa nào cũng mong muốn.

Nhưng giờ thì bọn trẻ thất vọng, thầy Vinh đã đến, và sắp sửa giảng bài mới. Đứa nào cũng uể oải lạ. Chúng hờ hững lật từng trang giấy…

Thầy Vinh vừa đến cửa lớp thì Mão vụt đứng dậy :

- Thưa thầy trang mấy ạ ?

- Chương chín !

Tiếng thầy Vinh nạt to làm Bình đang lơ đễnh nhìn ra cửa giật mình. Nó lúng túng mở vội quyển sách, thầy Vinh nhìn nó, nó rụt rè :

- Thưa thầy chương mấy ạ ?

- Trời ơi ! – Thầy Vinh hét lạc cả giọng – chương… tôi nói tới 4 lượt mà chưa nghe ! Bốn.

Bích ngạc nhiên :

-Thế sao hồi nãy thầy nói chương chín, bây giờ thầy nói chương bốn ?

Thầy Vinh đập tay lên bàn quát :

- Tôi chịu hết nổi cái lớp này. Tôi bảo chương chín và tôi nói đi nói lại tới bốn lần rồi.

Phải một lúc sau, tất cả mới tìm ra bài học mới. Và thầy Vinh bắt đầu.

- Hôm nay chúng ta nói đến triều đại vua Gia Long…

Giảng được một chút thì chuông hết giờ. Bọn trẻ thở ra nhẹ nhõm : như vậy chắc bài sẽ ngắn. Nhưng chúng mừng chẳng được lâu :

- Tuần này – tiếng thầy Vinh rõ ràng – học hết bài này, có gì tuần sau tôi sẽ giảng…

Cả bọn ùa nhau ra sân chơi. Chỉ còn lại hai kẻ tội phạm. Thầy Vinh ném tia mắt giận dữ về phía chúng. Bảo ấp úng :

- Thưa thầy… thầy bảo chúng con hết giờ… ở lại…

- Hừ, tới đây, hai thằng ranh… Tôi muốn điên đầu vì hai đứa mày được ! Nghe đây : Trong hai tuần, bắt đầu từ ngày hôm nay, các anh không được tham dự trò chơi nào, và ăn zêrô điểm hạnh kiểm.

Chừng như thấy chưa đủ, thầy Vinh tìm thêm một hình phạt khác. Mắt thầy chạm phải quyển sách Sử để trên bàn. Thầy thêm :

- Và chép thật sạch, thật đẹp 6 trang đầu bài giảng ngày hôm nay.

Mạnh cúi đầu chấp nhận. Nhưng Bảo thưa :

- Thưa thầy, con chép không được, vì bút của con ai làm gãy rồi.

Bình và Truyền đi chơi ngang, chúng làm lơ luôn : đâu phải chúng cố ý, tại lỡ mà, vậy đâu có lỗi, chúng lý luận như vậy. Thầy Vinh hơi tức. Nhưng thầy gật gù cười thầm :

- Được, nếu vậy anh học thuộc lòng cho tôi cả 6 trang đó cho giờ Sử tuần sau.

Bảo sợ hãi :

- Thưa thầy…

Thầy Vinh gắt :

- Không thưa gởi gì cả. Học cho tuần sau. Để hết thời giờ phá phách.



CHƯƠNG IX

Trong giờ chơi buổi sáng, ban trị sự trường nội trú Tây Sơn thường họp lại ở phòng các giáo sư để giải khát hoặc nghỉ ngơi. Trong khi bọn học trò đang hò hét chạy nhảy ngoài sân.

Sáng hôm đó, khi thầy Cang bước vào phòng thì các thầy khác đã có mặt đầy đủ rồi. Chỉ vắng có thầy Hiệu Trưởng : Bà Sinh đang nói chuyện với thầy Hinh, thầy giáo ở các lớp nhỏ, người cao lớn thích trầm lặng ; thầy Tuyên, dạy Sinh ngữ đang nói chuyện với thầy Giao, dạy Địa và Vẽ, về cuộc đá banh giao hữu vừa qua. Các thầy khác thì đọc báo, hoặc chơi ô chữ…

Trong một góc, thầy Vinh ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành, tách trà bốc khói để bên cạnh và chồng vở Đại số ở trên đùi.

Thầy Cang tiến tới chỗ thầy Vinh vui vẻ :

- Anh Vinh ! Anh đã tìm ra con chuột Tàu cho bà Ái ?

Thầy Vinh gật đầu :

- Nhưng tôi mất gần trọn giờ Sử ở đội 3. Thật tôi chịu cái đội quỷ này.

Thầy Cang cười thông cảm :

- Chúng phá phách quá. Thầy Hiệu trưởng cũng đang lo ngại ông Thanh tra tới và gặp chúng…

Thầy Vinh chồm lên :

- Sao ? Anh nói gì mà ông Thanh tra tới ? Ông mới tới đây mà…

Thầy Cang cũng đâu biết gì hơn. Chỉ ba tháng mới có một cuộc thanh tra chính thức của Bộ, nhưng thỉnh thoảng cũng có một viên Thanh tra tới xét lại các báo cáo lắm chứ.

Thầy Vinh chán nản :

- Tôi mong cho ông ta đến đừng nhằm giờ Sử của tôi ở đội 3.

Và thầy buồn bã kể lại cuộc thanh tra lần trước. Một ông thanh tra hỏi bài Sử chúng vừa học, thế mà… đứa nào đứa nấy đứng đực ra như người trên rừng mới xuống vậy.

Thầy kết luận :

- Thật ! Tôi xấu hổ quá chừng. Có phép độn thổ thì tôi cũng trốn đi đâu cho đỡ ê mặt.

Và thầy đứng dậy bực dọc :

- Một lần nữa chắc tôi điên mất…

Lúc đó bà Sinh ở đâu lon ton chạy tới :

- Thầy Vinh ! Thầy Cang ! Tôi nói cái này – và bà làm ra vẻ quan trọng – Thứ hai này là Sinh nhật của thầy Hinh…

Thầy Vinh càu nhàu :

- Già rồi mà còn bày đặt Sinh nhật.

Bà Sinh không vừa :

- Chứ thầy cho là già rồi không thêm tuổi hay sao ?

Thầy Cang vui vẻ giảng hòa :

- Thôi. Anh Vinh giờ chỉ nghĩ tới đội 3 của anh ấy thôi. Dẹp qua một bên đi.

Thầy Vinh cười theo :

- Ừ thì bỏ. Nào, bà định làm gì ?

Bà Sinh :

- Tôi định sẽ làm một bữa tiệc nhỏ : bình cà phê, vài cái bánh ngọt, được rồi.

Thầy Vinh :

- Bà Sinh lo phần cà phê cà pháo đi – Tôi lãnh phần bánh ngọt cho.

Bà Sinh tươi cười :

- Được. Nhưng đừng cho thầy Hinh biết nhé. Mình dành cho thầy một sự ngạc nhiên.


*


Mạnh phải lợi dụng hết mọi giờ rảnh để chép gần xong. Nó nhìn sang Bảo :

- Thuộc hết chưa ?

Bảo nhăn nhó lắc đầu. Sao đầu óc nó bây giờ tối tăm thế. Mọi bữa, chỉ loáng một cái nó đã thuộc bài, thế mà bây giờ, cả giờ nó chỉ học được 4, 5 giòng là cùng. Đã vậy còn quên trước quên sau nữa chứ. Sau cùng nó quyết định học một trang cho thật thuộc cái đã. Và nó cầm trí học bài…

- Mạnh, tao thuộc được một trang rồi. Dò giùm tao đi.

Rồi nó nhắm mắt, lẩm bẩm trong đầu :

- …

Mạnh nghiêm trang sửa lại gọng kính :

- Rồi đọc đi…

- À…

Đúng lúc đó thì cánh cửa xịch mở. Ẩn vui vẻ bước vào : nó đã khỏi bệnh. Bà Sinh cho nó về vào ngày chủ nhật để lo sửa soạn đi học lại ngày thứ hai. Thế là mất toi hai ngày nghỉ dưỡng bệnh. Nó cười hất đầu về phía các bạn :

- Thế nào ? Chào tất cả ! Có gì lạ không ?

Bảo lắc đầu :

- Chẳng có gì. Thầy Vinh giận tụi này quá xá. Tụi này bắt con chuột Tàu của thầy làm thầy tìm một bữa… gần chết…

Ẩn không hay biết gì về con chuột Tàu. Bảo kể đầu đuôi cho Ẩn nghe và nó kết luận :

- Nó tên Hoàng Thiết, tụi này đặt tên cho nó đấy.

Và nó tiếp, giọng tiếc rẻ :

- Tụi này đã nhìn kỹ được đâu, thầy Vinh chuyên môn phỗng tay trên mà. Chậc ! Nó dễ thương chi lạ…

Tối hôm đó phòng ngủ số 4 nhộn nhịp hẳn lên. Ẩn đã khỏi bệnh, và câu chuyện về bữa tiệc lại được đem ra bàn tán.

Mão nhét vội cái áo vừa cởi ra vào tủ rồi quay lại Ẩn :

- Tại thằng Ẩn cả đấy. Hứa hẹn đủ điều rồi nằm ì ở phòng bệnh làm tụi tao đói meo…

Ẩn nhăn nhó :

- Tao bị đau thật mà…

Bích giảng hòa :

- Thôi đừng cãi nữa ! Bây giờ thằng Ẩn đã về, chúng mình có thể mở tiệc ngay đây được. Nào, những hộp ra-gu của mày đâu ?

Ẩn gãi đầu bối rối :

- Bà tớ… chỉ mang một chai Sirop và một con chuột Tàu.

Mạnh bĩu môi :

- Xời ơi ! Vậy mà cũng đòi giành…
_________________________________________________________________________________
Xem tiếp Phần VIII

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 202, ra ngày 1-6-1973)