Mùa đông năm 2002 tôi có dịp ra Kontum và trọ lại một vài ngày tại Tòa Giám mục. Tiếc rằng hình ảnh chụp hồi đó đã thất lạc hết cả, chỉ còn nhớ buổi sáng cao nguyên mù sương và lối đi hun hút giữa hai hàng cây sứ cổ thụ dẫn vào Tòa Giám mục – một kiến trúc bằng gỗ từ thời Pháp thuộc.
Chuyến đi Kontum cuối năm vừa rồi khi biết sẽ lại được trọ qua đêm tại Tòa Giám Mục, tôi đã rất mừng, định bụng sẽ chụp thật nhiều hình. Thế nhưng đến nơi lúc 11 giờ đêm, chúng tôi chỉ kịp cơm nước qua loa, tắm rửa nghỉ ngơi một chút. Bốn giờ sáng hôm sau khi trời còn tối đen như mực chúng tôi đã phải thức dậy, “khăn gói quả mướp” đi tiếp cho kịp giờ hẹn ở một nơi khác. Một bạn đồng hành nói vui: Chúng ta đến và đi trong bóng tối như những kẻ trộm!
Thế là “giấc mộng” chụp hình của tôi tan vỡ. Tôi thất vọng quá!
Trời thương, sau hai ngày trèo đèo (không có lội suối), trên đường về lại Sài Gòn, bác tài xế có việc phải ghé qua thành phố Kontum độ nửa tiếng. Lúc ấy vào buổi chiều và trời sắp sửa tắt nắng. Tôi mừng rơn, nhờ một bác chạy xe “honda ôm” chở vào Tòa Giám mục và Nhà thờ Chính tòa Kontum để chụp vội vài tấm hình.
Thân mời quý bạn cùng xem.
.
1. Nhà Thờ Gỗ Kontum
Nhà thờ Chính tòa Kontum (còn gọi là Nhà thờ Gỗ) tọa lạc tại một khuôn viên khá rộng trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Kontum. Theo tài liệu, nhà thờ này được một vị linh mục người Pháp tên là Joseph Decrouille thiết kế theo nguyên mẫu nhà thờ ở vùng nông thôn quê hương ông. Nhà thờ được khởi công xây dựng từ năm 1913 đến 1918, có diện tích trên 700 mét vuông, mặt tiền có tháp chuông cao hơn 20 mét. Các bức tường nhà thờ đều được xây bằng vữa trộn rơm, một kiểu làm nhà truyền thống ở miền Trung Việt Nam.
.
Trước sân nhà thờ có pho tượng thánh Stêphanô Cuénot Thể (Stéphane Théodore Cuénot, 1802 – 1861) – Giám mục tử đạo, cũng là Ðấng khai sáng Miền Truyền Giáo Tây Nguyên Kontum và là Giám mục của 10 Ðịa phận Ðàng Trong.
*
2. Tòa Giám mục Kontum
Toà Giám mục Kontum – còn gọi là Chủng viện Thừa sai Kontum – được xây dựng vào năm 1935, nằm gần Nhà thờ Gỗ, trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Kontum.
Trừ hàng trụ dưới sàn nhà làm bằng xi măng cốt thép, còn lại toàn bộ ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ. Người có công lớn trong việc xây dựng trụ sở Tòa Giám Mục là vị Giám mục Tiên khởi của Giáo phận Kontum: Đức cha Martial Jannin Phước (1867- 1940). Ngài cũng là Đấng sáng lập Hội Thừa sai Kontum.
.
Tượng Đức cha Martial Jannin Phước – Giám mục Tiên khởi của Giáo phận Kontum.
.
Phòng Truyền Thống nằm trong khuôn viên Tòa Giám mục. Đây là một bảo tàng nhỏ trưng bày các vật dụng sinh hoạt, nông cụ của người Thượng. Tôi không vào chụp hình được bên trong vì đã đến giờ đóng cửa.
.
3. Nhà thờ “hội nhập văn hóa”
Nhà thờ Pleikly của người Jrai:
.
Nhà thờ Măng La của người Bahnar:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét