Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

MÁI NHÀ XƯA - BÍCH THỦY (Chương V - VI)

Chương 5

Việc tìm nữ ca sĩ Đan Thanh - nếu bà còn sống - tôi thấy không khó khăn gì lắm. Bà Đan Thanh là một nghệ sĩ tất nhiên tên tuổi của bà hẳn chưa bị lãng quên trong làng ca nhạc. Đáng lý xưa kia cô tôi phải làm công việc tìm kiếm như tôi bây giờ mới phải. Sự thể sẽ đỡ phiền phức biết bao nhiêu. Nhưng cơ hôi đã lỡ rồi, phiền trách cũng vô ích mà thôi.

Sau cuộc tiếp xúc với nhà báo Quê Hương tôi không còn can đảm bước chân vào một nhà báo nào nữa. Các chị ở chỗ tôi tạm trú mách nước cho tôi ra quán điện thoại, gọi đến báo Kịch Trường - tờ báo chuyên viết về sinh hoạt của giới ca nhạc kịch - hỏi thăm về bà Đan Thanh. Sau ít phút chờ đợi tôi được trả lời là nữ ca sĩ Đan Thanh nay đã già không còn xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu nữa và hiện mở lớp dạy hát tại tư gia, trong một chung cư ở đường X. Ba giờ chiều hôm ấy tôi tìm đến địa chỉ đã ghi. Bà Đan Thanh ở trên lầu. Tôi bấm chuông đứng đợi. Một chị giúp việc ra mở cửa. Thoạt nhìn tôi biết ngay chị mới ở dưới quê lên, cục mịch và thật thà. Tôi hỏi bà Đan Thanh. Chị ngó tôi:

- Cô gặp bà tôi có chuyện gì?

Tôi nói:

- Chuyện riêng!

Chị lắc đầu:

- Bà tôi dặn ai hỏi thì nói là bà đi khỏi... chỉ trừ những người tới học hát.

- Đúng ra thì... tôi...

- Vậy cô đến học hát hả?

Tôi chưa kịp giải thích rõ ràng chị đa le te quay vào:

- Để tôi báo cho bà biết.

Tôi bước vào một căn phòng khá rộng, bày biện lủng củng với những đồ đạc mà chắc khi mua sắm đã tùy theo hứng của chủ nhân. Chiếc bình phong Nhật Bản ngăn đôi căn phòng, đứng nhìn bộ ghế cẩm lai, vài con búp bê lồng trong hộp kính e thẹn bên giỏ hoa bằng nhựa đặt trên mặt chiếc tủ thấp, nơi dùng làm điểm tựa cho chiếc đàn ghi-ta dựng đứng một bên; chiếc dương cầm choán nhiều chỗ hơn cả, và có lẽ đó là linh hồn của các buổi tập hát.

Bà Đan Thanh tuy đã có tuổi nhưng vẫn còn tươi đẹp với phấn son. Bà đón tôi niềm nở:

- Có thêm một cô học trò nhỏ nữa. Tuyệt quá! Tên cháu là gì nhỉ?

- Thưa... Nguyễn Bảo Khánh!

- Tên cháu đẹp quá!

Bà Đan Thanh ngồi xuống ghế dương cầm.

- Cháu đã có học hát qua rồi chưa?

Tôi nhỏ nhẹ thưa:

- Dạ chưa. Đúng ra thì... cháu đến đây không có ý để xin học hát.

- Nếu vậy cháu đến đây có chuyện gì? Tôi đã dặn người nhà rồi mà! Thế đấy, con bé này đần độn quá!

Bà cất giọng bực bội gọi:

- Chị Út!

Tôi vội đỡ lời:

- Dạ, cháu xin lỗi đã lợi dụng sự hiểu lầm của chị Út để vào đây. Cháu cần được gặp bà vì có một chuyện quan hệ muốn hỏi.

Tôi vắn tắt kể cho bà nghe hoàn cảnh của tôi, giải thích cho bà biết hiện tôi đang kiếm các chứng nhân của vụ đắm tầu Bạch Phượng, hầu tìm ra thân nhân của tôi biệt tích trong đêm giông bão đó.

Bà Đan Thanh tái mặt im lặng nhìn tôi. Rồi bà tới ngồi xỉu xuống chiếc ghế bành đưa hai tay úp lên mặt. Giọng bà lạc hẳn đi:

- Tôi rất ân hận là không giúp cháu được việc gì cả.

Tôi khẩn khoản:

- Thưa bà, chắc bà còn nhớ...

- Không, không! Tôi không muốn nhớ gì hết. Tai nạn đó thật là khủng khiếp. Đêm nay chắc chắn tôi sẽ mất ngủ.

- Nhưng...

- Thôi! Cháu đừng nói nữa. Cháu về đi...

Cơn xúc động của bà Đan Thanh làm tôi bối rối. Miệng tôi vâng dạ mà chân thì cứ đứng trồng tại chỗ. Bà Đan Thanh bỏ chạy vào trong mặc tôi ngẩn ngơ cạnh chiếc dương cầm. Chiếc đàn đối với tôi lúc ấy giống như một con vật thời tiền sử, dãy phím ngà là hàm răng đang nhe ra. Tôi thẫn thờ ấn tay xuống một phím ngà. Tiếng đàn vang lên. Cùng lúc ấy tôi chợt nghe giọng nói châm chọc:

- Còn đứng đó mà gõ đàn nữa chớ!

Tôi quay đầu lại, không thấy ai trong phòng.

Bà Đan Thanh chạy đi kiếm nước uống đã tỉnh táo trở lại, mỉm cười bước ra:

- Xin lỗi cháu nhé. Câu chuyện vừa rồi làm tôi xúc động. Tôi phải tránh những gì làm hại cho sức khoẻ; bác sĩ đã căn dặn như thế.

Bà gọi chị giúp việc:

- Út ra mở cửa cho cô đi...

Và như không cần để ý đến tôi nữa, bà gọi một người đang chờ sẵn:

- Nào, cậu Chương đâu, mời cậu ra học tiếp.

Chiếc bình phong động đậy. Thì ra tiếng nói châm chọc vừa rồi phát ra từ sau tấm bình phong ấy. Một thanh niên trạc mười sáu, mười bảy tuổi bước ra. Tôi không khỏi nguýt anh ta một cái, và được hắn đáp lễ lại bằng một cái bĩu môi.

Bạn học cùng trường với tôi có nhiều anh trạc tuổi này. Họ vui vẻ, náo hoạt chứ không lầm lì, cau có như cái anh chàng khó thương đó.

Tôi ra khỏi nhà bà Đan Thanh. Cánh cửa đã đóng lại, tôi chơ vơ ngoài hành lang. Thêm một lần thất bại nữa.

Bí mật về tôi vẫn hoàn bí mật. Sự xuất hiện đột ngột khó hiểu của Chương càng khó hiểu thêm. Tại sao Chương tìm đến nhà báo Quê Hương trước tôi? Tại sao Chương cũng lại có mặt tại lớp học hát của bà Đan Thanh?

Những câu hỏi ấy làm tôi điên đầu. Tôi lủi thủi bước xuống thang, bần thần đứng trước bồn cỏ của chung cư.

Giữa lúc ấy thì bà vợ ông gác cổng xách chổi đi tới. Bà hỏi tôi:

- Cô tìm ai ở đây?

- Tôi đến gặp bà Đan Thanh. Nhưng...

Tôi ngừng lại, bỏ dở câu nói. Tâm sự với bà nào có ích gì?

Nhưng cũng như mọi người đàn bà mau miệng khác, bà niềm nở tiếp:

- Chắc bà Đan Thanh không chịu tiếp cô chứ gì? Phải rồi, bà ấy bận lắm! Nhiều ca sĩ thành tài được là nhờ công luyện tập của bà. Hồi còn trẻ bà là một ca sĩ nổi tiếng. Vợ chồng tôi làm việc ở đây lâu, tôi biết. Chà! Hồi đó bà được người ta tặng hoa quá xá!

- Hồi trẻ chắc bà Đan Thanh có đi trình diễn nhiều nơi lắm nhỉ?

- Còn phải nói! Bà đi từ Nam ra Bắc là chuyện thường xuyên. Rồi Mên, và cả ngoại quốc nữa.

Câu chuyện của bà vợ ông gác cổng làm tôi lưu tâm. Tôi dò hỏi:

- Mỗi lần đi như thế, chắc bà đi bằng máy bay?

- Không, hồi đó làm gì có sẵn máy bay như bây giờ. Hơn nữa vào kỳ chiến tranh Mỹ Nhật rồi Pháp Việt, chỉ có máy bay đi thả bom thôi. Thường thì đi bằng xe lửa hay tầu thủy. Chuyến đi cuối cùng của bà ấy bị nạn ngoài khơi. Dạo đó chiến tranh đã chấm dứt nhưng thiên hạ ùn ùn từ Bắc di cư vô Nam nên không ai nhắc tới vụ đắm tàu ấy cả.

- Chuyến ấy chắc bà ta thoát nạn nhỉ?

Câu hỏi của tôi làm bà vợ ông gác cổng bật cười:

- Dĩ nhiên, vì bà ấy còn sống nhăn đó thôi!

Tôi cũng cười, vì câu hỏi thật ngớ ngẩn của mình.

- Thế còn... con gái của bà Đan Thanh?

- Con gái... con gái nào?

- Bà Đan Thanh có lập gia đình chứ?

- Có. Nhưng chồng bà ấy chết lâu rồi.

- Còn con?

- Bà có hai người con trai. Song vì bà mắc đi trình diễn luôn nên giao hai cậu cho bà nội nuôi. Hiện nay họ đã lớn, có vợ con cả rồi.

- Thế ạ!... thôi, cám ơn bà nhé!


° ° °

Rời khỏi chung cư X tôi rút cuốn sổ tay gạc bỏ tên hai người. Còn lại năm người nữa, biết họ ở phương trời nào đây?

Tôi nghĩ đến dì Anges. Tôi sẽ tìm dì ở đâu?

Dì Anges là nữ tu dòng Thánh Tâm. Vậy thì tôi cứ đến các nhà dòng nữ thuộc giáo hội Công giáo tìm Dì.

Tôi dùng đủ mọi cách di chuyển: xe buýt, tắc xi, xe lam, cyclo máy mới mò được đúng nơi chỉ dẫn cho tôi về Dì. Hiện nay Dì đang hưu dưỡng tại một nhà dòng ở Thủ Thiêm.


Chương 6

Chuyến đi Thủ Thiêm như một cuộc dạo chơi. Tôi chọn ngày chúa nhật để đến với Dì Anges. Ngày chúa nhật là ngày của Chúa. Dì Anges là tôi tớ Chúa nên tôi tin tưởng cuộc gặp gỡ giữa tôi và Dì sẽ không làm tôi bối rối như hai lần trước, lần gặp ông chủ bút báo Quê Hương và nữ ca sĩ Đan Thanh. Với tâm trạng vững vàng đó, tôi yên lòng qua bắc Thủ Thiêm. Từ bến đò lên tôi đáp xe lam đến tu viện.

Nhà của các Dì kế cận bên thánh đường, các giáo hữu thuộc phái nữ đi hành hương có thể xin ở lại tĩnh tâm một vài ngày. Tôi thấy không có gì phải hấp tấp, nên thản nhiên như một khách hành hương từ xa đến, tôi xin được tá túc đến sáng hôm sau.

Mấy hôm vận động ở Saigon tôi cảm thấy mệt. Bởi vậy sau bữa cơm trưa thanh đạm dùng chung với mấy nữ tín đồ khác, tôi về hội quán - nơi dành riêng cho khách thập phương ngủ một giấc thật ngon.

Trước bữa trưa, trong khi chờ đợi giờ cơm, tôi dạo chơi một vòng trong vườn tu viện. Vườn cây thật đẹp được chăm sóc kỹ lưỡng, đường lối sạch sẽ, quang cảnh u trầm tĩnh mịch.

Nhìn sang bên sân thánh đường, giữa mấy nhóm thanh niên đi cắm trại tôi chợt nhận ra mái tóc rối bồng của Chương. Có thể tôi nhầm vì bị ám ảnh.

Sau giấc ngủ khoẻ khoắn tôi thơ thới đi tìm dì Anges, gặp một dì phước trẻ tôi hỏi thăm. Dì nói:

- Em đã có gặp dì Anges rồi mà!

- Dạ, chưa! Em không biết dì ấy ở đâu và cũng chưa rõ mặt dì nữa!

- Thì dì giữ cổng là dì Anges đó.

Té ra trước khi bước chân vào khuôn viên của tu viện tôi đã gặp dì Anges mà không hay. Dì ngồi ngay ở căn phòng đầu nhà, sát bên cổng vào. Tôi tới tìm dì ngay, dì đang ngồi khâu trên chiếc ghế dài kê ngoài hiên.

Thấy tôi tới, dì nhướng mắt qua cặp kính lão nhìn tôi mỉm cười, và thu dọn giỏ khâu cho tôi ngồi ké xuống. Tôi gợi chuyện:

- Dì chịu khó quá. Dì đang khâu gì vậy?

Dì Anges đặt mảnh vải khâu dở xuống:

- Dì may quần áo cho mấy em cô nhi mặc. Ngồi rảnh dì kiếm việc ra làm cho đỡ buồn vậy thôi.

- Hồi trẻ chắc dì đi nhiều nơi lắm, dì nhỉ?

Dì gật đầu, giọng nói thật hiền hòa:

- Phải, dì đã đi nhiều nơi lắm. Bề trên sai dì đi giúp nơi nào là dì đi nơi ấy. Chắc con muốn hỏi chuyện dì để tìm một ý hướng phải không? Có nhiều cô gái như con thường vẫn đến hỏi han về những công việc tông đồ dì đã làm.

Dì nhìn tôi dò xét:

- Có bao giờ con có ý định dâng mình cho Chúa không con?

Tôi bối rối nhìn dì:

- Dì... nói sao?

- Nghĩa là con có muốn làm một nữ tu như dì không?

Câu hỏi của dì thật đột ngột, có lẽ đó là thói quen thánh thiện của dì. Có thể dì đã tìm thấy nguồn hạnh phúc vô biên trong cuộc đời tu trì nên gặp ai dì cũng mong cho họ được thứ hạnh phúc siêu nhiên đó. Nhưng câu hỏi của dì quả đã làm tôi bối rối.

Tôi sinh ra đã là con cái Chúa, vì cứ theo như lời cô tôi thuật lại và căn cứ vào tấm ảnh thánh ghim trên mép chăn phủ bọc tôi thì cha mẹ tôi phải là người ngoan đạo.

Trái lại cô tôi - người nuôi dưỡng tôi sau này - chỉ theo lễ giáo của tiền nhân; thờ kính tổ tiên và chăm lo làm điều thiện chứ không theo hẳn một tôn giáo nào. Ngày lễ Giáng sinh cô dắt tôi đi nhà thờ, hân hoan mừng ngày Chúa ra đời. Tết đến, cô lại đi chùa lễ Phật và xin xâm. Cái đạo sống của cô tôi, dạy tôi trở nên một người hiền lương, chứ không hẳn là tín đồ của một đạo giáo. Tôi rất kính trọng các bậc tu hành. Họ là những người bỏ lòng dục để sống cuộc đời siêu phàm, dâng hiến con người họ cho một lý tưởng cao siêu. Giá ở vào một trường hợp khác, do một người khác hỏi tôi câu đó chắc tôi đã lăn ra mà cười.

Nhưng đây lại là dì Anges.

Tôi ấp úng trả lời:

- Thưa dì, con chưa bao giờ nghĩ tới điều ấy, con chỉ đến đây để hỏi dì... về những nơi dì đã đi.

Được dịp khơi lại những kỷ niệm xa xưa, dì kể lể:

- Ừ, dì đã săn sóc những người mắc bệnh phong ở Tuy Hòa, lên miền cao nguyên giúp việc truyền giáo cho các người thượng Rhade, và về dạy học cho một trường tiểu học ở Nghệ An.

- Dì ở Nghệ An lâu không?

- Lâu. Hồi đó địa phận Xã Đoài có mở một trường sở khá lớn. Dì phụ trách dạy các em tiểu học được ba năm, thì chiến tranh nổi lên. Dì mới xuống tàu vô trong này. Chuyến đó dì xuýt chết vì tai nạn.

- Dạ, con biết!

Tôi sợ dì đắm hồn trong kỷ niệm, rồi cứ mãi mê kể lể những điều tôi không cần biết nên sốt ruột cắt ngang. Dì Anges thốt giọng ngạc nhiên:

- Con cũng biết vụ ấy à?

- Vâng, con biết, vụ chiếc tàu Bạch Phượng bị đắm trong một đêm giông bão. Dì nói cho con nghe đi dì. Lúc ấy dì đi có một mình thôi phải không?

- Trên tầu còn đông người khác nữa con ạ.

- Không, con muốn hỏi là lúc ấy dì có cùng đi với ai nữa không?

- À, dì đi một mình. Nhưng khi lên tàu dì gặp dì Stephanie, người Hòa Lan. Dì Stephaie đáp tàu từ Hải Phòng vào Saigon để chờ về nước.

- Có ai giao cho dì giữ dùm một đứa nhỏ nào không?

Dì Anges lắc đầu:

- Không, mà tại sao con hỏi dì như vậy?

Tôi nghẹn họng mất một lát, rồi mới gặng hỏi thêm:

- Nhưng trên tàu chắc có trẻ con nữa chứ dì nhỉ. Dì có săn sóc chúng không?

Dì lắc đầu:

- Bọn con nít thì đã có cha mẹ chúng lo. Phần dì còn phải giúp dì Stephanie vì dì ấy yếu quá, bị say sóng nằm liệt một chỗ.

Tôi thở dài, chán ngán, song vẫn cố vớt vát:

- Trên tàu, có cả người Việt mình, dì có tiếp xúc với họ không?

- Có chứ, nhưng ít thôi, vì dì không có thì giờ. Xem nào? Dì nhớ là đã có nói chuyện với vợ chồng ông Võ quốc Oai quê ở Gò Công.

- Dì vừa nói đến ông bà Võ quốc Oai?

- Phải, bà ta là một thiếu phụ rất phúc hậu, còn ông ta là một thương gia hay kỹ nghệ gia gì đó.

- Họ có con không dì?

- Hình như không có thì phải vì dì không nghe họ nói đến.

Tôi thở dài:

- Ồ!

Dì Anges trầm ngâm nghĩ ngợi; cũng như một số người cao niên thường nhớ lại những việc đã qua, dì Anges tiếp:

- Dì nhớ có một cặp vợ chồng người Bắc. Người vợ ở vú cho một gia đình nào đó, còn người chồng thì đâu như vô làm công nhân cho một đồn điền của người Pháp ở trong này. Hai vợ chồng người này có bồng theo một đứa bé.

- Một đứa bé?

- Ừ. Chị vợ luôn luôn ấp ủ đứa bé đó trên tay. Tội nghiệp, chẳng hiểu họ có thoát khỏi tai nạn khủng khiếp ấy hay không?

- Dì không gặp lại họ sau vụ đắm tầu ấy à?

- Dì không nhớ nổi nữa. Lúc ấy mạnh ai người ấy lo. Dì luống cuống mê loạn cả đi, chỉ biết là mình được sống sót khi được chuyển vào bờ.

Hai giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, dì mếu máo:

- Chỉ thương hại cho dì Stephanie. Dì ấy chìm luôn với chiếc tầu Bạch Phượng.

Tôi đưa nhẹ tay vuốt lưng dì Anges như để trấn an dì. Nhưng tim tôi thì nhảy loạn trong lồng ngực. Tôi tìm thấy sự vui mừng riêng biệt của tôi. Có thế chứ! tôi đã tìm ra, tuy đó chỉ là một hy vọng mong manh, rằng tôi là đứa con gái của một cặp vợ chồng bình dân người Bắc tên là Nguyễn Văn Thành và Đỗ thị Nuôi!

Tôi phải đi tìm ngay hai người và khi tìm ra thì tôi sẽ có một "mái nhà".

Tôi hình dung ngôi nhà gia đình tôi. Ngôi nhà nhỏ bé có hàng dậu bao quanh. Dây bìm bìm leo kín bờ dậu điểm những bông hoa mầu tím nhạt. Mẹ tôi là người đàn bà hiền hậu, cha tôi là người đàn ông chất phác, lam lũ nhưng can đảm.

Giọng nói xúc động của dì Anges chợt làm tôi tỉnh mộng:

- Dì thấy chuyện này có hơi kỳ!

- Sao, thưa dì?

- Là tại sao con lại hỏi dì những câu hỏi vừa rồi?

Tôi cười nhẹ:

- Dì chẳng vừa nói với con là dì đã quen tính tò mò của các cô gái đến thăm dì đó thôi!

- Dĩ nhiên! Nhưng đây là những câu hỏi đặc biệt về vụ đắm tàu Bạch Phượng và những người liên hệ như ông bà Võ quốc Oai, cặp vợ chồng công nhân người Bắc... Từ bao năm nay chưa ai đặt những câu hỏi ấy ra với dì cả. Nay bỗng nhiên liên tiếp hai ngày nay có tới mấy người tới hỏi dì...

- Ủa?

- Chiều qua, có một người đàn ông nhỏ thó tới hỏi dì. Thấy hắn có vẻ khả nghi, dì không trả lời, chỉ nói là dì đã quên hết... tuy nói thế dì cũng không mắc tội nói dối, vì sự thực dì cũng chỉ nhớ lõm bõm vậy thôi... Rồi đến sáng nay...

- Sáng nay? Thì đến lượt con phải không dì?

- Không! Trước con còn có một người nữa. Dì dậy từ năm giờ sáng, sang nhà thờ dự thánh lễ tới sáu giờ, thì gặp một thanh niên...

- Một thanh niên có mái tóc bồng?

- Ừ. Anh ta hỏi dì những câu như con đã hỏi dì.

- Vô lý thật!

- Dì cảm thấy có điều gì kỳ lạ, chứ không vô lý đâu con. Vì thật như thế mà con! Con là người thứ ba hỏi dì về những câu hỏi như thế.

Dì Anges nở một nụ cười ngỏ ý từ biệt tôi. Hiểu ý, tôi cám ơn dì và đứng lên để dì tiếp tục công việc may vá của dì.

Tôi ngẫm nghĩ: Không hiểu tại sao lại có thêm một người đàn ông nhỏ thó và anh thanh niên tóc bồng xen vào câu chuyện này?

Có một sự trùng hợp nào chăng?

Và đột nhiên tôi cảm thấy lo sợ.

Chiều ấy tôi từ giã tu viện, và cũng bỏ luôn ý định đi Gò Công tìm gia đình ông bà Võ quốc Oai, vì thấy họ không còn liên hệ gì tới tôi nữa.

Tôi quyết định đi tìm tông tích cặp vợ chồng công nhân Nguyên văn Thành.
_________________________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét