Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

BẮT MA _BÊN ĐƯỜNG BIÊN GIỚI


BẮT MA

Hai anh em vừa ra khỏi lớp, Việt bỗng bảo Khôi :

- Hình như Bạch Liên đứng chờ bọn mình ngoài cổng trường !...

Khôi nhìn ra. Bạch Liên đứng dưới bóng cây phượng vĩ, bên kia đường, đang ngơ ngác tìm kiếm.

Khôi, Việt vội rảo bước ra gọi :

- Bạch Liên !

Nhận ra hai bạn, Bạch Liên mừng rỡ chạy lại.

- Chào hai anh, Bạch Liên đợi hai anh lâu quá.

Giọng nói và dáng điệu khác lạ của Bạch Liên làm Khôi ngạc nhiên. Anh vồn vập hỏi :

- Có truyện gì thế Liên ?

Bạch Liên mỉm cười. Nụ cười gượng gạo trên đôi môi tái nhợt.

- Có truyện rất lạ, hai anh ạ ! Nhà Liên có ma…

Việt bật cười :

- Hì, hì, Liên đùa hay quá ! Định doạ bọn này hay sao đấy ?

Liên cau mày :

- Liên không đùa đâu. Các anh cứ đến mà xem.

Khôi hỏi :

- Đến ngay bây giờ ?

- Không ! Cơm tối xong thì các anh đến. Liên sẽ kể rõ lại câu chuyện cho các anh nghe.

Nói đoạn Bạch Liên leo lên chiếc solex dựa bên vỉa hè rồi đi thẳng.

Thái độ của Bạch Liên làm đôi bạn hoài nghi. Việt hỏi :

- Khôi này, liệu Bạch Liên có định đùa chúng mình không nhỉ ?

Trầm ngâm, Khôi đáp :

- Chắc Bạch Liên nói thật đấy.

- Nghĩa là cậu tin rằng Bạch Liên đã gặp ma ?

- Có thể. Nhưng cậu có tin là có ma không ?

Việt nhún vai im lặng. Một lát Khôi tiếp :

- Tớ thấy một điều lạ…

Việt vội hỏi :

- Điều gì ?

- Về Bạch Liên.

- À… ừ… Bạch Liên làm sao ?

- Cậu có thấy mới mấy ngày hôm nay không gặp tụi mình, mà nom Bạch Liên “già” hẳn đi không ?

- Ừ nhỉ !

- Trông cô ấy có vẻ như hoảng hốt, bất an… Đôi môi tái nhợt, và đôi mắt thì thâm quầng lại.

- Ừ.

- Tại sao cô ấy có vẻ như hoảng hốt bơ phờ đến thế ? Hẳn phải có chuyện gì làm cô ấy lo sợ chứ .

- Dĩ nhiên rồi. Bạch Liên chẳng đến tìm chúng mình để báo cho biết là nhà cô ấy có ma đấy thôi !

- Nghĩa là Bạch Liên không đùa. Một là cô ấy đã gặp ma, hai là ma đã quấy phá làm cô ấy mất ngủ…

Việt lại lắc đầu :

- Liệu có ma thật không ?

Khôi đáp :

- Chưa biết, chỉ biết rằng : Bạch Liên là một cô gái rất thông minh lanh lợi, và có thừa can đảm. Thế mà, Liên đã tới tận cổng trường để báo cho chúng mình biết tin : Nhà Liên có ma ! Như vậy, tất phải có truyện gì khác thường hoặc là quái đản ghê gớm vượt ra ngoài tầm xét đoán của cô ấy làm cô ấy hoảng sợ.

Có ma hay không ? Nó thế nào ? Điều ấy chúng ta cần phải điều tra tại chỗ mới có thể quyết đoán được… Thôi về,và cơm xong, cậu nhớ lại đón tớ đấy nhé.

*

Vào khoảng tám giờ tối Khôi, Việt đã có mặt tại nhà Bạch Liên. dẫn hai bạn vào phòng học, Bạch Liên kể ngay câu chuyện :

- Cách đây hai đêm, Bạch Liên kể, Liên theo cô đi xem hát cải lương. Đêm ấy gánh Thanh Minh diễn tích “Tiếng địch sông Ô”, cô Liên thích lắm, muốn đi xem. Nhưng ngại đi một mình, nên cô nhất định rủ Liên cùng đi. Tuy không thích tuồng cải lương nhưng vì hôm sau chủ nhật, được nghỉ, lại muốn chiều ý cô nên Liên nhận lời.

Vãn hát, hai cô cháu về tới nhà thì đã quá 12 giờ khuya. Liên buồn ngủ quá, lúc ngồi trong rạp đã phải che tay ngáp hoài, nên về đến nhà là Liên muốn đi ngủ ngay. Nhưng lạ, khi nằm trên giường rồi, không hiểu tại sao, đâm ra trằn trọc không ngủ được.

Việt cười :

- Có lẽ tại tích hát hay quá !...

Bạch Liên cũng cười :

- Cũng không dở lắm đâu. Tại mình coi xi nê quen rồi nên không ưa tuồng hát, chứ cô của Liên thì vỗ tay tán thưởng luôn luôn và mỗi lần cô Thanh Nga, cô đào chính cất tiếng hát là bà không ngớt lời xít xa khen ngợi.

Khôi gõ mấy ngón tay trên thành ghế tỏ vẻ sốt ruột. Bạch Liên nhìn thấy, vội nháy Việt bảo :

- Thôi để Liên “vào đề” không có anh Khôi lại cáu bây giờ ! Vậy, Liên không ngủ được có lẽ tại quá giấc. Liên không quen thức khuya bao giờ, và cũng có lẽ tại cả cô đào Thanh Nga nữa ! Dưới ánh đèn sân khấu, trong bộ y phục lộng lẫy nom cô ta đẹp hết chỗ nói ! Hình ảnh của cô ta hiện ra trong trí óc Liên cùng với tiếng địch nghe véo von, dìu dặt cứ ám anh Liên mãi. Phòng bên, cô Liên đã ngủ say. Nằm trên giường, còn đang chập chờn, bỗng Liên nghe có một tiếng động kỳ lạ. Hình như có ai vấp phải vật gì, nghe đến “kịch” một cái.

Tiếng động từ dưới nhà vọng lên. Mà dưới này thì các anh đã biết đấy, gồm có phòng khách, phòng ăn và phòng học của Liên tối đến đều bỏ trống không có người. Cả nhà chỉ có hai cô cháu và một chị giúp việc đều lên ngủ cả trên lầu.

Các anh đến chơi với Liên thường chỉ ngồi nói chuyện dưới nhà, chưa lên lầu bao giờ, nên Liên cần cho các anh biết qua địa thế ở trên ấy.

Đứng lên, Bạch Liên đưa Khôi Việt qua phòng ăn, chỉ cầu thang gác, nói :

- Đây là cầu thang lên lầu. Trên ấy đại khái cũng như dưới này chia ra làm ba buồng ngủ. Lên hết cầu thang, có một hành lang nhỏ. Buồng ngủ của Liên ở chính giữa, ngay chỗ đầu thang lên. Bên cạnh và trông ra phía đường cái là buồng của cô Liên, còn phía trong cùng, có thêm một buồng nhỏ vừa dành làm chỗ chứa, vừa để cho chị giúp việc ngủ; các anh hiểu rồi chứ ?

Việt cười gật đầu :

- Nói cho dễ hiểu là trên căn phòng ăn này là buồng ngủ của Liên; ngoài kia, trên chỗ phòng khách là buồng ngủ của bà cô, và trên căn phòng học của Liên đây là buồng của chị giúp việc !

- Vâng.

Trở về phòng học, Bạch Liên tiếp :

- Khi nghe thấy tiếng động Liên giật mình, tưởng mình nhầm. Nhưng lắng tai Liên lại nghe “kịch” một cái nữa. Phân tách tiếng động Liên nghe như tiếng chân ghế bị xô đi. Liên nghĩ ngay đến trộm, và tưởng tượng nếu trộm vào nhà thật Liên sẽ phải đối phó bằng cách nào ?

Còn đang hoang mang thì chợt lại nghe tiếng nữa ở chân cầu thang. Lần này tiếng động nổi lên chậm chạp nhưng đều đặn : “thịch… thịch… thịch”.

Tiếng động đang lên thang !

Liên thầm nhủ như thế, và lại nghĩ đến trộm. Tự nhiên Liên quay đầu nhìn ra phía cửa. Cửa buồng của Liên khi ngủ không đóng bao giờ. Khoảng hành lang ngoài cầu thang tối mịt mùng. Yên lặng một lát, rồi một tiếng động lên thang lại nổi lên mỗi lúc một gần:

“Thịch… thịch… thịch… thịch…”

Sống lưng của Liên bắt đầu ớn lạnh. Cứ mỗi tiếng động tiến gần lên, người Liên lại như bị một tảng băng đè xuống, nằm lặng giá ở trên giường.

Cuối cùng tiếng động lên tới nấc thang chót thì sợ quá, Liên bật hét lên một tiếng…

Bạch Liên ngừng lại đưa mắt dò xét phản ứng trên nét mặt hai bạn.

Việt không còn vẻ chế riễu nữa đang chăm chú muốn nghe tiếp.

Khôi liếc sang phía phòng ăn. Tia mắt của anh ngừng lại ở cầu thang, và anh hỏi :

- Nấc thang của nhà Liên đóng bằng cây phải không nhỉ ?

Bạch Liên gật đầu :

- Vâng !

Khôi thản nhiên bảo :

- Rồi sao nữa, Liên kể tiếp đi !

Bạch Liên tiếp :

- Nghe tiếng hét của Liên, cô Liên hốt hoảng chạy sang. Cô bật đèn sáng lên và hỏi :

- Cái gì thế cháu ?

Liên níu lấy cô nói khẽ :

- Có trộm… có trộm cô ạ !

Vừa nghe nói, cô đã nhảy phóc lên giường Liên co người lại, run rẩy hỏi :

- Thật à ? Nó đâu ?!

- Cháu vừa nghe nó lên cầu thang.

Cô rên rỉ bảo :

- Chết rồi, làm thế nào bây giờ !

Liên cũng không biết phải làm gì lúc ấy. Ánh đèn trong phòng Liên hắt ra ngoài hành lang soi rõ lối cầu thang. Hai cô cháu ngồi yên nghe ngóng động tĩnh một lúc lâu, rồi đánh bạo mỗi người thủ một vật cứng phòng thân, rón rén ra bật cái đèn bên ngoài. Đèn sáng chiếu rõ mọi vật ngoài hành lang nhưng không thấy bóng tên trộm đâu cả.

Khôi cắt ngang, hỏi :

- Lúc ấy, chị Hai có biết gì không ?

- Chị ấy ngủ.

- Liên có sang buồng chị ở ?

- Có. Sang ngay lúc bấy giờ. Liên gọi chị ấy dậy, và bảo đi bật sáng hết mọi ngọn điện trong nhà, và soát lại mọi cửa ngõ xem sao.

- Liên có cho chị ấy biết rõ vì sao chứ ?

- Có.

- Thái độ chị ấy thế nào ?

- Chị ấy cũng sợ dúm người lại, Liên phải cầm gậy theo chị ấy !... Đi soát khắp lượt từ trên lầu xuống dưới nhà, cửa ngõ vẫn đóng kín, mà không thấy gì cả, cô Liên và chị Hai lúc ấy mới cười bảo Liên mê hoảng !

Nhưng Liên không mê. Rõ ràng lúc ấy Liên còn thức cơ mà !

Tuy vậy, lúc ấy chính Liên cũng không dám tự tin ở mình nữa. Có lẽ Liên đã mê hoảng thật chăng ? Dù sao đêm cũng đã quá khuya rồi. Liên lại không muốn nằm một mình nữa, nên xin cô ở lại ngủ cùng với Liên.

Tắt đèn. Hai cô cháu nằm được một lát, Liên vừa sắp thiu thiu ngủ thì lại nghe có tiếng động. Lần này ở ngoài hành lang rồi tiếp đến những tiếng thịch… thịch… chậm chạp, đều đều. Lắng nghe, tiếng động đang đi xuống.

Liên nhẹ lay cô, thì thầm :

- Cô, nó đang đi xuống !

Cô đáp :

- Ừ, tao có nghe. Nó đang xuống thật !

Rồi cô kéo chăn đắp kín mặt. Người cô run bần bật như lên cơn rét. Liên nghe rõ hai hàm răng của cô va vào nhau lập cập. Liên vùng dậy, bật sáng đèn. Tiếng động theo ánh đèn cũng biến luôn.

Đêm hôm ấy hai cô cháu không sao ngủ được. Cô đã sợ lại làm Liên hoảng luôn, khi cô bảo :

- Ma đấy mày ạ.

Và cô Liên kể rằng : “Hồi dọn về căn nhà này ở được ít lâu, đêm ngủ thỉnh thoảng cô có nghe tiếng gió phe phẩy quạt trên đầu giường. Ngửng đầu lên cô thấy một bóng đen to lớn cầm một chiếc quạt giấy, quạt phành phạch. Bóng đen đó biến mất khi cô bật đèn lên. Nhưng khi tắt đèn thiu thiu ngủ thì nó hiện ra đứng quạt vào người cô, lúc trên đầu, lúc dưới chân giường. Hơi gió phẩy từ chiếc quạt ra lạnh lẽo ghê rợn đến nổi gai ốc…”

Nói đến đó Bạch Liên ngưng lại, nhìn Khôi, Việt hỏi :

- Các anh đã thấy ma bao giờ chưa ?

Việt gật đầu :

- Có, Việt thấy rồi. Mà thấy quỉ kia. Quỉ còn khiếp hơn ma nhiều. Nó có hai cái nanh nhọn chòi ra hai bên mép.

Bạch Liên co ngay hai chân lên ghế hỏi dồn :

- Thiệt hả ?

- Thiệt !

- Mà anh thấy nó ở đâu ?

- Thấy trên màn ảnh, trong phim ác quỉ Dracula.

Việt cười tiếp :

- Hì, hì, Bạch Liên có xem phim Dracula rồi chứ gì ?

Và anh nhe răng bắt chước nét mặt ác quỉ.

Bạch Liên bưng mặt hét :

- Việt, có thôi ngay đi không ? Liên khóc bây giờ đấy !

Khôi đấm vào vai Việt, can thiệp ;

- Ê, chơi cái trò gì khiếp đảm thế bồ ! Có để cho Bạch Liên kể tiếp không ?

Quay lại Bạch Liên, Khôi ôn tồn nói :

- Truyện trên màn ảnh là truyện giả tạo, làm gì có thật mà sợ ?

Bạch Liên cho chân xuống nguýt Việt, hằn học :

- Đồ tồi ! Rồi lát nữa anh sẽ biết !

Thở mạnh vài hơi, như để trấn tĩnh cơn hoảng hốt, Bạch Liên tiếp :

- Đêm ấy qua đi, đến đêm sau, nó lại tái diễn cái trò ấy.

- Con ma ?

- Ừ. Nó lên cầu thang : “Thịch… thịch… thịch…”

Một lát nó lại xuống : “thịch…thịch…” Nó lên xuống cả đêm và cứ hễ bật đèn là nó lại biến mất.

Khôi chợt hỏi :

- Sáng hôm sau khi trở dậy, Liên có để ý đến những bậc thang không ?

Bạch Liên đáp :

- Anh muốn hỏi xem có dấu vết khả nghi của con ma để lại không chứ gì ? Liên cũng có chú ý đến điều đó, nhưng tuyệt nhiên không có dấu vết nào cả !

Hoang mang quá, Liên nghĩ hay nhà này có ma thật chăng ? Đến trường Liên thuật lại truyện này cho con Thanh nghe. Nó cả quyết rằng có ma thật ! Nó nói ngay chính trong trường học cũng có ma. Thanh ở nội trú trong trường, hay xuống lớp ngồi học tối, và ông lão gác trường cho nó biết chính ông ta bị ma nhát ở ngay chỗ nó ngồi !

“Đêm ấy, theo lời ông lão gác trường, nóng nực quá nên ông ta vào lớp nằm ngủ. Nửa đêm ông bỗng nghe có vật gì nặng từ trên cao rơi xuống ! Giật mình mở mắt ra nhìn, ông thấy có một cái đùi người trắng hếu rơi gần chỗ ông ta nằm. Và…

Việt hấp tấp tiếp :

- Và rồi… đến thân người… hai tay… cái đầu… rơi xuống tiếp theo, để cuối cùng chắp thành hình một con ma, lưỡi thì dài lòng thòng !

Bạch Liên gật đầu :

- Khiếp quá ! Nhưng sao Việt biết ?

Khôi cười :

- Ồ, truyện con ma ấy thì ai cũng biết cả. Vì có rất nhiều người kể lại chuyện này rồi !

Bạch Liên tiếp :

- Thanh nó còn kể cho Liên nghe rất nhiều chuyện ma quái nữa mà nó nghe người ta thuật lại. Tỷ dụ như con ma ngồi đưa võng trên ngọn cây nghe kẽo kẹt, hoặc xoã tóc đứng ngoài bờ giếng…

Hình như những con ma đó là những oan hồn không siêu thoát thường hiện ra vào những lúc đêm khuya thanh vắng…

Chị giúp việc của nhà Liên bảo rằng nhà này cũng có một oan hồn…

Khôi ngạc nhiên hỏi lại :

- Chị Hai ?

- Vâng !

- Chị ấy bảo sao ?

- Chị ấy điều tra ở mấy nhà kế cận họ cho biết rằng ngôi nhà này, trước kia hồi còn thuộc về đời người chủ cũ, nhân sửa soạn lễ cưới cho người con gái, có thuê thợ về quét vôi sơn cửa lại. Một người thợ khi leo lầu quét vôi, chẳng may sảy chân rơi từ trên cao xuống, chết ngay tại chỗ.

Sau đó người chủ ngôi nhà ấy bán rẻ lại ngôi nhà này cho cô Liên, và bây giờ thì…

Bạch Liên nhìn Khôi, Việt đặt câu hỏi :

- Phải chăng oan hồn người thợ vôi ấy đã hiện ra để leo lên leo xuống phía cầu thang ?

Khôi không đáp thẳng vào câu hỏi đó. Anh hỏi Bạch Liên :

- Liên nhỉ, tiếng động lên xuống thang lầu thường xảy ra vào khoảng nào ?

- Khoảng 11 giờ tối trở đi.

- Nghĩa là sau khi mọi người đã tắt đèn đi ngủ cả ?

- Vâng.

Trầm ngâm, Khôi tiếp :

- Liệu đêm nay tiếng động kỳ lạ đó có tái diễn nữa không nhỉ ?

- Rất có thể.

- Nếu vậy, Khôi và Việt sẽ ở lại đây chờ xem. Bây giờ là mấy giờ rồi, Việt ?

Việt nhìn đồng hồ tay :

- Gần 10 giờ !

Khôi hỏi Bạch Liên :

- Thường ngày, mấy giờ thì Liên đi ngủ ?

- Quãng 10 giờ.

- Vậy Liên sửa soạn lên ngủ đi. Nhưng trước khi lên lầu, Liên lấy cho Khôi mượn chiếc đèn bấm.

- Còn cần gì nữa không ?

- Không ! À nhưng cô Liên và chị Hai đâu cả rồi ?

Bạch Liên đáp :

- Chị Hai xin về dưới quê. Chị biết một ông thầy pháp cao tay, nên chị về lấy bùa lên ếm. Còn cô của Liên hôm nay hơi mệt, ăn xong lên lầu nghỉ ngay. Bả có biết tối nay hai anh lại chơi nên dặn Liên dọn bánh cho hai anh ăn, mà mải nói chuyện ma Liên quên khuấy đi mất !

Khôi mỉm cười nhìn việt :

- Như vậy càng hay. Chúng tôi sẽ ngồi chờ dưới này. Còn Liên cứ yên trí lên buồng nằm ngủ. Nếu đêm nay con ma hiện ra, chúng ta sẽ biết nó thuộc giống ma nào !

*

Khôi, Việt ngồi sát lại bên nhau từ lúc Bạch Liên rời phòng học để lên lầu. Mọi ánh điện trong nhà đều đã tắt ngấm. Đôi bạn ngồi yên bất động tai lắng nghe mọi động tĩnh trong khoảng tối âm u. Thời khắc hình như qua đi rất chậm. Một vài con muỗi vo ve ở trong phòng và xa xa không biết ở nhà nào gần đây thỉnh thoảng nổi lên văng vẳng, ngân nga tiếng chuông điểm giờ của một chiếc đồng hồ quả lắc.

11 giờ… 11 giờ 15…

Việt bắt đầu thấy buồn ngủ. Anh nghĩ giá có chiếc ghế dài ngả lưng được chắc anh sẽ ngủ luôn. Thử huých tay sang Khôi, anh thấy Khôi khẽ huých lại. Biết Khôi vẫn thức, Việt ngả đầu ra lưng ghế, nhắm mắt lại.

Nhưng Việt chợt giật mình. Có tiếng động vừa vang lên. Nhịp thở của Việt bắt đầu chuyển mạnh. Anh cố dướn người lên nghe ngóng… “Kịch” tiếng động xô ghế bên phòng ăn rõ ràng, gần gũi quá. Việt không thể nào nhầm được. Đúng là “nó” rồi ! Anh cảm thấy một bàn tay của Khôi ấn mạnh trên đùi. Ngón tay Khôi bấm xuống như để trấn tĩnh sự xúc động của Việt.

Tiếng chuông đồng hồ đằng xa rè rè điểm thêm một khắc nữa.

11 giờ 30… Âm thanh của tiếng chuông vừa tan trong cái âm u tịch mịch của đêm khuya thì… “thịch… thịch…” tiếng động kinh dị bắt đầu lên thang. Bàn tay Khôi cũng nhấc dần khỏi đùi Việt. Khôi đang từ từ đứng dậy kéo theo cả Việt đứng lên.

Cả hai anh em đều như bị lôi cuốn, hấp dẫn, nhẹ nhàng rời khỏi chỗ ngồi lần mò tiến về phía cầu thang.

Thịch… thịch… tiếng động vẫn đều đặn bước… Việt tưởng như đó là tiếng đập của trái tim mình. Anh muốn hét vào tai Khôi :

- Bấm đèn lên !

Nhưng tưởng tượng khi ánh đèn ở tay Khôi chiếu ra, rọi ngược tia sáng lên cầu thang và soi rõ một hình hài đầu tóc rũ rượi với chiếc lưỡi dài lòng thòng, hoặc nhe hai nanh nhọn như hai chiếc nanh của Dracula trên màn ảnh, đủ làm anh hoảng vía.

Việt nuốt chỗ nước miếng đặc sệt tắc nghẽn ngang cổ họng. Ý định bảo Khôi bấm đèn không thoát ra được thành tiếng, Việt bắt đầu thấy sợ, người anh nhủn ra, rờn rợn khắp da thịt.

Tiến động vẫn tiếp tục đi lên… Rồi, đột nhiên ánh đèn trong buồng Bạch Liên bật sáng, chiếu hắt ra phía cầu thang. Việt mở to mắt ra nhìn. Trên đầu cầu thang hiện ra một bóng người.

Khôi càu nhàu :

- Bạch Liên !

Bạch Liên đưa tay ra hiệu sẽ đi xuống. Cô trở vào buồng tắt đèn và chỉ một lát sau là đứng nép sát bên Khôi, Việt, dưới chân thang.

Khôi khẽ gắt :

- Tại sao Liên không ở trên buồng ?

Bạch Liên thì thào :

- Nó lên rồi ! Các anh nghe thấy nó lên không ?

- Có.

- Lúc Liên bật đèn, các anh có thấy “nó” không ?

- Không !

- Đấy ? Liên đã bảo là ma mà. Đích thực ma rồi !

Khôi vẫn càu nhàu :

- Tại Liên đấy. Ai bảo cô bật đèn để nó biến mất ?

Im lặng. Rồi Liên tiếp :

- Chúng mình cứ đứng yên ở đây. Thế nào nó cũng xuống.

Không nghe Khôi nói gì, chỉ có tiếng khẽ thở dài như muốn trút bớt sự bực bội.

Việt thầm nghĩ : Cuộc rình rập đêm nay có lẽ không đưa đến kết quả nào. Lần này chính Bạch Liên đã làm hỏng kế hoạch, chứ không phải Việt. Nếu con ma biết Bạch Liên xuống thang, chắc nó sẽ tránh kkhông xuống lối này nữa.

Việt cự nự :

- Đang nằm trên lầu, Liên xuống đây làm gì ?

Bạch Liên phụng phịu :

- Xuống với các anh ! Nằm một mình nghe nó lên, Liên nôn nao quá !

- Xuỵt ! Im !

Bạch Liên và Việt nín bặt. Sự im lặng chìm sâu trong bóng tối, kéo dài khắc khoải.

Trên lầu bỗng có tiếng động nhỏ. Tiếng động lần này nghe sột soạt như có người kéo lê một mảnh giấy từ cuối hành lang tiến dần về phía cầu thang.

Tiếp đó Việt lại nghe rõ ! “thịch… thịch…”. Tiếng động gieo xuống nấc thang nghe ghê rợn. Việt nhẩm đếm từng nhịp xuống :

- Một… hai… ba… bốn. Cầu thang nhà Bạch Liên có chừng hai mươi bậc.

Việt nhẩm tiếp :

- Năm… sáu… bảy… Người Việt bắt đầu run. Chỉ còn hơn mười bậc thang nữa là “Nó” xuống tới nơi. Việt nép sát lưng vào tường cố nén thở.

- Thịch… thịch… Mười ba… mười bốn… mười lăm…

Việt bật kêu :

- Bấm đèn lên, Khôi !

Ánh đèn trong tay Khôi loé sáng. Cùng lúc ấy có tiếng kêu “choét” và tiếng hét kinh hãi của Bạch Liên. Tiếp theo là những tiếng va chạm lục cục.

Khôi gọi giật giọng :

- Việt ! Bật điện lên ! Mau !

Việt nhoài người với tay vặn nút điện. Ánh đèn nê-ông bật sáng, chói chang cả gian phòng. Anh kinh ngạc thấy Bạch Liên ngất ngư, đầu nghẹo lả trên vai Khôi.

Hoảng hốt, Việt kêu :

- Sao thế Khôi ?

Khôi dục, giọng cấp bách :

- Đỡ hộ Bạch Liên ra ghế. Lẹ lên !

Đặt Bạch Liên xuống ghế rồi, Việt cuống quít lay gọi :

- Bạch Liên ! Bạch Liên ! Chết cha làm sao thế này ?

Khôi lấy lại bình tĩnh đáp :

- Không sao đâu. Cô ấy sợ quá đấy. Tỉnh dậy bây giờ.

Quả nhiên Bạch Liên tỉnh dậy thật. Cô mở mắt nhìn Khôi, Việt :

- Cho Liên xin ngụm nước.

Khôi rót một tách trà nóng đem lại.

Uống xong, Bạch Liên thở mạnh vài hơi, rồi bỗng ôm bụng cười như nắc nẻ.

*

Nghe tiếng cười của Bạch Liên, Việt ngẩn mặt nhìn Khôi :

- Liên cười gì thế ?

Khôi đáp :

- Cười con ma !

- ? !

Thấy Việt cứ ngẩn thộn ra, Bạch Liên cố nén cười nói :

- Bây giờ Liên mới khám phá ra con ma ấy thuộc về giống ma nào. Khi anh Khôi chiếu đèn, anh Việt có nghe nó kêu không ?

Việt lắc đầu :

- Không ! Tôi chỉ nghe có tiếng cô hét !

Bạch Liên có vẻ ngượng :

- Tại tính Liên vốn sợ chuột. Lúc anh Khôi chiếu đèn, nó cuống nhảy bổ ngay vào chân Liên…

- Thế nó là con chuột à ?

- Vâng ! Một con chuột kếch sù, lớn gần bằng con mèo !

Khôi tiếp :

- Con “ma chuột ấy” khi nhảy vướng vào chân Bạch Liên, nó kêu :

- Choét !

Rứt tiếng chuột kêu mà Khôi bắt chước rất đúng điệu, nổi lên một trận cười :

- Ha ha !

- Hê hê !

- Hi hi !

Tiếng cười ròn rã của bọn trẻ làm bà cô của Bạch Liên ngơ ngác chạy xuống :

- Chuyện gì mà cười dữ thế các cháu ! Gớm, làm cô lại cứ tưởng ma nó kéo đến cả bầy và đang phá phách ở dưới này !

Nguyễn Trường Sơn

CHƯƠNG VIII_BÊN ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

CHƯƠNG VIII

Khôi cố giải thích :

- Em đoán chắc là anh ấy vừa ở đây, ngay chỗ có chiếc khăn này…Việt ngã xuống hố, bị thương ở bắp chân. Chính em trải cái chăn này cho hắn nằm, rồi kêu các ông lại. Bây giờ không hiểu tại sao hắn lại biến đâu mất…

Người y tá đi cùng linh mục theo Khôi đều không hiểu nổi điều gì đã xảy ra.

Ông y tá tỏ vẻ bất mãn, càu nhàu :

- Chuyện gì mà kỳ cục vậy ! Mấy cậu trẻ tuổi chỉ hay bày đặt, đêm hôm đi đánh thức người ta dậy, lặn lội hàng cây số tới đây để chỉ thấy có cái chăn, không thấy nạn nhân đâu cả !

Vị linh mục chợt cúi xuống nói :

- Ô này, có một bình nước và cái ly bằng nhôm. Chắc cậu đã đem những thứ này ra đây phải không ?

Khôi đáp :

- Dạ, thưa phải. Em đem nước và thuốc Aspirine ra cho hắn uống.

Ông y tá gắt :

- Cậu nói bạn cậu bị thương ở chân. Không lẽ bây giờ cậu ta trở dậy được và đi chơi một vòng ?

Khôi ấp úng :

- Thưa, em cam đoan với ông mà… Chắc đã có chuyện gì đây… Hay là hắn bị bọn buôn lậu bắt đi rồi…

Ông y tá lắc đầu :

- Lại chuyện tưởng tượng…

Và quay sang vị linh mục ông ta tiếp :

- Linh mục có tin truyện bắt cóc trẻ con không ?

Vị linh mục điềm đạm nói :

- Tôi chưa hiểu ra sao. Tôi có biết tiếng Tư Muôn, mà cậu này nói là đã giam giữ một viên đội thương chánh. Tôi nghe Tư Muôn là một tay buôn lậu, nhưng không chắc rằng hắn lại dám liều lĩnh bắt cóc người ta để phi tang nhân chứng. Chắc hẳn cũng có điều rắc rối chi đây…

Khôi nài nỉ :

- Em xin linh mục và ông y tá theo em lại nhà Tư Muôn, xem có bạn em ở đấy không ? Xin hai vị giúp em với… Em không thể bỏ bạn em được…

Nước mắt Khôi rưng rưng chảy. Trước mặt hai người không tin ở lời mình nói, Khôi mất cả tự chủ. Anh bật khóc nức nở…

Lời nói khẩn khoản và nước mắt của Khôi làm vị linh mục ái ngại. Ông đặt tay lên vai Khôi :

- Con có chắc không ? Có thật Tư Muôn hiện giấu giữ viên đội thương chánh và bắt cóc luôn cả bạn con nữa ? Nếu như con nói sai thì sẽ phiền phức lắm đó.

Khôi chưa dám trả lời. Anh không mê ngủ, dĩ nhiên rồi ! Vì rõ ràng anh đã thấy viên đội thương chánh bị trói chặt dưới hầm nhà Tư Muôn. Còn Việt, người bạn chí thiết của anh, thật tình anh chưa biết rõ ra sao cả.

Viên y tá đứng lặng chờ câu trả lời của Khôi. Ông ta lắc lắc chiếc túi đựng thuốc mà ông xách vội theo, với vẻ sốt ruột.

Khôi nghẹn ngào nói :

- Xin linh mục tin con, viên đội thương chánh bị giam ở trong hầm nhà Tư Muôn… còn Việt bạn con, thì hắn mới vừa ở đây…

Nói rồi Khôi ngồi bệt xuống chiếc khăn trải trên cỏ, nơi Việt vừa nằm, bưng lấy mặt khóc.

Vị linh mục nhẹ nhàng kéo Khôi dậy :

- Đứng lên… con đừng vội thất vọng. Chúng ta cùng lên nhà Tư Muôn xem sao. Vả lại ông xã trưởng đã được loan báo và chắc ông cũng đã tin cho đồn thương chánh biết rồi. Có thể chúng ta sẽ gặp họ trên đường. Nào đi…

Viên y tá lặng lẽ đi theo. Cả ba men sườn núi trèo lên con đường dốc. Ngôi nhà Tư Muôn im lìm ẩn bóng sau mấy bóng cây, phía trên đầu họ.

Chợt ông y tá reo lên :

- Ồ, có một cái áo !

Khôi giật mình nhìn chiếc áo lẩm bẩm :

- Áo này của em đây. Sao lại rơi ở chỗ này được ?

Một ý nghĩ bỗng loé sáng trong óc Khôi :

- Thôi đúng rồi. Chiếc áo này em đã đắp cho Việt khỏi lạnh. Chắc hắn cố ý để rơi ở đây để làm dấu cho em tìm hắn…

Viên y tá hoài nghi nhìn Khôi, thầm nhủ rằng Khôi lại bày đặt thêm cho câu chuyện bắt cóc có vẻ xác thật. Triền núi dốc này, người khoẻ mạnh trèo lên còn vất vả thay. Huống hồ còn khiêng theo một người bị thương nữa, làm sao leo cho nổi ?

Ông y tá chưa kịp nói ý nghĩ ấy ra , thì một tiếng súng nổ chát chúa vang lên. Tiếp đến tiếng kêu chói lói…

Vị linh mục và ông y tá trèo vội theo Khôi, nhảy lên mặt đường. Từ chỗ ấy đến nhà Tư Muôn còn cách chừng một trăm thước. Khôi cắm cổ chạy tới, và đứng sững người nhìn những hoạt cảnh diễn ra trong bóng tối như một giấc mơ…

Hai bóng người vừa chạy vừa khó nhọc khiêng một vác nặng. Tiếng kêu lại nổi lên :

- Cứu tôi ! Cứu tôi với ! !

Khôi hiểu ngay : bọn buôn lậu đang đưa người đội thương chánh đi… Chúng lẳng ông ta vào trong xe, chỗ chở hàng, rồi leo lên mở máy phóng hút vào đêm tối.

Vừa lúc ấy, lại nghe có tiếng xe hơi tiến đến, thứ xe của nhà binh rồi nhiều người xuất hiện, lặng lẽ bao vây nhà Tư Muôn. Họ có chừng mươi người, do một sĩ quan chỉ huy đang ra lệnh bằng những hiệu tay.

Khôi có cảm tưởng như mình đang nằm mơ thực… Tại sao những đội viên thương chánh này lại không cứu đồng nghiệp của họ ? Tại sao họ không đuổi theo, bắn vào chiếc xe vừa tẩu thoát ? Hay họ ngại nếu bắn nhỡ trúng nhằm bạn của họ ? Hoặc họ đã có một kế hoạch sẵn rồi ?...

Từng ấy câu hỏi cứ rồn rập trong óc Khôi. Anh tiến lại nhà Tư Muôn và lọt vào bên trong. Dưới ánh đèn dầu, anh thấy Tư Muôn và một người lạ nữa, lấm lét đứng cạnh chiếc tủ, có hai đội viên thương chánh cầm súng lục canh hai bên.

Tư Muôn không buồn nhìn Khôi khi anh bước vào nhà. Tên đồng loã của hắn hoàn toàn lạ mặt.

Thanh ngồi khóc sụt sịt trên một chiếc ghế gần đó. Khôi ái ngại muốn tới gần an ủi, nhưng lại không dám. Cùng lúc ấy anh thấy trong góc phòng một bóng người nằm dài trên chiếc chõng tre, mặt tái xanh như một xác chết. Người ấy là Việt.

Khôi chạy lại :

- Việt, trời ơi, Việt !

Anh quỳ xuống chân bạn khóc ròng.

- Việt, trả lời Khôi đi. Việt còn sống đấy chứ ?

Không ai trả lời.

Khôi ngước mắt nhìn viên y tá, lúc ấy đã tới gần bên, hỏi :

- Bạn tôi có chết được không ông ?

Ông y tá lắc đầu :

- Không ! Cậu ấy ngất đi đấy. Chẳng sao đâu. Để tôi chích cho cậu ấy một mũi thuốc. Và cứ để cho cậu ấy nằm nghỉ. Tôi sẽ săn sóc luôn cả chỗ vết thương…

- Vết thương có nặng không ông ?

- Chỉ bị rách thịt thôi… chưa hề gì.

Ông vỗ vai Khôi mỉm cười :

- Sẽ có một vết sẹo dài để làm kỷ niệm !

Khôi thở phào, nhẹ nhõm. Anh tiến lại vị linh mục thì thầm ;

- Xin linh mục săn sóc cho cô bé kia. Cô ta tên là Thanh, và hoàn cảnh rất đáng thương.

Bên ngoài có tiếng còi, tiếng chân chạy rầm rập, tiếng động cơ xe hơi nổ, và tiếng ra lệnh sắc gọn của viên chỉ huy. Tất cả xáo động một cách cấp bách.

Viên sĩ quan bước vào hỏi Khôi :

- Phải cậu là người khám phá ra ổ buôn lậu này không ? Theo tôi, mau lên…

Chưa hiểu rõ tình thế ra sao, Khôi cũng vâng lời theo sau viên sĩ quan, leo lên chiếc xe “jeep” đậu bên ngoài. Chiếc xe lao xuống con đường dốc, lắc đảo dữ dội, khiến nhiều lần Khôi tưởng đã văng ra ngoài. Nhưng người lái xe là một tay cừ khôi. Xe vẫn phóng như bay trong đêm tối. Gió đêm quất ngược vào mui vải phần phật, và làm bạt hơi thở của bốn người ngồi trên xe : người tài xế hai tay ghì chặt vào bánh lái; một đội viên cầm khẩu tiểu liên chĩa về phía trước, hướng đào tẩu của bọn đồng loã Tư Muôn; và viên sĩ quan chỉ huy, với Khôi ngồi bàng hoàng không hiểu đang sống thực hay mộng. Viên sĩ quan hét vào tai Khôi :

- Tôi có lời khen các cậu…

Khôi giật mình, như người chợt tỉnh một giấc mộng du, quay lại nhìn viên sĩ quan. Ông ta tiếp :

- Bạn cậu thiệt là can đảm và khôn lanh. Nhờ có cậu ấy lập kế nằm lăn giữa đường nên bọn buôn lậu phải khiêng cậu ấy vào trong nhà và nhờ thế, đã đủ thì giờ cho chúng tôi đến kịp. Mặc dầu vậy, có hai tên đã mang được anh Giang, một đội viên thuộc đoàn XXII của chúng tôi ra xe chuồn mất. Chúng hiện tìm cách qua biên giới, nhưng chúng ta sẽ đuổi kịp.

Lời nói của viên sĩ quan làm Khôi phấn khởi. Anh thầm nghĩ :

- Như vậy, kể cũng không đến nỗi uổng công. Chỉ mong sao cứu được kịp thời viên đội thương chánh là khỏi còn ân hận gì nữa…

Người lính ngồi phía trước quay lại báo cáo :

- Bọn chúng đã bỏ xe. Chúng biết bị đuổi theo nên lủi chạy vào rừng.

Khôi cố nhìn xem bóng bọn buôn lậu chạy trốn, qua tấm kính chắn gió. Nhưng anh không thấy gì. Chiếc xe “jeep” bỏ đường thẳng chạy rẽ xuống đồng cỏ… Viên sĩ quan ra lệnh :

- Cẩn thận ! Chúng ta sẽ bắt được chúng. Vì muốn vượt biên giới chúng còn phải băng qua một vũng lầy và nhiều suối nhỏ. Báo cho toán tuần cảnh ở phía này biết…

Khôi để ý thấy người lái xe nhận một nút bấm trên chiếc máy nhỏ gần tay lái, lắp ống nghe vào tai…

Viên sĩ quan tiếp :

- Nói với họ phục sẵn bên kia rừng, án ngữ đường qua biên giới và không được nổ súng trước khi có lệnh…

Người tài xế truyền lệnh đó đi. Chiếc “jeep” ngừng lại trên một đám đất ẩm. Phía trước là bãi lầy, cỏ nước mọc um tùm. Chiếc xe của bọn buôn lậu nằm lủi đầu vào đám cỏ. Khôi vừa chỉ tay về phía đó cho viên sĩ quan thấy, thì một ngọn lửa bùng lên…

Người lái xe kêu :

- Chúng đốt xe !

Bọn đồng loã của Tư Muôn đốt xe thật. Chúng định tiêu huỷ tất cả trước khi bỏ trốn. Khôi thấy bóng chúng đang chạy. Viên sĩ quan bắn một phát chỉ thiên.

Lửa cháy ở chiếc xe mỗi lúc một lan rộng vì xăng ở bình chứa chảy ra.

Khôi bỗng chợt nhớ đến người đội thương chánh, nạn nhân của bọn buôn lậu, hiện còn bị trói ở trong xe. Nếu không cứu gấp, tất ông ta bị thiêu sống.

Khôi nghĩ :

- Phải đi ngay mới được. Đó là bổn phận của mình…

Và anh phóng mình vào đám đất lầy, bất chấp lời gọi của viên sĩ quan và người tài xế. Lúc này không gì cản trở Khôi được. Anh chạy như bay, nhảy qua từng vũng nước, từng mô đá, và đến gần chiếc xe đang cháy. Lửa nổ lép bép dưới sàn xe sắp lan tới đầu máy. Trong thùng xe phía sau, Khôi thấy viên đội thương chánh bị trói đang cố sức dãy dụa.Anh xông vào giữa đám khói mù mịt, nắm áo ông ta và cố sức kéo trở lui.

Quanh Khôi, lửa nóng hừng hực. Kéo được nạn nhân ra khỏi đám cháy, tới một khoảng đất khô, Khôi đặt xuống, nâng đầu ông ta lên.

Viên đội thương chánh mở mắt, nhận ra được Khôi đang cúi xuống nhìn mình, gắng gượng thều thào:

- Cám ơn em. Em vừa cứu sống anh đó…

Rồi ông ta lả người, ngất lịm…

Viên sĩ quan và tuỳ thuộc của ông hấp tấp chạy tới. Họ dìu cả hai người ra xe, vì Khôi lúc ấy cũng mệt muốn đứt hơi, đứng không vững.

Lúc ấy đã vào khoảng 4 giờ sáng. Phía chân trời ánh hồng dương đã lờ mờ tỏ hiện.

Khôi nhắm mắt lại. Những hình ảnh hiện ra trong óc anh, gợi lại tất cả những sự việc xảy ra trong vòng mấy ngày nay. Anh nghĩ tới Việt bị thương nằm dài trên chiếc chõng ở nhà Tư Muôn; đến Thanh, cô gái bé bỏng đáng thương, đang khóc nức nở. Cũng may, còn có vị linh mục ở đó. Ngài sẽ săn sóc lo liệu cho nàng. Rồi anh lại nghĩ đến các bạn ở đô thành. Mai đây, anh sẽ cùng Việt trở về với căn nhà ấm cúng của gia đình, tìm lại bầu không khí yên ổn của phòng học, sống lại cuộc đời đèn sách của một học sinh chăm chỉ.

Chiếc “jeep” rú lên, quay mũi vượt lên đường. Khôi mở mắt, nhìn lại lần cuối cảnh núi non chập chùng, đồng cỏ bao la miền biên giới đang dần dần thức tỉnh dưới ánh bình minh và cảm thấy tâm hồn thư thái, sau những giờ phút sôi động vừa qua.

Nguyễn Trường Sơn 
1964 
____________________________________________________________ 
Xem tiếp BẮT MA

CHƯƠNG VII_BÊN ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

CHƯƠNG VII

Một bóng người cúi xuống chỗ Việt nằm. Anh nghe hơi thở hổn hển của hắn và tiếng hắn gọi :

- Việt ! Việt ! Sao thế hả ?

Thì ra bóng người đó là Khôi. Không nghe bạn trả lời, Khôi lo lắng gọi tiếp ;

- Việt ơi… Khôi đây mà… Cậu có nghe tớ không ? Trả lời đi… Cậu bị thương hay sao thế ? Tại sao lại nằm dưới hố này ?

Việt thều thào trả lời :

- Việt bị ngã từ trên cao xuống, không thể gượng dậy được… Ái…đau quá…

Khôi nhận rõ tình thế. Như vậy là Việt chưa kịp báo cho đồn thương chánh biết. Và trên kia, trong hầm nhà Tư Muôn, một mạng người lâm nguy đang chờ mong từng phút để được giải cứu.

Nhưng biết sao được ? Việt hiện bị thương, và có lẽ khá nặng… Chẳng lẽ bỏ Việt nằm đây, rồi chạy xuống làng cầu cứu ? Khôi đâm ra lúng túng không biết tính cách nào.

Việt cựa mình rên rỉ. Một bên chân anh đau nhói. Khôi sốc nách Việt dậy, kéo bạn lên khỏi vũng lầy, đặt nằm trên cỏ rồi bấm đèn soi chỗ vết thương của bạn. Việt bị rách một đường da ở chân để lộ cả thịt, máu đọng đỏ lòm.

- Trời ơi ! Đau quá… Chết mất !

Việt nhăn nhó kêu. Khôi vội ngăn bạn :

- Yên. Đừng kêu thế, trên kia Tư Muôn hắn nghe được, nguy lắm… Rán chịu một chút đi !...

Nhưng Việt không sao rán được. Vết thương xé thịt, đau buốt đến ngất lịm người đi. Việt cắn răng, nước mắt ràn rụa, vẫn không nén được cơn đau.

Khôi quì bên cạnh bạn, loay hoay cả một khắc đồng hồ mà không giải quyết được gì. Lo cho bạn, anh quên khuấy cả số phận người đội thương chánh… Anh dặn Việt :

- Cậu chịu khó nằm chờ đây nhé. Tớ chạy về lều lấy mấy viên thuốc cho cậu uống đỡ. Rồi tớ sẽ xuống dưới làng tìm một người y tá…

Việt không nghe gì cả. Anh chỉ muốn làm sao quên được cái đau nhức đang cắn xé ở bắp chân.

Khôi chạy về lều. Vũ trụ chìm trong thanh vắng. Tất cả như triền miên say ngủ giữa đêm khuya, và sự êm đềm đó làm Khôi dịu được phần nào xúc động. Chỉ ít phút sau Khôi đã trở lại với bạn, đem theo bình nước, ít viên “Aspirine” và cái chăn nhỏ.

Anh trải chăn trên cỏ đặt bạn nằm lên, bảo :

- Cậu uống tạm mấy viên thuốc này cho đỡ đau, rồi nằm yên đừng động cựa, chờ tớ đi kiếm y tá phụ giúp khiêng về lều băng bó cho.

Sợ Việt lạnh, Khôi cởi áo ngoài đắp lên người bạn.

Việt cố gắng nhếch một nụ cười héo hắt tỏ ý cám ơn. Khôi thật là một người bạn tốt ! Cuộc cắm trại này sẽ lưu lại những kỷ niệm khó quên…

Khôi tiếp :

- Thôi, bây giờ tớ đi kiếm y tá đây. May ra có thể tìm được. Nếu không tất phải đến ông xã trưởng nhờ ông chỉ dùm. Chỉ lo ở đây không có ai hành nghề y tá thôi… À, dưới làng thấy có một ngôi nhà thờ. Tớ sẽ gõ cửa xin vị linh mục ở đấy giúp đỡ… Tớ đi nhé… Cậu đã thấy khá chưa ? Có cần gì nữa không hả Việt ?

Việt khẽ lắc đầu. Anh thầm trách mình quá sơ suất đến nỗi lâm phải tình trạng này để làm khổ cho Khôi. Từ đây xuống dưới làng phải đến vài ba cây số, liệu Khôi có tìm ra được ai giúp không, hay uổng công trở về ? Xui thật… Và tất cả cũng chỉ vì… Việt chợt nhớ đến mục đích của cuộc mạo hiểm. Anh gắng gượng bảo bạn :

- Khôi này, viên đội thương chánh có đưa tớ tấm “lắc” của ông ta. Cậu cầm lấy đem đến đồn báo cho họ biết. Phải cứu ông ta trước đã, Khôi ạ… Rồi hãy tìm y tá sau… Tớ thấy đã khá nhiều, không đau lắm nữa… !

- Được rồi, cậu cứ yên tâm, tớ sẽ đi một công đôi việc ! Đừng lo… Mọi việc rồi sẽ xuôi hết…

Hứa với bạn rồi Khôi lặng lẽ biến vào bóng đêm.

Còn lại một mình, Việt cố gắng thiếp ngủ. Một làn gió nhẹ thoảng đến vuốt ve mái tóc của Việt. Vết thương ở chân không còn đau buốt nữa, nhưng lại tê dại đi vì khí lạnh của đêm khuya.

Việt lo sợ vết thương bị nhiễm độc. Anh mong Khôi tìm ra được người y tá, và khắc khoải chờ đợi. Hai mắt Việt mở rộng nhìn lên nền trời, đôi môi tái nhợt, run rẩy như muốn lên cơn sốt…

Đột nhiên Việt thấy lờ mờ trong đầu hình ảnh ngôi nhà ấm cúng với bóng dáng dịu hiền của mẹ và hơn lúc nào hết anh thèm muốn ước ao được sự săn sóc của bà. Rồi từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, Việt liên tưởng đến các bạn bè : đến Bạch Liên, Tuấn, Dũng, Ngọc nga, tới những chiều rảnh rỗi cùng nhau dạo chơi trên hè phố Sàigòn, la cà trước các hiệu bán sách hoặc ra đứng ngoài bến tàu hóng gió nhìn ngắm những con tàu, những chiếc chiến hạm và thèm muốn một cuộc vượt sóng ra khơi. Đô thành vào những lúc ấy rực rỡ ánh đèn. Những ống đèn màu nhấp nháy trên các cửa tiệm chiếu xuống hè phố từng khoảng sáng dài linh động. Việt thầm nghĩ :

- Không khéo mình mê sảng mất ! Tại sao lại nghĩ đến ánh đèn thành phố trong lúc này ?

Anh nhìn lại nền trời đêm. Có một vệt sáng lờ mờ kéo dài trên không trung làm Việt ngạc nhiên. Phải chăng vệt sáng đó là dải Ngân hà hiện rõ dưới vòm trời khuya ? Nhưng không, vệt sáng chuyển động như đang tiến tới. Đồng thời Việt nghe rõ tiếng ầm ì của động cơ từ xa vẳng lại. Anh lắng tai nghe ngóng, và chợt hiểu vệt sáng quét trên không trung là do ánh điện của “đèn pha” xe hơi chiếu ra.

Tiếng động cơ nghe mỗi lúc một gần. Nó ngưng lại giây phút để chuyển sang số mạnh hơn.

Chiếc xe hơi bắt đầu vượt lên con đường dốc, tiến về hướng nhà Tư Muôn. Việt thầm hỏi chiếc xe đó đến nhà Tư Muôn Làm gì ? Anh tìm thấy ngay câu trả lời và hoảng hốt kêu :

- Chết rồi… nó đến để chuyển hàng và đem viên đội Thương chánh kia đi…

Việt cố gắng cựa mình. Nhưng vết thương ở chân làm Việt nhăn mặt. Anh mường tượng đến sự việc sắp xảy ra ở trên kia, trên nhà Tư Muôn: Viên đội thương chánh sẽ bị trói chặt, bị bọn buôn lậu ném lên xe đưa đi biệt tích…

Việt biết điều ấy… Thế mà anh không làm gì được. Uất giận dâng lên nghẹn cổ, Việt muốn vùng lên, gào hét sự bất lực của mình.

Không, không thể thế này được. Lương tâm Việt phản đối mảnh liệt. Anh không thể để mặc bọn kia thi hành tội ác của họ… Việt phải can thiệp. Vì, dù sao nếu người đội thương chánh không được giải cứu kịp thời cũng là do lỗi ở anh phần nào…

Chiếc xe đã lên tới nửa dốc. Việt nhìn rõ được bóng của nó nổi bật trên nền trời với hai vệt sáng trắng của đèn pha.

Việt mưu tính một chương trình hành động.

Anh rút khăn tay buộc chặt vết thương ở bắp chân, cố chống người dậy bò đi.

Thoạt đầu Việt chưa cảm thấy đau. Nhưng sau vết thương tê dại vì khí lạnh theo nhịp chuyển động của mạch máu lại bắt đầu nhoi nhói như có hàng trăm mũi kim nhọn châm vào.

Việt lết chậm chạp lên sườn núi, thỉnh thoảng ngưng lại để thở và cho vết thương bớt đau. Anh nằm úp mặt xuống tay, có khi áp má trên cỏ, nghĩ đến tính mạng viên đội thương chánh, rồi lại gắng trườn người lên.

Việt chỉ hy vọng đạt tới đích. Nhiều lúc anh muốn ngất lịm đi vì mệt,hai tay yếu liệt không điều khiển theo ý muốn được nữa. Hai tai anh ù lên, có cảm giác như đang chìm vào một thế giới âm u không thực. Tuy nhiên Việt vẫn cứ cố gắng trườn lên. Anh vẫn nghĩ đến việc phải cứu viên đội thương chánh, dù chưa biết sẽ phải đương đầu với bọn người liều lĩnh tàn bạo kia ra sao.

Việt ngửng đầu lên. Trên kia, đêm tối bao trùm trở lại ngôi nhà của Tư Muôn. Chiếc xe đã tắt máy và tắt luôn cả ánh đèn. Có lẽ bọn đồng loã của hắn đã rời xe để vào trong nhà.

- Lạy trời cho mình tới kịp. Và bọn chúng đừng đi ngay…

Ý nghĩ ấy thúc bách Việt vùng dậy. Như một con hoẵng bị thương, anh chồm lên nấp sau một bụi cây chờ vượt lên con đường dốc.

Bỗng nhiên một ý nghĩ, một kỷ niệm thì đúng hơn, hiện ra trong trí Việt : Anh vừa nhớ đến Thanh cô gái ở nhà Tư Muôn. Chẳng hiểu Thanh có dự vào những hành động khả nghi này không ? Thanh có biết rằng nhà “dượng Tư” của cô là một sào huyệt của bọn người phi pháp, dám giết người ? Thanh có lo sợ nếu thấy nhà chức trách ập đến ? Và nếu Tư Muôn bị bắt, số phận của Thanh ra sao ? Cô bé chắc sẽ bị nhốt vào nhà trừng giới hoặc đưa vào viện mồ côi mất.

Việt tưởng tượng ngay ra cảnh sống âm thầm cô độc mà Thanh sẽ phải chịu. Và tất cả những điều đó chỉ vì Khôi Việt gây ra…

Việt ngẩn người ra một lát, không ý thức được việc mình làm là phải hay quấy nữa. Việt đâm ra hoang mang và cảm thấy mệt mỏi chán nản vô cùng.

Anh ngồi lặng như thế đến năm phút. Chợt anh giật mình nghe có tiếng cửa mở. Ánh đèn vàng vọt trong nhà Tư Muôn chiếu giãi ra ngoài sân. Mấy bóng người bước ra, vừa đi vừa rì rầm nói chuyện.

Việt nấp cách đấy độ chừng mười lăm thước. Anh nép sát sau bụi cây nhìn rõ mấy bóng đó tiến lại phía chiếc xe hơi. Chiếc xe thuộc loại vận tải cỡ nhỏ. Tư Muôn không ra cùng với họ. Chỉ có ba người, nói giọng lơ lớ không sõi.

Không suy nghĩ, đắn đo, Việt hành động theo phản ứng của mình. Anh bật người dậy, đồng thời nhảy lò cò bằng bên chân lành lên mặt đường. Anh nhảy được chừng bốn năm thước thì ngã quỵ, nằm vật trên mặt đất.

Ba bóng người cùng giật mình quay lại. Thấy Việt trong bụi cây nhảy ra, họ lui bước thủ thế.Nhưng khi thấy Việt ngã xuống đất, họ bỡ ngỡ hỏi nhau :

- Cái gì thế ?

- Một thằng nhỏ…

- Nó có một mình thôi à ?

Sau khi xem xét sau bụi cây không có gì khả nghi, họ tiến lại phía Việt. Thấy Việt bị thương, một người lớn nhất trong bọn nhắc Việt lên, mang vào nhà Tư Muôn.

Sau đó họ đóng sập cửa lại, và bóng đêm bao phủ hoàn toàn trong vắng lặng…

___________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VIII

CHƯƠNG VI_BÊN ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

CHƯƠNG VI

Cả buổi chiều hôm ấy Khôi Việt nằm dài trên bãi cỏ trước lều mải miết bàn tính với nhau. Cả hai đều đồng ý rằng hoàn cảnh của viên đội Thương chánh rất đáng lo ngại, phải làm sao giải cứu được ông ta trước khi bọn buôn lậu “chạy hàng”. Điều làm hai anh em thắc mắc là tại sao, tới giờ phút này, các bạn đồng đội của viên đội Thương chánh kia vẫn chưa có phản ứng gì về sự vắng mặt của ông ta?

Việt thắc mắc :

- Tại sao họ không tìm ông ta nhỉ. Nếu bọn buôn lậu chuyển hàng đi đêm nay tất họ cũng sẽ định đoạt luôn về số mạng ông ta. Tớ chắc rằng Tư Muôn xuống quận hôm nay chính là để báo động cho đồng bọn biết.

Khôi nhai nát một cọng cỏ gà gật đầu nói :

- Tình cảnh cũng nguy cấp thật. Tụi mình không thể ngồi yên cho sự việc buông xuôi như thế được, vì vụ này không còn là một trò chơi mạo hiểm chỉ để làm thoả mãn óc tò mò của chúng ta, mà buộc chúng ta phải thi hành một nghĩa cử : tìm cách cứu thoát một mạng người. Bởi vậy, tớ đề nghị với cậu…

Hai mái đầu chụm lại gần nhau. Khôi phác hoạ một chương trình hành động và Việt lắng nghe, chăm chú bổ khuyết những sơ hở của bạn. Khôi nói :

- Bây giờ chúng ta cứ đặt giả thuyết rằng chính Tư Muôn đã bất thần tấn công viên đội thương chánh đêm qua, và đem dấu ông ta trong sào huyệt của hắn… Cậu đồng ý thế không ?

- Đồng ý !

- Vậy chúng mình phải lọt vào sào huyệt hắn đêm nay, trước khi bọn hắn tới.

- Bằng cách nào ? Với lại tớ còn ngại Tư Muôn có thể khám phá ra tụi mình đã vào lô cốt…

- Có thể. Nhưng làm sao hắn biết được là chúng mình đã vào ? Tụi mình có ký tên vào vách lô cốt đâu mà sợ ?

- Nhưng còn những con chó, chúng có thể đánh hơi…

- Từ đêm qua đến giờ, hơi hướng của hai đứa mình trong đó bay đi hết rồi. Bọn chó dù có thính mũi cũng không biết được.

Suy nghĩ giây lát, Khôi tiếp :

- Tối nay chúng mình không cần ra ngoài lô cốt làm gì, ngoài đó chỉ có toàn hàng lậu thôi. Trọng tâm của chúng mình là đi tìm gặp viên đội thương chánh xem ông ta có bị nhốt ở nhà Tư Muôn không.

- … Có lẽ ở dưới hầm … chứa khoai ?...

- Ừ ! Muốn vào hầm khoai nhà Tư Muôn – như cậu đã biết đó chỉ có hai cách : Bằng lối Thanh đã dẫn chúng ta xuống, hoặc bằng lối ở ngoài triền núi vào. Chúng ta phải tìm ra một hốc nào đó mở cửa vào con đường hầm. Điều khó là ở ngoài triền núi, hang hốc vô số, phải làm sao tìm cho trúng. Cậu không có ý kiến gì sao ?

Việt đáp :

- Không, nhưng tớ đang tính đây. Nghĩa là tớ đang ước lượng xem lối vào đường hầm đó ở mức độ nào của triền núi. Đáng lẽ chúng mình phải hỏi ngay Thanh xem lối vào ấy ở khoảng nào.

- Đời nào Thanh nói cho tụi mình biết. Cô ta sợ ông cha nuôi lắm…

- Vậy thì ta cứ tính xem từ nhà Tư Muôn ra tới triền núi vào khoảng bao xa và từ trên nhà hắn xuống hầm sâu độ bao nhiêu thước ?

- Xem nào, lúc tụi mình theo Thanh xuống lấy khoai, tớ có đếm nhẩm chừng 40 bậc. Cứ cho mỗi bậc cao độ 30 phân thì hầm phải ở dưới mặt đất khoảng 12 thước. Như vậy ta tìm lối vào ở ngoài triền núi thấp hơn nhà Tư Muôn độ 15 thước.

- Nghĩa là vào khoảng giữa triền núi ?

- Ừ, tớ ước lượng như vậy đó.

Việt lắc đầu :

- Không chắc lắm đâu… Nếu đường hầm đi dốc xuống và chia làm từng đợt, theo khoảng dài 200 thước thì lối vào phải ở ngay chân núi, ngay gần bãi trồng khoai, bắp của Tư Muôn. Tớ tưởng tụi mình tìm ngay từ chân núi và cứ theo chiều ngang tiến ngược dần lên. Như vậy mình không bỏ sót một khoảng nào. Cậu hiểu ý định của tớ chứ ?

Khôi gật đầu :

- Hiểu ! Chúng mình sửa soạn là vừa…

Hai anh em trở vào trong lều. Khôi sỏ đôi giày vải vào chân trong lúc Việt cắm cúi lắp cục “pin” mới vào đèn bấm. Lần này Việt cảm thấy yên tâm và hăng hái, vì ý kiến của anh đưa ra.

Khôi chậm chạp buộc cẩn thận dây giày. Anh nghiền ngẫm một ý nghĩ chợt hiện lên trong đầu : Chưa có gì sáng tỏ trong vụ này cả.

Ngoài trời, hoàng hôn đã nhuộm tím chân mây. Không gian chìm trong vắng lặng. Không một tiếng động nhỏ, kể cả tiếng gió rì rào trong rừng cây.

Khôi đứng lên khi ánh trăng vừa hiện, bảo bạn :

- Nào đi, thử cầu may xem !

*

Sau một hồi tìm kiếm khá lâu và vất vả, Khôi Việt tìm ra được cửa hầm dẫn vào nhà Tư Muôn. Cửa hầm là một hốc đá phủ đầy gai góc, nếu vô tình không ai có thể ngờ đó là một đường hầm được đục ngầm vào lòng núi. Khi tìm đến quãng đó, Việt vô ý trượt chân ngã vào bụi gai. Và trong khi Khôi tìm cách gỡ cho bạn đứng dậy, đã khám phá ra cửa vào kín đáo đó.

Đường hầm dốc thoai thoải, hai anh em hồi hộp chui vào, lần mò từng bước. Độ hơn trăm bước Việt ngửi thấy phảng phất có mùi thực phẩm. Anh đánh bạo ấn nút đèn bấm. Trước mặt anh hiện ra một khoảng lõm khá rộng chất đầy củi khô, và hai thùng lớn không rõ chứa gì bên trong… cạnh đó có một thang gỗ dựng lên tới sát trần. Việt đưa ngược ngọn đèn chiếu lên. Đầu cây thang có một ván đậy. Anh đoán trên đó còn một hầm nữa. Hầm trên có thể là chỗ hồi sáng Thanh đã dẫn hai anh em xuống lấy khoai và bắp. Còn cái hầm phía dưới này có lẽ Thanh không biết, hoặc có biết mà không dám nói.

Khôi khẽ rỉ vào tai bạn :

- Chúng mình đang ở dưới nhà Tư Muôn đấy. Cẩn thận nhé !

Việt tắt đèn, cố gắng đè nén hơi thở bỗng nhiên nổi mạnh. Cả hai đứng sát nhau nghe ngóng, và chợt giật thót người khi nghe có tiếng rên rỉ gần đâu đây. Định thần lại họ nghe rõ tiếng ấy nói :

- Nước… cho xin ngụm nước… khát quá !

Việt nắm chặt tay bạn run giọng nói :

- Có người ở đây !

Khôi rón rén đi về phía đống củi…

Tiếng rên im bặt…

Việt cầm đèn theo sát bạn. Khuất đống củi, một thân người nằm co quắp lưng tựa vào vách hầm.

Việt nuốt nước bọt trước khi cúi xem thân hình đó. Anh chiếu đèn soi mặt người lạ. Đó là một người đàn ông còn trẻ, thân hình cao lớn nên hầu như nằm choán gần một góc hầm. Dưới ánh đèn người đàn ông chấp chới đôi mắt như không chịu nổi.

Khôi nhận ra ngay người đó mặc quần áo kaki vàng. Anh lẩm bẩm :

- Viên đội thương chánh !

Việt quay đèn ra chỗ khác cho ánh sáng khỏi làm chói mắt ông ta.

- Cho tôi uống… khát lắm !

Người đội thương chánh nhắc lại. Khôi quì sát nạn nhân.

- Chúng tôi tiếc không đem nước theo, nhưng có thể giúp ông thoát khỏi nơi này.

Viên đội tỏ vẻ ngạc nhiên :

- Nhưng các cậu là ai thế ?

- Chúng tôi là hai hướng đạo sinh cắm trại ở gần đây…

- Trời !... Thế mà tôi tưởng các cậu là con lão già đã nhốt tôi ở đây… Chính hắn hạ tôi một gậy sau ót, làm tôi ngất đi. Nhưng giờ khá rồi… Tôi vờ rên rỉ như thế để các cậu để ý thôi… Bây giờ là mấy giờ rồi ?

- Hơn 10 giờ đêm…

- Thế ra tôi bị nhốt ở đây hơn một ngày rồi.

Vừa nói viên đội thương chánh vừa cố gắng đứng lên, nhưng lại chúi mình ngã xuống. Hai chân ông ta bị xiềng vào nhau và cột liền với một khoen sắt chôn ở vách hầm. Khôi cố gắng mở thử, nhưng viên đội nói :

- Không được đâu… Tôi đã mở thử rồi. Lão già này tinh quái lắm.

Khôi lo lắng :

- Làm thế nào bây giờ ?

- Đợi các bạn đồng đội của tôi đến giải cứu…

- Vâng, nhưng chúng tôi chưa thấy bóng họ đâu cả. Không hiểu tại sao họ lại chưa đến tìm ở vùng này ?

- Bởi vì, theo thường lệ, tôi được chỉ định đi tuần ở vùng trên. Tôi mới đổi về đây được chừng ít tháng nên chưa rõ hết thung thổ vùng này. Chiều qua tôi đi lạc xuống đây, với một con chó… Bỗng nghe có tiếng súng nổ… Con chó của tôi lôi tôi đi đến một khúc đường mòn thì nó xông vào một chiếc lô cốt bỏ không,và bị một con chó khác tấn công. Tôi chưa kịp rút súng ra đã bị đánh quỵ. Tỉnh dậy tôi thấy bị nhốt trong hầm tối này. Trong ngày có một lão già khệnh khạng, càu nhàu soi đèn đem xuống cho vài củ khoai luộc, với một ít cơm…

- Ông có thấy cô gái nào theo sau hắn không ?

- Không. Lão chỉ xuống có một mình, sặc sụa hơi rượu… Các bạn đồng đội của tôi, giờ này chắc đang tìm kiếm ở khu trên, nơi tôi có phận sự đi tuần. Điều cốt yếu là bây giờ phải làm sao liên lạc được với họ.

Việt gật đầu :

-Vâng tôi cũng nghĩ thế.

- Cũng may mà tôi gặp được các cậu.

Và chỉ vào Việt, viên đội thương chánh tiếp :

- Cậu có biết một đồn thương chánh nào gần đây nhất không ?

- Không, nhưng tôi sẽ tìm được…

- Nếu vậy, cậu đi ngay hộ cho. Cậu báo cho ông Trưởng đồn biết và dẫn ông ta lại đây !

Việt gật và quay sang Khôi dặn :

- Cậu ở lại đây nhé.

Khôi xiết chặt tay bạn. Chưa bao giờ đôi bạn thấy thương mến nhau bằng lúc này.

Việt đi rồi, Khôi quay lại nhìn viên đội thương chánh nằm nhăn nhó ở góc hầm. Anh hỏi :

- Ông làm sao thế ? Đau à ?

- Chỗ vết thương sau gáy tôi nhức quá, buốt lên tận óc. Nghĩ giận lão già bất lương kia quá, tôi chỉ muốn chửi vang lên cho hả.

Khôi vội can :

- Ấy chớ… Ông mà làm họ xuống đây thì nguy cả. Ông cần tôi giúp ông điều gì không ?

- Không !

- Tôi trở về lều lấy thuốc đến băng bó vết thương cho ông nhé ?

- Chắc ở đây một mình với tôi cậu sợ chứ gì ?

- Không phải thế, nhưng tôi có thuốc “mercurochrome” và “vaseline”… Tôi sẽ rịt vết thương cho ông đỡ đau…

- Hai thứ thuốc đó chưa chắc có hiệu nghiệm gì, nhưng nếu tiện thì cậu mang cho ít nước uống. Tôi khát khô cả cổ rồi.

- Ông cứ yên trí, tôi sẽ trở lại ngay.

*

Việt rất hãnh diện về trọng trách mà viên đội thương chánh vừa giao cho. Chuyến này anh giữ vai quan trọng mà !

Mò mẫm trong đường hầm đưa ra ngoài triền núi, Việt đã thấy trước cuộc vây bắt của nhân viên công lực tóm cổ trọn ổ buôn lậu…

Để đánh lừa mệt nhọc anh tưởng tượng ra những lời khen ngợi của các nhân viên thương chánh tặng hai anh em. Và nét mặt hân hoan của ba má khi đọc tin trên nhật báo với chi tiết : “Khôi Việt đã giải cứu được viên đội thương chánh, nạn nhân của bọn buôn lậu, và nhờ đó cơ quan hữu trách còn tịch thu được một số hàng đáng kể” !

Rồi bọn Bạch Liên hẳn phải “lác mắt” về cuộc mạo hiểm này của anh ! Nhất định các tờ báo Thiếu Nhi sẽ tranh nhau chụp hình hai anh em và phỏng vấn lu bù…

Việt vừa sống trong giấc mộng vinh quang đó vừa rảo bước. Anh đã ra khỏi triền núi. Bầu trời le lói ánh sao, và mảnh trăng lưỡi liềm lơ lửng trên không nhuộm vàng núi đồi một màu lung linh huyền ảo. Việt hít một hơi dài. Không khí mát lạnh của đêm khuya làm anh khoan khoái. Nhìn xuống chân núi anh thầm nghĩ :

Đồn thương chánh chắc ở dưới lòng thung lũng kia. Mình hãy trở về lều rồi định hướng đi tắt cho chóng.

Nghĩ thế, Việt cắm cổ chạy miết, anh nhảy từng bước dài… Bỗng Việt trượt chân, ngã lộn người đi. Trong vòng hai phút, Việt nghe tiếng đất sỏi rơi ào ào quanh mình và người anh lăn nhào xuống dốc.

Rồi tất cả ý nghĩ của Việt mờ đi. Anh rơi vào khoảng trống, nằm ngất lịm dưới chân núi.

*

Không biết bao lâu sau Việt mới tỉnh. Nhưng tỉnh lại, Việt nhận ra mình đang nằm trên một vũng đất ẩm ướt, sặc sụa mùi cỏ, và mùi lá mục. Quanh Việt không một tiếng động, trừ hơi gió thổi sào sạc đám cỏ lau. Anh thử sờ nắn khắp mình, sờ thử xuống đất nhớp nháp những bùn.

Ái ! Cái chân… Việt muốn nhích chân trái đi mà không được. Anh thầm bảo :

- Chết rồi, không biết chân mình làm sao đây. Đen đủi quá !

Chờ đợi một lát, Việt thử cố gắng đứng dậy. Nhưng chỗ bắp vế trái buốt nhói làm anh lại phải nằm vật xuống. Anh đưa tay sờ lại vào chỗ đau không hiểu chỗ đó dính bết máu hay bùn…

Và Việt, người anh hùng của câu truyện “Bên đường Biên giới” nhân vật quan trọng được các báo chụp hình phỏng vấn, bỗng khóc lên rưng rức, và cảm thấy tuyệt vọng chua cay…

Bỗng nhiên Việt cố nén cơn thổn thức. Anh vừa nghe có tiếng động đâu đây. Có kẻ nào đang tới… Anh với tay tìm một hòn đá để phòng nếu phải tự vệ. Anh không chắc sẽ được ai cứu, mà chỉ lo bọn buôn lậu có thể đuổi theo.

Việt thấy lạnh sống lưng vì sợ. Không tự chủ được nữa, Việt gào lên và nghẹn ngào như tất cả mọi người lâm cơn thất vọng. Anh gọi :

- Má ơi ! Má…
____________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VII

CHƯƠNG V_BÊN ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

CHƯƠNG V

Mặt trời đã lên cao. Chiếc lều của Khôi Việt, nằm im lìm bên bìa rừng, giữa đám cỏ cây, và dưới vòm trời xanh bát ngát, như còn đang say ngủ.

Khôi Việt đang còn ngủ thật. Họ ngủ mê mệt, li bì không còn biết trời đất nào cả.

Mãi tới 9 giờ Việt mới giật mình tỉnh giấc. Anh vuôn vai ngáp tưởng muốn sái quai hàm, thầm bảo:

- Mình phải ngủ liền ba đêm nữa mới đã !

Nghe bạn ngáp, Khôi cũng nhỏm dậy. Còn dụi mắt, Khôi đã hỏi :

- Thế nào ? Mình phải làm gì bây giờ ?

Việt ngơ ngác hỏi lại :

- Làm gì ?

- Cậu quên những chuyện xảy ra hồi đêm rồi à ? Cậu nhớ lúc tụi mình đã khuân những bao hàng xếp trên miệng hầm ném ra chỗ khác, làm đảo lộn lung tung cả. Như vậy họ thấy ngay là tụi mình đã tới đó…

Việt ngẫm nghĩ rồi đưa ý kiến :

- Theo tớ thì tụi mình nên đi báo ngay cho nha thương chánh hoặc đồn cảnh sát biết. Tớ thấy vụ này có vẻ quan trọng vì đụng nhầm vào bọn người buôn lậu là hạng người dám liều lắm. Nếu họ biết được là tụi mình đã khám phá ra chỗ họ dấu hàng tất họ không tha mình đâu…

- Thế còn người đội thương chánh, mà chúng mình thấy họ vác ra khỏi lô cốt đêm qua thì cậu tính sao ? Chẳng lẽ để mặc ông ta ?

- Chúng mình đi báo rồi để đồng đội của ông ta lo… Như đêm qua thì chúng mình có làm được gì cho ông ấy ?

Khôi im lặng suy nghĩ, rồi ngửng đầu bảo bạn :

- Đồng ý là đêm qua tụi mình không làm gì được, vì sau khi tìm được lối thoát tụi mình mệt quá. Nhưng bây giờ khoẻ rồi tụi mình có thể tiếp tục cuộc điều tra được.

- Nhưng…

- Yên để tớ nói cho mà nghe. Đêm qua, như chúng ta đã thấy, có một viên đội thương chánh dẫn chó đi tuần. Ông ta lọt vào ổ của bọn buôn lậu và bị họ tấn công. Con chó của ông ta bị đập chết còn ông ta bị họ mang đi, chưa biết sống chết thế nào.

Theo tớ nhận xét thì ngẫu nhiên mà ông ta khám phá ra chỗ để hàng lậu, chứ không thì sự việc không xảy ra như thế…

- Phải, nếu biết rồi thì ông ta đã chẳng đi một mình, tất phải đem theo cả các bạn đồng đội…

- Vì thế nên khi bọn buôn lậu bắt gặp, họ liền tìm cách loại trừ trở ngại. Có thể họ đem nhốt ông ta vào chỗ nào đó chờ cho số hàng được chuyển êm đi nơi khác.

Cậu đã hiểu ý tớ định nói gì chứ ? Và có thấy rằng nếu ta đi báo ngay với nhà chức trách, tính mệnh của viên đội thương chánh sẽ nguy không ?

- Tại sao ?

- Này nhé, nếu bây giờ tụi mình đi báo, tất nhiên các nhân viên công lực sẽ tổ chức ngay một cuộc ruồng xét rầm rộ. Số hàng lậu kia sẽ bị tịch thu, đồng thời với cuộc tìm liếm người mất tích. Bọn buôn lậu thấy bị “động” họ sẽ chuồn.Để khỏi bị lùng bắt họ sẽ bỏ hết, kể cả số hàng lậu tích trữ được. Nhưng trước khi chuồn họ sẽ thủ tiêu nhân chứng có thể tố cáo họ là ai !

Việt gật gù :

- Ừ nhỉ ! Nguy thật…

Khôi tiếp :

- Nếu bọn buôn lậu hành động như thế thật thì tụi mình sẽ mang hận suốt đời đã làm chết một nhân mạng. Tớ nghĩ : mình phải tìm cách cứu viên đội thương chánh kia đã, và tớ tin mình làm được, vì ai cũng chỉ cho hai đứa mình là hai học sinh đi cắm trại thôi.

Việt đấm tay phải vào lòng tay trái :

- Phải chi đêm qua mình thấy rõ mặt gã đàn ông trong lô cốt thì dễ cho mình biết mấy.

- Dù không thấy mặt, song điều chắc chắn gã phải là một tay buôn lậu, và là người thông thạo ở vùng này…

- Cậu có biết ai buôn lậu ở vùng này ?

- Không. Còn cậu ?

- Tớ cũng vậy ! Nhưng tớ có nghi…

- Ai ?

- Gã đàn ông ở ngôi nhà bên sườn núi.

- Hắn mà buôn lậu nỗi gì ? Hắn rượu say tối ngày đi còn không vững nữa…

- Tớ có lý để nghi cho hắn. Hồi nãy cậu có nhắc đến con chó, làm tớ lại nhớ hai con chó dữ tợn của hắn. Hay tụi mình thử đến nhà hắn xem sao.

- Đến nhà gã say ấy ? Hì hì, sao cậu liều thế ! Không sợ hắn thả chó ra rượt cho chạy có cờ à ?

- Ấy, mình tới đàng hoàng chứ. Cứ vờ như mình đến xin nước chẳng hạn. Và trong lúc tớ múc nước thì cậu để ý quan sát xem có tìm ra được dấu vết gì khả nghi không ? Biết đâu được. Với lại tụi mình chỉ là hai hướng đạo sinh đi cắm trại thôi mà.

Khôi vỗ vai bạn :

- Ý kiến cậu thế mà hay đấy. Nào đi !...

*

Từ chỗ đôi bạn cắm trại đến căn nhà của gã đàn ông nói trên không xa mấy. Đi hết con đường mòn xuyên qua rừng cây, hai anh em đã thấy ngôi nhà ẩn hiện bên sườn núi. Càng đến gần Khôi Việt càng thấy băn khoăn lo lắng. Để vững tâm, Việt dặn bạn :

- Nhớ là khi tớ vờ múc nước thì cậu phải quan sát kỹ đấy nhé.

- Cả cậu nữa. Cậu cũng phải mở to mắt ra mà nhìn đấy. Đôi bạn tới sát cánh cổng ghép bằng những gióng gỗ nhỏ. Hai con chó xích phía đầu hồi lồng lộn sủa vóng ra.

Thấy không thể lùi được, Khôi đánh bạo đẩy cổng bước vào. Việt theo sau tay cầm chiếc bình đựng nước. Gã đàn ông nghe tiếng chó sủa rộ, mở cửa bước ra. Hắn nheo đôi mắt hấp him nhìn Khôi Việt. Tay hắn cầm một chiếc gậy ngắn. Hắn im lặng nhìn Khôi Việt, chờ đợi.

Khôi lên tiếng :

- Xin lỗi ông, chúng tôi đến xin ông chút nước…

Gã đàn ông vẫn im lặng đứng nhìn Khôi việt từ đầu đến chân. Khôi bắt đầu thấy lúng túng. Để che đậy, anh ngập ngừng tiếp :

- Vâng, thưa ông, chúng tôi cần ít nước để nấu ăn, chúng tôi cắm trại ở phía đằng kia…

- Nước hả, gã đàn ông ồ ề cất tiếng, sao không xuống dưới làng mà xin…

- Thưa, dưới làng xa quá ! Chúng tôi chỉ xin ông vừa đủ dùng thôi…

- Nước ở đây hiếm lắm, có giếng nước nhưng không đủ dùng… phải hứng thêm nước mưa, mà mùa này…

Việt giơ chiếc bình ra, muốn kéo dài cuộc đối thoại với người chủ nhà khó tính :

- Dạ, chúng tôi xin ông đầy chiếc bình này thôi.

Gã đàn ông hỏi :

- Các cậu còn ở đây lâu không ?

- Thưa, chúng tôi cũng không nhứt định. Nếu đẹp trời thì chúng tôi mới ở lại !

- Thôi được, tôi chỉ cho các cậu lần này thôi. Nước ở đây không thể dùng phí phạm như ở ngoài thành phố.

Gã lê chân lảo đảo đưa Khôi Việt đến giếng nước. Khôi nháy mắt muốn ra hiệu cho bạn để ý đến chiếc gậy gã chống nơi tay. Chiếc gậy giống hệt như chiếc để trong lô cốt đã đập chết con chó và đánh ngã viên đội thương chánh. Nhưng Việt vô tình không để ý. Anh mải nhìn thân hình gã đàn ông với nét mặt nhăn nhó của gã. Nom gã có vẻ đã luống tuổi, da mặt nhăn, sạm đen, tím lịm vì men rượu.

- Giếng nước đó, gã đàn ông quay lại bảo, và đưa bàn tay gân guốc ra vói lấy chiếc gầu buộc trên thành giếng.

Việt nhanh nhẹn đỡ lấy :

- Xin cám ơn ông. Chúng tôi không dám phiền ông nhiều. Để tôi múc lấy được ạ. Chúng tôi hãy còn trẻ và…

- Phải, các cậu còn trẻ lắm, nhưng chưa biết cách múc nước. Giếng sâu, nước cạn phải thả dây từ từ… Tôi tuy già nhưng sức còn khoẻ lắm. Lão Tư Muôn này chưa hết thời mà…

Vừa lúc ấy bỗng nghe tiếng hát trong trẻo của một cô gái. Tiếng hát líu lo ríu rít như tiếng chim khuyên. Từ phía sau nhà ra, cô gái trạc độ 13 tuổi, vừa nhảy nhót vừa đi tới. Mớ tóc buông xoã của cô ta lúc lắc trên bờ vai theo nhịp chân nhảy, nom có vẻ ngây thơ nhí nhảnh.

Thấy cô, gã đàn ông gọi :

- Thanh à, mày ra đây cho hai cậu này ít nước. Và nhớ đóng cổng lại cẩn thận nghe.

Nói rồi gã bỏ Khôi việt đó trở vô nhà.

Việt nói theo :

- Cảm ơn ông ạ !

Gã không quay lại. Cô gái cầm lấy chiếc gầu giòng xuống giếng. Tay cô thả dây nhẹ nhàng , thoăn thoắt, như muốn khoe với hai cậu học trò ở tỉnh tài múc nước của mình.

Việt gợi chuyện :

- Tên cô là Thanh à ?

Cô gái gật đầu.

- Thanh ở đây có một mình thôi ?

Cô gái nhướng cặp mắt to tròn nhìn Việt tỏ vẻ như ngạc nhiên về câu hỏi vớ vẩn của anh.

Việt tiếp :

- À phải rồi, nghĩa là cô ở đây có một mình với ông của cô chứ gì ?

- … Không phải ông tôi…

- Chắc là chú hay bác hẳn thôi ?

- … Cũng không phải chú, không phải bác…

Khôi hơi sốt ruột :

- Thế là gì, cái ông vừa ở đây trở vô nhà đó. Hay đấy là ba của cô ?

Cô gái nhếch miệng cười riễu cợt. Là ai thì việc gì đến hai anh con trai này nhỉ ? Sao họ tò mò thế không biết !

Tuy vậy cô cũng đáp :

- Không, đấy là dượng Tư. Ba tôi chết lâu rồi. Và vì tôi không có bà con thân thích chi cả, nên dượng Tư đem tôi về nuôi !

- À thế ra ổng là cha nuôi cô thôi. Ở với ông, cô có được sung sướng không ?

Đôi mắt cô gái lại mở to, đầy vẻ ngạc nhiên. Cô gượng gạo đáp :

- Có chứ.

- Những con chó kia là của Thanh đấy à ?

- Không… nhưng chúng mến tôi lắm.

Việt cố kéo dài câu chuyện :

- Chó lớn và dữ quá nhỉ. Chúng làm tụi tôi sợ hết hồn.

Thanh cười :

- Chúng dữ thật đấy. Nhưng chỉ dữ với người lạ thôi. Một bữa có ông lính nhà đoan tới đây bị một con sồ ra, chồm lên tới cằm…

Khôi, Việt chăm chú nghe. Lời thuật chuyện của cô gái hồn nhiên rí rỏm đến đỗi Khôi Việt cũng bật cười thích thú.

- Thế dượng cô nuôi hai con chó này làm gì ?

- Ơ… thì để chúng coi nhà chứ !

Đôi bạn thấy không còn gì để hỏi nữa. Vả cũng chẳng có lý do gì kéo dài mãi câu chuyện ở đây, bên bờ giếng.

Việt thầm nghĩ :

- Mình chẳng khám phá ra được điều gì cả.

Và anh đành rút lui.

- Thôi, chào cô nhé. Chào cô Thanh !

- Chào hai anh…

- Tụi tôi cắm trại ở gần đây. Thanh có rảnh ra chơi cho vui, xem tụi này… nấu bếp…

- Nấu ăn thì tôi cũng biết làm, có gì mà xem ! Với lại dượng Tư cấm không cho tôi đi đâu cả…

Khôi Việt trở ra, chán nản. Họ chẳng biết gì hơn ngoài tên gọi của Tư Muôn và cô gái hắn mang về nuôi là Thanh.

Về lều, đôi bạn giúp nhau sửa soạn bữa cơm trưa. Việt đào một lỗ làm bếp, còn Khôi đi bẻ những cành cây khô làm củi. Trong lúc hai anh em đang lúi húi nhóm lửa bắc soong lên bếp, bỗng nghe có tiếng chân bước trên đường mòn. Thoạt tiên, Việt nghĩ là Thanh ra chơi. Nhưng không phải. Người đi tới là Tư Muôn. Việt hơi trợn. Anh nghĩ đến những bao hàng trong lô cốt mà đêm qua hai anh em đã đảo lộn để tìm lối ra. Nếu Tư Muôn biết, và hắn ra đây tất có chuyện chẳng lành. Hai anh em đưa mắt nhìn nhau lo ngại. Nhưng Tư Muôn đi thẳng, không thèm nhìn đến chiếc lều của Khôi việt. Bóng hắn vừa khuất, Khôi đã nắm lấy tay Việt :

- Có dịp may rồi đấy !

Việt gật đầu :

- Tớ hiểu cái ý định… không tốt của cậu rồi.

- Sao ? Cái gì… không tốt…

- Thanh ở nhà có một mình, và cậu định trở lại đó nhân lúc Tư Muôn đi vắng chứ gì ?

- Nhưng tụi mình có đến bắt trói Thanh, tra khảo gì cô ta đâu…

- Đành rồi, nhưng cậu định thế nào ?

- Tụi mình chỉ trở lại mua khoai, bắp về luộc ăn, để kiếm cớ lọt hẳn vào trong nhà mới có thể tìm ra manh mối được. Mình sẽ giả bộ như không biết Thanh ở nhà một mình, và thừa lúc cô ta đi kiếm khoai hay bắp thì một đứa mình phải cố tìm xem trong nhà có hầm kín hoặc ngõ ngách nào bí mật không. Cậu hiểu chứ ?

- Hiểu, nghĩa là tớ sẽ theo chân Thanh đi lấy khoai, còn cậu thì soi bói mọi chỗ trong nhà. Phải thế không ?

- Đúng !

Đôi bạn trở lại nhà Tư Muôn. Đàn chó lại sủa lên vang dội. Thanh thận trọng mở hé cửa, ló đầu ra nhìn. Thấy Khôi Việt, cô mỉm cười và vừa chạy ra mắng chó, vừa mở cửa cho đôi bạn trẻ vô nhà. Cử chỉ vồn vập của Thanh khiến Khôi Việt cảm động.

Việt thầm nghĩ không nên lừa một cô gái dễ mến như thế. Điều nghi ngờ của các anh nhắm vào Tư Muôn chứ Thanh đâu có hiểu biết gì. Cô bé có vẻ e sợ người cha nuôi của mình. Nhỡ Tư Muôn biết được, chắc hắn sẽ đánh cô một trận nhừ tử.

Việt trở nên lưỡng lự không biết nên hành động ra sao nữa. Anh để mặc Thanh dẫn vào trong nhà, tự nhủ đã trót tới đây rồi, không lẽ lại rút lui. Vai trò các anh tạo ra, các anh phải đóng cho trọn. Tuy nhiên, cái vai trò dối trá và lợi dụng lòng tin của người khác vẫn làm Việt áy náy, hổ thẹn.

Thanh bảo :

- Các anh cần gì nữa đây ?

- À tụi tôi thèm ăn khoai, nên đến hỏi Thanh xem nhà có sẵn khoai hay bắp, cho chúng tôi mua một ít…

Khôi nài nỉ :

- Cô cứ nói với dượng cô để lại cho chúng tôi một ít thôi. Bao nhiêu cũng được mà…

- Nhưng dượng tôi đi vắng, mãi đến chiều mới về…

- Đi đâu ?

- Xuống quận…

Việt đứng im. Khôi suy nghĩ mong tìm một kế hoạch khác. Còn Thanh thì lưỡng lự giữa cảm tình đối với hai anh con trai mà cô mới gặp, nhưng lại sợ bị đòn của cha nuôi. Sau cùng cô nói :

- Thôi được, tôi biếu các anh một ít để các anh ăn chơi. Chắc dượng Tư không biết đâu. Các anh đừng có nói lại với ổng nghe…

Nghe Thanh nói bằng giọng rụt rè sợ hãi, Khôi Việt phải đoan chắc sẽ không nói lại.

Thanh bảo :

- Vậy các anh theo tôi xuống hầm mà lấy.

Khôi đắc ý đưa mắt nhìn bạn. Họ đã tìm ra được đầu mối của cuộc tìm kiếm. Nhưng Việt như mải suy nghĩ không đáp lại. Anh thẫn thờ theo chân cô bạn mới.

Thanh dẫn họ vào gian nhà trong, mở nắp hầm rồi cả ba bước xuống.

Dưới hầm mát lạnh ! Khôi nhận thấy không khí ở đây không bị tù hãm, ẩm mốc như mọi hầm kín khác. Anh hít bầu khí thoáng đãng đó với vẻ ngạc nhiên.

Thanh căn dặn :

- Hầm sâu lắm đấy. Coi chừng kẻo ngã. Hôm nọ có một người xuống bị trượt, trẹo một bên chân…

Khôi dò la :

- Hầm sâu thế này, chứa đồ bất tiện quá nhỉ ?

Thanh ngây thơ đáp :

- Ồ không. Dượng Tư chứa đủ thứ, có cả rượu với những thùng gì chỉ mình dượng biết thôi.

- Nhưng làm sao đưa xuống được ? Chắc phải vất vả lắm…

- Không… có lối khác đưa vào…

Thanh im bặt, như sợ vừa nói lỡ lời. Cô lặng lẽ tiến bước. Đôi bạn cũng nín thinh theo sau. Lưỡng lự một lát, Thanh lại tiếp :

- Khoai với bắp rỡ ở ngoài bãi được đưa về đây bằng một lối thông từ ngoài sườn núi vào…

Có lẽ cảm thấy hai anh con trai tò mò này quá chú ý đến điều mình vừa nói, nên Thanh vội khẩn khoản :

- Đáng nhẽ tôi không được dẫn các anh vào đây và nói cho các anh biết những điều ấy, vì dượng Tư cấm ngặt. Các anh đừng nói với ai mà tôi bị dượng ấy đánh chết.

Thanh bật que diêm tiếp vào một ngọn đèn dầu treo ở vách hầm. Dưới ánh sáng hoe vàng, nét mặt của cô gái lộ rõ vẻ hoảng hốt khi nhắc đến trận đòn của người cha nuôi. Đôi mắt Thanh mở rộng như nuốt cả gò má. Khôi Việt ái ngại gật đầu :

- Thanh đừng sợ. Chúng tôi sẽ giữ kín, không nói lại với ai.

Việt khôn khéo đánh lảng câu chuyện :

- Nhưng ngôi nhà này, với những đường hầm, ngõ ngách đầy bí mật có vẻ dễ sợ quá, chắc tôi không dám ở một mình như Thanh đâu…

Vừa nói Việt vừa giả bộ run lập cập.

Thanh bật cười :

- Anh muốn nhát tôi hả ? Có dượng Tư tôi đâu có sợ ! Dượng dữ lắm. Nội vùng này ai cũng ngán dượng hết. Với lại những hầm hố, ngõ ngách ở đây đã có sẵn từ hồi nào kia. Và cũng chỉ có mình dượng Tư biết rõ thôi. Nào khoai đây, các anh muốn lấy mấy củ ? Sáu nhé ! Mỗi anh ăn ba củ khoai bự này cũng đủ bể bụng rồi !

Cả ba cùng cất tiếng cười vui vẻ.

Tiếng cười của họ vang vang, xoáy thật sâu vào đường hầm nghe thật kỳ dị…

____________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI