Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Sau cánh cửa - NGUYỄN QUỲNH

   Quỳnh gấp báo lại, tắc lưỡi. Trường nhíu mày hỏi:
   - Chị tính sao?
   - Đi đại xem sao, không được thì thôi. Mày hỏi dì Tư chưa?
   - Má em cũng nói như chị.
   - Trường về sửa soạn đi, khoảng 2g rưỡi thì khởi hành. À! Mà khoan đã. Hương ơi, cuốn lịch Tam Tông Miếu đâu lấy dùm chị mau đi.
   Nhỏ Hương “khênh” quyển lịch ra, giọng lo lắng:
   - Chị đi thật à, gan quá vậy?
   Quỳnh cười khì, lấy lịch mở ra:
   - Không có gan thì chết làm sao. Hương thấy ai chưa có… à, hên quá Trường ơi, mày nghe nè: nên
đi xa, thương lượng, nhóm bạn, khai trường. Hạp tuổi Nhâm Thìn. Trời ơi, điệu này là xin việc thành công rồi, mày về thay áo lẹ đi.
   Trường đứng lên, con bé ngần ngừ:
   - Nhưng mặc áo dài trắng hay màu?
   - Áo trắng cũng được, gấp nghe. Nhớ là đi xin việc chớ không phải đi dự tiệc đâu.
   Trường về, Quỳnh mở báo xem lại. Hương dè dặt:
   - Lỡ ai phá, họ đăng địa chỉ ma làm sao chị Quỳnh, hay là… họ lấy đại địa chỉ nào đó mình lò dò tới hỏi nhằm nhà người ta bị quê chết.
   - Mày lo xa thì thôi, tao chưa nghe chuyện đó bao giờ.
   - Chị coi nè, cần gì tới bốn người thơ ký mà lương cao quá.
   - Nói hoài, mày lấy cho tao bộ bài để tao coi bói tốt xấu. Yên lòng đi.
   Đứng dậy, nhỏ Hương phang Quỳnh một câu:
   - Chị tin dị đoan như bà già, mỗi chút mỗi bói mỗi lật lịch xem ngày.

*

   Xuống xe, Trường vội vàng hỏi ngay: 
   - Đổi xe nữa à? 
   - Hai chuyến đủ rồi, nhưng bây giờ phải cuốc bộ tìm nhà. Mới đi có hai chuyến xe mày làm như lội suối băng rừng không bằng. 
   Trường chống chế: 
   - Tại em không quen đi xe, chị nhớ số nhà không, coi chừng đi lạc thì nguy. 
   - Trường biết sau cánh cửa nhà đó là cái gì không? 
   - Thì bốn cái bàn chớ gì, tụi mình sẽ “xí” hai cái. Cái gì chớ làm thơ ký dễ lắm. Chị Quỳnh ơi, em sợ họ ra điều kiện gì đó. 
   - Điều kiện gì? 
   - Chẳng hạn như bằng đánh máy hay kế toán? 
   - Cái đó nói làm gì, tụi mình có sẵn. Chỉ sợ họ đòi mình “dễ nhìn” kia. 
   Trường có vẻ lo lắng: 
   - À há, lỡ vậy thì sao. Nhưng họ tuyển thơ ký, đâu có tuyển hoa hậu? 
   - Biết đâu! Lỡ vậy rút lui gấp. 
   - Trời ơi, sao vậy? 
   Quỳnh tròn mắt nhìn Trường rồi bật cười: 
   - Con nhỏ này, mày có gan thì làm đi. Điều kiện “dễ sợ” vậy dám nhận làm không? 
   Con bé chợt hiểu ra , xịu mặt. Số nhà Quỳnh tìm được quá dễ dàng, nhìn chữ “địa ốc” Quỳnh hơi hy vọng. May ghê, cánh cửa mở rộng như sẵn sàng chờ đón… Quỳnh bước vào. Ngán nhất phải gõ cửa, rồi một cái đầu ló ra lạnh lùng hỏi “cô hỏi gì”. Quỳnh bị một lần thế và đứng ngượng quá đến lúc nhỏ bạn bấm nhẹ vào tay, Quỳnh chợt tỉnh lấy hết sức bình sinh đưa ra tờ báo đánh dấu chỗ tìm một cô giáo dạy một em… Lúc ấy bà ta mới “vui vẻ” báo tin đã có người rồi cô ạ ; rồi “lịch sự” chào Quỳnh và đóng “nhẹ” cửa lại. Quỳnh vội vàng lôi nhỏ bạn đi một nước, hai đứa phá lên cười đau khổ. Hôm đó rủ nhỏ bạn đi nếu không chắc Quỳnh đứng như trời trồng. May là có người nhắc Quỳnh, có người để Quỳnh lôi chạy. 
   Nhìn vào nhà thấy toàn các cô, Quỳnh tạm yên lòng, điềm tĩnh đi vào, mặc dù trái tim Quỳnh nhảy múa lung tung. Có lẽ Trường còn khớp hơn nhiều. Một cô áo tím chào Quỳnh bằng một nụ cười thật tươi. Lòng quyết dặn lòng không thèm run để đủ sức gật đầu chào lại cô ấy, cô áo tím. Một cô khác kéo ghế mời Quỳnh và Trường ngồi nói chuyện. 
   Quỳnh ngồi đàng hoàng, cô áo tím bắt đầu chờ Quỳnh nhập đề. Khổ cho Quỳnh, câu nhập đề ở nhà Quỳnh viết sẵn học thuộc lòng để đến đây “trả bài” bây giờ không hiểu nó nằm ở góc nào. Có lẽ cô áo tìm cũng tội nghiệp (!) Quỳnh nên đỡ lời (nhắc bài): 
   - Có phải chị định xin vào đây làm việc không ạ. 
   - Vâng (hên là Quỳnh nhớ được chữ này). Nghe Quỳnh xác nhận, cô áo tím nhẹ nhàng tiếp: 
   - Nhưng ở đây cần một vài điều kiện. Quỳnh nhìn Trường ngầm bảo bình tĩnh nghe “giám khảo” ra đề. 
   - Điều kiện ra sao chị có thể cho chúng tôi biết được không ạ. 
   Nói được câu lưu loát đó, Quỳnh nhẹ nhõm và chờ đợi. Cô áo tím vẫn giữ nụ cười (sao tài thế không biết!): 
   - Muốn vào làm cần có trình độ đại học. 
   Trường nãy giờ nín thở để nghe ra đề, thấy trúng tủ vội vàng đáp ngay: 
   - Tụi này học Luật. 
   Điều kiện dễ quá ai làm không được, nhưng Quỳnh nhớ hình như cô áo tím nói “vài điều kiện” chớ không phải “một”, liền ném cho Trường một cái nhìn nhắc cho nó biết đừng vội mừng, chuẩn bị còn bị “quay” nhiều câu hóc búa hơn. Mà thật, cô áo tím ra thêm một câu: 
   - Ngoài ra, mỗi người phải thế chân hai trăm ngàn. 
   Chữ hai trăm ngàn cô ấy nói nhỏ hơn tỏ vẻ “ái ngại” dùm tụi Quỳnh. Hai đứa hơi sửng sốt một chút, điệu này “rớt” khỏi chỗ này là cái chắc. Không thể giải đáp nổi câu đó, không tìm ra “đáp số”. Nếu có được 200 ngàn thì ở nhà ăn với học cho khỏe, tội gì lò dò tới đây xin việc. Cô áo tím có lẽ thông cảm trước sự im lặng hơi lâu (chừng 30 giây) của hai đứa nên mở dùm một lối thoát: 
   - Lúc mới vào đây làm tôi cũng phải lo số tiền đó vất vả lắm. Các chị có gì thắc mắc về việc vào đây làm chúng tôi sẵn sàng giải thích. 
   Trường liền hỏi: 
   - Có cần bằng đánh máy không chị? 
   - À không, ở đây chỉ có vài chị biết đánh máy, tụi này cũng đâu biết. 
   Để cho Trường nhờ cô áo tím “gỡ rối tơ lòng”, Quỳnh lặng lẽ quan sát căn phòng. Nhân viên ở đây toàn là các cô nhưng lạ một điều là cô nào cũng đẹp. Quỳnh thấy một người đi vào lộ vẻ bối rối, cô mặc áo xanh da trời niềm nở tiếp đón người lạ và kéo ghế lịch sự mời ngồi. À, thêm một “thí sinh” nữa sẽ trả lời những “hai” câu hỏi khó, sẽ bí như Quỳnh ở câu số hai, sẽ rời khỏi nơi đây không hẹn ngày trở lại. 
   Quỳnh ra hiệu cho Trường đừng chờ cô ấy gỡ rối tơ lòng nữa vì đầu sợi tơ cô áo tím không chịu cầm đâu. Trong khi chào nhau Quỳnh thốt được một câu không ngờ: 
   - Để tụi này về tính lại (giải lại bài toán lúc nãy), nếu được (tìm ra đáp số), sẽ đến gặp lại chị ngay ( để nộp bài). 


   Ngồi trên xe, Trường xịu mặt: 
   - Tưởng gì, ai ngờ đòi điều kiện thế chân. Có sẵn tiền ai thèm đi làm cho cực – chợt Trường quay sang Quỳnh – Sao lúc nãy chị nói về tính lại, chị tính làm sao? 
   - Tao nói xã giao, còn lâu mới tính nổi chuyện đó. Mày biết tại sao họ đòi tiền thế chân không? 
   - Họ sợ mình nghỉ ngang xương chớ gì! 
   - Còn lâu à, họ đem tiền thế chân của bốn người mới vào đi kinh doanh, đỡ phải đến Ngân hàng mượn tiền, đã vậy họ khỏi trả tiền lời nữa. Họ tính “một công hai chuyện”. 
   Tựa vào thành xe, Quỳnh lẩm bẩm: 
   - Sau cánh cửa không có chỗ ngồi tốt như đã tưởng. 
   Trường quay lại: 
   - Chị nói gì? 
   - À, không có gì hết… tao chỉ tiếc… 
   - Chị tiếc chỗ đó hả – Trường tủm tỉm chọc Quỳnh – lúc nãy em nghe Hương nói chị bói công việc sắp làm thành công mà. 
   Quỳnh bật cười, vuốt lại tóc: 
   - Tao chỉ tiếc tiền xe thôi. 

NGUYỄN QUỲNH 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 187, ra ngày 15-10-1972)

Tranh bìa : Trăng thề (của Dũng - lớp Hội Họa Tuổi Hoa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét