Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Khai Ý - VĂN


Thằng Vân lại thăm mình hồi nãy. Đang sửa bài toán khó cho bọn trẻ thì nó bước vào, ngơ ngác trước cửa lớp một lúc vì mình đứng khuất bên bảng. Học trò nói có khách hỏi thăm kìa thầy ơi, mình bước ra thì nó giật mình lùi lại chút rồi bỗng nhảy tới ôm lấy vai mình mà gọi:

- Thầy đây hở, trời ơi… !

Mình sửng sốt. Người thanh niên lạ hoắc này gọi mình bằng thầy là nghĩa lý gì? Anh ta đâu phải là trẻ nít như thằng Nhân, thằng Vượng ngồi ngoan ngoãn trong kia đâu, đâu phải là học trò lớp nhất của ngôi trường cổ kính này? Trông dáng anh ta cũng không là dân ngụ trong xóm nữa. Mình đánh tiếng: - Anh là ai thế?

Người thanh niên ngó mình, nói:

- Để con dìu thầy vào ngồi. Thầy già quá đi, hèn gì không nhớ con. Con là thằng Vân ưa nghịch phá học lớp nhì năm xửa năm xưa ở phòng này nè. Thầy nhớ lại coi.

Mình ngẩng nhìn kỹ. À, à có vài nét phảng phất giống đứa học trò cưng của mình hồi đó. Vậy là Vân đó sao? Người thanh niên mỉm cười, gật đầu. Nụ cười thiệt hệt như ngày trước. Nụ cười do đó mình mới dám chắc đứa học trò cũ của mình đang đứng trước mặt mình đây. Mình thảy viên phấn lên bàn, run run nắm lấy bàn tay rắn chắc của Vân. Và sao tự nhiên nước mắt lùa ra khỏi đôi mắt hấp hem, lăn ấm áp trên má.

Vân hoảng hốt xiết tay mình:

- Thầy! Thầy! Sao thầy khóc? Con làm thầy buồn hả thầy?

Mình vẫn giữ tay nó, tay kia quệt nước mắt, gắng gượng nở trên môi nụ cười trấn an:

- Không đâu! Thầy không có buồn gì hết. Thầy thấy hơi cảm động thôi. Con đừng ngại.

Mình quay xuống lớp bảo:

- Nè Vượng, con cho mấy em con thu xếp tập vở đi về nhà. Bữa nay thầy cho các con về sớm. Bài toán đố mai mốt thầy giải tiếp.

Thằng Vượng dạ lớn rồi làm y lời. Những bước chân bọn trẻ sau đó ngập ngừng ở thềm cửa. “Thưa thầy con đi về” thì được mà không biết chào ông khách ra sao. Mới lúc đó, chúng thấy khách xưng con với thày kia mà. Chả lẽ chỉ gật đầu sơ, coi kỳ quá. Mình biết ý nên nói người này là học trò cũ của thầy mười mấy năm về trước chứ không xa lạ gì.

Thằng Vượng với thằng Nhân chào “Kính anh” và bước đi. Tụi trẻ cũng bắt chước chào theo, tản mác liền. nhưng mình hiểu chúng sẽ bàn bạc dữ lắm trên đường về. Tâm lý trẻ con vẫn thích tò mò, hiếu kỳ.

Vân nhìn theo cho đến lúc đứa cuối cùng thấp mất phía bên kia cầu đá cao, quay lại hỏi:

- Sao thầy cho mấy em về chi vậy?

- Ờ, thầy cho về để nói chuyện nhiều cùng con. Xa cách dữ đa.

Mình thấy Vân lạ thật. Cao lớn là lẽ tất nhiên và nom khỏe mạnh, vững chãi. Có điều nó hơi đen, nụ cười toe toét không thành tiếng tựa như thuở nào.

- Bây giờ con ra sao, có vợ con chưa?

Mình hỏi để mà hỏi chứ dư biết đối với bản tính dè dặt, hơi nhút nhát của nó, có được một hai bạn trai thân là điều hãn hữu, nói chi tới bạn gái. Quả thật, Vân nhe răng cười đáp:

- Con chưa có bạn đâu thầy, cũng chưa có sự nghiệp gì hết. Con được bổ về dạy ở đây thôi.

Mình ngỡ ngàng. Nói vậy Vân làm thầy giáo hả? Ờ, con theo nghiệp của thầy cũng hay chứ. Thế hệ trẻ nhỏ chịu sự chăn dắt, dạy dỗ nơi mình đã trưởng thành, đâu còn bé bỏng hoài. Có thể, tuổi cỡ thằng Nhân, thằng Vượng là con em những đứa đã học với mình một niên khóa hồi nào. Nghĩ mình lẩn thẩn ghê. Già bạc đầu, con cháu đầy đàn, nhiều khi lại cứ tự dối rằng sức lực còn mạnh mẽ, sinh tồn, chưa hao mòn chi đâu. Để cuộc sống bớt lận đận, để vui vẻ đôi chút. Nhưng mà… ! Thời gian chóng vánh quá. Dù rằng con lạch nhỏ xuôi dòng nước bên hàng rào kia không thấy thay đổi. Đó là mạch sống của vùng này, là đường thông thương giữa con sông cái ngoài xa kia với miền đất có vẻ cằn khô nằm hút bên trong. Ngày hai buổi và suốt mười mấy năm trôi qua, xuồng tam bản hay những khúc gỗ bè vẫn lướt đi , dân vớt củi vẫn đeo theo nạy từng mảnh vỏ xơ ra đem về làm củi. Hoặc cây bàng trước trường lá vàng cứ rụng theo cánh gió vào cuối thu là lúc trường khai giảng niên học mới. Có lạ chi đâu.

Mình thở dài. Thằng Vân bảo nhìn trường không thấy quen thuộc nhiều là sao? Nó xa rời chốn cũ cả thời gian đằng đẵng nên quên béng chăng? Chắc không đúng. Anh trưởng ty hồi tại chức lâu lắc rồi – có ghé thanh tra mấy lần, bây giờ cáo quan xuống thăm mình có nói: “Thấy anh lụm khụm hoài. Trường với anh hết cả “mới mẻ”?”

Vân ơi, rốt cuộc thầy trò mình tái ngộ quá bất ngờ. Thử nhớ lại hồi con còn bé xem. Con chút xíu, ngồi ở bàn này chứ đâu. Ừ! Cái bàn đầu dãy giữa. Ngồi chung với hai chị em con Thảnh, con Thơi đó. Con học giỏi lắm, ganh đua với hai nhỏ bạn từng bậc hạng trong lớp. Nhưng thầy chẳng hiểu tính con rụt rè mà hay nghịch ngầm quá. Bạn bè sợ con luôn. Sợ trong sự thương mến, chẳng chút ganh ghét. Mà thầy tuy cưng yêu con, cũng đánh con như thường. Thầy như thấy rõ lại cảnh con nằm dài dưới đất, mắt len lén nhìn lên hai cô bạn lúc đó mặt tái mét vì lo cho con. Con mỉm cười tỏ vẻ không ngán đòn nên thày giận ghê, đánh con mạnh tay không kịp suy nghĩ đến nỗi con bật khóc nức nở. Nhờ vậy, về sau con mới chăm chỉ hơn đấy.

Mình đứng dậy dắt Vân lên văn phòng. Đoạn hành lang ngắn thật so với kỷ niệm tuy còn mơ hồ đôi chút, song khá dài. Mình nhớ rất đầy đủ, để thỉnh thoảng lôi nó ra khỏi ngăn kéo trí óc ôn lại cho xao động ít nhiều cuộc đời già vốn làm tình cảm bồi hồi, nhung nhớ khá giảm sút.

Cũng như ông hiệu trưởng, cũng như cô giáo trẻ, với Vân thì công việc giáo huấn có lẽ sẽ tươi mát, ý vị; ngôi trường nhờ đó mà êm đềm, dịu uyển, mất dần nét nặng nề, già dặn độ trước. Mình hay bạn đồng niên một ngày nào vơi đi niềm lo lắng tới tương lai lớp trẻ hậu sinh, một ngày nào đó sẽ chậm rãi ngồi nhơi lại quá khứ, sung sướng và thảnh thơi hưởng tuổi thọ.

Lời nhắn nhủ dành cho Vân, cho lứa tuổi đã trưởng thành, mình nói với nó rằng:

- Con chọn lấy nghiệp làm thầy là đã chấp nhận sự hy sinh cho thế hệ sau, đào luyện lớp trẻ mai hậu dần dà trưởng thành với một ý thức chín chắn về tương lai. Thế nên thầy mong con kiên nhẫn với tất cả, lấy những buồn vui ở nghề nghiệp làm sợi dây kết chặt, đừng để bồng bột của tuổi trẻ dời đổi vị trí thân thiết sẵn có của tình thầy trò.

*

Tôi gặp lại thầy tôi trong hoàn cảnh thật bất ngờ. Mười mấy năm xa cách đã làm phai lạt đi màu xanh tô trên tuổi học trò của tôi. Mười mấy năm biến đổi “thằng nhỏ Vân” thành “thầy giáo Vân” và ấu thơ của nó trở thành kỷ niệm. Mớ kỷ niệm còn non, còn mới quá.

Tôi đã đứng trên dốc cao của nhịp cầu đá, nhìn nó, nhìn chung quanh trong khi nước mắt ràn rụa. Thuở thơ ấu, nhịp cầu vẫn y như thế này, hàng lan can vuông vức từng ô trống thường đe dọa tôi mỗi khi tôi tựa vào. Tôi sợ thình lình bị lọt qua chỗ trống, rơi tõm xuống nước. Ngày mấy mươi bận, tôi đã qua lại liền liền nhịp cầu để đến trường hoặc đến vựa lá chầm tít nơi kia là chỗ tôi ưa ngồi lơ mơ, vừa ngửi mùi lá lợp nhà ngai ngái vừa phóng mắt nhìn quanh quẩn. Tắp theo bờ sông, con đường chạy vòng vo giữa cái rượi mát từ các tàn cây cao ven lề tỏa xuống. Tận cùng, đường dừng trước ngôi đình thần nghiêm vắng.

Ừ nhỉ! Tôi nhớ tôi hay phá khuấy tụi bạn tại nơi này lắm. Tính tôi ưa trầm mặc, nhưng cứ thích đùa nghịch thầm lén, riết rồi tụi bạn chạy mặt tôi luôn. Nhất là Thảnh, Thơi hai cô bạn gái cùng ngồi chung bàn đầu.

Và hình như có một lần, Thảnh, Thơi cùng cả bọn kéo vào đình rủ tôi mở cuộc vui. Tôi từ chối, lảng sang chỗ khác nằm ngửa trông trời xanh. Buổi trưa ấy mây trắng thật nhiều giăng phía trên cành đa cao vút. Tôi đã định ngủ một giấc cho khỏe song tiếng cười đùa chọc vô tai tôi hoài.

Chúng nó chơi giỡn không kể đến ai với ai. May mà ông từ hôm nay đi vắng chứ có ông thì chúng nó phải biết. Chạy vắt giò lên cổ! Tôi chợt nhìn thấy đống guốc dép bỏ ngổn ngang, nên nghĩ ra một kế chọc chúng chơi. Và thi hành xong xuôi, tôi nhẹ nhàng đi tuốt vào bảo điện, lăn xuống gạch mát ngủ ngon lành.

Kết quả sau đó là tụi Thảnh, Thơi mếu máo chạy tìm khắp nơi, rốt cuộc cũng không thấy nên xúm lại năn nỉ tôi. Tôi bảo là chẳng rõ, nãy giờ ngủ chứ không có thức. Và một lát, mới giả vờ ái ngại chỉ giùm chỗ của “thằng nào” tôi thấy nó lui cui cất chi đó. Bọn nó vội vã tìm đến, và từng thằng một leo lên nhánh đa có máng đồ giấu. Rồi đứa nào cũng xuýt xoa nhảy vội xuống. Kiến vàng cắn đau khỏi chê!

Tôi thở dài. Còn hình dung nào rõ ràng hơn hai ánh mắt khẩn cầu của cô bạn nhỏ hồi ấy. Bọn trẻ vô tâm, bỏ về ngay, còn lại hai chị em Thảnh, Thơi đứng nhìn tôi, nhìn cây đa. Đôi guốc vông của Thảnh tòn teng trên nhánh lá đầy kiến vàng làm nhỏ bạn muốn khóc. Giọt nước mắt ấm ức sắp sửa rướm trên mi cô bé khiến tôi leo nhanh lên cây lấy đôi guốc xuống. Thảnh vừa phủi nhanh mấy con kiến trên áo tôi, vừa cám ơn luôn miệng.

“Cám ơn trò Vân, trò tốt ghê đi ấy!”.

Câu nói cách đây bao nhiêu ngày tháng, giờ tôi tưởng như mồn một bên tai. Âm thanh tiếng “đi ấy” đậm đà dễ thương biết chừng nào.

Tôi lần xuống dốc bên kia. Ngôi trường trông lạ quá. Mái ngói đỏ sậm thành màu nâu ảm đạm. Hàng rào bông bụt cũng đã biến mất, thay vào đó là bức tường vôi tróc từng mảng. Trường đã vậy, không biết thầy tôi ra sao?

Tôi nôn nao bước qua cổng. Và tôi đã gặp thầy. Tôi đã nhận ra người thầy lụm khụm, già nua, thời gian điểm tô mái tóc thật bạc, tựa hồ bụi phấn trắng suốt mười mấy năm qua đã đánh đổi màu đen của tóc đi. Thày còn già cả tinh thần nữa. Thầy chẳng nhận ra tôi, đứa học trò cưng của thầy ngày đó hễ vắng mặt một ngày là thầy hỏi thăm luôn. Tôi muốn nhắc lại ngay cho thầy nhớ, nhưng chần chừ để dìu thầy bước trở lại ký ức, ngang qua những miền tình cảm đôn hậu, đằm thắm, mong muốn thầy dừng chân ở một chỗ, và chỗ đó chính là nơi chất chứa kỷ niệm của tôi đối với thầy. Mà thầy cũng chẳng nghĩ ra, nên tôi nhắc: “Thằng Vân nhút nhát mà nghịch ngầm hồi đó đấy thầy”. Thầy lặng một giây lâu rồi tự nhiên nước mắt lăn dài xuống đôi má hom hem. Những dòng nước mở nguồn cho tình cảm bấy lâu ngày nghẹn cứng đó chăng? Phải rồi. Thầy đã nhận ra. Thầy đã lắng nghe trái tim xao động, bồi hồi và thầy sực nhớ tới kỷ niệm (muốn bỏ quên thầy hay thầy tự quên lãng).

Thầy ơi! Trong phút giây bàng hoàng ấy, con định nói thật nhiều thật đầy đủ chuỗi kỷ niệm ấp yêu cho thầy tường tận, mà con thôi. Con tôn trọng lúc thầy khóc, con rung động vì ngẫm nghĩ rằng cảnh tái hợp này biết đâu mai sau sẽ diễn lại với con, với “thầy giáo Vân”!

Không, con không muốn thế đâu. Và con muốn hóa thân để trở về ngày xưa bé mọn của con, thời trai tráng của thầy. Nương theo vòng tay bảo bọc của thầy, biết đâu sung sướng còn gấp vạn lần như bây giờ. Như lúc nghĩ tới bổn phận của mình, phải nghiêm trang, phải rộng lượng tình cảm, phải xúc cảm khi bỗng nhiên bị đau ốm, gắng gượng nắm tay từng đứa học trò mang cả tấm lòng, mang cả trái tim yêu thương đến thăm mình. Ánh mắt lo âu ở địa vị học trò, con hết còn nhìn thầy nữa. Bàn tay rụt rè nắm ngón tay buốt lạnh không phải của con, của thầy nữa, mà là của học trò bé bỏng, của “thầy Vân” rồi!

Thày nhỉ! Nghiệp giáo dồi dào tình cảm quá. Cương vị của người thầy cũng lớn lao, quan trọng quá. Con tự nhiên đâm ra ngần ngại lúc đầu.

Nhưng bây giờ, trái lại, con thấy nôn nao lạ. Làm thầy là để chăn dắt, khai lối cho bọn em cháu của mình đấy mà. Làm thầy là để vui với niềm vui khiêm nhượng của đám học trò mình, để buồn với mình khi bắt buộc phải thốt ra lời trách cứ, phạt lỗi. Nhưng, làm thầy còn là đón nhận mọi tình cảm không bao giờ dứt trong suốt thời gian dạy học. Đúng thế không hở thầy? Thầy khai ý con, thầy giúp con nhiều lắm. Thầy vừa làm xong bổn phận trong nghiệp giáo đó thầy hở?…

VĂN 
(tháng đầu năm) 

(Trích từ bán nguyệt san tuổi Hoa số 133, ra ngày 15-7-1970)

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Thầy Giáo Làng - ĐẰNG LINH


Ảnh : Trần Thắng

Kính về thầy lớp nhất (67-68)
và mái trường Kỳ Chánh

Chiều nay lục lại trong chồng vở
Bỗng thấy rơi ra một tấm hình
Tôi chợt nghe hồn rưng rức nhớ
Ôi! Thời thơ dại, thuở thư sinh…

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Chị Hằng - NAM THIÊN


Thao soi bóng mình xuống mặt ao. Mặt nước rung rinh vương vài sợi nắng chiều. Gió nhè nhẹ thổi đu đưa những ngọn dừa. Trước mặt Thao hàng tre thưa nổi bật trên cánh đồng chạy dài. Vài tiếng trâu gọi đàn nghe lạc lõng. Buổi chiều êm êm đang xuống.

Ở đây buổi chiều buồn và vắng. Thao thường ra ngồi ở bờ ao chờ chị Hằng. Sau bữa ăn chiều chị ra đây rửa chén bát. Thao thích nói chuyện với chị mặc dù chị ít chuyện. Giọng chị êm rót nhẹ từng lời vào tai người đối thoại. Đôi môi hồng mấp máy khoe hàm răng đều đặn. Thỉnh thoảng chị cười, tiếng cười trong trẻo và hồn nhiên. Thao thương chị và chị cũng thương Thao.Nhà chị ở sát vườn Thao, ngăn cách bởi một hàng cây thấp và một cái ao chung. Một lối mòn nối liền sân hai nhà, xuyên qua hàng cây. Những hôm nhà vắng người chị đứng ở bờ rào ngoắc Thao sang. Thao chạy một mạch trên lối mòn ấy và ngã vào lòng chị. Chị vuốt ve Thao, và chị cho ăn những gì mà chị có, chị kể cho Thao nghe một vài chuyện cổ tích. Thao bám lấy chị, đón nhận tình thương mà Thao thiếu thốn. Chị chiều chuộng để đắp bù vào khoảng trống của chị. Chị là con một trong một gia đình. Ba má chị làm nông cũng như bao người dân khác trong làng. Cuộc sống tạm đầy đủ với một khoảnh vườn và một mảnh ruộng nhỏ. Chị đi học và giật được mảnh bằng Trung Học rồi nghỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ. Trong làng, chị nổi tiếng về sắc đẹp và đức hạnh. Thao không thấy chị tỏ ra kiêu căng bao giờ. Nhiều trai làng ngấp nghé nhưng…

Một bàn tay mát dịu bịt mắt Thao. Thao giật mình và chợt gọi:

- Chị Hằng.

Và chị Hằng thật, chị đứng sau lưng Thao, tươi cười nói:

- Thao của chị giỏi quá. Mới bịt mắt mà đã biết liền.

Thao cười sung sướng:

- Biết chớ. Chị của Thao mà Thao không biết thì Thao còn biết ai chớ.

Chị Hằng ngồi xuống bên Thao, choàng tay qua vai, hỏi:

- Thao mơ mộng cái gì vậy? Chị đến sau lưng mà chả hay.

Thao ngả đầu vào vai chị, đáp:

- Thao nghĩ đến chị.

- Sao?

Thao nịnh:

- Chị dễ thương nè, chị đẹp nè, chị dịu dàng nè, chị… chị… đủ điều tốt hết.

Chị Hằng cười, má ửng hồng. Chị cốc nhẹ lên đầu Thao rồi ngồi lặng yên. Trời đã lấm tấm sao. Cảnh vật bắt đầu sẫm lại. Thao hít nhẹ. Từ mái tóc chị Hằng một mùi thơm thoang thoảng đưa vào mũi. Thao đưa tay cầm những lọn tóc mịn và dài. Chị Hằng ngồi mắt mơ màng. Hai chị em không nói gì, mãi đến khi trăng lên mới chia tay.

*

Thao bước vào sân. Chị Hằng cúi mặt gọt dũa những thanh tre. Chị chăm chú làm việc không để ý đến chung quanh. Thao bước đến ngập ngừng một ý tưởng tinh nghịch vụt chớm rồi tắt. Thao gọi nhẹ:

- Chị Hằng.

Im lặng. Thao lập lại lớn hơn:

- Chị Hằng.

Chị ngẩng đầu lên cười:

- À, em. Lại đây.

Thao sà xuống bên chị. Cầm những thanh tre mỏng manh, Thao hỏi:

- Chị làm cái gì đây chị Hằng?

Chị Hằng ngước nhìn Thao, trả lời ỡm ờ:

- À, ừm, chị làm cái nầy.

Thao hỏi gặng:

- Cái nầy là cái gì?

Chị cười:

- Em hỏi làm chi kỹ thế?

Thao giả vờ giận dỗi:

- Chị xấu hén. Được rồi em về đây!

Thao nhớm đứng dậy nhưng chị đã nắm vai ấn xuống, giọng nhẹ nhàng:

- Ngồi xuống đây đã. Mới giỡn có tí mà cũng hờn.

- Không hờn sao được – Thao vênh mặt một cách dễ yêu – em cưng của chị mà.

- Ở đó mà em cưng. Hư quá mà cưng gì.

Nói vậy nhưng chị Hằng cũng ngừng tay bẹo má Thao một cái. Chị đứng dậy vặn mình, nhìn Thao bảo:

- Cái nầy nói ra thì mất hay nhưng Thao đòi chị phải nói. Vô đây chị cho coi cái nầy nữa thì biết liền.

Chị Hằng kéo tay Thao bước vào nhà. Căn nhà đồ đạc đơn sơ nhưng đầy đủ. Đã quá quen nên Thao không để ý. Chị Hằng mở hộc bàn. Trước mắt Thao, những mảnh giấy xanh đỏ sắp xếp lẫn lộn. Thao à một tiếng rồi nhanh nhẩu:

- Chị làm lồng đèn hả? Mà lồng đèn chi? Ngôi sao à? Chị lớn rồi mà làm chi vậy? À em biết rồi.

- Em biết sao?

- Chị làm cho em, phải không?

Chị Hằng ôm Thao vào lòng, thì thầm:

- Chứ còn ai vào đây nữa, phải không Thao?

Thao cũng ôm chặt chị, muốn nói: “Chị thương em quá. Cám ơn chị nhé. Trung Thu này em sẽ không buồn nữa” nhưng Thao không nói để giữ trọn vẹn cái không khí êm đềm này.

Chợt ngoài hiên có tiếng bước chân. Chị Hằng bước ra. Thao nghe tiếng anh Hiếu hỏi:

- Có Thao trong nhà không cô Hằng?

Tiếng chị Hằng lí nhí đáp:

- Có. Anh chờ tí.

Rồi chị gọi vọng vào: “Thao ơi! Có anh Hiếu tìm nè em”. Không có tiếng trả lời, chị ngạc nhiên lặp lại. Hiếu đỡ lời:

- Chắc nó chuồn ngõ sau rồi cô Hằng ạ.

Thoắt sau, một bóng nhỏ bé thập thò ngoài hàng rào. Bên liếp cửa, Hằng đứng cúi đầu, tay vân vê tà áo. Trước mặt, Hiếu đứng, môi mấp máy. Bóng nhỏ lẻn vào rồi lần lên nhà trên vừa lúc Hiếu, với một giọng ấm áp, nói:

- Thôi tôi về Hằng nhé. Lúc nào rảnh…

Lời Hiếu chợt nghẹn. Hằng má hây hây đỏ:

- Vâng, anh về.

Hiếu bước đi, đến hàng rào, quay đầu nhìn lại bắt gặp đôi mắt Hằng trông theo. Mỉm cười Hiếu giơ tay vẫy rồi vụt chạy, trước cử chỉ cúi xuống bối rối của Hằng. Chợt Hằng giật mình, Thao từ trong nhà nhảy xổ ra với tiếng gọi lớn. Hai tay ôm ngực, Hằng trách:

- Ứ, em làm chị giật mình.

Thao cười giòn giã trên giọng nói run run của chị Hằng:

- Sao em không về ba gọi, Thao?

Thao tinh nghịch:

- Ba ai hả chị?

Chị Hằng lườm một cái, Thao được thêm một dịp cười:

- Ba em chứ ba ai nữa. Rõ vớ vẩn.

Nhưng Thao đã trả lời trước khi chị Hằng xoay lưng bước vào:

- Em về mới qua đó chớ. Ba cho cái nầy nè chị Hằng. Hai chị em mình cùng ăn nhé.

Vừa nói Thao vừa bẻ đôi chiếc bánh Trung Thu. Đang ăn Thao chợt hỏi:

- Chị Hằng, hồi nãy anh Hiếu nói gì vậy?

Đang cắn miếng bánh chị Hằng vội nhả ra má đỏ bừng. Chị cốc nhẹ đầu Thao, ấp úng:

- Ờ, à, thì ảnh nói lăng nhăng vậy mà.

- Nói lăng nhăng là nói làm sao?

- Thì lăng nhăng vậy đó. Như ba má chị đi đâu, ở nhà một mình hả, rồi… rồi thôi.

- Có vậy thôi hả chị Hằng?

- Ừ, chớ Thao muốn thế nào nữa?

- Nói có chừng đó mà ở cả buổi, chị Hằng há.

- Ừ, ảnh “kỳ” quá há.

Im lặng trở về. Nắng vàng lung linh trong vườn. Từ đồng ruộng chợt thổi lên một cơn gió nhẹ. Tóc chị Hằng bay lất phất. Thao nhìn chị đang mơ mộng trông xinh quá. Chị bỗng hát một bài ca vui tươi. Nhìn lại bắt gặp ánh mắt của Thao, chị im bặt và bẽn lẽn nhìn đi nơi khác.

*

Ánh trăng chan hòa trên cảnh vật. Ánh đèn lồng thấp thoáng sau những hàng cây. Đây đó vang lên những giọng cười thơ trẻ. Trước sân chị Hằng, Thao ngước mắt nhìn trăng:

- Chị Hằng nè, chừ mình treo lồng đèn nơi cây mận nhé. Ở đây trăng sáng quá.

- Ừ, em nghĩ giống chị đó. Thao lại đây giúp chị một tí. Rồi, được rồi. Mình ngồi xuống đây đi.

Ánh nến chập chờn, chiếu lên mặt đất những màu sắc nhập nhòe. Tay cầm miếng bánh, Thao nhìn lên trời. Những ánh sao mờ nhạt giữa ánh sáng mát dịu của trăng. Thao buột miệng trầm trồ:

- Chị Hằng đẹp (!) quá.

Chị Hằng quay sang nhìn Thao:

- Thôi đừng nịnh nữa bé con.

Thao ôm bụng cười ngặt nghẽo. Chị Hằng ngơ ngác rồi cười theo.

- Chị Hằng là mặt trăng chớ bộ. Ủa mà không. Cả hai, phải không chị Hằng?

Hằng véo nhẹ tai Thao cười xòa:

- Em hỏi chị Hằng nào vậy, Thao?

Chợt có tiếng động sau lưng, hai chị em cùng quay lại. Anh Hiếu bước đến miệng cười:

- Hai chị em làm gì mà vui thế? Cho “kẻ hèn” này nhập cuộc, được không?

- Thế thì không được rồi. Tụi em không bao giờ chơi với người hèn cả.

Chị Hằng nói với vẻ mặt nghiêm trang:

- Thao hỗn nhé.

Giương cặp mắt ngơ ngác nhìn chị Hằng rồi anh Hiếu, Thao nói với giọng ngạc nhiên:

- Hôm trước chị nói với em như vậy mà chị Hằng?

Chị Hằng cúi mặt. Anh Hiếu chỉ tủm tỉm cười. Thao chợt hiểu tại sao chị Hằng hết vui. Thao vừa muốn bắt đền anh Hiếu thì anh đã nói trước:

- Tôi đến làm mất vui, Hằng nhỉ? Không biết tôi có nên nán lại không?

Lí nhí, Hằng đáp:

- Dạ, anh cứ tự nhiên.

Thao có vẻ suy nghĩ rồi vụt bỏ chạy. Tiếng chị Hằng đuổi theo nhưng Thao cứ chạy, nhập bọn với lũ trẻ trong làng, nô giỡn dưới ánh trăng. Một lát sau, Thao trở lại nhà chị Hằng. Thấy Thao, chị mừng rỡ. Anh Hiếu đã về tự lúc nào. Hai chị em đứng trước hiên nhà ngắm ánh trăng bàng bạc. Chợt Thao cất tiếng:

- Chị Hằng ơi! Kể cho Thao nghe chuyện chị Hằng đi.

Tiếng chị Hằng mơ màng:

- Cả hai, Thao nhé. Ngồi xuống đây chị sẽ kể cho Thao nghe chuyện Hằng Nga trước. Ngày xưa…

Thao ngả đầu lên vai chị. Đôi mắt lim dim, Thao nhìn thấy trong trí óc, hình ảnh hai chị Hằng, một thật xa và một thật gần. Cả hai đều đẹp, đều dễ thương và nhất là thương Thao, Thao nghĩ thế. Dưới ánh sáng của chị Hằng, trong giọng nói êm đềm của chị Hằng, Thao đi vào giấc mơ màng. Ngoài xa tiếng bọn trẻ vang vang trong đêm Thu: “Ánh trăng trắng ngà, có cây…”

NAM THIÊN

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 95, ra ngày 15-9-1968)

Rằm Tháng Tám - TRẦN THỊ TUỆ MAI


Tết rằm tháng tám này vui
Anh em bé được dạo chơi phố phường
Ngon thay là khu Hàng Đường
Bánh nướng bánh dẻo tỏa thơm ngạt ngào.


Cửa hàng chưng dọn đẹp sao
Dựng nên những cảnh nguyệt đào nguy nga
Cảnh tiên múa hát bên hoa
Cảnh tiên thưởng thức bánh trà dưới trăng.


Nơi nơi thi khéo cỗ rằm
Mỗi khu một cỗ sáng trưng nến đèn
Cỗ bầy tại một hàng hiên
Trên bàn kê ghép liền nên mấy từng.


Có con sư tử sù lông
Dẫu bằng những múi bưởi hồng mà oai
Lẵng hoa, chùm quả đẹp tươi
Toàn là bánh nặn, giống thời như in.


Đôi rồng đón mặt trăng lên
Với vườn hoa có thỏ tiên, chuột thần
Sôi thơm gấc đỏ tuyệt trần
Lại cây tháp mía bao tầng chon von.


Đó đây tiếng pháo nổ ròn
À, múa sư tử xem còn vui hơn
Trong vòng đuốc thắp sáng trưng
Tùng xòe, tùng cốc, tùng tùng… liên thanh.


Sư tử đầu đỏ đuôi xanh
Miệng to ngáp ngáp, xoay nhanh né đòn
Rồi leo cao tít chon von
Vừa leo vừa múa, ghê hồn quá ta!

                                                                                                     TRẦN THỊ TUỆ MAI
                                                                                                        (Suối Mây Hồng)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 124, ra ngày 1-5-1974)

Rộn Ràng - LA TY


Luống cỏ xanh rì mộng tốt tươi
nhìn thu e ấp mỉm miệng cười
trao ta từng cánh hoa màu trắng
trắng cả chiều thu trong lá cây

Sỏi đá nằm im như gọi thầm
mưa mùa tháng tám trở về thăm
có mưa xin đến rồi đi nhé!
nhường chỗ cho ta đón trăng rằm…

Ta đứng giữa đêm thu rộn ràng
ngước nhìn đàn trẻ hát ầm vang
rung rinh ngọn nến mờ trong xóm
góp một lời chung đêm vui tròn

Chiếc bánh ngày xưa về ngồi đó
cạnh đám sách hồng dầy thơm tho
ba me làm quà mừng thu tết
vui nhộn cùng con kể chuyện trò…

                                                                              La Ty

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 208, ra ngày 1-9-1973)

Vũ Khúc Đom Đóm - NGUYỄN THỊ THU


Đêm nay bác Dế Than thấy mình trẻ lại – thật ra bác cũng chẳng biết mình đã già chưa, cũng không hề biết mình mấy tuổi nữa, vì bộ óc của bác nhỏ xíu xiu hà, bác dế nhà chả biết ví nhỏ như cái gì nữa. Bác biết nó nhỏ, bởi nó nhỏ nên bác chóng quên những việc đã xảy ra, nhưng có mỗi một việc rất quan trọng bắt buộc bác phải nhớ, ít nhất là đêm nay.

Đêm nay là đêm rằm tháng 8 – Bác biết được là vì hồi chiều bác nghe mấy chú cá nói chuyện với nhau – Đêm rằm trăng sáng đó là chuyện thường, trăng sáng đối với bác không quan trọng, mà điều quan trọng là những tiếng hát, tiếng hát của các em bé, rất trong và cao vút chứ không như của bác, đục và khàn khàn, bác vốn là một nghệ sĩ – có bao giờ người ta nghĩ đến những nghệ sĩ dế không nhỉ? – Nên bác thấy thích tiếng hát đó, bởi thế bác im lìm lắng tai nghe:

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường…”

Bác cảm thấy tiếng hát đó có một sự quyến rũ mãnh liệt làm bác phải cố gắng lần ra tận đường làng để nghe cho rõ, và khi bác đến thì chao ơi! Bác thấy đẹp không thể tả, đẹp hơn tất cả những gì đẹp nhất mà bác đã thấy. Bác dế than mở to mắt để nhìn, thế nhưng mấy bụi cỏ cứ như cái màn che mắt bác. Tức quá bác cắn chúng ngã rạp xuống cả, cho rảnh mắt, dù hơi ê răng một chút. Có sao đâu? Tí tẹo là hết ngay, đổi lại, bác được xem rõ hơn và lâu hơn.

Bây giờ bác đã thấy rất rõ, trước mắt bác là những “người lùn” – hay đúng hơn là những đứa trẻ con – trên tay cầm những chiếc lồng đèn, chiếc nào trông cũng đẹp, cũng xinh cả. Có chiếc hình tròn giống mặt trăng, có chiếc năm cạnh, chiếc tám cạnh, con cá, con chim và hình tàu bay, có đôi chiếc không dán bằng giấy gương mà làm bởi các lon sũa bò đục lỗ nhỏ rồi gắn đèn vào trong, trông dễ thương tệ! Thêm đó, mỗi chiếc mang một màu sắc khác nhau: chiếc giống như màu trời, màu lá, có chiếc giống như màu hoa cúc, hoa hồng, hoặc hoa lan… Tất cả đều lung linh rực rỡ.

Bác thấy lũ trẻ mặc áo mới, gương mặt rạng rỡ. Mắt chúng mở to nhìn chị Hằng. Chúng hát:

“Tít trên cao dáng tròn xinh xinh
Soi xuống trần ánh sáng dịu hiền…
Rằm tháng tám bóng Hằng trong sáng
Em múa ca dưới ánh trăng vàng…”

Lũ trẻ làm bác phải ngẩng đầu lên gần gẫy cổ để nhìn chị Hằng. Chị Hằng cười thật tươi, mặt chị sáng lạnh, hình như chị muốn hát hòa theo lũ trẻ con dễ thương đó, và các vì sao cũng sáng hơn lên làm nổi bật bầu trời màu như lá cây sậm bằng nhung… Ồ! Bác dế nhà ta kêu lên lo ngại vì bác vừa thấy một đám mây to ơi là to, nó sẽ che mất mặt xinh của chị Hằng – bởi gió đẩy nó từ từ lại nơi chị Hằng – và bầu trời sẽ đen tối, lũ trẻ con dễ thương kia sẽ bỏ cuộc chơi. Bác không muốn như thế, không muốn bầu trời còn lại những vì sao, bác dế muốn cuộc chơi của lũ trẻ phải liên tục. Nhưng mà bác phải làm sao khi lũ trẻ vẫn vô tư ca hát. Chúng dễ yêu quá. Nhưng mà bác là một con dế thôi mà, bác đành chịu vậy.


Bác dế buồn bã, lầm lũi trở về nhà – nhà của bác ở dưới bờ đê đằng kia – bác mong cho chóng đến, bởi bác không làm gì được cả, bác vô dụng quá đi.

- Chào bác dế! Bác đi đâu buồn bã thế?

- A! Cậu đom đóm. Tôi có chuyện buồn lắm.

- Chuyện gì thế bác? Cho cháu biết đi.

Cậu đom đóm vồn vã làm bác dế thấy hy vọng lóe lên trong óc. Tại sao không nhờ cậu đom đóm này? Ngày thường bác ghét cái lũ đom đóm này lắm nhưng bây giờ, biết đâu cậu đom đóm này sẽ giúp bác. Và bác nói hết những gì làm bác buồn, bác bứt rứt:

- … Cậu đom đóm ơi! Bởi tôi không thể kéo đám mây to lớn đó, tôi cũng không thể làm một chị Hằng khác khi chị Hằng bị che khuất. Tôi vô dụng quá. Cậu xem, đám mây gần đến nơi chị Hằng rồi kìa.

Rồi bác năn nỉ:

- Cậu có thể giúp tôi không? Tôi muốn cuộc chơi của lũ trẻ không bị gián đoạn dù trong một thời gian ngắn.

Cậu đom đóm im lặng, một lúc:

- A! Bác ơi cháu có cách rồi. Hợp quần, hợp quần bác ạ. Bác đừng lo, bác cứ trở lại để xem, cuộc vui không gián đoạn đâu, bác tin đi… Cháu không ngờ trong cuộc đời của cháu, cháu làm được một việc đáng làm. Thôi cháu đi đã, một chút nữa bác sẽ thấy.

Cậu đom đóm vụt bay đi bỏ lại bác dế ngơ ngác nhìn theo lẩm bẩm : “Hợp quần…” Rồi bác bò trở lại nơi lũ trẻ đang vui đùa…


Đám mây dễ ghét cao ngạo nhìn chị Hằng hỏi:

- Trăng khoe trăng sáng hơn đèn
Mây che trăng khuất, răng hèn rứa trăng!

Chị Hằng không nói, hiền từ nhìn xuống đám trẻ. Đám mây chỉ che mỗi một phía thôi còn những nơi khác đám trẻ con vẫn nhìn thấy chị, nhưng chị thương cho đám trẻ ở đó chúng sẽ gián đoạn cuộc chơi một lúc. Thôi! Cũng đành. Tại vì hôm nay chị rực rỡ quá mà đám mây kia lại đen tối nên nó ghen ghét chị, nó muốn chị mất cái rực rỡ đó đi, dù một lúc thôi. Nhưng mà nó không ngờ…

Khi chị Hằng vừa bị che khuất ở nơi con đường làng, lũ trẻ ngơ ngác, chú dế hồi hộp. Bỗng từ đâu một đàn đom đóm đông có đến hàng vạn con bay đến lập lòe. Chúng kết thành vòng tròn to nơi ngọn tre – chỗ mà hồi nãy chị Hằng đã đứng – soi xuống lũ trẻ con ánh sáng màu trắng chẳng khác chị Hằng thứ hai. Bỡ ngỡ, chúng nhìn lên “chị Hằng đom đóm” rồi tiếp tục cuộc chơi như không có chuyện gì. Lúc ấy, nơi đám cỏ bên lề đường, bác dế vui sướng như muốn hét lên “Hợp quần! Hợp quần gây sức mạnh”. Phải rồi. Đáng khen cho những cậu đom đóm.


Và khi đám mây khổng lồ bay đi, nhường lại chị Hằng cho lũ trẻ thì “chị Hằng đom đóm” vụt hóa to ra rồi làm thành một điệu múa để giúp vui lũ trẻ. Điệu múa đó bác dế đặt tên là “Vũ Khúc Đom Đóm”.

NGUYỄN THỊ THU 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 227, ra ngày 1-10-1974)

Một Buổi Sáng Dễ Thương - TRẦN THỊ THU

5 giờ sáng : Ti lồm cồm bò dậy. Chao ơi, đến giờ này mà ông anh Ti vẫn còn ngáy khò khò. Vậy mà dám bảo sáng mai tao sẽ gọi mày dậy sớm ôn bài! Ngủ chi mà kỹ thế. Ti nhéo vào tai ông ấy một cái… khò khò… Nhéo mấy cái vẫn chưa chịu dậy, Ti bèn nắm cái mũi cao cao kéo thật mạnh. – Ui da, đứa nào vậy? – Suỵt, suỵt, Tuấn im đi cho má với mấy em ngủ nào – Ừ, nhưng sao mày lại… – Thưa anh 5 giờ rồi ạ, dậy đi cho Ti nhờ.

6 giờ : Vừa học xong một bài sử địa, anh Tuấn bắt Ti coi chừng nhà cho anh ấy chạy bộ một vòng quanh xóm. Sáng sớm trời lạnh ghê lắm, me không cho anh Tuấn ở trần chạy bộ, khỏe đâu chưa thấy mà lăn đùng ra vì cảm thì khổ. Ti nhìn cái lưng to và đen bóng như lưng trâu của anh ấy, cúi đầu hùng hục chạy mà bắt tức cười. Ti nói lớn : Coi chừng nhe, buổi sáng mắt nhắm mắt mở lại đụng vào cột đèn đó.

Me ở trên lầu bước xuống bảo Ti : – Mua quà sáng về ăn đi con. Ti dạ thật ngoan : vâng ạ.

7 giờ : Chà, bộ mái tóc của Ti muốn bướng bỉnh sao đây. Hay tại cái lược, chẳng chịu suôn sẻ cho Ti nhờ. Rối đâu mà gỡ hoài không xong vậy. Ti giựt mạnh. Rắc… chết chưa, gẫy mất mấy cái răng lược rồi.

Đến lượt ông anh Ti cầm lược lên chải đầu, anh nhăn nhó : Cái con Ti này, chải đầu gì mà dữ vậy, tóc ai dày và to để vừa cái khe răng lược của mày đây hở.

Ti nhìn mái tóc ngắn cũn cỡn của ông ấy, cười : Tóc Tuấn đấy hở, việc gì cần lược, cứ xòe thẳng năm ngón tay ra mà chải cũng xong. Rốt cuộc rồi Ti cũng phải lấy cái lược xinh xinh me mua cho hôm nọ – dù thích cất kỹ để dành đến tết xài – đưa cho anh ấy chải đầu, kẻo không anh ấy lại hét ầm lên mất.

8 giờ : Giờ này thì Ti đang ở trong lớp học. Buổi sáng thứ ba học hai giờ đầu Sử địa. Vui ghê cơ. Thầy kể chuyện khỉ ở Bornéo thật là phá phách. Thấy ai đi qua, con đầu đàn khẽ huýt sáo lên một cái là mấy con kia đứng sắp hàng thật ngay, sửa soạn tấn công người ta và ăn cướp thực phẩm. Dù ai có gan cách mấy, nom thấy đằng trước mặt một lũ khỉ xếp hàng, từ từ tiến tới và giương những bộ mặt đẹp như… khỉ ấy, cũng đủ xỉu rồi.

Thầy lại còn kể chuyện ở một hòn đảo nhỏ của Phi Luật Tân có thật nhiều ngọc trai, nhưng muốn xuống nhặt không phải dễ vì có biết bao nhiêu là cá sấu, cá mập… chực mõm sẵn sáng ăn thịt người. Ngoài ra còn có giống sò to bằng chiếc nón lá nằm há miệng trên bờ biển, chỉ cần ngậm chặt chân người ta cũng đủ què rồi.

9 giờ : Ra chơi. Ti và mấy nhỏ bạn quay vào tán gẫu. Hồi hộp ghê đi. Hai giờ sau bầu ban điều hành lớp. Không biết ai với ai làm phó và trưởng lớp đây.

Vô học. Thầy hướng dẫn cho lớp Ti đề cử vài liên danh ra tranh cử. Ti bị một nhỏ bạn đề cử chung liên danh với hai nhỏ bạn khác. Eo ơi sợ quá. Ti định từ chối nhưng mấy nhỏ bạn cứ bảo Ti nhận đại đi. Ừ, Ti bèn nhận lời. Để xem nào. Biết đâu Ti lại chả được một phiếu bầu cử của Ti cho… Ti.

Khi Cha đặc trách sinh hoạt vào lớp, cuộc bỏ phiếu bắt đầu. Thầy hướng dẫn cầm chiếc nón mở rộng, đi quanh lớp tiếp nhận những lá phiếu đã được đóng dấu Phòng Tổng Giám Thị vào đó. Ti cười hỏi nhỏ bạn bên cạnh : Bầu liên danh mấy hở? Nhỏ nheo mắt : Cho nhà mi. Vậy chứ, ít nhất Ti cũng được thêm phiếu của nhỏ này.

10 giờ : Giờ khui phiếu bắt đầu. Nản ghê cơ. Liên danh của Ti xui quá, mãi mới thêm được một phiếu, trong khi các liên danh khác, số phiếu tăng nhanh như những con số lít nhảy ở cây xăng vậy. Ti dán chặt mắt lên bảng đen. Thầy chậm rãi đọc từng tiếng một…

Cả lớp reo ầm lên. Những con số phiếu kết quả rõ ràng. Phần thắng nghiêng về liên danh Ti. Ti không ngờ mình đắc cử.

11 giờ : Học được chút xíu, chuông tan học. Ti nhận ở tay nhỏ bạn một cục kẹo dừa – Cám ơn nhà mi nhé! – Không có chi, thưa cô Ký. – Thôi chứ, đừng ghẹo ta nữa. – Được rồi, ta về đây. – Ừ, về nha.

Vừa đi, Ti vừa trốn tránh những con mắt, những nụ cười của các bạn, có vẻ như là chòng ghẹo Ti vậy đó. Thôi, cho Ti hàng đi nè. Bộ đắc cử vào ban điều hành lớp cũng đáng quê lắm sao?

12 giờ : Sửa soạn sách vở chiều đi học thêm xong, Ti giúp me dọn bữa cơm trưa. Trời hôm nay đẹp quá. Bữa cơm ngon và mấy đứa em Ti ngoan ngoãn dễ thương ghê là. Ti chẳng phải la tí nào.

Me Ti cười : Chao ơi, hôm nay Ti hiền lành ghê vậy, chẳng gắt gỏng chút nào. Không bù mọi ngày, nhăn như khỉ ấy. Mấy em Ti cười, Ti cùng cười với chúng nó. Hôm nay Ti không nhăn nhó là vì… ơ mà thôi, Ti chẳng nói đâu. Mắc cỡ thấy mồ đi.

TRẦN THỊ THU 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 211, ra ngày 15-10-1973)

Em, tháng chín - NGUYÊN LY



Em như chim buổi sáng
Nhảy nhót chuyền trong cây
Một chút mưa tháng chín
Hứng đọng giữa lòng tay

Tim Hồng - Mt. HOA


Mấy tháng hè trôi đi thật nhanh, tôi trở lại trường trong ngày khai giảng niên khóa mới. Sân trường đông nghẹt những người, vẫn hoạt cảnh thường lệ của ngày khai giảng diễn ra: học trò cũ tung tăng vui vẻ, học trò mới ngơ ngác sợ sệt. Tôi vẫn dạy lớp cũ nhưng học trò tôi toàn những nhóc “mới tinh” từ lớp Ba lên. Lúc nhận lớp, tôi nhìn thật kỹ từng khuôn mặt măng sữa đang ngồi yên lặng trong những băng ghế dài – Học trò tôi năm nay bé tí à! Một vài đứa “quá khổ” trổ giò trước tuổi. Còn thì sàn sàn bằng nhau. Tôi phân vân trong một thắc mắc nhỏ, không biết học trò năm nay thế nào đây? Chúng ngoan hơn, hiền hơn, hay lười học hơn học trò năm ngoái? Đem cái thắc mắc này hỏi thầy giáo của các em năm học vừa rồi, tôi lúng túng khi nghe thầy dặn dò thật kỹ:

- Chúng nó lì ác liệt và lười như heo, chị dạy chúng nó năm nay chị phải đập kỹ vào mới mong trị được chúng nó đó. Nhất là con bé Kim Hoa, con Xuyến, con Kiều Loan đó.

Lúc vào lớp, tôi bực bội nhìn thẳng các cô bé học trò trước mặt, những vẻ mặt non nớt và từng đôi mắt e lệ, rụt rè trước cô giáo làm tôi yên tâm. Cầm viên phấn viết lên bảng 3 chữ THỜI KHÓA BIỂU, tôi âm thầm hỏi một mình: “Liệu rằng học trò tôi năm nay có như lời mô tả không? Lì ác liệt và lười như heo? Chắc không phải vậy đâu các em nhỉ? Cô nhìn nét mặt ai cũng dễ thương hết cơ mà, phải vậy không, các em?




Dặn dò các điều cần cho suốt một năm học xong, tôi yên lặng điểm mặt từng tên nhóc tì đang khép nép sau những cái bàn dài dưới kia. Tôi phác họa thật nhanh một bản đồ lớp và lên giọng:

- Cô gọi tên em nào, em đó đứng lên cho cô xem mặt. Nhớ, cô chỉ nghe tên và nhìn mặt một lần là cô nhớ đủ hết tên từng người ngay, cho nên đừng ai làm ồn lớp, cô sẽ phạt rất nặng đó nhé.

Trong lúc từng em lần lượt đứng lên với cái tên của mình, tôi kín đáo điền tên từng em vào những ô trống thích hợp. Từ đó, tôi có thể gọi tên từng em mà chắc chắn không hề lầm lẫn.

Sau đó, các em làm 2 bài toán đố thử sức. Năm nào, ngày khai giảng cũng vẫn chỉ có chừng đó công việc. Vậy mà vẫn có vẻ chật vật và không đủ giờ cho những việc ấy. Lớp học lại yên lặng. Một vài cái đầu quay sang nhau xì xào. Tôi cau mặt nhìn xuống cuối lớp, 2 cô bé đang thì thào nói chuyện và cười thật tự do. Tôi liếc nhanh vào tờ bản đồ lớp và lên giọng:

- Thanh Phương! Không nói chuyện nhé.

Tôi lại bình thản nhìn xuống từng dãy bàn, bên tai tôi nghe loáng thoáng tiếng Thanh Phương:

- Cổ nhớ tên thật mày ạ.

- Thì nhớ chứ sao? Hồi nãy cô có nói là cô nhớ hết mà.

Thanh Phương trề môi:

- Tao không tin, tại tao với mầy lớn xác ngồi ngay dưới này cổ nhớ tên liền.

- Suỵt! Đừng nói! Chút nữa đợi coi cổ có gọi đúng tên tụi nó không đã.

- Xì…! Sức mấy mà trúng! Tin tao đi.

Tôi cắn môi giữ không cười trước những ngôn ngữ vô tư ấy. Cái nghề này thật kỳ cục! Chỉ cần “hù” con nít một chút cho chúng “nể” là đủ thu phục chúng. Hơn nữa, muốn cười khi không phải giờ sinh hoạt cũng… không nên cười (!!!) Con nít khoái bắt chước, thấy cô cười dù chẳng hiểu cô cười về cái gì, cũng hè nhau rộ lên cười ha ha thật khoan khoái, hỉ hả – Nếu lúc đó, các em đang làm bài mà lại bật lên cười ầm lớp thì quả là không thể chấp nhận được. Tôi nhìn xuống Thanh Phương, mái tóc tém ôm gọn khuôn mặt bầu bầu và đôi mắt luôn mở to… ngơ ngác. Tôi reo lên thích thú! Con bé này không chịu tin khi nghe tôi tuyên bố “sẽ nhớ tên hết mọi người”. À! Con muốn cô thử chứ gì! Cô sẽ thử, cô sẽ thử cho con tin, nhóc ạ! Những cái đầu đi động và những đôi môi mấp máy. Tiếng nói chuyện xao xác trong từng dãy bàn. Tôi liếc nhanh vào bản đồ và chững chạc xướng danh:

- Bùi Nguyễn Hồng Yến!

Cùng với tiếng “dạ” thật nhẹ, một cái đầu trẻ thơ vươn lên từ những đám đầu đen. Tôi ngọt ngào:

- Hồng yến – đừng nói chuyện nữa nghe em!

Hồng Yến mở lớn mắt nhìn tôi kinh ngạc. Tôi thích thú trước ánh mắt dò hỏi của Yến. Tôi gọi tiếp:

- Bùi Thu Hà! Ngồi xích ra đầu bàn đi em.

- Phương Loan! Ngay lưng lên mới viết được chứ, em.

Tôi nhìn xuống Thanh Phương đang há hốc miệng với Tuyết Hồng. Vẻ khuất phục của nó làm tôi vui. Cả hai lại xì xào:

- Cổ “siêu” ghê há! Cổ nhớ tên mình rồi, Hồng ơi!

Vậy là tôi đã thu phục xong tên ngoan cố của lớp tôi rồi đó, nhân vật này đáng lưu ý đây. Chỉ cần 1 chút xíu hành động đủ làm cho bọn nhỏ khớp và giữ được yên lặng ngay từ buổi học đầu năm.

Tôi nhìn khắp lớp 1 lượt. Kiệm ước có khác, mấy cô để đầu tém cũng đang để tóc dài. Những sợi tóc “choai choai” lởm cởm đến ngộ! Tôi lại nhìn bản đồ sau khi định rõ vị trí khổ chủ:

- Vinh Hiển!

- Dạ! Con bé mập mạp và mái tóc lởm cởm đứng dậy từ bàn thứ 5.

- Sao không xin mẹ tỉa tóc đi em, tóc tai bờm xờm như…

Vinh Hiển nhỏ nhẹ:

- Thưa cô mẹ con nói mắc lắm, tới 200đ một lần tỉa thì để tóc dài rồi buộc dây thun cũng được.

Tôi cười nhẹ:

- Hiển thích để đầu tém không? Cô tỉa dùm cho!

Vinh Hiển cười e ấp, cuối lớp có tiếng nói:

- Trò Hiển không thích để đầu tém đâu cô, trò ấy thích làm vịt cồ thôi.

Tôi quay lại, ai vừa nói vậy nhỉ? Con bé tóc dài đứng lên trong bàn 7:

- Thưa cô con!

- À… à… Kim Anh! Sao em biết Vinh Hiển thích làm vịt cồ?

Những nụ cười lén lút trên những cái miệng xinh xinh, tôi cười dễ dãi khi Kim Anh kể lể:

- Thưa cô, trò Vinh Hiển khoái làm vịt cồ múa bài “một đàn vịt già” đó cô.

Một vài tiếng cười làm loãng tan cái yên lặng ban đầu. Tôi cười theo và hơi ngạc nhiên khi Vinh Hiển đưa tay:

- Thưa cô!

- Chi đó, Vinh Hiển?

- Thưa cô! Lát làm toán xong sớm cô cho con múa bài “một đàn vịt già” nghe cô!

Tôi sửng sốt 1 giây và bật cười thành tiếng. Vinh Hiển khẩn khoản:

- Nghe cô! Hôm nay khai giảng mà!

Cả lớp giương mắt chờ đợi sự quyết định của tôi. Một vài tiếng nói góp vào:

- Trò Hiển múa hay lắm cô!

- Giống vịt cồ thứ thật đó cô!

- Cô chịu đi cô!

Những ánh mắt chờ đợi đến tội! Tôi để 1 ngón tay lên miệng ; lớp yên lặng xong, tôi thong thả:

- Được rồi! Cô bằng lòng, nhưng phải yên lặng làm bài cho tử tế đã. Sau đó mới được xem Vinh Hiển múa đó nhé!

Cả lớp đồng thanh thưa cô vâng ạ thật to và cắm cúi làm bài. Tôi nhìn Vinh Hiển, chú Vịt cồ đang xếp gọn sách vở vào cặp. Khi thu xong 2 bài toán thử sức tôi đặt điều kiện:

- Không được cười lớn tiếng đó nhé. Lớp bên cạnh còn đang học, chúng ta phải tôn trọng giờ học của lớp bạn. Ai cười lớn tiếng cô bắt bò đó nhé!

Vinh Hiển tiến ra giữa lớp cười cười:

- Tui hát, mấy bồ đệm “cạp cạp!” nhen.

- Ừa! Hát đi, múa nữa nghe Hiển!

- Hát đi Hiển, tôi đệm cạp cạp nè!

Vinh Hiển bắt đầu múa, cái mông lúc lắc và cái đầu gật gù, 2 tay đập như 2 cánh và em hát sang sảng: “một đàn vịt già, rủ nhau đi xa, miệng kêu cạp cạp…” Đến cạp cạp em khép 2 bàn tay lại và đập đập vài cái trong lúc các bạn đệm cạp cạp. Bài hát bình thường không có gì đặc biệt nhưng những cử điệu của Vinh Hiển đã làm tôi cười nôn ruột. Hiển mập mạp và 2 má phúng phính. Tôi cố giữ tiếng cười hỏi cả lớp khi bài hát chấm dứt:

- Vinh Hiển hát hay như gì hở, các em?

- Thưa cô hát hay như… vịt.

- Múa giống con gì nào?

- Thưa cô con vịt!

- Vinh Hiển mập giống con gì nào?

- Thưa cô… con vịt.

- Và… đi lạch bạch giống… giống…

- Thưa cô… giống… vịt… cồồồồ.

Cả lớp cười khoan khoái. Vinh Hiển cười lên hích hích híp cả 2 mắt. Tôi bẹo má em:

- Vinh Hiển, cô gọi là vịt cồ, bằng lòng không?

Hiển lại cười, híp cả mắt ; nhìn Hiển cười, cả lớp cười theo. Hiển cười xong, ngước nhìn tôi:

- Hí… Hí… Con chịu liền cô ơi! Hí hí.

Vịt cồ lạch bạch về chỗ. Tôi khoan khoái thơ thới trong hồn. Hết cả xa lạ, hết cả e ấp ngượng ngùng, rụt rè khép nép. Một ngày khai giảng của lớp tôi năm nay đã trôi qua vui vẻ, hứa hẹn những ngày tháng đẹp của niên khóa này. Tôi tự nhắc tôi đã không lầm. Ở đâu cũng vậy, trẻ thơ vẫn luôn luôn là những trái tim hồng ăm ắp nhưng hồn nhiên, vô tư và dễ thương tột độ.

Những dòng này tôi cũng xin thân tặng tất cả những ai đã, đang, và sẽ nhắc đến 2 tiếng Vịt Cồbởi vì, ở lớp tôi đang có một chú vịt cồ thật dễ thương. Tôi cũng cầu mong các chú vịt cồ của quí vị cũng dễ thương như chú vịt cồ của lớp tôi vậy. Và, sau nữa, có quí vị nào muốn chiêm ngưỡng dung nhan chú vịt cồ của tôi, xin mời liên lạc với tôi:

Mt. HOA 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 226, ra ngày 1-9-1974)

Ngày Đầu Niên Học - VŨ CHINH


Năm nay nhà thằng Vọng có hai người đi học. Đó là thằng Vọng và em gái nó, bé Lựu. Thằng Vọng lên lớp tư còn bé Lựu thì mới bắt đầu đánh vần a, b, c. Mấy tháng hè trôi qua thật nhanh. Chỉ có mùa hè này thằng Vọng mới thấy thích thú hơn hết. Suốt những ngày hè, nó tha hồ đi chơi. Nó cùng bạn bè băng hết cánh đồng này tới cánh đồng khác. Do vậy, nó đen nhưng rắn rỏi hơn trước nhiều.
Còn một tuần tới ngày khai trường, thằng Vọng không được đi chơi nữa. Nó suốt ngày giam mình trong nhà, lấy bài cũ ra đọc như rống. Thỉnh thoảng có vài thằng bạn nó lấp ló ngoài cửa kêu rủ nó đi chơi nhưng nó làm ra vẻ người lớn nói : gần đi học rồi, tao mắc ôn bài. Thế là mấy thằng bạn đó tẽn tò rút lui. Không biết chúng có về nhà ngồi học như thằng Vọng không.
Thằng Vọng lấy sách ra ngồi dưới gốc me. Trưa nắng. Gió chui vào kẽ tóc của thằng Vọng làm nó khoan khoái mát mẻ lạ. Chỗ này học bài thì thú biết mấy. Lắm khi, nó còn leo tuốt lên cây ổi để học. Trên đó mát gấp mấy lần dưới nầy nhưng mát nhiều dễ bị buồn ngủ rồi ngủ gục và trở thành… mít rụng.
Thằng Vọng đã học hết cuốn vần quốc ngữ lớp năm. Nó đã đọc khá xuôi những bài học trong đó. Đôi khi nó còn lấy báo ra đánh vần um sùm. Bé Lựu nhìn nó đọc sách mà phát thèm. Đôi mắt bé cứ trơ trơ ra, không chớp, miệng muốn nhóp nhép đọc như anh, nhưng không được. Đó là cơ hội duy nhất để thằng Vọng hãnh diện khoe khoang một phát. Nó gọi bé Lựu lại gần, làm như thầy giáo, bắt bé Lựu ngồi đàng hoàng, tay trái để ở đâu, tay mặt chỉ chỏ thế nào, lưng đừng cho cong, đừng cúi gần quá để ngày sau phải đeo kính cận và trở thành “người bốn mắt”. Đủ điều, đủ lời căn dặn của thầy giáo nó đều nói lại cho bé Lựu nghe. Bé Lựu, trí óc còn non nớt, làm sao nhớ hết những điều đó, nên quên tới quên lui. Thằng Vọng nhắc lại quá nhiều phát cáu, cốc đầu con bé mãi. Nhưng bé Lựu nào dám khóc vì như vậy sẽ không được thằng Vọng dạy học nữa.
Thằng Vọng đọc một hơi năm bài và thuộc lòng hết bốn bài. Còn một bài thì khó đọc quá. Nó dựa lưng dưới gốc me, chân duỗi thẳng, mắt mở lớn. Khi nghe cơn gió buồn ngủ nào kéo đến là thằng Vọng ngồi bật dậy ra nhà sau rửa mặt ngay.
Còn ba hôm nữa là nó nhập học. Nó hình dung buổi học đầu tiên chắc là vui lắm. Nó sẽ gặp lại bạn bè, thầy giáo, ông hiệu trưởng. Nó sẽ nhìn lại những dãy bàn loang đầy vết mực xanh tím. Chỗ ngồi nào nó sẽ ngồi, thầy giáo nào nó sẽ được học, lớp mới nó ở phòng nào. Và sân banh sau trường chắc cỏ may mọc đầy. Sự nôn nao, hí hửng làm tim nó đập mạnh.
- Anh Vọng… Em thuộc bài hồi hôm qua rồi.
Thằng Vọng đứng lên:
- Trả coi.
Bé Lựu ngoan ngoãn đọc bài. Nói là đọc bài nhưng thật ra chỉ có ba mẫu tự chính a, b, c. Thằng Vọng cầm sách đứng cạnh, và bé Lựu vừa đọc vừa chỉ.
- Thuộc, nhưng cũng bị phạt.
Bé Lựu mở to mắt nhìn anh. Thằng Vọng:
- Mầy quên khoanh tay lại. Tội vô phép.
Thằng Vọng lấy thước kẻ, khẻ trên tay bé Lựu ba cái:
- Lần sau phải nhớ.
Bị ba cái thước kẻ đau điếng, bé Lựu mếu máo khóc. Bé chợt ném sách đi:
- Hổng thèm học nữa.
Bé Lựu bỏ chạy vào nhà. Thằng Vọng rượt theo:
- Lựu! Lựu!
Bé Lựu sà vào lòng má khóc to:
- Má ơi! Anh Vọng… đánh con.
Tiếng má:
- Vọng! Sao con đánh em?
Thằng Vọng đứng chu môi ở góc nhà:
- Nó trả bài mà không khoanh tay. Con đánh nó về tội vô phép.
- Thì tại em nó quên. Mai mốt đừng đánh em nữa, la rầy đủ rồi.
Bé Lựu nói lớn:
- Bộ anh… anh là thầy hả?
Thằng Vọng cũng không kém:
- Chứ hổng phải sao?
- Còn lâu.
Má vuốt tóc bé Lựu:
- Thôi, bé Lựu của má. Anh Vọng dạy con học, tức là thầy con rồi. Lần sau má cấm con nói hỗn với anh như vậy nữa.
Thằng Vọng ra phía sau nhà, ném mình lên võng, đưa nghe vùn vụt. Nó lim dim đôi mắt. Chợt, một tiếng kêu:
- Vọng.
Tiếng thằng Khang.
- Vô đây mày.
Thằng Khang ngồi chồm hổm trên bộ ván:
- Tao vừa gặp thầy mầy ạ.
- Thiệt hả? Thầy có nói gì về tụi mình hôn?
- Thầy nói tao bây giờ trổ giò cao quá, chắc mầy và tụi thằng Sang cũng vậy.
- Rồi mầy nói sao?
- Tao nói dạ phải. Rồi thầy đi vì mắc bận công chuyện.
Thằng Vọng ngừng võng:
- Sao mầy hổng hỏi năm nay thầy có dạy mình nữa hôn?
- Tao quên.
- Tao ngu chứ quên.
Thằng Khang cười xòa:
- Đi chơi hôn mày?
- Tao buồn ngủ quá.
Tiếng thắng xe ở ngoài. Tiếng bé Lựu:
- A! Ba về.
Thằng Vọng dựng người dậy:
- Ra đây chơi mày.
Bé Lựu đón trên tay ba một chồng tập mới mua. Thằng Vọng muốn ôm chồng tập đó, nên nói nhỏ nhẹ với bé:
- Chắc nặng lắm, đưa anh ôm cho.
Nhưng bé Lựu lắc đầu và đi vội vào nhà. Thằng Vọng tẽn tò. Má nói:
- Tập nè, viết nè, mực nè, còn thiếu gì nữa hôn Vọng?
- Dạ, còn sách.
Tiếng ba:
- Thì để ngày khai trường coi thầy giáo dặn mua sách gì thì mới mua được chứ.
Và má:
- Bây giờ chia ra đi. Con Lựu ba cuốn. Thằng Vọng năm cuốn. Còn bao nhiêu cất lên đầu tủ.
Thằng Vọng ngửi hoài mùi thơm của giấy tập trắng tinh. Nó lật ra từng trang, từng trang. Trang đầu nó bỏ không viết, trang sau nó sẽ đề ngày tháng năm. Nó sẽ cố gắng viết chữ đẹp hơn và giữ tập sạch. Thằng Khang đứng nhìn cảnh ấy mà mê. Nhà nó nghèo hơn nhà thằng Vọng nên tập vở phải mua từng cuốn một.
- Bé Lựu hôm nay tới bài mấy rồi?
- Dạ, chưa hết bài…
Thằng Vọng cướp lời:
- Chưa hết bài nhất!
Bé Lựu đỏ mặt, mếu máo thấy thương.
- Thôi vậy cũng được, vậy cũng giỏi nhất nhà rồi.
*
Thằng Vọng hôm nay mặc áo trắng quần xanh. Toàn là đồ mới còn ngạt mùi long não. Bé Lựu cũng vậy. Bé mang một đôi guốc trắng vẽ hoa lá, tóc chải mướt đen nhánh. Đêm qua, thằng Vọng đi ngủ sớm. Nó lại nằm mơ. Giấc mơ hình dung những ngày vui của tuổi thơ. Giấc mơ sẽ thành sự thật, trong lát nữa, một lát nữa đây thôi.
- Thưa ba má con đi học.
- Thưa ba má con đi học.
Hai đứa dắt tay nhau rời cổng nhà. Những cánh chim vồn vã chào hỏi trên đầu chúng. Những cánh lá con mân mê hoài giọt sương đọng lắng ngây thơ. Gió mát. Mây bay. Mây bay vui đẹp quá, như bước chân học trò. Đàng xa, trước mặt, sau lưng, ngoài hai đứa còn có biết bao đứa trẻ khác, tay ôm sách vở, dáng điệu dễ thương. Tất cả là đàn chim, sau những ngày tháng khá dài chia tay, giờ bay về, bay về làm đầy ngập niềm vui cho tổ ấm. Tổ ấm hiền hòa, tổ ấm của trẻ thơ mà thôi.
- Tới chưa anh?
- Cũng sắp. Mỏi chân rồi hả?
Có tiếng gọi thằng Vọng.
- A! Tâm, Nữu.
Chúng ôm lấy nhau. Đứa nào cũng áo mới.
- Sao mầy hổng lại nhà tao chơi?
- Tao mắc đi Sàigòn.
- Còn mầy?
- Tao cũng vậy.
- Tụi bây biết ai dạy mình hôn?
- Mầy biết hả?
- Cũng như mầy!
- Vậy cũng hỏi!
- Tưởng mầy biết.
- Em mầy hả?
- Ừ!
- Tên gì?
- Lựu.
Ngôi trường rực lên bởi những màu áo. Cỏ như tươi hơn, loắn xoắn bàn chân những đứa trẻ. Tiếng chuông reo. Đàn chim bay ùa vào tổ. Thằng Vọng dẫn em vào lớp. Bé Lựu nhìn quanh, xa lạ tất cả, nó thấy sợ sợ. Thằng Vọng nhắc chừng:
- Đừng sợ gì cả. Có gì mách cô giáo.
Nhưng khi thằng Vọng ra khỏi lớp thì bé Lựu òa khóc lên. Những đứa khác ngơ ngác. Có đứa cũng khóc theo. Thằng Vọng chạy lại dỗ dành em. Nó phải hứa hẹn lung tung, con bé mới nín. Lát sau, cô giáo vào. Cô bảo thằng Vọng về lớp mình đi, để bé Lựu cho cô. Hơn mấy mươi cặp mắt mở tròn nhìn cô giáo. Sách vở thì nằm im trên bàn tay thon nhỏ của chúng. Cô giáo nhìn chúng bằng ánh mắt hiền dịu. Chúng đỡ sợ sệt hơn.
Thằng Vọng kiếm một chỗ tốt, gần bảng, cạnh thằng Khang. Lớp hầu hết thằng Vọng đều quen, nhưng cũng có vài người mới. Vài đứa còn đọng nét lo âu trên khuôn mặt trắng trẻo dễ yêu. Tiếng nói chuyện ồn ào. Tiếng cười, tiếng chân chạy. Tổ ấm đó, bầy chim non đó. Tiếng chí chóe ríu rít không làm sao quên được. Nó quyến rũ, nó làm êm tai người nghe. Mà mỗi người thì chỉ có một lần được làm chim có tiếng hót đó.
- Nghiêm.
Thầy giáo vào. Thằng Vọng thúc cùi chỏ thằng Khang:
- Thầy Tường mày ạ!
- Vậy càng sướng.
Thầy Tường khoát tay:
- Các em ngồi xuống.
Buổi học bắt đầu. Sân trường im vắng. Thằng Vọng đem tập ra viết như các bạn. Bài đầu tiên là bài ngày đầu niên học. Tác giả tả thiệt giống hệt với khung cảnh bây giờ của chúng. Niên học này được thầy Tường dạy thì còn gì khoái bằng. Sướng đây không có nghĩa là thầy dễ, mà trái lại, thầy Tường khó nhưng tánh tình vui vẻ. Lớp học như không có phút nào im rũ chán nản…
Rồi buổi học đầu trôi qua. Giờ tan học đến. Tổ ấm lại bỏ ngỏ cho đàn chim tung cánh. Chân trời, phiến nắng vàng đang chờ chúng. Thằng Vọng kiếm bé Lựu và dắt tay em về lối cũ. Bé Lựu khoe:
- Em vừa làm quen một đứa bạn.
- Tên gì?
- Tên Nhường, ở Bàn Cờ.
- Tên gì nghe nó sao… sao ấy!
- Chứ bộ tên Vọng đẹp lắm hả?
Thằng Vọng cười ngất.
- Em được cô giáo khen.
- Khen sao?
- Giỏi.
- Giỏi mà lúc vô lớp cái… hu… hu… hu.
Bé Lựu mắc cỡ quá ôm cặp chạy về trước.

VŨ CHINH
( Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 75, ra ngày 15-8-1967)

Nghề Giáo - THA HƯƠNG BÌNH PHƯƠNG



Thầy giáo Truyền bước vào lớp, chiếc máy bay bằng giấy phóng từ góc trái lượn 1 vòng trên không rồi đáp xuống bàn thằng Hoa đầu sói. Chiếc đầu nhẵn thín khẽ rung lên, nghiêng hẳn qua một bên để tránh. Có tiếng vỗ tay ầm lên. Hoa đầu sói cau mặt lẩm bẩm:

- Bố con nhà Thiên!

Thầy giáo Truyền khó chịu thả mình xuống ghế. Cơn buồn ngủ ban trưa chen lẫn cái nóng hắt từ mái tôn xuống tạo một bầu không khí quá căng thẳng. Thầy dằn mạnh mấy cuốn sách cầm ở tay xuống bàn. Những bụi phấn trắng nhỏ li ti tung lên cao…

Có tiếng ngáp dài đàng cuối lớp và tiếng chửi thề nho nhỏ. Thầy giáo Truyền ngừng giở sách, đỡ gọng kính cho nằm cao lên trên sóng mũi, nhìn xuống.

- Thằng Thị!

Thị – hay Thị Sẹo cũng thế – là một trong ngũ quỉ của lớp Nhất C này. Sở dĩ cả lớp đặt cho nó cái danh từ không mấy đẹp đó, vì trên khuôn mặt nó có điểm một vết sẹo nhỏ. Tên “Thị Sẹo” từ một đứa gọi đến hai… rồi ba, bốn và có lẽ thầy… là người cuối cùng được nghe.

Thầy giáo Truyền liếc mắt nhìn sang thằng bé ngồi bên cạnh Thị Sẹo. Nó tên Hùng, rất thông minh nhưng ham chơi và lì lợm. Thầy đã có lần đánh nó năm roi vì không làm toán. Nó không khóc, lầm lì trở về chỗ ngồi. Ngày mai vẫn thế. Thầy hiểu ý, không đánh nữa chỉ ôn tồn khuyên nó lần sau cố gắng nhiều hơn : Hôm sau nó làm toán!

Bên cạnh Hùng là thằng bé có mái tóc dài chải gọn. Cả lớp gọi nó là “Lam Beatles”. Nó tên thật là Lam. Beatles chỉ là tên của một ban kích động nhạc thời đại có mái tóc dài ôm sát bờ vai. Lam chăm chỉ hơn hai đứa kia nhưng lại rất thích “a dua”. Những lối chơi kỳ cục trong lớp xuất phát từ Hùng hay Thị Sẹo đều được nó bắt chước làm theo…

Hai đứa ngồi bên Lam “Beatles” là Dzũng và Thời. Cả năm thường xưng danh là ngũ quỉ và phá phách đủ điều… Những ngày đầu năm, thầy giáo Truyền hơi chán nản. Nhưng dần dà rồi cũng quen… nhất là từ khi thầy tìm ra một phương pháp giáo dục tế nhị và tâm lý nhiều hơn : Tình thương để cải hóa.

Thầy giáo Truyền lơ đãng nhìn lên mấy bàn trên. Thằng Hóa, Sinh, Thái ngỡ thầy nhìn mình, nhoẻn miệng cười… giao cảm. Thầy cười theo. An ủi của thầy đấy, chúng rất chăm chỉ, dễ bảo. Đôi lúc thầy vẫn thấy mình không cô độc.

… Tiếng nói chuyện thưa dần. Bọn ngũ quỉ hình như cũng hết đề tài để kháo nhau cũng ngồi yên. Thầy giáo Truyền lật tiếp trang sách. Bài Việt Sử hôm nay dạy về “Ngày chiến thắng Thăng Long thành” của Quang Trung hoàng đế, vị vua được báo chí các nước đặt ngang hàng với Napoléon của Pháp quốc. Thầy lấy giọng giảng bài. Chỉ nghe tiếng lật giấy lách tách khô khan… tiếng thầy đi vào khoảng không, lạc lõng…

Trống trường nổi lên từng hồi. Thầy giáo Truyền ngừng giảng xếp vội mấy cuốn sách trên bàn xong quay ra bục ghi lên bảng đề luận ngày mai. Lũ trẻ nhìn nhau bàn tán. Nhiều cánh tay giơ cao xin góp ý kiến. Ở bàn đầu có đứa đứng dậy nói với lên:

- Tự do thầy! (?). Xin thầy cho đề tự do.

Thầy giáo Truyền dễ dãi ghi lên bảng ba chữ thật to bằng phấn đỏ : “Đề tự do”. Cả lớp vỗ tay, la hét. Bác lao công và vài chú học sinh bé tí đi trên hành lang, dừng lại tò mò nhìn vào. Thầy giáo Truyền ra hiệu bảo im lặng:

- Các em cố gắng làm dài và hay nhá!

Ồn ào lại nổi dậy. Thầy nghe mang máng có tiếng Thị Sẹo hét to:

- Hoan hô thầy!!!

Thầy giáo Truyền mỉm cười đi ra cửa…

*
*      *

Thầy giáo Truyền chải gọn mái tóc ướt nước, xong thả mình xuống ghế trước “bureau”. Cây vú sữa sai trái trong vườn xao động. Ngọn gió mát tràn vào cửa sổ hất tung mấy tờ giấy xuống đất. Thầy bình thản lấy vở luận ra chấm. Bài đầu tiên của thằng Hóa. Câu nhập đề gọn nhưng thông thường. Thầy cẩn thận sửa lại mấy chữ sai lỗi chính tả rồi lật sang phần thân bài. Thằng bé tả “Trăng sáng đêm Trung thu”. Ý tưởng khá dồi dào nhưng xếp đặt lộn xộn.

… Ngoài vườn, có tiếng vú sữa rơi. Khóm lá góc trái rung mạnh. Thầy giáo Truyền mang vội cặp kính đứng dậy:

- Lại bọn trẻ!

Thầy chợt nghĩ ra một kế nhỏ… Rồi đây, sẽ không đứa nào dám vào phá cho mà xem. Nghĩ thế, thầy lặng lẽ đi ra vườn, men theo bờ giậu…

Cây vú sữa nhà thầy năm nay cũng sai trái. Thầy sống độc thân nên không làm gì được. Nhưng cứ mỗi tuần, bà hàng xóm thường đến xin hái đem ra chợ bán. Thầy lấy chút ít gọi là, còn bao nhiêu biếu cho bà ấy… Bây giờ, bọn trẻ trong làng có đến phá phách, hái đi một ít cũng chả ăn thua gì. Nhưng khổ một điều là : thấy thầy quá dễ dãi, bọn trẻ kéo vào đông hơn và đôi lúc còn phá cả giấc ngủ của thấy.

… Thày giáo Truyền mon men lại gần…

- A! Gan thật! Bọn thằng Thị Sẹo!

Khi nhận ra lũ học trò nghịch ngợm của mình, thầy giáo Truyền thấy dễ dãi hơn và bỏ ý định trước. Thầy đứng xa xa chờ đợi…

Ngũ quỉ say sưa ăn không hay biết. Thị Sẹo đu người ra cành sai quả nhất, hái một trái ném cho Thời khẽ bảo:

- Của thầy đấy! Ăn cho đã.

Hùng đưa tay quệt vết mủ dính trên môi, nói với lên:

- Trò ăn của thầy cóc có tội. Mày không nhớ là chính thầy đã có lần đọc cho bọn mình nghe mấy câu thơ cũa Nguyễn Trãi à? “Của đời muôn sự của chung” là thế đấy!

Lam “Beatles”, Dzũng, Thời biểu đồng tình, ăn nhanh hơn…

*
*     *

Cho đến khi ngũ quỉ định rút êm, thầy giáo Truyền mới bước lại gần. Thằng Dzũng thấy trước lao vụt ra ngoài:

- Chết! Thầy bay ơi.

Thị Sẹo rồi Thời, rồi Lam hốt hoảng lao theo. Thầy giáo Truyền bước qua chắn lối đi, sẽ bảo:

- Các con đứng yên đấy!

Ngũ quỉ dừng lại, đứng im như trời trồng, đầu cúi thấp. Thầy mỉm cười nhìn lá và vỏ rải rác trên sân nói:

- No cả chứ?

Không đứa nào dám ngước mắt lên nhìn thầy hoặc trả lời…

- Thôi, các con vào nhà thầy rửa tay đi. Cứ để như thế, về nhà mẹ lại bảo là… “ăn trộm” ở đâu thì ốm đòn đấy!

Ngũ quỉ xấu hổ, lí nhí bước theo thầy. Thị Sẹo đi đầu. Nó thấy thầy dễ dãi quá, nên chợt hối hận : Tình thương của thầy bao la đến nó không thể nào ngờ được…

… Hôm trước, giờ ra chơi, thằng Thời bảo là nó thấy ở nhà thầy có cây vú sữa nhiều quả chín. Đang bực tức vì không thuộc bài, nó vội vàng tìm ngũ quỉ rủ chiều thứ năm lại nhà thầy… Ngũ quỉ bằng lòng ngay. Và hôm nay, chúng nó thực hiện xong ý định đó, chỉ tiếc… (!)

Thị Sẹo xích lại gần thầy hơn, ngẩng mặt lên… Thầy giáo Truyền nhìn nó. Thầy hiểu học trò mình hối hận : Tình thương cải hóa nó. Thầy cúi xuống vuốt tóc từng đứa, bảo chúng:

- Thầy hiểu các con lắm!

Thị cúi đầu, nước mắt chảy quanh:

- Thưa thầy, chúng con trót dại!...

- Thầy biết lắm, và sẽ tha thứ cho các con miễn là từ nay các con thôi nghịch trong lớp, chăm chỉ học hành hơn. Tuổi thơ các con cố gắng hưởng thụ lấy kẻo sau này hối hận…

Ngũ quỉ đứng yên lĩnh hội. Thầy giáo Truyền cảm động, dịu dàng nói tiếp:

- Các con nhớ vâng lời thầy! Thầy sẽ dạy cho các con những bài học xứng đáng để sau này, khi lớn lên, các con có đủ tài năng để giúp ích cho đời, cho xã hội…

Ngũ quỉ chào thầy đi ra cửa. Không đứa nào buồn lên tiếng. Thầy giáo Truyền đưa mắt nhìn theo, sẽ mỉm cười…

*
*     *

Cả lớp im lặng. Thầy giáo Truyền đi ra bục lấy giọng giảng bài Việt Sử tuần này. Dưới kia, ngũ quỉ vòng tay chăm chỉ chờ đợi.

- Các con! Quê hương chúng ta đẹp lắm! Các con hãy cố gắng giữ lấy và yêu thương trọn vẹn. Không ai dám bảo rằng các con không biết yêu quê hương đâu. Các con chăm chỉ học hành, kính yêu cha mẹ, và tỏ lòng biết ơn những người đã và đang hy sinh cho các con ; thế là đủ rồi…

Tiếng thầy đi vào không gian, dịu dàng và ấm cúng…

THA HƯƠNG BÌNH PHƯƠNG 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 90, ra ngày 1-5-1968)