Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Thu Trầm Mơ - PHẠM THỊ DIỄM PHÚC


Ngàn điệu thu ca thơm hương mùa
cho tim chiu chắt ý vu vơ
lối chiêm bao trong đêm bỏ ngỏ
chân mây rất nhẹ tuổi xa mờ

Cặp Kính Cận - YẾN NGUYỄN


Chúng tôi đã ngồi vào bàn ăn. Chao ôi! Thật là nhiều món, xanh đỏ lập lòe trước mắt tôi. Quái! Hôm nay chị Năm để mâm sao lại tuốt về bàn bên kia làm tôi chẳng nhìn được món gì. Các màu xanh đỏ thi nhau nhẩy loạn xạ trước mắt làm tôi bối rối. Nhưng không sao, tôi đã có cách. Tôi bèn hỏi ướm chị Năm:

- Chị Năm, chị Năm, món gì mà xanh lè vậy hả?

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Tình Tương Ái - VŨ CHINH

Sáng nay Thủy đến trường thật sớm. Vào lớp, Thủy đưa mắt tìm Vân ngay, nhưng chẳng thấy Vân đâu. Thủy nhìn ra sân chờ đợi. Thời gian qua mau. Sắp đến giờ học rồi. Thủy thất vọng. Bóng Vân mù mịt. Vân đã lỗi hẹn. Chiều qua, trước khi chia tay về nhà, Thủy dặn Vân sáng mai nhớ đi sớm, thật sớm hơn thường ngày để ra sau vườn hoa bắt bướm ép tập chơi. Vân gật đầu nói Thủy đừng có lo, Vân sẽ đi sớm, sớm nhất thế giới. Thủy bật cười vì câu nói khôi hài của bạn… Thế mà bây giờ, Vân đã quên, đã lỗi hẹn. Thủy nghe giận Vân vô cùng. Thủy tiếc rẻ một buổi sáng đẹp trời như hôm nay.

Tiếng chuông reo. Thủy bỏ bàn học, ra ngoài, xếp hàng. Vẫn chẳng thấy Vân. Bây giờ Thủy chợt nghe lo cho Vân nhiều hơn là giận Vân. Chắc Vân có điều gì bận rộn. Nhưng điều ấy có thiệt gì cho Vân không?

Khi đã ngồi vào bàn học rồi, Thủy vẫn ngó mông ra ngoài. Bầu trời xanh và trong. Khu vườn trước mặt dường như đẹp hơn thường ngày. Trong một góc vườn, vài cánh bướm bay chập chờn. Những cánh bướm mà Thủy ao ước được ép nhẹ nhàng, thật nhẹ nhàng trên những trang giấy nguyên trinh. Nhưng, hôm nay, Vân đã nghỉ học, những cánh bướm đẹp đó sẽ bay đi, và Thủy sẽ còn ao ước mãi.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Hẹn Nhau Trong Đền Rắn (X) - NGUYỄN TÀI



Hẹn Nhau Trong Đền Rắn (IX) - NGUYỄN TÀI



Hẹn Nhau Trong Đền Rắn (VIII) - NGUYỄN TÀI


Hẹn Nhau Trong Đền Rắn (VII) - NGUYỄN TÀI


Hẹn Nhau Trong Đền Rắn (VI) - NGUYỄN TÀI


Hẹn Nhau Trong Đền Rắn (V) - NGUYỄN TÀI


Hẹn Nhau Trong Đền Rắn (IV) - NGUYỄN TÀI


Hẹn Nhau Trong Đền Rắn (III) - NGUYỄN TÀI


Hẹn Nhau Trong Đền Rắn (II) - NGUYỄN TÀI


Hẹn Nhau Trong Đền Rắn (I) - NGUYỄN TÀI


Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Trọng Thủy Mỵ Châu SONG THUẬN & XUÂN ĐIỂM

Chuyện tình Trọng Thủy Mỵ Châu
Thơ: Song Thuận

Nhạc: Xuân Điềm


(Tranh ViVi - Việt sử bằng tranh/Bùi Văn Bảo)
1. Đã mấy ngàn năm.
Chuyện tình sử xanh.
Mỗi lần nhớ đến.
Lệ vẫn long lanh...

Mai này nước rút - PHAN KHƯƠNG THÁI

Mưa sao mà dai dẳng. Hết lớn bỗng rỉ rả, chẳng những mưa dầm lại thêm gió lạnh. Phượng nghe nhỏ Khanh nói có bão. Nhỏ Khanh bắt chước ngồi gần ba nghe ra-dô rồi bày đặt làm tàng với Phượng. Cả nhà đã ăn cơm chiều xong. Nhóc Hưng không chịu mặc thêm áo lạnh và khóc rấm rức. Má nhất định bắt tụi Phượng mặc ba lần áo. Giông gió ầm ầm đằng đông, đằng tây… tứ phía. Nhỏ Khanh thỏ thẻ với ba:

- Ba ơi! Nóc nhà chắc muốn bay, con lạnh quá.

Đèn đuốc tắt ngúm. Má phải khó khăn với những đèn dầu. Sau rốt, chỉ còn cây đèn bão để trong góc bộ ván là cháy với ánh lửa dao động nhảy múa. Phượng rầy nhỏ Khanh, trong lúc hai hàm răng đánh lập cập:

- Nói bậy không hà. Hổng thấy hôm qua ba đã dằn mấy bao cát trên mái tôn sao.

Nhưng má Phượng lo lắng bàn nhỏ với ba:

- Em sợ nhà có thể sập. Hay mình cho tụi nhỏ xuống hầm núp?

Ba bế út Tuấn đi tới đi lui, trấn an cả nhà:

- Không sao đâu. Ráng hết đêm nay, cơn bão sẽ tan.

Ba gài chặt cửa nẻo, nhưng gió luồn ngõ nào không rõ, thổi tốc những vật nhẹ trong nhà. Phượng quét sạch cái hầm có tráng xi măng trong buồng của tụi Phượng. Má trải chiếu và giăng mùng. Bốn đứa được lệnh ngủ trước. Em Tuấn khóc đòi má. Nhỏ Khanh dỗ muốn hụt hơi em Tuấn mới chịu nín. Phượng nằm nghe phía ngoài thao thức. Bên trên ba má vẫn dọn dẹp đồ đạc cho gọn hơn. Bóng má gầy gò chập chờn một vẻ ma quái theo khói thuốc lá của ba. Khói thuốc loãng nhanh như cơn gió cuồng loạn bên ngoài. Đến chừng Phượng chợp mắt thì nhỏ Khanh kêu giật ngược:

- Chị hai ơi, nước ướt em hết trơn.

- Hay em Tuấn đái dầm?

Phượng rờ lại đầu tóc mình và túm lại. Nước chảy qua kẽ tay, chẳng khác khi Phượng vắt quần áo. Vậy là không phải nước đái, vì má vừa hối tụi Phượng ẵm em ra khỏi hầm. Nhỏ Khanh trở xuống cuốn mùng, gối. Tấm chiếu ướt rượt, giống mới giặt. Một cảnh tượng lạ mắt xảy ra. Nước phọt có tia từ hai bên vách. Nước phun từ nền đất. Khi nước đã đủ cho guốc dép nổi lều bều thì Phượng không thấy nước xịt ra nữa. Nhưng nước dâng mau lắm. Phượng không hiểu nước từ đâu tới, cũng như gió bão tại sao chẳng ngơi. Phượng ngần ngại thọc chân xuống nước lạnh ngắt. Nhỏ Khanh mệt với tiếng khóc của út Tuấn. Phượng không đợi má sai, vội lò dò vén quần đi lấy bình và pha sữa cho em. Ba đẩy cửa trước nhà ra một cách khó khăn vì nước. Nước tràn ngập khắp nơi. Phượng nhìn thấy một màn phẳng lặng nguy hiểm vây quanh nhà mình và vườn tược. Nước xấp xỉ bộ ván ngựa. May là những đồ chơi của tụi Phượng má đã bỏ vào giỏ và cất hết trên nóc chạn. Những ghế, thùng… ba đã úp trên bàn.

- Má ơi! Con đem hũ mắm lên gác nghe…

- Khéo lo, má đem hết nồi niêu, gạo củi… lên trên rồi.

Bỗng Phượng nghe có tiếng động kỳ lạ. Tiếng đập thùng thiếc. Nhỏ Khanh ôm chặt má hơn:

- Cướp, ăn cướp… má ơi!

Rồi có tiếng người la ơi ới, tiếng bác Năm gái hàng xóm, bác Bình ở xa hơn… “Nước, nước, nước ngập…” Ba quay vào sau khi xem xét:

- Lụt rồi. Em cho tụi nhỏ lên gác thì hơn.

Má không an tâm khi ba một mình ra sau nhà để lo kê chuồng gà và chuồng vịt. Mưa còn lâm râm. Tụi Phượng được chỗ khô ráo nên tiếp tục ngủ. Tiếng người lớn lội bì bõm để vớt đồ đạc bị trôi. Phượng còn nhìn thấy ánh lửa hắt qua kẽ vách. Lửa của những cây đuốc bằng tàu lá dừa khô bó lại.

Phượng giật mình thức dậy. Sáng bét và tạnh mưa. “Ủa, má không kêu Phượng và Khanh đi học như mọi hôm?”.

Phượng chợt nhớ chuyện hồi hôm. “Lụt, lụt chỉ có vậy sao?” Phượng mò xuống mấy bực thang còn lại. Ba đang ngủ trên hai cái bàn kê sát nhau. Hai cái bàn đem lên trên bộ ván. Phía đối diện má nấu cơm với đống ghế đẩu ngổn ngang sau lưng. Má, ghế và ông Táo chất chồng trên giường. Hai lần giường mới đúng. Cái điệu này nước ngập đầu Phượng rồi.

- Khanh ơi! Dậy coi nước lụt.

Má rầy Phượng:

- Suỵt, để ba ngủ, nước lụt mà con vui lắm hả?

Phượng lè lưỡi và hỏi má:

- Sao giống ở dưới ngoại quá hả má?

- Làm sao giống được. Lụt một bữa, hai bữa rồi nước rút. Còn quê ngoại ở miệt Hậu Giang, cả một mùa nước nổi triền miên.

Nhỏ Khanh lục đục cách nào mà nhóc Hưng cũng thức và út Tuấn khóc ré lên. Má giao Phượng coi chừng nồi cơm và theo đà vách, qua gác như cách của Phượng.

- Nước lụt nghỉ học sướng quá há chị Phượng.

- Ai nói nghỉ học?

- Má biểu nghỉ, chị giỏi thì lội mà đi.

- Ừ hé, ướt cặp sách với quần áo tụi mình làm sao học.

- Phải chi ở dưới quê tụi mình có xuồng chèo đi học.

- Mình đâu biết chèo.

- Có cậu Hoàng chi.

- Bộ ở không để chèo xuồng đưa mình đi học hoài sao? Cậu Hoàng cũng mắc học. Cậu Hoàng kể rằng cậu xắn quần tới háng và lựa đường đất cao ráo mà lội đi lõm bõm, cặp đội trên đầu.

- Ý, nước lạnh lắm sao cậu chịu nổi?

- Cậu còn lấy viết đâm cá nữa kìa.

- Chị này xạo, một tay giữ quần, một tay vịn cặp, còn tay đâu mà đâm cá?

- Ta nói lúc nghỉ học chứ bộ.

- Hư ngòi viết thì sao?

- Cậu đã thay bằng ngòi viết rè. Vả lại đâm khơi khơi vậy, cậu đâu là tay nhà nghề có sẵn chĩa với nơm. Bà ngoại biết chắc cậu bị đòn.

- Em cởi áo lạnh đây, bây giờ nực quá…

Chị em nói chuyện vớ vẩn với nhau mãi. Ba đã dậy. Không biết bởi tiếng trò chuyện của Phượng, Khanh hay út Tuấn khóc nãy giờ? Má hỏi Phượng:

- Cơm chín chưa Phượng?

- Dạ, chắc chín rồi má.

- Thôi con coi mà dọn, lau chén, đũa… Chắc bữa nay nhà mình chỉ ăn hai bữa thôi.

Phượng nhấc nồi cơm xuống. Tô mắm lóc chưng trong nồi bay hơi làm đói bụng. Màu mắm nâu đỏ, tóp mỡ vàng với hành lá xanh cắt khúc rải đều mặt tô nhìn ngon cặp mắt. Phượng lụp chụp lấy tô mắm ra và xới cơm.

- Hay là dọn cơm trên gác nghe má?

- Ừ, con bưng chén đũa… để nuồi cơm, ba phụ cho.

Ăn cơm xong, ba thay cái áo cũ. Ba đi mình không để đến công sở – chỗ ba làm việc – để biết phận sự cho ngày mai, ngày mốt… Má đâm ra rầu rĩ, than thở:

- Vườn, tược… hư hết. Ba mớ cà bắp với cà tím mới vừa đơm bông làm sao sống.

Nhỏ Khanh thỏ thẻ:

- Nhà cửa chắc dơ lắm, đóng bùn sình như ở dưới nhà ngoại…

- Con nhỏ này có im không? Má nè, con đi hái mớ bông so đũa chiều nay nấu canh nghe?

- Thôi con, đừng lao xuống nước.

Được một lát:

- Chị Hai lượm dép giùm em, trôi đâu mất chiếc kia rồi?

- Chị Hai xếp tàu cho Hưng thả đi…

- Chị hổng xé tập được, má cũng không cho xuống nước thì làm sao?

- Chờ mai mốt nước rút, chị em mình rửa nhà mệt ứ hơi.

- Đúng đó, má nói cực lắm, phải không má?

- Má kể chuyện ở nhà quê nước nổi đi má.

- Nước nổi khổ lắm, đi đâu cũng phải chống xuồng.

- Lâu ngày làm sao người ta làm ruộng?

- Họ trồng lúa sạ, nước dâng bao nhiêu, lúa vươn cỡ đó.

- Hay quá, giống chuyện dã sử Sơn Tinh, Thủy Tinh há chị Hai?

- Chừng nước rút người ta làm sao hả má?

- Thì người ta gặt lúa như thường.

- Còn trâu bò?

- Đắp nền chuồng cao lên.

- Ý, gà vịt… Gà, vịt nhà mình, sao hổng nghe kêu?

- Má cũng quên lửng. Điệu này chắc con Phượng phải lội ra xem sao. Hay con coi chừng em, để má…

Nhưng út Tuấn níu chặt má hơn. Riêng Phượng rất ưng bụng. Bận này có phép của má. Phượng phải ra coi sự tình bên ngoài và ngắm trời, trăng, mây, nước. Mà ban ngày làm gì có trăng. Nhỏ Khanh toan tụt xuống thang thì má ngăn:

- Con Khanh đừng chộn rộn. Nước ngập lút đầu chớ phải chơi. Kìa, không thấy nước tới cần cổ con Phượng sao?

Thật vậy, Phượng không dám cúi đầu xuống. Hễ ngước mặt thì thôi, cúi là cằm đụng nước và dĩ nhiên nước tràn vô miệng. Nhỏ Khanh nhắc chừng chừng:

- Chị Hai coi con gà mái đẻ trứng nhỏ xíu của em còn sống không nghe.

Phượng im lặng dò từng bước, không thể há miệng để trả lời. Đi mạnh sóng sẽ xao động và ập vào mũi. Nước trắng xóa, cây lá ẻo lả rũ mình. Những tàng cao hãy còn đọng giọt mưa. Mấy căn nhà tranh xa xa chỉ còn ló cái mái. Người ta đang chở nhau đến chỗ cao ráo hơn. Vùng nhà Phượng không sẵn xuồng. Chắc người ta mượn đâu đó được hai cái. Trong đám lố nhố in như có bóng của ba. Ba đang chuyền một đứa bé ở trần trạc tuổi nhóc Hưng vào xuồng. Chắc ba tình nguyện vào ủy ban cứu trợ tạm thời đây mà. Phượng bước hụt chân. Chưa kịp la nước đã tràn vô miệng làm sặc sụa. Phượng chợt nhớ đã ra đến hè nhà. Và Phượng leo lên miệng lu sành. Từ đó Phượng đã ló khỏi mặt nước và thong thả đôi tay. Chao ôi! Vịt lội đâu mất, gà nữa. Cửa chuồng mở sẵn. Ba cẩn thận lắm mà, có lẽ nào nước tông cửa chuồng, hay gà vịt? Phượng điếng người ngó dáo dác. Qua màn nước mắt nhạt nhòa, Phượng không thấy gì được nữa. Có tiếng gà gáy. Một giọng cô độc và buồn bã. Phượng quẹt nước mắt bằng tay. Áo Phượng, khỏi nói, ướt nhẹp! Một con gà trống đứng co ro trên ngọn tre Mạnh Tông. Nó đây, còn mấy con kia đâu? Phượng nói vọng vô nhà:

- Má ơi, gà vịt chỉ còn mỗi con gà trống thiệt lớn thôi.

- Con coi kỹ chưa?

- Còn con gà mái của em. Hổng biết, bắt đền chị Phượng đó.

Phượng trở vô thay đồ và chờ ba về. Nắng tắt hẳn, ba mới về tới. Nước giựt chừng một tấc, bây giờ cảm tưởng như dâng cao hơn. Má nói nước lớn theo con nước của dòng sông. Ba mệt nhọc vì cả ngày lo giúp đỡ bà con nghèo kém may mắn hơn gia đình mình. Cả nhà quây quần bên nồi cơm chiều bốc khói. Vẫn độc một món mắm lóc chưng. Vì Phượng quên hái bông so đũa. Nhỏ Khanh không để ba yên, nhỏ hỏi hoài:

- Gà đi đâu? Nó làm sao lội hả ba?

- Ba cũng không biết. Ba thấy vịt lạc bầy sắp chết đuối hồi mơi. Có vịt hàng xóm, chắc có vịt của nhà mình… Người ta bỏ của chạy lấy người, còn thì giờ đâu mà lo cho gia súc.

- Ba ra bắt con gà trống đi…

- Để mai không muộn, nó không thể nào đi chỗ khác. Nếu muốn nó đã bay mất – Phượng bàn.

Má lên tiếng khuyên can:

- Mấy đứa để ba nằm nghỉ. Nghe má dặn đây. Hễ nhắm nước còn lên – … Có lẽ sắp ngập căn gác… – thì con Phượng lo cho hai đứa nhỏ. Con Khanh phụ má đem quần áo, đồ đạc…

- Chi vậy má?

- Kiếm chỗ cao ráo trú ẩn tạm. Không lẽ mình ngồi riết trong nhà uống nước chịu trận. Mấy đứa ráng đem tập vở theo luôn.

- Út Tuấn đâu bằng lòng, má.

- Sao, nó nhỏ xíu biết gì?

- Nó chỉ chịu nhỏ Khanh ẵm hà.

- Vậy đổi phận sự của hai đứa. Con Khanh dắt thêm thằng Hưng được không?

- Được mà, má đừng lo.

Đêm nay má tiếp tục không ngủ, nhìn mực nước mà càng tăng nỗi lo ngại. Nước ghi mức trên vách cột để rồi hạ thấp, đánh lừa sự canh chừng. Vài giờ sau nước len lén bò lên mức cũ và tạo kỷ lục mới. Đêm nay mưa không giúp sức nước. Phượng mỏi mệt vào giấc ngủ không yên. Đâu đó, tiếng chó đói tru nghe thống thiết lạ.

Trời lại sáng. Ba đi đâu mất chưa kịp ăn cơm sáng. Phượng không biết nên gọi bữa cơm sáng hay là bữa cơm trưa nữa. Bữa nay Phượng cố nhớ phải hái mớ bông so đũa đem luộc. Vì bỗng dưng Phượng thèm vị ngọt của bông so đũa luộc, nuốt khỏi cổ còn để lại cái hậu đăng đắng. Đúng hơn, Phượng thèm sinh tố của rau xanh tươi.

Đúng lúc Phượng sắp lội bì bõm thì nhỏ Khanh nhắc đến rắn. Hai chị em đều sợ rắn cắn. Nhưng má nói “rắn cũng phải tìm chỗ đất gò nỗng, cành cao để quấn trốn. Và rắn nước trong nước không cắn người.” Phượng đề phòng cho chắc ăn. Phượng ngồi lên cái thau nhôm thiệt là lớn. Nhỏ Khanh rút cây giăng mùng đưa Phượng chống. Hai nhóc tì vỗ tay đòi theo. Chao ơi! Rắn không có, Phượng thấy toàn là đỉa. Đỉa lềnh khênh. Má nói “đỉa gặp bụng chân người thì phải biết, xức vôi mới chịu rớt cái thân hình no căng máu người…” Con gà trống xơ xác gáy mừng khi gặp Phượng. Để rồi Phượng sẽ cho nó nắm gạo. Tìm cách cho nó ăn cũng khó nghĩ thiệt. Cánh của mấy bông so đũa nở đều đặn. Giá có cá lóc để má nấu chung làm canh chua. Hay là Phượng bắt gà cho má kho với xả. Phần gia vị chắc không tìm được dễ dàng đâu. Hồi chưa lụt sướng ghê. Rau, hành, gừng, xả v.v… má đều có cắm rải rác quanh bờ đường đất. Khoai mì nữa… Chắc úng thủy, khoai mì thúi củ rồi. Phượng đâm ra rầu rĩ và nghĩ lan man. Tâm lý của học trò nhỏ như tụi Phượng, những ngày học chỉ thích thầy, cô… cho nghỉ, trông lễ. Khi được nghỉ lại hăm hở muốn đến trường, cặp bè cặp bạn… À, còn trường của Phượng. Khu Trung học ở chỗ đất cao ráo, khang trang, đâu có thể ngập nước. Hình như ba nói người ta đến trường, lớp của Phượng tạm trú nhiều lắm. Còn lại một số quyết sống chết với căn nhà mồ hôi nước mắt. Nhà thấp, họ gác ván, vạt giường lên rui, kèo… ngồi chò hõ, và cầu nguyện. Cầu cho tai qua nạn khỏi. Gia đình Phượng may nhờ ba má có kinh nghiệm sống vùng nước nổi, nên tạm yên ổn. Mai mốt nước mà dâng cao nữa, có lẽ phải giở nóc tôn chun lên mái ngồi quá. Vùng này hiếm khi có lụt lắm, sao chưa thấy sự cứu trợ từ các nơi? Họ làm việc chậm chạp ghê. Mà thôi, để yên cho người lớn lo toan. Phượng mong cho nước rút lè lẹ để nhìn cảnh tượng nhà cửa đóng rong, rêu… và phù sa của con sông gần chợ. Chừng nào tụi Phượng có thể cắp sách đến trường như trước? Nước, mày ở đâu mà nhiều vậy? Bình thường mặt đất thấy cũng như nhau. Nay nhờ có mày mà phân biệt được chỗ cao, chỗ thấp đó nước ơi! Con gà này nữa, gáy khiêu khích hoài. Bắt vô cho má cắt tiết mới được. Phượng “chèo” nhẹ đến chỏm ngọn tre Mạnh Tông. Cái vói tay của Phượng khiến thau nhôm chòng chành và nghiêng một phía cho tràn nước. Phượng hốt hoảng chống vội vã. Cái thau và thân mình Phượng chìm nhanh hơn Phượng tưởng. Mớ bông so đũa, trái lại nổi bập bềnh. Phượng nuốt trọn một ngụm nước. Nước có mùi hôi thúi tan rã. Gần đó là cái chuồng gà trôi không thoát với rặng tre. Mò tay vào chuồng, Phượng đụng đám lông mềm nhũn. Ý, ba cột gà kỹ quá, vừa chết ngạt, vừa chết đuối đây mà. Nhờ sức mạnh, riêng con gà trống bứt đứt dây bay lên ngọn tre chớ gì! Cảm giác nhột nơi cánh tay vừa rút lại, Phượng đưa khỏi mặt nước coi thử:

- Ái, má ơi! Đỉa… đỉa bám làm sao đây?

Bỏ cái thau, cây giăng mùng làm cây dầm, Phượng mang “chiến lợi phẩm” lội mau vô cho má xử trí. Con gà trống không biết mình vừa thoát nạn, đập cánh phành phạch chừng muốn riết theo Phượng. Tiếng gà gáy lẻ loi, không một tiếng chim bé bỏng nào đáp lại.

PHAN KHƯƠNG THÁI 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 116, ra ngày 7-12-1973)

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Chiều Tím - NGUYỄN THÁI HẢI


Chiều tàn đã lâu ; những tia nắng cuối không còn, đám mây màu lam phía cuối Tây trở nên sậm hơn, gió thổi nhẹ. Ngoại tôi ngồi im trên ghế mây, mắt dõi về phía cánh ruộng xanh rì một màu trước mặt. Những ngọn lúa vàng đong đưa khi có cơn gió thoảng, và lúc đó, bụi tre lên tiếng rì rào. Tất cả hầu như đang im lặng, cái im lặng buồn mà đẹp của cảnh đồng quê lúc màn đêm sắp phủ.

Chợt ngoại tôi quay nhìn tôi hỏi:

- Không đọc truyện nữa sao con?

Tôi cười, bỏ cuốn truyện nhi đồng xuống, với tay qua vuốt nhẹ chòm râu trắng, dài, đẹp của ngoại, đáp:

- Truyện buồn quá ngoại ạ.

- Truyện gì mà buồn?

Tôi không nhìn ngoại nữa, mà đưa mắt nhìn xuống nền đất lẫn đá sỏi bên dưới, đáp nhỏ:

- Truyện kể một đứa bé mất ngoại.

Ngoại tôi cười, chòm râu trắng rung rung. Ngoại xoa đầu tôi:

- Rồi con sợ con cũng mất ngoại chớ gì?

Tôi không đáp, mắt vẫn chưa rời nền đất. Ngoại tôi tiếp:

- Ngoại không bỏ con đâu… ngoại sống với con hoài…

Tôi nhìn rõ hơn nền đất, những viên sỏi, viên đá dính lẫn đất thịt như trở nên có hồn. Tôi nghĩ đến một ngày nào đó, ngoại tôi phải xa tôi, ngoại tôi bị vùi dưới nền đất này. Chỉ cách nhau một lớp đất, mà cách nhau cả đại dương ; chỉ cách nhau một lớp đất, mà muôn đời không thấy mặt.

Tiếng ngoại tôi cắt đứt ý nghĩ của tôi:

- Đói chưa con?

- Chưa đâu ngoại. Để tối hẳn rồi hãy ăn…

Ngoại tôi với lấy ly nước trà đặt trên chiếc ghế đẩu con cạnh đó, đưa lên môi nhấp một miếng. Khói trà thoảng từng làn mỏng, loãng dần rồi tan mất. Ngoại nói:

- Con hệt như má con hồi đó, chỉ ưa ăn cơm buổi tối…

Tôi cười nhẹ và nghĩ nhiều về chuyện ăn cơm tối. Tôi thích thế, tự nhiên thích thế thôi, không vì gì cả, cũng không vì trước kia mẹ tôi hay như thế mà tôi bắt chước. Vì làm sao tôi biết được mẹ tôi nghĩ thế nào về những bữa cơm tối. Riêng tôi, tôi cho là dùng vào buổi tối, người ta dễ thấy đầm ấm hơn. Bóng tối trùm bên ngoài là một cái chăn ấm giăng mắc chở che cho những người thân thuộc, với bao yêu thương, với bao thân ái. Những tình thương, những thân ái, những hơi ấm gia đình tỏa ra trong một khoảng không gian nhỏ bé quanh mâm cơm, hẳn làm ấm lòng, hẳn làm sung sướng. Cho đến mãi mãi, chắc chẳng bao giờ tôi quên được những bữa cơm tối với ngoại. Mâm cơm nghèo lắm, thường chỉ có rau với mắm. Nồi cơm nhỏ xíu đặt cạnh, trên chiếc bàn con. Ngoại ngồi một góc, tôi vẫn ngồi trên chiếc xe lăn. Hai ngoại cháu vừa ăn vừa trò chuyện – không bao giờ ngoại cháu tôi không có chuyện để nói – Già, ngoại tôi ăn chậm, hay nói chuyện, tôi cũng ăn chậm. Bữa cơm thường kéo dài. Nhưng thời gian với ngoại tôi, với tôi không có gì là đáng kể. Càng lâu, tôi càng cảm thấy nhiều ấm cúng. Mà tôi lại rất cần sự ấm cúng.

Mẹ tôi tái giá sau khi hết tang cha tôi. Năm ấy tôi lên tám và mới chỉ vừa nói sõi. Tôi sinh ra với một đời buồn thảm và khổ đau. Trời đọa tôi không đi được từ bé. Lên hai, tôi vẫn chưa đứng vững. Hai chân tôi èo uột, mềm nhũn. Tôi lại chậm nói, thật chậm nói. Ngoại tôi hay kể chuyện ngày tôi còn bé. Theo lời ngoại, dạo đó, tôi hay cười lắm. (Có lẽ trời đặt thế để bù vào nỗi khổ của tôi). Những chiều, ngoại hay ẵm tôi đi dạo. Một lần, mải nói chuyện với một người bạn, ngoại để tôi ngồi xuống nhà. Khi nhớ ra, tôi đã đâu mất. Ngoại hốt hoảng đi tìm, và mới thấy tôi lúc ấy đã bò ra tận ngoài ngõ, ngoái nhìn ngoại, cười. Kể đến chỗ này ngoại hay nói với tôi: “Thằng chó con thật đáng ghét, bò đi để ngoại hết hồn mà còn cười”. Và tôi hay cười giả lả, có khi nhìn đi chỗ khác, khi lại vờ vuốt chòm râu dài của ngoại, chòm râu với những sợi mềm, đẹp, tôi thích.

Ba tuổi, tôi mới bập bẹ những tiếng đầu tiên. Nhưng tiếng tôi nói trước tiên trong đời không là tiếng “ba”, tiếng “má”, mà là “đi”. “Đi”. Tôi cần đi, tôi thèm đi… thèm đi từ ngay dạo nhỏ, cần đi ngay đến bây giờ… Có lẽ vì nhu cầu di chuyển, tôi mới nói tiếng “đi” trước hết, cũng như những đứa trẻ khác, vì nhu cầu ăn mà nói “ăn”, vì nhu cầu tình thương, kêu, gọi mà nói “ba”, nói “má”. Tiếng nói đầu tiên trong đời, đến bây giờ nghĩ lại, tôi thấy đúng là tiếng khóc và là chính cuộc đời tôi. Tôi chỉ gọi được “ba”, “má” thật lâu sau đó. Nhớ đến ngày nói được tiếng ba, tôi phải thầm cảm ơn trời đất, vì nói được tiếng “ba”, gọi được cha tôi, bây giờ tôi mới không phải hối tiếc rằng không thốt được tiếng gọi người sinh thành ra mình, cho người nghe được tiếng con, cho người vui trước khi người khuất bóng. Cái chết của cha tôi thật bất ngờ, bất ngờ đến nỗi tôi tưởng như chẳng thể xảy ra. Nhưng cái chết đó vẫn xảy ra, đã xảy ra, cái chết đến sau một cơn cảm xoàng.

Rồi đến ngày mẹ tôi tái giá. Ngoại tôi ngăn con không được, buồn lắm. Còn tôi, tôi không có chút cảm tưởng nào, vì tôi còn bé quá. Nhưng lớn lên, biết chuyện, tôi thương mẹ tôi mà nghĩ rằng việc làm của mẹ tôi là đúng. Mẹ tôi lấy cha tôi vì cha tôi đi cưới mẹ và ngoại tôi bằng lòng, chứ mẹ, mẹ đã thương yêu người khác: người mà mẹ tái giá sau này. Sống trong bóng tối, người ta dễ nghĩ suy. Sống trong khổ đau, người ta lớn trước tuổi. Mới mười hai tuổi đầu nhưng tôi đã sớm biết nghĩ, và còn nghĩ nhiều nữa là khác. Tôi biết ai cũng cần tình thương, con người cần tình thương như muôn loài cần không khí. Tôi cần tình thương của mẹ cha, của ngoại. Ngoại tôi cần tình thương của cha, của mẹ tôi và của tôi. Cha tôi cần tình thương của vợ, của con. Thì mẹ tôi cũng cần tình thương. Tình thương không có được trong gia đình với cha tôi, có lẽ với tôi nữa. Thì khi cha tôi mất đi, và tôi được ngoại nhận nuôi, mẹ phải đi tìm tình thương mới. Có gì đâu phải oán mẹ. Đúng ra, phải thương mẹ hơn mới phải. Và tôi thương mẹ tôi nhiều, vẫn thương mãi mãi,,,

Bây giờ, cạnh tôi chỉ còn có ngoại. Nhiều lúc tôi sợ mất ngoại quá. Đọc truyện thấy kể một đứa bé mất ngoại, tôi nghĩ ngay đến mình. Nghe ai nói chuyện về một cái chết, tôi cũng nghĩ đến mình. Thời gian sẽ trôi đi, rồi sẽ đến ngày tôi phải xa hẳn ngoại tôi… Hồi đó, không biết tôi ra sao nữa…

- Nghĩ gì mà ngoại hỏi không nghe vậy con?

Tiếng ngoại tôi kéo tôi về thực tại. Trời đã đêm rồi. Mây biến thành màu sậm, bụi tre nhuộm đen. Ngoại tôi đứng lên, dáng nhàn nhã, tay cầm ly nước trà, tay cầm chiếc ghế đẩu, nói với tôi:

- Ở đây đợi ngoại đem đồ vô trước nghe.

Tôi dạ nhỏ. Dáng ngoại tôi hiền từ trong bộ bà ba trắng dần khuất vào bóng tối trong nhà. Chút xíu nữa trở ra, đem nốt chiếc ghế mây vào rồi, ngoại sẽ đẩy xe lăn đưa tôi vào nhà. Và rồi sẽ đến buổi cơm tối. Tôi lại sắp được sống trong cảnh ấm cúng với ngoại. Một cơn gió nhẹ, tôi khẽ rùng mình. Cái lạnh càng làm tôi mong chóng đến bữa ăn tối.

*

Ngày tôi lo sợ rồi cũng đến, đến vào một buổi chiều. Buổi chiều thường vẫn buồn. Ngoại tôi không còn đẩy xe đưa tôi ra ngoài ngõ ngắm cảnh, nói chuyện vu vơ cùng ngoại hơn một tuần. Ngoại ngã bệnh nặng. Tôi ngồi trên xe cạnh giường ngoại lo lắng. Ngoại tôi không nói gì và tôi cũng thế. Không biết ngoại nghĩ sao, chứ tôi, tôi sợ lắm; nhất là trong khung cảnh vắng lặng này. Gần sáu giờ chiều, bác Tư hàng xóm sắp đem cơm cháo sang cho ngoại cháu tôi. Tôi thấy thời gian như bị trì kéo lại và nặng nề trôi. Tôi muốn có bác Tư ở bên cạnh để bớt thấy cô đơn, bớt thấy lo sợ. Bác Tư đối với ngoại cháu tôi thật tốt, hỏi han, chăm sóc. Ngoại cháu tôi cũng mến bác nữa, vì tánh tình của bác, vì cái chất nhà quê tiêu biểu nơi bác. Một lần nghe tôi nói sợ mất ngoại, bác đã nói: “Còn có bác đây, bác sẽ lo cho con”. Tôi cảm động muốn khóc vì biết bác rất thành thật mà nói thế.

Ngoại tôi quơ tay tìm tay tôi. Tôi đưa tay cho ngoại tôi nắm. Ngoại quay nhìn tôi, cái nhìn hiền từ nhưng yếu ớt, nói:

- Bác Tư qua chưa, con?

Tôi đáp:

- Chắc cũng sắp qua rồi ngoại à.

Ngoại tôi gật đầu nhẹ, rồi nhìn tôi thật lâu, cái nhìn sâu như muốn soi thấu ý nghĩ tôi, ngoại hỏi:

- Con thương ngoại không?

- Thương…

- Con nghe lời ngoại không?

- Nghe…

- Ngoại có mất đi, con không được buồn nghe.

- …

- Chừng đó, con về sống với bác Tư nghe, bác Tư hứa với ngoại rồi, bác Tư hứa thương con như ngoại thương con vậy đó. Nghe con.

- …

- Chắc ngoại sắp bỏ con rồi…

Tôi òa lên khóc, úp hai bàn tay vào mặt. Nước mắt tôi trào ra, nhòa nhạt, tràn đầy. Vừa lúc ấy bác Tư sang. Đặt vội mâm cơm, cháo trên bàn, bác bước mau đến bên ngoại cháu tôi. Ngoại tôi nhìn bác Tư với ánh mắt ngời tin tưởng. Bác Tư bảo tôi nín khóc để xem ngoại muốn nói gì. Tôi nghe lời, nhưng thỉnh thoảng vẫn nấc lên. Ngoại tôi:

- Bác Tư giữ lời hứa với tôi nghe bác Tư…

Bác Tư rướm lệ nói lời hứa chắc. Tôi lặng nhìn hai người lớn. Ngoại tôi nhìn tôi lần chót, lại đưa tay tìm nắm lấy tay tôi. Tôi thấy tay ngoại lạnh giá. Ngoại khép đôi mi, môi thoáng nụ cười

Bác Tư đặt tay lên ngực ngoại tôi, cúi đầu. Đôi mắt bác đỏ hoe. Tôi biết chuyện gì xảy ra rồi. Nhưng tôi không khóc được. Nỗi buồn đau dâng đến tột cùng khiến người ta trở nên chai đá. Tôi nhớ lại ý nghĩ hôm nào. Ngoại bỏ tôi đi rồi, đi một lần thật xa. Chỉ cách nhau một lớp đất, mà cách nhau cả đại dương. Chỉ cách nhau một lớp đất, mà muôn đời không thấy mặt. Ngoại ơi không còn thấy mặt ngoại, không còn những chiều cùng ngoại ra trước ngõ ngắm cảnh, không còn những lần vuốt nhẹ chòm râu trắng của ngoại mà khen đẹp, để nghe ngoại mắng yêu: “Thằng chó con rờ râu ngoại hoài”, không còn những tối ngồi dùng bữa cơm đạm bạc, nhưng mãi mãi, hình ảnh ngoại còn trong con. Mãi mãi đó ngoại. Ngoại có nói với con đó: “Ngoại không bỏ con đâu, ngoại sống với con hoài”. Vâng, ngoại sống với con hoài… ít nhất cũng là trong lòng con. Ngoài kia chiều xuống rồi. Bóng tối đã đu đưa ngoài cửa, hình ảnh ngoại nằm đó mờ mờ… Con nhìn ngoại thật lâu đây, nhìn thật lâu để thu vào đôi mắt nhỏ bé của con hình ảnh cuối cùng về ngoại. Bộ bà ba trắng, chòm râu bạc, làn da nhăn… Chừng đó thứ muôn đời sẽ còn mãi trong con. Cũng như hình ảnh buổi chiều nay còn mãi trong con. Hình ảnh buổi chiều với từng làn mây tím, mỏng, nhẹ, vắt ngang khung trời màu xám, với bụi tre trước ngõ đứng im lìm, trời như chung cái buồn của con, không thoảng một cơn gió nhẹ. Vắng lặng quá.

*

Nhưng tôi không sống với bác Tư được lâu. Về với bác được hơn tuần, còn chưa quen hẳn với nếp sống cũng trầm lặng, cũng buồn tẻ của căn nhà với hai người thân yêu nhau như tôi với ngoại, có khác là thay vì tình thương của một người ông với đứa cháu, tôi sống trong tình thương của một người mẹ nuôi. Mẹ nuôi tôi, bác Tư, đã phải gạt lệ để tôi về chung sống với mẹ tôi, người đã sinh thành ra tôi.

Được tin ngoại tôi chết, mẹ tôi từ tỉnh về quê chịu tang. Mẹ tôi nói thật nhiều với tôi, và tôi biết qua những lời nói đó, mẹ tôi thương tôi lắm. Thương tôi nên mới để ngoại nuôi tôi bấy lâu nay hầu tránh cho tôi phải chịu cảnh cha ghẻ, con vợ. Thương tôi nên mới mỗi tháng cố tìm cách về quê thăm tôi dù công việc buôn bán trong gia đình mới của mẹ có bận rộn đến đâu. Thương tôi nên nghe tin ngoại tôi chết, mẹ mới xin bác Tư trả tôi lại mẹ, để mẹ bao bọc đời tôi, để mẹ làm bổn phận một người mẹ, bổn phận mà đáng lẽ mẹ phải làm sau khi cha tôi mất, mà vì không suy nghĩ kỹ, mẹ đã tái giá, mẹ đã đành lãng quên.

Tôi đã phải suy nghĩ thật nhiều trước khi quyết định theo sống với mẹ tôi. Đành thôi bác Tư, con biết bác thương con lắm, vì bác cũng có một đứa con như con, đứa con đã bỏ bác ra đi ngày vừa lên ba tuổi, sau cái chết của bác trai có hơn tháng. Con biết bác thương con vì bấy lâu nay, sống dưới này với ngoại, con đã tỏ những cảm tình trìu mến đặc biệt với bác. Con biết bác thương con vì bác muốn tìm tình thương, cũng như con, con cũng tìm tình thương. Nhưng vẫn còn tình thương của mẹ với con, tình thương ruột thịt. Đành thôi bác Tư, con biết bác sẽ buồn nhiều ; bác hay kể chuyện cổ tích, bác có nhiều chuyện cổ tích, bác thích kể chuyện, bác nói với con thế đó, bác muốn con ở cạnh bác hoài để kể chuyện con nghe, để bác vui thấy con nở nụ cười. Vậy mà con đành phải xa bác, xa người đã có lúc, con xem như mẹ. Bác Tư, con gọi nhỏ tiếng mẹ để tỏ lòng thương yêu của con với bác đây. Mẹ.

Bây giờ, tôi đang sống trong gia đình của mẹ tôi. Sống với tình thương yêu của mẹ, với sự chăm lo săn sóc của người cha nuôi, với những cảm tình đẹp của các em cùng mẹ khác cha. Mẹ tôi được hai con với cha nuôi tôi, em Hiếu và em Thảo. Hai em đối với tôi cùng rất mực nể trọng. Em Thảo hay hỏi chuyện tôi và đòi tôi kể chuyện ngày bé. Có lần tôi kể dạo bé, tôi đã từng bị sướt cả đầu gối vì bò trên đường đá, tôi thấy mắt em rưng rưng. Em Hiếu cũng thế, hay đem những chuyện bên ngoài, chuyện đi học, chuyện bạn bè kể với tôi, em bảo để tôi khỏi buồn vì suốt tháng ngày phải ngồi lì trên chiếc xe lăn không được đi đây đi đó nhiều. Còn cha nuôi tôi – tôi gọi là cha nuôi chứ không là cha ghẻ vì không muốn có chút ý nghĩ xấu về người, dù sao, người cũng là chồng mẹ tôi, người cũng nuôi tôi. Tiếng cha nuôi nghe êm đềm và đẹp hơn tiếng cha ghẻ nhiều. Người lo cho tôi đủ hết. Có riêng một người giúp việc lo cho tôi, đưa tôi đi xem cảnh phố, đưa tôi đi chơi công viên. Có từng tập truyện giải trí cho tôi đọc. Có thật nhiều đồ chơi cho tôi đùa nghịch. Những buổi tối đến, cha nuôi tôi cùng mẹ tôi và hai em Hiếu, Thảo ra trước hiên ngồi hóng gió. Tôi cũng có mặt nơi đó. Thôi thì bao chuyện được kể lể, được bày tỏ. Những nụ cười vui hòa trong từng làn gió đêm mát rượi làm tôi thấy đầm ấm, đầm ấm như không khí bữa cơm tối với ngoại tôi dưới quê. Có lúc, tôi tưởng như mình sống lại những buổi chiều im lặng và buồn với ngoại tôi. Tôi ước ao được sống những chuỗi ngày kế tiếp trong thương yêu như thế này. Tôi thấy mình đã quyết định đúng, và không chút hối tiếc nào cả.

Bây giờ, tôi thấy mình không còn gì thiếu thốn, có chăng, chỉ là ngoại tôi bằng xác thịt.

Một thời gian tôi tưởng mình đã tìm lại được tình thương đích thực, chẳng dè là mình lạc vào ảo ảnh. Một đêm, tình cờ tôi hiểu tất cả. Đang chập chờn vào giấc, tôi phải choàng tỉnh vì nghe tiếng khóc của mẹ tôi. Rồi liền đó, tiếng cha nuôi tôi:

- Bà phải biết là tôi đã chịu đựng quá nhiều rồi. Bây giờ thì tôi hết chịu đựng nổi…

Tiếng mẹ tôi hòa theo tiếng nấc:

- Mình đã thương em thì thương cho trót, bữa mốt đến giỗ anh Thường…

Giọng cha nuôi tôi gay gắt:

- Giỗ anh Thường… giỗ anh Thường! Sao mọi năm bà không đòi mà năm nay lại đòi?

- Vì năm nay có con em…

- Ra thế! Vì cái thằng què!

“Cái thằng què”. Tôi đó. Đứa bé mười mấy tuổi đầu còn chưa bước được một bước, mười mấy năm trời hết mẹ, cha bồng ẵm, ngoại bồng ẵm, lại đến ngồi lì trên chiếc xe lăn. Tôi đó. Tôi là “cái thằng què” theo nhận xét của cha nuôi tôi đó. Tôi thấy cay sè nơi mắt và thoáng chút ý oán hờn người cha nuôi. Cha nuôi tôi nỡ gọi tôi thế sao? Không chút thương hại à?

Nhưng tôi không nghĩ tiếp được nữa. Giọng mẹ tôi buồn thật buồn:

- Đừng mình. Dù gì mình cũng đã hứa với em là coi con em như con mình, dù gì nó cũng tàn tật…

Giọng mỉa mai của cha nuôi tôi:

- Phải, tôi có hứa. Nhưng hứa là vì tôi thương bà, vì tôi thương hại nó. Tôi lo cho nó đủ thứ hết rồi đó, có gì thiếu thốn đâu. Vậy mà bà còn oán, còn đòi này, đòi nọ…

- Tội nghiệp em, chỉ vì em thương con… Mình nghĩ xem, nó sẽ tủi thân biết chừng nào nếu bữa giỗ cha nó không có.

- Còn tôi sẽ sung sướng lắm đó?

Mẹ tôi không nói thêm. Tôi nghe những tiếng nấc vang lên. Cha nuôi tôi:

- Tôi nói lại lần chót cho bà biết là không có bữa giỗ nào ngày mốt cả. Tôi đi ngủ đây thôi.

Có tiếng chân cha nuôi tôi xa dần phòng khách. Tôi xoay mình vài cái mới nhận ra chiếc gối con của tôi ướt đẫm. Tôi khóc tự nãy giờ. Và những ý nghĩ xoáy tròn trong tâm hồn tôi.

Ngày mốt này giỗ cha tôi. Buổi sáng, tôi có nhắc mẹ, mẹ tôi bảo sẽ làm bữa giỗ vào buổi tối, vì hai mẹ con cùng thích buổi tối, và cũng vì cha tôi mất đi vào buổi tối nữa. Có lẽ mẹ đem chuyện nói với cha nuôi tôi và người không bằng lòng. Tôi nghĩ nhiều về việc này và thấy lúc nãy, tôi thoáng có ý oán cha nuôi tôi là bậy. Cha nuôi tôi chẳng có gì đáng trách cả. Là con người ai lại không có chút ích kỷ, nhất là về phương diện tình thương. Làm sao cha nuôi tôi chấp nhận được bữa giỗ cha tôi ngay chính trong nhà người. Giá là tôi, phải đứng ở địa vị của người, có lẽ tôi cũng hành động như người.

Còn mẹ tôi, đến bây giờ tôi mới hiểu mẹ hơn bao giờ hết. Mẹ tôi thương tôi quá, thương nhiều hơn tôi tưởng nữa. Trước kia, đối với việc mẹ tôi để tôi ở lại với ngoại dưới quê, nói rằng sợ tôi phải chịu cảnh cha ghẻ, con vợ, tôi chỉ nghĩ là mẹ có lý, chứ chưa biết được mẹ nghĩ thế là đúng, đúng hoàn toàn. Làm sao có được tình thương đích thực giữa những người không cùng huyết thống, nếu có, cũng chỉ là vay mượn tình thương ở nhau – cha nuôi tôi cũng thế, làm sao người thương tôi như con được. Người có nói rồi đó, người thương tôi tàn tật. Và chỉ vì thế thôi.

Ngoài kia vẫn còn những tiếng thổn thức của mẹ tôi. Tôi thấy tôi có tội. Tội do tôi tất cả. Đáng lý tôi không nên theo mẹ về đây để bây giờ khiến mẹ phải khổ sở. Đáng lý lôi không nên theo mẹ về đây để bác Tư buồn rầu. Đáng lý tôi không nên theo mẹ về đây để cha nuôi tôi mang bao phiền toái. Tội do tôi tất cả. Tội đó bắt nguồn từ lòng khao khát tình thương của tôi. Tôi hành động, tôi quyết định thế chỉ vì tôi muốn gần mẹ tôi, được sống với tình mẫu tử.

Bây giờ, tôi thấy mình phải chuộc lại cái tội đó. Tôi phải làm sao cho mẹ tôi không buồn, cha nuôi tôi không giận, bác Tư được vui nhiều. Tôi phải trở về quê, trở về để sống với kỷ niệm, với tình thương vay mượn nơi bác Tư. Trở về để những người thân của tôi không phải dằn vặt nhau vì tôi. Tôi không oán ai hết. Một lần, tôi nói với ngoại tôi: “Con chỉ muốn lúc nào con cũng thương ngoại, thương ba, thương má. Còn ngoại, ba và má có thương con hay không, con không cần biết”. Vâng, tôi chỉ muốn được lo lắng cho người thân và không cần một sự lo lắng đáp lại. Đời tôi vốn đã thương đau, có chịu thêm buồn khổ nữa cũng chẳng đáng gì. Lúc nào tôi cũng nghĩ thế. Và tôi nhất định sẽ tìm cách trở về quê.

Tôi chợt mở to đôi mắt. Màn đêm đen lắm, nhưng tôi thấy như trong màu đen đêm trường đó hình ảnh tôi ngồi trên chiếc xe lăn dưới bụi tre trước cổng nhà ngoại tôi.

*

Tôi đã về quê. Nghĩ mãi tôi mới tìm ra một cách để mẹ tôi đưa tôi về quê. Tôi biết nếu tôi nói thật ý nghĩ của mình, là muốn trở về quê, để mẹ khỏi chịu khổ, cha nuôi tôi khỏi bận tâm, ắt mẹ tôi không bằng lòng. Cho nên tôi đã nói dối. Tôi nói nhớ nhà ngoại và muốn về thăm. Ý tôi, khi về quê rồi, tôi sẽ nói thật và không trở lên tỉnh nữa. Tôi được toại ý. Trước khi người tài xế ẵm tôi lên ghế nệm chiếc xe nhà, sau đó, máng chiếc xe lăn của tôi đằng sau xe hơi, tôi đã nhìn một lần chót ngôi nhà tôi đã từng sống ở đó mấy tháng trời. Tôi nhìn thật kỹ cha nuôi tôi, hai em Hiếu, Thảo. Tôi vẫy em Thảo lại gần, nói nhỏ: “Đừng nhớ anh nghe Thảo”, với em Hiếu, tôi nói: “Anh đi chơi lâu lắm”. Làm sao lúc ấy hai em hiểu được tôi muốn nói gì. Thôi hai em ạ, biết làm gì để bận trí, hai em cứ coi anh như một cơn gió, thổi thoảng qua vùng trời nhà hai em trong một thời gian ngắn, rồi mất hút. Nhớ làm gì cơn gió thoảng. Rồi hai em sẽ quên được anh.

Mẹ tôi với gương mặt buồn bã trở về tỉnh sau khi không sao thuyết phục được tôi đi theo mẹ. Mẹ ơi! Lúc mẹ đi khuất rồi, con đã khóc đó mẹ và con chắc ngồi trên xe, mẹ cũng khóc. Nhưng khóc rồi, mẹ hiểu cho con nghe mẹ. Chỉ vì con thương mẹ, chỉ vì con không muốn chồng mẹ buồn. Con đã làm phiền người mấy tháng trời rồi, con không muốn người phiền vì con hơn nữa. Con đã sống trong tình thương của mẹ mấy tháng trời rồi, con thấy như vậy đã tạm đủ. Mẹ hiểu cho con chứ mẹ? Con của mẹ buồn vì phải xa mẹ đấy, nhưng cũng được an ủi đôi chút nhờ bác Tư. Bác đối với con chẳng khác gì mẹ đối với con. Bác là đại diện cho hình ảnh của mẹ. Con tưởng chừng bác là mẹ. Con tưởng chừng mẹ vẫn ở cạnh con.

Rồi những buổi chiều, con với bác Tư sẽ ra ngoài ngõ ngồi ngắm cảnh, con dõi mắt nhìn tận xa phía chân trời, tưởng tượng ra những hình ảnh cổ tích mà bác Tư kể bên tai. Chập chờn trong hình ảnh đó, còn có cả hình ảnh những người thân yêu của con. Ngoại, cha, mẹ, bác Tư, cha nuôi và hai em Hiếu, Thảo. Bác Tư đã trở ra với con rồi kìa. Bác đem theo mấy củ khoai lang còn bốc khói, ở quê chỉ có vậy thôi đó mẹ, đạm bạc lắm.

Bác Tư hỏi tôi:

- Ăn khoai nghe con?

Tôi dạ nhỏ. Bác ngồi xuống chiếc ghế mây, chiếc ghế ngoại tôi vẫn ngồi trước kia, lấy một củ khoai, bóc vỏ cho tôi. Vừa làm, bác vừa nói:

- Bữa nay bác kể cho con nghe một chuyện thật dài…

Tôi cười:

- Để đến tối nghe bác, con thích ngồi ngoài này hoài…

- Để nhớ đến ngoại phải không?

Tôi không đáp. Buổi chiều, đằng trời tây có vài sợi mây tím giăng ngang. Tôi nhớ đến buổi chiều ngoại tôi bỏ ra đi, cũng có mây tím giăng ngang như thế. Buổi chiều nào cũng buồn, mầu tím xem cũng buồn nữa. Nhưng trong buổi chiều, nhất là những buổi chiều có mây tím trôi tôi thấy tình thương giang trải thật nhiều. Một đời tôi, cuộc đời của đứa bé liệt chân, còn biết lấy gì làm vui ngoài tình thương nữa. Tôi muốn nói thật to: tôi cần tình thương nhưng tôi cũng thương tất cả mọi người. Và tôi sẵn sàng đánh đổi tình thương của mọi người đối với tôi lấy tình thương của tôi dành cho những người thân yêu, cho dù người thân nào đó không thương tôi thật tình đi nữa.

Lời cuối cùng tôi muốn nói là một lời xin. Xin những ai cảm thông với tôi, một phút giây nhàn hạ nào đó, nhớ đến tôi, cầu nguyện cho tôi sự an lành.

NGUYỄN THÁI HẢI 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 115, ra ngày 1-10-1969)

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Đôi Mắt - ĐỖ PHƯƠNG KHANH


An vòng xe vào mé sau. Cổng trường hôm nay mở sớm nên An không phải bấm chuông. Thành ra lũ trẻ không nghe thấy dấu hiệu để chạy ùa ra như mọi lần. Có hôm, chúng nó chạy ra rồi xô vào nhau ngã lỏng chỏng. Người mù có những giác quan khác rất tốt. Tai họ nghe rõ hơn. Họ có thể dùng tay sờ mó để nhận xét phân biệt mọi vật và hình như họ có linh tính nữa.

Cho nên, dù trường mù đông đúc như thế, mà họ đi lại ít khi va vào nhau. Nhưng những chủ nhật An đến, vì cổng đóng, nên An bấm chuông và chỉ sau hai tiếng chuông xe đạp, là lũ trẻ con đã xô nhau chạy để bấu vào song sắt cửa mà châu mặt ra ngoài nhao nhao. Lần nào khi đem chìa khóa ra mở cổng bác gác cũng phải la ó:

- Mấy ông tướng dẹp ra, cho nhà cháu nhờ nào.

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Khung Kính Vỡ và Chiếc Nhẫn Đồi Mồi - NGUYỄN THỊ MỸ THANH


1
Lớp học khai giảng với vừa đúng hai mươi học sinh. Võ là đứa thứ hai mươi ghi tên học, và cũng mang số hai mươi trong sổ điểm danh. Hai mươi học sinh, trong đó chỉ có sáu trò là con gái, ngồi khá rộng rãi trong một căn phòng ở tầng lầu một của một ngôi trường vốn đã cũ kỹ và đã lâu rồi vẫn không có một tí gì cải tiến. Hình như năm phút sau khi chuông reo vào học, người giám đốc già có đi lướt ngang cửa lớp nhìn vào và hơi lắc đầu – Võ đoán thế, bởi lúc đó lớp học cũng còn đang xôn xao lắm. Hai mươi cái miệng chỉ cần mở ra vài tiếng cũng đủ làm mất trật tự lớp học. 

Nước Lụt - NHẬT TIẾN


Mưa đổ xuống vào lúc nửa đêm. Mái tôn ở trên đầu trước còn kêu lộp độp, sau rào rào như rang bắp. Máng nước ở ngoài sân, máng nước ở nhà hàng xóm tuôn xối xả. Gió thổi ù ù. Bầu không khí đang ngột ngạt trở nên mát rười rượi.

Người vợ tỉnh dậy trước. Nàng mở mắt nhìn theo bóng tối. Âm thanh rộn rã ở bên ngoài gây cho nàng một niềm vui bất ngờ. Nàng reo lên như một đứa trẻ:

- Mưa!... Mưa cậu ơi!