Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

MÁI NHÀ XƯA - BÍCH THỦY (Chương XI - XII)

Chương 11

Gia đình Chương ở một ngôi biệt thự xây cất theo lối cổ, có vườn rộng bao quanh. Tôi lưỡng lự khá lâu trước cánh cửa sắt rồi mới giơ tay bấm chuông. Trước đây hai ngày khi tôi nhận lời Chương, tôi đã thú thật với anh là tôi đã cạn tiền lộ phí. Chương phải cho tôi mượn tạm và sau khi chỉ dẫn qua loa đường lối, chúng tôi không gặp lại nhau nữa. Tôi đã tới đây một mình.

Chuông vừa reo tôi đã nghe tiếng chân dồn dập chạy ra. Cánh cổng mở, một chú bé khoảng bảy, tám tuổi xuất hiện nhìn tôi bằng cặp mắt đen láy.

Tôi hỏi:

- Phải em là bé Việt không?

Chú bé gật đầu:

- Đúng rồi, tên em là Việt, nhưng má em cứ gọi là thằng cu tý nên cả nhà gọi em là Tý Việt.

Tý Việt có vẻ dễ mến lạ. Tôi mỉm cười nói:

- Còn tôi tên Khánh. Tôi là cô giáo của em.

- Chị? Chị là cô giáo... mới?

Tý Việt tròn mắt nhìn tôi, rồi quay lưng trở vào, vừa chạy vừa reo:

- Má, lại có một cô giáo nữa tới này má!

Tôi theo sau em. Từ cổng vào tôi đi qua một con đường trải sỏi. Ngôi biệt thự nằm lui về phía tay trái, giữa khu vườn rộng râm mát bóng cây.

Một thiếu phụ gương mặt mệt nhọc nằm dài trên chiếc ghế vải, mỉm cười nhìn tôi. Bà cất tiếng khi tôi đến gần:

- Cô tha lỗi cho cháu, nó hỗn quá!

- Dạ, thưa... em ngoan lắm ạ.

Tý Việt cười toét:

- Vậy mà má cứ la con hoài. Con cũng ngoan lắm chứ bộ!

Bà mẹ nhẹ nhàng rầy con:

- Con đi chơi chỗ khác đi Việt.

Tý Việt tránh xa vài bước, rồi đứng lại tò mò nhìn chúng tôi. Tôi im lặng bối rối. Bà Võ quốc Oai - bà mẹ Chương - cũng không kém ngạc nhiên:

- Mời cô ngồi.

Tôi kéo chiếc ghế cạnh đấy khép nép ngồi xuống, và vẫn chưa biết mở lời ra sao.

- Cô... cô đến thăm tôi có chuyện gì không?

Nghe bà mẹ Chương hỏi như thế, tôi bỗng thấy bàng hoàng. Tôi hoảng hốt với ý nghĩ: Chương chưa nói gì với mẹ về tôi sao?

Tý Việt đã giúp tôi thoát cơn bối rối:

- Má, đây là cô giáo mới của con mà. Nom chị ấy tức cười quá! Còn con nít ghê má nhỉ.

- Đừng nói nhảm, con. Cô đây còn trẻ quá, chưa kèm dạy con được.

Quả như điều tôi dự đoán: thì ra Chương chưa nói gì về tôi thật! Tôi phải bíu chặt vào thành ghế để khỏi chạy vội ra cổng...

Nhưng túi tôi đã cạn hết tiền. Tý Việt lại rất dễ thương và vẻ đẹp phúc hậu của bà mẹ với mái tóc sớm điểm bạc trên khuôn mặt đượm u buồn bỗng dưng làm tôi lưu luyến.

Tôi cố gắng nói:

- Thưa bà, chính anh Chương con trai của bà đã yêu cầu cháu đến kèm cho bé Việt.

Nghe tôi nói vậy bà có vẻ như vừa ngỡ ngàng, lẫn thích thú:

- Chương! Cái thằng thật quái gở. Cô gặp con tôi ở đâu?

- Thưa, chúng cháu gặp nhau ngoài Trung, trong một nghĩa trang...

- Một nghĩa trang?

- Vâng. Cháu đang tìm việc làm mà anh Chương thì biết bà đang cần một người kèm dạy bé Việt, nên anh có đề nghị với cháu...

- Vậy mà Chương nó chẳng nói gì cho tôi biết cả. Thằng điên thật! Ồ, mà cháu đừng bối rối nghe cháu. Để bác hỏi lại Chương và suy nghĩ kỹ xem.. Trong lúc chờ đợi cháu cứ làm quen với Tý Việt đi.

Bà rời tấm ghế dài trở vào trong nhà với chiếc nạng chống.

Còn lại tôi với Tý Việt, tôi hỏi:

- Má em bị tai nạn xe cộ phải không?

Tôi liên tưởng đến tai nạn của cô tôi, nhưng Tý Việt lắc đầu:

- Không, má em té thang lầu. Hiện giờ má em khỏi rồi nên mới đi lại được, chứ trước kia má nằm liệt một chỗ. Chị ra vườn chơi với em đi. Mình chơi trò mèo chuột đuổi nhau nhé chị...

Mới nói hết câu chú bé tinh nghịch đã thoi một đấm vào lưng tôi.

- Chị bị rồi!

Và nó phóng chạy như một chú thỏ. Tôi cười, đuổi theo.

Tý Việt nhảy lên một mô đất, phóng sang chiếc ghế đá, rồi đu mình lên cành sồi. Cây sồi to lớn cành lá um tùm che phủ một góc vườn.

Tôi đã từng chơi trò cút bắt này hồi nhỏ. Chuyện leo cây chuyền cành là việc rất thường đối với một cô gái ở miệt vườn. Tý Việt ngộ nghĩnh quá. Nói lôi cuốn tôi vào trò chơi của nó. Thấy tôi hưởng ứng, đuổi theo, nó mừng rỡ reo:

- Mình chơi trò khỉ leo cây nha chị!

Tôi bật cười:

- Cám ơn! Chị không phải là khỉ!

- Thế mình là chim vậy. Chị là con chim xanh, em là con chim vàng. Hai đứa mình bị một con rắn rượt bắt.

Để khỏi rắn ăn thịt, chúng tôi chuyền từ cành thấp lên cành cao. Đùa nghịch một lúc, Tý Việt thấm mệt, tụt xuống. Nhưng nó không xuống đất mà lại hạ chân trên bờ tường rào. Tôi lo sợ thầm mong nó đừng ngã, sẵn sàng xuống theo hộ vệ cho nó. Nhưng tà áo tôi bị vướng một nhánh lá. Đến trình diện với mẹ Chương tôi đã chọn mặc chiếc áo tôi ưng ý nhất. Sợ áo bị rách, tôi loay hoay tháo gỡ.

Giữa lúc ấy thì cánh cửa phía hông nhà đói diện với cây sồi xịch mở. Và bà Oai bước ra.

Bà không ra một mình, song không phải Chương theo sau bà. Mà là một ông, dáng người chững chạc, đôn hậu. Hẳn đây là chồng bà, đang thận trọng dìu bà xuống bậc thềm.

Không thể bất thần từ trên cây tụt xuống, tôi đành đứng nguyên không động đậy. Tý Việt đã mất dạng phía cuối vườn.

Tôi mong ông bà Oai sớm rời khỏi nơi tôi ẩn nấp, nhưng bà Oai chỉ nhắc được những bước thật nhẹ, khiến tôi nghe hết một phần câu chuyện giữa hai người.

Ông Oai nói:

- Rắc rối quá! Đáng lẽ mình phải để tôi nói thẳng với thằng Chương.

- Khoan đã mình! Nó đang ở trong phòng; em thấy dáng điệu nó tội nghiệp quá.

- Chẳng hiểu nó có những ý tưởng quái gở gì trong đầu? Mình có chắc nó không gặp cô gái ấy ở Saigon không?

- Em tin nó nói thật. Nó vốn là thằng con ngay thẳng. Và cô gái kia nữa, coi bộ đơn sơ, chân thật lắm. Mới thoạt nhìn cô ta sao em có cảm xúc kỳ lạ lắm, mình à.

- Mình định giữ cô gái đó kèm Tý Việt hả?

- Em chưa tính sao hết. Trước hết là vì em không thể yên lòng giao phó con mình cho một cô gái còn non nớt, thiếu kinh nghiệm kèm dạy được. Sau nữa để tránh mọi rắc rối có thể xảy ra, em muốn biết rõ về gia cảnh cô ta đã. Theo em biết, cô ta có một người cô ruột ở quận Phong Điền. Em nghĩ mình nên giữ cô ta lại chờ tin của người cô đó xem sao.

- Dĩ nhiên, trong khi chờ đợi mình phải cho cô ấy tạm trú ít lâu... chớ không lẽ đuổi cô ta ra đường. Nhưng có phải đấy là lý do duy nhất đã làm em thay đổi ý kiến không?

- Không, đây là em theo ý của Chương thôi. Em có hỏi nó: "Tại sao con có ý định kỳ cục như vậy?" Thì nó gượng gạo trả lời: "Má đang cần người kèm dạy Tý Việt... còn cô ấy muốn kiếm việc làm... con thấy cô ta có vẻ đứng đắn, thùy mị nên mới đề nghị cô ấy về giúp má." Rồi bỗng nhiên nó nhìn thẳng mặt em, thú nhận: "Với lại cô ta làm con lưu ý vì cô ta có biết qua chuyện chiếc tàu Bạch Phượng."

Ông Oai giật mình:

- Nó còn nói gì nữa không?

- Không. Nhưng khi nói câu ấy mặt nó tái đi... em tự hỏi...

Ít phút im lặng, rồi ông Oai thở dài;

- Đáng lẽ chúng ta phải cho Chương biết việc này từ lâu rồi.

- Vâng... mình nói đúng, chỉ tại em không đủ can đảm nên nới năn nỉ mình khoan nói với nó, bởi em thấy mọi sự đang êm xuôi tốt đẹp. Chứ em đâu có ngờ!

- Nếu bệnh thương hàn không làm chậm của nó mất một năm học thì năm nay nó đã thi tú tài rồi... và mình cũng vẫn phải nói cho nó biết.

- Em coi cái bệnh thương hàn nó mắc phải là một điều may, chậm thêm một năm, đối với em, đó là một năm ân huệ! Một năm của hạnh phúc gia đình... mà vợ chồng mình được hưởng từ trước tới nay.

- Không thể như trước được nữa em ạ. Chương đã thay đổi. Nó lớn rồi.

- Dạ... em cũng thấy như thế. Nhiều lúc nó cau có, bẩn tính, không thể hiểu hổi tâm trạng nó ra sao. Cũng chính vì thế mà em muốn lưu cô bé kia lại ít lâu; nhờ cô ta biết đâu mình chẳng rõ thêm được ít nhiều.

- Cô ta thì biết gì về chuyện chiếc tàu Bạch Phượng? Hồi xảy ra vụ đắm tàu, tôi chắc cô ấy chỉ mới là một hài nhi.

- Không em muốn nói là điều mình có thể biết về những ý nghĩ của Chương kìa...

Tôi không nghe thêm được gì hơn nữa. Cành cây tôi đứng, có lẽ không chịu đựng lâu sức nặng của tôi oằn dần xuống, kêu đến rắc một cái, và ném tôi ngã chổng vó xuống đất, vừa đúng lúc ông bà Oai dợm chân bước tới.

Hai ông bà sửng sốt nhìn tôi. Ông Oai đưa tay nâng tôi dậy, mỉm cười:

- Cô xuất hiện thật ngộ! Phải chăng cô là nàng Tiên Mộc nên mới từ ngọn cây xuống?

Tôi đỏ mặt ấp úng:

- Dạ... thưa... cháu xin lỗi ông bà. Chúng cháu đang chơi trò cút bắt...

Bà Oai thương hại vẻ lúng túng của tôi, nói với chồng:

- Đây là cô giáo mới của Tý Việt đó mình.

Hướng về tôi bà hỏi:

- Tôi chưa được biết tên cô là gì nhỉ?

- Thưa, cháu là Nguyễn bảo Khánh.

Ông Oai gật đầu:

- Cô có cái tên khá hay! Tôi hy vọng cô sẽ hợp với cháu Việt, và mong cô cứ tự nhiên như người trong gia đình chúng tôi vậy, cô Khánh nhé.



Chương 12

Bà Oai cất tiếng gọi, một chị giúp việc trẻ tuổi người tròn như cái hạt mít chạy tới.

- Chị An, đây là cô Khánh. Chị dọn một phòng giúp tôi cho cô Khánh nhá. Tôi mệt quá mà bà Tám lại mắc đi thăm con gái chưa về.

Tôi không dám hỏi gì hơn, im lặng theo mọi người vô nhà. Trong lúc bà Oai mở tủ lấy mùng, mền cho chị ở đem sang phòng tôi. Ông Oai kéo riêng tôi ra một chỗ hỏi:

- Hình như cô có biết chuyện chiếc tàu Bạch Phượng phải không?

- Dạ, cháu có nghe cô cháu thuật lại.

Ông Oai thở dài:

- Thực là một ngẫu hợp khá kỳ lạ. Tôi hiểu nỗi thắc mắc của thằng Chương. Nhưng tôi yêu cầu cô điều này: là đừng bao giờ đả động đến vụ đắm tàu ấy trước mặt nhà tôi... Hoặc nếu nhà tôi có gợi ra, thì cô cũng làm ơn lảng sang chuyện khác hộ cho. Nhà tôi... bà ấy bị mất trong vụ đắm tàu... một thân nhân mà chúng tôi yêu quí vô cùng.

- Có phải ông bà Nguyễn văn Thành không ạ?

- Sao? Bà cô của cô cũng nói đến vợ chồng anh Thành nữa à? Bà có quen biết họ không?

- Thưa... không...

Đáng lẽ tôi phải bộc lộ bí ẩn của tôi ra, hay ít nữa, tôi phải nói: "Ông bà Nguyễn văn Thành là cha mẹ của cháu, cháu không biết mặt mũi cha mẹ của cháu ra sao, chỉ nghe nói có một thời gian đã ở đây với ông bà và cháu nóng lòng muốn được nghe nói đến cha mẹ cháu..."

Nhưng tôi nghẹn lời không nói được. Trước mặt ông Oai tôi đâm ra rụt rè và hơn nữa chỗ chúng tôi đứng, nơi chân cầu thang, không tiện cho tôi tâm sự. Chị An đang bước tới, tay ôm một đống các thứ cần dùng.

Tôi trả lời câu hỏi của ông Oai:

- Đấy là anh Chương nói với cháu.

- À! Hắn nói những gì hả cô?

- Thưa, anh Chương không nói điều gì quan trọng, chỉ cho cháu biết là ông bà Thành xưa kia đã có ở với ông bà!

Ông Oai thở ra:

- Nhưng thôi không nên nói đến chuyện ấy nữa. Cô hứa với tôi như thế nhé.

- Cháu xin hứa!

Cơ hội qua đi thật uổng...

Giả như tôi biết rằng đây là một dịp may hãn hữu giúp tôi sớm kết thúc câu chuyện này, thì tôi đã nắm chặt lấy nó, và tránh được bao nhiêu rắc rối gây xúc động và nguy hiểm sau này.

Vừa giúp tôi dọn dẹp phòng riêng chị An vừa nói đủ mọi thứ chuyện, chị nói về quê chị, về gia đình và công việc làm của chị. Nói như vui miệng mà nói chứ không có ý than thân trách phận gì cả.

Nói một chặp chị hỏi tôi:

- Cô nghe em nói, cô có mệt không?

Dĩ nhiên tôi chỉ nghe chị tai nọ qua tai kia, nhưng tôi vội đáp:

- Không! Chị cứ nói cho vui.

Chị cười:

- Tại tính em nó vậy. Hễ có dịp nói chuyện là em nói liên tu bất tận. Bà Tám, bà ấy bảo em làm điếc con ráy của bả, nên em không thèm nói với bả nữa.

- Rồi cô xem ở nhà này có nhiều cái hay lắm! Trước hết là dưới bếp. Chà đẹp đẻ ngăn nắp lắm cô ơi! Ông chủ nhà này sắm toàn những thứ tối tân không hà. Ông bảo để cho bà đỡ mệt. Mà dùng sướng thiệt cô à, cái lò nấu bật nút một cái là có lửa phựt lên, khỏi phải than củi chi hết, quần áo giặt cũng vậy, cho vào máy, vặn nút cho quậy một hồi là sạch bóng.

- Ông chủ nhà này tốt lắm nghe cô. Ổng chiều bà đủ thứ mà bà thì nhỏ nhẹ chưa hề to tiếng với ai bao giờ hết!

- Còn Tý Việt nữa. Trời, nghịch phá phải biết, con cưng mà! Nhưng cũng dễ thương lắm. Chú ấy làm em nhớ đến thằng em trai của em.

- Rồi lại có nhiều điều hết sức là bí mật...

Chị An nói câu sau này với giọng điệu quan trọng làm tôi bật cười. Chị tỏ vẻ không bằng lòng:

- Em nói thiệt mà cô! Tỉ dụ như chuyện tấm thảm...

- Tấm thảm nào?

Chị vội bịt miệng:

- Chết cha! Em nói hơi lố rồi... nhưng em đánh hơi tài lắm.

Tôi lại cười, mỉm miệng thôi, song chị vẫn không bằng lòng:

- Cô đừng có cười, nguy hiểm lắm...

- Cười cũng nguy hiểm ả?

- Hổng phải. Em muốn nói là những chuyện mình biết được kia. Đôi khi biết nhiều cũng có thể mang vạ vào thân chứ cô.

- Nếu vậy chị đừng nên dính vào những chuyện ấy nữa.

- Em đâu có dính! Mà tại em nghe, em thấy, rồi suy ra mà biết vậy thôi.

- Biết thì để bụng...

- Dạ... mà em ngại cho bà chủ và Tý Việt. Ông chủ bận việc, vắng nhà cả ngày lấy ai bảo vệ cho họ, nên em luôn luôn phải canh chừng. Em thương bà chủ và Tý Việt lắm.

Nói vậy có nghĩa là bà Oai và Tý Việt bị âm mưu ám hại, mà kẻ tình nghi trong vụ này là ai?

Phải chăng kẻ ấy là Chương?

Tôi đâm ra tò mò muốn biết chị An nghi cho ai? Nhưng chị đưa tay bịt vội lấy miệng và lẳng lặng bước ra khỏi phòng với dáng điệu rất ư là nghiêm trang.

Tôi thấy Chương vào bữa cơm chiều. Anh gật chào tôi đằng xa và lặng lẽ ngồi ăn.

Tý Việt nói luôn miệng, nó có vẻ lém lỉnh dễ thương khiến mọi người đều nghe nó nói với nụ cười bao dung.

Bà Tám mãi gần khuya mới về nên chiều đó tôi không gặp bà.



° ° °

Ngày hôm sau tôi dậy thật sớm. Buổi sáng đẹp trời, không khí mát rượi, tôi thay quần áo xuống vườn tung tăng chạy nhảy như một đứa trẻ đến tận cuối rào.

Vừa toan quay trở lại, một giọng nói chanh chua chợt làm tôi khựng lại:

- Coi chừng! Cô dẫm nát hết mấy vồng rau...

Người nói với tôi câu đó là một bà sương xẩu mặc bộ bà ba đen, vừa từ chuồng gà bước ra, bà hỏi tôi:

- Chắc cô đây là cô giáo mới?

- Dạ, phải.

- Chị Oai có nói với tôi. Năm nay cô bao nhiêu tuổi rồi?

- Thưa, mười lăm tuổi.

Đôi mắt của người đàn bà nhìn tôi soi mói, ngờ vẻ riễu cợt, nhưng không thù ghét. Có lẽ bà chịu tôi hơn là các cô giáo lớn tuổi. Bà tự giới thiệu:

- Tôi là bà Tám. Có lẽ cô đã nghe người trong nhà nói tới tôi rồi chứ?

- Dạ.

- Nói cho đúng thì tên tôi là Lan kìa. Nhưng thằng Tý Việt từ hồi bập bẹ biết nói cứ gọi tôi là Tám. Rồi mọi người cũng gọi tôi bằng cái tên ấy luôn.

- Gọi là bà Tám nghe cũng được chứ ạ! Có vẻ... thân mật hơn.

- Ô, cái tên gọi chẳng có gì quan hệ, có điều mọi công chuyện trong nhà này, từ khi chị Oai lâm bệnh tới nay tôi phải cáng đáng tất cả.

Tôi hiểu ngay bà Lan tức bà Tám, là một thứ quản gia trong gia đình này.

- Chắc bà bận nhiều công việc lắm nhỉ.

- Bận muốn chết luôn.

- Nhưng ông bà chủ đây có vẻ là người tử tế, mà chỗ làm thấy cũng dễ chịu...

Tôi nói câu ấy với ý muốn tỏ ra mình là người lễ độ, biết chịu chuyện với người đối thoại, để bà Tám khỏi khinh tôi là một đứa trẻ con, không ngờ bà Tám đỏ mặt giận dữ:

- Hừ! Ông bà chủ tử tế? Chỗ làm dễ chịu? Bộ cô tưởng tôi là người làm trong nhà này hẳn? Nói để cô rõ: tôi là em họ của ông Oai, và nếu tôi có mặt ở đây là vì lòng tốt muốn giúp đỡ anh chị tôi thôi.

Nói đoạn bà quay ngoắt đi, bỏ lại tôi đứng đó, ngẩn ngơ nhìn đàn gà tranh ăn trong chuồng.

Có tiếng nói:

- Hố rồi nhé!

Lần này tôi nhận ngay ra giọng của Chương.

Chương ngồi sau gốc cây cách chỗ tôi đứng một khoảng cỏ mượt. Anh tiếp:

- Tôi thích ra vườn buổi sáng nhưng không ưa gặp bà Tám nên ngồi khuất ở chỗ này.

- Tại sao anh ghét bà Tám? Bà có vẻ tận tụy đấy chứ.

- À điều đó thì đúng! Hồi má tôi ốm yếu, cô ấy đến giúp thật đắc lực, làm chúng tôi cảm động. Nhưng sau đó, cô ấy ở lỳ luôn không rời đây nữa.

- Có lẽ bà Tám chờ má anh thật khoẻ mạnh đã.

- Theo tôi nghĩ, chúng tôi có thể tạm lo lấy được rồi. Má tôi tuy còn yếu nhưng bà đã cất nhắc được chân tay, chị An kể cũng siêng năng tháo vát. Với lại nhà còn có một vú già...

- Vú ấy đâu rồi?

- Vú cãi nhau với bà Tám về vụ tấm thảm, nên bà ấy kiếm chuyện đuổi Vú ấy đi rồi. Bà lấy cớ là nuôi nhiều người thêm tốn. Còn bà ấy tuy vẫn nói chỉ đến trông nom giúp nhưng má tôi phải lo cho bà ấy đủ thứ còn tốn kém gấp bội.

- Anh không nên cay nghiệt quá đối với bà Tám. Bề nào bà ấy cũng là người trong họ hàng thân thích.

Tôi im lặng, trầm mặc.

Chương cười nửa miệng:

- Cô nghĩ ngợi gì mà thần mặt ra thế. Coi chừng mệt óc đấy nhé.

- Anh đừng hòng châm chọc tôi sáng nay. Tôi thích ở lại ngoài vườn này và không dại gì bỏ đi để anh được thảnh thơi một mình. Anh vừa nói đến vụ tấm thảm, làm tôi nhớ lại hồi hôm chị An cũng có nói đến chuyện ấy.

- Chắc chị ấy kể cô nghe về tai nạn của má tôi?

- Không, chuyện ra sao?

- Thì vẫn là chuyện chiếc thảm. Nguyên ba tôi sửa sang lại nhà cửa, ông cho đặt một tấm thảm lót cầu thang. Không hiểu do một sự bất cẩn nào, người ta đã không lấp mấy cái nẹp giữ thảm ở ba bậc trên cùng.

Thông thường, cứ bẩy giờ sáng mọi người mới ở trên lầu xuống nhà dưới. Nhưng đêm hôm ấy trời nóng, mới bốn giờ má tôi thấy khát nên xuống nhà tìm nước uống.

Và bà bị trượt từ trên đầu cầu thang xuống. Khổ hơn nữa là dưới chân cầu thang, bọn thợ còn để ngổn ngang các thứ dụng cụ mà họ chưa kịp cất. Cái ngã này đáng ra má tôi phải gãy lưng mà chết...

- Trời! mấy người thợ thật cẩu thả, vô trách nhiệm!

- Họ chối không nhận lỗi, mà vì trong lúc bối rối ba tôi cũng bỏ qua luôn. Sau đó ba đuổi bọn thợ ấy và cho bọn khác tiếp tục.

- Cũng may má anh bây giờ đã hoàn toàn bình phục.

- Nhưng chúng tôi cũng phải một phen hú vía. Nói dại, nếu má tôi có mệnh hệ nào thì tôi ân hận vô cùng.

- Sao vậy?

- Vì đáng lý ra thì mọi sáng tôi là người dậy sớm nhất, xuống nhà để ra vườn.

- Nghĩa là nếu hôm ấy má anh không khát nước thì chính anh phải là người trượt ngã

- Phải. Nhưng tôi dù có lăn từ trên xuống cũng không hề hấn gì!

Chương cười:

- Vì người tôi dẻo như cao su!

Tôi đùa:

- Chắc khi rơi xuống, anh sẽ nảy lên như trái bóng.

Tuy nói thế nhưng trí tưởng tượng của tôi hình dung lúc Chương ngã xuống, đầu va trên nền gạch bể sọ, làm tôi bỗng lạnh người.

Nhìn tôi, Chương hỏi:

- Sao mặt cô tái đi thế, cô sợ phải không?

- Không... ở, mà khiếp quá... nghe anh nói tôi thấy nổi da gà.. anh Chương này?

- Hả?

- Thôi.

Tôi toan nói một điều, song lại thôi không nói nữa.

Chắc tại tôi nhiều tưởng tượng quá.
______________________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét