Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Thách Thức - DẠ NHẤT PHƯƠNG

   Tôi đang ngồi đọc báo trong nhà, bỗng con Tuyến, cháu nội cô Ba tôi, chạy vào mếu máo mách:
   - Chú Phương ơi, anh Thắng ảnh đánh Tuyến!
   Tôi buông tờ báo, đứng lên:
   - Cha chả, cái thằng ăn hiếp em há!... Thôi nín đi cưng, để chú xử tội nó.
   Đoạn tôi bước ra ngoài tìm thằng Thắng. Thấy nó còn đứng trước sân, lấm lét nhìn vào, tôi quát:
   - Thắng, vô đây!
   Nó ngần ngại, coi bộ muốn bỏ chạy đi. Nhưng rồi, có lẽ liệu chắc khó thoát khỏi tay “già” chú có cặp giò sếu vườn nầy, nên nó ngoan ngoãn đi vào. Nó vừa đến gần, tôi lấy mặt hầm hầm, quắc mắt hỏi:
   - Sao mầy đánh em, hả?
   Nó bướng bỉnh nghênh mặt, trả lời một hơi:
   - Ai biểu nó đạp mấy cục đạn đất của tui. Công người ta ra ruộng móc đất sét về, vò nắn cả buổi mệt thấy mồ, mới đem phơi, nó chạy ngang đạp dẹp đép hết trọi, tức hôn?...
   Con Tuyến xen vào:
   - Tại em hổng thấy mà, anh phơi ngay đường đi ai mà biết.
   - Chỗ đó có nắng, tao phơi chứ sao. Con gái gì mà đi hổng coi trước coi sau, nhảy choi choi như con khỉ!
   Tôi nạt:
   - Thôi im! Kiếm chuyện rầy trở lại người ta để chạy tội hả?... Chuyện có thế cũng đánh em. Vậy mà mầy nói thương nó lắm đa!
   Thắng cúi đầu, lặng thinh một lúc rồi nói:
   - Tui đâu có muốn đánh nó…
   Tôi cười:
   - Không muốn đánh mà phát vào lưng người ta đau đến khóc được. Mầy nói nghe lạ quá!
   Nó giải thích:
   - Hồi đầu tui chỉ dọa nó thôi. Tui nói: “Tao vố mầy một bạt tai bi giờ”. Nó hổng sợ, còn nghinh nghinh bảo: “Ừ, ngon đánh đi, dám dữ!”. Tức quá, tui mới thụi đại nó đó chứ bộ.
   Nghe xong, tôi quay sang la con Tuyến:
   - Tuyến, đáng kiếp lắm! Sao thách nó chi vậy?
   Giọng tôi biểu lộ cả một sự trách móc ghét giận, vì chính thật lòng tôi lúc ấy bỗng dưng tràn đầy bực tức. Con bé đã bị anh đánh còn thêm chú Phương rầy nữa, uất ức khóc òa lên. Nhìn cái miệng nhỏ mếu xệch, đôi mắt ướt nhòe của nó, lòng tôi dịu lại dần. Hơi hối hận, tôi đưa tay vuốt tóc nó, nhưng chẳng nói chi. Đầu óc tôi mải để đâu đâu, những chuyện xa xưa, những hồn ma cũ vụt hiện về trong tâm tưởng.
   Tôi rầy con Tuyến không phải vì bênh thằng Thắng. Lâu nay tôi vẫn cưng nó hơn thằng anh nghịch ngợm của nó nhiều. Tôi gay gắt với nó, chỉ vì một nguyên nhân sâu xa đã ghi đậm vào hồn tôi một ấn tượng không tốt, đối với bất cứ một lời thách thức nào, của ai. Tôi vừa chợt nhớ đến Thảo, cô bạn gái nho nhỏ ngày thơ. Kỷ niệm ấu thời theo đó lại đến, khuấy động hồn tôi bao nỗi xót xa buồn giận.

*

   Hồi đó tôi đâu tám chín tuổi, Thảo cũng xuýt xoát vậy. Nhà hai đứa ở gần, thường chơi đùa với nhau, thân lắm. Tôi chỉ có mình Thảo là bạn lối xóm – mẹ tôi không muốn tôi giao thiệp với tụi trẻ du côn quanh đấy – nên tôi dành trọn cảm tình cho Thảo. Tôi mến Thảo nhiều vì ưa tánh nết dịu hiền, và cũng vì cảm thương cảnh sống đáng buồn của bạn. Tuy còn bé tôi cũng nhận ra đời Thảo rất khổ, chịu lắm thiệt thòi, bất công.
   Nhà Thảo không nghèo kém gì. Thảo có ba má đàng hoàng, và có cả em nữa. Sống trong một gia đình đầy đủ như vậy đúng lý Thảo được sung sướng mới phải, nhưng mà ngược lại : Thằng Phúc, em Thảo, được ba má tưng tiu nuông chiều bao nhiêu thì Thảo bị đối xử tệ bạc bấy nhiêu. Ba Thảo hờ hững với Thảo như người dưng không bằng. Má Thảo thì hở một chút là đánh đập, chửi bới Thảo, chẳng khác nào một bà mẹ ghẻ ác độc. Lâu lâu tôi lại nghe Thảo bị đòn. Đứng bên nhà mình, tôi hồi hộp nghe rõ tiếng Thảo khóc ré lên, xen lẫn tiếng dì Ba Cang, má Thảo, rít lên giận dữ. Thường là:
   - Tại sao mầy bỏ đi chơi, không đưa võng em?
   - Đồ bò, để em té vậy hả?
   - Tao mượn xách có thùng nước mà cũng cằn nhằn cửi nhửi… Nầy, nầy… cho bỏ cái tật làm biếng…
  Những lúc ấy tự nhiên tôi cảm thấy ghét giận cái dì Ba đó quá. Tại sao dì nỡ tàn nhẫn với con thế? Mẹ tôi không bao giờ đối xử với tôi như vậy. Những lần tôi phạm lỗi mẹ chỉ rầy rà khuyên bảo thôi. Song như vậy mà tôi sợ, cố gắng không làm mẹ phiền lòng nữa. Tôi nhớ, từ nhỏ tới lớn hình như tôi bị mẹ đánh đòn đâu có vài lần, và lần nặng nhứt là lần tôi bắt chước tụi trẻ trong xóm dùng lời tục tằn với chị tôi. Mẹ đánh chẳng nương tay, giận dữ bảo:
   - Ở nhà nầy không có cái thứ ăn nói như vậy, nghe không!
   Bị nếm đòn phen ấy, tôi khó quên được : Những lằn roi quất vào mình rát như xé thịt, đau điếng người đi. Tôi bị có mấy roi mà “tởn tới già”. Còn Thảo bị đòn liền xì chịu sao nổi?
   Mà thật ra theo tôi thấy, Thảo có vô dụng lười biếng gì đâu? Hằng ngày Thảo phải giữ em, giúp đỡ lặt vặt cho ba má, còn gì nữa? Đành rằng đôi khi Thảo cũng phạm lỗi lầm, nhưng con nít làm sao tránh được điều đó.
   Nhận thấy cảm tình của dì Ba, dượng Ba đối với Thảo có cái gì lạt lẽo làm sao ấy, có bận tôi hỏi mẹ:
   - Mẹ, sao ba con Thảo coi bộ hổng thương nó, hổng để ý gì đến nó hết, còn má nó dữ với nó quá…
   Mẹ gạt ngang:
   - Thôi nè, con nít đừng tìm hiểu chuyện người lớn làm chi.
   Không bỏ được sự tò mò, một hôm tôi hỏi ngay Thảo:
   - Nè Thảo, phải dượng Ba, dì ba là ba má mầy thiệt không, sao mà… kỳ vậy?
   Chúng tôi vẫn quen xưng hô mầy tao thế. Thảo có vẻ buồn, đáp:
   - Ba tao thì tao hổng biết có phải thiệt hôn, chứ má tao thì tao chắc thiệt. Tao có thấy hình chụp má tao ẵm tao hồi nhỏ mà.
   - À, hay ba má mầy là ba má ghẻ đó? Tao nghe người ta nói ba má ghẻ ghê lắm, hổng có thương con.
   - Tao cũng hổng hiểu… Mà ba má ghẻ là ba má làm sao hả Phương?
   - Ờ, là… thì… để bữa nào tao hỏi mẹ tao coi.
   Quả thật thuở đó tôi không biết cha mẹ ruột, cha mẹ ghẻ là thế nào. Nhiều khi tôi có ý nghĩ buồn cười: Cha mẹ ruột là cha mẹ có nhiều ruột, cha mẹ ghẻ là cha mẹ có lắm… ghẻ!
   Bấy giờ tôi đã đi học. Phần Thảo không nghe dì Ba nói chừng nào cho cắp sách đến trường. Thảo đi học ai coi giữ thằng Phúc? Tôi nghĩ đó là một điều may mắn cho Thảo, và ước sao được vậy. Ở nhà khỏe, đi học mệt nhiều : nào phải học bài, nào sợ thầy phạt, còn bị tụi bạn ăn hiếp nữa. Nhưng Thảo thì xem ra thích đi học lắm. Tôi hay đọc những bài ám đọc ở trường cho Thảo nghe để khoe tài. Thảo mê ghê, đòi tôi dạy lại, học thuộc lòng thôi. Thảo ưa nhất là bài “Con Cò”. Ngồi không, hai đứa thường đọc ăn rập với nhau:
   “Con cò mà đi ăn đêm,
   Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
   Ông ơi ông vớt tôi nao!
   Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
   Có xáo thì xáo nước trong,
   Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”
   Thảo còn năn nỉ tôi dạy học chữ nữa. Tôi cũng chẳng hẹp hòi gì mà từ chối. Vả lại, bỗng dưng được làm thầy giáo, còn chi khoái bằng. Hai đứa dắt nhau đến chỗ vắng, tôi kẻ chữ xuống mặt cát mà dạy Thảo đọc theo viết theo:
   - i… đi học, u… đánh đu, ư… cái lư, ơ… quả mơ…
   
   Thỉnh thoảng Thảo đọc hay viết sai, tôi bắt chước giọng ông thầy ở trong lớp, gắt:
   - Chà, cái trò nầy dở quá, xè tay ra phạt hai khẻ, hột vịt!
   Bị đánh, Thảo không khóc, mà lại cười vì thật ra tôi cũng không nỡ đánh mạnh. Hơn nữa phạt vạ trở nên vô ích với Thảo. Dù tôi không đánh, Thảo cũng tự cố gắng sửa chữa điểm sai lại. Có lúc tôi hỏi:
   - Nè Thảo, mầy tính học chữ để làm gì chớ?
   Thảo đáp:
   - Thì để đọc nhựt trình hay học những bài ám đọc như mầy vậy. À, mấy bài mầy đọc, hay ghê nha!
   Tôi nghĩ mà thầm phục sự siêng năng của Thảo. Tôi, hằng ngày đến trường có thầy chỉ dẫn đàng hoàng, tối về lại được mẹ kềm dạy thêm, nhưng tôi ngán chữ hơn ngán cơm nếp, đâu như Thảo vậy.
   Tuy phải giữ em, giúp việc cho má, và gần như bị cấm đoán sự vui đùa, nhưng Thảo cũng cố tìm dịp gặp tôi thường để cùng bày trò chơi. Ấy là những lúc tôi nghỉ học, ba má Thảo đi vắng, hay thằng Phúc đã ngủ say. Tuy biết rủ Thảo đi chơi là hại Thảo – dì Ba bắt gặp thì Thảo phải đòn về tội bỏ nhà, bỏ em – song với lứa tuổi con nít đó, chúng tôi không thể dẹp bỏ sự chơi đùa đi được.
   Thảo ưa chơi cất nhà chòi. Cô ta đi kiếm cây làm sườn. Còn tôi lén đánh cắp mấy tấm lá chằm dựng sau hè nhà mình đem lợp mái, vừng vách. Cái nhà làm xong, nhỏ như một cái hộp, chỉ vừa đủ hai đứa chui vào ngồi. Với hình dáng méo mó lạ lùng của nó, không biết nên gọi nó là cái nhà không, nhưng bấy giờ chúng tôi lại thấy đẹp, thích chí, mãn nguyện trước công trình xây cất của hai đứa nhiều. Thỉnh thoảng tôi quên lửng đang ngồi trong chòi vụt đứng dậy đi ra. Thế là, tôi đội luôn cả cái mái, cột kèo bị nhổ gốc, ngã xiêu xó hết trọi. Thảo la chói lói. Hai đứa lại phải mất công làm lại.
   Có nhà rồi, Thảo đi nhặt lá cây hái hoa “nấu đồ ăn” bán cho tôi. Tôi xin được của mẹ mấy cái chung nhỏ, một lưỡi dao cùn cho Thảo làm vật dụng. Ở trong chòi sửa soạn “hàng quà” xong, Thảo cất tiếng trong trẻo rao:
   - Ai ăn chè bột khoai đường cát hôn?...
   Hoặc:
   - Mại vô mại vô, bánh bò nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây!
   Tôi đi ngang, dừng lại hỏi:
   - Có ngon không mà rao om sòm đó thiếm?
   - À, ông Hai, ngon lắm chứ, ông dùng thử thì biết.
   Tôi ngồi xuống:
   - Đâu múc cho tôi một tô coi nào.
   Chúng tôi sống rất thật với cảnh mua bán giả đó. Tiếp lấy tô chè – toàn bằng hoa lá – Thảo trao, tôi vừa giả bộ ăn, vừa cằn nhằn:
   - Thiếm nầy, bán cái gì mà mắc đắng!
   - Chè ngon mà ông Hai. Lúc nầy đường cát lại lên giá, tôi phải bán mắc một chút để kiếm lời chớ sao.
   Nhiều khi đang giữa cuộc chơi, bỗng nghe thằng Phúc khóc ré trong nhà, hay tiếng dì Ba réo gọi, Thảo hoảng hốt vất cả chén bát, bỏ chạy đi. Còn một mình tôi ngồi ngơ ngác như “ngỗng đực”.
   Một hôm tôi bày thêm một trò chơi mới. Học được cách xếp tàu ghe bằng giấy của mấy đứa bạn trong lớp, tôi về xếp ngay hai chiếc ghe thiệt đẹp, có lợp mui, có vẽ con mắt đằng trước mũi. Tôi gò gẫm viết lên hông từng chiếc những chữ to : “Của Phương”, “Của Thảo”. Đoạn tôi đem chiếc “Của Thảo” tặng cho cô bạn. Thảo thích thú nhận lãnh, trầm trồ khen ngợi hoài khiến tôi sướng phổng mũi. Thảo hỏi:
   - Sao chiếc ghe cũng có con mắt ha?
   Tôi giải thích:
   - Tao nghe mẹ tao nói thì hồi xưa ở dưới sông có cá sấu cá mập nhiều lắm, người ta phải vẽ mắt cho ghe để chúng tưởng con quái gì hổng dám lại gần… Mà có con mắt, chiếc ghe coi ngộ ghê chứ hén?
   Thảo gật gù:
   - Ờ, ngộ thiệt!
   Tôi rủ Thảo đem thả ghe ngoài ao trước sân nhà tôi – Cái ao nhỏ ấy ngày nay đã cạn mất rồi – Tôi lấy xà bông gắn sau lái ghe. Thả xuống nước, xà bông tan đẩy ghe chạy tới như có máy vậy. Đứng ven bờ nhìn ghe chạy, chúng tôi vỗ tay reo hò như cổ võ. Chợt, Thảo nói:
   - Ghe “Của Phương” chạy chậm hơn ghe “Của Thảo”, ê!...
   Quả nhiên tôi cũng nhận thấy điều đó và đang tức bực đây : Ghe mình cho người ta lại tốt hơn ghe của mình. Đã vậy người ta còn ngạo mình nữa, ghét chưa! Tôi cãi:
   - Ê, tại ghe “Của Phương” chưa xả hết ga.
   - Chứ không phải nó liệt máy? Coi kìa, nó chạy rề rề như miếng giấy trôi!...
   Tôi đổi giọng:
   - Thôi, đừng có làm tàng nghe mậy!
   Thảo nguýt:
   - Làm tàng cái gì? Có mầy nói hổng lại rồi nổi cộc đó.
   Tôi bốc giận, cung tay:
   - Ừ, tao cộc rồi mầy làm gì tao? Nói lớ quớ tao xô xuống mương bây giờ.
   Thảo hất mặt, trề môi, xê mình lại gần tôi:
   - Giỏi xô đi, dám xô dữ à!
   
   Đôi khi hai đứa gây lộn, Thảo cũng ưa thách thức như thế, tôi chịu thua không làm gì. Nhưng hôm ấy, bỗng dưng tôi nóng giận lạ, thấy vẻ mặt khinh khỉnh của Thảo đáng ghét vô cùng. Thình lình, tôi đưa hai tay đẩy mạnh Thảo xuống ao. Chỉ nghe Thảo thét lên một tiếng kinh hoàng. Tiếp đó, một tiếng “ùm”, nước văng tóe vào mặt tôi.
   Cái ao không sâu lắm, nhưng đủ làm chết hụt những đứa trẻ cỡ như tôi và Thảo. Tôi thấy Thảo chìm sâu dưới mặt nước, rồi trồi lên, quạt tay chới với, cứ há miệng toan la, nước lại tràn vào òng ọc. Bấy giờ tôi mới hoảng hốt, kêu to lên:
   - Mẹ ơi, mẹ!
   Mẹ tôi đang ở trong nhà, không kịp mang guốc, tức tốc chạy ra:
   - Cái gì vậy?
   - Con Thảo té mương!
   Bước vội lại bờ ao, mẹ cúi xuống vớ lấy tay Thảo kéo lên. Cô bé ướt loi ngoi, đứng run rẩy, mặt xanh chành còn in rõ nét hãi hùng cùng tột. Sau khi hoàn hồn, Thảo vụt khóc òa, rồi bỏ chạy về nhà mình luôn.
   Mẹ tôi nhìn theo, hỏi:
   - Sao nó lại té vậy Phương?
   Tôi cúi đầu, ngập ngừng đáp:
   - Dạ… tại… con xô nó!...
   Mẹ trợn mắt:
   - Mầy xô nó?,,, Chơi ác vậy hả Phương?
   Đoạn mẹ phát vào mông tôi, lôi vào nhà:
   - Tội nặng lắm! Tao phạt mầy năm ngày không được đi chơi!
   Tôi lặng thinh, lòng hối hận hết sức. Giả thử mẹ phạt tôi mười ngày hay đánh tôi cả chục roi đi nữa, tôi cũng chẳng than van. Tôi tự trách mình sao đang tâm hành động thế ấy. Đã rồi, tôi lại giận Thảo : Một phần cũng tại nó. Bị mình dọa, sao nó không làm mặt giận hờn, bỏ về nhà, “xả” mình ra, có phải mình sẽ xuống nước xin lỗi nó không? Nó lại thách đố nầy nọ làm chi cho nên nỗi.
   Tôi đang ngồi cú rũ trong góc nhà để mặc ăn năn xấu hổ dày vò, bỗng nghe Thảo khóc thét lên, cùng tiếng dì Ba mắng chửi vang rõ bên kia. Chắc rằng thấy Thảo chạy về với thân hình ướt đẫm, dì Ba đã hạch hỏi và đánh mắng nó. Nghe tiếng khóc của Thảo tôi càng xốn xang trong bụng. Chợt mẹ tôi từ dưới bếp bước lên, lại nắm tay tôi lôi đi:
   - Theo tao, mau!
   Tim tôi đập thình thịch, chưa biết mẹ có ý gì thì người đã kéo tôi vào nhà Thảo. Dì Ba đang vũ động con roi, dừng lại, nhìn mẹ tôi dò hỏi. Mẹ đẩy tôi về phía dì:
   - Xin chị tha cho con Thảo, chỉ thằng nầy mới đáng tội, làm ơn đánh nó giùm tôi!
   Tôi run rẩy thụt lùi lại. Sẵn ghét sợ dì Ba, tôi càng kinh hãi hơn. Trời ơi, với bàn tay đó, con roi mây đó mà quất vào mình một cái thì chết mất! Nhưng may thay, dì không làm theo lời mẹ tôi, lại lộ vẻ ngạc nhiên, hỏi:
   - Chị nói gì tôi không hiểu? Sao chuyện con Thảo lại dính dáng đến thằng Phương nữa?
   - Ủa, thế chị không biết à? Thằng Phương đã xô con Thảo xuống mương…
   - Vậy sao? Con Thảo nó nói với tôi là đi trật chân té, chứ ai dè.
   Tôi liếc nhìn Thảo đang đứng nép trong cánh cửa khóc thút thít, lòng rạt rào cảm mến. Thảo đã không khai tội tôi ra! Tại sao?
   Mẹ tôi hỏi:
   - Chị Ba, chị xử tội thằng khốn nầy đi chứ!
   Dì Ba khẽ cười:
   - Ối, chị dắt cháu về đi. Tôi đánh con Thảo thật ra chỉ vì tội nó bỏ nhà đi chơi không coi em đó. Cháu Phương, từ nay đứng chơi dại vậy nữa, nghe.
   Mẹ tôi nạt:
   - Phương, còn đứng trơ đó à, không lại xin lỗi, cám ơn dì Ba tha tội cho, còn chờ gì?
   Tôi lật đật vâng theo, bước lại gần dì khoanh tay, cúi đầu thật thấp nói lí nhí mấy lời cám ơn, xin lỗi. Tôi thật không ngờ dì ác với Thảo mà rộng lượng với tôi thế.
   Từ bữa đó tôi không được gặp Thảo. Tôi bị mẹ phạt không được ra khỏi nhà. Còn Thảo cũng chẳng thấy đi đâu. Không biết cô bạn nhỏ của tôi có giận tôi lắm không? Tôi mong có dịp xin lỗi riêng Thảo mới yên lòng. Nghĩ cũng kỳ, tôi phạm lỗi mà Thảo bị đòn. Rồi đáng lẽ phải xin lỗi Thảo, tôi lại bắt buộc xin lỗi dì Ba!
   Ba ngày trôi qua, buồn ơi là buồn! Đi học về, lại phải lấy sách ra học, đem cửu chương ra nhẩm, ở miết trong nhà, tôi thấy bực bội khó chịu khác nào một con nai tơ bị buộc cẳng. Sân cỏ trải rộng trước nhà, căn chòi còn đứng nép dưới gốc mận bên mấy bụi hoa kia, thế giới diễm ảo của tôi và Thảo còn mở ra đó, nhưng hai đứa vì đâu ngày ngày không còn dắt tay nhau bước vào nữa vậy? Tay cầm quyển sách, miệng lẩm bẩm đọc, song tôi không ghi được chữ nào vô óc. Trước kia tôi học rất chóng thuộc bài, học rút để đi chơi chứ. Nhưng mấy ngày nầy, không hy vọng có chuyện đi chơi, tự nhiên tôi học tới đâu quên tới đó. Thật ra, tôi có chăm chú vào bài vở đâu. Tôi mải nghĩ:
   - Chà, mấy hôm trước, giờ nầy mình với con Thảo đang ở ngoài chòi đây.
   - Phải chi mình được dông ra sân chạy nhảy một hồi cho đã thì khoái biết mấy!
   Ngày phạt thứ tư, xế chiều, thấy mẹ mắc bận dưới bếp, tôi vứt tập, chạy ra trước hàng ba ngồi ngó mông ra lộ xem người đi cho đỡ buồn. Chợt nhìn sang nhà Thảo, tôi bắt gặp Thảo đang lui cui nhổ cỏ trước sân. Ngập ngừng suy tính một lúc, tôi quyết định sang xin lỗi bạn. Bước nhẹ đến bên Thảo, tôi gọi khẽ:
   - Thảo!
   Thảo liếc nhìn tôi rồi lại cúi đầu, lặng thinh bứt cỏ. Tôi ngồi xuống một bên:
   - Mầy còn giận tao lắm sao? Tao biết lỗi của tao nặng lắm, nhưng mầy tha cho tao một lần đi nhen. Từ nay tao không dữ với mầy nữa.
   Thấy Thảo không lay chuyển, tôi tiếp:
   - Mầy bỏ giận, tao xếp cho mầy hai ba chiếc ghe, hai ba chiếc tàu, xếp đầu lân nữa… Ngộ lắm Thảo ơi!
   Bấy giờ Thảo mới vùng vằng thốt:
   - Thôi đi, mầy làm bộ cho tao, rồi của tao tốt hơn mầy, mầy lại tức gây lộn, xô tao nữa, tao hổng thèm đâu!
   Thảo đã mở miệng, một điều đáng mừng. Tôi nói:
   - Không đâu, chuyến nầy nhứt định tao hổng có xấu vậy. Nếu tao xấu mầy nghỉ chơi tao luôn.
   - Thiệt hôn?
   Câu hỏi gián tiếp chấp nhận. Tôi vui mừng đáp:
   - Thiệt mà!... À, hôm mầy bị đòn có đau lắm không?
   - Sao không?
   - Tao xè tay nè, mầy đánh lại tao trừ.

   Thảo mỉm cười vỗ vào tay tôi, bảo:
   - Đó, cho chừa nghe! Thôi về đi, để tao nhổ sạch mấy cọng cỏ nầy. Bằng không má tao ra thấy chưa xong lại bị mắng.
   - Ừ, tao cũng phải về ngay. Mẹ tao phạt tao không được ra khỏi nhà. Tao đi như vầy bả thấy rầy chết.
   Và rồi, tôi với Thảo lại hòa, chơi như cũ. Tuổi nhỏ dễ giận, chóng quên là thế. Tình thân giữa hai đứa còn có phần khắng khít hơn xưa, vì tôi đã cố chiều chuộng, nhường nhịn Thảo để chuộc lại những lỗi lầm đã tạo.
   Tôi những tưởng tình bạn của hai đứa sẽ không bao giờ rời rã. Thằng Phương và nhỏ Thảo sẽ được ở gần nhau, vui đùa có nhau mãi vậy. Nhưng, mấy ai đoán trước được sự đổi thay đột ngột ở đời. Một hôm tôi vừa đi học về, mẹ tôi báo ngay cho tôi biết : cả gia đình Thảo vừa dọn đi phương xa, nhà bán lại người khác. Nghe qua tôi bàng hoàng cả dạ. Bực tức, giận dỗi, nuối tiếc xáo trộn, tôi như vừa đánh mất một cái gì quí báu. Thôi hết, Thảo đã rời xa tôi mất hút đi rồi! Biết đến bao giờ hai đứa mới gặp lại? Hình bóng cô bạn nho nhỏ đó từ đây tôi muốn tìm họa chăng chỉ lần trong ký ức. Còn chi xót xa bằng, hai đứa chia tay xa nhau mãi mãi mà không một lời tiễn biệt?
   Suốt mấy hôm, tôi nhớ Thảo. Thơ thẩn tìm đến những nơi hai đứa họp mặt thường ngày, tôi đứng lặng một mình, nghe lòng trơ trọi, buồn chán làm sao! Hoa nở rộ bên rào kia, nhưng không có Thảo cùng lo trang hoàng căn chòi thì hái để làm gì. Trong chòi, chén bát đồ chơi còn ngổn ngang đó, mà bàn tay xinh xắn vén khéo của “cô hàng” đã biến mất tận đâu? Ô, cảnh sao mà buồn vậy?
   Từ đấy tôi không còn gặp Thảo. Nhưng nếu chuyện chỉ có thế, chắc bé Tuyến không bị tôi rầy, tính thách đố không đến nỗi bị tôi “lên án”. Đâu năm sáu năm sau, sự buồn thương luyến nhớ của tôi đối với Thảo đã chìm dần vào quên lãng. Tôi quên phức Thảo, đến nỗi muốn gợi lại hình ảnh của cô bạn thân nầy, cũng khó lòng hình dung được. Thời gian thật tàn nhẫn, nó cứ chực xóa đi tất cả những gì mình đã ghi vào hồn trong tuổi ấu thơ. Trừ cái kỷ niệm xô Thảo xuống ao, những chuyện khác liên quan giữa tôi và Thảo, tôi chỉ nhớ mang máng, còn lãng quên không buồn ngẫm lại. Chính lúc ấy thì tên của Thảo được nhắc đến, và đã gieo thêm cho tôi một sự đau lòng.
   Một chiều, chợt có bạn thân của mẹ tôi là cô Tư Liên ghé qua nhà. Trước kia cô cũng ở trong xóm, sau khi buôn bán xa, bẵng đi một dạo, nay mới có dịp trở về đây ghé thăm mẹ tôi luôn thể. Gặp tôi, cô vui vẻ hỏi:
   - Thằng Phương đây hả? Cha, mới ngày nào còn khóc lè nhè nhõng nhẽo mẹ, đòi khúc mía củ khoai om, mà nay lớn đại. Mau thiệt há!
   Rồi cô nói huyên thuyên, chuyện xưa tiếp đến chuyện nay, đem ra kể cả dọc. Tính cô vẫn vậy, ăn nói hoạt bát lắm, nên buôn bán dễ dàng cũng phải. Đang thuật chuyện đi đó đi đây bỗng cô hỏi mẹ tôi một câu khiến tôi chú ý:
   - Nầy, chị còn nhớ chị Ba Cang hồi trước nhà ở kế đây không?
   Dì Ba Cang, chính má Thảo! Mẹ tôi nói:
   - Nhớ chứ. Hiện giờ chỉ ở đâu, làm nghề gì?
   - Tôi gặp chỉ ở dưới Bình Đại. Hai vợ chồng mở tiệm hàng xén, làm ăn coi bộ cũng khá.
   - Mấy đứa con của chỉ chắc cũng mạnh?
   Mẹ tôi hỏi chính câu tôi mong. Cô Tư đáp:
   - Chị hỏi tôi mới nhớ. Hiện chị ấy chỉ còn cậu con trai. Đứa con gái, con Thảo con Thiết gì đó, chết lâu rồi…
   - Thảo chết! Sao vậy?
   Mẹ và tôi đồng kêu lên sửng sốt. Cô Tư tiếp lời:
   - Theo chị Ba Cang thuật lại thì bữa nọ chị em nó dẫn nhau ra chơi ngoài cầu tàu. Rồi chẳng rõ cớ gì hai đứa lại sinh cãi vã. Thằng em dọa xô con chị xuống sông, con chị thách lại, thế là gây nên chuyện…
   - Lúc con nhỏ té xuống sông không ai thấy sao?
   - Cũng theo lời chỉ thì lúc ấy cầu vắng người. Hơn nữa phải chị có đi miệt Bình Đại hẳn biết, sông ở dưới lúc nước ròng, nước chảy xiết, sóng nhiều, bờ sông lại cao lắm, té xuống quả khó vớt.
   Nghe xong tôi cúi đầu than thầm : lại cũng thách thức! Câu chuyện gây gỗ về hai chiếc thuyền giấy ngày xưa giữa tôi và Thảo vụt hiện đến với tôi. Sao nó trùng hợp với chuyện cô Tư Liên vừa thuật thế? Nhưng, trong khi kết quả lời thách thức của Thảo trong vụ đó chẳng có gì, thì kết quả lời thách thức sau nầy thật bi đát quá. Tôi không bao giờ có thể ngờ được.
   Thách thức! Than ôi, thách thức! bắt đầu từ đó tôi căm thù những lời thách thức.

DẠ NHẤT PHƯƠNG 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 48, ra ngày 1-7-1966)

Lục Bát Cho Saigon - LÊ NGUYỄN MAI TRẮNG


MINI REX 

Trên tay chỉ có bút màu
Nên không dám tặng nhau chầu xinê
Chiều ngang qua rạp Mini
Cầm cây bút nhỏ vội ghi lên tường
Một câu viết thật tầm thường:
“Yêu ghê mái tóc đầy hương hoa nhài”… 



VƯỜN BÁCH THẢO 


Một sáng chủ nhật sương mai…
Vào đây bỗng nhớ em Hoài nhiều ghê.
Em Hoài như cô búp bê.
Mắt to, duyên dáng, người về nằm mơ.
Người về tập tễnh làm thơ.
Vào vườn Bách Thảo… vẩn vơ tên Hoài. 



VÀ TRƯNG VƯƠNG

Con đường có quán Hẹn Hò
Quần xanh, áo trắng… chứa thơ đầy người
Nầy, trường con gái kia ơi…
- Tình yêu?
- Đâu có, chỉ cười làm quen. 



MỘT CHÚT CHO VÙNG ĐẤT XƯA 

Lăng Ông cỏ xanh, xanh rờn.
Đường đi thật mát, hai trường vẫn qua.
Trường Lê áo trắng kiêu sa.
Bên kia ngói đỏ, người ta trường Hồ.
Áo nào xinh bằng… áo cô?
Con trai nghệ sĩ… trường Hồ vẫn hơn.
Khen nhau một chút, dễ thương! 



                                   LÊ NGUYỄN MAI TRẮNG 


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 224, ra ngày 1-7-1974)

Con Gà Ô - NGUYỄN VĂN NGHỆ

Thuận bưng rổ xoài bước vào nhà bác Năm. Gặp bác đang ngồi hút thuốc nơi bộ ván gõ, cậu cúi chào:

- Thưa bác, ba má cháu sai đem biếu bác ít trái xoài dùng lấy thảo.

Bác Năm vất tàn thuốc vào góc nhà, vui vẻ nói:

- Chà, cám ơn ba má cháu lắm!

Bác đứng dậy bước xuống nhà dưới lấy lên một chiếc dĩa bàn. Thuận cẩn thận sắp từng trái xoài chín vàng vào dĩa. Bác Năm hỏi:

- Giống xoài gì lớn trái quá vậy cháu?

Thuận đáp:

- Dạ, xoài cát ghép với sầu riêng đấy bác ạ.

- Thế hả? Mấy cây xoài ấy có trái rồi sao?

- Vâng ạ, nó mới có trái “chiến”. Bác dùng thử xem, trái xoài có mùi sầu riêng.

- Lạ nhỉ! Hôm nào bác phải sang học ba cháu cách ghép mới được.

Thuận tươi cười:

- Còn mấy cây xoài Voi của bác ra sao hở bác?

- À, chúng cũng sai lắm, nhưng chưa già.

Đem dĩa xoài đặt lên chiếc bàn tròn giữa nhà, Thuận hỏi sang chuyện khác:

- Kỳ đá gà tới, bác Năm định dự không?

Nghe nhắc đến sở thích của mình, bác Năm vui vẻ đáp:

- Dự chứ! Cháu coi, có kỳ nào bác bỏ qua đâu?

- Nhưng bác đã chọn gà nghinh chiến với người ta chưa?

- Rồi. Chuyến nầy hy vọng lắm!

Bác Năm nói, đoạn kéo Thuận ra hông nhà:

- Cháu hãy ra đây xem con gà bác chọn.

Đó là một con gà nòi lông trắng, được nhốt trong chiếc giỏ tre to lớn đan thưa úp chụp lại. Thấy có người đến, nó kêu cục cục, nghiêng đầu nhìn. Bác Năm giở hé giỏ, luồn tay vào trong bắt lấy nó. Con vật không hề sợ hãi, chỉ vùng nhẹ, chòi chòi cặp giò, rồi nằm yên trên tay bác.

Vuốt ve bộ lông mướt của nó, bác Năm hỏi Thuận:

- Thế nào cháu, con gà nầy có đáng tin tưởng không?

Với những đứa trẻ khác, bác không khi nào hỏi thế, chúng có biết gì, nhưng với Thuận thì khác hơn. Trước kia ông nội cậu, ông Cả Hương, cũng là một tay chơi gà chọi có tiếng. Từ khi ông cụ mất, cả nhà chẳng ai nối nghề. Nhưng Thuận là cháu đích tôn của ông, hẳn phải biết nhiều về con gà đá độ chứ.

Lặng yên, Thuận ngồi xuống ngắm nghía con gà nhạn của bác Năm. Con gà trông sạch sẽ gọn gàng, oai vệ như một võ tướng. Cũng như bất cứ một con gà chọi nào khác, một phần lông cổ của nó được nhổ sạch, để lộ làn da đỏ sậm bộc lộ cả cái máu nóng, hăng hái, dữ tợn. Đầu nó nhỏ, quay bên nầy nghiêng bên kia, không biết đang nghĩ gì, mỏ nhọn lúc nào cũng sẵn sàng để cắn mổ, mồng không to, mắt vàng và trông long lanh như hai hạt cườm. Lông nó trắng mượt, đôi chỗ điểm lốm đốm vàng cam, sắp xếp thứ tự khéo léo chẳng khác một bộ chiến bào đẹp đẽ. Cặp giò nó dài, mang đôi cựa nhọn hoắt như mũi giáo.

Xem xét một lúc, Thuận nói:

- Thưa bác, theo cháu con gà nầy may ra nếu gặp địch thủ dở nó mới mong thắng.

Bác Năm xịu mặt:

- Nghĩa là cháu cho rằng nó tệ?

- Dạ không, nó không tệ mà cũng chẳng hay bác ạ.

- Cháu có lầm chăng? Nhiều người xem qua đã khen nó dữ lắm mà! Thân hình nó hùng dũng cân đối ghê chứ. Bác chưa thấy con gà nào tốt tướng như nó vậy.

Thuận mỉm cười:

- Cháu nghĩ, bác nuôi gà để cho đá thì để ý đến vẻ đẹp bề ngoài của nó làm chi? Như lời ông nội cháu chỉ dạy cho cháu ngày xưa thì những con gà như thế không được hay bác ạ.

- Không hay ở chỗ nào?

- Dạ, thứ nhứt là đôi mắt, trông nó ngơ ngác không có thần. Gà thứ nầy thì dễ giật mình hoảng hốt bất ngờ lắm! Thứ hai là cặp giò, mảnh mai vậy đá không mạnh đâu. Thứ ba là…

Bác Năm ngắt lời:

- Thôi đi, chẳng lẽ cháu lại tài hơn những người lớn đã khen nó hay sao? Nhất định bác sẽ cho nó “ra trận”. Rồi cháu coi, nó sẽ thắng!

Thuận tươi cười:

- Cháu xin chúc bác được toại nguyện. Nhưng thật tình cháu vẫn muốn bác chọn một con gà khác.

Bác Năm thả con gà trở vào giỏ, quả quyết nói:

- Cám ơn cháu. Song bác thấy chẳng có con nào hơn.

- Vậy cháu không dám nói nữa. Nhưng thưa bác, bác có giận cháu vì những lời bàn bạc bậy bạ nãy giờ không?

Bác Năm cười ha hả, vỗ vai Thuận:

- Ai mà giận cháu được!

Thuận cắp rổ cúi chào:

- Thôi, thưa bác cháu về.

*

Thuận đang ngồi lúi húi nhổ cỏ dưới gốc cây mận Hồng Đào ở trước sân thì bác Năm mở cửa cổng bước vào. Cậu phủi tay, đứng ngay dậy, vui vẻ chào hỏi:

- Bác Năm sang chơi? Mời bác vào nhà.

Bác mỉm cười bảo:

- Cháu cứ làm việc. Bác muốn nói chuyện với cháu về mấy con gà chứ không có chi. Hôm qua cháu có đi xem đá gà không?

- Dạ không, vì cháu bận phụ với má cháu đi kiếm củi… À, con gà nhạn của bác thắng hay bại?

Ngồi xuống bên Thuận, bác Năm buồn bã đáp:

- Lời cháu nói hôm trước thế mà đúng! Nó bị con gà điều của lão Hai Đô đá bại cháu à.

- Nhưng nó chống cự có quyết liệt không bác?

- Nếu được vậy bác cũng đỡ tức. Đằng này, mới đá đến cuối hiệp hai nó đã bỏ chạy mới đáng ghét chứ!

Rồi chép miệng, bác tiếp:

- Cũng tại bác nghe lời tâng bốc của mấy thằng cha bạn nhậu giả dối, dốt nát. Nếu bác nghe theo cháu thì đâu bị thua.

Sau một lúc im lặng, Thuận hỏi:

- Chừng nào lại có tổ chức đá gà nữa hở bác?

- Kỳ đám đình tới cháu à. Bác quyết kiếm gà hạ con gà điều của lão Hai Đô mới nghe.

Thuận nói:

- Việc ấy cũng chẳng khó. Cháu đã thấy con gà nòi của ông Hai rồi: Nó không phải là con gà xuất sắc đâu.

- Thế à? Cháu nhận xét ra sao về ưu khuyết điểm của nó?

- Dạ, theo cháu thì nó đá rất mạnh, chém cựa thật tài, dai sức nữa. Nhưng chỗ yếu của nó là chậm chạp. 

Nếu bác tìm được một con gà nhanh nhẹn hơn, đủ sức đá lâu, bác sẽ thắng.

Bác Năm mừng rỡ nói:

- Lời cháu rất có lý. Nhưng cháu giúp bác tìm một con gà như vậy được chăng?

Thuận tươi cười:

- Được bác sai bảo, cháu đâu dám từ chối, song biết tìm ở đâu ra?

- Điều đó rồi sẽ nghĩ sau… Thôi bây giờ bác về nhé!

Sáng hôm sau, bác Năm lại sang nhà Thuận. Gặp chú Tư, ba Thuận, ở nhà trước, bác hỏi:

- Hôm nay thằng Thuận có bận làm việc gì không chú?

Chú Tư đáp:

- Nó cũng rảnh rang đó. Anh muốn sai nó việc chi xin cứ bảo.

- Tôi muốn nhờ nó cùng đi lên xóm trên một chút.

Chú Tư cười hỏi:

- Chắc lại đi kiếm gà chứ gì?

Rồi quay xuống nhà dưới chú gọi:

- Thuận à, lên bác Năm bảo nè con!

Thuận dạ to, chạy lên. Bác Năm vỗ vai cậu:

- Cơm nước gì dùng xong chưa?

- Dạ xong hết rồi ạ. Bác muốn dạy cháu điều chi?

- Bác nghe nói ở xóm trên có nhiều nhà nuôi gà nòi lắm. Cháu theo bác lên trên ấy kiếm gà được chăng?

- Dạ được.

- Vậy mình đi liền đi. Thôi tôi đi nghe chú Tư.

- Vâng. Anh làm thế nào mà thằng Thuận rồi cũng ghiền chơi gà như anh, tôi sẽ bắt đền đấy nhé!

Kéo Thuận bước ra đường, bác Năm quay lại cười đáp:

- Có sao? Như vậy nó sẽ giống chú Cả.

Trên con đường đất rợp bóng mát, bác Năm và Thuận vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. Thuận đem những điều hiểu biết của mình về thuật chơi gà chọi ra nói huyên thuyên. Bác Năm thán phục bảo:

- Hèn chi trước kia chú Cả nổi tiếng nuôi gà hay cũng phải. Nhưng vì sao ba cháu lại không tiếp tục chơi gà như ông cháu vậy?

- Ba cháu không thích bác ạ. Ba cháu nói đá gà cũng là một môn cờ bạc, không tốt.

Lặng thinh một lúc, bác Năm hỏi:

- Còn cháu, lớn lên cháu có chơi gà không?

Thuận mỉm cười:

- Cháu chỉ thích xem gà đá nhau thôi, chứ không ưa đá gà ăn tiền, thua uổng lắm!

Bác Năm gật gù:

- Ba cháu và cháu nghĩ vậy rất tốt.

Thuận ngạc nhiên:

- Bác đã biết thế sao con chơi gà hoài vậy?

- Ờ, tại vì như ba cháu nói đó, bác ghiền rồi mà. Cháu biết không, gần đây bác thua dữ lắm. Nhưng kỳ nầy có cháu giúp, chắc rằng bác sẽ ăn.

- Ấy, xin bác đừng quá tin như vậy!

Qua khỏi một cây cầu tre lắt lẻo, Thuận theo bác Năm rẽ vào một ngôi nhà nhỏ. Bác nói:

- Lúc trước bác thấy dượng Ba Tạo có một bầy gà nòi con, có lẽ hôm nay chúng đã lớn. Đâu mình vào hỏi xem.

Dượng Ba Tạo đang mài phảng bên bờ rạch, thấy có khách, vội bước vào nhà chào hỏi. Bác Năm bảo ngay:

- Tôi đi kiếm mua gà trống nòi, dượng có con nào không?

Dượng Ba đáp:

- Trước kia tôi có đến bốn con, sau bán dần, giờ chỉ còn một.

- Dượng hãy cho tôi xem thử con đó đi.

Dượng Ba Tạo liền dẫn hai người bước ra sau hè. Trỏ con gà nòi nhốt trong giỏ tre, dượng nói:

- Nó đấy. Con gà tốt nhất bầy đấy nhé!

Đó là một con gà xám. Bác Năm bắt lấy nó, xem xét kỹ lưỡng. Đợi khi chủ nhà bước vào trong, bác quay hỏi Thuận:

- Cháu xem thế nào?

Thuận ôm con gà quan sát khắp đầu đuôi, đoạn lắc đầu:

- Không được tốt bác ạ! Cổ nó nhỏ quá, cựa dài nhưng yếu rất dễ gãy.

- Bác cũng nghĩ vậy.

Thuận thả con gà vào giỏ, vừa khi dượng Ba Tạo bước ra. Bác Năm hỏi:

- Dượng định giá con gà bao nhiêu?

- Hai trăm rưỡi thôi. Người khác, tôi sẽ bán trên ba trăm đó.

Ra ý ngẫm nghĩ một chốc, bác Năm nói:

- Để rồi tôi sẽ tính lại. Bây giờ xin chào dượng Ba.

Dượng Ba Tạo vui vẻ đưa khách ra khỏi cổng.

Đi lên thêm một đỗi, Thuận hỏi:

- Còn đi đâu nữa bác?

Bác Năm đáp:

- Đến nhà chú Bảy Hiển nè, chú Sáu Huỳnh nè… Rồi thế nào cũng kiếm được một “chiến tướng” vừa ý.

 Nhưng đi qua ba bốn nhà nữa, xem qua năm sáu con gà nữa, Thuận vẫn chưa bằng lòng con nào. Con thì cậu cho rằng nhỏ yếu, con thì bảo là nặng nề, kém cái này, khuyết cái kia.

Sau cùng cả hai đành quay trở về. Thuận chán nản nói:
-
 Biết tìm đâu ra một con gà hoàn toàn đây?

Bác Năm bảo:

- Cháu đừng lo. Mai mình sẽ đi tìm ở xóm dưới. Phải kén chọn như cháu mới mong thắng lão Hai Đô được.

Hai bác cháu im lặng bước. Gần đến nhà, Thuận bỗng ngập ngừng nói:

- Hay là… hay là bác hãy đưa con gà của cháu ra đá với gà ông Hai?

Bác Năm vội hỏi:

- Cháu có một con gà nòi hả?

- Vâng ạ. Nó xấu tướng, nhưng xem kỹ thì có nhiều đặc điểm của một con gà xuất sắc. Nó mạnh bạo, nhanh nhẹn vô cùng.

Bác Năm phát vai Thuận:

- Sao cháu không nói sớm?

- Thưa bác, vì cháu quí nó lắm, không muốn cho nó đá độ cũng như bán cho ai.

- Nhưng bây giờ cháu vì bác mà cho nó “ra trận” chứ?

- Vâng. Song nó vẫn là của cháu?

- Đúng vậy, và nếu nó đá thắng bác sẽ chia cho cháu một phần tiền ăn được.

Về tới nhà Thuận, bác Năm bảo:

- Sẵn đây cháu cho bác xem con gà của cháu đi.

Thuận gật đầu:

- Xin bác theo cháu kiếm nó. Cháu cho nó đi thong thả bác ạ.

Đưa bác Năm ra mé sau nhà, Thuận trỏ một con gà trống ô đang bươi đất ở cạnh bụi tre gai.

- Nó đó bác Năm!

Và cậu cất tiếng kêu cúc cúc thật lớn.

Con gà nghe tiếng chủ, vỗ cánh chạy lại. Bác Năm để ý nhìn. Quả nhiên nó xấu tướng thật : lông toàn đen, mỏ đen và quặm, giò, cựa cũng đen nốt, trông nó chẳng khác một con quạ. Đã thế, Thuận lại không chăm sóc, để mình mẩy nó bám đầy bùn đất, trông bẩn như một con gà mái tầm thường. Song xem ra nó rất khỏe: cổ dài, ức lớn, giò cao và to, cựa chắc, dáng đi vững vàng nhanh nhẹn.

Bác Năm hỏi:

- Sao cháu không nhổ lông cổ, chuốt cựa cho nó?

Thuận cười:

- Cháu có tính cho nó đá độ đâu?

- Được rồi, cháu hãy nhốt nó lại đi. Chiều bác sẽ sang làm chuyện đó.

Chiều lại, bác Năm đem dao kéo sang cùng với Thuận nhổ lông cổ lông bụng, chuốt cựa cho con gà. Kế đó, bác lấy củ nghệ mài với giấm thoa lên khắp mình con vật cho da nó được săn. Xong xuôi bác xoa tay nói:

- Chỉ còn cắt tít nó nữa là xong.

Thuận thè lưỡi:

- Ái chà, bị cắt tít chắc nó đau lắm!

- Dĩ nhiên, nhưng không thể bỏ qua việc ấy được. Cái tít làm cho đầu con gà nặng nề, và dễ bị địch thủ mổ phải, cháu ạ.

Hai hôm sau, bác Năm lại qua nhà Thuận để lo cắt bỏ cái tít của con gà nòi ô. Bác bảo Thuận một tay ôm mình con gà thật chặt, một tay nắm đầu nó lật ngửa cổ lên. Bác sẽ dùng con dao thật bén cắt bỏ đi cái tít lủng lẳng dưới cổ nó. Thế nào cũng chảy máu, nhưng cứ để nguyên vậy, vết cắt tự nhiên sẽ lành lại như thường.

Thuận tuy làm theo lời bác Năm, mà dạ không muốn chút nào. Cậu xem con gà như một người bạn. Thấy nó bị đau, cậu cũng xót xa không ít. Ôm con gà, tay cậu run run, nét mặt đầy lo lắng.

Thấy thế, bác Năm cả cười:

- Cháu có sợ thì hãy nhìn đi nơi khác. Bình tĩnh coi nào, nó có chết chóc gì đâu?

Nói đoạn, bác nắm tít con gà, đưa lưỡi dao bén ngót toan cắt. Nhưng con dao vừa chạm vào da, con vật chợt kêu to lên một tiếng. Thuận liền buông nó ra ngay. Con gà vụt chạy. Bác Năm quẳng dao đuổi theo, cau có bảo:

- Cháu Thuận sao mà nhát thế? Bắt nó mau!

Con gà vừa chạy, vừa cục tác inh ỏi. Đến một khoảng đất trống, nó đứng lại rỉa lông, thản nhiên như không có việc gì. Bác Năm rón rén bước đến, dang rộng hai tay, chộp bắt. Tưởng đã được, nào ngờ con gà bỗng vỗ cánh bay vút qua đầu bác, đáp ngược phía lưng, rồi nhanh nhẹn chạy đi. Không chậm trễ, bác Năm phóng theo. Con gà hết sức mau lẹ, khi chạy vòng quanh, khi rẽ bên nầy, lúc ngoặc bên nọ, làm bác không sao bắt được, rượt mệt hào hển. Đến một chiếc mương chắn ngang, con vật nhảy vụt qua bờ bên kia. Bác Năm không chịu bỏ, vội chạy băng qua cây cầu ván, quyết đuổi bắt. Ra tới giữa mương, đột nhiên:

- Rắc rắc… rốp! Ối da!

Cây cầu gãy phăng. Bác Năm rơi tòm xuống nước. Thuận hoảng hốt chạy lại kéo bác lên:

- Chèng ơi! Có sao không bác? Bác rượt làm chi cho nên nỗi. Để cháu bắt nó mới được.

Mình bám đầy bùn, ướt loi ngoi, nhưng bác Năm lại cười nói:

- Không sao!… Tốt lắm!

Thuận ngạc nhiên:

- Cái chi mà tốt hở bác?

- Con gà, nó nhanh ghê, tránh né tài quá! Có vậy mới mong thắng gà lão Hai Đô chứ!

Vuốt mặt cho ráo bớt nước, bác Năm bảo:

- Thôi, cháu hãy bắt nó đem qua nhà bác. Một mình bác cắt tít nó là hơn… Bây giờ bác về đa.

*

Hôm nay là ngày con gà ô của Thuận “ra trận”. Từ sáng sớm, bác Năm đã sang nhà cậu lo chăm sóc cho con gà: Nào cho nó ăn một ít thóc, uống một ít nước, nào thoa thêm nghệ, chuốt lại cựa… Xong rồi hai bác cháu ôm gà xách giỏ đến trường gà.

Trường gà lập ở cạnh đình, trước sân nhà ông Bảy Sửu. Sân đấu của gà là một khoảnh đất tròn, giới hạn bởi một vòng lá cao hơn đầu con gà một chút. Cạnh vòng lá có đặt một chiếc bàn nhỏ, trên để một khúc cây, một cái đĩa, và một bó nhang. Mỗi cây nhang đã được phân ra từng khoảng : cứ một khoảng lớn độ hai phân lại đến một khoảng nhỏ độ nửa phân. Khi khởi sự trận đấu, người ta cắm một cây nhang vào khúc chuối, cho song song với mặt đất, rồi mắc một cây đinh bằng vòng chỉ buộc ở đầu nó vào vạch chia thứ nhứt, đoạn đốt cho nhang cháy. Khi cây nhang cháy đến vạch ấy, cây đinh sẽ rơi xuống đĩa làm vang lên một tiếng, báo hiệu cho mọi người biết đã qua một hiệp. Liền đó người ta lại mắc cây đinh vào vạch chia kế tiếp. Nếu khoảng chia lớn định thời gian một hiệp đấu, thì khoảng chia nhỏ định thời gian tạm nghỉ trước khi tiếp tục cho gà đá. Nhiều cặp gà, người ta phải dùng đến hai ba cây nhang mới phân thắng bại. Sau mỗi trận, cố nhiên “chủ kê” phải trả cho chủ trường gà một số tiền.

Bác Năm và Thuận đến nơi thì thấy các chủ kê khác, những người đi xem, đi đánh cá… đã tụ họp đông đảo. 
Tiếng người nói, tiếng gà gáy vang lên ồn ào. Thấy bác Năm, vài người quen bước lại thăm hỏi. Bác hỏi họ:

- Chú Hai Đô tới chưa?

- Rồi. Con gà điều của lão ta “ế độ”, lão có vẻ đắc chí lắm, đang đứng cười nói kia!

Theo tay chỉ của người bạn, bác Năm kéo Thuận tiến lại gần một ông to mập:

- Chào chú Hai. Con gà điều của chú định “cáp độ” với con nào chưa?

Ông Hai Đô vênh mặt:

- Có ai chịu cho gà mình đá với nó đâu? Họ ngán rồi!

Ông đắc chí là phải. Con gà của ông đã thắng liên tiếp mấy trận, và trận sau hết là trận hạ con gà nhạn của bác Năm.

Bác Năm nói:

- Vậy thì hay quá! Chú bằng lòng cho gà của chú đá với gà của tôi chứ?

Ông Hai cười hô hố:

- Vâng, vâng. Gà của dượng đâu?

Bác Năm trỏ con gà ô Thuận vừa thả xuống đất lấy giỏ chụp lại. Nhìn con gà lông lá đen huyền đứng xuôi xị, hai cánh khép sát vào mình, ông Hai Đô lại phá lên cười:

- Gà trống hay gà mái thế?

Bác Năm khó chịu nói:

- Thôi khởi sự cho đá ngay đi.

- Khoan đã, tiền độ một ngàn nhé?

- Được mà chú!

Thấy có hai chủ kê sắp cho gà cáp độ, mọi người bu lại xem, đứng vây quanh sân đấu đen nghẹt. Bác Năm và Thuận ôm con gà ô bước vào sân. Ông Hai Đô cũng mang con gà điều vào.

Chủ trường vụt lớn tiếng bảo:

- Thả gà!

Thuận liền kê miệng vào tai con gà của mình, nói nhỏ:

- Rán đá nhen ô!

Đoạn cậu đẩy nó ra giữa sân đấu. Bên kia, con gà điều cũng được thả ra, thủng thỉnh tiến lại. Con gà ô bỗng vỗ cánh gáy vang lên, khán giả đồng cười ồ. Họ cười vì tiếng gáy không hợp lúc của nó. Ít có con gà nào ra trận lại gáy, và cũng cười vì cái giọng ồ ồ suông đuột, nghe thật kỳ lạ.

Con gà điều đã xáp tới, cặp giò rùn thấp xuống với cái thế sẵn sàng nhảy đá, lông cổ vươn lên, đầu đưa ra đàng trước, mắt gườm gườm nhìn kẻ địch. Giữa lúc ấy, con gà ô chợt nghiêng mình, xòe một cánh, miệng kêu cục cục, áp vào hông nó. Mọi người lại phá lên cười lớn hơn:

- Ủa, con gà ô làm gì vậy cà?

- Nó ve!

Như tức tối, con gà điều cất cao cổ, mổ vụt xuống đầu nó. Nhưng nhanh làm sao, nó đã lách mình tránh khỏi, và lủi ngay vào bụng con nọ, hất mạnh. Con gà điều ngã bật ra, rồi giận dữ nhào lại, mổ thật mạnh vào mình địch thủ. Không sợ hãi, con gà ô vừa nhảy lên cao tránh đòn, vừa đập cánh đánh phạch vào đầu đối phương. Kế đó nó lại nhảy nhót lung tung quanh mình con gà điều, khiến con nầy không sao đá trúng được.

Khán giả ôm bụng cười, chưa ai thấy con gà nào có lối đá quái lạ như vậy. Phải nói nó giỡn với địch thủ thì đúng hơn. Thường thường, khi cặp gà đá được giây lát, người xem hay lớn tiếng đánh cá với nhau. Song ở trận nầy, chẳng ai nhớ tới điều đó.

Xem một lúc, bác Năm lo lắng hỏi Thuận:

- Sao con gà của mình đá kỳ vậy?

Thuận đáp nhỏ:

- Có lẽ tại mình không cho nó “xổ” trước, nên nó không đá đấy bác ạ.

Xổ là cho đá thử, bác Năm đã quên công việc ấy, vì Thuận giành giữ con gà, bác có thường săn sóc nó đâu?

Ông Hai Đô bỗng nói:

- Con gà của dượng Năm không biết đá mà!

Thuận đáp lại:

- Thưa ông, thế còn con gà điều cứ cắn mổ mãi mà không trúng người ta, có gọi là biết đá chăng?

Ông ta nạt lớn:

- Con nít biết gì mà nói!

Thuận nhỏ nhẹ:

- Nhưng thưa ông, con gà ô là của cháu, cháu có quyền bênh nó chứ!

Cậu vừa dứt lời, bỗng “keng” một tiếng : Dứt một hiệp. Hai con gà được bắt ra, cho uống nước, nghỉ mệt. Trong lúc tạm nghỉ, nếu thấy gà bị thương, người ta sẽ khâu vết thương lại bằng kim chỉ. Song ở đây không con nào bị thương cả. Riêng con gà ô chỉ mệt chút ít thôi.

Hiệp nhì bắt đầu. Con gà điều quyết hạ địch thủ. Vừa được thả ra, nó phóng đến, chém vút đôi cựa bén nhọn vào mình con gà ô: xoẹt! Mọi người chợt kêu ồn lên:

- Chạy rồi! Chạy rồi!

Thật thế, con gà ô bị đá trúng, cánh lảo đảo, rồi đột nhiên bỏ chạy. Sự việc xảy ra thật bất ngờ. Thuận tái mặt. Trong khi bác Năm thấy đầu óc choáng váng. Thôi rồi, còn chi một ngàn đồng bạc! Nghĩ đến nét mặt cau có trách móc của bà vợ, bác rầu rĩ vô cùng.

Nhưng liền đó, người xem lại buột miệng kêu lên một lần nữa. Thì ra con gà ô không chạy vì thua trận, mà đuổi bắt một con dế nó vừa chợt trông thấy. Gắp được con dế mèn, nó thản nhiên đứng rỉa ăn. Ngờ đâu, con gà điều vừa đuổi theo đến, thừa dịp, xông tới mổ đúng ngay đầu nó, đá một cú thật mạnh. Con gà ô kêu lên đau đớn, ngã vật ra đất. Lần nầy nó bị thương thật! Bỗng, nó vùng lên quay ngoắc lại, tấn công địch thủ một cách dữ tợn. Con gà điều bị đá liên tiếp vào đầu vào mình, hai ba lần khụy xuống, cứ lui dần.

Bấy giờ đến phiên ông Hai Đô lo lắng: Ông ta múa tay, giậm chân, mặt cau lại tưởng chừng sắp sửa nhảy vào vòng chiến. Ông ta mắng con gà của mình:

- Đồ ngu! Sao không trả đòn? Ối, để nó chém cựa trúng mắt thì chết!

Mặc ông nói, con gà điều vẫn không sao chống trả nổi những cái mổ, cái đá mạnh mẽ, chớp nhoáng của kẻ địch đang cơn giận dữ điên cuồng. Sau cùng nó chợt kêu thét một tiếng, gục xuống nằm im. Ông Hai Đô nhảy lại xách con gà quí của ông lên: Nó đã chết!

Con gà ô thắng trận. Thuận mừng rỡ ôm lấy nó:

- Giỏi lắm, ô ơi!

Nhưng nhìn kỹ đầu con vật, mặt cậu bỗng biến đổi ngay. Vừa khi ấy, bác Năm bước lại trao cho cậu mấy trăm bạc:

- Đây, phần tiền của cháu.

Thuận buồn bã lắc đầu:

- Thưa bác, cháu cho con gà ô đá độ là để cho bác thấy những kinh nghiệm ông nội cháu dạy cháu về con gà nòi là đúng. Nhưng…

- Nhưng sao? Nó đã thắng vẻ vang chứ có gì đâu cháu?

- Dạ, nhưng nó đã hư hết một con mắt rồi!

Nói xong, Thuận rưng rưng nước mắt, cúi nhìn con gà ô nằm lả trên tay mình.


Nguyễn Văn Nghệ    


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 30, ra ngày 25-7-1965)

Giấc mơ cô giáo - HOÀI VIỄN VỌNG


Em chải lại mái tóc và mỉm cười với dáng mình trong gương. Chị Minh cười nho nhỏ bảo:

- Thôi đẹp rồi cô nương ơi! Tôi biết nhỏ Mỹ nó đang đợi dài cổ ra ở nhà đấy, cô giống ai mà làm dáng lắm thế?

Em chúm môi ghẹo chị ấy:

- Em giống chị chứ ai! Hôm chủ nhật rồi nè, chị Ly lại rủ chị đi chơi, em rót nước trà nóng mời chị ấy, đến khi nước gần thành đá mới thấy chị ra.

Chị Minh hơi đỏ mặt túm lấy tay em:

- Ai bảo với cô ly nước trà mà thành đá đấy hở?

- Thì…

- Thì làm sao? Cô chứng minh tôi xem nào?

Giời ơi! Dân ban B có khác, cái gì cũng chứng minh. Thấy em hơi bí, cái mặt chị ấy cứ hất hất lên, trông thật…! Chị ấy hỏi tiếp:

- Thế nào? Chứng minh xem!

Em hơi tức nói:

- Thì tại em thấy trời nóng nên lấy nước đá bỏ vào ly cho chị ấy uống chứ sao.

Dường như câu “chứng minh” của em có lý lắm nên em thấy mặt chị Minh xìu xuống như cái… bánh bèo vậy, chị ấy bĩu môi buông thõng:

- Lý sự cùi!

Em còn đang nhíu mày để tìm hiểu câu nói trên thì chị Minh tiếp:

- Thế mà cũng mơ làm cô giáo, eo ơi…

Chị ấy rùn vai và chống tay lên cằm tỉnh bơ nhìn ra cửa sổ. Em tức tối vì chị ấy dám “vi phạm” đến cái giấc mộng của em, thế là em bắt đầu to tiếng:

- Em mơ làm cô giáo rồi sao? Em đứng ngang vai chị rồi chứ bộ. Chị không thấy bé Vũ mới tí xíu mà nó muốn lái tàu bay như anh Hoan đó sao?

Chị Minh vẫn ngồi yên. Em thấy nước mắt gần trào ra, thút thít nói:

- Ba với má thì lúc nào cũng bảo em ráng chăm học để làm cô giáo, anh Hoan cũng nói cái tướng của em chắc chắn sẽ làm cô giáo… lớp năm, còn chị thì cứ ngạo em hoài hà. Em hổng biết… má ơi!

Nghe em hét, chị ấy quay lại đưa ngón tay lên môi bảo:

- Khẽ chứ! Má có khách dưới nhà đấy.

Em nín bặt lắng tai nghe. Chị Minh chợt bật cười bảo:

- Con nít thế mà cũng… ý quên! Em của chị giống cô giáo lắm cơ: áo dài trắng nè, tóc thề nè…

Em nhoẻn cười nắm tay chị hỏi:

- Thật hở chị?

Chị Minh cười thật hiền trả lời:

- Thật chứ! Thôi Hân lại nhà Mỹ đi nhé, chị cho tiền này. Má có khách em đòi tiền là bà cốc cho đấy.

Chị Minh của em hôm nay dễ thương ghê cơ. Em cầm tiền hỏi nho nhỏ:

- Khách nào thế hở chị?

- Hình như bác Ba ở đầu ngõ thì phải.

Em cầm cái bóp bé xíu bỏ tiền vào và lén hôn lên má chị Minh một cái.

- Thương chị Minh nhất. Em đi chị nhá.

Chị đỏ mặt nói với theo:

- Chó con!

Em nhảy hai ba bậc thang xuống phòng khách. À! Đúng rồi, tiếng nói của bác Ba hàng xóm. Ý! Mà sao có tên em trong đó nữa? Em nhón gót bước thật nhẹ, thu mình sau tấm rèm lắng nghe. Má em nói:

- Bác nói thế chứ, con Hân nhà tôi còn con nít lắm bác ạ. 15 rồi đấy mà đi học cứ nhảy dây làm rách vạt áo mãi thôi.

Tiếng bác Ba cười:

- Bác khiêm nhượng mãi. Theo tôi thấy, cô Hân thật hiền hậu dễ thương nên mới có ý nhờ. Bác bằng lòng bác nhé.

Em hoang mang chả hiểu gì cả. Bác Ba nhờ em chuyện chi đây? Bác lại bảo em hiền hậu, dễ thương, thích ghê! Chả bằng… mà để nghe má nói xem.

- Cảm ơn bác thương mà nói thế, tôi khó nghĩ quá…

Bác Ba nói:

- Có chi đâu mà bác khó nghĩ. Hai đứa bé nhà tôi ngoan ngoãn lắm. Tôi tin cô Hân sẽ chỉ bảo cho chúng học hành giỏi giắn hơn. Với lại cô Hân cũng nghỉ hè rồi…

Em gần như reo lên sung sướng. A! Bác Ba nhờ em dạy học cho hai đứa con của bác ấy, thích quá… Em còn đang tưởng tượng thật nhiều thì có tiếng má gọi:

- Hân ơi! Ra má bảo.

Em giật mình dạ thật to và tốc rèm bước nhanh ra cúi chào bác Ba. Bác ấy cười hỏi em:

- Cháu Hân định đi đâu đấy?

- Dạ, cháu lại nhà nhỏ bạn chơi ạ.

Bác ấy nhìn em với ánh mắt dò xét làm em nóng bừng hai tai. Má nói:

- Nãy giờ cô nghe lén đấy hẳn?

Em cúi đầu nhận chịu. Má nói tiếp:

- Bác Ba nhờ con dạy học cho bé Diễm với cu Tèo đấy. Con nghĩ thế nào?

Em bằng lòng đứt đuôi đi chứ. Ghét má ghê, biết ý em mà còn hỏi han. Bác Ba vịn vai em thân mật bảo:

- Cháu Hân bằng lòng nhé.

Em gật đầu đáp:

- Dạ! Cháu bằng lòng, nhưng không biết má cháu thế nào ạ.

Má em trách yêu:

- Thì chiều cô chứ sao nữa. Ham làm cô giáo lắm đấy.

Em mỉm cười e thẹn. Má nói:

- Thôi con đi chơi đi, má bàn với bác Ba chút chuyện. À! Mà có tiền không đấy?

- Dạ, chị Minh cho con rồi ạ. Thưa má con đi, thưa bác Ba ở lại chơi ạ.

Em đi nhanh ra cửa còn nghe tiếng má đuổi theo:

- Bác xem, bây lớn thế mà đi đứng như nhảy ấy.

Em cảm thấy sung sướng hơn bao giờ cả. Em lại khoe con Mỹ mới được, nhỏ chắc phục em sát đất. À quên, còn chị Minh nữa cơ, cho chị ấy hết ngạo em. Anh Hoan về phép em sẽ khoe anh ấy nè. Khi theo anh Hoan đi phố chơi, em sẽ không cho anh ấy níu chặt tay dắt qua đường nữa. Em là cô giáo rồi mờ, cô giáo thì qua đường một mình dư sức đi chứ lị… Bỗng có tiếng bánh xe rít dài trên đường nhựa. Em giật mình đứng lại. Một ông thò đầu ra khỏi cửa kính chiếc xe hơi màu đỏ chói, nói:

- Chao ơi! Cô bé này, đi gì mà cứ xông vào xe thế!

Em nhoẻn cười thật tươi với ông ta rồi nép vào lề đường đi thẳng. Chắc ông ấy đang tròn mắt nhìn theo. Em chợt bật cười thành tiếng. Trời hôm nay thật đẹp.

*
*     *

Em “nhậm chức” cô giáo đến nay hơn nửa tháng rồi cơ. Cu Tèo lên năm chưa biết gì cả, có nghĩa là em được mang danh “vị cô giáo” đầu tiên của nó đấy, oai chưa! Còn bé Diễm thì đã ngồi lớp mẫu giáo hồi năm rồi, em dạy nó học với làm toán. Cái “lớp học” bác Ba dành cho em xinh ghê cơ, có đủ bàn ghế, tủ đựng sách nầy và có cửa sổ trông xuống đường nữa. Mấy ngày đầu cu Tèo với bé Diễm đến nhà em học, nhưng vì chị Minh cứ rình ghẹo em hoài, nên em phải đến nhà bác Ba mỗi buổi sáng. Hai nhỏ con ấy hồi còn học ở nhà em chúng thật ngoan. Nhưng lúc sau này chúng cứ nghịch ngợm luôn, đôi khi lại thật ngớ ngẩn làm em bực mình kinh khủng mà cũng phải bật cười. Nhưng em chỉ cười có tí thôi rồi lại làm nghiêm ngay để cho ra vẻ cô giáo chớ, cô giáo mà cứ toe toét cười với học trò hoài thì hỏng hết, nó không “nể” mình chút nào cả! Đấy là mấy lời “vàng ngọc” mà anh Hoan đã “giáo huấn” cho em trước khi em lên đường làm… cô giáo. Anh ấy nói đúng ghê cơ. Cái thằng cu Tèo ấy, hôm trước em cười với nó cái em bảo lên bảng tập viết mà nó cứ dùng dằng mãi thôi. Em muốn cốc lên đầu nó một cái ghê cơ, nhưng lại chợt nhớ tới lời anh Hoan em bảo “cô giáo thì phải hiền thật hiền, hiền như… cái bánh ấy, không được ăn hiếp học trò, thí dụ như béo tai, ký đầu… ơ vuốt mũi v.v… và v.v…”. Thế là em phải nén ấm ức năn nỉ ỉ ôi nó và dọa sẽ méc má đánh đòn (cái nầy không có trong “những điều cấm kỵ” anh Hoan nói với em). Kết quả thật tốt đẹp, nhỏ ngoan ngoãn làm theo lời em liền. Còn con bé Diễm thì chao ơi! Nhỏ mới sáu tuổi mà có tâm hồn “nghệ sĩ” ghê gớm, cứ hát hỏng luôn mồm. Em hỏi ai dạy nó hát thì nó bảo bắt chước trong “la dô”. Lúc đầu nghe nó ca em thấy vui vui nhưng dần dần bực không chịu được. Có lần em vừa bước vào phòng học thì nhỏ ùa ra ôm tay em kêu to:

- Chị ơi! “Con đường xưa em đi…”

Nó hát một hơi rồi toét mồm cười. Thật! Em muốn khùng luôn.

Hôm nay trời mưa em hơi lười nhưng cũng phải đến. Tới trước hiên nhà bác Ba em đang loay hoay cởi áo đi mưa thì con bé Diễm chạy ra nói tíu tít:

- Má em đi chợ rồi, có để cho chị Hân một ly chè đậu xanh ngon lắm.

Rồi nó nắm tay em kéo một mạch lên cầu thang. Tới phòng học em thấy cu Tèo đang ăn chè ngon lành. Nó nhe mấy cái răng sún ra cười với em. Con bé Diễm thỏ thẻ:

- Chị ăn chè với em rồi hãy dạy nhá.

Em gật đầu mỉm cười. Trời mưa mà được ăn chè đậu xanh nóng thì còn gì bằng. Nhỏ Diễm chợt ngừng ăn hỏi:

- Chị Hân ơi! Tại sao có cái răng hả chị?

Em ngẩn người đáp bừa:

- Thì tại nó… mọc bé à.

- Mà nó mọc làm chi vậy chị?

- Thì để cắn đồ ăn chứ chi.

Nhỏ cắm cúi ăn một hồi rồi lại hỏi:

- À! Chị Hân ơi! Sao tóc chị dài quá vậy? Tóc để làm chi hở chị?

Em hơi bực nhưng cũng phải đáp (vì em là cô giáo mờ!):

- Thì tóc để… chải chứ làm chi nữa.

Nó gật gù reo:

- Bé cũng nói vậy đó mà con Ngọc nhà bác Tám nó nói tóc để bím như nó “dzậy”. Ờ mà sao tóc ở… con mắt nó cụt quá “dzậy” hở chị?

Em hơi… bí nên gắt nó:

- Thôi! Không hỏi nữa, dẹp ly học bài, má về la bây giờ đó.

Nhỏ tiu nghỉu mở ngăn kéo lấy tập ra. Con bé Diễm nầy thật lắm mồm, hôm nào nó cũng hỏi han lung tung. Em mà không gắt lên thì nó cứ hỏi mãi. Em bảo cu Tèo lên bảng viết chữ i và cho bé Diễm làm toán cộng trong tập nhỏ. Cu Tèo nầy thật tối dạ ghê cơ, có mấy chữ mà dạy hoài chả thuộc. Em theo dõi nó viết trên bảng. Nhỏ viết chữ i mà không thèm bỏ dấu chấm ở trên, cứ cầm phấn nhìn em nhe răng cười trông thật tếu. Em nén cười hỏi nó:

- Sao em không viết cái dấu chấm?

Nó ngước nhìn lên bảng rồi lại nhìn em đáp với vẻ mặt thật ngây ngô:

- Thôi, viết cái dấu chấm làm chi!

Nén không được, em phì cười lại bảng viết chữ i trên đó bắt cậu ta viết theo. Phải lại xem coi bé Diễm thế nào đã. Cầm cuốn vở lên em nhăn mày bảo nó:

- Sao bé cộng trật hoài thế? 3 với 2 mà là 4 à?

Nó không nói gì cứ toét mồm ra cười. Em bực quá gắt nhẹ:

- Chị đã dạy bé đếm bằng ngón tay mà tại sao bé không tập đếm? Tại sao bé lười thế hở? Tại sao…

Con nhỏ nầy hôm nay thật lớn gan, nó vẫn cười rồi nói một hơi:

- Chị ơi, “không phải tại em cũng không phải tại… chị…”

Em tức quá gần hét lên được:

- Bé còn hát ngạo chị nữa hở? Chị hỏi tại sao bé lười? Không nói chị méc má cho xem.

Lời dọa dẫm của em có kết quả tốt đẹp ngay. Nhỏ thôi cười đưa bàn tay cho em xem, mếu máo nói:

- Đâu có, bé đâu có lười. Tại cái ngón tay của bé đau đưa ra hỏng được nên bé mới đếm lộn đó. Chị đừng méc má nhé.

Em chỉ biết lắc đầu cười trừ. Eo ơi! Cái nghề làm cô giáo cũng hơi rắc rối đấy chứ. Em cho hai đứa làm bài tập rồi đến cửa sổ nhìn vơ vẩn. Ngoài kia một màn nước trắng xóa đang bao phủ. Mặt đường nhựa loang loáng nước. Em nhìn thấy mấy cánh phượng vĩ sũng nước đang run rẩy trên cành, thương quá là thương! Sân trường em giờ đây chắc ngập mầu hồng. Nhưng trận mưa nầy dòng nước đã cuốn trôi đi rồi, cuốn cả những dấu chân chim bé bỏng, trong đó có dấu chân của em, của Mỹ, của những đứa bạn thương yêu… Trong đầu em chợt hiện lên câu hỏi:

“Mùa hè đáng yêu hay đáng ghét?!”

*
*     *

Những tờ lịch rơi rụng thật nhanh. Mầu phượng hồng nằm rải rác đơn lẻ cạnh mầu xanh của lá. Ngày tựu trường đã đến. Em vui, thật vui, có lẽ vui như ngày đầu em được làm cô giáo í. Em thức thật sớm và đã sửa soạn xong xuôi đứng trước cổng chờ tụi bạn. Lúc này em bớt làm dáng rồi cơ, không phải vì sợ chi Minh ngạo đâu nhé mà vì anh Hoan thường bảo với em: “Hân nầy! Em là cô giáo thì đã gần thành… người nhớn rồi đấy, làm việc gì cũng phải nhanh lẹ, không thôi học trò cười cho đó!”. Đối với em thì anh Hoan nói câu nào cũng đúng hết cơ nên anh ấy nói chi em cũng nghe cả, anh ấy đã từng khen em ngoan nhất… nhà đấy, thích ghê là… Đang suy nghĩ thì có tiếng gọi tên em ơi ới, ba bốn nhỏ bạn áo quần trắng tinh ùa vào. Em mừng rỡ vớ cặp táp thưa ba má rồi chạy ra. Cả bọn chuyện trò ríu rít. Chao ơi! Chuyện xảy ra trong ba tháng hè tụi nó tuôn ra ào ào đầy cả lỗ tai, em chưa kịp kể chuyện của em chút nào hết, tức quá! Chợt nhỏ Thi cười hóm hỉnh hỏi em:

- Thế nào Hân! Nghe nói nhà ngươi lên đến chức cô giáo rồi phải không?

Em cười hãnh diện đáp:

- Chứ sao mi. Tao “tập sự” trước mờ.

Nhỏ Thanh xen vào:

- Thảo nào, từ nãy giờ thấy mi nghiêm nghị làm sao ấy.

Em được dịp… “tuyên truyền”:

- Tụi bây biết hông, anh Hoan tao bảo cái nghề cô giáo là đẹp nhất đó. Nữa tao lớn nè tao sẽ dạy thật đông học trò chứ không có dạy chỉ hai đứa như hôm nghỉ hè đâu. Oai không!

Nhỏ Thanh có vẻ khâm phục nói:

- Oai là cái chắc rồi. Ờ! Nữa tao cũng làm cô giáo như mầy vậy.

Mấy nhỏ kia nhao nhao lên:

- Tao cũng vậy!

- Tao nữa!

Chúng em cất tiếng cười. Những chân chim reo vui bước trên con đường ngập nắng.

Hoài Viễn Vọng

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 135, ra ngày 15-8-1970)