Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Bạn cũ - THUẦN GIANG

   Hạnh dùng điểm tâm xong thì mặt trời đã lên cao, nắng mai nghiêng nghiêng đổ ngập trước thềm nhà. Nàng bước ra phòng khách. Trung, em nàng, đang ngồi tréo ngoải trên ghế dựa đọc báo, ngẩng lên cười hóm hỉnh:
   - Chị Hạnh, giờ nầy mấy giờ rồi chị?
   Đây là câu hỏi thường khi Hạnh vẫn dùng trêu chọc cậu em, mỗi khi nó ngủ dậy trễ, bây giờ nó lại đem hỏi nàng. Gớm thật, nó “trả thù” chị nó đây! Nàng cười:
   - Ừ, bữa nay chị dậy trễ, nhưng là ngày chúa nhựt mà em!...
   Phải rồi, ngày chúa nhựt người ta có quyền thong thả, tận hưởng sự thảnh thơi sau suốt tuần lễ làm
việc chứ!
   - Còn em, em dậy hồi nào? Cũng mới đây thôi chứ gì mà làm tàng?
   - Không đâu, em dậy sớm ghê lắm, trước chị lâu rồi!
   - Đáng khen! Nhưng em dậy sớm để làm gì?
   - Để ra ngồi đây.
   - Ngồi đây làm gì?
   - Đọc báo, trong khi đợi.
   - Đợi gì?
   - Đợi khách.
   - Khách nào? Khách của ai?
   - Khách của em.
   Hạnh cười lớn:
   - Em cũng có khách nữa?
   - Ủa, bộ em không thể có khách hay sao?
   - Con nít không đáng gọi là khách.
   - Sao chị biết khách của em là con nít? Mà tại sao con nít tới thăm nhà lại không đáng gọi là khách? Người lớn bất công lắm, cứ giữ khư khư những gì tốt đẹp, không cho bọn nhỏ dùng, cả đến danh từ cũng vậy!
   Hạnh gật gù:
   - Hay! Lúc nầy cậu Trung nhà mình cũng biết tranh luận nầy nọ nữa há!
   - Học sinh “năm thứ nhứt” trung học rồi chứ bộ!
   - Được rồi, chị xin lỗi, bạn em cũng là khách vậy. Nhưng khách của em hôm nay là thằng nào?
   - Chị gọi bạn em là thằng nghe hơi kỳ đó!
   Hạnh la lên:
   - Cha! Thấy người ta khen rồi làm tới, bắt bẻ hả? Bạn em chị gọi bằng thằng không được sao? Nó tới đây mà phá phách, chị còn cú cho u đầu nữa à!
   - Liệu chị cú được hôn đó. Bạn em giỏi võ lắm nghe!
   - Vỏ gì? Vỏ cua hay vỏ còng? Lớ quớ chị xách lỗ tai, đét cho vài cây roi mây là hết võ!
   “Võ” và “vỏ” hai tiếng có dấu khác nhau, nhưng Hạnh vẫn dùng chuyển nghĩa lẫn nhau được. Các tiếng đồng âm song khác nghĩa, khác chữ viết, người Nam nói không phân biệt rõ ràng như người Bắc. Nhưng do đó lắm lúc họ dùng chơi chữ một cách lý thú.
   Trung cười:
   - Chị thì lúc nào cũng nói nghe dữ tợn, chứ có làm gì ai?
   - Bởi vậy nên mới bị em lừng mặt.
   - Ý, chị nói oan cho em quá, em không chịu đâu nghen! Em lừng mặt chị hồi nào?
   Hạnh mỉm cười. Phải, thực ra chưa bao giờ Trung tỏ ra lừng mặt đối với nàng. Hai chị em thường “lời qua tiếng lại” với nhau chỉ với tánh cách vui đùa thân mật vậy thôi, chứ Trung lúc nào cũng yêu kính và vâng lời chị. Điều đó có được là do ở tư cách làm chị của nàng. Nàng đúng là một người chị tốt, rất mực thương em. Tình thương đó bộc lộ rõ ràng bằng sự trìu mến chăm sóc, và cả bằng những lời chỉ bảo rầy mắng đúng việc đúng lúc nữa. Chị đã thương em, làm sao em không thương chị? Chị biết răn dạy em, với ước muốn cho em nên người, làm sao em không nể phục, nghe theo chị?
   - Hai đứa làm gì cãi lẫy om sòm đó?
   Ông Tư Trực, ba của chị em Hạnh, từ trong buồng bước ra lên tiếng hỏi. Hạnh cười đáp:
   - Tụi con nói chuyện tầm xàm chơi á mà!
   Nhìn cách ăn mặc chỉnh tề của ông, nàng hỏi:
   - Ba sửa soạn đi đâu đó?
   - Lại nhà thầy Bảy làm chung hãng chơi, luôn tiện ghé chợ Sàigòn mua vài món lặt vặt.
   Quay sang Trung, ông Tư Trực bảo:
   - Con đi với ba, ghé chợ ba mua đồ cho cầm về trước.
   Trung nói:
   - Con có hẹn với bạn, phải ở nhà tiếp mà ba.
   - Con không phải đi lâu, ba hổng có tật mua đồ cà kê trả giá như má con đâu mà sợ!
   Hạnh tiếp lời:
   - Em cứ đi đi, bạn em có lại, chị bảo nó chờ một chút chứ gì.
   Vùng vằng một lúc rồi Trung cũng đành chịu. Trước khi đi, cậu bé còn quay dặn chị:
   - Bạn em tới chị chịu khó tiếp đãi cho đàng hoàng à nghe!
   Hạnh khoát tay:
   - Em khỏi lo, chị sẽ mời nó phủi chân ngồi dưới đất chơi, và đãi cho một chầu nước lạnh!
   Ông Tư Trực và Trung đi rồi, nhà chỉ còn mình Hạnh. Bà Tư Trực đã đi chợ từ sớm, chợ Phú Nhuận ở gần đây. Hạnh quét tước, sắp sửa lại bàn ghế, lau sạch bụi bặm, căng lại các bức màn cửa sổ, cửa buồng, rồi đem chùi rửa bộ đồ trà dùng đãi khách. Không phải nàng sửa soạn để tiếp bạn của Trung đâu. Đây chỉ là thói quen, mỗi sáng chúa nhựt nàng hay dọn dẹp trong nhà, cũng để phòng khi có khách, nhưng là khách người lớn kia, khách của ba má nàng, và của nàng, hay tới thăm vào những ngày nghỉ như hôm nay.
   Mọi việc vừa xong, Hạnh nghe có tiếng bà Tư Trực léo nhéo ngoài cổng, hình như nói chuyện với một người nào. Hạnh bước ra, thấy má nàng tay xách giỏ đầy ắp thức ăn đi vào, dáng điệu rất vui vẻ. Đi bên bà, một anh lính thủy, khoảng hai mươi ngoài, cũng tươi vui không kém. Hạnh cúi chào anh lính mà nàng thấy lạ quắc lạ quơ ấy. Anh ta tươi cười chào lại. Bà Tư Trực vui vẻ hỏi nàng:
   - Hạnh, con có nhớ anh nầy không?
   - Dạ… ơ…
   Hạnh cố lục trí nhớ, xem trong số người nàng quen biết có ai mang nét mặt nầy dáng dấp nầy không, chưa tìm ra, thì bà Tư Trực đã bảo:
   - Anh Phong đây nè! Con quên rồi à?... Ờ mà quên cũng phải, chính má cũng không nhớ, gần mười năm rồi không gặp chứ ít sao!... Đi chợ về tới nhà, má thấy anh con đứng trước cổng, dường như muốn vào mà còn ngại, má lại hỏi thăm mới biết đó chứ.
   Hạnh vẫn ngơ ngác trước cái tên được nhắc ra:
   - Phong, Phong nào?
   - Phong ở Mỹ Lồng, con của bác Chín Nhứt đó!
   - A! Phong! Chèng ơi, lâu quá!...
   Bây giờ thì Hạnh đã nhận ra anh lính, nàng reo lên mừng rỡ. Anh lính nãy giờ đứng cười cười, thấy người ta “không chịu” nhớ ra mình thì cũng hơi ngượng, giờ mới hết bẽn lẽn. Bà Tư Trực bảo:
   - Thôi, vô nhà chơi cháu!
   Ba người kéo vào trong. Bỗng có tiếng réo gọi bên ngoài, giọng con nít:
   - Trung ơi, Trung!...
   Hạnh cười:
   - À, khách của thằng Trung tới!
   Nàng trở ra cổng. Một cậu bé đứng lấp ló bên rào, thấy nàng, nó gật đầu chào và hỏi ngay:
   - Trung có ở nhà không chị?
   Hạnh đáp:
   - Không, nó mới đi chợ Sàigòn. Em vô nhà chơi, đợi một chút nó sẽ về ngay.
   - Thôi, để chiều em trở lại. Thưa chị em đi!
   Cậu bé đi rồi, Hạnh bảo thầm:
   - Thằng nhỏ trông hiền hậu dễ thương, hèn chi thằng Trung mến dữ, đón đợi như khách quí!
   Nàng quay vào nhà để cùng bà Tư Trực niềm nở tiếp chuyện với anh lính thủy tên Phong nọ, khách quí của nàng.
   Bà Tư Trực thăm hỏi lung tung một hồi, đoạn xuống bếp lo làm cơm, để Hạnh trò chuyện với Phong. Hai người hồi nhỏ vốn là đôi bạn thiết, nên dù xa nhau đã lâu, giờ gặp lại với hoàn cảnh khác, con người khác, lớn xộn hết rồi, cũng không có gì bỡ ngỡ. Trái lại, cả hai còn cảm thấy vui mừng, như vừa tìm lại được những gì thân quí cũ đã đánh mất bao năm. Những hình ảnh, những kỷ niệm đẹp đẽ xa xưa phút chốc hiện về trong tâm hồn họ thật rõ ràng. Nó cho phép họ nhìn với ánh mắt quen thân, chuyện trò với nhau bằng những lời chân tình cởi mở.
   Phong và Hạnh gốc là dân quê cả. Trước kia gia đình họ cùng sống ở Mỹ Lồng, một làng nhỏ thuộc tỉnh Bến Tre. Nhà hai người ở gần nhau, thường qua lại chơi đùa, tánh tình cũng hiền hậu như nhau, nên thân nhau lắm. Đôi bạn có gì cũng hay chia sớt, trò chơi nào có cùng góp mặt mới thấy vui nhiều. Hạnh kém Phong hai tuổi và học thua Phong một lớp. Hai đứa ưa đi chung, về cũng đợi về chung. Hạnh thường bị chúng bạn ăn hiếp, chọc phá, Phong dù không lớn, không khỏe hơn ai cũng mạnh dạn bênh vực hết lòng. Đi học về, băng qua những cây cầu tre lắt lẻo, Hạnh cứ hay làm rơi nón xuống rạch. Mỗi lần như vậy là cô bé lại thút thít khóc, Phong lại tức bực càu nhàu, rồi cũng rán lội sình nhặt nón cho bạn. Nhớ chuyện cũ, Phong còn hình dung được cái miệng méo xẹo, cặp mắt ướt nhòe của bạn mà buồn cười.
   Có một lần hai đứa tắm rạch. Phong lội rất giỏi, còn Hạnh chẳng biết gì, nên phải ôm bập dừa, nằm đập đập hai chân cho nổi. Nước lớn đầy, hai đứa lội tới lội lui, tóe nước vào nhau, cười giỡn thật vui thích. Bất ngờ, Hạnh trật tay, để vuột mất bập dừa. Cô bé chìm lỉm, quạt tay cuống cuồng, hai ba lần, trồi lên được một chút rồi chìm xuống. Phong hoảng hốt bơi lại vớt, bị bạn bám lấy chặt cứng, chìm luôn. Tưởng hai đứa chết hết rồi, may quá Phong cố lôi bạn vào bờ được. Hạnh đã uống một bụng nước, phải một phen kinh hoảng tột cùng. Chuyện đó không đứa nào dám đem nói với người lớn, nhưng riêng Hạnh lúc nào cũng nhớ, và thầm mang ơn Phong.
   Một hôm, gia đình Hạnh bỗng dọn nhà lên Sàigòn ở. Ba Hạnh có một người bà con mới lập hãng xưởng gì đó ở trển, mời ông lên giúp một tay. Đột ngột xa rời, Hạnh và Phong buồn ghê quá. Hạnh đã khóc, không phải trong lúc chia tay, mà một đêm sau buổi chia tay. Phong thì âu sầu như con chim lạc bầy. Nhưng rồi dần dần hai đứa cũng quên đi. Ai lại đi buồn nhớ bạn mình mãi bao giờ, nhất là ở tuổi ấu thơ? Mất đứa nầy, người ta tìm ngay đứa khác để chơi chứ! Nhưng có điều, mỗi khi nhắc đến tên bạn thân cũ, cả Phong lẫn Hạnh không khỏi có những giây phút luyến tiếc bâng khuâng.
   Gia đình Hạnh rời làng, còn gia đình Phong ở lại. Phong học hết bậc tiểu học rồi ra tỉnh tiếp tục trọ học thêm lên, ngày nghỉ cũng trở về đấy.
   Nhưng, chiến cuộc cứ lan rộng dần. Mỹ Lồng mến yêu của Phong và Hạnh ngày một lộn xộn. Liệu khó yên sống, gia đình Phong đành tản cư ra tỉnh ở. Chốn quê cha đất mẹ, sinh ra ở đấy, sống bao năm ở đấy, với nhà cửa vườn tược, sự sản đó dù chẳng bao nhiêu cũng đã đổ rất nhiều công lao mới gầy dựng nổi, giờ rời xa đâu khỏi đau lòng, nhưng biết làm sao hơn? Ra tỉnh, ba Phong xin được vào làm trong sở Công Chánh. Cả nhà nhờ đó cũng sống đầy đủ phần nào.
   Riêng Phong, học lên tới Đệ nhị, thi rớt Tú tài phần nhứt, anh bỏ đi làm. Sau đó, đến tuổi lính, anh đăng vào Hải Quân. Trên bước đường xuôi ngược, hôm nay tình cờ anh gặp lại Hạnh, gia đình Hạnh ở đây, mừng vui rất nhiều.
   Phong lẩm bẩm:
   - Lâu thật, mà cũng mau thật!
   Hạnh hỏi:
   - Phong nói gì Hạnh không hiểu?
   - Lâu, mình xa nhau lâu quá rồi, phải không?
   - Vậy chứ gì!
   - Mau, ngày nào Hạnh còn bé tí teo, mà bây giờ đã… hổng mau sao chớ?
   - Thì Phong cũng vậy. Nếu không nói ra, Hạnh chẳng làm sao nhận được Phong đó! Đi ngoài đường đụng đầu, giẫm phải chân nhau, hai đứa cãi lẫy om sòm cho coi!
   Phong bật cười. Anh chợt có một ý nghĩ dí dỏm: Buổi đầu quen nhau còn là hai đứa bé, xong cứ xa nhau một thời gian rồi gặp lại, lần thứ nhứt như hôm nay, thành hai thanh niên nam nữ, lần thứ nhì, có lẽ thành hai cụ già, và lần thứ ba, đố khỏi… thành hai hồn ma!
   Hạnh hỏi:
   - Phong vào Hải quân bao lâu rồi?
   - Mới hơn hai năm.
   - Bây giờ Phong mang đến cấp bậc gì?
   - Thủy thủ nhất thôi! Thấp nhỏ quá phải không Hạnh?
   - Lính thì ở cấp bậc nào cũng đáng nể! Phong hiện phục vụ ở đâu?
   - Phong đi tàu biển, chiếc Dương vận hạm Cam Ranh đó! Hiện giờ nó về bến Sàigòn nghỉ, sơn sửa một vài chỗ, nên tụi Phong mới có dịp lên bờ chơi đây.
   - À, chiếc Cam Ranh Hạnh có thấy, nó lớn lắm! Hải Quân mình có loại tàu nào lớn hơn nữa không Phong?
   - Không, chỉ có loại đó là lớn nhứt.
   - Đi tàu biển chắc thích lắm hở Phong?
   - Thích cũng có mà không thích cũng có.
   - Sao vậy?
  - Thích vì được đi đó đi đây. Không thích vì cứ xa nhà xa cửa xa đất liền hoài, buồn nhớ ghê lắm! Ngán nhứt là bị say sóng.
   - Ủa, mình đi lâu rồi cũng bị say sóng nữa sao?
   - Đi bao lâu cũng vậy, tới chừng gặp sóng lớn tới độ mà mình chịu không nổi, thì cũng say sóng ói mửa như thường, ói tới mật xanh, ói muốn chết được!
   - Cha! Vậy rồi làm sao chạy tàu?
   - Say sóng thì say sóng, cũng cố làm việc như thường chứ bỏ cho ai?
   Hạnh nhìn Phong ái ngại. Anh hỏi:
   - À quên nữa, Hạnh vẫn còn đi học chứ?
   - Không, Hạnh đã nghỉ học, đi “gõ đầu trẻ” được hai năm nay.
   - A! Dạy học! Nghề Phong yêu thích nhất!
   - Yêu thích cái gì? Đó là một nghề thấp kém trong thời buổi mà người ta đua nhau chạy theo tiền tài vật chất nầy.
   - Nói về phương diện vật chất, so sánh như vậy thì nghề giáo có vẻ thấp kém thật. Nhưng bàn sang giá trị tinh thần, chính vì vậy mà nó cao quí. Trong khi người ta chạy theo tiền tài vật chất, nghề giáo lại không thế, thì chẳng cao quí hay sao? Mà ai biểu Hạnh so sánh nghề mình với những nghề kém đẹp làm gì? Hãy so sánh với những nghề chân chính khác, Hạnh sẽ thấy ngay nghề giáo không thấp kém tí tẹo nào. Nó vẫn hơn nhiều nghề khác kia chứ. Rõ ràng nhất là Hạnh đã hơn Phong xa đó!
   - Phong khéo nói!
   - Chính tự nghề giáo bao giờ cũng cao quí! Thầy giáo cô giáo đánh đổi được đồng lương tương đối đã phải đổ ra biết bao công lao tâm huyết để mở mang trí óc cho đám học trò. Không ai có thể phủ nhận điều đó. Nên đối với thầy giáo cô giáo, các bậc phụ huynh vẫn luôn kính trọng, còn học trò, ngoại trừ những đứa ngỗ nghịch, lúc nào cũng nhớ ơn. Chứng minh cụ thể, nếu có ai hỏi Hạnh làm nghề gì, Hạnh trả lời “cô giáo”, thử xem người ta nhìn mình ra sao? Với ánh mắt bộc lộ rõ sự mến trọng chứ gì? Rồi, thử xét lòng, nhớ lại những thầy cô đã từng tận tụy dạy dỗ mình ngày xưa, Hạnh nghĩ thế nào? Yêu kính và khó quên ơn đấy chứ?
   - Lời Phong đúng quá! Hạnh nói vậy chứ cũng yêu nghề mình lắm, và bây giờ nghe Phong giải thích, càng yêu nghề hơn.
   Phong cười:
   - Phong chỉ biết nghĩ sao thì nói vậy, chẳng rõ có đúng không nữa. Phong không phải là thầy giáo, chưa từng sống với nghề giáo, làm sao biết cặn kẽ được nghề, nghĩ chỉ là nghĩ mà thôi! Hạnh nghe sai đừng cười nghe!... À, Hạnh hiện dạy ở đâu?
   - Ở tại Sàigòn nầy Phong à.
   - Thế cũng đỡ!... Chúa nhựt “cô giáo” hổng đi chơi đâu sao?
   - Hạnh ít đi chơi lắm, ngày nghỉ ở nhà cũng có công việc làm giải trí.
   - Làm gì?
   - May vá, thêu thùa, làm bánh…
   - Chèng ơi! Hạnh giỏi quá vậy?
   - Con gái thì phải biết chút đỉnh với người ta chứ!... Ý mải nói chuyện mà quên lửng, không đem bánh ra đãi khách!
   - Thôi Hạnh à! Khách khứa gì hổng biết nữa!
   - Ấy, để Hạnh đem bánh của chính Hạnh làm cho Phong ăn thử mà!
   Hạnh bước vào trong, lục đục một lúc bưng ra một quả bánh đuôn đầy ắp. Phong reo:
   - A! Bánh nầy ngày trước bác Tư gái cũng như má Phong vẫn hay làm đây!
   Hạnh tươi cười tiếp:
   - Và hai đứa mình vẫn hay phụ.
   - Nhưng thay vì làm ra hình con đuôn, tụi mình cứ thích nặn ra hình hoa lá, con nầy con kia đủ thứ hết!
   Đôi bạn cùng cười. Phong bốc bánh nhai, vừa nghĩ tới chuyện xưa, thú lạ:
   - Hạnh khéo ghê! Làm bánh ngon không thua hai bà già chút nào!
   Đôi bạn ăn bánh uống trà, nhắc lại bao kỷ niệm thuở ấu thơ, và kể cho nhau nghe những chuyện buồn vui sau nầy của mỗi người, vui quá! Vui nhất có lẽ là Phong. Qua một thời gian dài xa cách, giờ gặp lại, anh không ngờ Hạnh vẫn tiếp đãi mình với tình thân mật cũ. Điều lý thú cho anh hơn hết là đã tìm được ở Hạnh một sự hòa hợp không ngờ. Ra ở thành đã lâu, bề ngoài Hạnh đã “thành hóa” hẳn rồi đó. Nhưng bên trong, xem ra tâm hồn nàng vẫn giữ được bản chất hiền hậu, chân thật, giản dị của dân quê. Sống ở thành mà nàng không ưa nếp sống xa hoa hào nháng ở thành lại cứ hướng lòng về miền quê, yêu quê lắm. Chính thật con người Phong cũng vậy!
   Bánh trà gần cạn, Hạnh nói:
   - Ngoài chuyện tập làm khéo, Hạnh còn ưa trồng trọt bậy bạ nữa. Sau nhà Hạnh có một khoảng đất trống, Hạnh và ba má trồng đủ thứ. Mời Phong ra sau coi!
   Phong theo Hạnh ra phía sau, và thêm lần nữa anh được một phen thích thú. Đúng như lời Hạnh bảo, sau nhà nàng chỉ có một miếng đất nho nhỏ mà nàng và ba má đã đem trồng chật những cây trái, rau cỏ, trông vui mắt vô cùng: Hai gốc xoài tháp nầy, mấy cây mận hồng đào, một bụi chuối, một đám rau đủ loại nầy… À, trong góc kia còn có một cái chuồng gà nữa chứ! Mấy con gà đứng bên trong, thấy người, kêu cục ta cục tác om xòm, nghển cổ nhìn qua lưới kẽm, ngơ ngác đến nực cười.
   Phong nói:
   - Trông “khu vườn” của Hạnh, nhớ nhà quê, nhớ Mỹ Lồng quá!
   Hạnh hỏi:
   - Phong có hay về Mỹ Lồng không?
   - Không! Nhứt là mấy năm gần đây. Làng mất an ninh rồi, làm sao về được?
   Lặng thinh, đôi bạn hướng lòng về chốn quê xưa, mà nghe bùi ngùi trong dạ.
   “Đường về Lương Quới Mỹ Lồng,
   Tuy không xa lắm nhưng giồng khó đi”
   Xưa thì thế, nhưng bây giờ đâu phải chỉ vì giồng mà khó đi. Ôi, “bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” biết đến bao giờ những đứa con yêu của miền quê trù phú ngày nào mới có dịp trở về thưởng thức đây?
   Chuyện trò một lúc, Phong xem đồng hồ tay, bảo Hạnh:
   - Trưa rồi, Phong phải về tàu Hạnh à!
   Hạnh có vẻ lưu luyến:
   - Phong hãy ở lại dùng cơm, về chi sớm vậy!
   Phong lắc đầu:
   - Không được Hạnh! Phong cần về ngay vì sắp tới “ca” gác rồi.
   Vào nhà kiếu từ bà Tư Trực, Phong cũng được bà hết lời mời ở lại, nhưng anh phải thoái thác. Hạnh tiễn bạn ra về.
   Vừa ra tới cửa cái, Phong bỗng chạm phải một cậu bé: Trung, tay ôm kè kè một bọc giấy lớn, xăm xăm đi vào. Nhận ra Phong cậu bé reo:
   - Ý a, anh Phong! Anh tới hồi nào?
   - Tới lâu rồi, và bây giờ thì anh đi về đây. Em đi đâu nãy giờ?
   Trung chưa kịp đáp, Hạnh ngạc nhiên xen hỏi:
   - Thằng Trung cũng biết Phong nữa sao?
   Trung cười lớn:
   - Hổng biết sao được? Anh Phong là bạn em mà. Người khách em nói với chị, em dậy sớm để đón tiếp là ảnh đó!
   - Ủa! Té ra…
   Phong nói:
   - Phong quên cho Hạnh biết, sở dĩ Phong tìm tới đây được là nhờ hôm trước tình cờ gặp em Trung câu cá ngoài bến Bạch Đằng á, hai đứa làm quen, hỏi thăm ra mới biết không phải là xa lạ… Và hôm nay Phong tới thăm nhà, trước hết, cũng do lời mời của Trung đó đa!
   Trung hỏi Hạnh:
   - Chị có tiếp đãi anh Phong đàng hoàng không?
   Phong cười, đáp thế:
   - Còn phải hỏi! Chị em tốt bụng lắm, cho anh ăn bánh uống nước muốn bể cái bụng luôn!
   - Anh đừng có khen chỉ! Hồi anh chưa lại, chỉ đòi cú đầu anh nè, xách lỗ tai đét roi mây nữa nè!...
   Hạnh nạt lớn:
   - Nói bậy! Ai biểu em hổng nói rõ, làm chị tưởng thằng bé con nào bạn của em đấy chứ!
   Trung phá lên cười. Phong cười. Hạnh đang thẹn, tức mình cái thằng em liến láu, cũng phải cười. Phong nói:
   - Thôi, Phong về nghen Hạnh! Anh về nghen Trung!
   Trung níu tay anh, vùng vằng:
   - Xui quá! Em vừa về tới thì anh đã đi!
   Hạnh dặn:
   - Lần sau “đi bờ” Phong nhớ lại chơi nghe! Hạnh trông đấy!
   Phong nghìn Hạnh, nhìn Trung, rồi nhìn một lượt khắp nhà. Bỗng dưng anh thấy ở đây có cái gì ấm cúng, quen thân quá! Bước chân anh như chùng lại. Anh không muốn đi đâu nữa hết! Nhưng:
   - Đời lính không có chuyện gì dám hẹn trước Hạnh à! Biết đâu ngày mai hay là chiều nay, tàu Phong sẽ rời bến!...
   Nói đoạn, Phong ngước nhìn ra ngọn me bên kia đường. Trước mắt anh hiện rõ hình ảnh một con tàu lướt sóng đại dương, hình ảnh một thủy thủ đứng tựa boong tàu nhìn bao quát: Trời xanh bao la, biển xanh bao la, không gì khác nữa…

Thuần Giang 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 99, ra ngày 1-1-1969)
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét