Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Hoa Đêm - LÊ THỊ THÁI BÌNH


Trời sinh ra em là loài hoa trắng mong manh. Bảy tám cánh nhỏ xíu vòng quanh được nâng bởi một lá đài xanh lục, chen mình trong đám lá bóng lưỡng vì ánh mặt trời.

Đời sống em ngắn ngủi biết bao. Khi mới tượng hình em chỉ bé xíu bằng cái đầu tăm, mẹ nâng niu em trong giấc ngủ êm đềm thanh thoảng. Dòng sữa ngọt mẹ rào rạt chuyển vào em, các anh chị lá cao lời ru âu yếm.

Giấc ngủ dài bị xao động, em như thai nhi bắt đầu cựa mình trong lòng mẹ. Nhựa máu dập dồn thôi thúc, tay chân em bứt rứt chỉ muốn vẫy vùng. Sau một thoáng rùng mình thật nhanh, em bé bỏng mở mắt chào đời vào một đêm tắm đẫm ánh trăng.

Em nhún nhảy trong lòng mẹ, nở nụ cười ngây ngất vì trăng. Khi em chào đời, Thượng đế đã rải xuống trần một hương thơm ngọt lịm. A kìa, biết bao là nụ cười của loài hoa cũng đang bừng nở: trên cánh tay rườm ra của mẹ em, bao cô gái bé bỏng như em cũng đang mỉm nụ cười trắng muốt.

Má em mịn quá và tinh khiết như trăng. Mình em thơm quá và em bằng lòng với kiếp sống của mình. Nhưng hình như có một sự gì lạ lắm! Kìa, các chị lá đang cúi đầu ủ rũ, nét mặt đượm buồn. Em lắng tai nghe. Thoảng trong gió đêm có lời ai hằn học:

Thực Phẩm Làm Gầy - GÀ CỒ


Em là một người thiếu thước tấc!

Vâng! Em biết thế, biết rất rõ, kể từ ngày nhỏ em kế “cảm thấy” vượt em một cái vai không lấy gì làm cao mấy nhưng đủ làm em “mất mặt” với bà con xóm giềng. Thông cảm với nỗi đau khổ của em, chị Huyền lập tức mua ngay một đôi guốc mới, kiểu Hippy bây giờ cao nghệu và to lớn cồng kềnh. Chị tuyên bố:

- Để Hậu khỏi thua sút với “đời”!

Gớm chưa! Lời tuyên bố thật nặng nề hơn củi tạ. Em cam phận làm một con nhỏ hiền lành, không dám “chen vai thích cánh” với mọi người. Cơ khổ, vì em có muốn cũng không được, cho nên em nghĩ chệch ra một chút “nhìn lên thì chẳng bằng ai, ngó xuống chẳng ai bằng mình!”, lấy đó làm câu châm ngôn cho đời sống.

Ấy thế mà đã yên đâu, hình như Trời già chưa vừa lòng với cái tác phẩm kỳ quặc là em, “ổng” lại xui khiến làm sao cho em mắc thêm một chứng khó chữa không kém: Hơn nửa tháng nay em đã có tên trong sổ bộ “những người phải bước nhẹ khi lên cầu thang” lý do: thuộc loại nặng ký!

Em xấu hổ biết mấy mỗi khi đi học, ở đó, bọn con trai “không nên nết” cứ nhìn em tủm tỉm cười, em đọc thấy trong mắt chúng những câu chế riễu – “Ủa, bao gạo biết đi ta!” – “Dẹp đường cho xe hủ lô chạy!” v. v... và v. v... Em giữ thái độ im lặng, hơi nghiêm nghị một tí coi tụi nó chả ra ký lô gì – mà có thế thật! So với em, tụi nó chỉ là một con cóc bên một con gà…

Những Giọt Sương Ngà - TRINH HOÀNG


Tôi dựng chiếc xe đạp sát vào bức tường của tòa biệt thự, chiếc xe từ đời Bành tổ. Chắc là có vất bất cứ đâu cũng chẳng ai thèm lấy. Tuy vậy, tôi cũng khóa lại thật cẩn thận. Tôi bỗng mỉm cười khi nghĩ đến kỷ niệm vào mùa khai giảng cách đây hai năm.

Buổi sáng hôm ấy, trời trong xanh đẹp vô cùng. Gió hiu hiu thổi mát, tôi thong thả đạp chiếc xe cũ kỹ “lả lướt” trên đường Lê Lợi. Đến một quán sách quen thuộc bên lề đường tôi dừng lại, dựng “cu cậu” đứng bên một cây trụ điện, khóa lại hẳn hòi, rồi tản bộ quanh đó để mua một vài cuốn sách học cho mùa khai giảng sắp tới. Đến khi tôi trở lại “chốn cũ” thì “người xưa” đã đi đâu mất. Vâng, chiếc xe đạp của tôi không cánh mà đã bay đến… phương trời vô định nào rồi. Gia tài của tôi chỉ có độc nhất là chiếc xe đạp, thế mà nó lại bỏ tôi ra đi để tôi bơ vơ nơi “đất khách quê người”, trong túi không còn lấy một đồng về ô-tô buýt (bao nhiêu tiền bạc đã đổi lấy sách vở hết rồi). Tôi ôm mớ sách trên tay, đứng nhìn sững sờ vào cây trụ điện. Tôi có cảm tưởng như nó cũng đang nhìn lại tôi mà chế nhạo. Thôi, thế là hết!

Cổ Tích - Nhạc: NGÔ MẠNH THU

Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem (Ảnh minh họa)


Câu Chuyện Đầu Năm - PHAN KHƯƠNG THÁI


Cửa nẻo đều đóng chặt suốt mấy dãy phố. Những đầu người lố nhố từ trên lầu thì trái lại. Họ ngẩn ngơ bởi đám đánh nhau. Hình như có người té ngửa. Chính là ông Bang Trưởng Triều Châu. Cây cờ cột bó cải, xâu tiền lủng lẳng từ lầu 3 nhà ông thò ra một cách vô duyên. Lân chưa kịp ăn bạc đã phải ăn siêu đao đến tét trán. May mắn là tay múa đã trút bỏ đầu lân ra. Hai phe hỗn chiến cũng chỉ vì tranh nhau khu vực và ganh tài. Hội lân Cầu Muối xưa nay nhiều tuổi nghề, hãnh diện với chòm râu bạc cả mấy năm trường. Vùng này lân Cầu Muối độc diễn. Ông Bang Trưởng dời qua mùng hai Tết mới tiếp khách. Sáng sớm mở cửa đã thấy lân địa chào mừng, trống, chập chõa rền vang. Ôi thôi, chú lân non lạy lia lịa cầu tài. Ông Bang Trưởng cười xuề xòa hối con cháu đem cây phướn đỏ ra, tự tay ông móc phần tiền thưởng đầu tiên và có lẽ nhiều nhất. Rồi đến anh Cả, anh Hai, anh Ba, cũng vung tay cho ra vẻ hào phóng. Lũ trẻ con cột thêm bó cải bên dưới sợi dây để có trọng lực. Chúng giành cắm cờ để nhử lân và lém lỉnh chạy tuốt lên lầu ba. Cây cờ rề qua rề lại khiêu khích. Lân và địa đi chưa hết bài quyền đã gặp rắc rối. Đúng lúc lân lăn một tua để chào thì đám lân Cầu Muối ùn tới. Chắc là có người thông báo lân Phú Thọ xâm phạm quyền lợi. Lân Cầu Muối cũng trổ tài không kém gì lân Phú Thọ. Bài quyền lân Cầu Muối sử dụng huê dạng và tốn nhiều công phu hơn. Nhất là khi lân lăn tròn hai con mắt có gắn pin chớp chớp y như thật. Ông Bang Trưởng há hốc mồm, hết xoa bụng phệ lại vuốt hàm râu. Trong khi ông bàn với mấy người con xem nên treo cây tiền khác hay không thì bên ngoài hai con lân gờm nhau. Lân Cầu Muối hất chòm râu bạc tiếp tục rượt ông địa. Lân Phú Thọ bắt chước y hệt. Lân Cầu Muối cõng người múa. Lân Phú Thọ cũng cõng cho cao. Trống của đôi bên vẫn dồn dập thôi thúc từng hồi. Khán giả vỗ tay tán thưởng khác nào xúi ganh đua. Lũ trẻ vừa mới đốt một tràng pháo điếc con ráy. Phe Cầu Muối mang cột tre ra. Bốn anh bắp thịt tay cuồn cuộn giữ chặt gốc. Anh chàng múa lân đã thấm mệt. Bấy giờ mới xuất hiện tay đầu não. Anh chàng

5 Câu Chuyện Dê - QUYÊN DI



                 Năm nay là năm Đinh Mùi, năm con dê. Nhẽ ra, tôi phải viết một bài với cái tựa đề                           là : “Năm Dê nói chuyện dê” cũng như người ta vẫn thường viết : “Năm gà nói                                  chuyện gà, năm vịt nói chuyện vịt” (Quên, xin lỗi! Không có năm vịt). Nhưng tôi thiết                          nghĩ cái loại bài đó nó “cổ lổ” quá rồi, mà độc giả Tuổi Hoa thì lại toàn là những bậc                        thiếu niên anh tuấn, học lực uyên bác, triết lý cao siêu nên năm nay, tôi xin cống hiến                          các bạn 5 câu chuyện có liên qua xa gần tới loài Dê, gọi là : Đầu Xuân kể truyện tầm                           phào cho vui!


Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Bé Đi Chúc Tết - HOÀNG NGỌC THÚY


Bé Tu nhìn bóng bé trong gương. Mái tóc cột thành hai bím nhỏ có thắt nơ vàng, trông tựa hai cánh bướm đang nhởn nhơ như muốn hôn đôi gò má hồng hồng bầu bĩnh của cô bé. Bé khẽ mỉm cười. Trông bé lớn hơn “năm ngoái” chứ lỵ. Mà đẹp hơn nữa cơ. Giống cô bé Hồng Nhung trong truyện cổ tích chi lạ.

- Mau lên chứ bé! Sao diện quá vậy?

Bé quay lại nhìn. Cò mỉm cười chế diễu:

- Chao ơi! Bé Tu hôm nay xinh quá!

Cò trông cũng “oai” ra gì đấy chứ. Cu cậu mặc chiếc quần sọt màu xanh nước biển, bên trong là chiếc sơ mi trắng ủi thật thẳng nếp. Đầu chải rẽ, đường ngôi thẳng băng cứ y như là đường rầy xe lửa ý. Hôm nay bé Tu mặc áo dài trắng cơ, có thêu vài cánh lá non màu xanh nữa chứ! Hai bé đã sửa soạn xong xuôi nắm tay nhau dắt ra trước, lễ phép thưa ba me:

- Thưa ba me, cho hai con đi chúc Tết các anh chị trong ban biên tập Tuổi Hoa ạ.

Ba bảo:

- Ừ! Các con đi đi, nhưng sao không ăn điểm tâm đã.

Cò thưa:

- Thưa ba, đến nhà các anh chị tha hồ mà ăn ạ.

Hai đứa bước ra cửa, me còn dặn vói theo:

- Đi cho khéo chứ xe cộ ba ngày Tết đông lắm nha các con!

- Dạ.

Hai bé nhảy cỡn lên vui mừng như đôi chim non. Ra đến đầu ngõ thì gặp ngay bé Hồng Diễm. Diễm hẹn đúng giờ ghê cơ. Thế mới xứng đáng là một cô bé gương mẫu trong Đồng Cỏ Non chứ lỵ. Hôm nay, Diễm mặc áo đầm thật mới, cũng màu trắng và có thêu hoa hồng.

Diễm hỏi:

- Mình đi đâu trước hở các “đằng ấy”?

Cò lên giọng kẻ cả:

- Đến nhà anh Cả trước chứ đi đâu nữa.

Thế là các bé đi dọc theo con đường Trương Minh Giảng rồi rẽ vào Kỳ Đồng. Trời hãy còn sớm nên đường phố rất ít người qua lại. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những tà áo dài phất phơ, bên cạnh những bộ veston tề chỉnh. Có lẽ họ đi Chùa, hay đi nhà thờ, chứ mồng một ít ai đi thăm họ hàng.

Chẳng mấy chốc, ngôi nhà anh Trường Sơn đã hiện ra trước mặt các bé. Từ ngoài đường nhìn vào, Cò thấy ngay một cây hoàng mai, nở đầy hoa vàng, lung linh trước làn gió Xuân mát dịu. Mải mê đứng ngắm, bỗng tiếng bé Tu làm Cò giật mình:

- Nhận chuông đi chứ anh Cò.

Cò nhón chân, đặt tay vào nút điện ấn nhẹ một cái. Tiếng “reng reng” từ trong vang lên nho nhỏ. Chị Bích Thủy trong chiếc áo dài Việt Nam màu cà phê sữa, bước ra vui vẻ chào các bé. Bé Tu reo trước nhất:

- Chào chị Cả ạ.

Chị mở cửa rồi bảo các bé vào nhà. Căn phòng trang hoàng đẹp đẽ hơn mọi hôm. Trên chiếc tủ sách, những cành hoa đào Đà lạt cắn đôi môi đỏ thắm, e lệ nhìn các bé. Tường vôi mới quét màu xanh lá chuối non có đặt một vài bức tranh phong cảnh của họa sĩ Vi Vi vào đó trông nổi bật hẳn lên. Giữa phòng là một chiếc bàn tròn đầy bánh mứt và hạt dưa. Chung quanh bàn, các anh Trường Sơn, Khôi Việt, Vũ Chinh và chị Bạch Liên đang trò chuyện. Thấy các bé vô, mọi người cất tiếng cười vui vẻ:

- Ồ! Các bé cưng đi chúc Tết đấy à? Ngoan quá nhỉ! Trông bé nào cũng xinh và lớn hẳn lên cơ.

Anh Trường Sơn bảo:

- Ngồi vào ghế đi các bé!

Cò còn đứng do dự, chưa dám ngồi thì bé Hồng Diễm đã bảo:

- Cò chúc Tết đi chứ!

Eo ơi! Từ bé đến giờ Cò có làm công việc này bao giờ đâu, thế mà hai cô bé này lại “chơi khôn” dồn Cò vào chỗ bí. Cò đỏ mặt… còn hơn ông mặt trời vào những ngày nắng gắt mùa hạ nữa cơ. Quay mặt về phía anh Trường Sơn và chị Bích Thủy, lắp bắp mãi Cò mới thốt nên lời:

- Năm mới đến, các bé xin chúc anh chị được… bách niên giai lão (Ấy, bé bắt chước ba me đấy nhé!) để chăm lo cho tờ Tuổi Hoa mỗi ngày mỗi hay mỗi đẹp.

Bé Hồng Diễm chúc thêm:

- Riêng chị Cả phải viết nhiều nhiều một tí chứ cứ để các anh ấy lấn đất hoài, bé hổng thèm đâu.

Chị Bích Thủy bẹo má cô bé Diễm rồi mắng yêu:

- Gớm! Cô khéo nịnh chị lắm nhé! Chị còn phải lo cho các “nhóc tì” của chị nữa chứ!

Những giọng cười chợt vang lên như những tràng pháo. Khi sự im lặng trở lại, Cò quay về phía bộ ba Khôi, Việt, Bạch Liên, chúc tiếp:

- Năm mới đến (lại năm mới đến) các bé xin chúc các anh chị được…

Cò nhíu mày suy nghĩ:

- Được… được… được gì nhỉ? Bé quên mất rồi, để bé nghĩ một tí đã nhé!

Mọi người lại được dịp cười xòa. Cò mắc cỡ ngoảnh mặt ra sau. Bé Tu lên tiếng:

- Thôi để bé chúc tiếp cho nha! Bé chúc các anh chị khám phá ra được nhiều kho tàng bí mật để làm giàu cho nước Việt mến yêu. Riêng chị Bạch Liên phải trổ tài trinh thám cho thật cừ để các anh chị độc giả Tuổi Hoa lác mắt chơi!

Khôi, Việt vỗ tay bôm bốp. Vũ Chinh cũng vỗ theo. Bạch Liên mỉm cười:

- Chị không ngờ bé Tu của chị hôm nay ăn nói hay ghê. Được rồi, chị sẽ thưởng cho bé một món quà đặc biệt nha!

Bạch Liên đi lại tủ sách lấy một chiếc hộp có bao giấy hồng và buộc nơ vàng thật đẹp, đặt vào tay bé Tu. Tu lí nhí cám ơn. Khôi cũng bước lại tủ kính mang một chiếc hộp khác đặt vào tay Hồng diễm.

- Còn anh cho cưng cái này nhé!

Riêng Cò chẳng có gì cả. Cu cậu đứng buồn thiu trông thật thảm thương. Nhưng Việt đã “bợ” một chiếc hộp khác to hơn, đi về phía cậu bé:

- Đây, quà của Cò đây.

Cò liếc nhìn bé Tu và bé Hồng Diễm như ngầm bảo “Cò cũng có quà như ai chớ bộ”. Nét mặt Cò lúc ấy tươi hơn lúc nào hết.

Rồi Cò xoay qua anh Vũ Chinh:

- Năm mới, bé chúc anh sáng tác thật hăng nhé!

Nghe xong, anh Cả lên tiếng:

- Thôi bây giờ, anh xin thay mặt tất cả các anh chị ở đây để chúc các bé một năm mới vui vẻ, ngoan ngoãn, học hành tiến bộ. Riêng Cò năm mới… bớt nghịch ngợm. Bé Tu với bé Hồng Diễm thì không được đòi quà anh Vi và anh Trinh nữa!

Các bé “dạ” rõ to. Chị Bích Thủy lên tiếng:

- Thôi mời anh Cả, các em và các bé ngồi xuống dùng miếng mứt đầu năm cho vui.

Tất cả ngồi xuống ghế! Bạch Liên chợt nghĩ đến hộp mứt ngũ vị của chị Bích Thủy năm ngoái bị các bé của chị ấy “cất kỹ… vào bụng” và suýt nữa các bé được ăn bánh canh roi no nê, mà mỉm cười một mình, rồi khôi hài:

- Em thích ăn hộp mứt ngũ vị cơ.

Mọi người cười theo. Một bầu không khí vui tươi hồn nhiên tỏa khắp gian phòng. Tia nắng ấm len lén chạy vào cửa sổ, đùa giỡn với những cánh hoa đào trên tủ sách. Nàng gió Xuân chơi trò ú tim trong những làn tóc xanh non của các bé một cách thú vị.

*

Rời khỏi nhà anh Trường Sơn, các bé đi dọc theo đường Kỳ Đồng đến nhà bác chủ nhiệm và chú quản lý. Nhưng chẳng có ai ở nhà hết. Uổng ghê! Nếu không các bé lại được một phen lì xì nữa rồi. Nhưng cũng may là có chị Hồng Hạnh ở đó. Chị đang lúi húi làm việc ở bàn viết, thấy các bé đến, chị vui vẻ mỉm cười:

- Các bé đi thăm bác chủ nhiệm với chú quản lý phải không?

Bé Hồng Diễm “nịnh đầm”:

- Các bé còn thăm chị nữa chứ bộ.

Chị Hạnh “chun” mũi”

- Gớm! Cô “tâm lý” quá thôi.

Tu hỏi:

- Chị đang làm gì đấy?

- Chị đang ghi tên các anh chị vào gia đình Tuổi Hoa đây.

- Chị siêng quá nhỉ? Tết nhứt mà cũng làm việc.

Cò chúc luôn:

- Sang năm mới bé chúc chị rảnh rang hơn nhé!

Rồi các bé xin phép “cáo lui” sau khi đã nhờ chị Hanh chuyển lời Chúc Tết của các bé đến bác chủ nhiệm và chú quản lý.

Ra khỏi tòa soạn, định lại chị Tỉ Tỉ, các bé bỗng nghe có tiếng gọi:

- Các bé trong Đồng Cỏ Non đó hỉ?

Quay lại nhìn các bé bỗng gặp chị Tỉ Tỉ. Cò reo lên:

- Dạ, bọn em đây chị!

Chị hỏi bằng giọng Huế nghe êm tai chi lạ!

- Các bé đi mô rứa hỉ?

Bé Hồng Diễm chợt nhớ ra là bé đã học được một vài tiếng Huế do chị Kim Dao Phương truyền lại, trong kỳ nghỉ hè năm ngoái, bèn đem ra “xổ”:

- Bé định lại mừng tuổi chị a tề.

Chả biết bé nói có đúng giọng Huế một trăm phần trăm không mà chị Tỉ Tỉ khoái chí mỉm cười. Riêng Cò và bé Tu thì phục cô bé này ghê lắm. Rồi Diễm thao thao bất tuyệt:

- Chừ thì thôi. Gặp ri cũng được rồi hỉ? Năm mới bé chúc anh chị hạnh phúc đời đời, riêng chị sáng tác cho nhiều hỉ! Hồi ở ngoài nớ, chị viết hăng ghê! Chứ vô trong ni, răng chị viết ít chi lạ. Ờ! Mà chị nhớ chuyển lời bé đến anh nớ với hỉ?

Chị Tỉ Tỉ chúc lại các bé rồi lì xì mỗi bé một bịch kẹo cau, ngon tuyệt có kèm theo một phong giấy đỏ “bí mật” nữa chứ! Xong, các bé từ giã chị Tỉ Tỉ… lên đường đến nhà anh Quyên Di, đường Phan Thanh Giản.

Anh Quyên Di đang ở trên lầu. Thấy các bé đến, cô bé Minh Nguyệt vội chạy lên gọi anh ơi ới! Thì ra anh đang chơi harmonica, nghe nói có khách anh vừa cầm chiếc kèn vừa chạy xuống thang lầu rồi bảo:
- Tưởng ai, té ra các nhóc tì của Đồng Cỏ Non.

Bé Tu làm nũng:

- Anh không tiếp các bé hả? Bé hổng thèm đâu, đi về cho xem!

Anh bèn xuống nước năn nỉ:

- Ối! Các bé nhõng nhẽo quá giống anh Trinh Chí… mấy năm trước ghê! Thảo nào chả làm em của anh ấy!

Cò “dọa”:

- Anh nói xấu anh Trinh hả? Được rồi, bé sẽ mách lại với anh ấy cho xem!

- Đùa một tí mà! Thôi cho anh xin đi. Anh em các người làm nũng thì chắc là anh phải… tốn tiền xí muội đấy!

Bé Hồng Diễm lên tiếng:

- Bây giờ anh phải thổi đền cho các bé một bản nhạc xuân bằng harmonica cơ.

Anh Quyên Di đành phải nhượng bộ các bé:

- Được rồi, nhưng các bé ngồi vào ghế đàng hoàng đã chứ!

Khi các bé đã an tọa thì tiếng harmonica của anh Quyên Di cũng bắt đầu vang lên những âm điệu trầm bổng, êm ái làm sao! Các bé thật không ngờ ngoài biệt tài làm thơ và viết cho tuổi trăng tròn, anh Quyên Di lại kiêm luôn nghề thổi harmonica nữa chứ!

Sau khi đã chúc tụng xong xuôi (ủa quên! Bé chỉ chúc anh Quyên làm thơ hay, viết cho tuổi trăng tròn càng ngày càng hấp dẫn chứ có “tụng” gì đâu nào) và được mấy bịch lì xì đo đỏ, thì các bé kéo bộ lại nhà cô Minh Quân cũng gần đấy thôi.

Đến nơi gặp chị Thu và cu Vũ đang ngồi chơi cờ cá ngựa ở trước hiên nhà, Diễm hỏi chị Thu:

- Có cô Minh Quân ở nhà không hở chị?

Vũ nhanh nhẩu đáp:

- Có, để Vũ chạy vô gọi mẹ Vũ ra nhé!

Vũ đi rồi, Cò hỏi chị Thu:

- Cô Minh đang làm gì trong đó hở chị? Các bé đến làm phiền cô quá!

Vừa lúc ấy thì cô Minh đã bước ra, mỉm cười với các bé:

- Vào chơi đi các bé, cô vừa khai bút xong.

Cò thắc mắc:

- Khai bút là gì hở cô?

- Là viết vào ngày đầu năm đó cháu! Năm nào cô cũng viết ít nhất là một tiếng đồng hồ. Cô còn bắt chị Thu và cu Vũ viết nữa cơ. Nhưng chỉ viết chừng nửa tiếng thôi!

- Hay nhỉ! Được rồi, chốc nữa về cháu cũng khai bút cho vui.

Bé Diễm chế diễu:

- Cò có biết làm thơ viết truyện đâu mà cũng khai bút.

Nhưng cô Minh đã bảo:

- Vũ nó cũng đâu có biết viết truyện. Chép bài hay làm toán cũng là một cách khai bút các cháu ạ.

Bé Tu xen vào:

- Vậy mình cũng khai bút Diễm nhé!

Sau khi đã chúc cô Minh được nhiều may mắn trong năm tới, nhất là không bị tài xế lý tưởng Suzuki (tức chị Thu đấy)… đánh rơi như năm ngoái nữa, các bé bèn thẳng tiến đến nhà anh Hoàng Đăng cấp ở đường Nguyễn Thiện Thuật.

Anh ấy đang say sưa đọc một cuốn sách, bên cạnh là một chồng bài học trò cao nghệu, chỉ nhìn thôi các bé đã rùng mình rồi.

Các bé tiến vào cửa lúc nào anh Hoàng cũng chẳng hay, đến lúc ngước mặt lên, chợt thấy các bé, anh ấy mới… ra lệnh:

- Vào đi các bé! Đến lâu chưa? Anh mải mê công việc chẳng hay biết gì cả.

Cò đáp:

- Các bé đến cũng lâu rồi, nhưng thấy anh bận nên không dám gọi.

Anh dắt các bé vào, rồi gọi người nhà đem mứt bánh ra dọn. Cò lần này có vẻ dạn dĩ hơn, đứng dậy chúc:

- Năm mới bé chúc anh phát minh nhiều điều mới lạ trong lãnh vực khoa học và giải đáp thắc mắc thật “chì” để các anh chị trong gia đình Tuổi Hoa “nể” chơi.

Anh Hoàng khiêm nhượng:

- Anh chỉ biết cố gắng giải đáp thôi chứ có phát minh gì đâu nào!

Nhưng anh Hoàng nói tiếp ngay:

- À! Anh cũng có phát minh chứ!

Thấy các bé trố mắt nhìn, anh Hoàng cười mỉm chi:

- Phát minh của anh là một chất Hóa học có ký hiệu Th, chất này thuộc về ngoại hạng không có ở trong bảng phân hạng tuần hoàn các nguyên tố.

Cò liến thoắng hỏi:

- Th là chất gì hở anh? Ở đâu có vậy anh?

Ngó Cò, anh Hoàng lại cười:

- Chất Th là chất Tuổi Hoa ở trạng thái thiên nhiên, khắp nơi đều có như Huế, Đà Nẵng, Sài gòn, Cà mau v.v… Chất này quan trọng lắm, anh đang nghiên cứu các đồng vị, tính chất vật lý, hóa học của nó. Ngoài ra anh còn đang tìm phương pháp điều chế và công dụng của nó nữa.

Rồi anh lấy trong tủ sách ra ba quyển dịch cuốn “Người Việt cao quí”… lì xì cho mỗi bé một quyển. Thật là ông giáo sư có khác. Lúc nào cũng sách với vở không hà!

Các bé bèn đón taxi “dông” về Thị Nghè, đến nhà anh Trinh Chí. Chả thấy ảnh đâu cả. Em gái anh ấy đang đứng trước bàn sửa lại mấy cành mai vàng cắm trong lọ sứ. Bé Hồng Diễm reo lên trước tiên:

- Chào chị Thúy ạ!
Thúy ngước mắt ra nhìn:

- Chào các bé… Cỏ non!

Không đợi chị mời, các bé đã bước vào:

- Anh Trinh đâu hả chị?

- Anh ấy bận trả lời thư cho các bé trong Đồng Cỏ Non đấy.

- Chị đừng nói nhé! Để… hiệp sĩ Cò vô “hù” anh Trinh chơi!

Nhưng Cò chưa vào, thì anh ấy đã bước ra cười vui vẻ:

- Còn lâu Cò mới hù anh được!

Bé Hồng Diễm mở lời chúc Tết:

- Năm mới bé chúc anh Cai Đồng Cỏ Non của các bé mập thêm một tí để… trả lời thư cho các bé thật nhiều, chứ các bé trong đồng cứ than anh Trinh chậm thư hoài à.

Sau khi được chị Thúy đãi một “chầu” dưa hấu, các bé lên đường đến nhà anh Vi Vi, ở mãi tận Gia Định cơ – gần trường Cao đẳng Mỹ thuật đấy mà.

Chao ơi! Cái anh họa sĩ này sao mà “nghệ sĩ” ghê cơ. Tóc dài đến ót vẫn không chịu hớt, năm ngoái Táo Quân lên trình Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng có “xuống chiếu” ra lệnh cắt ngắn mà anh ấy vẫn tỉnh bơ hà.

Các bé vào đến cửa, một chú chó ra sủa gâu gâu. Cò toan co giò chạy thì anh Vi Vi đã ra đến cửa bảo:

- Không sao đâu các bé, nó hiền lắm đó. Hiệp sĩ gì mà thỏ đế quá vậy.

Rồi anh dắt các bé vào nhà. Cò than:

- Chú chó của anh làm bé sợ bắt đói bụng luôn anh Vi ơi!

- Anh đền cho các bé… bánh tét nhân mây nhé!

Các bé nhao nhao phản đối:

- Xí! Bé hổng thèm đâu.

- Chứ cái chi bây giờ?

- Bánh tét nhân thịt cơ.

Thế là anh Vi phải “thân chinh” xuống bếp cắt bánh để thết các bé. Nói nhỏ với các bạn nha : Anh Vi ngoài tài vẽ vời hoa lá, anh còn là một cây “nội trợ” đấy. Giỏi chưa?

Khi ăn uống no nê rồi, các bé mới bắt đầu chúc Tết:

- Năm mới đến, các bé chúc anh chị (ủa quên, anh Vi thôi chứ!) vẽ hay vẽ đẹp gấp năm gấp mười năm qua và được giải thưởng đều đều để khao kem các bé ăn với nha!

- Khôn hén!

Nói rồi anh “âm thầm” móc trong túi quần ra một phong pháo, châm ngòi đốt. Tiếng nổ tạch đùng vang lên, những mảnh giấy vụn tung tóe đầy nhà. Bé Tu và bé Hồng Diễm bịt tai nhắm mắt lại. Cò khoái chí vỗ tay bôm bốp như muốn làm cho niềm vui lớn rộng thêm lên. Anh Vi nhìn các bé mỉm cười trong ánh nắng xuân hồng mát dịu.

HOÀNG NGỌC THÚY

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Mậu Thân, 1968)

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Ráp Xe Đạp - HÀ ĐÔNG


(Về Như Mai, Thanh Hồng)

Đã khuya lắm rồi, tiếng gió xào xạc đùa qua hàng cây trong vườn dưới vòm trời sáng mờ ánh trăng hạ tuần trông như những bóng người khổng lồ, tiếng ểnh ương nghe rõ mồn một trong đêm vắng, tiếng xe máy vụt qua phá tan khung trời tĩnh mịch ban đêm ở xóm nhỏ. Trong sân, bố đang cặm cụi ráp cho xong chiếc xe đạp. Hà ngồi bên cạnh để tiếp dụng cụ cho bố. Hà không khỏi lúng túng, ngỡ ngàng trước những từ ngữ mới lạ mà cô bé chưa từng thấy cũng như chưa từng nghe:

- Lấy cho bố cái mỏ lết số 10.

Hà vội đưa tay lục lọi trong đám đồ phụ tùng mà chẳng biết cái mỏ lết là gì, lại còn số 10 nữa chứ! Khổ thật, đã cận thị làm sao nhìn thấy rõ khi không đeo cái “mục kỉnh”. Hà dí sát mắt vào đống đồ nghề kiếm bóng dáng con số 10 và nghĩ nếu kiếm ra cái số 10 thì chắc đó là cái mỏ lết. Nhưng quái, nó đâu nhỉ? Lòng con bé đâm lo sợ bố la thì chết. Bố đã nói:

- Đấy, đấy! Ở ngay dưới tay con ấy! Không, tay kia kìa…

PHÁO – Biểu hiệu của những cái Tết thanh bình - THIẾU NHI XUÂN ẤT MÃO 1975

• Ngày xưa, Tết mà không có pháo thì không còn gọi là Tết.

• Có bao nhiêu loại pháo?

 • Nghề làm pháo cổ truyền.

Không biết đã từ bao nhiêu lâu rồi, người Á Đông, phần đông là người Trung Hoa và Việt Nam đều tin tưởng rằng pháo có khả năng trừ tà, đuổi ma quỉ. Bởi vậy, đêm trừ tịch người ta đốt pháo. Riết rồi tiếng pháo trở thành biểu hiệu của mùa xuân.

Trong bụi mưa xuân, mùi thuốc pháo thơm lừng, khói xanh bay tản mạn, giấy hồng của xác pháo phủ kín trước hè, ngoài ngõ, hỏi lòng ai không cảm thấy tưng bừng rộn rã. Vì thế, ngày xưa cứ mỗi năm tết đến, không đâu là không nghe thấy có tiếng pháo. Pháo bắt đầu nổ từ chiều ba mươi, rộn rã tưng bừng nhất vào lúc giao thừa và sáng mồng một, rồi kéo dài tới mồng bẩy hạ cây nêu. Trong những ngày tết, khách đến thăm nhà ai đã châm ngòi pháo ngay từ ngoài ngõ. Chủ nhà cũng đáp lễ bằng một bánh pháo treo trước cửa nhà. Khách càng quí, bánh pháo càng dài, nổ càng lâu, rồi trong làn khói xanh mờ mịt, những câu chúc tụng cất lên rộn rã vang lừng. 

Những Viên Pháo - DUY NGUYÊN


Khi mà những cây ô môi nở hoa hồng cả một vùng trời, đó là mùa đông đã trở về. Làng tôi có nhiều cây này. Tôi không thích ăn ô môi, trái gì mà đắng đắng chát chát lại đen sì. Chỉ có mấy cái hột ăn tạm được, bùi bùi. Tuy nhiên, màu hoa làm tôi rưng rưng buồn gì đâu. Buổi trưa nằm võng ngó mông lên cây chở đầy màu hồng phấn. Gió nhẹ thổi qua, cánh hoa cùng những bụi phấn rơi lả tả. Trưa nắng mùa đông hanh vàng yếu ớt, nằm nhìn hoa đầy cánh, bầu trời mù đục. Thuở nhỏ tôi đã biết bâng khuâng sớm với loài cây tầm thường đó. Bởi vì hoa nở vào mùa lạnh, không khí thơm mùi lúa mới và gió chướng ngập trời. Từ đó, tôi biết mùa lạnh đang về. Những ngày giáp Tết thần tiên của tuổi thơ đang chờ đón.

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Chiếc Xe Thổ Mộ (PHẦN I) - BÍCH THỦY



Truyện của BÍCH THỦY
Loại hoa xanh
Tủ sách Tuổi Hoa - 1968

Chú Thỏ Đế - BÍCH THỦY

Sưu tầm và scan hình bìa : Đinh Thanh Nguyện


Truyện của BÍCH THỦY
Loại hoa xanh
Tủ sách Tuổi Hoa - 1967



Mùa Xuân Như Nắng - TRẦM VI

Bây giờ mùa mưa đã qua. Nắng bắt đầu lên từ sáng sớm. Những giọt nắng vàng trải xuống lá cây, nhuộm thắm cả vùng không gian trước mặt. Dù vậy, trời hãy còn phảng phất lạnh.

Ngỗng mặc áo len đỏ, ngồi ở ngưỡng cửa chơi với con búp bê dì Ngỗng mua cho. Mẹ phơi áo quần lên dây thép. Những mùng, màn, áo len, áo cụt, đồ ngủ của Ngỗng. Thỉnh thoảng mẹ dừng tay sau khi vắt khô một cái áo để nhìn Ngỗng mỉm cười và nhắc nhở cô bé:

- Nào, Ngỗng ngoan nào, đừng bốc cát bỏ miệng chứ. Cưng nhơ quá hà.

Ngỗng toét miệng cười và nhớm mình định bò xuống thềm cấp ra với mẹ, nhưng mẹ đã hét lên âu yếm:

- Ngoan nào cưng, ngồi đó rồi mẹ vào.

Ngỗng loay hoay ngồi xuống chỗ cũ. Tôi bật cười khanh khách. Vất lát cà rốt cuối cùng vào thau nước, tôi đến bên Ngỗng. Với bàn tay ướt tôi áp vào má Ngỗng. Cô bé chun cổ lại và nhăn mặt.

- Nào, lên dì bế. Ngỗng tìm giun đấy hở?

Cô bé hồng và ù như củ cà rốt Đà lạt. Tôi nói điều này cho chị N. nghe, chị cười bảo:

- Cô bao giờ thì cũng cà rốt, su, cải. Năm nay lại làm dưa món, làm hành dầm dấm. Cứ làm, không ai ăn hết rồi đổ. Thật phí của trời.

- Chị nói vậy chứ không có thì cũng buồn. Với lại em biết làm chi cho hết ngày.

- Thì đi chơi, thì dạo phố.

- Đi đâu cũng không bằng ngồi tỉa su, tỉa cải bên Ngỗng, bên chị.

Tôi không nghe chị trả lời. Có lẽ chị cảm động chăng? Nhưng Ngỗng đã trả lời thay mẹ bằng những tiếng bập bẹ:

- … Dì, dì… bánh.

Ngỗng đưa ngón tay bé nhỏ, mũm mĩm chỉ về phía bàn ăn. Tôi đun tay cô bé vào miệng và cắn nhẹ. Ngỗng la lên, rồi rươm rướm khóc. Tôi cứ thích cắn ngón tay mũm mĩm này, ngắt vào đôi má bầu bĩnh kia, hôn lên đôi mắt đen láy và ngây thơ của Ngỗng. Chị N. cứ bảo:

- Thôi cô đem về mà nuôi, cho cô đấy.

- Phải, cho cô đấy rồi ngồi mà khóc. Nhưng dì nghèo quá Ngỗng à, ở với dì Ngỗng chỉ được ăn toàn rau dưa không.

Chị N. thêm:

- Hôm nào dì làm biếng dì cho cháu ăn chè.

Tôi cười chữa thẹn:

- Chớ sao.

Tôi vẫn có cái tật hôm nào làm biếng nấu cơm quá thì chỉ ăn chè qua bữa. Chị N. vẫn chế nhạo tôi về điều này. Tôi rời Ngỗng sau khi dúi vào tay cô bé con búp bê nằm lăn lóc dưới thềm.

- Bánh của bé đây, cầm chơi dì đi làm việc.

Tôi vớt những lát cà rốt đỏ hồng, những miếng củ cải trắng nõn, những miếng su xanh mát mắt ra thau men trắng, rửa sạch rồi bỏ vào sàn phơi. Nắng ấm và vàng ngọt ngào trông đến thích. Chẳng bù với những ngày vừa qua. Ngay khi tôi vừa đặt chân xuống máy bay, tôi đã mang cảm tưởng như mình đang đi vào một xứ sương mù ẩm ướt, mưa và gió. Lạnh đến rùng mình. Lạnh đến co ro, tê buốt. Trời thì thấp chùng như muốn rớt hẳn xuống trần gian những đám bông mây màu chì buồn bã. Bao nhiêu vui như mất đi từ đó. Như khêu lên một ngọn bấc sắp tàn cho cháy bùng lại những sầu đau nào đã một lần đi qua.

Tôi lúc ấy chỉ nghĩ đến Ngỗng, nghĩ đến chị N. Nghĩ đến nỗi vui mừng bừng sáng trong đôi mắt của chị. Những ngày xa vắng, những ngày buồn bã sẽ không còn. Chúng tôi có nhau sau những ngày dài đằng đẵng mất nhau. Chỉ nghĩ chừng đó tôi cũng đủ thấy lòng ấm áp lẫn rưng rưng. Những thứ tình cảm mâu thuẫn quyện lẫn vào nhau trong cùng một lúc. Nhưng tôi chẳng có đủ sâu sắc để tìm hiểu xem tại sao như thế.

Nhớ đến cảnh chị N. bế Ngỗng đứng ở sân ga. Trời mưa bay bay. Chị N. mặc manteau màu xanh, điểm lác đác những chấm trắng nhỏ như tuyết rơi. Ngỗng đội mũ len màu đỏ rượu chát. Áo len màu đỏ hoa hồng và giày len cũng cùng màu sắc ấy. Ngỗng không nhận ra tôi. Nhưng khi hai chị em ôm choàng lấy nhau gần muốn bật khóc, thì Ngỗng cứ mở mắt tròn như bi ve nhìn tôi không chớp. Tôi hôn tới tấp lên khuôn mặt bầu bĩnh của cô bé, và nói để ngăn con thác đang âm thầm muốn đổ trong mắt:

- Trời ơi, lạnh rét thế này chị đi đón làm gì.

Mắt chị đỏ hoe, nhưng chị cười:

- Ở nhà sốt ruột quá, không làm gì được. Với lại thích nhìn cảnh Th. Từ trên xe “ca” bước xuống.

Tôi tát khẽ vào má Ngỗng nhưng nói với chị:

- Tội Ngỗng quá, lạnh rét thế mà chị cũng đem theo. Lần sau về không báo tin trước nữa. Chị đứng đây chờ em lấy valise xong rồi về.

Buổi chiều ấy đã qua. Trời cũng đã dứt mưa từ hai ngày sau. Nắng đã lên và ấm như thứ hạnh phúc nồng nàn của ngày gặp gỡ.

Tôi sắp rời những miếng củ cải, những củ hành củ tỏi trên sàn, và nói thầm trong trí : - Nếu không có chúng mày ta biết làm gì cho hết ngày giờ.

Dù sao, nỗi quạnh hiu cũng còn đâu đó và chực xâm chiếm lấy hồn tôi. Nhưng tôi đã nhủ với mình phải cố vui cho trọn vẹn những ngày ngắn ngủi này bên chị N. và Ngỗng. Nhà ít người quá, nên đôi lúc không thể không buồn, không nhớ đến những thiếu thốn trong đời mình. Hạnh phúc gia đình thì mong manh, nhưng cần thiết. Nên tôi hiểu, vật chất không bao giờ là tất cả.

Ngỗng ôm lấy chân tôi bao giờ không hay. Tôi bế xốc cô bé lên hỏi:

- Mẹ đâu rồi nhóc?

- … Cơm…

- À mẹ làm cơm hở. Để vào xem mẹ làm gì nào?

Tôi bế Ngỗng vào nhà bếp. Mùi tỏi chiên tỏa khắp căn phòng nhỏ.

- Đậu xào này, cá thu chiên này, canh rau muống này. Nhất rồi còn gì.

- Mai dì có siêng năng thì nấu xúp légume cho Ngỗng ăn.

Chị N. vừa nhắc cơm xuống vừa nói. Tôi hôn vào mắt cô bé sau mỗi câu nói.

- Mai dì nấu nouille cưng ăn, nấu xúp hành cưng thời, nấu choux facis cưng xơi.

Ngỗng cười dòn tan. Tôi nói nhỏ vào tai chị như sợ Ngỗng nghe:

- Ngỗng cười dòn như cá thu chị chiên.

Chị phát vào lưng tôi một cái:

- Đồ quỷ, ngạo tôi đó hở?


*


Bây giờ hương trầm nghi ngút. Hai chân đèn sáng loáng cắm hai ngọn đèn đỏ lớn. Bộ lư cũng được chùi và đánh bóng kỹ lưỡng. Hương trầm ngào ngạt lan theo những làn khói lam mỏng. Nải chuối ươm vàng xếp đều đặn từng trái. Vài trái cam, táo, măng cụt được sắp chồng lên. Những thẩu mứt, những đĩa bánh cũng được xếp lên bàn thờ.

Phòng khách sạch sẽ, bao nệm xanh vừa được thay hôm qua. Những bức màn của chị N. đã thay trước một tuần. Bình hoa hồng còn nụ vừa được cắt ngoài vườn thật tươi tắn trên bàn.

Tôi còn lại một mình nơi đây, chị N. bỏ đi đâu vào phòng. Ngỗng từ đầu hôm đã đi ngủ. Mười hai giờ rồi, Giao Thừa đã đến, nhưng năm nay không được đốt pháo. Tôi nghĩ cũng buồn cười. Thời khắc nào trôi qua cũng giống nhau, mà tự ý người gán cho nó một ý nghĩa nên nó trở thành khác. Như giây phút chừ đây tôi không đừng không thấy quạnh hiu quanh mình. Những ngày Tết năm xưa thà đừng có, để một ngày như hôm nay, tôi không phải so sánh ngầm và hờn tủi. Bây giờ gia đình phân tán mỗi người một nơi. Mỗi người có riêng một cuộc đời. Hoàn cảnh đẩy xa nhau những thân tình và tạo nên những khoảng cách, những trống vắng.
Có vài tiếng động nhẹ từ phòng trong đưa ra. Tôi nói lớn:

- Mười hai giờ đúng rồi chị N. mình cúng chứ gì nữa.

Tôi bỗng lặng người khi không nghe tiếng chị N. đáp lại. Cái gì rồi đây? Không, tôi kêu thầm với chính mình như mong tìm lấy ở mình can đảm. Không thể khóc giữa lúc này. Không thể buồn bã lúc này. Tôi rón rén đi vào. Chị N. đang ngồi bên Ngỗng và úp mặt vào bàn tay. Biển sóng như trào đầy trong lòng, như vật vã muốn hất tung một bờ cát chận ngăn để lan khắp cùng trời đất. Tôi cắn môi ngăn giữ.

- Trời ơi, làm gì kỳ vậy? Ra đây đi “bà” ơi. Giao Thừa rồi, Ông Bà chờ con cháu chúc Tết đó. Hai đứa ra cúng xong đi ngủ. Mai ta đi Chùa. Mồng hai chúng ta ở nhà tiếp khách. Chị có bạn chứ? Tuyền hứa sẽ đến thăm em. Khi xa hai đứa không bao giờ viết cho nhau một cái thư, nhưng khi trở về gặp nhau đều tay bắt mặt mừng. Năm nay thì không có H. đến như năm ngoái. Em chẳng buồn vì điều đó. Chị Vân cũng đến em nữa, như thế là đủ rồi.

Tôi chạy lại tủ áo lấy một cái khăn tay đưa cho chị và cười:

- Lau mắt đi cho tôi nhờ với bà chị. Năm mới năm me mà lệ cứ đầm đìa chịu không nổi.

Chị cũng cười với khuôn mặt ướt nước:

- Th. nói như một bà già.

Cắm thêm một tuần nhang khoanh, tôi để chị làm lễ và pha nước trà. Tôi ra đứng ở cửa sổ. Trời không một vì sao. Đêm đen và lạnh. Hoa mai trắng thoảng hương thơm dịu dàng. Năm nay hoa nở đúng ngày. Bốn cây bạch mai nở đều trắng toát. Tôi suốt cả đời chỉ thương mỗi hương hoa này. Những ngày xưa, đêm đêm ngồi học ở bàn, tôi vẫn mở tung cửa sổ để thỉnh thoảng thoáng nghe hương theo gió bay vào.

Bên kia nhà thờ lặng vắng. Tôi mải mê nghĩ gì nên quên mất tiếng chuông đổ lúc Giao Thừa. Năm mới rồi. Thêm một tuổi rồi. Đời tôi, không biết rồi có gì đổi thay. Chị N. đến bên tôi từ bao giờ.

- Vào trong này ngồi đi. Không mưa sao lạnh quá. Th. tưởng tượng chừ bà ngoại làm gì nào?

- Chắc bà ngoại cúng rồi và sắp đi ngủ. Mai bà ngoại mặc áo gấm, đi hài cườm ngồi ở ghế bành đẹp nhất cho con cháu chúc mừng năm mới.

Tôi muốn nói thêm – Không biết bà có nhớ tụi mình , nhưng tôi ngừng kịp. Bà ngoại vẫn thương chị N. nhất trong số những đứa cháu. Năm nay bà ngoại ở lại Saigon chơi nên chúng tôi bơ vơ thêm một chút. Tôi nghịch ngợm chìa tay ra trước mặt chị. Chị N. cười:

- Lớn rồi cô ơi. Như năm xưa thì cũng bỏ vào bàn tay này này (chị lấy tay chị đập lên tay tôi) một cắc bạc, nhưng bây giờ thì không.

Tôi phì cười:

- Giáo sư kẹo quá. Thôi đi ngủ, mai còn dậy sớm cúng Mồng một. Ai bày ra cúng quảy cũng hay mà cũng mệt N. nhỉ.

Chị bây giờ như đã khuây nguôi. Đám mây u ám như đã tan biến. Chị nói:

- Nhà mình năm nay đẹp hơn năm nào hết. Hoa ngoài vườn nở nhiều quá. Chỉ tiếc hai chậu tỉ muội chết khô chết héo từ mùa hạ, không giờ đặt ở ngưỡng cửa đẹp biết mấy.

Tôi tắt đèn. Hôn gởi chị một cái sau khi chúc chị ngủ ngon. Tôi trở về giường mình. Nhưng lời chị nói với theo làm tôi đứng lặng:

- Th., bỗng dưng chị mong có gì xảy ra để Th. đừng đi nữa.

Tôi nhớ những ngày loạn lạc của bốn năm trước. Tôi rùng mình. Chưa lúc nào như lúc này tôi hiểu được lòng chị đối với tôi ra sao. Những lo âu, những khổ sở, những kinh hoàng những giờ phút cận kề bên cái chết, đã từng làm chị sợ hãi bao nhiêu. Nhưng bây giờ, chỉ vì muốn được gần tôi, chị lại có thể chấp nhận những điều đó. Tôi nghẹn ngào. Trong bóng tối, tôi không giấu che lòng mình gì nữa. Tôi để mặc nước mắt rơi. Tôi nhớ ra chúng tôi đã bơ vơ từ nhỏ, nhưng chúng tôi gần nhau. Cho đến một ngày lớn lên, mỗi người theo một con đường, và chúng tôi xa nhau từ đó.


*


Chị N. bế Ngỗng đưa tôi ra đến cổng. Đêm rồi hai đứa giao kèo trước, không ai được khóc lóc hết. Đưa người đi rồi về chứ khóc là có ý không muốn người đi về nữa. Tôi nói:

- N. mà khóc thì sang năm nhất định Th. không về nữa. Chắc chắn là như thế. “Mưa gió” mệt mỏi lắm, với lại chị muốn người đi chết hay sao mà khóc trước.

Chị “xì” một tiếng:

- Nói bậy. Tại xa thì phải khóc chứ. Nhưng mai chắc chắn không khóc.

Chị đòi đưa lên tận ga nhưng tôi nhất định không cho. Năm ngoái, hồi chưa có Ngỗng, tôi đã không giữ được mưa gió đầm đìa làm H. riễu tôi quá. Năm nay tôi có khóc cũng không ai riễu tôi nữa… Bởi chăng H. đã đi về miền quá khứ. Đã ngủ giấc sầu trong sâu cùng tâm tư là bãi tha ma của một dĩ vãng.

Tôi hôn Ngỗng như mưa lần chót. Chị N. giữ lời hứa, chị cười dặn dò:

- Sang năm về xem Ngỗng lớn nghe. Ngỗng mi lại dì đi.

Ngỗng quàng tay ôm cổ tôi. Cô bé cạ má vào má tôi và nói:

- … mi… mi.

- Cô nhóc tếu quá, mi mà phải nói mi, mi.

Tôi nhìn chị lần cuối rồi lên xe đã chờ sẵn. Ngỗng kêu tôi rối rít. Những tiếng ân cần níu giữ một bước chân đi. Tôi xoay lại nhìn. Chị N. đang úp mặt vào Ngỗng, trong khi Ngỗng vẫn ngây thơ nhìn theo. Lòng nao nao, tôi ngậm ngùi nhìn nắng vàng mơ trải xuống mặt đường, như niềm vui tôi phút chốc này biến tan. Dư hương của ngày đã qua chẳng còn. Nhưng mùa xuân thì vẫn nồng nàn trên những chòm cây ra lá non xanh mướt.

TRẦM VI 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Quý Sửu, 1973)

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Mùa Xuân trở về với tranh Tết cổ truyền - TUẦN BÁO THIẾU NHI XUÂN ẤT MÃO



Đì đẹt ngoài sân tràng PHÁO CHUỘT
Om sòm trên vách bức TRANH GÀ 

TRẦN TẾ XƯƠNG


Pháo chuột, tranh gà là hai dấu hiệu tưng bừng chào đón mùa xuân trở về khi quê hương còn ở thuở thanh bình.

Pháo chuột : là loại pháo tép, nhỏ như những cọng tre, dài không tới 3 đốt ngón tay, được ghép thành tràng, lúc đốt lên những chiếc pháo nhẩy nhổm nom như lũ chuột. Pháo nổ không to, tiếng kêu chỉ đì đẹt, nhưng nghe thật vui tai.

Tranh gà : là một loại tranh cổ truyền, ấn loát theo kỹ thuật mộc bản thật đơn sơ, nét vẽ mộc mạc nhưng chứa đựng biết bao tinh thần thuần túy dân tộc.

Theo Lịch Triều Hiến Chương thì nghệ thuật mộc bản có từ triều Lý (thế kỷ 11) vì vào thời kỳ này, nước ta đã sản xuất được các loại sách chữ nho. Theo các làng chuyên sản xuất tranh Tết thì nghề in tranh của ta do trạng nguyên Lương Nhữ Học đời Hậu Lê du nhập từ Trung Hoa qua Việt Nam vào thế kỷ 15. Nhưng tranh Tết được phát triển mạnh nhất vào thời chúa Trịnh Giang vì năm 1734 chúa đã ra lệnh khắc mộc bản in sách Tứ Thư, Ngũ Kinh để dùng trong nước, khỏi phải nhập cảng từ bên Tầu. Mặt khác, vào thời kỳ này, công việc khoa cử bê bối, sĩ tử thường chỉ có quan niệm chạy chọt để lấy bằng hơn là có thực học, nên những tranh thầy cóc dạy học, chuột vinh qui bái tổ có mèo chặn đường ăn hối lộ (miêu thủ lễ) v.v… đều là những bức tranh có nội dung châm biếm xã hội rất sâu cay.


CÁC LOẠI TRANH TẾT

Tranh Tết có thể chia làm 10 loại:

1) Loại chúc tụng : như Tiến Tài, Tiến lộc, Tam Đa, Bách Phúc với các vật biểu tượng như quả đào (thọ) quả lựu (nhiều con cháu) con gà (kê = cát = điềm lành), heo mẹ và bầy hao con (no ấm, hạnh phúc)

2) Loại lịch sử : có sự tích Đinh Tiên Hoàng đứng trên lưng rồng, Bà Trưng cưỡi ngựa, Ngô Quyền chỉ huy chiến thuyền.

3) Loại điển tích, tôn giáo : gồm sự tích chùa Ba, chùa Hương, Đường Tăng thỉnh kinh, Ngưu Lang, chức Nữ.

4) Loại kể chuyện : có Truyện Thạch Sanh, Tam Quốc, Chiêu Quân Cống Hồ, Lục Vân Tiên…

5) Loại giáo dục, luân lý : có tranh Nhị Thập Tứ Hiếu.

6) Loại Giai Cảnh : có tranh Tố Nữ, bộ Tứ bình Mai, Lan, Cúc, Trúc…

7) Loại châm biếm : có tranh Tiến Sĩ chuột vinh qui, Thầy đồ cóc dậy học, Dánh ghen, hứng dừa.

8) Loại sinh hoạt xã hội : có tranh Tứ Dân (Sĩ, Nông, Công, Thương), Mục đồng, canh điền, Du Xuân Đồ, Thương Xuân Đồ.

9) Loại Trấn Yểm : có Môn Thần (ông Thiện ông Ác, Vũ Đình, Thiên Ất, Bát Quái Tử.

10) Loại Thờ : có tranh Táo Quân, Thổ Địa, Ngũ Hổ, Quan Âm, Di Lặc.

MẦU SẮC CỦA TRANH TẾT, IN TRANH TẾT

Tranh Tết được in 5 mầu chính gồm có:

1) Mầu trắng : tán ở vỏ sò, vỏ hến.

2) Mầu đen : lấy ở mực tầu.

3) mầu xanh lá cây : lấy ở phẩm lục.

4) Mầu đỏ : lấy ở phẩm điều.

5) Mầu vàng : lấy ở phẩm vàng, bột nghệ, kim nhũ.

Ngoài ra, các mầu chính còn đem pha để có mầu phụ như son trộn với đen ra mầu cánh quế, xanh trộn với vàng ra mầu hoa lý, phẩm điều trộn với bột vàng ra mầu đỏ son v.v…

Tranh Tết được khắc trên các bản gỗ. Gỗ cần chắc và dẻo. Chắc để gỗ bền, lâu mòn, dỏe để nét khắc được tinh vi, không vỡ, gẫy. Các loại gỗ vàng tâm, gỗ giổi, gỗ mỡ thích hợp hơn cả.

Mỗi bức tranh phải khắc làm nhiều bản gỗ, mỗi bản gỗ in được một mầu, mực in được pha với hồ tẻ loãng (để không làm hoen mặt giấy) và lăn trên gỗ. Giấy in thường là giấy tầu bạch (tương tự giấy in báo), được đặt lên bản gỗ và lăn bằng tay.

Tranh tết, có đặc điểm là đơn sơ, mộc mạc, với nét vẽ giản dị, không cầu kỳ, mầu sắc cũng đơn giản, vui mắt, phản ảnh nếp sống và tâm hồn bình dị của dân tộc V.N. Đó là một trong những kho tàng quí báu của nền văn hóa cổ truyền mà chúng ta cần phải gìn giữ.


(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)

Sắm Tết - M. ANH


- Má, gần tết rồi má.

- Chưa sơn nhà má.

- Chưa làm mứt má.

- Chưa may đồ má.

Chúng tôi nhao nhao tấn công má. Bà cười với ba tôi:

- Đó, ông coi lũ con ông.

- Chúng đòi hỏi hợp lý chớ bộ.

- Hợp lý, lúc nào cha con ông cũng một phe mà.

Nói xong má tôi đùng đùng bỏ vào bếp. Bảy cái mồm chúng tôi reo lên một lượt:

- Một không! Má thua ba rồi.

- Hoan hô ba.

- Hoan hô.

Ba chúng tôi đang chễm chệ trên ghế đẩu, nhìn theo má tôi cười một mình. Chợt ông quay sang tôi:

- Thảo đi lấy tờ giấy với cây viết coi.

Tôi mang giấy viết ra ngồi cạnh ba. Ông la lên:

- Không được, xuống ván ngồi… Tao không thích bị làm áp lực.

Ô! Hôm nay chắc ba tôi có quyết định gì quan trọng đây. Tôi lấy cái ghế đẩu lật nằm xuống đất xong an tọa lên đó:

- Viết gì đây ba?

- Khoan, để biểu quyết đã. Thế nào, bắt đầu là con Thu thằng Sơn, con Tuyết cho đến con Ánh, tụi bây thích ăn mứt gì?

- Mứt me ba.

- Mứt sen ba.

- Thèo lèo cứt chuột nữa ba.

- …

Sau cùng thì đủ các thứ mứt đều được tụi nó kê khai. Ba tôi phán:

- Thảo ghi vào mỗi thứ một ký. Ánh, con tính coi phải mất bao nhiêu tiền, bao nhiêu nhân công để thực hiện.

Chị Ánh tính tiền từ thứ, nhân công từ thứ. Tôi ghi vào, cộng lại rồi trình lên:

- Thưa ba, thưa chị Ánh, thưa anh Hùng, thưa tàn thể lũ con nít, tổng số tiền dự chi để làm mứt là ba ngàn đồng Việt Nam, và công việc cần bảy người từ bốn đến mười tám tuổi làm trong mười ngày.

- Ải ải, không được, thưa ba…

- Thưa ba…

- Thưa ba…

- Từ từ, con Thu nhỏ nhất nói trước.

- Con âu ó iết àm ba, con ổng èm âu.

Cả nhà cười bò ra vì cái giọng ngọng nghịu của Thu. Ba tôi cười:

- Đúng, đúng, phải miễn công tác cho con gái cưng của ba. Rồi, thằng Sơn.

- Con cũng không biết làm ba.

- Không được, mày lớn rồi phải tập cho quen, cứ con Ánh sai gì thì làm nấy là được. Rồi, Tuyết, nói đi, có phản đối gì không?

Tuyết buồn thiu đáp “không”, vì nó biết không có lý do để từ chối công tác. Tiếp theo thì con Hà và tôi cũng đành miễn cưỡng chuẩn y việc giao phó của chị Ánh. Tới phiên anh Hùng, đang ngồi ở góc ván anh đứng dậy trịnh trọng nói:

- Thưa ba, thưa ba, thưa ba, con thiết nghĩ phải thưa ba ba lần để ba chú ý. Việc phân chia công tác cũng như việc định số tiền dự chi con thấy có nhiều điều vô lý. Trước hết, thưa ba, thưa ba, thưa ba, ba có bao giờ phụ tá bếp núc cho má chưa mà ba bảo tụi con trai tụi con phải lăn vào bếp? Con thiết nghĩ, nam nhi chi chí là phải để làm những việc quan trọng chứ đâu phải để ngửi mùi hành ớt. Hơn nữa, tết đâu phải chỉ ăn mà còn phải trang hoàng nhà cửa, thế mà than ôi! Nhà chưa sơn, sân chưa dọn mà ba là một vị chỉ huy tài ba lẽ nào lại bảo con và Sơn vào bếp (anh xuống giọng). Điều thứ hai là (anh đột ngột la lớn) thưa ba, hình như có âm mưu tham nhũng… tại sao làm có tám ký mứt mà phải tốn đến mười ký đường? Thưa ba, ý kiến con đến đây là hết. Và trong khi chờ đợi sự phán xét công minh của ba, xin ba nhận nơi đây lòng tri ân sâu xa của con.

Anh ngồi xuống bó gối nhìn ba. Anh vẫn được khen là có tài ăn nói, sau này có thể học làm thầy cãi được. Ba tôi suy nghĩ một chút:

- Có đứa nào phản đối lời thằng Hùng không?

Chị Ánh đang ngồi may khăn ở ghế mây đứng dậy:

- Thưa ba, con xin phản kháng lời vu cáo vô căn cứ của Hùng rằng có âm mưu toan tham nhũng.

- Nhưng tại sao chỉ cần tám ký mứt lại phải có mười ký đường? – Ba tôi ngẩn ngơ hỏi.

- Phải cần như thế, con không biết tại sao, con chỉ biết phải cần như thế.

Anh Hùng đứng dậy:

- Ba cho con nói.

- Ừ, nói đi.

- Theo vật lý học, đường là một chất dắn không bay hơi, vậy tại sao đường biến đi?

- Tôi không cần biết đến vật lý học của cậu, tôi chỉ biết làm mứt. Chịu tôi làm, không chịu thì thôi, nhịn đi.

Chị Ánh sắp khóc. Ba tôi gõ gõ lên bàn:

- Im, im hết. Thằng Hùng, mày là con trai, biết gì chuyện mứt mà nói. Nhưng con Ánh phải hỏi lại má cho đàng hoàng đó. Bây giờ thì thằng Hùng và Sơn được miễn công tác bếp núc, nhưng phải làm cỏ, suốt lá mai và sơn nhà.

- Con biết gì mà sơn ba!

Con Tuyết la lên:

- Sao không biết? Tên mày là Sơn mờ.

- Ơ! Ơ! Ba bảo Sơn là núi chớ bộ sơn là quẹt quẹt dầu sơn đó hả?

- Tao không biết, tao chỉ biết Sơn là sơn thôi.

- Thôi, con Hà im. Thằng Sơn, mày quậy dầu sơn với lại xách thùng lấy ghế cho thằng Hùng. Còn gì nữa hết?

- Còn may đồ ba.

- Rồi, ghi đi Thảo. Đứa nào muốn gì nói đi. Nhớ, chỉ mỗi đứa một bộ thôi nghe!

Được cho phép, chúng tôi vội vàng chọn những món đồ mình mơ ước. Chị Ánh cái áo dài soie vừa tiền vải vừa tiền công đến ba ngàn đồng, anh Hùng một bộ đồ và một đôi giày đến mười ngàn đồng, tôi một chiếc áo dài thường thường cũng hết hai ngàn rồi, còn đám nhỏ đứa nào cũng đòi đồ tốt. Có lẽ trong phút chốc chúng tôi cùng quên rằng ba tôi chỉ là một cựu chiến binh “kiêm” nghề thợ mộc.

- Tổng cộng bao nhiêu, Thảo?

- Hai mươi hai ngàn ba trăm sáu mươi lăm đồng – Tôi run giọng đáp vì chợt nhận ra số tiền quá lớn so với lợi tức của gia đình tôi.

Ba tôi ngạc nhiên cùng cực:

- Hả?

- Hai mươi hai ngàn ba trăm sáu mươi lăm đồng, ba – tôi dõng dạc đáp.

- Thôi, chuyện quần áo nhiều quá không được, phải xét lại và hỏi ý kiến má bây.

Chúng tôi vùng lên cười. Anh Hùng tuyên bố:

- Một đều! Ba thua má, bất chiến tự nhiên thành. Hoan hô má.

- Hoan hô.


*


Chiều hôm nay là chiều thứ bảy nên bọn tôi vui như tết. Chiều thứ bảy nào cũng vậy, từ chỗ làm ra ba tôi ghé chợ, khi thì mua bánh ngọt, khi thì mua trái cây. Tuần nào có tiền nhiều ba mua măng cụt, chôm chôm hay vải hộp. Tuần nào có ít tiền hơn ba mua kẹo chocolat hay rau câu về cho chị Ánh nấu. Chưa bao giờ chúng tôi không có bánh vào chiều thứ bảy. Ba tôi làm ở một trại cây cách nhà hơn năm cây số. Cứ sáng sáng ba đi, chiều ba về, trưa ăn cơm nhà chủ. Ba rất giỏi, bất kỳ là làm tủ, làm bàn, làm ván ba đều biết hết nên suốt năm ba không hề phải ở không. Số tiền công thì hàng ngày ba kiếm được trên dưới một ngàn. Bao nhiêu đó cộng với số tiền má tôi buôn bán cũng vừa đủ cho cả nhà sống không đến nỗi khắc khổ. Trong cuộc đời, việc làm ba ân hận nhất là chị Ánh đã phải bỏ học khi vừa học xong bậc tiểu học. Ngày đó ba đi lính, má tản cư, tiền bạc thiếu thốn, con lại đông nên đành phải để chị Ánh nghỉ học giúp việc nhà. Bây giờ chị Ánh giúp má làm bánh bán và săn sóc bọn tôi. Sống với bọn em quỉ quái dần dần chị cũng lây tính nghịch ngợm. Để đền bù lại phần nào sự bất hạnh của chị, ba tôi chia thời dụng biểu bắt chúng tôi làm việc phụ để chị có thì giờ đọc sách và học sinh ngữ với anh Thư. Gì chứ dạy chị Ánh học thì anh Thư khoái nhất và chị Ánh cũng thích không kém khi học với anh Thư. Năm nay nếu thi đậu tú tài hai, anh Thư phải đi Saigon học, không biết ai dạy chị Ánh. Tôi phục và mến anh Thư lắm, anh rất chìu bọn tôi chứ không như anh Hùng, và anh học giỏi nữa. Anh đọc được cuốn sách chữ Pháp dày cộm trong khi giáo sư sinh ngữ tôi nói học trò quận lỵ đậu tú tài hai chưa viết suôn được một câu chữ Pháp, chữ Anh.

- Ba dìa, ba dìa.

Chúng tôi reo lên, chạy ào ra, nhưng tôi bỗng khựng lại. Ba tôi chỉ xách một túi kẹo loại một đồng hai chiếc! Tuy nhiên chưa đứa nào dám phản đối. Có lẽ đọc được tâm trạng ai hoài của chúng tôi, ba cười dịu dàng bảo:

- Rán hà tiện đi các con, để dành tiền may đồ tết chứ.

Sau bữa cơm chiều, chúng tôi ngồi chùm nhum chung quanh ba má. Chúng tôi không sao quên được quần áo tết! Ba móc túi lấy tiền đưa chị Ánh:

- Ba ngàn đây Ánh, lấy mua đồ làm mứt. Còn bao nhiêu đây tôi giao bà. Ủa mà quên, thôi để tôi giữ.

- Chi vậy?

- Bí mật mà.

- Thôi, đưa má đi ba. Bao nhiêu đó may đồ tụi con đâu có đủ – Thằng Sơn chen vào.

- Hả? Còn lâu tao mới may đồ cho tụi bây. Tao giữ dằn túi.

Má tôi ngạc nhiên vô cùng, hồi nào đến giờ ba tôi có đòi giữ tiền dằn túi bao giờ đâu. Rồi không biết nghĩ gì, mắt bà long lanh:

- Trời ơi! Tôi biết rồi, ông có gì với ai rồi.

- Hả? Cái gì? Bà ghen? Ha, ha, ha.

- Ba ơi, má khóc rồi ba ơi!

Má tôi khóc thật, khóc dễ dàng! Ba tôi lúng túng phân bày:

- Có gì đâu, không có gì đâu mà.

Anh Hùng nắm tay ba:

- Lại đây dỗ má đi ba, ba nắm tay má đi.

Nhưng ba tôi đứng im như khúc gỗ:

- Bà, không có gì đâu. Tôi định lấy tiền may cho bà cái áo dài tết vậy mà.

- Hoan hô ba.

- Hoan hô.

Má tôi đỏ mặt lên vội vào bếp nhưng bị anh Hùng kéo lại:

- Việc má đã xong vậy má phải lo việc tụi con chớ.

- Việc gì?

- Quần áo tết.

Má tôi quyết định thật lẹ và thật độc tài:

- Rồi, cho con Ánh ba ngàn may áo dài, thằng Hùng hai ngàn may cái quần mới, quần cũ cái nào cũng chật và cụt hết rồi. Còn con Thảo mới mười ba, mười bốn tuổi mà diện cái gì, ngày mai con Ánh đi chợ lựa món tơ sống nào màu tươi tươi về cắt may cho nó cái áo dài. Mấy đứa nhỏ thì cứ mua vài thước vải trắng, vài thước hàng đen về tao may mỗi đứa một bộ để dành đi học luôn. Như thế cũng tốn mười ngàn bạc, hơn một tuần lương của ba tụi bây rồi.

- Má, cái quần hai ngàn đồng làm sao may má?

- Thứ thằng Kiên may đó, nhớ quần xanh nghe, để mai mốt mặc đi học nữa à.

- Thôi quần nâu đi má, tân thời một chút má.

- Rồi đi học mặc quần cũ à?

- Dạ.

- Má, con không chịu mặc đồ bà ba đâu má, lớn rồi, má may “đồ tây” cho con.

- Thôi cũng được, má may con quần “sọt” nhé!

- Con mặc quần tây.

- Không được. May quần tây con mặc có mươi lần cụt uổng.

- Con không chịu.

- Tao đánh bây giờ chớ cãi hả?

Ba tôi lấy ngón trỏ để lên môi ra hiệu cho Sơn im và cười cười. Sơn hiểu ý im ngay. Ba tôi cười cười là chắc chắn Sơn “có đường” rồi!

- Xong chưa? Tao đi hấp bánh.

- Kể như xong rồi, nhưng chưa thỏa mãn chút nào hết má.

- Trời cũng không làm tụi bây thỏa mãn được.

Má tôi đi vào nhà bếp. Ba tôi chu miệng nói nhỏ, thật nhỏ:

- Bà già bây hà tiện… mai mốt tao cho thêm tiền mày Hùng…

Chẳng may má tôi nghe lõm bõm được vài tiếng:

- Ông nói gì thế? Cái gì tiện? Cái gì thêm?

- À! À! Tôi nói bà làm vậy mà tiện, tôi khỏi cần có ý kiến thêm.

Cơn tức cười bị dằn xuống làm tôi muốn bể bụng. Má vừa khuất thì có tiếng trọng tài Hùng vang lên:

- Hai một! Má dứt ba một bàn thắng vẻ vang. Hoan hô má!

- Hoan hô…

- Hoan hô…

M. ANH 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Quý Sửu, 1973)