Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Tiến trình của Lịch - ĐÌNH sưu tầm



Hôm nay thứ mấy? Ngày mấy? Chừng nào đến ngày lễ? Nhìn lên tấm lịch, ta đã tìm thấy câu trả lời. Tấm lịch thật giản dị, vậy mà người ta phải tốn hằng thế kỷ mới đem đến công trình nầy.

Thật vậy, muốn tìm hiểu gốc tích của lịch, ta phải ngược lại thời gian, lâu lắm, có lẽ vào thời con người vừa sáng chế chữ viết.

Thuở xa xưa ấy, người ta bắt đầu đếm từng ngày hoặc đếm từng đêm, chứ chưa quan niệm ngày và đêm là một như chúng ta ngày nay.

Nhưng chừng người đời trước căn cứ vào đêm nhiều hơn. Đêm đến, họ nhìn lên bầu trời, và điều làm họ chú ý nhất là sự thay đổi của mặt trăng. Trăng tròn, rồi khuyết dần từng đêm cho đến khi biến mất, rồi nó lại xuất hiện theo hiện tượng trở ngược như trên. Từ ngày trăng tròn này đến trăng tròn kia quả là một đơn vị đo thời gian khá chính xác nhất. Người ta mới đặt tên đơn vị ấy là tháng. Chữ Hán là “nguyệt”, cũng có nghĩa là mặt trăng. Trong tiếng Anh, “month” (tháng) cũng phát xuất từ chữ “moon” (mặt trăng).

Sự chuyển vận của trái đất và mặt trăng trong thái dương hệ đã tạo ra lịch. Thật thế, trái đất xoay quanh chính trục của nó cho ta cái cảm tưởng mặt trời mọc và lặn, ngày và đêm từ ấy phát sinh. Việc mặt trăng xoay quanh trái đất tạo ra tháng và việc trái đất xoay quanh mặt trời tạo nên 4 mùa và thành một năm.

Tổ tiên chúng ta chưa biết sự chuyển vận ấy, họ chỉ nhận xét theo sự thay đổi thời tiết, nhiệt độ ánh sáng tại cùng một nơi rồi đặt tên như thế, cốt để ghi dấu thời gian. Vào lúc nầy, chưa ai có ý tưởng xếp đặt ngày, tháng, năm vào một hệ thống hẳn hoi ; dù biết rằng chu trình của trái đất quanh mặt trời khoảng 365 ngày. (Người ta biết được là nhờ óc nhận xét cứ 365 ngày thì thời tiết giống nhau một lần). Sự so le, không vừa vặn giữa ngày, tháng, năm làm cho người ta rối trí.

Rồi “đùng” một cái, các tay “thái sư” Babylone thực hiện một tấm lịch đầu tiên. Trong lịch này có tháng 29 ngày, có tháng 30 ngày và một năm 12 tháng. Nhưng chẳng bao lâu, tháng ghi trong lịch đã trượt ra khỏi mùa. (Chẳng hạn như tháng 12 là mùa đông thì chỉ vài mươi năm sau nó rơi vào mùa xuân hay mùa thu, có khi cả… mùa hạ nữa!)

Lúc ấy người Hy Lạp và La Mã cũng dùng lịch Babylone. Nhưng sau đó, một vài sự kiện chính trị tại La Mã đã biến đổi lịch sang một giai đoạn mới.

Thật thế, khi các nhà soạn lịch không ưa người cầm quyền, họ rút ngắn nhiệm kỳ các “đấng” này bằng cách không đặt thêm tháng nhuận vào năm thiếu. Mặt khác, nếu gặp người họ thích, các ông soạn lịch đặt thêm nhiều tháng nhuận nữa, mặc dù năm ấy đủ!

Khi Julius Caesar (César) lên lãnh đạo đế quốc La Mã thì tấm lịch đã đi đến chỗ quá tệ hại. Caesar quyết định bỏ âm lịch và yêu cầu các nhà thiên văn soạn một loại lịch mới. Lịch nầy căn cứ theo lịch người Ai Cập. 

Người Ai Cập lấy sao Sirius làm chuẩn. Năm mới bắt đầu khi ngôi sao này xuất hiện ở chân trời phía Đông vào lúc bình minh.

Do tính ra một năm có 365 ngày một phần tư, các nhà thiên văn quyết định trong 3 năm liên tiếp có 365 ngày còn năm thứ tư có 366 ngày gọi là năm nhuần.

Vì lịch mới không cần căn cứ theo con trăng, các ông chia năm sao tùy ý. Cuối cùng họ đồng ý chia năm thành 12 tháng dài tương đương với nhau (giống lịch cũ).

Lúc đầu có 5 tháng 31 ngày (tháng lẻ) và 7 tháng 30 ngày (tháng chẵn). Nhưng người La Mã tin rằng số lẻ đem lại may mắn, họ lấy một ngày của tháng 2 (tháng chẵn) thêm vào một tháng x chẵn khác. Như thế có thêm 2 tháng lẻ nữa!

Sau khi tấm lịch hoàn thành, Julius Caesar chọn tháng bảy lấy tên ông. Do đó các ngôn ngữ bắt nguồn từ gốc Latin đều lấy chữ Julius cho tháng 7 như July (Anh), Juillet (Pháp).

Mấy năm sau, Augustus Caesar lên ngôi, tên ông này được đặt vào tháng kế tiếp (tháng tám) : August (Anh), Août (Pháp). Nhưng tháng của hoàng đế có 30 ngày, không được! Nhà soạn lịch lại lỉnh kỉnh rút một ngày của tháng hai thêm vào trong tháng tám. Cho đến ngày nay, tháng bảy và tháng tám đều lẻ cả. Lịch ni được gọi là lịch Caesar hay dương lịch cũng rứa.

Còn một ngày của năm nhuận được thêm vào tháng hai, 4 năm một lần.

Người ta dùng lịch này suốt 1.500 năm mới có ông Gregory phát giác một sự sai lầm trong lịch Caesar: âm thầm, từ tốn, các ngày lại trượt ra khỏi mùa!

Nhờ sự giúp đỡ của một nhà thiên văn người Ý, ông tìm thấy một năm không hoàn toàn đúng 365 ngày và một phần tư. Sau cuộc tìm tòi, ông đi đến kết luận năm chia chẵn cho 100 (số bội giác của 4) không phải là năm nhuần, mà năm chia chẵn cho 100 ấy nếu chia chẵn cho 400 thì cũng là năm nhuần.

Để sửa cho phù hợp với mùa, Gregory kéo dương lịch lên 10 ngày. Ngày 5 tháng 10 năm ấy được sửa lại thành ngày 15 (1582).

Tại các xứ nói tiếng Anh, mãi đến năm 1752 mới chấp nhận sự sửa đổi. Lúc ấy số ngày trượt lên đến 11 ngày. Nhiều người cho rằng họ “giảm thọ” hết 11 ngày. Thế là thiên hạ ào ào xuống đường, rất sôi động và vĩ đại với khẩu hiệu: “Trả lại 11 ngày sống của chúng tôi”!

Cùng lúc, năm mới của lịch Caesar được chọn là ngày 1 tháng giêng thay vì ngày 25 tháng ba như lúc trước.
Với sự bành trướng kỹ nghệ bên Âu Châu thế kỷ XVIII, XIX, các nước nầy đi chiếm đất làm thuộc địa ở Á cũng như Phi, làm dương lịch càng ngày càng trở nên quan trọng.

Hiện nay phần lớn các nước trên thế giới đều dùng dương lịch một cách chính thức để có thể liên lạc dễ dàng với nhau.

Ngoài dương lịch còn có Phật lịch (căn cứ theo âm lịch) thường chỉ dùng trong việc tế tự, lịch Do thái, lịch đạo Hồi… Các năm theo các lịch nầy cũng dài tương đương với dương lịch. Như năm nay:

- Theo dương lịch (Căn cứ năm Thiên Chúa giáng sinh) là năm 1970.

- Theo Phật lịch (căn cứ năm Phật đản sinh) là năm 2514

- Theo Hồi lịch là năm 1389.

- Theo Do thái lịch là năm 5731.

Mới đây, một số quốc gia đã dùng Thế giới lịch, hình thức cũng tương tự như dương lịch, nhưng có vài điểm khác biệt như tháng hai có 30 ngày (thay vì 28 ngày), năm nhuần thêm một ngày vào cuối tháng sáu v.v…
Và dẫu thế nào chăng nữa, công trình của những người đi trước đã đem lại cho chúng ta một bảng thời biểu để ghi dấu thời gian. Công trình ấy, kết quả ấy – nếu nhận xét cho kỹ – đã giúp ta rất nhiều trong những công việc hằng ngày, ngay những lúc nhìn lại quá khứ hay nghĩ đến tương lai…

 
ĐÌNH sưu tầm            
(Theo Encyclopeda Golden Press)


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 137, ra ngày 15-9-1970)

Cuộc Chia Tay - MINH QUÂN dịch


Haley cho xe chạy vùn vụt giữa đám bụi mù mịt. Quang cảnh quen thuộc ven đường lướt qua trước mắt Tom như những bóng ma, bác ngồi lặng thinh, như không nghe, không thấy gì hết.

Lát sau, xe vượt ranh giới trại ông Shelby và đến con đường chính.

Được một dặm nữa, Haley dừng xe trước cửa một lò rèn. Gã vào đó để chọn mua cho Tom một cái còng vừa tay bác. Chỉ vào cái còng gã cầm trên tay, chỉ vào bác Tom đang ngồi ủ rũ trên xe, gã nói:

- Cái còng này quá nhỏ đối với tên nô lệ to con…

Nhận ra Tom, người thợ rèn giật mình, kinh ngạc:

- Sao? Tom của trang trại ông Shelby mà bị chủ bán đi ư? Tôi không tin điều này, ông ấy không bao giờ bán nô lệ đâu, nhất là nô lệ cỡ Tom.

- Phải! – giọng Haley ngạo nghễ – ông chủ quí thằng ấy lắm, nhưng… chính ông ta đã bán nó cho tôi.

- Lạ thật! Chuyện khó tin quá. Shelby bán Tom? Tôi biết chú Tom này, một tên gia nhân đắc lực, trung thành của ông Shelby. Mà thưa ông, ông khỏi phải còng tay chú ấy làm gì, tôi cam đoan…

- Thôi đi bạn, cẩn tắc vô ưu. Chính những thằng nô lệ khôn ngoan trung thành mới là đáng sợ, chúng sẵn sàng bỏ trốn bất cứ lúc nào. Còn bọn ngu si thì kể gì, chỉ cần ăn no là được, chúng nó biết chi đâu? Hạng lão Tom này thì không ưa đổi chủ, nguy hiểm ở chỗ đó. Tôi có cách trị : xích kỹ chúng lại thì vững tâm nhất, khỏi thắc thỏm gì ráo trọi. Tiền không đấy nhé, mà lại đắt giá nữa chứ. Thôi, đừng làm cố vấn cho tôi, bà Shelby ban nãy cũng nói như bác đấy, mà tôi có nghe đâu.

Vẻ đăm chiêu, bác thợ rèn nói:

- Hình như bọn nô lệ da đen ở Kentucky này rất sợ và ghét vùng đất phía Nam. Họ bị chết dễ dàng…

- Phải, khí hậu ở đó hơi độc, và còn, còn nhiều thứ nữa kia.

- Chính thế, thật là một bất hạnh lớn cho bác Tom, một người tốt như thế mà phải đầy xuống miền Nam. Ngay tôi đây, không liên hệ gì, trông thấy thế tôi cũng không vui được. Tội nghiệp quá!

- Tuy vậy, hắn vẫn còn may mắn chán, tôi đã hứa sẽ đối xử tử tế với hắn, tôi sẽ bán hắn cho gia đình nào có tiếng và hiền lành, không đối xử khắc nghiệt với nô lệ da mầu và tôi tin là hắn sẽ không đòi hỏi chi hơn.

- Nhưng ông quên rằng chú ấy phải xa lìa con và vợ chú…

- Ố! Kể gì chuyện đó.

Suốt cuộc đối thoại, Tom ngồi yên trên cái xe đậu trước cửa lò rèn. Thình lình, bác nghe có tiếng vó ngựa nện trên đường lớn, khô khan và gấp rút. Rồi thì tiếng động nhanh hơn, rõ hơn và nhanh như cắt, cậu tiểu chủ lao tới, leo lên xe, đưa tay ôm chặt quanh cổ bác Tom, miệng kêu lên mừng rỡ trong khi Tom cũng mừng không kém nhưng chưa hết sững sờ vì sự có mặt bất ngờ. Cậu nói bằng giọng hậm hực:

- Thật là nhục nhã! Thật là xấu hổ! Không ai cho tôi biết việc này cả. Nếu tôi là người lớn thì việc này không bao giờ xảy ra, không bao giờ!

- Cậu Georges ơi! Tôi mừng quá khi thấy cậu đến đây – Tom tươi ngay nét mặt lên – Tôi sẽ khổ sở biết ngần nào nếu ra đi mà không gặp cậu. Cậu đã tốt với tôi biết bao nhiêu, tôi xin thề như vậy!

Bác Tom dịch chân, cậu tiểu chủ nhìn thấy mấy cái xiềng sắt, cậu khựng lại sững lặng vì đau đớn. Giây sau cậu la to:

- Khốn nạn chưa! – Georges giơ cả hai tay lên trời – Tôi phải đập thằng quỉ này một trận, tôi phải đập nó… Nó dám xiềng người ta…

- Không! Cậu Georges! Không! Đừng gây với ông ta, ông ta giận lên thì khổ cho tôi thêm mà thôi, cậu à!

Bác Tom nói với tiểu chủ, giọng khẩn thiết làm cho cậu hiểu rằng sự nóng nảy của mình có hại cho Tom : cậu đâu có thể theo cạnh Tom để bảo vệ che chở như ý muốn? Tom hiện giờ thuộc quyền lão buôn người rồi. Georges dằn lòng xuống:

- Thôi, tôi nghe lời bác vì tôi tôn trọng bác, tôi thương bác lắm… nhưng bố Tom ơi! Hễ nghĩ tới điều này thì tôi không chịu nổi, xấu hổ quá đi thôi! Bác có biết không : cả nhà đều giấu tôi chuyện này, có ai cho tôi hay biết gì đâu, may nhờ có anh Thomas báo tin cho tôi đó nghe… Hừ! Vậy mà tôi luôn luôn kính trọng họ đấy chứ… Khốn nạn quá đi!

- Georges ơi! Đừng nên nói như vậy, cậu lầm đấy…

- Hừ! Lầm à, không đâu! – chợt cậu con trai đổi giọng thấp xuống và có vẻ bí mật – này bố Tom, tôi có đem cho bố cái này này, đồng đô-la vàng của tôi…

- Ờ, không đâu. Cậu ơi, tôi không nhận đâu, dù tôi rất quí cậu, quí hơn…

- Bác phải cầm lấy – Georges cương quyết nói – Tôi đã bàn với bác gái rồi, bác bày tôi đục một cái lỗ nho nhỏ giữa đồng vàng, xâu một sợi dây xuyên qua đó để bác mang vào cổ. Bác phải giấu nó trong áo, đặng thằng khốn đó không thấy, nó mà thấy thì, ờ, nó dám cướp đó nghe bác Tom! Đừng để tôi buồn, bác phải nhận tôi mới bằng lòng.

- Coi, đừng cậu Georges! Tôi không dám nhận đâu.

- Sao lại không? Bác cứ ngồi yên!

Cậu nói và nhanh nhẹn luồn sợi dây có buộc đồng vàng quanh cổ bác Tom, giọng cậu hăng hái:

- Đó, có gì đâu? Hễ khi nào bác nhìn thấy nó thì bác nhớ đến tôi và hãy tin là một ngày kia tôi sẽ sang tận đó tìm chuộc bác về. tôi đã hứa với bác gái và chắc chắn sẽ thực hiện lời hứa. Tôi sẽ tự lo và còn ba tôi nữa, tôi sẽ nhắc ông hoài, không để ông quên đâu.

- Đừng cậu! Đừng giục giã ông, tôi van cậu đó, tiểu chủ ơi!

- Kìa bác Tom, bác sợ gì? Với lại tôi sẽ biết cách, tôi sẽ lựa lời chứ.

- Georges ơi! Kể từ đây tôi xa cậu. Tôi mong cậu sẽ tỏ ra là một người đàng hoàng. Đừng quên là ông bà đặt nhiều tin tưởng ở cậu. Đừng để bị lôi cuốn vào những tư tưởng cũng như hành động xấu, đừng để cho tuổi trẻ ngông cuồng làm hỏng đời mình. Đừng tưởng là cậu lớn rồi. Cậu nên nhớ là có rất nhiều thứ hạnh phúc mà Chúa cho ta hưởng đến hai lần, nhưng ngài chỉ ban cho ta duy nhất một cha, một mẹ thôi. Hơn nữa, tôi dám nói là cậu sẽ không tìm ra một phụ nữ nào từ tâm, đại lượng, có lòng hơn bà, dù cho cậu có sống lâu trên trăm tuổi đi nữa. Hãy sống cạnh bà, lúc trưởng thành cậu sẽ là nơi cho bà nương tựa tuổi già. Cậu Georges ơi, cậu nghe lời tôi vừa nói chứ?

Georges nghiêm giọng trả lời:

- Vâng! Tôi xin hứa với bác đó, bác Tom! Tôi sẽ làm y như lời bác dặn dò. Tôi sẽ cố để nên người tốt sau này. Mà bác nữa, bác đừng nản chí nghe? Tôi sẽ cố gắng để có thể cất lại căn lều cho bác, từ nóc tận nền. Bác sẽ có một phòng khách thật ngon lành, một tấm thảm thật lớn, thật đẹp, khi tôi lớn lên. Tôi hứa phải làm cho bác sung sướng tuổi già để bù lại những khổ nhục do cha mẹ tôi gây ra, bác nhớ chưa? Tôi xin hứa!

Haley từ trong lò rèn trờ mặt tới, tay lủng lẳng cái còng sắt. Georges hết sức bất bình nên dù đã hứa với Tom, cậu không thể làm ngơ, cậu bảo gã ta:

- Ông Haley, sao ông lại còng xích bác Tom? Tôi sẽ cho ba mẹ tôi biết cách cư xử tồi tệ này, ông phải nhớ…

Giọng thách thức, gã buôn người cười khẩy:

- À, cái đó quyền của cậu, còn còng tên này hay không là quyền của tôi. Cậu chủ nhỏ ơi! Cậu đã quên là tôi đã trả tiền cho cha cậu mới bắt được tên mọi này đi hay sao?

Georges giận sôi lên:

- Ông không biết xấu hổ ư? Đáng lẽ ông phải biết chứ : cái nghề buôn người của ông… xiềng xích người ta như đối với súc vật. Thứ nghề hạ tiện…

- Cứ mắng đi cho sướng miệng! Nhưng mà này, thưa công tử! Công tử nghĩ kỹ chưa mà dám mạt sát kẻ khác chứ? Nếu không có hạng người làm cái nghề hạ tiện như kẻ hèn này thì ông già khả kính của cậu sẽ lúng túng lắm đấy nhé! Kẻ dư nô lệ và cần tiền thì bán, người thiếu nô lệ thì mua. Tôi theo đúng luật cung cầu mà, sao cậu lại bảo tôi phải xấu hổ, xấu hổ chỗ nào? Chả lẽ người sang trọng quí phái như cha cậu mà lại đánh xe đưa nô lệ đi rao bán, coi sao được? Đáng lẽ cậu cám ơn tôi thì đúng hơn.

Georges tức lộn gan lên, nhưng không thể nào trả đũa lão ta, lão nói cũng… đúng đấy chứ? Georges nói như quát:

- Sau này lớn lên, tôi sẽ không bao giờ làm người mua nô lệ mà cũng không bao giờ bán. Tôi ghét việc mua bán này, nhục nhã lắm. Trước nay tôi rất hãnh diện là một công dân ở đất Kentucky này, nhưng bây giờ tôi xấu hổ quá, quá lắm!

Cậu quay sang Tom:

- Thôi tạm biệt bác Tom! Can đảm lên bác nhé!

- Vĩnh biệt cậu, cậu Georges! Xin Chúa từ tâm ban ơn cho cậu! Chúc cậu được nhiều phúc lành ở xứ Kentucky này.

Tom nhìn đăm đăm vào tiểu chủ, bằng đôi mắt nồng nàn, trìu mến, giọng nghẹn ngào, thổn thức.

Georges quay vội đi, lên ngựa, ra roi. Tom dõi mắt theo cho đến kỳ khuất bóng cậu, cho đến khi vó ngựa nhỏ dần, nhỏ dần và tắt hẳn.

Mắt Tom mờ đi, tai Tom ù đặc, miệng Tom câm lặng. Bác không nói, không thấy, không nghe gì nữa. Trong mơ hồ, ngôi trại của chủ nhân như hiện ra… cùng với cái bóng dáng nhỏ nhắn của cậu con trai. Bác nấc lên khóc, khóc, khóc… Trong đời bác chưa bao giờ bác đau đớn đến mức này. Và rồi đồng tiền cậu trai mang vào cổ bác chạm vào da lành lạnh khiến bác như được an ủi phần nào. Tom ép sát nó vào ngực mình, trong khi nước mắt cứ dâng lên làm nghẹn cổ, mờ mắt con người đáng thương kia.


MINH QUÂN                
(trích trong “Túp lều của chú Tom”
của Harriet - Beecher - Stowe)


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 216, ra ngày 1-1-1974)