Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Khai ý - VĂN


Thằng Vân lại thăm mình hồi nãy. Đang sửa bài toán khó cho bọn trẻ thì nó bước vào, ngơ ngác trước cửa lớp một lúc vì mình đứng khuất bên bảng. Học trò nói có khách hỏi thăm kìa thầy ơi, mình bước ra thì nó giật mình lùi lại chút rồi bỗng nhảy tới ôm lấy vai mình mà gọi:

- Thầy đây hở, trời ơi… !

Mình sửng sốt. Người thanh niên lạ hoắc này gọi mình bằng thầy là nghĩa lý gì? Anh ta đâu phải là trẻ nít như thằng Nhân, thằng Vượng ngồi ngoan ngoãn trong kia đâu, đâu phải là học trò lớp nhất của ngôi trường cổ kính này? Trông dáng anh ta cũng không là dân ngụ trong xóm nữa. Mình đánh tiếng: - Anh là ai thế?

Người thanh niên ngó mình, nói:

- Để con dìu thầy vào ngồi. Thầy già quá đi, hèn gì không nhớ con. Con là thằng Vân ưa nghịch phá học lớp nhì năm xửa năm xưa ở phòng này nè. Thầy nhớ lại coi.

Mình ngẩng nhìn kỹ. À, à có vài nét phảng phất giống đứa học trò cưng của mình hồi đó. Vậy là Vân đó sao? Người thanh niên mỉm cười, gật đầu. Nụ cười thiệt hệt như ngày trước. Nụ cười do đó mình mới dám chắc đứa học trò cũ của mình đang đứng trước mặt mình đây. Mình thảy viên phấn lên bàn, run run nắm lấy bàn tay rắn chắc của Vân. Và sao tự nhiên nước mắt lùa ra khỏi đôi mắt hấp hem, lăn ấm áp trên má.

Vân hoảng hốt xiết tay mình:

- Thầy! Thầy! Sao thầy khóc? Con làm thầy buồn hả thầy?

Mình vẫn giữ tay nó, tay kia quệt nước mắt, gắng gượng nở trên môi nụ cười trấn an:

- Không đâu! Thầy không có buồn gì hết. Thầy thấy hơi cảm động thôi. Con đừng ngại.

Mình quay xuống lớp bảo:

- Nè Vượng, con cho mấy em con thu xếp tập vở đi về nhà. Bữa nay thầy cho các con về sớm. Bài toán đố mai mốt thầy giải tiếp.

Thằng Vượng dạ lớn rồi làm y lời. Những bước chân bọn trẻ sau đó ngập ngừng ở thềm cửa. “Thưa thầy con đi về” thì được mà không biết chào ông khách ra sao. Mới lúc đó, chúng thấy khách xưng con với thày kia mà. Chả lẽ chỉ gật đầu sơ, coi kỳ quá. Mình biết ý nên nói người này là học trò cũ của thầy mười mấy năm về trước chứ không xa lạ gì.

Thằng Vượng với thằng Nhân chào “Kính anh” và bước đi. Tụi trẻ cũng bắt chước chào theo, tản mác liền. nhưng mình hiểu chúng sẽ bàn bạc dữ lắm trên đường về. Tâm lý trẻ con vẫn thích tò mò, hiếu kỳ.

Vân nhìn theo cho đến lúc đứa cuối cùng thấp mất phía bên kia cầu đá cao, quay lại hỏi:

- Sao thầy cho mấy em về chi vậy?

- Ờ, thầy cho về để nói chuyện nhiều cùng con. Xa cách dữ đa.

Mình thấy Vân lạ thật. Cao lớn là lẽ tất nhiên và nom khỏe mạnh, vững chãi. Có điều nó hơi đen, nụ cười toe toét không thành tiếng tựa như thuở nào.

- Bây giờ con ra sao, có vợ con chưa?

Mình hỏi để mà hỏi chứ dư biết đối với bản tính dè dặt, hơi nhút nhát của nó, có được một hai bạn trai thân là điều hãn hữu, nói chi tới bạn gái. Quả thật, Vân nhe răng cười đáp:

- Con chưa có bạn đâu thầy, cũng chưa có sự nghiệp gì hết. Con được bổ về dạy ở đây thôi.

Mình ngỡ ngàng. Nói vậy Vân làm thầy giáo hả? Ờ, con theo nghiệp của thầy cũng hay chứ. Thế hệ trẻ nhỏ chịu sự chăn dắt, dạy dỗ nơi mình đã trưởng thành, đâu còn bé bỏng hoài. Có thể, tuổi cỡ thằng Nhân, thằng Vượng là con em những đứa đã học với mình một niên khóa hồi nào. Nghĩ mình lẩn thẩn ghê. Già bạc đầu, con cháu đầy đàn, nhiều khi lại cứ tự dối rằng sức lực còn mạnh mẽ, sinh tồn, chưa hao mòn chi đâu. Để cuộc sống bớt lận đận, để vui vẻ đôi chút. Nhưng mà… ! Thời gian chóng vánh quá. Dù rằng con lạch nhỏ xuôi dòng nước bên hàng rào kia không thấy thay đổi. Đó là mạch sống của vùng này, là đường thông thương giữa con sông cái ngoài xa kia với miền đất có vẻ cằn khô nằm hút bên trong. Ngày hai buổi và suốt mười mấy năm trôi qua, xuồng tam bản hay những khúc gỗ bè vẫn lướt đi , dân vớt củi vẫn đeo theo nạy từng mảnh vỏ xơ ra đem về làm củi. Hoặc cây bàng trước trường lá vàng cứ rụng theo cánh gió vào cuối thu là lúc trường khai giảng niên học mới. Có lạ chi đâu.

Mình thở dài. Thằng Vân bảo nhìn trường không thấy quen thuộc nhiều là sao? Nó xa rời chốn cũ cả thời gian đằng đẵng nên quên béng chăng? Chắc không đúng. Anh trưởng ty hồi tại chức lâu lắc rồi – có ghé thanh tra mấy lần, bây giờ cáo quan xuống thăm mình có nói: “Thấy anh lụm khụm hoài. Trường với anh hết cả “mới mẻ”?”

Vân ơi, rốt cuộc thầy trò mình tái ngộ quá bất ngờ. Thử nhớ lại hồi con còn bé xem. Con chút xíu, ngồi ở bàn này chứ đâu. Ừ! Cái bàn đầu dãy giữa. Ngồi chung với hai chị em con Thảnh, con Thơi đó. Con học giỏi lắm, ganh đua với hai nhỏ bạn từng bậc hạng trong lớp. Nhưng thầy chẳng hiểu tính con rụt rè mà hay nghịch ngầm quá. Bạn bè sợ con luôn. Sợ trong sự thương mến, chẳng chút ganh ghét. Mà thầy tuy cưng yêu con, cũng đánh con như thường. Thầy như thấy rõ lại cảnh con nằm dài dưới đất, mắt len lén nhìn lên hai cô bạn lúc đó mặt tái mét vì lo cho con. Con mỉm cười tỏ vẻ không ngán đòn nên thày giận ghê, đánh con mạnh tay không kịp suy nghĩ đến nỗi con bật khóc nức nở. Nhờ vậy, về sau con mới chăm chỉ hơn đấy.

Mình đứng dậy dắt Vân lên văn phòng. Đoạn hành lang ngắn thật so với kỷ niệm tuy còn mơ hồ đôi chút, song khá dài. Mình nhớ rất đầy đủ, để thỉnh thoảng lôi nó ra khỏi ngăn kéo trí óc ôn lại cho xao động ít nhiều cuộc đời già vốn làm tình cảm bồi hồi, nhung nhớ khá giảm sút.

Cũng như ông hiệu trưởng, cũng như cô giáo trẻ, với Vân thì công việc giáo huấn có lẽ sẽ tươi mát, ý vị; ngôi trường nhờ đó mà êm đềm, dịu uyển, mất dần nét nặng nề, già dặn độ trước. Mình hay bạn đồng niên một ngày nào vơi đi niềm lo lắng tới tương lai lớp trẻ hậu sinh, một ngày nào đó sẽ chậm rãi ngồi nhơi lại quá khứ, sung sướng và thảnh thơi hưởng tuổi thọ.

Lời nhắn nhủ dành cho Vân, cho lứa tuổi đã trưởng thành, mình nói với nó rằng:

- Con chọn lấy nghiệp làm thầy là đã chấp nhận sự hy sinh cho thế hệ sau, đào luyện lớp trẻ mai hậu dần dà trưởng thành với một ý thức chín chắn về tương lai. Thế nên thầy mong con kiên nhẫn với tất cả, lấy những buồn vui ở nghề nghiệp làm sợi dây kết chặt, đừng để bồng bột của tuổi trẻ dời đổi vị trí thân thiết sẵn có của tình thầy trò. 

* * *

Tôi gặp lại thầy tôi trong hoàn cảnh thật bất ngờ. Mười mấy năm xa cách đã làm phai lạt đi màu xanh tô trên tuổi học trò của tôi. Mười mấy năm biến đổi “thằng nhỏ Vân” thành “thầy giáo Vân” và ấu thơ của nó trở thành kỷ niệm. Mớ kỷ niệm còn non, còn mới quá.

Tôi đã đứng trên dốc cao của nhịp cầu đá, nhìn nó, nhìn chung quanh trong khi nước mắt ràn rụa. Thuở thơ ấu, nhịp cầu vẫn y như thế này, hàng lan can vuông vức từng ô trống thường đe dọa tôi mỗi khi tôi tựa vào. Tôi sợ thình lình bị lọt qua chỗ trống, rơi tõm xuống nước. Ngày mấy mươi bận, tôi đã qua lại liền liền nhịp cầu để đến trường hoặc đến vựa lá chầm tít nơi kia là chỗ tôi ưa ngồi lơ mơ, vừa ngửi mùi lá lợp nhà ngai ngái vừa phóng mắt nhìn quanh quẩn. Tắp theo bờ sông, con đường chạy vòng vo giữa cái rượi mát từ các tàn cây cao ven lề tỏa xuống. Tận cùng, đường dừng trước ngôi đình thần nghiêm vắng.

Ừ nhỉ! Tôi nhớ tôi hay phá khuấy tụi bạn tại nơi này lắm. Tính tôi ưa trầm mặc, nhưng cứ thích đùa nghịch thầm lén, riết rồi tụi bạn chạy mặt tôi luôn. Nhất là Thảnh, Thơi hai cô bạn gái cùng ngồi chung bàn đầu.

Và hình như có một lần, Thảnh, Thơi cùng cả bọn kéo vào đình rủ tôi mở cuộc vui. Tôi từ chối, lảng sang chỗ khác nằm ngửa trông trời xanh. Buổi trưa ấy mây trắng thật nhiều giăng phía trên cành đa cao vút. Tôi đã định ngủ một giấc cho khỏe song tiếng cười đùa chọc vô tai tôi hoài.

Chúng nó chơi giỡn không kể đến ai với ai. May mà ông từ hôm nay đi vắng chứ có ông thì chúng nó phải biết. Chạy vắt giò lên cổ! Tôi chợt nhìn thấy đống guốc dép bỏ ngổn ngang, nên nghĩ ra một kế chọc chúng chơi. Và thi hành xong xuôi, tôi nhẹ nhàng đi tuốt vào bảo điện, lăn xuống gạch mát ngủ ngon lành.

Kết quả sau đó là tụi Thảnh, Thơi mếu máo chạy tìm khắp nơi, rốt cuộc cũng không thấy nên xúm lại năn nỉ tôi. Tôi bảo là chẳng rõ, nãy giờ ngủ chứ không có thức. Và một lát, mới giả vờ ái ngại chỉ giùm chỗ của “thằng nào” tôi thấy nó lui cui cất chi đó. Bọn nó vội vã tìm đến, và từng thằng một leo lên nhánh đa có máng đồ giấu. Rồi đứa nào cũng xuýt xoa nhảy vội xuống. Kiến vàng cắn đau khỏi chê!

Tôi thở dài. Còn hình dung nào rõ ràng hơn hai ánh mắt khẩn cầu của cô bạn nhỏ hồi ấy. Bọn trẻ vô tâm, bỏ về ngay, còn lại hai chị em Thảnh, Thơi đứng nhìn tôi, nhìn cây đa. Đôi guốc vông của Thảnh tòn teng trên nhánh lá đầy kiến vàng làm nhỏ bạn muốn khóc. Giọt nước mắt ấm ức sắp sửa rướm trên mi cô bé khiến tôi leo nhanh lên cây lấy đôi guốc xuống. Thảnh vừa phủi nhanh mấy con kiến trên áo tôi, vừa cám ơn luôn miệng.

“Cám ơn trò Vân, trò tốt ghê đi ấy!”.

Câu nói cách đây bao nhiêu ngày tháng, giờ tôi tưởng như mồn một bên tai. Âm thanh tiếng “đi ấy” đậm đà dễ thương biết chừng nào.

Tôi lần xuống dốc bên kia. Ngôi trường trông lạ quá. Mái ngói đỏ sậm thành màu nâu ảm đạm. Hàng rào bông bụt cũng đã biến mất, thay vào đó là bức tường vôi tróc từng mảng. Trường đã vậy, không biết thầy tôi ra sao?

Tôi nôn nao bước qua cổng. Và tôi đã gặp thầy. Tôi đã nhận ra người thầy lụm khụm, già nua, thời gian điểm tô mái tóc thật bạc, tựa hồ bụi phấn trắng suốt mười mấy năm qua đã đánh đổi màu đen của tóc đi. Thày còn già cả tinh thần nữa. Thầy chẳng nhận ra tôi, đứa học trò cưng của thầy ngày đó hễ vắng mặt một ngày là thầy hỏi thăm luôn. Tôi muốn nhắc lại ngay cho thầy nhớ, nhưng chần chừ để dìu thầy bước trở lại ký ức, ngang qua những miền tình cảm đôn hậu, đằm thắm, mong muốn thầy dừng chân ở một chỗ, và chỗ đó chính là nơi chất chứa kỷ niệm của tôi đối với thầy. Mà thầy cũng chẳng nghĩ ra, nên tôi nhắc: “Thằng Vân nhút nhát mà nghịch ngầm hồi đó đấy thầy”. Thầy lặng một giây lâu rồi tự nhiên nước mắt lăn dài xuống đôi má hom hem. Những dòng nước mở nguồn cho tình cảm bấy lâu ngày nghẹn cứng đó chăng? Phải rồi. Thầy đã nhận ra. Thầy đã lắng nghe trái tim xao động, bồi hồi và thầy sực nhớ tới kỷ niệm (muốn bỏ quên thầy hay thầy tự quên lãng).

Thầy ơi! Trong phút giây bàng hoàng ấy, con định nói thật nhiều thật đầy đủ chuỗi kỷ niệm ấp yêu cho thầy tường tận, mà con thôi. Con tôn trọng lúc thầy khóc, con rung động vì ngẫm nghĩ rằng cảnh tái hợp này biết đâu mai sau sẽ diễn lại với con, với “thầy giáo Vân”!

Không, con không muốn thế đâu. Và con muốn hóa thân để trở về ngày xưa bé mọn của con, thời trai tráng của thầy. Nương theo vòng tay bảo bọc của thầy, biết đâu sung sướng còn gấp vạn lần như bây giờ. Như lúc nghĩ tới bổn phận của mình, phải nghiêm trang, phải rộng lượng tình cảm, phải xúc cảm khi bỗng nhiên bị đau ốm, gắng gượng nắm tay từng đứa học trò mang cả tấm lòng, mang cả trái tim yêu thương đến thăm mình. Ánh mắt lo âu ở địa vị học trò, con hết còn nhìn thầy nữa. Bàn tay rụt rè nắm ngón tay buốt lạnh không phải của con, của thầy nữa, mà là của học trò bé bỏng, của “thầy Vân” rồi!

Thày nhỉ! Nghiệp giáo dồi dào tình cảm quá. Cương vị của người thầy cũng lớn lao, quan trọng quá. Con tự nhiên đâm ra ngần ngại lúc đầu.

Nhưng bây giờ, trái lại, con thấy nôn nao lạ. Làm thầy là để chăn dắt, khai lối cho bọn em cháu của mình đấy mà. Làm thầy là để vui với niềm vui khiêm nhượng của đám học trò mình, để buồn với mình khi bắt buộc phải thốt ra lời trách cứ, phạt lỗi. Nhưng, làm thầy còn là đón nhận mọi tình cảm không bao giờ dứt trong suốt thời gian dạy học. Đúng thế không hở thầy? Thầy khai ý con, thầy giúp con nhiều lắm. Thầy vừa làm xong bổn phận trong nghiệp giáo đó thầy hở?…

VĂN 
(tháng đầu năm) 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 133, ra ngày 15-7-1970)

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Một lần viếng thăm - HƯƠNG CỎ MAY


- Me ơi! Mai me cho con đến Tòa soạn Tuổi Hoa chơi nghe me!

- Chơi gì chỗ ấy con? Chỗ người ta làm việc ai có thì giờ rảnh để chơi với con? Thôi ở nhà đi, mai thứ bảy, me dẫn đi xi-nê.

- Thôi, con hổng thèm đâu, me cho con đến Tòa soạn Tuổi Hoa đi, đến đó vui hơn xi-nê nữa cơ!

- Chỗ làm việc mà vui cái gì? Thôi lên lầu ngủ đi con gái. Chóng ngoan me thương.

- Tức quá đi thôi – Em cố cãi – me không biết gì hết á! Hôm qua con Thảo mới đến chơi : nó nói các anh chị trong tòa soạn vui lắm, có cho nó kẹo nữa me ơi!

Me em bật cười:

- Té ra con thích kẹo mà đến đó hả?

- Hổng phải đâu me, con hông cần kẹo, con đến chơi thôi, cho con đi nghe me!

Me em bỗng nổi giận:

- Me nói hoài mà con không nghe hả? Có lên lầu ngủ không? Me đánh cho bây giờ.

Thế là hy vọng của em tiêu tan như mây khói. Me khó quá đi thôi! Từ lâu, em có ý định đến viếng thăm Tòa soạn Tuổi Hoa nhưng vì bận học, sợ me không cho đi. Bây giờ nghỉ hè rồi, ở nhà chơi mãi cũng chán ; nên em quyết định xin me cho đến đó chơi ; vậy mà me lại không cho đi, có tức không cơ chứ?

Em vùng vằng lên lầu, về phòng gieo mình xuống giường – nước mắt trào ra. Tức me quá đi thôi! Ồ, em bỗng nghĩ ra một cách : Thử vào xin ba coi, chắc thế nào ba cũng cho ; mà hễ ba cho thì me cũng bằng lòng liền à. Mấy lần trước, em xin đi dự trại với tụi bạn do nhà trường tổ chức, lần nào xin me cũng không cho : me viện đủ cớ hết. Thế mà ba cho là me cũng chịu cho em đi. Nghĩ vậy em ngồi bật dậy, sang mở cửa phòng ba:

- Ba ơi! Mai cho con đến Tòa soạn Tuổi Hoa chơi nghe ba.

Em yên chí thế nào ba cũng ừ ; vậy mà ba trả lời một câu làm em muốn “xỉu” ngay tại chỗ:

- Chó con! Xuống dưới nhà xin me đi, ba mắc làm việc.

Em lủi thủi quay ra, thế là vỡ mộng. Xin me : me không cho ; xin ba : ba bảo xin me. Như vậy biết chừng nào em mới đến thăm Tuổi Hoa được đây? Tuần tới, em phải lên Đà Lạt với me rồi. Chừng về thì em lại phải lo sửa soạn cho niên học tới. Trời ơi! Sao me em khó khăn quá! Xin đi đâu me cũng không cho. Chả bù với me của Thảo : đi đâu me nó cũng cho miễn là có lý do chánh đáng và phải xin phép hẳn hòi. Giận me quá đi thôi. Mai em khỏi thèm đi xi-nê với ba me nữa đi ; em nhất định rồi, me có năn nỉ em cũng không đi : để “trả thù” cho đỡ tức, ai bảo em năn nỉ mãi mà me cứ chối từ.

Em lên giường giăng mùng lo đi ngủ, vừa chui vô mùng bỗng em nghe có tiếng máy xe nổ dòn dã và sau đó tiếng nói chuyện oang oang. Hình như có khách đến. Em định xuống xem ai đến nhưng chợt nghĩ là mình đang giận me nên vội thôi. Ở dưới nhà, hình như có ai hỏi em, tiếng nói giống chú Hoàng quá!

- Hương ơi, có chú Hoàng qua chơi nè, có cả em Thoa nữa!

À đúng rồi, em đoán đâu có sai : chú Hoàng đến chơi. Đây là dịp cho em “trả thù” me. Em đắp mền lại giả vờ ngủ nhưng vẫn cố ý lắng nghe câu chuyện dưới nhà.

Tiếng me em:

- Hương ơi! Sao không xuống chào chú, con?

Và ba em:

- Chắc con nhỏ ngủ rồi. Hảo, đâu con thử lên kêu em coi.

Biết chị Hảo sắp lên tới, em quay mặt vào vách nằm im. Chị Hảo gọi mấy lần không thấy em trả lời, chị trở xuống lẩm bẩm:

- Sao hôm nay con bé ngủ sớm thế? Mới tám giờ hơn mà đã ngủ rồi!

Em nín cười để tiếp tục diễn nốt vai trò của mình. Khi ấy, em nghe chú Hoàng bảo:

- Ngày mai, mời anh chị đến chung vui với cháu Thoa mừng ngày sinh nhật thứ mười của cháu.

- Vâng, chúng tôi sẽ đến. À, chú định tổ chức vào lúc mấy giờ?

- Dạ, tụi em định tổ chức vào lúc mười hai giờ.

Ba em nói:

- Như thế : ngày mai thứ bảy được nghỉ, sáng tôi dắt các cháu đi xi-nê rồi về ghé chú luôn.

Nghe đến đấy, em mừng rỡ vô cùng. Ngày mai ba me vắng nhà, đến chú Hoàng thì thế nào ba me cũng ở lại nghỉ trưa, đến bốn, năm giờ mới về cơ. Như vậy, em có thể đến Tòa soạn được. Chị Hảo hiền và thương em lắm, xin một tiếng là chỉ cho liền à. Em đi khoảng một giờ đến ba giờ về, thế là khỏi sợ ba me biết. Ồ, còn cu Hân nữa chi? Hắn có thể tố cáo em lắm chứ! Nhưng mà khỏi sợ đi, mấy bữa nay cu Hân đau răng nằm mãi trong phòng rồi, hắn nào biết em đi đâu mà méc ba me. Vui thích quá, em tung mùng nhảy xuống đất, chạy lại tủ áo lựa lấy chiếc áo đầm thật đẹp mà me mới may tuần rồi ; em cắm bàn ủi là cho thật thẳng rồi móc vào mắc áo treo lên. Em lại lấy khăn lau đôi giày mới cho thật sạch, cất đôi vớ vào trong. Thế là xong. Ngày mai em sẽ mặc những thứ ấy để đến với Tuổi Hoa.

Em trở lại giường, nhưng không hiểu sao em nôn nao chi lạ, còn hơn hôm bãi trường đến lãnh thưởng nữa cơ. Em trằn trọc hoài không ngủ được, cứ nghĩ đến cuộc đi chơi ngày mai thôi! Ồ, đến tòa soạn chắc vui ghê lắm ; em tưởng tượng ra những khuôn mặt trong ban biên tập : ai cũng hiền, cũng vui vẻ và hoạt bát : Ơ kìa, sao lạ thế này : Trời ơi! Em biết phân biệt ai với ai đây? Hình ảnh mọi người quay cuồng, nhảy múa trước mắt em…

***

Em viện cớ nhức đầu để từ chối không đi chơi với với ba me. Ba me vừa đi thì chị Hảo đi chợ về ; em xuống nhặt rau, múc nước dùm chị để… “hối lộ”, để chị vui lòng cho em đi chơi.

- Chị Hảo ơi! Trưa nay cho em đến tòa soạn Tuổi Hoa chơi nghe! Em đi từ một giờ đến 3 giờ ba me không biết đâu!

- Hương đi với ai?

- Kim Oanh, con bác Tám đó chị.

- Ừ, nhưng đi cho mau mà về, đừng gặp ai rủ ren cũng theo hết nghe chưa? À, còn phải coi chừng xe cộ nữa nhé!

Thế là em mừng vô hạn, nhẩy lên lầu một lần hai nấc thang. Về phòng, em ngắm nghía chiếc áo đầm : màu hồng bây giờ tươi sáng hơn bao giờ hết. Đôi giày trắng đẹp quá di thôi! Em hết ra lại vào hết đứng rồi ngồi, cứ trông cho cho mau đến trưa để đi chơi thôi. Đến bữa ăn, em định không ăn cơm, nhưng chị Hảo dọa là sẽ không cho đi nên em vội vàng ăn xong hai bát rồi buông đũa chạy về phòng. Đồng hồ gõ mười hai tiếng rời rạc – chắc chị Hảo đang nhìn theo em mỉm cười.

***

Xe lam ngừng bên kia đường, ngay trước cổng nhà thờ Chúa Cứu Thế, em và con Oanh xuống xe, bắt đầu tìm kiếm. Sao em thấy hồi hộp, nôn nao quá đi thôi! Tay chân em ngứa ngáy, không yên ; em muốn đấm cái này, đá cái kia quá! Băng sang đường, sẵn có chiếc lon nằm ngay giữa đường, thuận chân, em đá chiếc lon lăn lông lốc. Kim Oanh nhìn em mỉm cười.



Em hồi hộp tìm số 38. Ồ! Nhà thờ số 38 nè. Sao kỳ vậy? Không lẽ tòa soạn lại ở trong nhà thờ? Hai đứa vào nhà thờ, không thấy nơi nào để bảng Tòa soạn Tuổi Hoa cả. Chỉ thấy tòa báo Đức Mẹ và một căn phòng, hình như là phòng thông tin hay gì đó. Em không nhớ rõ. Hai đứa trở ra, đi lên phía trên một tí, lại thấy một ngôi nhà (không đúng hẳn, cách kiến trúc như là một dãy phòng học) cao ba bốn từng, có sân thật rộng và thật đẹp – ngôi nhà này cũng mang số 38. 

Em nghĩ : không lẽ tòa soạn lớn dữ vậy? Đưa tay đẩy chiếc cổng sắt màu xanh, sao cứng quá! Có lẽ đã khóa bên trong. Kim Oanh nói:

- Thôi trở lại phía nhà thờ rồi hỏi thăm coi.

Hai đứa trở lại, hỏi chị bán báo ở phía trước nhà thờ ; chị lắc đầu không biết. Thất vọng quá rồi! Em bực tức lôi Kim Oanh vào nhà thờ. Đi ra phía sau : không có gì cả, bên phải là 2 phòng như em đã thấy. Qua bên trái : Ồ, ở đây có cổng ăn thông với ngôi nhà lúc nãy đây mà – Chắc đây là nhà cha đó! Kim Oanh bảo thế. Em nghĩ mà tức ghê! Có lẽ ban biên tập mượn địa chỉ ở đây để nhận thơ quá! Hai đứa đang đứng tần ngần thì bỗng ông Từ giữ nhà thờ bước ra, tay cầm cây roi thật dài. Ông gắt:

- Hai đứa đi đâu đó?

- Dạ, tụi con đến kiếm tòa soạn Tuổi Hoa.

- Ở Tòa báo Đức Mẹ kìa! Nhưng mà hai rưỡi mới làm việc, ai làm việc bây giờ – Ông nhìn đồng hồ tay – giờ mới một rưỡi. Hai đứa về đi, ở đây phá, tao đánh à.

Nghe vậy, em thất vọng vô cùng và tức ông Từ nữa. Quên cả cám ơn, em lôi Kim Oanh ra về. Con bé cũng thất vọng không kém. Em buồn quá, thất thểu ra về. Lúc đi sao hăng hái quá mà lúc về…

Đến nhà, em vò đầu bực tức, hất mạnh chân cho đôi giày văng ra xa. Em gieo mình xuống ghế ngồi tức tối, nghĩ ngợi.

- Chị Hương đi đâu về vậy? Sao không cho em đi?

- Ồ! Sao cu Hân thức sớm vậy? Chị đi… mà chị đâu có đi đâu.

- Chị giấu Hân há, Hân biết hết rồi nè : chị đến tòa soạn Tuổi Hoa nè, me về Hân méc cho coi.

- Thôi Hân đừng méc me, mai chị mua cho Hân nhiều đồ chơi, nhiều bánh kẹo nghe!

- Hổng thèm, Hân hổng thèm, Hân méc me cơ!

Thôi chết rồi! Mồ hôi em tuôn ướt áo. Sao hôm nay em xui xẻo quá chừng. Đi không được việc gì mà về còn bị đòn nữa! Còn cái thằng Hân này nữa, ghét ghê, thấy người ta năn nỉ càng làm tới à.

- Hương, con đi đâu về đó? Sao đầu tóc giày dép như vậy?

Trời ơi! Ba me đã về. Em chết điếng trong lòng. Biết đàng nào chạy tội bây giờ? Em ấp úng:

- Thưa me…

- Chỉ đến tòa soạn Tuổi Hoa đó me – cu Hân nhanh nhẩu.

Ba nổi giận quát tháo:

- Hương! Bữa nay con dám qua mặt ba me hả? Hừ, dám bảo là nhức đầu để ở nhà đi chơi. Thế này thì không tha được. Lên lầu thay áo rồi xuống đây. Hân, đi lấy cho ba cái roi mau lên.

Em thất thểu lên lầu, ngang qua chỗ chị Hảo ngồi em nhìn chị cầu cứu : chị lặng im. Quá sợ hãi, em thay đồ xong vội vã trở xuống, cúi xuống giường – em không dám nhìn ba, nhìn cây roi nữa. Ba định nói gì thì em nghe tiếng chị Hảo:

- Ba, lần này là lần đầu, ba tha cho Hương đi. Với lại, tại con cho phép nó mới dám đi.

Ba không nói gì, mãi một lúc sau:

- Hương, đây là lần đầu, ba tạm tha không đánh nhưng phải quỳ từ giờ đến chiều. Lần sau thì đừng trách.

Em vội quỳ vào góc giường. Em không thấy hối hận gì cả. Cu Hân lại mở máy thâu thanh, em bực tức, giờ này mà hát với hỏng. Tiếng hát của Giao Linh vang lên : “… một lần đến thăm em…” đang tức, bật cười sửa lại. “Tuổi Hoa ơi!” – Em hát thầm – : “một lần đến thăm em muôn ngàn ngày cũng không quên”.

HƯƠNG CỎ MAY 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 138, ra ngày 1-10-1970)
Tranh của ViVi - Cúi xuống


Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

VIVI TỰ MẠO NHẬN HỌA SĨ - VIVI VÕ HÙNG KIỆT

Hôm nay thật vui gặp lại Ông Anh Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng sau 39 năm. Qua Lê Phương Minh, Anh Hạng gửi một tin nhắn:
Hang Van Pham: “ Vui lòng tin lai ViVi đang chốn nào mong gặp.”
Liền sau đó anh Hạng viết cho tôi: ..” Rất vui gặp lại còn giữ nét vẽ của bạn trong giai đoạn thăng trầm thân phận… Thời gian là thước đo…”

*****

Vào năm 1976, một anh sinh viên kiến trúc mời tôi đến dự tệc cưới tại tư gia của anh. Anh cho ngồi chung bàn với hai nhà điêu khắc đàn anh nổi tiếng, Phạm Văn Hạng và Trương Đình Quế, tôi biết hai Anh và gửi lời chào; hai anh lịch sự cười chào lại nhưng không biết tôi là ai. 
May mắn thay, khi ấy chú rễ bước tới và giới thiệu:
- Thưa hai anh, đây là họa sĩ ViVi!

Hai anh nheo mắt cười:
- Họa sĩ ViVi, có thiệt không đó? Chú em này đừng thấy người ta nổi tiếng rồi mạo nhận đấy nghe, nhìn cái mặt non choẹt bề ngoài như ông thầy tu!

Thiệt tình từ lức ngồi chung bàn tôi có nói tôi là họa sĩ đâu. Anh chú rễ đáp thay tôi:
- Thiệt đó hai anh, ảnh là ViVi vẽ TuổI Hoa đó mà.

Anh Hạng nói ngay:
- Được rồi, em khỏi nói, hai anh có cách kiểm tra xem chú này có phải thật là ViVi hay không. Bây giờ chúng ta vẽ chân dung cho nhau thì lòi ra ngay thật giả. Em đem cho các anh vài tấm giấy trắng. Nếu chú em này không là ViVi thì phải ăn cho hết đoá hoa Hồng chưng trên bàn này, nếu đúng thì hai anh sẽ chia nhau ăn.

Có nghĩa là Anh Hạng sẽ vẽ Anh Quế và tôi, Anh Quế vẽ Anh Hạng và tôi, đương nhiên tôi sẽ vẽ lại hai Anh…
Khi giấy bút sẵn sàng tôi nhìn hai anh vẽ. Anh Quế phác thảo thật nhanh và liên tục dựng nét. Anh Hạng đúng là một nhà điêu khắc, nhấn bút như cầm dao tạc tượng… Tôi thì cứ chăm chú nhìn hai Anh vẽ và ngồi ngắm vào khuôn mặt hai Anh. Vì chỉ biết hai Anh qua sách báo cùng tác phẩm trước 1975 mà chưa một lần trực diện.
Thoáng một cái hai anh đã hoàn tất mỗi ngườI 2 bức phác thảo chân dung thật đặc sắc .
Hai anh nhìn tôi cười to:
-Sao chịu thua và thứ nhận mạo danh họa sĩ đi, nào mời chú xơi đoá Hồng.

Thiệt tình không phải tôi khớp mà không vẽ, nhưng vẽ hai nhà điêu khắc tài danh này chưa biết sẽ diễn tả cách nào? Chẳng lẽ ngồi rị mọ ghi lại đầy đủ chi tiết mắt mũi tóc râu. Tôi nghĩ họ là những danh tài Mỹ Thuật chính thống! Vẽ làm sao đây ta, thôi cứ phác họa vài nét hai Anh sẽ nhận biết ngay thôi. Họ là những tay Cao Thủ trong thế giới Mỹ Thuật làm sao qua được mắt họ.

Sau vài giây đắn đo, tôi lột giấy bao một thỏi bút sáp, bẻ một khúc rồi ngước nhìn anh Hạng chăm chú. Anh Quế lại cười:
- Ăn Hoa đi chú.

Tôi cúi xuống quẹt nhanh 3 nét (tựa như hình ngoài bìa) hai Anh vừa nhìn qua ba nét phác, Anh Quế nói ngay:
- Thôi khỏi cần vẽ anh, chú nó đúng là ViVi rồi.. Anh Hạng này, anh em ta chia nhau ăn đoá Hồng này đi!
……………

Những người Anh nghệ sĩ thật dễ thương.
Nhiều khách chung bàn hay gần đó, nhìn tấm ký họa, không thấy giống nét vẽ của ViVi trên báo TH cũng không giống khuôn mặt của ĐKG Hạng mà tại sao hai nhà điêu khắc lại chịu thua? Quí Bạn Tuổi Hoa .nghĩ sao?





TRANH MINH HOẠ CỦA ANH VIVI
Anh vẽ người thì khỏi phải bàn, danh bất hư truyền, ngay cả trong "võ lâm đồng đạo", chứ người phàm như em thì không kể, đứng xa mà ngắm, biết chi mà tán! 
Anh vẽ cảnh cũng vậy, gần gũi và yên bình, nhìn tranh mà có cảm giác như lúc mình được ở cạnh người thân. Con trâu, bụi tre, khóm trúc, cánh diều với vài ba em nhỏ, hay cảnh u tịch trong chiều tà của cảnh chùa dưới tán đa già, bên chân núi như bức tranh minh hoạ trên Thiếu Nhi, xuất bản năm '72 này. 
Đọc Thiếu Nhi, biết Anh vẽ rất nhanh, vẽ không bao giờ tẩy xoá, không có cái gọi là bản nháp... Hồn Việt luôn đầy ắp trong Anh!


Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Quả Táo Vàng - THU AN


Ngày xưa có một vị vua.

Ông vua này không hiền cũng không ác, nhưng rất hà tiện, và ông ta đang buồn chán lắm.

Một hôm, ông ấy muốn kiếm trò giải muộn, bèn ra lệnh cho một đội kỵ mã đi khắp xứ, các tỉnh, các làng, vừa đi vừa rao lên rằng:

- Nghe đây nghe đây, Hoàng Đế có lệnh truyền, nếu ai kể được cho ngài nghe một câu chuyện mà ngài không thể nào tin nổi, thì sẽ được thưởng một quả táo bằng vàng.

Dân chúng bèn đổ xô đến kinh đô : Từ các tỉnh lớn bé, các làng mạc xa gần đều lũ lượt lên đường. Có cả các hoàng tử và các hầu tước, các thương gia và nông phu. Người này đi ngựa, người khác đi xe, người khác nữa đi bộ, và ai ai cũng đều hy vọng là sẽ được thưởng quả táo bằng vàng về câu chuyện mà mình sẽ kể.

Nhưng không một câu chuyện nào, do các hoàng tử, hay các hầu tước, các thương gia hay nông dân kể lại mà làm cho nhà vua ngạc nhiên cả. Ông ta tin hết tất cả những câu chuyện đó, hoặc là ông ta giả bộ tin, vì như vậy ông khỏi mất quả táo bằng vàng. Và ngày nào ông cũng được nghe kể nhiều câu chuyện mới và thế là hết cả buồn chán.

Một tối nọ, có một người rất nghèo đến trước cung điện. Người đó mang theo một cái bình rất lớn trong tay.

Người lính gác hỏi:

- Anh muốn gì?

Người nghèo nọ trả lời:

- Tôi muốn kể cho nhà vua nghe một câu chuyện làm ngài ngạc nhiên.

- Nếu vậy thì anh cứ vào.

Và người ta dẫn người nghèo khổ nọ đến trước mặt vị vua.

Nhà vua hỏi:

- Nói đi, nhà ngươi muốn kể cho ta nghe câu chuyện gì?

Người kia trả lời:

- Muôn tâu thánh thượng, thần chúc thánh thượng sống lâu muôn tuổi. Thần tới đây để xin lại số tiền của kẻ hạ thần. Bệ hạ thiếu nợ kẻ hạ thần một bình này đầy vàng.

Nhà vua la lên:

- Nhà ngươi nói láo! Ta không hề nợ ngươi bao giờ cả.

Người nghèo kia bèn nói:

- Vậy thì, vì bệ hạ đã không muốn tin lời kẻ hạ thần, xin bệ hạ ban cho kẻ hạ thần quả táo vàng.

Nhà vua bây giờ mới hiểu mánh lới của anh chàng nghèo, bèn nói lại:

- Không, không, ngươi không nói láo…

Người nghèo bèn mỉm cười, nói tiếp:

- Nếu vậy, nếu kẻ hạ thần không nói dối, thì xin bệ hạ đổ đầy số vàng mà bệ hạ thiếu kẻ hạ thần vào trong bình này!

Sau cùng, nhà vua đành phải trao quả táo vàng cho anh chàng thông minh đó!

THU AN kể 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 110, ra ngày 7-10-1973)
Bìa của Vi Vi : Thu tím

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Thú quê - SA BIỆT LƯU


Mấy hôm đầu sống ở thôn quê, Quang cảm thấy thích thú dễ chịu. Sáng quê thật ấm áp trong lành. Quang ưa đi thơ thẩn trước sân, say sưa hít không khí thoang thoảng hương hoa mới nở, vui giữa nắng sớm dịu dàng, tâm hồn lâng lâng trong gió lộng. Thỉnh thoảng Quang dừng bước, để tai lắng nghe tiếng chim hót rộn ràng, hoặc để mắt đuổi theo một cánh bướm bên thềm cỏ, một đôi chim sâu trong lùm cây.

Xế trưa, Quang ra vườn, leo lên mấy cây mận, cây ổi, ngồi vắt vẻo trên cành, hái quả ăn. Một lần, Quang trông thấy một cây khế sai những quả chín, liền mừng rỡ leo lên hái. Nhưng mới giật được một quả, Quang đã vội vàng tụt xuống vì bị lũ kiến vàng đeo cắn khắp người. Sau khi phủi hết kiến, Quang đưa trái khế to ửng đỏ ngon lành kia lên miệng nhấm một tí. Bỗng Quang nhăn mặt, quăng mạnh nó xuống đất. Thì ra một giống khế chua!

Đêm về, như mọi người, Quang đi ngủ sớm. Đêm ở đây êm ả quá, giúp Quang tìm được giấc ngủ khỏe khoắn ngon lành.

Được nhàn hạ như thế, thêm sự mến yêu của hai bác và người chị họ, lòng Quang vui sướng nhiều…

Nhưng chỉ một tuần thôi, Quang bắt đầu buồn chán trước cảnh sống bình thản của nhà quê, cảnh sống đều đều lặng lẽ. Nhất là những buổi trưa, không gian vắng lặng càng thêm vắng lặng. Rồi Quang chạnh nhớ đến thành đô, nhớ xe cộ, nhớ những thú vui nhộn nhịp, ồn ào… Quang muốn làm một công việc gì để giết bớt thời giờ cứ chầm chậm trôi qua.

Một trưa, Quang đi tìm bác Hai và nói:

- Bác chỉ cho con giúp một việc chi đi bác.

Bác Hai mỉm cười:

- Con về đây là để nghỉ ngơi dưỡng sức, chứ đâu phải để làm việc… À, hay con buồn vì không có bạn? Nè, bác giới thiệu cho con một người bạn tốt nhé? Con hãy làm quen với thằng Mạnh nhà ở kế bên mình đó. Chắc chắn nó sẽ giúp con được vui.

Cậu trai mà bác Hai nói, Quang đã biết mặt khi anh ta qua mượn cuốc của bác Hai mấy hôm trước. Quang nghĩ thầm:

- Anh ta trạc tuổi mình, nhưng trông nghèo bẩn quá, thật không xứng để mình làm bạn chút nào. Song đành nghe lời bác Hai vậy, không thì buồn chết!

Quang lững thững đi qua ngôi nhà lá kế cận. Vừa tới cửa cổng nhà ấy, Quang gặp Mạnh xách rổ bước ra. Cả hai vui vẻ chào nhau. Quang hỏi:

- Anh đi đâu đó?

Mạnh đáp:

- Tôi đi đổ nò anh ạ.

Quang ngạc nhiên:

- Đổ nò là làm cái chi?

Mạnh tươi cười:

- Anh đi theo tôi sẽ rõ. Anh rảnh chứ?

- Vâng. Tôi định sang chơi với anh đây.

Quang theo Mạnh tiến về phía rạch, vừa đi vừa chuyện trò. Mạnh hỏi:

- Lúc nầy nghỉ hè nên anh về đây chơi phải không?

Quang gật đầu:

- Phải. Còn anh, anh có đi học chăng?

- Có chứ. Tôi vừa học tới lớp nhứt. Nhưng theo lời ba má tôi, từ bãi trường nầy tôi sẽ thôi học luôn.

Quang nhìn Mạnh, khinh thường : Anh ta kém mình xa quá! Cùng trạc tuổi, nhưng mình đã là một học sinh ưu tú của bậc trung học!

Đến đầu ngọn rạch, Mạnh dừng lại:

- Đến chỗ đặt nò rồi đây.

Quang nhìn thấy dưới rạch hai tấm đăng dựng theo hình rẽ quạt, đầu trong mở ra chạm vào hai bờ đất, đầu ngoài khép lại giữa dòng nước chỉ chừa một khoảng hẹp. Nơi khoảng hẹp có đặt một dụng cụ bắt cá : cái nò. Như vậy khi nước ròng, cá tôm sẽ theo ra sông, và chui cả vào đó, vì không còn lối thoát nào khác nữa…

Mạnh tiến ra cây cầu bắc ngang rạch, cạnh nò, mở dây kéo nò lên. Đó là một ống to làm bằng những song tre nhỏ kết liền nhau. Sau khi đem nò lên bờ, trút cá ra rổ, Mạnh chỉ cửa nò, giải thích:

- Hai “cánh cửa mở hé về phía trong” nầy gọi là cái hom. Nhờ nó cá vào nò không thể nào trở ra được.

Dựng nò dựa vào gốc xoài gần đấy, Mạnh bưng rổ lên:

- Chà hôm nay được nhiều tép!... Thôi ta về anh Quang.

Quang được Mạnh mời vào nhà tiếp đãi trà nước. Cả hai cùng trò chuyện vui vẻ, xem ra rất hợp ý nhau.

Quả như lời bác Hai, Quang nhận thấy Mạnh rất vui tánh, hoạt bát. Quang không còn lo lắng về sự buồn chán nữa, vì từ nay mình đã có một người bạn để vui sống qua mấy ngày hè ở làng quê.


*

Chiều hôm sau, Quang vừa dùng cơm xong, Mạnh sang hỏi:

- Anh muốn đi hái bần không?

Quang giơ hai tay, vui vẻ đáp:

- Đi liền! Mà đi bằng gì?

- Bằng chân chứ bằng gì.

- Lội sình à?

Mạnh cười:

- Đùa đấy, mình đi bằng thuyền.

Quang reo:

- Thích nhỉ! Để tôi xin phép hai bác tôi nhé!

Vài phút sau, cả hai đã ngồi gọn gàng trong lòng chiếc thuyền con : Mạnh ngồi đàng lái, chèo thuyền, Quang ngồi trước mũi vui vẻ khoát nước. Nhẹ nhàng, thuyền đi len lỏi, tiến dần ra sông.

Chẳng mấy chốc cửa sông đã hiện. Nước lớn đầy, dòng sông như rộng thêm ra. Sông nhỏ, nước trôi dờ dật êm đềm như để hòa hợp với cảnh trí nơi đây.

Quang quay hỏi Mạnh:

- Sông nầy tên chi, anh?

Mạnh cho thuyền đi sát bờ, đáp:

- Sông Tiên Thủy anh ạ.

Gió êm êm thổi. Vài cây bần đưa cành ra ngoài ve vẩy trên mặt sông như cản trở, đùa cợt với chiếc thuyền. Quang vừa vẹt chúng, vừa nhìn Mạnh hỏi ý.

- Bần nầy trái nhỏ lắm. Mình đi lên trên kia hái bần to hơn.

Mạnh bảo, đoạn khom người khuấy mạnh mái giầm.

Thật thế, thuyền đi được một đỗi, Quang đã thấy hiện ra một dãy bần, thân cây nào cũng cao lớn.

Mạnh cặp thuyền vào cây bần sai quả nhất, rồi vừa buộc thuyền vào thân cây, vừa phân công:

- Anh ở dưới nầy, còn tôi leo lên hái nhé!

Mạnh thoăn thoắt leo lên cây, chuyền từ nhánh nầy sang nhánh nọ hái những quả bần to quăng xuống cho Quang. Vì mỗi lần đứng lên, thuyền tròng trành trông khiếp quá, nên Quang đành chỉ ngồi xổm dưới khoang thuyền đón bắt.

Một lúc sau bần đã nhiều, Quang gọi lên:

- Thôi xuống đi.

- Để tôi hái trái cuối cùng nầy đã.

Mạnh đáp, và trườn người ra một nhánh nhỏ tận ngoài xa, có vói hái một trái bần chín treo ở đầu nhánh.

Quang kêu:

- Khéo coi chừng đấy!

Vừa dứt lời thì bỗng “Rắc, rắc” chiếc nhánh gãy phăng, Mạnh rớt đùng xuống nước. Quang rú lên, khiếp hãi nhìn mặt nước xao động một chốc rồi trở lại phẳng lặng lạnh lùng…

Quang gào to kêu cứu, nhưng chưa dứt tiếng thì thấy Mạnh trồi lên. Quên cả sợ sệt, Quang mừng rỡ chồm người ra khỏi thuyền:

- Trời, anh Mạnh, may quá, có sao không?

Mạnh vuốt mặt cho ráo nước, rên rỉ:

- Chết rồi, anh ơi!

Quang lại hoảng hốt:

- Sao? Anh chạm phải đá?

Mạnh níu be thuyền leo lên:

- Không phải, gói muối ớt tôi bỏ trong túi áo ướt hết rồi.

Quang phát vai bạn:

- Có thế mà làm tôi hết hồn.

Mạnh cởi áo vắt nước:

- Cám ơn anh đã lo sợ cho tôi. Nhưng dân ở vườn không chết đuối đâu anh ạ.

Tháo dây buộc thuyền, Mạnh cười tiếp:

- Chỉ tại tôi quên mất “bần giòn, ổi dẻo, me dai”… Thôi đem mấy trái bần nầy về nhà ăn vậy.

- Đâu để tôi chèo thử coi.

Quang nói, đoạn bắt chước điệu bộ Manh, cầm mái giầm khuấy nước. Nhưng con thuyền cứ đảo đi đảo lại không chịu đi. Mạnh bật cười:

- Thôi ông kẹ, chèo kiểu đó có ngày chìm xuồng.

Quang trao giầm cho bạn. Mạnh tiếp lấy, đưa giầm xuống nước đẩy con thuyền tiến tới một cách dễ dàng.

Bỗng nhiên, Quang cảm thấy thẹn thuồng hết sức. Quang nhớ đến lòng khinh rẻ của mình đối với Mạnh hôm qua. Quang cho mình tài giỏi hơn Mạnh, nhưng giờ đây Quang lại thua kém Mạnh rất nhiều. Quang vụt hiểu. Ở đời không ai hoàn toàn hơn ai cả. Mình có hơn người điểm nầy rồi cũng thua người điểm khác. Vì thế mình tự phụ với ai thật là sái quấy, đáng thẹn.

Quang hỏi bạn:

- Nầy Mạnh, anh bao nhiêu tuổi?

- Mười bốn anh ạ.

- Tôi cũng vậy. Ta nên gọi tên nhau cho thêm thân mật, Mạnh nhé!

*

Quang dời cần câu, thả mồi cạnh một tàu dừa nằm dài dưới mương, rồi vừa rung rinh chiếc cần, vừa phùng má đánh lưỡi “trục, trục…” Cái mồi trùn to bằng ngón tay cái, nhún nhẩy như một con vật sống. Bỗng một cái đầu đen đủi từ trong tàu dừa thò ra, thình lình đớp lấy cục mồi. Quang giựt mạnh cần lên. Một con cá bóng dừa mắc ở đầu sợi nhợ.

- Mạnh ơi, tôi được thêm một con nữa!

Mạnh cũng đang câu ở bờ đất bên cạnh, quay sang:

- Thế à! Quang có “tay câu cá” đấy!

Quang bắt con cá, bỏ vào cái gáo dừa mang ở bên hông, cười nói:

- Cá bóng dừa tham ăn quá, Mạnh nhỉ? Cắn được mồi chúng nhất định không chịu nhả ra.

- Nhờ vậy mình mới khỏi dùng lưỡi câu đó… Thôi, khá trưa rồi mình nghỉ một tí rồi về, Quang.

Đôi bạn dắt nhau đến ngồi dưới một gốc dừa tơ. Nơi đây là bờ cuối cùng của vườn dừa. Tiếp nối ngoài kia là một đám cây cỏ hoang dại um tùm, xanh ngát.

Quang hỏi:

- Sao miếng đất kia bỏ hoang thế hở Mạnh?

- Không phải đâu. Nơi đấy trước là ruộng, sau người ta lên bờ để lập vườn. Lên bờ xong, họ phải đợi cho đất hết phèn mới đem trồng cây ăn trái. Thừa dịp nầy, cây cỏ hoang mặc sức mọc lên rần rần đó.

Quang ngồi dài trên đất, chống tay ngước nhìn một cây dừa cao:

- Cây dừa dáng thật dẹp. Cây lá dịu dàng tha thướt quá!

Mạnh mỉm cười:

- Tôi không thấy nó đẹp mà chỉ thấy sự ích lợi của nó thôi. Cả cây dừa không có chỗ nào vô dụng. Nầy nhé : Rễ nó giữ đất cho chắc, thân làm cột làm cầu, tàu lá làm củi, trái để ăn…

Một trái dừa non chợt rụng trước mặt đôi bạn. Quang nhỏm dậy nhặt lấy, cười bảo:

- Mạnh đã quên một sự ích lợi quan trọng của trái dừa đấy.

- Ích lợi gì?

- Trái dừa còn để rụng trúng bể đầu người ta nữa chứ!

Cả hai cười vang vui vẻ. Quang vung tay ném trái dừa con về phía đám cỏ. Trái dừa rớt xuống một lùm cây rậm. Bỗng từ dưới, một con chim nâu, to bằng con quạ, bay vụt lên.

Mạnh reo:

- Ý, con bìm bịp! Chắc nó làm tổ ở đó. Đâu mình lại xem.

Quang theo Mạnh, vẹt cỏ tiến đến lùm cây nọ.

- A, đây rồi!

Trước mắt hai đứa, một tổ chim nằm trên đám cỏ cao, kết bằng những cọng lác, những dây nhãn lồng vẫn tươi sống. Trong tổ lót cỏ khô, ba quả trứng trắng tinh lớn gần bằng trứng gà ác nằm kề liền nhau, xinh xắn quá!

Mạnh bàn:

- Mình đem trứng về luộc ăn.

Nhưng Quang kéo tay bạn:

- Đừng. Tội nghiệp con chim mẹ lắm!

- Tội nghiệp gì? Người ta còn bắt nó ăn thịt nữa kia.

- Mặc họ. Riêng tôi, tôi không muốn hại một con vật nào cả.

Mạnh nhìn Quang:

- Quang giàu tình thương quá nhỉ!

Thôi ta trở ra.

Đôi bạn vừa rời khỏi bờ cỏ, tự dưng trời tối sầm lại. Mạnh ngước nhìn lên:

- Chà, sắp mưa! Ta vào nhà mau.

Lẹ làng Quang, Mạnh xách gáo dừa đựng cá, vớ lấy cần câu, cùng bước đi nhanh. Song muộn mất, mưa đã bắt đầu rơi rào rào trên ngàn cây.

- Chạy nè!

Gặp một cái mương chắn ngang, Mạnh không kịp tìm cầu, vội vàng nhảy vụt qua. Quang làm theo, nhưng khốn thay lại rơi tòm xuống nước!

- Thôi, đổ cá của tôi hết rồi!

Quang kêu lên tiếc rẻ, quên cả quần áo bết đầy sình đất, và những hạt mưa lạnh rơi lộp bộp trên đầu.

*

- Quang ơi, sáng nay chúng mình đi hớt cá lia thia nhé!

- A, cá lia thia! Tôi thích nuôi chúng lắm. Nhưng hớt ở đâu Mạnh?

- Ngoài ruộng ấy mà. Quang hãy kiếm một cái rổ thưa thưa, rồi theo tôi, phần tôi đã có cái rổ nầy và ve đựng cá đây.

- Sao lại rổ thưa?

- Như thế, con cá nào mình hớt được mới là cá to, cá quí chứ!

Một lúc sau, Quang và Mạnh xách rổ vui vẻ ra khỏi nhà. Thấy Mạnh vắt trên túi áo một gói lá chuối, Quang hỏi:

- Gì thế?

- Vôi đa.

- Đem thứ đó theo làm chi? Tính ăn trầu hả?

Mạnh mỉm cười:

- Ậy, rồi có chỗ dùng mà.

Qua khỏi vườn cây, đồng ruộng giải rộng trước mắt đôi bạn. Ruộng đã ngập nước, nhưng người ta chỉ mới phát cỏ xong, chưa cày xới chi cả.

Quang hỏi:

- Hớt cá ở chỗ nào?

- Mình tìm ở chỗ nước êm, bờ đê rậm cỏ hớt mới được nhiều cá.

Mạnh đáp đoạn tiến tới trước. Quang bước theo, cùng đi trên con đê dài, nhỏ hẹp.

Gió thổi nhè nhẹ. Quang khoan khoái nhìn ngắm xung quanh. Đó đây, ruộng đồng bát ngát tươi sáng dưới ánh nắng ban mai dịu dàng. Rải rác mấy người câu cá. Gần đê, một đóa hoa súng trắng lung linh thanh bạch.

Đi một quãng, Mạnh dừng lại:

- Chỗ nầy được đa. Để tôi hớt cho Quang coi nhé!

Nói xong, Mạnh đưa rổ xắn xuống nước, rồi giậm chân lên đám cỏ mục nằm ven đê, cạnh rổ.

- Phải làm thế cho cá lia thia trốn trong cỏ chạy vào rổ.

Mạnh giải thích, đoạn hai tay bưng rổ lên. Nước chảy hết, trong rổ còn lại… mấy cọng rác!

Mạnh lại tiếp tục hớt chỗ khác. Quang cũng làm theo. Được một lúc, Quang reo to mừng rỡ:

- Tôi hớt được một con đây nầy, Mạnh ơi!

Mạnh chạy lại nhìn vào rổ Quang. Trong ấy, một con cá lia thia đen mun lấp lánh những vảy xanh, đang giãy giụa.

Quang rối rít:

- Cái ve đâu? Đưa tôi múc nước bỏ nó vào.

Xong, Quang hăng hái xách rổ đi hớt nữa. Một chốc lại đến Mạnh hớt được một con. Rồi cả hai thi nhau, xem ai hớt được nhiều, cùng cười nói vang rộn, phá tan sự yên tĩnh của đồng không. Quang lội cả xuống ruộng để hớt. Nhưng sau đó Quang chợt quát to, sợ hãi nhảy lên bờ:

- Ối Mạnh ơi, con gì thế nầy? Ghê quá, nó đeo chân tôi, phủi không rớt!

Mạnh bỏ ve, quăng rổ chạy lại bên bạn:

- À, con đỉa!

Vội vàng móc túi áo lấy gói lá chuối, Mạnh quệt vôi dí vào hai đầu con vật. Nó co rút mình lại, lăn tròn xuống đất.

Quang rùng mình:

- Lần đầu tiên tôi thấy con đỉa.

Mạnh cười hỏi:

- Bây giờ Quang đã biết công dụng của gói vôi nầy chưa?

Quang gật đầu:

- Vâng, hay thật!

Mạnh trao ve cá cho bạn, sau khi trở lại lấy rổ. Quang đưa ve lên ngang mắt, ngắm nghía:

- Bộn, Nhưng sao chúng hết “mun” vậy?

- Tại chúng mệt. Đem về nuôi riêng từng con chúng sẽ “mun” lại Quang ạ.

- Cá lớn dữ! Con nhỏ nhứt trong nầy ở tỉnh bán hai, ba đồng đấy.

- Ở quê không ai mua bán cá lia thia. Song người ta đi hớt về lựa con hay cho “đá” ăn tiền.

- Tôi không muốn cho cá “đá thật”, chỉ thích nó “đá bóng” thôi.

Mạnh nhìn trời đoạn hỏi:

- Đi về chưa Quang?

- Vâng. Tôi đã đói tới rồi đây.

Mạnh cười giòn:

- Đói bụng hay sợ đỉa?

*

Tuy chưa tựu trường nhưng hôm nay Quang phải trở ra tỉnh để lo học thêm.

Hơn một tháng sống ở Hàm Long vui những thú vui thanh bạch, cảm tình đã vương vấn nhiều ở mọi người mọi vật, giờ phải lìa xa chốn nầy, lòng Quang không muốn rời khỏi hai bác, chị Mơ, không muốn dứt bỏ bờ cau, khóm chuối và nhất là không muốn cách xa Mạnh, người bạn tốt của mình chút nào. Dù chỉ mới quen nhau trong một thời gian ngắn, nhưng Quang, Mạnh đã thân nhau lắm. Mạnh thích Quang có lẽ vì tánh Quang thành thực, biết trọng lẽ phải. Quang mến Mạnh vì Mạnh tuy nghèo khó, song lòng tốt thì không thiếu, không vơi.

Tối qua, Mạnh sang chơi với Quang, mãi khuya mới về. Cả hai ngồi bên nhau trò chuyện thật thân thiết. Mạnh lại ca vọng cổ cho Quang nghe, những câu ca buồn thấm thía, giãi bày tâm sự lúc phân ly.

Hôm đến đây Quang chỉ mang một chiếc cặp, giờ trở về lại có thêm một giỏ lớn đầy trái cây nữa.

Lúc ra đi, Mạnh giành xách giỏ, tiễn Quang ra xe. Bước chầm chậm bên nhau, Quang nói:

- Ước gì Mạnh cùng ra tỉnh ở với tôi. Nếu có dịp ra tỉnh sống, Mạnh thích chăng?

Mạnh tươi cười:

- Tôi đã có lần ra tỉnh ở rồi chứ. Song những ngày ở đấy thật buồn ghê!

- Sao lại buồn? Nhớ ba má à?

- Nhớ ba má cũng có, nhưng thứ nhứt là nhớ quê. Nào mái nhà tranh, chiếc cầu, nào cây dừa, bụi tre… Mỗi lần nhớ đến chúng, tôi lại thấy bồn chồn trong dạ.

Ra đến chợ quận, xe sắp chạy, Quang siết tay Mạnh, không biết nói gì để tỏ hết nỗi lòng mến yêu quyến luyến, sau cùng đành chỉ buông một câu:

- Mạnh ở lại mạnh giỏi nhé.

Mạnh cũng cảm động, vỗ vai bạn:

- Quang đi, rồi bãi trường tới lại nhớ về đây chơi nghe!

Quang bước lên xe. Chiếc xe đò ọp ẹp từ từ rời bến. Mạnh tần ngần nhìn theo. Quang cố chồm người ra khỏi xe, vẫy tay chào bạn lần cuối nhưng bóng Mạnh đã mờ đi sau lớp bụi mờ.

SA BIỆT LƯU 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 17, ra ngày 25-5-1964)

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Những Địa Danh Nổi Tiếng Sài Gòn Nhìn Từ Trên Cao - TRI THỨC

Dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, cảng Nhà Rồng hay nhà thờ Đức Bà ... là những công trình, địa danh nổi tiếng khiến nhiều khách phương xa muốn ghé thăm mỗi khi đặt chân đến TP.HCM.


Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

7 bài học làm Người - LẶNG NHÌN CUỘC SỐNG

Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.

Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư. Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa? Ngài Tinh Vân bảo: Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Ta Là Vua Lười Học - Mt. HOA

Giờ chơi, tôi ghé lên văn phòng như mọi ngày, cửa văn phòng đông nghẹt học trò. Cố gắng lắm tôi mới gỡ được vòng vây của các em. Tôi cố dằn một tiếng kêu “Trời ơi!” đang định bật ra khỏi miệng : các em tụ họp tại cửa văn phòng để chiêm ngưỡng một học sinh bị phạt! Các em cười đùa, chế nhạo và chọc ghẹo. Tôi lách người đến gần:

- Thanh Thủy! Sao thế em?

Vâng, em bị quỳ là Lê thị Thanh Thủy, học trò cũ của tôi năm ngoái. Em đang quỳ đây, quỳ ở cửa văn phòng. Hai tay em cầm một tấm bảng viết dòng chữ in đỏ thẫm : “Ta là vua lười học”. Một bất mãn dâng lên trong lòng, tôi lắc nhẹ vai Thủy:

- Tại sao bị phạt hở Thủy?

Ngày Tựu Trường - NGUYỄN TRƯỜNG ANH

Nắng rất nhẹ trên nụ hoa vừa mởn
Mắt em hồng sương trắng phủ đồi xa
Những mùa xưa lòng mấy ngón đậm đà
Thời mới lớn, tuổi vừa lên tám chín

Nắng mùa thu rải qua hồn mây kín
Em buồn xưa, ngây dại tuổi học trò
Nhìn người đi qua những giấc xa mơ
Em nhớ lại, ngày tựu trường niên thiếu

Nắng thuở ấy, mộng về trên cánh áo
Vở học trò, trang giấy trắng thơm nguyên
Trái mồng tơi làm mực tím dịu hiền
Cho em viết giòng thương yêu thắm nắng

Em vẫn nhớ, đường xưa nhiều mây trắng
Tiếng chim khuyên bên cành trúc la đà
Hoa nở vàng, em bước nhẹ đi qua
Chào ngày mới vang trong lòng bé nhỏ

Em vẫn nhớ, tóc em huyền thuở đó
Mắt em xanh như da ngọc bầu trời
Ngày tựu trường nắng thắm đỏ đôi môi
Trang vở mới còn thơm mùi giấy trắng

Buổi đầu tiên em nghe trời vỡ nắng
Lòng chơ vơ giữa muôn vạn những người
Em nhìn ra đầy áo trắng không thôi
Và bỡ ngỡ khép hồn bên khung cửa

Em còn nhớ, ngày tựu trường thuở đó
Mải nhìn say khung cảnh đẹp trên tường
Nên giật mình nghe tiếng trống đang vương
Trong hồn nhỏ, giờ học đầu chớm nở

Thuở em lớn sắc màu còn bỡ ngỡ
Nên em về chân vương nắng vàng mơ
Nay mùa thu về với tuổi học trò
Em chợt nhớ, ngày tựu trường thuở đó.

NGUYỄN TRƯỜNG ANH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 84, ra ngày 8-4-1973)



Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Tháng Tám Ngọt Ngào - ĐINH THỊ BÌNH YÊN


Còn tháng tám vàng mơ 
Trời đã buồn biết mấy
Tay đếm mười ngu ngơ
Đã qua rồi tháng bảy

Vùng Đất Thời Gian - TỈ TỈ


Tôi không biết sự tình cờ nào du tôi đến đây, trước tòa lâu đài rộng bát ngát, trắng mầu cẩm thạch, óng như có mầu trăng. Không khí ảm đạm, buồn bã như bao phủ lấy ngôi nhà rộng thênh thang đó khiến tôi đứng ngoài cũng thấy tâm hồn xao động. Căn nhà yên tĩnh, không một bóng người. Khu sân chung quanh trải sỏi xanh màu trứng sáo. Sân rộng mênh mông là thế mà không có một bóng cây, ngoại trừ phía sau, xa tít là khu rừng xanh mướt. Tôi đoán là rừng thông hay dương liễu vì vẻ mềm mại của nó.

Bể cả, Non xanh - HUỲNH CHÚC (M-Y)

(Cho những búp bê 
còn cài hoa hồng trên áo) 
Bỗng một hôm em thấy
Trên vầng trán mẹ già
Những vết hằn sâu kín
Chứng tích bao ngày qua

Bông Hồng Cài Áo - HẠNH VI

Mến tặng các bạn Thiếu Nhi 
dù đang cài Hoa Hồng hay Hoa Trắng

Tôi yêu nhất mùa Thu vì mùa Thu có lễ VU LAN với những kỷ niệm êm đềm của những ngày tôi còn mẹ. Mỗi lần đến lễ VU LAN, là hình ảnh mẹ sống lại trong tôi thật đậm đà.

Ngày ấy mẹ tôi với khăn áo chỉnh tề mang hoa quả, đèn nhang đi lễ Phật. Tôi đi bên người cũng với chiếc áo dài trắng ủi phẳng phiu, đầu tóc gọn ghẽ, lại cài thêm cái hoa hồng trên ngực áo. Thuở ấy tôi còn bé quá, chưa hiểu được cái hạnh phúc của những kẻ còn được cài hoa hồng trên áo, tôi chỉ ngỡ cài nó trông đẹp thế thôi!

Má - LINH THÙY


MÁ,

Con tưởng là má quên ngày sinh nhật má. Không dè… má lại cố tình quên. Má ơi, con xin lỗi đã lén xem nhật ký của má. Chỉ vì sáng nay con vào phòng má tìm cái mùi xoa. Cũng nhờ vậy mà con mới biết. Con lặng người đi một lúc lâu khi đọc xong những dòng má viết. Nước mắt con chảy dài, thương má đã thương các con.

Chị Nhàn nói với con tối nay nhắc má lo sinh nhật đi là vừa. Chị đã chọn quà cho má xong, mà con được thấy là chiếc áo dài màu xám tro may thật khéo. Chị bảo má già rồi, mặc màu này mới hợp. Con chợt thảng thốt: Má già rồi! Vậy mà lâu nay con không để ý. Vâng, má đã bắt đầu già rồi. Da má nhăn, tóc má không còn mướt, trán má thêm nhiều nếp, và mắt má không còn tinh… má già rồi, vậy mà suốt đời vẫn phải lo cho các con, để đến nỗi quên đi thân má.

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Mẹ Của Anh - XUÂN QUỲNH

Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Mẹ đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi.
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.

Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau.
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen.

Ông Đồ Bể (II) - KHÁI HƯNG

Rồi ghé sát tai ông đồ, ông thần thì thào:

- Chẳng nói giấu gì bác, nhờ trời, nhà tôi giầu có. Tôi đã đem theo đây bốn nén vàng để phòng phải ông chánh chủ khảo có máu tham đồng, đổi trắng thay đen, thì sẽ tùy cơ ứng biến. Đây bác cầm hai nén rồi ngay đêm nay chúng ta cùng nhau tìm vào nhà riêng của ông đốc học.

Ông đồ Bể từ chối, nói thà rằng không đỗ, chứ nhất định không chịu đút lót, lễ lạt để mất cả phẩm giá con người.

Đến đây ông thần mới tỉnh ngộ và hiểu rằng không có cách gì, không thể dùng mưu thần chước quỷ nào hại nổi một người chính trực, quang minh như ông đồ Bể được.

Lòng thù ghét của ông thần đối với ông đồ vụt đổi ra lòng cảm phục. Từ nay ông sẽ cứ ở luôn bên mình ông đồ như trước để ủng hộ chứ không phải hãm hại nữa.

Vì thế ông đồ Bể lọt vào được bốn kỳ cũng là nhờ ở sức giúp đỡ của ông thần. Kỳ nào chấm đến bài của ông đồ Bể, ông chánh chủ khảo cũng nhận thấy văn chương lỗi lạc đáng được phê ưu. Nhưng ông nghĩ thầm : “Thằng này cậy có tài không thèm biết đến ta. Vậy ta thử phê cho nó hỏng tuột xem nó còn chỉ cậy ở văn tài và học lực nữa không”. Và ông mỉm cười thong thả viết chữ “liệt” đỏ rất to, rồi khinh bỉ vứt quyển thi sang một bên. Điều ông không ngờ là chữ liệt của ông chỉ là chữ “ưu”. Ông thần đã đưa tay viết chữ nọ hóa chữ kia mà ông vẫn không biết.

Ông Đồ Bể (I) - KHÁI HƯNG

Rồi ghé sát tai ông đồ, ông thần thì thào:

- Chẳng nói giấu gì bác, nhờ trời, nhà tôi giầu có. Tôi đã đem theo đây bốn nén vàng để phòng phải ông chánh chủ khảo có máu tham đồng, đổi trắng thay đen, thì sẽ tùy cơ ứng biến. Đây bác cầm hai nén rồi ngay đêm nay chúng ta cùng nhau tìm vào nhà riêng của ông đốc học.

Ông đồ Bể từ chối, nói thà rằng không đỗ, chứ nhất định không chịu đút lót, lễ lạt để mất cả phẩm giá con người.

Đến đây ông thần mới tỉnh ngộ và hiểu rằng không có cách gì, không thể dùng mưu thần chước quỷ nào hại nổi một người chính trực, quang minh như ông đồ Bể được.

Lòng thù ghét của ông thần đối với ông đồ vụt đổi ra lòng cảm phục. Từ nay ông sẽ cứ ở luôn bên mình ông đồ như trước để ủng hộ chứ không phải hãm hại nữa.

Vì thế ông đồ Bể lọt vào được bốn kỳ cũng là nhờ ở sức giúp đỡ của ông thần. Kỳ nào chấm đến bài của ông đồ Bể, ông chánh chủ khảo cũng nhận thấy văn chương lỗi lạc đáng được phê ưu. Nhưng ông nghĩ thầm : “Thằng này cậy có tài không thèm biết đến ta. Vậy ta thử phê cho nó hỏng tuột xem nó còn chỉ cậy ở văn tài và học lực nữa không”. Và ông mỉm cười thong thả viết chữ “liệt” đỏ rất to, rồi khinh bỉ vứt quyển thi sang một bên. Điều ông không ngờ là chữ liệt của ông chỉ là chữ “ưu”. Ông thần đã đưa tay viết chữ nọ hóa chữ kia mà ông vẫn không biết.

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Hồn Ta Bâng Khuâng... - HẠNH TRÂN


Hình như bạn hơi mỉm cười. Em nhìn theo ánh mắt bạn. À, thì ra bạn đang ngắm 3 chiếc bìa Tuổi Hoa em cắt dán trên tường. Em đã bỏ ra một buổi tối để lựa trong chồng báo 3 chiếc bìa dễ thương nhất để dán lên tường cạnh bàn học của em. Cả 3 chiếc bìa có vẽ hình 3 cô bé: Một cô nhìn nghiêng, mắt đậm buồn, sóng mũi thẳng, đôi môi mỏng hơi mím lại mà các bạn em cứ bảo rằng giống em lắm. Một cô bé đứng bên chùa Linh Mụ, mặt đăm chiêu suy tưởng. Và một cô bé mắt sáng môi tươi, nét mặt thánh thiện trong lành, tóc mai buông thả, dễ thương ơi là dễ thương. Ba chiếc bìa có ba sắc thái khác nhau. Mắt bạn em dừng lại hơi lâu trên chiếc bìa có cô bé dễ thương. Bỗng dưng em có ý định…

*

Bước Đầu - THÚY

Mỹ chợt giật mình khi nghe đồng hồ tường thong thả buông 3 tiếng. Mở lời với má bằng cách nào bây giờ, Mỹ thấy sao mà khó thế không biết. Không phải Mỹ muốn xin má đi chơi, hay đi đến nhà bạn mà là…

Đã từ lâu Mỹ có ý định xin ba má đi làm thêm ngoài buổi học. Thật ra Mỹ cũng chẳng thích đi làm cho mấy vì ăn rồi đi học thì sướng còn gì bằng. Nhưng Mỹ không phải là một đứa con gái vô tư như đa số các bạn Mỹ. Mỹ luôn luôn suy nghĩ, tìm hiểu về khả năng gia đình. Những tháng sau này, Mỹ cảm thấy như ba lo lo, má hay than phiền tiền bạc, gạo củi, còn chị em Mỹ hình như thiếu thiếu cái gì. A! Đúng rồi, chả là má không phát tiền tháng. Vậy mà không đứa nào dám nhắc hay xin, chị em Mỹ sợ má lắm, má hiền nhưng nghiêm. Vả lại, Mỹ ít ăn quà vặt và tiêu xài nên không để ý ; nhiều tháng tiền má cho Mỹ vẫn còn y nguyên. Không phải Mỹ không thích mua sắm nhưng Mỹ nghĩ có xài cũng chẳng thấm vào đâu, chẳng thà để thỉnh thoảng cho mấy đứa em ăn bánh, còn thích hơn. Nhưng khổ nỗi, bạn bè, em út và ngay cả má không chịu hiểu, cứ đặt cho Mỹ cái tên là “con kẹo”, kẹo là keo, kẹo là hà tiện ấy mà.

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Những Tác Phẩm Đầu Tay - HỒNG HẠNH


Em là chị cả trong gia đình. Em nói thế cho oai ý mà, chứ thật ra, sau em chỉ có một đứa em trai, cu Tún, kém em gần hai tuổi thôi. Em hơi lấy làm lạ vì bạn em đứa nào cũng có ít nhất hai đứa em, rồi có đứa còn anh, còn chị nữa. Chứ như em thì vào ra… vẫn hai. Muốn chơi trò cô giáo ư? Eo ơi! Cô giáo gì mà chỉ có mỗi một học trò, trong khi đó cô em phải trông coi lũ chúng em gần ba chục đứa, ấy thế mà cô thật tài, coi như không ấy thôi. Còn em, dậy một đứa học trò thật chật vật. Hơn nữa, cu Tún không thích làm học trò em đâu, “chị Tu dậy chẳng đúng cách gì cả”, lại còn chê đấy! Chơi đồ hàng cũng vậy nữa, quanh đi quẩn lại chỉ có một người khách, chóng chán nên cu Tún bèn oa xịt em ra dù em có đem kẹo bánh ra dụ cũng không “lay chuyển” nổi hắn.

Đôi Bạn - AY - YA


… “Con châu chấu thân dài, gồm có đầu, ức và bụng. Cánh sau nó…”

Thằng Thụy đưa tay khèo thằng Phi một cái. Đang ngồi chăm chú nghe thầy giảng, thằng Phi giật mình quay lại. Thụy cúi thấp đầu xuống bàn thì thầm:

- Chốc nữa mày đi ra đồng bắt châu chấu về cho sáo ăn không? Sáo con cho ăn châu chấu chóng lớn lắm!

Thằng Phi đưa mắt nhìn nhanh thầy rồi gật đầu bằng lòng. Nó nghĩ nhanh đến mấy con sáo bé bỏng dễ thương mới ra ràng mà nó với thằng Thụy khổ công leo trèo hôm trước mới bắt được. Thằng Thụy bàn với nó là hai đứa nuôi con chim này cho lớn rồi dạy nó nói, như con sáo đen của ba thằng Dũng. Thụy còn tính chuyện dạy cho con sáo này biết cách mang thư đi, để mai mốt thằng Phi có dọn nhà xuống tỉnh, hai đứa cũng có thể liên lạc với nhau được. Nghĩ đến đó, Phi thấy buồn chi lạ. Nó quay xuống thằng Thụy định nói…