Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Bài cho ngày Nhà giáo Việt Nam - NGUYỆT MAI

Bài cho ngày Nhà giáo Việt Nam

1
Bạn thân mến,

Bạn còn nhớ không trong một bài tập đọc thuở nhỏ đã được in lại trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, có kể câu chuyện về Đại tướng Carnot của nước Pháp, nhân lúc về quê chơi, khi đi ngang qua ngôi trường làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc nhỏ, bây giờ tóc đã bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học. Ông bèn ghé vào thăm, ngả mũ chào thầy, và nói với các học trò nhỏ: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha mẹ, sau ơn thầy ta đây, và nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay.”

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, Nguyệt Mai xin gửi tới các bạn bài viết Từ một câu thành ngữ “Nghĩ về đạo thầy trò xưa và nay” của PGS TS Phạm Văn Tình.
***
Từ một câu thành ngữ “Nghĩ về đạo thầy trò xưa và nay”
PGS TS Phạm Văn Tình
Khi nói về ai đó có công ơn, cưu mang hay từng có sự giúp đỡ hết sức lớn lao đối với ta cần phải ghi nhớ mãi mãi, dân gian ta hay dùng thành ngữ “sống tết chết giỗ”. Hàm ý câu này được biểu trưng qua một cách nói ẩn dụ từ thực tế: Khi người ta chịu ơn còn sống thì ta phải nhớ lễ tết cho chu đáo, còn khi người đó mất rồi, ta phải nhớ cúng giỗ nghiêm chỉnh theo phong tục. Đó là lẽ thường đối với tứ thân phụ mẫu mỗi người. Nhưng còn có những người khác mà nghĩa ơn sâu đến nỗi họ cần phải được ứng xử như vậy trong cuộc sống. Đó là những người thầy từng dạy dỗ ta.
TỪ MỘT CÂU CA DAO…
Mồng một thì đi tết cha/ Mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy. Câu ca dao này trong dân gian còn tồn tại khá nhiều dị bản, nghĩa tương đồng cũng có, nghĩa hơi khác cũng có (Mồng một ăn tết nhà cha/ Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy; Mồng một tết mẹ, tết cha/ Mồng hai tết chú, mồng ba tết thầy…). Nhưng dù có nói theo cách nào đi nữa thì câu chuyện lễ nghĩa ở đây cũng chỉ xoay quanh trong “ba ngày tết” (Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết). Đây là khoảng thời gian chủ chốt, là tiêu điểm của các hoạt động hướng về cái Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc ta (Sang ngày mồng 4, mồng 5 chẳng hạn, không khí tết vẫn còn nhưng cảm xúc và ý nghĩa của nó đã giảm đi nhiều).
Vấn đề đáng nói là các nhân vật được “tết” (và khi chết được “giỗ”) ở đây chỉ có 3: cha, mẹ và thầy. Cha được hiểu là người đàn ông trực tiếp sinh ra ta, là hiện thân của “họ hàng bên nội”. Cũng nghĩa đó, mẹ là hiện thân của “họ hàng bên ngoại”. Còn thầy tức là thầy dạy học.
Ngày xưa, nói chung ở các gia đình gia giáo nền nếp, con cái được gửi gắm cho các thầy đồ dạy dỗ ngay từ tấm bé. Thầy đồ nuôi cho ăn, dạy cho chữ nghĩa thánh hiền và cách thức ứng xử ở đời. Quyền uy của thầy rất lớn, có khi còn lớn hơn cả cha mẹ. Điều đó cũng nói lên quan niệm về chữ hiếu và chữ đạo của cha ông ta ngày xưa rất rõ. Nước ta nằm trong vùng ảnh hưởng đậm nét của Nho giáo (Trung Quốc) vốn coi trọng mọi mối quan hệ xã hội theo thuyết tam cương ngũ thường (tam cương chỉ ba mối quan hệ trong đạo làm người là: vua – tôi, cha – con, chồng – vợ; ngũ thường chỉ năm đức tính chủ yếu mà người đời phải trọng thị: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín). Vậy mà ngay cả tiết nghĩa quân thần (vua – tôi) kia cũng phải đứng sau nghĩa thầy – trò. Vua đang xa giá, gặp thầy dạy học của mình cũng phải xuống ngựa từ xa mà chắp tay cung kính vái chào. Triều đình gặp hệ trọng, vua và quần thần bàn bạc nghĩ chưa ra, nhiều khi phải vời thầy dạy vào cung để thỉnh cầu và nghe lời chỉ giáo…
Vậy là cùng với cha mẹ – những người mà ta phải mang nặng công ơn sinh thành (Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra) – thầy dạy chính là người ta phải “ghi xương khắc cốt”, không thể quên mỗi khi tết đến xuân về. Phan Kế Bính, trong Việt Nam phong tục viết rằng: “Học trò mới vào học gọi là nhập môn, phải kiếm buồng cau lạy yết kiến thầy hai lạy. Lúc học gặp khi mồng năm ngày tết như Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Dương, Tết Trung Thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy”. Thầy không khác gì cha mẹ của ta, mà có khi, còn hơn thế nữa…
…ĐẾN MỘT CÂU TỤC NGỮ
Dân gian ta hay truyền tụng một câu tục ngữ: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Tục ngữ này có gốc Hán, đọc theo âm Hán – Việt. Nếu giải nghĩa từng thành tố, ta có: nhất = một, tự = chữ, vi = là, bán = nửa, sư = thầy. Nghĩa đen của câu này là “Một chữ là thầy, nửa chữ (cũng) là thầy”. Hàm ý của nó nhằm nhắc nhở mỗi chúng ta về đạo thầy trò ở đời. Rằng “chúng ta phải biết ơn người dìu dắt, dạy dỗ mình, dù chỉ là điều nhỏ nhặt nhất”. Đó chính là “lẽ thường (topos)” tối thiểu ở đời trong thiên hạ xưa và nay.
Nhưng phải chăng, câu tục ngữ trên đã được xây dựng trên một lối nói hơi ngoa ngôn, cường điệu? Bởi ta đi học là để thu nhận một hệ thống kiến thức rất rộng, đủ để thành nghề, thành tài. Tri thức có thể ít, có thể nhiều. Song với “nhất tự (một chữ)” và “bán tự (nửa chữ)” có lẽ chẳng là cái gì cả. Người xưa còn có câu Tự vi sư (Chữ làm ra thầy). Thầy thực sự phải chứa trong đầu cả một “biển” chữ. Ta học thầy, chí ít cũng phải được truyền dạy một khối lượng cơ bản của cái “biển chữ” ấy mới “đắc đạo”. Vậy một hai chữ kia ăn nhằm gì? Lão Tử từng nói: Bất độc ngũ xa thư bất thành thi sĩ (Chưa đọc tới năm xe sách, chưa thể thành nhà thơ).

Tục ngữ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” chứa đựng cả một quan niệm sâu sắc của dân gian về sự học, về đạo thầy trò. Bất kỳ ai, đã là học trò thì cần phải học bắt đầu từ những kiến thức sơ đẳng nhất. Có thế thì họ mới có cơ sở để tiếp tục mở mang kiến thức cao hơn để đi xa hơn. Người thầy luôn luôn là một đối tượng cần phải tôn kính. Thầy phải là người cao hơn một bậc về tri thức, về tư cách, về tầm nhìn. Không có thầy, chúng ta khó có cơ hội trau dồi, tiến bộ mọi mặt để lớn lên “thành người” và “thành tài”. Vì vậy, khi đi học, người ta luôn có thái độ trân trọng, “ngước nhìn” lên thầy với sự ngưỡng mộ, coi thầy là thần tượng để hướng theo. Nhất nhất mọi cử chỉ, lời dạy của thầy đều là khuôn thước của sự học hỏi. Không hiếm những học trò, sau này thành danh phương trưởng, vẫn có nét “hao hao” giống thầy về cử chỉ, cách nói, vốn tri thức… Và cũng không hiếm học trò kính thầy, mê thầy mà… “phải lòng” thầy! Nói chung người ta không khuyến khích quan hệ đó, bởi học đường luôn là nơi tôn nghiêm, đúng mực. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, từ sự quý trọng, ngưỡng mộ đến tình yêu chỉ cách nhau chưa đầy nửa bước. Cần tỉnh táo mà không nên sa đà quá mức vào tình cảm riêng tư.
Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” như một khẩu hiệu treo trang trọng ở mỗi cổng trường cũng có ý nhắc nhở chúng ta cần có thái độ ứng xử sao cho đúng, cho “phải đạo” với mọi người quanh ta, trong đó đặc biệt là đối với thầy cô. Trong học đường, điều trước hết phải rạch ròi: Thầy ra thầy, trò ra trò. Lòng kính trọng thầy cô là một biểu hiện cao nhất của niềm tin và tình yêu của học trò trên con đường trau dồi học vấn. “Không thầy đố mầy làm nên”. Có ai trên đời này giỏi giang, thành đạt mà lại không nhờ bàn tay dìu dắt của những người thầy đích thực?
Có lẽ không ít học sinh đã từng đọc cuốn “Núi đồi và thảo nguyên” của nhà văn Xô viết Ch.Aimatôp. Chắc hẳn các em không thể quên truyện “Người thầy đầu tiên” với những tình tiết vô cùng cảm động. Trong truyện, nhân vật Đuysen trong mắt cô học trò Antưnai (sau này đã trở thành một viện sĩ) không chỉ là một người thầy mà còn là một người cha, người anh, người bạn vô cùng đáng yêu và đáng kính.
Trong thực tế, chúng ta bắt gặp không ít những người thầy đáng quý. Họ có thể trực tiếp dạy ta trên bục giảng. Hoặc họ chỉ là một người bình thường, đôi lần chỉ giáo cho ta những điều mắc mớ mà nếu không có họ, ta không thể nào “gỡ” được. Đó là những tấm gương, những bài học để chúng ta noi theo. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư là câu nói làm thấm thía hơn những bài học đó. Ngày xưa đã thế và ngày nay vẫn thế…
Tôn sư trọng đạo là một trong những đạo lý cơ bản trong lẽ làm người và chính đạo lý này đã làm nên nét đẹp đậm chất nhân văn nhất mà tổ tiên còn truyền lại cho chúng ta hôm nay: Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy (ca dao).
PGS. TS. PHẠM VĂN TÌNH
(nguồn: unescovietnam.vn)
****
2
Nguyệt Mai xin gửi tới các bạn truyện ngắn “Ông ngoại” của Huỳnh Văn Úc. Cũng xin riêng tặng bạn Nha Trang và anh Lãng Tử, những người đã một thời làm nghề “gõ đầu trẻ”
Ông ngoại
Huỳnh Văn Úc

Bố mẹ và tôi phải ở nhờ nhà ông bà ngoại cho đến khi tôi ba tuổi mới mua được nhà riêng là một căn hộ trên tầng 8 nhà CT6 khu đô thị Mỹ Đình. Cho đến bây giờ khi đã học lớp 5 tôi vẫn còn nhớ- có những sự việc khi tôi còn quá nhỏ thì được nghe bố mẹ kể lại- về sự săn sóc ân tình của ông bà ngoại dành cho tôi. Bà bế tôi cho ăn bột, ông đứng cạnh làm trò con thỏ, con khỉ thu hút sự chú ý của tôi. Lúc bà nấu cơm thì ông cõng tôi đi chơi, tôi sốt thì ông ngoại ngồi cạnh thở dài lo lắng. Vì vậy khi lớn lên và gia đình tôi đã có nhà riêng, tôi vẫn quý ông bà ngoại lắm. Ngày nhà ông bà có giỗ hay thỉnh thoảng chủ nhật ngày nghỉ chúng tôi về nhà ông ngoại. Mai nhà mình về ông ngoại nhé! Chỉ cần nghe thế là tôi nhảy cẫng lên vui sướng.
Ông ngoại biết làm thơ. Thơ là sự thăng hoa của tình cảm con người. Tôi không biết ông ngoại thăng hoa đến đâu nhưng thơ ông làm ra mà tôi biết được đại khái nó như thế này:
Ông là buổi chiều tà
Cháu là bình minh rực rỡ.
Ông là quả chín trên cành
Cháu là nụ hoa mới nở.

Một hôm qua điện thoại tôi báo cho ông ngoại biết con diều của tôi bị đứt dây bay mất, ông đọc ngay:
Chiều hôm qua con diều bay mất
Ông mua cho con khác cháu chơi.
Ông ngoại còn biết xem đường chỉ tay. Ông bảo số mệnh con người, vui buồn, thành đạt, thất bại…tất cả đều thể hiện trên lòng bàn tay. Có lần ông bảo tôi đưa bàn tay trái để ông xem và lẩm bẩm về những sinh đạo, tâm đạo, trí đạo. Tôi không hiểu lắm về những đường ấy. Tôi nắm lấy tay ông, vô tình lật đôi bàn tay lên và ngạc nhiên thấy đôi mu bàn tay màu nâu dăn deo dúm dó, trên đó nổi rõ những đường gân xanh chằng chịt. Lòng tôi dấy lên một niềm thương cảm sâu sắc, giá mà biết làm thơ tôi đã có thể viết ngay một bài thơ về đôi bàn tay ấy. Đôi bàn tay ngày còn trẻ đã từng nắm vô lăng của tủ điều khiển góc tà trong ca bin đài điều khiển tên lửa phòng không. Cũng đôi bàn tay này khi về già đã nâng niu nựng nịu dỗ dành tôi khi tôi còn bé và còn ở chung nhà với ông. Ông ơi! Tại sao, điều gì đã khiến cho đôi bàn tay của ông trở nên như thế này hở ông?
Vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm ngoái lúc tôi học lớp 4 cô giáo dặn cả lớp viết bài văn hoặc bài thơ nói về tình cảm của học sinh đối với thầy cô giáo. Nói đến thơ là tôi nhớ ngay đến ông ngoại, mẹ tôi gọi điện thoại cho ông lúc sắp ngồi vào bàn ăn tối, khi cả nhà ăn cơm xong đã thấy điện thoại trả lời của ông để tôi lấy giấy bút ra chép bài thơ:
Cô giáo
Cô là ai, cô giáo hay nàng tiên
Cô dịu dàng và cô yêu trẻ
Đứng bên cô em thấy mình nhỏ bé
Như là em đứng cạnh mẹ hiền.
Bài thơ vẻn vẹn chỉ có bốn câu. Mẹ tôi bảo: học lớp 4 mà làm được bài thơ bốn câu như thế là quá đạt rồi, cứ chép đi và nộp cho cô. Tôi chép bài thơ vào một tờ giấy A4, vẽ vào đấy một chùm hoa dây leo, phía dưới nắn nót ghi tên tôi: Nguyễn Quốc Phiên. Bốn hôm sau tôi được gọi lên bảng đọc bài thơ ấy, kết thúc bài thơ là tiếng vỗ tay vang dội của cả lớp. Mũi tôi nở ra, khắp cả người rân rân một cảm giác tự hào vui sướng.
Không lâu sau cái buổi đọc thơ đáng nhớ ấy là tiết học đạo đức về sự trung thực. Thiếu trung thực là giả dối, mọi việc làm không trung thực đều xấu xa. Tôi ngồi nghe cô giáo giảng về sự trung thực mà đôi tai đỏ dừ, tôi lấy làm thẹn về việc đã được khen một bài thơ không phải do mình làm ra. Thơ? Cỡ như tôi mà cũng làm được thơ hay sao trong khi điểm trung bình những bài tập làm văn của tôi chỉ được điểm năm hoặc sáu. Cô giáo chắc cũng thừa biết như thế, tại sao lại bắt cả lớp hoan hô khen ngợi bài thơ của tôi, à không, của ông ngoại tôi?
Thế rồi Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm nay lại đến. Tôi đang học lớp 5. Cô giáo lại bắt học sinh phải làm thơ hoặc văn nói về tình cảm của học sinh đối với thầy cô giáo. Mẹ tôi bảo cứ chép bài thơ năm ngoái nộp cho cô cũng được vì cô giáo năm nay không phải là cô năm ngoái. Nhớ đến bài học đạo đức về sự trung thực, tôi tỏ ra ngần ngừ. Thấy thế mẹ tôi bảo: “ Chê bài thơ ngắn chứ gì! Thôi được, học lớp 4 làm bốn câu thơ, năm nay lên lớp 5 làm thêm vài câu nữa. Để đấy mẹ gọi cho ông ngoại”. Yêu cầu của mẹ con tôi được đáp ứng hầu như tức khắc, qua điện thoại ông ngoại đọc cho tôi chép:
Cô giáo
Cô là ai, cô giáo hay nàng tiên
Cô dịu dàng và cô yêu trẻ
Đứng bên cô em thấy mình nhỏ bé
Như là em đứng cạnh mẹ hiền.

Người ta bảo cô là người chèo thuyền
Đưa chúng em sang bờ hạnh phúc
Hết năm này lại sang năm khác
Vững tay chèo cô giáo – cô tiên.
Đọc cho tôi chép bài thơ hôm trước thì hôm sau ông ngoại phải nằm bệnh viện. Không phải vì làm thơ mà ông ngã bệnh đâu, người già như chuối chín cây, hôm trước khỏe hôm sau ốm nó là cái sự thường tình. Buổi chiều hôm ấy bố tôi vào viện thăm ông, tối về trong mâm cơm nét mặt không vui bảo rằng từ chiều ông đã phải thở ôxy rồi. “Thở ôxy là thế nào hở bố?”. “ Là yếu lắm không tự thở được phải đeo một cái chụp bằng nhựa vào mũi và thở qua đó với dây nhợ lằng nhằng nối với một cái bình”. Cổ tôi nghẹn lại với miếng cơm chưa kịp nuốt, tôi lặng người đi vì thương ông lắm.
Buổi học chiều hôm sau cô giáo gọi tôi lên đọc thơ chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Bài học về sự trung thực khiến bước chân tôi đi lên bảng ngập ngừng. Đọc xong tám câu thơ tôi bỗng dưng hình dung ông ngoại nằm trên giường bệnh với cái chụp thở ôxy, hết câu cuối cùng lúc tiếng vỗ tay nồng nhiệt của cả lớp vang lên cũng là lúc cổ tôi nghẹn lại, nước mắt tôi dân dấn, tim tôi thổn thức: ”Ông ngoại ơi!”
(nguồn: vanchuong viet.org)
****
3
Nguyệt Mai cũng xin được giới thiệu với các bạn bài thơ “Còn mãi trong tim” đã viết năm xưa như một lời tri ân đến các Thầy Cô giáo.
Còn Mãi Trong Tim
Kính tặng Cô Ngô Thị Vân – Giáo Sư Anh Văn
Trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt – Gia Định
Với chúng em, đây là niên học cuối
một cuộc thi chấm dứt thuở học trò
chỉ còn lại chút dư âm tiếc nuối
những tháng ngày rất đẹp, rất nên thơ…
Ngày cuối cùng Cô giảng xong bài học
dặn những điều cần thiết lúc đi thi
em đã thấy, ở Cô, giòng lệ ngọc
biết bao tình trong giây phút biệt ly
(Em vẫn biết còn học trò áo trắng
là vẫn còn giữ những nét dễ thương
đời mai sau sẽ có nhiều bóng nắng
tìm đâu ra khoảng mát chốn học đường?)
Và Cô ơi! suốt đời em mãi nhớ
giòng lệ nào tràn ngập những thương yêu
một khoảng trời màu hồng trong tim nhỏ
bục gỗ, bàn Thầy, bóng dáng chắt chiu…
Trần Thị Nguyệt Mai
1972
—————–
Còn đây là một trang bìa Tuổi Hoa, em kính tặng chị Nguyệt Mai:
——–
Kính tặng chị Nha Trang:

—-
Kính tặng bác Lãng Tử:
Chia sẻ từ Phay Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét