Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Quả Táo Vàng - THU AN


Ngày xưa có một vị vua.

Ông vua này không hiền cũng không ác, nhưng rất hà tiện, và ông ta đang buồn chán lắm.

Một hôm, ông ấy muốn kiếm trò giải muộn, bèn ra lệnh cho một đội kỵ mã đi khắp xứ, các tỉnh, các làng, vừa đi vừa rao lên rằng:

- Nghe đây nghe đây, Hoàng Đế có lệnh truyền, nếu ai kể được cho ngài nghe một câu chuyện mà ngài không thể nào tin nổi, thì sẽ được thưởng một quả táo bằng vàng.

Dân chúng bèn đổ xô đến kinh đô : Từ các tỉnh lớn bé, các làng mạc xa gần đều lũ lượt lên đường. Có cả các hoàng tử và các hầu tước, các thương gia và nông phu. Người này đi ngựa, người khác đi xe, người khác nữa đi bộ, và ai ai cũng đều hy vọng là sẽ được thưởng quả táo bằng vàng về câu chuyện mà mình sẽ kể.

Nhưng không một câu chuyện nào, do các hoàng tử, hay các hầu tước, các thương gia hay nông dân kể lại mà làm cho nhà vua ngạc nhiên cả. Ông ta tin hết tất cả những câu chuyện đó, hoặc là ông ta giả bộ tin, vì như vậy ông khỏi mất quả táo bằng vàng. Và ngày nào ông cũng được nghe kể nhiều câu chuyện mới và thế là hết cả buồn chán.

Một tối nọ, có một người rất nghèo đến trước cung điện. Người đó mang theo một cái bình rất lớn trong tay.

Người lính gác hỏi:

- Anh muốn gì?

Người nghèo nọ trả lời:

- Tôi muốn kể cho nhà vua nghe một câu chuyện làm ngài ngạc nhiên.

- Nếu vậy thì anh cứ vào.

Và người ta dẫn người nghèo khổ nọ đến trước mặt vị vua.

Nhà vua hỏi:

- Nói đi, nhà ngươi muốn kể cho ta nghe câu chuyện gì?

Người kia trả lời:

- Muôn tâu thánh thượng, thần chúc thánh thượng sống lâu muôn tuổi. Thần tới đây để xin lại số tiền của kẻ hạ thần. Bệ hạ thiếu nợ kẻ hạ thần một bình này đầy vàng.

Nhà vua la lên:

- Nhà ngươi nói láo! Ta không hề nợ ngươi bao giờ cả.

Người nghèo kia bèn nói:

- Vậy thì, vì bệ hạ đã không muốn tin lời kẻ hạ thần, xin bệ hạ ban cho kẻ hạ thần quả táo vàng.

Nhà vua bây giờ mới hiểu mánh lới của anh chàng nghèo, bèn nói lại:

- Không, không, ngươi không nói láo…

Người nghèo bèn mỉm cười, nói tiếp:

- Nếu vậy, nếu kẻ hạ thần không nói dối, thì xin bệ hạ đổ đầy số vàng mà bệ hạ thiếu kẻ hạ thần vào trong bình này!

Sau cùng, nhà vua đành phải trao quả táo vàng cho anh chàng thông minh đó!

THU AN kể 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 110, ra ngày 7-10-1973)
Bìa của Vi Vi : Thu tím

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Thú quê - SA BIỆT LƯU


Mấy hôm đầu sống ở thôn quê, Quang cảm thấy thích thú dễ chịu. Sáng quê thật ấm áp trong lành. Quang ưa đi thơ thẩn trước sân, say sưa hít không khí thoang thoảng hương hoa mới nở, vui giữa nắng sớm dịu dàng, tâm hồn lâng lâng trong gió lộng. Thỉnh thoảng Quang dừng bước, để tai lắng nghe tiếng chim hót rộn ràng, hoặc để mắt đuổi theo một cánh bướm bên thềm cỏ, một đôi chim sâu trong lùm cây.

Xế trưa, Quang ra vườn, leo lên mấy cây mận, cây ổi, ngồi vắt vẻo trên cành, hái quả ăn. Một lần, Quang trông thấy một cây khế sai những quả chín, liền mừng rỡ leo lên hái. Nhưng mới giật được một quả, Quang đã vội vàng tụt xuống vì bị lũ kiến vàng đeo cắn khắp người. Sau khi phủi hết kiến, Quang đưa trái khế to ửng đỏ ngon lành kia lên miệng nhấm một tí. Bỗng Quang nhăn mặt, quăng mạnh nó xuống đất. Thì ra một giống khế chua!

Đêm về, như mọi người, Quang đi ngủ sớm. Đêm ở đây êm ả quá, giúp Quang tìm được giấc ngủ khỏe khoắn ngon lành.

Được nhàn hạ như thế, thêm sự mến yêu của hai bác và người chị họ, lòng Quang vui sướng nhiều…

Nhưng chỉ một tuần thôi, Quang bắt đầu buồn chán trước cảnh sống bình thản của nhà quê, cảnh sống đều đều lặng lẽ. Nhất là những buổi trưa, không gian vắng lặng càng thêm vắng lặng. Rồi Quang chạnh nhớ đến thành đô, nhớ xe cộ, nhớ những thú vui nhộn nhịp, ồn ào… Quang muốn làm một công việc gì để giết bớt thời giờ cứ chầm chậm trôi qua.

Một trưa, Quang đi tìm bác Hai và nói:

- Bác chỉ cho con giúp một việc chi đi bác.

Bác Hai mỉm cười:

- Con về đây là để nghỉ ngơi dưỡng sức, chứ đâu phải để làm việc… À, hay con buồn vì không có bạn? Nè, bác giới thiệu cho con một người bạn tốt nhé? Con hãy làm quen với thằng Mạnh nhà ở kế bên mình đó. Chắc chắn nó sẽ giúp con được vui.

Cậu trai mà bác Hai nói, Quang đã biết mặt khi anh ta qua mượn cuốc của bác Hai mấy hôm trước. Quang nghĩ thầm:

- Anh ta trạc tuổi mình, nhưng trông nghèo bẩn quá, thật không xứng để mình làm bạn chút nào. Song đành nghe lời bác Hai vậy, không thì buồn chết!

Quang lững thững đi qua ngôi nhà lá kế cận. Vừa tới cửa cổng nhà ấy, Quang gặp Mạnh xách rổ bước ra. Cả hai vui vẻ chào nhau. Quang hỏi:

- Anh đi đâu đó?

Mạnh đáp:

- Tôi đi đổ nò anh ạ.

Quang ngạc nhiên:

- Đổ nò là làm cái chi?

Mạnh tươi cười:

- Anh đi theo tôi sẽ rõ. Anh rảnh chứ?

- Vâng. Tôi định sang chơi với anh đây.

Quang theo Mạnh tiến về phía rạch, vừa đi vừa chuyện trò. Mạnh hỏi:

- Lúc nầy nghỉ hè nên anh về đây chơi phải không?

Quang gật đầu:

- Phải. Còn anh, anh có đi học chăng?

- Có chứ. Tôi vừa học tới lớp nhứt. Nhưng theo lời ba má tôi, từ bãi trường nầy tôi sẽ thôi học luôn.

Quang nhìn Mạnh, khinh thường : Anh ta kém mình xa quá! Cùng trạc tuổi, nhưng mình đã là một học sinh ưu tú của bậc trung học!

Đến đầu ngọn rạch, Mạnh dừng lại:

- Đến chỗ đặt nò rồi đây.

Quang nhìn thấy dưới rạch hai tấm đăng dựng theo hình rẽ quạt, đầu trong mở ra chạm vào hai bờ đất, đầu ngoài khép lại giữa dòng nước chỉ chừa một khoảng hẹp. Nơi khoảng hẹp có đặt một dụng cụ bắt cá : cái nò. Như vậy khi nước ròng, cá tôm sẽ theo ra sông, và chui cả vào đó, vì không còn lối thoát nào khác nữa…

Mạnh tiến ra cây cầu bắc ngang rạch, cạnh nò, mở dây kéo nò lên. Đó là một ống to làm bằng những song tre nhỏ kết liền nhau. Sau khi đem nò lên bờ, trút cá ra rổ, Mạnh chỉ cửa nò, giải thích:

- Hai “cánh cửa mở hé về phía trong” nầy gọi là cái hom. Nhờ nó cá vào nò không thể nào trở ra được.

Dựng nò dựa vào gốc xoài gần đấy, Mạnh bưng rổ lên:

- Chà hôm nay được nhiều tép!... Thôi ta về anh Quang.

Quang được Mạnh mời vào nhà tiếp đãi trà nước. Cả hai cùng trò chuyện vui vẻ, xem ra rất hợp ý nhau.

Quả như lời bác Hai, Quang nhận thấy Mạnh rất vui tánh, hoạt bát. Quang không còn lo lắng về sự buồn chán nữa, vì từ nay mình đã có một người bạn để vui sống qua mấy ngày hè ở làng quê.


*

Chiều hôm sau, Quang vừa dùng cơm xong, Mạnh sang hỏi:

- Anh muốn đi hái bần không?

Quang giơ hai tay, vui vẻ đáp:

- Đi liền! Mà đi bằng gì?

- Bằng chân chứ bằng gì.

- Lội sình à?

Mạnh cười:

- Đùa đấy, mình đi bằng thuyền.

Quang reo:

- Thích nhỉ! Để tôi xin phép hai bác tôi nhé!

Vài phút sau, cả hai đã ngồi gọn gàng trong lòng chiếc thuyền con : Mạnh ngồi đàng lái, chèo thuyền, Quang ngồi trước mũi vui vẻ khoát nước. Nhẹ nhàng, thuyền đi len lỏi, tiến dần ra sông.

Chẳng mấy chốc cửa sông đã hiện. Nước lớn đầy, dòng sông như rộng thêm ra. Sông nhỏ, nước trôi dờ dật êm đềm như để hòa hợp với cảnh trí nơi đây.

Quang quay hỏi Mạnh:

- Sông nầy tên chi, anh?

Mạnh cho thuyền đi sát bờ, đáp:

- Sông Tiên Thủy anh ạ.

Gió êm êm thổi. Vài cây bần đưa cành ra ngoài ve vẩy trên mặt sông như cản trở, đùa cợt với chiếc thuyền. Quang vừa vẹt chúng, vừa nhìn Mạnh hỏi ý.

- Bần nầy trái nhỏ lắm. Mình đi lên trên kia hái bần to hơn.

Mạnh bảo, đoạn khom người khuấy mạnh mái giầm.

Thật thế, thuyền đi được một đỗi, Quang đã thấy hiện ra một dãy bần, thân cây nào cũng cao lớn.

Mạnh cặp thuyền vào cây bần sai quả nhất, rồi vừa buộc thuyền vào thân cây, vừa phân công:

- Anh ở dưới nầy, còn tôi leo lên hái nhé!

Mạnh thoăn thoắt leo lên cây, chuyền từ nhánh nầy sang nhánh nọ hái những quả bần to quăng xuống cho Quang. Vì mỗi lần đứng lên, thuyền tròng trành trông khiếp quá, nên Quang đành chỉ ngồi xổm dưới khoang thuyền đón bắt.

Một lúc sau bần đã nhiều, Quang gọi lên:

- Thôi xuống đi.

- Để tôi hái trái cuối cùng nầy đã.

Mạnh đáp, và trườn người ra một nhánh nhỏ tận ngoài xa, có vói hái một trái bần chín treo ở đầu nhánh.

Quang kêu:

- Khéo coi chừng đấy!

Vừa dứt lời thì bỗng “Rắc, rắc” chiếc nhánh gãy phăng, Mạnh rớt đùng xuống nước. Quang rú lên, khiếp hãi nhìn mặt nước xao động một chốc rồi trở lại phẳng lặng lạnh lùng…

Quang gào to kêu cứu, nhưng chưa dứt tiếng thì thấy Mạnh trồi lên. Quên cả sợ sệt, Quang mừng rỡ chồm người ra khỏi thuyền:

- Trời, anh Mạnh, may quá, có sao không?

Mạnh vuốt mặt cho ráo nước, rên rỉ:

- Chết rồi, anh ơi!

Quang lại hoảng hốt:

- Sao? Anh chạm phải đá?

Mạnh níu be thuyền leo lên:

- Không phải, gói muối ớt tôi bỏ trong túi áo ướt hết rồi.

Quang phát vai bạn:

- Có thế mà làm tôi hết hồn.

Mạnh cởi áo vắt nước:

- Cám ơn anh đã lo sợ cho tôi. Nhưng dân ở vườn không chết đuối đâu anh ạ.

Tháo dây buộc thuyền, Mạnh cười tiếp:

- Chỉ tại tôi quên mất “bần giòn, ổi dẻo, me dai”… Thôi đem mấy trái bần nầy về nhà ăn vậy.

- Đâu để tôi chèo thử coi.

Quang nói, đoạn bắt chước điệu bộ Manh, cầm mái giầm khuấy nước. Nhưng con thuyền cứ đảo đi đảo lại không chịu đi. Mạnh bật cười:

- Thôi ông kẹ, chèo kiểu đó có ngày chìm xuồng.

Quang trao giầm cho bạn. Mạnh tiếp lấy, đưa giầm xuống nước đẩy con thuyền tiến tới một cách dễ dàng.

Bỗng nhiên, Quang cảm thấy thẹn thuồng hết sức. Quang nhớ đến lòng khinh rẻ của mình đối với Mạnh hôm qua. Quang cho mình tài giỏi hơn Mạnh, nhưng giờ đây Quang lại thua kém Mạnh rất nhiều. Quang vụt hiểu. Ở đời không ai hoàn toàn hơn ai cả. Mình có hơn người điểm nầy rồi cũng thua người điểm khác. Vì thế mình tự phụ với ai thật là sái quấy, đáng thẹn.

Quang hỏi bạn:

- Nầy Mạnh, anh bao nhiêu tuổi?

- Mười bốn anh ạ.

- Tôi cũng vậy. Ta nên gọi tên nhau cho thêm thân mật, Mạnh nhé!

*

Quang dời cần câu, thả mồi cạnh một tàu dừa nằm dài dưới mương, rồi vừa rung rinh chiếc cần, vừa phùng má đánh lưỡi “trục, trục…” Cái mồi trùn to bằng ngón tay cái, nhún nhẩy như một con vật sống. Bỗng một cái đầu đen đủi từ trong tàu dừa thò ra, thình lình đớp lấy cục mồi. Quang giựt mạnh cần lên. Một con cá bóng dừa mắc ở đầu sợi nhợ.

- Mạnh ơi, tôi được thêm một con nữa!

Mạnh cũng đang câu ở bờ đất bên cạnh, quay sang:

- Thế à! Quang có “tay câu cá” đấy!

Quang bắt con cá, bỏ vào cái gáo dừa mang ở bên hông, cười nói:

- Cá bóng dừa tham ăn quá, Mạnh nhỉ? Cắn được mồi chúng nhất định không chịu nhả ra.

- Nhờ vậy mình mới khỏi dùng lưỡi câu đó… Thôi, khá trưa rồi mình nghỉ một tí rồi về, Quang.

Đôi bạn dắt nhau đến ngồi dưới một gốc dừa tơ. Nơi đây là bờ cuối cùng của vườn dừa. Tiếp nối ngoài kia là một đám cây cỏ hoang dại um tùm, xanh ngát.

Quang hỏi:

- Sao miếng đất kia bỏ hoang thế hở Mạnh?

- Không phải đâu. Nơi đấy trước là ruộng, sau người ta lên bờ để lập vườn. Lên bờ xong, họ phải đợi cho đất hết phèn mới đem trồng cây ăn trái. Thừa dịp nầy, cây cỏ hoang mặc sức mọc lên rần rần đó.

Quang ngồi dài trên đất, chống tay ngước nhìn một cây dừa cao:

- Cây dừa dáng thật dẹp. Cây lá dịu dàng tha thướt quá!

Mạnh mỉm cười:

- Tôi không thấy nó đẹp mà chỉ thấy sự ích lợi của nó thôi. Cả cây dừa không có chỗ nào vô dụng. Nầy nhé : Rễ nó giữ đất cho chắc, thân làm cột làm cầu, tàu lá làm củi, trái để ăn…

Một trái dừa non chợt rụng trước mặt đôi bạn. Quang nhỏm dậy nhặt lấy, cười bảo:

- Mạnh đã quên một sự ích lợi quan trọng của trái dừa đấy.

- Ích lợi gì?

- Trái dừa còn để rụng trúng bể đầu người ta nữa chứ!

Cả hai cười vang vui vẻ. Quang vung tay ném trái dừa con về phía đám cỏ. Trái dừa rớt xuống một lùm cây rậm. Bỗng từ dưới, một con chim nâu, to bằng con quạ, bay vụt lên.

Mạnh reo:

- Ý, con bìm bịp! Chắc nó làm tổ ở đó. Đâu mình lại xem.

Quang theo Mạnh, vẹt cỏ tiến đến lùm cây nọ.

- A, đây rồi!

Trước mắt hai đứa, một tổ chim nằm trên đám cỏ cao, kết bằng những cọng lác, những dây nhãn lồng vẫn tươi sống. Trong tổ lót cỏ khô, ba quả trứng trắng tinh lớn gần bằng trứng gà ác nằm kề liền nhau, xinh xắn quá!

Mạnh bàn:

- Mình đem trứng về luộc ăn.

Nhưng Quang kéo tay bạn:

- Đừng. Tội nghiệp con chim mẹ lắm!

- Tội nghiệp gì? Người ta còn bắt nó ăn thịt nữa kia.

- Mặc họ. Riêng tôi, tôi không muốn hại một con vật nào cả.

Mạnh nhìn Quang:

- Quang giàu tình thương quá nhỉ!

Thôi ta trở ra.

Đôi bạn vừa rời khỏi bờ cỏ, tự dưng trời tối sầm lại. Mạnh ngước nhìn lên:

- Chà, sắp mưa! Ta vào nhà mau.

Lẹ làng Quang, Mạnh xách gáo dừa đựng cá, vớ lấy cần câu, cùng bước đi nhanh. Song muộn mất, mưa đã bắt đầu rơi rào rào trên ngàn cây.

- Chạy nè!

Gặp một cái mương chắn ngang, Mạnh không kịp tìm cầu, vội vàng nhảy vụt qua. Quang làm theo, nhưng khốn thay lại rơi tòm xuống nước!

- Thôi, đổ cá của tôi hết rồi!

Quang kêu lên tiếc rẻ, quên cả quần áo bết đầy sình đất, và những hạt mưa lạnh rơi lộp bộp trên đầu.

*

- Quang ơi, sáng nay chúng mình đi hớt cá lia thia nhé!

- A, cá lia thia! Tôi thích nuôi chúng lắm. Nhưng hớt ở đâu Mạnh?

- Ngoài ruộng ấy mà. Quang hãy kiếm một cái rổ thưa thưa, rồi theo tôi, phần tôi đã có cái rổ nầy và ve đựng cá đây.

- Sao lại rổ thưa?

- Như thế, con cá nào mình hớt được mới là cá to, cá quí chứ!

Một lúc sau, Quang và Mạnh xách rổ vui vẻ ra khỏi nhà. Thấy Mạnh vắt trên túi áo một gói lá chuối, Quang hỏi:

- Gì thế?

- Vôi đa.

- Đem thứ đó theo làm chi? Tính ăn trầu hả?

Mạnh mỉm cười:

- Ậy, rồi có chỗ dùng mà.

Qua khỏi vườn cây, đồng ruộng giải rộng trước mắt đôi bạn. Ruộng đã ngập nước, nhưng người ta chỉ mới phát cỏ xong, chưa cày xới chi cả.

Quang hỏi:

- Hớt cá ở chỗ nào?

- Mình tìm ở chỗ nước êm, bờ đê rậm cỏ hớt mới được nhiều cá.

Mạnh đáp đoạn tiến tới trước. Quang bước theo, cùng đi trên con đê dài, nhỏ hẹp.

Gió thổi nhè nhẹ. Quang khoan khoái nhìn ngắm xung quanh. Đó đây, ruộng đồng bát ngát tươi sáng dưới ánh nắng ban mai dịu dàng. Rải rác mấy người câu cá. Gần đê, một đóa hoa súng trắng lung linh thanh bạch.

Đi một quãng, Mạnh dừng lại:

- Chỗ nầy được đa. Để tôi hớt cho Quang coi nhé!

Nói xong, Mạnh đưa rổ xắn xuống nước, rồi giậm chân lên đám cỏ mục nằm ven đê, cạnh rổ.

- Phải làm thế cho cá lia thia trốn trong cỏ chạy vào rổ.

Mạnh giải thích, đoạn hai tay bưng rổ lên. Nước chảy hết, trong rổ còn lại… mấy cọng rác!

Mạnh lại tiếp tục hớt chỗ khác. Quang cũng làm theo. Được một lúc, Quang reo to mừng rỡ:

- Tôi hớt được một con đây nầy, Mạnh ơi!

Mạnh chạy lại nhìn vào rổ Quang. Trong ấy, một con cá lia thia đen mun lấp lánh những vảy xanh, đang giãy giụa.

Quang rối rít:

- Cái ve đâu? Đưa tôi múc nước bỏ nó vào.

Xong, Quang hăng hái xách rổ đi hớt nữa. Một chốc lại đến Mạnh hớt được một con. Rồi cả hai thi nhau, xem ai hớt được nhiều, cùng cười nói vang rộn, phá tan sự yên tĩnh của đồng không. Quang lội cả xuống ruộng để hớt. Nhưng sau đó Quang chợt quát to, sợ hãi nhảy lên bờ:

- Ối Mạnh ơi, con gì thế nầy? Ghê quá, nó đeo chân tôi, phủi không rớt!

Mạnh bỏ ve, quăng rổ chạy lại bên bạn:

- À, con đỉa!

Vội vàng móc túi áo lấy gói lá chuối, Mạnh quệt vôi dí vào hai đầu con vật. Nó co rút mình lại, lăn tròn xuống đất.

Quang rùng mình:

- Lần đầu tiên tôi thấy con đỉa.

Mạnh cười hỏi:

- Bây giờ Quang đã biết công dụng của gói vôi nầy chưa?

Quang gật đầu:

- Vâng, hay thật!

Mạnh trao ve cá cho bạn, sau khi trở lại lấy rổ. Quang đưa ve lên ngang mắt, ngắm nghía:

- Bộn, Nhưng sao chúng hết “mun” vậy?

- Tại chúng mệt. Đem về nuôi riêng từng con chúng sẽ “mun” lại Quang ạ.

- Cá lớn dữ! Con nhỏ nhứt trong nầy ở tỉnh bán hai, ba đồng đấy.

- Ở quê không ai mua bán cá lia thia. Song người ta đi hớt về lựa con hay cho “đá” ăn tiền.

- Tôi không muốn cho cá “đá thật”, chỉ thích nó “đá bóng” thôi.

Mạnh nhìn trời đoạn hỏi:

- Đi về chưa Quang?

- Vâng. Tôi đã đói tới rồi đây.

Mạnh cười giòn:

- Đói bụng hay sợ đỉa?

*

Tuy chưa tựu trường nhưng hôm nay Quang phải trở ra tỉnh để lo học thêm.

Hơn một tháng sống ở Hàm Long vui những thú vui thanh bạch, cảm tình đã vương vấn nhiều ở mọi người mọi vật, giờ phải lìa xa chốn nầy, lòng Quang không muốn rời khỏi hai bác, chị Mơ, không muốn dứt bỏ bờ cau, khóm chuối và nhất là không muốn cách xa Mạnh, người bạn tốt của mình chút nào. Dù chỉ mới quen nhau trong một thời gian ngắn, nhưng Quang, Mạnh đã thân nhau lắm. Mạnh thích Quang có lẽ vì tánh Quang thành thực, biết trọng lẽ phải. Quang mến Mạnh vì Mạnh tuy nghèo khó, song lòng tốt thì không thiếu, không vơi.

Tối qua, Mạnh sang chơi với Quang, mãi khuya mới về. Cả hai ngồi bên nhau trò chuyện thật thân thiết. Mạnh lại ca vọng cổ cho Quang nghe, những câu ca buồn thấm thía, giãi bày tâm sự lúc phân ly.

Hôm đến đây Quang chỉ mang một chiếc cặp, giờ trở về lại có thêm một giỏ lớn đầy trái cây nữa.

Lúc ra đi, Mạnh giành xách giỏ, tiễn Quang ra xe. Bước chầm chậm bên nhau, Quang nói:

- Ước gì Mạnh cùng ra tỉnh ở với tôi. Nếu có dịp ra tỉnh sống, Mạnh thích chăng?

Mạnh tươi cười:

- Tôi đã có lần ra tỉnh ở rồi chứ. Song những ngày ở đấy thật buồn ghê!

- Sao lại buồn? Nhớ ba má à?

- Nhớ ba má cũng có, nhưng thứ nhứt là nhớ quê. Nào mái nhà tranh, chiếc cầu, nào cây dừa, bụi tre… Mỗi lần nhớ đến chúng, tôi lại thấy bồn chồn trong dạ.

Ra đến chợ quận, xe sắp chạy, Quang siết tay Mạnh, không biết nói gì để tỏ hết nỗi lòng mến yêu quyến luyến, sau cùng đành chỉ buông một câu:

- Mạnh ở lại mạnh giỏi nhé.

Mạnh cũng cảm động, vỗ vai bạn:

- Quang đi, rồi bãi trường tới lại nhớ về đây chơi nghe!

Quang bước lên xe. Chiếc xe đò ọp ẹp từ từ rời bến. Mạnh tần ngần nhìn theo. Quang cố chồm người ra khỏi xe, vẫy tay chào bạn lần cuối nhưng bóng Mạnh đã mờ đi sau lớp bụi mờ.

SA BIỆT LƯU 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 17, ra ngày 25-5-1964)

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Những Địa Danh Nổi Tiếng Sài Gòn Nhìn Từ Trên Cao - TRI THỨC

Dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, cảng Nhà Rồng hay nhà thờ Đức Bà ... là những công trình, địa danh nổi tiếng khiến nhiều khách phương xa muốn ghé thăm mỗi khi đặt chân đến TP.HCM.


Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

7 bài học làm Người - LẶNG NHÌN CUỘC SỐNG

Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.

Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư. Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa? Ngài Tinh Vân bảo: Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.