Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Lá Cỏ Mỏng Manh - LINH HƯƠNG

   - Má ơi, cho con đi… má nghe… Thủ Đức… gần lắm…
   Hỏi đến lần thứ ba mà má không trả lời, giọng em cũng bắt đầu run. Chẳng là trường em tổ chức nhân mấy ngày lễ Tết nầy một buổi đi thăm bệnh viện LHS ở mãi Thủ Đức cơ. Hồi nghe Dì phụ trách đọc thông cáo giữa đám bạn ồn ào, lao nhao đòi đi, em đã ngồi im, đã biết tốt hơn là đừng nói gì cả với má hết, và hôm đó, người ta đi thì mình ở nhà. Thế là xong. Thế là đúng như lời má dặn, xin mua áo mua quần, sắm gì cũng được, nhưng đừng bao giờ nói với má chữ đi. Em cũng biết má nói là má làm. Em thử mấy lần rồi mà. Nhưng lần nầy là tại nhỏ Loan, nhỏ Thúy xui đó a. Nhỏ Loan:
   - Không sao đâu Nhi ơi, đi với mấy dì mà.
   Con bé Thúy:
   - Có giấy xin phép nữa mà, năn nỉ má ký vào là xong.
   Con bé mới bèn xiêu xiêu, mới vác tờ giấy dễ thương nầy về nhà, và bây giờ:
   - Má ơi má… Ký một cái thôi mà.
   Lần nầy chắc má không dằn được, má nạt một tiếng:
   - Thôi! Không có đi đi gì hết…
   Miệng em đang há ra định nói tiếp bỗng dưng cứng lại. Cơn nghẹn ngào trôi lên tận cổ. A! Má khó với con há, con biết mà, có bao giờ má thương con đâu! Em thất thểu đi lên nhà trên, chúi đầu vào giường khóc một trận thỏa thích. Nước mắt thấm xuống nệm từng vũng từng vũng. Chưa bao giờ em buồn như thế. Bắt ở nhà hoài đến khi ra đường lớ ngớ quê chết được đi, vậy mà… bạn bè gán cho em danh hiệu “ở nhà muôn năm” đó. Hơn nữa, chuyến đi của em có chính nghĩa mà. Chỉ tại xa quá đó thôi. Con bé đang sụt sịt, thút thít mưa ngoài trời, bão trong lòng như thế thì có tiếng xe dừng lại trước cửa, cái đầu nhỏ Đông thò vào, liến láu:
   - Nhi ơi, Nhi ơi, có mi ở nhà không…
   Bừng tỉnh cơn mít ướt, con bé ngồi ngay dậy, quệt ngang đôi mắt trời mưa, chạy a ra ngoài:
   - Có ta đây, làm gì mà la um sùm vậy, nhỏ?
   Cô bé quẹo xe vào cái sân nhỏ, cười cười sau mấy phút nghiêng đầu quan sát:
   - Lại trời mưa, lại khóc lóc phải không, a, kỳ nầy chắc mưa lớn đây.
   Em sịu mặt xuống không đáp ngay thì hắn tiếp – ấy, đôi mắt cận thế mà còn tinh hơn mắt thường nữa cơ, giọng trầm ấm hỏi han:
   - Sao vậy hở Nhi?
   Nước mắt thi nhau lăn ra, em mím môi:
   - Nhi đòi theo trường đi Thủ Đức, má không cho…
   Một thoáng nhíu mày, giọng nhỏ lại vỡ ra, như một tiếng reo:
   - Ồ tưởng chuyện gì. Đông cũng đến rủ Nhi đi đây. Đôi mắt cô bé tinh nghịch. Không xa đâu, nội Sàigòn nầy thôi, có thiếu gì chỗ đi, đáng đi.
   Cô bé nhấn mạnh chữ đáng đi rồi nghiêng đầu cười trêu dáng vẻ băn khoăn của em:
   - Không được đâu. Nhi mới bị má la một trận đó Đông ơi. Ánh mắt cô nhỏ đầy vẻ tự tin:
   - Nhưng nếu Đông xin phép được thì Nhi phải đi với Đông đó nha, vui lắm…
   Em biết ngay được những nơi Đông sẽ đến, mấy cô nhi, ký nhi viện chứ gì. Cô bạn thân của em có một lý tưởng tuyệt vời. Một thuở nhỏ ở trong Hướng Đạo, cô bé tháo vát hẳn ra và cũng theo nề nếp cũ, từ Nguyễn Du, S.O.S tới Phan Đình Phùng, nơi nào Đông cũng đặt chân tới và rất thường xuyên. Em biết được những mẩu chuyện nhỏ hay hay, dễ thương, kỷ niệm của những lần đi Đông kể cho nghe, mỗi khi đến nhà cô bé. Nhỏ vẫn hứa sẽ hôm nào dẫn em đi, để xem, để gặp và thấy tận mắt các ma soeur, các cô bé, chú bé đã làm đầy niềm vui trong Đông, cũng như đã làm em thích thú, chỉ qua câu chuyện kể. Em thích ghê lắm, nhưng không dám mong nhiều vì biết má có cho đi hay không, nếu cho đi để về thấy mặt má lo buồn, em cũng chịu thôi – phần khác, em nghĩ dẫu cho Đông chở theo bất cứ cô bạn nào khác, cũng sẽ có ích hơn em rất nhiều, vì… em có biết gì đâu. Hôm nói cho Đông ý nghĩ đó, cô bé đã ngẩn ra, tròn mắt giây lâu – đôi mắt bao giờ cũng rất trong sáng, rất tự tin rồi bảo em, như thấy được một ý nghĩ kỳ quặc đáng yêu:
   - Rồi Nhi sẽ thấy là trái hẳn lại…
   Và hôm nay nhỏ đến đây, với câu hỏi ấy dưới bầu trời xanh ấm nắng sáng nầy, em còn gì chờ đợi nữa không? Em chồm tới xiết chặt hai bàn tay cô bé:
   - Dĩ nhiên. Nhi sẽ đi ngay.
   Môi đông như tươi hơn, bước chân nhỏ vội vã:
   - Vậy thì chờ đây. Năm phút sau Đông sẽ ra báo tin vui với Nhi.
   Em hồi hộp chờ đợi, mấy ngón tay lạnh cứng cứ loay hoay quấn vào nhau rồi lại rời ra, lại quấn nhau. Ô, nhiều khi em tưởng như má của ai, em đi mà không dám xin phép phải nhờ bạn xin phép hộ, buồn ghê vậy đó. Chỉ một lát sau tiếng chân cô bé trở ra:
   - Rồi, vào thay áo nhanh lên, cô bé nhè. Đông còn phài ghé nhà nữa a Nhi.
   Em cuống quýt nhảy xuống ghế, mừng rỡ lăng xăng:
   - Chờ chút xíu thôi, Nhi thay áo nhanh lắm.
   

*

   Chiếc xe Đông chở em, chiếc xe nhỏ mà lỉnh kỉnh đồ đạc dừng lại trước cổng bệnh viện. Như đoán được sự thắc mắc của em Đông giải thích trước:
   - Nơi nầy Đông mới khám phá ra đây. Hay lắm.
   Em cười một cái thật tròn với nhỏ rồi giành ôm các thứ quà kẹo áo để Đông đi cất xe. Trông em giống như một ông già Noel chính cống, nếu tất cả thứ đang cầm đều chui cả vào một cái bị vác trên vai. Chỉ ôm rất nhiều quà để phân phát đứng trong vuông sân nắng ấm lung linh nơi đây là cảm thấy ngập tràn niềm vui rồi phải không, phải không. Em muốn reo thật lớn và nhảy nhót như một chú chim nhỏ nhưng mấy ánh mắt tò mò, trong trẻo của các cô bé chú bé con đi ngang qua ném về phía em, phía rất nhiều đồ chơi, làm em dừng ngay ý nghĩ. Gói đồ chơi xoay tít trong tay em giơ lên cao để cho ánh nắng xuyên qua soi rõ những màu xanh đỏ chen nhau nằm trong bao một cách vui vẻ. Này nha, chỉ cần em động mạnh một chút là bao nhiêu âm thanh thu hút vang ra: tiếng lục lạc dòn dã, tiếng các viên bi va vào nhau, mấy cái búa cao su nhịp nhàng nhún lên nhún xuống, mấy cái đầu gà con tha hồ nhào ra khỏi vỏ, thêm những cái đầu rắn ngo ngoe. Một vài tiếng chân rón rén bước đến gần, em đọc trong những đôi mắt tròn vo rạng ngời một ước ao một vui mừng. Yên chí đi, rồi mỗi người sẽ có một cái mà. Em chạy đến nhỏ Đông đang đứng bên cạnh ma soeur khi thấy cái ngoắc tay cô bé, mới gặp mà như đã quen từ lâu lắm, em cười trước với ma soeur, lúc Đông giới thiệu:
   - Soeur Agnès, giám đốc khu ký nhi viện miễn phí, Nhi quen trước rồi à…
   Em lật đật cải chính:
   - Không Nhi đang làm quen.
   Khuôn mặt ma soeur thật hồng:
   - Vậy là ma soeur sẽ đỡ thêm một tay. Nào các con bắt đầu bây giờ hả, chúng vừa ăn sáng xong đang chơi ngoài sân kìa…
   Hai đứa gật đầu với nhau:
   - Dạ tụi con bắt đầu ngay…
   Hai đứa băng băng chạy qua dãy phòng thênh thang nơi ngủ của các cô bé con, thênh thang nhưng vẫn quá chật hẹp khi đống chiếu cao ngất xếp trong vách kia trải cả ra. Nhưng bây giờ thì thoáng mát, ưa nhìn lắm cơ. Em ngừng chạy, cúi xuống sửa lại dây giầy vừa quan sát rồi lại tiếp tục chạy. Tiếng ồn ào mỗi lúc một to nhưng rất rập ràng. Ô, một sân trẻ em mấy chục chiếc miệng đang há ra như chim non chờ chim mẹ mớm mồi cho vậy đó, mấy cái lưỡi líu lo một bài hát ráp ráp nối nối theo cánh tay điều khiển của ma soeur. Ở đây Đông có vẻ quen cả, cô bé ra hiệu cho ma soeur tiếp tục rồi hai đứa chui vào hàng ghế cuối bên cạnh mấy cô bé con thu hết tâm hồn để hát, để cùng hát theo. Hai ba đôi mắt nai quay lại dòm, mấy đôi má phính căng ra, tiếng reo nhỏ:
   - A! Chị Đông, chị Đông đến.
   - Có đồ chơi nữa chứ…
   - Kẹo bánh nữa kìa…
   - Bạn chị Đông kìa, a… nhiều đồ quá…
   Xong bài hát, đám bé con a lại vây tròn 2 đứa, bao nhiêu câu hỏi lao xao, bàn tay bé bỏng đập đập lên gói đồ. Đông nhón chào với ma soeur tập hát và trao gói áo quần khi ma soeur đi ngang qua:
   - Cho con gởi nha ma soeur.
   Ma soeur nào cũng hay cười hết á. Nhìn nhìn em một chút rồi ma soeur đi ngay. Chú nhỏ đứng cạnh Đông tròn xoe mắt nhìn em rồi hỏi Đông:
   - Bạn chị hả chị Đông?
   Đông vui vẻ:
   - Ừ, chị ấy thích các em lắm.
   Câu hỏi khác:
   - Tên chị là gì hả chị?
   Em đáp ngay:
   - Chị tên Nhi, Thu Nhi.
   - Cha ơi… tên đẹp quá…
   Một giọng nói đả đớt trêu ghẹo, em tròn mắt, quay lại nhìn và nắm tay cô bé – đúng là cô bé – kéo đến gần:
   - À, gan dữ há… dám chọc cả chị nữa à… Tên em là gì nào…
   Cô bé luống cuống, bệu bạo:
   - Em tên Thanh Vân.
   Em ôm lấy đầu cô bé vò vò mái tóc tơ mượt:
   - Tên em cũng đẹp nữa… giống tên bạn của chị, mà sao ưa nhè vậy?
   Đông pha trò, nháy mắt với em:
   - Ấy, chị em cả mà, chị nào em nấy… Và nhỏ vội vàng đứng lên: mình bắt đầu thì vừa Nhi ơi. Về trễ má Nhi trông đó.
   Em cũng đứng lên. Hai đứa dặn nhau sẽ chừa một phần cho các bệnh nhân bé tí đang nằm trong kia không ra chơi cùng các bạn được. Đông phát bánh, kẹo, em phát đồ chơi. Thêm mấy màn khoe nhau đồ đẹp, đổi kẹo bánh đồ chơi. Dàn xếp xong xuôi, Đông bắt đầu ngay trò chơi, mèo bắt chuột, cá sấu, trốn tìm, đổi chỗ. Chú chuột Nhi hay chú mèo Đông nhiều khi lớn quá đuổi theo chuột chẳng kịp và chui qua cửa cũng chẳng vừa dù mấy cô bé đã cố nhón chân để giăng thật cao tay. Nhưng khi làm cá sấu thì lại quá tiện, nhanh chân mà lẹ mắt hơn ai cả. Càng về sau các trò chơi càng trở nên linh động. Một nhóm theo Đông tiếp tục các trò chơi hoạt động, một nhóm nhỏ toàn là cô bé theo quyển sách hình em giở ra bên thềm cửa để theo dõi những câu truyện thần tiên đầy màu sáng đẹp. Mãi tới trưa chúng em mới tạm biệt nhau để các em ăn cơm, ngủ trưa còn hai đứa đi lên phòng bệnh với mấy gói quà bị vơi đi nhiều. Em cứ lẩm nhẩm mấy tên mới quen. Có nhiều tên thật lạ: Kim Lan, Hồ Thỉ, Lâm Thao, Đào Bích… Nhiều nhiều, em sẽ cố nhớ hết.
   Ở đây có rất nhiều phòng nhỏ nhiều giường. Đứng ngoài khung cửa nhìn vào vuông kính chia thành từng ô nhỏ, em thấy được mấy em bé khoảng 7, 8 tháng hoặc lớn hơn một tí nằm thiêm thiếp, môi má đỏ au, nếu không có người nhà bên cạnh thì sẽ có các ma soeur hoặc cô y tá chăm sóc. Em trao cả đồ cho Đông phân phát để được tự do lang thang. Những phòng kế tiếp em thấy được các bệnh nhân khoảng 7, 8 tuổi quấy quả, khóc lóc bên trong chiếc giường nhỏ, thành giường lủng lẳng đồ chơi xanh đỏ. Trời nắng, trời mưa, gió máy làm tình làm tội những sự sống bé nhỏ mà đáng yêu biết bao nhiêu. Em thấy dấu kim cắm nát cổ tay chú bé chuyển giòng nước biển tiếp sức cho sự sống. Em thấy ô kính nầy cô bé ôm chầm lấy mẹ để không quay nhìn mũi kim bắn lên giọt thuốc đầu tiên trước khi tiêm vào da thịt, sau ô kính nầy cái lắc đầu buồn bã của vị bác sĩ khi cô bé đã xuôi tay khép mắt, sau ô kính nầy cái cắn môi rướm máu của người mẹ, giòng lệ lặng lẽ trào ra, chiếc xe đẩy tay chạy vụt qua sau lưng hấp tấp đem cậu bé đi chườm nước đá gấp vì cơn sốt đã lên cao độ… Gió thổi mạnh trong hành lang, mùi thuốc, mùi ê te vừa lạt vừa lạnh lẽo kéo theo. Em ngước mắt nhìn lên ngọn đèn vàng rực ở căn phòng cuối, nơi đây có vẻ ấm áp hơn mọi nơi khác. Một cô bé khoảng một tuổi đang sử dụng đôi bàn tay chuyển bước chân vòng quanh thành giường, hai chiếc răng trắng tinh thấp thoáng nụ cười sau làn môi đỏ, áo lạnh cô bé mặc cũng màu đỏ, nổi bật 2 bàn tay tròn múp bụ bẫm, người mẹ, a, người mẹ ngồi dưới đất và say mê ngó theo. Em chú mục vào đôi mắt người mẹ. Em thấy cái gì. Cái gì em đang thấy. Có phải 2 màu trắng đỏ quấn quýt, là miệng cười cô bé, là mắt tròn long lanh, là bước đi vụng về… Em bé ơi, thực ra mẹ chẳng còn hơi thở, tim mẹ chẳng còn đập để giòng máu luân lưu trong huyết quản sự sống, đời sống mẹ đã ngừng lại từ giây phút mẹ bắt đầu có em. Bởi, mẹ chẳng đang đập tim chung, sống chung và thở chung với em đó hay sao? Má ơi, đời sống, sự sống mỗi đứa con của má quý giá biết chừng nào. Thượng Đế đã cho và má thì gìn giữ. Má gìn giữ thì khó nhọc, vất vả biết bao nhiêu má ơi.
   Niềm vui đang tỏa sáng quanh họ, em cũng muốn chia vui cùng. Còn một cái lúc lắc màu đỏ trong tay, đợi cô bé vòng sang phía ô cửa có em, em đập hai cái lên khung kính. Hai chiếc lục lạc va vào nhau vỡ ra hai tiếng dài dòn dã. Cô bé ngước lên tròn chiếc miệng xinh, lần nầy thấy luôn cả hai răng cửa nhỏ hàm dưới. Em chạy vụt đi.
   Còn một cái phòng phía đầu kia em chưa vào vì chỉ có 2 dãy giường trống, căn phòng có máy điều hòa và luôn luôn khép kín. Lúc em trở ra thì có cả soeur Agnès, Đông và mấy cô y tá xúm xít quanh một giường nhỏ. Em cũng đi theo vào. Một cô bé khoảng 12 tuổi nằm co ro bên trong, đôi mắt nhòa nhạt lệ. Lại vừa la khóc chứ gì. Em chen đứng cạnh Đông, nhỏ nói vào tai em:
   - Bệnh nặng, bất trị, tội quá…
   Em định hỏi bệnh gì nhưng nhìn nét mặt Đông nghiêm trọng, em không dám hỏi tiếp. Soeur Agnès mang thuốc đến với ly nước trên tay, giọng soeur như an ủi:
   - Tại bệnh con nó như thế, đừng sợ, uống thuốc đi rồi ngủ cho khỏe, chẳng có gì đâu – chẳng có gì đâu – em cứ nghe ma soeur nói hoài như thế. Cô bé níu lấy tay ma soeur:
     - Nhưng ma soeur phải ở đây với con cơ.
   Giọng nói trong mà ấm vô cùng, em có cảm tình ngay. Trong lúc ma soeur gật đầu, mấy cô y tá cũng tản mác dần. Em xích lại gần bên, cô bé thỏ thẻ:
   - Cho em xin cái lúc lắc trên tay chị. Chị cho em nhé!
   Màu đỏ cái lúc lắc nổi bật trên cườm tay trắng xanh. Bao nhiêu ý nghĩ tràn ngập, em ngồi yên nhìn cô bé. Mấy tiếng động nho nhỏ càng làm căn phòng thêm vẻ đắm chìm, thầm lặng. Em không chịu nổi không khí nầy:
   - Em tên gì? Chị chưa biết đó nha.
   Cô bé nhoẻn một nụ cười trên bờ môi tái nhìn em và nói một hơi:
   - Em tên Mỹ Lam – Cô bé nắm bàn tay em – tự dưng nhìn chị em có cảm giác thật là gần gũi, phải chi chị đến hoài với em.
   Cô bé nói chuyện như người lớn, con bé hết pha trò nổi và cũng chẳng biết đối đáp ra sao thì soeur Agnès đứng lên, nụ cười trên môi soeur lạ lùng làm sao:
   - Thôi hai chị ở đây với em, soeur xuống có chút việc.
   Ma soeur quay sang Lam, xổ chăn đắp lên người cô bé:
   - Rán dỗ giấc ngủ, bệnh con chả có gì đâu, ma soeur sẽ lên liền.
   Mấy lọn tóc mềm, đen, cong cong làm đẹp khuôn mặt có đôi má phính hơn má búp bê, một vài sợi còn ướt đẫm nước mắt, cô bé chớp mắt, nhoẻn cười với ma soeur một cái như thay cho cái gật đầu, dịu dàng siết bàn tay em lần nữa bằng những ngón xương xẩu, rồi buông ra. Và hai đứa em đã ngồi như thế, đã nhìn như thế, nhìn cô bé ngủ êm như thế với cái lúc lắc bên cạnh, đã nghe hơi thở nhẹ như tơ. Sự sống nầy rồi Thượng Đế sẽ giành lại. Thân xác nầy sẽ hòa với đất cát, linh hồn sẽ vút lên cùng tinh nguyệt. Ô, em muốn khóc quá.

*

   Cả một buổi chiều em lục lạo khắp chợ. Gặp ai em cũng hỏi món đồ kêu hay hơn tiếng lục lạc cả ngàn lần, cái mái cong với những tua dài bằng kim khí, chính giữa có một miếng dẹp uốn cong hình cánh bướm treo bằng tua chỉ đỏ, tất cả đều có màu óng ánh vàng ở đầu, không cần phải lúc lắc, chỉ có gió thoảng qua là bao nhiêu âm thanh nổi lên. Em thích tiếng kêu của nó vô cùng, bao nhiêu âm thanh đó đã rộn rã cả giấc mơ của em. Trong giấc mơ của em, cái mái trở nên to ra, tua kim khí trở thành những trụ đồng, tất cả là 5 ô cửa, em và Mỹ Lam đuổi nhau qua những ô cửa đó, một trò chơi rất vui vì chỉ cần vạt áo chạm nhẹ vào trụ đồng là những âm thanh kim khí đó reo lên một lượt, tiếng ngân nga trong suốt và thanh thoát đến nỗi linh hồn muốn bay lên và mềm rã ra. Mỹ Lam cứ để vạt áo chạm vào mãi để mỗi lần nghe tiếng reo kim khí, đôi má cô bé hồng lên và nhoẻn cười thực tươi với em.
   Lúc đó em cứ tưởng là mình đã có một cái thật, nhưng tỉnh dậy, trong tiếng gió có tiếng reo như thế mà từ hàng xóm đưa sang em mới biết mình mơ. Thế cho nên hôm nay em mới nhất định đi tìm món đó. Bây giờ thì em đứng trước nó đây và ở gian hàng bán đồ sứ, thủy tinh mới lạ ghê ạ. Có tất cả 4 loại, càng cầu kỳ càng mắc tiền. Với số tiền em mang theo, chỉ mua được cái đơn sơ nhất mà thôi, nhưng đối với em, món đó đã quá lộng lẫy rồi. Sau khi trao tiền cho người bán hàng và cầm gói đồ ông ta trao cho, – Không có gió sau lớp giấy – tự tay em rung lấy để nghe được những tiếng reo trong suốt tuôn ra và nụ cười Mỹ Lam như ẩn, như hiện, em mới biết cái gì đã xui em bỏ công suốt cả chiều nay, một cái gì vừa trầm ấm vừa thiêng liêng, vừa nồng mà vừa đắng. Mỹ Lam ơi, nếu quả thật chị với em gần gũi, trong một góc nào đó của ký nhi viện, thấy được việc chị làm em sẽ hiểu tại sao.

*

   Buổi chiều làm bóng những cây cổ thụ ngã dài trong sân ký nhi viện. Nắng vàng vọt phiền muộn lùi dần khỏi thảm cỏ tươi. Bầu trời xanh trở lại, buổi tối sắp đến với làn gió mát đùa se ngọn cỏ, với im lặng mênh mông. Bầy chim nhỏ thôi làm vang động nơi đây để trở về nép trong chăm sóc, vỗ về của các ma soeur. Hồn em cũng dâng những cung cao, mềm mại, bềnh bồng như những phiến mây hồng trôi rất êm ở trên trời, khi nhảy lên mấy bậc thang lầu dẫn đến khu phòng bệnh. Em thoáng nghĩ tới màu da, màu mắt Mỹ Lam xanh tái, nụ cười chẳng bao giờ tròn. Ô, cánh môi, đôi má ấy có hồng lại nổi không khi nhận món quà từ tay em. Một ý nghĩ tinh nghịch lóe lên, em quẹo vào căn phòng đầu dãy, phòng của cô bé, có thêm một cô bé vào nằm, riêng chỗ Mỹ Lam, chiếc gối vẫn còn đó, tấm chăn hơi lệch đi và điều làm em cảm động: cái lúc lắc đỏ còn treo ở thành giường. Chắc cô bé đi đâu một chút chứ gì. Em mở gói quà ra tự tay treo món đồ chơi mới ở thành giường đối diện, phía có gió, đấy tiếng reo đã làm em mê từ đầu chí cuối, cô bé cũng sẽ thích ngay phải không. Em muốn nhảy và reo lên.
   Có tiếng động sau lưng, em quay lại và cười nhẹ: soeur Agnès xuất hiện với một cô bé. Cô bé tiến về phía em còn ma soeur có vẻ vừa ngạc nhiên vừa bối rối:
   - Con tìm ai thế?
   Giọng em như tiếng reo:
   - Con tìm Mỹ Lam, ma soeur, Mỹ Lam đâu rồi…
   Ma soeur nín lặng. Cô bé nhỏ vòng qua em để leo lên giường, cái giường của Mỹ Lam, vừa liến thoắng:
   - A, em thấy rồi, hôm qua người ta chở Mỹ Lam đi xuống dưới lầu rồi. Cái phòng cửa to xanh lá cây đó chị.
   Xuống dưới lầu rồi? Cái gì? Một cái gì làm em nghẹt thở. Xuống dưới lầu rồi, chóng quá ma soeur ơi, chóng quá con không ngờ. Không chịu đựng nổi, em chạy ra ngoài hành lang tựa đầu trên thành xi măng phết vôi vàng, để cho bóng tối che khuất những giọt nước mắt lấp lánh, để gió đêm thổi tan phiền muộn. Mỹ Lam ơi, bao nhiêu vì sao rực rỡ tối nay, tinh cầu nào đã mang linh hồn cô bé bay cao. Cái gì không còn đầy trong em, cái gì đã vĩnh viễn rời khỏi buồng tim, khối óc.
   Không kịp để chào ma soeur, em chạy nhanh xuống thang lầu.
   Thoảng trong gió còn có tiếng những tua kim khí va vào nhau, âm thanh trong suốt, thanh tao như bay vút lên cùng tinh nguyệt…
   
LINH HƯƠNG 
(Thương Linh) 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 209, ra ngày 15-9-1973)

Thơ: Lối Sương - TÔN NỮ THU DUNG













Lối về rêu đã phủ
dấu hài in trong sương
nhớ những ngày tháng cũ
phai từng vết môi buồn

Tóc đầy vai thuở ấy
nghiêng nón che môi cười
người từ trong giấc mộng
về một lần rồi thôi

Đường xưa nhòa bóng nắng
thắp nến soi mắt người
những nụ hồng thầm lặng
ngát một đời khôn nguôi

Lối về nồng lá úa
những vết chân tình cờ
có phải từ muôn thuở
đã hằn trong cơn mơ.

                                                 TÔN NỮ THU DUNG

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 210, ra ngày 1-10-1973)



Tuổi Dại - LINH GIANG

(Về những người bạn thuộc Bút Nhóm Thương Linh)

Ngày… tháng… năm…

Mình lại buồn vì trời mưa rồi! Độ rày trời mưa hoài, mưa như trút cơn giận, buồn phiền. Ngồi ngắm mưa mình chợt nhớ chị Nhã. Sao lúc nầy chị ấy không đến nữa nhỉ? Chắc chị lại bận thi, nhớ chị quá đi mất! Nhất là chiếc miệng duyên dáng của chị khi kể truyện. Cả con Vân nữa, con bé tếu nhất đám mà cũng ngóng ngóng ra cửa vào mỗi chiều thứ bảy. Trọn ký nhi viện nầy ai lại không mến chị chứ? Nhất là mình, chị làm mình nhớ má quá. Có lần chị ôm mình vào lòng, vuốt tóc và hỏi “Sao Giang buồn hoài vậy?” mình cúi xuống tìm câu trả lời nhưng cổ họng nghẹn cứng, mình mau nước mắt ghê. Ngày xưa má cũng hay bảo “Con gái má làm nũng và dễ khóc như con mèo”. Bây giờ thì còn ai để làm nũng đây? Thôi thì khóc cho đỡ sầu vậy. Thấy mình không trả lời chị Nhã thở dài “Cuộc đời ai cũng có hên xui, Giang đừng buồn vì đôi chân của mình nữa, hãy phấn đấu và tin tưởng lên em!” Phải rồi, chắc chắn có sự may rủi trong cuộc sống và em chính là con người gặp vận đen. Chị biểu em phải tranh đấu? Lâu lắm rồi em đã cố vùng lên khỏi sự tuyệt vọng, em rán tin tưởng ở khoa học như con Vân. Nhưng con bé may hơn em nhiều, chân của nó hiện giờ đã khá, bác sĩ bảo độ hai năm nữa nó có thể đi được như xưa, tuy có hơi khập khễnh, còn em, vô ích chị ạ! Những sợi gân nhỏ bé đã nằm liệt rồi, không điện nào thuốc nào chữa khỏi hết! Chị đã khuyên em nhiều, em đội ơn chị vô kể, nhờ chị mà ngày nay cuộc sống em đỡ vô vị phần nào. Bây giờ thì mỗi chiều thứ bảy em có thể ngồi đây, bất động đôi chân, như mọi ngày, thật đều trong mười năm nay, nhưng mắt em không vơ vẩn trên nền trời bao la, mà hướng về cánh cổng xám xịt chực chờ tiếng xe của chị, chờ dáng chị dịu dàng hiện đến, chờ giọng nói êm êm của chị ru em vào giấc mơ thần tiên, trong đó chỉ có những đóa hoa to như hai bàn tay em chụm lại, chỉ có những con bướm đủ màu và chỉ có những nàng tiên áo trắng như màu áo của chị…

Viết đến đây, bỗng có tiếng của con Vân réo ngoài hiên:

- Giang ơi! Có chị Nhã đến kìa!

Ô! Chị yêu dấu của em đã đến, mình loạng choạng đứng lên chụp đôi gậy. Có tiếng xe dừng lại ở ngoài sân và giọng của bọn thằng Trung, con Thúy:

- Không phải chị Nhã tụi bây ơi!

Mình khập khễnh bước ra, đúng rồi, không phải chị của mình mà là một anh con trai, có lẽ họ đến đây để làm công tác xã hội! Người ta lại đem bố thí tình cảm cho chúng tôi, mình ứa nước mắt khi nhớ lại những cái nhìn xót thương và giọng xuýt xoa của những bà đã đến:

- Ôi chao! Tội con bé quá! Xinh thế nầy…

- Tội quá chị hở? Giá nó lành mạnh thì em xin về…

- Con bé nầy nặng nhất đấy, mấy đứa kia đều hy vọng khỏi, chỉ có nó…

Trời ơi! Đừng ai than thở, đừng ai xót xa dùm tôi, tôi đâu cần lòng thương hại của người khác, người ta quên con Giang nầy đã đến tuổi biết nhục vì những nụ cười nhân đạo ấy. Ngoài kia anh sinh viên đang loay hoay gỡ cây đàn trên yên xe. À, một chàng du ca, anh sẽ ca bài gì đó? Đừng có giọng chán chường đau dùm quê hương nghe anh! Quê hương khổ nhiều rồi, đừng làm đất mẹ thêm xót xa, hãy cho nó sự phấn khởi anh nhé! Anh sinh viên quay lại, tay cầm cây đàn, nụ cười anh rạng rỡ, răng anh trắng bóng, mắt anh sáng ngời, anh cúi xuống ôm thằng Minh vào lòng nói nhỏ, rồi con Thúy, thằng Dũng, con Hằng, con Liên dần dần bu lấy anh, chúng sờ vào cây đàn, vào chiếc áo trắng anh đang mặc. Con Vân đứng cạnh em khẽ bảo:

- Ai thế Giang?

- Tao nào biết, chắc là “du ca” mầy ạ!

Ngoài kia, bọn nhóc đã bị anh thu hết cảm tình, chúng vây anh thật kín, hét ầm lên, giọng thằng Trung to nhất:

- Anh Tuấn ca đi, bài “Con Sáo Sang Sông” ấy!

- Thôi “Cái Nhà Của Ta” đi!

- Không mầy, “Người Yêu Của Lính” hay hơn.

Ồ! Tuổi trẻ của bọn mình bây giờ thông minh quá, chỉ nghe vài lần là thuộc vanh vách những bài ca trữ tình ngay! Ngoài kia, anh Tuấn gì đó đưa tay lên miệng suỵt nhỏ, cử chỉ nầy làm mình nhớ tới chị Nhã hơn. Bây giờ thì anh đã ngồi bệt xuống sân cỏ, bọn trẻ vây tròn xung quanh, chúng vừa vỗ tay vừa ca theo tiếng đàn của anh: “Quê hương ta có ngàn cánh đồng… “ Con Vân thấp thỏm:

- Tao với mầy nhập bọn đi Giang, vui quá!

Mình khẽ thở dài lắc đầu, tuổi thơ mình đã bị mặc cảm cướp mất từ lâu rồi. Có lẽ ngoài chị Nhã ra không ai đem lại niềm vui, sự an ủi cho mình được hết. Thấy mình từ chối, con Vân xiết tay mình, mắt long lanh:

- Mầy buồn hoài sao Giang? Cuộc đời mà, nghĩa gì đâu, cần gì phải nghĩ đến quá khứ và lo tương lai mầy, vui bữa nay đi rồi hãy tính.

Mình nhìn sững con bé, nó nói được câu đó sao? A! Tóc nó đã dài, da nó thêm trắng, mắt nó đã hồng. Bọn mình đã lớn từ lúc nào không hay. Ừ, mà lũ mồ côi như chúng mình chóng già lắm phải không Vân? Mình chớp mắt cúi xuống, một giọt nước ứa ra khỏi khóe. Ngoài sân giọng hát và tiếng đàn vẫn vang vang. Bỗng con Vân nhảy lên:

- A! Chị Nhã kia rồi! Chị Nhã!

Mình ngẩng lên thật mau. Đúng rồi, vẫn chiếc Solex, vẫn tà áo trắng, vẫn mái tóc dài, chị vẫn dịu dàng như tháng rồi, như tuần trước, như muôn thủa xa xăm. Từ ngoài sân chị đã cười với bọn mình. Bọn con Hồng, thằng Trung đang ca đằng kia cũng vỗ tay:

- Chị Nhã tới! Chị có mang kẹo cho em không?

- Có đem sách hình đến không? Chị Nhã ới ời ơi…

Tiếng đàn im bặt. Bọn trẻ vẫn ngồi đó nhưng chúng vẫn hét gọi chị Nhã, một nhóm đứng lên bỏ anh Tuấn chạy lại níu áo chị. Chị dịu dàng bế bé Thủy lên tay, quay sang gật đầu chào anh Tuấn, rồi tiến về phía mình, mắt chị long lanh cười trong ánh nắng. Lúc nào mình cũng thấy nụ cười trên khuôn mặt ấy, dầu chị đang nghiêm cũng thế. Cầu xin cho ánh mắt ấy đừng vương nét buồn để chúng mình được chia sẻ hạnh phúc với chị. Và buổi chiều hôm nay, bọn mình đã sống thật với tuổi khờ dại, không biết lo âu. Những mặc cảm, buồn phiền, tủi hổ đã trôi theo giọng trầm ấm của chị Nhã trong câu truyện lời ca. Anh Tuấn đã đến đàn cho chị ca, tiếng đàn của anh êm êm đệm theo câu hát của chị Nhã làm bọn mình say sưa, quên hết, quên hết những đêm dài nước mắt rơi rơi vì cô đơn lạc lõng. Lạy Chúa, con chỉ xin được niềm hạnh phúc nầy mỗi tuần một lần thôi, nếu Ngài đã cất của con những thực tế tươi đẹp thì xin đừng đánh thức con trong giấc mơ quá êm nầy.

Ngày… tháng… năm

Hôm qua con Vân nóng suốt ngày, con bé nằm liệt giường, mắt nó long lanh, môi nó đỏ tươi khô hốc. Vân ơi! Sao mầy đẹp quá thế, nhưng đừng bỏ tao nghe! Con bạn họa mi! Mình không được nằm gần nó nữa. Mấy soeur bảo nó lên cơn sốt. Ừ, mầy gầy quá. Chị Nhã, anh Tuấn có đến. Chị không vào thăm mầy được nên có gởi cam cho mầy đây. Chiều thứ bảy tuần nầy chắc bọn mình sẽ vui ghê lắm nếu mầy không ngã bệnh. Chị Nhã mua kẹo thật nhiều mầy ạ! Anh Tuấn cũng có đem theo bản nhạc gì mầy thích đó, anh ca cho cả bọn nghe, tao chỉ còn nhớ loáng thoáng là: “… em bước vào thiên đàng tuổi dại, gót chân hồng em dẫm thảm cỏ xanh. Người em gái nhỏ tôi ơi! Hãy ở yên trong vùng thơ ngây đó… “. Lời ca dễ thương quá mầy hở? Thôi, rán mạnh để cười cho tao nghe Vân nhé!

Ngày… tháng… năm…

Con Vân đã khỏi bệnh, người nó gầy như con mắm, nó chưa đi học được, ma soeur bảo nó phải nghỉ vài hôm để lại sức, mình và nó quấn quít nhau suốt ngày, ngoài giờ học mình ở miết bên giường nó để kể cho con bé nghe chuyện chị Nhã, anh Tuấn, hai người có vẻ mến nhau lắm mầy ạ!

Ừ! Tao cũng cầu xin cho chị Nhã của tao được nhiều hạnh phúc, nhưng thứ bảy tuần nầy anh Tuấn không đến, chị Nhã cô đơn trong chiếc áo dài trắng, bóng chị ngã dài trên sân cát, tao thương chị ấy ghê đi! Tụi tao hỏi thì chị bảo anh đi nhập ngũ, anh Tuấn của bọn mình làm lính mầy ơi! Oai ghê hở? Lính mà biết đàn, ca thì tuyệt mầy nhỉ! Mầy bảo tao chỉ tổ mơ mộng? Chắc tại tên tao đấy, con quỉ nhỏ, còn trêu tao là “Công chúa mơ huyền” nữa là tao oa xịt ra đấy!

Ngày… tháng… năm…

Lâu lắm rồi mình không cầm đến quyển nhựt ký nầy, viết cái gì khi chị Nhã không đến nữa? Có gì vui đâu để ghi ngoài cuộc sống trầm buồn như những cung nhịp “Tritesse” của Chopin? Có lẽ chị Nhã đã quên bọn mình rồi. Người ta còn gia đình, bổn phận, đâu ai ăn không rồi làm “Công Tác” hoài sao?

Mỗi chiều thứ bảy mình vẫn mong vẫn đợi, nhưng hoài công. Người chị đáng mến của mình không tới nữa, chắc chị đang bận bát phố rồi! Quên đi Giang, mình chỉ là con sò trên bãi cát, hãy thu mình cho thật nhỏ để tránh cơn giận dữ của biển cả. Hôm qua con Vân được ma soeur kêu lên và cho biết có hai vợ chồng ông kỹ sư người Đức đến xin nó về làm con nuôi và họ hứa sẽ chạy chữa cho thật lành đôi chân nó. Soeur bảo nó suy nghĩ kỹ đi rồi trả lời. Soeur cho nó quyền quyết định, dầu sao thì con bé cũng đã lớn. Mau thật, mới đó mà đã mười năm trôi qua, như cơn gió thoảng. Nhớ ngày nào mình còn bơ vơ, sợ hãi níu vạt áo ngoại và khóc ngất khi ngoại chùi nước mắt quay lưng, lọm khọm đi ra phía cửa. Ngoại ơi! Từng ấy tuổi đầu mà con không sao quên được hai giọt lệ trên đôi má nhăn nheo của ngoại lúc đem cháu gửi vào ký nhi viện, rồi từ đó, con không còn trông thấy ngoại nữa. Bây giờ ngoại ra sao và ở đâu hở ngoại? Rồi cuộc sống êm đềm, đều đều chán ngấy của mình bắt đầu. Bây giờ thì mười bốn tuổi rồi, mình phải làm gì với đôi chân gầy guộc không giở lên nổi nầy?

Thôi Vân, đừng luyến tiếc gì nơi đây hết. Tao tin rằng mầy sẽ chọn con đường mới và may mắn vui tươi hơn với sự thay đổi nầy. Bọn mình đã khóc nhiều rồi, hãy can đảm dứt khoát bộ áo cũ rích nầy đi, mặc dầu đôi khi mình cũng có một chút tiếc nuối Vân hở? Có gì ở đây để mầy phải do dự đâu Vân? Ngoài những chuỗi ngày buồn lặng thiếu thốn của bọn mình? Ngày nào đó, tao hy vọng sẽ được gặp lại con Vân mới mẻ, tươi tắn, xinh đẹp hơn về vật chất lẫn tinh thần, chừng đó đừng quên bạn cũ nghe Vân! Người ta bảo “đi là chết trong lòng một ít” nhưng tao thấy chính kẻ ở lại mới hiểu đầy đủ ý nghĩa câu trên.

Tối hôm qua, mình đang ngồi ngoài hiên thì con Vân đến. Vẫn những bước chân nhẹ nhàng, rón rén để hù mình, nhưng sao hôm nay mình nhận ra ngay tiếng cây nạng gỗ gõ nhẹ trên sàn gạch. Mình quay lại cười:

- Định hù đó hở ranh con? Có ngày chắc tao phải đứng tim vì mầy.

Con Vân cười xòa ngồi xuống cạnh mình. Mình muốn tiếp theo một câu gì để hai đứa cùng quên nhưng không tìm ra nữa. Vân cũng thế, con bé ngồi trầm ngâm nhìn ra bầu trời tối om. Không khí giữa hai đứa ngột ngạt quá. Giây lâu, mình ngập ngừng:

- Chừng nào mầy đi?

- Có lẽ… chủ nhật nầy. Tao đợi chị Nhã để từ giã.

Đúng đó Vân. Tao vui khi thấy mầy quyết định như vậy. Nghĩa là chúng mình sẽ xa nhau, nghĩa là từ nay tao sẽ cô đơn hơn, buồn thảm hơn. Chị Nhã đã như con chim cất cánh, còn mầy sẽ là con sáo sổ lồng. Chỉ có tao muôn kiếp vẫn là loài ốc biển, sóng giạt đến đâu, trôi đến đấy. Nếu tao là mầy tao cũng sẽ chọn con đường ấy. Dù sao thì chân trời mới kia cũng vẫn tươi đẹp hơn ký nhi viện cũ kỹ nầy Vân hở? Giọng con Vân cất lên thật rõ trong đêm vắng:

- Mầy buồn tao không Giang?

- Buồn mầy? Lạ nhỉ! Tao mừng hơn thì có. Đứa nào thoát ra được phải vui lên chứ!

Nhưng không hiểu sao nước mắt mình như chợt muốn ứa ra, giọng mình nghẹn lại. Mình cố gắng nghĩ và làm một cử chỉ gì để bình tĩnh hơn, nhưng con Vân đã quay sang ôm lấy mình nấc lên:

- Có lẽ tao không nên bỏ mầy Giang ạ!

Mình nhẹ nhàng gỡ tay nó ra:

- Đừng dại dột mầy ạ! Tương lai mầy sẽ hỏng hết với quyết định trên. Hãy nghĩ đến đôi chân. Vả lại, tao cũng không còn bé bỏng gì nữa đâu. Yên chí đi ranh con.

Mình nói nhưng nước mắt chảy dài trên đôi má. Vân ơi! Tao dối mầy đó. Thật sự tao mong, tao ước mầy đừng bỏ tao đi. Tao sợ khủng khiếp khi nghĩ đến những chuỗi ngày dài lê thê tao phải ngồi ở hiên cửa nầy, nhìn ra cánh cổng xám ngắt kia để mong đợi những người đi không trở lại. Tao ghê lắm rồi những đêm thật buồn nằm nghe tiếng mưa rơi đều đều trên mái nhà, ngoài sân mà thiếu vắng tiếng cười, giọng nói vui tươi, những câu pha trò thật tếu của mầy. Rồi ai sẽ nói với tao câu “đừng buồn nữa con bé mít ướt” hở Vân? Chị Nhã đã bỏ tao, bây giờ đến mầy. Có lẽ mai kia chính tao cũng sẽ bỏ tao mà đi quá Vân ơi!

Ngày… tháng… năm…

Thật mình không ngờ chị Nhã trở lại. Như trong giấc mơ, chị cũng vẫn xuất hiện vào buổi chiều thứ bảy. Mình có cảm tưởng khoảng thời gian ngăn cách bọn mình với chị không có nữa. Nhưng chị buồn hơn trong chiếc áo dài đen. Dáng chị gầy guộc hơn, xanh xao hơn với đôi kính đen trên mắt. Chuyện gì thế hở chị yêu dấu? Mình biết chị đã khóc thật nhiều với giọng nói thật trầm kia. Chị đến, vẫn chia kẹo, vẫn kể truyện, nhưng câu chuyện buồn quá! Chuyện cô bé bán diêm đã quẹt đến cây diêm cuối cùng để được nhìn những cảnh đẹp thần tiên và bà của cô trong ánh nến lung linh, để rồi lịm chết trong cơn bão tuyết. Hy vọng của cô bé ấy đã tắt cũng như niềm tin của mình sắp mất phải không? Thằng Trung chợt lên tiếng:

- Chị Nhã! Sao anh Tuấn không đến chơi với tụi em? Hôm trước anh hứa là mang súng về cho em coi mà?

Mắt chị Nhã long lanh, chị vuốt tóc thằng Trung:

- Anh không về nữa đâu cưng! Anh đã đi xa lắm rồi.

Bọn nhóc nhao nhao lên:

- Anh đi đâu hở chị?

- Anh có mang đàn theo không?

Miệng con Hồng méo xệch:

- Anh Tuấn xấu ghê đi! Anh hứa dạy em ca mà bỏ luôn hà.

Chị Nhã bồng con Hồng trên tay, giọng chị nghèn nghẹn:

- Đừng buồn anh Tuấn, anh đi mà vẫn nhớ tụi em đấy chứ! Bây giờ có lẽ anh đã đến nơi rồi, trên trời xanh ngắt đó cưng.

Chị Nhã! Em đã hiểu chị, em thương chị quá chị Nhã ơi! Thứ cho em cái lỗi đã hiểu lầm chị nghe! Anh Tuấn bỏ chị em mình vì anh có bổn phận của người con trai, cũng như em phải bất động suốt đời vì em là con gái, hay đúng hơn vì chúng mình là con người phải không chị Nhã? Chị chơi với bọn mình đến sáu giờ thì đứng lên. Con Vân nhìn chị rồi ngập ngừng:

- Chị Nhã! Ngày mai em phải theo ba má nuôi về Đức. Chị ở lại…

- Thế hở? Vân cũng đi nữa sao? Ừ! Vậy cũng xong. Nơi đây buồn quá mà. Thôi, chị chúc Vân nhiều may mắn nha! Có lẽ… lâu lắm chị mới đến chốn nầy nữa – rồi chị lắc đầu, giọng thật nhỏ – nơi đây nhiều kỷ niệm quá!

Thôi chị đừng đến nữa. Cả Vân nữa mầy hãy đi ngay đi, để tao yên trong buổi chiều xuống chậm nầy. Nước mắt mình tuôn ra khi nhìn dáng chị Nhã buồn thảm ngã dài trên sân cát. Bỗng con Vân nấc lên:

- Chị Nhã, đừng bỏ tụi em! Em không đi đâu hết. Ở lại với con Giang, chị Nhã ơi!

Chị Nhã quay lại sững sờ trong giây lát. Rồi như chợt tỉnh, chị chạy vào ôm chầm mình trong cánh tay. Nước mắt chị nhỏ xuống tóc mình. Chị choàng con Hồng, con Thúy. Thằng Dũng, thằng Minh cũng đang rưng rưng ùa đến bên cạnh:

- Vâng! Chị sẽ không đi đâu hết, chị sẽ đến đây hoài với mấy cưng. Đừng buồn chị nha!

Mình cười thật tươi trong tay chị Nhã. Bên tai mình văng vẳng giọng ca trầm trầm của anh Tuấn:

“… Em bước vào thiên đàng tuổi dại, gót chân hồng em dẫm thảm cỏ xanh. Người em nhỏ tôi ơi! Hãy ở yên trong vùng thơ ngây đó…”

LINH GIANG 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 208, ra ngày 1-9-1973)

WALT DISNEY

THẦN TƯỢNG CỦA THIẾU NHI THẾ GIỚI

• Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, cậu bé Walt Disney đã làm đủ mọi nghề : bán báo, bán nước ngọt, bán cà rem, trước khi trở thành một họa sĩ trứ danh của thế giới.

• "Đô la chẳng qua như phân bón, nó làm cho mọi việc mọc lên". Walt Disney đã nói thế, và đã dám chi nửa triệu đô la chỉ để quay một cảnh quyết tử với Mực Ma trong phim “20.000 dặm dưới đáy biển.”

• Một mình lãnh 29 giải Oscar về mọi môn trong ngành điện ảnh.

 Hàng tuần, ở bìa lưng báo Thiếu Nhi, các em vẫn thường được đọc một trang in truyện bằng tranh trọn kỳ với đủ màu sắc chụp theo nguyên bản trong tạp chí Mickey. Nhân vật trong truyện này phần lớn là bác chó Dingo, họ hàng nhà vịt Donald, những dây mơ rễ má của nhà chuột Mickey hay chú nai ngơ ngác Bambi. Đấy mới chỉ là một số trong rất nhiều nhân vật khác như nàng Bạch Tuyết, Bé lọ lem, 7 chú lùn v.v… do một họa sĩ lừng danh thế giới mà mọi lứa tuổi từ 6 đến 70 tuổi không mấy ai là không nghe nói đến : Walt Disney!

Đối với trẻ em trên thế giới, tên Walt Disney đi đôi với tiếng Thần Diệu. Tất cả những gì có ký tên Walt Disney đều là thần diệu. Walt Disney đã sáng chế ra nhân vật, thổi vào mỗi nhân vật một linh hồn, một sắc thái, một đời sống nội tâm, có tình cảm, có thói quen, có tật xấu, có tài năng riêng biệt, và những nhân vật ấy đã đưa trẻ em vào một thế giới khác, thế giới của thần tiên, của mộng ảo, đẹp đúng y như trí tưởng tượng phong phú của tuổi hồn nhiên đã mơ ước tới.

NGƯỜI ẤY LÀ AI?

Walt Disney tên thật là Walter Elias Disney, sinh năm 1901 tại Chicago (Hoa Kỳ). Là con út trong một gia đình nghèo có 5 người con, Walt Disney đã trải qua một thuở thiếu thời hết sức là cực nhọc, vất vả. Ông đã phải bán báo, bán kem, rao hàng nước ngọt giải khát v.v… nhưng ông có biệt tài vẽ hí họa. Nhờ đấy, thân phụ của ông cố gắng để cho ông theo học ngành Mỹ Thuật và sau năm năm, ông đã có đủ cái vốn căn bản để khai triển tài năng thiên phú của mình. Vào năm 1923, chàng trẻ tuổi Walt Disney đặt chân tới Hollywood với ước vọng cách mạng việc sản xuất các tranh hoạt họa. Nhưng việc đầu tiên là phải làm quen với thế giới của ngành điện ảnh. Do đó, Walt Disney xin vào làm việc trong phim trường mà theo lời của ông kể lại thì “Tôi chỉ muốn làm việc trong phim trường, bất cứ phim trường nào, và bất cứ việc gì”. Người ta giao cho ông một chân phụ tá, nhưng xui xẻo thay, ngay ngày hôm sau, phim trường bị bà hỏa thiêu rụi! Chính vì sự rủi ro này mà Walt Disney nẩy sinh ý định tự lập. Ông lập luận : “Nếu không có chỗ để xin vào làm thì tại sao mình không tạo lấy công việc cho riêng mình?”. Thế là ông chạy chọt họ hàng để xoay sở vay mượn được cái vốn khởi đầu là 500 Mỹ kim. Anh ruột của ông là Roy Disney cộng tác với ông trong bước đầu này, và cả hai người đều không ngờ họ sẽ còn ràng buộc với nhau trong suốt 40 năm sau nữa. Khởi đầu, “hãng” của Walt Disney chỉ vỏn vẹn có một cô thư ký với lương tháng là 15 đô la. Đồng lương thật là chết đói, nhưng vì mến tài ông mà nàng chịu đựng và làm việc một cách rất chăm chỉ. Một hôm nàng hết nhẵn tiền, không một xu dính túi, đành ngồi lỳ ở bàn làm việc, không muốn ra về nữa. Chàng Walt Disney đến gần hỏi:

Cảnh trong phim : Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn 
- Sao em còn ngồi đây?

Cô nàng nghẹn ngào qua nước mắt:

- Xin để em ngồi yên, đừng hỏi.

Walt Disney chợt thấu hiểu hoàn cảnh của nàng, chàng xúc động sâu xa và nói:

- Đời nào… đời nào anh để cho em ngồi yên được…

Rồi chàng cúi xuống hôn lên má nàng. Một tuần sau, họ làm lễ cưới. Tình yêu đã thúc đẩy Walt Disney làm việc say mê. Chàng bắt đầu dựng những thú vật làm nhân vật chính trong phim : chuột Mickey, vịt Donald, nai Bambi v.v…

Năm 1937 cuốn phim Nàng Bạch Tuyết và bẩy chú lùn ra đời. Tất cả thế giới đều hoan nghênh nồng nhiệt. Cuốn phim đi tới đâu là gây sôi nổi, bàn tán và gieo rắc tươi vui đến đó. Hình ảnh của Bạch Tuyết lan tràn vào mọi lãnh vực trong đời sống : in trên nhãn hiệu, trên tập vở, trên các hàng hóa, trên các gói kẹo v.v… và riêng ở V.N, có người nói rằng rất đông các cô gái sinh năm 1937 được cha mẹ đặt tên là Bạch Tuyết, chẳng hiểu điều đó có đúng chăng?

Sau khi tạm gián đoạn vì đệ II thế chiến, Walt Disney lại tung ra thị trường phim ảnh nhiều phim hoạt họa độc đáo khác nữa như Bambi (ra đời năm 1947) Alice ở xứ thần tiên (1951), Công chúa ngủ trong rừng (1959) v.v…

HOANG PHÍ HAY BỦN SỈN

Thật khó mà mổ xẻ được con người phức tạp của Walt Disney. Nhiều người cộng tác với ông cho ông là một người keo kiệt, bủn sỉn. Lương do ông trả cho công nhân nổi tiếng là thấp nhất. Một họa sĩ từng giúp việc cho ông đã ví “Đó là một De Gaulle trong lãnh vực hoạt họa”. Có lẽ Walt Disney chỉ say sưa với sự làm thế nào để cuốn phim được thành công. Và trong lãnh vực này, ông rất chịu chi : như trong phim “20.000 dặm dưới đáy biển” phỏng theo tác phẩm của đại văn hào Jules Verne, ông đã chịu bỏ ra nửa triệu Mỹ Kim để chỉ quay cho hoàn toàn một cảnh quyết tử với con mực khổng lồ.

Nhưng món tiền ấy chưa thấm vào đâu với số tiền Walt Disney đã bỏ ra để xây dựng nên Disneyland. Đây là giấc mộng mà ông đã ấp ủ từ hơn 30 năm trước, nhằm thực hiện một thế giới có thực ngoài cuộc đời, phát xuất từ thế giới mộng mơ trên phim ảnh. Disneyland rộng 24 mẫu, ở Anaheim, cách Los Angeles 30 km về phía Đông Nam, trước là một khoảng đất hoang vu, nhưng dưới khối óc vĩ đại của Walt Disney, nó đã trở nên một khoảng đất thần tiên mà hàng năm có đến 19 triệu du khách từ 70 quốc gia tới thăm viếng và được mệnh danh là “Tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ”. Để xây dựng nên Disneyland, Walt Disney đã phải chi phí hết 7 tỷ đô la. Hãy chỉ nói riêng một búp bê giả nguyên hình Tổng thống Abraham Lincoln đang đọc bài diễn văn nổi tiếng ở Gettysburg mà Walt Disney đặt ở một khu mệnh danh là “Một quốc gia dưới quyền Thượng Đế”. Khu này có mặt đầy đủ tất cả các Tổng Thống Hoa Kỳ, giống y người thực. “Búp bê” Lincoln có một bộ máy tinh vi nối với một băng phát thanh. Khi nói, Tổng Thống cũng có đầy đủ mọi điệu bộ, thậm chí những bắp thịt ở má, ở môi, những chớp mắt lên xuống, những ngón tay cũng động đậy y như người thật. Riêng mỗi “bắp thịt” ở má đã trị giá mỗi cái 600 đô la. Khi hoàn thành, Tổng Thống Abraham Lincoln đã tiêu tốn hết 250 ngàn đô la rồi! Thật chỉ có Walt Disney mới làm được như thế.

Vào tháng 12 năm 1966, Walt Disney từ giã cuộc đời. Ông chết đi để lại mối tiếc thương cho tất cả mọi người trên thế giới, không phân biệt mầu sắc chính trị, chủng tộc, mầu da, hay tôn giáo.

Bởi vì Walt Disney chỉ phục vụ cho tuổi thơ, và cho tất cả những ai còn muốn quay về thế giới hồn nhiên và tươi sáng của tuổi thơ.

CHU QUÂN 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 46, ra ngày 9-7-1972)

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Trái Mơ - CAM LI



1

“Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ là ôm một mối mơ…”

Các em còn rán kéo dài chữ “mơ” cuối cùng ra. Âm thanh ngây thơ như muốn vướng vít đâu đó chưa tan. Chị cũng lướt dài nốt nhạc, tiếng đàn ngân theo tiếng hát của các em, rồi im tự lúc nào. Các em lại rộn lên cười cười nói nói, cơ hồ không cười, không nói một phút là không chịu được. Nhưng chị còn ngồi im. Chị còn muốn níu kéo chút âm vang còn lưu lại. Các em hát hay quá! Giọng hát trẻ thơ thật hồn nhiên khiến chị muốn xa rời số tuổi hiện tại, để nhỏ lại bằng các em thôi, bằng Ti, Bé, Tiến, Thạnh…

Cu Thạnh nhảy lòng vòng vướng vào cây đàn trên tay chị. Sáu dây đàn cùng kêu lên một tiếng “xoèng” khô khan. Chị vội vã dựng cây đàn vào một góc. Các em ý chừng không đứa nào muốn hát nữa, cùng chụm đầu lại bàn tán. Chị nghe thật rõ giọng thằng Ti:

- Các em muốn nghe kể chuyện không? Nói chị Thanh kể chuyện cho nghe.

Mấy cái miệng nho nhỏ cùng nói một lượt:

- Thích.

Rồi, như cái máy, các em quay lại nhìn chị. Và chị chìu lòng các em. Chả là đêm nay là đêm đặc biệt mà! Đêm Trung Thu, đêm của các em, của tuổi thơ đó! Chị dành hết thì giờ của chị cho các em. Trước đây một tuần, chị đã soạn những tờ giấy hoa màu mè thật đẹp để xếp đèn cho các em. Đèn quả trám, đèn cái trống, đèn xếp… do tay chị làm lấy, đêm nay đã được treo đầy trước cửa, nến thắp sáng trưng. Và tiếng hát của các em cũng ngọt ngào như bánh kẹo, êm như gió và trong sáng như trăng.

Chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa chị kể biết bao lần rồi, nhưng các em vẫn đòi nghe. Những chữ, những lời đã quá quen thuộc với chị.

- Ngày xưa có một chú nhỏ tên là Cuội, nghèo thật là nghèo và hay nói dối… – Chị miên man kể trong khi các em say sưa nghe. Và câu chuyện gần chấm dứt – Chú Cuội bám rễ cây đa bay theo lên cung trăng. Trên đó, có một nàng tiên tên là Hằng Nga, đẹp như…

- Không, chị Hằng mặt lỗ chỗ, xấu lắm cơ!

- Chị Hằng đâu có đẹp!

- Trên đó lạnh lắm, chị Hằng làm sao mà sống?

Hình như nét mặt của chị lúc này chưng hửng trông kỳ lắm các em nhỉ! Ừ, chị đã dối các em. Chị đã mải mê nói dối các em từ đầu câu chuyện. Ngày xưa, năm kia, năm ngoái, các em còn tin chuyện trên cung trăng có chị Hằng chú Cuội, chứ bây giờ, ai nói cho các em tin được? Câu chuyện thần tiên đó chỉ tô vẽ cho tuổi thơ thêm mơ mộng thôi, nhưng khi các em đã biết được những câu chuyện thật trước mắt, thì câu chuyện đã hết nét mộng mơ, mà chị kể lại cho các em nghe chẳng khác nào chị đang nói dối. Thằng Ti nhận ra chị “cụt hứng” nên quay lại rầy lũ nhỏ:

- Các em đừng bàn tán nữa. Có để yên cho chị kể tiếp không?

Có lẽ các em thấy “tội nghiệp” chị nên lặng im. Nhưng chị không nói tiếp được. Nói là “chị Hằng” đẹp như cái gì bây giờ? Chị không muốn dối các em thêm nữa. Những buổi theo dõi trên máy truyền hình, những phút chờ đợi, những lời bàn tán, chưa đủ làm các em biết sự thật hay sao? Mặt trăng chỉ là một hành tinh xa lạ, khác hẳn địa cầu. Con người bây giờ mới đặt chân lên đó với bao khó khăn và tốn kém. Thì thử hỏi, chị Hằng và chú Cuội làm sao có mặt ở đấy hàng ngàn năm trước? Chị nuốt nước bọt nhìn các em, gượng cười.

Cu Tiến, đứa nhiều thắc mắc nhất nhà, hỏi:

- Chị, trên mặt trăng… ghê như vậy đó, có chị Hằng với chú Cuội thật không?

- …Không có ai cả, em ạ! Chuyện chị Hằng chú Cuội là bịa đấy! Mà thôi, chị em mình hãy nói chuyện khác.

Chị thoát khỏi ngõ bí rồi. Chị và các em quay sang bàn tán về phi thuyền Apollo 11, chiếc phi thuyền đưa con người đổ bộ lên mặt trăng (*). Hình như câu chuyện bây giờ sôi nổi hơn, hào hứng hơn và… thật hơn. Các em nói như chim, cãi nhau ríu rít và lại còn… đặt “giả thuyết” nữa. Ti nói thế nào trên đó cũng có “người” ở, Bé thì đoán “người mặt trăng” sẽ giống như các quái vật trong phim “ông tai lừa”. Cu Tiến bảo “người mặt trăng’ sẽ giống như người máy rô-bô… Mỗi em một ý. Các em chắp nối những sự việc trông thấy trước mắt hàng ngày để tưởng tượng thành cái thế giới của các em, thế giới mà ngày xưa người ta đã thêu dệt rất nhiều nét thần tiên mơ mộng.

Câu chuyện tốn rất nhiều nước bọt rồi chẳng đi đến đâu. Sau đó, các em lại ngồi yên nhìn lên trời. Mặt trăng đêm nay tròn hơn bao giờ hết, sáng hơn các lồng đèn của chị em mình. Màu vàng thật ngọt của ánh trăng làm chị thấy êm đềm trở lại. Chị lại liên tưởng đến những chuyện thần tiên. Ngày trước, chị đã từng nắm tay chị Thúy chạy đi trốn ông trăng; đêm đêm chị đã nằm mơ thấy chú Cuội hiện đến khuyên trẻ thơ đừng nói dối, đừng dại dột như chú. Thuở ấy ngọt ngào làm sao! Giá bây giờ các em của chị vẫn hoàn toàn tin những chuyện thần tiên ấy nhỉ! Tuổi thơ của các em sẽ vẫn tươi mát đến thế nào! Nhưng sự tiến bộ của nhân loại đã dắt các em đi xa quá! Các em đi xa khỏi những huyền thoại của tuổi thơ… mà vẫn chưa đến gần được sự thật.

Tự nhiên Tiến quay lại nhìn chị:

- Mấy người lên mặt trăng… giỏi ghê chị há!

Chị gật đầu không suy nghĩ. Ti thêm vào:

- Người Mỹ giỏi ghê! Người Nga cũng giỏi nữa!

Chị lại nuốt nước bọt. Tiến chợt hỏi:

- Chị, người Việt… có giỏi không hở chị?

Chị chưa kịp đáp, Bé đã ngắt lời:

- Giỏi… giỏi sao không phóng người lên mặt trăng?

Chị thấy Tiến ngơ ngác. Mà chị cũng ngơ ngác. Ôi các em của chị! Mặc cảm tự ti đã chớm trong lòng các em tự hồi nào? Chị không nỡ trách các em đâu! Chính lòng chị nhiều khi cũng còn mặc cảm như thế nữa thay! Cây bút máy chị xài: của Mỹ; chiếc xe đạp chị đi: của Pháp; chiếc máy truyền hình, chiếc máy thâu thanh của nhà mình: của Nhật; cho đến những dụng cụ học sinh cũng là của Đức, của Mỹ. Người Việt mình có giỏi không? Khoa học nước mình không có một tí ti nào tiến bộ bằng người. Nếu chị bảo “giỏi” thì các em sẽ thấy là chị nói quá, mà bảo “không” thì… đau lòng quá các em ơi!

Đôi mắt cu Tiến nhìn chị như thúc giục. Em của chị thông minh đĩnh ngộ quá! Không, các em không kém cỏi gì hơn trẻ thơ Âu Mỹ cả. Tất cả chúng ta đều là con người. Chị thấy lại niềm tin, chị đã tìm được câu trả lời:

- Các em, người mình bây giờ còn kém, nhưng về sau sẽ giỏi.

- Làm sao giỏi hở chị?

- Thì các em đây này! Các em sẽ học thật giỏi. Chị nữa chứ, chị sẽ học thật giỏi. Mình sẽ tìm tòi, nghiên cứu như người Mỹ, người Nga. Mình sẽ tiến, sẽ tiến như họ vậy.

Chị thấy cu Tiến liếm môi, Ti cau mày và Bé nắm tay lại. Chị muốn dang rộng đôi cánh tay ôm hết các em vào lòng. Chị nói – nói như say:

- Rồi khi nào hết đánh nhau, sẽ có nơi cho mình học hành đầy đủ, sẽ có thầy dạy cho mình những điều đó, sẽ có dụng cụ cho mình nghiên cứu… như những học trò ngoại quốc. Mình sẽ giỏi, sẽ tiến, nghen các em!

Những đôi mắt bé thơ chợt sáng lên như sao. Chị thấy nghẹn ngào. Mấy lời nói của chị khiến các em tin tưởng mạnh mẽ hơn chất thần tiên trong chuyện chú Cuội chị Hằng. Phải gieo mầm hy vọng trong đầu các em ngay bây giờ, để các em lớn lên không tủi hổ, tự ti. Mình sẽ thắng nhé, các em! Chiến tranh rồi sẽ dứt, hận thù rồi sẽ tan. Ngày mai là của các em đó!

Thôi, hãy đi ngủ. Mười giờ đêm rồi! Chị em mình thức hơi khuya đấy! Các em lục tục vào mùng. Chị một mình ra sân tháo gỡ lồng đèn. Trăng còn sáng, còn cười với chị kìa!

2

Em không ngủ được. Anh Ti, chị Bé đã ngủ từ lâu. Mấy chị còn đang giặt rửa nghe ào ào. Ba, má, cu Thạnh, em Thảo chắc đã ngủ say dưới nhà. Trên gác này còn lại chị Phi cũng vừa mới tắt đèn vào ngủ.

Mọi ngày em ngủ trước mọi người. Nhưng sao đêm nay cơ hồ mắt em cứ giương lên trao tráo. Em cố nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra lúc nào không hay. Những lời của chị Thanh nói ban nãy cứ luẩn quẩn trong đầu em… Mình bây giờ còn kém, nhưng về sau sẽ giỏi. Lạ quá! Mình có kém không? Mà về sau mình có giỏi như người ta không? A, em nghĩ ra rồi! Em bây giờ mới năm tuổi, chắc em còn kém, còn dở lắm. Nhưng em sẽ lớn chứ! Em lớn đến hai mươi tuổi, ba mươi tuổi… em sẽ giỏi. Các “nhà bác học” cũng là những người lớn cả – em chẳng hiểu “nhà bác học” phải như thế nào, nhưng em hiểu là họ giỏi lắm. Không biết khi em lớn, em sẽ giỏi đến thế nào, chứ bây giờ, em thấy em cũng đâu có “dở” gì. Này nhé! Em mới năm tuổi, mà chị Thanh cho em làm toán nhân “2 con”, em cũng làm được. Em học thuộc bài “Con ve và con kiến” dài ghê là…. Em viết được chữ “khúc khuỷu”, “khuya khoắt”, “nghiêng ngửa”, ngoằn ngoèo”,… nhiều lắm cơ, mà không sai… Em học được cả tiếng Anh của anh Tâm dạy nữa kia. Mà khi em đi thi vào lớp “bét” trường công họ cũng bảo thiếu tuổi không cho vô mặc dù em học được lớp năm.(**) Ba nói tại em“giỏi” quá nên họ không dám nhận, làm em “mừng mừng”. Vậy là em đâu có dở. Không hiểu sao mỗi khi được khen em lại vui lên, và em lại khoái tìm tòi hơn. Trong nhà ai cũng bảo em là đứa hay thắc mắc, hay suy tư – em cũng chẳng hiểu “suy tư” là cái gì nữa. Em thấy chị Thanh súc chai nước, chị ấy nhúng cái chai vào thau nước làm phát ra những tiếng “sục sục” rồi bọt nổi lên, em cũng hỏi tại sao. Em thấy cái quạt máy quay làm mát mẻ em cũng bắt chị giải thích tại sao. Em thấy những vật xung quanh – tờ giấy, miếng vải, chiếc xe… em cũng muốn biết làm sao tạo ra chúng được. Tại sao em lắm thắc mắc vậy nhỉ? Rồi có hôm em hỏi chị Thúy:
- Chị ơi! Ai sinh ra mình?

- Má sinh chứ ai nữa?

- Không, em hỏi… cái hồi mà chưa có má, chưa có ngoại, chưa có… ai hết, làm sao có “mình”?

Chẳng hiểu sao cả nhà cười vang. Chị Thúy bảo rằng em về sau không là “khoa học gia” thì cũng là “triết gia” thôi. Em lại cũng chẳng hiểu “triết gia” là gì, phải như thế nào, nhưng “khoa học gia” thì em hiểu – vì em khoái “khoa học” lắm. Nhiều chữ ngộ quá đi thôi, bao quanh em. Suốt ngày em cứ thắc mắc mãi, có khi ai kêu, hỏi gì em cũng chẳng nghe. Anh Ti bảo em chưa già đã điếc. Ôi! Đến bao giờ em mới biết hết mọi chuyện như mấy “nhà bác học” nhỉ?

Một hôm chị Thanh đưa em xem một cuốn báo Tuổi Hoa, chỉ cho em hình một người mặc áo trắng, đang làm việc bên những bình, những ống gì ấy. Chị bảo em đọc những dòng chữ bên dưới. Em đọc: “Một nhà nghiên cứu đang thực hiện những thí nghiệm về hóa học trong phòng thí nghiệm. Các em trai Tuổi Hoa có ước mơ trở thành nhà thông thái nầy không?”. Đọc xong em chỉ cười hì hì nhưng em suy nghĩ ghê lắm. Em rất thích chứ! Không những thích như vậy, em còn mơ được làm “người không gian” lên thám hiểm trên mặt trăng như ba cái ông Mỹ hôm trước trên truyền hình nữa cơ. Đến bao giờ em mới được lái phi thuyền lên mặt trăng nhỉ? Ừ, lo gì, em sẽ học nhiều, học giỏi, em sẽ “chế” ra phi thuyền để em lái. Nhưng mà phi thuyền của em sẽ không mang tên Apollo đâu! Nó sẽ có một cái tên Việt Nam, vì em là người Việt Nam mà! Chừng ấy em sẽ đặt tên cho nó sau vậy.

Lạ, sao em cứ nghĩ mãi thế này? Mọi người ngủ cả rồi, trừ chị Thúy và chị Thanh còn trò chuyện ở dưới nhà. Em thấy ánh trăng chiếu qua cửa sổ, in lên trần nhà thành những vệt dài song song. Đẹp quá đi mất! Em len lén ngồi dậy, vén mùng chui ra, đến bên cửa sổ. Mặt trăng bây giờ sáng hơn lúc chúng em ngồi kể chuyện nhiều, lại tròn như cái bánh ngọt em thích nhất. Em nom thật rõ bóng “cây đa”– hồi trước chị Thanh thường bảo vậy – in trên nền vàng của trăng. Không biết thật ra đó là chỗ nào nhỉ? Có phải đó là chỗ hai ông Mỹ đã đáp xuống không? Thật quá sức tưởng tượng của em, em nghĩ không ra.

Em nhón gót cho cao lên một tí. Em hình dung chú Cuội ngồi trong trăng ấy, chú vẫy em, còn cười với em nữa chứ! Không, không đời nào có chú Cuội! Em chỉ mơ làm “người không gian” lái phi thuyền lên mặt trăng thôi!

3

Quả thật chị đã giật mình vì hoảng hồn, nhưng chỉ nửa phút sau là chị lấy lại bình tĩnh. Tiến ngồi kia mà! Nửa khuôn mặt của em sáng lên vì ánh trăng bên ngoài. Em làm gì ở đây mà chưa đi ngủ? Chị hỏi thật khẽ nhưng cũng đủ làm em giật mình. Em nhìn chị, đôi mắt chớp nhanh. Chị nhìn thấy trong đôi mắt đó nét thông minh rực rỡ. Rồi em hỏi:

- Chị!... Chừng nào em lớn, em “chế” chiếc phi thuyền bay lên mặt trăng như mấy ông Mỹ hở chị!

Chị trố mắt nhìn em. Ôi em trai của chị! Chị quả như người từ mặt trăng rơi xuống, dầu niềm mơ ước này chị đã có từ lâu rồi. Phải như thế chứ, em trai của chị! Chị nghẹn ngào lẫn sung sướng, gật đầu. Em lại tiếp tục:

- Rồi em sẽ… cắm lá cờ Việt Nam trên đó há!

- Ừ.

- Rồi em sẽ bay về trái đất há!

- Ừ.

- Rồi em sẽ thấy lại “người địa cầu” há!

- Ừ.

- Rồi… sao nữa hả chị?

- Rồi chị sẽ ra đón Tiến. Mọi người sẽ ra đón Tiến.

- Sao nữa?

- Rồi ai cũng hoan hô Tiến hết. Tiến đã trở thành…

- …thành gì?

- …thành “nhà bác học”.

Nụ cười của em nở trên môi thật hể hả. Em ơi, chị đã ươm mầm mơ ước từ lâu nhưng chưa nói ra. Thì nay trái mơ đã hiện. Một ngày không xa trái mơ sẽ chín. Niềm tin của chị là đây. Chị ngước nhìn trời. Vầng trăng ngọc như cười với chị em mình. Em ơi cười đi em!!!


CAM LI

______________ 
(*) Ngày 20 tháng 7 năm 1969, phi thuyền Apollo 11 mang những con người đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng.
(**) Hệ thống tiểu học trước năm 1970: Lớp Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất: tương đương với lớp Một, Hai, Ba, Bốn, Năm sau này.
     


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 114, ra ngày 15-9-1969)

Nhớ Thu Xưa - TRẦN MIÊN TRƯỜNG


Hoa vông nở vườn ai vàng đẹp quá
Trông ngoan hiền như màu nắng thu xưa
Em đứng nghe chim sẻ hót giao mùa
Trên cành liễu chợt dâng niềm tiếc nhớ.

Thời thơ ấu bây giờ còn đâu nữa
Kỷ niệm nhiều nên nhớ mãi không thôi
Mỗi độ thu sang tơ trắng đầy trời
Chim sẻ ngói rủ nhau về mở hội.

Giọng oanh vàng nghe như lời thăm hỏi
Rằng Thu Phương cô bé lắm mộng mơ
Nắng đã lên ngoài ngõ tự bao giờ
Hãy ca hát cùng chúng tôi hòa tấu.

Bao kỷ niệm của vùng trời thơ ấu
Theo thời gian về thức dậy trong em
Ôi! Ngày xưa sao mà quá êm đềm
Chừ khôn lớn đành ôm lòng tiếc nuối.

Em còn nhớ những lần về quê nội
Nắng thu vàng e ấp mấy hàng cau
Gió ngoan hiền thơm trái chín vườn sau
Anh Long hái cho em nhiều chi lạ.

Vườn của nội là rừng cây sai quả
Em ăn hoài nên chả thấm vào đâu
Nội thường cười bảo cô bé mắt nâu
Ham vừa chứ coi chừng đau bụng đấy.

Bao kỷ niệm theo thời gian thức dậy
Trong chiều nay khi ngắm áng mây trôi
Thuở hoa niên bắt bướm hái sao trời
Còn đâu nữa từ em làm người lớn.

Thôi giã biệt giọng oanh vàng buổi sớm
Và người thân nay cũng bỏ đi rồi
Anh Long hải hồ sương gió xa xôi
Mấy năm qua chưa lần về thăm Huế.

Nội đã mất và vườn cây cũng thế
(Không người coi nên đem bán mất rồi)
Nỗi buồn phiền từ đó mặn trên môi
Em khóc mãi cho vơi niềm thương nhớ.

                                                               TRẦN MIÊN TRƯỜNG
                                                                    (Cảm nghĩ hồng)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 119, ra ngày 1-12-1969)

Chiếc bánh Trung Thu của bé Chi - NGUYỄN THỊ VIỄN CA


Buổi sáng Mẹ đi chợ về mua cho anh em Chi mỗi đứa một chiếc bánh Trung thu hình con heo tròn mập với hai con mắt bằng hai hột đậu đen ; chiếc bánh được đặt trong hộp kính nhỏ có dán giấy hoa sặc sỡ ở ngoài chứ không phải trong một túi ni lông xoàng xĩnh treo nhan nhản ngoài chợ. Mẹ bảo để dành đến tối ăn chứ đừng ăn trước ; cả lũ nghe lời Mẹ song cũng không quên mở nắp hộp hít hà vài cái… Xong, chúng cất phần của mình đi và bốn đứa ra ngồi ở bậc tam cấp tính chuyện ăn Trung thu tối nay. Thằng Cường lớn nhất ngồi ở giữa, nó hỏi ba đứa kia:

- Tụi bay nghĩ coi có trò gì vui không để tối nay mình làm chơi.

Con Hạnh, thằng Đông nói tự làm lồng đèn, ca múa, kể chuyện chị Hằng chú Cuội… nhưng Cường lắc đầu:

- Thôi, mấy trò đó năm nào cũng nhai đi nhai lại hoài, năm nay mình chơi trò nấu “bánh sáp” không?

Cả lũ nghe xong reo hò đồng ý. Con nít đứa nào cũng khoái trò này, lấy sáp nến đổ đầy vào một chiếc vỏ nghêu, đem nấu cho nến chảy lỏng ra rồi để nguội, lúc đó cạy khéo nến ra, sẽ được một khối sáp hình vỏ nghêu rất đẹp mắt. Trò này là thằng Cường đi học lại được của mấy đứa trong xóm, cứ Trung thu là ngõ nhộn hẳn lên, đèn lồng đủ kiểu đủ màu, nến thì cứ bẻ ra đem nấu lên để được những phút thích thú ngồi canh lửa. Lúc nấu “bánh sáp” thì mặt mày đứa nào cũng hân hoan, miệng nói không ngớt, lăng xăng lấy thứ nọ thứ kia làm như là nấu bánh chưng vào những đêm gần Tết vậy. Bé Chi cũng thèm nấu kiểu này lắm, nhưng ngặt nỗi Mẹ lại ghét. Mỗi lần bắt gặp cả lũ giở trò nấu nướng là Mẹ bắt dẹp hết, “nhỡ cháy nhà thì đứng đấy mà trơ mắt ra”, Mẹ hay bảo vậy! Thế nên, bé Chi chỉ nhìn các anh chị mình tính với nhau thôi chứ không nói gì cả. Một lát, thằng Cường rủ ba đứa ngồi xếp lồng đèn chơi, nó lấy quyển Thiếu Nhi số Trung thu từ năm kia ra để cả lũ làm theo… nhưng sau một hồi lâu cắt cắt dán dán chả đứa nào làm ra hồn cả nên lại vứt bừa bãi đầy rồi bỏ ra đường chơi. Chi không theo các anh chị mình ra đường, cô bé thích thơ thẩn trong mảnh vườn nhỏ ở sau nhà hơn. Cây ti gôn dạo này nở nhiều hoa quá khiến vườn đẹp hẳn lên. Những cây ngọc lan, sứ trắng, hoàng hậu của Ba cũng đương trổ nụ. Rải rác ven tường là vài bụi gừng, húng quế, tía tô, rau răm… Mẹ trồng để ăn. Mỗi lần Mẹ đào đất trồng cây gừng, Chi hay theo Mẹ ra vườn để xem. Chi thấy thật là ngộ nghĩnh, Mẹ chỉ ném một củ gừng nhỏ xuống là chỉ hơn một tuần sau chỗ ấy mọc lên lá xanh thật xanh. Chi nghĩ, chắc là Mẹ có “ảo thuật” gì đấy, chứ thường thường muốn trồng cây thì phải cắm cây ấy xuống trước cơ, như Ba phải cắm 1 nhánh ti gôn xuống và bây giờ nó lan rộng ra, cây húng quế cũng vậy, Mẹ mua cây ấy ở ngoài chợ về đoạn cắm xuống…, chỉ duy có cây gừng. Chi thắc mắc sao củ gừng đâu có lá gì đâu, vậy mà Mẹ ném xuống lỗ nó lại mọc lên thành cây được. Chi nghĩ, có lẽ ném vật gì dài dài, cứng cứng thì cũng mọc lên cây gừng hết. Thế là Chi đem ngay con chó bằng mica của mình mang ra vườn đem chôn. Cô bé cứ thấp thỏm chờ đợi mãi, thế mà đến nay gần một tháng rồi vẫn chẳng thấy mọc lên cây gừng gì cả. Chi tự bảo thầm chắc là tại lúc “trồng”, Chi không biết cách đặt làm sao cho nó lên “cây” được như Mẹ. Vậy là Chi lại phải đào lên, đem rửa sạch mà trong lòng vẫn không hết thắc mắc. Hôm qua Chi hỏi Cường:

- Anh Cường ơi, sao Mẹ ném củ gừng xuống góc vườn rồi tự nhiên nó mọc lên cây gừng, anh nhỉ? Kỳ quá hé?

Cường là chúa “ba xạo”, nó nói trơn một lèo:

- Chứ sao! Ném củ gừng thì nó lên cây gừng, củ nghệ lên cây nghệ, củ hành lên cây hành… ném cái gì nó mọc lên ngay cây đó!

Chi hỏi ngay:

- Vậy ném con chó bằng mica thì nó lên cây gì?

- Lên cây… “chó”!

- Cây “chó” nó ra sao?

- Thì nó cũng có lá, có cành như cây gừng vậy, nhưng có điều… à… à… mỗi đầu cái lá nó có một con chó! Hì hì, tha hồ mà chơi.

Chi tỏ vẻ thích thú, Cường “dụ” em:

- Chi có tiền không, đưa đây anh trồng cây “tiền” mai mốt mọc tiền tha hồ mà hái.

Không ngần ngại, Chi móc túi áo đưa ngay cho Cường 10 đồng, cô bé lại còn chạy vào nhà, mở ngăn kéo lấy hết tiền để dành đưa cho Cường, tuy mới ba tuổi nhưng Chi cũng biết đếm tiền sơ sơ, cô bé giao hẹn:

- Năm mươi hai đồng của em đó nghe! Nếu mai mốt nó hông lên cây “tiền” anh phải trả lại em đó à!

Cường cười tít mắt, cu cậu gật đầu lia lịa:

- Ừ ừ, nhưng mà trồng cây này hơi “khó”! Lúc anh trồng thì Chi phải đi chỗ khác, không được nhìn thì mới “linh”! Thôi, đừng nói nhiều, chiều nay anh trồng dùm cho Chi.

Nói đoạn Cường phóng ra đường mất. Đến hôm nay Chi vẫn không biết anh mình đã trồng dùm cho chưa. Chi quanh quẩn trong vườn mãi, với đầu óc ngây thơ và tưởng tượng phong phú, Chi vẽ ra thật nhiều hình ảnh trong đầu. Chi nghĩ thầm: “Thảo nào, bây giờ mình mới biết làm sao con Thủy, con Hằng có nhiều tiền, mỗi sáng tụi nó có những năm chục đồng, trong khi mình có mỗi 10 đồng, chắc tụi nó trồng cây “tiền” chứ gì. Thôi mình biết rồi, muốn có nhiều thứ gì thì cứ việc trồng ngay thứ đó…” Cô bé sung sướng hát líu lo…, và rất nhanh, Chi nghĩ ngay đến chiếc bánh Trung thu mà lúc nãy Mẹ mua cho mình. “Phải trồng ngay cây bánh Trung thu mới được ; mai mốt ra cây tha hồ mà hái ăn. Sướng quá”. Chi chạy nhanh vào nhà, lấy phần bánh của mình ra, eo ơi, nhưng mà khó quá, Chi muốn lấy cái bay để đào đất mà cái bay lại treo trên bếp gần chỗ Mẹ nấu cơm… làm sao đây? Bỗng ánh mắt Chi nhìn lên tường, ngay chỗ mấy lọ trầu bà của Ba trồng bằng nước treo ngoài phòng khách để trang trí. Chi thích thú reo thầm, à phải rồi, không trồng bằng đất thì mình trồng bằng cách này cũng được, mấy lá trầu bà mới hôm nào Ba xin được của bác Tư trông chẳng ra gì thế mà bây giờ xanh tươi rậm rạp gớm. Nghĩ là làm, Chi bắc ghế để trồng “cây” bánh Trung thu ngay. May quá phòng khách chả có ai, Chi bỏ ngay chiếc bánh vào lọ trầu bà, lòng tràn trề hy vọng… Xong xuôi, Chi vội kê ghế lại như cũ, cô bé thở ra thoải mái…

Trưa hôm ấy nằm ngủ, Chi mơ thấy cây bánh Trung thu của mình mọc lên tươi tốt, lá của nó màu đỏ thay vì màu xanh giống như những cây khác, ở đầu mỗi ngọn có thêm một chiếc bánh giống hệt chiếc Chi bỏ vào lọ lúc sáng, Chi đứng ở dưới nhìn lên và cô bé đếm được tất cả là mười hai cái…

Tám giờ tối. Cả nhà đã ăn cơm xong, ai cũng vui vẻ đón Trung thu. Mấy chiếc đèn con bướm, xe tăng, giỏ hoa của anh em Chi đã được Ba đốt lên treo ngoài vườn từ lúc chiều. Mẹ lấy bánh ra chia cho mỗi người một phần. Tụi Chi ăn bánh xong thì sửa soạn chơi Trung thu. Cường lấy nến ra để nấu “bánh sáp” vì đã xin phép được Mẹ, Hạnh và Đông lăng xăng đi lấy vỏ nghêu, diêm và 1 cái khay để đựng bánh. Cường bắt chước Ba, rót trà ra 4 cái ly nhỏ để vừa ăn bánh (chiếc bánh Mẹ mua cho lúc sáng) vừa nhâm nhi trà cho “ra vẻ”. Mỗi đứa đều lấy phần bánh của mình ra để bày. Chỉ có Chi là vẫn đứng yên, cô bé không có bánh, Chi phân vân không biết làm sao. Đúng lúc ấy Mẹ đi ra, dịu dàng hỏi Chi:

- Bánh của Chi đâu? Không lấy ra để chơi với các anh chị à con?

Chi nũng nịu:

- Con không có bánh…

- Sao thế, ăn hết rồi à? Hư quá vậy con?

- Không phải. Con đem trồng rồi để mai mốt nó ra nhiều, tha hồ ăn đó mà Mẹ…

Mẹ mở to mắt nhìn Chi, cao giọng hỏi:

- Chi, con nói gì vậy, Mẹ hỏi con ăn bánh chưa mà? Con bảo trồng cái gì?

Ba ngồi đọc báo gần đấy nhìn Mẹ con Chi, đoạn hỏi:

- Mẹ con Chi nói chuyện gì vậy?

Chi vui vẻ kể lại câu chuyện trồng “cây” Trung Thu của mình cho Ba Mẹ nghe ; nghe xong Ba cười ngất và ôm Chi vào lòng giảng giải cho Chi biết những thứ gì mới có thể mọc lên thành cây được. Còn Mẹ thì bảo:

- Cũng chỉ tại cái thằng Cường, cứ xí gạt em để cho nó tưởng thật. Vậy tiền bé Chi đưa cho mày đâu rồi hở Cường?

Cường gãi đầu gãi tai:

- Ơ… con… mua truyện hết rồi!

- Vậy thì mày phải nhịn quà sáng một tuần để trả tiền lại cho bé Chi. Hứ, cây với chả cây…

Trong lúc đó thì Ba gỡ lọ trầu bà xuống, thò tay vào móc chiếc bánh ra cho Chi, chiếc bánh bây giờ bị phủ một màu xanh rêu của lá trầu bà nên nom thật bẩn thỉu, Ba giơ chiếc bánh lên cho cả nhà xem rồi nói với Chi:

- Bây giờ Chi thấy bánh của Chi có đẹp không, lần sau đừng dại dột như vậy nữa nghe con…

Ba cầm chiếc bánh đem vứt vào thùng rác, cả nhà ai cũng cười chế diễu Chi. Chi xấu hổ nói gỡ một câu:

- Mới lúc trưa nay Chi còn mơ thấy nó mọc ra mười hai cái…

NGUYỄN THỊ VIỄN CA 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 106, ra ngày 7-9-1973)
Tranh bìa của Vi Vi : Ngọc Thỏ