Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Khung kính vỡ và chiếc nhẫn đồi mồi - NG T MỸ THANH



1

Lớp học khai giảng với vừa đúng hai mươi học sinh. Võ là đứa thứ hai mươi ghi tên học, và cũng mang số hai mươi trong sổ điểm danh. Hai mươi học sinh, trong đó chỉ có sáu trò là con gái, ngồi khá rộng rãi trong một căn phòng ở tầng lầu một của một ngôi trường vốn đã cũ kỹ và đã lâu rồi vẫn không có một tí gì cải tiến. Hình như năm phút sau khi chuông reo vào học, người giám đốc già có đi lướt ngang cửa lớp nhìn vào và hơi lắc đầu – Võ đoán thế, bởi lúc đó lớp học cũng còn đang xôn xao lắm. Hai mươi cái miệng chỉ cần mở ra vài tiếng cũng đủ làm mất trật tự lớp học.
Thầy giáo mới bắt đầu giảng bài đầu tiên – môn Sử K‎ý. Đúng ngay môn Võ không thích, lại ngay giờ đầu niên học, nên tâm trí Võ không tài nào theo dõi thầy được. Võ vẫn ngồi trong tư thế ngoan ngoãn lắm, mà trí nhớ thì dẫn đi xa, trở về những ngày hè vừa qua. Võ tha hồ nghĩ đến bãi cát trắng, đến những tảng đá lớn chồng chất lên nhau, nơi Võ tung tăng chạy chơi như một đứa bé. Võ nhớ có lúc anh Bản bảo Võ đứng bên dưới một tảng đá cheo leo, hai tay giơ lên chạm vào tảng đá cơ hồ một lực sĩ nâng cả trái núi, để cho anh Bản chụp hình. Võ nhớ có lúc Võ dầm mình cả buổi dưới nước, lúc trở lên mình mẩy rát bỏng vì nắng. Võ nhớ gió biển mặn và làm cho da mặt Võ chai như đá. Những ngày rong chơi ngoài xứ cát trắng hiện về như in trong óc. Đối với Võ, lần đầu tiên đi biển là một kỷ niệm khó phai. Võ nhớ, và Võ tiếc vì đã không được ở luôn ngoài ấy. Bây giờ ngồi thu mình trong lớp học, Võ không tài nào không hồi tưởng những ngày thoải mái ấy.
Trên kia thầy đang nói về những ngày gian khổ của vị vua kháng chiến Hàm Nghi. Võ nghe tiếng được tiếng mất. Hình như lời giảng của thầy lôi cuốn được cả lớp, ngoại trừ Võ. Võ thấy mặt đứa nào cũng như nghệt ra. Có đứa há cả miệng nghe mà không biết rằng cái hàm dưới đưa xuống làm cho bộ mặt thộn ra trông buồn cười ghê gớm. Võ che miệng định cười, nhưng lại tự trách mình đã lơ đãng không chịu nghe giảng bài. Sáng nay khi Võ sửa soạn đi học, anh Bản đã nhắn nhủ Võ: “Rán học nghen! Tiền học bây giờ đắt lắm đó!”. Anh ấy có cái tật không bỏ được là mỗi câu nói đều có kèm theo chuyện tiền bạc. Nhưng không phải giống như những ông thương gia nói chuyện ăn xài lớn, mà luôn luôn anh Bản gợi cho Võ nghĩ đến sự làm ăn khổ cực, sự tranh sống hàng ngày của anh, sự chắt móp của bà ngoại ở ngoài Huế. Anh Bản mà biết được rằng sáng nay, buổi học đầu tiên, Võ đã không nghe một chữ nào của thầy, mà mải thả hồn đi về những ngày rong chơi, chắc anh sẽ buồn lắm. Và Võ thì không bao giờ muốn làm cho anh thất vọng về mình.
Đứa bạn ngồi cạnh bên Võ bỗng mở nắp bút máy và mở vở ra ở trang đầu. Võ mới hay là thầy bảo cả lớp chép bài. Võ cũng làm theo, thật ngoan ngoãn, nhưng không một ý niệm gì về bài giảng của thầy vừa qua. Trên kia, giọng thầy sang sảng:- “Nước Pháp lấy binh lực ép triều đình Việt Nam ký hòa ước bảo hộ 1884. Tinh thần bất khuất của dân tộc không chịu được sự cắt xén ức hiếp, vùng nổi dậy gây nên những phong trào tranh đấu mãnh liệt…”Ồ hay quá! Chưa bao giờ Võ nghe được một câu khích động như vậy. Có lẽ thầy giáo Sử Địa năm nay hay hơn thầy năm ngoái. Võ cúi xuống chép theo lời đọc. Tự nhiên Võ cảm thấy mình có lỗi. Võ lén nhìn thầy. Thầy vẫn bình thản và có vẻ hơi vui vì nghĩ rằng lớp học này ngoan.

2

Những tia nắng ló ra sau dãy nhà cao, đến thẳng cửa kính và chiếu ngay chỗ Võ ngồi. Võ đặt tay trái lên bàn, ngắm nghía. Chiếc nhẫn đồi mồi Võ đeo ở ngón trỏ, dưới ánh nắng trông thật đẹp. Anh Bản mua chiếc nhẫn này trong ngày cuối ở Nha Trang. Võ thắc mắc mua để làm gì, anh cười không đáp. Buổi lên xe Võ thấy anh nâng niu mãi chiếc nhẫn. Võ đoán là anh để dành tặng ai – nhất định phải là tay con gái, vì anh Bản đeo chiếc nhẫn không lọt. Nhưng Võ chẳng thấy anh quen với ai là con gái cả. Bạn bè anh, toàn là những anh đồng đội. Võ định im lặng xem anh sẽ tặng ai chiếc nhẫn này, thì bỗng sáng nay, anh Bản rút ra cho Võ. Trong khi Võ còn ngơ ngác, thì anh nói:
- Võ đeo mà chơi.
Nhẫn… xấu òm.Mặt Võ còn chưa hết ngớ, thì anh quay đi, lẩm bẩm:
- Mua về để đeo, mà đeo không vừa, thì để làm chi?
Võ chợt có một ý nghĩ ngộ nghĩnh trong đầu. Đáng lẽ anh Bản phải nói: “Mua về để tặng, mà không có ai để tặng, thì để làm chi?”. Võ thấy anh Bản buồn ra mặt. Võ muốn trêu anh, nhưng thấy hơi tội tội.
Võ cũng nghe theo lời anh, đeo chiếc nhẫn vào, không một ý kiến. Cho đến lúc vào lớp, ngồi soi bàn tay dưới ánh nắng, Võ bỗng thấy mình vô lý. Con trai mà đeo nhẫn, để làm gì? Nhất là nhẫn đồi mồi, người ta chỉ mua để tặng nhau, như một món quà mỗi khi đi biển. Võ bật cười. Đúng là anh Bản xem tay Võ như một nơi… chứa đồ phế thải. Võ nhớ có lần anh Bản kể về những ngày học tập trong quân trường, anh ăn quà vặt bị bắt gặp, thế là phải phạt. Hình phạt rất kỳ khôi: anh phải chạy vòng quanh sân, la lớn: “Miệng tôi không phải cái thùng rác! Miệng tôi không phải cái thùng rác!...”. A, nhất định trưa nay Võ phải trêu anh, rằng “Tay Võ không phải cái thùng rác” mới được.
Hình như lớp học đang xôn xao bàn tán về bài toán Điện bỗng dưng dịu lại. Võ hơi ngạc nhiên. Nhưng rồi Võ cũng ngớ ra nhìn. Một cô bé vừa đi vào lớp. Học sinh mới chăng? Có vài tiếng xuýt xoa ở cuối dãy nam sinh. Tụi con trai láo lếu thật, sắp trêu chọc người ta rồi đây. Nhưng cô bé này không có vẻ gì rụt rè cả. Cô tiến tới bàn thầy giáo và trình sổ điểm danh cùng với một hộp phấn màu. Thầy giáo cám ơn. Cô bé hơi cúi đầu và rồi đi ra khỏi lớp. Mấy tên con trai bỗng dưng huý‎ch nhau cười. Thầy đập tay lên bàn hai cái, rầy:
- Làm bài đi! Mấy em chuyện gì cũng cười được.
Một trò ngồi ở bàn đầu nói:
- Thưa thầy, chúng em tưởng… học trò mới.
- Thì có gì đâu mà cười?
Thầy nói thế, nhưng thầy cũng nhận thấy rằng chính thầy cũng lầm như vậy. Một cô bé nhỏ nhắn xinh đẹp giúp việc văn phòng. Một điều ngộ nghĩnh!
Võ thật sự nghệt mặt ra, khi cô bé đi ngang khung cửa kính. Dáng cô bé dễ thương lướt qua làm mất ánh nắng chiếu trên người Võ trong một giây và để lại trong lòng Võ một nỗi gì êm êm. Cô bé đã đi mất rồi. Võ không cười như mấy đứa con trai kia. Mà bỗng nhiên Võ thấy mình ngây ngô lạ. Một cô bé mười ba – Võ đoán thế- tóc thắt bím nơ hồng và mặc áo cũng màu hồng. A, hình như đôi guốc cô bé mang cũng màu hồng nữa. Giá cô bé cũng tên Hồng nhỉ! Võ thấy nao nao trong lòng. Bỗng nhiên Võ như quên đi rằng quanh đây là lớp học, bạn bè đang suy nghĩ để làm bài toán Điện, và thầy đang chờ đợi một trò xung phong lên bảng. Võ chỉ thấy dáng của “Hồng” lượn lờ trước mắt, như một con bướm.
- Em ngồi gần cửa sổ kia, lên bảng!
Võ giật mình, và như cái máy, Võ đứng dậy. Cả lớp quay lại nhìn Võ. Võ vẫn ngoan ngoãn đi lên bảng. Đứng trên bục, Võ không biết phải viết gì. Hình như thầy chưa nhận thấy vẻ lúng túng của Võ. Thầy nói, trong khi vẫn nhìn xuống dưới lớp:
- Em tính xem điện lượng phóng thích trong một giây là bao nhiêu.
Câu nói vô tình của thầy làm Võ chộp lấy như gặp một vị cứu tinh. Võ viết ngay lên bảng. Cả lớp bỗng cười khúc khích. Thầy quay lại nhìn và nói hơi gắt:
- Em làm cái gì vậy? Chưa gì hết đã vội tính điện lượng phóng thích trong một… trời ơi! Một gì? Trong một “hồng”! Tôi chẳng hiểu gì cả. Em viết cái gì vậy???
Võ giật mình, muốn xóa những chữ của mình đi nhưng không kịp. Tay Võ cứng ngắc. Võ muốn mình biến mất đi trước mặt thầy. Võ biết phía sau lưng có sáu đứa con gái ngồi ở hai bàn đầu. Chúng nó chắc đang che miệng cười… Võ muốn mình tan ra thành nước. Thầy vẫn chưa hết ngạc nhiên. Võ đứng chìm trong tiếng lao xao.


3

Hôm nay cô bé mặc áo màu xanh, cột nơ xanh và đi guốc màu xanh. Bây giờ Võ biết cô bé không phải tên “Hồng” nữa, cũng không lẽ tên “Thanh”. Mà là cô bé làm dáng quá mức. Nhưng cái làm dáng đó khiến cho cô bé xinh như một nàng công chúa. Mấy tên con trai nghịch ngợm cũng vẫn xuýt xoa khi cô bé đi vào trình sổ điểm. Chưa bao giờ thấy cô bé nhìn ai, chỉ hơi cúi đầu và làm phận sự. Cô bé thoáng vào và thoáng ra chỉ trong một phút. Và khi đi ra hành lang cô bé có đi ngang qua khung cửa kính có Võ bên trong nhìn ra. Chưa bao giờ nghe cô bé mở miệng nói với ai một lời.
Nhưng bữa nay có một điều mới, lạ, khác hẳn những bữa trước. Không phải là màu xanh của cô bé. Mà là lúc đi ngang khung cửa kính, cô bé có nhìn vào. Hình như cô bé có nhìn Võ nữa, bởi lúc ấy Võ cũng ngóng mắt nhìn ra chờ đợi “ngắm hắn một tí”. Ôi chao! Hai con mắt của cô bé sao mà đen láy và tròn xoe. Võ không biết phải ví như là gì. Hai con mắt như chớp lấy hồn Võ. Võ ngơ ngác. Võ nghệt mặt ra. Nhưng rồi đôi mắt ấy đã theo con người xinh đẹp kia mất hẳn sau khung cửa kính. Võ nén nỗi tiếc rẻ, cúi xuống chép bài. Bỗng Võ nhìn thấy chiếc nhẫn đồi mồi trên tay. Ừ đúng rồi, Võ là con trai đeo nhẫn kỳ lắm! Võ sẽ… Võ sẽ tặng cho cô bé đó. Nhưng Võ chưa quen, làm cách nào để Võ quen? Ngày nào cô bé cũng thoáng vào rồi thoáng ra. Có bao giờ cô bé đặt chân đến cuối lớp, nơi có cậu bé Võ đang ngồi trong góc kẹt, mắt nhìn như dán vào cửa kính và quên cả học bài. Nếu cô bé mà biết như thế hẳn sẽ cảm động lắm? Chắc cô bé sẽ chớp chớp đôi mắt tròn xoe kia và mở lời cám ơn Võ. Võ chờ nghe giọng nói ấy. Người dễ thương thế kia chắc phải có một giọng nói êm như ru và ngọt như kẹo? Võ thầm cám ơn chiếc nhẫn đồi mồi. Nhất định Võ sẽ tặng chiếc nhẫn cho cô bé.
Võ cởi chiếc nhẫn, trịnh trọng gói vào một mảnh giấy trắng. Rồi Võ xé tập lấy một tờ giấy nữa, Võ định viết những lời làm quen. Nhưng Võ viết mãi vẫn chỉ được hai chữ “Ấy mến!” rồi Võ bí luôn. Võ thấy mình bất lịch sự, vì chẳng biết tên người ta mà cứ gọi bừa là “ấy”. Thôi thì chiếc nhẫn đồi mồi làm quen giùm Võ. Võ xé tờ giấy, vò nát và vô tình để rơi dưới đất.
Tan giờ học, Võ ôm cặp chạy nhanh xuống lầu. Võ gặp cô bé đang đứng ở hành lang. Trông cô bé oai như một người giám thị. Võ đến gần, dúi gói giấy có chiếc nhẫn vào tay cô bé, và đỏ bừng cả hai tai, Võ ù té chạy.

4

Gần hết giờ Việt văn, cô bé đi lên cùng với người giám thị già. Ông giám thị cầm theo một con roi dài. Cả lớp còn đang ngạc nhiên thì ông giám thị cúi xuống nhìn dưới gầm bàn của các trò gái. Ông gằn giọng:
- Hừ! Mấy trò này xả rác bừa bãi trong lớp quá nhỉ! Xem nào, vỏ cóc, vỏ ổi, hột me, giấy kẹo… quá lắm rồi! Cuối tháng này mỗi trò bị trừ hai điểm hạnh kiểm nhé!
Mấy đứa con gái nhìn nhau sợ sệt. Có đứa cúi xuống nhặt vội rác dưới chân mình. Nhưng ông giám thị đã đưa mắt nhìn sang bọn con trai.
- Còn mấy trò trai cũng vậy. Giấy xếp máy bay, giấy kẹo “sinh-gôm”.., bẩn thỉu quá!
Cô bé bỗng cất tiếng:
- Còn trò ngồi gần cửa kính nữa kìa ông Tổng! Nó vò giấy bỏ đầy dưới bàn.
Võ giật mình nhìn xuống chân: giấy của Võ viết thư “làm quen” cô bé hôm qua. Võ ngượng quá. Ông giám thị nói to:
- Mấy trò phải giữ sạch sẽ và trật tự cho lớp học. Ngày mai mà vẫn còn xả rác thì bị năm roi đấy. Lớp học có hai chục học trò thì phải đàng hoàng hơn người ta chứ!
Chuông reo báo hiệu giờ ra chơi. Ông giám thị rời lớp cùng với thầy giáo. Cô bé còn đứng lại giở sổ điểm ra nhìn. Môi cô bé hơi trề ra. Võ bỗng nghĩ đến con số 01 to tướng của mình hôm lên bảng làm bài toán Điện. Võ nghe mặt nóng bừng. Mấy đứa con gái nhìn nhau, có vẻ bất bình lắm. Chúng nó bàn tán lao xao. Rồi thì một đứa đứng lên, la lớn:
- Nè, trò kia, có phải trò méc ông Tổng là tụi tôi xả rác trong lớp không?
Cô bé ngẩng mặt, nhìn lại. Đôi mắt tròn xoe kia long lên như biểu dương một quyền uy, và cô bé đáp lại:
- Ừa, tui méc đó, có sao không?
Nhỏ kia tức giận ngồi phịch xuống, và cả bọn nhao nhao:
- Đồ lẻo mép. Đồ làm tàng. Là cái quái gì mà hách quá vậy?
Đôi mắt kia càng long lên dữ tợn hơn nữa:
- Là gì à? Là tiểu giám thị ở đây nghe chưa! Đứa nào ở dơ, phá lớp, nghịch ngợm… là tui méc bị đòn.
Ôi! Cái giọng nói mà Võ ao ước được nghe từ đôi môi dễ thương kia, thật chẳng giống như Võ tưởng tượng tí nào cả. Nó chát chúa và đanh thép, nghe rít vào tai Võ làm Võ ngớ ngẩn. Đến lượt bọn con trai nổi giận. Một đứa nói:
- Con gái gì mà dữ quá vậy?
- Ừa! Có sao hông?
Cả lũ con trai phá lên cười. Cô bé vẫn không lộ vẻ nao núng, mà bỗng rút chiếc nhẫn đồi mồi từ ngón tay áp út, giơ lên cao:
- Hôm qua đứa nào đưa cái này đây? Trả lại nè! Coi chừng méc ông Tổng là nhừ đòn đó à nghen!
Dằn một cái lên bàn, cô bé ngoe nguẩy đi ra. Một đứa con trai nghịch ngợm lấy dây thun bắn theo, trúng ngay lưng. Cô bé kêu lên, và quay lại giận dữ. Cả lũ con trai được thể trêu ghẹo cho bõ ghét. Cô bé bây giờ vừa chửi vừa la. Một sợi dây thun nữa tung ra. Cô bé điên tiết cúi xuống nhặt chiếc guốc màu xanh ném ngay vào lớp…
Không trúng ai cả, nhưng chiếc guốc bay thẳng đến tấm kính cửa ngay bên Võ. Võ nghe hàng chục tiếng loảng xoảng bên tai. Khung kính đã vỡ toang. Võ ngồi trơ như tượng đá.Bây giờ đến một chiến thuật mới: Cô bé khóc to hu hu, và hăm đi méc ông Tổng. Phen này cả lớp phải bị quỳ là cái chắc. Tà áo xanh đi ngang khung cửa kính, nhưng Võ không nhìn theo. Không một ý nghĩ nào hôm qua còn tồn tại trong đầu. Giọng nói của cô bé như còn xoáy mạnh vào tai Võ. Một con người xinh đẹp và một giọng nói không thương được. Điều mà Võ tưởng tượng không giống như sự thật. Sự thật là khung kính bên cạnh Võ đã vỡ. Sự thật là chiếc nhẫn đồi mồi nằm trơ trẽn trên bàn. Võ đến, cầm chiếc nhẫn lên và nghĩ ngay đến anh Bản. Tự nhiên Võ nghe thẹn. Võ còn nhỏ quá mà! Võ mới học qua lớp Đệ Ngũ. Võ chỉ là thằng bé con. Giống như con bé “tiểu giám thị” đó, cũng chỉ là một con bé con mà thôi.


Võ đứng ngượng ngùng giữa lũ bạn nhỏ. Tất cả đều đã biết Võ là đứa tặng chiếc nhẫn đồi mồi cho con bé. Tự nhiên Võ tưởng như mình đang đứng trên một mỏm đá cheo leo. Bên ngoài khung kính vỡ là biển cả. Và Võ ném chiếc nhẫn ra khỏi khung cửa. Võ không nghe một tiếng vang nào hết. Chỉ nghe rõ ràng có tiếng chân người đi ngoài hành lang. Thầy Sử Địa đi vào, theo sau là ông giám thị, và có cả con bé nữa. Võ nghĩ thế nào hôm nay Võ cũng xin trả bài. Võ sẽ trả bài như một tạ lỗi, dù thầy cũng chưa bao giờ hay biết rằng khi trên bảng thầy nói về những ngày vua Hàm Nghi gian nan ở vùng núi rừng Mai Lĩnh, Cam Lộ - thì Võ, bên khung cửa kính, thả hồn theo những ngày rong chơi ở Cầu Đá, Hòn Chồng…
Thầy bước lên bục gỗ. Ông giám thị đi vào, mặt giận dữ. Con roi gờm gờm trên tay ông, ngầm bảo với cả lớp rằng sắp có một hình phạt. Con bé chỉ còn mang một chiếc guốc xanh. Gương mặt của nó không còn một chút gì dễ thương trước mắt Võ nữa cả. Và Võ nhìn bàn tay nó, bàn tay mủm mỉm trắng hồng. Võ nghĩ hôm qua đã có lần nó đeo vào chiếc nhẫn đồi mồi. Võ quay mặt đi. Có một nỗi gì vỡ đôi trong lòng.

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(Trích trong Bán Nguyệt San Tuổi Hoa số 209 ngày 15-9-1973)

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (VII)


Sĩ Lâm vừa trở lại chùi tuyết bám trên giày vào tấm thảm trước cửa vừa trả lời:

- Tôi hoàn toàn đồng ý với cô và tôi cũng hy vọng như cô, sẽ tìm ra chứng cớ để tỏ là anh ấy vô tội. Tôi đoán là đang được hân hạnh nói chuyện với cô Hoa đây có phải không ạ? Tôi có thể hỏi cô vài câu được không?

- Xin ông cứ hỏi! Tôi cũng rất mong được làm sáng tỏ câu chuyện bí mật ghê gớm này…

- Đêm qua, cô có nghe thấy gì không?

- Không, cho đến lúc bác tôi bắt đầu to tiếng. Khi tôi nghe thấy, tôi vội chạy xuống.

- Cô đã đóng các cửa cái và cửa sổ ; cô có đóng chặt hết các cửa sổ không?

- Thưa ông, có chứ.

- Sáng nay, các cửa sổ vẫn đóng kín?

- Vâng!

- Một trong những chị hầu phòng có tình nhân phải không? Dường như bữa qua, cô có nói với bác cô là chị ta đã ra thăm hắn?

- Vâng, chị ấy lúc đó đang dọn dẹp trong phòng khách, có lẽ chị ta đã nghe bác tôi nói về cái vương miện.

- Tôi hiểu. Cô suy đoán ra rằng chị ta đã có thể ra ngoài để bảo cho người tình biết, và cả hai đã có thể thảo chương trình ăn trộm.

Ông chủ ngân hàng sốt ruột kêu lên:

- Nhưng mà mình làm gì với những giả thiết xa vời ấy? Vì chính mắt tôi đã thấy thằng Anh Thi và chiếc vương miện trong tay nó!

- Kiên nhẫn một chút, ông Huỳnh Anh ạ. Ta phải trở lại cái giả thiết đã đưa ra : cô Hoa, cô đã thấy chị hầu phòng trở lại, bằng lối đi của căn bếp, phải không?

- Vâng, lúc tôi đi coi lại xem cửa đã khóa kỹ chưa, tôi thấy chị ấy lẻn vào nhà. Tôi cũng thấy tình nhân của chị ta, đứng trong sương nữa.

- Cô biết hắn ta sao?

- Có chứ. Đó là người bán hàng vẫn thường mang rau đến cho chúng tôi. Hắn tên là Phan.

Sĩ Lâm hỏi:

- Hắn đứng ở mé bên trái cửa, phải không?

- Vâng.

- Và hắn ta có một chân bằng gỗ?

Cặp mắt đen của cô gái thoáng một tia lo lắng. Cô ta kêu lên:

- Bộ ông là ma quỉ hay sao mà biết được điều đó?

Cô ta mỉm cười, nhưng Sĩ Lâm vẫn đăm chiêu không cười đáp lại. Anh nói:

- Tôi rất muốn được lên xem trên lầu nhất. Và có thể tôi còn phải coi lại chung quanh nhà nữa. Nhưng có lẽ trước khi lên lầu, tôi nên xem xét lại các cửa sổ dưới nhà đã…

Anh ta đi mau mắn đến các cửa sổ, và ngừng lại một lúc ở cửa sổ lớn trông ra lối đi sang chuồng ngựa. Anh mở ra, và dùng kính lúp xem xét kỹ lưỡng chỗ bực cửa sổ. Sau cùng anh nói:

- Xong rồi! Bây giờ ta có thể đi lên lầu.

Căn phòng tắm của ông chủ ngân hàng trông gần như một căn buồng ngủ nhỏ vậy. Có một cái thảm xám, một bàn giấy lớn, và một cái gương hình chữ nhật. Sĩ Lâm tiến về phía bàn giấy và nhìn kỹ ổ khóa ngăn kéo.

- Ông thường dùng chìa khóa nào để mở ngăn này ra?

- Chìa khóa mà thằng con tôi đã nói : chìa khóa tủ đựng đồ vật.

- Ông có nó đây không?

- Ở trên bàn đó!

Sĩ Lâm cầm lấy và mở ngăn bàn ra. Anh nhận xét:

- Không có tiếng động nào. Chẳng đáng ngạc nhiên nếu ông không bị đánh thức vì tiếng mở khóa. Chắc hộp này đây đựng vương miện phải không? Ông cho phép tôi xem một chút nhé…

Anh mở hộp, lấy cái vương miện ra và đặt trên bàn. Đó là một nghệ phẩm gắn ngọc lộng lẫy, và tôi chưa bao giờ trông thấy ba mươi sáu viên đá đẹp như thế. Ở một đầu của vương miện, một cái vành bị bẻ cong lại, gãy ra : một góc có ba viên đá đã bị đứt đi.

Sĩ Lâm nói:

- Ông Huỳnh Anh, đây là cái góc đối diện với góc đã không may bị mất. Tôi có thể nhờ ông bẻ gãy thử được không?

Ông chủ ngân hàng lùi lại kinh sợ:

- Không bao giờ tôi muốn thử việc đó.

- Nếu thế, thì tôi sẽ thử…

Sĩ Lâm bất chợt ấn mạnh tay hết sức mình, nhưng vô hiệu. Anh rất bình tĩnh nhận xét:

- Tôi nghĩ là nó đã hơi bị chuyển một tí. Nhưng, dầu tay tôi rất mạnh, cũng chỉ phí thì giờ vô ích, nếu muốn bẻ gãy nó. Một người đàn ông sức lực trung bình không thể làm được. Nhưng giả thử rằng tôi bẻ được, ông Huỳnh Anh ạ, thì sẽ có một tiếng động, khô khan như tiếng súng bắn. Ông có cho là ông vẫn không nghe thấy gì không, khi chuyện đó xảy ra ở cách giường ông có vài thước?

- Tôi không biết nghĩ sao. Tôi đang đứng trong bóng tối.

- Có lẽ ta sẽ tìm ra ánh sáng nếu ta tiếp tục khảo sát. Cô nghĩ sao, cô Hoa?

- Tôi thú thực là tôi cũng bối rối như bác tôi vậy.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN VIII

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 79, ra ngày 4-3-1973)

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (VI)

Ông giả thử là cậu con ông ra khỏi giường, liều lĩnh vào phòng tắm của ông, mở ngăn bàn ra, lấy cái vương miện, rồi cố hết sức bẻ lấy một mẩu nhỏ, trở ra đến một nơi X nào đó, giấu ba viên ngọc trong số ba mươi chín viên (và khéo đến nỗi không ai có thể tìm ra), rồi trong tay có ba mươi sáu viên còn lại, cậu ta lại trở vô căn buồng mà cậu ta rất dễ bị bắt gặp. Coi nào, tôi thử hỏi ông, giả thuyết đó có thể đứng vững được không?

Người chủ ngân hàng tuyệt vọng kêu lên:

- Nhưng nếu vậy thì ông có thể giả thử cách khác được không? Và nếu những động lực thúc đẩy nó làm vậy là lương thiện đàng hoàng, thì sao nó lại không nói ra?

Sĩ Lâm trả lời:

- Việc của chúng ta là phải làm sáng tỏ điểm này. Vậy, nếu ông chịu, chúng ta sẽ đến nhà ông, để tôi xem xét thêm vài chi tiết nữa, trong vòng lối một vài giờ đồng hồ.

Anh bạn tôi nài nỉ tôi đi theo. Tôi không đợi anh phải nói nhiều vì trí tò mò của tôi đã nổi dậy, sau khi nghe câu chuyện đó. Tôi phải thú nhận là tội của thằng con ông chủ ngân hàng, đối với tôi đã rõ ràng lắm, cũng như người cha tội nghiệp đã nghĩ vậy. Nhưng vì rất tin tưởng ở trí phán đoán của Sĩ Lâm nên tôi còn giữ lại vài tia hy vọng : Anh bạn tôi đã gạt bỏ ngay lối giải thích này! Trên suốt quãng đường đi về khu ngoại ô phía nam Luân Đôn, anh không nói một lời ; cằm anh tựa trên ngực, và anh còn kéo sụp chiếc mũ xuống tận mắt, để suy nghĩ sâu xa hơn. Còn về phần ông khách của chúng tôi thì đã có vẻ tươi tỉnh hơn từ lúc ông có một chút hy vọng nhờ lời nói của Sĩ Lâm. Ông ta còn bàn luận một câu chuyện không quan trọng với tôi về nhà băng nữa. Sau vài cây số xe điện ngầm, và vài trăm thước đi bộ, chúng tôi đã tới Mỹ Ngân, căn biệt thự nhỏ bé khiêm tốn của ông chủ nhà băng giàu có.

Mỹ Ngân, đó là một căn nhà đơn giản vuông vức bằng đá trắng, hơi thụt vào xa lề đường một chút. Một lối đi rộng đủ cho hai cái xe ngựa đi lọt, và một con đường đầy tuyết trải dài trước hai cánh cổng bằng sắt. Ở cánh phải căn nhà, có một hành lang có nan gỗ, dẫn đến một lối đi giữa hai hàng rào cây kiểng cắt xén cẩn thận, lối đi này dẫn tới căn bếp. Ở cánh trái, một lối đi khác dẫn đến chuồng ngựa và nhà xe. Con đường này uốn khúc ra khỏi khu vực của căn nhà và đôi khi, những người ở quanh đây cũng đi nhờ con đường này.

Sĩ Lâm dừng lại trước cửa, bước chầm chậm quanh nhà, đi qua đằng trước mặt tiền, xuống lối nhà bếp vòng ra sau nhà, và trở lại bằng lối đi của người đánh xe ngựa. Anh ta chậm rãi đến nỗi ông Huỳnh Anh và tôi phải quyết định đi vào phòng ăn trước, và ngồi đợi anh ta ở gần lò sưởi.

Chúng tôi đang ngồi im lặng ở đó, thì một cô gái xuất hiện. Cô ta cao hơn trung bình một tí, người mảnh mai, tóc và mắt đen, một màu đen nổi bật lên giữa làn da mặt trắng muốt. Tôi chưa từng nhìn thấy người con gái nào có màu da lợt lạt như cô ta. Đôi môi cô ta cũng mất màu tươi, và đôi mắt thì có một vẻ van lơn và đầy ý nghĩa. Khi cô ta đi ngang căn phòng bằng những bước đều và nhanh, nỗi buồn của cô ta còn gây ấn tượng cho tôi nhiều hơn là ông chủ nhà băng lúc nãy nữa : Nó còn làm tôi xúc động hơn, vì nó biểu lộ rõ rằng đó là một cô gái có nhiều sức mạnh tinh thần, biết tự chủ đúng lúc. Không để ý đến sự hiện diện của tôi, cô ta đi thẳng đến ông bác, và đặt hai tay lên mặt ông. Đó là sự vuốt ve có vẻ trìu mến phụ nữ nhất. Cô ta hỏi ông:

- Ba đã ra lệnh cho họ thả Anh Thi ra chưa ạ?

- Không đâu con. Ung nhọt phải được mổ ra đến tận cùng.

- Nhưng con chắc chắn rằng anh ấy vô tội! Ba không biết rằng linh tính của đàn bà bén nhạy lắm ư? Con biết rằng anh ấy vô tội, và ba sẽ hối hận vì đã cứng dắn quá với anh ấy như vậy.

- Tại sao nó không nói nếu nó vô tội?

- Ai hiểu được? Có lẽ chỉ vì anh ấy giận ba đã ngờ cho anh ấy.

- Không ngờ sao được, khi chính mắt ba thấy nó cầm cái vương miện?

- Ồ! Anh ấy chỉ cầm để xem… Ô! Ba hãy tin con đi : Anh ấy không có tội! Dẹp chuyện đó lại đi. Thật kinh khủng quá nếu phải nghĩ rằng anh Anh Thi thân yêu phải vào ngồi tù.

- Ba không bỏ qua chuyện này, trước khi tìm ra mấy viên ngọc. Con thương Anh Thi quá nên mù quáng, Hoa ạ, và con không nhìn thấy những điều phiền não sẽ xảy tới cho ba sau vụ này. Không những không bỏ qua, ba còn kiếm ở Luân Đôn đến đây một người có thể giúp ba làm sáng tỏ hết, ba cho con biết như vậy.

Cô ta nhìn tôi hỏi:

- Ông này phải không?

- Không, bạn ông ta. Ông đó đã muốn đi coi xét một mình. Lúc này ông ấy đang đi vòng qua lối đi ra chuồng ngựa.

Cô ta nhướng đôi lông mày đen:

- Lối đi ra chuồng ngựa?... Ông ta mong tìm thấy gì ở đấy? A! Có lẽ ông ấy đây. Thưa ông, tôi mong ông tìm thấy rằng ông anh họ Anh Thi của tôi vô tội : Hơn là trực giác nữa, tôi chắc chắn là như vậy!
_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN VII

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 78, ra ngày 25-2-1973)

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (V)

Tôi trả lời là vụ này không còn là một câu chuyện riêng tư nữa, mà là một chuyện công, vì chiếc vương miện bị sứt mẻ là một vật báu quốc gia. Tôi đã quyết định là luật pháp phải được áp dụng triệt để.

Nó nói:

- Ít nhất, ba cũng đừng bảo họ bắt con ngay tức khắc! Tốt hơn cho ba cũng như cho con, là hãy để con ra khỏi nhà trong năm phút đã.

Tôi nói:

- Để cho mày trốn hay sao? Hay để mày giấu cái vật mà mày vừa mới lấy?

Tôi hiểu ở địa vị của tôi sẽ khổ sở đến mực nào, và tôi van vỉ nó nhớ rằng không những danh dự tôi, mà còn danh dự của một người có tiếng tăm hơn tôi nhiều, đang bị hăm dọa ; và biết đâu lại chẳng xảy ra một chuyện tai tiếng làm phương hại đến cả quốc gia. Tất cả sẽ tránh được nếu nó chỉ cần cho tôi biết nó đã làm gì với ba viên ngọc đó rồi. Tôi bảo nó:

- Con đã đủ lớn để nhìn thẳng vào sự việc. Con đã bị bắt gặp quả tang ; tội của con không thể nào nặng hơn được nữa. Nhưng nếu con nói cho ba biết những viên ngọc đó ở đâu, thì tất cả sẽ được ba tha thứ và quên đi hết.

Nó trả lời tôi:

- Ba hãy tha lỗi cho những người nào cần được thứ lỗi, chớ con thì có gì đâu mà phải vậy…

Rồi nó quay lưng lại phía tôi cười nhạt. Biết không thể lay chuyển được nó, tôi chỉ còn cách là gọi viên thanh tra tới và trao thằng con tôi lại cho ông ta. Nó lập tức bị lục soát, và người ta khám xét phòng nó cũng như tất cả các ngõ ngách trong căn nhà của tôi. Tuy thế vẫn không ai tìm ra những viên ngọc. Mặc cho những lời thúc bách và hăm dọa, Anh Thi vẫn cứ không chịu mở miệng. Sáng nay nó bị tống giam, và tôi, sau khi đã điền xong các giấy tờ, tôi chạy ngay đến kiếm ông để nhờ ông mang hết sự khéo léo để điều tra ra vụ này. Bây giờ thì cảnh sát đành bó tay. Nếu cần, ông cứ việc tiêu xài bao nhiêu tiền cũng được : tôi đã treo giải thưởng một ngàn bảng cho ai tìm được những viên ngọc đó… Trời ơi, làm sao bây giờ? Tôi mất danh dự, những viên ngọc và đứa con trai của tôi trong cùng một đêm! Ô! Làm sao bây giờ? Làm sao?”

Ông ta úp mặt vào hai bàn tay, và vừa lắc đầu sang phải, sang trái, vừa lẩm bẩm những tiếng gì khó hiểu, như thể một đứa con nít.

Nhà thám tử Sĩ Lâm ngồi im trong vài phút, lông mày nhíu lại, và mắt nhìn vào lò lửa. Rồi anh hỏi ông ta:

- Ông thường có nhiều khách không?

- Không, trừ người hợp tác với tôi và gia đình ông ta, thỉnh thoảng cũng có một người bạn của Anh Thi. Mới đây, Bảo Minh cũng thường tới. Ngoài ra, chẳng còn ai nữa.

- Ông có hay đi giao du bên ngoài không?

- Anh Thi thì có. Hoa và tôi thì thường ở nhà – Nó và tôi đều không thích những chuyện đó.

- Một thiếu nữ mà như thế thì lạ thật!

- Tính tình của nó ôn hòa. Với lại nó cũng chẳng còn non dại gì nữa : nó đã hai mươi bốn tuổi.

- Theo lời ông vừa kể, thì câu chuyện này cũng làm cho cô ta xúc động lắm phải không?

- Kinh khủng ấy chứ! Nó còn bị xúc động hơn tôi nữa.

- Cả cô ấy và ông, đều quyết đoán là Anh Thi nhúng tay vào nội vụ ư?

- Chúng tôi còn nghi ngờ gì khác nữa cơ chứ. Chính tôi đã thấy chiếc vương miện trong tay nó mà.

- Cũng chưa thể kết luận được. Phần còn lại của chiếc vương miện có bị hư hỏng không?

- Có! Bị xoắn lại.

- Thế ông không nghĩ là lúc ấy cậu ta đang gắng sức để nắn nó lại sao?

- Cầu Chúa ban phước cho ông! Ông ráng làm những gì ông có thể làm được để giúp tôi và nó! Nhưng việc đó quá khó khăn. Nó làm gì ở đó? Và nếu nó vô tội, sao không nói ra?

- Đúng thế, và nếu cậu ta có lỗi, tại sao lại không kể ra một câu chuyện bịa đặt? Sự im lặng của cậu ta có thể cắt nghĩa được theo hai cách. Trong câu chuyện này, có nhiều chi tiết lạ lắm. Còn về tiếng động đã làm ông thức giấc, thì cảnh sát nghĩ sao?

- Mấy người cảnh sát nghĩ là có lẽ đó là do Anh Thi gây ra, lúc nó đóng cửa phòng của nó lại.

- Không thể được! Chẳng lẽ một người sắp làm một điều phi pháp lại đóng sập cửa lại để làm cả nhà có thể thức dậy sao? Còn cảnh sát nói gì về vụ những viên ngọc đã biến mất?

- Họ vẫn tiếp tục quan sát dưới sàn nhà và lục lọi các đồ đạc trong nhà để tìm.

- Họ có nghĩ tới kiếm bên ngoài nhà không?

- Có. Họ đã cố gắng hết sức. Cả khu vườn đã được xem xét kỹ.

Sĩ Lâm hỏi:

- Ông ạ, bây giờ ông có nghĩ là câu chuyện này phức tạp hơn là ông và cảnh sát tưởng, lúc mới thoạt xem qua không? Câu chuyện này giản dị ư? Không đâu, đối với tôi, nó phức tạp vô cùng. Ta hãy coi lại giả thuyết của ông xem nào.
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VI

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 77, ra ngày 18-2-1973)

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (IV)

- Ba đã rất tốt với con, nhưng con cần phải có hai trăm bảng, nếu không con không thể nào đến câu lạc bộ được nữa.

Tôi nói:

- Nếu vậy thì càng hay!

- Vâng, nhưng chắc ba không muốn cho con con trai của ba bị mất danh dự chứ. Con không thể chịu được điều xấu hổ đó. Con phải tìm ra tiền, bất cứ bằng cách nào ; nếu ba không cho, con sẽ thử cách khác.

Tôi nổi giận, vì từ đầu tháng đến nay, đó là lần thứ ba mà nó hỏi tiền tôi.

- Con sẽ không có thêm một đồng xu nào nữa đâu, đừng nói nữa vô ích!

Nó nghiêng mình và rời phòng, không nói thêm một lời.

Khi nó đã ra, tôi mở ngăn bàn để biết chắc là quí vật vẫn còn đó, rồi tôi đóng lại. Sau đó tôi đi một vòng quanh nhà, để xem mọi sự có bình thường hay không ; công việc đó đáng lẽ là của Hoa, nhưng tối hôm đó tôi muốn đích thân đi cho chắc hơn. Lúc xuống thang, tôi thấy Hoa đứng ở cửa sổ nhìn ra đường. Thấy tôi tiến đến gần, nó đóng cửa lại và gài thật cẩn thận. Nó có vẻ hơi bối rối, khó chịu, và nó nói với tôi:

- Ba, bộ tối nay ba cho chị Liên đi chơi hay sao? (Hoa tuy là cháu, nhưng tôi vẫn coi nó như con nuôi nên nó gọi tôi là ba).

- Chị bồi phòng ấy hả? Làm gì có chuyện ấy!

- Chị ấy vừa vào bằng lối sau vườn. Con chắc chị ấy vừa đi thăm ai bằng cái cửa ngang. Thật không đứng đắn! Con nghĩ có lẽ phải làm cho chị ấy chấm dứt những chuyện lăng nhăng đó.

- Ngày mai con bảo chị ấy, hay nếu con không muốn thì ba sẽ nói. Con có chắc các cửa đã được khóa kỹ chưa?

- Rồi ba ạ.

- Vậy thì chúc con ngủ ngon.

Tôi hôn nó và trở lên phòng, chẳng mấy chốc tôi đã ngủ say.

Tôi cố thuật lại hết cho ông nghe, ông Sĩ Lâm ạ, tôi kể hết tất cả mọi chi tiết, không quên điều gì, nhưng nếu có điểm nào mà ông thấy còn chưa được rõ, thì ông cứ việc hỏi tôi đừng có ngại ngần chi cả.

- Trái lại, lời ông tường thuật rất rõ.

Ông Huỳnh Anh lại tiếp:

- Tôi thường ngủ tỉnh, và vì trong tâm lo lắng áy náy nên tôi còn ngủ tỉnh hơn thường lệ nữa. Lối hai giờ sáng, một tiếng động trong nhà làm tôi giật mình, tôi không nghe thấy thêm tiếng nào nữa, lúc đã tỉnh hẳn, nhưng tôi có cảm giác như có một cái cửa sổ nào đó vừa được nhẹ nhàng khép lại. Tôi lắng tai nghe ngóng. Bỗng nhiên tôi vùng dậy : có người đi nhè nhẹ ở phòng bên. Tôi nhảy xuống đất, và mở cửa phòng tắm ra. Tôi kêu to lên:

- Anh Thi! Thằng khốn! Thằng ăn cắp! Sao mày dám sờ vào cái vương miện đó?

Tôi vẫn để đèn ròng, và ở cạnh ngọn đèn, thằng con trai khốn khổ của tôi đứng đó, mình chỉ mặc một cái áo sơ mi và một chiếc quần dài, tay cầm cái vương miện. Nó có vẻ như đang muốn dùng hết sức để vặn, hay bẻ cong cái vương miện lại. Tôi giật lấy và xem xét. Một góc bằng vàng, có gắn ba hòn ngọc, đã đâu mất.

Tôi nổi giận la lớn:

- Quân tồi tệ! Mày đã phá hư nó rồi! Thế là tao mất hết danh dự. Mấy viên ngọc mà mày đã ăn cắp đâu rồi?

Nó lập lại:

- Ăn cắp?

- Ừ, ăn cắp, chính mày, đồ ăn cắp!

Nổi xung, tôi nắm lấy vai nó và lắc mạnh.

- Có gì bị mất đâu! Xem nào, có gì bị mất đâu!

- Mất ba viên ngọc! Và mày biết chúng ở đâu. Tao phải coi mày như một thằng vừa ăn cắp, vừa nói dối nữa hay sao? Không phải là chính tao vừa thấy mày muốn lấy thêm một mẩu nữa đấy sao?

Nó nói:

- Ba đã gọi con bằng những tiếng mà con không thể chấp nhận được. Con không thể chịu đựng được lâu hơn nữa, sự nạt nộ của ba. Nếu ba đã muốn chửi bới con, thì con sẽ không thèm nói thêm một lời nào nữa trong vụ này. Lát nữa con sẽ ra khỏi nhà ba, và con sẽ sống tự lập, một mình.

Tôi gần điên vì buồn và giận, kêu lên:

- Mày ra khỏi nhà tao giữa hai người cảnh sát. Câu chuyện này sẽ phải làm cho sáng tỏ ra, tao cho mày biết.

Nó nói với một vẻ tức giận mà tôi chưa bao giờ thấy:

- Con sẽ không nói với ba gì nữa. Vì ba đã muốn gọi cảnh sát, thì để họ tự kiếm vật mà họ cần tìm.

Trong lúc đó, cả nhà đã thức giấc, vì tôi đã to tiếng trong lúc nóng giận. Hoa là người đầu tiên đã chạy tới phòng tôi, trông thấy chiếc vương miện và vẻ mặt của Anh Thi, nó đoán ra hết sự việc, kêu lên một tiếng và té xỉu xuống sàn nhà. Tôi bảo chị hầu phòng đi gọi cảnh sát ; và tôi sẽ giao cho họ điều tra. Khi một viên thanh tra và một người cảnh sát bước vào nhà, Anh Thi, vẻ mặt vẫn khó chịu và hai tay khoanh lại, hỏi tôi có phải tôi muốn gán cho nó tội ăn cắp hay không.
_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN V

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 76, ra ngày 11-2-1973)

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (III)


Bây giờ, ông Sĩ Lâm ạ, tôi cần phải nói với ông về căn nhà của tôi, để ông hiểu rõ tình trạng trong nhà. Người gác dan và người hầu không ngủ trong nhà, vậy phải đặt họ ra ngoài những kẻ đáng nghi ngờ. Tôi có ba người giúp việc phụ nữ, đã làm cho tôi từ nhiều năm nay, họ rất lương thiện nên cũng không đáng ngờ vực. Còn một người nữa, cô hầu phòng thứ hai, tên là Liên, chỉ mới ở nhà tôi từ mấy tháng nay thôi, nhưng cô ta có bản tính tốt và rất vừa ý tôi. Đó là một cô gái xinh xắn ưa nhìn, vài tên con trai thỉnh thoảng cũng lượn qua gần nhà tôi. Tôi cũng không thấy có điều gì khác để phiền trách cô ta, vả lại tôi nghĩ rằng cô ấy cũng đàng hoàng, ngoan ngoãn. 

 Đó là tất cả những người làm nhà tôi, còn về phía các người trong gia đình tôi thì có kể ra cũng không nhiều. Tôi góa vợ, và chỉ có một đứa con trai Anh Thi. Nó là một thất vọng lớn lao của tôi, ông Sĩ Lâm ạ. Có lẽ lỗi tại tôi trước hết. Mọi người đều bảo rằng tôi đã chiều chuộng nó quá. Có lẽ tôi cũng chiều nó thật, nhưng khi vợ tôi mất đi, Anh Thi là người độc nhất để tôi trút trọn tình thương. Tôi không chịu đựng được khi thấy nó khổ sở. Tôi chưa từ chối nó điều gì. Có lẽ nếu tôi cứng dắn hơn chút nữa thì hay hơn… cho tôi và cho nó… nhưng tôi đã tưởng mình làm phải.

Lẽ tự nhiên tôi có ý định để lại cổ phần nhà băng cho nó sau này, nhưng nó không thích việc kinh doanh. Nó hoang đàng thay đổi sở thích luôn, để kể hết cho ông nghe, tôi không thể tin tưởng và giao cho nó sử dụng những món tiền lớn. Khi nó còn trẻ, nó ghi tên vào một hội những người quí tộc, và ở đó nhờ nét duyên dáng riêng của nó, nó trở thành một người rất quen thuộc, túi đầy tiền và có những thói quen sang trọng. Từ đó, nó đã học chơi bài lớn, và bỏ ra những món tiền to để đánh cá ngựa. Nó vẫn thường phải nói với tôi, để cho nó vay trước số tiền phụ cấp mà tôi cho nó hàng tháng, để nó trả nợ. Đã nhiều lần hồi tâm, nó cũng muốn dứt với cái xã hội nguy hiểm ấy, nhưng mỗi lần như vậy, thì tên bạn thân của nó là Bảo Minh lại lôi kéo nó trở lại.

Thật ra, tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy một người như Bảo Minh lại có thể ảnh hưởng đến nó như vậy. Hắn vẫn thường đến nhà, và ngay chính tôi, tôi cũng còn khó chống lại được sức hấp dẫn về những cử chỉ của hắn ta. Hắn lớn tuổi hơn Anh Thi, lịch thiệp từ chân răng tới kẽ tóc, và đẹp như Phan An tái thế. Tuy nhiên, khi tôi ngồi một mình nghĩ đến hắn, không thấy trước mặt vẻ rực rỡ của hắn, cái giọng ngạo nghễ của hắn, và cái tia sáng đặc biệt mà tôi thấy trong mắt hắn làm tôi nghi ngại : Đó không phải là một người đáng cho ta tin cậy.

Ít nhất điều đó cũng là ý nghĩ của tôi, và còn là ý nghĩ của Hoa cháu của tôi nữa. Con bé này có rất nhiều trực giác.

Tôi chỉ còn phải nói với ông về nó nữa thôi. Hoa là cháu tôi. Khi đứa em họ xa của tôi mất cách đây năm năm, nó còn lại có một mình trên đời, tôi bèn mang về nuôi. Tôi coi nó như con gái tôi. Đó là một tia nắng mặt trời trong nhà tôi : hiền dịu, dễ yêu, xinh đẹp, nó lại cũng rất giỏi nội trợ và tháo vát, lại dịu dàng, lịch sự và ít nói. Tôi gọi nó là cánh tay phải của tôi. Tôi không biết phải làm sao nếu không có nó. Nó chỉ làm trái ý tôi có một điều duy nhất. Hai lần thằng con trai tôi xin cưới nó, vì nó thương con bé lắm, hai lần nó đều từ chối. Tôi thì tôi nghĩ là nếu có người nào có hy vọng kéo thằng con tôi về đường ngay, thì chính là con bé đó chứ không ai khác hết. Cuộc hôn nhân có lẽ sẽ làm nó thay đổi… nhưng than ôi! Bây giờ thì muộn quá mất rồi! Vĩnh viễn muộn rồi!

Ông Sĩ Lâm, bây giờ ông đã biết tất cả những người sống dưới mái nhà tôi. Tôi lại tiếp tục kể câu chuyện buồn thảm của tôi.

Vậy thì tối hôm đó, trong lúc cả nhà uống cà phê sau bữa ăn tối, trong phòng khách, tôi kể cho Anh Thi và cho Hoa nghe về câu chuyện ở nhà băng, và về cái kho tàng mà tôi phải giữ gìn, tôi chỉ giấu chúng nó tên người khách hàng thôi. Còn chị người làm mới, sau khi dọn cà phê thì đã rời phòng, tôi chắc chắn điều đó, nhưng tôi lại không chắc là cửa có đóng kỹ không. Hoa và Anh Thi rất lấy làm thích thú câu chuyện đó, chúng năn nỉ tôi cho xem chiếc vương miện nổi tiếng, nhưng tôi chối từ. Tôi muốn rằng đừng ai sờ vào đó thì hơn.

Anh Thi hỏi tôi:

- Ba để nó ở đâu?

- Trong ngăn bàn riêng của ba.

- Vậy thì con mong rằng đêm nay, nhà ta không bị trộm đến viếng.

Tôi nói:

- Ngăn bàn đã được khóa kỹ.

Anh Thi nói:

- Chẳng ăn thua gì. Bất cứ cái chìa khóa cũ nào cũng mở được. Hồi con còn nhỏ, con vẫn thường dùng chìa khóa tủ đựng đồ vật để mở nó.

Nó vẫn thường nói năng vớ vẩn, và tôi thường không chú ý đến lời nói của nó. Tuy vậy, tối hôm đó, nó đi theo tôi vào phòng, vẻ mặt rất nghiêm trọng. Nó nói với tôi, đầu cúi xuống:

- Ba này, ba có thể cho con hai trăm bảng được không?

Tôi khô khan trả lời:

- Không, không thể được, về phương diện tiền bạc, ba đã qua rộng rãi với con rồi.


_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN IV


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 73, ra ngày 14-1-1973)


Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (II)

Sáng hôm qua, tôi đang ngồi trong bàn giấy nhà băng, thì người thư ký đến đưa cho tôi một tấm danh thiếp. Khi đọc tên người được viết trên đó tôi phải giật mình, vì đó chính là tên của… Mà thôi, ngay cả với ông, tôi cũng không dám nói nhiều hơn điều này.

Đó là tên một trong những gia đình quí phái và lẫy lừng nhất nước Anh. Tôi rất lấy làm vinh dự được ông ta đến viếng, và tôi định bầy tỏ lòng ngưỡng mộ khi ông ấy được mời vào, nhưng ông ta ngắt lời tôi ngay để nói đến chuyện làm ăn, ông có vẻ như chỉ muốn mau chóng thoát khỏi một khổ sai.

Ông ta nói với tôi:

- “Ông Huỳnh Anh, tôi được biết là ông vẫn thường cho vay.”

- “Nhà băng vẫn làm vậy, nếu được bảo đảm chắc chắn.”

- “Tôi rất cần, phải có ngay năm chục ngàn bảng. Lẽ dĩ nhiên là tôi có thể mượn các bạn tôi món tiền lớn gấp mười số đó, nhưng tôi thích coi chuyện đó như chuyện làm ăn hơn, và tôi sẽ thu xếp lấy một mình, chứ không muốn nhờ cậy bạn bè vì địa vị của tôi, làm như vậy để phải mang ơn thì thật là rất vụng về.”

- “Tôi có thể biết được ông cần giữ món tiền đó bao lâu không ạ?”

- “Thứ hai tới, người ta sẽ trả tôi một món tiền rất lớn mà họ thiếu, và tôi chắc chắn sẽ trả được ông số tiền mà ông sắp cho tôi vay, cộng với tiền lời mà ông tính theo như thường lệ. Nhưng điều hệ trọng nhất đối với tôi là phải có ngay bây giờ món tiền năm chục ngàn bảng.”

Tôi nói:

- “Tôi rất lấy làm hân hạnh được đưa ông số tiền đó bằng tiền túi của tôi, và không cần cho ai biết cả. Nhưng tôi tiếc là không có phương tiện để có được niềm vui đó. Mặt khác, nếu tôi cho vay dưới danh nghĩa của công ty, thì phải có những bảo đảm chắc chắn, đối với người hiệp tác của tôi.”

Ông ta trả lời:

- “Tôi còn thích như vậy hơn!”

Rồi ông ta lấy ra một hộp da đen, vuông vức, đặt cạnh ghế ngồi. Ông ta hỏi tôi:

- “Ông đã nghe nói đến chiếc vương miện cẩn ngọc chưa?”

- “Đó là một trong những bảo vật quí nhất của vương quốc.”

- “Đúng vậy.”

Ông ta mở hộp ra, và trên làn nhung rực rỡ, chính là món trang sức tuyệt diệu đó.

Ông ta nói:

- “Có ba mươi chín viên ngọc lớn, và giá tiền cái khung vàng thì không thể tính được. Rẻ nhất giá tiền cái vương miện này cũng bằng hai món tiền mà tôi hỏi ông. Tôi sẵn sàng để lại cho ông chiếc vương miện này để bảo đảm.”

Tôi cầm lấy chiếc hộp quí giá, ngắm nghía chiếc vương miện rồi lại nhìn ông ta. Ông ta hỏi tôi:

- “Ông nghi ngờ giá trị của nó ư?”

- “Không đâu, điều mà tôi có thể nghi ngờ thật ra là…”

- “Thật ra là tôi có quyền được giao nó cho ông hay không chứ gì? Đừng lo! Ông tưởng rằng tôi có thể đem cầm thế nếu tôi không chắc chắn là mình có thể lấy lại sau bốn ngày ư? Thế nào, đối với ông vật này đã đủ bảo đảm chưa?”

- “Quá đủ ấy chứ!”

- “Ông Huỳnh Anh ạ, ông cũng nên hiểu là tôi đã tỏ lòng tin cậy ông lắm đấy, vì tôi đã được nghe nói về ông. Tôi tin cậy ở sự kín đáo của ông (vì tôi sợ người ta nói ra nói vào lắm!) và tôi lại còn cần sự cẩn thận của ông hơn nữa : chả cần phải nói, chắc ông cũng hiểu được nếu có chuyện gì xảy đến cho bảo vật này, thì sẽ tai tiếng đến thế nào. Chỉ hư hỏng một chút thì cũng tai hại gần như là bị mất vậy. Ông biết không, ở trên thế giới không có viên ngọc nào có thể sánh với những viên này! Vì vậy không thể thay thế viên ngọc nào trong đó được. Tuy vậy, tôi cũng tin ông mà giao nó cho ông. Sáng thứ hai tôi sẽ đích thân đến lấy”

- Thấy ông khách có vẻ vội vã, tôi không nói gì thêm nữa ; tôi gọi người thủ quỹ đến và cho lệnh đưa năm chục ngàn bảng cho ông ta. Ngồi lại một mình với cái hộp quí giá đặt trước mặt tôi không ngăn được sự lo lắng, khi nghĩ đến trách nhiệm lớn lao mà tôi phải nhận lãnh. Tất nhiên, vì tính cách “quốc gia” của nó, nếu có chuyện gì xảy đến cho nó, thì sẽ gây ra chuyện tai tiếng biết mấy. Và tôi lại cảm thấy hối tiếc sao mình lại nhận lãnh vụ đó. Nhưng vì đã trễ quá để làm khác hơn được, tôi cất nó vào cái tủ sắt riêng của tôi, và tôi bắt đầu làm việc trở lại.

Khi trời tối, tôi tự nhủ thật là quá khinh suất nếu để vật quí này lại đó. Cả trăm tủ sắt nhà băng đã từng bị cạy! Vậy tủ sắt của tôi có gì bảo đảm nhỉ? Nếu chuyện đó mà xảy ra, nếu cái vương miện biến mất thì… Không, tôi quyết định rằng trong mấy ngày phải giữ nó, tôi sẽ mang nó theo ngay bên mình, để bảo vệ nó được luôn luôn. Nghĩ vậy, tôi gọi một cái xe ngựa kêu chở về nhà, ở đường Song Hòa. Tôi chỉ thấy thư thái lại được khi bảo vật đã nằm trên tầng lầu nhất, khóa kín trong ngăn bàn trong căn phòng tắm của tôi.

_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN III



(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 72, ra ngày 7-1-1973)

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (I)

Sáng hôm đó, trời rất lạnh, tôi đứng nhìn ra đường, ở cửa sổ căn nhà mà hai chúng tôi thuê chung, ở đường Bảo Lê.

Trời tiết tháng hai nên giá buốt. Bầu trời trong sáng nhưng không khí lạnh như băng. Tuyết rơi từ hôm qua hãy còn đọng lại chưa tan, và chiếu sáng lấp lánh trên mặt đất. Dưới đường, vì có xe qua lại nên tuyết trở thành những vệt dài màu nâu, nhưng trên hè phố, nó vẫn trắng xóa như vừa rơi xuống. Đã vậy, lại còn trơn nữa, làm cho khách bộ hành chẳng mấy ai dám ra đường.

Từ trạm xe lửa ngầm đến cửa nhà chúng tôi, hoàn toàn vắng bóng người, nếu không có một ông đang chạy vùn vụt tới.

Ông ta dễ đến năm mươi tuổi rồi, thân hình cao lớn, mập mạp. Ông ta có một vẻ oai phong, và quần áo của ông ta sậm màu, cũng rất sang. Áo lễ có đuôi phía sau, màu đen, và quần xám hạt trai cắt khéo, mũ mới và giày nâu sạch, nhưng than ôi, cử chỉ của ông ta mới tương phản làm sao, so với quần áo và dáng người ấy.

Ông ta chạy thật nhanh, vừa chạy vừa vẫy tay, và thỉnh thoảng lại còn nhảy lên nữa. Đầu ông ta lắc lia và vẻ mặt thì nhăn nhó, các bắp thịt trên mặt lại giật giật, trông thật lạ lùng!

Tôi gọi anh bạn tôi đang ngồi ấm áp trong chiếc ghế bành:

- Sĩ Lâm, anh ra đây mà coi này, có một người điên đang chạy ngoài đường. Sao trời lạnh thế mà người ta dám để ông ấy đi ra ngoài?

Bạn tôi lười biếng xích tới, hai tay vẫn thủ trong túi áo choàng ngủ, anh nhìn ghé qua vai tôi.

Tôi hỏi:

- Chả biết ông ta bị gì thế nhỉ? Ông ta có vẻ như tìm số nhà.

Bạn tôi xoa tay:

- Tôi cá với anh là ông ta sẽ đến đây cho xem.

- Sao? Đến đây chi vậy?

- Ông ta sẽ đến để nhờ tôi. Tôi đã thấy các dấu hiệu đó… A! Anh thấy không?

Quả vậy, ông ta vừa thở hổn hển, vừa chạy sầm sập đến cửa nhà chúng tôi, kéo chuông mạnh đến nỗi làm nó vang dội khắp nhà.

Chúng tôi vội xuống mở cửa, mời ông vào phòng khách. Đến đây, ông ta vẫn còn thở và cử động liên hồi, chúng tôi mỉm cười, nhưng nụ cười vụt tắt khi nhìn thấy vẻ thảm não trong đôi mắt ông ta. Tội nghiệp cho ông ta quá!

Ông ta vẫn không nói được ra lời, người lắc qua lắc lại và hai tay thì vò tóc như sắp hóa điên lên. Bỗng ông ta vọt dậy, lao đầu vào tường. Chúng tôi vội vã chạy đến, kéo ông ra giữa phòng. Sĩ Lâm đặt ông ngồi xuống ghế rồi hết sức dịu dàng nói với ông:

- Ông định đến đây để kể chuyện của ông cho tôi nghe phải không? Ông mệt vì chạy nhanh quá lúc vừa rồi đấy, ông ngồi nghỉ đi, và bình tĩnh lại, rồi sẽ kể cho tôi nghe nhé.

Ông khách xụ mặt ngồi trong khoảng hai phút, ráng trấn tĩnh, rồi dùng khăn lau mồ hôi trán, và quay về phía chúng tôi:

- Chắc các ông nghĩ là tôi điên, phải không?

Bạn tôi trả lời:

- Tôi chỉ thấy là ông đang bị phiền muộn ghê lắm mà thôi.

- Chỉ có trời mới biết là tôi khổ đến đâu, tôi gần mất trí luôn. Thật bất ngờ quá, và cả hai nỗi buồn chồng chất thì tôi chịu làm sao nổi. Nào là danh dự, nào là sự êm ấm trong gia đình. Thường thì người ta chỉ bị một trong hai nỗi buồn phiền thôi, đằng này tôi lại bị cả hai. Không những thế, mà cả những người quí phái nhất ở thành phố này cũng còn bị liên lụy lây nữa chứ, nếu ta không tìm ra sự giải quyết ổn thỏa cho câu chuyện này.

Sĩ Lâm nói:

- Bình tĩnh lại đi ông, rồi kể lại từ đầu cho tôi nghe thì tôi mới hiểu được, và mới giúp được ông.

Ông khách trả lời:

- Chắc tên tôi, các ông không lạ gì đâu, tên tôi là Huỳnh Anh, trong hiệp hội ngân hàng Huỳnh Anh và Lê Vân ở đường Xuân Thu.

Thật vậy, chúng tôi được nghe danh ông ta đã lâu, ông ta là người có cổ phần lâu đời nhất của một trong những công ty ngân hàng lớn nhất đô thị. Không biết vì sao mà ông ta, một nhân vật quan trọng của thành phố Luân Đôn, lại trở nên thảm hại như thế. Chúng tôi tò mò, chú ý nghe câu chuyện mà ông ta gắng sức để thuật lại.

Ông ta bắt đầu:

- Tôi biết giá trị của thời giờ lắm, vì thế mà tôi chạy vội đến đây ngay, khi ông cảnh sát trưởng cho biết là ông có thể giúp tôi được. Ông thấy là tôi phải đi xe điện ngầm, rồi phải chạy bộ đó, vì xe ngựa đi chậm quá, lúc trời tuyết như thế này. Tôi mệt quá, cũng vì xưa nay tôi ít có dịp vận động lắm. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy dễ chịu hơn rồi, để tôi sẽ kể lại cho ông nghe thật rõ.

Chắc ông cũng hiểu rằng các nhà băng phát đạt được là nhờ cách khai thác số vốn mà người ta lưu trữ cũng như phải tăng thêm khách hàng. Một trong những cách đó là chúng tôi cho vay lấy lời, với điều kiện người vay có gì để bảo đảm.

Mấy năm gần đây, chúng tôi cho vay rất nhiều, nhất là cho các gia đình quí phái, và họ bảo đảm bằng những sách quí cũng như những bức họa và những bát đĩa bạc của họ.

_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN II


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 71, ra ngày 31-12-1972)