Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Ghềnh Đá Cheo Leo - THANH HIỀN



Truyện phóng tác của THANH HIỀN
Loại hoa xanh
Tủ sách Tuổi Hoa - 1972

Lần Vào Bóng Tối (II) - NGUYỄN VĂN NGHỆ

3. – CHÚA ĐẢNG S.N.

Chiếc xe hơi bóng lộn ấy dừng lại trước hiệu kim hoàn Vĩnh-Mỹ. Một ông ăn mặc chững chạc mở cửa xe bước xuống, chậm rãi tiến vào hiệu. Cô bán hàng lễ phép cúi chào:

- Thưa ông cần chi?

Người đàn ông cất giọng trầm trầm nghiêm nghị:

- Tôi muốn gặp ông chủ.

Một ông đứng tuổi đang ngồi đọc báo bên trong nghe vậy lật đật xếp tờ báo, bước ra:

- Dạ, ông hỏi tôi có chuyện chi?

Người đàn ông đưa mắt nhìn sơ qua các tủ kiếng trưng bày các món đồ trang sức rồi mới đáp:

- Tôi muốn mua một món nữ trang.

Chủ hiệu vồn vã:

- Thế à, ông muốn loại nào? Ở đây có đủ, mời ông bước vào trong xem thử.

- Tôi cũng chưa biết chọn món nào, và chưa mua ngay.

- Ủa…

- Nguyên tôi có một đứa con gái, nó vừa thi đậu. Tôi muốn thưởng nó một món nữ trang đắt giá, và để nó tự ý lựa chọn. Tối nay tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc mừng tại nhà. Và sau đó tôi sẽ đưa nó lại đây chọn món quà.

Ông đừng lấy làm lạ, tôi định thế vì muốn dành cho con gái tôi một sự vui sướng liên tục. Để ngày khác đến mua thì nó “nguội lạnh” mất – Giờ, tôi đến đây trước là để hỏi xem ông có thể chờ chúng tôi đến nửa đêm không? Vì có lẽ vào khoảng 12 giờ tiệc mới mãn. Thế nào, ông liệu được chứ?

Ngẫm nghĩ giây lát, chủ hiệu gật đầu:

- Dạ cũng được. Thường khi tiệm chúng tôi vẫn đóng cửa vào lúc 10 giờ. Nhưng hôm nay ông đã dặn thế, chúng tôi đóng cửa trễ một chút cũng không sao.

- Cám ơn ông. Thế là khuya nay chúng tôi có thể làm rộn ông… À, chắc tiệm ông có sẵn loại thủy xoàn hay ngọc quý đắt giá một chút?

- Ồ, chuyện đó ông khỏi lo. Chắc ông cũng biết: tiệm Vĩnh-Mỹ chúng tôi là một tiệm kim hoàn lớn nhứt thủ đô!

Người đàn ông mỉm cười:

- Thôi chào ông. Hẹn gặp lại tối nay.

Hai người bắt tay nhau. Chủ hiệu đưa ông khách sang trọng ra xe. Nhìn chiếc xe nhà mới tinh hảo phóng êm trên đường, ông ta lắc đầu cười, lẩm bẩm:

- Mấy lão triệu phú thật ưa làm những chuyện lạ đời!

Trong khi ấy, người đàn ông kia lái xe, đến một khu phố đông đúc, tìm chỗ khuất cho xe đậu, đoạn ông ta thả bước vào một ngõ hẻm chật hẹp gần đấy. Đi quanh co một hồi, ông ta dừng lại trước một ngôi nhà cửa đóng kín mít, tưởng chừng chẳng có ai bên trong. Nhưng, không một chút do dự, ông ta đưa tay lên gõ mạnh vào cánh cửa gỗ: hai tiếng khoan, ba tiếng nhặt… Lập tức, bên trong có tiếng hỏi cộc lốc:

- Ai?

- N.S.N!

Cửa liền xịch mở, một gương mặt dữ dằn ló ra, nhìn chằm chặp vào người đàn ông, dò xét. Ông ta tươi cười:

- Sáu Lực, hôm nay khỏe chớ? Tối nay có chuyện làm đấy.

Tên nọ tươi ngay nét mặt:

- Ồ, đại ca! Đại ca hóa trang khéo quá làm tôi nhận không được. Tối nay có chuyện à?

Người đàn ông gật đầu, bỏ đi thẳng vào trong. Tới một căn phòng cửa cũng khép chặt, người đàn ông vẫn lọt vào dễ dàng với những mật hiệu riêng. Ông ta hất hàm hỏi tên gác cửa:

- Chín Long, Ba Dao, Năm Hổ tới chưa?

- Dạ, tới đã lâu và đang chờ đại ca.

Vừa đáp, y vừa bước lại kéo chiếc tủ nhỏ kê sát vách sang một bên, cuốn thảm, giở một nắp sắt để lộ một cửa hầm. Người đàn ông tiến đến, theo những nấc thang bước xuống. Cửa hầm được đóng kín lại, che khuất, khó ai biết.

Bên dưới căn phòng là cả một gian hầm rộng, sáng choang ánh điện, trang hoàng như một phòng khách sang trọng. Đã có ba tên điệu bộ dữ tợn, đanh ác ngồi chờ trên ghế bành. Khi người đàn ông xuống tới họ đứng lên chào, và kéo ghế mời ngồi, cùng nhau họp bàn. Câu chuyện có vẻ quan trọng. Người đàn ông và gã mặt rỗ được gọi tên là Chín Long càng lúc càng cãi vã nhiều vì bất đồng ý kiến. Mặt hầm hầm, Chín Long bảo:

- Nhưng, anh phải cho tôi biết rõ lý do vì sao chúng ta lại không thể đụng tới luật sư Trần Quang Bình chớ?

Người đàn ông đập tay xuống bàn:

- Chú không cần biết lý do. Một khi tôi bảo chú đừng làm một việc gì là chú không được phép làm, không được phép tìm hiểu chi hết. Chú nên nhớ tôi là kẻ chỉ huy chú!

- Như thế là bao nhiêu công khó dò xét của tôi đều vứt cả?

- Có sao? Đền lại, tôi sẽ dành cho chú một nơi khác đáng giá hơn nhiều.

- Nơi nào?

- Tiệm kim hoàn Vĩnh-Mỹ.

- Tôi không thích “món” nầy.

- Sao thế?

- Cũng như anh tôi xin được quyền miễn nói nguyên do.

- Nghĩa là tối nay chú không dự phần hành động?

- Ừ, nếu anh cứ thích không để ý tới luật sư Bình.

- Được rồi, chú cứ nghỉ một chuyến.

Đến đây cuộc bàn cãi tạm ngưng. Đoạn người đàn ông quay sang bàn kế hoạch sẽ hành động tối nay với hai tên kia, nãy giờ vẫn ngồi im chăm chú nghe đàn anh cãi vã. Xong xuôi, ông ta đứng lên:

- Thôi, chúng ta tạm chia tay về nghỉ ngơi.

Trước khi rời gian hầm, ông ta không quên hằn học bảo Chín Long:

- Coi chừng! Có ngày tôi sẽ cho đứa khác thay thế chú.

Gã cúi đầu, nắm chặt tay, không nói gì. Đợi người đàn ông và hai tên kia đi một lúc, gã bước lại góc phòng, dùng máy điện thoại nói chuyện với ai đó…

Người đàn ông và bọn người nầy là ai mà hành động, nơi hội họp, cũng như câu chuyện bàn bạc của họ đầy vẻ bí mật thế? Sự thật, lâu nay cả đô thành đều nghe danh họ, ngán sợ họ. Nhà chức trách đã điên đầu vì họ. Họ là một tổ chức bất lương, một đảng cướp mang danh hiệu là “Đảng S.N.”. Người đàn ông vừa rồi chính là tên chánh đảng, và phó đảng là Chín Long. Bộ chỉ huy của đảng cướp vừa họp nhau tại “trụ sở” để bàn chuyện “làm ăn” sắp tới. Nhưng giữa hai tên chánh đảng và phó đảng đã có sự bất hòa trầm trọng: Tên phó đảng muốn đánh cướp nhà vị luật sư nổi danh là Trần Quang Bình. Tên chánh đảng nhứt định không cho. Hắn lại sửa soạn đánh cướp hiệu kim hoàn Vĩnh-Mỹ đúng đêm nay như đã định.

Rời “trụ sở”, chúa đảng S.N. lái xe về nhà riêng ở một vùng hẻo lánh. Thay đồ xong, hắn sang phòng tắm, gỡ bộ râu giả trên mép xuống, khoát nước tửa mặt. Bấy giờ bộ mặt thật của hắn mới lộ rõ. Thì ra hắn không phải xa lạ gì, chính là Tư Búa. Bao năm qua, lăn lộn trong giới bất lương, hắn tiến dần vào vòng tội lỗi. Từ một thằng du đãng, hắn trở thành một tên trộm, và hiện thời là một tướng cướp khét tiếng. Với sự khôn khéo, hắn có những hành động “xuất quỉ nhập thần”. Không ai biết rõ đích dạng của hắn. Có khi hắn giả làm một thương gia giàu có, có lúc hắn biến hình thành một ông lão già nua… thật khó lường. Nhờ vậy mà hắn vẫn sống phủ phê với tiền bạc cướp giựt. Nhà chức trách không sao tóm cổ được hắn.

Mười hai giờ khuya, Tư Búa đến hiệu Vĩnh-Mỹ. Lần nầy hắn đi với hai tên bộ hạ: Ba Dao lái xe, Sáu Lực hộ vệ. Chủ hiệu kim hoàn đang nóng lòng trông đợi, nghe tiếng xe ngừng trước cửa, mừng rỡ tiến ra chào hỏi:

- Tôi tưởng ông không đến. À, cô em ông nói đâu, sao không thấy?

Tưa Búa đáp:

- Con gái tôi bị mệt không cùng đi được. Tuy nhiên nó đã cho tôi biết rõ thứ nữ trang nó thích.

Chỉ Sáu Lực, hắn giới thiệu:

- Đây là bạn tôi.

- Mời hai ông vào.

Ba người chầm chậm bước vào cửa hiệu. Vừa đi Tư Búa vừa đảo mắt nhìn quanh quất. Giờ nầy phố chợ vắng tanh. Các hàng quán đều đóng cửa. Cửa hiệu Vĩnh-Mỹ cũng chỉ hé mở. Phóng mắt vào các xó tối, Tư Búa không thấy gì, nhưng đoán chắc các bộ hạ của mình hiện đang có mặt ở đó, sẵn sàng đợi lệnh để ra tay.

Vào tới bên trong thấy chẳng có ai, ngoài chủ hiệu, Tư Búa hỏi:

- Mấy cô bán hàng chắc đã về hết?

Chủ hiệu đáp:

- Dạ. Nhà tôi và mấy đứa nhỏ cũng ngủ cả. Chúng có tật ngủ sớm.

- Thế càng hay!

Chủ hiệu ngơ ngác nhìn ông khách. Tư Búa tiếp bảo:

- Xin ông chỉ dẫn cho tôi xem các món nữ trang đi.

Hai người đi dài theo các tủ kiếng trưng bày đồ trang sức. Được đặt trên giá nhung, các món bằng vàng có đủ hình hoa lá, các món nhận kim cương lấp lánh dưới ánh đèn trông thật rực rỡ. Vừa xem, Tư Búa vừa vui vẻ gợi chuyện, hỏi lung tung. Mải lo trả lời những câu hỏi tới tấp về giá trị, giá cả của từng món, và bị Tư Búa cố ý che khuất mắt, chủ hiệu không hay Sáu Lực bỗng dưng xăm xăm đi vào trong, không ngại gì chỗ quen lạ.

Thời giờ cứ trôi qua. Đã khá lâu, thấy ông khách cứ cầm lên đặt xuống không biết bao nhiêu món hàng rồi, mà chưa nhận mua món nào, chủ hiệu nóng ruột hỏi:

- Sao, ông chọn món nào? Hay ông không bằng lòng những thứ chưng bày ở đây?

Vừa khi ấy, Sáu Lực từ trong đi ra, lại bảo nhỏ vào tai chúa đảng:

- Xong xuôi rồi đại ca!

Tư Búa liền quay sang chủ hiệu:

- Thôi, chúng tôi xin kiếu.

Ông ta sửng sốt:

- Ủa, thế ông chẳng lấy món gì hết sao?

Hắn bật cười:

- Cám ơn ông, chúng tôi lấy rồi, nhưng không phải các món nữ trang nầy – Chúng khó xài lắm – mà là cả tủ bạc của ông đó.

Đoán biết có chuyện bất thường, chủ hiệu hỏi lớn:

- Ông nói gì?

- Ồ, ông cũng chưa hiểu nữa sao? Tôi xin tự giới thiệu, tôi là thủ lãnh đảng S.N. Hôm nay tôi và các bạn hân hạnh đến thăm ông, mượn đỡ tủ bạc của ông đó.

Chủ hiệu lùi lại, mặt tái mét. Tư Búa cười tiếp:

- Thưa ông, trong khi ông mải nói chuyện với tôi, anh bạn của tôi đây đã lẻn vào trong, mở cửa sau cho các bạn tôi vào. Họ đã trói cổ bà nhà cùng các cháu và…

Thấy chủ hiệu toan kêu cứu, Sáu Lực nhảy vụt tới, vật ông ta té nhào, tống cả một chiếc khăn vào miệng. Đoạn hắn trói chặt tay chân ông ta, lôi sang một góc tối.

Xong, Tư Búa ra lệnh:

- Thôi, rút lui! À, bọn Năm Hổ đem “hàng” đi rồi hả?

Sáu Lực gật đầu. Cả hai ra xe. Tư Búa ngồi phía trước với Ba Dao. Sáu Lực toan mở cửa vào ngồi đằng sau như lúc nãy, bỗng Ba Dao bảo:

- Anh Sáu ra ngồi băng trước luôn đi, tôi có chuyện muốn nói.

Giọng anh ta có vẻ khác thường. Sáu Lực không cãi, vào ngồi kế bên Tư Búa. Xe rồ máy phóng nhanh. Tư Búa hỏi:

- Chuyện gì đó Ba Dao?

Anh ta không đáp, mặt nhăn lại. Chợt Sáu Lực ngạc nhiên kêu:

- Ủa, Ba Dao, mầy lái xe đi đâu vậy? Không về “trụ sở” à?

Ba Dao lặng thinh. Tư Búa đập vai anh ta:

- Có nghe thằng Sáu nói không mậy? Đi về “trụ sở”!

Anh ta vẫn không cho xe đổi hướng. Tư Búa giận dữ quát:

- Thằng nầy hôm nay phát điên sao mà! Mầy không tuân lệnh tao hả?

Thình lình, một giọng nói sang sảng vang phía sau:

- Phải, xin ngài bớt giận. Hắn không thể nghe lời ngài, vì bị chúng tôi bắt buộc thế!

Tư Búa, Sáu Lực lạnh cả người. Cả hai toan quay lại thì ót chạm phải một vật lành lạnh, đồng thời tiếng nọ bảo tiếp:

- Xin hai ngài ngồi yên, nếu không chúng tôi sẽ nổ súng đấy!

Tư Búa hỏi:

- Các ông là ai?

- Nhân viên công lực!

Im lặng một chốc, một người phía sau cất giọng mỉa mai bảo:

- Vậy là chúa đảng S.N. đã sa lưới, chúng tôi rất buồn. Chúng tôi cũng lấy làm ân hận mà báo tin cho ngài biết thêm: Các đồng đảng của ngài đem “hàng” rút cửa sau tiệm vàng đều bị chúng tôi tóm cổ, không sót một mạng.

Thế là hết! Tưa Búa rầu muốn chết đi được. Hắn tự hỏi: Việc làm của mình thật kín, thật êm, sao nhà chức trách biết rõ vậy? Chợt, hắn nghĩ đến Chín Long. Thôi đúng rồi, chắc tên nầy tố cáo với họ chớ không ai. Hắn tức muốn bể ngực, và hối hận đã nóng nảy để lộ sự bất tín nhiệm đối với tên phó đảng. Nhưng hắn có hối hận mấy cũng đã trễ rồi!

4. – LUẬT SƯ BÌNH

Tư Búa nằm dài trên giường trong phòng giam, lòng buồn đau vô hạn. Mai đây ra trước tòa, hắn khó tránh khỏi cái án khổ sai chung thân. Nhưng, hắn sầu khổ không hẳn vì điều đó. Từ khi bắt đầu giẫm chân vào chốn bùn nhơ, hắn đã đoán trước được cái kết cuộc bi đát của đời mình. Cửa khám mở rộng đón hắn từ đó, sớm muộn gì hắn cũng bị bắt đưa vào thôi. Thế nên hôm nay nằm giữa bốn bức tường dày, hắn không lấy làm lạ, không than Trời trách Đất chi cả. Hắn thấy lòng đau đớn, chẳng qua vì nghĩ đến số phận không may của mình, Tại sao cùng xuất thân từ gia đình khá giả, lễ giáo, hắn lại không được sống sung sướng bình yên như bao kẻ khác? Tại sao cùng một cha một mẹ mà anh em hắn hiện thời chiếm giữ những địa vị trên cao, còn hắn bị rơi tuột xuống tận cùng xã hội? Ai đưa hắn đến hoàn cảnh khốn khó nầy? Phải chăng tự dưng hắn tìm lấy cho mình kiếp sống bất lương?

Có tiếng mở khóa, tiếng dây xích chạm nhau bên ngoài, Tư Búa nhìn ra. Cửa phòng giam hé mở, một người bước vào: Lão cai ngục. Tiến lại ngồi bên giường, lão cười bảo:

- Tôi vào đây để báo cho anh một tin mừng: Luật sư Trần Quang Bình nhận cãi cho anh trong phiên tòa sắp tới!

Tư Búa ngồi bật dậy:

- Ông nói ai?

- Luật sư Bình.

- Luật sư Bình!

Tư Búa lẩm bẩm lập lại. Lão cai ngục nói:

- Chắc anh nghe tài hùng biện của ông Bình? Anh được ông ấy nhận cãi cho là may mắn lắm.

Lặng thinh, Tư Búa cúi đầu buồn bã. Dĩ vãng vụt hiện về trong tâm trí hắn. Luật sư Trần Quang Bình, người đã được Tư Búa “che chở”, không cho Chín Long đánh cướp – Chính vì vậy mà hắn bị tên phó đảng bất bình tố cáo với nhà chức trách – Ông ta có liên lạc gì với hắn mà được hắn vị nể thế?

Tưởng tin của mình làm cho Tư Búa vui mừng, nào ngờ trái lại hắn còn rầu rĩ hơn, lão cai ngục hết sức ngạc nhiên. Lão nói:

- Tôi đến đây để báo cho anh biết trước luật sư của anh sẽ đến nói chuyện với anh… A kìa, ông ấy đã đến.

Thật vậy, luật sư Bình, một ông trọng tuổi, vừa bước vào. Ông ta tươi cười bắt tay lão cai ngục, rồi Tư Búa. Nếu để ý, hẳn ông ta sẽ thấy tay hắn run run. Xong, luật sư ngồi xuống giường cạnh phạm nhân. Và trong khi lão cai ngục rời phòng giam, ông ta quay nói với hắn:

- Tôi là một luật sư tư không hề quen biết anh, cũng không được anh nhờ bào chữa, thế mà tôi lại nhận anh làm thân chủ, có lẽ anh lấy làm lạ lắm. Chính tôi cũng chẳng biết tại sao nữa. Có điều là lúc bắt gặp hình anh đăng trên báo, tự dưng tôi thấy cảm thương anh nhiều. Hình như có một sợi dây vô hình nào đó ràng buộc anh với tôi vậy…

Luật sư Bình còn nói nhiều, đại ý là cho Tư Búa biết lý do ông ta nhận bào chữa cho hắn và yêu cầu hắn nói rõ những biến chuyển trong đời mình cho ông ta nghe để biện hộ cho có kết quả. Tư Búa có nghe gì đâu, hắn mải chăm chú nhìn vào mặt ông ta, như cố tìm một cái gì. Vụt, hắn cúi mặt, ôm đầu khóc sùi sụt.

Một tướng cướp mà cũng biết khóc, lại khóc trước mặt một người lạ. Quả là chuyện dị thường. Luật sư Bình ngừng nói, cố nhìn hắn kinh ngạc.

Đột nhiên, hắn đứng bật dậy, đôi mắt ướt đỏ ngầu long sòng sọc, quát lớn:

- Đi ra! Ông đến đây để cứu tôi? Hừ, chính ông đã xô tôi vào chỗ nầy, rồi bây giờ ông giả bộ cứu vớt cái gì?...

Luật sư Bình hoảng hốt lùi lại. Hắn tiếp:

- Ông lấy làm lạ? Ông bảo tôi nói điên? Không, ông hãy nhìn kỹ vào mặt tôi và xem đây!

Hắn đưa cao cánh tay phải để trần:

Một vết sẹo to nằm vắt ngang bắp thịt. Vị luật sư vụt rú lên:

- Trời! Minh!

- Ông Lộc, thế ra ông vẫn còn nhớ tôi sao?

Lộc, phải, luật sư Bình có tên gọi ngoài là Lộc. Và ông ta chính là anh ruột của Tư Búa, tức Minh. Ông ta nhận được em dễ dàng là nhờ vết sẹo trên tay hắn. Ngày xưa trong một lần gây gổ, ông đã xô hắn té sấp vào đá, tạo nên vết sẹo kia.

Qua giây cảm xúc, luật sư Bình bước lại gần ôm chầm lấy Tư Búa, nghẹn ngào thốt;

- Minh, xin chú tha tội cho tôi! Bao năm qua – tôi đã bị hối hận giày vò nhiều lắm rồi. Từ vụ ăn cắp tiền của ba hồi nhỏ, tôi đã đẩy chú vào bóng tối. Tôi là kẻ có tội nặng nhất. Lớn lên tôi mới biết vậy. Nhưng ăn năn thì đã muộn, tôi không còn tìm thấy chú đâu để xin lỗi chú, kéo chú về con đường sáng. Vì hối hận mà tôi đã chọn nghề luật sư để bào chữa cho những người như chú vậy. Và không ngờ anh em ta lại gặp nhau… Chú Minh, chú tha tội cho tôi chớ?

Tư Búa lại rưng rưng nước mắt. Nhưng lần nầy hắn không khóc vì đau đớn buồn tủi. Trái lại, hắn vừa nghe một luồng gió mát thổi nhẹ trong lòng. Hắn cất giọng run run cảm động nói:

- Anh Lộc, từ giây phút nầy tôi không còn phiền giận gì anh nữa!

NGUYỄN VĂN NGHỆ

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 45, ra ngày 15-5-1966)

Lần Vào Bóng Tối (I) - NGUYỄN VĂN NGHỆ

1. – LẦN VÀO BÓNG TỐI

Nép người sau một gốc me to lớn, Tư Búa đưa đôi mắt cú vọ quan sát xung quanh. Bấy giờ vào khoảng nửa đêm, trời tối mù. Con đường nhỏ chạy ngang qua đây vốn đã im vắng càng thêm im vắng. Hai bên nhà đã đóng cửa, không một bóng người. Tư Búa để ý đến ngôi nhà lầu trước mặt mình nhiều nhứt. À, nó cũng im lìm. Chắc mọi người trong nhà đều say ngủ, thật là thuận tiện để hành động! Tư Búa nghĩ vậy và tiến lại phía hàng rào sắt, leo vào trong. Đoạn, hắn lần theo các bụi kiểng, băng qua cái sân rộng đến sát nhà. Hắn đi quanh một vòng, đôi khi vỗ nhẹ vào vách rồi áp tai nghe ngóng. Ngôi nhà vẫn lặng lẽ, mọi cửa đều đóng kín, không thấy một tia sáng lóe ra, không nghe một tiếng động. Tất cả mọi vật chìm trong bóng tối. Chẳng có gì đáng ngại cả.

Thăm dò xong, Tư Búa lại trở ra phía trước ngôi nhà lầu. Hắn đưa mắt nhìn lên sân thượng, đứng lặng một lúc lâu. Chẳng phải hắn suy tính, tìm mưu chước chi. Công việc đó không phải đợi đến giờ mới nghĩ tới. Thật ra, trước khi đến “thăm” ngôi nhà nầy, Tư Búa đã vạch sẵn một chương trình hành động thật hoàn hảo rồi. Phải tính trước, cũng như phải biết rõ những điều kiện thuận lợi hắn mới dám ra tay chứ. Nhưng những điều thuận lợi cho Tư Búa là gì? Nguyên hắn đã dò biết được gia đình giàu có nầy gồm hai ông bà, bốn đứa con. Hôm nay tụi con lại kéo nhau đi cắm trại, hay đi chơi đâu đó. Điều đáng mừng thầm là chúng còn dắt cả con chó hung dữ ở nhà đi theo nữa. Thế là trong nhà chỉ còn hai ông bà nọ, chị bếp, anh tài xế, quả là điều kiện thuận lợi để Tư Búa thực hiện những gì hắn vẫn hằng mong muốn mỗi khi đi ngang qua đây vậy… Tư Búa đứng im một chốc là để soát lại các việc định làm. Liền đó hắn đem cái túi vải to vẫn mang trên vai xuống. Trong túi một cuộn dây luộc, một con dao, một xâu chìa khóa đủ cỡ, đủ loại. Hắn lôi sợi dây ra ngoài. Sợi dây nầy khá dài, hơi nhỏ nhưng hẳn là chắc lắm. Đầu dây có buộc một móc sắt được quấn vải vẩn thận để tránh tiếng vang khi va chạm. Cầm một đầu dây, Tư Búa quăng mạnh đầu có móc sắt kia lên. Như một con rắn biết bay, sợi dây rời tay hắn phóng lên cao, cái móc sắt mắc ngay vào thành bao lơn sắt trên sân thượng. Giật giật sợi dây, biết chắc nó khó sút, Tư Búa mang túi, phăng dây leo lên. Chẳng mấy chốc hắn đã đứng vững trên sân thượng. Tháo sợi dây cho vào túi lại, hắn bước về phía cửa lầu. Mặt tiền của lầu có những khung cửa kiếng hắn chỉ cần lấy dao cắt kiếng khoét một lỗ, chui vào trong, như đã định. Nhưng vừa tính lấy đồ nghề ra, chợt nhìn chếch sang mé bên trái, hắn ngạc nhiên suýt kêu ồ lên: Kìa, ở một khung cửa phía đó có một lỗ hổng khá lớn! Bước lại gần xem xét, hắn càng kinh ngạc hơn: Lỗ hổng đó không phải vì kiếng vỡ tự nhiên, mà rõ ràng là do kiếng bị cắt mất một khoảnh. Ai tạo ra lỗ hổng nầy? Để làm gì chớ? Không lẽ chủ nhà làm thế để rước trộm vào? Tư Búa tự đặt nhiều câu hỏi, và không biết trả lời sao cho đúng. Ồ, nhưng hơi đâu băn khoăn vơ vẩn. Đã có ngõ vào sẵn, đỡ mất thời giờ khoét cửa, còn đợi gì không chui vào trong? Nghĩ thế, hắn ghé nhìn vào lầu quan sát. Bên trong tối đen, chẳng nghe động tịnh gì. Hắn yên lòng luồn người theo lỗ hổng của khung cửa nọ chui vào, nhẹ nhàng không một tiếng vang. Đứng im một lúc cho mắt quen với bóng tối, hắn tiến lại bên cửa cái của lầu. Hắn phải mở hờ cửa nầy để lúc ra dễ dàng, hoặc khi có động thoát cho nhanh. Vào được bên trong rồi thì mở cửa nào lại không được? Hắn loay hoay tìm chốt cửa. Tìm được, hắn lại thêm một phen sửng sốt. Quái! Có chuyện kỳ lạ thế à? Chốt cửa đã được ai mở ra rồi đây. Nghĩa là hắn chỉ cần kéo nhẹ, cánh cửa cũng bật mở ra liền. Bỗng hắn lùi lại, ngó dáo dác. Phải chăng đây là một trò đùa của chủ nhà? Người ta dọn đường cho hắn vào để tóm cổ? Hắn rùng mình sợ hãi với ý nghĩ đó, và sửa soạn một cử chỉ sẵn sàng thoát thân.

Song, một phút, rồi hai phút… vẫn không thấy chi hết. Hắn thở phào nhẹ nhõm, rồi lại bảo thầm: Mình chỉ tưởng bậy. Làm sao họ biết được mình đến lúc nào mà bày chuyện ấy. Đây có lẽ nhờ “Tổ” giúp mình cũng nên. Thôi tiếp tục công chuyện chớ, chẳng lẽ tốn công rình rập nhiều ngày, đến khi vào được nơi đây mình lại bỏ dở hay sao?

Đã vững dạ, Tư Búa lần theo vách tường đi tìm chỗ để bạc, hoặc nơi cất đồ quí giá trong nhà. Hắn bước rón rén, di động êm ru như một cái bóng. Hắn lùng khắp lầu, song chỉ thấy toàn những phòng trống với những kệ sách, những nhạc cụ vứt bừa bãi. Hình như trên lầu nầy dành riêng cho các cô cậu con chủ nhân, chẳng có vật gì đáng để ý. Muốn tìm ra các món hắn phải mò xuống dưới mới được. Lập tức hắn tiến lại cầu thang dò từng nấc đi xuống.

Xuống tới dưới, Tư Búa đứng im một chỗ trong góc tối, lắng tai nghe ngóng cẩn thận. Ở đây không hoàn toàn vắng lặng như trên lầu. Hắn nghe rõ tiếng đồng hồ “tích tắc” khô khan, tiếng ngáy vang đều từ một căn phòng. Được một chốc, hắn rời chỗ ẩn tạm, bắt đầu sục sạo.

Nhưng, đi chưa được mấy bước, vừa vượt qua một góc tường, thình lình Tư Búa chạm phải một người tiến ngược chiều. Cả hai đâm sầm vào nhau và đồng kêu lên kinh ngạc, hoảng hốt:

- Ý!

- Ái!

Kinh ngạc có lẽ là phần người kia. Còn hoảng hốt thì Tư Búa vậy. Hắn than thầm: Chết rồi! Chắc thằng cha chủ nhà đây! Thằng chả đi đâu mà không đèn không đuốc, làm mình không thấy đụng đầu vầy nè? Xui quá! Thôi chạy! Nhanh như cắt hắn phóng mình về phía cầu thang. Hắn cứ tưởng ngay sau đó, người nọ sẽ hô hoán lên, báo động. Nào ngờ y nín thinh, và lạ thay, cũng lật đật chạy lên cầu thang để rút lẹ lên lầu như hắn! Hai người cùng phóng nhào về một chỗ, nên phải đâm nhau một lần nữa. Lần nầy sự va chạm mạnh hơn trước nhiều. Cả hai cùng thấy đau điếng, ngã bật ra. Khổ làm sao, Tư Búa còn đụng nhằm một cái ghế đặt gần đó, làm nó ngã theo, gây một tiếng động thật lớn, vang rõ trong đêm khuya. Tiếng động làm mọi người trong nhà chợt thức. Tư Búa nghe có tiếng hỏi to:

- Cái gì vậy? Ai làm cái gì vậy?

Rồi lại có tiếng bước chân đi đến gần. Bóng đen vừa chạm với Tư Búa vụt chỗi dậy, leo gấp rút lên cầu thang. Tư Búa cũng không chậm trễ chạy theo bén gót. Ngay lúc ấy, có tiếng quát ầm bên dưới:

- Ăn trộm! Bớ làng xóm ăn trộm!

- Đâu? Đâu?

Vừa chạy, Tư Búa vừa hỏi người phía trước:

- Nầy… nầy bạn, thế ra bạn cũng là…

Không chậm bước, y đáp cộc lốc:

- Ừ.

- Vậy mà tôi tưởng bạn là…

- Tôi cũng vậy.

Tuy không nói rõ, nhưng cả hai đã thông cảm nhau lắm. Thì ra, bạn là kẻ trộm, tôi cũng là thằng khoét vách. Hai đứa gặp nhau, đứa nầy cứ ngỡ đứa kia là chủ nhà, thế mới sanh chuyện! Tư Búa đã hiểu vì sao khung cửa trên lầu bị cắt, cửa lầu bị mở sẵn. Có gì lạ, chính tên trộm kia vào trước hắn đã tạo ra thế.

Đến cửa lầu, Tư Búa hỏi:

- Ra bằng lối nào?

- Theo tôi.

Tên nọ bảo, và mở tung cửa chạy ra ngoài, leo tuốt lên mái ngói. Tư Búa làm theo. Hắn không thoát bằng cách lên lầu lúc nầy được, vì túi đồ nghề đã đánh rơi trong lúc ngã. Lên được trên mái rồi, tên trộm dẫn đường bò lần sang mé bên phải. Ở đó có một nhánh cây khá lớn đong đưa sát mái nhà, làm cây cầu cho y chuyền qua thân chính, tụt xuống đất. Tư Búa bắt chước ngay. Thế là cả hai sắp thoát nạn. Tên nọ nhảy xuống trước, Tư Búa chưa kịp nhảy theo, chợt nghe y kêu rú lên đau đớn. Đồng thời một giọng cười đắc thắng vang lên:

- Ha ha!... Tao biết lắm mà, thế nào mầy cũng ra ngõ nầy… Ông Ba ơi, hãy ra coi ăn trộm, tôi hạ nó rồi nè!

Trong nhà có tiếng hỏi vọng ra:

- Chú Năm tài xế đó hả? Ờ, để tui ra ngay.

Tư Búa vội thu mình, ngồi im sau một chòm lá, cúi nhìn. Hắn thấy tên trộm kia lăn lộn dưới đất. Cạnh đó, một bóng người đứng chống nạnh, một tay xách khúc cây to… Bây giờ hắn tính sao đây? Hình như người nọ không có biết còn hắn ở trên cây nữa. Hắn cứ việc ngồi yên, đợi người ta bắt dẫn tên trộm kia đi, rồi sẽ xuống chăng? Không, hắn phải cứu tên nọ mới được. Vả lại, trên nầy không phải là một chỗ ẩn tốt, người ta có thể bất chợt nhìn lên, và bắt gặp hắn liền. Suy tính xong, Tư Búa đạp mạnh vào nhánh cây dưới chân, buông mình xuống. Đã nhắm kỹ cả thân hình hắn, với cặp chân xuống trước rớt ngay lên mình người cầm cây. Chỉ nghe “hự” một tiếng, người nầy té quỵ, nằm im. Tư Búa đứng lên bảo tên “đồng nghiệp”:

- Ê, chạy chứ bạn!

Y rên rỉ:

- Tôi không đi nổi. Nó quất cho một gậy vào chân đau muốn chết đây.

- Hừ. Thôi để tôi cõng cho, trốn mau, chậm lụt có đường vào khám.

Tư Búa bảo, và kê vai cõng tên nọ chạy đi. Hắn vừa thoát khỏi rào thì bên trong chủ nhà la hoảng:

- Ối trời! Chú Năm sao thế nầy?

Hắn càng gia chân bước vội.

Đến đầu đường, cách chỗ “làm ăn” khá xa, Tư Búa không còn lo sợ nữa. Hắn đi chậm lại, vì bắt đầu thấy nặng nhọc bởi xác người trên lưng mình. Bỗng hắn nghe có tiếng quát:

- Ê, đứng lại, anh kia!

Hắn bủn rủn cả tay chân, đứng dừng lại. Một thầy cảnh sát cỡi xe đạp từ từ chạy đến, hất hàm hỏi:

- Nửa đêm cõng ai đi đâu vậy?

Cố lấy giọng bình tĩnh, Tư Búa đáp:

- Dạ, anh bạn tôi lỡ uống rượu say quá đi không nổi nên tôi phải cõng đưa về nhà.

Lanh trí, tên trộm nằm trên lưng hắn giả giọng lè nhè hỏi:

- Sao, anh bảo tôi say hả?... Tôi đâu có say…

Thầy cảnh sát bật cười:

- Thôi đi đi. Mấy anh thiệt, coi chừng có ngày chết vì rượu!

2. – NGUYÊN NHÂN

Minh vừa bước ra sân, các anh em của nó đang chơi đùa vui vẻ đều ngưng hắn lại. Cố nở một nụ cười thật tươi, nó nói:

- Anh Lộc cho tôi chơi với! Oanh, Dũng, Cường cho tao chơi với nhen!

Mấy đứa nhỏ không nói gì. Còn thằng Lộc cau có bảo:

- Không, nhứt định không cho mầy chơi. Đi chỗ khác!

Thấy Minh xịu mặt xuống trông thật đáng thương, con Oanh nói:

- Thôi anh Lộc, ảnh biết lỗi rồi, cho ảnh chơi đi.

Lộc cương quyết lắc đầu:

- Không được. Đứa nào chơi với nó thì cũng xấu như nó, cũng bị ghét bỏ như nó vậy.

Minh vụt nổi giận:

- Tôi làm sao mà xấu?

- Mầy còn hỏi nữa à? Ăn cắp không xấu sao?

- Chính anh đã…

- Thôi im, tao hỏng nói chuyện nhiều với mầy.

Lộc mắng át, và quay bảo đám em nhỏ:

- Tụi mình đi tìm nơi khác chơi, đừng thèm gần cái thứ ăn cắp.

Cả bọn kéo đi, bỏ một mình Minh đứng đấy. Nó nhìn theo thằng Lộc mím môi căm tức. Buồn quá nó ra ngồi ngoài cửa rào, ngó mông lung. Khổ lắm, đã mấy hôm nó bị mọi người trong nhà đối xử như một kẻ trọng tội, đáng khinh. Nó là một đứa con sinh khó. Má nó đã suýt chết vì nó. Sẵn ghét nó rồi, bây giờ má nó càng ghét nó hơn. Ba nó cũng vậy. Tủi hổ nhứt là anh chị em nó cũng xa lánh, hất hủi nó nữa. Cái tội ăn cắp tiền của ba nó quả là nặng lắm, nhưng với một trận đòn nên thân không đủ phạt nó rồi sao? Vả lại cái chuyện xấu xa kia phải đâu tự nhiên nó làm. Chính thằng Lộc – anh nó – đã xúi nó mà nào ai có biết cho.

Nguyên hôm trước Minh đang ngồi nghịch mấy con dế ngoài phòng khách thì anh nó khều lại chỗ vắng, hỏi:

- Nầy, mầy muốn có tiền xài chơi không?

Chà, tiền ai lại không muốn. Có tiền là có tất cả những gì mình ước ao. Nó gật đầu:

- Nhưng anh hỏi chi vậy?

- Tao thấy má bỏ quên xâu chìa khóa trong buồng, mầy lấy nó mở tủ tiền kiếm vài chục tụi mình chia ăn bánh.

Minh rùng vai, thè lưỡi:

- Tôi không dám đâu, má bắt được thì chết!

- Chớ sợ, có tao canh cửa buồng.

Minh cúi đầu, di di ngón chân trên cát, ra dáng suy nghĩ. Im lặng một chốc, Lộc hỏi:

- Sao mậy?

Minh ngẩng lên:

- Mà anh coi chừng má cho kỹ nha?

- Đừng lo chuyện đó.

Hai anh em dắt nhau vào phòng ngủ.

Đến cửa buồng, Lộc bảo khẽ:

- Xâu chìa khóa trên bàn kìa, làm lẹ lên!

Minh tiến vào, nhặt xâu chìa khóa, bước lại tủ bạc run run mở cửa. Tim nó đập thình thịch. Trong thâm tâm nó biết làm thế nầy là xấu lắm, vậy mà nó cứ làm. Trước tiên vì nó muốn lấy lòng anh. Lâu nay thằng Lộc vẫn hay bắt nạt nó. Bây giờ nó làm vừa ý thằng nầy, xem thằng nầy có đổi thái độ chăng. Hai nữa, các thức bánh kẹo, các món đồ chơi cũng gợi lòng ham muốn của nó nhiều.

Minh đã mở được cái tủ, thò đầu vào. Tủ có nhiều ngăn quá, biết chỗ nào cất tiền đây? Nó đang loay hoay, bỗng:

- Thôi hết chỗ nói! Minh, tao thật không ngờ!

Đứng gác trước cửa buồng, Lộc nghe rõ tiếng má nó quát. Biết đã lộ chuyện, nó co giò chạy mất. Bên trong, thằng Minh khụy xuống, sợ hãi đến tột độ.

Đã có thằng Lộc canh chừng, sao còn xảy ra chuyện đáng tiếc thế? Ấy bởi hai đứa chỉ để ý đến cửa ra vào, mà quên phức cái cửa sổ buồng ngó ra sân. Má chúng nó đã tình cờ đi ngang qua đó, nhìn vào, và bắt gặp quả tang thằng Minh đang trổ tài… ăn cắp.

Dĩ nhiên sau đó Minh phải chịu một trận đòn đích đáng. Phần thằng Lộc bỏ đi một lúc lâu mới về. Nó giả vờ như không hay biết chi cả. Và nếu thằng Minh khai là do nó xúi làm bậy, thì nó đã có cớ để trả lời: Tự nãy giờ nó có ở nhà đâu mà bảo nó nhúng tay vào vụ nầy. Thằng Minh chỉ khai ẩu để chạy tội thôi. Nhưng, nó đề phòng cũng thừa. Em nó cắn răng chịu đòn mà không khai chi hết. Thằng nhỏ tưởng làm vậy khiến anh nó biết ơn quí mến nó hơn. Dè đâu, trái lại, thằng Lộc sợ sự thật bị lộ ra nên còn tìm cách làm cho mọi người trong nhà ghét bỏ lạnh nhạt với nó nhiều hơn nữa. Có như vậy nó mới không có dịp nói rõ điều gì với ai chớ…

Thấy Minh ngồi rầu rĩ bên rào, một đứa bé vẻ mặt tinh ranh đi ngang đấy dừng lại hỏi:

- Ê, ngồi làm gì đó bồ? Đi chơi?

Nhận ra thằng Hậu, dân trong xóm, Minh quay lại, hỏi:

- Chơi cái gì?

- Chưa biết. Nhưng bồ cứ theo tôi, mình đi tìm vài “mạng” nữa rồi thế nào cũng có trò vui hà. Đi hôn?

Minh đứng lên: Ờ, thử đi theo thằng nầy xem. Bọn anh em mình nhất định không chơi với mình thì mình tìm chơi với những đứa khác vậy. Minh có ế bạn đâu?

Từ trước đến giờ, Minh chưa hề theo chơi với bọn trẻ trong xóm vì xem ra chúng không hợp tánh ý mình. Nay có chuyện buồn mới đi phá lệ.

Và rồi, Minh không ngờ đi theo bọn thằng Hậu là một điều hay. Nó được dự nhiều trò chơi do đám bạn tổ chức, thật vui vẻ, mặc tình đùa giỡn. Hôm ấy nó về ăn cơm trễ, với nét mặt khinh khỉnh, bất cần sự thân mật của anh em.

Từ đó, Minh thường hay bỏ nhà đi chơi với chúng bạn. Gia đình đã không có cảm tình với nó thì nó cũng không thích gì gia đình. Trừ những bữa cơm, ít khi thấy mặt nó ở nhà. Mà cũng chẳng ai buồn hỏi tới nó, hoặc có hỏi thì thế nào cũng kèm theo những lời rầy mắng la ó khiến nó chán ngán thêm. Nó càng đi chơi nhiều thì tánh tình càng thay đổi nhiều: hỗn láo, dữ tợn, xấu xa gấp bội. Bởi lẽ, tụi bạn nó không chỉ bày cho nó những trò vui mà còn dạy cho cả những thói xấu: đánh lộn, ăn cắp vặt, khuấy phá người… đủ thứ. Mỗi lần bị người mắng vốn, ba má nó lôi đầu nó về đánh chẳng nương tay. Song, nó chỉ sợ hãi trong chốc lát rồi chứng nào tật nấy, còn sinh ra liều lĩnh hơn. Bản tính nó như vậy, không thích ai đối xử mạnh bạo với mình. Càng mạnh bạo với nó, nó càng làm quấy nhiều, để tỏ sự phản đối, dạ gan lì. Ba má nó chẳng rõ thế, nên phải lầm to trong công việc dạy bảo nó vậy.

Rồi một hôm, nghe lời xúi dục của bạn bè, Minh lén đánh cắp của ba má nó một số bạc lớn, bỏ trốn đi ăn xài một phen cho thỏa thích. Ba má nó tức giận đăng báo từ nó luôn.. Thế là nó trở thành một đứa trẻ hoang.

Ở không xài phí mãi rồi tiền cũng hết, Minh phải ăn nhờ ở đậu nơi nhà người ta. Những kẻ chứa nó tất nhiên không thuộc hạng tốt. Họ bắt nó làm những chuyện xằng bậy như họ. Họ dắt dẫn nó đi sâu vào con đường tội lỗi. Nó lớn dần lên trong bóng tối. Và, cho đến một ngày kia, nó trở thành một tên trộm lành nghề. Khó ai biết được dĩ vãng của nó, vì con người nó thay đổi, tên nó cũng đổi. Cái tên Minh đẹp đẽ quá, tươi sáng quá không hợp với hiện tại của nó chút nào. Nó chọn một tên khác biểu hiện cho cuộc sống bất lương: Tư Búa!...

Kể đến đây Tư Búa rút lấy điếu thuốc cuối cùng trong cái bao giấy, bật quẹt hút. Khói thuốc bay tỏa, như niềm đau tỏa rộng trong lòng hắn. Ngôi nhà thấp lè tè, tranh tối tranh sáng khiến nét buồn trên mặt hắn càng thêm sâu đậm. Gã trẻ tuổi nằm nghe chuyện trên bộ vạc kế bên cũng lặng thinh, ngửa mặt nhìn lên mái lá, trầm tư theo dõi một con nhện giăng tơ.

Đêm qua, sau khi trộm hụt và suýt bị nguy ở ngôi nhà nọ, Tư Búa đã cõng tên trộm bị thương về nơi trú ngụ của mình, băng bó cho y. Tuy chưa hề quen biết, song cùng cảnh ngộ, tự nhiên cả hai thấy mến nhau nhiều, như đã thân từ trước. Vết thương của tên trộm trẻ tuổi kia không nặng lắm, song đi đứng thật khó khăn. Tư Búa đã mời y ở lại tĩnh dưỡng vài ngày, và y đã bằng lòng, sau khi hết lời cảm tạ. Chiều nay Tư Búa bắc ghế ngồi bên gã bạn mới, thân mật chuyện trò. Hắn đã kể rõ những kỷ niệm buồn vui trong đời và cả những nguyên nhân đưa hắn vào “nghề” như trên.

Im lặng mãi cũng khó chịu, Tư Búa rít một hơi thuốc thật dài, quay hỏi tên trẻ:

- Rắc, còn mầy, trông mầy bảnh trai quá, sao lại…

Rắc – tên gã nọ – mỉm cười:

-Tôi thì trái hẳn anh. Vì được mẹ nuông chiều quá mà tôi hư đốn. Chắc anh cũng đoán biết, tôi là một thằng con lai. Tôi không thấy mặt cha tôi ra sao, chỉ biết có mẹ. Mẹ tôi thương tôi, nhưng thương một cách mù quáng. Bà chỉ nghĩ đến tôi, không cần biết phải quấy gì cả – Phải thành thật mà nói như thế – Thường thường tôi đi chơi với chúng bạn có phá phách ai bị họ mách lại, mẹ tôi chẳng những không rầy tôi lời nào còn bênh vực mắng át lại người ta. Điều đó khuyến khích tôi làm bậy nhiều hơn. Kết quả là đến ngày nay…

- Hiện giờ bà già ở đâu?

- Mẹ tôi hiện sống dưới tỉnh, và cứ ngỡ tôi lên đô thành làm việc xưởng, như tôi đã nói dối với bà!

Trầm ngâm giây lát, Tư Búa bảo:

- Nên làm ăn đàng hoàng lại Rắc à. Nếu mầy cứ tiếp tục con đường nầy thì khó sống. Đây là một lời khuyên thành thật, mầy hãy nghe tao!

Rắc nhìn hắn:

- Tôi đang tính như vậy. Còn anh, cũng bỏ “nghề” chớ?

Tư Búa lắc đầu:

- Phải trước kia tao sớm thức tỉnh, hay được ai khuyên bảo như mầy thì hay biết mấy! Bây giờ thì trễ lắm rồi. Tao có muốn tìm việc làm chánh đáng cũng không xong. Người ta sẽ xét lai lịch tao, và với những tiền án tao sẽ bị bỏ tù rục xương, Rắc à!

Ngừng một chốc, hắn tiếp:

- Nếu mầy trông gương tao mà tránh, thì tương lai của mầy sẽ sáng lạng. Đừng như tao, ngày mai…

Vất tàn thuốc vào góc nhà, hắn mỉm cười cay đắng:

- Ngày mai… không biết sao mà nói!...
____________________________________________________________________________

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 44, ra ngày 1-5-1966)

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Bức Thư Mất Trộm (VI) - THU AN

Tôi ngồi lại với ông ta thật lâu, bàn cãi với ông ta về một vấn đề mà tôi biết ông ta rất thích nghe, trong khi đó tôi chú ý không ngừng tới bức thư kia. Tôi còn suy nghĩ thêm về cái bề ngoài của nó và tôi còn nhận thấy một điều khiến tôi hết cả mọi ngờ vực : Bức thư ấy có vẻ sờn rách một cách khác thường. Bao thư làm bằng giấy cứng và trông rõ là nó đã được lộn lại, mặt trái sang mặt phải, như một chiếc găng tay, rồi được dán lại và đề chữ bên trên lại. Điều đó đủ cho tôi chắc như đinh đóng cột đó là bức thư mình đang cần tìm. Tôi bèn đứng lên chào ông ta để về, cố ý để quên lại cái hộp đựng thuốc là bằng vàng trên mặt bàn của ông ta.

Sáng hôm sau, tôi đến để lấy cái hộp đựng thuốc lá, và hai chúng tôi lại nói tiếp câu chuyện bữa qua một cách rất hăng hái. Nhưng, trong lúc đang tranh luận, ở dưới cửa sổ bỗng nghe một tiếng nổ rất lớn, như tiếng súng lục, và tiếp theo sau là tiếng người la hét om sòm vì sợ hãi. D vội chạy ra cửa sổ xem chuyện gì. Ngay lúc đó, tôi đi đến ngay chỗ cái giá đựng hồ sơ, cầm lấy bức thư ở đó, cất vào túi và lấy từ túi tôi ra một bức thư khác trông bề ngoài cũng giống vậy, đặt thế vào đó, bức thư này tôi đã sửa soạn kỹ lưỡng từ trước ở nhà và cũng làm giả dấu xi bằng ruột bánh mì nhuộm mực đen.

Tiếng động dưới cửa sổ chỉ là trò nổi hứng bất tử của một người mang súng. Hắn ta đã bắn chơi ngay giữa đám đông đàn bà và trẻ con, nhưng súng hắn ta không để đạn thật, mà chỉ là đạn mã tử nên người ta cho hắn là một tên say và không ai bắt giữ hắn cả. Khi hắn đã đi rồi, D từ cửa sổ quay trở lại. Tôi cũng quay vào theo – vì sau khi tráo được bức thư, tôi cũng chạy đến cửa sổ ngay – Một lát sau, tôi chào ông ta ra về. Cái người giả bộ điên bắn súng dưới cửa sổ đó cũng chính là do tôi đã mướn để hắn làm như vậy.

Tôi hỏi:

- Nhưng vì lẽ gì mà anh lại phải thay thế bức thư bằng một bức giả mạo? Sao anh không lượm lấy ngay bức thư kia từ chuyến đi thăm đầu tiên có phải là giản dị hơn không?

Đỗ Văn trả lời:

- D là người có thể làm bất cứ chuyện gì, hơn nữa, hắn lại khỏe mạnh. Ngoài ra, hắn còn có trong nhà nhiều tên hầu trung tín. Nếu tôi liều lĩnh mà làm như điều anh vừa mới nói, thì không dễ gì sống sót mà ra khỏi nhà hắn được. Dân Ba Lê sẽ không còn ai nghe nói tới tôi nữa. Nhưng, ngoài vấn đề đó ra, tôi còn một mục đích khác nữa. Anh cũng biết khuynh hướng chính trị của tôi rồi chứ gì? Trong vụ này, tôi tán đồng bà kia. Từ mười tám tháng nay tên bộ trưởng gây áp lực với bà ta. Bây giờ đến lượt bà ấy nắm trong tay số phận của hắn, vì hắn không biết rằng đã mất bức thư đó rồi, và thế nào hắn cũng sẽ tiếp tục hăm dọa bà ấy như trước. Bà ta sẽ lợi dụng chuyện đó cho hắn chết vì lúc phát giác ra là mất bức thư, hắn đã vỡ mặt. Hắn sẽ tuột dù một cách lố bịch : Người ta nói lên thì dễ, xuống mới khó. Trong trường hợp này, tôi không có cảm tình hoặc thương hại D chút nào, vì hắn là một người tài giỏi nhưng vô lương tâm. Tuy vậy, tôi cũng rất muốn biết hắn sẽ nghĩ gì khi bị bà kia thách đố và hắn phải mở bức thư của tôi để lại cho hắn ra xem.

- Sao, bộ anh có viết gì cho hắn trong ấy ư?

- Chứ sao! Tôi cũng có thể chỉ để một tờ giấy trắng thôi, như là chửi vào mặt hắn ta. Nhưng, lần trước, ở thủ đô Áo Quốc, đã có lần hắn chơi tôi một vố cay chua, và tôi đã cười cợt nói với hắn rằng tôi sẽ nhớ chuyện đó. Vì vậy nhân dịp này, tất hắn sẽ tò mò muốn biết ai đã chơi xỏ hắn, tôi nghĩ là nên để lại một dấu hiệu nào đó cho hắn. Vì hắn biết nét chữ của tôi rồi, tôi chỉ cần viết giữa trang giấy hai hàng chữ:

Giết nhau chẳng cái lưu cầu (1)

Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?


THU AN

----------------
(1) Lưu cầu : thanh gươm nạm ngọc

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 109, ra ngày 5-10-1973)

Bức Thư Mất Trộm (V) - THU AN

- Anh lầm rồi đấy. Tôi biết hắn ta rõ lắm, hắn ta vừa là nhà thơ, vừa là nhà toán học. Vì là thi sĩ và nhà toán học, nên hắn phải lập luận đúng, chứ nếu chỉ là nhà toán học không thôi thì chắc hắn sẽ không lý luận gì hết, thế là hắn phải chịu thua viên cảnh sát trưởng.

Tôi nói:

- Ý kiến của anh như vậy thì thật là làm tôi phải ngạc nhiên, vì nó trái với tất cả mọi người. Chắc anh không định vứt vào sọt rác ý kiến mà hàng bao nhiêu thế kỷ người ta vẫn nuôi nấng, là lý luận của các nhà toán học phải là tuyệt hảo chứ?

Đỗ Văn trả lời:

- Ta có thể đoan chắc rằng tất cả những ý tưởng của quần chúng, những công lệ đều là vớ vẩn, vì chúng thích hợp với quá nhiều người, nghĩa là chúng tầm thường không đáng kể. Các nhà toán học lại còn cố gắng tuyên truyền thêm cho quần chúng tin tưởng một cách lầm lẫn như vậy nữa, và dẫu rằng người ta tưởng là đúng, nó vẫn hoàn toàn sai lầm. Giả tỉ như ngay trong toán học, còn có nhiều danh từ được dùng sai chỗ nữa, còn nói chi. Vậy không thể bảo rằng hễ cứ học toán là lý luận đúng được. Chẳng cần nói đâu xa, nói về hóa học thôi, cộng hai chất lại thì hai chất tổng hợp không giống như tổng số hai chất để riêng ra. Về vật lý, hai động cơ nếu ghép chung với nhau thì chưa chắc rằng công suất của chúng đã bằng tổng số của hai công suất lúc để chúng riêng v.v… Có rất nhiều điều như vậy, toán học chỉ đúng một cách tương đối mà thôi.

Ngừng một chút, Đỗ Văn tiếp:

- Tôi muốn nói rằng, nếu tên bộ trưởng chỉ là một nhà toán học không thôi, thì ông cảnh sát trưởng khỏi cần phải đón hỏi ý kiến tôi làm gì, nhưng vì hắn ta vừa là nhà toán học vừa là thi sĩ nên khả năng của hắn mới xuất sắc hẳn. Tôi biết hắn là một tên nịnh thần và chuyên gây ra các vụ rắc rối. Tôi nghĩ rằng một người như vậy phải biết rành về các phương pháp của cảnh sát. Vậy tất nhiên hắn đã đề phòng sẵn những vụ lục soát người hắn và ta đã thấy điều đó được chứng nghiệm. Tôi cho là hắn cũng phải đề phòng những vụ khám nhà. Những vụ đi vắng nhà về đêm của hắn mà cảnh sát cho là may mắn để đưa đến thành công cho họ, thì tôi lại chỉ cho rằng đó là thủ đoạn của hắn. Cố ý để cảnh sát lục lọi và để họ tin tưởng rằng bức thư không có trong nhà tư của hắn mà thôi. Tôi cảm thấy hắn hiểu biết hết cái lối tìm kiếm của cảnh sát, vậy hắn không thể nào sử dụng một chỗ giấu tầm thường như vậy. Hắn ta phải hiểu rằng chỗ giấu càng phức tạp, càng kín đáo thì lại càng dễ bị cảnh sát dò ra, vậy hắn phải nhắm cái gì tầm thường, giản dị hơn hết mới đánh lừa được họ. Anh có nhớ hôm đầu tiên mà viên cảnh sát trưởng đến đây không, lúc tôi nói rằng có lẽ điều bí mật trở nên quá đỗi bí hiểm phải chăng chính là vì nó giản dị quá, và anh có nhớ ông ta đã phá ra cười như thế nào không?

Tôi nói:

- Có chứ, tôi nhớ rõ ông ta đã cười ngặt nghẽo. Tôi đã tưởng chừng như ông ta sắp khùng vì cười đấy.

Đỗ Văn tiếp:

- Tôi càng nghĩ về trường hợp của D, tôi càng cảm thấy rằng ông ta phải dùng tới cách giấu bức thư nào mà hết sức lạ lùng, cách giấu dễ thấy đến nỗi như là không cần phải giấu nữa – vì như anh biết, những người tìm kiếm chỉ hay đi tìm những chỗ bí ẩn hóc hiểm thôi, chứ nếu nó lồ lộ ra trước mắt thì lại gà mờ, không thấy được.

Với ý nghĩ đó, tôi đến thăm D với một cặp kính xanh trên mắt. Tôi gặp D đang ở nhà, vừa ngáp vặt, vừa dạo quanh quẩn và làm ra vẻ chán đời lắm. D có lẽ chính là hoạt động nhất lúc này đấy, nhưng ông ta không bao giờ muốn cho ai biết điều đó cả.

Để cho ông ta khỏi nghi ngờ, tôi giả tảng nói là mình bị đau mắt nên phải đeo kính màu, nhưng sau cặp kính, mắt tôi ngó nhìn cẩn thận khắp nơi trong căn phòng, trong lúc giả bộ rất chú ý vào câu chuyện đang nói với ông ta.

Tôi để ý nhất đến một cái bàn giấy thật rộng, trên đó đầy nhóc những thư từ và giấy tờ đủ loại, với vài nhạc cụ và vài cuốn sách. Ngắm kỹ một hồi không thấy có gì khác lạ đáng nghi cả. Sau khi đã nhìn hết lượt căn phòng, tôi trông thấy một cái túi đựng hồ sơ bằng da treo trên tường, có viền gỗ kiểu cọ chung quanh và treo bằng một sợi dây băng bẩn thỉu lên một cái đinh đồng, phía trên bậc lò sưởi. Cái túi đó có ba bốn ngăn, đựng dăm sáu tấm danh thiếp và trông có vẻ rất nhàu nát, bẩn thỉu. Nó gần như sắp rách ra ở ngay chỗ giữa, như là người ta đã định xé nó đi rồi lại thôi, như đó là một vật vô giá trị. Trên phong thư có gắn xi, và tên người gửi chính là gia đình họ D, nét chữ là tuồng chữ đàn bà rất tinh vi. Người ta liệng nó ở đó như tuồng khinh thường, trong một ngăn trên của túi đựng hồ sơ đó.

Vừa trông thấy bức thư đó là tôi biết ngay nó chính là vật mình muốn tìm. Tất nhiên bề ngoài trông nó khác hẳn với bức thư mà viên cảnh sát trưởng đã tả cho mình nghe hôm trước, vì bức thư kia, xi gắn nhỏ và màu đỏ, mang tên người gửi là gia đình S, còn bức thư này, xi lại màu đen và to tướng, người gửi lại họ D… Ở đây tuồng chữ viết trên bao thư nhỏ nhắn, do tay đàn bà viết, còn ở kia là một tuồng chữ cứng cáp, gửi cho nhân vật trong triều ; hai bức thư chỉ giống nhau có mỗi một điểm, đó là khuôn khổ của chúng bằng nhau. Nhưng chính vì sự khác nhau quá rõ rệt ấy của chúng, và bức thư lại quá đỗi bẩn thỉu, nhàu nát, trái với thói quen của D là người rất ngăn nắp, khiến cho tôi nghi ngờ D quả có ý định muốn đánh lạc hướng của những kẻ tò mò, bề ngoài làm như đó là một thứ tài liệu vô giá trị, và được đặt dưới mắt tất cả những ai ra vô đúng như điều tôi đã nghĩ là D sẽ phải sắp đặt như vậy, để không ai ngờ vực gì nữa cả.
________________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VI

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 108, ra ngày 21-9-1973)

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Chuyện Cái Vòi Voi - MINH QUÂN


Ngày xưa, loài Voi chưa có cái vòi. Cũng giống như loài Trâu, loài Bò, loài Ngựa, Voi chỉ có cái mũi nhô ra, phía trước bằng, hai lỗ mũi trống hốc, tuy không mấy xinh đẹp nhưng khá dễ coi.

Thuở ấy, trên quả đất, tận một vùng rừng sâu, mới xuất hiện có một gia đình Voi độc nhất : Voi cha, Voi mẹ và Voi con. Như tất cả các cậu bé tinh nghịch, Voi con luôn luôn làm phiền lòng cha mẹ. Voi con lại còn có một tính khác : tò mò! Thấy bất cứ cái gì hay, lạ, kỳ quái là hỏi và bắt cha mẹ phải giải thích mới thôi. Cha mẹ Voi đã bực mình không ít. Thậm chí có những điều không thấy, chỉ nghe người ta đồn đãi chú ta cũng đặt câu hỏi làm rối trí song thân! Mà những điều ấy nào có quan hệ chi đến giòng họ nhà Voi cho cam? Voi cha vẫn bảo:

- Rồi một ngày kia mày sẽ phải trả giá đắt về thói tò mò, con ạ!

Một hôm, Voi con đặt câu hỏi:

- Này bố, con muốn biết Cá Sấu nó ăn gì?

- Á, à! Lại giở trò! Cá Sấu nó ăn gì thì can gì đến mày, kia chứ? Đi chỗ khác chơi, tao không có thì giờ.

Voi con không bằng lòng, nếu bố nó đã không chịu cắt nghĩa thì còn có mẹ, nó quyết định hỏi mẹ. Mẹ Voi vẫn dễ dãi đối với con. Nhưng câu trả lời của mẹ nó thế này:

- Cá Sấu ăn gì mặc xác nó, can hệ gì đến con không? Đi chỗ khác chơi, đừng vẽ chuyện.

Voi con phụng phịu:

- Con muốn tìm hiểu, tìm hiểu có chi là xấu xa? Nếu mẹ cũng khắt khe như bố thì rồi đây con đến phải từ biệt mẹ mà đi, đi rõ xa…

- Ái chà! Mày lại giở trò dọa tao đấy phỏng? Muốn bỏ nhà đi phiêu lưu hẳn? Này con ơi! Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Loài người, người ta khôn ngoan lắm, người ta ví đâu đúng đấy, con mà cãi lời cha mẹ thì rồi chẳng ra gì. Phải lo học hành, trau dồi đức hạnh, không hay ho chi cái thói lang bạt kỳ hồ… Nói không nghe, tao mách bố mày, ông ấy nổi nóng lên, ông phết cho một trận bây giờ đấy, con ạ!

Voi con vẫn bướng bỉnh:

- Con có làm gì tội lỗi đâu? Bây giờ nhằm mùa hè, phải cho con nghỉ ngơi chứ? Lúc nào mẹ với bố cũng muốn thấy con cặm cụi học hành, chả mấy chốc mà mụ người đi! Loài người, người ta cũng có tục lệ nghỉ hè đấy, mẹ ạ!

Nghe con trai nói có lý quá, mẹ Voi đành chịu thua. Song bà vẫn ngại con mình trẻ người, non dạ, đi vớ vẩn, kết bạn với lũ hư thân mất nết. Bà dặn:

- Nhưng mà này, con tính đi những đâu? Kết bạn với những ai? Phải nói rõ, mẹ mới bằng lòng cho mày đi…

- Con có đi đâu bậy mà mẹ lo? Này nhé, trước tiên, con tìm gặp cô Đà Điểu, thứ đến con tìm cậu Sơn Dương, sau cùng con gặp dì Bói Cá. Mẹ thấy thế nào?

- Được! Được! Những kẻ mày định gặp toàn là hạng tốt, đáng tin cậy cả, chỉ duy có cô Đà Điểu hơi nóng tính một tị, song không sao, mẹ bằng lòng cho con đi gặp họ, nhưng nhớ phiên phiến mà về, nghe chửa? Đừng có la cà ở dọc đường đấy!

Voi con hý ha, hý hửng cúi đầu chào mẹ, hai vành tai quạt phần phật nom như hai cái lá sen gặp gió, ra đi.

Độ hai dặm đường, Voi con gặp ngay cô Đà Điểu. Sau khi cúi đầu thi lễ, Voi con vào đề ngay:

- Thưa cô, con muốn biết Cá Sấu nó ăn gì? Con đã hỏi mẹ con, con cũng đã hỏi bố con, song hai vị đều không biết, nên không ngại đường xa, lặn lội đến đây, xin cô cho biết.

Không may cho Voi con, Đà Điểu đang cơn nóng giận : Số là con trai bà cũng tinh nghịch không thua chi Voi con, nó vừa đặt câu hỏi : “Cá Thu ăn thứ gì?” Đà Điểu vốn tự trọng, cái gì biết thì nói biết, cái gì không biết thì nói không, xưa nay cô ta đã đặt chân xuống biển bao giờ đâu mà biết con cá Thu nó ăn gì? Thế nên, cô không thể làm hài lòng con trai, và cũng như Voi con, cậu bé cương quyết đi tìm hiểu một mình. Cô đang tức giận con trai, mà Voi con lại đến làm phiền, cũng bằng cách đặt câu hỏi, làm sao không cáu thêm? Ấy, thế là cô Đà Điểu nhà ta gắt nhặng lên:

- Nhãi con! Cá Sấu nó ăn gì mặc xác nó, can chi đến mày mà tìm hiểu. Cút xéo, không có, ta nổi giận lên ta đá cho mấy chiếc bây giờ!

- Cô như thế không tốt, thà cô cứ nói cô không biết, chứ cô nổi giận cái gì? Cháu có làm phiền, làm nhục cô đâu?

Đà Điểu đùng đùng cơn giận thêm lên:

- À! Oắt con lại lên mặt dạy ta cách cư xử ở đời phỏng? Này, ta phải cho mi biết thân, biết phận, oắt con!

Vừa nói, cô vừa đá vào mông Voi con dăm cái liên tiếp, làm cậu bé đau ê cả mông. Cậu kêu lên:

- Ái ui! Đau quá! Cô chơi xấu cháu về mách bố cho xem! Việc gì đến cô mà đánh người ta? Chả thèm cô cháu với nhà cô nữa!

Và Voi con co giò chạy biến. Sau đó, Voi con tìm đến Sơn Dương. Nó tin rằng cậu Sơn Dương với nó là chỗ đàn ông với nhau, cậu không có nổi nóng, nổi giận bất thường như phụ nữ. Nào ngờ đâu, cậu lại còn giận dữ hơn cả cô Đà Điểu. Mà nguyên do cũng lại bởi chú con trai : Chú muốn biết loài Mèo ăn thứ gì để sống? Chú hỏi cha, cha chú làm sao biết được tính nết loài Mèo? Ấy thế là chú bỏ nhà ra đi, không thèm xin phép chi cả.

Thoạt nghe Voi con hỏi, tức thì cậu Sơn Dương chĩa cái sừng nhọn hoắt, cong vòng ra mà dọa:

- Này, mày có muốn lủng ruột thì cứ lại đây! Ông thì cứ…

- Ơ hay! Ơ hay…

Voi con kinh ngạc, lùi lại giữ thế thủ và kêu lên như thế. Cậu Sơn Dương hét to bằng cái giọng ồm ồm:

- Chả hay dở gì tất, ta bảo mày có muốn lủng ruột thì cứ xông đến, còn khôn hồn thì xéo! Ta đang tức con ta, ta không muốn thấy mặt đứa ngu nào cả! Nghe chưa?

Voi hoảng hồn, chuồn gấp. Chạy một quãng xa, nó ngừng lại thở phì phò, vừa thở vừa rủa thầm bọn người lớn sao tai ác, bất công.

- Chú Voi con xinh đẹp kia, ai đuổi chú mà vội vã thế?

Voi con hấp him mắt ngẩng nhìn lên, thì ra dì Bói Cá đang đứng trên một cái cành thấp, cất giọng chào hỏi mình. Quên cả mệt, quên cả tức, Voi trình bày ngay điều muốn biết.

- Tưởng gì! Này, chú mày có thấy dòng nước ngầu đục kia không? Chú muốn biết Cá Sấu ăn gì thì hãy đến đó, cứ nhìn chăm chăm vào tảng đá sù sì mấp mé bên mé nước một lát là có thể biết Cá Sấu ăn gì ngay. Nhưng nhớ : đừng sai lời ta, chớ dại mà bước lên tảng đá, nguy hiểm lắm, nghe chưa?

- Cảm ơn dì, cảm ơn dì lắm! Con không làm sai lời dì đâu, con xin nghe!

Thế là phe phẩy đôi vành tai như hai cái lá sen, hấp him đôi mắt, Voi ta lò dò tiến lại bờ sông, mắt không rời tảng đá sù sì mấp mô bên mé nước.

Voi ta nhìn, nhìn mãi, nhìn mãi mà không thấy gì cả. Toan hỏi lại Bói Cá xem hình dáng Cá Sấu ra sao thì Bói Cá đã bay mất dạng rồi. Mình ngu thật – Voi con tự trách thầm – ít nhất cũng phải biết hình dáng Cá Sấu cái đã rồi mới tìm biết nó ăn gì chứ? Trong lúc còn đang phân vân, hối tiếc về sự vô ý của mình thì bỗng Voi nghe có tiếng huýt gió trên một cành cây gần đó và tiếp một giọng ngâm lanh lảnh:

- Muốn biết Cá Sấu ăn chi,
Bước lên tảng đá kia thì biết ngay!

Ấy là giọng con Rắn Lục. Loài rắn vốn điêu ngoa, tinh quái, mẹ Voi vẫn từng nhắc đi nhắc lại điều ấy dễ có trăm lần. Nhưng mà Voi con thì không thể nào chống lại sự cám dỗ của một sinh vật luôn luôn khoác áo mầu xanh biếc, lại có giọng véo von đến như thế. Với Voi con, trừ Bói Cá ra, Rắn Lục là con vật xinh nhất, đáng yêu nhất, rất nên kết bạn. Ôi chao ơi! Có sinh vật nào sẵn lòng chỉ dẫn cho Voi như Rắn Lục đâu? Mà lại chỉ dẫn trước khi nghe hỏi, mà lại chỉ dẫn bằng giọng thánh thót đến như thế. Tức thì, Voi ta bước ngay lên tảng đá mấp mé bên mé nước đục lờ kia, cốt để trông thấy Cá Sấu ăn gì cho thỏa nguyện. Nhưng Voi chỉ vừa đặt có một chân trước lên tảng đá thì ghê rợn làm sao, tảng đá như sụp xuống mềm nhũn dưới chân Voi. Vô cùng kinh hãi (vì sợ chết đuối) Voi vội rụt chân lại nhưng chưa kịp thì nghe “tóc, tóc” hai tiếng tiếp, nước bắn tung tóe vào cả mắt Voi và liền ngay đó Voi ta nghe thêm một tiếng “phập” nữa, rồi như có hai hàng que thật nhọn, thật cứng cắm lên mũi mình.

Hồn bất phụ thể, Voi không kịp suy tính gì khác, cố sức bình sinh giật mạnh. Song vô ích, càng lúc những chiếc que nhọn càng như cắm sâu vào xương sụn mũi Voi, Voi ta đau nhói, vừa đau vừa sợ!

Trên cành cao, Rắn Lục cười khà khà:

- Mở mắt to ra con ạ! Cá Sấu đấy! Cá Sấu hôn con đấy!

Nghe ngần ấy lời, Voi càng khiếp đảm. Thôi, chết ta rồi, ta gặp Cá Sấu rồi! Chắc là chính Cá Sấu nó ngoạm mũi ta chứ không sai… Nhưng mà, ta sẽ cố… ta sẽ… Voi thầm nghĩ và cố sức giật, giật, giật mãi… Cũng là phúc lớn cho nhà Voi : Voi vác xác đến nhằm lúc Cá Sấu đang no kềnh, Sấu chỉ cần giải trí một tị. Với lại nghe mãi lời đồn đại rằng Voi có sức mạnh phi thường, Sấu cáu lắm – Đã có bận Sấu trông thấy gia đình Voi đi nghễu nghện ngay trước mũi mình mà không dám thở mạnh. Chúng to lớn quá! Vẫy vùng giữa đầm sâu nước đục quá nửa cuộc đời quả tình Sấu chưa từng thấy một con vật to lớn đến mức ấy bao giờ. Đây là dịp tốt, thử sức xem sao. Sau này bố mẹ Voi có hay được hoặc rủi ro chú bé có sầy da, sứt mũi Sấu sẽ chống chế rằng tại nó trêu mình trước, chắc bố mẹ Voi chẳng có thể bắt bẻ được nào. Về phần Voi con ngờ nghệch, không bao giờ có thể tưởng tượng được một sinh vật nguy hiểm đến cái mức phơi lưng lên cạn, giấu mặt và đuôi dưới nước đục để dễ bề lừa phỉnh kẻ ngu.

Hai bên giằng qua, kéo lại như thể người ta kéo co không biết đến bao lâu, mũi Voi cứ càng lúc càng dài ra.

Thình lình Bói Cá quay lại – nó muốn biết Voi đã thấy Cá Sấu ăn gì chưa? – Trông thấy tình cảnh tượng buồn cười và bi đát của Voi, Bói Cá xót xa quá đỗi. Nhất là khi nó nghĩ đến tâm trạng của mẹ Voi, nó không đành tâm để Voi con sa vào miệng Sấu. Bói Cá nghĩ nhanh : “Ừ, thì bây giờ Sấu còn no, nhưng rồi chả mấy chốc là nó lại đói meo, đến lúc ấy thì có họa là trời cứu được Voi con, ta phải lập mưu cứu Voi ngay mới được”.

Tức thì, lấy giọng ngọt ngào, Bói Cá bảo Sấu:

- Bác Sấu ơi! Bác còn muốn xem tôi múa nữa không?

Cá Sấu vẫn khư khư ngoạm cứng mũi Voi, chỉ hơi nơi nới ra một tị để tiếng nói có thể phát ra mà không vuột con mồi:

- Ể úc ác, ây ờ a ang ận, a ông ần oi úa át ì ả, út i!

(Để lúc khác, bây giờ ta đang bận, ta không cần coi múa hát gì cả, cút đi!)

Vì không dám há mồm to, nên tiếng nói Cá Sấu như là tiếng người ngọng. Bói Cá mừng lắm, trêu:

- Kìa! Bác vẫn tự phụ là dầu mưa dãi nắng bao nhiêu cũng không hề hấn gì, nay mùa mưa chưa đến sao đã khan giọng, nghẹt mũi rồi, hở bác?

Sấu nổi nóng lên : tự ái Sấu bị đụng một cái quá mạnh! Sấu quên rằng mình cần giữ chặt Mũi Voi để đo lường sức khỏe loài này, nó chỉ nghĩ đến lúc tin nó bị ốm lan khắp trên rừng, dưới nước, danh dự nó sẽ tiêu ma trong một nhoáng! Ấy thế là, Sấu há miệng to, quát lên:

- Sao mày ngu thế? Tao có váng đầu nghẹt mũi chi đâu! Tao đang…

Thừa dịp Sấu quên, mải cải chính với Bói Cá, không chậm trễ một giây, Voi giật mạnh cái mũi dài lê thê và co giò chạy biến.


*


Hơn một tháng ròng thuốc men chạy chữa, Mũi Voi con vẫn không trở lại hình dáng buổi đầu. Suốt ngày, Voi con nằm mọp trên bờ suối, cái mũi dài lê thê thì ngâm dưới nước cho đỡ đau ; vừa thở phì phò, vừa rên hừ hừ làm mẹ Voi vô cùng lo lắng. Mật loài trùn, máu loài đỉa, mủ cao su thảy đều đã được mẹ Voi lặn lội tìm kiếm mang về xức cho con, song cái hy vọng mũi con co lại chỉ là cái hy vọng hão!

Trời thương làm sao : đến ngày thứ ba mươi chín thì Voi con thấy đỡ đau và đến ngày thứ năm mươi mốt, Voi con hoàn toàn bình phục (tuy mũi vẫn dài ngoằng).

Voi con nghĩ rằng nếu đã không thay đổi được tình thế, thì đành chấp nhận còn hơn là ngồi mà kêu van vô ích. Vốn là một loài can đảm, Voi con không sợ xung quanh dị nghị về cái mũi kỳ dị của mình. Voi ta cứ dửng dưng vác mũi đi rong khắp trong ngoài trên dưới. Đôi khi, vô tình, cái mũi dài ngoằng dị dạng bỗng trở thành hữu ích : Voi con dùng nó mà gãi lưng, xua ruồi hoặc giơ ra đỡ đòn mỗi lần bị bố mẹ quất cho!

Thích thú nhất là Voi con đã có sáng kiến dùng nó mà hút nước, mà bẻ quày chuối trên cao hay cây mía dưới thấp. Chao! Công dụng của cái mũi dài lê thê mới đặc biệt làm sao : nó dần dà trở thành hữu ích như bàn tay của loài người!

Voi con biểu diễn ngay trước mặt cha mẹ và không ngừng thuyết phục song thân tìm cách kéo mũi dài ra như mình. Bố mẹ Voi ban đầu lắc đầu quầy quậy, song sau cùng công nhận lời con là đúng. Thế là họ thực hành ngay ý định : vợ kéo mũi cho chồng và chồng giúp vợ trong công tác ấy.

Không bao lâu, mũi hai vị dài ra trông thấy và cũng như con: họ đau ghê gớm. Tuy nhiên, nghĩ đến ích lợi về lâu, về dài, nghĩ đến thế hệ con cháu mình sẽ vô cùng tiện dụng nhờ cái mũi dài ấy, họ không nản lòng và đủ can đảm chịu đau cho đến lúc mũi hai người đúng theo tỉ lệ mũi con.

Các loài khác mà rỗi hơi dị nghị nọ kia là bị gia đình Voi trừng phạt tức khắc : cả ba dùng ngay cái mũi dài đó mà quất, quất bọn rỗi hơi liên hồi kỳ trận cho đến lúc bọn chúng phải van lạy mới thôi.

Sự can đảm của thủy tổ loài Voi quả đáng khen : cho đến ngày nay không một Voi nào sinh ra mà mang cái mũi ngắn, gọn như thuở ban đầu. Họ hàng nhà Voi hãnh diện về điều đó lắm. Tổ tiên đã khôn ngoan chịu đau đớn một lần để con cháu sau này được hưởng mà không phải khổ công trì kéo cùng là ngâm mũi dưới nước hàng tháng trời ròng rã.

Mà được thế, lại chỉ nhờ công lao của một chú bé con?

Về phần sấu, hay tin này, đau khổ và tức giận cho đến nỗi nước mắt tuôn không ngớt. Tận đến ngày nay, người ta thường thấy Sấu khóc, đó là kết quả của một hành động vô tình làm cho loài Voi đã mạnh lại mạnh thêm, và nỗi ân hận đó Sấu mang trong tim lưu truyền mãi mãi cho con cháu về sau.

MINH QUÂN 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa   số 121, ra ngày 1-1-1970)

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Bức Thư Mất Trộm (IV) - THU AN


Khi ông ta đã đi khỏi, anh bạn tôi cắt nghĩa cho tôi nghe:

- Cảnh sát Ba Lê rất giầu kinh nghiệm. Các nhân viên của họ khôn ngoan, chu đáo, biết hết mọi việc phải làm. Vì vậy, khi G tả cho chúng ta nghe về lối khám xét trong căn nhà của D thì tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài khéo của ông ta và tôi chắc ông ta đã làm đủ bổn phận về phương diện nghề nghiệp.

Tôi hỏi:

- Đủ bổn phận về phương diện nghề nghiệp ư?

Đỗ Văn nói:

- Đúng, những cách đó không những là những cách hay nhất mà còn có thể nói là hoàn toàn nhất nữa. Nếu bức thư được giấu ở trong vùng bị khám xét, thì chắc hẳn những nhân viên của ông ta đã tóm được rồi, điều đó tôi không còn nghi ngờ gì nữa.

Bức Thư Mất Trộm (III) - THU AN


- Lẽ tất nhiên, và khi chúng tôi đã xem qua tất cả những đồ vật đại loại như thế, chúng tôi đã xem đến chính căn nhà. Chúng tôi đã chia diện tích căn nhà thành từng phần một, và đã đánh số kỹ lưỡng để khỏi quên phần nào ; chúng tôi đã nghiên cứu từng phân vuông một của các đồ vật trong nhà bằng kính lúp và chúng tôi đã hiểu rằng đó là hai căn nhà ở cạnh nhau.

Tôi kêu lên:

- Hai căn nhà ở cạnh nhau! Như vậy ông làm việc mệt nhỉ?

- Vâng, mệt thật, nhưng vì phần thưởng quá lớn.

- Trong các căn nhà, các ông có khám xét nền nhà không?

- Nền nhà trải gạch tất cả. Tương đối, chúng tôi không gặp khó khăn gì mấy. Chúng tôi đã nghiên cứu dấu rêu giữa các viên gạch, và thấy rằng chúng không bị suy suyển gì cả.

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Bức Thư Mất Trộm (II) - THU AN

Đỗ văn nói:

- Vậy thì đúng là một trường hợp hi hữu thật : Kẻ trộm biết rằng người bị mất cắp thấy mình đã lấy trộm.

Ông cảnh sát trưởng đáp:

- Đúng vậy, và từ mấy tháng qua, nắm được bức thư trong tay hắn đã làm áp lực đối với người kia rất nhiều về phương diện chính trị, đến một độ thật là nguy hiểm. Người bị mất trộm càng ngày càng cảm thấy cần thiết phải lấy được lá thư đó về. Nhưng dĩ nhiên là người đó không dám làm lớn chuyện. Sau cùng, vì quá tuyệt vọng, người đó mới phải nhờ đến tôi.

Đỗ Văn vừa nhả khói thuốc, vừa nói:

- Tôi nghĩ là khó có thể chọn được người nào khác tài giỏi hơn ông.

Bức Thư Mất Trộm (I) - THU AN


Hồi đó vào năm 18… tôi đang ở Ba Lê. Sau một buổi tối mưa gió bão bùng, tôi khoan khoái ngồi suy tưởng và hút ống vố, cùng với bạn thân Đỗ Văn, trong căn nhà riêng của anh ta ở khu Thánh Giẹc-Manh. Trong một giờ đồng hồ, hai chúng tôi không nói gì hết. Nếu có ai đến, thì sẽ tưởng chúng tôi chỉ bận rộn ngắm nhìn các làn khói thuốc tỏa thành vòng, bay lên trần nhà. Riêng tôi, thì tôi suy luận một vài điểm, trong câu chuyện mà chúng tôi nói vào lúc đầu buổi tối. Đó là chuyện về vụ ở đường Nhà Xác, và những bí ẩn trong vụ ám sát bà Minh Tân. Tôi đang liên tưởng đến những điều giống nhau của hai vụ này, thì cửa phòng bỗng bật mở, và ông M.G, chánh sở Cảnh sát Ba Lê bước vào.

Chúng tôi thân mật mời ngồi, vì ông ta vừa có điểm dễ thương vừa có cái đáng ghét, và từ vài năm rồi, chúng tôi chưa gặp lại ông ta. Vì chúng tôi đang ngồi trong bóng tối, Đỗ Văn đứng dậy định thắp một ngọn đèn, nhưng anh ta ngồi xuống ngay, khi nghe ông G nói rằng ông ta đến để nhờ anh bạn tôi giúp ý kiến, về một vụ đang làm cho ông ta vô cùng bối rối.

Lịch Sử Số Học - NGUYỄN ĐÌNH


Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Anh tôi - KHÁNH MINH


Cái gì chứ nói đến anh Khoa là tôi phát ớn. Sao mà tôi có một ông anh quý hóa thế không biết. Việc gì anh cũng cho là mình làm được và luôn luôn chê bai hầu hết mọi việc mà có tay tôi làm.

Một lần xuống bếp, anh hết chê bai thứ này đến thứ khác. Nếm nồi canh thì anh chặc lưỡi:

- Hỏng, hỏng, canh chẳng ngọt ngào gì cả Khánh ạ, thêm tí ti bột ngọt nữa thì tuyệt!

Và đụng đến nồi cá kho thì anh kêu lên:

- Kho cá thế này thì ăn cái quái gì được cơ chứ?

Hoặc là:

- Khánh phải học lại anh cái nghề nấu bếp em ạ. Làm ăn thế này thì mai mốt về làm dâu…


Tôi nghe mà bắt nổi cáu:

- Ai cầu anh ăn nào, nếu dở thì tí nữa anh đừng ăn thử xem.

- Ồ! Tí nữa anh ra tiệm ăn mì Quảng có ngon hơn không?

Nhiều hôm anh chê nhiều quá, tôi phải dùng đến khí giới tối tân là nước mắt để “tống khứ” anh lên lầu. Anh mà thấy tôi khóc thì xuống nước liền.

- Ồ! Anh giỡn chơi mà khóc à? Khổ quá. Người đâu mà lắm nước mắt thế không biết?

Nói rồi anh trổ thuật phi hành lên lầu vì nhỡ má biết thì anh lãnh chưởng liền. Tôi chỉ biết đứng ở bếp hậm hực một mình.

Có hôm mới ở bếp ra, thì anh nhìn tôi hỏi:

- Này, mồ hôi có vào canh không đấy? Cô mà cho thứ gia vị đó vào thì nuốt không trôi đâu đó.

Tôi đang mệt và nóng nực chả được khen thì chớ, anh còn chọc nữa chứ, tủi quá, nước mắt tôi trào ra vừa lúc má đi xuống thấy tôi khóc liền quay sang anh Khoa:

- Mày lại chọc em phải không Khoa? Khổ quá cái thằng này, lớn rồi mà cả ngày… Mày ngứa miệng hả?

Nói rồi, má đi vào nhà trong lấy cái roi, vừa ra đến nơi thì anh đã đứng trên lầu:

- Con nói chơi mà má, con có chọc Khánh thiệt đâu chứ. Thôi “tại hạ” thành thật xin lỗi “công nương” vậy.

Má buồn cười, hạ cây roi:

- Chốc mày xuống đây! Không tẩn mày một trận thì không chừa. Đốn thật, ai lại bằng chừng ấy mà cả ngày chỉ lo chọc ghẹo nhau thôi.

Má lên nhà, thì anh xuống đứng ở cầu thang, nhái tôi khóc nữa chứ. Miệng anh méo xệch, tay thì cứ đưa lên quẹt mắt: Hu!… Hu!… Trông dáng điệu anh thật dễ ghét và cũng thật buồn cười. Được rồi! Khi nào mà anh nhờ gì thì đừng hòng! Tuy lúc tức nghĩ thế mà nghe anh nhờ tôi lại làm ngay. Vì những lúc đó cái chọc phá, dễ ghét của anh bay đi đâu mất cả, những câu chê bai cũng chẳng còn, toàn là:

- Ồ! Khánh của anh mà vá áo thì phải biết đấy nhỉ, vá hộ anh một tý chỗ này nhé. Khánh vá thì phải đẹp có tiếng!

Hoặc là:

- Khánh ngoan ghê, đơm hộ anh cái nút áo này nhé, Khánh nữ công thì số dzách rồi.

Thôi thì lúc đó nào là Khánh tốt, Khánh chăm, Khánh ngoan tùm lum. Chả bù cho những lúc khác, những là con gái mà không học nữ công, rèn luyện gia chánh, con gái phải thu va thu vén nhà cửa cho sạch sẽ. Cái gì anh cũng đóng bực thầy hết, và chuyên môn “thọc gậy bánh xe” má mà la tôi cái gì là thế nào anh cũng chêm vô cho tôi bị la thêm. Một buổi trưa, má bảo tôi:

- Trưa rảnh, con xem áo em cái nào rách thì vá, khuy đứt thì đơm vào hộ má đi chứ.

Thế là đang nằm trên giường, anh cũng oang oác:

- Con gái sao mà lười thế! Nói cái gì, chứ chơi là nhanh lắm má ạ, nói làm là cái mặt xị ra.

- Còn anh? Cả ngày chỉ công tử chả chịu giúp đỡ ai gì hết!

Thế là anh thuyết liền:

- Khánh không biết rằng, trời sinh ra con trai là để học với chơi sao? Con trai là để làm những việc lớn kia chứ.

Rồi nào là: con trai đi học lớn lên đi làm kiếm tiền…

- Nuôi vợ chứ cái gì mà kể công, quý lắm đấy.

Anh tủm tỉm cười:

- Con này dốt quá.

Ấy, anh đáng ghét thế đấy, cứ cái gì không nói lại là anh cứ “con này dốt quá” để chấm dứt câu chuyện, thành ra bao giờ tôi cũng phải nhận lấy cái dốt mà anh đã có nhã ý tặng cho.

- Ừ, rồi xem, anh có phải làm không đấy.

- Còn lâu em ạ.

Thế là tối hôm đó, cả nhà quây quần bên bàn ăn, tôi thi hành ngay ý định.

- Ba má ơi, anh Khoa anh ấy lớn rồi thì từ bây giờ anh tắm xong phải tự giặt quần áo lấy ba má ạ. Con giặt nhiều quá hôm nào đi chợ cũng trễ, hết mất thức ăn ngon ba má ạ.

Ba tán thành:

- Đúng đấy, Khoa phải làm hộ em, từ giờ trở đi con phải giặt lấy, trưởng giả mãi rồi quen đi.

Tôi như mở cờ trong bụng đưa mắt sang nhìn anh Khoa, anh có vẻ tức tối lắm, nhưng chả làm gì được vì ba nói là phải theo, chả có đứa nào dám cãi lại. Một lát anh ngập ngừng:

- Nhưng ba ạ, xe đạp cái nào hư con cũng phải sửa.

- Ơ! Có cái nghề sửa xe mà lúc nào anh cũng đem ra nói ba má ạ, chả nhẽ xe đạp ngày nào cũng hư cả?

- Ba nói phải nghe, từ nay Khoa phải giặt lấy quần áo của mình.

Anh chả làm gì tôi được, liền mở chiến dịch đạp chân tôi dưới gậm bàn, nhìn sang tôi, đôi mắt như có vẻ nói: được, rồi biết nghe em!…

Thế là từ bữa đó tôi chú ý là một tuần anh mới tắm một lần mà chả có lần nào trên dây phơi là có quần áo của anh. Mấy lần má không biết, nhưng sau thấy anh mặc hoài một bộ, má la lên:

- Mày thành mọi hay sao đấy hử Khoa?

Anh Khoa giả vờ thiểu não:

- Khổ quá má ạ, con sắp thi lục cá nguyệt kỳ hai rồi, phải học nhiều quá, mà thay ra thì không có thì giờ giặt, để đó ai giặt cho hở má, nên con mới mặc lại chứ ạ.

Cái anh này đa mưu thật, biết má trọng sự học là đem ngay ra nói, quả nhiên má quay sang tôi:

- Anh sắp thi rồi con ả, thôi ráng giặt dùm anh một tí, khi nào thi xong thì anh nó lại giặt!

- Giặt cho anh Khoa khổ lắm má ạ, nào là: Sao cổ áo hôm nay Khánh giặt ẩu thế này, với lại tay áo vò không kỹ, vết mực còn nguyên, mà ủi thì kêu quần hai ly, con chịu thôi.

- Anh sắp thi con ạ, anh em giúp nhau chứ.

Tôi hậm hực trong khi mặt anh tươi hẳn lên. Thế là anh thắng cuộc! Sáng mai trong chậu quần áo lại có thêm một bộ quần áo của anh mặc một tháng. Thật là ức! Cái gì cũng thua anh ấy hết cả. Ngay cả đầu tháng mà mua được một cuốn Tuổi Hoa về không bao giờ được đọc trước, anh cứ chờ cho tôi rọc xong xuôi thì anh lại kiếm chuyện nói với má:

- Má ơi, mai con đi học mà áo sơ mi chưa có cái nào ủi cả.

Hoặc:

- Má, 4 giờ mà Khánh nó chưa xuống nấu cơm gì hết, cứ chúi mũi mà đọc truyện.

Thế là tôi phải nghe lời má mà bỏ cuốn Tuổi Hoa xuống, anh liền vồ ngay lấy cười mãn nguyện: Khà khà! Sung sướng! Thật tức chết đi được. Bao giờ tôi cũng là một kẻ thua trận. Những lần thấy anh ngồi đọc là tôi kêu bé Khanh ra dặn nhỏ:

- Này, Khanh ra lêu lêu anh Khoa đi, nói là ông già mà còn coi Tuổi Hoa.

Bé Khanh lon ton chạy ra:

- Ê! Lêu lêu anh Khoa, ông già mà còn coi Tuổi Hoa, lêu lêu!!

Biết tôi bày, anh nói to:

- Khà khà! Sơ mổ già sơ mổ mới coi à, già coi Tuổi Hoa cho nó trẻ lại, cho nó “thung thướng”! Em tưởng em nói dzị rồi anh bỏ xuống đi à? Còn lâu!

Và anh thản nhiên tiếp tục đọc một cách ngon lành như không biết gì cái tức của tôi đã lên đến cực điểm. Tôi thề là nhất quyết sẽ không làm gì cho anh nữa.

Một buổi trưa kia, lúc anh xé lịch kèm theo điệp khúc mà lúc nào xé lịch anh cũng rống:

- Úi dzời ơi, giấy bay thì ngày mất! Chán lắm, chán lắm!

Nhớ đến ngày tôi sực nhớ vội nói:

- À! Anh Khoa, anh thi gì mà lâu thế? Quần áo tính sao đi chứ. Từ mai, quần áo anh mà còn nằm trong chậu thì Khánh loại ra đấy.

Anh không nói gì mà làm như không nghe tôi nói. Và đến sáng, tôi tức giận biết bao nhiêu khi thấy quần áo anh nằm chình ình trong chậu! Tôi nhứt quyết loại ra ngoài.

Đến chiều tôi phải đi ra phố mua mấy quyển sách thì vận đen đến tìm tôi: chiếc xe đạp hư! Làm sao bây giờ? Nhờ anh Khoa thì chắc còn lâu, hồi sáng không giặt quần áo cho anh ấy thì sức mấy mà ảnh sửa dùm? Thôi cứ thử nhờ xem sao? Tôi lại gần anh nói nhỏ:

- Anh Khoa ơi, xe đạp Khánh nó làm sao ấy, anh xuống coi dùm Khánh tí đi.

Lập tức, anh đưa điều kiện:

- À! Thế bây giờ Khánh có chịu giặt quần áo cho anh không?

Vì chiếc xe đạp tôi đành phải bằng lòng!

Nhưng anh còn cẩn thận:

- Khánh phải giơ tay thề đàng hoàng cơ.

- Thề thế nào hở?

- Thì: từ nay tôi thề sẽ giặt quần áo cho anh Khoa mãi mãi!

Và bao giờ tôi cũng là kẻ thua cuộc!!

Khánh Minh

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 90, ra ngày 1-5-1968)