Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Một lần viếng thăm - HƯƠNG CỎ MAY


- Me ơi! Mai me cho con đến Tòa soạn Tuổi Hoa chơi nghe me!

- Chơi gì chỗ ấy con? Chỗ người ta làm việc ai có thì giờ rảnh để chơi với con? Thôi ở nhà đi, mai thứ bảy, me dẫn đi xi-nê.

- Thôi, con hổng thèm đâu, me cho con đến Tòa soạn Tuổi Hoa đi, đến đó vui hơn xi-nê nữa cơ!

- Chỗ làm việc mà vui cái gì? Thôi lên lầu ngủ đi con gái. Chóng ngoan me thương.

- Tức quá đi thôi – Em cố cãi – me không biết gì hết á! Hôm qua con Thảo mới đến chơi : nó nói các anh chị trong tòa soạn vui lắm, có cho nó kẹo nữa me ơi!

Me em bật cười:

- Té ra con thích kẹo mà đến đó hả?

- Hổng phải đâu me, con hông cần kẹo, con đến chơi thôi, cho con đi nghe me!

Me em bỗng nổi giận:

- Me nói hoài mà con không nghe hả? Có lên lầu ngủ không? Me đánh cho bây giờ.

Thế là hy vọng của em tiêu tan như mây khói. Me khó quá đi thôi! Từ lâu, em có ý định đến viếng thăm Tòa soạn Tuổi Hoa nhưng vì bận học, sợ me không cho đi. Bây giờ nghỉ hè rồi, ở nhà chơi mãi cũng chán ; nên em quyết định xin me cho đến đó chơi ; vậy mà me lại không cho đi, có tức không cơ chứ?

Em vùng vằng lên lầu, về phòng gieo mình xuống giường – nước mắt trào ra. Tức me quá đi thôi! Ồ, em bỗng nghĩ ra một cách : Thử vào xin ba coi, chắc thế nào ba cũng cho ; mà hễ ba cho thì me cũng bằng lòng liền à. Mấy lần trước, em xin đi dự trại với tụi bạn do nhà trường tổ chức, lần nào xin me cũng không cho : me viện đủ cớ hết. Thế mà ba cho là me cũng chịu cho em đi. Nghĩ vậy em ngồi bật dậy, sang mở cửa phòng ba:

- Ba ơi! Mai cho con đến Tòa soạn Tuổi Hoa chơi nghe ba.

Em yên chí thế nào ba cũng ừ ; vậy mà ba trả lời một câu làm em muốn “xỉu” ngay tại chỗ:

- Chó con! Xuống dưới nhà xin me đi, ba mắc làm việc.

Em lủi thủi quay ra, thế là vỡ mộng. Xin me : me không cho ; xin ba : ba bảo xin me. Như vậy biết chừng nào em mới đến thăm Tuổi Hoa được đây? Tuần tới, em phải lên Đà Lạt với me rồi. Chừng về thì em lại phải lo sửa soạn cho niên học tới. Trời ơi! Sao me em khó khăn quá! Xin đi đâu me cũng không cho. Chả bù với me của Thảo : đi đâu me nó cũng cho miễn là có lý do chánh đáng và phải xin phép hẳn hòi. Giận me quá đi thôi. Mai em khỏi thèm đi xi-nê với ba me nữa đi ; em nhất định rồi, me có năn nỉ em cũng không đi : để “trả thù” cho đỡ tức, ai bảo em năn nỉ mãi mà me cứ chối từ.

Em lên giường giăng mùng lo đi ngủ, vừa chui vô mùng bỗng em nghe có tiếng máy xe nổ dòn dã và sau đó tiếng nói chuyện oang oang. Hình như có khách đến. Em định xuống xem ai đến nhưng chợt nghĩ là mình đang giận me nên vội thôi. Ở dưới nhà, hình như có ai hỏi em, tiếng nói giống chú Hoàng quá!

- Hương ơi, có chú Hoàng qua chơi nè, có cả em Thoa nữa!

À đúng rồi, em đoán đâu có sai : chú Hoàng đến chơi. Đây là dịp cho em “trả thù” me. Em đắp mền lại giả vờ ngủ nhưng vẫn cố ý lắng nghe câu chuyện dưới nhà.

Tiếng me em:

- Hương ơi! Sao không xuống chào chú, con?

Và ba em:

- Chắc con nhỏ ngủ rồi. Hảo, đâu con thử lên kêu em coi.

Biết chị Hảo sắp lên tới, em quay mặt vào vách nằm im. Chị Hảo gọi mấy lần không thấy em trả lời, chị trở xuống lẩm bẩm:

- Sao hôm nay con bé ngủ sớm thế? Mới tám giờ hơn mà đã ngủ rồi!

Em nín cười để tiếp tục diễn nốt vai trò của mình. Khi ấy, em nghe chú Hoàng bảo:

- Ngày mai, mời anh chị đến chung vui với cháu Thoa mừng ngày sinh nhật thứ mười của cháu.

- Vâng, chúng tôi sẽ đến. À, chú định tổ chức vào lúc mấy giờ?

- Dạ, tụi em định tổ chức vào lúc mười hai giờ.

Ba em nói:

- Như thế : ngày mai thứ bảy được nghỉ, sáng tôi dắt các cháu đi xi-nê rồi về ghé chú luôn.

Nghe đến đấy, em mừng rỡ vô cùng. Ngày mai ba me vắng nhà, đến chú Hoàng thì thế nào ba me cũng ở lại nghỉ trưa, đến bốn, năm giờ mới về cơ. Như vậy, em có thể đến Tòa soạn được. Chị Hảo hiền và thương em lắm, xin một tiếng là chỉ cho liền à. Em đi khoảng một giờ đến ba giờ về, thế là khỏi sợ ba me biết. Ồ, còn cu Hân nữa chi? Hắn có thể tố cáo em lắm chứ! Nhưng mà khỏi sợ đi, mấy bữa nay cu Hân đau răng nằm mãi trong phòng rồi, hắn nào biết em đi đâu mà méc ba me. Vui thích quá, em tung mùng nhảy xuống đất, chạy lại tủ áo lựa lấy chiếc áo đầm thật đẹp mà me mới may tuần rồi ; em cắm bàn ủi là cho thật thẳng rồi móc vào mắc áo treo lên. Em lại lấy khăn lau đôi giày mới cho thật sạch, cất đôi vớ vào trong. Thế là xong. Ngày mai em sẽ mặc những thứ ấy để đến với Tuổi Hoa.

Em trở lại giường, nhưng không hiểu sao em nôn nao chi lạ, còn hơn hôm bãi trường đến lãnh thưởng nữa cơ. Em trằn trọc hoài không ngủ được, cứ nghĩ đến cuộc đi chơi ngày mai thôi! Ồ, đến tòa soạn chắc vui ghê lắm ; em tưởng tượng ra những khuôn mặt trong ban biên tập : ai cũng hiền, cũng vui vẻ và hoạt bát : Ơ kìa, sao lạ thế này : Trời ơi! Em biết phân biệt ai với ai đây? Hình ảnh mọi người quay cuồng, nhảy múa trước mắt em…

***

Em viện cớ nhức đầu để từ chối không đi chơi với với ba me. Ba me vừa đi thì chị Hảo đi chợ về ; em xuống nhặt rau, múc nước dùm chị để… “hối lộ”, để chị vui lòng cho em đi chơi.

- Chị Hảo ơi! Trưa nay cho em đến tòa soạn Tuổi Hoa chơi nghe! Em đi từ một giờ đến 3 giờ ba me không biết đâu!

- Hương đi với ai?

- Kim Oanh, con bác Tám đó chị.

- Ừ, nhưng đi cho mau mà về, đừng gặp ai rủ ren cũng theo hết nghe chưa? À, còn phải coi chừng xe cộ nữa nhé!

Thế là em mừng vô hạn, nhẩy lên lầu một lần hai nấc thang. Về phòng, em ngắm nghía chiếc áo đầm : màu hồng bây giờ tươi sáng hơn bao giờ hết. Đôi giày trắng đẹp quá di thôi! Em hết ra lại vào hết đứng rồi ngồi, cứ trông cho cho mau đến trưa để đi chơi thôi. Đến bữa ăn, em định không ăn cơm, nhưng chị Hảo dọa là sẽ không cho đi nên em vội vàng ăn xong hai bát rồi buông đũa chạy về phòng. Đồng hồ gõ mười hai tiếng rời rạc – chắc chị Hảo đang nhìn theo em mỉm cười.

***

Xe lam ngừng bên kia đường, ngay trước cổng nhà thờ Chúa Cứu Thế, em và con Oanh xuống xe, bắt đầu tìm kiếm. Sao em thấy hồi hộp, nôn nao quá đi thôi! Tay chân em ngứa ngáy, không yên ; em muốn đấm cái này, đá cái kia quá! Băng sang đường, sẵn có chiếc lon nằm ngay giữa đường, thuận chân, em đá chiếc lon lăn lông lốc. Kim Oanh nhìn em mỉm cười.



Em hồi hộp tìm số 38. Ồ! Nhà thờ số 38 nè. Sao kỳ vậy? Không lẽ tòa soạn lại ở trong nhà thờ? Hai đứa vào nhà thờ, không thấy nơi nào để bảng Tòa soạn Tuổi Hoa cả. Chỉ thấy tòa báo Đức Mẹ và một căn phòng, hình như là phòng thông tin hay gì đó. Em không nhớ rõ. Hai đứa trở ra, đi lên phía trên một tí, lại thấy một ngôi nhà (không đúng hẳn, cách kiến trúc như là một dãy phòng học) cao ba bốn từng, có sân thật rộng và thật đẹp – ngôi nhà này cũng mang số 38. 

Em nghĩ : không lẽ tòa soạn lớn dữ vậy? Đưa tay đẩy chiếc cổng sắt màu xanh, sao cứng quá! Có lẽ đã khóa bên trong. Kim Oanh nói:

- Thôi trở lại phía nhà thờ rồi hỏi thăm coi.

Hai đứa trở lại, hỏi chị bán báo ở phía trước nhà thờ ; chị lắc đầu không biết. Thất vọng quá rồi! Em bực tức lôi Kim Oanh vào nhà thờ. Đi ra phía sau : không có gì cả, bên phải là 2 phòng như em đã thấy. Qua bên trái : Ồ, ở đây có cổng ăn thông với ngôi nhà lúc nãy đây mà – Chắc đây là nhà cha đó! Kim Oanh bảo thế. Em nghĩ mà tức ghê! Có lẽ ban biên tập mượn địa chỉ ở đây để nhận thơ quá! Hai đứa đang đứng tần ngần thì bỗng ông Từ giữ nhà thờ bước ra, tay cầm cây roi thật dài. Ông gắt:

- Hai đứa đi đâu đó?

- Dạ, tụi con đến kiếm tòa soạn Tuổi Hoa.

- Ở Tòa báo Đức Mẹ kìa! Nhưng mà hai rưỡi mới làm việc, ai làm việc bây giờ – Ông nhìn đồng hồ tay – giờ mới một rưỡi. Hai đứa về đi, ở đây phá, tao đánh à.

Nghe vậy, em thất vọng vô cùng và tức ông Từ nữa. Quên cả cám ơn, em lôi Kim Oanh ra về. Con bé cũng thất vọng không kém. Em buồn quá, thất thểu ra về. Lúc đi sao hăng hái quá mà lúc về…

Đến nhà, em vò đầu bực tức, hất mạnh chân cho đôi giày văng ra xa. Em gieo mình xuống ghế ngồi tức tối, nghĩ ngợi.

- Chị Hương đi đâu về vậy? Sao không cho em đi?

- Ồ! Sao cu Hân thức sớm vậy? Chị đi… mà chị đâu có đi đâu.

- Chị giấu Hân há, Hân biết hết rồi nè : chị đến tòa soạn Tuổi Hoa nè, me về Hân méc cho coi.

- Thôi Hân đừng méc me, mai chị mua cho Hân nhiều đồ chơi, nhiều bánh kẹo nghe!

- Hổng thèm, Hân hổng thèm, Hân méc me cơ!

Thôi chết rồi! Mồ hôi em tuôn ướt áo. Sao hôm nay em xui xẻo quá chừng. Đi không được việc gì mà về còn bị đòn nữa! Còn cái thằng Hân này nữa, ghét ghê, thấy người ta năn nỉ càng làm tới à.

- Hương, con đi đâu về đó? Sao đầu tóc giày dép như vậy?

Trời ơi! Ba me đã về. Em chết điếng trong lòng. Biết đàng nào chạy tội bây giờ? Em ấp úng:

- Thưa me…

- Chỉ đến tòa soạn Tuổi Hoa đó me – cu Hân nhanh nhẩu.

Ba nổi giận quát tháo:

- Hương! Bữa nay con dám qua mặt ba me hả? Hừ, dám bảo là nhức đầu để ở nhà đi chơi. Thế này thì không tha được. Lên lầu thay áo rồi xuống đây. Hân, đi lấy cho ba cái roi mau lên.

Em thất thểu lên lầu, ngang qua chỗ chị Hảo ngồi em nhìn chị cầu cứu : chị lặng im. Quá sợ hãi, em thay đồ xong vội vã trở xuống, cúi xuống giường – em không dám nhìn ba, nhìn cây roi nữa. Ba định nói gì thì em nghe tiếng chị Hảo:

- Ba, lần này là lần đầu, ba tha cho Hương đi. Với lại, tại con cho phép nó mới dám đi.

Ba không nói gì, mãi một lúc sau:

- Hương, đây là lần đầu, ba tạm tha không đánh nhưng phải quỳ từ giờ đến chiều. Lần sau thì đừng trách.

Em vội quỳ vào góc giường. Em không thấy hối hận gì cả. Cu Hân lại mở máy thâu thanh, em bực tức, giờ này mà hát với hỏng. Tiếng hát của Giao Linh vang lên : “… một lần đến thăm em…” đang tức, bật cười sửa lại. “Tuổi Hoa ơi!” – Em hát thầm – : “một lần đến thăm em muôn ngàn ngày cũng không quên”.

HƯƠNG CỎ MAY 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 138, ra ngày 1-10-1970)
Tranh của ViVi - Cúi xuống


Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

VIVI TỰ MẠO NHẬN HỌA SĨ - VIVI VÕ HÙNG KIỆT

Hôm nay thật vui gặp lại Ông Anh Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng sau 39 năm. Qua Lê Phương Minh, Anh Hạng gửi một tin nhắn:
Hang Van Pham: “ Vui lòng tin lai ViVi đang chốn nào mong gặp.”
Liền sau đó anh Hạng viết cho tôi: ..” Rất vui gặp lại còn giữ nét vẽ của bạn trong giai đoạn thăng trầm thân phận… Thời gian là thước đo…”

*****

Vào năm 1976, một anh sinh viên kiến trúc mời tôi đến dự tệc cưới tại tư gia của anh. Anh cho ngồi chung bàn với hai nhà điêu khắc đàn anh nổi tiếng, Phạm Văn Hạng và Trương Đình Quế, tôi biết hai Anh và gửi lời chào; hai anh lịch sự cười chào lại nhưng không biết tôi là ai. 
May mắn thay, khi ấy chú rễ bước tới và giới thiệu:
- Thưa hai anh, đây là họa sĩ ViVi!

Hai anh nheo mắt cười:
- Họa sĩ ViVi, có thiệt không đó? Chú em này đừng thấy người ta nổi tiếng rồi mạo nhận đấy nghe, nhìn cái mặt non choẹt bề ngoài như ông thầy tu!

Thiệt tình từ lức ngồi chung bàn tôi có nói tôi là họa sĩ đâu. Anh chú rễ đáp thay tôi:
- Thiệt đó hai anh, ảnh là ViVi vẽ TuổI Hoa đó mà.

Anh Hạng nói ngay:
- Được rồi, em khỏi nói, hai anh có cách kiểm tra xem chú này có phải thật là ViVi hay không. Bây giờ chúng ta vẽ chân dung cho nhau thì lòi ra ngay thật giả. Em đem cho các anh vài tấm giấy trắng. Nếu chú em này không là ViVi thì phải ăn cho hết đoá hoa Hồng chưng trên bàn này, nếu đúng thì hai anh sẽ chia nhau ăn.

Có nghĩa là Anh Hạng sẽ vẽ Anh Quế và tôi, Anh Quế vẽ Anh Hạng và tôi, đương nhiên tôi sẽ vẽ lại hai Anh…
Khi giấy bút sẵn sàng tôi nhìn hai anh vẽ. Anh Quế phác thảo thật nhanh và liên tục dựng nét. Anh Hạng đúng là một nhà điêu khắc, nhấn bút như cầm dao tạc tượng… Tôi thì cứ chăm chú nhìn hai Anh vẽ và ngồi ngắm vào khuôn mặt hai Anh. Vì chỉ biết hai Anh qua sách báo cùng tác phẩm trước 1975 mà chưa một lần trực diện.
Thoáng một cái hai anh đã hoàn tất mỗi ngườI 2 bức phác thảo chân dung thật đặc sắc .
Hai anh nhìn tôi cười to:
-Sao chịu thua và thứ nhận mạo danh họa sĩ đi, nào mời chú xơi đoá Hồng.

Thiệt tình không phải tôi khớp mà không vẽ, nhưng vẽ hai nhà điêu khắc tài danh này chưa biết sẽ diễn tả cách nào? Chẳng lẽ ngồi rị mọ ghi lại đầy đủ chi tiết mắt mũi tóc râu. Tôi nghĩ họ là những danh tài Mỹ Thuật chính thống! Vẽ làm sao đây ta, thôi cứ phác họa vài nét hai Anh sẽ nhận biết ngay thôi. Họ là những tay Cao Thủ trong thế giới Mỹ Thuật làm sao qua được mắt họ.

Sau vài giây đắn đo, tôi lột giấy bao một thỏi bút sáp, bẻ một khúc rồi ngước nhìn anh Hạng chăm chú. Anh Quế lại cười:
- Ăn Hoa đi chú.

Tôi cúi xuống quẹt nhanh 3 nét (tựa như hình ngoài bìa) hai Anh vừa nhìn qua ba nét phác, Anh Quế nói ngay:
- Thôi khỏi cần vẽ anh, chú nó đúng là ViVi rồi.. Anh Hạng này, anh em ta chia nhau ăn đoá Hồng này đi!
……………

Những người Anh nghệ sĩ thật dễ thương.
Nhiều khách chung bàn hay gần đó, nhìn tấm ký họa, không thấy giống nét vẽ của ViVi trên báo TH cũng không giống khuôn mặt của ĐKG Hạng mà tại sao hai nhà điêu khắc lại chịu thua? Quí Bạn Tuổi Hoa .nghĩ sao?





TRANH MINH HOẠ CỦA ANH VIVI
Anh vẽ người thì khỏi phải bàn, danh bất hư truyền, ngay cả trong "võ lâm đồng đạo", chứ người phàm như em thì không kể, đứng xa mà ngắm, biết chi mà tán! 
Anh vẽ cảnh cũng vậy, gần gũi và yên bình, nhìn tranh mà có cảm giác như lúc mình được ở cạnh người thân. Con trâu, bụi tre, khóm trúc, cánh diều với vài ba em nhỏ, hay cảnh u tịch trong chiều tà của cảnh chùa dưới tán đa già, bên chân núi như bức tranh minh hoạ trên Thiếu Nhi, xuất bản năm '72 này. 
Đọc Thiếu Nhi, biết Anh vẽ rất nhanh, vẽ không bao giờ tẩy xoá, không có cái gọi là bản nháp... Hồn Việt luôn đầy ắp trong Anh!