Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Tuý Hồng

Tên: Nguyễn Thị Tuý Hồng. Bút hiệu: Tuý Hồng. Ngày sinh: 12-10-1938 tại Chí Long, Phong Điền, Thừa Thiên. Viết văn từ năm 1962 (viết 1 bài rồi nghỉ 2 năm sau mới viết lại).

Tác phẩm: Thở dài, nhà xuất bản Đời Mới 1965, Kim Anh tái bản 1966; Vết thương dậy thì, nhà xuất bản Kim Anh 1966; Trong móc mưa hạt huyền, nhà xuất bản Đồng Nai 1969; Tôi nhìn tôi trên vách, nhà xuất bản Đồng Nai 1970; Mùa hạ huyền, Văn Khoa 1971; Những sợi sắc không (Giải nhất Văn chương toàn quốc 1970), nhà xuất bản Khai Trí 1971; Biển điên, nhà xuất bản Văn Khoa 1971 ; Bướm khuya, nhà xuất bản Đồng Nai 1971
Đã cộng tác với: Văn Hữu, Bách Khoa, Lập Trường, Văn, Văn Học, Tin Sách, Nghệ Thuật, Kịch Ảnh, Con Ong, Diều Hâu, Tia Sáng, Độc Lập, Tin Sáng, Thần Phong, Thời Nay, Đời Nay, Khởi Hành, Tiền Tuyến, Vấn Đề…
Tuý Hồng và Những sợi sắc không
… Huế là quê hương tôi, quê hương đang có vô số nhà cửa cần bán rẻ để người Huế vào Sài Gòn tìm một chỗ ở cuối cùng. Tôi đã ở Huế từ trong bụng mẹ đến năm thứ 28 của cuộc đời. Huế mang thai tôi, để ra tôi, cho đến khi tôi đi lạc vào Sài Gòn này. Từ hai năm nay, tôi ở nhà thuê, nói tiếng Bắc, ăn chả giò, ăn bún riêu, canh chua cá dấm, thịt bò viên, mía ghim và có một người yêu…

Tuần báo Nghệ Thuật

Cám ơn anh Đinh Thanh Nguyện đã scan tặng trang PV những trang báo cũ quý giá.
nghe thuat0010
.
nghe thuat0011
.
nghe thuat0012
.
nghe thuat0013
.
nghe thuat0014
.
nghe thuat0015
.
nghe thuat0016
.
nghe thuat0017
.
nghe thuat0018
.
nghe thuat0019
.
nghe thuat00120
.
nghe thuat00121
.
nghe thuat2
nghe thuat14

nghe thuat5
.
Những Dò Thăm Không Ngừng Quá Khứ
Mai Thảo
Ở những lá thư mới nhận được hồi gần đây của những người đọc tôi, các bạn ấy, như Vui, đài trán phẳng, thái độ thẳng, tiếng nói trong, ý thức nóng và nhìn đời sáng từ tâm hồn mới, tôi có ghi nhận được một điều, đối với tôi rất đáng lưu tâm và xem là quan trọng. Dùng nó làm đối tượng trao đổi ý kiến giữa chúng ta đây. Đó là, các bạn ấy, như Vui, đã nhận tôi như một người viết chỉ biết hướng rung động mình về trở lại những vùng trời quá khứ. Nếu mỗi người viết có một thế giới, thế giới tôi là cõi chập chờn và phảng phất đó của những dư vang và những bóng hình. Mưa trong tôi là mưa bay nghiêng trên một nhà ga dĩ vãng, ở đó có một con tầu tâm thể lặn chìm không chịu lăn đời đi về nắng hồng rực rỡ những ga sau. Viết, theo các bạn và Vui hiểu, chỉ là những xâu chuỗi không cùng của miệt mài hồi tưởng. Hiện tại này, tôi không nhìn thấy nó. Cái trước mắt ồn ào sóng vỗ, cái chung quanh muôn vẻ nghìn hình, cái đang có như một trái tim lớn, máu tiếp máu bàng hoàng dội dập, ngần ấy ánh sáng, chấp chới, bay múa, một rừng lá nõn, một biển sương trong, là sớm mai này mang tên hiện tại, hỏi tại sao ở văn tôi không mảy may dấu tích, cái bây giờ của dân Việt Nam nóng hổi sinh động, Việt Nam đang xuống đường, Việt Nam đang vào trận, Việt Nam đang thoát hình, Việt Nam đang sống chết, chủ đề vĩ đại ấy là thực tại dị thường này, sao chỉ mờ nhạt hình hài, lác đác dấu hiệu qua những điều tôi đã viết ra.
Nhận định của Vui và các bạn, mang nét cau mặt của một phiền trách nghiêm nghị. Văn tôi viết, nghiêng thật nặng theo thì quá khứ. Liên hệ với dĩ vãng ở tôi không chặt đi mà lại nối dài. “Y quài tay lại sau lưng, xoay chuyển cả một khoảng thời gian lạnh tanh đã chết về làm hơi thở, đặt cái sau lưng thành cái trước ngực, hiện tại này mênh mông mặt biển, xa tắp chân trời, nhưng y chỉ cúi xuống, vớt mãi ở những đáy thẳm nào lên lướt thướt những chùm dĩ vãng lân tinh.” Chừng như Vui và các bạn đã nói về tôi, như thế.
Tại sao lại ngược đường như vậy? Chính tôi cũng đặt cho tôi câu hỏi này. Và tôi tìm trả lời đây. Nhiều cách lắm. Trước hết tôi có thể trả lời ngắn, gọn và xong là tôi như thế. Chịu không thay đổi được. Người làm nghệ thuật sống và chết với những cái đúng, cái lầm của mình vĩnh viễn. Cái y tạo ra là một công trình sáng tạo của người. Nhưng bản thân y là một thứ tính trời. Con người y là một thảm kịch. Nghệ thuật, trong liên hệ người làm nghệ thuật là một phân tâm tàn nhẫn. Nội giới y là sân khấu của một chém giết không tiếc thương, không ngừng tay. Nhưng y thế nào, y như vậy. Ra khỏi bao nhiêu vùng vẫy, hay chết đuối trong những vùng vẫy ấy, tôi vẫn là tôi. Cái phần tôi-rất-tôi, cái phần nòng cốt, xương tủy ấy ở ngoài mọi hiệu lực biến tướng.
Hay nói cho rõ hơn. Đặc tính bất biến này, biểu hiện trong sáng tác, hóa thành cái tôi tạm gọi là phong cách, điệu dáng, ở mỗi nhà văn là một riêng biệt, như cái tinh thần, cái nhãn hiệu riêng. Văn chương là biểu hiện. Biểu hiện thiếu cách thế, rất dễ lẫn nhòa trong cái chung chung, rất dễ rơi ngã vào cái chìm chìm không màu sắc. Cách thế đó không đơn thuần là kỹ thuật. Nó bao gồm cả nội dung và kỹ thuật là hai khía cạnh biểu hiện chính yếu của sáng tạo nghệ thuật. Với tôi, cách thế đó thiết yếu phải có, và cực kỳ quan trọng. Nhà văn nào tựu trung thì cũng viết về đời sống, con người, mình và kẻ khác, chỉ không biến thành một sản phẩm cùng loại ở chỗ có thể cùng hướng đến những chủ đề đồng tính nhưng bằng một nhìn ngắm riêng là cái cách thế riêng tây. Chúng ta thường bàn đến một lối thơ Thanh Tâm Tuyền, một kiểu văn Nguyễn Tuân là dấu tích con người nhà văn hiện hữu trong sáng tác của nhà văn đó. Cụ Phan Khôi ở miền Bắc từng đã than: “Thế này thì trăm thứ hoa cúc nở ra, toàn là một giống cúc vạn thọ.” Phan Khôi đã lên tiếng phản chống dũng cảm lại âm mưu đồng hóa những người làm nghệ thuật, tiêu hủy cái cách thế riêng tây, tiêu diệt cái phần hệ trọng cao đẹp nhất của một nhà văn là biểu hiện trung thành không giả tạo, không vay mượn trong sáng tác. Như thế, mỗi nhà văn đều mặc nhiên có một cách thế riêng. Tôi cũng vậy. Và tôi đã thành thật nghĩ rằng, xử dụng quá khứ ở tôi cũng chỉ là một cách thế riêng của cá nhân tôi, trong nỗ lực chung của tất cả những nhà văn là biểu hiện nhận thức và thái độ mình trước văn chương, ngôn ngữ và đời sống.
Jules Verne với những thiên tiểu thuyết đẫm màu khoa học giả tưởng và vị lai viễn kiến. Nguyễn Tuân với Vang Bóng Một Thời, Hồ Dzếnh với Chân Trời Cũ, cũng như Nguyên Hồng khi viết Những Ngày Thơ Ấu, Dương Nghiễm Mậu khi viết Gia Tài Người Mẹ, Thanh Tâm Tuyền mấy năm trước đây viết cuốn Bếp Lửa, hiện còn đang nói đến những biến cố ngày trước, những vùng trời đã mất, những thời gian đã qua, qua Cát Lầy và Ung Thư, đều không phải là những nhà văn lãng quên thực tại. Vũ Khắc Khoan nữa. Vở Thành Cát Tư Hãn không hề tố cáo một Vũ Khắc Khoan mơ tưởng cái triều đại phong kiến xa xưa của những cung phi và những ngai vàng. Điều mà người đọc cần và chỉ nên tìm hiểu ở một nhà văn, theo tôi là cái cách thế, cái thái độ biểu hiện chủ đề, mà không phải là cái ý nghĩa thường rất khách quan của chủ đề, chủ đề chỉ là một cảnh trí, một sân khấu, một đối tượng, ở đó nhà văn ném cái chủ quan mãnh liệt của mình vào, làm sống lại một thế giới thực hơn thực tại, sống hơn đời sống, bởi vì cái thế giới nghệ thuật là một thế giới đã hình thành xong xuôi, xong xuôi từ tính chất đến những vận động trở thành đến định mệnh và ý nghĩa sau cùng của nó. Lỗi lầm mà nhiều nhà phê bình thiếu sâu sắc thường mắc phải là tách rời quá khứ, hiện tại và tương lai như ba vùng thời gian khác biệt của một cuốn lịch, căn cứ vào đó để phê phán nhà văn đi vào thực tại, hướng tới tương lai, hay mãi mãi lưu đầy trong hồi tưởng và luyến thương quá khứ.
Tôi vừa nói với Vui ở trên về mỗi nhà văn đều có một cách thể biểu hiện riêng. Những điều này dẫu sao cũng còn mơ hồ và chưa chứng tỏ được ở tôi, tại sao là cần thiết những dò thăm không ngừng gửi về quá khứ. Cũng phải thú thật một điều này: tôi chưa nhìn rõ được hiện tại này. Tôi nghĩ tôi đang sống với một hiện tại đối với tôi có nhiều bỡ ngỡ, chúng ta bao giờ cũng thảng thốt một chút, bàng hoàng một chút trước bất cứ một hiện tại nào, phải thế không, nhất là hiện tại chúng ta đang sống đây, hiện tại Việt Nam cũng như cái đang diễn ra, cái bây giờ của thế giới.
Những sự việc xẩy ra, dồn dập, liên tiếp, không ngờ được. Đó là một thứ hiện tại trăm tay trăm đầu. Buổi sáng thế này, buổi chiều thế khác, mà thường là phải có một khoảng thời gian cho lắng đọng xuống, chúng ta mới nhìn thấy được rõ ràng không nhầm lẫn, đâu là nguyên nhân, đâu là biến tướng, đâu là những thực chất và đâu là những trở thành. Tại sao? Tại vì cái hiện tại này, thực tế đời sống chứng minh chúng ta đã không hoàn toàn làm chủ được nó. Mà khi nó đã thoát khỏi tầm tay chủ động của người, hiện tại đó -là đời sống này- trở thành một hiện tại đi hoang, nó hung hãn như một con thú dữ sổng chuồng, và trong cơn lốc bi thảm đó, chúng ta có những hồi choáng váng, chúng ta có những lúc bàng hoàng, không phân biệt được gì nữa, kể từ một hướng gió. Vui có thấy như thế không? Hiện tại này là trái là phải, phản phúc nhân tâm, thoắt nắng thoắt mưa, chợt êm chợt động, là cái vật vã quái đản đó của một cơn sốt rét rừng, khiến cho chúng ta rồi nhiều khi bảo với nhau là chỉ còn thái độ này: hoặc bất động nín thinh hoặc thả mình theo cơn sốt vỡ da chập chờn mê hoảng.
Mấy năm nay, tôi đã định cho là tôi phải viết được một cuốn tiểu thuyết dài về những biến động vừa qua ở Sàigòn. Những biến động làm rung chuyển đất nước chúng ta. Những biến động đẩy sấp đất nước và con người trên đất nước này vào những phút hãi hùng và đen tối nhất. Nhưng tôi chưa viết được. Tôi phải chờ. Tôi phải chờ một lắng đọng xuống, về những biến động ấy ngoài tôi, cũng đồng thời là sự lắng đọng của những biến động ấy trong tôi. Giản dị là để nhìn thấy được rõ hơn. Quy định được chính xác hơn. Khoảng cách của thời gian cho một nhà văn tạo đủ điều kiện đi sâu vào chủ đề, nắm vững được đối tượng sáng tác, là một tự nhiên cần thiết. Duy đối với những nhà văn mác-xít, khoảng cách đó không cần thiết đâu. Tôi còn nhớ ở một buổi họp mười mấy năm trước đây, ngoài vùng kháng chiến, một cán bộ cao cấp mác-xít đã chỉ thị: “Nhà văn đi trên đường có chăng ngang một khẩu hiệu mới, phải sáng tác được ngay tức khắc một sáng tác cũng nóng hổi và cũng kịp thời như khẩu hiệu ấy.” Làm vậy cũng được. Nếu tôi là một nhà văn dùng lý thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa làm kim chỉ nam. Nếu tôi cũng là một bông cúc vạn thọ của Phan Khôi. Nhưng tôi không phải thế. Làm thế cũng được. Nếu văn chương chỉ là khẩu hiệu.
Khoảng cách cần thiết. Khoảng cách cần thiết cho những người làm văn học sử quy định được chính xác một thời kỳ văn học. Khoảng cách cần thiết cho một nhà văn hòa nhập được vào đề tài, lĩnh hội được đặc thù, khám phá được gốc nguồn và chân tướng, khoảng cách đó tôi gọi là quá khứ của sáng tác mà không một nhà văn nào có thể vượt qua được, cho dù nhà văn là một thiên tài. Vui, mỗi con người chúng ta đều có một trình tự sống. Trình tự đó kết hợp bằng những kinh nghiệm, những tích lũy, những dấu chàm đớn đau trên ngực, những ảo tưởng một người phải có, những thực tế một đời phải gặp, những ngã xuống đau thương, những lết đi cực nhọc, tất cả nối tiếp nhau qua hình ảnh một hành trình. Tôi không hiểu, ở những người “ý thức nóng và tâm hồn mới”, “đài trán phẳng và tiếng nói thẳng” như Vui khỏi cuộc hành trình vào đời diễn ra trong những điều kiện nào. Chỉ biết rằng chúng tôi, lớn lên trong chiến tranh tiêu thổ, Hà Nội thiên đô, một ngày nào của tuổi hai mươi ném mình vào những chân trời mịt mùng gió bão, hai mươi năm tự đó đến nay, chúng tôi sống, lúc nào cũng như với một mất mát cực kỳ lớn lao, mất mát đó với riêng tôi, không thể lấp đầy, cho dẫu lòng mình còn như lửa đỏ. Cho nên chúng tôi đã nói đến những mất mát đó, đến quá khứ, đến Hà Nội, đến những ngày vui xưa, những kỷ niệm cũ, tầm thường, nhỏ bé, nhưng chúng là những tia nắng duy nhất của một mùa xuân quá ngắn, một tuổi vàng đã bay, đến nay là những dấu tích mộng tưởng còn lưu giữ được và đối với chúng tôi, đã mất hẳn một phần đời hoa bướm, những dấu tích ấy thật hiếm hoi quý báu vô ngần. Người ta không thể chỉ sống bằng quá khứ. Nhưng tôi đã chọn. Tôi đã chọn nói đến những vấn đề tôi xem là quan trọng, qua trình tự này là những đớn đau, những mất mát đầu đời phải được nói đến đầu tiên. Như thế là lựa chọn cho riêng mình một hợp lý nào đó. Tôi nói cho riêng mình. Một nhà văn, cho dẫu tham vọng cao lớn đến đâu, những lúc tâm thức xao xuyến, thần trí hoài nghi, chỉ còn dám tin là mình chỉ còn lại cái thẩm quyền thảm thương hữu hạn là nói đến cái thế giới cá nhân nhỏ bé của mình, bởi con người mình chỉ là ảnh hình của cái thế giới cá nhân thu hẹp ấy. Không, Vui và các bạn không nhận được gì đáng kể qua những điều chúng tôi đã viết ra đâu. Ngoài sự thành thực. Sự thành thực đó là sòng phẳng với mình, và cũng là một thái độ kính yêu chân thành đối với đời sống.
Hồi gần đây, tôi nghe thấy, luôn luôn, tiếng đập của một cánh cửa. Một cánh cửa buồn rầu. Một cánh cửa cuối cùng. Một cánh cửa tối đen. Và phía bên kia cánh cửa tối đen kia là hư vô và yên lặng.
Mai Thảo

nghe thuat1

nghe thuat3

nghe thuat13


nghe thuat12


nghe thuat11


nghe thuat10


nghe thuat9


nghe thuat8


nghe thuat7


nghe thuat4

nghe thuat6
nghe thuat21
.
nghe thuat17
.
nghe thuat18
.
nghe thuat22
.
nghe thuat23
.
nghe thuat24
.
nghe thuat25
.
nghe thuat26
.
nghe thuat27
.
nghe thuat28
.
nghe thuat16
.
nghe thuat19
.
nghe thuat20
nguồn http://123hoang.wordpress.com

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Ngày cuối, xa thuở học trò - DIỄM PH.


Xa nhau rồi, buồn không con dốc nhỏ
bụi có phai hờ hững dấu chân quen
 còn nhớ nhung xin giữ chút ngoan hiền
 mưa bay nhẹ vương giọt thầm trong mắt
 
 gió chưa qua hồn bỗng dưng ngơ ngất
 nụ sương trinh ơi hoài nhé dại khờ
 em đi về tim òa khóc ngây ngô
 áo trắng em rồi một chiều mất bóng.


                                                            Diễm Ph.
    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 213, ra ngày  15-11-1973)

Ngày Chim Đủ Cánh - THƯƠNG NGA

Như chim non đủ  cánh
Em xa rời trường yêu
Nước mắt hồng lóng lánh
Rơi xuống khóc trong chiều

Như chim xa tổ ấm
Em nghe lòng tiếc thương
Kỷ niệm còn đằm thắm
Sao em bỏ ngôi trường

Như chim non đủ cánh
Em giã từ thầy cô
Đi trong niềm kiêu hãnh
Những trao tặng mơ hồ

Như chim xa tổ ấm
Về khung trời cao sang
Ngày chia ly ướt đẫm
Dấu ái hoài mênh mang
                               
                        Thương Nga


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 166, ra ngày 1-12-1971)
Trên lưng ngựa - tranh bìa của Vi Vi


Giấc Ngủ Của Chim - VŨ CHINH


Tôi choàng tỉnh dậy sau giấc ngủ dài mê mệt. Buổi sáng hừng nắng quanh thân tôi. Tôi chói mắt quay đi chỗ khác. Mẹ tôi vẫn còn ngủ. Mẹ ngủ say hơn cả tôi. Có lẽ vì đêm qua phí quá nhiều sức đi tìm mồi dành ăn cho hôm nay. Hơi thở mẹ điều hòa.

Trông mẹ, tôi hình dung một con suối ngoằn ngoèo cơ cực trong một cánh rừng gần đây. Con suối chảy nhẹ nhàng, thân mật với từng bờ đất, từng phiến đá, từng bụi cây đám cỏ. Con suối chảy qua bao miền, hát hoài bài ru cho khu rừng câm lặng. Rừng ngủ ngoan dưới nắng trời tươi đẹp. Mây bay cao cho chim chóc lượng vòng.

Mẹ là con suối đó. Mẹ đẹp và tình thương của mẹ cũng đẹp vô song. Mẹ thương tôi như đã thương chính mẹ trong những ngày mùa đông. Tôi còn nhớ, nhớ rất rõ, một ngày đau thương của mẹ. Mẹ bị thương ở cánh vì một viên đạn tàn ác chẳng rõ từ đâu. Mẹ đành nằm lì một chỗ dù biết mùa đông sắp trở về, nghĩa là mẹ sẽ chịu đói rét và sẽ đi đến cái chết nếu mẹ không rời khỏi miền này. Những năm trước mẹ thường nhập bọn với các bạn bay đến một vùng thật xa, có thể ở tạm được để trốn chạy mùa đông. Mùa đông, cây xơ xác, trời lạnh giá, rất khó tìm được thức ăn. Thế rồi mẹ cảm bịnh, ngày một tăng dần. Nhưng một chiều, mẹ cố gắng bay đi, bỏ xa tổ ấm, tìm nơi bình yên ấm áp hơn. Loài người tàn ác, và lại rủi cho mẹ, mẹ bị trúng đạn lần thứ hai. Mẹ cố lết đi, trốn chui trốn nhủi trong các bờ cỏ rậm. May mà mẹ thoát được, nếu không, tôi chẳng được một phút một giây nhìn ngắm mặt trời.

Mẹ hy sinh rất nhiều cho tôi. Mẹ hình như già đi trước tuổi. Tôi thương mẹ vô cùng, nhiều lần tỏ ý xin đi tìm mồi giúp mẹ phần nào, nhưng mẹ cương quyết không cho. Và, mẹ giận tôi nguyên ngày đó. Thế là tôi hầu như bỏ hẳn ý định đó.

Tổ ấm của mẹ con tôi mấy ngày nay bỗng dưng trống hở xơ xác rất thảm hại. Theo lời một người bạn, thì cứ chiều chiều, có một con chim thật to, mỏ dài và nhọn đến gần tổ cắp vài cọng rơm bay đi. Tôi thường ngủ vào buổi chiều nên không hay biết gì. Mẹ biết được chuyện ấy, giận lắm, vì bấy lâu nay mẹ có thù hằn gì với ai đâu. Mẹ nói mẹ sẽ cố gắng rình rập bắt cho kỳ được “tên côn đồ” ấy.

Tôi vỗ vỗ đôi cánh cho đỡ mỏi, và đưa mắt nhìn phóng ra ngoài. Trời cao và xanh. Tơ mây vắt ngang ở giữa từng hiền hòa như mỉm cười. Cây lá quanh tôi chừng cũng muốn reo hò chào mừng mặt trời. Tôi như bị kích thích bởi ngoại cảnh, chim chíp lên mấy tiếng ngân. Tiếng tôi như lấn át hết tất cả những tiếng động xung quanh, nhưng không làm sao động giấc ngủ ngon của mẹ. Tiếng tôi nhảy múa trên nền đất, lăn chạy trên cây cỏ, chui vào những hang hốc của các loài côn trùng tôi không được quen. Tôi thấy vui hơn thường ngày. Tôi ao ước được bay thoát ra, lượn vòng trên con sông chảy nhẹ. Tôi muốn, tôi muốn…

- Nghĩ gì thế mầy?

Tôi giật mình suýt đụng vào người mẹ tôi. Tôi quay về phía tiếng nói:

- A! Chào chị Yến mới đến.

- Ừ. Mẹ mầy còn ngủ à?

- Dạ, mẹ tôi còn ngủ nhưng có lẽ cũng sắp dậy.

- Mầy đi chơi với tao không?

- Đi đâu hở chị?

- Thì lượn vòng gần đây một chút cho sảng khoái, luôn tiện ăn sáng luôn. Buổi mai nhiều món ăn ngon lắm.

Mới nghe chị Yến nói, tôi đã thấy thèm. Thèm được thở hít gió mát. Thèm được nhai nuốt kỹ càng những món ăn béo bở lạ miệng. Tôi nhìn mẹ, không hiểu sao mẹ không thức dậy đi tìm mồi lúc này như chị Yến, lại đi vào những buổi khác, vào những giờ khác rất lạ kỳ. Mẹ sống nhiều và lâu hơn chị Yến, có lẽ nào lại không có những kinh nghiệm cỏn con ấy. Tôi phân vân, chưa biết có nên đi hay không.

- Đi không?

- Mẹ tôi không cho phép.

- Cần gì phép tắc nữa. Mầy đã lớn sộ rồi chứ bộ còn nhỏ nhoi gì lắm sao. Phải có quyền tự do chứ. Vả lại, mình đi gần đây thôi.

Nói đoạn, chị dợm bay đi. Tôi gọi với theo chị Yến, chị Yến : chờ em với.

Bây giờ thì hai chúng tôi đã ở lưng trời. Tôi không còn lo âu gì nữa cả. Tôi quên, quên hết. Tôi thở hít những hương thơm lá cỏ, ngắm nhìn say mê những cảnh trí thần tiên quyến rũ. Chị Yến dường như quá quen thuộc, nên chỉ thả lượn tìm mồi. Tôi vui sướng hơn bao giờ hết, vút cánh bay thật xa, thật xa, trời xanh thăm thẳm, trời quá bao la.

Và, trong giây phút, tôi thấy giận mẹ tôi, tại sao tôi cũng “lớn sộ” rồi mà cứ bắt tôi ở mãi trong tổ, nhìn ra trời cao mơ ước thèm thuồng. Tôi không được tự do, bị giam hãm trong một không gian hạn hẹp, oi bức, chán nản.

Tôi cứ buông cánh lững lờ trên những ngọn tre xanh. Phía dưới là con đường làng ngoằn ngoèo xanh um hai bờ cỏ. Những mái nhà tranh thân thuộc, khói tỏa mơ hồ. Ôi! Đẹp làm sao. Bay chán, tôi đậu trên một nhánh cây khá thấp. Tôi hát lên một bài ca thuộc nằm lòng. Tiếng tôi quả có sức thu hút lạ lùng. Tôi say sưa với giọng hát. Nắng đã xối ngập cả cảnh trí.

Bỗng, tôi giật mình vì một tiếng động, quay lại thì… Ái! Một con trăn khá to, mắt tóe lửa, chồm vụt đến và cắn vào đôi cánh tôi. Tôi rú lên, dãy dụa, la hét… May thay, tôi rơi bịch xuống đất. Hắn lườm lườm nhìn tôi như tiếc rẻ một mồi ngon.

Đôi cánh tôi bị trầy xát gần hết. Tôi không sao cất cánh bay cao hơn được nữa. Tôi cố lết, từng bước, từng bước, như mẹ tôi ngày nào. Mệt đuối, nhưng tôi nào dám đứng dừng lại nghỉ, vì ngại rằng kẻ thù đang tứ phía vây bọc theo đuổi. Tôi thấy đời hết đẹp, trời không còn sáng, tất cả hình như biến đổi mù tối thăm thẳm. Mẹ ơi! Mẹ ở đâu? Mẹ ở đâu? Mẹ hay biết gì không? Sao mẹ không đến với con?

Tôi thở dốc từng hồi, thân thể rã rời. Tôi đứng nghỉ mệt trên một tảng đá cao phủ đầy rong rêu. Cơn đói lại như gió thốc đến dồn dập. Tôi thấy bất lực. Phía sau tôi có nhiều tiếng hét la. Đúng là con người. Họ đuổi rượt tôi. Trời ơi! Làm sao đây? Thôi thì cố chạy. Ba lần rồi những bàn tay bạo ác ấy bắt vuột tôi, và cũng ngần ấy lần tôi suýt chết giấc. Tôi cố đẩy mình bay cao, nhưng thân thể chừng mang nhiều đá sỏi nặng trĩu. Tôi cầu cứu ai đây. Tiếng la hét mỗi lúc một 
gần và nhiều. Tôi đuối sức ngã quỵ xuống đất và mơ hồ nghe thấy tiếng cười…

*

Vừa thấy thấp thoáng bóng thằng Khánh ngoài ngõ, thằng Phấn đã ôm cặp chạy vội ra. Thằng Khánh đưa cho bạn xem chiếc ná thun vừa đẽo xong. Thằng Phấn khen:

- Mầy đẽo “nghề” lắm.

- Đố mầy bao nhiêu lâu mới xong?

- Một ngày.

- Trật.

- Nửa ngày.

- Trật luôn.

- Chứ bao nhiêu?

- Một tiếng rưỡi đồng hồ.

Thằng Phấn nhìn bạn khâm phục và đôi mắt nó thoáng vẻ thèm muốn.

- Tao cho mầy đó, Phấn!

- Mầy nói gì? Mầy cho tao cái ná này à!

- Ừ.

- Sao mầy làm rồi không chơi?

- Tao có nhiều lắm. Mầy muốn chơi thì lấy đi.

Thằng Phấn sung sướng ra mặt, nó cảm ơn bạn bằng ánh mắt.

- Mầy ăn sáng chưa? Tao có gói xôi đậu nè.

- Ai nấu đó?

- Má tao.

Gói xôi còn nóng hổi nằm gọn trong tấm lá chuối xanh. Hai đứa vừa ăn vừa nói cười vui vẻ. Buổi sáng hồng mơn mởn như một búp non. Thằng Khánh ăn thật ngon và ăn nhiều hơn thằng Phấn đã no vì có chiếc ná.

- Mầy thuộc bài học thuộc lòng chưa?

- Rồi.

- Mầy dò bài dùm tao nghen.

- Ừ.

Thằng Phấn bắt đầu đọc:

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.

Ông ơi! Ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Thằng Khánh gật đầu:

- Mầy thuộc lắm rồi đó.

Rồi hai đứa bắt đầu tiến bước đến trường. Thằng Phấn mân mê hoài chiếc ná thun. Nó lắp sỏi vào, giương ra, buông tay. Phát đạn bay vèo trong đám lá xanh. Nó sung sướng lắm. Và nó hình dung đến những buổi bắn chim sắp tới.

- A! Con chim.

- Con chim gãy cánh. Mầy ráng đuổi dồn nó vô góc nầy nghen.

- Ừ.

Hai đứa bao vây con chim nhỏ lông cánh trầy sướt gần hết. Con chim cố lết đi, vòng qua phía này, vòng qua bên kia. Thằng Phấn bắt trượt một lần, té bò càng. Thằng Khánh không sao nín cười được. Nhưng rồi nó lại trượt như thằng Phấn và trượt đến hai lần. Con chim coi bộ cũng đuối lắm. Hai đứa dồn con vật vào một góc. Đến thế cùng rồi, con chim đành nằm gọn trong lòng tay của thằng Phấn.

- Con chim đẹp quá. Mầy biết chim gì hôn?

- Hình như là chim… Tao cũng quên mất tên.

- Lông cánh nó rụng gần hết. Đáng đời mầy lắm ai biểu đi chơi làm chi.

- Bây giờ tụi mình nuôi hay làm thịt?

- Nuôi đi. Làm thịt tội nghiệp vì nó còn nhỏ.

- Mầy có lồng hôn?

- Có.

- Vô nhà lấy đi. Lẹ lên nghe.

Thằng Phấn chạy vụt vào nhà, mang ra một cái lồng tre đan thô sơ. Thằng Khánh bắt con vật bỏ vào rồi hai đứa đến trường. Con chim đã tươi tắn hơn lúc trước. Nó bấu chặt vào thanh tre ngó ra ngoài vùng vẫy mãnh liệt.

Vào lớp, thằng Phấn giấu cái lồng chim ở dưới ghế ngồi. Thầy giáo dạy chúng không biết việc này gần suốt buổi học, nhưng gần đến giờ ra về, chợt có tiếng chim hót lanh lảnh. Âm thanh trầm bổng lả lướt nghe êm tai làm sao. Thầy giáo lấy làm lạ trong khi cả lớp đều quay hướng về thằng Phấn.

Thằng Phấn tuy vui khoái lắm nhưng cũng hơi lo. May sao, tiếng chuông tan học reo vang. Thế là thoát. Hai đứa mang lồng chim chạy ra khỏi lớp trước nhất.

- Để tao bắt châu chấu cho nó ăn.

- Chắc nó đói lắm.

- Mầy giữ dùm tao cái lồng.

Thằng Phấn chạy lại mé rào để bắt châu chấu. Con chim sáng rực mắt trước những món ăn 
béo bở. Nó ăn trông thật ngon lành. Cứ điệu này, chẳng mấy chốc con chim sẽ lại sức ngay.
Tới nhà thằng Phấn, thằng Khánh nói:

- Mầy cất lồng đó ở nhà mầy đi, trưa tao lại chơi.

- Mầy tốt với tao quá.

Còn lại một mình, thằng Phấn kê mũi vào chiếc lồng nói thật nhỏ:

- Mầy ở chung với tao nghen chim.

*

Tôi vẫn đứng không cử động nhìn mãi ra ngoài. Buổi tối bắt đầu từ lâu. Tôi nghe hồn trống trải lạ. Tôi buồn hơn bao giờ hết. Mấy ngày qua rồi không được nhìn thấy khuôn mặt hiền từ phúc hậu của mẹ. Tôi nghẹn ngào trong tiếng hót không còn thanh tao như ngày xưa. Tôi vùng vẫy để rồi nghe ê ẩm mỏi rời thân thể. Không còn hy vọng gì để được thoát ra. Chiếc lồng tre nầy là nhà tù của tôi, của chúng tôi, cũng như của cả đồng loại tôi vì ngu khờ chậm chạp mà bị bắt.

Tôi hối hận. Sự hối hận làm tôi không sao nhắm mắt ngủ im. Giờ nầy chắc mẹ tôi đang trông chờ. Mỗi phút qua đi là mỗi phút lòng tôi có thể đứt đoạn đi được. Tôi giận mình nhẹ dạ,dại khờ cãi lời mẹ dặn dò.

Mẹ ơi! Mẹ dặn con nhiều lắm, nhưng con nào có nghe và vâng lời. Con là đứa con bất hiếu. Mẹ thương con nhiều lắm, nhưng con không biết thương mẹ, đã làm mẹ buồn. Mẹ héo hắt từng chiều không có con. Mẹ nhạt nhòa mắt đỏ trông chờ. Con khóc đây mẹ ơi! Vì con không dằn được cảm xúc. Phải chi con không nghe lời rủ ren của người ta giờ nầy con đang ngủ say cạnh mẹ, bên hơi thở tràn hơi ấm mẫu thân. Mẹ sẽ xòe đôi cánh lớn lên thân con, xua đuổi sương gió lạnh rét vây phủ bên ngoài.

Những buổi mẹ đi tìm mồi về, con đứng trước tổ, ríu rít chào mẹ, mẹ hôn con và trao thức ăn. Con cười., và nũng nịu tiếng hát thanh thanh. Đêm xuống mẹ con ta nằm cạnh, mẹ kể cho con nghe những chuyện cổ tích, những lịch sử oai hùng của giòng giống chúng ta. Con say sưa nghe và ngủ lúc nào không biết.

Có mẹ, là con có cả hơi thở để thở, để sống. Niềm vui đến với con đầy ngập. Con biết mẹ hy sinh nhiều cho con, mẹ gánh mang tất cả những gian khổ, để dành riêng sự bình an vui sướng cho con. Trời ơi! Bao nhiêu công lao đó, bao nhiêu sự chiều chuộng, thân yêu đó, con đã hủy phá mất.

Tôi đang khóc thật ngon. Đêm trùm lên thân thể tôi. Sương xuống nhiều. Không gian rơi vào cõi u tịch lạnh lùng. Tôi một mình, không được hơi thở mẹ ủ ấp nữa. tại tôi, chính tại tôi hết.

Những ngày tháng buồn rũ lặng lẽ qua, tôi thêm tàn tạ héo hắt. Tôi không ca hát gì nữa. Cơn bệnh đến với tôi một chiều. Tôi nghe mỏi rũ cả toàn thân. Tôi quỵ xuống và biết mình sắp chết. Vậy là hết, con đành xa mẹ. hơi thở nầy xin gởi riêng cho gió làm món quà cuối cùng cho mẹ. Mẹ ơi! Con thương mẹ…

*

Thằng Phấn lấy làm lạ khi hôm nay là ngày bắt châu chấu chuồn chuồn nhiều nhất của nó mà con chim lại không thèm ăn. Suốt ngày nó ủ rũ. Đôi mắt thẫn thờ trông thật tội nghiệp. Thằng Phấn bắt nó nằm trên tay, vuốt xoa nó, nhưng nó không buồn ngước lên.

Con chim buồn làm nó buồn lây. Nó không thèm đi chơi nữa, để trọn thời giờ săn sóc cho chim. Những bữa trước, thằng Phấn bắt được bao nhiêu châu chấu là con chim ăn sạch bấy nhiêu. Thằng Phấn mừng lắm, nó tin rằng con chim sẽ mạnh và lớn hơn.

Thằng Phấn khoe với tụi bạn là mình có con chim đẹp nhất không ai sánh bằng. Tụi bạn phải công nhận là đúng. Vì con chim đẹp thật, không quá đáng với lời khoe của thằng Phấn. Những buổi sáng nghe tiếng hót của chim là nguyên ngày đó, nụ cười luôn luôn được gắn trên môi thằng Phấn. Tiếng hót như một chất nhựa ngọt ngào làm dậy sống những gì khô khan nứt nẻ.

Má thằng Phấn cũng ưa con chim nầy lắm. Bà nói chừng ba bốn táng nữa là bà sẽ kiếm tên đặt cho con chim. Thằng Phấn tán thành ý kiến của mẹ, nó còn thêm: sẽ mua lồng khác mới hơn cho chim ở.

- Nghĩ gì vậy Phấn?

Thằng Phấn nhìn bạn:

- Mầy mới đến hả.

- Ừ.

Thằng Khánh ngồi đối diện với bạn:

- Con chim có hót không mầy?

- Không biết sao mấy hôm rày nó nằm rũ như chết chẳng hót một tiếng.

Thằng Khánh bắt chim để trên tay mình. Nó ngắm nghía. Con chim đôi mắt lờ đờ nhìn nó,rồi chợt khép kín, đầu ngả sang bên. Con chim mềm nhũn toàn thân.

- Nó chết rồi.

Thằng Phấn muốn ứa nước mắt. Nó ôm con chim vuốt ve, không biết phải nói gì. Chiếc lồng trơ trụi hoang vắng như cánh đồng không bóng người. Trong mơ hồ, thằng Phấn nghe tiếng nói của bạn:

- Chắc nó nhớ nhà.

Vũ Chinh      


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 77, ra ngày 15-9-1967)

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Chuyến Về Cuối Năm - PHAN KHƯƠNG THÁI

Mùa len trâu - Ảnh : Xuân Thủy 
Mấy hôm nay ông Cả rất bực mình với bọn lái trâu bò. Ông miễn cưỡng phải cho bốn người tá túc là quá lắm vì ông vốn mang tiếng keo kiệt từ lâu. Có đâu mà lo đến cái ăn, cái uống thêm nữa. Chỉ vì hồi xưa, thuở còn ba chìm bảy nổi, ông Cả có gia nhập kháng chiến. Kẹt một nỗi là có anh bạn quen, bây giờ trôi giạt lênh đênh tới đây. Tái ngộ cảnh này ông Cả không ham, chỉ sợ phải dính líu ân oán giang hồ, nên ông phải ép bụng. Ông Cả không chút nao núng khi nghe già Hai giở giọng vừa thuyết phục vừa hăm dọa: 

- Anh bán đại bầy trâu già cho tôi đi, bò nữa. Thiệt! Tôi cũng cần cho đủ số, chớ trâu với bò của anh tệ quá. Chưn cheo, nằm cát… đủ cái xấu…

Rồi già Hai hạ thấp giọng như sợ kẻ khác nghe lén: 

- Hồi dẫn đàn em qua đây, tôi còn nghe phong phanh tụi cướp Miên hăm lùa trâu bò làng này… Anh coi chừng, tụi nó đếch biết trời đất, dám lựa người già mà khảo nữa đó đa… 

Ông Cả cười nhẹ chứ trong bụng hơi lo, và đáp cứng bề ngoài: 

- Ối! Tới đâu hay tới đó, thời buổi này cướp mà ló vô đây thì tới số… Có lính quốc gia, rồi tự vệ… đủ sức bảo vệ thôn ấp mà. Thôi anh nhậu tiếp, tôi vừa rồi… 

Ông Cả quát gọi thằng chăn trâu. Thằng Tư Cò ở đợ trừ nợ cho vụ đám ma của tía nó, mà hồi đó ông Cả tốn tiền làm giúp. Ông Cả chỉ sợ cái thằng nhỏ thó, mặt thẹo – đàn em của già Hai – rù quến thằng Cò đi theo. Ông Cả còn sợ thằng Cò điềm chỉ tiền của ông để trong nhà thì nguy. Ông Cả la chằng chằng, mà độ chừng thằng Cò khoái theo cái thằng mặt thẹo nghe chuyện trên trời, dưới đất, đủ thứ tào lao… 

- Cò à, bữa nay mày ngủ ở chuồng trâu nữa nghe chưa. Nhường cái chái cho ông Hai với mấy anh đây. Mày nướng thêm con khô mực giùm cái… 

Ông già Hai cản lại, sau khi ực nốt chỗ đế sót lại trong xị rượu: 

- Thôi khỏi anh, tụi tôi đi ngủ đây. Tư Rô, chú đi đốt mớ củi un muỗi coi. 

Gã mặt thẹo là Tư Rô, nhỏ nhất bọn và cũng lanh lẹ nhất, đi một lát về, gã nói: 

- Hổng có củi, un đỡ bằng mủng dừa, còn tôi vô chuồng trâu ngủ chung với chú em đây cho vui. 

- Ừ, cũng được, mà bớt đía cái lỗ miệng lại nghe Tư Rô. 

Tư Rô cười hệch hạc: 

- Đía gì đâu! Hết nói chuyện vòng vo Tam Quốc, thì nói qua chuyện Tiếu Lâm cho nó đỡ buồn vậy mà. 

Tư Cò nằm lim dim nãy giờ. Nghe tiếng động của chân người nhảy qua song ngang cửa chuồng trâu, nó nhích khẽ qua một bên nhường chỗ cho anh bạn. Anh Tư Rô mới có hăm mấy tuổi đời mà dày dạn phong trần, biết đủ thứ chuyện làm nó phục lăn. 

Ông Cả đoán không sai, Tư Rô với mục đích dụ dỗ thằng bé non dạ. Thật vậy, Tư Cò mười lăm, mười sáu tuổi rồi mà còn khờ như trẻ lên mười. Coi bộ thằng Tư Cò tin tưởng hết sức khi nghe: 

- Cò à! Ngủ chưa? 

- Dạ chưa. 

- “Qua” kêu tên chú nghe. Chớ kêu thứ, thì hai anh em mình đều thứ Tư hết cũng kỳ. Bữa nay “qua” kể tới chuyện “len” trâu. “Lùa trâu” mà tiếng nhà nghề nói chại theo tiếng Miên đó. Chú biết không? Vui lắm. Tới mùa nước nổi, miệt Hậu Giang bị ngập lụt cho đến trâu bò ốm đói không còn cỏ lúa mà ăn. Chủ trâu phải mướn người dẫn bầy trâu lên núi tìm sống, chờ nước giựt lùa về, trả công bằng lúa từng giạ cho “tằn khạo”. 

Thằng Tư Cò thắc mắc: 

- Tằn khạo là chức gì hả anh? 

- Cũng tỉ như cập rằn, hay người quản lý bầy trâu tứ xứ mấy trăm con vậy. Ông ta mướn thêm năm mười đứa bé chăn giúp. Hồi cỡ tuổi chú em, qua cũng theo nghề đó rồi. Cực nhọc mà vui ghê. Vì cứ ở trần dang nắng cả tháng trường. Yếu sức dám bịnh, mà bịnh nặng dám chết dọc đường như trâu. Vì lúc nào cũng hò hét, đập cây dầm, đếm trâu trên xuồng trống trải, chịu đựng với nắng mưa. Con trâu chết còn có bộ da với căp sừng cho tằn khạo đem về làm bằng cớ trình chủ trâu. Rủi ra chủ trâu nói mình giết thịt hay bán tháo, hoặc bị cướp thì mất uy tín để làm ăn… Về sau, thấy làm hoài chỉ làm giàu cho tằn khạo, “qua” bỏ nghề. Bây giờ đi buôn trâu bò, chắc chắn lại lời hơn. 

- Vậy chắc tui đi làm mướn kiểu đó được hả anh? 

- Ờ, nếu biết lợi thì dư sức. Còn chèo xuồng, và lùa trâu, và coi đếm… thì học mấy hồi. Nhưng mà nghe “qua” đây, theo ông Hai đi, lùa trâu bò trên cạn khỏe ru. 

- Ý, tui đâu có vốn liếng gì mà buôn với bán. 

Tư Rô cười ngất trong đêm vắng, rồi giải thích cho Tư Cò nghe, tiếng được tiếng mất như muỗi mòng vo ve: 

- Vốn liếng khỉ gì. Toàn là “mượn đầu heo nấu cháo”. 

- Nghĩa là sao? 

- Thì vay nợ chẳng hạn. Hay mua chịu. Có khi lấy tiền trước của người mua, rồi đi mua ăn lời. Coi như đó là tiền công. 

Nhưng Tư Rô quên hay không thèm tiết lộ rằng : y và đồng bọn đã từng quịt nợ, hay mua chịu không trả. Còn ai mà tin tưởng đưa tiền trước thì luôn gặp lỗ lã vì sự việc đã rồi, không làm sao giải quyết được mánh khóe quỉ quyệt của bọn lưu manh. 

- Nghe anh nói tui bắt ham, Nhưng trốn theo anh, chắc ông Cả cào nhà má tui. Má con tui còn thiếu nợ với chịu ơn của ổng nhiều. 

- Gì mà dữ vậy. Theo nghề hổng đầy nửa năm, chú em dư tiền tậu cái nhà còn lớn hơn của ông Cả. Nghe lời “qua” đi. Mình bỏ hết. làm trai mà! Phải vùng vẫy cho thỏa chí tang bồng. Nhát thít như chú em suốt đời làm tôi mọi cho người chớ ích gì. 

Sáng mốt, vừa tờ mờ sáng thì bọn lái lên đường sang Cao Miên theo ngả Trảng Lớn. Ông Cả đã bán hết bầy trâu năm con, chỉ còn giữ lại hai con bò để dành kéo xe. Không phải ông Cả chịu lép vế cái bọn lái “trăm mưu ngàn kế” đó, mà bởi vì ông tính khôn lắm. Ông sẽ dùng tiền bán trâu, đắp thêm chút ít để mua một cái máy cày. Với máy đó ông còn có thể cho lối xóm mướn lại với giá cắt cổ. Chẳng mấy lúc mà lấy lại đủ vốn. Đến chừng ông Cả biểu thằng Tư Cò lo dọn dẹp cho sạch chuồng trâu để khi cần sẽ trồng nấm rơm, mới hay thằng Tư Cò đâu mất. Mấy bộ đồ rách nó giấu trên tấm ván gác ngang sát nóc chuồng cũng được nó lấy theo, nhưng cái nóp của ông Cả cho thì còn đó. Ông Cả giận dữ vì biết chắc thằng Tư Cò cuốn gói để lang bạt giang hồ. Dù rằng từ nay ông khỏi cần thằng Tư Cò chăn trâu, nhưng còn bao nhiêu công chuyện nặng nhọc ai làm đây? Dễ gì mướn đầy tớ đa dụng, lại có thể mắng chửi, đánh đập lúc nào tùy ý. Ông Cả đến nhà má của Tư Cò, vừa cho hay vừa chửi rủa cho đỡ tức giận. Ông còn hăm he thưa lính làm sao cho còng đầu “cái thứ gì mà không biết dạy con”, nào là “quân vô ơn bạc nghĩa”. Má Tư Cò rưng lệ, thiếu điều lạy sống ông Cả để xin lỗi. Má của thằng Tư Cò phải hứa cho con Năm Đẹt – em Tư Cò – làm thế thằng anh nó, ông Cả mới tạm gọi là nguôi bụng. Ông hầm hừ xách ba toong ra về, không quên phân bua bằng một câu ra vẻ đạo đức : - Thiệt là “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”. Thằng Tư nó còn ăn cắp của tôi cũng bộn bạc để theo cái thứ lưu manh. Cái thằng gì mà “tâm hơ, tâm hất”, để nó giữ trâu bò, ban đêm trộm cũng khiêng luôn nó thì kẹt cho tôi đa. Cũng may! (?) 

* * 

Xoay qua, xoay lại… lật bật đã thấy Tết. Nhà nhà đưa ông Táo xong thì lo dựng nêu. Đêm đó, chưa ba mươi mà trời tối đen như mực. Bỗng có tiếng sủa rân, kéo dài từ đầu thôn, đến cuối ấp, rồi dừng lại ở trước căn nhà lụp xụp của má thằng Tư Cò. Con Năm Đẹt đã xin ông Cả về nhà mấy bữa rày để gói bánh tét bán. Con Năm nghe động thì la chó, rồi nó lách tấm phên ra. Một bóng đen xơ xác, đứng lặng, nhìn kỹ rồi con Năm mừng rú lên: 

- Trời! Anh Tư, má ơi má! Anh tư về kìa. 

Dừng tay cắt mớ rễ kiệu, má thằng Tư nhìn ra, bà buông dao và nghẹn ngào thốt hỏi: 

- Tư, mày đi đâu mất biệt hai tháng trời nay? Tao tưởng mày chết bờ chết bụi rồi chớ. Mày coi, nhà cửa chùm ùm, không người quét tước dọn dẹp để đón ông bà. Bàn thờ, lư hương, chén cúng… chờ mày về đó Tư. 

Con Năm Đẹt tò mò nhìn nét mặt dày dạn sương gió của anh nó, bây giờ có vẻ đen hơn. Nó toan đóng tấm phên tre thì nghe tiếng thở phì phò mà nãy giờ, giây phút hàn huyên gặp gỡ đầy cảm động đã lấn át sự chú ý của nó. 

- Úy, mèn ơi! Trâu ở đâu mà anh Tư dắt về kìa má ơi! 

Thằng Tư Cò cười ngây ngô. Nó giải thích việc làm công khai của nó, lẽ ra phải giấu kín: 

- Tui lấy của mấy ông lái trâu bò. 

- Vậy là mày trộm trâu sao Tư? Con ơi, bộ con làm chuyện phi pháp người ta hay biết thì chết, liên lụy má con tao, khổ lắm Tư ơi! 

- Ăn nhằm gì má ơi, má đừng lo, bọn họ bắt hai người rồi. Còn hai người kia lủi trốn đâu mất. Tui quýnh quá, rã hàng ngũ sẵn dắt về đây đại ba con trâu. Tui đi khơi khơi có lính tráng nào xét bắt đâu. 

Tết năm đó, má con thằng Tư Cò bán lại cho ông Cả hai con trâu để trừ hết nợ nần. Ông Cả bỗng giở chứng tốt bụng (có lẽ để khoe khoang mình cũng là người biết tha thứ, biết làm ơn) còn cho Tư Cò thêm mớ tiền. Tư Cò sắm cho mấy đứa em nhỏ mấy bộ “Bi-da-ma” mặc lấy le. Không ai biết vì lý do nào Tư Cò giữ lại con trâu thứ ba. Hỏi nó, túng quá nó đáp đại: 

- Ờ, thì để coi, rồi tui cũng mần ruộng như ai, chớ bộ chăn trâu hoài sao. 

Ba ngày Tết, Tư Cò say túy lúy với chúng bạn. Tụi chăn trâu phục lăn Tư Cò. Vì Tư Cò luôn luôn là người gục sau chót. Dè đâu nó đi buôn trâu bò mà tập tành nhậu nhẹt cứng quá. Bề gì Tết này Tư Cò cũng mười bảy tuổi rồi, nó bày đặt làm người lớn. Làm người lớn song tàn như mấy chuyện nó kể: 

- Tụi bây biết không. Già Hai là một tay ghê gớm không ngờ. 

Mấy đứa thân nhất mới dám hỏi chặn họng Tư Cò: 

- Ghê gì, buôn lậu là cùng. 

- Còn hơn vậy nữa. Già Hai mập mờ dùng trâu bò tải “cơm đen”. 

Rồi rượu vào lời ra, Tư Cò thao thao tiết lộ bí mật. Cái bí mật mà nhóm người của già Hai giữ kín. Về sau nếu hay xảy ra như vầy họ dám giết chết Tư Cò. Tụi chăn trâu thắc mắc: 

- Cơm đen là cái khỉ gì? Sao lại chỉ dùng trâu với bò mà chở? 

- Tụi bây đâu có biết. Thuốc phiện đó. Một hôm tổ trác, như mọi lần thì trót lọt. Dè đâu hôm đó bùn khô, tróc ra một mảng, lòi cái mo cau trong đó giấu thuốc. Mấy con trâu với già Hai bị tóm tại trận. Đàn bò lùa theo mập mờ đánh lận con đen cũng bị giữ lại với chú Xán. Còn tao đi ở phồn sau nên trốn thoát. Có cả anh Tư Rô và chú Châm cũng vội tẩu tán tang vật. Thừa lúc hỗn độn, Tư Rô và Bẩy Châm còn mất tinh thần, tao đem ba con trâu tách khỏi phồn (gần sáu mươi con) tìm đường về quê… 

- Xa dữ hông! Ở đâu lận mậy Tư? 

- Ở tận biên giới Miên Việt, miền núi Thất Sơn… Xém chút nữa tao đi lạc xuống miền núi Sam, núi Sập ở miệt Hậu Giang thì không kịp ăn Tết ở quê nhà. 

- Mày dắt trâu ăn trộm đi khơi khơi mà về được, tài quá. 

- Chớ sao, dù trâu trộm hay trâu mua tao cũng học được cách uốn sừng, sửa mấy cái xoáy, có thánh mới dòm ra dấu vết đặc biệt. Đi mấy tháng trường, học được có bấy nhiêu. Đâu bữa nào tụi mình đi ăn trộm trâu chơi. 

Nghe nói tới đó, tụi chăn trâu vui quá vỗ tay cười nghiêng ngả. Chúng xây tua ực từng ly “séc” rượu đế nghe “trót”, rồi bày đặt “khè” mấy cái và bỏ miếng “mồi” vào miệng nhóp nhép. Rõ ràng mấy ông cụ non. Tụi chăn trâu nói đùa rằng từ nay thằng Tư Cò cũng có trâu như ai, lo mà tậu ruộng rồi cưới vợ là vừa. Tư Cò bẽn lẽn, nhưng tại say cái mặt nó đỏ ké như con tắc kè, có đỏ thêm cũng không đứa nào thấy. Tư Cò chợt buồn khi nhớ đến một tâm sự riêng. Số là con trâu hiện giờ nó nuôi là của chú Ba Tôm ở xóm dưới. Chú thế cho ông Cả, nhưng chắc là nghèo quá, sa sút thêm hoài, dễ gì mà chuộc lại được. Tư Cò định đem về tìm cách giúp đỡ chú Ba Tôm, vì lẽ con trâu đã được bọn ông già Hai “sửa sang sắc đẹp” không ai nhìn ra nổi. Than ôi, chú Ba Tôm đã té mương chết rạng mùng bốn Tết. Không biết vì uất ức thua bài, vốn liếng để dành tậu trâu khác – trâu cũ đã bị ông Cả bán mất – hết sạch, nên chú tự tử hay vì say rượu trúng gió. (?) Chỉ thấy cái mương cạn sệt mà chú Ba Tôm chúi đầu xuống chết thật thản nhiên. 

Đôi lúc người lớn gặp thằng Tư Cò thì hỏi chọc nó cho vui: 

- Sao? Tưởng thằng Tư mày đi tới Thất Sơn rồi tầm sư học đạo luôn chớ. 

Thằng Tư Cò cười và trả lời: 

- Dạ, đâu có tính đi tu nên cháu mới về đây. 

Ai cũng lắc đầu và bàn về nó: 

- Cái thằng coi lù đù mà khôn thiệt. Khi không cái có ba con trâu, hổng chừng nhờ đó mà nó ăn nên làm ra. 

Thảng có khi nào Tư Cò nhớ lại dĩ vãng lênh đênh hồi nó còn dại dột, nó chỉ thắc mắc không rõ anh Tư Rô, mà nó thân nhất, bây giờ lưu lạc phương nào. Hình như nó nghe phong phanh Tư Rô đổi phương cách giấu thuốc trong những thùng mắm trên các chuyến xe đò. Cuối năm Tư Rô làm một vố lớn, định giải nghệ ăn Tết luôn. Dè đâu bị mấy trạm kiểm soát khám xét bắt được. Tư Rô nằm tù, chờ ngày kêu án. Đó là những tin sót lại sau cùng mà thằng Tư Cò nhận được, nhưng nó không đời nào dám hỏi thăm cho kỹ. Lúc bình thường đừng hòng có ai cạy răng Tư Cò kể chuyện bọn lái trâu bò, với những bí mật mang nặng trên lưng, dưới bụng… những con vật hiền lành và kín miệng ấy. 

PHAN KHƯƠNG THÁI 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi xuân Quý Sửu, 1973)