Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Cái tên, ôi sao mà rắc rối thế? - MƯƠNG SAO


CƯỜI LÀM DUYÊN

Đây là một nụ cười nhỏ mà có lần, Mương Sao tình cờ được chứng kiến. Hôm ấy, Mương Sao đi thi lấy bằng lái xe, môn thi đầu tiên là luật đi đường. Các thí sinh đứng dồn đám chờ được gọi tên vào phòng thi. Ngài giám thị lật bảng danh sách ra đọc tên từng quý vị thí sinh bằng một giọng sang sảng. Một lúc, ngài kêu:

- Cô Nguyễn Ngân Khánh!

Trong đám thí sinh một tiếng có vang lên, rồi một… nam thanh niên chen ra. Thế là có một tràng cười ồ vui vẻ. Ngài giám thị nhìn chàng Nguyễn Ngân Khánh mà khẽ lắc đầu trong lúc chàng ta cười mím chi xã giao. Chàng Khánh vào phòng thi rồi. Một lúc sau, ngài giám thị lại gọi:

- Ông Lê Phước Sang!

Lại một phen bé cái lầm! Cô Lê Phước Sang ỏn ẻn bước ra vừa đính chánh:

- Cháu con gái mà bác!

Đám đông lại được một phen cười no nê. Ngài giám thị lắc đầu lia lịa mà rằng:

- Tên với họ! Rõ chán!

TRĂM HOA ĐUA NỞ

Vâng, xin thưa cùng bà con, quả thật, tên với họ, rõ chán! Nhưng, đôi khi chính nó lại… rõ hay, và nếu đi sâu vào vấn đề hơn một tí, thì có khi lại… rõ lạ nữa cơ! Một lúc nào đó, buồn lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm… họ tên (nhại cải lương đấy nhé), bà con sẽ có thể phát giác được nhiều chuyện rất là hay ho, và lạ lùng nữa. Lấy thí dụ điển hình là Mương Sao đây, một tên cận thị 4 độ, gầy như cây tăm và yếu như cây sậy, hơi tếu và hay cười (kể cả cười trừ), học thức thì bằng một bàn tay và kiến văn chỉ có một dúm nhỏ, thế mà Sao này còn tìm được vài điều lý thú khi tò mò sưu tầm và tìm hiểu những cái tên, cái họ của người mình. (Huống chi là bà con nhỉ – khoái chưa –). Nhận xét đầu tiên của Mương Sao là : quả, rừng tên, họ của người mình là một vườn hoa muôn vẻ, muôn sắc, muôn màu.

Thế bây giờ, bà con cùng đi viếng cái vườn hoa tên họ này cùng Mương Sao nhé!

NÓI LẠI CHO RÕ

Trước hết, tưởng cũng nên xác định một tí về các danh từ. Hẳn bà con cùng công nhận HỌ và TÊN rất khác nhau. Thí dụ ngay Mương Sao đây, bà con có thể hiểu là Sao này họ Mương, tên Sao. Một bà con khác, Nguyễn Văn Hai chẳng hạn, thì họ là Nguyễn, đệm là Văn và tên là Hai. Thế nhưng, rắc rối một cái là người mình hầu hết đều không chịu phân biệt rõ như vậy. Bà con thử tưởng tượng một vụ đối thoại ngắn:

- Cô tên gì?

- Thưa, Trần Thị To Tướng!

Đấy, bà con nghe rõ nhé, một người hỏi : “cô TÊN gì?” một người đáp “ “tôi TÊN LÀ Trần Thị To Tướng”. Hóa ra chữ TÊN ở đây lại bao gồm cả họ, chữ đệm và tên.

Do đó, để dễ thông cảm với nhau, và để cho có dân tộc tính một tí, trong phạm vi bài này, Mương Sao xin được dùng chữ TÊN theo kiểu của cô Trần Thị To Tướng trên đây. Bà con chấp nhận cho chứ?

BIẾT QUA VỀ NHỮNG CÁI HỌ MỘT TÍ

Chẳng nói thì các bà con cũng biết, ngày nay, mỗi khi có một tuổi hoa khóc oe oe là hai đấng cha mẹ phải khai sanh cho tuổi hoa oe oe liền. Khai sanh có nghĩa là khai báo sự ra đời của một đứa trẻ, nhưng hiểu một cách bình dân, khai sanh chẳng qua chỉ là một vụ đặt tên không hơn không kém. Đặt tên thì phải có họ, chữ đệm và cái tên. Người mình theo phụ hệ nên a lê, họ của con phải là họ của cha. Suy ra, họ của cha là họ của ông nội, họ của ông nội là họ của cụ-ông nội…

Những cái họ thì sao? Bà con để ý một tí là có thể làm một bảng lược kê đầy đủ các họ của người mình để viết một bài… đăng báo Tuổi Hoa được rồi. Ở đây, Mương Sao chỉ xin nói sơ qua : những cái họ quen thuộc là : Nguyễn, Trần, Lê, Lý… Kế tiếp : Hoàng, Đặng, Võ, Dương… Hiếm hơn : Trang, Âu, Mạc, Hà…

Nếu sắp hạng thì họ Nguyễn là họ vô địch đương kim về số đông. Bất cứ nơi nào, bà con cũng thấy họ Nguyễn chiếm đa số. Nào là Nguyễn Văn, Nguyễn Phúc, Nguyễn Hữu, Nguyễn Thị, Nguyễn… lung tung. Thế tại sao họ đó lại chiếm đa số vậy? Mương Sao thấy có hai lý do chính:

1 – Họ Nguyễn nguyên là một cái họ của người Trung Hoa, và những người mang họ này đều là những người thuộc hạng cùng đinh khố rách của xứ mệnh danh là “con trời”. Trong thời gian nước ta bị Bắc thuộc, người Trung Hoa đã bắt dân ta đổi họ, mang họ Nguyễn với ý khinh thị. Từ đó tới nay, con cháu họ Nguyễn sinh sôi nẩy nở nhiều đến mức vô địch là phải.

2 – Lệ của các vua nước ta xưa vẫn hay ban thưởng các quan lại hay những người có công bằng cách cho những người này được cải thành họ của nhà vua. Thí dụ Lê Lợi đã ban cho ông Nguyễn Thân họ Lê khi ông này tình nguyện liều mình cứu Lê Lợi thoát vòng vây của giặc Minh. Bây giờ, hầu như mọi người Việt Nam chỉ còn biết cái tên Lê Lai mà quên hẳn cái tên Nguyễn Thân của vị anh hùng này. Trở lại vấn đề, dòng họ trị vì gần nhất tại nước ta là họ Nguyễn Phúc cũng không thể tránh lệ ấy. Đó cũng là một lý do giải thích sự đa số của họ Nguyễn.

Kết luận về phần này, Mương Sao xin được góp thêm một chút ý : ngày nay, bởi có quá nhiều chi phái của một họ, bởi sự không chính thống của một họ, và cũng bởi sự không lập gia phả, cái họ đã mất dần vai trò liên lạc thân thuộc của nó. Nghĩa là, cái họ mất dần tầm quan trọng gia tộc nhiều đời mà chỉ còn nối kết được 5, 6 đời hay hơn một chút nữa mà thôi.

HÌNH THỨC CỦA CÁI TÊN

Mới xem qua thì có thể bà con sẽ kết luận rằng có cả trăm ngàn hình thức của cái tên, nhưng thật sự thì không nhiều như thế đâu, mà chỉ có vài hình thức chính như sau:

1 – Tên hai chữ : 1 chữ là họ và 1 chữ là tên. Thí dụ : Hồ Ân, Lý Nhị.

2 – Tên ba chữ : thông thường nhất là gồm họ, chữ đệm, tên. Trong ba chữ này, thông thường, con trai đệm bằng chữ Văn và con gái đệm bằng chữ Thị. Thí dụ : Nguyễn Văn Ngọt, Trần Thị Chua.

3 – Tên bốn chữ : Thí dụ : Ngô thị Huyền Trân, Đinh Quang Anh Vũ.

4 – Cuối cùng, hơi hiếm một chút là những cái tên dài hơn bốn chữ : thí dụ : Công Tằng Tôn Nữ Tuyết Hoa.

NỘI DUNG CỦA CÁI TÊN

Các bậc cha mẹ tha hồ mà trăm hoa đua nở để đặt tên cho con cái. Do đó, Mương Sao đã phải một phen điêu đứng khi cố gắng phân loại nội dung, nói cách khác, ý nghĩa của sự đặt tên đó.

Sau đây là vài nhận xét của Mương Sao, chắc chắn là không đầy đủ, nhưng hy vọng là những nhận xét đúng:

Cách đặt tên thông dụng nhất là cách đặt tên 3 chữ với họ của người cha, con trai thì đệm Văn, con gái : Thị. Sau đó là tên. Cái tên (tức là chữ thứ ba) có thể chỉ thứ tự (Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu…), chỉ một loại hoa nếu là con gái (Huệ, Cúc, Lan, Mai, Hồng…), chỉ một loại cây (Bách, Tùng, Trắc…), hoặc là một chữ rất xấu nếu đứa con khó nuôi hoặc trường hợp cha mẹ hiếm hoi, đặt tên đẹp sợ thánh thần quở hay bắt nó đi (Cực, Còi…). Có những vị mang máu tếu, đặt tên con trong những khai sanh thì đẹp, nhưng lại đặt thêm một cái tên khác để gọi ở nhà, chẳng hạn, Mương Sao có quen với gia đình kia có bốn đứa con được gọi tên ở nhà lần lượt là : Đần, Đù, Ngu, Độn. (Mà lạ thay, anh chàng tên Đần lại là một học sinh xuất sắc). Những vị khác thích gọi con cái mình bằng tên gọi của một số loài vật như : Ngan, Ngỗng, Cò…

Những chữ đệm Văn (con trai), Thị (con gái) ngày nay có khuynh hướng bị bạc đãi, người mình dùng những chữ khác để thay thế. Chính vì vậy, nhiều HỌ mới được phát sinh. Chẳng hạn ông Lê văn Ân đặt tên con trai là Lê Hòa Hiệp. Ông Lê Hòa Hiệp có con, đặt tên là Lê Hòa Bình, Lê Hòa Thanh, Lê Hòa Nhạc. Các con ông cũng đặt tên con mình là Lê Hòa gì đó. Như vậy, có một họ mới được sinh ra : họ Lê Hòa. Những thí dụ tương tự : họ Nguyễn Phúc, họ Trần Lê (Lê là họ của người vợ), họ Ngô Lê…

Những cái tên (chữ thứ 3) cũng cần được thay thế bằng hai chữ để tạo ra hình thức mới : tên họ của một người gồm đến 4 chữ.

Ý nghĩa của những cái tên thì quả là nhiều, Mương Sao ghi nhận được một số:

- Địa danh : Lê thị Nha Trang, Võ Biên Hòa. (Xin được mở dấu ngoặc ở đây : có lần, Mương Sao đọc trên báo thấy có cái tên (Họ) thị Nghĩa Trang, nghe mà rợn mình).

- Theo một nghĩa riêng : Cường Tráng, Hồng Phước, Hạnh Phúc…

- Có những khán giả mộ điệu cải lương, lấy ngay tên đào kép đặt cho con mình : Nguyễn thị Thanh Nga, Lê Hùng Cường… chẳng hạn.

- Một gia đình ở Mỹ Tho có 12 người con có tên ghép thành một câu : Công, Thành, Danh Toại, Phỉ, Chí, Nam, Nhi, Bia, Truyền, Tạc, Để (cho bà con biết, Phỉ là bà Năm Phỉ, Nam là bà Bảy Nam, hai kịch sĩ cải lương nổi tiếng đó).

- Nhiều người đặt tên con tiếp nối một cách khác : thí dụ : Lý văn Hoài, Lý Hoài Mộng, Lý Mộng Bích, Lý Bích Ngọc, Lý Ngọc Điệp…

- Có những vị lấy ngay tên của những bậc anh hùng mà đặt cho con mình : Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ…

- Có vị lấy ngay tên mình đặt cho con : thí dụ ông Trần văn Đôn là cha của tướng Trần văn Đôn.

Đến đây, chắc bà con đã thấy rõ là cái tên cái họ của người mình đúng là trăm hoa đua nở rồi chứ? Và cũng bắt đầu thấy nhức đầu rồi? Vậy để thay đổi không khí, Mương Sao xin nói đến một phần khác.

BÀI THƠ CỦA VUA MINH MẠNG

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuận
Thế Thụy Quốc Gia Xương

Một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt? Vâng! Đúng là một bài thơ. Và là bài thơ của vì vua thứ nhì triều Nguyễn Phúc. Có bà con sẽ hỏi : Bài thơ này thì dính dáng gì đến đề tài? Mương Sao xin thưa là dính dáng lắm đấy. Vì đây không những là 1 bài thơ, mà còn là một bảng ấn định cho hoàng tộc đặt tên con cháu nữa. Theo đó, vua Minh Mạng sẽ đặt tên các con có chữ Miên, các cháu của ông thì trong tên sẽ có chữ Ưng, chút của ông có chữ Bửu, chít của ông có chữ Vĩnh…

Lật lại Việt sử và đối chiếu với bài thơ trên, bà con sẽ thấy nhiều điều thích thú:

1 – MIÊN : Vua Thiệu Trị là con vua Minh Mạng, tên Miên Tôn.

2 – HỒNG : Vua Tự Đức là con vua Thiệu Trị, tên Hồng Nhậm.

Một người anh của vua Tự Đức tên Hồng Bảo.

Vua Hiệp Hòa, em Tự Đức, tên Hồng Dật.

3 – ƯNG : Vua Kiến Phúc, con nuôi vua Tự Đức, tên là Ưng Đăng.

Vua Hàm Nghi (vua Tự Đức không con nên nhận ba người cháu là Dục Đức. Chánh Mông, Dưỡng Thiện làm con nuôi. Ông Dưỡng Thiện tức Ưng Đăng, tức vua Kiến Phúc. Ông Chánh Mông có người em tức vua Hàm Nghi) tên là Ưng Lịch.

Vua Đồng Khánh, tức ông Chánh Mông, tên là Ưng Sý.

4 – BỬU : Vua Thành Thái, con ông Dục Đức, tên Bửu Lân.

Vua Khải Định, tên Bửu Đảo.

5 – VĨNH : Vua Duy Tân, con vua Thành Thái, tên Vĩnh San.

Vua Bảo Đại, con vua Khải Định, tên Vĩnh Thụy.

Ngày nay, họ Nguyễn Phúc không còn làm vua nữa nên không biết bài thơ của vua Minh Mạng có còn được áp dụng để đặt tên trong dòng họ nữa hay không. Duy, Mương Sao có biết vài người bạn đồng thế hệ mang tên Nguyễn Phúc Bảo (…), Mương Sao hiểu đó là con của những vị tên có chữ Vĩnh của dòng Nguyễn Phúc. Mương Sao đang chờ, xem những người bạn Nguyễn Phúc Bảo (…) khi có con, có đặt tên con là Nguyễn Phúc Quý (…) hay không?

Chừng nào có tin tức mới, sẽ xin thông báo cho bà con biết sau.

GIẢI THÍCH MỘT CÁI TÊN

Bây giờ là một việc kỳ khôi nhưng không kém phần lý thú, là thử giải thích 1 cái tên xem sao. Rắc rối và khó khăn lắm chứ không dễ dàng đâu bà con ạ. Bà con thử tưởng tượng anh chàng Trần Thế Tử nào đó đang nói chuyện với ba người ban A, B, C.

Trần Thế Tử : Các bồ thử giải thích cái tên của Tử này xem có đúng không nào?

Người bạn A : Thì họ Trần, chữ đệm là Thế, tên là Tử chứ gì?

Trần Thế Tử : Sai bét!

Người bạn B : Thế thì họ Trần Thế, tên Tử, chịu chưa?

Trần Thế Tử : Sai luôn.

Người bạn C : Vậy thì đích thị mi họ Trần, không chữ đệm và tên là Thế Tử vì ông thân của mi hy vọng mi sẽ làm… vua. Đúng chưa?

Đến đây, Trần Thế Tử mới khoái chí cười hinh hích mà rằng:

- Bồ nói thật đúng!

Chưa, chưa hết đâu nghe bà con. Vì đó mới là ý nghĩ của Trần Thế Tử. Trong khi sự thật là khi đặt tên cho con, ông thân của Trần Thế Tử chẳng có mục đích, ý nghĩ, giải thích gì cả. Số là vợ ông tên Thế, ông họ Trần, đẻ thằng con đầu lòng mà chữ nho Tử vốn là con nên ông ghép lại thành ba chữ : Trần Thế Tử : Thế thôi!

Bạn đã khóc thét lên chưa nào: cái tên, nó rắc rối lắm mà!

ĐỐ LÀM DUYÊN

Để kết thúc bài này, Mương Sao xin được đố bà con một câu gọi là để làm duyên văn nghệ. Câu đố rất dễ:

Giả sử, hai chữ Mương Sao là tên trong khai sanh của Sao này, bà con thử giải thích ý nghĩa của hai chữ Mương Sao xem nào?

Tất cả những bà con gửi thư về giải thích đều nhận được thư trả lời đặc biệt của Mương sao, trong đó, chỉ có hàng chữ trả lời câu hỏi này : “Mương Sao, mi là ai?”. Cam đoan bà con sẽ nhận được một bất ngờ. Xin để địa chỉ tòa soạn.

MƯƠNG SAO 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 195, ra ngày 1-3-1973)
Tranh bìa của Vi Vi : Thoảng hương 



Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Dì Gió và Bác Mặt Trời - MAI KHANH

Nắng tháng ba cứ như lửa đổ trên đầu. Chị Ve sầu lim dim đôi mắt, không buồn ca hát. Đôi cánh xanh biếc khe khẽ đập nhẹ theo hơi thở đều đều. Cơn nắng nồng nàn quá, chị thèm một làn gió thoảng cho dịu bớt cái oi bức của buổi trưa hè. Bên khóm hồng bì có vợ chồng bác chim sâu ríu rít rỉa lông cho nhau. Vợ tựa vai chồng kêu rù rù. Anh chồng không ngớt cử động cái đầu, hết xây bên này đến ngước mắt nhìn bên kia. Ý hẳn anh muốn tìm một con mồi nho nhỏ để hai vợ chồng tráng miệng sau giấc ngủ trưa chắc. Cách khu vườn này một rặng tre xanh, một con đường đất đỏ quanh co dẫn vào thôn Hạ, cánh đồng lúa xanh rờn loang loáng bóng mặt trời.

Vạn vật đều mệt mỏi trước sức nóng gay gắt của những ngày đầu mùa hạ. Bác Mặt trời tha hồ giương oai với lũ người hạ giới. Gọi là lũ “người” cũng không ngoa tí nào, vì dưới rặng tre xanh kia có sự hiện diện của chú Tư tá điền, chú đang nghỉ giấc ngủ trưa với chiếc gàu sòng bên cạnh. Dì Gió vẫn chưa xuất hiện. Dì còn bận yến tiệc bên kia sông Thủy Tú. Thôn Hạ vẫn đắm chìm trong cơn nóng ghê người. Chao ôi! Hơi nóng cứ hừng hực bốc lên, như tự lòng đất thoát ra. Chú Tư quạt phành phạch, miệng càu nhàu.

Bỗng mặt sông xôn xao gợn sóng. Đám cỏ reo lên trước nhất: “Ôi chu cha! Dì Gió đến! Thiệt phúc đức quá! Chúng tôi sắp chết khô rồi đấy!” Đám sinh vật nhỏ bé ở đầu thôn Hạ nhốn nháo hẳn lên. Cánh đồng lúa tươi tỉnh hẳn. Chị Ve sửa soạn một tấu khúc chào mừng Dì Gió. Và vợ chồng bác chim sâu thì là đà bay xuống ruộng lúa. Và Dì Gió đến thật. Dì lướt nhanh như… gió, Dì múa may quay cuồng. Chú Tư tá điền tỉnh hẳn người. Chú quơ vội cái áo cộc mặc vào người và đội cái nón lên đầu.

Dì Gió ngước lên thấy Bác Mặt trời xoay vòng vòng. Dì chào xã giao, có ngụ ý trách móc: “Ô! Bác đấy à? Bác làm gì mà chiếu đèn “bin” xuống hạ giới kỹ thế? Họ than phiền quá”. Rồi Dì chép miệng, không để cho Bác Mặt trời kịp nói: “Ấy, giá mà tôi không đến kịp thì lũ cỏ non đã chết khô ra rồi đấy! Bác nương tay cho thiên hạ nhờ với chứ!”. Bác Mặt trời đã “sùng” lắm rồi, ô hay, tự dưng công việc của mình mà mụ xen vào. Ai có phận sự nấy chớ! Mình có rọi đèn “bin” kỹ cũng chỉ vì công việc mình được giao phó là vậy. Còn mụ có phận sự làm mát mẻ người khác thì cứ việc thi hành công tác. Lại còn học thói hợm mình, lên mặt dạy khôn ta nữa chớ. Phải cho mụ một bài học cho bớt thói kiêu căng mới được. Nghĩ là làm, Bác Mặt trời đủng đỉnh trả lời: “Chào Bác ạ! Ấy, tánh tôi vốn hay nóng nảy như thế. Bởi thế nên mới phải nhờ đến bác làm mát mẻ vạn vật giùm”. Dì Gió được khen cười tít mắt. Cao hứng, Dì đáp: “Sá chi một chút tài mọn ấy mà Bác phải để ý đến. Tôi còn làm nhiều việc lớn lao hơn thế nữa kia. Một tay tôi làm nổi sóng lật thuyền của những tên lái buôn gian ác. Tôi mang nhị hoa của khu vườn này rắc ở khu rừng kia cách nhau hàng vạn dặm để cây kết trái lai giống. Bác biết tại sao những cây ngô sinh ra những trái ngô hạt trắng như ngọc thỉnh thoảng lại chen vào những hạt ngô vàng không? Ấy là do tôi làm ra đấy. Tôi mang nhị hoa… “ Bác Mặt trời ngắt lời: “Vâng tôi biết tài Bác quá rồi mà. Nhưng mà… để chứng thực lời nói của Bác, tôi chỉ cần Bác làm việc này xem có chu tất không rồi hãy nói chuyện khác. Này, Bác trông thấy anh tá điền đang lui cui sửa soạn dây gàu để tát nước đấy chứ? Bác thử thổi bay áo anh ta xem sao. Cái áo vải thô nhưng không nặng ký mấy đâu”. Dì Gió mắc mưu Bác Mặt trời, bị nói móc Dì hậm hực nhận lời: “Này, Bác coi đây nhé. Trong chớp mắt là gã ấy phải cởi phăng áo ra ngay mà!” Rồi Dì phồng má thổi vào anh Tư tá điền. Tự nhiên đang mát mẻ bỗng cơn gió lạ tới tấp thổi đến lạnh buốt, anh Tư co ro giữ chặt manh áo cộc trong mình. Dì Gió thổi càng tợn, anh Tư càng giữ chặt cái áo. Bác Mặt trời thấy mụ ngu ngốc làm trò hề tức cười quá, bèn cười ha hả khoái chí. 

Dì Gió lỡ khoe khoang, đem hết sức bình sinh ra thổi tới tấp, anh Tư lật đật tìm gốc cây to đứng nép mình vào cho khỏi ngã. Vừa bị bẽ mặt vừa mệt sức, Dì Gió cáu đến nơi. Phải mà, lão Mặt trời biết ta không dám trái mệnh trời, không được phép đem ngọn gió “thất điên bát đảo” (ngọn gió gây nên bão tố) ra xài nên mới ngạo ta như thế. Mà… chắc gì lão cởi được áo gã kia mà dám vênh vang chứ? “No mất ngon, giận mất khôn”, Dì Gió không biết đã cất túi khôn ở đâu mà lú đến thế, Dì vênh mặt thách thức: “Bác thử làm coi có được không mà cười ngạo tôi đấy?”. Bác Mặt trời ung dung cười (Ít khi Bác lại điềm tĩnh đến thế. Thật là hiếm có phải không các bạn? Thường thì khi hình dung đến Bác Mặt trời, ta vẫn nghĩ rằng bác nóng nảy như ánh nắng mùa hè vậy đó. Chứ ai mà ngờ bác cũng mưu mẹo ghê đến thế). Bác gật gù ra dáng thích thú lắm. Bác sốt sắng nhận lời. Bác cũng không quên nói móc Dì Gió một câu làm Dì ta giận tím mặt: “Ồ! Sá chi chút tài mọn ấy mà Bác phải thách thức” (Ấy! Bác Mặt trời dùng “gậy ông đập lưng ông” mà lỵ. Chả là… lúc nãy Dì Gió cũng lên tiếng như thế đó!).

Bác Mặt Trời bắt đầu giở tài ra. Lúc ban đầu ánh nắng dịu mát, anh Tư khoan khoái quá. Nhưng càng lúc nắng càng to, nắng bực bội khó chịu. Anh Tư quạt liền tay cũng không sao xua tan cái nóng. Mồ hôi nhễ nhại, anh cảm thấy nhớp nháp quá. Anh buộc lòng phải cởi áo ra.

Bác Mặt trời đắc thắng cười to. Dì Gió bẽn lẽn quá. Thế mới biết, ở đời không phải chỉ có sức mạnh là thắng được tất cả. Chính cái từ từ, dịu dàng lại mang kết quả tốt đẹp đến cho ta chắc chắn hơn. Hẳn các bạn của Mai, khi đọc xong câu chuyện trên, đều thấy rằng sự hùng hổ của Gió đã thất bại nặng nề phải không? Và cái từ tốn của Bác Mặt trời là sự chín chắn lại vững bền và trường tồn. Vậy thì… có ai thích làm Dì Gió kiêu căng không đấy?

MAI KHANH

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 134, ra ngày 1-8-1970)
Tranh của ViVi - Tem Thư

Tình Mẹ - Thơ TRẦN NGỌC HƯỞNG

Tình mẹ - Ảnh : Benjamin Vũ 
MỘT phút chạnh lòng nghe vạn thuở
Nhìn trong cuộc sống hỏi ai rằng
Có tình nào đẹp như tình Mẹ
Thơm phức muôn đời! Ai biết không?

MUÔN đời tình Mẹ là tình Nước
Tình Nước là tình nhịp võng đưa
Tình Nước là tình dòng sữa Mẹ
Vẫn nuôi con lớn tự ngàn xưa

TÌNH Mẹ một dòng như nước mắt
Nước mắt một dòng vẫn chảy xuôi
Tình Mẹ rất cần như máu đỏ
Vẫn đem nhịp thở lại cho người.

MẸ là gạo trắng là cơm trắng
Là nước trong nguồn nước chảy ra
Là mật là đường là ý sống
Cho hương đời dậy nức hương hoa.

NÀO kẻ lao mình vào xứ lạ
Nào người trễ bước giữa miền xa
Nặng lòng có chợt nghe hồn Nước
Dậy nức hương cau : bóng Mẹ già

MẸ là vuông lá là manh áo
Là chín miệng rồng chín cửa sông
Là sóng bạc đầu là biển cả
Hỏi ai mất Mẹ có buồn không?

CÒN Mẹ là con còn mọi thứ
Giữa bầu trời rộng rất nên thơ
Mất Mẹ là con như mất hết
Không còn gì nữa để mà mơ

ÔI! Khổ biết bao ngày mất Mẹ
Lạy Bề Trên hãy rủ lòng thương
Mẹ ơi! Khoan bỏ con nghe Mẹ
Khoan để hồn con trắng bụi đường

MẸ ơi! Chỉ có mẹ mà thôi
Là kẻ con yêu nhất cõi đời
Luống tuổi hay con còn nhỏ tuổi
Lúc nào Tình Mẹ cũng tròn ngôi

DÌU con đi giữa khoảng đường xa
Cho tuổi con xanh, tuổi Mẹ già
Tóc Mẹ bạc màu như khói trắng
Con nghe khói trắng nở thành hoa

TRONG cuộc sống này ta có mẹ
Là người muôn thuở vẫn vì ta
Cho ta lẽ sống nên ai đó
Nghĩ phận làm con hãy nói là:

CON sẽ cố làm cho Mẹ vui
Mẹ ơi! Con nguyện giữa dòng đời.
Mấy lời Mẹ dạy con nghe hết.
Hôm sớm con dâng Mẹ tiếng cười.

                                           TRẦN NGỌC HƯỞNG

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 105, ra ngày 1-5-1969)

Bài Tháng Giêng - Thơ TÔN NỮ THU DUNG



Tháng giêng về trên lá cỏ
áo vàng lụa óng như tơ
mẹ cười: ô hay cô nhỏ
điệu vừa vừa đó nghe chưa!

Tháng giêng hồng lên đôi má
tưởng như nắng cũng theo về
có người khen sao xinh quá
ngượng ngùng em lấy tay che

Tháng giêng nồng nàn hoa thắm
chân chim về rộn vườn nhà
hiên ngoài có đôi mắt ngắm
nhưng mà tuổi bướm còn xa

Tháng giêng mượt mà áo mới
tóc dài em ngát hương chanh
ước mơ nào xa vời vợi
và dễ thương như trời xanh

Tháng giêng chim về hái trái
em về áo lụa mong manh
gió mênh mang mùi cỏ dại
ánh nhìn ai đó long lanh

Tháng giêng mùa hoa vàng đến
gởi lên mái tóc em dài
tháng giêng mùa dâu vừa chín
môi hồng em có ngây say

Tháng giêng ngàn hoa mở hội
mời em từng bước dịu dàng
chân chim cành gai bối rối
ơi em công chúa hoa vàng

Tháng giêng như dòng sông nhỏ
êm đềm tóc xõa ngang vai
em về nương theo cánh gió
gửi mây những nỗi sầu dài

Tháng giêng ngọt ngào tiếng hát
ru em ngủ những giấc nồng
sớm mai nắng vào thức dậy
bốn mùa hãy vẫn là xuân

Tháng giêng tháng giêng rực rỡ
thầm xin một đời yên vui
thời gian âm thầm bước nhỏ
êm đềm qua mãi không thôi.

Tôn nữ Thu Dung

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 232, ra ngày 1-3-1975)

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Cánh gió (Chương IV) - KIM HÀI

CHƯƠNG IV

- Mây à, Mây có thực tình thương anh không, hay chỉ thương hại thôi?

Mây đưa mắt trìu mến nhìn Chân. Mắt Mây khẽ nhíu lại trách móc:

- Anh chỉ nghĩ như vậy mãi. Mây đã nói là không những Mây thương anh mà còn kính mến anh nữa. Nếu không có anh, Mây đâu có được như ngày hôm nay. Không có anh, Mây đâu tập được cái tính nhẫn nại, chịu đựng, kiên tâm để có thể học hành đến nơi đến chốn.

Chân nhìn Mây, lòng tràn ngập niềm vui sướng. Hạnh phúc nào bằng hạnh phúc Chân đang nắm giữ. Nhưng trong hạnh phúc, Chân vẫn không yên tâm, một bóng mây mờ lúc nào cũng lảng vảng hiện ra. Chân nắm lấy tay Mây, nhìn thẳng vào mắt nàng nghiêm giọng hỏi:

- Nhưng anh vẫn sợ Mây à. Rồi em sẽ nổi tiếng, được nhiều người để ý, còn anh, anh chỉ là một người con trai thật tầm thường, thua kém, nhất là thua kém cả Văn. Người ta có học, giàu có, còn anh…

Mây lắc đầu thật nhanh:

- Sao anh cứ nhắc đến Văn hoài vậy? Văn tốt, nhưng Văn đâu phải của em. Giấc mơ lãng mạn ngày xưa đã vỡ tan từ lâu rồi anh à.

- Nhưng anh nghèo quá!

Mây phì cười:

- Bộ Mây không nghèo hả. Mây phải xin tiền anh. Anh phải bán đồng hồ lấy tiền cho Mây chữa bệnh. Cả hai đứa đều nghèo hết.

Chân nhìn Mây không nói gì nữa, hãy để cho niềm vui xâm chiếm từng tế bào cảm giác. Hãy để cho hai ánh mắt cuốn hút nhau. Đó là câu nói dài nhất của yêu thương.

Bên kia sông, mặt trời chìm dịu mát dưới mây. Gió lay động nhẹ nhàng.

Một lúc lâu, Mây mới nói với Chân:

- Anh Chân à… Bài vở tập luyện kỳ này mệt thiệt là mệt. May mà ông Tân Phong cho em học thêm mấy giờ buổi chiều để theo kịp lớp đó. Nghe ông Tân Phong nói là kỳ thi ra trường tháng tới sẽ chọn lựa mấy người trình diễn trong đại nhạc hội toàn quốc sắp tới, cho nên trường chọn kỹ lắm.

- Thế Mây có mong được chọn không?

Mắt Mây mơ màng, niềm đam mê đốt cháy quả tim Mây. Một cơ hội bằng vàng cho những người mới ra trường như Mây. Nếu thành công trong đêm đại nhạc hội đó là thành công cao nhất của một đời ca hát.

- Mây đâu mong gì hơn anh Chân à. Mây nhất định phải đậu thật cao để ra mắt trong đêm đặc biệt đó. Cứ ba năm mới tổ chức một lần đó anh. Bao nhiêu cố gắng cực khổ của Mây sẽ được trả giá ở đêm họp mặt đó. Nhưng nhiều nhân tài quá Mây đâm lo…

Chân nói, giọng cương quyết:

- Anh chắc là Mây sẽ thành công, bởi giọng hát của Mây có hồn lắm. Bây giờ chỉ còn vấn đề kỹ thuật thôi. Nhưng với sự cố gắng, Mây thành công mà. Đừng có lo…

Mây gượng cười:

- Lại mèo khen mèo dài đuôi rồi. Nhưng không chắc đâu anh. Bởi tất cả những học viên ưu tú của các trường âm nhạc, các trường quốc gia âm nhạc Huế và Sài Gòn nữa. Mà ở đây có hằng bao nhiêu trường dạy ca nhạc nữa.

- Lại nhụt chí rồi!

Mây cãi:

- Đâu có, Mây không nhụt chí đâu, nhưng… biết người biết ta, trăm trận trăm thắng mà anh.

Cả hai cùng cười vang. Sóng nước lăn tăn như cũng cười theo với đôi nhân tình dễ thương đang trong mùa yêu thương.

*

Mây đứng trên sân khấu, giữa những vòng tròn ánh sáng đầy màu sắc. Phía trước Mây là khán giả, những vị khán giả khó tính nhất nước. Đó là ban giám khảo của trường ca nhạc Tân Phong. Ông Tân Phong ngồi chính giữa, nghiêm nghị, lầm lì, không tỏ rõ một giọt máu nghệ thuật tính nào cả. Đàng sau ông là một số các vị giáo sư đã dạy cho trường cùng các đại diện thân hữu những trường ca nhạc khác, một số các ca sĩ đương thời. Phía sau cùng là các học viên đã thi, hoặc đang chờ tới phiên mình cùng nhiều thân nhân gia đình của họ.

Cả một đại giảng đường rộng lớn của trường ca nhạc đặt tại lầu thượng của tòa biệt thự Tân Phong đầy nghẹt người. Nhưng những tiếng ồn ào thì tuyệt nhiên không có, ngoại trừ những âm vang của tiếng áo, tiếng quạt, và đôi khi tiếng thì thầm của những khách tham dự, kín đáo nói chuyện hoặc trao đổi với nhau vài ý kiến sau một màn trình diễn.

Hôm nay là buổi thi quyết định của kỳ thi ra trường. Phần nhạc lý đã thi xong từ trước. Kết quả nhạc lý sẽ ấn định số người được thi hôm nay. Và Mây là người đầu tiên trong danh sách các thí sinh xuất sắc được trình diễn đầu tiên.

Hôm nay, Mây mặc một chiếc áo màu vàng hoàng hậu. Màu áo vàng mà Chân đã chọn mãi để làm quà cho Mây ngày sinh nhật của nàng. Chiếc áo lụa lóng lánh óng mướt rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu. Mái tóc huyền dài mướt xòa một phần trước ngực, nổi bật lên khuôn mặt dễ thương, ăn ánh sáng. Ông Tân Phong cũng phải tấm tắc khen thầm là con nhỏ ăn ánh sáng quá. Nhưng riêng Mây, trên sân khấu trong giờ phút bắt đầu thật là hồi hộp. Mặc dù Mây cố gắng nhủ lòng là hãy bình tĩnh, bình tĩnh, nhưng trái tim Mây vẫn nặng như cối đá. Mây cố gắng giấu bớt một bàn tay thừa thãi, lạnh ngắt trong tà áo. Lên sân khấu đầu tiên là sự vui mừng vì biết là mình đã đậu đầu về môn nhạc lý, nhưng thua lỗ ở chỗ chưa định thần được và nhất là chưa hâm nóng mình được trong bầu không khí ca hát. Quen hơn thì dạn dĩ hơn. Bởi vậy, dù Mây đã nhiều lần lên sân khấu trước các anh chị em học viên nhưng bầu không khí những lần đó, khác hẳn hôm nay.

Nhạc dạo đầu đã sẵn sàng. Bài hát đề nghị Mây đã được cho biết trước để tập. Nàng phải hát hai bài, một bài tình cảm và một bài hùng tráng.

Mây đưa mắt nhìn xuống dưới để kiếm một ánh mắt cầu cứu. Nàng nhìn về phía góc nhà, Chân đứng thu hình ở góc trái. Hẳn Chân cũng đang lo âu không kém gì nàng. Ánh mắt của anh không di động ra khỏi sân khấu một giây. Anh đưa tay ra dấu trấn an Mây. Ở giữa nhà cạnh những hàng ghế đầu, hai bóng người chồm lên. Mai và Văn. Mai dùng khăn tay phơ phất. Văn cười với Mây. Những gương mặt thân thuộc quá, và Mây đã bắt đầu bình tĩnh trở lại. Nhạc dạo đã gần dứt… Mây lắng tất cả tinh thần vào bài hát. Một khung trời nào bát ngát hương yêu. Không phải là giảng đường của ông Tân Phong mà là một thảm cỏ tơ vàng, trên đó những giọt nắng đọng hiền hòa, trên đó, bóng tre là ngà xanh mướt, bướm lượn rộn ràng. Âm thanh của tiếng khung quay tơ và lời ru ca dao nồng nàn thương mến.

- “Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa. Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dịu mấy thu qua. Còn đó, bóng tre êm ru. Còn đó, còn diều vật vờ. Còn có, những đêm sao mờ hồn ta mênh mang nghe gió vi vu...

… Tình có ghi lên đôi môi. Sầu có phai nhòa cuộc đời. Người vẫn thương yêu loài người và yên vui sống cuộc sống vui. Đời vui như tiếng hát của lứa đôi… Đời vui như tiếng hát của lứa đôi…”

Mây cúi đầu chào khán giả trong một tư thế dịu dàng.

Tiếng ca đã dứt và âm thanh vẫn còn lẩn quất trong thính giác của mọi người.

Hàng trăm, hàng ngàn tiếng vỗ tay như muốn vỡ cả giảng đường. Ông Tân Phong cười hả hê trên hàng ghế giám khảo. Những vị khác nhìn nhau gật đầu.

Nhưng Mây không biết, Mây không thấy gì cả. Tiếng vỗ tay như du Mây vào cơn đồng thiếp của âm thanh. Nhạc đã dạo một bài hùng tráng, bài Bạch Đằng Giang. Mây đứng vững vàng trên sân khấu. Trước mắt nàng, những vườn cỏ xanh tươi của một buổi chiều vàng xa xôi đã mất hút. Mà đâu đó, Mây nghe như tiếng sóng vỗ bờ. Tiếng hát ca vang, tiếng chân đi, tiếng trống gọi của một trận chiến hào hùng của dân tộc.

- “Đây Bạch Đằng Giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung. Trên trời xanh, muôn sắc đua chen bóng ô. Dưới đáy giòng nước, ánh sáng vẩn vơ nhấp nhô…"

Tiếng hát của Mây cuốn hút tâm hồn của những người dự thính vào cái hồn dũng khí ngày xưa. Máu mọi người như nóng sôi lên. Nếu không là một buổi thi ra trường thì nhất định những tiếng vỗ tay đập bàn nhịp nhàng sẽ phụ họa cho Mây hát.

Nhưng trong cái nhịp thành công đó của Mây, có một người vui không kể xiết mà buồn cũng không kể xiết. Đó là Chân. Từ những giây phút đầu của buổi thi, Chân lo sợ còn hơn Mây lo sợ. Chàng theo dõi từng nhịp hát của Mây, từng nét mặt của ban giám khảo. Nhưng khi thành công của Mây quá rõ ràng. Bỗng nhiên song song với niềm vui, Chân thấy một nỗi buồn len đến rất nhanh. Chân cố gạt đi vì thấy mình ích kỷ. Nhưng không được, Chân không thể tự dối mình, chàng buồn khi nhìn lên sân khấu. Mây không phải là của Chân nữa. Một Mây sáng chói và to lớn. Mây vượt hẳn lên Chân. Chân trước sau gì cũng chỉ là một thằng con trai bán báo lấy tiền đi học nghề. Và Mây bây giờ trở đi sẽ là một Mây khác xưa nhiều lắm. Mây vẫn hát say sưa trên sân khấu. Và dưới này, Chân rũ ra như một cành lá héo. Chân cũng vừa nhìn thấy gia đình bà Tuyết Hoa ngồi đằng kia. Chàng con trai hào hoa, giàu có sang trọng kia đang phất giải khăn tay khen tặng Mây. Cơn ghen ngầm lại đột khởi trong lòng Chân. Chàng biết mình vô lý, nhưng làm sao có thể định nghĩa được ghen và yêu thế nào? Làm sao có thể phân định được tấm lòng của một người đang yêu tha thiết?

Lần vỗ tay sau cùng càng rền vang và càng dài hơn. Mây phải đứng lại cám ơn nhiều lần. Những chiếc máy ảnh bật ánh chớp lên liên tiếp, mặc dù kết quả chưa được công bố và còn bao nhiêu là thí sinh đang chờ đợi bên dưới. Mây bước xuống sân khấu. Những phóng viên nhanh nhẹn đã chen lấn quanh nàng. Một số khán giả ưu ái cũng bước đến khen tặng Mây. Cả Văn cả Mai. Cuộc thi phải dừng lại một lúc. Và sự thành công của Mây quá rõ ràng. Mây rạng rỡ tươi cười hân hoan hơn bao giờ hết. Nàng đưa tay cho Mai nắm và hỏi Mai:

- Mây hát có được không?

Văn cướp lời:

- Cứ nhìn mặt của bác Phong thì biết. Tuyệt lắm. Mây hát tiến bộ không thể tả được. Thật tôi không ngờ.

Mây sung sướng quá. Như vậy là nàng có hy vọng thành công ghê lắm. Nghĩ tới giây phút xướng danh, Mây cảm thấy lòng mình như chơi vơi trên chín từng mây.

- Mây, ngồi đây đi, để cho các người khác lên thi.

Ông Tân Phong cũng quay lại ra dấu với Mây. Các vị giáo sư kéo nàng ngồi cạnh họ và khen tặng không ngớt.

- Không ngờ, em đau bỏ học cả tháng mà tuyệt quá. Phục em thật!

Mai cũng ríu rít át cả lời bà Tuyết Hoa:

- Giấc mơ hồi nào của chị thành sự thật rồi đó nhé.

- Mơ cái gì vậy Mai?

Mây nhìn Văn. Nàng nhớ lại giấc mơ hôm nào xa xưa. Má Mây ửng đỏ. Giấc mơ thần tiên đó không bao giờ Mây quên được. Nhưng Chân, chắc chắn đang đứng ở dưới. Mây nhỏm dậy:

- Suỵt, im lặng để cho những người khác thi.

Giảng đường im lặng như tờ theo dõi bước chân của một nam thí sinh đang đi giữa những vòng ánh sáng màu sắc. Đèn bên dưới mờ đi. Mây không dám di chuyển bởi nàng đang ngồi hàng ghế của các vị giáo sư. Phải để cho họ theo dõi. Đó là kỷ luật của nhà trường. Mây sốt ruột quá, nhưng nóng lòng đành ngồi im. Mây quay đầu xuống bên dưới tìm Chân. Nhưng Mây không thấy gì cả, toàn người là người, không làm sao phân biệt được gì giữa vùng bóng tối lờ mờ.

- Mây

Có tiếng gọi nhỏ. Và bàn tay Văn thòng xuống trao cho Mây một chiếc kẹo cao su. Mây nhận lấy nhưng không ăn được. Không biết Chân đứng ở đâu nhỉ? Tìm mãi chả thấy. Mây cứ nôn nao chẳng theo dõi gì được trên sân khấu.

Người thí sinh thứ hai vừa dứt bản hát cuối cùng của anh. Bài đầu thật tuyệt, nhưng bài ca hùng lại hỏng ở đoạn cuối.

Mây đứng dậy, nàng lợi dụng mọi người đang vỗ tay bàn tán để đi ra. Nhưng một người đàn ông lạ mặt đã len vào chỗ Mây và sà xuống cái ghế trống bên cạnh. Ông nói với Mây.

- Xin lỗi cô, cô có thể cho phép tôi được nói chuyện với cô một vài phút không?

Vị giáo sư bên cạnh chen vào:

- Dịp may của Mây đó nhé. Đây là nhạc sĩ Hoàng Lang, người chuyên môn lăng-xê các ca sĩ nổi tiếng đấy. Ông đã từng lăng-xê cho các ca sĩ như Như Ngọc, Huyền Vân, Dạ Lan, mấy ca sĩ đắt giá nhất nước đấy. Nè anh Hoàng Lang, học trò của tôi đấy, anh liệu giúp nó có chỗ đứng mới.

Hoàng Lang cười vừa phải. Ông chững chạc nhìn Mây như một người quan sát kín đáo và nhỏ giọng:

- Cô ngồi đây đi.

Mây không làm cách nào hơn bèn ngồi xuống trong khi lòng nóng như lửa đốt.

Hoàng Lang giới thiệu với Mây nhà hàng ca nhạc nổi tiếng nhất của ông. Nơi quy tụ những danh ca tài tử thượng thặng trong nước, cũng như quốc tế. Mây đã từng nghe nhà hàng này nhiều lần, một nhà hàng chuyên trình diễn nghệ thuật hơn là bán nước ngọt. Và không một ca sĩ nhà nghề nào mà không mơ ước được có mặt trong thành phần nghệ sĩ của nhà hàng Việt Nam, lớn lao và quy mô hơn cả nhà hàng ca nhạc của ông Tân Phong.

- Tôi gặp cô để đề nghị thẳng với cô một chuyện, đó là việc thâu dụng cô cho nhà hàng chúng tôi. Nói là thâu dụng thì quá đáng, bởi nếu cô làm việc, cô là một nghệ sĩ tự do. Nhưng tính tôi khác hẳn với các người khác là dùng chữ không được khéo léo. Cô tha lỗi cho. Chúng tôi có một ban nhạc và một ca đoàn.

Mây buột miệng:

- Ca đoàn Giữ thơm quê mẹ.

Ông Hoàng Lang cười hãnh diện:

- Đúng rồi, chắc cô đã từng nghe. Với ca đoàn đó, chúng tôi tuyển dụng những nghệ sĩ có giọng ca hoàn hảo nhất nước. Và phải qua ba tháng huấn luyện cực nhọc và khó khăn để tập hát mà không cần mi-cờ-rô, người ta gọi là hát lối hát ô-pé-ra đó. Nếu cô bằng lòng, tôi sẽ đề nghị với cô một hợp đồng.

Mây bối rối không biết nói thế nào nữa. Danh vọng và thành công đến với Mây bất ngờ hơn Mây tưởng.

- Tôi tin cô sẽ thành công dễ dàng, bởi tôi đã nghe ông Tân Phong thuật chuyện về cô. Cô kiên nhẫn và biết cố gắng lắm. Đó là một tính rất tốt cho các thiên tài. Và nhất là nghề của mình.

Mây ấp úng:

- Ông không đợi kết quả… Có người hát hay hơn tôi, giỏi hơn tôi.

Ông Hoàng Lang cười:

- Nghề của tôi mà cô. Thoáng là tôi biết ai sẽ thành công. Cô yên chí đi. Với ca đoàn Giữ thơm quê mẹ, tài nghệ cô sẽ không bị mai một đâu. Nhiều người cứ nghĩ là hát cho ca đoàn lâu ngày sẽ hỏng giọng. Hát đơn ca mới thi thố được tài năng của mình. Nhưng tôi sẽ chứng minh với cô rằng họ đã nghĩ lầm. Hát đa âm rất khó, khó vô cùng. Những ca sĩ nổi tiếng bây giờ không phải là đã xuất phát từ ca đoàn của tôi hay sao?

Ông Hoàng Lang kiêu hãnh tiếp. Lối nói của một kẻ luôn luôn đón trước cơ hội và đánh hơi được chỗ tốt một cách mau lẹ.

- Nếu cô đồng ý, hợp đồng sẽ ký ngay hôm nay, sau buổi trình diễn. Ông Tân Phong sẽ làm chứng. Chắc cô không còn nghi ngại.

Mây ngồi chết lặng trước viễn ảnh huy hoàng của tương lai. Quả thật Mây có nhiều may mắn quá. Định mệnh ưu đãi mình quá. Mây nghĩ thầm.

- Cô bằng lòng?

Mây gật đầu nhè nhẹ. Mây không biết nói sao bởi Mây chưa quen với những lối nói chuyện tương tự, với cách thức làm ăn của những cơ sở quy mô. Mây bối rối, thật sự bối rối.

- Giá có Chân nhỉ.

Nhưng Chân vẫn không thấy đâu. Đèn sáng rỡ. Mây nhìn quanh quất ở chỗ Chân đứng hồi đầu. Chân không còn ở đó.

- Thôi nhé, cô ngồi chơi, tôi lại đầu kia một tí. Cô ngồi đây chờ tôi. Sau khi công bố danh sách thí sinh đậu ra trường, chúng ta sẽ bàn kỹ về hợp đồng làm việc.

Ông Hoàng Lang vừa đi khỏi là Mây đã đứng lên tìm cách len ra ngoài. Nhưng đại giảng đường thì đông đảo, đen nghẹt người. Mây không tìm ra Chân được. Đành chờ khi nào cuộc thi xong xuôi mọi người ra về, chắc Chân sẽ đứng đợi Mây bên ngoài. Yên chí phần nào, Mây vào trong cố gắng theo dõi buổi thi.

Giờ phút quan trọng và hồi hộp nhất của các thí sinh là lúc ban giám khảo họp trong phòng kín để xác định điểm. Ba cô thư ký làm với ba cái máy điện tử. Và do đó, kết quả được định mà không phải chờ đợi lâu.

Bên ngoài. Mây, Văn, Mai, bà Tuyết Hoa quây quần một đám. Mai nhất định là không có ai hát hay bằng Mây cả. Và Mây sẽ là thủ khoa. Riêng Mây, nàng vui mừng và hy vọng nhưng không dám lạc quan lắm. Mây chỉ cười trừ, mắt luôn luôn nhìn về phía phòng giám khảo.

- Kìa.

Hàng trăm tiếng nói cùng thốt lên một lượt. Cả gian phòng im lặng hẳn, khi ông Tân Phong xuất hiện trên sân khấu. Ông tuyên đọc danh sách các thí sinh được đậu ra trường theo thứ tự, và ông nhắc nhở là ba người đậu đầu sẽ được chọn để ra mắt trình diễn trong đêm đại nhạc hội toàn quốc sắp đến.

- Hạng nhất: Nguyễn Thị Như Mây…

Mây run lên. Mắt nàng hoa lên bởi những ánh đèn nhảy múa. Có những bàn tay nắm lấy tay Mây dục dặc. Tai Mây như ù đi bởi những âm thanh. Thành công. Mây thành công rồi. Mây bị đưa đi bởi đà dẫn dắt. Và nàng chỉ hoàn toàn bình tĩnh khi ngồi trên ghế với ly nước ngọt lạnh ngắt trong tay. Mọi người đều tới trước chúc mừng Mây. Mây nhớ đến chuyện cô bé lọ lem. Và bây giờ Mây đang là cô bé lọ lem thật sự rồi.

Ông Tân Phong và Hoàng Lang nói gì Mây cũng không nghe rõ. Một tờ giấy đưa ra. Hợp đồng làm việc. Mây chớp mắt. Nàng đọc sơ qua theo lời nhắc của Văn. Nhưng đọc như là không đọc. Mây không còn nhớ gì cả. Và nàng đặt bút xuống ký. Chữ ký kéo dài đầu tiên trên tấm giấy mở đầu cho con đường thăng tiến.

Bữa cơm thân mật giữa các thí sinh với nhau đã tổ chức vào ngày trước kỳ thi. Và bây giờ Mây được ngồi giữa những người nổi tiếng, những bậc thầy âm nhạc trong một bữa tiệc trà sang trọng trong văn phòng ông giám đốc. Những chiếc bánh ngọt, ly nước cam, cái nem, miếng chả giò ròn, Mây ăn Mây uống như trong mộng. Mây đã ngợp trong sự sung sướng quá mức, trong niềm vui của một hạnh phúc dàn trải dày đặc dưới chân nàng. Hồn Mây như được nhẹ nhàng nâng lên bởi cánh gió, phiêu diêu đưa trải như cuộc đời nàng bắt đầu lên cao.

Bữa cơm chấm dứt. Mọi những từ giã, những lời hứa hẹn.

Mây bước ra cùng với mọi người. Khu vườn dày đặc bóng đêm. Đêm đã trải trên thành phố từ lúc nào. Gió mát phả lên mặt. Mây đã ra khỏi niềm sung sướng riêng mình. Nàng nghĩ tới Chân và muốn chia sớt những những nỗi hạnh phúc của mình. Nhưng Chân đâu rồi? Sao Chân không đợi Mây?

- Mây về nhà Mai chơi nghe?

- Thôi Mây về nhà

- Để bác đưa cháu về.

Mây vẫn trả lời không nhìn lại.

- Thôi bác ạ. Cháu cám ơn bác nhiều lắm. Nhưng cháu có hẹn với người bạn tới đây. Chắc là… chị… ấy quay lại đây bây giờ.

Mai nheo mắt nhìn Mây cười ý nhị. Văn có vẻ hơi nghi ngờ:

- Bạn gái hay bạn trai?

Mây cười cười:

- Trai hay gái cũng được!

Đợi cho xe của gia đình bà Tuyết Hoa chạy khuất, Mây mới lững thững đi bộ về hướng về nhà, vừa đi vừa xem chừng Chân có đón nàng ở đâu đó không.

Nhưng phố xá về đêm tấp nập quá. Những chiếc xe mang đèn pha xuôi ngược buốt mắt. Mây nhìn bắt chóng mặt, Mây đã đi bộ một hồi lâu mà vẫn không có Chân. Hay Chân chờ mình lâu quá nên giận?

Không có lý như vậy. Những câu hỏi quay cuồng trong đầu. Mây chỉ thấy buồn. Cơn vui nào đã lắng.

*

Mây tìm gặp Chân ở đằng sau chợ cách nhà một dãy quán không. Đêm, chợ Cá với hằng trăm mùi vị uế tạp bốc hơi. Không có một ai kể cả những người nghèo khó, đầu đường xó chợ lại có can đảm nằm ngủ đêm giữa chợ, ngoại trừ những bạn hàng bán cá, theo những chuyến xe về trễ nằm ụ chờ sáng sớm bốc cá. Nhưng họ cũng ở mé ngoài nơi có nhiều hàng quán, nhậu nhẹt. 

Nếu không nhờ con Thủ, con bà hốt rác chỉ thì Mây cũng không biết Chân ở đâu mà tìm. Chân ngồi trên một sạp chợ, thỏng chân. Điếu thuốc cháy đỏ là đốm sáng rỡ duy nhất trên gương mặt đã chìm khuất trong bóng tối bởi một chồng giỏ không chất cao như núi. 

Không biết Chân ngồi đã được bao lâu rồi. Chàng chìm mình trong suy nghĩ đến độ Mây đến sát sau lưng mà chàng cũng chẳng hay. 

Mây đứng lặng một lúc. Tại sao Chân lại giận mình? Mình đâu có làm gì để Chân buồn bã. Mây nhẹ nhàng đặt tay lên vai Chân, nhỏ nhẹ: 

- Anh Chân. 

Chân hơi giật mình một chút. Chàng quay lại. Màu áo vàng lấp lánh. Nhưng Chân vẫn giữ nguyên thế ngồi cũ. Chàng chỉ hỏi với giọng buồn rầu: 

- Xong rồi sao? Mây ra đây làm gì thế? 

Vừa tức, vừa buồn, Mây muốn òa lên khóc, nhưng vội nín kịp. 

- Sao vậy Chân? Em có làm gì đâu? 

Chân vỗ vỗ lên bàn tay Mây đang đặt trên vai chàng: 

- Không sao đâu, Mây vào ăn cơm đi, anh ngồi chơi một chốc rồi lại về. 

Mây tấm tức: 

- Anh ngồi chơi ở chỗ này à? Hôi hám, đầy mùi cá ươn, bẩn thỉu vậy mà anh đòi ngồi. Anh buồn Mây mà, nhứt định vậy!... 

Chân xoay người lại, chàng nhìn thẳng vào mắt Mây, giọng cứng: 

- Anh sống ở đây từ nhỏ nên quen với mùi hôi rồi Mây ạ. Riết rồi không nghe mùi nữa. Từ nhà ra tới đây ngày nào lại không nghe mùi, không bẩn thỉu. Chắc Mây không quen, nhưng anh quen rồi. Nghèo thì cái gì cũng phải quen hết, kể cả mất mát và khổ sở. 

Mây trố mắt nhìn Chân. Chưa bao giờ Chân nói chuyện với Mây bằng cái giọng đó. 

- Mây về nhà đi. 

Mây òa lên khóc. Chân ngồi im một lát, nhưng chàng không ngăn nổi xúc động. Bao giận hờn theo tiếng nức nở của Mây bay hết. Giờ đây chỉ còn nỗi thương yêu và buồn bã. Chân quay lại, chàng cầm lấy tay Mây nói, giọng van lơn: 

- Anh xin Mây mà! Thôi, đừng khóc nữa! Anh khổ lắm rồi!... Anh xin Mây mà! 

Mây vẫn còn nức nở. Nàng vừa khóc vừa nói: 

- Chắc anh không còn thương Mây nữa nên mới hằn học với Mây như vậy! Chớ Mây đâu có lỗi gì với anh đâu! Tại sao anh lại đối xử với Mây như vậy?... 

Chân im lặng. Cõi lòng buồn mênh mang theo ý nghĩ. Chàng cúi đầu nói như nói với chính mình: 

- Có lẽ không phải Mây làm cho anh buồn. Mây không có lỗi gì cả… Tất cả là vì anh. Có lẽ anh ghen ghét với cái thành công của Mây… 

Mây ngạc nhiên hỏi lại: 

- Anh ghen ghét với cái thành công của Mây?… Không, không phải vậy! 

- Nói ghen ghét thì không đúng đâu Mây ạ. Anh vẫn luôn luôn mong cho Mây thành công mà… Nhưng, nhưng khi thấy Mây rực rỡ trên sân khấu, được tán thưởng, được bao vây, anh thấy mình buồn hơn bao giờ hết. Mây ơi, bây giờ Mây là một người khác rồi. Không phải Mây của cái xóm chợ cá này nữa. Mây đã có danh vọng rồi. Mây sẽ sang trọng, sẽ đẹp đẽ như những kẻ sang trọng đẹp đẽ. Còn anh, trước sau gì anh cũng chỉ là một người thanh niên làm nghề sửa chữa mấy cái tủ lạnh hư, mấy cái máy lạnh, máy giặt… Anh chẳng là ai hết, nghèo nàn, thấp kém… 

Chân vùi đầu vào hai bàn tay. Tự ái song song với tình yêu làm chàng đau khổ. Không có gì buồn bằng. 

Mây chảy nước mắt. Mây nhớ lại hôm nào. Một đêm xa thật xa. Mây với bộ áo cánh đơn giản bên cạnh những gương mặt, quần áo quý phái. Mây đã đau xót đến chết lặng người về sự thua thiệt của mình. Thấy rõ sự ngăn cách giữa nàng và Văn. 

Bây giờ đến lượt Chân. Mây phải làm sao đây? Mây gỡ mấy ngón tay của Chân ra khỏi đầu tóc rối. Nàng nhìn thẳng vào gương mặt đã lấp đi bởi bóng tối, chỉ còn đôi mắt long lanh buồn rầu. Mây nói với Chân bằng tiếng lòng mình: 

- Chân ơi, em thương anh thật tình. Không phải thương mà còn kính nữa. nếu không có anh, an ủi, nâng đỡ, khuyên bảo thì làm sao em được như ngày hôm nay. Phải nói là bao nhiêu thành công của em đều là do anh, của anh hết. Nếu sự thành công của em làm anh không được thoải mái, lo âu, thì em cũng bỏ đi, không cần tới nữa… 

Mây nín lặng một lúc để dằn bớt cơn xúc động. 

- Chân… Chân… anh có nghe em nói không... Đây này, đây là hợp đồng mà ông Hoàng Lang ký với em. Em bỏ hết. Em xé nó trước mặt anh để anh tin là em không cần gì hết… 

Mây rút từ ví ra một tờ giấy gấp tư. Nàng trải ra định xé nát. Nhưng Chân đã dằn lại. Chàng gấp tờ giấy rồi bỏ lại vào ví của Mây. Mây òa lên khóc. 

Chân cầm lấy tay Mây nói nhỏ: 

- Cho anh xin lỗi Mây… Mây… anh hiểu Mây rồi… 

- Bộ anh tưởng rồi Mây thấy giàu sang là quên ơn, quên tình, quên nghĩa, quên thuở nghèo nàn hay sao? 

Chân tha thiết: 

- Không… anh xin lỗi Mây… Cho anh xin đi em… Bởi anh tủi thân… anh tự ái… Em thông cảm cho anh. Bởi cứ nghĩ anh mãi mãi như thế này, còn em càng ngày càng lên cao, anh thấy mất em ngay trước mắt… 

Mây nhìn Chân âu yếm: 

- Không, không bao giờ em như vậy hết. Vả lại anh đâu có thua gì em đâu. Nghề nào cũng là nghề. Khi nghèo nàn mình làm công. Khi có tiền, mình mở tiệm, thành chủ... Em không bao giờ nghĩ tới chuyện vẩn vơ như anh hết. Vả lại anh luôn luôn khuyên em là không nên thất chí, cứ kiên nhẫn rồi cái gì cũng xong hết. 

Cơn giận hờn mau chóng được xóa tan giữa hai người thương nhau. Mây khẽ bấm móng tay mình vào cánh tay Chân, giọng trách móc: 

- Mây cấm anh lần sau nghĩ bậy như vậy nữa nghe. Trời ơi, hồi nãy, anh làm Mây lo muốn chết... 

Chân gật đầu. Hạnh phúc đến trọn vẹn quá làm Chân như ngất ngây. Chân mong muốn giây phút cảm thông này kéo dài mãi. Cả Mây cũng vậy. Cả hai im lặng. Chỉ còn hai bàn tay xiết chặt chia sẻ cho nhau nỗi niềm thương yêu, và hai ánh mắt nồng nàn dấu mến. 

Một lúc lâu sau, Chân đỡ Mây đứng lên. Chàng nói lời đầu tiên: 

- Thôi mình về nhà đi Mây. Ba má chắc chờ dữ lắm. 

Tiếng “ba má” thoát ra từ miệng Chân làm Mây thoáng chút thẹn thùa. Má nàng ửng đỏ tưởng như là bóng đêm cũng nhìn thấy. Mây nép sát vào Chân và mặc chàng dìu đi xuyên qua những quán chợ im lìm. 

Mây nhớ một đoạn trong bài “Thương Tình Ca” của Phạm Duy. Mây hát nho nhỏ: 

“… Đưa nhau vào cõi vô biên, có chim uyên tình thiêng, hát ru êm triền miên…
Dìu nhau sang bên kia thế giới
Dìu nhau nơi quê hương mãi mãi 
Dắt dìu về tới nơi xa vời. Dìu nhau đưa nhau vào cõi nghìn thu..." 

Chân mỉm cười sung sướng. Chàng hơi dừng lại một bước, cúi xuống hôn nhẹ lên tóc Mây và nói thầm như hơi thở: 

- Mây là bài hát hay nhất của anh. 

KIM HÀI 
(4-1972)

Cánh gió (Chương III) - KIM HÀI

CHƯƠNG III

Với những chiếc kềm nhổ đinh lớn và một chiếc kéo cắt dây kẽm, Mây cùng với một số chị em trạc cùng lứa tuổi phải thanh toán những chiếc thùng gỗ bẩn thỉu ẩm ướt chất đống cao như ngọn đồi nhỏ. Họ có bổn phận tháo tung những chiếc thùng đó thành từng mảnh gỗ nhỏ, chất một bên cho nhà thầu. Những chiếc thùng đó, phần lớn là ở những sở Mỹ thải ra. Đó là những thùng đựng đạn dược hoặc đựng thực phẩm. Những chiếc còn tốt và kín thì phải lựa riêng ra để bán cho các nhà sản xuất nhỏ. Đây là công việc mới xem tưởng nhẹ nhàng, nhưng thật ra là một công việc bận bịu và cực nhọc. Nhân công phải làm việc không hở tay. Chiếc đinh này được kéo ra, thì kềm kia phải để hất tung mảnh gỗ này, rồi chất gỗ, lựa gỗ, đập đinh, cuộn dây kẽm không một phút nào được ngơi nghỉ. Chân, con trai của bác Tư xích lô đã kiếm cho Mây công việc này. Hôm bác Tư chở Mây về nhà thì Chân đi vắng. Thấy Mây buồn rầu quá sức, bác Tư chỉ hỏi qua loa rồi lại đem xe đi tìm mối. Bác Tư gái vốn tính hiền lành, vả lại, hồi Mây còn ở với chú Sáu, Mây hay qua lại giúp đỡ bà trông nồi cơm, gánh đôi nước. Bà chỉ có một con trai nên quý Mây lắm. Chỉ có mỗi một chuyện là Chân và Mây hay cãi nhau quá. Chúng như mặt trời mặt trăng. Vừa thấy mặt nhau là háy, nguýt, đứa này bĩu môi, đứa kia hăm dọa tất là có chuyện gây gổ rồi... Từ khi ông Sáu chết bà vẫn hỏi thăm con nhỏ Mây luôn. Bây giờ, Mây về đây, bà cũng thấy vui vui. Bà bảo ngay với Mây:

- Thôi, mình nghèo không nên đèo bồng ăn ở nơi cao sang. Mày đi như vậy cũng phải. Thôi cứ ở đây với hai bác, coi như con cháu trong nhà. Thủng thẳng thằng Chân nó về tao hỏi nó có biết chỗ nào có công việc nó xin giùm cho.

Nghe nhắc đến Chân, Mây mới sực nhớ, hỏi:

- Anh Chân đi đâu rồi bác? Con hổng thấy.

- Nó xuống tòa báo đó. Nó lãnh báo đi phân phát cho mấy sạp báo lẻ đó mà. Kiếm cũng đủ ăn. Buổi tối nó đi học thêm kỹ thuật, nghề lạnh. Nhờ trời thì nó khấm khá ra. Có nghề vẫn hơn.

Có tiếng xe đạp lọc cà lọc cạch ở phía trước. Bà Tư nói với Mây.

- Cái thằng thật linh. Mới nhắc đã về tới.

Mây quay ra cửa. Một thanh niên cao lớn, quần áo lùi xùi xăm xúi đi vào.

- Mầy đi đâu đó Chân? Hổng thấy gì hết hà. Con Mây đó. 

Chân cũng vừa sực thấy Mây. Cả hai đứa đều ngỡ ngàng một phút. Mây thấy Chân khác hẳn với thằng Chân lúc ngày xưa. Cao lớn, vững vàng ra. Trong khi đó, Chân cũng lạ lùng e dè trước một Mây xinh đẹp, thanh nhã. Mây mở lời trước.

- Trời, anh Chân đây hả? Chắc gặp ngoài đường tui hổng nhìn ra quá!

Chân cũng kêu lên:

- Cô cũng vậy… Mây… lớn quá. Hồi về đưa đám bác Sáu có lớn như vầy đâu?

- Sao hồi đó tui không thấy anh?

- Có tui chớ sao không. Nhưng cô mắc khóc thấy gì được!

Mây thấy vui vui trước người thanh niên vui tính này. Chân hỏi tiếp:

- Cô về thăm ba má tui đó phải không? Lúc này ở nơi đó ra làm sao, dễ chịu chớ?

Mây lắc đầu buồn bã không đáp. Làm sao Mây có thể bày tỏ cho mọi người hay tâm sự của mình. Mà cho dù có nói cũng không ai hiểu. Mà trái lại còn cười cợt và nhứt định cho là Mây ham trèo cao nên té nặng.

Thấy Mây không đáp mà mặt đổi sắc, Chân nhìn mẹ. Bà Tư nói gạt:

- Hết làm ở đó rồi. Bây giờ con Mây về đây ở nhà mình. Mầy mau chưn mau miệng kiếm việc làm giùm nó đi.

Chân reo lên:

- May quá, con vừa biết một chỗ cần người. Chỗ xưởng bán gỗ Phụng Tiên đó mẹ.Chỉ có là công việc hơi mệt chút thôi. Không biết Mây có làm được không.

Mây mừng rỡ nói ngay không cần suy tính gì hết:

- Trời ơi, anh dẫn tui đi anh Chân. Việc gì tui cũng làm được hết. Tui chịu cực từ hồi nhỏ lận chớ bộ. Nghe, lẹ chớ không thôi có người khác tới xin đó.

Bà Tư cũng thúc:

- Ừa phải đó. Lẹ lên đi Chân. Nói cho khéo nghe. Thôi, con Mây để đồ đây bác cất cho, đi đi. May chưa. Bề gì có công ăn việc làm cũng đỡ.

Mây theo Chân ra ngoài. Thấy Chân cầm lấy ghi-đông xe đạp. Mây ấp úng.

- Bộ… bộ...

Chân nhe răng cười:

- Để tui chở Mây đi cho lẹ. Với lại đường đó ngược đường xe lam lắm.

Cực chẳng đã Mây mới rón rén ngồi lên. Chiếc xe đạp cà khổ di chuyển chậm rì. Thấy Chân đạp xe có vẻ nặng nhọc. Mây ái ngại hỏi:

- Ngó bộ tui ngồi sau đây anh đạp xe cực ghê.

Chân cười ngoái đầu lại trả lời:

- Đâu có cực, đôi khi chở báo nặng hơn nữa chớ. Chỉ sợ Mây không quen đi xe đạp nên ngại ngùng.

Chân nói tình thật, nhưng Mây nghĩ Chân có ý cười mình. Nàng buồn rầu nhớ đến ngôi biệt thự màu hồng đầy đủ tiện nghi. Nhớ đến Văn, đến Mai, đến chiếc xe hơi êm ái. Những vật và người đẹp đẽ đó đến với Mây như một giấc mộng. Bây giờ giấc mộng tàn rồi, Mây thấy mình không nên nhớ đến nữa. Giữ phận nghèo là hơn. Cứ mơ mơ mộng mộng là chết cả tâm hồn. Nhưng lý trí thì khuyên bảo vậy, nhưng lòng Mây vẫn nặng chĩu nỗi buồn. Chiếc xe đạp chở Mây đi giữa những con đường đông đúc xe cộ ngược xuôi, đưa Mây đến một nơi làm khác, nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ giống như dịp may ngày nào xa xôi.

- Trời ơi, nhổ đinh thế này là hư hết trơn hết trọi rồi.

Mây giật mình nhìn xuống. Những chiếc đinh cụt đầu bị khơi hoài càng lúc càng lún sâu vào gỗ trong khi mãnh gỗ xấu bị nứt nhiều đường.

- Làm ăn đàng hoàng nghe mậy. Ngồi làm mà không để ý gì hết. Coi kìa, dây kẽm sao đứt khúc vậy?

- Dạ, bị cái thùng này hư nhiều quá.

Người cai thợ la lên:

- Hư cái gì? Làm ăn bê bối. Liệu hồn tao nói ông chủ đuổi cho xem. Không phải muốn làm sao là làm. Từ sáng đến giờ mầy làm được chừng đó thôi hả?

Mây nhìn đống gỗ xếp cao ở nơi làm phân trần:

- Hồi sáng tới giờ tôi làm nhiều lắm rồi mà. Bác cai coi, tui làm nhiều nhứt đám.

Đám thùng gỗ cao của Mây đã chứng minh câu nói của Mây. Nhưng Mây mắc phải một lỗi lầm là đã trả lời lớn tiếng thay vì phải to nhỏ năn nỉ hoặc làm thinh. Điều này làm cho lão Cai hay say sưa chè chén bực mình. Lão liếc mắt nhìn Mây và cho rằng cô bé mới vô này khiêu khích lão. Chung quy tại lão chưa ra oai mà thôi. Bây giờ đến lúc rồi. Nghĩ vậy, lão Cai trợn mắt chỉ mảnh gỗ nứt trên tay Mây:

- Làm nhiều hả, mầy phá biết bao cái thùng rồi. Gỗ tốt như vậy mà mày làm nát ra như thế còn cãi chầy cãi cối. Được rồi con ạ. Tí nữa tính gỗ trừ công.

Mây bực tức, nàng đứng dậy phân bua:

- Gỗ xấu nên dễ nứt chớ nào phải tôi làm hư.

Lão Cai long mắt mắng át:

- Mầy định phá đám hả. Con gái con đứa mà lười biếng. Muốn làm chỗ nào thì làm còn làm ở đây phải đàng hoàng.

Lão moi trong đám gỗ ra những mảnh gỗ nứt hoặc hư vài nơi vứt ra một bên. Mây vẫn cố nói:

- Nhưng…

- Không nhưng nhị gì hết. Luật chung. Muốn mất việc thì cứ cãi.

Người bạn đồng nghiệp ngồi bên cạnh kéo tay Mây:

- Thôi, đừng cãi nữa, làm tiếp đi. Lão đó độc lắm. Đừng cãi, tí nữa ra năn nỉ lão một vài tiếng là xong. Lão hảo ngọt lắm.

Mây thở dài ngồi xuống. Cơn tức còn nằm ngang cổ họng.

- Nhưng chị nghĩ xem, tôi có làm hư hoặc lười biếng gì cho cam.

- Đành vậy, nhưng lão ta có quyền lắm. Cãi với lão là mất chỗ làm ngay. Thời buổi khó khăn, mình nhịn một chút là xong.

Và Mây phải nhịn thật, bởi chiều hôm đó, khi trả tiền công hàng tuần, lão Cai đã trừ Mây hết phân nửa số tiền công viện cớ bù trừ vào số gỗ hư. Thế nhưng khi Mây đòi lấy gỗ hư đem về thì lão Cai trừng mắt bảo đó là gỗ của hãng, rồi bỏ đi mất.

Những người bạn gái đã kéo Mây đi ra ngoài. Nỗi uất ức làm tim Mây nghẹn tắt và nước mắt ứa ra. Trên suốt chuyến xe lam về nhà, không giây phút nào Mây ngớt được cơn thổn thức. Vừa mới bon chen đã bị đè nén, Mây không biết mình phải xoay sở làm sao trước chợ đời. Mây chỉ biết thất vọng và phó mặc.

Bữa cơm tối vui vẻ làm Mây khuây khỏa được đôi chút tức tối, nhưng qua khóe mắt, Mây không giấu được ai cả. Bà Tư tò mò hỏi:

- Bữa nay cháu làm sao vậy?

Chân cũng ân cần nói:

- Bộ công việc mệt nhọc lắm hả? Hay có chuyện gì?

Được khơi động, cơn bực tức đè nén giờ khơi dậy mãnh liệt, Mây đem đầu đuôi câu chuyện ra kể lại với Chân và bà Tư. Nghe xong Chân trầm ngâm nói:

- Mình nghèo, cần việc nên phải lụy. Thôi, Mây chịu khó rồi tôi xem có chỗ nào tốt hơn không. Thiệt tình, làm công cho người ta là bị chèn ép rồi không tránh được đâu. Có là có nơi người này tốt hơn người kia chút đỉnh. Chớ…

- Tui rầu quá anh Chân à…

Bà Tư chen vào:

- Làm công cho người ta là cực rồi à. Trừ phi mình có tài riêng, khi đó mình muốn làm gì thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ, không ai bắt bẻ được.

Chân cười:

- Mình dân áo ôm nhà thuê thì làm gì mà có tài riêng hả má? Có tài một việc nhưng cũng phải luyện tài chớ. Văn sĩ thì cũng phải biết học hành, đọc sách đọc báo. Họa sĩ thì phải học vẽ. Nhạc sĩ, ca sĩ thì cũng phải tập luyện…

Câu nói của Chân làm Mây sực nhớ đến giọng hát của mình. Giọng hát trời cho mà Mây tưởng đã bỏ chìm đã quên lãng từ khi rời khỏi biệt thự Tuyết Hoa. Bao nhiêu mơ ước, bao nhiêu vẽ vời tương lai tưởng đã chết theo mối tình đầu đời, từ một đêm nào xa. Ấy mà không, niềm đam mê của Mây vẫn còn. Câu nói của Chân đã phá mở cánh cửa khép, mặt trời đã hắt vào gian phòng tối và Mây thấy mình vẫn còn nhiều mơ ước. Trước mắt Mây, trong chiếc đầu nhỏ bé hiển hiện hình ảnh giấc mơ ngày nào được ca hát nhảy múa trước mặt mọi người. Và không khí ngất ngây nào trên bục gỗ giữa tiếng đàn tiếng vỗ tay vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng Mây cũng nghĩ đến những lời nói của ông Tân Phong. Mây cũng nhớ đến những mơ ước tàn phai của mình. Mơ ước chứ chưa phải là sự thật. Tuy nhiên kinh nghiệm sau này vẫn không đủ để Mây giết chết những đam mê ca hát của mình. Nó chỉ đủ để Mây chững chạc hơn lên, thực tế hơn lên.

Cái trí óc lãng mạn mơ mộng bây giờ đã biết đắn đo suy xét. Mây hỏi:

- Có khi nào nghèo như mình mà học hành thành tài, mà nổi tiếng không anh Chân.

Chân cười:

- Lẽ tất nhiên là có và cũng không hiếm gì. Nhưng bắt buộc là phải có dịp may và ý chí nhẫn nại mới được.

Mây bỏ đi nằm. Cái dịp may mà Chân vừa nói bao giờ mới đến với Mây. Mây vắt tay ngang trán cố nghĩ đến công việc ngày mai và xóa hết những ý nghĩ vu vơ. Nhưng không được. Ý nghĩ thoát khỏi cuộc sống hiện tại, vươn mình lên bằng tài năng của mình, dù biết là viển vông, Mây cũng không tài nào dứt bỏ. Và việc đó đã trở thành ám ảnh cho Mây ngày đêm. Mây trở nên tư lự. Công việc hàng ngày không hăng say như trước nữa. Trạng thái tinh thần của Mây chỉ có một người chú ý nhất là Chân. Có hôm đi phân phối báo ngang qua nơi làm chờ Mây chở về cho đỡ tốn tiền xe, Chân thấy Mây đi mà mắt lơ đễnh như không thấy gì phía trước, không thấy cả Chân đang đứng lù lù trước mắt. Có hôm đang ăn cơm, nghe tiếng chiếc máy phát thanh bên hàng xóm vọng một bài hát trữ tình Mây im lắng tai nghe rồi chìm trong suy tư quên cả ăn uống. Chân không chịu được điều đó. Chàng cũng không hiểu tại sao mình lại đi thắc mắc như vậy. Chỉ biết là những khi thấy vậy, lòng Chân bứt rứt, xốn xang. Chân biết hình như Mây có một tâm sự nào đó. Và nhất định Chân phải hỏi cho ra lẽ.

Dịp đó đã đến. Đó là hôm rằm tháng tám. Ông bà Tư đi Chùa vắng, chỉ còn Mây và Chân ở nhà. Mây dọn dẹp sau bếp và Chân thì chữa lại chiếc dây xích xe đạp dài quá. Chân sửa xe hoài cho đến khi Mây bật đèn mà việc vẫn chưa xong. Mây đến gần hỏi:

- Anh Chân à. Cái xe hư lắm hả?

Chân cầm sợi dây xích căng nhè nhẹ rồi thở phào một cái nói:

- Xong rồi đây. Cha, tối rồi à.

- Anh để ban ngày rồi sửa phải hơn không?

Chân ngước nhìn Mây một thoáng rồi nói:

- Sửa lè lẹ đặng ngày mai cho Mây đi làm nữa chớ.

Mây nhìn Chân bằng ánh mắt biết ơn. Gia đình ông Tư tốt thật. Cả Chân cũng vậy. Thế mà hồi xưa Mây lại ghét Chân nhứt. Ý nghĩ làm Mây bật cười.

Chân ngạc nhiên dừng tay ngước đầu hỏi:

- Ủa sao lại cười?

Mây che miệng nói:

- Nhớ hồi tui với anh quẳng đá nhau đó. Cha, cái hồi đó, anh hoang ơi là hoang. Với thằng Tùng lé nè, thằng Tiến mụn nè… Bộ ba đó Mây ghét dễ sợ…

Chân cũng bật cười:

- Ừa hồi đó phá như quỷ sứ hèn gì Mây không ghét. Chà mà hồi đó Mây cũng dữ dằn phát ghê chớ nói ai.

Mây không nói chỉ tủm tỉm cười hoài. Chân đã sửa xe xong, chàng rửa tay sạch rồi ra bàn uống nước. Mây vẫn ngồi trên chiếc ghế đẩu trong bóng mờ. Mái tóc đen nhánh, đôi mắt tròn long lanh. Chân thấy Mây đẹp quá. Lòng Chân chợt nghe vui sướng nhẹ nhàng. Phải nói là từ ngày Mây về đây ở chung với gia đình chàng, Chân thấy ngôi nhà trở nên linh hoạt và ấm áp hẳn ra. Ngoài giờ làm việc, Chân không muốn đi chơi đàn đúm bạn bè như ngày xưa nữa. Càng ngày Chân càng mến Mây. Tình cảm đó trong suốt như thủy tinh và nhẹ như hơi thở. Cái tình cảm làm Chân thấy yêu đời hơn bao giờ hết.

- Anh Chân nghĩ gì mà thừ người ra vậy?

Chân giật mình khỏa lấp:

- À không.

Rồi chợt nhớ, Chân gọi Mây:

- Mây...

Mây ngạc nhiên:

- Gì đó hở anh Chân?

- Chỗ thân thiết trong gia đình, coi như bà con Mây đừng ngại gì hết, nói thiệt nghe.

Mây nóng nảy hớt lời:

- Có chuyện gì mà anh làm tôi hết hồn. Nói đại đi, khi nào mà tui lại coi bác ở nhà như người dưng bao giờ.

Chân cúi xuống nhìn đôi bàn tay chai cứng của mình. Một lát sau, Chân lựa lời thốt:

- Mây à. Sao mấy kỳ nay, tui thấy Mây có vẻ nghĩ ngợi chuyện gì đó. Không bình thường như xưa nữa. Trong gia đình có điều gì làm Mây không vừa lòng?…

Mây kêu lên:

- Trời ơi! Làm gì có chuyện đó…

Chân lắc đầu:

- Mây đừng giấu, chắc gia đình tui có chuyện gì vô tình làm Mây khó chịu, Mây cứ nói đi. Ba má tui khi nào cũng xem Mây như… như… cháu trong nhà vậy…

Câu nói nghiêm trang và ánh mắt băn khoăn, buồn rầu của Chân làm Mây không biết có nên thú nhận những nguyên nhân làm Mây nghĩ ngợi. Mây nói.

- Chuyện không liên hệ đến ai hết á.

- Thế tại sao Mây không nói, nếu tôi giúp gì được cho Mây thì sao?

Mây nghĩ thầm. Không ai có thể giúp đỡ được mình hết. Nghĩ vậy, nhưng Mây không nói thẳng sợ mất lòng. Mây chỉ im lặng ngó mông ra ngoài trời đêm.

Chân buồn rầu nói:

- Giả như Mây có điều gì buồn, đôi khi nói ra cũng đỡ bớt buồn rầu. Còn nếu phiền hà ai, Mây cũng nên nói…

Mây vẫn ngồi yên. Bên ngoài thành phố đã lên đèn. Xe cộ rộn rịp. Bầu không khí yên tĩnh trong nhà tạo cho Mây có cảm giác nhẹ nhàng, thân thiết. Tại sao Mây không nói nhỉ. Đâu có ai có thể cười Mây…

Và Mây tâm sự tự nhiên như lời chảy ra chứ không phải là lời nói ra. Mây kể hết những ước mơ của mình, sự tuyệt vọng, ý muốn thoát khỏi đời sống vất vả, luôn luôn bị bóp nghẹt chèn ép.

- Đó anh thấy không, Mây mơ ước, nhưng ước mơ của Mây lớn quá, hão huyền quá, nên Mây té nặng. Mây xấu hổ với những ước mơ quá sức của mình. Nhưng thú thật Mây không thể nào quên được. Mây muốn được ca được hát. Không được hát, Mây thấy như mất đi một phần đời sống. Những ngày sống ở biệt thự Tuyết Hoa đã tập cho Mây cái tính xấu đó. Mây biết, Mây tuyệt vọng với đủ mọi chuyện. Mây ước mong được ca hát được trở thành một nữ ca sĩ có tài, nhưng Mây bất lực… Bất lực mà vẫn ao ước… Trời ơi, Mây không thể nào diễn tả được trạng thái tinh thần của Mây…

Mây cố gắng nói với Chân, trong khi hai giọt nước mắt tủi thân lăn dài trên má. Mây nhớ đến Văn. Và Mây muốn nói với Chân là từ người thanh niên sang trọng đó tôi biết cái đam mê của tiếng hát, sự rung động của tiếng hát, sự thúc giục đi sâu vào niềm đam mê sẵn có. Nhưng cũng từ Văn, tôi mất hết ý chí, tôi tuyệt vọng trước đời sống. Nhưng Mây không thể nói hết cái ẩn ức sâu kín đó. Hạnh phúc, danh vọng, đam mê, cái gì cũng mơ hồ. Và điều không phải là Mây mơ tưởng, Mây lờ mờ thấy là nàng không mơ tưởng bao giờ, nàng tin chắc đó là sự thật. Thật là mâu thuẫn.

- Mây thích làm nghề ca sĩ?

Mây nhìn Chân:

- Anh nghĩ xấu cho Mây chớ gì. Không phải vậy đâu. Mây mong mỏi được hát và hát như là một ca sĩ có tài năng.

Chân ngẩng đầu lên, mặt chàng vui vui:

- Muốn vậy Mây phải học, phải tập luyện.

Mây lắc đầu thất vọng.

- Mây nghèo, ăn còn chưa đủ, tiền đâu đi tập tành giọng ca giọng hát… Thôi anh Chân à. Nghĩ là nghĩ vậy chớ…

Chân đứng lên, chàng thọc sâu hai tay vào túi quần, đi đi lại lại trong nhà, mặt đăm chiêu. Giờ phút này Mây thấy Chân lớn thật, đàng hoàng chững chạc hẳn ra. Cả hai người đều im lặng. Chỉ còn tiếng dép của bước Chân đi. Mãi sau Chân mới nói với Mây, giọng nghiêm nghị như một người anh có bổn phận khuyên răn em:

- Theo tôi thấy thì Mây ham thích hát lắm. Đó cũng là bản tính trời sinh. Nếu Mây không thỏa đáng lòng ước của mình, chắc suốt đời này Mây cứ khổ cứ buồn hoài. Hay là Mây kiếm cách đi tập luyện giọng hát để theo đuổi nguyện vọng của mình đi. Con người ta có chí thì nên. Có người vừa mù vừa câm mà vẫn học được, có sao đâu. Việc gì Mây cũng kiên nhẫn. Chuyện buồn gác lại một bên. Rán lên…

Mây nói giọng buồn hiu, không tự tin chút nào..

- Anh bảo Mây rán, nhưng rán làm sao đây…Thôi anh Chân à. Cái con Mây không cha, không mẹ, không bà con quen thuộc được như vầy là quý lắm rồi. Còn trèo đèo gì nữa.

Chân dừng lại, nhìn thẳng vào mặt Mây:

- Mây đừng có nghĩ vậy. Phải tìm cách nào để càng ngày càng hơn lên chớ…

Mây không nói thêm lời nào nữa. Mây chỉ là một kẻ bỏ cuộc mà còn nuối tiếc. Nhưng lời nói của Chân có một chí tự tin làm Mây lây sự vững chãi đó. Bởi ta quỳ xuống nên cuộc đời là trái núi. Khi ta đứng lên cuộc đời ở dưới chân ta. Câu nói của bác Tân Phong từ một đêm nào tưởng đã nuôi Mây giữ vững ước vọng và cố gắng của mình. Nhưng không. Khi hạnh phúc vừa bị thổi bay, khi tấm lòng bình yên bị chùng xuống, thì cuộc đời là những trái núi cao. Mây nhớ đến tiếng vĩ cầm tha thiết ngày nào của người con trai đầu tiên mà Mây yêu mến. Mây cố quên để ngày ngày càng hơn lên. Mây cố quên và Mây tự nhủ lòng. Cuộc đời mới chỉ bắt đầu. Một giọt nước mắt âm thầm trong bóng tối giúp Mây quên bớt những ngày qua. Bắt đầu lại ngay từ bây giờ. Xem những tháng ngày ở biệt thự Tuyết Hoa là một giấc mộng dài mà thôi. Ngày mai, mình làm việc, mình ôn lại những gì đã học ở nhà Mai, mình chờ cơ hội.

*

Mây dùng hết sức kéo chiếc đinh cuối cùng của tấm gỗ. Những mảnh nhỏ rời ra. Chiếc thùng cuối cùng đã xong. Mây đứng dậy vươn vai cho đỡ mỏi. Những người bạn gái cùng làm cũng đứng dậy. Trời đã chiều. Bên ngoài gió mát. Tận chân trời vài đám mây đen vần vũ báo hiệu cơn giông. Mặt trời lóe ra những luồng sáng vàng chói.

Mây bước ra cổng xưởng thì gặp ngay Chân đang đứng đợi bên kia đường. Thấy Mây, Chân đưa tay ngoắt lia lịa vẻ mặt mừng rỡ. Mây ngạc nhiên băng vội qua. Không đợi Mây kịp đến Chân đã nói:

- May quá, lẹ lên, lẹ lên chớ không thôi trễ…

Mây không hiểu chuyện gì nhưng cũng vén áo ngồi sau yên xe đạp, vừa ngồi vừa hỏi:

- Trời, cái gì mà anh làm tui hết hồn…

Chân nhấn bước đầu tiên lên bàn đạp, rẽ sang con đường khác rồi mới nói:

- Lớp đào tạo ca sĩ Tân Phong cho phòng trà Thiên Nga đang tuyển học viên. Ai đậu cao được học bổng. Lẹ lên đến ghi tên không thôi hết hạn. Hôm nay là ngày chót.

- Tân Phong?

- Ừa, Mây biết mà…

Mây ngập ngừng. Nàng nhớ đến gương mặt mập mạp, kiêu hãnh của ông Tân Phong, nhớ đến lời chê của ông ngày nào. Mây muốn thối lui quá… chờ mãi không thấy Mây phản ứng, Chân quay lại hỏi:

- Bộ Mây không thích hả?

Mây ngập ngừng:

- Ông Tân Phong là chỗ quen biết với bà Tuyết Hoa.

- Tuyết Hoa nào?… À, chỗ làm cũ của Mây đó hả?… Ối lo gì.. mình có làm gì ai đâu mà sợ. Đây là cơ hội duy nhất, dịp may hiếm có đó. Mây rán đi...

Câu nói sau cùng của Chân làm Mây yên tâm đôi chút.

Chân chở Mây đến nơi ghi tên xin dự thi. Đó là một căn biệt thự to lớn với những gian phòng rộng bằng kính dùng làm nơi học và tập luyện cho các học viên. Mây ghi tên ngoài văn phòng. May quá, không gặp ông Tân Phong. Mây không thích gặp ông ta mặc dù tận trong thâm tâm, Mây phải công nhận là những lời nói của ông không phải là không đúng.

Chân chờ Mây bên ngoài. Mây đưa tay ra hiệu là đã xong rồi. Nàng lấy giấy báo danh. Còn khoảng nửa tháng nữa là bắt đầu thi. Chưa gì mà Mây đã thấy hồi hộp. Mây hỏi vội cô ghi tên:

- Thưa cô, có đông người dự thi không?

- Ghi tên được trên 600 người rồi. Nhưng nghe đâu ông giám đốc chỉ nhận có 100 học viên là tối đa.

- Cám ơn cô, chào cô.

Trên đường về, cầm tờ giấy báo danh trong tay, Mây thấy lòng tràn trề sung sướng. Nỗi sung sướng vô cớ đó ăn lan khắp người Mây. Chân hình như cũng cảm thông với nỗi vui đó, tươi cười trêu Mây:

- Vậy là mộng ca sĩ sắp thực hiện rồi đó.

Mây cười:

- Còn thi, còn học nữa mà anh.

- Vời tài của Mây chắc Mây đậu quá.

Mây nghe vậy, sực nhớ đâm ra lo lắng:

- Chắc có nhiều người tài giỏi thi lắm chớ đâu phải một mình Mây.

Chân an ủi:

- Bây giờ tối về Mây chịu khó tập hát… với học nhạc lý đi… Chịu khó một chút chắc cũng không đến nỗi nào.

Và Mây chịu khó thật. Từ đó, tối tối Mây thường xuống bếp tập hát một mình. Nàng cố uốn giọng phát âm cho rõ mặc dù với những bài bản chỉ còn trong trí nhớ hoặc trong những trang giấy chép tay. Giá như Mây có một cái máy hát như ở nhà bà Tuyết Hoa thì tốt biết bao nhiêu. Nghĩ vậy nhưng Mây đâu dám ước ao nhiều. Chỉ hiềm là những khó khăn và phương tiện nghèo nàn không làm Mây hy vọng được chút nào.

Nhưng thật bất ngờ. Buổi tối lúc ăn cơm thì Chân về. Trên tay Chân là một gói giấy lớn có vẻ không nhẹ nhàng. Mây không để ý vì mải lo dọn cơm để ông Tư còn đi kiếm xuất xe tối.

Lúc Mây xong xuôi công việc thì bà Tư đã đi ngủ tự lúc nào. Chân ngồi đọc báo ở bàn gỗ, cạnh chàng cái gói giấy im lìm. Mây thắp đèn xuống bếp để tập hát một mình. Căn bếp nhìn ra phía chợ Cá trống vắng tối đen, thoảng hơi tanh cái mùi tanh tưởi đã quá quen với khứu giác Mây. Mây giở cuốn vở còn giữ lại hồi ở nhà bà Tuyết Hoa lẩm bẩm học nhạc lý. Hồi chiều Mây nhịn ăn quà sáng để mua một cuốn sách nhạc học bổ túc những điểm thiếu. Mây lần mò từng giòng một cách khó khăn vì không ai giảng nghĩa rõ ràng.

- Mây…

Mây giật mình. Chân đứng ở cửa bếp từ lúc nào, tay cầm cái gói hồi chiều. Mây đưa mắt nhìn Chân dò hỏi. Chân bước đến ngồi đối diện Mây, đưa gói giấy cho Mây. Mây hỏi:

- Cái gì vậy anh Chân?

Chân không trả lời chỉ ra hiệu Mây mở gói. Một chiếc máy thu băng nhỏ hiện ra như chuyện hoang đường. Mây trố mắt nhìn Chân ngạc nhiên. Chân mỉm cười, nhấn ngón tay vào nút. Âm thanh phát ra đầy tiếng nhạc êm dịu, mướt như nhung. Mây ngẩn người.

- Chân mượn của thằng bạn đó để cho Mây tập hát, chớ tập không vậy làm sao bằng người ta được.

Mây cảm động không nói được, chỉ biết đưa mắt nhìn Chân biết ơn.

… Vì hai lối mộng hai hướng đi.. Mình thương nhau chưa trót, thì chớ mang nỗi buồn theo bước đời. Cho dù chưa lần nói… Nhưng nếu còn đẹp vì nhau. Xin nhẹ đi vào sầu. Đừng thương tiếc nhiều đau bấy nhiêu. Niềm ưu tư tôi đếm. Từng bước trên…

- Mây biết bài gì không?

Mây lắc đầu không nói. Lòng Mây vẫn còn ngập tràn cơn xúc động. Chân tốt với Mây quá. Người thanh niên này tuy không hào hoa, không dịu dàng như Văn, nhưng tự trong hành động cử chỉ của Chân thoát ra một chân thành, mộc mạc, tin yêu. Mây nhắm mắt lại để ngăn hai giọt nước rưng rưng dưới mi.

- Thôi, Mây tập hát nghe, Chân phải đi làm thế thằng Tùng. Mượn nó cái cát-sét, nó bắt mình làm thế hắn cho đến khi mình trả máy thì thôi…

Chân nói xong cười thật hồn nhiên. Lúc đó, Mây mới nói được:

- Cám ơn anh Chân nghe…

Chân cười:

- Có vậy mà cũng cám ơn... à… mà Mây biết sử dụng không… đây nè… nút này khi nào Mây mở, nút này tắt… Đó… còn nút có mũi tên là cho băng trở lui, cái này là cho băng chạy nhanh. Còn cái mi-cờ-rô này cắm vô đây, rồi Mây nhấn hai nút này… đó… Mây hát vô để nghe thử.. Cái băng ngoài này để thu… Còn băng trong có nhạc, đừng có xóa tụi nó bắt đền chết…

Mây gật đầu:

- Mây cũng có biết sơ sơ rồi...

Chân đứng dậy đi lên nhà trên. Trước khi đi khuất sau cánh cửa, Chân còn quay lại. Mây bắt gặp đôi mắt trìu mến của Chân nhìn mình. Đôi mắt làm Mây thấy xao xuyến nhẹ nhàng.

*

Ngày thi tuyển đã đến. Mây hồi hộp quá sức. Nàng nói với Chân về nỗi lo âu của nàng. Nhưng trái lại, Chân hy vọng và tỏ ra rất yên chí về tài nghệ của Mây. Chân nói:

- Nếu không được học bỗng thì cũng được thu vô mà… Mây đừng lo…

Mây vẫn than thở:

- Nhưng tim Mây làm sao ấy. Nó nhảy quá chừng.

- Thôi, ăn lè lẹ bát phở đi kẻo trễ giờ… Đừng có ăn cơm chiên, tí nữa giọng rè rè toàn là mỡ.

Mây khuấy tô phở chín nước trong. Nàng lấy một miếng ớt. Chân ngăn lại.

- Đừng có ăn ớt, ăn chanh thôi. Lẹ lên chớ không thôi trễ giờ.

Mây chợt nhớ kêu lên:

- Anh đi làm chớ…Bộ...

- Để tôi chở Mây đến nơi thi. Không chừng tôi chờ đến khi Mây thi xong. Nghe nói kết quả được xướng ngay sau cuộc thi mà.

Mây kêu lên phản đối:

- Thôi, anh phải đi làm chớ. Anh đợi Mây lâu lắm. Thi suốt ngày mà.

- Nhưng đi làm thì sốt ruột.

- Thôi anh đi làm đi. Chớ đợi Mây hoài biết khi nào…Chiều Mây về báo tin cho anh biết, chớ rủi rớt một cái ê mặt…

Tuy nói vậy, nhưng Mây vẫn không giấu được sự cảm động, khi thấy người con trai này đã quá tốt bụng đối với nàng. Lúc nào cũng nghĩ tới việc chăm sóc nàng.

Bữa ăn xong, hai người đi ngay. Mây không còn lòng dạ nào lẩm nhẩm những bài hát như thường lệ nữa. Tâm hồn nàng để ý hết vào kỳ thi này, vì từ đó, sẽ định đoạt tương lai của Mây.

Trường ca nhạc Tân Phong rộng lớn. Trong sân đã thấy lố nhố nhiều người, con trai có, con gái có, đủ màu sắc quần áo, đủ bộ dạng. Chân phanh xe lại đổ Mây xuống. Mây bước đi với tất cả nồng nhiệt và cương quyết. Đến cửa biệt thự, Mây quay lại, thấy Chân còn đứng đó. Mây trở lại gần nói nhỏ với Chân:

- Nếu Mây mà thành công thì phần lớn đều là do công lao và sự khuyến khích của anh đó. Thiệt Mây không biết lấy gì để cảm ơn anh.

Giọng Mây run run. Chân quay đi để giấu vẻ xúc động:

- Thôi, Mây vô đi chớ không lại trễ giờ.

Mây quay đi bước nhanh vào bên trong. Trong phòng, ngoài sân đều đầy cả người. Mây kiếm một góc ngồi nhẩm lại phần nhạc lý và bài hát chọn lựa để trình diễn.

Bầu không khí ồn ào cũng những lời bàn tán lớn lối khoe khoang làm Mây lo ngại. Nhưng hồi hộp mãi rồi cũng đến giờ thi. Bài nhạc lý đầu tiên mà ông giám thị mập mạp hỏi Mây làm Mây lấy lại được bình tĩnh. Mây viết lên bảng những nốt của một âm giai. Mấy người giám thị gật đầu. Không có ông Tân Phong trên bàn giám khảo.

Quan trọng nhất là cuộc thi thử giọng. Các thí sinh phần lớn đều ngang ngửa ở phần thi nhạc lý. Mây hy vọng mình sẽ không đến nỗi tệ. Khi nghe gọi tên, Mây bước lên bục gỗ. Tự nhiên Mây bị khớp ngang, miệng cứng lại và hai môi run run đến nỗi khó thốt nên lời. Những âm thanh đã dạo lên phần đầu bản nhạc. Mây cố gắng quên hết những gương mặt chung quanh, những cây bút của các giám khảo. Mây quên hết, cố quên hết. Mây tưởng tượng đây là một căn phòng trống. Mây nhớ đến giấc mơ một đêm nào xinh tươi. Tiếng vĩ cầm tha thiết quen thuộc. Mây phải thành công cho bằng được. Bao nhiêu cực nhọc, khó khăn, tinh thần đã để vào để dự bị cho kỳ thi này. Bao nhiêu lo lắng của người bạn quý là Chân. Mây phải hát thật hay, thật hay. Mây nhìn thấy gương mặt của Chân ở phía trước, của Mai, đang cười vỗ tay, và tiếng đàn của Văn dịu dàng. Mây cất tiếng hát. Bài hát tha thiết về một quê hương nghèo khổ. Cái tủi cực của những người đổ mồ hôi mới lấy được bát cơm. Cái tủi cực quen thuộc của tuổi nhỏ Mây nghèo khổ. Tiếng hát hòa với tiếng lòng.

"Làng tôi, không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi. Ruộng khô, có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cày…"

Sau khi hát, Mây ra ngoài đợi đến chiều mới có kết quả. Sau buổi ăn trưa tạm ở ngoài quán bên kia đường, các thí sinh tiếp tục cuộc thi liên miên. Một số người đã bỏ về vì thất vọng. Khoảng 3 giờ chiều, cuộc thi chấm dứt và nửa giờ sau kết quả được công bố.

Chỉ có 20 người được chọn chính thức và mười dự khuyết. Bởi mười người trong tiêu chuẩn lựa chọn không đủ số điểm cần thiết. Đã nói đây là một trường dạy ca nhạc nổi tiếng là khó tính nhất. Mây run run khi nghe xong tên của ba người đầu. Không có nàng trong ba tên đó. Thế là hết hy vọng lãnh học bổng. Nhưng vị trí thứ năm là chỗ đứng của Mây. Mây như run lên vì sung sướng. Người nàng ngợp đi trong sự vui mừng. Nàng định ra về ngay để báo tin cho Chân biết, nhưng một giám khảo đã mời thì sinh trúng tuyển ở lại dự tiệc trà.

Mây biết chắc thế nào cũng gặp ông Tân Phong. Bây giờ thì Mây đủ để nhìn ông, đủ để chứng tỏ là nàng đã thành công, ít ra là một phần mà không cần nhờ vả ai cả. Mây tự hào.

Hai mươi thí sinh trúng tuyển được trình diện ông Tân Phong. Ông đi một vòng và khi đến trước mặt Mây ông kêu lên:

- Ủa, cháu cũng dự thi?...

Rồi ông gật gù:

- Giỏi!

Mây không nói chỉ gật đầu mỉm cười chào ông. Hẳn ông Tân Phong đang thắc mắc ghê lắm. Sau đó, bữa tiệc có bánh ngọt, bánh mặn, nước trà đủ loại. Ông Tân Phong biến đâu mất. Nhưng hình như Mây linh cảm sắp có gì xảy ra đằng sau. Mây đặt ly nước xuống, định quay lưng lại. Nhưng không kịp. Một bàn tay dịu mát bịt mắt Mây, rồi tiếng cười nhỏ quen thuộc. Mây kêu lên:

- Mai!

Cả Mai, cả bà Tuyết Hoa, ông Tân Phong và cả Văn nữa đang đứng sau lưng Mây. Mây chợt ngượng ngùng. Mây nhớ đến việc lén bỏ biệt thự Tuyết Hoa để ra đi.

Văn lên tiếng trước:

- Mây tệ lắm nghe!

Cả Mai cũng ríu rít:

- Tự dưng… mà thôi, đây đông người quá. Bác Phong cho cháu đưa chị Mây sang bên kia.

Ông Tân Phong cười:

- Được chớ, như vậy nói chuyện tiện hơn.

Khi ngồi hẳn ở phòng khách rồi, Mây thấy mình cần phải nói vài lời xin lỗi bà Tuyết Hoa. Nàng nói:

- Thưa bác, cháu xin lỗi bác vì bữa đi bất chợt đó, nhưng cháu có…

Bà Tuyết Hoa gạt ngang:

- Thôi, cháu đừng thắc mắc. Chuyện đã qua rồi. Khi nào bác cũng coi cháu như cháu trong nhà…

Mây ngước nhìn bà Tuyết Hoa hàm ơn. Nàng liếc nhìn Văn. Người thanh niên đó hồn nhiên trước tâm tình của Mây. Tim Mây chợt nhói đau. Phải rồi, Văn đâu có để ý gì đến Mây, chỉ có Mây đèo bòng. Mình như vậy mà đòi được một người như vậy yêu sao được.

- Chị đậu hạng mấy vậy chị Mây? Bữa nay chị làm đâu? Học phí của bác Phong đắt lắm chị ơi.

Mây chợt nhớ đến số tiền học phí phải đóng để học xong một năm. Hàng tháng, Mây phải làm những việc gì để đắp vào số tiền đó. Gương mặt Mây tư lự. Chợt bà Tuyết Hoa nói:

- Hay bác đề nghị là bác chịu cho cháu học phí ở đây. Coi như là học bổng.

Mây bối rối. Đề nghị bất ngờ và hậu hỉ quá. Nhưng khi cơn bối rối đi qua, Mây suy xét hơn thiệt. Có nên nhận ơn của bà Tuyết Hoa không. Mới nghĩ, Mây đã thấy ái ngại. Làm ơn thì dễ, nhưng hàm ơn thì khó trả lắm.

- Sao, cháu nghĩ thế nào?

Mây ngẩng đầu cương quyết:

- Thưa bác cháu đủ sức để trả tiền học. Còn cháu cám ơn bác rất nhiều chớ cháu không dám.

Mặc cho Mai nói, Văn nói, Mây nhất định giữ ý mình. Cuối cùng Văn nói:

- Thôi được rồi, để mẹ nói với bác Phong bớt cho Mây một nửa tiền học. Còn bây giờ, để mừng Mây, mẹ cho tụi con đi ăn đi.

Không tiện từ chối, Mây đành cười trừ, trong khi Mai ầm ĩ vỗ tay. Trông Mai vẫn như vậy chứ chả nhớn tí nào. Mai dắt tay Mây ra cửa. Văn đi một bên. Bà Tuyết Hoa đi ra trước mở cửa xe và mời ông Tân Phong. Ngày hôm nay thật là hạnh phúc. Lòng Mây tươi vui quá, sự vui mừng át hẳn tiếng thầm của trái tim. Mây quên cả Văn. Tâm trí nàng chỉ nghĩ đến tương lai trước mắt. Cuộc gặp gỡ giữa Mây và gia đình bà Tuyết Hoa cũng chìm đi trong nỗi vui đó. Mây muốn reo tung, muốn nhảy múa, muốn la lớn. Trời chiều, nắng vàng la đà khắp phố. Trên chiếc xe hơi êm ái, Mây tưởng tâm hồn mình nhẹ hẫng bay lên cao nâng theo cánh gió.

Nhưng nếu Mây nhìn về phía bên kia đường, trước mặt biệt thự cùng trường dạy ca nhạc Tân Phong, hẳn Mây không thể vui được.

Chân chờ Mây ở bên kia đường và đã trông thấy tất cả mọi sự. Lòng người con trai chất phác hằn lên nỗi chua xót vô biên. Chân nhìn chiếc xe đạp cọc cạch của mình, nhìn bộ quần áo nghèo nàn đang mặc. Rồi Chân nhìn chiếc xe hơi bóng loáng đậu bên kia, nhìn người thanh niên sang trọng cùng gia đình đưa Mây lên xe về phía phố. Họ đi đâu? Mặc dù chưa biết Văn là ai, là gì nhưng bỗng nhiên linh tính báo cho Chân biết người thanh niên kia có liên quan mật thiết với Mây. Lòng ghen tuông tràn ngập. Chân không giấu nổi sự đau đớn trong lòng mình. Mắt Chân rưng rưng. Tình yêu mà Chân gìn giữ, Chân chăm sóc từng chút một đến nỗi Chân không dám nói dù là tiếng thú nhận. Ấy thế mà bây giờ đã bay rời khỏi tầm tay Chân.

Chân đá lăn hòn sỏi dưới chân mình, lòng chua xót nghĩ thầm:

- Giá như mình đừng đưa Mây đến đây thì đâu có chuyện gì xảy ra… Trông Mây vui như vậy chắc Mây đã thi đậu. Rồi Mây sẽ nổi tiếng, sẽ cao sang, còn mình… tầm thường, nghèo khổ.

Với trái tim tan nát, Chân nhấn bàn đạp. Chiếc xe nặng nề đi như con ngựa già chậm chạp.

*

Với những bước chân sáo, Mây vào nhà. Việc đầu tiên là nàng reo lên cái kết quả mà nàng vừa đạt được. Bà Tư đang ngồi khâu áo. Mâm cơm trên bàn tươm tất chờ đợi. Với bà Tư bà không ưa gì cái nghề tập tành ca hát, nhưng nghe nói có học có thi bà cho là chắc cũng quan trọng lắm và hẳn là khác với những người ca xướng khác. Vì vậy khi nghe Mây báo tin đã đậu vào trường Tân Phong, bà Tư cười rơn khen rối rít. Nhưng Mây không vui lắm với lời khen của bà Tư. Mây muốn được nhìn ánh mắt sung sướng vui tươi của Chân khi nghe nàng thi đậu. Mây nhìn quanh ngạc nhiên. Không thấy Chân đâu. Lạ nhỉ, ảnh hứa về sớm mà.

Mây hỏi bà Tư:

- Bác Tư ơi, bữa nay sao anh Chân về trễ vậy. Mọi ngày ảnh về từ hồi nào rồi mà.

Bà Tư lắc đầu ngó mông ra đường:

- Ừa, tao cũng hổng biết nữa, chắc lại theo bạn theo bè chớ gì. Thôi mình ăn cơm đi rồi để phần cho nó.

Mãi đến khuya, Mây mới thấy Chân về. Đèn trong nhà đã thay bằng cái đèn dầu nên Mây không nhìn rõ mặt Chân. Chân vừa bước vào nhà là Mây đã báo tin ngay:

- Mây đậu hạng năm anh Chân à. Nhờ anh hết đó. Mà sao anh về trễ vậy?

Mây tưởng Chân như thường lệ sẽ cười vui và nói một vài câu khôi hài nhẹ nhàng. Nhưng không, Chân không nói tiếng nào hết. Mãi sau Chân mới thốt được mấy tiếng nhát gừng:

- Thế à.

Mây bực lắm nhưng nghĩ chắc Chân có điều gì bực tức với bạn bè nên Mây cố tìm chuyện khác để nói:

- Hồi chiều lúc về đó, Mây gặp lại gia đình bà Tuyết Hoa. Anh nhớ không, chỗ em làm cũ đó…

Thấy Chân có vẻ chú ý tới câu chuyện, Mây phấn khởi kể lể:

- Bà biểu em về nhà bà ấy nhưng em không chịu. Mình làm mình ăn sướng hơn là nhờ vả người ta anh Chân hỉ. Nhưng sau bà cũng giúp em một việc… Tại bả có quen với Tân Phong, giám đốc trường ca hát Tân Phong đó. Mà cũng nhờ anh Văn nữa, nói với ông Tân Phong bớt cho em được một nửa tiền.

Chân nói mát:

- Tử tế quá há!

Vô tình Mây nói thêm:

- Đầu tiên bà Tuyết Hoa định cấp cho em cả học bổng đó.

- Sao cô không nhận phải hơn không?

- Không, em không thích. Ơn nghĩa mất công lắm…

Chân không nói thêm câu nào nữa. Từng câu nói của Mây như những ngọn roi lửa quất mạnh vào tim Chân. Chân đã yêu Mây thực sự, yêu bằng tất cả tâm hồn mình, bằng cả tuổi vừa lớn, bằng cái tuổi chưa biết thế nào là yêu thương. Chân vẫn nghĩ ngày hôm nay là ngày vui nhất của Chân. Cái kết quả của Mây sẽ làm cho Mây thấy rõ sự săn sóc đặc biệt của chàng đối với Mây. Từ đó, Mây thấu hiểu nỗi lòng của Chân. Chân định đêm nay, trong niềm vui và thông cảm đó, chàng sẽ thu hết can đảm để nói cho Mây biết tình yêu sâu đậm của mình. Suốt buổi sáng sau khi đưa Mây đi thi, Chân nghĩ mãi, tưởng tượng mãi đến giây phút tối này, đến sự sung sướng của tâm hồn khi yêu và được yêu. Nhưng hình ảnh ban chiều làm tim Chân rời rã. Chân lờ mờ đoán được nỗi buồn dằng dặc của Mây ngày trước. Thôi, thì Chân đành nín lặng một thời gian nữa.

Mây vẫn không biết gì hết. Nàng chỉ có cảm giác Chân hơi là lạ và đối với nàng, không tự nhiên như ngày xưa. Thỉnh thoảng Chân đem sự giàu sang ra nói với Mây. Và cũng vì vô tình Mây say sưa phác họa cái danh vọng tưởng tượng mà nàng mơ ước, ấp ủ. Mây không ngờ là chính những điều đó càng ngày càng ngăn Chân đến gần Mây.

Trong khi đó, việc học hành của Mây vẫn tiến triển vô cùng. Buổi sáng, Mây dành thì giờ cho việc học ca nhạc. Buổi chiều Mây đi làm việc và buổi tối nàng đi học thêm văn hóa ở các lớp bình dân giáo dục. Mây say sưa trong công việc và học hành. Cái tương lai thênh thang trước mắt làm Mây tin tưởng và phấn khởi. Thêm vào đó, sự tiến bộ vượt bực của Mây đối với các bạn đồng học, cộng với sự khuyến khích khen ngợi chững chạc của ông Tân Phong đã tiêm vào Mây một nguồn năng lực vô cùng. Mây làm việc gấp hai, gấp ba, làm thêm cả chủ nhật để có tiền nộp tiền học. Dù ông Tân Phong đã đặc biệt cấp cho Mây một nửa học bổng, nhưng tháng tháng, Mây vẫn thiếu trước hụt sau. Cuộc sống chật vật và Mây càng ngày càng ốm đi trông thấy. Mắt Mây trũng sâu, sức khỏe yếu kém. Mây lại húng hắng ho, buổi chiều hay lên cơn sốt. Chân nhìn thấy sự sa sút đó đầu tiên. Chàng lo âu nhưng không dám nói chỉ khuyên bảo Mây nên thận trọng với sức khỏe.

Rốt lại, Mây cũng phải vào nhà thương sau một ngày dầm mưa đi làm. Chính Chân đã chở Mây vào. Kết quả của việc khám bệnh làm Mây kinh hoàng. Vì lao lực quá nhiều Mây bị nám phổi. Mây nghe bác sĩ nói mà tưởng chừng như sét đánh ngang tai. Thôi, thế là giã từ tương lai, giã từ những tháng ngày khó nhọc, cố gắng. Mây khóc nức trên giường bệnh. Nguồn năng lực quy tụ giờ đây bay biến. Mây thấy lòng mình cũng đau xót như hôm nào xa xưa trong bữa tiệc mừng Mai lành bệnh.

- Mây à. Nám phổi đâu có gì quan trọng. Chữa một tháng là hết ngay mà. Rán đi. Mây dưỡng bệnh, cố gắng dưỡng bệnh đừng nghĩ gì hết. Còn bốn tháng nữa mới thi ra trường lận mà.

- Mây chán lắm rồi anh Chân à. Mây bị bệnh phổi thì làm sao tiếp tục ca hát được? Nhứt là bỏ học hàng tháng thì thi làm sao đậu?

Chân an ủi:

- Có gì đâu mà Mây phải lo nghĩ, lành bệnh thì học lại mấy hồi. Tương lai của Mây đâu phải chỉ một tháng một ngày. Cái gì cũng vậy hết, nếu mình kiên nhẫn, cố gắng sẽ được. Bộ Mây không thấy nhờ cố gắng mà Mây đã trúng tuyển vô trường Tân Phong hay sao? Trước kia Mây cũng tuyệt vọng.

Những câu nói tương tự được Chân lập đi lập lại vào những giờ thăm nuôi Mây. Sự an ủi khéo léo của Chân và của ông bà Tư làm Mây nguôi ngoai được phần nào. Cơn bệnh nhờ vậy cũng thuyên giảm lần. Mây nghĩ đến gương kiên nhẫn của những vĩ nhân, của những người mù lòa, ở đời sống tăm tối, bất lực mà họ cũng cố gắng làm việc đến thành công. Còn mình, chỉ một trở ngại là mình tuyệt vọng, là thả rơi những mơ ước. Nếu không nhờ những lời an ủi khuyên can của người bạn tốt, của gia đình ông bà Tư quý hóa này thì không biết cuộc đời Mây đi đến đâu. Càng nghĩ Mây càng thấy kính mến Chân vô hạn. Cái hôm rời nhà thương về nhà dưỡng bệnh Mây đã khóc và nói với Chân:

- Thiệt Mây không biết lấy gì để báo đáp công ơn của hai bác với của anh…

Chân trầm ngâm, chàng nhìn ra phía cửa đáp giọng buồn buồn:

- Có gì mà Mây nghĩ tới ơn với nghĩa… Tôi… mến... Mây...

Và Chân không nói thêm gì nữa. Chàng đứng dậy bỏ đi ra ngoài. Trong phút giây đó, Mây bàng hoàng chợt hiểu. Thì ra… Mây nhìn theo bóng Chân mất hút sau cánh cửa. Mắt Mây rưng rưng. Trong lòng Mây một nỗi yêu dấu nào thiết tha len vào nhè nhẹ.
_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IV