Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

VƯỢT ĐÊM DÀI - CHƯƠNG IV


CHƯƠNG IV

Một hôm vào quãng chín giờ sáng, mẹ đi gánh nước, Tâm xách chai đi mua rượu cho cha. Vừa đi, Tâm vừa lẩm bẩm :

- Tại sao chữ rượu lại có ơ kìa ? Sao không viết là rựu được ? Lạ quá chớ, viết sao thì cũng đọc là rượu được hết mà. Chậc ! Mai anh Tú qua phải hỏi lại coi.

Nghĩ đến anh Tú, Tâm thấy vui vẻ trong lòng, vui cho đến nỗi nó quên phắc nỗi tức tối vừa bị cha rầy oan lúc nãy, chỉ còn chút ngạc nhiên : tại sao cha nó lại tỏ vẻ quý con gà đến thế ? Thật chẳng còn hiểu ra làm sao nữa, người lớn đến là khó chịu, nhất là thứ người lớn như cha nó : ông thay đổi ý kiến liền liền không biết thế nào mà lường, mà đoán ý, chìu lòng.

Thì cũng là con gà đó, mà hôm kia trông thấy nó chui dưới gậm giường, Tâm chưa kịp đuổi ra ông đã chửi Tâm váng lên, nào là để nó bươi phá, ỉa bậy, nào là nó kêu chíp chíp điếc tai ông. Vậy mà hôm nay trông thấy nó đủng đỉnh ngay chỗ chạn bát, Tâm cầm cái chổi, dợm đuổi ra thì lại bị cha trừng mắt một cái, mắng :

- Kệ xác nó, nó đứng đó can phạm gì con mẹ mày mà mày đuổi nó ?

Tâm ngơ ngác buông chổi, cha Tâm lại hét :

- Mày đứng làm gì như trời trồng đó ? Đi mua rượu cho tao, coi ?

Tâm vội vàng tìm chai trong lúc ông mò lại thùng gạo, hốt một nắm vãi ra mặt đất, miệng túc túcmột cách thân mật y như là lúc ở quê ông vãi lúa trước sân cho gà ăn vậy. Tâm thích chí, đứng nhìn sửng. Đó là một chú gà giò trắng, lốm đốm nâu, loại gà có cái tên hay ho là gà nổ (hồi trước Tâm có một con gà mái và một đàn con như vậy).

Ban đầu còn rụt rè, sau trông dáng bộ thân thiện của cha Tâm, chú gà nghếch mỏ lên, liêng liếc cha Tâm, mắt chơm chớp liền mấy cái, kêu lên cót cót ra dáng chào hỏi chủ nhân rồi cúi xuống mổ lia lịa những hạt gạo vung vãi dưới nền nhà. Gạo trắng và trơn, thỉnh thoảng chú gà giò ta mổ chệch đi làm vài hạt văng tuốt vào khe cửa. Tâm quên cả mua rượu cho cha. Gà ai vậy kìa ? Ước gì mình có một con như vậy nuôi chơi. Tâm nuốt ực nước bọt nghĩ thầm. Ước gì…

Cha Tâm nhìn chăm chăm con gà không chớp mắt. Ông tặc lưỡi và cũng nuốt ực nước bọt một cái làm cho cục bi trước cổ ông cũng trôi tuột xuống… rồi lại bò lên như cũ, mà lại muốn to hơn là khác. Chắc ông đang thèm rượu ? Tâm bật cười lên làm ông giật mình, quay lại, giục :

- Thằng quỉ sống ! Đứng làm chi đó ? Sao không…

Ông chưa dứt lời, thằng bé đã vụt chạy băng ra cửa. Khi nó xách chai rượu về thì em nó vẫn còn ngủ say và một cảnh tượng làm nó chùn chân lại : con gà giò kêu lên cót cót một cách nghèn nghẹn, cố vùng vẫy để thoát khỏi nhưng vô ích. Cha Tâm một tay và một chân kìm chặt con gà dưới đất, tay kia nắm ngang cổ con vật mà vặn chéo ba, bốn vòng liên tiếp. Tâm hoa mắt lên khi thấy những giọt máu chảy ròng ròng xuống nền nhà, dính nhoè nhoẹt trên tay cha.

- Đứng làm chi đó ? Thằng ngu ? Vô nhóm lửa lên cho tao. Mau !

Chợt, cha nó ngẩng lên, không nhìn thẳng vào mặt con, rít răng ra lệnh.

Tâm riu ríu đem chai rượu cất và đi xin lửa về nhóm bếp cho cha. Một nỗi sợ hãi, một chút bất bình, khinh bỉ chen lẫn một sự giận dữ loé lên trong lòng thằng bé và cứ lớn dần như ngọn lửa mà nó vừa mới nhóm lên. Tâm không thể phân tách được tại sao mình lại ghét, giận, khinh cha, nó chỉ mang máng cảm thấy rằng cha nó đã làm một điều xấu xa, nhơ nhuốc, một tội lỗi mà trước nay cả gia đình nó chưa ai nhúng tay vào.

Trong lúc đầu óc quay cuồng, bối rối như thế, Tâm vẫn còn sáng suốt, tỉnh táo để mừng một điều này : sáng nay anh Tú không qua dạy nó. Hú vía. Thường thường, anh dạy Tâm trong lúc dạy lũ con bà Ngọc. Anh nói cho Tâm biết rằng anh ra bài, ra toán cho tụi nó xong thì sang dạy Tâm, một chút lại trở về, chấm toán, chấm bài. Bà Ngọc tốt bụng không nói gì – chính bà cho phép anh – nhưng gặp ngày ông chồng ở nhà thì… hơi khó. Ông đâu có thuê gia sư để ăn bớt giờ của con ông mà đi dạy người khác ? Bà Ngọc can thiệp, viện cớ rằng Tú chỉ dạy giúp không lấy tiền. Bà ngỡ là nói thế ông dịu bớt, ai ngờ ông càng cáu thêm :

- Chà ! Tôi không ngờ cậu hào hiệp tới mức đó ! Nhưng mà, cậu làm vậy là sái lắm cậu biết không? Nguyên tắc của tôi là…

Tú ngồi lặng, nghẹn thở vì uất. Bà Ngọc đỡ lời :

- Thôi ! Đủ rồi ! Tôi xin ông. Lúc nào ông cũng nguyên tắc với kỷ luật ! Đối xử cũng nên dễ dãi, có một chút độ lượng, cảm tình…

- À ! Bà lại phải dạy tôi à ? Tôi không cần ai dạy tôi đâu. Tôi không muốn ai qua mặt tôi mà không bóp kèn như vậy, hiểu không ? Tôi không muốn…

Tâm biết được rành rọt như vậy là do Tú. Bữa đó Tú có vẻ không vui, khác với ngày thường. Anh không xoa đầu Tâm, không trò chuyện gì hết. Khi đứng lên, anh nói với Tâm, giọng buồn buồn :

- Cố học nghe không ? Biết chừng… anh thôi dạy nhà bà Ngọc…

Tâm tưởng như đất vừa sụt dưới chân mình, như trời vừa tối sầm lại, nó lạc giọng hỏi :

- Anh đi đâu ?

Giọng Tú bùi ngùi :

- Anh chưa biết đi đâu, anh cũng chẳng tiếc gì, nhưng anh còn do dự là vì em. Phải chi em biết khá một chút, anh đi yên tâm hơn.

Tâm vụt oà khóc. Tú ái ngại, cắn môi suy nghĩ một giây rồi nói :

- Không sao, không sao, bề gì cũng đợi tới cuối tháng. Anh chưa đi đâu, Tâm !

Nói xong, anh cúi đầu đi ra. Dáng bộ anh dầu dầu, khổ sở như cái đêm anh nói : “Trời ! Cầu tiêu cũng là xa xí phẩm sao trời” hết sức. Tâm xót xa quá ! Tâm muốn chịu đựng nỗi khổ tâm thay anh Tú quá. Khi người ta thương yêu ai, người ta muốn chịu thay nỗi khổ sở cho kẻ ấy. Tâm cũng vậy. Nhưng Tâm không biết làm sao chịu thay được. Lại còn mối lo canh cánh : Tú đi ! Anh Tú đi thì sống làm sao nổi hả trời ! Thà cha cứ đánh, mẹ cứ mắng, cứ phải đi đổ rác… miễn có anh Tú bên cạnh… gì Tâm cũng chịu được miễn là có anh Tú bên cạnh…

Vậy mà rồi, Tú không đi. Tuyệt chưa ! Sau hôm đó, anh lại vui vẻ như cũ. Anh kể lại câu chuyện cho Tâm nghe tại sao anh ở lại và thêm :

- Thôi, ông ấy thế nhưng bà thì tốt. Bà bảo anh cứ qua dạy em, chỉ cần để ý ngày nào ông ở nhà thì đừng qua, vậy là yên. Anh cũng gần đến ngày thi, đi đâu phiền ra.

Coi lớn vậy chớ anh Tú vẫn trẻ con ghê : anh giả giọng ồm ồm của ông chủ, giả điệu bộ hách dịch của ông chủ, khuỳnh tay lại, ưỡn ngực lên, cao giọng lặp lại lời ông rồi hai anh em cười lăn ra, cười tuôn cả nước mắt, nước mũi. Đó là những phút Tâm vui sướng nhất, tuy là rất hiếm hoi.

Sau vụ bị ông chủ làm khó, Tú dẹp phắc câu chuyện Tâm sang học chung với con ông bà lại một bên, không bao giờ đá động tới nữa. Trước, anh thường bảo Tâm nên qua bên ấy trong giờ lũ con ông học mà học chung cho tiện, nhất là học toán. Toán, theo anh cũng cần thiết. Tâm gân cổ cãi “Em không thèm học toán”. Nhưng giờ thì chuyện đó không được nhắc tới nữa. Tâm mừng lắm. Trong đầu óc thằng bé, toán là môn vô ích. Ai có nhiều tiền mới phải học toán, đặng dễ tính tiền. Còn nó học làm gì ? Mẹ đưa cho 10$ thì mua 5$ tương, 3$ rau, 2$ cà là hết nhẵn, tính toán làm chi ?

Mãi nghiền ngẫm chuyện anh Tú còn ở lại, triền miên trong niềm vui đó, nhất là sáng nay anh không qua dạy (chắc có ông chủ ở nhà ?) Tâm cầm quai ấm nước sôi chế hoài một chỗ trên mình con gà làm cha nó rầy :

- Thằng ngu kia ! Mày định luộc chín hả ? Xối sơ sơ, trụng cho dễ nhổ lông thôi chớ. Lát nữa mà tróc da nó thì tao lột da mày luôn, nghe chưa ? Nói cho biết.

Quả nhiên : đến lúc cha nó vặt lông gà, chỗ Tâm xối nước nhiều tróc tuốt cả lớp da bày thịt trắng ngần, ông có vẻ xót xa lắm, nhưng không chửi to như mọi bận, giọng nhỏ, thấp, đay nghiến :

Nhứt bì, nhì cốt mà mày hại tao. Mày hại cha mày ! Thằng kia ! Mày hại cha mày ! Tao ưng lột da mày quá !

Giọng ông sặc nồng mùi rượu, tay run run, mắt ngầu đỏ. Ông khó nhọc với con gà khá lâu. Tâm lầm bầm một mình : “May quá, anh Tú mà thấy… “ Tâm không dám nghĩ tiếp nữa, xấu hổ quá đi thôi !

Thình lình, Tâm cảm thấy như có ai vừa bước vô nhà, nó hốt hoảng, đâu có lý là anh Tú ? Trời ơi ! Chết mất… nhưng nó chưa kịp quay lại thì một giọng khàn khàn, giọng của bà Tư bán quán cất lên :

- Nè, cha thằng Tâm ! Trưa nay mẹ nó về biểu đem tiền qua trả cho tao, nghe không ? Uống hoài, uống như hũ chìm…

Tâm nóng ran mặt, nhìn cha cầu cứu nhưng cha nó vẫn cặm cụi với con gà, không để ý đến sự có mặt của bà Tư. Vừa lúc đó bà Tư thấy việc làm của cha Tâm. Bà gằn giọng :

- Chà, sang thiệt ! Ăn gà nữa chớ ! Vậy mà kêu không tiền. Không tiền mà ăn thịt gà ! Nội nhựt trưa nay mà không trả tiền cho tao thì liệu. Hừ ! Ăn thịt gà ! Ông Hoàng dữ !

Nói xong bà Tư hậm hực đi ra. Tâm đứng lặng vì kinh hãi, cha nó vẫn loay hoay với con gà, miệng không ngớt lặp đi lặp lại : “Nhứt bì, nhì cốt”.

*

Câu chuyện ghê gớm rồi cũng qua đi. Cha Tâm nằm liệt. “Nhậu, nhậu cho sướng miệng rồi hành hạ vợ con” Bà Tư mỉa mai mỗi lần thấy mẹ Tâm tất tả, chạy lui, chạy tới. Phải ! Mẹ Tâm câm như cá ! Bà chỉ há miệng để thở dốc khi nào quá mệt. Tuyệt nhiên bà không nói một lời trách móc, phàn nàn.

Còn Tâm : nó oán giận cùng cực, oán hận cho tới nỗi, nếu có ai rủ nó một tiếng là nó đi ngay tức khắc, không do dự. Được ! Nó đi ngay, đâu cũng được, làm gì cũng được, nó ngán quá rồi, tởm quá rồi, không muốn ở trong cái nhà tệ hại cực khổ mọi bề, nhất là phải chịu đựng một ông cha như cha nó.

Có lẽ suốt đời nó, nó không bao giờ quên được câu chuyện khủng khiếp mà nó phải trải qua. Không ! Đâu phải là cơn ác mộng ? Giá là cơn ác mộng thì kể làm gì ? Đó là sự thật, một sự thật rành rành, dù nó cố ru mình bằng cái ý nghĩ ấy để đỡ nhục nhã, đau đớn. Trời ơi ! Cha ơi ! Mẹ ơi ! Em ơi ! Anh Tú ơi ! Không ! Tâm không muốn nhìn mặt ai nữa. Nó muốn đi xa, xa tít và quên phắc câu chuyện đó đi. Vậy mà nó không đi đâu được, khổ một nỗi nữa là lúc nào những cái nhìn xoi bói cũng như không buông tha nó, như dán theo sau lưng nó làm nhột nhạt cả người. Mà nào nó có nhúng tay vào tội đó cho cam.

Bất cứ lúc nào, ngồi, đứng đâu, làm gì, Tâm cũng mường tượng lại câu chuyện xảy ra buổi sáng đó, từ lúc cha nó luộc xong con gà và sai nó giã cho ông một cối muối ớt. Tâm lặng lẽ làm theo lời cha, vừa khinh, vừa giận, lại vừa thèm (con gà bốc mùi thơm lừng lựng). Cha Tâm vớt con gà ra dĩa rồi ra lệnh :

- Gói kỹ mớ lông gà lại, đem bỏ vô thùng rác, nghe không ?

Tâm dạ nhỏ, lúi húi lục dưới gầm giường, tìm giấy. Sục sạo mãi vẫn không tìm ra mẩu giấy nào. Thằng bé lúng túng, lấm lét đưa mắt lại phía cha trong lúc ông lườm nó một cái, hét dựng :

- Làm cái gì lâu lắc vậy ?

- Dạ, dạ không có giấy.

- Không có giấy ? Hừ ! Không có giấy, vậy chớ giấy gì kia ?

Ông chỉ tay vào cuốn vần của con, hỏi gặng. Nó cuống quít :

- Dạ không, đó là cuốn vần của con mà. Để con học chớ.

Cha nó lại liếc ra ngoài một cái, hầm hầm nét mặt :

- Học ! Học cái mả mẹ mày ! Giấy để đắp mặt mẹ mày mà tao biểu cũng phải đưa ra nữa là thứ vần vẹo, học hành. Khéo bày đặt…

Đột nhiên, ông đổi giọng, nóng nảy, nôn nả như có ai quạt lửa giận vào mình, ông chỉ tay về phía con gà đang bốc khói :

- Mày có muốn tao vặn cổ mày như vặn cổ  vậy không ? Ranh con ?

Vặn cổ mày như nó ? Dễ sợ không ? Tâm toát mồ hôi nhớ lại cảnh tượng vừa qua : đầu con gà bị chúc ngược đung đưa dưới tay cha nó, máu từ mỏ tuôn giọt giọt xuống nền nhà. Thằng bé rụng rời, lính quính làm ông càng cáu kỉnh thêm :

- Mày có làm liền không, hay là đợi tao xán cái cối lên đầu mày , hả ?

Người cha chồm tới, tay lăm lẵm cối muối ớt như thể sắp sửa xán lên đầu con thật. Tâm nuốt ực nước mắt cùng với nỗi uất ức dâng lên nghẹn cổ, run rẩy vớ cuốn vần 
– cuốn vần mà nó yêu quí, thiết tha như một người thân – xé toạc ra. Nó chợt có cảm giác đau đớn như ai xé da nó vậy. Tâm đau nhói, đau lặng người đi ! Giã từ ! Giã từ hết ! Những người bạn câm thân yêu của nó ! Những người mà từ lúc chưa biết tên nó đã quen nhẵn mặt, những người thường vẫn – như một phép mầu – từ trong trang giấy nhảy ra, lớn phổng lên trong những đêm trăng sáng, nắm tay nó, vây quanh nó ca hát vang lừng ! Tâm mím môi lại, nước mắt ròng ròng, cố hết sức vẫn không tóm gọn được mớ lông, phân, ruột của con gà giò trong giấy.

Như có một tiếng nói đâu đó vang lên trong tai nó. Thôi tiếc làm chi ? Mình đã biết hết rồi mà. Và Tâm cãi lại : “Thì thuộc hết, biết hết mà thương tụi nó lắm, bỏ đi, xé đi sao được ?” Nhất là bỏ đi một cách đành đoạn, tàn nhẫn, độc ác thế kia ? Chắc từ nay chẳng bao giờ tụi nó thèm trở về thăm mình, chơi với mình như trước nữa. Tâm sẽ cô đơn, thui thủi một mình, không ai là bạn hết. Một mình sao được, còn anh Tú chi ? Ờ ! Ờ ! Còn anh Tú ! Tâm vụt thấy bình tĩnh, yên ổn trong lòng khi nhớ rằng mình còn có anh Tú.

Sau cùng, Tâm cũng gói xong cái phần bỏ đi của con vật. Nó cầm trong tay, lúng ta lúng túng không biết tính sao, dù tai nó vẫn văng vẳng giọng cục cằn của cha : “Bỏ vô thùng rác”. Thùng rác nào ? Nhà nó làm gì sắm nổi thùng rác ? Thằng bé bất giác muốn cười quá sức mà cố nín, tuy thật tình thì nó không vui vẻ chút nào. Vui gì mà cười kia chứ ? Nhưng chuyện thật đáng cười : mẹ con nó quanh năm suốt tháng đều nhìn thấy, sờ mó đến tùng rác, nhiều không đếm xuể, vậy mà chính nhà mình lại không có cái thùng rác, làm cho nó phải bối rối trong công việc cha sai !

Bỏ đâu đây ? Tâm dợm hỏi cha, thì ông đã lại trừng mắt, quát :

- Đi ! Còn đứng chi như trời trồng đó ? Hả ? Tao xán cho…

Tâm vụt chạy ra cửa để tránh cơn giận vô lý của cha. Tuy thường ông chỉ doạ, nhưng trong cơn say, làm sao biết được ?

Tay khư khư cái gói của nợ, Tâm lo lắng nhìn quanh coi có thùng rác nhà ai thuận tiện. Bỏ vô thùng rác người ta như vậy không tốt gì, nhưng còn khá hơn là vứt bừa ra giữa đường. Với lại, đây là thứ rác đặc biệt, phải kín đáo kẻo người ta phát giác ra thì… mệt lắm. Tâm nghĩ chẳng chỗ nào kín đáo hơn thùng rác, vì kẻ phát giác chỉ có mẹ con nó mà thôi. Thật là chỗ an toàn ! Trước khi vứt tọt gói giấy vô thùng, nó còn cẩn thận nhìn quanh một loạt, để biết chắc chắn không ai theo dõi hành động lén lút của mình. Xong việc, Tâm thở phào nhẹ nhõm, xoa tay khoan khoái trở về. Bỗng một thoáng áy náy dậy lên : Tâm hối sao không bươi rác lên, chôn nó xuống dưới, phải kín đáo hơn không ? Song Tâm không dám quay lại, đi luôn một mạch về nhà. Chợt, Tâm nghe có tiếng chân ai đi lại gần mình, tiếng chân càng gần, Tâm càng hãi, tim nó đổ dồn, như sắp nhảy vọt ra khỏi lồng ngực. Chân quíu lại, nó tưởng như mình sắp bị bắt quả tang, nó sắp ngã khuỵu xuống, song bước chân xa dần làm nó tỉnh lại. Không ! Chẳng ai đuổi theo nó cả, mấy người xóm trong đi chợ về.

Tâm nhớ hôm qua, cũng ngang chỗ này, nó gặp anh Tú. Trông dáng anh không vui. Anh nói :

- Chắc mai anh bận không qua dạy em được.

- Anh bận gì ?

- Thôi, đi về đi kẻo nắng. Hỏi làm chi ?

Nom anh lơ là, không vồn vã thân mật như thường lệ, chẳng xoa đầu Tâm mà cũng không cười. Chắc anh có điều lo nghĩ ? Hay ông chủ làm khó ? Hay anh sắp đi ? Tâm lạnh toát mỗi lần nghĩ đến chuyện Tú đi ! Tâm thất thểu bước, tai ù lại.

Trên chiếc giường ọp ẹp, rung rinh như con thuyền trên sóng vừa làm bàn ăn, vừa làm chỗ ngủ và cũng là chỗ tiếp khách đó (nói cho ra vẻ một tí chớ nhà Tâm thì cũng chẳng có ai là khách, trừ mấy người đòi nợ) cha Tâm đang thưởng thức món gà luộc ngon lành. Thoạt tiên trông thấy con trai, lão hất hàm ra hiệu cho nó đưa mình chai rượu rồi lại tiếp tục ăn, không nói năng gì. Em bé ngồi cạnh cha, chăm chú nhai cái mề gà nghe sào sạo. Tâm cảm thấy gan ruột cồn cào dữ tợn. Nó quay đi, nuốt ực nước dãi đang chực ứa ra. Chao ơi ! Đói và thèm !

Một lát, cha nó ngừng ăn, tặc lưỡi nghe đánh “tróc” một cái, tợp ngụm rượu, hít hà như tuồng cay lắm rồi hất hàm, hỏi :

- Mày ăn không ? Ăn đi !

Lạ kỳ : mới trước đây một giây, Tâm ấm ức vì cha ngồi ăn mà như không thấy nó, không gọi nó cùng ăn, vậy mà giờ đây cha nó mời nó thì nó lại không muốn ăn nữa, dù thật ra nó vừa đói, vừa thèm. Nó lờ đi, làm như không nghe lời cha, sấp lưng quay xuống bếp. Thái độ đó làm cha nó tức giận, ông quát to :

- Thằng quỉ sống ! Mày có ăn không ? Mày câm hử ?

- Dạ, cha ăn đi, con mắc nấu cơm !

- Để cơm đó, lên tao biểu, mau coi !

Tâm ngừng tay vo gạo, chạy lên. Coi bộ cha nó giận dữ hơn bao giờ hết. Rượu đốt nóng từ đường gân, mạch máu ông ta, đôi mắt long sòng sọc, tròng trắng như muốn nhảy bung ra ngoài nếu không có những đường gân đo đỏ chằng chịt bao quanh, giữ lại. Ông ta thở mạnh, hai cánh mũi phập phồng, răng nghiến kèn kẹt, mặt hầm hầm, giọng khản đặc :

- Mày chê phải không ? Hả ? Chê hả ? Nói đi ! Nói đi coi !

Tâm se sẽ đáp :

- Dạ, con không chê… mà con không ăn.

- À, nói láo ! Bây lớn mà biết láo khoét. Thứ đồ đổ rác mà liêm sỉ dữ chớ, rặc con mẹ mày. Đồ nòi con bất hiếu. Bây lớn mà đã…

Ông ngừng nói, giơ tay toan tát Tâm, song nghĩ sao lại thôi, chỉ gằn giọng tiếp :

- Thôi ! Đi đi ! Đi khuất mắt tao, theo mẹ mày đi, đứng đó ngứa mắt tao, tao phang một cái chết cha mày đó !

Tâm cút liền xuống bếp. Nó giận cha hết sức nhưng cũng mừng vừa khỏi chịu trận lôi đình vô cớ. Vừa nấu cơm, Tâm vừa nghĩ đến mấy câu cách ngôn đã tập viết hôm nọ : “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”. À, anh Tú đã giảng giải rõ ràng rồi, Tâm hiểu lắm : người phi nghĩa thì không giao thiệp, của phi nghĩa thì không cất giữ. Nhưng còn nếu cha mình phi nghĩa thì làm sao? Không giao thiệp với ông hả ? Ông đánh cho mềm xương đi chớ nói chuyện giao với bất giao ! Sách vở coi vậy mà cũng tồi, nhiều chỗ thiếu sót lắm. Anh Tú đã lấy sách của con bà Ngọc cho Tâm mượn nhiều lần rồi, đọc nhiều rồi, không có cuốn nào bày cách cư xử với một ông cha… ăn trộm, ăn cắp cả 
– nghĩa là ông cha phi nghĩa chớ gì nữa ? – Hay là… không ! Tâm không thể hỏi anh Tú chuyện này được, dù rằng Tâm coi anh Tú gần như mẹ mình vậy. Tâm phải ngậm đắng nuốt cay một mình thôi. Tâm muốn khóc quá ! Khóc được chắc nhẹ bớt, vơi bớt khổ sở, nhất là khóc mà có anh Tú dỗ dành… Anh Tú ơi ! Em khổ lắm, em sắp khóc đây… anh có thương em không ? Hả anh ? Anh có biết không…

*

- Bà con đừng nghĩ quấy cho tôi, nghèo thì nghèo, nhà tôi xưa nay không có làm chuyện bậy bạ như vậy. Chuyện đâu còn có đó…

Giọng mẹ Tâm lanh lảnh trước nhà. Tâm lặng người, quên cả chuyện muốn khóc, quên cả kêu thầm anh Tú. Nó buông đôi đũa bếp chạy vút ra.

Trước nhà nó đông đủ cả lân bang hàng xóm : con Cúc này, bà Tư bán quán này, chị bếp bên bà Ngọc này, thằng Vĩnh, con trai bà Ngọc này và… trời ơi ! Tâm suýt ngất đi : có cả bà Ngọc nữa. Tuy nhiên, Tâm còn đủ bình tĩnh để sung sướng về điều này : không có anh Tú !

Thôi ! Thế là hết, ai cũng biết tỏng ra rồi. Lạy trời ! Miễn anh Tú đừng biết, đừng nghi cho Tâm, Tâm chỉ còn mong có thế.

Vừa thấy mặt con, mẹ nó hầm hầm :

- Tâm ! Lại đây !

Tâm toan chạy nhưng nó ríu cả hai chân. Mẹ nó chỉ cần vói tới một chút là chộp được con. Mẹ nó điểm một ngón tay lên trán nó, gằn từng tiếng :

- Tâm, mày có bắt trộm con gà của cậu Vĩnh không ? Phải nói cho ngay, cho thiệt…

Tâm không trả lời được, lưỡi nó như có keo dán chặt. Mặt nó tái xanh. Bà Tư cười khẩy :

- Tra hỏi làm cóc gì. Chính mắt tôi thấy mà… rõ ràng mà…

- Bà thấy cái gì ?

Mẹ Tâm sừng sộ, bà Tư cũng không kém :

- Thấy cái gì thì nhà chị hẳn về hỏi chồng con chị, cần gì hỏi con già này. Thứ quân lưu manh, vừa đánh trống, vừa ăn cướp.

Bà nhổ toẹt xuống đất ra tuồng khinh bỉ, không thèm đôi co nữa, ngoặc ra sau, về nhà. Mẹ Tâm run bần bật. Thế này là nghĩa lý gì ? Tâm đã làm chuyện bỉ ổi đó thật sao ? Và nếu nó đã làm thì nó phải chịu, chớ bà không chịu nhục nhã như vậy được, bà phải tỏ ra không đồng lõa hay là dung túng đâu. Ừ, nghèo, đi đồ rác ! Mà không có ăn cắp, không bao giờ. Người mẹ xoắn lấy áo con, phát vào mông, đấm đá túi bụi vào đầu, vào mình thằng bé. Tâm oằn cong người lại như con tôm luộc, đỡ đòn. Nó kêu lên từng chặp : “Mẹ ơi ! Mẹ ơi !” Nó khóc không ra tiếng.

Con Cúc ban đầu có vẻ thích thú lắm, nhưng sau Cúc ta cũng hãi, cung cúc chạy bay về nhà. Chị bếp nói bâng quơ, vô thưởng vô phạt : “chuyện gì đâu”. Vĩnh mím môi lại, mặt lạnh ngắt, chẳng ai hiểu thằng bé nghĩ gì : hả hê hay là thương xót ?

Chỉ mình bà Ngọc sững sờ rồi cuống quít vì câu chuyện (Phải ! Ban đầu bà không tin lời con, thằng Vĩnh chúa là hay kết tội kẻ khác, chị bếp cũng vậy). Vả lại, bà vẫn nghe Tú kể về Tâm, bà không tin rằng nó ăn cắp con gà của con bà. Con Cúc thì ưa chõ vào chuyện người khác. Cúc mách với chị bếp rằng chính mắt nó thấy Tâm đem vứt gói lông gà trong thùng rác nhà chị. Chị bếp hỏi làm sao nó thấy thì nó hơi lúng túng một chút rồi đáp gọn :

- Tại em thấy con chó húc ngã thùng rác, lôi cái gói ra, em lại coi thử.

- Như vậy mày đâu có thấy, nói láo !

- Chắc mà, em không thấy cũng như thấy, vì khi em lại gần thì thấy tờ giấy gói là của thằng Tâm. Thiệt mà. Cuốn vần của nó. Nó hay khoe cuốn vần với em lắm.

(Thật ra thế này : Cúc ưa lục trong thùng rác bà Ngọc, tìm đồ chơi trong đó, khi thì cái hộp không, cái lọ không, khi thì miếng hàng vụn hay cuộn chỉ nên bắt gặp. Đáng lẽ nói thế, song xấu hổ chết, phải giữ danh giá chớ ? Vả lại, nó vốn ghét sẵn thằng Tâm : thứ con nhà đổ rác dơ dáy mà cũng học hành, mà lại học giỏi hơn nó nữa, chịu sao được ? Lại còn làm bộ ký tên lên cuốn vần y như cô giáo. Phải cho nó biết thân mới được).

Vậy là đủ, chị bếp tin cho Vĩnh hay liền, chị hãnh diện về tài điều tra của mình. Còn Vĩnh, nó hả hê lắm khi biết chuyện này. Con gà ấy ư ? Nghĩa lý gì, nó không tiếc chi, nó sẽ có tiền mua một con khác, nhưng nó thích có dịp bày tỏ cho mọi người (nên hiểu ngầm mọi người đây chỉ là mẹ nó và ông gia sư của nó) biết rằng người ta vẫn bênh chầm chập thằng Tâm bấy lâu nay là một sự lầm lỗi lớn. Ha ! Từ nay mẹ sẽ không có dịp đem thằng Tâm ra làm gương cho Vĩnh soi nữa. Anh Tú chả dám bênh Tâm nữa. Mẹ Vĩnh thường nói thế này chứ :

- Con nhác học lắm. Con không biết xấu hổ ư ? Trông thằng Tâm kia, nó thèm học bao nhiêu…

Còn anh Tú :

- Vĩnh ! Em phải chăm chăm lên một tị, thằng Tâm nó học sau em đấy mà nó tấn tới lắm kia. Nó mà được như em thì phải biết…

Khi câu chuyện đến tai bà Ngọc, bà mắng át con đi :

- Vĩnh, mẹ không muốn con học thói ngồi lê đôi mách của chị bếp. Đừng có thói “có bụng nào quào bụng ấy”. Thôi, mất thì mẹ cho tiền mua gà khác, đừng bới chuyện.

Vĩnh ức quá, chị bếp cũng ức quá. Chị mà lầm à ? Không đâu, chị nói hai là hai, một là một, trúng phong phóc ấy chứ. Chị phải làm cho ra lẽ mới được. Chị vừa lầm bầm trong bếp một mình vừa sực nhớ lúc nãy đi chợ quên mua tỏi, chị gọi quáng quàng lên :

- Vĩnh ơi ! Em cho chị nhờ một tí tẹo đi !

Vĩnh vẫn cho chị bếp nhờ một tí tẹo luôn đấy, nhưng hôm nay Vĩnh đang cáu, Vĩnh gắt :

- Tôi không phải là đày tớ chị, đừng có sai tôi.

Vậy là chị bếp đành phải tự nhờ mình vậy. Chị chạy bay ra quán bà Tư. Gặp mặt nhau, đôi bên vẫn trò chuyện vớ vẩn. Nhưng hôm nay, mỗi bên đều mang nặng nỗi lòng, nên không chuyện trò chi. Chợt, trong lúc thối tiền, bà Tư nhìn thấy nét mặt cau có của chị bếp, liền hỏi nguyên do. Chị bếp kể lại và thêm :

- Đó, vậy mà bà chủ bả nói với con bả là đừng có học thói ngồi lê đôi mách của tôi…

Bà Tư nhổm lên như cái lò so :

- Đúng quá rồi, đúng quá rồi, ngồi lê cái gì…

Câu chuyện tức thì bung ra, cả hai đều hướng mắt về nhà mẹ Tâm, đe :

- Phải làm cho ra lẽ. Người lương thiện không ở chung với quân gian giảo được.

Về đến nhà chị hô hoán lên. Thế là con Cúc, bà Tư, chị bếp, Vĩnh kéo nhau qua nhà mẹ Tâm. Bà Ngọc không kịp ngăn cản chi cả. Thế rồi bà đành theo họ, cốt để can thiệp cho thằng bé, bà không tin…

Vậy mà, bà chẳng can thiệp gì được. Mọi người tranh nhau nói và mẹ thằng Tâm thì thẳng tay đánh con. Đó là cách duy nhất để minh oan của người mẹ. Rồi bà Ngọc sực tỉnh, bà xông đến dằng co với mẹ Tâm, kéo thằng bé ra khỏi tay mẹ nó.

Bà không muốn biết sự thật. Trước mắt bà là đứa bé ốm đói, gầy còm, nhỏ hơn tuổi thật đang quằn quại dưới tay mẹ nó. Bà là mẹ, bà biết tâm trạng người mẹ lắm, chị ta cũng đau không khác gì con. Hai tay che lấy mặt, mẹ Tâm oà khóc, chừng như không dám nhìn ai. Và người mẹ bỏ đi vào nhà. Ông chồng lặng lẽ ngồi như pho tượng, đầu gục vào gối, hai tay khoanh lại.

Bà Ngọc dịu dàng ôm Tâm vào lòng, vuốt tóc Tâm, giọng bà âu yếm, xót xa :

- Khổ thân thằng bé !

Tâm đã định không thèm nói gì, nói với ai hết, nhưng cử chỉ và lời nói dịu dàng đó như có sức mạnh phi thường làm nó cảm thấy bớt đau đớn và nhục nhã phần nào.

Nó nói phụt ra :

- Dạ, không phải con… cha con… cha con…

Bà Ngọc lặng đi một giây, bà ngập ngừng hỏi nhỏ :

- Vậy là… có, hử Tâm ?

Tâm vụt hối hận, nó chữa lại :

- Dạ, tại cha con say nên ổng… cha con hồi giờ không…

Bà Ngọc bùi ngùi :

- Con ngoan lắm, con tốt lắm ! Thôi nín đi ! Vô nhà rửa mặt đi, Tâm ! Nói với mẹ lát nữa qua nhà tôi, tôi nói chuyện chút nghe không ?

- Dạ !

Dạ, nhưng nó không nhúc nhích, cứ đứng nguyên. Bà ái ngại dỗ dành :

- Không sao đâu. Để ta nói giúp cho con…

Tâm ngần ngừ một chút, lấy tay áo quẹt nước mắt nhưng nước mắt cứ chảy, chảy không ngừng:

- Dạ, không phải… con không sợ bị đánh nữa mà con sợ… sợ…

- Con sợ gì ? (bà Ngọc sốt sắng) cứ nói đi, có ta đây, ta…

- Dạ, thưa bà (Tâm nói mau) con sợ anh Tú biết, xin bà đừng cho anh Tú hay…

Nói xong, Tâm thấy nhẹ cả người. Nó ngước cái mặt còn ướt đẫm lên, nhìn thẳng vào bà Ngọc, chờ đợi câu trả lời. “Được rồi ! Ta không cho cậu ấy biết đâu. Ta sẽ cấm cả chị bếp, thằng Vĩnh nữa, con đừng lo, ta sẽ giúp con”. Phải ! Bà tốt bụng, bà tiếc gì một chút đó với Tâm ? Tâm run run, hồi hộp đợi. Có thể câu trả lời khác đi một chút, nhưng vẫn có nghĩa như thế. Kìa, môi bà Ngọc mấp máy rồi bỗng dưng bà đổi sắc mặt, bà không trả lời Tâm mà lại quay ra trước. Tâm nhìn theo, có gì làm bà chú ý đâu. Thôi rồi, chắc Tâm đã làm bà phật ý ? Tại sao vậy kìa ? Tâm có nói gì đâu ? Tâm khổ sở, lo lắng, nóng nảy quá. Chợt bà quay lại, hai má bà loang loáng ướt, giọng bà trầm hẳn lại :

- Cậu ấy đi rồi, không biết đâu, con đừng lo.

Tâm kinh hoàng, hỏi dồn :

- Đi đâu ? Anh Tú đi đâu ?

- Cậu ấy đi lính.

- Ảnh có nói với con là ảnh đi lính đâu ? Ảnh có ưng đi…

- Phải ! Cậu ấy không tự đi, tới tuổi người ta gọi đó.

Tâm tối tăm mặt mũi như vừa bị một bàn tay hộ pháp nào tát mạnh vào mặt, rồi lửa tung toé ra chung quanh. Đi lính ? Anh Tú đi lính ? Trời ơi ! Sao anh lại bỏ Tâm giữa lúc này ? Trời ? Mặt đất như rung rinh. Mắt hoa lên, Tâm thấy bà Ngọc, nhà cửa, cây cối đều xoay tít…

_______________________________________________________________________________ 
< Xem lại CHƯƠNG III                                                                          Xem tiếp CHƯƠNG V >

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét