Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

MẬT LỆNH U ĐỎ - CHƯƠNG I


CHƯƠNG I

BỨC THƯ KỲ DỊ


Chắc các bạn muốn biết do đâu tôi biết truyện này ? Lẽ dĩ nhiên không phải tự nhiên tôi biết được, vậy ai là người thuật cho tôi nghe truyện này ? Người thuật cho tôi nghe là chú Ba Ho.

Chà ! Chắc các bạn đang chờ tôi kê khai lý lịch của chú Ba Ho chớ gì ! Tên gì kỳ vậy ? Khoan đã, các bạn chớ vội sốt ruột, việc đâu còn đó, trong tương lai các bạn sẽ biết chú Ba Ho là ai. Hiện giờ, các bạn chỉ nên biết chú Ba Ho là chú họ tôi thường ghé nhà tôi chơi lắm.

Một đôi khi, chú Ba Ho đi xồng xộc vào phòng tôi trong khi tôi đang viết để xem những bản thảo tôi vừa viết xong. Những lúc đó, tôi liền đưa cho chú Ba Ho các trang chữ cuối cùng vừa hoàn thành và nói :

- Chú đọc thử xem, chú Ba Ho ? Các sự kiện cháu viết có đúng không chú ?

Chú Ba Ho im lặng xem kỹ từng trang một, xem xong trang nào là chú để ngay trên mặt bàn, khẽ lúc lắc đầu và chả nói gì hết. Như thế là tôi biết chú bằng lòng và những điều tôi viết hoàn toàn đúng. Đúng, nếu gặp trang không vừa ý, chú nói ngay :

- Cháu phải xem lại trang này, việc xảy ra không đúng y như chú kể đâu. Thật là nhà văn có khác, luôn luôn muốn bóp méo sự thực.

Thấy chú Ba Ho nói tôi là nhà văn, tôi hoảng hồn vội đính chính ngay :

- Cháu đâu phải nhà văn chú ! Cháu chỉ lai rai viết lăng nhăng chút đỉnh trong tạp chí Tuổi Hoa thôi, văn lủng cà lủng củng. Chú tôn cháu là nhà văn làm cháu mắc cỡ quá !

Nghe tôi nói, chú Ba Ho cười :

- Ừ ! Không phải nhà văn thì là nhà … "godautre" bằng lòng chưa ? Thôi, nghe chú thuật lại nè và kỳ này nhớ ghi lại cho đúng nghe !

Thế là Chú Ba Ho thuật lại và chỉ những chỗ tôi viết sai. Tôi phải thành thực nhìn nhận những điều chú Ba Ho thuật lại cho tôi nghe đẹp và hay vô cùng, đẹp và hay hơn cả những điều tôi tưởng tượng nữa. Đó là lẽ dĩ nhiên rồi, phải không các bạn, bởi vì chú Ba Ho chính là người chứng kiến – là một chứng nhân – của truyện này. Tôi đã ghi lại hết sức kỹ càng, và để chứng tỏ sự thực, tôi đã ghi rõ tên tỉnh, nơi xảy ra truyện này. Nhưng chú Ba Ho không bằng lòng, chú nói :

- Cháu phải gạch bỏ tên tỉnh này ngay ? Cháu nghĩ thế nào mà viết nó lên vậy ? Các giáo sư của trường đó không bằng lòng đâu. Họ khiêm nhượng lắm. Họ không muốn mọi người khi xem xong truyện cháu viết đổ xô đến đấy xem trường họ như xem một vật trong bảo tàng viện.

Như vậy chắc các bạn đã đoán ra rồi : Truyện này đã xảy ra ở ngôi trường đó, một ngôi trường cổ rất đẹp. Ngôi trường cổ này không ở trong một tỉnh lớn, lẽ dĩ nhiên không ở Saigon rồi, mà ở trong một tỉnh nhỏ có khí hậu lạnh lắm, lạnh nhiều khi đến thấu xương lận. Các bạn ở miền Trung có quyền hãnh diện ngôi trường này ở tỉnh mình đi là vừa !

Hồi xưa, cách đây mấy chục năm, ngôi trường cổ này thuộc vào một ngôi chùa lớn. Người ta đã lấy một phần ngôi chùa làm trường học cho đến ngày nay. Vì thế hiện nay, người ta vẫn còn thấy những vết tích của chùa trong trường. Trong phòng giáo sư có treo một bức tranh cổ Phúc Lộc Thọ tuyệt đẹp : đàn dơi đang bay trên trời xanh tượng trưng Phúc, phía dưới con nai vàng đang đứng dễ thương tượng trưng Lộc, cạnh bên một cụ già thật tốt tướng râu dài y như thần tiên tượng trưng Thọ. Ngôi chùa hiện giờ vẫn còn, do một vị sư trụ trì. Chỉ cần vượt qua hàng rào trường học là vào được ngôi vườn nhỏ của chùa, cảnh hoang tàn của ngôi vườn chứng tỏ người trong chùa ít ra nơi này. Tuy nhiên, nơi đây có một cái hang sâu thăm thẳm nhưng cửa hang hơi khó tìm vì bị cây cỏ hoang dại um tùm che lấp. Nếu tìm được cửa và đi vào hang, người ta sẽ thấy hai bên vách đá những hình ảnh thiên nhiên khi thì thật đẹp, khi thì thật kỳ dị.

Một điều lạ ngôi chùa nằm ngay trên hang này. Trong hang, chuột chạy lung tung và chúng khoét được cả những ngõ ngách để chạy vào các lớp học. Vì thế, trong lớp khi học trò im lặng không làm ồn, người ta nghe tiếng chuột kêu chít chít. Các chú chuột gan lắm, dám chạy ngờ ngờ dưới bàn ghế học trò để ăn các mảnh vụn bánh của học trò đánh rơi; các chú chuột chỉ chạy trốn vào hang khi nào giáo sư cầm thước đập bàn hay đập bảng.

Lúc bắt đầu xảy ra truyện này, trong một lớp học, giáo sư vừa đập một cái rầm. Giờ ra chơi vừa chấm dứt. Học trò đã vào đầy đủ, ngồi yên trên ghế, trừ hai người vào trễ mặt đỏ gay và thở hổn hển đang đứng lấp ló ở cửa lớp không dám vào. Thấy vậy giáo sư la to :

- Lại các em này nữa ! Tại sao khi chuông reo các em không vào ngay ? Các em có biết các em vô trễ bao nhiêu lần rồi không ? Không lẽ để thầy rầy các em hoài sao !

Nghe thầy la, một trong hai học trò run run nói :

- Thưa thầy ! Em mắc vào quán bà Mậu mua một cây bút nguyên tử đỏ và phải chờ vì lúc đó khách hàng đông quá nên em mới vào trễ.

- Đưa bút đây thầy coi !

Người học trò liền móc túi lấy ngay một cây bút nguyên tử đỏ mới tinh đưa thầy xem. Thấy lý do chính đáng, thầy nói :

- Thôi ! Các em về ngay chỗ ngồi ? Lần sau mà còn trễ nữa thì sẽ biết với thầy nghe !

Hai người học trò quay lưng đi về chỗ ngồi của mình. Nếu giáo sư để ý sẽ thấy cả hai đang mỉm cười tinh quái với vẻ hết sức thích thú. Thật vậy, mỗi đứa trong bọn chúng luôn luôn có trữ một cây bút nguyên tử mới, một cây bút chì mới hay bất cứ một cái gì mới... để có lý do nói dối và thuyết phục thầy hầu thoát khỏi tội lười biếng ham chơi quên giờ học.

Giáo sư ra lịnh :

- Các em lấy cuốn Người Việt Cao Quý ra ! Chúng ta tiếp tục đọc và cùng nhau thảo luận những điều hay trong cuốn này. Giờ trước chúng ta đã đọc xong chương IV nói về "ý thức luân lý của người Việt". Bây giờ chúng ta đọc chương V nói về "tinh thần bất khuất của người Việt".

Cả lớp chuyển động. Tiếng giấy sột soạt.

- Hùng ! Em đọc cho các bạn nghe ! Cả lớp theo dõi !

Người học trò tên Hùng đứng dậy đọc :

- "Tinh thần bất khuất của người dân Việt… Nhưng cái giá trị lớn nhất của người Việt Nam là cái ý chí tự cường bất khuất của họ. Suốt trong quá trình lịch sử chưa có một dân tộc nào chiến đấu gian nan như thế, bền bỉ, dẻo dai như thế. Đó là hình ảnh của một dân tộc không chịu nhục nhã, một dân tộc biết kiêu hãnh về giá trị mình, và biết rằng mình cuối cùng rồi sẽ chiến thắng. Không dân tộc nào có một lịch sử éo le như vậy, gian nan như vậy, mà vẫn giữ vững được mình như vậy"(1).

- Thôi ! Em dừng lại !

Như thường lệ, trong giờ đọc sách, sau mỗi lần đọc một đoạn văn nào, giáo sư cho học trò suỵ nghĩ năm mười phút trước khi thầy trò bắt đầu cùng nhau thảo luận.

Ngườí học trò với cây bút nguyên tử đỏ lúc nãy táy máy lật vài trang Người Việt Cao Quý phía trước. Bỗng nó vô cùng ngạc nhiên thấy một tờ giấy nằm giữa hai trang sách. Như thế này nghĩa là gì ? Ai đã để tờ giấy này ở đây ! Lúc nãy trước giờ ra chơi đâu có thấy.

Nó bèn lấy cùi chỏ thúc vào hông đứa ngồi bên cạnh, đứa cùng vào trễ với nó lúc nãy :

- Ê Tuấn Khờ ! Mày xem này ! Có một tờ giấy lạ nằm trong cuốn sách của tao !
Thật ra, người ngồi kế bên chỉ tên Tuấn thôi nhưng các bạn nó thêm tiếng "Khờ" bởi vì tướng nó trông có vẻ ngờ nghệch khờ khạo mặc dù nó cũng khôn lanh và phá ngầm không kém ai. Vừa cầm tờ giấy của bạn trao cho, Tuấn Khờ cũng ngạc nhiên không kém.

- Tuấn ? Em đọc lại đoạn văn Hùng vừa đọc lúc nãy !

Tuấn Khờ giật mình đứng dậy. Tiếng thầy ra lịnh dường như từ phương nào xa xôi văng vẳng vào tai dù nó và thầy nó chỉ cách nhau độ vài thước. Tuần Khờ lắp bắp đọc, miệng tròn quay như vòng tròn :

- Tinh thần bất khuất của người dân Việt.. Chữ U lớn... Nhưng cái giá tại...

- Em đọc vì kỳ vậy ! ?

Tuấn Khờ chữa ngay sai lầm của mình :

- Nhưng cái giá trị lớn nhất của Người Việt Nam là cái ý chí tự cường bất khuất của họ... lúc 8 giờ tối ở biệt thự...

Giáo sư đập bàn cái rầm :

- Ngồi xuống ! Liên ! Đọc lại ! Thầy cho Tuấn dê rô !

Tuấn Khờ mắc cỡ hết sức. Dù hay phá phách, chưa khi nào Tuấn Khờ thấy rối trí và bị thầy xử như lần này. Nó đã từng đọc nhiều sách báo, nào là O Chuột của Tô Hoài, nào là Việt Nam Văn Hóa sử cương của Đào Duy Anh, nào là tạp chí Tuổi Xanh, Tuổi Hoa, nào là những Ngày Cạn Sữa của Minh Quân… nào là Đường Vào Hang Cọp của Hà Châu... có thể nói đa số sách báo từ dễ đến khó nó đều có khả năng đọc và hiểu được cả, thế mà lần này, chỉ có một trang chữ mà nó chả hiểu gì hết ! Có lẽ thầy nó mà đọc cũng mù tịt luôn.

Tuấn Khờ vừa ngồi xuống, người bạn nó bèn giựt ngay tờ giấy về.

- Để tao xem đã, Hương Tẹt ? Tao xem chưa xong.

Hương Tẹt – bị các bạn thêm chữ Tẹt vì có cái mũi hơi xẹp xẹp – để vội tờ giấy vào giữa cuốn sách lấy hai bàn tay che hai bên như hai bức tường rồi mê mẩn đọc. Lúc này, thầy đang cho thảo luận tự do, ai muốn nói thì nói không bắt buộc nên không có gì đáng sợ cả. Thấy Hương Tẹt không đưa lại tờ giấy, Tuấn Khờ khẽ thọt cù lét Hương Tẹt. Hương Tẹt giật mình vội đưa tờ giấy cho bạn mình. Tờ giấy chỉ lớn hơn phân nửa một bưu thiếp, đặc nghẹt những dòng chữ đánh máy. Tuấn Khờ đọc lại kỹ càng từng hàng một :

"Tuấn Khờ, Hương Tẹt, Phát Lém, Minh Lùn, Mai Nhè ! Các bồ bị ghi vào sổ đen rồi đấy, liệu hồn ! U Đỏ biết rõ các bồ là một nhóm học trò lêu lổng, chuyên môn phá làng phá xóm. Đáng lý U Đỏ phải tố cáo các bồ với cảnh sát, nhưng U Đỏ nghĩ còn thương các bồ nên tạm tha các bồ với điều kiện các bồ phải tuân lệnh U Đỏ. Như vậy, từ giờ trở đi, U Đỏ là người điều khiển các bồ. Nhưng các bồ sẽ không bao giờ thấy được U Đỏ đâu. Các bồ sẽ tìm thấy những mệnh lệnh của U Đỏ trong các trang sách hay trong các cặp da của các bồ. Nếu các bồ không tuân lệnh, các bồ sẽ biết U Đỏ trừng phạt như thế nào ! Trong trường hợp này, trường hợp các bồ không vâng lời, thầy hiệu trưởng sẽ nhận được của U Đỏ một bức thư tố cáo tất cả những hành động bậy của các bồ, thầy hiệu trưởng sẽ biết các bồ bắt chuột bỏ vào ngăn kéo bàn thầy. U Đỏ biết tất cả ! Liệu hồn những ai dám chống lại U Đỏ ! Tối nay, lúc 8  giờ đúng, các bồ hãy đến Biệt Thự Vui Vẻ để nhận mệnh lệnh đầu tiên. Làm thế nào vào được biệt thự ! Đó là do tài của các bồ".

                                                                                                                    Ký tên : "U Đỏ"

Đôi mắt Tuấn Khờ mở thao láo ngó trang giấy y như nó đang ngó một đám cháy khổng lồ.

Nó đọc lại bức thư mấy lần. Dần dần, nó cảm thấy dường như bọn nó đã lọt vào nanh vuốt của U Đỏ rồi, khó bề gỡ ra nổi. Những chữ của bức thư đó nhảy múa trước mắt Tuấn Khờ, đặc biệt riêng những chữ U màu đỏ như máu nổi bật sáng ngời như những tia lửa đỏ rực trên trang giấy định mệnh.

Tuấn Khờ xếp bức thư bỏ vào túi, ngó Hương Tẹt. Cả hai đứa con trai khẽ nhún vai thông cảm.

Giờ đọc sách đang tiếp diễn; nhưng đối với Tuấn Khờ và Hương Tẹt giờ đó đã hết mọi thú vị thường lệ, chỉ còn những chữ U Đỏ đang nhảy múa tưng bừng trong đầu. Cả hai đều bí không thể nào giải quyết vấn đề này nổi. Thời gian dài làm sao ! Chờ mãi chả thấy chuông reo ra về. May mà hôm nay đặc biệt giờ ra về là 11 giờ thay vì 11 giờ rưỡi như những ngày Khác. Phải nói cho Phát Lém, Minh Lùn, Mai Nhè biết. Thằng Phát Lém có lẽ chỉ láu ở chuyện lặt vặt thôi, chớ chuyện này nó cũng bí luôn. Còn Minh Lùn, tuy lùn nhưng chắc cũng vậy thôi. Chỉ còn Mai Nhè may ra nó có ý kiến gì hay chăng dù nó hay mít ướt, chỉ chút là khóc hu hu.
Mai Nhè là đứa con gái độc nhất trong bọn Tuấn Khờ. Nó là em ruột Tuấn Khờ. Nhờ lanh, nhiều mưu mẹo, mặc dù hay khóc, nó được cả bọn chấp nhận vào nhóm. Ai biết làm thịt gà ăn cắp được ? Ai biết đính một nút áo được ? Chính Mai Nhè đã giải quyết thỏa đáng tất cả những lo âu rắc rối của bọn Tuấn Khờ.
Nghĩ đến Mai Nhè, Tuấn Khờ và Hương Tẹt lấy lại được chút bình tĩnh chờ giờ ra về. Khi chuông vừa reo chúng vội vàng đứng dậy chực chạy nhanh ra khỏi lớp... thì...

- Thầy cho phép các em ra chưa ? Sao các em gấp quá vậy.

Tuấn Khờ, Hương Tẹt sợ hãi đứng lại, ngực chúng đập thình thịch, đôi chân ngứa ngáy như muốn chạy.

Giáo sư chậm rãi nói :

- Trước khi các em về ăn cơm trưa, thầy có nhiều điều căn dặn thêm các em. Các em nên đọc kỹ lại nhiều lần chương "Ý thức luân lý của người Việt" trong tác phẩm "Người Việt Cao Quý". Nhất là các em gái nên cố gắng bảo vệ chiếc áo dài Việt Nam. Con gái Việt Nam mà chê áo dài Việt Nam, thì không phải là gái Việt nữa. Bảo vệ chiếc áo dài Việt Nam là bảo vệ nền văn hóa cổ truyền của chúng ta; bảo vệ chiếc áo dài Việt Nam là chống lại một nền văn hóa sa đọa mất nước muốn chụp vào đầu chúng ta; bảo vệ chiếc áo dài Việt Nam và chống lại mini - duýp, không phải là kỳ thị văn hóa mà đó là phản ứng tất nhiên của một dân tộc muốn sống còn. Lịch sử Việt Nam đã chứng tỏ dân tộc Việt sẵn sàng chấp nhận những gì ngoại lai nhưng với điều kiện những cái ngoại lai đó phải có tác dụng bồi dưỡng thêm văn hóa Việt chớ không làm hại văn hóa Việt. Thôi ! Các em ra về. Thầy chúc các em ăn cơm ngon.

Lẽ dĩ nhiên những người đầu tiên phóng ra khỏi lớp là Tuấn Khờ và Hương Tẹt. Vì quá vội chúng đã đụng mạnh vào Phương người bạn học cùng lớp của chúng, đang ngồi ngay cạnh cửa lớp. Phương là một người học trò bé nhỏ lưng gù nhưng giỏi, thông minh và chăm nhất trường. Giáo sư đã để nó ngồi riêng biệt ở một góc lớp cạnh cửa. Phương thường là người thuộc bài nhất lớp được thầy khen và ban thưởng luôn, vì thế tất cả lớp đều ghét nó. Chả ai chơi với nó cả. Tới giờ chơi, nó chỉ đến ngồi quạnh hiu ở một góc sân trường ngó các bạn vui đùa vì nó không có quyền chơi chung với các bạn nó. Tuy vậy, nó không khi nào than vãn số phận hẩm hiu đó : nó đã quen rồi.

Khi Tuấn Khờ đụng nó, nó vội mỉm cười nói :

- Chà ! Chút xíu tôi làm Tuấn té rồi ! Xin lỗi nhé !

Tuấn Khờ chẳng những không để ý đến lời nói lịch sự của Phương mà nó còn ngó Phương với vẻ thương hại và khinh bỉ, rồi phóng nhanh ra ngoài. Hương Tẹt chạy sau.

Phát Lém và Minh Lùn đang đợi chúng ngoài cổng trường. Cả hai đều nhỏ hơn Tuấn Khờ và Hương Tẹt một tuổi nhưng có vẻ mạnh khỏe hơn. Lúc bấy giờ, cả bọn đều đội mũ da tiêu biểu của nhóm. Phát Lém to con và mạnh nhất trong bọn. Minh Lùn tuy hơi lùn và nhỏ con nhất nhưng lại là đứa nhanh nhẹn nhất. Nó có đôi mắt chuột đen tròn, hàm răng nhỏ, trắng và nhọn. Phát Lém cao hơn Minh Lùn tới hai cái đầu. Với cái đầu vuông, cái miệng rộng và đôi tay rắn chắc, Phát Lém đã từng cho biết bao nhiêu đứa đo ván. Đôi mắt nó rực lửa. Những cú thoi của nó như trời giáng, như những cú búa của các bác thợ rèn.

Mai Nhè cũng vừa chạy đến nhập bọn. Nó ngó các bạn trai của nó với đôi mắt hết sức láu lỉnh. Thấy Tuấn Khờ và Hương Tẹt có vẻ hốt hoảng không bình thường, nó chế diễu :

- Ái chà ! Bộ các anh bữa nay bị tổ trác sao mà mặt mày bí xị vậy !

- Có lẽ tụi nó bị thầy cho ăn bánh tét nhân mây.

Minh Lùn phụ họa theo.

Hương Tẹt vội nói :

- Đừng nói nữa Minh Lùn ! Có chuyện quan trọng nguy hiểm lắm !

Lúc bấy giờ cả bọn mới hơi run… Chúng ngó nhau chờ đợi. Tuấn Khờ khẽ lúc lắc đầu và nói :

- Chuyện kinh khủng lắm ! Nhưng ở đây nói không tiện, chúng mình chạy ra ngoài bờ sông đi.

Mai Nhè không chịu :

- Chuyện gì vậy ? Nói ngay bây giờ không được sao ?!

- Nói sao được ! Chút nữa đã.

Hương Tẹt trả lời Mai Nhè một cách chắc nịch đồng thời nó liếc khinh bỉ nhìn Phương vừa đi qua mặt cả bọn. Phương đang trong tay mẹ nó. Ba Phương là ông Na, làm chánh án ở tòa tỉnh. Cả bọn thường nhái dáng điệu mẹ con Phương trong giờ ra về để làm trò cười cho nhau. Một đứa giả mẹ Phương nói : "Ôi chao ! Con tôi ngoan quá !" Một đứa giả làm Phương khòm khòm lưng với cái bướu sau lưng nói : "Má ơi ! Con đói bụng rồi !". Thế là cả bọn cười ha hả.

Nhưng lần này, chúng hết cười nổi.

- Không ! - Hương Tẹt nói - Ra bờ sông nguy hiểm lắm. Biết đâu có kẻ đang rình mò chúng ta ? Hay là lại nhà Phát Lém đi. Này Phát Lém ! Ở nhà mày bữa nay người ta có làm việc không ?

- Tao cũng không rõ. Nhưng tụi mày cứ theo tao, có chỗ an toàn lắm.

Nhà của Phát Lém là một xưởng chế tạo đồ mộc. Một lát sau, năm đứa đã vào nhà Phát Lém. Không ai biết cả, kể cả mẹ Phát Lém đang nấu cơm trong bếp. Phát Lém dẫn cả bọn vào gian phòng chứa mạt cưa. Những bao mạt cưa sắp lớp chừa thành một hành lang tối om. Đứa này trước, đứa kia sau, cả bọn lần lượt chui vào hành lang đó. Như thế chắc chắn hiện giờ không ai có thể khám phá được chúng ở đó cả, trừ những con mèo.

- Tụi bây có ai mang theo đèn bấm không ?

Tuấn Khờ hỏi, vì lúc đó tối lắm, chả có chút ánh sáng nào lọt vào chỗ cả bọn đang ngồi.

- Một đèn bấm ? Chi vậy ? – Mai Nhè hỏi.

Hương Tẹt phiến răng :

- Mày sẽ thấy ! Đem tờ giấy ra, Tuấn Khờ !

Vòng tròn ánh sáng của một đèn bấm vừa xuyên thủng bóng đêm làm mọi người nhìn thấy hàng triệu hạt bụi mạt cưa đang nhún nhảy reo vui trong luồng ánh sáng trắng ngần.

Bấy giờ Hương Tẹt mới nói :

- Sáng nay, sau giờ ra chơi thứ ba lúc 10 giờ, tao thấy trong cuốn Người Việt Cao Quý của tao ở chương nói về ý thức luân lý của người Việt tờ giấy mà Tuấn Khờ đang đọc đó. Tao và Tuấn Khờ vì mải mê bắt dế ở khu vườn bên chùa nên vào trễ và tao thấy tờ giấy đó. Đọc đi, Tuấn Khờ !

Tuần Khờ đọc nhỏ nhỏ nhưng dần dần có lẽ vì xúc động, tiếng nó to dần... đến nỗi Hương Tẹt phải chận lại :

- To quá mày ! Nhỏ nhỏ lại chứ ?

Khi Tuấn Khờ đọc xong cả bức thư, cả bọn cho đèn bấm tắt. Bóng tối trở về làm mọi người không thấy nét mặt kinh sợ của nhau, nhưng tất cả đều có thể cảm thấy tim mọi người đang đập thình thịch.

Hương Tẹt thì thầm :

- Tụi bây nghĩ như thế nào ?

Tuấn Khờ nhấn mạnh thêm :

- Chắc tụi bây thấy tất cả các chữ U đều bằng mực đỏ như máu.

Mai Nhè hổn hển nói :

- Đưa tôi xem lại lần nữa.

Ánh sáng hiện ra trở lại... Phát Lém và Minh Lùn cùng ngó vào tờ giấy kinh khủng đang nằm trong tay Mai Nhè. Mai Nhè trả tờ giấy cho Hương Tẹt. Người con gái thì thào :

- Tắt đèn đi ! Ai mà thấy ánh sáng trong này chúng ta bị nguy ngay !

Một lát, Phát Lém nói giận dữ :

- Chúng ta phải đối phó... không lẽ chịu thua sao ?

Hương Tẹt hỏi :

- Theo mày, tụi mình phải làm gì bây giờ ?

Minh Lùn có vẻ bình tĩnh hơn các bạn, nó thì thầm :

- Phải chi chúng ta biết ai viết bức thư này ?

- Nếu biết mình sẽ làm gì ?

- Tao sẽ cho nó chục thoi ! Dám giỡn mặt với tụi mình sao ?

Cả bọn đều nghe Phát Lém nghiến răng ken két. Tuấn Khờ rống lên :

- Mày đừng làm trò hề ! Mày không thể nào chống U Đỏ được.

- Phải chi có phép gì cho U Đỏ xuống địa ngục !

Vừa nghe ước mơ của Hương Tẹt, Mai Nhè nói :

- Tại sao chúng mình lại nói lung tung chả ra đâu vào đâu hết vậy ! Theo ý tôi, U Đỏ chính là một tên sát nhân ăn cướp, nó đã lẻn vào lớp lúc giờ ra chơi và đã để tờ giấy vào cuốn sách của Hương Tẹt. Nó muốn tụi mình nhập bọn với nó để làm những việc mờ ám vì nó biết bọn mình có tài chỗ nào cũng ra vào được. Tối tối nó sẽ bắt buộc chúng mình đi cướp của giết người. Như thế theo ý tôi bọn mình phải đưa tờ giấy này cho cảnh sát.

Vừa nghe Mai Nhè phát biểu ý kiến, Minh Lùn nói rổn rảng :

- Mày điên rồi hả Mai Nhè ? Nếu tụi mình báo cảnh sát, tất cả mọi người sẽ biết tụi mình ăn cắp gà, mọi người sẽ biết tụi mình lén treo các tờ giấy có số 35 vào lưng các bác cảnh sát và mày biết về sau sẽ ra sao không, tụi mình sẽ vào Trại giáo hóa Thủ Đức.

Mai Nhè khẽ lấy tay hất mấy sợi tóc mây đang lòa xòa trước mặt và nói :

- Nhưng chúng ta lọt vào nanh vuốt của U Đỏ thì còn nguy hiểm hơn ở trại giáo hóa nữa, tôi chắc chắn như vậy. Và biết đâu cảnh sát sẽ bằng lòng sự tố cáo ấy mà tha cho các tội của chúng mình.

Tuấn Khờ nói :

- Đúng vậy, nguy hiểm hơn ở trại giáo hóa nhiều, nhưng theo tao, tố cáo với cảnh sát không có vẻ gì danh dự cho lắm. Chúng mình chưa biết U Đỏ muốn gì kia mà ! Chưa biết U Đỏ là ai kia mà ? Biết đâu đó là một đại hiệp sĩ như Hiệp sĩ Mù nghe gió kiếm và như thế là điều hết sức may mắn cho chúng ta.

Minh Lùn thì thầm :

- Tao muốn nói một điều.

Cả bọn ngó thấy đôi mắt chuột của Minh Lùn lóng lánh sáng ngời trong bóng tối.

- Mai Nhè có lý. Tuần Khờ cũng có lý. Nhưng tại sao chúng ta lại sợ U Đỏ quá vậy ? Như thế thì nhục quá. Chúng ta hãy bình tĩnh chờ xem U Đỏ muốn gì ? Có lẽ U Đỏ sẽ bắt chúng mình làm này làm nọ bằng mệnh lệnh. Chúng mình sẽ làm nhưng trước khi làm phải báo cho cảnh sát biết.

- Đưa tờ giấy này cho cảnh sát chả có ý nghĩa gì hết : nhất định không ai tin cả và mọi người sẽ chế nhạo chúng ta. Còn nếu ta báo trước cho ông Cò biết U Đỏ có ý định đánh cướp nhà nào, vào đêm nào vân vân... thì... tao giả sử Mai Nhè là người đi báo... nó sẽ được ông Cò tiếp đãi và nói châm biếm như thế này : "Chúng tôi rất cảm ơn cô Mai Nhè đã cho chúng tôi một nguồn tin hết sức quí giá. Anh cô và các bạn có thể nhập nghề thám tử ngay tại cơ quan cảnh sát này !!". Đó, đó ! Nhất định sẽ xảy ra như vậy. Tụi bây có nghĩ thế không ?

Hương Tẹt bỗng la lên :

- Đúng quá ! Minh Lùn ! Đúng không Tuấn Khờ ?

Hương Tẹt giơ tay thoi vào vai Tuấn Khờ một cái thật mạnh. Tuấn Khờ né kịp, Hương Tẹt mất trớn ngã nhào vào chồng bao mạt cưa. Các bao mất thăng bằng rơi xuống, mạt cưa đổ ra lung tung, bụi mạt cưa bay mù mịt. Khi ba Phát Lém biết, chạy vào thì chỉ gặp một sự im lặng hoàn toàn, ngoài những luồng bụi mạt cưa đang lững lờ bay và con mèo tam thể đang nằm lim dim ở góc phòng.
__________
(1) Người Việt Cao Quý của A. Pazzi do Hồng Cúc dịch trang 84, bản in lần 1.

_______________________________________________________________________                                                                                          xem tiếp CHƯƠNG II

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét