Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

MỘT CUỘC HỒI SINH - CHƯƠNG IV


CHƯƠNG IV

MỘT NGƯỜI EM

Từ ngày ăn nên làm ra, ông Thúc gạt không hết bạn. Bạn ăn chơi, bạn thù tạc, bạn "áp phe". Tất cả vồn vã quanh ông như những con "ruồi cánh gấm" lượn quanh một trái cây ủng nát.

Bởi vậy, chiều nào cũng như chiều nào, tan sở ra ông còn bận những chuyện xã giao ở trà đình tửu quán, tám chín giờ khuya mới dứt ra được mà về.

Bữa nào về đến nhà cũng say khướt.

Đêm nay về tới cửa thấy người ta xúm đông xúm đỏ, lại tưởng mình say rượu lầm nhà nếu không nghe thấy tiếng người vợ hiền nói léo nhéo.

- Ủa! Ông giật mình, tỉnh rượu được một phần, tự hỏi. Làm sao tan hoang thế này ?

Thấy mặt ông, người đàn bà bù lu bù loa :

- Thằng cháu trời vật của ông phá đấy ! Đã mát lòng mát dạ chưa?

Người đàn ông quát :

- Nó đâu rồi ? Di, ra đây tao bảo !

- Tôi đã tống cổ nó đi rồi. Tống đi cho khuất mắt, chứ láng cháng đứng đó trêu gan tôi, tôi dám chém cho mất mạng !

- Trời ơi !... Thằng Tề, con Bình đâu ?

Hai đứa riu ríu thưa sợ sệt:

- Dạ, ba đã về, con đây.

- Anh Di đâu ?

Bình khóc thúc thít đáp :

- Má con đánh đuổi anh con đi đâu mất tiêu rồi.

Ông Thúc bỗng tỉnh hẳn, hơi men bốc đi hết. Ông quát:

- Thằng Di nó tội tình gì mà bà nỡ đuổi nó đi ?

Quen thối lăng loàn, người vợ la lớn gấp đôi:
 
- Cái choé Khang Hy ông cha tôi để lại, nó đập vỡ tan tành kia kìa, ông chưa thấy sao ? Quân ăn tàn phá hại ấy còn chứa làm gì mà không tống khứ đi cho rảnh nợ !

Trước khi để cho cơn giận bùng nổ dữ dội, người đàn ông thường kiên nhẫn đến tột cùng, ông Thúc cố ôn tồn hỏi:

- Rồi bà đã cho đứa nào đi kiếm nó về chưa ? Vú già, chú Bộc, thằng Tề có thấy nó đâu không ?

Người đàn bà u mê càng được thể trả lời đỏng đảnh :

- Úi chà ! Đã tống được của nợ đi là phước bẩy mươi đời rồi, hơi sức đâu còn cho người đi rước cái đồ trời ơi đất hỡi về nữa ! Bộ phá thế không đủ hay sao mà còn muốn rước về để cho nó phá nốt cho nó tàn gia bại sản à ? Cái thứ ấy chết đâu chết phứt đi cho rồi. Sống chỉ tốn cơm trời nước giếng!...

Mụ nói chưa dứt, ông Thúc bỗng đứng phắt lên như vừa ngồi phải một đống kim, đôi mắt toé lửa nhìn thẳng vào mặt vợ, gằn giọng hỏi :

- Có phải bà coi mấy cái đồ nhơ bẩn này quý hơn sinh mạng của cháu tôi không ?

Để chấm câu, ông thẳng cánh tát vợ một cái nẩy đom đóm mắt.

Người vợ kinh ngạc trước phản ứng mãnh liệt của người chồng. Mụ run sợ nhìn cặp mắt xưa nay chua từng long lên sòng sọc như vậy bao giờ.

Ông chồng nói như quát, hàng xóm nghe rõ mồn một:

- Bà bảo nó ăn tàn phá hại của bà hả ? Bà muốn cho nó chết phứt di cho rảnh hả ? Cái tình của ba nó đối với tôi như thế nào, bà không biết cũng được đi. Nhưng cách đây mới có một năm, ba nó căn dặn thế nào, chắc bà còn nhớ chứ! Số tiền ba nó để lại đủ nuôi nó trong mười năm, bà cũng còn nhớ chứ! Hừ! Không nhớ sao được khi bà biết đem tiền ấy sinh lời! Cháu tôi đâu có ăn nhờ của bà, đâu có ăn mất phần của các con bà mà bà đau xót thế! Bà còn tham công tiếc việc đến cái mức không cho nó đi học nữa. Tôi càng nhu nhược thì bà càng quá quắt. Bây giờ bà còn coi mấy cái đồ dơ dáy kia hơn là đời sống của cháu tôi nữa là làm sao ? Đồ vỡ còn mua sắm lại được, chứ con người mất đi thì kiếm đâu ra? Nữa rồi ba nó về không thấy nó, liệu còn mặt mũi nào sống ở đời nữa không, hả đồ lăng loàn, đồ khốn nạn ?

Mỗi lời nói được chấm câu bằng một món đồ liệng mạnh vào tường, xuống đất, vỡ loảng xoảng.

- Tao đập hết! Ông thét. Tao đập hết! Đã tiếc cho mày tiếc nhân thể! Nào còn đồ gia bảo nào đưa ra đây nốt, tao đập cho coi!

Bất ngờ, hành động quvết liệt của người chồng lại là linh dược trị được thói lăng loàn của người vợ.

Mụ van vỉ:

- Thôi, mình bớt nóng, em biết tội rồi, mình tha thứ cho em.

"Bây giờ, mình chịu khó ra Ty Cảnh sát nhờ anh Trưởng ty cho người lùng mấy cái công viên hay nhà lồng chợ, thế nào cũng thấy. Nếu không thì sáng mai, thế nào cũng gặp nó quanh quẩn ở bến xe.

*

Đến đúng giờ giới nghiêm, ông Thúc mới thất thểu trở về nhà, mặt mũi phờ phạc.

Đã xơi một cái tát đến giờ tưởng như còn nóng bỏng, người vợ e phải xơi một cái thứ hai nên chỉ nhìn chồng bằng đôi mắt sợ sệt mà không dám lên tiếng hỏi.

Trái với lệ thường, bé Bình và anh nó còn thức. Nó đánh bạo lại gần hỏi:

- Ba không thấy anh Di, hả ba ?

Ông lắc đầu, uể oải.

- Không. Không thấy.

- Ba đi tìm ở những đâu?

- Ba nhờ xe cảnh sát chở đi cùng khắp tỉnh mà chẳng thấy anh con đâu.

Ông vuốt ve tóc con, thở dài :

- Anh con không có một xu dính túi, chắc đêm nay vừa đói, vừa lạnh. Khổ quá !

Rồi không biết nghĩ sao, ông bỗng nổi điên, vớ ngay tách nước trà để trên bàn vừa tầm tay, ném xuống đất vỡ tan tành, và nói như rên rỉ :

- Mẹ con là một con ác phụ ! ... Con người mặt mày sáng láng như vậy mà tâm địa chẳng ra gì!

Và ông bưng mặt khóc rưng rức như một người điên.

Hai đứa trẻ cũng khóc theo.

Ở dưới bếp, hai người đầy tớ vừa quệt nước mắt vừa thầm thì bàn định với nhau những gì không ai nghe rõ.

*

Trái với thói quen, ông Thúc trỗi dậy từ lúc trời mới tờ mờ sáng. Đánh răng, rửa mặt qua loa, ông mặc áo ra đi.

Tới bến xe, may quá, chưa có chiếc nào khởi hành. Như một cảnh sát viên tận tâm nhất, ông chạy đi chạy lại, hết ngó vào trong xe này lại chăm chú vào các hàng ghế trên xe khác. Từ các khách bộ hành đến những chiếc xe xích lô đều được ông để mắt tới.

Nể tình, ông Trưởng ty cảnh sát cũng tới giúp đỡ ông một tay. Thấy chiếc xe díp của xếp đỗ ờ đầu đường, các cảnh sát viên làm việc hăng hái hơn, lễ độ hơn và cũng hữu hiệu hơn.

Một dẫy xe đò, chiếc nào cũng đầy dần, đầy dần. Và xe nào sắp chạy, ông cũng leo lên, đi từ hàng ghế chót lên đến chỗ ngồi của tài xế, tìm người kỹ như kiếm một vật gì nhỏ bé.

Cứ như vậy cho đến khi ánh nắng chói chan chẩy chan hòa trên mặt bến xe đò vắng ngắt.

Ông Thúc buồn bã ra về dưới con mắt ngạc nhiên của những người sinh sống quanh quẩn ở khu vực này.

Đến nhà, ông chán nản nằm vật xuống giường, mặc kệ vợ và người đầy tớ trai đang nói léo nhéo ngoài sân. Vú già thấy vậy cũng chỉ lắc đầu nhìn, không dám lên tiếng hỏi.

Thấy chồng về, bà Thúc chạy lên nhà trên phân trần :

- Chú Bộc nhất định xin thôi đây này, mình. Tôi đã năn nỉ muốn gẫy lưỡi mà chú ấy cứ khăng khăng không chịu ở thêm lấy một ngày. Mình ngồi dậy giải quyết giùm em vụ này đi. 


Ông chủ nhà trả lời lừng khừng :

- Thì có cái gì mà phải giải quyết với không giải quyết. Cứ mở tờ giấy cam đoan của chú ấy ra mà coi. Chưa hết hạn thì bắt chú ấy ở. Hết hạn rồi thì tháo cũi sổ lồng cho chú ấy ra. Có thế thôi !...

Trước đây một ngày mà ông dám nói với bà cái giọng ấy chắc đã ầm ĩ cửa nhà, điếc tai hàng xóm và kết cuộc bao giờ ông cũng chịu thua.

Nhưng hôm nay bà phải ngậm bồ hòn làm ngọt, lờ đi như không nghe thấy.

Bà cố nhẫn nại cho được việc :

- Ai chả biết vậy ! Chú ấy mãn hạn ngày hôm qua. Nhưng phải để thì giờ cho tôi kiếm người thay thế chứ. Nói thôi là thôi ngay sao được !

- Trước bà có mặc cả như vậy không ? Điều khoản ấy có ghi vào giấy cam đoan không ?

- Không.

- Không thì thôi. Ai bảo trước khi hết hạn bà không hỏi chú ấy xem sao. Đừng xử ép người ta, tội nghiệp !

Cơn tam bành bấy lâu cố nén xuống bỗng bùng lên. Giọng ngọt ngào của bà chủ vội nhường chỗ cho những lời riết róng, hàm hồ :

- Này tôi bảo cho mà biết, đừng có giở trò ma mọi ra với tôi, không xong đâu. Tôi là chủ hay mấy người là chủ, mà nay hô ở là ở, mai hô đi là đi ? Hai năm nay, đánh vỡ của tôi bao nhiêu bát đĩa, có nhớ không? Toàn là đồ sứ Giang Tây cả đấy. Phải đền cho tôi chứ ! Không có tiền thì phải ở trừ cho hết mới đi được.

Người đầy tớ đứng ngẩn người trong khi ông chủ ngồi nhổm dậy cười gằn :

- Phải rồi, bà liệu tính gộp cả mấy cái đồ gia bảo của bà mới vỡ hôm qua nữa vào. Chú ấy có mọc thêm mấy cái mồm cũng không cãi nổi và chắc ở đợ đến vài ba kiếp sau cũng chưa hết nợ.

Hết kiên nhẫn, bà Thúc phản công :

- Này ông đừng giở cái giọng ấy ra với tôi. Tôi không nhịn đâu.

Ông Thúc đứng phắt dậy, hai mắt chiếu thẳng vào mặt vợ :

- Bà không nhịn thì bà la lớn nữa lên, khó gì...

Bà Thúc vội lùi, hoảng sợ.

Ông Thúc hất hàm bảo chú Bộc vẫn đứng xớ rớ ở một xó nhà :

- Nếu bà ấy còn kiếm chuyện không cho chú ra, tôi cho phép chú tới Ty Cảnh Sát mà kêu với ông Trưởng Ty. Ông ấy sẽ xử giùm cho.

*

Từ bữa xẩy ra vụ thằng Di đi biệt tích, ít khi vợ chồng ông Thúc dàn mặt nhau.

Những đêm không đi chơi, ông thường tỉ tê kể chuyện đời xưa cho hai đứa con nghe. Ông có vẻ thương yêu chúng hơn trước.

- Ngày xưa, khi tao bằng trạc tuổi chúng bay bây giờ thì ông bà nội chúng bay mất. Cũng may, bác ruột chúng bay  bác Hai Bá đó  lúc bấy giờ đã trưởng thành và đã làm ra tiền, cả nhà chỉ có hai anh em. Bác Hai thương tao hết sức. Bác hy sinh đủ thứ để nuôi cho tao ăn học bằng người. Bác cũng không chịu lấy vợ vì sợ cảnh chị dâu ghét bỏ em chồng. Bác đợi mãi cho đến khi tao ra trường, có công ăn việc làm đàng hoàng, mới chịu lấy vợ. Cùng năm ấy, bác cũng chiều ý tao, gây dựng cho tao thành lập gia đình với người mà tao đã kén chọn lấy. Năm sau, thằng Di và thằng Tề cùng ra đời, đứa đầu năm, đứa cuối năm... Chúng bay có biết vì sao lại đặt tên cho hai đứa là thằng Di, thằng Tề không ?

- Thưa ba, Tề đáp, chắc là bác Hai và ba khoái truyện hai anh em ông Bá Di, Thúc Tề?

- Đúng rồi, hai anh em ông ấy được sử sách liệt vào bực đại hiền. Họ thương yêu nhau suốt đời, phú quý có nhau, và hoạn nạn cũng có nhau. Ba muốn chúng bay cũng thương yêu nhau như vậy.

- Nhưng rồi bác Hai ở đâu mà con không thấy hả ba? bé Bình hỏi.

- Ờ, con còn nhỏ nên con không biết. Bác Hai góa vợ sớm khi thằng Di còn bé tí xíu. Bác chán nản không thiết hoạt động gì nữa. Công cuộc kinh doanh của bác thất bại, phải bán dần bán mòn tất cả những gì bác đã tạo được. Sau rốt bác đã quyết định rời bỏ xứ sở một thời gian dài để quên đi nỗi buồn to lớn của bác.

"Trước khi đi, bác thu xếp đưa cho ba và má chúng bay một số tiền lớn để sinh lợi mà nuôi giùm thằng Di cho bác.

"Ba má hứa trông nom thằng Di tử tế.

"Anh Di của chúng mày cũng ngoan hết sức. Ấy vậy mà không hiểu tao u mê ám chướng tới mức nào để đến nỗi đồng ý cho thằng Di nghỉ học ở nhà lo ba cái việc lặt vặt khốn nạn !

Ngưng một lúc lâu, ông thở dài lẩm nhẩm như một người độc thoại:

- Chẳng qua là vì mình quá nhu nhược trong khi vợ mình là một hạng đàn bà đài các rởm, tham lam bần tiện. Việc lớn, việc nhỏ gì, mình cũng nhượng bộ hết, không dám to tiếng sợ hàng xóm láng giềng người ta chê cười. Vô phúc mình vớ phải con vợ không biết điều, hễ được đàng chân là lân ngay đàng đầu. Ngữ ấy chỉ ưa nặng. Giá mình phản ứng mạnh ngay từ khi mụ mới ló mòi thì mụ đã sợ mình một phép ! Y như hôm mụ xơi một cái tát xiếc ! Không dám hó hé nói càn nói rỡ thêm một tiếng !...

Như người sực tỉnh, ông tiếp tục than thở với hai con :

- Ba hối hận đã đối đãi với anh Di chúng bay quá tệ. Biết đâu mà tìm nó bây giờ ! Đã đành là thằng ấy nó tinh khôn chẳng đến nỗi chết đói đâu, nhưng một ngày kia bác Hai trở về hỏi đến nó, ba biết ăn nói làm sao đây ? Thật ba khổ tâm hết sức !

Thằng Tề thủ thỉ hỏi :

- Bác Hai có hẹn bao giờ trở về không, ba?

- Tao còn nhớ hôm bác đi là ngày 31 tháng 8. Bác hẹn bác đi lâu lắm là mười năm. Nếu còn sống, thế nào bác cũng về gầy dựng cho thằng Di. Đến bây giờ mới có hơn một năm mà hai biến cố đã dồn dập : thằng Di phải nghỉ học, rồi thằng Di đi biệt tích !

Hôm nào kết thúc câu chuyện, ông Thúc cũng dặn các con :

- Nếu một ngày kia trời thương cho anh em chúng mày gặp được Di thì nhớ phải thương quý anh như một người anh ruột. Anh em con chú con bác cũng thân như anh em ruột vậy.

_______________________________________________________________________________ 
< Xem lại CHƯƠNG III                                                                          Xem tiếp CHƯƠNG V >

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét