Photo by Linhnguyen. Nguồn : http://www.dalatrose.com |
- Bảo ơi Bảo, có me ở nhà không?
Tiếng ai ấm như tiếng nhạc mà nghe thật quen. Bảo buông sách xuống bàn học, hấp ta hấp tấp chạy đến gần khuôn cửa kính trắng đục. Vừa xoay vòng cái nắm cửa cậu bé vừa nghiêng đầu tò mò:
- Ai? Ai đó? Hỏi Me gì cơ?... Á à… chị Ngọc!
Một nỗi vui mừng òa vỡ cùng lúc với đôi môi nhỏ há tròn sững sờ. Cậu bé quay đầu vào nhà gọi Mẹ vang:
- Me ơi, có chị Ngọc sang. Có quà từ ĐàLạt nữa cơ Me.
Và một cái nheo mắt ném về những búp hồng đỏ nồng nàn nhô thấp thoáng sau lần giấy trắng mịn, Bảo liếng thoắng:
- Nhất chị Ngọc rồi nhe. Me thích gì chị biết cả thôi.
- Thôi, cho chị xin đi Bảo ơi. Vừa lớn mà vừa lém nữa, chị chả nhìn ra…
Ngọc nghiêng thấp đầu, cười theo những bước chân sáo cậu bé đang lăng quăng chạy vào trong giục Mẹ mau ra. Vài làn gió sớm theo vuông cửa mở thổi tung tà áo vàng nhàu nếp gấp và làm rối hơn một chút những ngọn tóc đen dài, mà ngón tay mềm cô bé giữ lại như một cái cặp dịu dàng. Bên tay ôm bó bông tì lên cửa, Ngọc mang vẻ mệt mỏi thật sự, của một kẻ ở mỗi chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ bốn mùa, vượt đường xa vạn dặm trở về đây trong ngày xuân nắng ấm, góp một nụ cười với những người thân.
Người thiếu phụ mảnh khảnh sáng lên trong đôi mắt đen lóng lánh cô bé ở cái ngẩng đầu bất chợt, làm đôi môi khô ran ríu rít trở lại:
- Thưa Dì, con mới vừa về đến ạ. Có chút quà nầy đây Me con bảo đem liền sang kẻo héo…
Me Bảo đon đả:
- Hai Me con chịu khó thì thôi… cho Dì gởi lời cảm ơn.
Vòng tay Dì choàng qua vai Ngọc vồn vã:
- Thôi vào nhà đi con… Uống miếng nước với Dì rồi về…
Hai bàn tay cô bé vừa được thong thả chợt đan vào nhau bối rối:
- Thưa con phải về ngay ạ. Còn đồ đạc phải sắp vào tủ và quà biếu nhiều… nhiều lắm cơ… không khéo mấy đứa em lại đem nghịch mất.
Đôi mắt Me Bảo hơi lắng xuống:
- Thế à… Thôi khi nào rảnh qua đây… hai Dì cháu mình hàn huyên…
Ngọc chỉ biết dạ rồi xoay xoay đầu ngập ngừng. Bảo thập thò sau gấu áo Mẹ cố chen vào một câu vòi vĩnh:
- Chị Ngọc sót quà con rồi Me…
Và cô bé nhận ngay một cái liếc dài, đe dọa:
- Em nghỉ chơi chị Ngọc ra…
Hình như chỉ chờ có thế, Ngọc thụp xuống bên chú nhỏ, môi nhoẻn ra cho tươi một nụ cười gượng:
- Dĩ nhiên là phải có quà cho Bảo chứ, nhưng… chị lỡ để bên nhà rồi…
Giữ bàn tay chú bé trong tay mình, Ngọc thêm một cái nghiêng đầu thật quả quyết:
- Chiều em sang lấy nha… chị chờ…
Và cô bé quay nhanh sang Me Bảo, hấp tấp đứng lên:
- Xin phép Dì con về ạ… mai mốt rảnh con sẽ thăm Dì lâu hơn.
Nhìn Bảo quấn quýt theo bước chân Ngọc ra về, Me còn cười với theo:
- Ừ… Bảo tiễn chị giùm Me… Me vào bếp đây, nhớ khóa cổng cho chắc lại.
Tiếng chân Me xa dần. Bàn tay Ngọc vẫn còn khéo léo giữ Bảo theo bên. Cạnh cái cổng sắt mở ra con đường nhựa lấm tấm nắng nở sáng giữa những bóng cây cao, cô bé chợt dừng lại, giọng thì thầm dặn dò:
- Có tin chị Phượng, Bảo ạ… đừng để Me hay, nhớ nghe em…
Tiếp đó là mấy bậc âm thanh ngắt quãng, trầm dần vang trên đường dẫn chị Ngọc về nhà nơi dãy phố bên kia. Còn lại Bảo cứng người trong nỗi kinh ngạc, bàng hoàng. Chị Phượng, chị Phượng. Phải rồi, mải học, mải chơi Bảo quên cả để ý. Mới năm nào Bảo nhận quà tặng từ tay chị Ngọc, đánh dấu ngày tháng của miền cao nguyên xa vời. Mới hôm nào hai chị em họ kề đầu bên nhau hồi hộp đọc những lá thư gởi từ lũng mù đồi sương. Ôi! Kể sao cho xiết bao nhiêu giòng chữ thở vào người một nỗi buồn tê, những nét lượn ngọt ngào, run rẩy vỡ trong trái tim từng cung bậc bé nhỏ mà vang động không cùng. Ôi! Những con người của miền buốt giá, trái tim mới dịu dàng và đầm ấm kể sao chứ.
Lần nào có tin chị, mắt Bảo cũng rưng rưng, chị Ngọc cũng rưng rưng. Vậy mà Me chả cho Bảo nhắc tới chị Phượng, nhắc tới Ba. Một cơ hội để Me gắt gỏng. Một lần để óc Bảo quay cuồng. Me ơi! Me chả thương con. Me muốn con giữ chỉ một tiếng Me từ nay và cho đến suốt cuộc đời. Chữ Ba con không được gọi, tiếng chị Phượng trốn tránh sau lưng Me. Me ơi, con có cả một gia đình đầy đủ. Con có Ba, con có chị. Me ơi. Con phải nói thầm với Ba là con sẽ đau xót ngần nào nếu biết được, Ba cũng không muốn chị Phượng nhắc nhở con trước mặt Ba. Con chẳng bao giờ quên được Ba, quên được chị Phượng… Lần Ba Me dứt khoát với nhau đó Bảo còn bé quá nên cứ bám cứng theo Me. Thế là Ba giữ chị Phượng, gởi lên ĐàLạt, làm quen với cuộc sống nội trú giữa những người không huyết thống, họ hàng. Mọi mối dây liên lạc giữa hai chị em kể như vô vọng nếu không nhờ Dì Năm, em Me, do sự buôn bán làm ăn gởi chị Ngọc lên học một năm sau đó. Chị Ngọc hai tháng được về một lần còn chị Phượng thì cả năm mới được Ba lên rước về. Những lần hai chị em đến gặp nhau ở nhà Dì, Bảo hỏi thì chị Phượng nói là Ba vẫn thương chị lắm nhưng sợ chị về Sàigòn sẽ bỏ Ba mà theo Me.
Hai chị em khóc với nhau. Bảo chẳng khi nào bỏ Me cũng như chị Phượng chẳng bao giờ bỏ Ba. Sở dĩ phải giữ tình trạng như thế nầy là tại vì, hai chị em Bảo không nghĩ được cách hàn gắn sự sứt mẻ giữa Ba và Me đó thôi. Ba gặp Me ba ngoảnh mặt. Me gặp Ba Me làm ngơ và không cho cả chị Phượng và Bảo ngoái nhìn nhau. Còn hơn là hai người lạ, hai người thật lạ.
Ba ơi. Me ơi. Con và chị Phượng phải làm sao. Phải làm sao.
*
- Ừ… Bảo hả em, vào đi…
Ngọc đang sắp mấy cái vali lớn nhỏ vào sàn tủ treo áo để căn phòng thoáng bớt một chút. Nét mặt cô bé có vẻ tươi hơn ban sáng trong bộ đồ màu xanh mát thoải mái, có lẽ vừa ngủ thẳng cẳng được một giấc. Buổi chiều đi rộn rã tiếng trẻ con nô giỡn trong xóm. Thắp sáng đèn trong phòng, tiếng Ngọc cũng rộn rã:
- Chị tưởng Bảo mai mới qua chứ.
Bảo ngừng lật một tập sách nơi bàn học, dí dỏm cười:
- Sao lại mai há, chị biết không, nghe tin chị Hai em muốn sang chị liền sáng đó mà phải nán chờ để xin phép Me.
Vừa mở tủ lấy quà của Phượng, Ngọc chép miệng pha trò:
- Ối dào… con trai mà như Bảo chết cả thiên hạ đó nhé, hở một tí là có mặt Me rồi…
Mắt Bảo thoáng buồn:
- Tại chị không biết ấy chứ…
Ngọc không dám tiếp nữa, khệ nệ ôm quà đến bàn. Gồm 1 chiếc hộp to vuông gói giấy hoa và một chiếc hộp dẹp gói giấy hồng. Cả hai đều thắt noeud tuyệt đẹp. Ngọc chỉ chiếc hộp dẹp:
- Cái nầy là quà của chị cho Bảo còn cái kia của chị Phượng.
Bảo cố giữ vẻ từ tốn:
- A! Nhiều dữ há, em xem liền được không…
Ngọc không nén được một nụ cười mỉm:
- Ồ, được chứ, của Bảo cả mà…
Hai bàn tay nhỏ run như cánh bướm non vòng tay gỡ dây rồi mấy lớp giấy. Quà chị Ngọc là mảnh gỗ khéo léo khắc tên Bảo tuyệt xinh, có cả hai chú chim châu đầu giữa những vòng hoa quấn quýt thương yêu. Bảo định cám ơn nhưng mặt Bảo tươi quá, đôi mắt cứ chăm chú không rời món quà, vừa ngẩng lên là bắt gặp nụ cười trìu mến của chị Ngọc rồi. Bảo lí nhí hoài chả nói được, đành mở tiếp gói chị Phượng. Lần nầy là chiếc áo len màu xanh sẫm như màu mực. Nhất chị Phượng rồi. Chị thương Bảo quá thôi. Màu nầy Bảo thích nhất. Bảo vẫn nói với chị là màu nầy mới đúng là của con trai, mặc vào trông hùng dũng hẳn ra. Bảo hấp tấp ướm thử, chị Ngọc cũng giúp một tay. Hai chị em cùng nhau đến trước gương nhỏ. Áo sơ mi trắng bên trong nổi hẳn lên. Mắt Bảo như đen thêm, sáng ngời thêm. Nhưng dở một cái, da Bảo trắng quá. Hai chị em giống nhiều điểm đó. Me vẫn bảo con trai phải đen mới khỏe ra. Bên cạnh, chị Ngọc cũng cúi thấp, nghiêng đầu soi vào trong gương. Đôi má màu hồng non mịn màng nổi bật trên áo len xanh. Đôi mắt chị cũng sáng, thật sáng. Chiếc miệng hơi trễ xuống diễu cợt. Chị cũng liếc nhìn Bảo, nhìn mảnh gỗ kỷ niệm Bảo ôm trong tay. Như bức tranh vẽ hai chị em búp bê. Bất giác Bảo phá ra cười, chị Ngọc cũng phì cười. Bức tranh trước mặt rung rung. Bảo nhận được cái bẹo má thật đau:
- Sao Bảo cười?...
Bảo định trả lời, nhưng nghĩ sao hỏi lại:
- Sao chị cười?
- A! Tại chị thấy Bảo mặc áo đẹp, chị khen…
- Á! Khen tại sao cười, đúng rồi, chị nhạo Bảo…
Mặt Bảo xịu xuống. Chị vội vàng du Bảo tới trước mặt:
- Không, chị khen Bảo thật mà… chị cười vì tự nhiên hai chị em mình cùng soi gương một lúc…
Bảo chợt nhớ ra:
- Quà của chị Phượng chỉ thế sao chị?...
Chị Ngọc hơi ngạc nhiên rồi hiểu ra:
- À, đáng lẽ chị Phượng viết thư cho em nhưng vì sắp về Saigon nên chị Phượng chỉ nhờ chị nhắn vắn tắt là sẽ có quà cho Me Bảo và sẽ gặp Bảo tại đây vào sáng thứ hai tới…
- A, nghĩa là sáng mốt hả chị?
Chị Ngọc gật đầu chắc chắn:
- Ừ, em đến được không… chị xin phép Me cho.
Bảo cố giữ lại nhưng nước mắt vẫn cứ trào ra rơm rớm:
- Chị Ngọc… chị… tốt với em quá…
Mắt chị Ngọc chớp nhanh ; hai bàn tay chị ôm gáy Bảo, thương mến:
- Thấy tình cảnh của Phượng và Bảo, chị thương quá đó thôi.
Óc Bảo chợt sáng lên một ý nghĩ. Mấy lần há miệng định nói với chị Ngọc rồi Bảo lại thôi. Có lẽ chờ chị Phượng để nói mới đúng hơn. Cậu bé lẳng lặng gói quà lại. Ôm cả hai khít khao trong lòng rồi, Bảo cúi đầu:
- Em xin phép chị về… kẻo Me trông.
Chị Ngọc cũng đứng lên:
- Ừ, em về…
Bảo vụt chạy về nhà. Còn một mình ngọc trong phòng, dõi theo bóng Bảo với vẻ ngẫm nghĩ rôi se sẽ lắc đầu...
*
Mãi khi trời tối mịt, hai bố con mới lo xong mọi thủ tục để rời khỏi phi trường. Ba xách hộ Phượng cái va-li to còn Phượng thì mang cái vali vừa vừa và túi xách tay. Chân Phượng mỏi nhừ, mi mắt muốn sụp xuống. Ba vì quen với những chuyến đi về như thế nầy nên có vẻ tươi tỉnh hẳn ra, rảo những bước to để chóng tới lộ cái. Phượng tụt dần ra sau, chắc tại vừa đi vừa ngó quanh. Trời tối thế mà phi cảng vẫn tấp nập ghê đi. Người đưa đi, người rước về. Đủ mọi khuôn mặt, mọi quốc tịch, nét cảm động, lo lắng hiện rõ. Các cô bé trong dịp tiễn đưa tha hồ diện, áo xanh áo đỏ hoa cả mắt. Phượng thích nhất là ngắm mấy cô tiếp viên hàng không, mặc đồng phục xanh, bận rộn chạy tới chạy lui và kiều diễm ghê là. Tiếng loa, tiếng nói chuyện, tiếng giày huyên náo cả khoảng sân lát gạch hoa rộng thênh thang, sáng rực lên dưới ánh nê ông thắp cùng khắp. Tiếng phản lực ầm ầm nổ máy, các chong chóng quay tít để chuẩn bị rời khỏi phi đạo. Mấy ánh đèn xanh đỏ nháy nhó lia lịa. Những hình ảnh, âm thanh ấy chắc muôn đời phải làm Phượng nao nao.
Bây giờ là cuối năm. Phượng nhủ thầm rồi chắp khít hai vạt áo len mỏng. Trời Saigon bắt đầu lạnh. Cái lạnh buồn buồn, đột ngột chứ chả lạnh se da như ở ĐàLạt. “Như có con gì rúc rúc tận trong xương sống” như nhỏ Ngọc diễn tả. Phượng thoáng cười rồi buồn ngay. Bảo. Ừ, Phượng nhớ ngay đến Bảo. Không biết bây giờ cái áo len Phượng đan đến tận tay cậu bé hay vòi vĩnh ấy chưa. Đôi mắt chắc tròn bằng thích. Trời Saigon vào lạnh gần Tết tha hồ khoe áo với bạn trong lớp. Phượng nhớ làm sao nhớ vầng trán cao, phẳng, đôi mày nhạt mà thưa và hàng mi có những sợi dài cong thật đều làm đẹp đôi mắt tròn, sáng, mỗi lần nhìn lên Phượng như ngạc nhiên, tò mò mà như soi thấu cả tâm hồn. Một năm Phượng không về, chẳng biết có thay đổi gì không. Hẳn lớn và nghịch nhiều lắm. “Me rầy em hoài hà chị Hai, Me bảo em chả dễ thương như lúc nhỏ nữa…” Một lần cậu bé rưng rưng kể Phượng nghe câu Mẹ mắng. Ý nghĩ xoay xoay trong đầu, Phượng đong đưa nhè nhẹ chiếc túi. Ồ, thật làm sao để biết Me thay đổi thế nào. Chắc vẫn mảnh mai, óng ả như thuở xưa. Ôi! Con người mới thật dịu dàng mà cương quyết biết bao nhiêu. Ba cũng thế. Cho nên mới có một lần xảy ra một chuyện. Hai hành tinh cùng rắn như đá va vào nhau. Kết cục xảy ra ở hậu quả thứ hai. Hai hành tinh không vỡ mà bang đi xa tít. Người ôm đóa sao Hôm, người khư khư giữ mảnh sao Mai. Một chân trời, một góc bể. Thư Phượng viết cho em chỉ nhắc nhở đến Ba thôi. Thư Bảo viết cho chị chỉ kể lại chuyện Me thôi. Trời cao nguyên mây mù. Trời Saigon mưa giông sụt sùi. Trời ơi. Biết bao giờ. Biết bao giờ Phượng kể được cả chuyện Ba lẫn Me. Biết bao giờ hai chị em mới hết lén gặp nhau. Quà Phượng tặng được trang trọng trao trước mặt Mẹ. Biết bao giờ mới hết nhờ vào sự giúp đỡ của Ngọc. Biết bao giờ Phượng với Bảo mới không còn nắm tay nhau khóc buồn chuyện Ba Me!
- Nghĩ gì mà đi chậm thế con?
Tiếng Ba dòn dã và ngọt ngào vang cạnh bên. Thì ra nẫy giờ Ba đứng chờ mà Phượng chả biết. Cô bé nhè nhẹ lắc đầu, mái tóc uốn cong sát gáy hơi phất gió một chút. Nụ cười Phượng nở rời rạc trên môi:
- Con mỏi chân quá Ba ơi. Vừa đói vừa mệt nữa. Có xe chưa Ba?
Giọng Ba an ủi:
- Phải chờ một chút chứ con. Taxi ít khi chạy đường nầy lắm…
Vừa nói Ba vừa ngóng bên kia đường. Một chiếc taxi vừa dừng lại để hai người lính bước xuống. Ngọn đèn trong taxi bật sáng. Một phút thối tiền, chiếc xe đóng sầm cửa rồi vòng trở lại. Ba vẫy lẹ tay. Hai bố con nhào lên xe. Vướng vít một lúc lâu mới chồng được hai cái va-li lên nhau. Thế cũng yên tạm một lúc. Nghe tiếng thở phào, ba nghiêng đầu hỏi nhỏ:
- Ba bảo taxi dừng ở tiệm ăn nghe…
Phượng nhìn hút mắt khoảng sân phi trường bát ngát cỏ, xôn xao trong đêm và vuông nhà rộn rã sáng thờ thẫn lắc đầu:
- Không, Ba ạ. Con muốn ăn ở nhà, với một mình Ba tối nay.
*
- Ba nhờ Tám giúp việc được bao lâu rồi hở Ba?
Ba ngừng đưa muỗng sữa lên miệng, đôi mắt hơi lắng lại nhẩm tính:
- Khoảng một tháng mấy… sau khi con trở lại ĐàLạt để học…
- Như thế là gần một năm chứ, phải không Ba.
Ba chậm rãi:
- Ừ… con thấy sao?
Phượng đẩy ly sữa ra xa, chống cả hai tay lên bàn:
- Con trai mà giúp việc được như thế là giỏi chứ Ba, lại thật thà nữa.
- Ba cũng nghĩ tới việc nó có thể giúp con làm bánh trái mà con thích trong dịp Tết nầy…
Gương mặt sáng lên, cô bé kêu khẽ:
- Ồ! Thế thì thật tuyệt, Ba sẽ biết được nhiều món ngon. Ba biết bánh tròn tròn nhưn mứt như cái bông không? Ba biết bánh hình xoắn ốc phết crème không? Ba biết bánh hột gà không? Ba biết…
Phượng hốp tốp nói. Mãi khi ba chặn bàn tay trước mặt, nhẹ trêu:
- Ba biết, Ba biết chứ. Con gái ba giỏi thế thì thôi…
Cô bé đỏ mặt. Ba mỉm cười tiếp:
- Nhưng mà con gái phải nói ít ít thôi chứ con, còn để ba thưởng thức nữa chứ… Nào, con có những chuyện khác cần nói hơn, phải không?
Nét mặt Phượng trầm lại, mắt đăm đắm nhìn khoảng bàn trước mặt. Mắt cô bé ngẩn ngơ. Tâm hồn cô bé ngẩn ngơ. Ba sâu sắc thế thì thôi. Trái tim ba tế nhị quá đi thôi. Giá Me cũng nói với con gái Ba như thế thì tuyệt trần quá. Đôi mắt Phượng như tối sầm lại. Buổi sáng Saigon vào xuân có lá khua ròn rã và tiếng chim lạ nhảy nhót reo sương trên đỉnh trời đầy, như reo trong suốt đáy hồn. Khó khăn lắm, cô bé mới tiếp, như một lời ru nhỏ nhẹ:
- Ba ạ, quả đúng con có thật nhiều chuyện muốn nói với với Ba. Thật nhiều đến nỗi có lần con nghĩ là mình kiếm cách để gọi hoài tiếng Ba, để được tin chắc là đang kề cận bên Ba. Ba ạ, chắc ba cũng biết là nhiều lúc con nhận định rằng mình thật sự bơ vơ…
Cô bé có một nụ cười mãnh liệt, vô bờ toát ra từ đôi mắt chớp nhanh và hai vành môi mím chặt:
- Mà nói làm chi chuyện đó hở Ba. Vì chính em Bảo cũng đang chấp nhận hậu quả của giải pháp Ba Me đưa ra…
Sau tiếng thở dài nhẹ thoát lên, giọng Ba hơi rắn lại:
- Thôi con ạ. Thôi Phượng ạ.
Phượng nhìn thẳng Ba. Mắt cô bé như sững đi. Ba ơi! Với một chữ thôi để ngăn con đừng nói đến chuyện Me, Ba biết Ba lập lại đã ba lần không Ba. Con quá đầy đủ mà cũng quá thiếu thốn. Giá mà Thượng Đế đừng để trong con người một linh hồn, một trái tim. Giá mà trái tim người chỉ biết đau khổ khi vỡ một lần đầu. Nhưng đau thế có thể chết ngay được phải không Ba. Mà con người như thế đâu còn là con người phải không Ba. Như một người điên với nụ cười triền miên trên môi, con đã kể Ba nghe. Người ta không nghĩ cách chữa bệnh điên cho người đó. Vì có chắc khi tỉnh, một con người đúng nghĩa còn được vui vẻ hoài thế nữa không. Ba đã vò đầu con gái Ba, bảo con Ba lý sự. Rồi Ba lại buồn. Ba hiểu con Ba hơn ai hết, con Ba nghĩ sâu hơn Ba tưởng, con Ba không còn trẻ. Một miếng bánh, một cái hôn đặt trìu mến trên trán không làm con Ba dễ dàng nhoẻn một nụ cười. Con có em, con có Me. , có Ba. Một gia đình rẽ hai có quyền gọi là hai gia đình không hở Ba? Hay chỉ là hai mảnh vỡ của tinh cầu hạnh phúc xa xăm?
Cô bé rời ghế vòng qua chỗ Ba đang ngồi chống tay ôm đầu suy nghĩ trông thật thương. Tiếng Phượng như tiếng hót của loài chim hồn nhiên:
- Ba ạ, Thật ra câu chuyện chả có gì. Con xin lỗi đã làm ba buồn.
Ba vẫn lặng im, như muốn nói gì rồi lại thôi. Phượng quay đầu vào trong:
- Tám ơi, ra dọn bàn đi em.
Ba cũng vội vã rời bàn để hỏi vói theo Phượng đang nhảy lên mấy bực thang lầu:
- Sáng nay con có định đi đâu phải không?
Phượng dừng hẳn lại, nhoài đầu ra ngoài thành song sắt tươi cười:
- Da con đến đưa quà cho mấy nhỏ bạn. Có chuyện chi không Ba?
Ba vừa bước vào phòng vừa đáp:
- Không. Nhưng Ba đi làm việc sớm đây. Khi nào con đi nhớ khóa cửa phòng và dặn Tám trông nhà…
- Dạ con nhớ ạ. Ba không phải lo.
*
Như có cơn lốc thật nhanh cuốn Phượng bỏ vào nhà Dì Năm rồi vội vàng bỏ đi nên chả ai hay cô bé đến lúc nào. Chỉ biết khi Ngọc và Dì Năm cùng ngẩng lên thì thấy Phượng đã đứng nhìn mọi người dịu dàng. Trong chiếc áo dài xanh da trời, hơi cao để một khoảng quần trắng rộng, nụ cười nở sáng long lanh, Phượng như một kẻ trở về, mang bề ngoài tuyệt vời của một mái ấm nghìn thu. Sự yên ổn nơi đây đằm thắm quá. Trái tim cô bé thoắt nhói lại.
Tiếng reo của Dì Năm hòa trong tiếng Ngọc rõ to:
- A! Phượng.
Ngọc tíu tít liền sau đó:
- Thế mà cứ đứng im đó. Bận sau Ngọc phạt đó nhe.
Mẹ Ngọc cũng ân cần:
- Kìa, ngồi xuống đi con. Về được bao lâu vậy…
- Dạ khoảng mùng bảy con trở lên…
Hai cô bé ríu rít ngồi cạnh nhau như đôi chim non. Phượng kéo mảnh áo len Ngọc đang đan:
- Sao mà siêng thế, nhỏ? Tết mà chẳng ra khỏi cửa à…
Cô bé Ngọc nheo mắt nghịch ngợm:
- Ồ, nói thế tội Ngọc chết… tại còn chút nữa Ngọc cố đan cho xong chứ mấy hôm nữa Phượng lại, chẳng tìm Ngọc ra đi…
Phượng tròn mắt trêu:
- Ghê thế cơ à… – và cô bé không giấu được vẻ sốt ruột, khẽ hỏi – thế Bảo đến chưa hở Ngọc?
Ngọc chợt ngẩng đầu lên, đôi mắt chơm chớp tinh quái:
- Ứ ừ… chưa… không biết sao mà trễ thế nữa…
Mắt Phượng tối hẳn lại:
- Không chừng Me Phượng không cho đi.
Nụ cười Ngọc có vẻ cả quyết:
- Cho chứ, Ngọc đến xin phép mà… chắc Bảo gặp bạn dọc đường chứ gì…
Mẹ Ngọc chắc thấy tội Phượng quá:
- Thôi… Ngọc, đừng đùa nữa… nói Phượng nghe đi…
Ngọc vẫn cứ cười cười lúc lắc đầu. Phượng tức mình đứng lên đi vòng vòng quanh. Trái tim cô bé nhảy nhanh hồi hộp, như linh cảm được một cái gì. Đôi mày Phượng nhíu lại. Ngọc ác thế thì thôi. Nước mắt cô bé muốn trào ra. Mờ mờ nhạt nhạt, sau một chiếc tủ đen kê mãi xa bên phòng học, một cái gì động đậy ló ra. Phượng phập phồng bước tới, đôi mắt mở to. Đúng rồi, vạt áo len xanh sậm Phượng đan cho Bảo. Không dừng được, Phượng kêu:
- Bảo! Bảo! Phải em không…
Cái bóng nhỏ quay nhanh lại, nhảy chân không ôm chầm Phượng. Một tiếng a thật nhỏ không thoát nổi khỏi miệng cậu bé. Phượng lúc lắc tay Bảo:
- Em đang làm gì vậy?
Bảo cũng có một nụ cười mím lại hệt như Phượng:
- Chị Ngọc bảo em vào đây ngồi đọc sách chờ, khi nào chị đến sẽ gọi em.
Phượng cũng cười theo:
- Nhỏ Ngọc thật ác… Nó định giấu em cho chị khóc chơi hay sao ấy.
Tiếng Ngọc vang sau lưng hai chị em, vui vẻ:
- Phượng nói xấu Ngọc há. Tại Ngọc muốn biết ai nhìn thấy ai trước chứ bộ… Có thế mà Phượng cũng rưng rưng đấy Bảo ơi…
Phượng nghẹn lời, chả trả lời được. Bảo đã trả đũa thay:
- Chị của Bảo phải thương Bảo chứ. Ai như chị Ngọc vậy.
Nhưng tiếng chân của Ngọc đã xa dần trả lại sự yên lặng đầm ấm giữa hai chị em. Phượng lấy một chiếc hộp trong giỏ trao cho Bảo:
- Cái nầy của Me. – Phượng lau nhanh nước mắt – đừng để Me biết chị tặng Me nghe em.
Đôi mắt tròn, sáng, cậu bé ngẩng lên tò mò:
- Cái gì hả chị?
- Một cái nhà sàn làm bằng quả thông đẹp lắm. Quà đặc biệt của ĐàLạt đó. Nhưng Bảo phải nói là lần nầy chị Ngọc cho Me nha…
Bảo nhíu mày, lắc đầu:
- Không được đâu, chị Hai ơi.
Phượng ngạc nhiên:
- Sao vậy… A, – Phượng hơi nhớ ra – phải rồi, Dì Năm với Ngọc cho Me bó hoa rồi phải không…
Phượng cắn môi suy nghĩ. Hai bàn tay cô bé hơi run. Me biết thì hai đứa bị la hết, nhất là Bảo. Phượng loay hoay tìm cách thì Bảo reo lên:
- A, để em nói cái nầy của em tặng Me – cậu bé cả quyết – được, được mà chị Hai.
Phượng ngẩng lên:
- Nhưng mà cái nầy của ĐàLạt. Với lại em có tiền để dành đâu mà mua.
Mặt Bảo tươi hơn Phượng dự tưởng:
- Sao lại không? Em có con heo đất bỏ tiền to vầy… vầy nè. Cậu bé dang rộng hai tay để phân định.
- Thế Me có biết không?
Bảo gật mạnh đầu:
- Biết chứ. Em sẽ nói là em mua tặng Me, gởi bạn mua. Thế nào Saigon cũng có chỗ bán đồ Đà Lạt chứ, phải không chị Hai?
Phượng vẫn còn phân vân:
- Thế rủi Me biết tiền em vẫn còn nguyên thì sao?
Gương mặt Bảo sáng lên thêm, miệng cậu bé nhoẻn cười:
- Em tính trước cả rồi. Em sẽ tặng Ba một món quà.
- Tặng Ba? – Mắt Phượng mở thật tròn, sửng sốt.
Bảo nghiêng đầu, nhướng mắt một cách đáng yêu:
- Chứ sao… chị không muốn à…
Mãi đến bây giờ, Phượng mới lấy lại nụ cười mím chặt môi thật tươi:
- Ồ… tại sao không… chị muốn lắm chứ.
- Thế chị muốn cùng em đi mua đồ cho Ba không, em có đem tiền theo nữa…
Thêm một lần mắt Phượng đầy ắp ngạc nhiên:
- Bây giờ à? Me, Me…
- Me cho em chơi ở nhà chị Ngọc đến trưa lận cơ…
Bảo vui vẻ ngắt lời và tiếp ngay:
- Vậy bây giờ em với chị xin phép Dì đi nhé?
- Ừ, chị đi với em. Phượng gật mạnh đầu.
Rồi ôm vòng cậu bé để cùng đi về phía phòng khách, giọng Phượng rung động:
- Thật như một cuộc trao đổi. Bảo lớn và biết nhiều hơn chị tưởng quá đi cơ.
_________________________________________________________
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 170&171, xuân Nhâm Tý, ra ngày 1 và 15-2-1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét