CHƯƠNG V
U ĐỎ NỔI ĐIÊN
- U Đỏ nổi điên rồi ! - Hương Tẹt nói.
- Hoàn toàn điên rồi ! - Tuấn Khờ nhấn mạnh thêm.
- Đưa tôi xem U Đỏ viết gì nào - Mai Nhè nói. Hương Tẹt lúc lắc đầu :
- Mày chưa cần xem vội, mày chỉ biết là U Đỏ đã khùng rồi, khùng thật rồi !
- Có phải U Đỏ bắt mình đốt trường ?
- Đâu phải tại vậy mà tao nói U Đỏ khùng ? - Hương Tẹt khẽ nhún vai.
- Thế thì U Đỏ bắt mình làm những việc ghê gớm hơn ?
- Phải. Muốn đốt trường mình chỉ cần có lửa, muốn chận dòng sông chảy mình chỉ cần lên tận nguồn lấy tay bịt lại. Đằng này tao hỏi tụi bây, mình có thể làm trái đất ngừng quay chung quanh mặt trời được không ?
Vừa nghe xong Phát Lém hoảng hốt hỏi :
- U Đỏ bắt mình làm như thế à ?
- Còn khó hơn nữa. Làm trái đất ngừng quay chung quanh mặt trời chỉ là một trò chơi ảo thuật, một trò chơi trẻ con, đằng này tụi bây xem nè...
Bọn Tuấn Khờ năm đứa ngồi xếp hàng một trên bờ sông, chân chúng đánh đòng đưa trên mặt nước xám đục. Hương Tẹt đưa tờ giấy nó thấy ở trong tờ báo Tuổi Hoa của nó để trong cặp cho cả bọn xem. Tờ giấy lần lượt chuyền từ tay này sang tay khác. Cả bọn lần lượt đọc, không người nào nói với nhau một lời nào cả. Một lúc lâu, Mai Nhè thì thầm :
- Anh Hương có lý quá xá.
- Kỳ quá, Tuấn Khờ la lên, thật vô lý hết sức. "Các bồ hãy làm sao ngày 2 tháng 2 - 69 là ngày nghỉ học cho toàn thể học trò. U Đỏ". Lẽ dĩ nhiên là bọn mình không thể nào đốt trường và đầu độc giết các thầy được vì bọn mình đâu là kẻ sát nhân. Nếu U Đỏ bảo năm đứa mình nghỉ học thì... dễ quá…, bọn mình chỉ cần trốn học là nghỉ ngay… Đằng này bắt bọn mình phải làm cho cả trường nghỉ học vào ngày đó thì... kỳ quái quá ? Điên quá ! Phi lý quá.
Phát Lém nghiến răng :
- Tao hết sợ U Đỏ rồi. Đã hơn nửa tháng nay U Đỏ đã không ra lệnh nào, đùng một cái U Đỏ bảo mình làm như vậy. Cái gì thì cũng phải có lý chứ, vô lý như thế ai mà chịu được.
Mai Nhè nói :
- Anh Hương, theo anh thì mình phải làm sao ? Anh hãy viết một bức thư cho U Đỏ biết việc đó phi lý rồi để trong tờ Tuổi Hoa, chỗ anh lấy tờ giấy của U Đỏ. Biết đâu U Đỏ sẽ đọc, biết mình đã điên và sẽ tự nguyện vào nhà thương điên Biên Hòa.
- Nếu mình cãi lại, U Đỏ sẽ trả thù. - Minh Lùn nói với giọng lo âu.
- Làm thế nào bây giờ ? Làm thế nào bây giờ ?
Từ trước đến nay, U Đỏ lúc nào cũng có lý và những lệnh U Đỏ chứng tỏ U Đỏ là một vị anh hùng hào hiệp, thế mà bây giờ lại trái nghịch hẳn, thật không thể nào tưởng tượng được ? Cả bọn Tuấn Khờ im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Thình lình Mai Nhè lên tiếng :
- Tụi mình đừng thèm để ý đến lệnh này nữa !
Nói như thế thì dễ quá, nhưng cả bọn có dám đừng thèm để ý hay không ?
Còn những một tháng nữa để suy nghĩ về lệnh mới của U Đỏ. Hương Tẹt và Phát Lém quyết định viết cho U Đỏ một bức thư nói cho U Đỏ biết là U Đỏ đã đòi hỏi bọn chúng một hành động phi lý và không thể nào làm được, U Đỏ chả biết tí gì về trường học cả, xin U Đỏ ra cho bọn chúng một lệnh khác hợp lý hơn.
Bức thư Hương Tẹt và Phát Lém viết cho U Đỏ như thế này :
Kính thưa U Đỏ,
Sáng nay, bọn tui nhận được lệnh của U Đỏ bảo bọn tui làm cho toàn thể học sinh nghỉ học ngày 2 tháng 2, bọn tui thấy lệnh đó phi lý quá, không thể nào làm được, có lẽ U Đỏ không biết gì về trường học cả nên mới ra lệnh như vậy. Bọn tui chỉ có thể trốn học ngày hôm đó được chớ làm sao mà bắt cả trường trốn học được. Từ trước đến nay bọn tui luôn luôn tuân lệnh U Đỏ và đã thành công tất cả. Xin U Đỏ cho lệnh khác hợp lý hơn.
Kính thư,
Tuấn Khờ, Phát Lém, Minh Lùn
Hương Tẹt, Mai Nhè.
Hương Tẹt trịnh trọng để bức thư vào giữa tờ Tuổi Hoa.
- Không biết U Đỏ có nhận được hay không ? Nếu nhận được U Đỏ sẽ phản ứng lại như thế nào?
Nhưng, trong cả bọn, chỉ có Hương Tẹt lo nhất, nó bao giờ cũng nghĩ đến lệnh phi lý của U Đỏ. Những người còn lại yên chí U Đỏ sẽ biết lẽ phải sau khi đọc bức thư của chúng để trong tờ Tuổi Hoa mặc dù chúng chưa biết chắc U Đỏ có đọc được thư của chúng hay không.
Và như thế thì nghĩ đến lệnh đó làm chi cho mệt ! Riêng Hương Tẹt cảm thấy có một cái gì là lạ trong lệnh này. Có một ngày nghỉ bất ngờ ngay giữa niên học là một điều thú vị vô cùng ! Tại sao mình không thử cố gắng thi hành lệnh đó xem sao ? Nhưng bắt đầu thi hành lệnh từ chỗ nào ?
Suốt ngày hôm đó, Hương Tẹt lúc nào cũng nghĩ ngợi đến lệnh mới của U Đỏ. Nó ít nói, ít cười như mọi ngày, cả lúc ngồi vào bàn ăn dùng cơm chiều. Thấy thái độ lạ thường của con, ông Lành hỏi :
- Bữa nay sao con có vẻ lạ vậy con ?
Không chờ Hương Tẹt trả lời, ông Lành nói thêm giọng khôi hài.
- Hay là con đang nghĩ viết một bài hấp dẫn để đăng báo ?
Ông Lành, ba của Hương Tẹt, đương là chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí thiếu nhi Trăng Vàng, một trong những tạp chí nổi tiếng nhất Việt Nam. Ông Lành rất mê nghề báo và yêu trẻ. Nhưng, ông không muốn con ông theo đuổi nghề ông một cách chuyên nghiệp. Ông muốn con ông trở thành một kỹ sư canh nông hầu có thể có khả năng phục vụ đồng bào một cách cụ thể hơn vì nước Việt Nam là một nước nông nghiệp và thành phần nông dân nghèo khổ là thành phần đa số với mọi tầng lớp dân chúng và đó cũng là một thành phần chịu nhiều đau khổ nhất trong cuộc chiến kinh khủng nhất thế kỷ của loài người... Trong những lúc nói chuyện với các bạn thân, ông Lành thường tâm sự cho các bạn biết ước mơ ông đặt vào con ông và ông thường nói :
- Nếu con ông khi trở thành kỹ sư canh nông mà không làm đúng ý muốn của ông, nếu nó chỉ nghĩ đến cách lợi dụng bằng cấp để làm tiền, để vinh thân phì gia, để trở thành một giai cấp bóc lột đồng bào, ông sẽ từ nó, coi nó không phải là con nữa.
Tuy nói như thế, nhưng trong thâm tâm, ông Lành khẳng định không tin như thế vì Hương Tẹt là con của ông, con trai cưng của ông mà.
Cha nào con nấy, Hương Tẹt cũng có chút máu "văn nghệ" trong người, thỉnh thoảng nó cũng làm một bài thơ, cũng sáng tác một truyện ngắn khá ý nhị và được đăng lên báo Trăng Vàng. Ông Lành để ý những khi con ông có vẻ trầm tư khác hơn ngày thường là lúc con ông đang có cảm hứng và sắp ghi các cảm hứng đó lên giấy. Vì thế, lần này, ông cũng nghĩ thế nhưng ông đã lầm, ông đâu có biết con ông đã là người của U Đỏ, một nhân vật bí mật kỳ dị...
Thấy con không trả lời, ông Lành nói lảng sang chuyện khác vì ông tôn trọng phút suy tư của con.
- Chiều nay, tòa soạn mới nhận được trên trăm bức thư của các em độc giả tỉnh mình gởi đến… Đúng là ngây thơ đáng yêu.
Thấy lạ, Hương Tẹt mới lên tiếng :
- Các bức thư hỏi gì đó ba ?
Ông Lành cười :
- Con có đọc truyện dài thần tiên Bà Tiên Phúc Hậu đang đăng trên báo mình không ?
- Thưa ba, có !
- Chắc con còn nhớ kỳ rồi, trong truyện ấy, có đoạn nói Bà Tiên Phúc Hậu sắp đến tỉnh mình thăm các bé...
- Dạ, con nhớ chứ ! Truyện đọc thấy mà mê.
Tới đây, ông Lành cười :
- Tại đọc thấy như thế, các bé Trăng Vàng ở tỉnh mình mới viết thư về hỏi chừng nào Bà Tiên Phúc Hậu đến đây để các bé nghỉ học đi đón.
Ông Lành vừa nói xong, bà Lành lên tiếng :
- Đúng là trẻ con !
Ông Lành phụ họa :
- Đó là một trong những cái đáng yêu nhất của tuổi thơ đấy bà ạ !
Bà Lành hỏi :
- Thế ông tính trả lời các bé làm sao ?
Một tia sáng lóe vào óc Hương Tẹt. Nó nói vội trước không chờ ba nó trả lời má nó :
- Ba trả lời Bà Tiên Phúc Hậu sẽ đến vào một ngày nào do ba chọn để tất cả trường học bữa đó nghỉ đi đón nghe ba ?
Hương Tẹt nói thêm :
- Cho vui !
Hương Tẹt đã không bỏ lỡ mất dịp bằng vàng để thi hành lệnh của U Đỏ. Nếu ba nó chấp thuận, nó sẽ đề nghị ngày nghỉ học đi đón Bà Tiên Phúc Hậu, cái ngày đó đó... Ôi ! Sung sướng làm sao!
Hương Tẹt không ngờ đã tìm được lối thoát một cách hết sức bất ngờ và dễ dàng như thế !
Nhưng...
- Đâu có được con ! Làm như thế là đánh lừa các bé, lừa đảo là một trong những lỗi lầm không thể tha thứ được của người làm báo thiếu nhi. Hơn nữa, làm như thế các bé sẽ mất một ngày học và mất vĩnh viễn Bà Tiên Phúc Hậu thường hiện lên gặp các bé trong những giấc mơ đẹp, êm đềm.
Tuy cụt hứng, Hương Tẹt vẫn không buồn vì nó đâu có đặt tất cả hy vọng vào ba nó, đó chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên, được thì tốt, không được thì thôi... Nhưng nhờ dịp tình cờ này, Hương Tẹt đã thấy, đã thấy hết sức mơ hồ, một chút hy vọng loé lên, hy vọng có thể thi hành công lệnh mới của U Đỏ.
Nhờ nói chuyện với ba nó, Hương Tẹt nghĩ đến một người có thể giúp nó được. Đó là chú Ba Ho.
Chú Ba Ho là bạn học cũ cùng trường của ông Lành. Chú rất hoạt động và luôn luôn vui vẻ với tất cả mọi người. Khi ông Lành đã làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Trăng Vàng thì chú Ba Ho vẫn còn đi học. Chú rất mê đọc sách, bao nhiêu tiền có được chú đều để dành mua sách cả. Nhưng, không có ai có thể ở không mãi mà đi học được, chú Ba Ho phải đi làm để sống. Nghề chú chọn là nghề dạy học, một nghề cao quý chú mê say từ bé. Tại cuộc đời đưa đẩy, chú Ba Ho đã đến tỉnh này năm rồi và nhờ thế chú đã gặp lại ông Lành, người bạn học đàn anh hồi nhỏ mà lúc bé chú đã coi như người anh đáng kính vì hồi còn trẻ, ông Lành đã nuôi một lý tưởng đẹp tuyệt vời : làm báo giáo dục thiếu nhi. Gặp ông Lành, chú Ba như cá gặp nước, ngoài giờ dạy học, chú viết liên miên, bài ngắn có, bài dài có cho tờ Trăng Vàng của ông Lành. Chú Ba Ho thường đến nhà ông Lành chơi và ăn cơm. Nhờ vậy, Hương Tẹt đã quen chú. Hương Tẹt rất mến chú. Chú còn trẻ, vui tính, cởi mở... Chú còn biết đờn ghi ta và nếu có ai yêu cầu, chú cũng còn hát nữa mặc dù giọng hát của chú lúc thì như bò rống, lúc thì khàn khàn như vịt đực. Chú cũng khoái Hương Tẹt lắm. Hai chú cháu có thể cùng nhau nói chuyện cả ngày không chán. Chú thường nói cho Hương Tẹt nghe hai cái thật bự luôn luôn ám ảnh chú. Một cái là niềm căm hờn, bất mãn của chú, chú căm hờn những chủ trương buôn chữ coi trọng đồng tiền, coi rẻ giáo sư. Chú coi những người này là những tên tư bản chữ nghĩa phá hoại giáo dục cần phải diệt trừ. Tuy vậy chú không vơ đũa cả nắm, chú nhìn nhận còn có những vị chủ trương thiết tha với giáo dục là một nhiệm vụ yêu nước chứ không phải là một phương tiện để tìm danh vọng trần thế và để làm giàu. Cái "thật bự" thứ hai của chú là cái tên Chú Ba Ho của chú. Đây là một kỷ niệm êm đềm nhất mà học trò chú đã đặt cho chú. Và chính cũng nhờ tên này mà chú đã được lên chức chú. Mỗi lần nhắc đến tên này là chú cười. Và do đó, Hương Tẹt cũng lấy tên đó gọi chú luôn mặc dù tên thực của chú khác hẳn. Trong các giọng hát thời đại, chú thích nhất giọng hát và nhất là giọng ngâm thơ của nữ danh ca Hồng Anh. Thực ra học trò chú làm sao biết ý thích của chú được nếu chú không nói cho biết. Trong tình trạng xã hội hiện tại, chú Ba Ho thấy các người học trò gái của chú một số đã bị nhiễm độc bởi không khí văn nghệ đồi trụy, chúng đã mơ tưởng thành ca sĩ, thành em gái hậu phương, không phải ca sĩ vì nghệ thuật ca nhạc, không phải em gái hậu phương có mục đích cao cả nâng đỡ tinh thần khuyến khích các người anh tiền tuyến mà là ca sĩ… em gái hậu phương… dễ bị lợi dụng hư cả đời con gái Việt Nam cháu chắt của Hai Bà Trưng, Triệu anh hùng. Trong các buổi liên hoan tất niên và hè ở các trường chú dạy, chú đã từng thấy có em gái vũ sexy trước mặt các thầy, có em gái đã hát và nhảy như con khỉ mắc kinh phong các bản "tuýt" giựt gân mất gốc, có em gái đã giả trai mặc đồ lính đứng cặp với một em gái khác hát một bản nhạc tình lãng nhách. Ngoài ra, chú còn thấy có em gái đã đọc những tác phẩm tuổi thơ mị tuổi thơ, có em gái đã đọc những tác giả tự xưng là hiện sinh chuyên mô tả những xen ái tình đồi trụy và gọi tầm bậy các xen đó là những cơn xúc động về tình yêu của nữ sinh (!). Trước cơn bão nguy hiểm đó, nghĩ đến em gái ruột, cháu gái ruột của chú, chú Ba đã tìm cách chống lại... Đầu tiên chú muốn dùng luân lý Khổng Mạnh cổ truyền của dân tộc để giảng cho học trò chú nghe nhưng chú sợ học trò chú nói chú bảo thủ, cổ lỗ sĩ ... và như thế thì lời giảng của chú sẽ mất hiệu nghiệm. Chú bèn tìm cách khác cấp tiến hơn, cấp tiến không cứng ngắc khô khan nhưng vẫn làm các em hiểu được ước mơ thiết tha thầm kín của thầy... Chú nghĩ đến giọng ca chú thích nhất : đó là giọng ca Hồng Anh. Nhờ đọc một bài phỏng vấn danh ca này trong tạp chí nọ, chú đã biết Hồng Anh là cựu học sinh trường Trưng Vương và hiện học Đại Học Văn Khoa. Thế là vào những lúc rỗi rảnh trong lớp, vào những dịp thuận tiện trong lớp, chú đã cho học trò chú biết là chú thích giọng ca của Hồng Anh nhất, vì giọng ca đó tuyệt vời, vì Hồng Anh học giỏi và không hề bị tai tiếng gì trên mặt báo. Nói như thế chú có mục đích cho các học trò gái mê ca nhạc của chú biết một trường hợp vừa học, vừa hát và đạo đức thành công, chứ không phải suốt ngày cứ mơ mơ tưởng tưởng trở thành ca sĩ trong các phòng trà, hay trên màn ảnh ti vi và cứ ôm mãi ảo tưởng đó bỏ bê học hành làm khổ cha khổ mẹ, nếu chẳng may gặp phải bọn du đãng văn nghệ thì hư cả một đời. Vì sự ca tụng đó, chú đã được học trò trai, gái của chú đặt tên là chú Ba Hồng Anh. Chú Ba là tên một nhân vật tưởng tượng do chú đặt ra khi viết những bài báo khoa học có đối thoại, chú Ba thích giọng ca Hồng Anh, gọi tắt là chú Ba Hồng Anh, gọi tắt nữa là chú Ba Ho. Thế là chú có tên là chú Ba Ho. Chú đã vui vẻ chấp nhận tên khôi hài đó vì chú nghĩ vô hại, và coi đó là một trong những nét đáng yêu của tuổi học trò miễn là các em phải ngoan ngoãn cố gắng học giỏi để khi về già, chú có quyền vuốt râu hãnh diện nhìn những học trò cũ yêu quí của mình.
Hương Tẹt đã đặt tất cả hy vọng vào chú Ba Ho. Nó nói thầm một mình :
- Nhất định chú Ba Ho sẽ giúp được ! Mình phải đến gặp chú mới được !
Hương Tẹt biết rõ chỗ chú Ba Ho ở vì nó đã đến đó nhiều lần, lúc thì mang đến cho chú một cuốn sách, lúc thì mang đến cho chú một vé xi nê…
Song le, Hương Tẹt chưa đến chú Ba Ho ngay. Nó chờ một tuần sau, một tuần sau khi nhận được lệnh của U Đỏ... Khi vừa đến cửa nhà của chú, nó đã nghe những tiếng đàn ghi ta ròn rã. Nó gõ cửa. Chú Ba Ho mở cửa, tay chú cầm đàn. Thấy Hương Tẹt, chú Ba Ho cười thân mật :
- Cháu đó hả ? Có gì đó cháu ? Hay cháu lại chơi ?
Hương Tẹt nói nhỏ :
- Thưa chú có ! Nhưng bí mật lắm...
- Gì vậy ? Cháu cứ nói... xem chú có thể giúp ý kiến được không ?
Chú Ba Ho dẫn Hương Tẹt vào ngồi trên ghế. Chú ngồi trên chiếc ghế cạnh bên.
Hương Tẹt nói :
- Chú ơi ! Bọn cháu muốn ngày 2 tháng 2 là ngày nghỉ học được không chú ?
- Chuyện bí mật đó phải không ? Dễ ẹt, các cháu chỉ cần trốn học bữa đó chớ có khó gì đâu ?
Chú Ba Ho nói đùa với Hương Tẹt nhưng nếu Hương Tẹt chịu, chú sẽ rầy ngay vì chú rất ghét học trò trốn học. Hương Tẹt cãi :
- Không ! Không ! Chú lầm rồi, bọn cháu muốn ngày đó cả trường nghỉ học, chớ không phải một mình bọn cháu.
Chú Ba Ho ngạc nhiên :
- Bộ cháu khùng hả cháu ? Chú làm sao làm được ?
- Thưa chú ! Xin chú hứa là chú sẽ giữ bí mật chuyện này.
Chú Ba Ho ngó Hương Tẹt mỉm cười. Chú giơ tay lên trời :
- Chà ! Cháu coi thường chú quá ! Chú xin long trọng hứa là chú sẽ câm như hến.
Hương Tẹt thuật lại cho chú Ba Ho nghe chuyện các bé gia đình Trăng Vàng ở tỉnh này đòi biết ngày Bà Tiên Phúc Hậu đến thăm để nghỉ học đi đón. Thuật xong, nó nói :
- Cháu đã đề nghị ba cháu loan tin trên báo ngày Bà Tiên Phúc Hậu đến... Nhưng ba cháu không chịu.
Chú Ba Ho cười ha hả, tay chú khẽ búng mấy sợi dây đàn ghi ta.
- Ba cháu có lý lắm đó ! Không nên lừa đảo thiếu nhi... Nhưng tại sao cháu lại đến nhờ chú làm việc đó ?
- Bọn cháu thách nhau làm ngày đó nghỉ học ! Cháu đã bốc đồng nhận lời thách đó. Không thể nào bỏ được. Xin chú cố gắng giúp cháu. Chú có thể viết một bài báo cho biết là chú đã biết được ngày đó Bà Tiên Phúc Hậu đến thăm tỉnh mình ? Được không chú ?
Chú Ba Ho cười hiền từ :
- Không được, cháu à ! Viết như thế làm sao ba cháu cho đăng báo được.
Chú Ba Ho có vẻ suy nghĩ. Chú nói tiếp :
- Nhưng chuvện này khá vui đây ! Nhưng ai bày đặt cuộc thách này hả cháu ?
- Cả bọn cháu !
Chú Ba Ho đi đi lại lại trong nhà. Một lúc sau, chú nói :
- Được ! Chú sẽ giúp cháu ! Nhưng cháu hãy để chú suy nghĩ một chốc lát đã...
Chú Ba Ho bèn lấy đàn ghi-ta ra đàn, chú đàn càng lúc càng mạnh, càng lúc càng nhanh, nghe thật hùng hồn. Rồi bỗng chú lại đàn chậm lại, rất chậm, chú đàn một bản nhạc buồn... Hương Tẹt rất mê âm nhạc. Nó rất khoái nghe chú Ba Ho đàn mặc dù chú đàn không hay gì cho lắm.
Thình lình, chú Ba Ho ngừng đàn.
- Chú đã nghĩ rồi... Các cháu hãy theo dõi kỹ lưỡng báo Trăng Vàng kể từ số tới, đừng bỏ sót số nào và nhớ giữ bí mật, nếu không sẽ hỏng.
Hương Tẹt vui mừng :
- Dạ ! Cám ơn chú.
Hương Tẹt bèn chào chú Ba Ho và chạy như bay ra đường.
Trong những ngày sau, bọn Tuấn Khờ vì ham chơi đã quên bẵng U Đỏ lẫn lời hứa của chú Ba Ho. Lúc này, nhà trường lại hay tổ chức đi du ngoạn nên bọn Tuấn Khờ lại càng dễ quên mọi chuyện nữa.
Nhưng, thình lình một bữa nọ, Hương Tẹt đã đem đến cho cả bọn một quả bom nổ. Nó cầm tờ Trăng Vàng đọc cho Tuấn Khờ, Mai Nhè, Phát Lém và Minh Lùn nghe một tin sốt dẻo : ngày 2 tháng 2 là ngày nghỉ học.
Chỉ không đầy một phút sau, có hai ba chục học trò vừa trai vừa gái bu quanh bọn Tuấn Khờ.
Hương Tẹt long trọng đọc :
- Tụi bây nghe đây. Báo viết như thế này : "Ngày 2-2-69 là ngày kỷ niệm 50 năm thành lập ngôi trường của chúng ta". Ở phía cuối bài này viết như thế này: "Chúng tôi tha thiết yêu cầu các vị có thẩm quyền hãy cử hành lễ kỷ niệm ngày ngôi trường của chúng ta được 50 tuổi và để thêm phần long trọng, xin các vị hãy cho toàn thể học sinh nghỉ học vào ngày này".
Vừa nghe đọc xong, toàn thể bọn học trò bu quanh Hương Tẹt la lên mừng rỡ và chạy tung tăng đi nơi khác, chỉ còn Tuấn Khờ, Mai Nhè, Phát Lém, Minh Lùn đứng cạnh Hương Tẹt.
Mai Nhè nói :
- Chú Ba Ho hay quá !
Hương Tẹt cười :
- Nhưng ngày nghỉ đó chưa được công nhận chánh thức, tuy vậy chú Ba Ho đã giữ đúng lời hứa và chú đã hết sức khéo léo.
Năm mái đầu xanh bu vào tờ báo Trăng Vàng, chúng đọc kỹ từng hàng một bài báo của chú Ba Ho. Bài báo đó kể lại những kỷ niệm, những nhân vật có tiếng đã từng học trường này. Và chú Ba Ho đã đưa ra những lý luận chắc nịch để bắt buộc các người có thẩm quyền phải cử hành lễ kỷ niệm ngày ngôi trường được 50 tuổi và cho học trò nghỉ vào ngày đó. Đọc xong, Mai Nhè lên tiếng :
- Chú Ba Ho viết hay quá ! Nhưng tôi muốn biết ngày kỷ niệm đó đúng hay không?
Hương Tẹt mỉm cười :
- Đúng hay không đúng không thành vấn đề, miễn mọi người tin là được. Nhưng ai mà có thể nghi ngờ được khi sự kiện đã ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen.
Mai Nhè tung tăng đi tới, dáng nhún nhẩy như con chim đang lượn trên các cành cây. Đám con trai đi hùng hục sau lưng Mai Nhè.
Buổi chiều hôm đó, Hương Tẹt đến thăm chú Ba Ho. Nó thấy chú Ba Ho đang đánh máy chữ. Nó hỏi :
- Chú làm gì đó chú ? Có phải chú đang viết một bài mới về ngày lễ kỷ niệm của trường ?
Chú Ba Ho ngừng tay ngó Hương Tẹt. Cặp kính gọng vàng trên mắt chú lóng lánh trong ánh sáng dìu dịu của buổi chiều. Chú cười :
- Hay không cháu ? Đúng là một chuyện khôi hài phải không cháu ?
- Nhưng thưa chú ngày lễ kỷ niệm đó đúng không chú ?
- Làm sao mà đúng được ? Ngày đó là do chú Ba Ho phát minh, chú Ba Ho phát minh, cháu nghe rõ chưa hả cháu ?
Cả hai chú cháu bỗng nhìn nhau cười ha hả.
- Còn những chuyện chú kể về ngôi trường có đúng hết không hả chú ?
- Cháu vẫn chưa hiểu hết cháu ơi mặc dù điều đó đã hết sức rõ ràng. Nó giống như một hũ dưa củ kiệu vậy, nếu tất cả các củ kiệu đều ngon có xen vào vài củ kiệu dở, mọi người chả để ý gì hết và ăn hết tất cả.
Sau câu nói ví von đó, chú Ba Ho cười muốn bể cả gian nhà. Cười xong, chú Ba Ho nói :
- Ba cháu có ý nói gì không ?
- Thưa chú không !
- Chắc ba cháu thấy không cần nói cháu nghe đó, khi báo vừa phát hành, mọi người đổ xô gọi điện thoại đến tòa báo hỏi làm sao chú biết được đích xác ngày kỷ niệm đó vậy. Tuy nhiên, mọi người đều không nghi ngờ chú gì hết.
Hương Tẹt lo âu hỏi :
- Ba cháu có nghi ngờ gì không hả chú ?
- Không ! Ba cháu tin cũng như các bé tin Bà Tiên Phúc Hậu sắp đến thăm tỉnh mình vậy. Cháu phải tuyệt đối giữ kín bí mật đó nghe, nếu không thì nguy đó.
Khi Hương Tẹt bước ra khỏi nhà chú Ba Ho, nó cảm thấy có cái gì nao nao nổi dậy trong lòng. Đúng rồi, nó cảm thấy hối hận vì đã lừa dối ba nó, vì đã lôi cuốn chú Ba Ho theo nó. Nhưng Hương Tẹt quên ngay khi nó thấy cả trường đang rộn rịp làm lễ kỷ niệm 50 năm. Nó để ý thấy trong các giờ sử, các thầy thường dành thì giờ nhắc lại lịch sử ngôi trường, nhất là nhắc lại những học trò cũ đã thành danh để khuyến khích học trò. Ngoài giờ học, toàn thể học trò cùng nhau tô điểm lại ngôi trường. Chúng quét lớp, sơn cửa, quét vôi... Tất cả mọi nỗ lực đều hướng về ngày kỷ niệm 50 năm thành lập ngôi trường.
Trong thời gian này, bọn Tuấn Khờ chả nhận được tin gì của U Đỏ cả và chúng cũng chẳng cầu mong nhận được tin gì mới thêm. Cả bọn đều tự hỏi tại sao chúng lại được nghỉ vào ngày này một cách khác thường như thế ? Và phải chăng U Đỏ có ý gì đặc biệt khi ra lệnh như vậy ?
Cả năm đứa hễ gặp nhau là bàn mãi nhưng chả có ai giải thích được thỏa đáng cả. Một ngày chủ nhựt, ông Lành mời chú Ba Ho đến nhà ăn cơm. Thấy chú Ba Ho đến nhà, Hương Tẹt không đi chơi nữa vì nó muốn dò phản ứng của ba nó và chú Ba Ho. Hơn nữa, chú Ba Ho vui tính lắm, chú sẽ kể nhiều chuyện vui cho nó nghe. Sau khi ăn cơm xong, ba nó và chú Ba Ho đến ghế sa lông ngồi uống trà nói chuyện. Nó đến góc nhà gần cửa sổ ngồi đọc sách. Tuy vậy nó vẫn cố gắng lắng tai nghe ba nó và chú Ba Ho nói chuyện.
Thình lình, chuông điện thoại reo. Ông Lành đứng dậy đến bàn có điện thoại đặt ống nghe vào tai. Chả biết điện thoại "nói gì" mà ông Lành bỗng nhiên nhăn mặt có vẻ khó chịu. Vài phút sau, ông đặt ống nghe xuống, tiến về phía chú Ba Ho. Ông nói.
- Chà ! Chú kỳ này ác quá ! Chú thật khéo bịa ngày lễ kỷ niệm...
Vừa nghe ông Lành nói xong, Hương Tẹt run toàn thân. Chắc ba nó đã biết tất cả rồi… Đúng rồi... Đúng là U Đỏ vừa điện thoại cho ba nó rồi.
Chú Ba Ho ngó ông Lành qua cặp mắt kính gọng vàng :
- Thưa anh ! Cái gì ạ ?
Ông Lành có vẻ giận :
- Cái gì ? Ông hiệu trưởng vừa gọi tôi...
Chú Ba Ho nói chậm rãi :
- Ông hiệu trưởng nói gì vậy, thưa anh ?
- Ông hiệu trưởng vừa cho hay vị giáo sư già thâm niên nhất của nhà trường vừa cho biết...
- Ông ấy cho biết gì ?
- Chú làm bộ giỏi lắm ! Ông ấy cho biết ngày kỷ niệm năm mươi năm thành lập nhà trường không phải là ngày 2 tháng 2 mà là ngày 3 tháng 2 và ngôi trường chỉ mới được 30 tuổi chớ không phải 50.
Chú Ba Ho điềm tĩnh :
- Đó chỉ là một lỗi lầm vô tình, vì lầm lộn tài liệu, đâu có ai nỡ trách mình...
Nói tới đây, chú Ba Ho khẽ gục gặc đầu :
- Thật là ngộ ! Thật ngộ !
Ông Lành hỏi :
- Cái gì ngộ hả chú ?
Chú Ba Ho làm sao dám nói cho ông Lành nghe điều ngộ chú thấy được. Chỉ có chú biết mà thôi. Chính chú cũng chả biết chắc chắn đích xác ngày lễ kỷ niệm.
Không thấy chú Ba Ho trả lời, ông Lành nói :
- Nhưng cũng may, ông hiệu trưởng cho hay là đã lỡ như thế thì ông cũng cho làm lễ kỷ niệm vào ngày đó luôn.
Hương Tẹt mừng rỡ... Phút lo âu đã qua...
Chú Ba Ho cười :
- Thế là rốt cuộc họ cũng nghe lời mình...
Ông Lành nói... Hương Tẹt tìm cách đến gần nghe cho rõ...
- Chú có biết ông hiệu trưởng cho biết tại sao ông ấy chấp thuận ngày đó không ?
- Thưa anh ! Tại sao vậy ?
Hương Tẹt cố vểnh lỗ tai... vì bỗng nhiên ông Lành lại nói hơi nhỏ.
- Vì ngày 2 tháng 2 chính là ngày chủ nhật mà ngày lễ chính thức 3 tháng 2 chỉ cách có một ngày. Làm lễ trước một ngày cũng được, vì như thế được lợi là học trò không mất một ngày học.
Nếu ai để ý sẽ thấy Hương Tẹt cụt hứng ngồi phịch xuống ghế, cái mặt của nó lúc này trông thật tức cười, ngơ ngác như con nai vàng đạp lá vàng khô.
Và ông Lành không hiểu tại sao chú Ba Ho bỗng nhiên cười ngả cười nghiêng vang dội cả nhà...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét