Dưới đây là một ít tem tôi may mắn có được trong số những con tem phát hành thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa.
Quốc-Hội Việt-Nam
Do nhà in Gieseeke and Devrient tại Munich (Tây-Đức) thực hiện. Phát hành: ngày 26/10/1957 nhân dịp kỷ-niệm Đệ nhị Chu-niên Cộng-Hòa Việt-Nam. Đề tài: Dựa theo một bức ảnh do Văn-Phòng Quốc-Hội của Đệ-Nhất Cộng-Hòa. Nội dung bản-đồ Việt-Nam, bản Hiến-Pháp, bàn tay cầm bó đuốc, tượng trưng Quốc-Hội Việt-Nam Cộng-Hòa. Ngày thu hồi: 31/03/1964 do Nghị-Định số 64/025/ND/CC 23/01/1964 của Bộ Giao-Thông Công-Chánh và Bưu-Điện
Đề-Cao Nhân-Vị
Họa sĩ Vĩnh-Phôi vẽ. Do nhà in Thomas de la Rue Londres thực hiện. Phát hành: ngày 26/10/1958 nhân dịp “Kỷ-niệm Đệ-tam chu-niên Cộng-Hòa Việt-Nam. Đề tài: Hai cành lá, hai bàn tay trắng nâng một đầu người, tượng trưng sự đề-cao nhân-vị.
.
Kỷ-Niệm Hai Bà Trưng
Họa sĩ Nguyễn-Gia-Trí vẽ. Nhà in Thomas de la Rue Londres thực hiện. Phát hành: ngày 14/03/1959 nhân dịp “Lễ Kỷ-niệm Hai Bà Trưng” và ngày Phụ-nữ Việt-Nam, nhằm ngày 6 tháng 2 Kỷ-Hợi. Đề tài: Hai Bà Trưng cỡi voi đánh đuổi quân Nam-Hán.
.
Cải-Cách Điền-Địa
Họa sĩ Lâm-Văn-Bê vẽ. Nhà in Thomas de la Rue Londres thực hiện. Phát hành: ngày 07/07/1959. Đề tài: Một chiếc máy cày, trên có nông dân đang lái, phía giữa và ở xa, một nông phu đang đánh trâu cày, so sánh việc điền địa xưa và nay. Phía trái, hình thước đạc-địa, bông lúa, tượng-trưng sự no-ấm, một số khế-ước ký giữa tá điền và điền chủ.
.
Họp Bạn Hướng-Đạo Toàn-Quốc
Họa sĩ Thái-Văn-Ngôn vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris. Phát hành: ngày 25/12/1959 nhân dịp Họp Bạn Hướng Đạo toàn quốc tại Quốc-Gia Lâm-viên Trảng-Bom (Biên-Hòa). Đề tài: Một Hướng-Đạo-sinh đang leo đồi, phía xa có những căn lều dùng để cắm trại.
.
Kỷ-Niệm Đệ-Nhất Chu-Niên Ban-Hành Luật Gia-Đình
Họa sĩ Thái-Nguyên-Bá vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris. Phát hành: ngày 2/11/1960 nhân dịp kỷ-niệm đệ nhất chu-niên ban hành Luật Gia-đình. Ngày thu hồi: 31/05/1964 do Nghị-Định số 64/025/NĐ/CC ngày 23/11/1964 của Bộ Giao-Thông, Công-Chánh và Bưu-Điện. Đề tài: Phía trước, quyển Luật Gia-đình. Phía sau, bụi trúc.
.
Năm Thế-Giới Giúp Người Tỵ-Nạn
Họa sĩ Nguyễn-Minh-Hoàng vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris. Phát hành: ngày 07/04/1960 ngày khai mạc tuần lễ triển lãm về “Năm Thế-giới giúp người tỵ-nạn” tại Phòng Thông-Tin Đô-Thành Saigon”.
Đề tài: con tem diễn tả một gia-đình tỵ-nạn, trên bước đường di-cư, mang theo một bao đồ, một chiếc va-li, tất cả của cải còn lại của họ, ở góc trái tem, hình vẽ một cây mất rễ, tượng-trưng những người tỵ-nạn, không còn nơi nương-tựa, được Liên-Hiệp-Quốc nâng đỡ.
Đề tài: con tem diễn tả một gia-đình tỵ-nạn, trên bước đường di-cư, mang theo một bao đồ, một chiếc va-li, tất cả của cải còn lại của họ, ở góc trái tem, hình vẽ một cây mất rễ, tượng-trưng những người tỵ-nạn, không còn nơi nương-tựa, được Liên-Hiệp-Quốc nâng đỡ.
.
Đệ-Ngũ Chu-Niên Cộng-Hòa Việt-Nam (1955-1960)
Họa sĩ Shen-Yung-Ling (Taipei-Taiwan) Trung-Hoa Dân-Quốc vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris. Phát hành: ngày 26/10/1960 nhân dịp Kỷ-niệm Đệ-ngũ Chu-niên đệ-nhất Cộng-Hòa Việt-Nam. Đề tài: Con tem diễn tả trong khung cảnh thứ nhất: phía trên một cầu vòng mang chữ “Việt-Nam Cộng-Hòa” và lá quốc-kỳ, phía dưới có ghi niên ký 1955-1960. Năm 1955 là năm công-bố Việt-Nam Cộng-Hòa và năm 1960 là năm mừng kỷ-niệm đệ-ngũ chu-niên, phần thứ hai là bản đồ Việt Nam mầu vàng.
.
Bảo-Vệ Nhi-Đồng
Ảnh do họa sĩ Nguyễn-Tấn-An vẽ. Nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 22/03/1961, nhằm ngày 6 tháng 2 Tân-Sửu – Nhân-dịp lễ Kỷ-niệm Hai Bà Trưng và Ngày Phụ-Nữ Việt-Nam. Đề tài: Hình vẽ trình bày khóm măng ở hàng đầu, tiếp đến khuôn mặt một nhi-đồng nhìn ngang (chiều bán diện). Đề tài tem thơ trên đây miêu-tả đại khái ý-nghĩa như sau: muôn cho đốt măng non có thể trở nên một cây tre hữu dụng trong tương lai, người ta cần phải chăm nom vun bón, đứa trẻ cũng vậy, ví như đốt măng, cần nhiều sự săn-sóc để mai hậu có thể trở nên người hữu-ích cho xã-hội. Nhi-Đồng cần được bảo-vệ.
.
Giáo-Sĩ Đắc-Lộ
Hình do họa sĩ Đỗ-Bá-Yên Viện Khảo-Cổ Sài Gòn. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 05/09/1961 (44). Đề tài: Hình vẽ bên trái, chân dung Giáo-sĩ A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ (Alexandre de Rhodes) và bên phải một quyển sách mở với hành chữ: “Sách Quốc-Ngữ – Chữ nước ta” rút trong tác-phẩm của Thi-sĩ Tản-Đà Nguyễn-Khắc-Hiếu, ca tụng chữ quốc-ngữ. – Vào đầu thế kỷ 17, các giáo-sĩ Âu-Châu tới Việt-Nam để truyền đạo Công-Giáo đồng thời nghiên cứu và điển-chế ra một lối viết và phiên-âm tiếng Việt bằng tiếng La-tinh. Trong số các nhà truyền giáo, Giáo-sĩ A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ có công nhất trong việc thành lập chữ quốc-ngữ. Theo tài-liệu của Viện Khảo-Cổ: “Ông đã làm cho lối phiên âm hoàn hảo hơn và đã bắt đầu dùng lối chữ mới để soạn sách…”. Loại tem trên đây phát hành để kỷ-niệm Đệ tam bách chu niên ngày mất của giáo-sĩ.
.
Chấn-Hưng Đạo-Đức Thanh-Niên
Hình do họa sĩ Lưu-Tấn-Phước vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 26/10/1961 kỷ-niệm năm thứ 15 ngày thành lập Unesco. Đề tài: Mẫu tem hình dung một thanh niên tay cầm đuốc, tượng-trưng một thê-hệ thanh-niên hùng mạnh, sẵn sàng phụng sự Tổ-quốc. Tuy nhiên, gần đây một thiểu số thanh-niên đã bị sa ngã vào con đường suy đồi trụy lạc. Phong trào Chấn-Hưng Đạo-Đức Thanh-Niên, phản chiếu trên loại tem thơ, nhiệt liệt kêu gọi các nạn nhân kịp thời hồi tâm trở lại với tinh-thần đạo-lý cổ truyền của Đức Khổng-Tử mà chân dung sáng lạn của Người biểu lộ trên con tem dưới mái Đền Văn-Miếu.
.
Kỷ-Niệm Thập-Ngũ Chu-Niên Tổ-Chức Văn-Hóa Quốc-Tế (UNESCO) (1946-1961)
Hình do họa sĩ Nguyễn-Ái-Linh vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 04/11/1961 Kỷ-niệm năm thứ 15 ngày thành lập Unesco. Đề tài: Mẫu tem hình dung “Chính-Môn” theo Kiến-Trúc Á-Đông, nơi Văn-Miếu Hà-Nội thờ Đức Khổng Phu-Tử, vị Đại Hiền-Triết Á-Đông, trước tam-cấp nơi cửa Đền thường mệnh danh là Nhà Văn-Miếu (cũng gọi là Khuê-Văn-Các) họa sĩ ghi một hàng chữ hoa UNESCO, danh từ đọc tắt của United Nations Educational, Sientific and Cultural Organization (Tổ-chức Giáo-Dục, Khoa-Học và Văn-Hóa Liên-Hiệp-Quốc), cũng gọi ngắn là Tổ-chức Văn-Hóa Quốc-Tế.
.
Cải-Tiến Nông-Thôn
Hình do họa sĩ Hoàng-Nhật-Tân vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 11/12/1961. Đề tài: Mẫu tem hình dung, hàng đầu, máy ủi đất tại một khu rừng đang được khai phá. Loại máy này cùng các máy cày được thay thế lần hồi, những nông cụ thô sơ và nông-súc trong công việc đồng áng của ta. Ở hàng nhì, bên trên là khung cảnh ngoạn-mục của miền quê, với dẫy nhà đầy ánh sáng, xây cất theo hàng lối ngay ngắn, rộng rãi với những thửa ruộng phì nhiêu, hình ảnh của xứ sở đang thực hiện chương trình Cải Tiến Nông-Thôn.
.
Diệt-Trừ Sốt-Rét
Hình do họa sĩ Nguyễn-Minh-Hoàng vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 07/04/1962 Kỷ-niệm năm thứ 15 ngày thành lập Unesco. Đề tài: Mẫu tem hình dung một người đeo trên vai bình xì thuốc xông muỗi dùng khi thực-hiện mọi công-tác tẩy-trùng, trong khuôn khổ Chiến-dịch Thê-giới diệt-trừ Sốt-Rét. Với một dáng điệu tượng-trưng, người trong tem dang tay nện một vồ (chầy vồ) chí tử xuống muỗi Anophèle đang lẩn-quẩn bên chân mình, để tận diệt giống côn-trùng truyền nhiễm sốt rét. Phía tay trái mặt con tem, có họa thêm hình vẽ tiêu biểu Chiến-dịch Thế-giới diệt-trừ Sốt-Rét được Tổ-chức Y-Tế Quốc-Tế chính thức công nhận. Việc phát hành loại tem nói trên đánh dấu sự tham dự của Việt-Nam vào chương-trình phát-hành chung các loại tem kỷ-niệm Chiến-dịch diệt-trừ Sốt Rét do Tổ-chức Y-Tế Quốc-Tế khuyến nghị.
.
Khánh-Thành Sở Bưu-Chi-Phiếu SAIGON
Ảnh chụp.Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 15/05/1962. Đề tài: Mẫu tem dập theo một bức ảnh chụp tòa nhà Trung Khu Bưu-Chi-Phiếu , đường Nguyễn-Du Saigon. Loại tem phát-hành để kỷ-niệm Lễ Khánh-Thành Sở Bưu-Chi-Phiếu Việt-Nam khai mạc vào ngày 10 tháng 4 năm 1962. Việc thành lập Sở Bưu-Chi-Phiếu này đánh dấu một cố gắng mới của Cơ-quan Bưu-Điện Việt-Nam Cộng-Hòa trên lãnh vực khuếch-trương ngành Bưu-Chính xứ sở.
.
Đức-Mẹ La-Vang
Ảnh chụp do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 07/07/1962. Đề tài: Mẫu tem hình dung ở hành đầu, Dức Mẹ đỡ Chúa Hài Đồng đứng trên trái địa-cầu, lấp lánh sáng ngời các vị tinh tú, ở hàng nhì bụi trúc. Người ta nhận thấy ngoài các ghi chú thường lệ của con tem bưu-chính hàng chữ: Đức-Mẹ La-Vang. La-Vang, một thôn xóm hẻo lánh thuở xưa, giữa những khu rừng Trung-Phần Việt-Nam, vì những biến cố chính-trị, một thiên lịch-sử vừa có tính cách huyền-bí, chính-trị và tôn giáo đã trở nên một trung tâm hành-hương, một Thánh-địa của Việt-Nam, có thể so sánh như Jérusalem thời Trung-Cổ, Lộ-Đức (Lourdes, Pháp) và Fatima (Bồ-Đào-Nha) ngày nay dưới trời Âu.
.
Ấp Chiến-Lược
Hình do họa sĩ Nguyễn-Minh-Hoàng vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 26/10/1962 Kỷ-niệm Đệ-Thất Chu-Niên Cộng-Hòa Việt-Nam. Đề tài: Mẫu tem hình dung ở hàng đầu, một đồn phòng vệ với đàng xa một điếm canh, một cặp thanh niên đang chiến đấu chống kẻ thù Cộng-Sản. Hàng sau chúng ta thấy thấp thoáng những cây dừa và các ngôi nhà của dân-cư ngụ tại vị-trí Ấp-Chiến-Lược, nằm bên trong các cơ cấu phòng thủ cổ điển: lũy cao, hào sâu, do tiền nhân truyền lại.
.
Thác GOUGAH Đà-Lạt
Ảnh chụp do nhà in tem thơ Thomas de la Rue Londres ấn loát. Phát hành: ngày 03/01/1963 nhân ngày sinh Tổng-thống Ngô-Đình-Diệm. Đề tài: Mẫu tem hình dung thác Gougah, một bức tranh thiên nhiên tuyệt-mỹ, cách tỉnh-lỵ Đà-Lạt 41 cây số ngàn, trên quốc-lộ Sài Gòn Đà-Lạt. Với bề ngang 50 thước, thác Gougah đổ xuống 10 thước sâu, trên những tảng đá muôn hình vạn trạng, gây ra một nhạc điệu trầm hùng, giữa nơi u-tịch hoang-vu của non cao rừng thẳm, tạo nên một khung cảnh uy-nghiêm và huyền-ảo trên miền núi nghỉ mát Đà-Lạt, được tôn là một trong các đệ nhất danh lam thắng cảnh của Việt-Nam.
.
Công-Trường Mê-Linh SAIGON
Họa-sĩ Nguyễn-Minh-Hoàng vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 01/03/1963. Ngày thu hồi: 31/03/1964 do Nghị-Định số 64/025/NĐ/CC ngày 23/11/1964 của Bộ Giao-Thông, Công-Chánh và Bưu-Điện. Đề tài: Mẫu vẽ trình bày ở trang đầu ba chân dung phụ-nữ, biểu-hiệu với lối phục sức khác nhau, ba đại-diện cho các giới phụ-nữ trí-thức, tân-tiến, nông-thôn hay lao-động tại các đô-thị. Phía sau là hình thức tượng ghi nhớ công đức Hai Bà dựng tại Công-trường Mê-Linh Sài Gòn, tượng bị phá hủy sau ngày cách-mạng 1/11/1963. Tem “Công-trường Mê-Linh” phát hành ngày 01/03/1963 nhân dịp Lễ Kỷ-niệm Hai -Bà-Trưng cũng được thừa nhận là “Ngày Phụ Nữ Việt-Nam”.
.
Toàn Dân Bảo Vệ Non Sông
Họa-sĩ Phạm-Văn-Trừ vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 07/07/1963. Ngày thu hồi: 31/03/1964 do Nghị-Định số 64/025/NĐ/CC ngày 23/11/1964 của Bộ Giao-Thông, Công-Chánh và Bưu-Điện. Đề tài: Mẫu vẽ hình dung ở giữa, một bàn tay khỏe mạnh, cầm một cây gươm ngay ngắn, đàng sau người ta nhận thấy phía xa một tháp canh và một bên, quang cảnh thị-thành, một bên đồng quê bát ngát. Bức họa tượng trưng toàn dân nhất trí bảo vệ non sông, Tổ-quốc.
.
Chiến-Sĩ Cộng-Hòa
Họa-sĩ Phạm-Văn-Trừ vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 26/10/1963. Ngày thu hồi: 31/12/1963 do Nghị-Định số 64/06/NĐ/CC ngày 07/11/1964 của Bộ Giao-Thông, Công-Chánh và Bưu-Điện. Đề tài: Mẫu tem hình dung người Chiến-sĩ Cộng-Hòa. Hai bên, các hàng chữ “Dũng-Cảm Kỷ-Luật” đề cập hai đức tính căn bản của người Chiến-Sĩ Cộng-Hòa.
.
Hình: PV
Phần chú thích: trích từ “Bưu Hoa Việt Nam 1951-1971″ của Nhà sưu tầm Nguyễn Bảo Tụng (1971, Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét