Trong một lớp học, nhà giáo sẽ gặp đủ hạng học sinh với những cá tính lạ lùng và sẽ phải tìm thái độ để đối phó cho thích ứng với mỗi trường hợp, tùy theo đối tượng. Có hạng học trò ngỗ ngược cũng như có hạng ngoan ngoãn, có hạng ưa phản kháng và có hạng ưa tuân phục, có hạng luôn đòi hỏi luôn thắc mắc kiếm tìm cũng có hạng cầu an lười biếng, có hạng sốt sắng luôn vươn mình tới trước mà có hạng thụ động cần phải thúc giục ân cần, có hạng gan dạ tháo vát cũng có hạng e dè nhát đảm.
Người thầy, vì vậy mà vừa phải nghiêm nghị quả quyết như một ông bố mà lại vừa phải dịu dàng kiên nhẫn như một bà mẹ, độc tài như một ông vua mà lại sẵn sàng thông cảm như một người bạn ngang hàng, hiên ngang thách đố như một vị tướng soái mà cũng hy sinh nhẫn nhục như một tên lính tầm thường.
Hình ảnh người thầy chói sáng trong lòng tôi như một lời mời gọi thiết tha. Tôi phải yêu học trò tôi cách nồng nàn tha thiết mà vẫn nghiêm nghị bình hòa. Tôi phải yêu học trò tôi, dù đó là một khuôn mặt xinh xắn ngây thơ trong sáng tựa thiên thần, dù đó là một khuôn mặt đần độn ngu si đến thảm hại, dù đó là đứa bé diêm dúa trong bộ áo đắt tiền đi học có xe nhà đưa đón, dù đó là đứa nhỏ xanh xao rách rưới đôi mắt vương đầy mặc cảm, dù đó là nụ cười nở tươi trên nét mặt sung sướng vì làm tròn bổn phận, dù đó là giọt nước mắt ngập ngừng vì trót chẳng thuộc bài, chẳng làm bài.
Tôi phải yêu học trò tôi dù khi tôi vui vẻ hay buồn bã, khỏe mạnh hay yếu mệt, tiền bạc dư dả hay phải lo chạy ăn từng bữa. Tôi yêu học trò dù lúc vinh hay nhục, được thấy ánh mắt tri ân hay chỉ nhận lại cách đối xử bạc bẽo vô tình.
Tình yêu học trò thắp sáng ở tim tôi, ngọt ngào âu yếm như ơn thiên triệu mà cũng chua cay tựa nghiệp dĩ. Ôi cái nghiệp nhọc nhằn lao tâm lao lực… và người thầy được trả lại những gì?
Tôi bước vào lớp học. Buổi sáng vui tươi dịu dàng. Tiếng chim hót ngoài rừng thông làm hồng đôi má làm rạng những đôi mắt ngây thơ mở to chờ đợi. Tôi đứng nghiêm trang để được học trò chào kính cẩn và đồng thời cũng để chào chúng với trọn tấm lòng thành. Một ngày vui tươi của niên học, bắt đầu…
Tôi bước ra khỏi lớp học. Bỏ tiếng ồn lại sau lưng. Học trò nhôn nhao ùa ra khỏi lớp. Có trường học trò quen chen lấn xô đẩy cả giáo sư, có trường học trò quen mở cửa và đứng sang một bên lễ độ nhường thầy ra trước – Sự mệt mỏi còn vương trên trán. Mệt vì giảng bài. Mệt vì một học sinh trót hỗn hào.
- Em hãy ra khỏi lớp!
Sau tiếng nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết, đứa học trò vùng vằng đi ra, nụ cười trên môi ngạo nghễ. Tôi đứng im. Sao mà thấy nhọc nhằn. Sao mà thấy đớn đau làm vây! Cả lớp im đến có thể nghe thấy tiếng nhịp tim đập thổn thức trong lòng từng đứa học trò. Tình yêu đầy ắp trong những tia mắt bất mãn một người bạn thiếu lễ độ. Có gì đâu – phút im lặng thông cảm trôi qua, chỉ một phút thôi, và với tia nhìn dịu dàng mà đầy uy lực người thầy có thể trao trọn cho học trò tinh thần bất khuất mà đầy âu yếm từ hòa của một nhà giáo. Rồi lại giảng bài tiếp tục.
Sáng hôm sau, tôi nhận được nụ cười bẽn lẽn và tia nhìn ngỡ ngàng nài nỉ của đứa học trò hối lỗi. Tôi mỉm cười, hỏi với giọng thật trầm: “Cứ phạm lỗi để rồi xin lỗi thì còn ý nghĩa gì?” Rồi thản nhiên vào lớp vẫn bình tĩnh như chưa hề bao giờ có xảy ra một điều gì đáng tiếc.
Cũng có khi lòng tràn đầy niềm vui dịu ngọt, nếu từ trường về, bàn tay còn đầy phấn được mở bức thư của một học trò cũ: “Em nhớ cô ghê!” Tiếng nhạc êm đềm phả vào hồn, luồng gió dìu dịu làm mát con tim.
Lại càng sung sướng hơn, nếu sau giờ dạy vị giám thị vội vã đến trao cho một bài thơ “nặc danh”. Của học trò gửi cho cô. Bài thơ vụng dại bày tỏ tình cảm đơn sơ đối với cô giáo – của một học trò cả thẹn nên đã giấu tên nhưng nét bút quen thuộc quá… làm sao cô có thể không nhận ra cho được ai là tác giả?
Rồi mỗi mùa Giáng sinh, mỗi dịp Tết, mỗi bận bãi trường là lại một lần nhận không biết bao nhiêu cánh thiếp chúc mừng – vài bó hoa vội vã ngắt ngoài đồi cỏ, vài món quà xinh xinh ngộ nghĩnh: con mèo, con thỏ, cái đèn pin, món đồ chơi khắc bằng gỗ thô sơ…
Học trò tôi ơi, hãy để tôi yêu các em bằng tình người chị yêu đàn em nhỏ, người mẹ yêu lũ con thơ. Em hư, con hư… em ngoan, con ngoan… có sao? Trong một bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Trong một lớp học có đứa dễ thương có đứa ngỗ nghịch quá chừng. Có sao? Tôi yêu hết những ngón tay tôi. Tôi yêu hết tất cả các em. Tôi chỉ xin các em một điều, hãy tin rằng có thứ tình yêu kỳ lạ bắt nhà giáo đôi lúc phải nhẫn tâm, bây giờ… để các em trở thành người được quyền cao đầu hãnh diện, mai sau…
Hãy tin rằng cũng có khi lòng tôi se thắt vì giọt nước mắt các em nhỏ trên trang giấy vở. Cũng có khi tim tôi thổn thức vì trót đối xử tàn nhẫn và bất công trong một cơn nóng giận. Tôi cũng là người, phải đâu thần thánh? Hãy tin rằng nụ cười các em làm cho tôi ấm áp biết bao! Hãy tin rằng khuôn mặt các em đã len vào trong giấc ngủ và hiện lên một đôi khi trong mơ ngắn ngủi chập chờn, sau những lúc tôi chấm bài mỏi mệt…
Tôi xin trao cho các em tình yêu nồng nàn ơn thiên triệu mà cũng đắng cay tựa nghiệp dĩ…
LÊ THỊ THÁI BÌNH
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 203, ra ngày 15-6-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét