Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Bóng Chim - LINH HƯƠNG



- A! Hay quá, có thể nào nắm giùm chị góc khăn nầy được không, chú bé?
 
Có lẽ lúc đó còn đang ngang nhiên vì thái độ tự nhiên của chị… Khả Ái – em vẫn gọi thế vì từ lâu không biết tên chị là gì – nên sau mấy phút lúng túng đến lúc cầm khăn trên tay, em mới đáp được một câu mà em biết rằng rất thừa:
 
- Dạ… em rất sẵn lòng…
 
Nói xong câu ấy, tự nhiên em thấy ngượng ngay lập tức, câu nói vừa thốt hình như không phải của em mà phải là vay mượn của một người lớn nào. Từ ngày bước vào Cô Nhi Viện nầy có bao giờ em hé môi nhiều hơn những tiếng “Được – Không – Dạ”, nhiều khi em còn muốn được nói ngắn hơn thế nữa để đừng ai quấy rầy đến mình, đến cái xó Cô Nhi Viện tối tăm mà nơi đó, em em đứng chôn chân như tượng đá. Song phải thành thật nói, quả tình chị Khả Ái – chị Khả Ái của em – có một cái gì trìu mến lạ thường. Lần đầu tiên nét dễ thương ấy chợt bừng lên ở đôi bàn tay chị, đôi bàn tay thật đẹp ở cử chỉ – giống bàn tay của mẹ em ngày trước in hệt – lúc tẩy sạch bằng alcool mụt ghẻ ở chân một cậu bé, lúc lúi húi vạch móng tay ghét bẩn bám đầy của một em bé gái, lúc tỉ mỉ hớt từng lớp tóc cho các cô nhi mà sau cùng niềm vui rạng rỡ trên mặt chị là đến từ những mái tóc búp bê áp tròn vào gáy, những chiếc đuôi tóc cột cao gọn gàng. Việc làm nào qua tay chị hình như cũng được Thượng Đế bắt phải trở nên dễ dàng, suôn sẻ hay sao ấy… làm em từ thán phục đến cảm mến, từ hoài nghi trở thành tin tưởng, như một tia nắng vàng hoàng hậu nào nghiêng xuống góc tim, như dấu chân sương in trên nền cát bỏng. Góc tim ấy không còn những mặc cảm âm thầm nhưng mạnh mẽ xoi vỡ, nền cát ấy không còn những u uất đúc kết và dậy lên mịt mù bởi một thoáng gió ướt nữa…
 
- Ấy! Không chừng tóc rớt xuống tay em rồi kìa…
 
Bằng một giọng lo lắng, tiếng chị như tách rời khỏi âm thanh lao xao hỗn độn của viện cô nhi vang vào tai, làm em giật mình ngước lên. Những mảng tóc đen mun có, hoe vàng có, óng ánh như tơ có, theo tay chị dồn vào chỗ lõm giữa khăn, chiếc khăn thật to mà có lẽ ban nãy hàng chục em bé đã ngồi trên đó, giữa các cô thợ, chú thợ hớt tóc trẻ tuổi loay hoay xén cắt cho tiện.
 
- Xong rồi, cám ơn chú bé nhiều nha… À, – chị quay người lại, mắt ánh lên một nét thật rí rỏm – bí mật ghê, không cho chị biết tên…
 
Em càng bối rối thêm:
 
- Không… , em tên Hoan – tay em vẽ trong không khí – không có g.
 
- Thấy chưa, tên “hay” ghê… , mà trưa rồi – mắt chị phóng xa ngoài cổng viện – chị về đây… nha.
 
Chị lại cười, nụ cười có vẻ chào nên thật nhẹ, thật đặc biệt rồi chị quay đi. Đó, em yêu nhất nụ cười đó, dù kín đáo nhưng lại thật trẻ thơ vô cùng, ít ra chị không mang vẻ chị lớn như các chị khác, đến đây, chăm sóc chúng em.
 
Đoàn người vội vàng rời viện, những anh, những chị, máy xe nổ lên ròn rã. Chị ra sau cùng, hẳn gói tóc vải trắng đã cất ở trong những chiếc thùng gỗ kia rồi sẽ được mở ra để tóc lại được đùa xuống một giỏ rác nào đó. Em cố tưởng tượng hình ảnh chị sẽ quay lại nhìn em, từ cánh tay gầy buông thỏng, cánh tay bám vào tường, chiếc chân chỉ còn một nửa, em muốn nhắm mắt thật chặt, xót xa. Nhưng không, chị khép nhẹ cửa rồi bước đi. Nắng liếm gót chân chị. Nắng rực lên. Nắng đan kín bóng chị lầm lũi đi vào cuối phố sâu hun hút…
 
- Ê, Hoan, gần ăn cơm rồi kìa…
 
Em quay lại, thằng Khánh đứng sát bên em, nó bỏ lửng câu nói, song em biết nó muốn nói gì. Tay trái rán hết sức nắm chặt góc tường, tay phải em luồn qua hông trái chậm chạp gở chiếc nạng nó cho em mượn từ sáng, trả lại vị trí dưới vai phải thằng bé. Khánh cắp nạng một cách thành thuộc để nhanh nhẹn lê chiếc chân cứng đơ bước đi. Hình như còn ái ngại nên cái đầu nó quay lại, lúc lắc thật tức cười:
 
- Mầy ăn sau nữa à?
 
Tự dưng em cảm thấy mình lớn thật:
 
- Chứ còn gì nữa, mọi hôm vẫn vậy mà…
 
Khánh đã dợm bước đi nhưng nghe câu cuối của em, không hiểu sao nó quả quyết quay lại, nó ngập ngừng tách chiếc nạng khỏi vai:
 
- Thôi mày lấy chiếc nạng đi ăn cơm đi, bữa nay tao… no…
 
Em hơi gắt:
 
- Thôi, mày đi đi… kìa…
 
Em thảng thốt kêu lên, em có mê không… chị Khả Ái tiến vào sân bao giờ…, hồi nãy chính mắt em nhìn chị khuất cuối phố rồi mà, chị về nhà rồi mà, chị đã quay lại khi nào và với dụng ý gì?? Em không hiểu nổi, nhưng biết chị đã dừng lại nơi sân, đã nhìn sững cảnh em với Khánh nhường nhau cây nạng. Ôi! Em nghe nóng bừng mặt, máu như dồn cả lên 2 bên má, chị biết em cả rồi!! Cây nạng không phải của em, em mượn của Khánh!! Em không có lấy một cây nạng dù chiếc chân cụt có thể xếp vào trường hợp nặng hơn chiếc chân tê liệt của Khánh!
 
Hình như sau phút bất ngờ đó, không dừng được, chị phải tiến đến bên em, dù cố lấy giọng tự nhiên như em vẫn nghe giọng chị nghèn nghẹn thế nào ấy:
 
- Chị để quên cái kéo, em có thấy không?
 
Em chưa kịp trả lời thì chị đã reo lên một tiếng khẽ rồi bước gần cửa sổ cầm lên chiếc kéo hớt tóc thon dài, cong vào khéo léo, chỗ tay cầm sáng lên những ánh nắng buổi trưa và cố lấy vẻ bình thản – em thấy rõ thế – chị bước ra cửa, tà áo dài như vơi đi một tí ở mỗi bước chân thoăn thoắt đưa chị dần xa viện cô nhi… Em quay nhìn bên cạnh, Khánh bỏ đi bao giờ, cả bọn nhỏ nô đùa trước sân cũng dồn cả vào nhà trong hoặc lao nhao trên những chiếc ghế dài vây quanh bàn ăn, hoặc bé hơn thì được bế ngồi lên tấm bố xám… tất cả như chờ đợi một bữa ăn ngon. Chỉ còn em… ơ, nước mắt em ướt má rồi kìa…
 
*
 
Tiếng lụp cụp ở nhà sau mỗi lúc một lớn hơn, em đoán có lẽ má em đang chùi soong hay sửa soạn nấu món gì đó, tiếng kim khí va nhau lẫn với mùi đồ ăn nồng nực tỏa thơm như lôi bước chân ra sau không ngần ngại:
 
- Má ơi! Má làm gì đó?
 
Má quay đầu lại, cười cười:
 
- Về trưa dữ há, nấu cơm chứ làm gì…
 
Vừa tìm đôi dép để đổi đôi giày nặng kịch cợm dưới chân, em vừa trả lời:
 
- Không đâu má ơi, con muốn về sớm lắm chứ mà tại bữa nay phải cắt tóc cho mấy em bé, tóc dài ghê đi…
 
Với nụ cười thích thú, em ngước lên kể tiếp:
 
- Má biết hông, có mấy đứa không muốn cắt con lấy thun cột lên cao, trông gương mặt sáng mà dễ thương kinh khủng lắm, má ơi nhất là mấy đứa lai, à má mà thấy…
 
Em muốn nhắc tới Hoan, thằng bé mà ban sáng, lúc em nhờ giữ hộ góc khăn đã có lối nói thật lễ phép dù có hơi người lớn tí xíu “Dạ…, em rất sẵn lòng”. Lúc đó, em có nghĩ hẳn trước lúc vào Cô Nhi Viện có một thời gian cậu bé đã được chăm sóc, thương yêu bởi bàn tay Mẹ: tế nhị, nhẹ nhàng, hai đức tính ấy bao giờ cũng là một dấu hiệu, một biểu lộ rõ ràng nhất di sản tinh thần Mẹ để lại nơi con. Em muốn nhắc tới một hình ảnh đã khắc lên trong em những nét đau xót cùng cực: hai thằng bé nhường nhau chiếc nạng, quả thật lúc đó em vụng về ghê đi, lẽ ra em không nên đứng sững như thế, nhìn Hoan như thế, để bây giờ vẫn còn hối, còn sợ cậu bé buồn, giận. Em muốn nhắc…
 
- Kìa, suy nghĩ gì thế, đi tắm đi cô nương, mặt mày, áo quần trông mệt quá đi thôi…
 
Lần nầy trong câu nói má không còn giữ nụ cười ở lại trên môi nữa. Chắc má sửa soạn giảng “luân lý” đây. Em nghiêng nghiêng đầu, nhìn vào trong gương: chao ôi, thật là “ông kẹ”, thôi, hổng nhìn nữa, em len lén rút lên trên, nhưng không kịp nữa ; giọng má thật nghiêm:
 
- Minh, xuống đây má hỏi…
 
Em cố chọc má cười:
 
- Má nghiêm quá à, con hổng dám xuống đâu…
 
Má càng nghiêm hơn ; giọng má thật nhẹ:
 
- Má biểu con đừng đi nữa, sao con cãi hoài vậy…
 
Em chống chế:
 
- Con đến viện cô nhi mà…
 
- Biết, má biết, nhưng việc đó để người lớn lo, con còn nhỏ…
 
Nữa, má lại nhắc tới người lớn, người nhỏ, em nghe tưng tức, nước mắt trào lên. Má, má không hiểu con chút xíu nào hết. Phải nói “người lớn” lúc nào lo cũng hữu hiệu hơn, nhưng má không biết chính trong khi con làm những việc đó: ca hát với các em bé, cười dễ dàng với các em, tán thưởng những cố gắng, chịu đựng của các em bằng cử chỉ thương yêu, nồng nhiệt, con thấy không phải con làm cho các em nữa mà là làm cho chính con, đem lại niềm vui trong sáng cho tâm hồn con. Nếu có lầm lẫn trong sự chọn lựa như thế thì lúc bước vào công việc con sẽ nhìn thấy bề trái của nó ngay, đàng này không đâu má ơi, càng nhúng tay vào càng thấy thích thú, càng thấy hăng say hơn. Làm sao có những tâm hồn đơn giản hơn những bé Thiên Thần – những cô nhi của em – để có thể thốt ra những câu: “Chị ơi chị, lần sau chị đến nữa nha!” “Lần sau chị nhớ đem kẹo cho em nha chị” “Chị ơi, cái cục trên đầu của nó kỳ ghê, mỗi lần ăn cơm cái nó lồi lên… đạn trúng chỗ đó… đó chị”. Con còn nhớ cả cái tay với những ngón hồng hồng của một em gái đập lên trán xác định chỗ u của em bé trai. Lúc đó con nửa muốn cười, nửa muốn khóc. Giọng của em hiền lành ngây thơ nhưng diễn tả một sự thật chiến tranh phũ phàng. Làm sao từ miệng những bà già lại có những câu thật gần gũi với con: “Hồi đó già cũng có đứa cháu gái tóc dài như con, năm đó…, để bà tính coi… năm đó nó 18 tuổi…, đạn lạc vô nhà…”. Má ơi, không thể nào kể được sự sững sờ, đau xót của con lúc đó, thấy mình thật diễm phúc vô cùng, được Thượng Đế ưu đãi vô cùng. Làm sao có những phần thưởng nào nồng hậu hơn khi bế một em bé, nhìn em bám cứng mình, nghe cằm em gục vào vai mình như hoàn toàn tin cậy nơi sự che chở, ấp yêu của một kẻ lạ, không đến với em bằng những thứ xa xỉ, đắt tiền mà đến bằng ngôn ngữ thương yêu, không xưng danh bằng những tên lộng lẫy, kiêu sa mà xưng danh bằng tất cả ý nghĩa tình người.
 
Còn nhiều nữa má ơi, như sáng nay con vào viện gặp thằng bé như thế đó, nhìn thấy hình ảnh đó, chưa bao giờ con suy nghĩ nhiều như lúc tiếp nối những bước chân trên lối về nhà, con băn khoăn, con ray rứt, có lúc lại như muốn khóc vì mình không chia xẻ được một chút chua cay ứ trong tâm hồn, tràn lên ánh mắt cậu bé. Có những màu sắc chiến tranh mà những người ở xa không thể nào tưởng tượng nổi sự thảm khốc của nó ; khi nghe đồn đãi một thoáng tiếng vang người ta có thể chắt lưỡi, lắc đầu bi thương nhưng đến gần mới biết những cử chỉ ấy chỉ đủ để diễn tả một phút xao lòng nào đó trong tim, một ánh lửa của que diêm bùng lên rồi tắt ngấm, nhưng còn thiếu rất nhiều để bộc lộ những xao động liên lủy, những đợt sóng ì ầm vỗ hoài hoài vào bờ đá tâm hồn, những ngọn lửa nóng reo suốt cả mùa đông. Má ơi, má không hiểu con gái má…
 
*
 
Phải đợi con bé Yến khều nhẹ vào lòng bàn tay lần thứ ba, em mới cố lấy hết can đảm để đứng lên. Căn phòng thật im, em có thể tưởng tượng được 5 đôi mắt đối diện, ngước lên, ném vào em liên tiếp những cái nhìn dò hỏi. Giọng em hơi ngắt quãng:
 
- Hôm bữa chủ nhật, hình như có đủ 6 đứa mình đi Cô Nhi Viện… thì phải?
 
Đầu bé Thủy gật nhẹ, em tiếp tục:
 
- À Minh có gặp một câu chuyện như thế nầy… thằng bé tên… Hoan…
 
Tiếng Mai reo vui như bọt suối:
 
- Á Mai biết rồi, cậu bé… Giọng Mai nhỏ đi, ngần ngại – có chiếc chân trái chỉ còn một nửa chứ gì?
 
- … Thằng bé cặp chiếc nạng vàng sẫm phải không? Cậu ta ít nói ghê đi nha, Thủy hỏi chỉ trả lời bằng những cái gật hoặc lắc hà – Thủy góp chuyện – Em thong thả:
 
- … Chiếc nạng ấy không phải của Hoan đâu… cậu bé mượn…
 
- Hở?
 
- Chứ vậy của ai?
 
Những tiếng ngạc nhiên vang lên một lượt làm căn phòng hoạt động hẳn ra. Thu sôi nổi:
 
- Sao biết được vậy, nhỏ?
 
- Hôm đó Minh để quên cái kéo, lúc trở lại lấy thì thấy chiếc nạng ấy do một người bạn chống đi…
 
- Nhỡ người bạn của Hoan mượn rồi sao?
 
- Không, Minh biết mà, vì cử chỉ của Hoan thoái thác hơn là nhường chiếc nạng cho người bạn, với lại ánh mắt của Hoan nữa, Minh nhìn Minh biết liền…
 
Giọng Yến vang lên:
 
- Thấy thương quá há!
 
Bây giờ đến “lúc của em” đây, em nhìn tất cả một lượt:
 
- Minh nghĩ, như mọi lần 6 đứa vẫn chia xẻ công việc để gánh vác vậy, tụi mình sẽ mua một chiếc cho Hoan…
 
- Chắc đắt lắm hén?
 
Em nhìn Thủy, quả quyết:
 
- Không đâu! Nếu chia số tiền cho 6… Thủy nghĩ xem…
 
Con bé Mai đặt ngay vấn đề:
 
- Mai thấy có hai điểm quan trọng là làm sao để mua và cho như thế nào đấy. Minh tính ra sao…
 
- Hay lắm! Tụi mình sẽ lợi dụng dịp Trung Tâm tổ chức cây mùa xuân và đó sẽ là một món quà Xuân cho cậu bé – em tự tin – Minh sẽ lãnh phần đó cho…
 
Tiếng Tuyết cũng vừa vặn cất lên:
 
- Còn phần mua, Tuyết sẽ nhận cho…
 
Yến rí rỏm:
 
- Coi chừng nha, không chừng người ta chống vài ngày mà gẫy thì bắt đền nhỏ đó…
 
Tuyết nghiêm trang:
 
- … Chắc mà… tại Tuyết có quen với người bạn. Lúc trước chị ấy dùng cây nạng vì cái chân phải bị tê liệt, sau một cuộc điều trị thế nào đó, chị lại ở vào trường hợp nhẹ nên không còn cần nữa, mình có thể điều đình mua lại…
 
Chưa bao giờ căn phòng của em vui như lúc nầy, sáu khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên. Có một sự hòa hợp nào đó để cả sáu nhìn về tương lai bằng đôi mắt ấp ủ vùng trời hồng khả ái vô cùng, mật ngọt vô cùng. Tiếng Mai thoảng lên, thật nhẹ:
 
- Xong cả rồi nhé, phải rán hoàn tất vào buổi họp tới để còn kịp CÂY MÙA XUÂN. Thế nào, cô bé Minh, có đồng ý không?
 
Em từ từ ngẩng lên, sau làn ánh sáng chan hòa căn phòng, khuôn mặt, đôi mắt cô bé dễ thương vô ngần, em thấy nụ cười của em ở trong đó…
 
*
 
Khánh! Khánh nè, dậy đi…
 
Mặc cô Dung – gác giấc trưa cho chúng em – lay gọi, thằng bé vẫn ngủ say như chết, chiếc nạng tuột xuống, gác hờ trên chiếc chân bất động, tay thằng bé duỗi dài trên mặt chiếu, thỉnh thoảng miệng nó lảm nhảm những gì không rõ. Cô Dung kiên nhẫn:
 
- Khánh nè, bà giám đốc gọi, dậy đi.
 
Dường như tiếng bà giám đốc có tác dụng như một cú sét nên Khánh bật ngay dậy, đôi mắt đỏ ngầu bởi giấc ngủ giương lên lờ đờ:
 
- Bà đốc gọi con hả cô?
 
Cô Dung từ tốn:
 
- Ừ, nhanh đi, ra rửa mặt…
 
Từ lúc cô Dung bắt đầu gọi Khánh cho đến lúc thằng bé khập khiễng ra khỏi phòng, em đều nhìn thấy cả… Bao câu hỏi đặt ra trong óc em bây giờ như phù hợp với mọi diễn biến ban sáng làm em không còn nghi ngờ gì nữa: thằng Khánh sắp bỏ viện cô nhi mà đi.
 
Em vẫn sợ những buổi sáng như buổi sáng hôm nay vô cùng. Phái đoàn gồm toàn người ngoại quốc tiến vào trong viện, bà đốc bao giờ cũng dẫn đầu. Em không rõ họ nói với nhau những gì nhưng em nghe được lõm bõm vài tiếng Pháp – với vốn liếng chút ít khi em còn cạnh Me, Me cho em đi học – Nụ cười hiền hòa luôn luôn nở trên môi họ mà chúng em thì không cười được, mặt đứa nào cũng rắn đanh lại hơn, cũng lo lắng hơn khi được hỏi tới, được họ nhìn. Tình bạn, tình thương trong cô nhi viện sẽ lớn lao, bao la biết bao khi không có những đe dọa thường xuyên dù những đe dọa ấy là nụ cười, là sự thăm hỏi, là việc bảo bọc một đứa bé – thường là xinh – dùm cô nhi viện. Người đàn bà ngoại quốc ấy đã dừng lại nơi Khánh, khuôn mặt thằng bé xinh đáo để dù thằng bé cố gằm đầu xuống, họ hỏi han Khánh thật lâu, em đoán em sắp mất Khánh, thằng bạn dễ chịu nhất của em…
 
- Anh Hoan, phải người ta “xin” anh Khánh hông?
 
Giọng nhão nhẹt, chắc con bé Hòa, nãy giờ cũng theo dõi Khánh đây. Em cố làm ra vẻ không quan trọng:
 
- Ừ, có lẽ vậy.
 
Em thu mình trong chiếc chiếu của mình hơn, quay lưng lại Hòa nhưng thoáng nghe tiếng con bé thở dài. Đấy, sau nầy nếu có phải viết về đời sống cô nhi, em sẽ nêu rõ một tính chất mà chỉ có cô nhi hay có, dù bé tí xíu, đó là tiếng thở dài, thở dài để đầu hàng định mệnh, thở dài để níu kéo một phút thanh thản kỳ diệu khi một gánh nặng vừa được nhấc lên trong tim…
 
Căn phòng ồn ào hơn khi Khánh trở lại, bọn cô nhi lóc ngóc bò dậy, nhìn ngang, nhìn ngửa, có đứa còn ngủ. Những đứa thức chặn Khánh lại hỏi chuyện. Em nghe loáng thoáng – Phải bà đầm mặc áo xanh da trời chứ gì? – Họ xin mầy hả? – Chừng nào đi? – có tiếng tiếc rẻ – ngay chiều nay à? – Sao sớm vậy? Có đứa nghe rồi gục mặt buồn xo.
 
Khánh lê chân đến bên em. Em gượng dậy bằng cách chống tay lên mặt đất một cách vững chãi, em thấy mắt Khánh đo đỏ, thoạt đầu em nghĩ là nó buồn vì phải xa bạn nhưng sau em biết không phải khi nghe nó nói khẽ qua kẽ răng:
 
- Tao thù chỗ nầy lắm rồi, thật ra tao muốn đi…
 
Quả tình em có hơi ngạc nhiên, nhưng mường tượng đến khuôn mặt bà giám đốc, đối với chúng em là một bà tiên chúc dữ hơn là một bà tiên chúc phúc, em thấy Khánh có lý ngay. Em nhìn nó chăm chú:
 
- Bả nói gì mầy?...
 
Khánh há miệng định nói nhưng nghĩ sao thằng bé quay đi, lắc đầu:
 
- Thôi mầy quên chuyện đó đi, nghe chỉ thêm buồn…
 
Em thắc mắc ghê lắm, định hỏi cho ra, dù biết đó là những lời lẽ không xuôi tai cho lắm, nhưng tiếng Khánh đã rót vào tai:
 
- Cô Dung lên kìa, ngủ đi.
 
Em vội vã nằm xuống, bên kia Khánh cũng từ từ ngả mình xuống, bàn tay trái của nó len lỏi siết chặt lấy tay em, tiếng nó cất lên nho nhỏ mà em nghe chừng vẫn vướng víu âm thanh yếu dần, thoi thóp của Me em đêm kinh hoàng nào bởi nó thật buồn như la đà xuống một vùng đất sầu nào rồi mới đến đây:
 
- Tao sẽ cố gắng về thăm mầy…
 
Em định quay nhìn Khánh, định nói một câu gì đó nhưng mắt thằng bé đã khép lại, nước mắt rạt rào lăn xuống, giăng màn trên riềm mi Khánh. Bàn tay chúng em siết chặt hơn…
 
*
 
Tiếng mở cửa xe ầm ĩ làm em tỉnh giấc ngủ. Với mặc cảm mất mát, em nhìn quanh, nhìn sang chỗ Khánh: trống không. Em nhìn xuống cánh tay phải của em, vẫn còn đặt ở chỗ cũ, vị trí mà hai đứa đã siết tay trong nhau mà yên tâm ngủ. Tiếng lao xao dậy lên trong phòng, em nghe rõ nhất những tiếng “Khánh”, “đi”, bọn cô nhi còn lại tuôn ra các cửa sổ để chứng kiến cảnh Khánh đi. Chai cứng cả tâm hồn, em cũng định nương theo bờ tường bước ra cửa sổ, bàn tay mọi khi chỏi lên mặt chiếu thấy đau vì chịu đựng cả thân mình nhưng sao hôm nay, em chả nghe sao cả. Một vật chạm lành lạnh vào tay em. Em quay nhìn, và không kịp để thốt một tiếng. Chiếc nạng của Khánh để cạnh em bao giờ, mảnh giấy trắng đặt hờ lên trên nghiêng nghiêng giòng chữ:
 
“Tặng mầy đó. Mai mốt tao có cái khác. Ở lại đừng buồn nghe”. Làm sao?? Em bắt buộc phải quyết định ngay, mà quyết định ra sao bây giờ?? Khánh đi mất! Phải trả lại Khánh! Rủi thằng bé bị người ta bạc đãi thì sao?? Em còn nhiều thằng bạn khác, còn có thể mượn được nữa mà. Tội nghiệp, mới chữa trị – miễn phí – nên chân thằng bé còn yếu lắm, không biết nó đi có bị té không? Em phải trả lại Khánh. Em vùng dậy, bám theo vách tường như một loài bò sát, miệng em không ngớt gọi Khánh nhưng thằng bé có nghe gì đâu, nó đứng bên Ba Me mới như một người mất hồn, chân phải hơi khuỵu xuống, đôi mắt thật buồn. Em rán hết sức mà Khánh vẫn còn xa lắc, không tự chủ được, em té quỵ xuống đất, chiếc nạng văng ra xa cuốn luôn cả mảnh giấy trắng vào góc tường. Em muốn khóc kinh khủng, cố ngước nhìn Khánh. Trễ mất, Khánh bước lên xe, “Ba Me mới” còn đứng nói chuyện với bà đốc. Em cố nuôi hy vọng nhưng mắt em mờ dần, mờ dần… Sau màn lệ, em thấy một bóng áo dài trắng cúi nhặt chiếc nạng, có tiếng con Hòa – “Ảnh đem cho anh Khánh, cái anh ngồi trên xe” – bóng trắng thoắt đi, chiếc nạng được trao tận tay bà đầm áo xanh, Khánh không hay, chiếc xe phóng đi… Một cánh tay đỡ em lên, tiếng ai loáng thoáng, hình như tiếng chị Khả Ái. Chị Khả Ái ơi, Khánh ơi, Hoan không muốn biết gì nữa cả…
 
*
 
- Má, lát nữa 3 giờ, tụi con đến Cô Nhi Viện…, cho con đi nha má!
 
- …
 
- Cho nha má, bữa nay Cây Mùa Xuân, đông trẻ em lắm má à, con phải đến…
 
Em len lén nhìn má, má lẳng lặng may đồ, dường như má không nghe nhưng môi má mím chặt, mặt má rắn lại. Em hồi hộp quá, chắc má giận ghê lắm, em cam kết đại:
 
- Lần nầy là lần chót, từ rày sắp tới con sẽ không đi nữa…
 
Cứ như hồi nhỏ mỗi lần chơi lê la dưới đất hoặc mút ngón tay bị má gặp, rầy rồi cam kết vậy. Má bật cười:
 
- Ừ, lần chót. Mà khoảng mấy giờ về?
 
Em mừng ghê đi:
 
- Dạ 6 giờ.
 
Em lăng quăng chạy đi thay áo. Tiếng xe của Yến gọi em ngoài cửa. Em chạy vụt ra:
 
- Thưa má con đi.
 
Má không trả lời. Có lẽ má còn phiền em, nhất định lần sau không đi nữa, má sẽ hết buồn.
 
Bây giờ là thời gian để thả giòng mắt lênh đênh trên những ngọn cây. Gió thổi thực mát. Tiếng Yến – Giữ cây nạng cho chặt nghe. Em vênh mặt – trẫm giữ mà không chặt sao được – Em bồi hồi nghĩ đến lúc cho nạng, nói làm sao đây nhỉ. Có nhiều hình ảnh chung quanh chiếc nạng quá đi. Mảnh giấy em nhặt được hôm nào còn giữ đây “Tặng mầy đó. Mai mốt tao có cái khác. Ở lại đừng buồn nghe” Hình ảnh thằng bé quỵ xuống, bờ môi còn dâng lên hai tiếng Khánh ơi. Thương quá đi mất. Mảnh gương tình bạn không vỡ nhưng đã bị tróc đi lớp bạc lấp lánh – những kỷ niệm vàng son – làm sao còn dùng để soi chung hai gương mặt được.
 
Ồ, em lại nghĩ xa rồi, tính chất của người phục vụ xã hội phải kể đầu tiên là sự công bình, thiếu sự công bình thì không gọi là phụng sự xã hội nữa mà là thỏa mãn tình cảm cá nhân mình, như chúng em vẫn thường nhắc nhở nhau luôn. Vậy thì em đã không công bình rồi đấy nhỉ? Không đâu, bằng cớ là sáu đứa đều chú ý đến trường hợp Hoan chứ đâu phải riêng em…
 
Tới viện rồi kìa. Chiếc xe Solex da bọc xương của Yến mỗi lần phanh thắng là y như mùi dầu xăng, nhớt tha hồ bò vào mũi, con bé vừa nhăn mặt vừa cười. Em lúng túng với chiếc nạng trên tay, nhìn Yến dò hỏi:
 
- Nhỏ, sao bây giờ?
 
Cô nàng cười tủm tỉm:
 
- Ý, nhà ngươi lãnh trách nhiệm mà hỏi ta.
 
Em nghe nóng bừng mặt, bào chữa:
 
- Ghê không, khuya ta mới sợ.
 
Hắn nheo mắt tinh nghịch:
 
- Nào, đoàn quân hiên ngang oai hùng, tiến vô.
 
Nói thế chứ khi em đi, con bé cũng lẽo đẽo đi theo. Em phóng một câu bâng quơ để quê hắn ta:
 
- Ai làm hậu quân đó hở?
 
Yến phì cười đi nhanh để hai đứa cùng sóng đôi. Chúng em vào phía sau, tìm Hoan. Có tiếng reo hò vỗ tay ở phía sân trước, chắc bốn đứa Mai, Thủy, Tuyết, Thu đang bày trò gì mới lạ đây. Hoan đâu mất, hai đứa tìm mãi. Em nảy ra ý kiến tìm Hoan ở cửa vào phòng ngủ, có cánh cửa sổ mà hôm nào Hoan đã nhìn Khánh đi qua. Khung cửa sổ đó. Đúng là vị trí của Hoan, thằng bé đứng bám vào khung cửa, đôi mắt mênh mông như một triết nhân. Em kéo tay Yến, con bé reo thật vui:
 
- Hoan nè, tìm em mãi đó…
 
Thằng bé quay lại, ngập ngừng nhưng vẫn lễ phép:
 
- Dạ, chuyện gì ạ?
 
Chiếc nạng được nâng lên, dựng đứng cạnh Hoan giữa lúc cậu bé chưa có phản ứng gì cả, em nói khẽ:
 
- Nhân dịp Xuân, các chị có một món quà dành cho Hoan, hy vọng với phương tiện mới, em sẽ có nhiều dịp hơn để thực hiện những ước nguyện cao cả của mình…
 
Em không ngờ mình nói được trôi chảy đến thế. Sau phút cảm động nhìn Hoan bỡ ngỡ ngó chiếc nạng rồi nhìn chúng em bằng cặp mắt sáng ngời tin tưởng, hai đứa em vội bước ra ngoài, mặc cho cậu bé hưởng thụ trọn vẹn niềm vui sướng kỳ diệu của một ngày rực ánh bình minh, của những vẫn thạch phiền muộn chìm mất trong vũ trụ linh hồn. Ngoài sân, tiếng trầm ấm của Thu cất lên “cây mùa xuân thơm ngát hương đời, ấm lại tình người…”
 
*
 
Không thể nào diễn tả hết mọi ý nghĩ của em lúc đó, vừa vui mừng rạo rực vừa ngại ngùng. Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong óc em. Có nên nhận không?? Chắc là phải nhận rồi, nhất là chính tay chị Khả Ái trao tặng. Nhận rồi phải nói như thế nào cho phải phép??... Me em ngày trước vẫn thường dạy em nằm lòng những tiếng cám ơn, dạ, thưa nhưng Me quên có lúc con trai Me phải diễn tả ý nghĩ bằng mắt vì không thốt được thành lời. Thứ ngôn ngữ ấy thực đáng yêu vô cùng mà cũng thực đầy đủ vô cùng bởi em nhìn thấy trong mắt chị Khả Ái một luồng sáng dịu dàng chan chứa biết bao nhiêu khi nhìn em ngắm nghía chiếc nạng, sau khi đặt tin tưởng không cùng nơi em. “Để thực hiện những ước nguyện cao cả của mình…” Ước nguyện cao cả – có phải chị muốn nhắc nhở đến tương lai em đó không? Có phải chị muốn thằng bé đã được chị trao tặng chiếc nạng ngày nào sẽ có lúc chính nó đóng trọn vẹn vai trò, lý tưởng của chị: chia sẻ được sự khốn cùng với đồng loại?? Chị ơi, chị không cần phải nhắc, phải nói, ngay khi nhìn chiếc nạng của mình, em đã biết em phải làm gì rồi. Thật là ích kỷ khi ánh sáng trong em không phải là ánh sáng của hàng ngàn cô nhi khác lẽ ra phải được hưởng. Ô, chiếc nạng yêu quí của em, chắc Khánh cũng không ngờ được, nếu ngày đó em không trả được Khánh chiếc nạng chắc bây giờ sẽ phải hối hận biết bao nhiêu…
 
- Anh Hoan ra đây chơi. Hòa dẫn cho, vịn tay Hòa đây nầy…
 
- Ra đi mầy Hoan, nhiều đồ chơi lắm…
 
Hai ba đứa thò đầu vào phòng tìm gọi em. Thương quá đi. Trong làn ánh sáng mờ lén lút chui vào phòng, em thấy rõ mái tóc bum bê của Hòa xoay qua xoay lại tìm em, cả khuôn mặt thằng Tuấn có giọng khàn khàn thốt lên khi nãy, em vẫy tay, tụi nó rón rén lại gần, có lẽ tưởng em còn đang buồn. Em phá tan nỗi buồn lởn vởn vây lấy khuôn mặt ba đứa bằng một giọng thật dí dỏm:
 
- Đố mầy, tao có cái gì nè…
 
Tuấn nheo mắt quan sát, Hòa lanh mắt lên tiếng trước:
 
- A, cây nạng, ai cho anh vậy?
 
Rồi con bé xuýt xoa:
 
- Á, đẹp ghê, bóng hơn cái của anh Khánh nữa, chắc đắt lắm hén.
 
Tuấn làm ra vẻ người lớn, vỗ vai em:
 
- Mấy chị ấy cho phải không? Từ nay sướng nhá…
 
Hòa bày:
 
- Nè, anh đi cho Hòa xem, chắc là dễ dàng di chuyển hơn cái của anh Khánh nhiều… Tuấn cũng biểu đồng tình:
 
- Ờ, đi thử đi…
 
Như bị lôi cuốn bởi nụ cười của Hòa, vẻ nghiêm trọng của Tuấn, em cắp nạng chống đi quanh phòng. Tiếng Hòa hét lên từ góc bên kia:
 
- Sướng hôn anh Hoan?
 
- Sướng!
 
Em hét trả rồi nhìn Tuấn, nhìn Hòa cười, những tiếng cồm cộp vang rõ trong phòng, vang động trong lòng em.
 
*
 
Em tin là niềm vui của em không có giới hạn nếu không có một bữa kia, cô Dung xuất hiện nơi cửa phòng – chúng em sửa soạn đi ngủ – nhìn quanh rồi tiến đến bên em, giọng cô ái ngại:
 
- Hoan, bà giám đốc gọi em.
 
Tuy không rõ lắm nhưng em cũng lờ mờ đoán được chuyện gì sắp xảy ra. Em cúi nhìn cây nạng thân yêu, có lẽ nó mới chính là một tội phạm hơn em. Có là cô nhi mới biết thế nào là luật của những con người uy quyền trên mình, một thứ luật thích ứng cho mọi trường hợp. Em nghĩ thế và cảm thấy lòng bình thản – bình thản để nhận chịu – hơn là hồi hộp để tập tễnh bước theo cô Dung. Tuy được vá víu bằng trăm đường chỉ nhưng mảnh áo em mặc vẫn còn cảm thấy lạnh vô cùng, hình như những mũi gió kim châm đã luồn lỏi qua những lỗ kim may mà xoáy vào da thịt em vậy, dù nắng ngoài trời đang rất hồng, rất ấm.
 
- Em Hoan đến rồi ạ.
 
Cô Dung gõ tay trên khung cửa trắng đục nói khẽ. Có tiếng đáp bên trong, cô nhìn em:
 
- Vào đi…
 
Em lủi thủi bước vào. Bà Đốc ngồi sau chiếc bàn to sách vở ngổn ngang, quạt trần quay vùn vụt. Em chua chát mà nghĩ rằng mình sắp được nghe những lời mà trước đây đã đọc tương tự như thế trước mặt Khánh, những lời mà em tò mò muốn được nghe Khánh kể dạo nào. Giọng bà Giám Đốc thật dịu dàng:
 
- Điều trước tiên tôi muốn biết là cây nạng của ai tặng cho em.
 
Chiếc bút trên tay bà Đốc hất về phía chiếc nạng cùng với chữ tặng kéo dài mai mỉa làm em nóng bừng mặt. Thoáng chốc, em cảm thấy người ngồi trước mặt mình không còn là Mẹ của hằng trăm em cô nhi khốn khổ mà chỉ là một mẫu người tượng trưng cho thế lực, uy quyền. Dù thế lực ấy chỉ dùng để quyết định cuộc đời của một cô nhi, dù uy quyền ấy chỉ can thiệp cho một hậu quả nào xảy ra ở tương lai cô nhi. Em cứng cỏi:
 
- Thưa, các chị mặc áo trắng.
 
Đáp lại thái độ của em, bà đốc cười nhẹ, khinh miệt:
 
- Thì là vậy, nhưng tôi cũng muốn hỏi em nghĩ gì khi nhận món quà đó…
 
Em nhìn thẳng vào mắt bà:
 
- Chúng con nhân danh bình đẳng con người và tình người…
 
Mặt bà đanh lại, gay gắt:
 
- Kìa, tôi hỏi em nghĩ gì kia mà…
 
Em bình thản:
 
- Như con đã nói, con không có mặc cảm gì cả với…
 
Bà ngắt lời, lần nầy bà nói một hơi:
 
- Tôi cũng biết các em thiếu thốn, nghèo khổ, cô nhi viện không đủ điều kiện cho các em, cho những em tham lam, cao vọng, đứng núi nầy trông núi nọ. Các em không vốn mà muốn có lãi. Các em không bao giờ nghĩ đến danh dự của cô nhi viện. Em luôn luôn tỏ ra phải được mọi người chú ý đến, chăm sóc các em. Như em chẳng hạn, cả cô nhi viện ai cũng biết chuyện cây nạng với các chị áo trắng… – Bà gằn giọng – Tôi đã quyết định rồi, hoặc là tôi, hoặc là em sẽ ra khỏi cô nhi viện nầy, tôi không còn chịu được những câu hỏi như chém vào mặt của mọi người… Em về phòng đi, hãy liệu lấy…
 
Chết điếng cả người, em bước ra khỏi phòng. Bà ấy đã nói gì vậy, em có nghe rõ không, hay là em đang mơ? Hành động nhận quà của em có thể đánh cao tội đến thế sao? Hoặc là tôi, hoặc là em… ra khỏi cô nhi viện, … hãy liệu lấy. Còn liệu chi nữa, một bà giám đốc có bao giờ chịu thiệt đối với một cô nhi. Vâng, em sẽ liệu lấy, em sẽ đi… Me ơi, con tưởng vào được nơi đây là tìm được chỗ trú yên thân, nào ngờ đó chỉ là một cành gẫy được ngụy trang khéo léo, cánh chim bị nạn ngỡ sẽ được ấp ủ, che kín cho qua bớt cơn giông nào hay lại phải lạch đạch bay đi. Thôi giã từ nha, giã từ Cô Nhi Viện có nhiều buồn thương, giã từ các thiên thần gẫy cánh bé nhỏ, tội nghiệp, giã từ những bữa ăn sớm tối, giấc ngủ trưa chiều đều đặn như một lời kinh, giã từ góc phòng, góc sàn em vẫn hay đứng một mình nhìn những chòm sao, mặt trăng, mặt trời, tia nắng hoàng hậu, giã từ bé Hòa, thằng Tuấn, giã từ khung trời tím biếc vượt lên từ khóm hoa giấy ngả nghiêng…
 
Mắt em nhòa đi, nếu phải cứ nhìn trời bằng đôi mắt thế nầy thì hẳn đẹp vô cùng, vạn vật sẽ ủ rũ đi như sau trận mưa giông. Chiếc nạng hôm nay dường như nặng đi, em đếm đúng ba tiếng côm cốp chống xuống nền gạch nên đứng lại, thở hào hển. Ơ kìa, bên góc kia của phòng giám đốc, chị Khả Ái xuất hiện như một thiên thần cánh trắng, nhưng mặt chị thật buồn, không còn vẻ hồn nhiên hôm nào, tay chị khoanh lại, lưng tựa vào vách, mắt chị nhìn em thật nhanh rồi chớp xuống. Em như có một giải nước lạnh dội lên đầu. Âm thanh chát chúa của lời bà giám đốc như được lũ lượt đánh thức dậy trong em. Chắc chị nghe rồi. Em cố gắng đừng nghĩ rằng chị đã nghe được những gì, nhưng những ý nghĩ cứ dồn dập tới. Chắc chắn như vậy rồi nên mặt chị buồn ghê đi. Chắc chị đã biết em… bị đuổi. Ôi, tay em tê cứng thế nầy, em đi không muốn nổi, chân phải em muốn quỵ xuống… Không, em phải rán, phải rán hết sức mình, không bao giờ đầu hàng một cố gắng nào, bởi ngày mai, em… vào đời, em bị thế giới cô nhi đào thải…
 
Em quay lưng vào phòng, như chạy trốn.
 
*
 
Cố rón bước thật nhẹ nhưng chiếc nạng gỗ vẫn đều nhịp cộp cộp, em dừng lại nơi cổng viện, nền xi măng lạnh ngắt dưới bàn chân. Cổng khép hờ như đồng lõa. Em chậm mình trong những phút còn ở trong viện, em vẫn ao ước được vừa đi, vừa cắp quyển kinh ló ra những hạt chuỗi tim tím chậm rãi bước dưới phố, được tự do như thế, được đi như thế chắc sung sướng ghê lắm, ghê lắm nhỉ, em cứ muốn chạy ùa ra hỏi những bóng chiên ngoan một câu như thế. Buổi lễ rền lên tiếng cầu nguyện, tiếng chuông thanh thoát như kéo khung trời sương thấp sà xuống, những đôi mắt bambi – những đôi mắt nai con – ngơ ngác nhìn sang từ bên nầy viện, thật thương.
 
Mãi đến bây giờ em mới biết không phải đi là thích, là sướng. Em sắp đi đây, với hai bàn tay không nhưng với một tâm hồn đầy những lời trách móc nặng nề, suốt đêm em không ngủ nhưng chả nghe mệt gì cả, có chăng là khoảng ngày tháng mọc nấm sau lưng, làm sao những cây nấm ấy trở nên hữu dụng, khó nghĩ ghê đi. Ấy, em lại quên rồi, đã tâm niệm đêm qua như thế nào: phải bền chí, phải chịu đựng, phải trong sạch, phải…, em quên cả rồi sao? Không, em lách ra ngoài cổng, có thể thấy được nắng xuân tràn ngập hai góc phố, hai góc đường, tiếng pháo lẻ tẻ mơ hồ. Một chiếc xe vận tải nặng nề lướt qua, một hành trình có mục đích. Ừ nhỉ, em không khác chuyến xe ấy là bao, không những em có mục đích hướng về tương lai, mà còn có cả ý chí. Chị Khả Ái đã cho em những thứ đó. Cám ơn chị dấu yêu, em sẽ dùng nó làm hành trang vào đời…
 
*
 
Như mảnh áo vá mà ai còn cố khâu thêm vào đấy những lần chỉ nhớ, em nhớ Hoan quay quắt. Nhất là chiều hôm qua, khi Yến đến báo tin.
 
- Minh ơi, Hoan bị đuổi rồi, vụ cây nạng, bà giám đốc không bằng lòng… Em ngạc nhiên:
 
- Lạ vậy, sáng Minh đến còn Hoan ở đó mà.
 
- Ừ, Yến cũng chẳng biết nữa, nhưng gặp cô Dung, cô Dung nói. Bây giờ mình vào nha.
 
Em nhìn ra sau bếp ngần ngại:
 
- Không được đâu, Minh hứa với má là lần chót rồi…, thôi để Minh năn nỉ vậy, mai nha…
 
Yến ra về. Nhưng mãi đến bây giờ em cũng chưa dám xin má… một lần chót nữa. Nhất là sáng hôm qua, em… một lần chót lén vào cô nhi viện hớt tóc cho mấy cô bé còn sót lại. Lúc về đứng chờ Yến đến rước, em gặp Hoan, thằng bé đi như trốn. Em không hiểu tại sao nhưng bây giờ em hiểu được thì sợ muộn mất thôi. Em sẽ nói Yến đến một mình bảo Hoan đừng vội đi, chúng em sẽ giải quyết ổn thỏa. Cơn giận âm ỉ của má từ hôm qua tới nay vẫn còn làm em sợ, buồn. Cầu trời cho Hoan đừng đi. Em nhảy bước cao bước thấp ra cửa khi tiếng xe Yến đậu lại. Em định trách con bé đến trưa nhưng kịp nhìn thấy mắt con bé đo đỏ. Yến nói nhỏ:
 
- Hoan bỏ đi rồi, không kịp nữa…
 
Có một mầu trời chói lửa dán kín hai mắt em. Thôi, thế là xong. Vô tình em giúp cậu bé mà lại hại cậu bé. Giá em đừng nhìn thấy Hoan, đừng nhìn thấy chiếc nạng duy nhất theo Khánh đi về “Ba Má mới” để buộc em phải gấp rút mua chiếc nạng cho Hoan thì bây giờ Hoan đã yên thân rồi không? Giá em nghe lời má: “để việc ấy người lớn lo” thì Hoan đâu có khổ thế nầy? Má ơi, má thật có lý. Người lớn bao giờ cũng tỏ ra mình có uy quyền trong mọi công việc, lẽ ra người nhỏ không chen chân vào. Hoan ơi, may là chị đã nói được với em câu… “để thực hiện những ước nguyện cao cả của mình”, em thông minh và có nhiều suy tư, chắc em hiểu và đem câu ấy vào đời, để hun đúc lý tưởng của mình. Như thế chị đỡ ân hận nhiều về sự ra đi của em.
 
Máy xe Yến nổ ròn lên. Em ngồi phịch xuống ghế. Ngoài kia, nắng xuân đang xây thành quách trên đường phố, mơ hồ em thấy một cái bóng nhỏ, cắp nạng, lầm lũi đi, như chạy trốn…
 
 
LINH HƯƠNG
Thương Linh
 
 
(trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 122, Xuân Canh Tuất, ra ngày 15-1 và 1-2-1970)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét