Thấm thoát mà Thu đã lên sáu, có hai em và biết đọc, biết viết rồi, có cừ không? Dù rằng Thu chưa đi học.
Ở chỗ Thu, dở quê dở tỉnh làm gì có vườn trẻmà vào? Vậy mà Thu lại biết đọc biết viết đấy, ông cao xanh ạ!
Nguyên mỗi một việc vỡ lòng của Thu cũng là một sự lạ rồi, đặc biệt rồi: Thu không có thầy hay nói cho đúng thì thế này: trong nhà ai cũng có thể là thầy Thu được cả, ba này, mẹ này, anh Tân này, chị Mai này, anh Nhỏ này… Dịp hè hay nhằm ngày lễ thì còn có các cậu hay chú về chơi. Mấy người ấy đều thông quốc ngữ, cho nên đủ sức truyền dạy sự hiểu biết cho Thu. Thu nhặt ở người này một chữ, ở người kia hai chữ mà hóa ra giầu đấy!
Không bao lâu, Thu ngồi vào bàn mò mẫm đánh vần những đoạn như sau:
“Sách quốc ngữ, chữ nước ta
Con cái nhà, đều phải học.
Miệng thì đọc, tai thì nghe,
Chớ ngủ nhè, đừng láu táu
Mày lên sáu, đang vỡ lòng
Học cho thông, thầy khỏi mắng…”
Ứ ừ… Sao mà Thu ghét tiếng “mày” thế! “Mày tao” là thế nào? Phải ăn nói cho lịch sự chứ? Dù là ăn nói trong sách đi nữa cũng vậy chứ! Nhưng chỉ ghét thầm thôi, không biết kể ra với ai và vẫn phải đọc đi đọc lại gần nhẵn mặt chữ.
Thu ấy ư? Thu chỉ thích vần xuôi kia, có nhiều đoạn đọc nghe hay tệ: “bà ta bế ta, bê bú bò, đi ra đi vô, bó lá bỏ bồ, chị ru bé ngủ, nhà quê vui ghê, bò la bò lê, ở bụi tre, tò te tí te…” v.v… Lại có khi: “Bò la gà to ghê, khỉ nó nghe…”
Đến chừng vần ngược có nhiều chữ thật là đáng gờm: “khúc khuỷu, khuya khoắt, ngoằn ngoèo, ngoa ngoắt” khó chi mà khó, tập đánh vần méo cả miệng đi kia!
Nhưng rồi cái đoạn đường cheo leo, gai góc đó Thu đều cũng vượt qua, vượt một cách chậm chạp, khó khăn, lâu lắc. Bây giờ đây, nghĩ lại còn thấy rùng mình!
Nay thì Thu thông thái ra phết. Chả thế mà ở nơi nào, trên cái gì Thu cũng đặt bút lên cho mọi người biết tài mình.
Trên quả cam vàng óng, Thu lấy bút nguyên tử viết: “Cam này là cam của em bé”. Trên quả chuối, Thu cũng viết: “Chúi này là chúi của em bé”. Trên tập giấy vệ sinh dành riêng cho em bé, Thu cũng hạ bút, phê rằng: “giấy này là giấy đi tiu của em bé”
Nhìn bút tích Thu, đôi khi mẹ cười thú vị, song cũng có khi mẹ la váng lên:
- Con Thu này nghịch quá thể! Bạ đâu nghịch bẩn đấy, coi chừng mẹ đánh đòn đa!
Ôi chao! Người lớn họ mới khó chịu làm sao! Thứ giấy đi tiu người ta viết lên là may ấy chứ, đã không biết ơn còn mắng nỗi gì!
Thu ao ước được đi học quá! Chữ nghĩa đầy ăm ắp trong đầu thế này này! Phải đi học thôi, ngứa tay không chịu được. Mà nghe đâu những sang năm, sau tết ba mẹ mới cho Thu đi học cơ. Lâu quá!
Sốt cả ruột. Trong lúc chờ đợi, Thu lấy phấn viết nhăng nhít lên tủ: “Tủ này là tủ của Thu”. Lại bị rầy, rõ bực mình làm sao! Người ta biết chữ mà cấm người ta viết, thế mới khổ cho người ta không, kia chứ? Mà sao mẹ hay la Thu thế? Cái thằng Minh nghịch phá trăm thứ thì mẹ lại chỉ cười thôi. Nó mà tóm được con cuốn chiếu trong tay ấy ư? Nó cầm lên, xách lủng lẳng khoe cùng khắp. Gớm, Thu sợ đến hét ngược lên. Mẹ cũng sợ, nhưng mẹ không có hét lên như Thu, mẹ nói bằng giọng trang trọng:
- Con trai có khác, nó phát triển cá tính như thế đó. Nó không giống mẹ thấy không?
Làm y như nó lập một kỳ công không bằng. Người lớn kỳ quái thế đấy: chuyện đáng la họ không la, họ lại la rầy những điều đáng khuyền khích. Điều Thu buồn cười nhất là mẹ luôn luôn để em Bé ăn nói buông tuồng không ý tứ chi cả. Khi nó cáu cái gì, tức thì nó kêu mọi người bằng “mày” tuốt tuột. Nó có còn bé dại chi đâu? Nó đã biết bắt bẻ người khác ra trò ấy chứ. Một bận dì Vân đến chơi, dì ôm nó hôn và nói:
- Chao! Cháu tôi dễ ghét quá! Con chó con!
Đời thuở nhà ai người lớn mà ăn nói thế không? Dễ thương thì kêu là dễ ghét! Người ta lại kêu làchó! Nhưng mà mẹ không hề phật ý – đáng ngạc nhiên chưa? – mẹ vẫn cười. Nhưng con Bé thì không cười, nó gỡ tay dì ra, khuỳnh hai tay ngang mạng sườn, lý sự:
- Dì Vân nói bậy bạ! Bé mà con của chó à? Mẹ ẻ chớ!
Cả nhà cười ngặt nghẽo. Thu không sao nhếch mép được, có gì vui đâu?
Ký quái hơn nữa là mẹ cứ cho đó như một chuyện thú vị lắm, gặp ai cũng mang ra kể, kể xong mẹ còn thêm:
- Con Bé này ghê lắm, nó lý luận chặt chẽ lắm cơ!
(Chặt chẽ thế này đây: sau khi dì Vân về, nó còn hầm hầm mặt nói “chó nó âu có cái vú cho bú mà làm mẹ Bé” Chỉ có thế mà mẹ khen nức lên)
Nhạt phèo! Trẻ con! Thu phê bình thầm trong bụng. Em Bé thì nghe khen phổng mũi lên, không thấy cái ngu của mình, còn “lên chân” kia, mới đáng khinh chứ. Càng ngày, nó càng lố bịch, càng quá trớn. Chẳng hạn, một lần nọ, ba chở nó đi phố với mẹ. Về nhà nó tìm ngay Thu mà lên giọng thế này:
- Chị Thu ơi! Em Bé i phố, Bé thấy àn bà mà lái xe…
- Đồ ngu! (Thu mắng nó liền) đàn bà lái xe chớ sao không? Dễ em Bé tưởng…
Em Bé tức thì sừng sộ:
- Àn bà gì lái xe? Àn ông mới lái xe chớ? Mẹ có lái xe không? Ba lái, chị Thu không thấy sao?
Rồi nó tìm đồng minh ở anh Tân:
- Phải không anh Tân? Àn ông mới lái xe chớ?
Đáng lý ra, anh Tân phải cắt nghĩa rằng: “Đàn bà cũng lái xe được, không ai cấm, mẹ không lái là tại mẹ không biết lái” thì anh ấy lại nói theo nó:
- Phải rồi! àn bà không ược lái xe, àn ông mới ược lái xe!
Thu tức quá, gân cổ cãi:
- Anh Tân làm bộ đó, Bé đừng tưởng đâu.
Bé gạt đi:
- Anh Tân không làm bộ, anh Tân nói thiệt, àn bà không lái xe, mẹ âu có lái?
Thu vừa tức giận, vừa khinh bỉ mà không thể nào nói cho Bé hiểu được cái ngu của nó: mẹ không lái thì mặc chứ, Bé quyền gì mà cấm tất cả các bà khác lái xe? Nhưng mà thôi, nó ngu, không hiểu được, nói vô ích. Làm sao nó nghe Thu trong lúc cả nhà đều nói theo nó? Thu phân trần với thằng Minh. Thằng coi vậy mà khôn. Nó biểu đồng tình với Thu rất là sốt sắng:
- Kể gì em Bé? Nó ngu lắm, Minh với chị Thu mới biết đàn bà lái xe được.
Có bạn đồng minh, Thu thôi, không thèm tức nữa. Thu không thèm chơi với nó nữa. Thu chán hết sức. Buổi trưa, hai đứa ngủ với mẹ, Thu cất lẻn đi chơi. (Mẹ cũng bắt Thu ngủ, nhưng Thu chỉ vờ nhắm mắt, chừng biết mẹ và hai em ngủ là Thu nhỏm dậy ngay) Thu thơ thẩn ra hè, nhặt than vụn vẽ ngoằn ngoèo lên vách lại thú hơn. Mà vui đáo để. Thu không thèm viết chữ nữa, trò đó cũ rồi. Thu vẽ kia. Thu vẽ cũng tàm tạm: con cò, con cá, con cá, con cò…
Trời ơi! Sao Trời lại sinh ra hai loài có hình dáng dễ vẽ đến thế kia, kia chứ? Này nhé, con cò thì kéo hai nét, rồi thêm cặp chân lêu đêu bằng hai đường gạch dọc xuống, hết sức đơn giản, đoạn kéo thêm ba bốn lằn chĩa, ngăn ngắn dưới cùng, thế là xong. Điểm thêm cái chấm tròn làm con mắt. Đôi khi, Thu tinh nghịch chỉ vẽ con cò có một chân, ra điều nó đứng thế, trông lại hay ra phết! Cần nhất là kheo khéo tay một chút, cho cái cổ cò dài dài ra và uốn cong, mỏ nó có thể chúc xuống, chúc lên tùy ý.
Còn con cá? Lại càng dễ phóng bút, à quên, phóng hòn than, kéo hai lằn dài, thon thon, giống như hình thù con cá, cái đuôi cá thì khác gì hai cái mỏ cò? Đoạn, khoét một vòng như cái lưỡi liềm phía đằng đầu, ấy thế là phân biệt ra cái mang cá, rồi điểm hai còn mắt, à, không, một con, con bên kia khuất không trông thấy, từ mang trở xuống là vảy bám khắp thân.
Cò với cá, cá và cò… không bao lâu trên bức tường đầy những tác phẩm của Thu, chật cho đến nỗi sau cùng Thu phải vẽ chồng lên những tranh của anh Tân. Anh Tân thì không vẽ cò với cá như Thu, (anh ấy không biết vẽ chăng?) mà chỉ toàn vẽ hình hai thằng bé đánh kiếm thôi, nhưng anh thay đổi hình dáng hai “thằng người” luôn: khi thì hai cậu đang chọc thẳng mũi kiếm vào nhau, khi thì người đâm, người đỡ, khi thì một cậu ngã sóng soài dưới đất, song tay không rời kiếm… trông chẳng “nghĩa lý” gì cả! Anh ấy thì làm gì biết chuyện đánh kiếm? Phịa! Chứ Thu, con cá Thu thấy ngày một. Con cò thì ít hơn, song con vật này Thu có cảm tình đặc biệt, vì u già thường nghêu ngao hát:
“Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng nước mắt như mưa”
Tội nghiệp! Thu nghe đến thuộc lòng mà lần nào nghe đến là Thu lại cảm động, tưởng tượng ra một người đàn bà đẫm mình dưới mưa đông, gánh đầy hai thúng gạo đi dọc theo bờ sông… (Chả bao giờ Thu tưởng tượng được người chồng cả) trời mưa, bờ sông thì vắng, rõ là khổ nhọc thân cò! Làm sao Thu không thương được? Đôi khi Thu mò ra bờ ruộng chơi tha thẩn một mình, Thu thấy hàng đàn cò trắng nổi bật lên trên những đám ruộng xanh, giữa ánh nắng vàng trong những chiều mùa hạ, trông thật là vui mắt.
Những lúc đó Thu quên phắt chuyện thân cò lặn lội. Chỉ khi Thu ra bờ đầm với u già, hay đến chỗ cửa sông thông ra biển, dọc theo dòng nước cạn Thu thấy thấp thoáng vài chiếc cò cô độc, đứng yên hay bước từng bước lững thững, vết chân in rõ trên bãi bùn lẫn cát ; trông bộ dạng mới lù khù, thảm hại làm sao! Và động thấy bóng Thu từ xa là nó vội vàng, cuống quít chạy hoặc vỗ cánh biến vào sương mù biệt dạng trong nháy mắt.
Nhưng hình ảnh cò còn thay đổi không ngừng theo những câu ca dao mà Thu được biết ngoài mấy câu cũ kỹ của u già. Chẳng hạn một lần kia, anh Tân lấy cuốn sách giáo khoa của anh ra chỉ cho Thu đọc bài Thân cò như sau:
Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi! Ông vớt tôi nao!
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng,
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con!”
Tội nghiệp thân cò mẹ! Nhưng Thu thầm nghĩ nước trong nước đục gì mà chả chết?
Thu thì Thu cóc thèm dặn dò, Thu tìm cách thoát thân kia.
Rồi thì nào:
“Cái cò, cái vạc, cái nông
Sao mày dậm lúa nhà ông hỡi cò…”
Lại mày tao! Ghét bài này, không thèm đọc nữa, nên Thu không biết khúc sau ra sao.
Thu ưa nhất là chuyện cò bắn súng. Chuyện này không có trong sách giáo khoa.
(Nói lén mà nghe: sách giáo khoa chán bỏ xừ đi!) Chuyện này cũng không phải u già kể, nó đâu trong một tạp chí cũ rích, Thu vớ được, nó thế này này:
“Con cò đứng gác bụi tre
Hy sinh giúp nước, cò què một chân!”
Đó là cò chiến sĩ! Theo ý Thu thì cò này anh hùng nhất, đáng quí nhất, dù Thu không biết đích xác chuyện xảy ra ở đâu, lúc nào.
Có lẽ khi vẽ cò một chân, Thu mường tượng chuyện cò giúp nước cũng nên? Hình như – Thu đoán thầm thế – cò giúp nước là cò thời xưa, xa lơ, xa lắc, thời giặc cờ Đen cũng nên? Giặc cờ Đen? Tụi này gớm lắm đây. Chỉ nghe cũng khiếp rồi. Chắc tụi này mang lá cờ hiệu đen như than?
Nghĩ vớ vẩn thế rồi Thu nao nức: được rồi! Thế nào chừng được đi học Thu cũng cố tìm cho bằng được chuyện giặc cờ Đen và nhất là chuyện cò bắn súng xem xuất xứ do đâu? Sao không thấy kể trong sách giáo khoa thư như mấy cò kia, Thu mới hài lòng.
MINH QUÂN
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 45, ra ngày 2-7-1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét