Chương 12
Cụ Lâm chau mày, đảo mắt kiếm xem ai đã dám ngắt ngang lời cụ. Cụ nhận ngay ra thằng Tân. Nó đứng sau mọi người, nghểnh cổ lên nhắc lại:
- Phải, con ngựa đó không đáng một xu!
Thằng Tân vừa mới gặp bác nó là ông Mạnh sáng nay. Chính nó đã nghe lóm được những lời bàn bạc của Bình và Thảo về con ngựa của ông Ánh và hai cha con nó đã xui ông Mạnh mua tranh để báo thù cụ Lâm. Không ngờ mua được rồi, ông Mạnh lại lợi dụng cơ hội để đổi lấy mảnh vườn mà ông hằng ao ước. Ông Mạnh tuy được lợi, nhưng cha con thằng Tân thấy con ngựa về tay cụ Lâm vẫn tỏ ý không bằng lòng. Chú Hai hàng thịt, cha thằng Tân, đã trách móc người anh rể:
- Cần gì bác phải đổi ngựa lấy mảnh vườn ấy. Cứ để vài tháng nữa, không có ngựa chạy xe xem lão ta có phải bán rẻ mảnh vườn ấy cho mình không! Ông cháu nó mạt đến nơi rồi mà.
Ông Mạnh, có lẽ để vui lòng chú Hai đã nói chống chế:
- Ồ, con ngựa đó có về lão ta cũng không ích gì. Ông Ánh bán lại cho tôi với giá rẻ mạt, chỉ tính theo cân thịt, thì chắc hẳn nó phải vô dụng rồi!
Nghe được những lời đó nên khi thằng Tân thấy mọi người trầm trồ khen ngợi con ngựa, liền chêm vào một câu cho bõ ghét.
Cụ Lâm quát thằng Tân:
- Mày biết gì mà chõ mồm vào?
Thằng Tân thủng thỉnh đáp:
- Sao tôi không biết! Ông Ánh bán cho bác tôi con ngựa này vì nó trở chứng rồi. Nó có bệnh …
- Bệnh gì?
Thằng Tân hơi cuống. Nó toan khai láo ra một bệnh, nhưng lại không biết giống ngựa thường mắc bệnh gì. Nhân nó bị bệnh suyễn, gặp những hôm thời tiết thay đổi, hơi thở của nó khò khè thật khó chịu nên nó đáp liều:
- Bệnh suyễn!
Không ngờ nghe thằng Tân nói, cụ Lâm tái mặt lại. Cụ là người rất rành về ngựa. Cụ biết một con ngựa đã mắc bệnh suyễn là kể như bỏ đi không làm gì được. Nó không thể chạy nổi một quãng ngắn vì hụt hơi. Nên cụ gặng thêm:
- Thiệt nó mắc bệnh suyễn không? Ai bảo với mày là nó mắc bệnh suyễn?
Thấy vẻ nao núng của cụ Lâm, thằng Tân thích chí trộ thêm:
- Thiệt mà! Tôi đâu có nói láo, chính bác tôi nói thế!
Cụ Lâm trợn tròn đôi mắt:
- Thằng cha Mạnh lưu manh thật. Không lẽ tôi mất mảnh vườn để đổi lấy một con ngựa vô dụng hay sao!
Bình nói nhỏ với ông:
- Nội đừng có tin, nó nói láo đấy.
Mọi người lúc ấy đã vây quanh con ngựa, bàn tán xôn xao. Có tiếng bất bình nói:
- Không thể thế được. Họ đã lường gạt mình phải đi thưa chớ!
Bác Cai thợ hồ cũng tiếp lời:
- Vào địa vị tôi là cụ Lâm, tôi phải đi gặp ngay lão Mạnh hỏi cho ra ngô ra khoai mới được. Chứ bị ức thế này ai mà chịu nổi !
Bà Huệ đanh đá phụ họa:
- Phải! Phải đi gặp cha Mạnh, và lôi cả thằng cháu hắn đến!
Cụ Lâm nghe mọi ý kiến, nhưng rồi cụ ra dấu xin ai nấy hãy bình tĩnh:
- Con ngựa này như bà con đều biết, tôi đã phải đem mảnh vườn của tôi ra đổi lấy nó. Để biết chắc tôi có bị người ta lường gạt hay là thằng Tân này nói láo, tốt hơn hết tôi tưởng nên cho nó chạy thử một vòng để biết thực hư rồi sẽ xử trí cho ra lẽ sau.
Nói đoạn, cụ Lâm giật dây cương. Đám người tán thành ngay ý kiến đó, mở lối cho xe chạy.
Thấy ông quẹo xe sang lối khác, Bình ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, sao nội không lên Sàigòn?
Cụ Lâm đáp:
- Mình làm một vòng về quê chơi cháu ạ.
Nói đoạn cụ quất roi thúc giục con Phi Long tiến bước. Bình háo hức muốn được cầm cương, nên vờ nói:
- Tay nội bữa nay coi bộ khá rồi, không run mấy nữa.
Cụ Lâm biết thóp, mỉm cười bảo:
- Mày muốn cầm cương hả? Để nội thử qua cho biết con ngựa này ra sao rồi nội trao cương cho cháu.
Qua hết đường làng, xe rẽ lên hương lộ số 5. Đường này vắng vẻ hai bên có những cây gai đứng thẳng tắp.
Con Phi Long nhịp bước rất đều.
Cụ Lâm không giấu nổi vẻ hân hoan:
- Các cháu coi, nó kiệu thật hay, và không thấy thở mạnh chút nào. Con ngựa này chắc chắn không bị suyễn như thằng Tân nói. Nhưng để cho chắc ý, cho nó chạy phi thử coi. Đây nội nhường cương cho cháu. Nhớ cẩn thận nghe Bình!
Bình nhoẻn cười đỡ lấy dây cương với cây roi. Anh quất gió nghe “vút” một cái, và lập tức con Phi Long đổi bước kiệu sang phi. Bốn vó nó đập … clắc, clắc, clắc, trên mặt đường, mỗi lúc một nhanh dần … nhanh đến nỗi Bình đâm hoảng:
- Sao nó chạy dữ thần vậy nội!
Nhưng cụ Lâm vỗ tay trên đùi trầm trồ:
- Hay! Chạy thế mới phải là ngựa chứ!
Thảo bám chặt vào thành xe, mặt hơi tái vì sợ. Còn Bình thấy vẻ hân hoan của ông nội nên cũng yên tâm, cười thích thú, trong lúc cụ Lâm cứ luôn miệng khen ngợi.
- Con ngựa này chạy hay thật!
Con hương lộ dài tít tắp như một giải lụa trải giữa những cánh đồng ngập nước, những nương vườn xanh ngắt bát ngát đến chân mây.
Cụ Lâm nhắc chừng Bình:
- Thôi chạy thử thế đủ rồi. Không nên làm cho ngựa mệt quá, cháu ạ. Ta quay về là vừa.
Bình đang ham, cố nài:
- Thích quá! Cho cháu chạy thêm một quãng nữa đi nội!
Nhưng Bình vừa nói xong bỗng nghe có tiếng động cơ rú lên ở phía sau.
Thảo quay đầu nhìn thốt kêu:
- Ủa, ông Mạnh !
Cụ Lâm cũng nói:
- Ừ, thằng cha Mạnh thật. Nó phóng đi đâu vậy kìa?
Ông Mạnh gò mình trên chiếc xe gắn máy, phóng vượt qua chiếc xe thổ mộ, rồi thay vì đi thẳng, đột nhiên hãm lại đứng chắn ngang đường.
Bình phải ghì vội dây cương, con Phi Long choải người ghìm bốn cẳng lại, bốn móng sắt xiết xuống mặt đường kêu ken két mới tránh khỏi tai nạn.
Cụ Lâm nét mặt kinh hoàng đổi sang tức giận, giật lấy chiếc roi Bình cầm nơi tay và như tìm lại được sức lực hồi còn trai trẻ, nhảy phắt xuống đất. Cùng lúc ấy, ông Mạnh cũng đã dựng xe bên vệ cỏ, lôi ra tờ giấy, tờ giao kèo đổi ngựa …
Cụ Lâm hằm hè:
- Bộ chú điên hay sao chớ ? Chú làm cái gì kỳ vậy ? Một suýt nữa nếu không hãm kịp, thì chú gây ra tai nạn rồi .
- Cũng tại ông phóng chạy nên tôi mới phải đuổi theo ngăn lại. Hồi nãy tôi có nhắn thằng Tân đến bảo với ông rằng việc đổi chác này chưa xong. Nhưng ông không nghe, ông phóng chạy. Chính ông điên chớ đâu phải tôi điên!
- Thế là thế nào? Hồi nãy tôi có gặp thằng cháu của chú. Nó không nói những lời chú nói, mà còn mách rằng chú lừa tôi, đôi cho tôi con ngựa bị bệnh suyễn.
Ông Mạnh trợn mắt :
- Thằng khốn đó, rồi nó biết tay tôi.
Ngồi trên xe Bình thở dài bảo Thảo:
- Bình biết thằng Tân là một thằng chuyên môn dối trá. Nó lại gây thêm rắc rối gì nữa đây!
Ông Mạnh to tiếng tiếp:
- Bây giờ gặp ông đây tôi nói cho ông biết: tôi lấy lại con ngựa.
Cụ Lâm sững người, ngơ ngác nhìn ông Mạnh. Rồi cụ nhảy lại đứng trước đầu con Phi Long như để bảo vệ nó.
- Chú nói gì lạ vậy? Chú lấy cớ gì đòi lại con ngựa này? Thế còn miếng vườn của tôi thì sao?
- Vườn của ông vẫn đó. Còn con ngựa của tôi, ông cho nó chạy theo cái mửng này, tôi sợ nó què mất. Mà cái giấy này – ông Mạnh chìa tấm giấy – đâu đã xong!
- Tại sao chưa xong?
- Chưa xong vì không hợp lệ. Tôi đã đem ra quận, nhưng người ta bảo phải có hai bên đương sự ký kết trước mặt quận và mỗi bên phải có hai người chứng mới xong. Trong khi chưa hợp thức giấy tờ, tôi không thể để ông hành hạ ngựa của tôi được.
Cụ Lâm đăm chiêu nhìn ông Mạnh, trầm giọng nói:
- Này chú Mạnh, tôi biết chú lừa bịp tôi khi đổi cho tôi con ngựa này, miếng vườn của tôi đáng giá gấp năm lần con Phi Long kia. Nhưng tôi đã ưng thuận rồi, mà một lời nói của tôi như đanh đóng cột. Tôi giữ con Phi Long vì tôi cũng mến nó rồi.
- Mặc kệ ông, tôi lấy lại con ngựa. Ông phải tháo nó ra khỏi xe cho tôi đem nó về.
Nói đoạn ông Mạnh nhét mảnh giấy vào túi, bước lại phía chiếc xe cổ mộ toan tháo dây cương.
Cụ Lâm lui lại, dơ ngọn roi điểm vào mặt ông Mạnh:
- Tôi nói cho chú hay, chú sờ vào con ngựa là không được với tôi nghe!
Ông Mạnh cũng không chịu thua, nhảy sấn tới dằng lấy cây roi. Cụ Lâm săn tay áo quát:
- À, chú muốn ăn thua với tôi hả!
Thấy cuộc xô xát khó tránh khỏi, Bình nhảy vội xuống đất. Thảo sợ hãi ôm mặt khóc.
Cướp được roi, ông Mạnh giơ lên toan quất vào cụ Lâm … thì chợt có tiếng còi xe hơi vang lên inh ỏi.
Một chiếc tắc-xi sịch đến. Trên xe có những bàn tay thò ra xua, vẫy như ngăn cản như mừng gọi. Rồi người trên xe tông xuống, cười nói nhốn nháo.
Thoạt nhìn đám người đó, Bình chợt nghe tim đập mạnh trong lồng ngực. Anh sửng sốt kêu:
- Thúy Liễu!
Bình tưởng đâu mình mơ ngủ! Nhưng không, Bình không nhầm vì cả Thảo cũng thốt lên mừng rỡ:
- Ban nhạc Hương Giang!
Ban nhạc Hương Giang lần này xuất hiện mới có hai người: Thúy Liễu và Việt Cường. Cùng ngồi xe với họ là hai khuôn mặt quen thuộc ở Ngã ba ông Tạ: chú Sáu nhà in và bà Huệ.
Cả bốn người đều xuống xe một lượt. Bà Huệ te tái chỉ cụ Lâm:
- Cụ ấy đó rồi! Cả lão Mạnh nữa!
Thúy Liễu tiến lại, nắm lấy hai tay cụ Lâm mừng rỡ:
- Chào cụ, chào hai em! May quá, chúng tôi đến kịp. Mấy bà con ở Ngã ba ông Tạ có kể lại cho chúng tôi biết hết mọi chuyện .
Nàng quay lại phía ông Mạnh, đang đứng ngẩn người bối rối, nói:
- Chắc ông là ông Mạnh ? Tôi chưa được hân hạnh gặp ông, nhưng bà con ở Ngã ba ông Tạ đã cho tôi biết nhiều về ông rồi. Theo tôi ông xử sự như thế là không tốt ông ạ. Sao ông nỡ đòi lại con Phi Long của cụ Lâm? Đó, ông thấy chưa, tôi biết cả tên con ngựa này nữa mà!
Ông Mạnh sượng sùng nhìn Thúy Liễu. Nàng cất tiếng cười trong trẻo, rồi điềm đạm tiếp:
- Ông chẳng nên nhẫn tâm lợi dụng tình cảnh của cụ Lâm để bắt bí cụ ấy như thế ông Mạnh ạ . Ai lại đòi chiếm cả miếng vườn của người ta để đổi lấy một con ngựa bao giờ!
- Ồ, miếng vườn đó đáng gì đâu. Với lại, chuyện chưa xong, quận chưa chịu thị thực … và thằng cháu tôi nó lại …
- Thằng cháu ông nếu nó có lỗi, ông nên lôi cổ nó ra, đét cho nó ít chục roi. Nhưng thôi, tôi xin đề nghị với ông một điều. Mong ông nhận lời để khỏi bị lương tâm ám ảnh …
Ông Mạnh sửng cồ, cự lại:
- Tôi không khiến cô dạy khôn tôi. Tôi cũng chẳng mượn cô lo cho lương tâm tôi … Cô đừng có giở cái giọng đó …
Nhưng Thúy Liễu rành rẽ tiếp:
- Nhân tiện có hai bà con đây - chỉ chú Sáu Nhà in và bà Huệ - làm chứng, tôi xin thay mặt cụ Lâm mua lại con ngựa này với giá gấp đôi ông đã mua. Như thế ông cũng lời lắm rồi. Còn miếng vườn của cụ Lâm thì trả lại cụ ấy.
Rồi không đợi ông Mạnh trả lời, Thúy Liễu bảo người anh trai của nàng:
- Anh Cường, lấy cho em năm ngàn đồng để trả tiền ngựa cho ông Mạnh.
Cụ Lâm và Bình kinh ngạc nhìn anh em Thúy Liễu, không hiểu được tại sao mới mấy hôm trước đây họ cạn hết tiền túi, mà bây giờ, lại có nhiều tiền đến thế …
Việt Cường mở bóp đếm năm sấp giấy bạc đưa cho ông Mạnh. Ông này lưỡng lự suy tính giây lát, rồi cầm lấy tiền cười nhạt:
- Thật, tôi cũng vì nể … mà nhận …
Vẫn với dáng điệu lanh lợi, bặt thiệp, lần này Thúy Liễu hướng về cụ Lâm nói:
- Riêng về phần cụ, tôi cũng xin cụ vui lòng chấp thuận cho điều này: tôi biết ông Mạnh lâu nay vẫn ước ao có thêm ít thước vườn của cụ cho miếng đất của ông ấy hiện có thêm vuông vắn. Vậy xin cụ cũng nên xén ra chút đỉnh nhường lại ông ấy cho đẹp lòng cả đôi bên, khỏi có sự bất hoà nữa.
Cụ Lâm vui vẻ đáp:
- Dạ, tôi xin sẵn lòng nghe lời cô.
Thúy Liễu mừng rỡ reo:
- Đấy, ông Mạnh nghe rõ chưa. Cụ Lâm bằng lòng nhường đất cho ông rồi đó. Thế là êm đẹp cả nhé!
Nàng quay lại cụ Lâm tiếp:
- Việc đó xong rồi. Bây giờ phải kể đến chuyện của chúng tôi. Hôm đi nhờ xe cụ ra ga, chúng tôi thất vọng quá. Nhưng không ngờ tới đấy lại gặp cái ông đã để ý đến chúng tôi lúc còn đứng chờ xe ở chợ Đũi .
Bình thốt nói:
- À, cái ông đeo kiếng trắng phải không cô?
- Đúng rồi em ạ! Ông ấy chính là ông Phạm Thanh, một ông bầu tên tuổi. Hôm đó ông nghe chị hát, liền theo ra ga và chụp hình ban Hương Giang đang ngồi trên xe thổ mộ của em.
- Em có thấy bức hình đó trên báo Tin Sớm.
- Và trên nhiều tờ khác nữa! Tóm lại, hôm đó chúng tôi đã tưởng lên tàu trở ra Trung … Ai ngờ mới tới sân ga thì ông Phạm Thanh đã chờ sẵn, điều đình ký với chúng tôi một giao kèo trình diễn đại nhạc hội dân ca tại rạp Thống Nhất.
Cả cụ Lâm lẫn Bình đều hân hoan:
- Rạp Thống Nhất ! Nếu vậy là mãn nguyện quá rồi?
- Vâng, nhưng phải sang tháng sau mới có Đại Nhạc hội. Trong khi chờ đợi, ông Phạm Thanh sẽ tổ chức giới thiệu ban Hương Giang tại các rạp khác ở Đô Thành và các tỉnh lân cận.
Cụ Lâm xoa tay:
- Vậy còn tuyệt nữa!
- Nhưng đến khi sửa soạn thì chúng tôi lại quên mất địa chỉ của cụ. Hôm ở ga xe lửa vội quá chúng tôi quên khuấy đi mất, không biết nhét mảnh giấy ghi chỗ ở của cụ vào đâu! Mãi hôm nay mới hỏi thăm thấy nhà cụ. Thật hên cho chúng tôi quá.
Cụ Lâm cảm động cười xã giao:
- Mà cũng hên cho ông cháu tôi nữa.
Thúy Liễu tiếp:
- Thực tình chúng tôi cần đến cụ nhiều hơn. Trước hết là vấn đề cư ngụ. Chúng tôi muốn chọn một nơi yên tĩnh, khoảng khoát để có thể luyện tập thêm. Sau nữa ông Phạm Thanh có buộc một điều trong giao kèo là mỗi lần trình diễn ở đâu, ban Hương Giang phải đi bằng xe thổ mộ tới, đúng như lúc ông khám phá ra chúng tôi và chụp hình giới thiệu với khán giả.
Chú Năm nhà in gật gù nói theo giọng nhà báo:
- Quả là một sáng kiến ngộ nghĩnh …
Thúy Liễu gật đầu:
- Vâng có thể nói là sáng kiến ấy sẽ làm chúng tôi nổi tiếng. Nhưng cụ Lâm, cụ có vui lòng giúp chúng tôi không?
Cụ Lâm sốt sắng đáp:
- Ồ, nếu được thế còn gì bằng!
Bình cũng hớn hở nói:
- Như vậy em sẽ được theo đi khắp nơi mà ban nhạc Hương Giang trình diễn.
Thấy Thảo đứng tần ngần vì từ nãy không được nhắc đến. Thúy Liễu lại bên vuốt ve:
- Còn Thảo nữa, em có bằng lòng cho ban Hương Giang tạm trú ít ngày ở ngã ba ông Tạ không?
Thảo tươi nét mặt:
- Dạ có chứ. Thỉnh thoảng lúc nào rảnh, em sẽ sang chơi với cô, nghe cô hát! Nhưng còn hai anh kia nữa đâu cô Thúy Liễu nhỉ?
Bình trực nhớ ra:
- À, hai anh Mạnh Hùng và Dũng Cường …
Thúy Liễu nói:
- Hai anh ấy đang ngồi chờ trong vườn nhà em với đống hành lý …
Cụ Lâm thúc giục:
- Nếu vậy xin mọi người lên xe, chúng ta hãy trở về thôi.
Bà Huệ cười toe toét:
- Ừ há ! Về tiếp đón ban nhạc Hương Giang. Ở đây mọi việc xong xuôi cả rồi mà!
Bình nhảy lên xe thổ mộ cùng với anh em Thúy Liễu và Thảo. Con Phi Long nhẹ nhàng quay xe trở lại. Bình phởn phơ nhấp nhổm trên ghế, chiếc roi trên tay như đánh nhịp với tiếng vó ngựa gõ đều đặn trên mặt đường. Anh chúm môi huýt gió điệu sáo quen thuộc. Thảo mỉm cười, hài lòng thấy Bình vui, trong lúc Thúy Liễu nghe điệu sáo của Bình cũng cất giọng phụ họa:
- Ngựa phi, ngựa phi đường xa …
Trên kia, chiếc tắc-xi chở cụ Lâm ngồi với chú Sáu nhà in và bà Huệ lấp loáng dưới bóng những cây gạo đứng xếp hàng tắm nắng hai bên vệ cỏ.
Và, liền sau đó là chiếc xe gắn máy của ông Mạnh, động cơ nổ ròn như một chuỗi cười hân hoan.
Xem tiếp phần II
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét