Ở trại về, bố thấy con ngồi bó gối trên phản, mặt buồn thiu. Trước mặt con, tờ giấy trắng nhằng nhịt hình vẽ, nào ngôi sao, nào con cá, nào con thỏ... Nhưng hình nào cũng có một lằn gạch ngang và cạnh đó là hai chữ “hạng bét”. Bố biết tính con “tếu” như tính bố - bố con mình mà lỵ - và bố đoán con đang vẽ nháp để nộp cho thầy giáo một bài vẽ tự do.
Con không biết có bố đứng sau lưng, hí hoáy vẽ tiếp hình một chiếc máy bay. Bố lặng im xem. Con vẽ xong, ngắm nghía, rồi mạnh tay lại gạch ngang một cái, viết thêm: “Hạng bét”. Xong xuôi, dường như còn bực mình, con ném cây bút chì xuống phản đánh cạch một cái, tay vơ tờ giấy vò nát. Con sắp rời khỏi phản, bố vờ như mới vào đến, hỏi:
- Làm gì đấy?
Con đổi nét mặt, cười với bố:
- Con vẽ bậy bạ chơi...
Rồi con bước đến bên bố, đưa hai tay ngóng đợi. Biết ý, bố dang tay nắm hai tay con, hai chân con đặt lên hai mũi giày bố. Bố khệnh khạng bước vào nhà trong. Bố biết con thích được bố “chở” đi như vậy. Bố muốn con vui. Bố thương con.
Có tiếng mẹ con dưới bếp: “Thằng Long xuống tao nhờ cái này xem, để bố mày thay quần áo chứ”. Con rời bố xuống bếp. Còn lại, bố chưa thay quần áo vội, đến bên giường thăm em con. Tội nghiệp thằng Lương ốm đã hơn tuần, nóng sốt li bì, lúc nào người cũng như cục than. Em con mệt đến nỗi thấy bố cũng không buồn lên tiếng mừng. Mắt nó lờ đờ mất hết vẻ tinh nhanh hàng ngày. Em con đưa tay về phía bố. Bố ngồi xuống cạnh giường, nắm tay em con, bàn tay nóng hừng hực. Bố hỏi: “Lương uống thuốc chưa?”. Em con lắc đầu. Bố đi lấy nước lọc và thuốc. Em con nhăn mặt. Bố phải dỗ: “Cố uống thuốc cho chóng khỏi, bố cho đi chơi Sài Gòn”. Em con ngần ngừ mãi mới chịu uống. Bố đưa tay vuốt ngực em con, kéo chiếc chăn lên rồi mới đi thay quần áo. Bố nghĩ nhiều về em con, bố thấy thương nó quá. Có lẽ còn thương chung cho những người bị ốm nữa. Nằm lì một nơi trong cơn bệnh thì vui sướng gì, buồn muốn chết. Và lúc đó, bố quên đi chuyện gặp con ngồi vẽ hồi chiều.
2
Cu Lương bệnh đã mấy hôm rồi. Con buồn thiu. Thường ngày, khi cu Lương mạnh khỏe, con và cu Lương vẫn là hai anh em đoàn kết nhất xóm, đi đâu, bọn nhóc tì cũng phải nể sợ. Anh em con thích vật nhau. Cu Lương xem vậy mà khỏe, lắm lần đã vật con té nhào và ghì chặt làm con hết vùng vẫy. Con hay bảo với cu Lương:
- Mai mốt lớn lên, anh em mình sẽ thành lực sĩ.
Thế nhưng bây giờ cu Lương đang nằm ụ một chỗ. Bọn nhóc tì trong xóm hỏi thăm con:
- Cu Lương đâu rồi?
Con đáp:
- Em tao bệnh.
Bọn chúng le lưỡi:
- Eo ơi! Vậy rồi làm sao nó ăn Tết được?
Làm sao? Con biết làm sao bây giờ? Chỉ còn có mười ngày nữa là đến Tết. Hôm nọ bố có hứa Tết đến sẽ dẫn tụi con lên Sài Gòn coi sở thú. Cu Lương ao ước được ngắm con voi, con thì thích con sư tử. Cu Lương mà nằm bẹp một chỗ, chắc bố chẳng cho con đi chơi một mình, mà có cho đi nữa, con cũng không đi. Không có cu Lương, còn gì vui thú nữa!
Hôm qua cu Lương lên cơn sốt, nói mê luôn miệng. Khi ấy bố không có nhà, mẹ lo cuống quýt. Một lúc lâu, cu Lương mới hạ sốt và ngủ yên. Con ngồi bên giường cu Lương mà lo lắng. Khi cu Lương tỉnh dậy, con pha sữa cho em và lân la trò chuyện. Cu Lương bảo nếu Tết đến mà cu Lương chưa khỏi thì anh em con sẽ ăn Tết trong nhà. Con lắc đầu: “Ăn Tết trong nhà buồn chết!”. Cu Lương nhăn mặt: “Chứ anh Long để em ăn Tết một mình ở đây sao?”. Con nghe mà thấy thương cu Lương quá. Con vội nói: “Ừ! Vậy thì anh em mình sẽ ăn Tết trong nhà”.
Rồi anh em con nói với nhau những ao ước khác, cùng vẽ vời chương trình thưởng xuân trên giường bệnh. Cu Lương đòi hai anh em phải có một hộp bánh mứt riêng để có đứa bạn nào đến chơi, chúng con đãi. Con đề nghị mượn của bố mẹ bộ tách để rót nước mời. Nhưng nước lạnh chứ không phải nước trà. Trẻ con uống nước trà làm gì bố nhỉ? Cu Lương thêm:
- Nhà mình không có điện, anh Long nói với bố mua một cái đèn măng sông về thắp cho sáng trong phòng nhé!
Con lắc đầu:
- Đèn măng sông mắc tiền lắm. Dùng tạm đèn cầy cũng được rồi.
- Xấu!
- Chứ sao bây giờ?
Cu Lương im lặng một chút rồi đưa ra ý kiến thật ngộ nghĩnh:
- Hay là anh Long làm một cái đèn Trung thu để mình chơi Tết đi. Thắp sáng trong phòng luôn thể.
Bố xem có ngộ không! Tết mà đi làm đèn Trung thu. Cu Lương lại nói tiếp:
- Làm đèn nghe anh Long. Vừa đỡ tốn tiền mua đèn măng sông, vừa làm đẹp trong phòng nữa.
Con nhìn vào ánh mắt em con. Con đọc được nỗi ước mong trong đôi mắt đó. Con gật đầu.
Và con đã vẽ mẫu hàng chục kiểu đèn. Con nói với cu Lương khi nào vẽ được một kiểu ưng ý, anh Long sẽ cho em xem. Thế nhưng chưa có cái nào con ưng ý cả. Hồi nãy bố ở trại về, con đang vẽ. May mà bố không biết, chứ không, chắc con mắc cỡ lắm!
3
Một cái đèn Trung thu cho ngày Tết? Con của bố quả lạ lùng! Hay là con đang toan tính một chuyện tếu nào đây?
À! Coi vậy mà con cũng bí mật dữ. Đi xin tre ở đâu bố mẹ chẳng hề biết, mua giấy bóng hồi nào bố mẹ chẳng hề hay. Rồi khi làm đèn còn ra hông nhà, tìm một chỗ kín đáo mà ngồi làm nữa chứ. Nếu không về nhà nhằm lúc không thấy ai trong nhà cả, bố rảo một vòng xem sao thì chắc bố chả biết được bí mật của con. Bố lặng lẽ vòng trở lại nhà trên và đằng hắng. Đợi một lúc mới thấy con chạy lên. Bố giả vờ không biết chuyện gì, hỏi con:
- Đang làm gì vậy con?
Con đáp:
- Ơ... Con đang chơi với cu Lương trong nhà...
Bố cười. Con nào hiểu bố cười vì lý do gì, cười theo. Con ơi! Bí mật của con đã bị bật mí rồi mà con đâu có biết. Đã thế thì bố sẽ dành cho con một ngạc nhiên. Được rồi, cam đoan là con sẽ ngạc nhiên. Ngạc nhiên vô cùng!
4
Thế là con đã làm xong cái đèn. Một cái đèn Trung thu để anh em con chơi Tết! Cái đèn đó, con phải trả giá bằng một con dê-rô của thầy giáo cho vào cột Học thuộc lòng vì mải làm đèn, con quên tuốt chuyện học bài. Bố xem có khổ sở cho con không, khi con là một đứa học trò giỏi nhất lớp, bị thầy giáo gọi lên trả bài lại đứng phỗng ra, chẳng đọc được câu nào. Ngay cái tựa bài học con cũng chẳng biết là gì nữa. Cái tội ấy, con số không quả đáng đời. Tháng này chắc con sụt hạng, nhưng không sao, con sẽ “phục hận” vào dịp đầu năm mới.
Cái giá thứ nhì mà con phải trả là ngón tay trỏ phải bị quấn băng kín mít. Con vụng về quá chừng bố ạ. Chỉ một chút sơ sẩy là con dao chẻ tre đã cắt một lằn nơi ngón tay con. Con đau quá mà cố chịu để buộc cho xong sợi dây nối từ cần đèn vào chiếc đèn con vừa hoàn tất. Con không biết cách cầm máu nên xong xuôi thì tay con đã đỏ au. Và con hết chịu đựng được. Con khóc òa lên. Mẹ chạy ra, nhìn chiếc đèn rồi nhìn ngón tay con. Mẹ kêu khổ luôn miệng. Mẹ lấy cồn ra rửa vết thương. Con xót đến cứng người lại. Mẹ bôi thuốc đỏ, rắc bột trụ sinh và băng lại. Con nhìn mẹ cầu khẩn. Mẹ hỏi:
- Tết nhất đến nơi mà sao con nghịch ngợm thế, nhỡ con dao chặt phăng cả ngón tay con thì sao? Sao lại nghịch dại thế?
Con ấp úng:
- Tại con làm đèn...
- Đèn Trung thu?
- Ơ... dạ... Nhưng mà là để anh em con chơi Tết. Tại cu Lương nó muốn thế.
Mẹ nhìn con rồi nhìn chiếc đèn. Con thì không dám nhìn chiếc đèn. Nó méo mó và xấu quá, bởi con vụng về hết sức. Con nhìn mẹ. Chợt mẹ kéo con vào lòng, ôm chặt con mà nói:
- Con của mẹ ngoan lắm. Biết thương em như thế là mẹ quý lắm rồi...
5
Bố xách chiếc đèn về đến trước nhà. Không có ai nơi phòng khách cả. Như là cả ba mẹ con đều ở trong phòng cu Lương hết. Không biết là đang làm gì đây. Khu vực không có điện, tối om om. Nhưng sao bố thấy trong phòng cu Lương có ánh sáng. Thứ ánh sáng đo đỏ mới lạ.
Bố bước vào phòng thì mới hiểu ra. Ánh sáng của chiếc đèn dán giấy bóng kiếng đỏ. Ba mẹ con đang xúm xít bên nhau. Con chạy ra ôm lấy bố. Con nhìn chiếc đèn trên tay bố ngạc nhiên. Bố cười nói:
- Vậy mà bố tưởng con làm không xong chiếc đèn. Bố làm cho con chiếc đèn này đây...
Con hỏi bố:
- Vậy ra... bố biết hết...
- Chứ sao! Bố mà con!
Con khen:
- Đèn của bố đẹp hơn đèn của con nhiều.
Bố giải thích:
- Một người bạn bố làm tặng bố đấy chứ bố thì biết làm gì. Con xem đây này (Bố giơ ngón tay trỏ trái bị băng ra). Bố vừa chẻ được một đoạn tre thì dao cắt đứt tay một đường. Người bạn thấy thế mới ngỏ lời làm giúp...
Rồi bố giơ thẳng ngón tay bị băng ra. Chợt có tiếng mẹ con cười. Rồi bố thấy con nắm lấy tay bố, một tay đặt vào bàn tay bị băng của bố. Bàn tay nhỏ xíu của con cũng có một ngón tay bị băng! Bố hiểu hết. Bố bật cười ha hả... Té ra cả hai cha con mình cùng vụng về như nhau. Nhưng con trai của bố ơi. Bố đã thua con rồi. Bởi bố có làm được cái đèn nào đâu!
Mẹ con nó:
- Thôi, treo cả cái đèn của ông lên đi. Thế là Tết này mình ăn... Trung thu...
Con cười tiếp:
- ... với bánh mứt!
Cu Lương vui vẻ như không hề bị bệnh:
- Con sẽ khỏi bệnh và ngày mồng Một, con với anh Long sẽ chơi rước đèn. Bọn nhóc trong xóm sẽ ngạc nhiên lắm, bố nhỉ?
Bố cười hoài. Long ơi, Lương ơi! Cần gì bọn nhóc trong xóm ngạc nhiên về chuyện hai chiếc đèn Trung thu ngày Tết. Bố nghĩ rằng cả ba bố con mình cùng đi chơi. Tới đâu, mình cũng khoe ra hai ngón tay bị băng kín. Chắc ai cũng phải cười. Long nhỉ, Lương nhỉ?
NGUYỄN THÁI HẢI
____________________________________________
(Tạp chí Tuổi Hoa số 217 & 218, Tết Giáp Dần, ra ngày 15-1 & 1/2/1974)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét