Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Hai Tờ Di Chúc (Quyển II - Chương 11) - NAM QUÂN

11


ÁI LAN ĐI CẮM TRẠI


Hân hoan nhờ cái kết quả tốt đẹp trong cuộc tới nhà ông Phàm bán vé số, nhưng Ái Lan vẫn băn khoăn tự hỏi :

- Thế là biết chắc được cái đồng hồ của cụ Doanh hiện để ở biệt thự tại thác Prenn rồi. Nhưng làm cách nào mò vào cái biệt thự đó được đây ? Mà ngay đến địa điểm nó tọa lạc mình cũng chưa biết nốt. Ấy là chưa nói đến chuyện nếu bọn nhà ông Phàm lỡ bắt chợt mình lò mò lại đó dò hỏi tìm biệt thự của ông ta thì biết giải thích cách nào đây ? Bài toán chưa tìm ra đáp số ! Vả lại sự ham thích tập sự làm nữ thám tử, hy vọng một ngày kia sẽ nổi danh như nữ thám tử Mai Hương trong truyện "Mai Hương và Lê Phong" hoặc ít ra cũng phải ngang hàng với Lệ Hằng trong "Lệ Hằng phục thù", cộng thêm với lòng tự ái, khiến Ái Lan không dám hỏi ý kiến một ai, ngay cả với cha. Trong thâm tâm em nhất định sẽ một mình đảm đương công việc điều tra. Chỉ khi nào đạt được kết quả, em mới sẽ ca khúc khải hoàn, hiên ngang đem lại cho cha... chìa khóa để mở cánh cửa bí mật trong vụ gia tài cụ Doanh. Và em sung sướng hình dung nét mặt luật sư Minh nhìn em ngạc nhiên xen lẫn niềm kiêu hãnh.

Chiều hôm đó, trong bữa cơm tối, luật sư Minh hơi lấy làm lạ vì thái độ im lặng khác thường của con gái yêu :

- Bữa nay sao con ít nói vậy, cưng của ba ? Con đau ốm hay sao vậy, Ái Lan ?

Ái Lan bật cười lớn :

- Trái hẳn thế, ba ! Không bữa nào con lại cảm thấy được khỏe khoắn bằng bữa nay, ba à !

- Nhưng mà... à, nầy con ! Theo ba, thì con nên nghỉ ngơi đi chơi ít ngày đi. Ba thấy rằng ở cái tuổi non nớt của con mà phải điều khiển công việc của cả cái nhà rộng lớn như nhà ta này thì thật vất vả cho con quá. Vậy, con cũng nên nghĩ đến chuyện đi chơi...

Không kịp để cha nói hết, Ái Lan chợt thẳng ngay người, buột miệng nói to :

- Trời đất ! Có vậy mà mình nghĩ không ra chứ !

Và trong cơn sửng sốt, em buông rơi cả đôi đũa xuống mâm kêu loảng xoảng. Luật sư Minh kinh ngạc trố mắt nhìn con gái :

- Cái gì ? Sao vậy Ái Lan ? Con bảo không nghĩ ra cái gì chứ ?

Ái Lan tươi cười nhìn cha, láu táu :

- Con quên bẵng mất chuyện nhỏ Diễm Anh nói với con ngày hôm qua, hay lắm, ba ơi ! Ba biết không ? Lúc Diễm Anh gặp con là lúc nó sửa soạn đi cắm trại ở thác Prenn đó ba ! Ôi chà ! Thác Prenn, con đi hoài mà không thấy chán ba à ! Vậy sáng mai con xuống đó nghe ba ! Tối ngủ chung lều với Diễm Anh, tổ chức lửa trại vui lắm ba ơi !

- Ờ ! Ý kiến của con hay đó ! Xuống đấy ít ngày, tắm suối, thả bộ đi chơi nơi thoáng khí, ba thấy rằng không còn gì tốt hơn nữa.

Trong thâm tâm, sự vui mừng thầm kín của em lại còn một lý do chỉ riêng mình em biết : Diễm Anh có mặt ở dưới đó há chẳng phải là một lý do chính đáng cho em xuống thác Prenn thăm bạn mà không bị nghi ngờ sao ?

Sáng hôm sau, Ái Lan dậy sớm lên đường. Em lợi dụng cơ hội một công đôi việc, phóng thẳng xuống Lạc Dương trước đã. Và Ái Lan có ý định trao cho Mỹ Ngọc mấy thước len để Ngọc may cắt may bộ áo cho em.

Vừa đậu vespa trước cửa trại của Ngọc Liên, Ái Lan biết ngay là nơi đây đã xảy ra một sự gì khác lạ. Đúng thế, trên mặt lối đi lát đá tảng, nằm la liệt xác gà chết, nhất là trước cửa vựa rơm và trong khoảnh sân rộng.

Nghe tiếng máy xe, hai chị em Ngọc, Liên từ phía chuồng gà chạy ùa ra, và Ái Lan thấy rõ Mỹ Liên đầm đìa nước mắt.

Ái Lan hỏi nhanh :

- Cái gì vậy, hai chị ?

Mỹ Liên mếu máo :

- Trời ơi ! Hại quá Ái Lan ! Chẳng hiểu tại sao gà của tôi chết tiệt cả ! Khổ ghê à ! Sáng nay đem đồ cho tụi nó ăn, lại thấy mười con nữa lăn cổ ra.

Mỹ Ngọc :

- Tối qua, cáo lại bắt hai con tha đi nữa chứ. Có lẽ tụi này đã tới kỳ nguy tai rồi chắc !

Mỹ Liên giọng nói tuyệt vọng :

- Chắc không còn sống sót một con nào để gây đàn sau nữa ! Không biết xoay sở ra sao đây chứ!

Mỹ Ngọc buồn thảm :

- Liên nó bị thất vọng ghê gớm. Đặt biết bao hy vọng vào vụ này. Đàn gà đang mơn mởn lớn như thổi, thế mà... À l Hai chị em tôi rồi sẽ ra sao đây ? Kỳ này các tiệm may cũng không thấy giao đồ cho làm nữa !

Ái Lan nói to, vội vã mở sắc tay :

- Chị Mỹ Ngọc ! Cứ yên tâm ! Đừng lo ! Để em đưa chị ít tiền tiêu tạm, khi nào có chị trả cho em cũng được.


Mỹ Ngọc cương quyết lắc đầu :


- Không ! Ái lan, chị cám ơn em nhiều lắm. Nhưng chị không thể làm phiền em như vậy được đâu. Đừng lo, Ái Lan ! Hai chị sẽ xoay sở được mà ! Để khi nào bí lắm sẽ hay ! 


Mỹ Liên thở dài :

- Trời ơi ! Giá bác Doanh cứ cho đại hai chị em mình một số tiền thì có phải đỡ biết bao nhiêu không. À, thế nào, Ái Lan ? Có tin tức gì về vụ tờ di chúc thứ hai của bác không ?

Ái Lan suy nghĩ thật nhanh và em quyết định không nên để cho chị em Ngọc, Liên hy vọng vội, lỡ ra..., đồng thời giấu nhẹm mấy điểm quan trọng vừa mới khám phá được. Rồi Ái Lan dịu dàng trả lời Mỹ Liên :

- Đã có tin tức gì hay đâu, chị Liên ? Toàn những cái lơ mơ cả ! Nhưng em vẫn không thất vọng trong việc đi tìm lá chúc thư này... Các chị cứ yên trí !

Giọng Mỹ Ngọc mệt mỏi :

- Thôi ! Các khoản đó thì chị chẳng một chút hy vọng gì đâu, các em !

Ái Lan lái câu chuyện sang hướng khác nhằm xua đuổi không khí nặng nề buồn thảm bao quanh :

- Đây, chị Ngọc ! Hàng may áo của em đây ! Trong đó em để sẳn cả mẫu rồi đấy ! Hai chị thấy không ? Khổ người em có vẻ nữ thể thao gia, bụng không sệ, vai không lệch, chắc may dễ lắm, hả chị Ngọc ?

Vẻ mặt Mỹ Ngọc tươi hẳn lên :

- Cám ơn em đã tin tài cắt may của chị ! Có việc làm thế này, chị vui lắm ! Thật cũng là nhờ Ái Lan mà chị và Liên lại có được những giờ sống vui thích thú.

Ái Lan cười lớn :

- Chị chịu may áo cho em thì em phải cảm ơn chị mới đúng chứ ! Và bây giờ thì em có quyền đưa chị tiền công trước nghe !

Một lần nữa Mỹ Ngọc lại lắc đầu :

- Không ! Chị không thể nhận của Ái Lan một xu nhỏ trước khi hoàn thành tấm áo đẹp của em.

Biết rõ được cái tinh thần bảo trọng nhân cách của chị em Ngọc, Liên như thế nào rồi, Ái Lan không ép :

- Vậy tuần sau em đến thử áo nghe !

Dứt lời, Ái Lan tươi cười từ giã hai chị em, ra xe, và tự nhủ :

- Rồi ! Bây giờ thẳng đường quay về thác Prenn.

Ngẫm nghĩ, em lại ái ngại cho hoàn cảnh của hai người bạn gái côi cút :

"Tội nghiệp, mình e rằng một ngày kia Ngọc, Liên mặc dầu nhân cách cao thượng, cũng sẽ không còn đủ can đảm từ chối sự giúp đỡ của mình nữa vì đói rách. Cả bà cụ Sáu Riệm cũng vậy ! Trời ơi ! Làm cách nào để giúp được họ cho tiện đây ? Nghĩ lắm lúc cũng bực mình cái ông cụ Doanh này thật ! Sao ông cụ lại không nghĩ đến chuyện để lại chúc thư nhờ một luật sư hoặc một phòng Chưởng khế nào đó cất giùm như những người khác vẫn làm có phải giản tiện biết bao nhiêu không ?"

Xe đang ngon trớn, đột nhiên Ái Lan thấy nơi yên ngồi hơi lún thấp xuống đồng thời cả chiếc xe đảo qua bên trái chứ không chạy đúng giữa mặt đường như cũ. Em liền hãm bớt tốc lực rồi ôm sát lề bên tay mặt và hãm thắng, về số không cho xe dừng lại. Dựng cho ngay ngắn đâu đó, Ái Lan đi vòng lại phía sau, cúi nhìn. Quả nhiên, bánh sau xì hơi đang dần dần xẹp xuống. Rút chìa khóa mở hộc đựng dụng cụ, Ái Lan lấy đồ ra, hì hục tháo bốn chiếc đinh vít, sau khi đã bê một hòn đá tảng cho chiếc vespa dựa nghiêng vào. Đinh vít tháo xong, Ái Lan đưa hai tay nhấc chiếc bánh xe xẹp ra. Lạ ! Chẳng hiểu sao cái bánh xe mắc cứng không chịu rời ra. Em mím môi, hai tay nâng thật mạnh : "sực" một tiếng, chiếc bánh xe quái ác rời ra bất chợt, làm Ái Lan mất đà ngã ngồi xệp xuống mặt đường nhựa.

- Hừ ! Có thế chứ ! Tưởng chú mày lì mãi !

Em khoan khoái thở ra và cúi xuống phủi bụi ở áo quần. Mấy phút sau, chiếc bánh xe xẹp đã được thay xong, Ái Lan vui mừng nhảy lên nổ máy. Chiếc vespa lại ngoan ngoãn bon đi trên con lộ thẳng tắp, mặt đường sạch sẽ nhẵn bóng như chùi.

Mãi tới quá trưa, Ái Lan mới về tới trại hè của Diễm Anh tại chân đèo Prenn. Qua bóng cây xanh lá, em thoáng trông thấy có tới ba chục nóc lều vải màu vàng và xanh nước biển. Khoảng năm mươi thước xa hơn, một giải khói xanh lững lờ bốc lên : khu bếp nấu cơm của các trại sinh. Cách bếp chừng non chục thước là hồ Prenn. Gọi là hồ cho nó ra vẻ một chút, chứ thực ra đó chỉ là một vũng suối rộng, sâu hơn các chỗ khác, nước chảy cũng chậm hơn nên giống hệt một cái hồ con. Mặt nước phản chiếu ánh nắng mặt trời lấp loáng như gương.

Khi xe của Ái Lan bon qua ô cửa làm bằng bốn cây gỗ thông to lớn chắc chắn, một toán nữ sinh mặc xiêm xanh, áo sơ mi vàng ùa ra hò reo vui vẻ. Sau rốt là... Diễm Anh ! Cô bé này giơ tay khẽ gạt các bạn lấy lối vượt lên, miệng cười khanh khách nhìn mọi người "phân bua" :

- Tất cả thấy tôi nói có đúng không ? Tôi đã bảo con nhỏ Ái Lan này thế nào cũng mò xuống đây với tụi mình mà ! Trời ! Tụi mình sẽ có một chầu vui đùa thỏa thích !

Ái Lan tươi cười chào hỏi mọi người, xong quay nhìn bạn :

- Diễm Anh ! Các "bồ" đã ăn cơm chưa thế ? Mình đói ghê hồn à ! Còn gì ăn không ?

- Ái Lan khá thiệt ! Có ống nhòm hay sao mà tới đúng lúc quá vậy ! Tụi này mới "bày bàn" sắp sửa ăn đây này ! Trời ! Ái Lan xuống đây, tụi này vui ghê vậy đó !

- Thì mình cũng khoái lắm chứ giỡn sao !

- Nhưng mà Ái Lan chịu ở đây lâu không ?

Một giây ngập ngừng :

- À, cũng chưa định chắc... 
 Em mỉm cười tinh nghịch  Mình sẽ ở lâu với Diễm Anh tới khi nào "bồ" hết chịu nổi thì thôi.

Diễm Anh mắt sáng lên mừng rỡ :

- Nghĩa là tới ngày nhổ trại ?

Dứt lời Diễm Anh cùng mọi người đưa Ái Lan lên trình diện cô trưởng trại. Và em được cấp ngay giấy phép ở chung lều với Diễm Anh trong suốt thời gian cắm trại.

Về lều nghỉ ngơi, Ái Lan kể cho Diễm Anh nghe việc bán vé số tại nhà ông Phạm văn Phàm.

Cô bạn nhỏ của em ngạc nhiên đến sửng sốt :

- Khá thật ! Ái Lan làm cách nào, ăn nói ra làm sao mà bán được tất cả chỗ vé số còn lại cho cái gia đình đại hà tiện đó ?

- Ừ, nhưng phần lớn cũng là nhờ ở chỗ ông Phàm muốn nhân dịp này, được nổi danh, thay vì "đại hà tiện", là đại từ thiện đó.

Câu chuyện vừa dứt, chuông ăn cũng vừa điểm. Mọi người xuống lều kế căn bếp ăn cơm. Bữa cơm thanh đạm nhưng đầy đủ chất bổ. Cơm lại vừa chín tới, thức ăn nóng sốt. Ái Lan nhờ chuyến lái xe xuống Lạc Dương về, bụng đói, ăn rất ngon miệng. Bữa cơm gần tàn, Ái Lan đã nghe tiếng Diễm Anh cùng các bạn nhao nhao bắt em dẫn vào rừng thông chạy nhảy một phen. Đi chơi về, em mỏi rã rời chân tay, nằm thẳng cẳng trên ghế bố, khoan khoái nghĩ tới buổi cơm tối và một đêm sắp được ngủ ngon. Giường bên cạnh, Diễm Anh lại có một chương trình khác hẳn...

- Ê ! Ái Lan, tụi này lại mới khám phá được một vũng hồ lớn lắm, cách đây chừng non cây số thôi hà ! Nó ăn thông ra sông La Ngà, mà nước chảy êm ru, bơi thuyền khoái lắm.

Ái Lan la lên :

- Trời ơi ! Các "bồ" không biết mệt sao chớ ?

Diễm Anh cười sằng sặc :

- Biết chứ sao không ! Nhưng chỉ khi nào đặt mình lên ghế bố mới thấy mệt ! Ái Lan mới tới nên chưa quen đó. Để vài bữa nữa rồi coi, lại không lúc nào cũng dựng cổ tụi này dậy đi "thám hiểm" khắp vùng ấy chứ !

Ái Lan cười theo bạn :

- Ừa ! Mình cũng mong quen được đó. Nếu không, chắc bà trưởng trại phải tống khứ mình về Đà Lạt bằng một chiếc... "băng ca" quá !

- Thôi ! Ái Lan ! Nói xàm hoài ! Này, ra hồ La Ngà chơi đi, thú lắm. Ra đó rồi Ái Lan sẽ thấy phong cảnh đẹp không thể tả. Dưới hồ nước trong veo. Trên bờ, rải rác từng khu một, những biệt thự của các gia đình giàu có ở Đà Lạt xây cất để về ở nghỉ ngơi trong vụ hè, đẹp tuyệt.

Ái Lan chợt nghĩ ngay đến biệt thự của gia đình Phạm văn Phàm :

- Biệt thự ? Ở đó có nhiều biệt thự lắm hả ?

Cô lấy giọng thản nhiên khi đặt câu hỏi mà trong lòng em không khỏi mừng khấp khởi : "biết đâu đây chẳng là cơ hội tốt nhất để tìm ra biệt thự của ông Phàm ?"

Diễm Anh khẩn khoản :

- Đi nghe ! Ái Lan ? Đi về xong, ăn cơm rồi ngủ không khoái sao ?

- Ừ thôi được rồi ! Đi thì đi ! Mệt mỏi cũng không cần…

Đôi bạn nhỏ nắm tay nhau chạy ra nhập bọn với các trại sinh khác. Cả đoàn băng rừng, lội bộ chút xíu là đã tới bờ hồ La Ngà. Nơi đây có một gia đình công nhân đồn điền cà phê vẫn cho thuê xuồng máy.

Giá cả xong xuôi, cả bọn trại sinh bước xuống xuồng. Xuồng máy quay mũi hướng ra phía giữa hồ. Trước mắt Ái Lan, phong cảnh trên bờ đẹp không bút nào tả xiết. Mặt trời như một trái cầu lửa sắp sửa lao chìm xuống mặt nước, phản chiếu lên những tia sáng lóng lánh màu vàng cam. Nhưng Ái Lan vẫn nhớ mục đích chính của em trong việc theo bạn xuống nơi này. Giọng nói tự nhiên, em hỏi Diễm Anh :

- Ê ! Diễm Anh ! Biệt thự nhà ông Phàm nghe nói to và đẹp lắm ! Nó ở chỗ nào đó ? Biết không ?

- Biết ! Kìa, nó ở phía cuối hồ đằng kia ! Chút xíu nữa tới à !

- Gia đình ông ấy có thường tới ở đây không ?

- Ồ, không đâu, cửa nhà lúc nào cũng đóng im ỉm. Có một người gác dan ngày ngày mở cửa cho thoáng khí và làm vườn thôi hà ! Mình nghe nói anh ta là một người Thượng, tên là gì đây này : À, Y Ba, hiền lành lắm !

Ái Lan vẫn giọng lơ đãng :

- Thế đi vào đó thì theo đường nào ? Chắc phải có đường tốt xe chạy được chứ ?

- Thiếu gì lối vào ! Đi xuồng thì gần lắm. Nhưng nếu đi bộ hoặc xe hơi thì phải chạy theo gần hết vòng cái bờ hồ lớn này, và đường trải đất đỏ, xấu kinh khủng... À, mà sao Ái Lan hỏi thăm chi kỹ vậy ? Bộ có cảm tình với gia đình ông Phàm lắm hả ?

Ái Lan vội vã :

- Cảm tình gì đâu, Diễm Anh ? Mình hỏi cho biết vậy thôi đó chứ !

Xuồng máy từ từ tiến sát gần phía cuối hồ. Mọi người đã trông rõ một số biệt thự rất đẹp xây cất trên bờ. Đột nhiên Diễm Anh giơ thẳng cánh tay :

- Đó, Ái Lan thấy cái lùm cây lớn nhất đó không ? Chênh chếch về phía bên tay mặt đó ! Rồi ! Cái mái nhà ngói đỏ kế bên lùm cây là biệt thự của ông Phạm văn Phàm !

Ái Lan nhìn theo tay bạn. Em quét tia mắt chăm chú nhận xét địa điểm nơi biệt thự của ông Phàm tọa lạc, đồng thời ghi nhớ thật cẩn thận địa hình địa vật chung quanh ngôi nhà.

Diễm Anh ngồi bên, thấy bạn tươi vui cũng hứng khởi nói chuyện tưng bừng :

- Thú không hả Ái Lan ? Tuần sau tụi mình sẽ tổ chức một cuộc đi đào măng, vào rừng ăn cơm ngoài trời. Rồi quay về hồ Prenn tắm, bơi, nghe Ái Lan. Còn hồ La Ngà, Ban Giám Đốc trại có lệnh cấm tắm và bơi ở đấy, sợ nguy hiểm vì nước sâu lắm. Trại hè thác Prenn thích ghê, Ái Lan có thấy thế không ? Và "bồ" phải ở với tụi này thật lâu đó nghe !

Ái Lan gật đầu và ầm ừ cho qua và tâm trí cũng như tia mắt em cứ bắt dính vào cái biệt thự của nhà ông Phàm mà em chắc trong đó thế nào cũng có chiếc đồng hồ cổ của cụ Doanh.

- Ừa ! Diễm Anh nói đúng ! Phong cảnh ở đây tuyệt thật. Nhiều cái tai nghe... mắt thấy... thích ghê ! Được, mình sẽ ở đây với Diễm Anh thật lâu !

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét