Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Hai Tờ Di Chúc (Quyển II - Chương 22) - NAM QUÂN

22


MÓN QUÀ THƯỞNG CỦA ÁI LAN


Một buổi sáng kia, ba tháng sau khi tờ di chúc mới của cụ Doanh được tuyên đọc, luật sư Minh hỏi con gái :

- Con có biết tình hình gia đình nhà Phạm văn Phàm giờ đây ra sao không ?

- Con đâu có biết gì ba ? Sao, hả ba ?

- Nhà đó nguy ngập tới nơi rồi ! Mấy vụ làm ăn mới đây đều hỏng cả, rồi còn từ khi bị truất quyền thừa hưởng gia tài của cụ Doanh, các Ngân hàng đã được lệnh đình chỉ không cho vay tiền nữa. Không những thế, họ lại còn gởi giấy thúc đòi nợ cũ, buộc phải trả đúng hạn không cho khất thêm. Có tin là vợ chồng ông ta sắp sửa bán cái dinh cơ ở đường Phan Đình Phùng đó !

Ái Lan chợt la khẽ :

- Dữ vậy hả ba ? Chà ! Vậy chắc bà Phàm cùng hai cô con phen này sẽ có dịp biết qua thế nào là đau khổ, nhọc nhằn !

- Đúng thế đó con ! Áo có rách mới biết thương người rách áo !... Có lẽ cả gia đình sẽ phải dọn về ở tại một cái nhà nhỏ hơn. Hết cả khoe khoang hợm hĩnh, khinh người như cỏ rác.

- Vâng. Và con mong rằng ông ta cũng nên thôi đi, đứng tìm cách khiếu nại về việc hưởng gia tài của cụ Tú Doanh nữa.

Đúng như lời luật sư Minh đoán trước, nhà ông Phàm đã nộp đơn khiếu nại về việc bị truất quyền thừa kế di sản của người chết, bằng cách đưa ra lập luận rằng tờ di chúc thứ hai do Ái Lan khám phá ra chỉ là một tờ giấy giả, vô giá trị. Nhưng ông Phàm lại không đưa ra được một dẫn chứng nào cụ thể để minh xác cho lời nói của mình. Do đó, Tòa Án đã bác đơn của ông, không thẩm cứu lại nữa.

Luật sư Minh, sau khi đã lập hồ sơ đầy đủ cho mấy người thừa kế chính thức của cụ Doanh, trong khi họ chờ đợi ngày được gọi ra lãnh phần, ông đã tự xuất quỹ riêng ra cho hai chị em Mỹ Ngọc, Mỹ Liên và bà cụ Sáu Riệm lãnh trước mỗi người một số tiền lớn để có thể trang trải ngay những món chi tiêu cấp bách.

Ít ngày sau, xuống thăm, Ái Lan thành thực vui mừng khi thấy cụ Sáu đã gần hoàn toàn bình phục. Món tiền ứng trước của luật sư Minh quả đã tới đúng lúc, cứu sống được bà cụ để bà cụ hiền lành phúc hậu có dịp vui hưởng lúc tuổi già, cái kết quả của công lao khó nhọc, chăm sóc ông em họ giàu có, khi buồn khổ cũng như lúc ốm đau.

Ái Lan hớn hở nói với cha :

- Ba ơi ! Bữa nay con xuống Lạc Dương nghe ba ! Mỹ Ngọc, Mỹ Liên gởi điện tín từ hôm qua, mời con xuống chơi, này ba ! Hai chị ấy muốn con xuống gấp, có việc gì cần nói đó ba !

- Chắc hai cô nhỏ đó lại có cái gì muốn tặng con để đền ơn chớ gì !

- Không phải đâu ba ! Mấy tháng trời, các chị ấy nói hoài, sau thấy con cứ lơ là, các chị ấy cũng thôi không nhắc đến nữa.

Cơm nước xong, Ái Lan nhẩy lên vespa trực chỉ hướng Lạc Dương. Trời mùa thu nắng đẹp. Chiếc xe xinh xinh lấp loáng ánh mặt trời. Máy nổ êm êm bon bon trên mặt đường nhựa. Ái Lan cười tươi với cảnh vật đẹp như vẽ, làn tóc đen trôi ngược ra phía sau theo gió lộng tơi bời.

Khi xe đến nơi chốn quen thuộc, cả khu trại tiều tụy quạnh hiu khi trước đã thay đổi khác hẳn, khiến Ái Lan sững người kinh ngạc, không còn tin ở đôi mắt mình nữa. Căn nhà ở, sửa chữa sơn phết lại, sáng rực rỡ dưới ánh nắng ấm. Mái lợp tôn xi măng màu xanh nổi bật trên màu vàng tươi của vách tường. Mặt sân không còn một lá cỏ dại, vui mắt vô cùng nhờ bốn luống đất mới xới trồng toàn mẫu đơn, cúc đại đóa và thược dược tím, đỏ, vàng.

Một toán thợ đang lúi húi xây cất lại cái vựa rơm. Một toán nữa lại đang dựng một dẫy chuồng gà cao rộng bao quanh toàn lưới sắt. Ái Lan ngẩng người, bàng hoàng, khi tia mắt chợt thấy một đàn gà có tới hàng ba bốn ngàn con, gồm gà nâu, gà trắng, con nào con nấy to mập, sởn sơ bới đất nhặt sâu, kêu cục cục, ồn ào náo nhiệt như một đám thợ.

Mỹ Liên chợt thấy Ái Lan, liền la lớn :

- A ! Ái Lan ! Trời ơi ! Vào đây đi, Ái Lan ! Chị Ngọc ơi !

Dứt lời, Mỹ Liên chạy ùa ra. Một tay nắm tay Ái Lan, một tay cô chủ trại khoác một vòng rộng :

- Ái Lan coi đàn gà, thích không ?

Em gật đầu thán phục :

- Lần đầu tiên em mới được thấy một đàn gà đông như vậy đó !

Mỹ Liên hân hoan :

- Toàn giống gà Leghorn cả đấy, Ái Lan à !

Ngay lúc đó, Mỹ Ngọc chạy đến :

- Mỹ Liên quả là một cô "xếp gà" có hạng lắm, Ái Lan ! 
 Mỹ Ngọc nói trong tiếng cười ròn rã, Bây giờ Liên nó xài toàn máy ấp bằng điện thôi. Trời ! Tụi gà ngoại quốc mới chui khỏi vỏ trứng mà đã to con lắm !

Mỹ Liên :

- Nào ! Mời Ái Lan đi thăm trại "mới" của hai chị, mau !

Chị em Ngọc, Liên cười nói huyên thuyên, dắt Ái Lan đi thăm mọi chỗ. Chỗ nào cũng sạch sẽ tinh tươm và ngăn nắp vô cùng. Có điều, cái khiến cho em vui lòng nhất... vẫn là niềm hạnh phúc của hai chị em Liên, Ngọc. Bất giác, em tự nhủ thầm :

- Giờ đây các chị ấy được sung sướng là mình thấy thích thú rồi !

Câu tự nhủ thầm, Ái Lan cứ nhắc đi nhắc lại mãi trong đầu óc như có ý xua đuổi cái hình ảnh tang thương của một cuộc sống thảm đạm nghèo khổ của Ngọc, Liên hồi mấy tháng về trước.

Câu chuyện vui cứ kéo dài mãi. Cuối cùng, Ái Lan xin từ giã :

- Thôi hai chị để em về nhé ! Muộn rồi đó !

Và em quay ra chỗ để xe thì bị Mỹ Liên giang hai tay chặn lại :

- Về gì ! Còn sớm mà Ái Lan ! 
 Rồi quay sang nhìn Mỹ Ngọc, Mỹ Liên đưa nhanh tia mắt,  Chị Ngọc ! Nói cho Ái Lan biết đi !...

Ái Lan ngơ ngác, trí tò mò của em bị khích động mạnh :

- Ủa ! Cái gì đó hai chị ?

Mỹ Ngọc hơi luống cuống :

- Hai chị gởi điện tín mời Ái Lan xuống chơi... à... à... để cám ơn em. Nhờ em mà các chị mới được thế này ! Hai chị rối trí quá chẳng biết làm sao mua cái gì tặng Ái Lan đây ? Bí quá, các chị đành phải đem chuyện bàn với các bà Ba Thìn, Tư Mậu, các ông Lân, Mẫn và cụ Sáu Riệm. Thế là mọi người đều đồng ý mua tặng em...

Không để Mỹ Ngọc nói hết, Ái Lan ngắt lời ngay :

- Không chị Ngọc, em không muốn cái gì hết ! Em đã nói rồi mà. Em giúp ích được cho các chị, em sung sướng không để đâu hết. Đó, cái sung sướng là phần thưởng em được rồi đó ! Các chị không thấy sao ?

Giọng nói của Mỹ Liên nặng hờn dỗi :

- Nhưng các chị chỉ tha thiết được tặng em món quà thật quý ! Nếu không thì chẳng thể nào yên lòng được ! Nhờ em mà ai nấy đều được sung sướng hạnh phúc, mà chính em khó nhọc vất vả nhất, nguy hiểm nữa mà lại không có cái gì, chị thấy vô lý và bất công quá đi !

Ái Lan ngập ngừng do dự. Nhưng sau rốt, em đành bảo Ngọc, Liên :

- Thôi, nếu hai chị nhất định phải thưởng cho em bằng được thì em xin đề nghị như thế này:

Mỹ Ngọc, Mỹ Liên vui vẻ reo lên :

- Ừ ! Đề nghị cái gì, nói đại đi !

Ái Lan :

- Nói ra e các chị cho là một con bé kỳ quái ! Nhưng thây kệ, em cứ nói ! Các chị cứ thưởng cho em... cái đồng hồ cổ của cụ Doanh là em thích nhất đó !

Mỹ Ngọc la lên :

- Cái đồng hồ cổ của bác Doanh, rồi ! Còn gì nữa chứ ? Chị dám nói với em là chị sẽ tặng em luôn mười cái đồng hồ như vậy đó nếu em muốn !

Ái Lan cười như nắc nẻ :

- Không ! Em chỉ thích một cái thôi, mà phải là cái đồng hồ của cụ Doanh kia, em mới chịu. À, nhưng nếu các chị muốn giữ lại thì em không dám...

Mỹ Ngọc vội vã:

- Đâu có, Ái Lan ! Có điều là chị thấy nó chẳng chạy gì cả, cứ đứng ngay cán cuốc ra thôi. Vả lại, chị và Liên mải kê dọn số đồ đạc của bà Phàm mới xe về trả nên chưa kịp lau chùi cho sạch sẽ. Chờ chút đi Ái Lan, chị chạy đi lấy cho em, nghe !

Mấy phút sau, Mỹ Ngọc đã trở lại, tay cầm chiếc đồng hồ cổ, đưa cho Ái Lan :

- Đây, của em đây ! Nhưng chị vẫn chưa chịu cái đó là phần thưởng của em đâu, nghe !

Ái Lan cười thật xinh, hai má lộ hai đồng tiền rõ rệt. Mỹ Liên thắc mắc :

- Ái Lan lạ thật ! Cái đồng hồ đó có gì đặc biệt, mà chẳng hiểu sao em lại thích nó ghê thế, không biết ! Chỉ là một món đồ cổ.

Ái Lan chưa trả lời, chỉ cúi nhìn món đồ cổ, di sản của cụ Doanh, mà mơ màng nghĩ đến một điều gì đó. Đúng ! Đúng như lời Mỹ Liên vừa nói. Cái đồng hồ hiện em đang cầm trong tay, quả thật chỉ là một món đồ cổ, giá trị chẳng là bao. Nhưng đối với em, nó lại có một sức lôi cuốn lạ lùng. Ngọc và Liên biết sao được cái tính chất vô giá của nó, mà Ái Lan vì vấn đề "bí mật công tác", không thể nói rõ ra cho bạn hiểu được.

Em đưa mắt ngó mặt chữ số có tô điểm thêm những hình vẽ chùm nho, con sóc và bảng gỗ phía trên chạm trổ ba mảnh trăng lưỡi liềm chầu mặt trời. Trong tâm trí, Ái Lan lại hồi tưởng những giờ phút nghẹt thở trong chuyến mạo hiểm vừa qua. Em thầm tự nhủ :

- Quả là những giờ phút hồi hộp nhất đời từ thuở bé đến giờ, lần đầu tiên mình phải trải qua.

Chìm đắm trong hình ảnh cũ, ngay giây phút đó, Ái Lan không ngờ rằng, những ngày về sau, em lại bắt tay vào một vụ bí mật khác phần gay cấn lại còn hơn vụ gia tài của cụ Phạm Tú Doanh nhiều. Tuy không ngờ, nhưng linh giác mẫn tiệp của em đã tự động thức tỉnh, như một ánh chớp lóe lên trong đêm tăm tối ; nơi cái đầu xinh xinh có những lọn tóc đen nhánh kia bỗng hiện lên thật nhanh một linh cảm :

- "Chẳng hiểu những ngày mai sắp tới, còn có cái gì nữa đây ?"

Bất giác Ái Lan ngẩng nhanh đầu lên, quay nhìn Mỹ Liên, Mỹ Ngọc, giơ cao chiếc đồng hồ cổ :

- Đây, hai chị ! Đây là chiến công lần xuất trận thứ nhất của em đây ! Một phần thưởng vô giá đó, các chị ! Biết đâu nó lại chẳng sẽ hứa hẹn với em nhiều cuộc phiêu lưu kỳ thú khác nữa !

Nắng đẹp trải dài trên con đường đá lượn theo dọc bờ sông La Ngà. Trong vòm cây xanh rậm lá, đàn chim khuyên tranh mồi nhảy chuyền lách tách, thỉnh thoảng lại ríu rít hót lên những tiếng thật trong. 

 
NAM QUÂN     
Nguyễn Hoài Chúc

--------------------------------------------------------------------------------------------
Chân thành cám ơn bạn Nguyễn Tuấn đã sưu tầm và đánh máy truyện gửi cho Tủ sách Tuổi Hoa (http://tuoihoa.hatnang.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét