CHƯƠNG V
Em muốn dành cho ba một sự ngạc nhiên bất ngờ nên trong thư gửi ba, em chưa nói cho ba biết ý định quay về của me. Vú Lành vừa đến đưa cho em tờ điện tín, báo tin ngày mai ba sẽ về đến Huế lúc 6 giờ chiều và dù không phải là ngày chủ nhật, ba cũng sẽ đến xin phép Sơ đón em về nhà một bữa. Em bối rối quá, phải chạy ngay về nhà Ngoại báo cho me biết tin này mới được, nhưng làm sao được, em đâu có được phép ra ngoài sau 8 giờ tối, ngày mai em lại bận cả hai buổi. Thôi phải đành nhờ Hoài Thu trưa mai chịu khó sang Đồng Khánh tìm dì Dung hoặc dì Hạnh đưa thư cho me.
Tối thứ năm... trời mưa nhỏ...
Me ơi, lần đầu tiên con viết cho me những giòng chữ vui, mai ba về rồi đó me, ba sẽ cười vui tươi, ba sẽ mừng hớn hở khi thấy me giã từ ánh sáng phù du me trở về bên ba với lời tạ tội cho nụ cười xinh nở thắm trên môi, cho con sáng ngời mắt biếc nhìn bóng hạnh phúc đang tràn về như muôn nghìn tia nắng lọc qua chòm lá xanh khiêu vũ giữa vuông sân lót gạch màu hồng. Ngôi biệt thự của chúng ta vẫn ngàn đời thơ mộng, khóm trúc đào hoa trổ thắm tươi nghiêng nghiêng chòm lá ngày đêm trông đợi bóng ai về. Me ơi, trời hôm nay lạnh thật là lạnh, hồi chiều con có nghe Sơ nói là có bão rớt đâu đây. Ngoài kia mưa không lớn nhưng gió nhiều, con phải mặc đến hai cái áo len mà hai hàm răng vẫn cứ đánh vào nhau cầm cập. Tụi bạn con đã vào giường cuốn chăn êm thả hồn theo giấc mộng rồi, gần 11 giờ khuya rồi đó me, con lại đang bật ngọn đèn pin, trốn trong chăn để viết nhật ký đây. Thôi con dừng bút ở đây nhé me, con phải ngủ để mai viết vài giòng cho me, nhờ Hoài Thu chuyển dùm. Hôn me...
Em tắt ngọn đèn pin, bóng tối ngăn lấp khoảng mền nhỏ. Em tung mền, thò đầu ra ngoài thở mạnh. Hơi lạnh phà vào mặt em, em nhìn ra ngoài cửa sổ, vòm trời tối tăm u ám và những giọt mưa vẫn rả rích rơi đều trên mái ngói, không gian thật buồn nhưng lòng em vui như ngày hội. Em lại trùm mền kín đầu, em nhắm mắt cố ngủ, em nằm mơ thấy ba và me ngồi âu yếm bên nhau trên bãi cỏ xanh tươi lấm tấm hoa vàng, mặt trời ra khỏi đám mây soi tia nắng hiền hòa xuống trần gian.
Khi em thức dậy, mặt trời đâu chẳng thấy, bầu trời vẫn xám xịt mây đen và gió thúc từng cơn lạnh lùng. Trong giờ ôn bài, em cố gắng viết cho xong lá thư gửi me :
Me ơi, chiều nay ba ở Sàigòn về, không biết mấy giờ máy bay đến Huế. Vì là ngày thường nên con không thể đi đón ba được, vậy me gắng lên Phú Bài đón ba dùm con. À quên, me có thể ghé trường xin phép Sơ cho con lên phi trường với. Nếu không có phương tiện đi Phú Bài me hãy đến trường với con, thế nào ba cũng đến đón con vào khoảng 6 giờ. Nhớ nhé me.
Tối thứ năm... trời mưa nhỏ...
Me ơi, lần đầu tiên con viết cho me những giòng chữ vui, mai ba về rồi đó me, ba sẽ cười vui tươi, ba sẽ mừng hớn hở khi thấy me giã từ ánh sáng phù du me trở về bên ba với lời tạ tội cho nụ cười xinh nở thắm trên môi, cho con sáng ngời mắt biếc nhìn bóng hạnh phúc đang tràn về như muôn nghìn tia nắng lọc qua chòm lá xanh khiêu vũ giữa vuông sân lót gạch màu hồng. Ngôi biệt thự của chúng ta vẫn ngàn đời thơ mộng, khóm trúc đào hoa trổ thắm tươi nghiêng nghiêng chòm lá ngày đêm trông đợi bóng ai về. Me ơi, trời hôm nay lạnh thật là lạnh, hồi chiều con có nghe Sơ nói là có bão rớt đâu đây. Ngoài kia mưa không lớn nhưng gió nhiều, con phải mặc đến hai cái áo len mà hai hàm răng vẫn cứ đánh vào nhau cầm cập. Tụi bạn con đã vào giường cuốn chăn êm thả hồn theo giấc mộng rồi, gần 11 giờ khuya rồi đó me, con lại đang bật ngọn đèn pin, trốn trong chăn để viết nhật ký đây. Thôi con dừng bút ở đây nhé me, con phải ngủ để mai viết vài giòng cho me, nhờ Hoài Thu chuyển dùm. Hôn me...
Em tắt ngọn đèn pin, bóng tối ngăn lấp khoảng mền nhỏ. Em tung mền, thò đầu ra ngoài thở mạnh. Hơi lạnh phà vào mặt em, em nhìn ra ngoài cửa sổ, vòm trời tối tăm u ám và những giọt mưa vẫn rả rích rơi đều trên mái ngói, không gian thật buồn nhưng lòng em vui như ngày hội. Em lại trùm mền kín đầu, em nhắm mắt cố ngủ, em nằm mơ thấy ba và me ngồi âu yếm bên nhau trên bãi cỏ xanh tươi lấm tấm hoa vàng, mặt trời ra khỏi đám mây soi tia nắng hiền hòa xuống trần gian.
Khi em thức dậy, mặt trời đâu chẳng thấy, bầu trời vẫn xám xịt mây đen và gió thúc từng cơn lạnh lùng. Trong giờ ôn bài, em cố gắng viết cho xong lá thư gửi me :
Me ơi, chiều nay ba ở Sàigòn về, không biết mấy giờ máy bay đến Huế. Vì là ngày thường nên con không thể đi đón ba được, vậy me gắng lên Phú Bài đón ba dùm con. À quên, me có thể ghé trường xin phép Sơ cho con lên phi trường với. Nếu không có phương tiện đi Phú Bài me hãy đến trường với con, thế nào ba cũng đến đón con vào khoảng 6 giờ. Nhớ nhé me.
Con của me
Trang
Em đọc đi đọc lại lá thư thấy nó luộm thuộm làm sao ấy, định viết lại thì đã đến giờ ăn điểm tâm. Sợ Sơ Madeleine phạt, em đành xếp tư lá thư kẹp vào cuốn Vạn Vật, sáng nay có giờ, em sẽ nhớ mà đưa cho Hoài Thu.
Hoài Thu sốt sắng nhận lời ngay, cô bé còn nói :
- Nếu đến trường không gặp dì Dung dì Hạnh, tao sẽ qua Kim Long tìm me mi.
Em siết mạnh bàn tay Hoài Thu :
- Trời ơi, mi tốt với tao dễ sợ. Cám ơn mi trước nghe.
Buổi trưa em ngủ không được, đến chiều ngồi học cứ lóng ngóng mãi ra sân. Chuông điểm giờ chơi, em kéo tay Hoài Thu ra phía cổng trước :
- Ra thử coi me tao có đến đón tao lên phi trường không.
Con đường Trần Cao Vân vắng hoe, em nhìn xuôi nhìn ngược, bóng me vẫn biền biệt, em ước ao trông thấy một chiếc xe hơi bất kỳ mầu gì, xám, màu đen... xe của cậu Tùng, của bác Phương, của... của ai cũng được, miễn là xe đó đỗ ngay cổng trường, miễn là có me từ trong xe đó bước ra, cánh cửa xe mở rộng cho hồn em nao nức mở theo một khoảng trời xanh trong như thuỷ tinh. Em vẫn biết, nhà Ngoại không có xe hơi, mỗi lần cần đi đâu xa, me thường mượn xe của những người anh họ, cũng ở gần đó, cách nhau một khoảng vườn hay con đường đất hẹp. Em hy vọng chiều hôm nay me mượn được xe cậu Tùng vì hôm trước em nghe nói, cậu Tùng đi Nha Trang cả tuần này, xe để ở nhà cho mợ Tùng, mà mợ Tùng và me lại thân nhau như hai chị em ruột.
Sao lâu quá thế, em sốt ruột nhìn đồng hồ. Nếu me định lên phi trường đón ba, thì phải đến giờ này mới kịp chứ, máy bay 6 giờ hạ cánh mà đường từ đây lên đến Phú Bài đâu phải là gần. Em lo lắng quá sức tưởng tượng, em nghi ngờ nhìn vào mắt Hoài Thu :
- Thu, thiệt mi có đưa thư tận tay dì Dung hả ?
Hoài Thu gật đầu quả quyết :
- Thiệt mà, ai nói phỉnh mi làm chi. Dì Dung hứa là sẽ đưa tận tay me mi ngay khi đi học về tới.
Thấy em buồn rầu, Hoài Thu nắm lấy tay em :
- Mi không tin tao hả Trang ? Từ trước tới chừ có khi mô tao nói láo với mi không ?
Em lắc đầu :
- Không, tao không nghĩ rứa, khi mô mi cũng tốt với tao cả mà, tao tin mi mà.
Hoài Thu an ủi :
- Chắc me mi mượn xe không được đó, răng me mi cũng đến mà.
Em gật :
- Ừ, tao có dặn me tao, nếu không có xe thì đến đây với tao, để cùng đón Ba tao cũng được mà.
Hoài Thu nhoẻn cười :
- Chưa đầy 5 giờ mà. Nì Trang, tao đoán, chừ me mi bắt đầu ngồi vào bàn trang điểm nì.
Mắt em sáng lên :
- Ừ, có lẽ đúng, hy vọng đúng. Mà Thu ơi, me tao làm tóc lâu lắm, chắc phải đến 5 rưỡi mới xong.
Hoài Thu tỏ vẻ thông thạo :
- Tao biết rồi, me mi ăn diện dễ sợ.
Em bênh me :
- Me tao còn trẻ mà, đi ra đường phải có son có phấn chứ, không thôi coi răng được.
Chuông lại reo vào lớp, Hoài Thu cùng em trở về phòng học, cô bé chỉ tay lên bờ đá trắng cạnh khóm cần tây :
- Bồ câu bữa ni đậu nhiều ghê, điềm lành đó nghe Trang.
Em vui vui nhìn đám chim trắng ríu rít chụm đầu vào nhau, những đôi mắt tròn xoe vô tư lự trên những chiếc mỏ xinh xinh.
- Điềm lành ? Mà điềm chi rứa ?
Hoài Thu lại cười :
- Điềm hòa bình mà, ba và me mi sắp ký giấy sống chung hòa bình.
Em sung sướng kéo tay Hoài Thu chạy nhanh :
- Thật mi đoán mò y hệt con Hảo. Mau lên không thôi trễ, coi chừng mình lại vào lớp chậm hơn giáo sư cho mà xem.
Hai giờ toán trôi qua em chẳng thâu thập được chút kiến thức nào mới. Bao nhiêu định lý, đảo đề, hệ luận, từ miệng thầy giảng thoảng qua tai em rồi theo gió bay tuốt lên ngọn cây cao ngoài khung cửa. Hồn em gửi cho mây xanh, cho nắng vàng, cho từng ngọn lá chao nghiêng ngoài sân như đàn bướm trắng. Thích ghê, em nghĩ đến gương mặt rạng rỡ của me, em nghĩ đến nụ cười dung thứ của ba, rồi đâu lại hoàn đấy, cuộc đời em lại sẽ tiếp diễn bằng những ngày êm đềm thú vị, bên ba bên me, bên Vú Lành chất phác trong căn nhà đầm ấm màu hồng như ánh mặt trời buổi sáng đẹp và tươi không thể tưởng. Thời gian đối với sự đợi chờ bao giờ cũng dài, em tưởng hụt hơi khi vừa xong hai giờ toán. Hoài Thu từ giã em bằng lời cầu chúc :
- Vui vẻ nghe Trang. Nì, nhớ để dành quà Sàigòn cho tao với nghe.
Em gật đầu cười nhưng trong lòng chẳng vui ; 6 giờ rồi mà me đâu chẳng thấy. Nếu me không đến... trời ơi, em không dám nghĩ tiếp nữa... biết ăn nói làm sao với ba đây. Tuy em không nói rõ với ba về vụ này nhưng trong những lá thư gửi cho ba, em có hơi “bật mí” tí xíu không biết ba có đoán nổi không, nếu bây giờ mà ba có hỏi, chắc là em chả biết đường nào để trả lời. Khổ cho em ghê. Em trở về phòng cất sách vở, thôi chả thèm ngóng thèm trông, em gieo mình xuống giường, chán nản cùng cực. Chiều vẫn qua nhạt dần ánh nắng, ngày sắp hết và bóng đêm lại về. Không lẽ màn đêm cứ buông mãi xuống cuộc đời em sao ? Có tiếng chân chạy lên cầu thang thình thịch, rồi tiếng Hảo gọi :
- Trang ơi Trang, có ba mi, có ba mi tới.
Ba ơi ba ơi, em hết buồn hết bực, em nhảy chân sáo xuống phòng khách. Ba đứng dậy, giang rộng đôi tay :
- Trang của ba.
Em sà vào lòng ba mắt em ráo hoảnh, em hết nước mắt để khóc rồi.
Ba vuốt tóc em :
- Nhớ ba không Trang ?
Em gật dầu :
- Ba đi lâu quá sức.
Ba nựng cằm em :
- Thôi, bữa ni ba hết đi rồi, ba sẽ đến đón con đều như trước nghe.
Em lại gật. Em không biết nói câu gì với ba nữa. Em nhìn sững ba, ba đi Sàigòn về có mập hơn trước, đôi má hồng hào nhưng đôi mắt có vẻ mỏi mệt, chắc tại ba đi máy bay bị trời xấu.
- Làm chi mà ngó chăm ba rứa Trang ?
Em vân vê cổ áo ba :
- Con thấy ba có vẻ mệt.
Ba đứng dậy nắm tay em :
- Thôi, vô chào Sơ mà về nhà với ba một hôm, ba vừa mới xin phép cho con xong.
Em đi theo ba ra cổng :
- Ba ơi, hành lý của ba mô hết rồi.
Ba kéo sát em vào người :
- Ba cho đưa về nhà cả rồi. Có quà của con nhiều lắm, đi nhanh lên con, tối nay vú Lành nấu bún bò đãi cha con mình.
Chà, vú Lành mà nấu bún bò thì phải biết, ngon số dách. Em miên man nghĩ đến me, me cũng ưa bún bò lắm... Sao me không đến nhỉ, chả biết dì Dung có đưa lá thư cho me không... dám dì Dung quên lắm... hy vọng như rứa... chớ không lẽ me lại hững hờ như vậy sao, me đã hứa với em rồi mà...
- Trang, con đang nghĩ chi rứa ?
Em giật mình :
- Ồ… không, ba ơi, mình về nhà mau lên nghe ba. Xe ba mô rồi ?
Ba chỉ tay về phía trước :
- Ba để đằng kia, chà, con đường ni tối ghê.
Em mách :
- Đèn đường cúp cả tuần ni đó ba.
Trời lạnh như lòng em, đêm tối như hồn em. Em nắm tay ba bước đều trên đường nhựa, gót chân khua nỗi buồn mênh mang. Em lên xe ngồi cạnh ba, ba trầm tĩnh cho xe chạy từ từ. Gió nhiều quá, em quay kính xe lên và khoanh tay ngồi yên lặng. Ba hỏi em :
- Con muốn qua phố bằng cầu Trường Tiền hay cầu Sông Hương ?
Em lơ đãng :
- Có lẽ con thích cầu Trường Tiền hơn.
Gió từ mặt sông thổi lên càng lạnh buốt. Cầu Trường Tiền sáu vài gẫy mất một, sau biến cố Mậu Thân. Người ta đã nối lại được sự giao thông nhưng chả ai buồn xây lại vài mới. Chiếc vài trắng bạc nghiêng mình đón ánh chiều tà trên giòng sông thơ mộng ngày nào đã thật sự chìm sâu vào quên lãng, em không hiểu khi nhìn chiếc cầu thắng cảnh của thành phố chỉ còn mỗi 5 vài, du khách sẽ nghĩ gì khi nghe điệu hò mái đẩy : “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp, anh qua không kịp tội lắm em ơi, nghĩa tào khang ai đành vội dứt, đêm năm canh thổn thức...” . Nhưng em vẫn yêu thiết tha chiếc cầu kỷ niệm, chiều chiều ba lái xe đưa me và em đi dạo mát, ôi, những ngày hạnh phúc sao quá vội tàn phai. Em nhìn sang ba, gương mặt trông nghiêng lờ mờ dưới ánh đèn bắc trên thành cầu trông buồn bã kỳ lạ. Xa hơn chút nữa, mặt nước sông Hương đen thẫm một màu rồi càng xa càng sáng loáng dần lên. Cầu sông Hương đó, chiếc cầu mới xây bằng bê tông cốt sắt thật lộng lẫy trang khang, hai hàng đèn néon chói chang đổ ánh sáng xuống mặt nước sông, hắt ánh sáng vào vùng không gian lạnh vắng làm chìm khuất hẳn bóng dáng đìu hiu của chiếc cầu bên này. Đã bao lần em ví, hạnh phúc là một thứ gì quí giá không thể thay đổi, như ba, như me, như cả một quãng đời thơ ấu diễm lệ đan kết bằng mật ngọt mến trìu. Nếu một ngày kia ba có me mới và một người đàn ông khác thay thế hình bóng ba trong trái tim me thì dù em có sống với ba hay với me, dù tương lai em sẽ được thương yêu nuông chiều tuyệt đỉnh, em sẽ vẫn khổ tâm vô cùng. Bởi tương lai đó không phải là hạnh phúc ngày cũ, bởi hạnh phúc mới không được ươm mầm từ tình yêu đằm thắm của ba me. Con sinh ra đời trong vòng tay ba me quấn quít bên nhau như dây trầu thân cau lưu luyến, con lớn lên trong sự hoà thuận tình vợ chồng canh ngọt cơm lành, con lại sắp trưởng thành rồi đó ba me ơi, con không muốn thay thế môi trường mình đang sống như chiếc cầu tối tân đẹp đẽ kia được dựng lên để mọi người dần quên cây cầu Trường Tiền xưa cũ. Tội cho mi quá cầu ơi ! Theo em nhận xét, cầu Sông Hương vừa rộng vừa sáng nên về đêm, cầu Trường Tiền vắng ngắt vắng ngoe. Em đang đi trên chiếc cầu cũ, em chả bao giờ quên nổi những ngày dĩ vãng ấm êm đâu.
Vú Lành đón ba và em bên chiếc bàn ăn quen thuộc. Chén đũa, khăn ăn vú đã dọn sẵn sàng trên chiếc khăn màu trắng kết ren. Vú dìu vai em đến bên ghế :
- Ngồi xuống đi Trang, lấy bún vào chén, bỏ hành ngò sẵn đi, rồi vú đem nước lên chan cho nóng, có cả giò búp nữa, vú hầm vừa mềm, thơm lắm.
Ba xoa hai tay vào nhau :
- Chà nghe vú quảng cáo hoài đến đói bụng mất. Lại có cả giò búp nữa làm con gái cưng của tôi chảy nước miếng ra nơi tề.
Vú Lành tươi cười chạy xuống nhà sau bưng lên một tô lớn khói lên nghi ngút, em nhìn váng ớt đỏ tươi sóng sánh mà nghe bụng đói cồn cào. Nói ra hơi mắc cỡ một tí, cái đói bây giờ đã lấn mất nỗi buồn của em. Thật ra thì con mắt lớn hơn dạ dày, em mới ăn hết một tô em đã thấy ớn ngang cổ, em bỏ đũa xuồng. Vú Lành hiểu ý cười :
- Răng ? Ớn rồi hả con ? Ớn thì để vú lấy cơm cho ăn, có món thịt gà rim, chắc là Trang của vú ưa lắm.
Ba tán thành :
- Ừ, vú xới cơm lên đi, tôi cũng ăn nữa.
Ba gác đũa ngồi chờ, em nhìn ba rồi em lại cúi đầu xuống bàn, tự nhiên sao hồn em chùng xuống, em buồn kinh khủng là buồn.
Ba chợt hỏi em :
- À, nì Trang, trong lá thư gần đây, con có nói với ba là sẽ dành cho ba một ngạc nhiên thích thú, một bất ngờ, không thể tưởng tượng, rứa chừ cái ”bí mật” đó là cái chi, mau “bật mí” cho ba coi với nờ.
Em lúng ta lúng túng, quả thật em bể dĩa mất rồi, em như cô ca sĩ bị tắt tiếng trên sân khấu, em như chàng nhạc sĩ quên mất bản đàn đang khi trình diễn, bởi me là cái “bí mật” đó, mà giờ đây me không chịu đến đón ba thì làm sao mà em “bật mí” được. Em ấp úng :
- Con... con quên mất rồi.
Ba nhíu mày :
- Quên ? Ba không tin... một chuyện quan trọng mà con cứ nhắc đi nhắc lại mãi, thì con không thể quên dễ dàng rứa được.
Em xoắn những ngón tay vào nhau :
- Ba ơi, con...
Ba hỏi dồn dập :
- Con... răng ? Con có điều chi muốn nói với ba ?
Khóe mắt em cay cay, nước mắt em đang chờ dịp tuôn ra, ba nắm lấy tay em bóp nhè nhẹ :
- Trang, con có điều chi uất ức trong lòng ? Con có điều chi khó nghĩ ? Cứ nói cho ba biết.
Em vẫn im lặng cúi đầu, ba thúc dục :
- Trang, nói cho ba nghe đi con.
Em bỗng khóc òa. Vú Lành chạy ra :
- Ủa, răng rứa Trang ? Chờ vú lâu rồi đói bụng khóc nhè à ?
Ba nhìn vú nói nhỏ :
- Để mặc cho nó khóc. Vú cứ dọn đồ ăn ra đi.
Vú Lành quảng cáo :
- Có xà lách Đà Lạt trộn dầu dấm nữa ông. Trang cũng ưa món ni lắm, chà ăn kèm với thịt gà rim thì ngon tuyệt.
Ba ra dấu cho vú Lành để mấy dĩa thức ăn ra bàn mà không nói lời gì. Ba đang tôn trọng nỗi buồn khổ xót xa trong lòng em, chờ cho em chỉ còn những tiếng nấc nghẹn trong cổ họng, ba mới dịu dàng nói :
- Trang, nín đi đừng khóc nữa, nếu con không muốn nói thì thôi, ba không ép mô. Thôi ăn cơm đi, ba hứa là ba sẽ không hỏi đến chuyện đó nữa.
Một tích tắc suy nghĩ, em víu cánh tay ba :
- Ba ơi, con nói đây nì, chuyện đó... chuyện đó…là… me... me đó ba.
Ba ngạc nhiên .
- Me ?
Em nói một hơi :
- Dạ, me đó, me hứa với con là me sẽ trở về với ba, me sẽ đến đón ba ngày ba từ Sàigòn về, rứa mà con chờ, con đợi, chẳng thấy tăm hơi me mô. Cho nên... cho nên... con... làm răng mà ăn nói với ba chừ đây.
Ba thở dài thật nhẹ, em thấy vầng trán ba nhíu lai một cách khác thường, chắc trí óc ba đang chìm vào một vùng suy tưởng thật sâu. Một lát sau, ba mới thong thả nói :
- Con đừng vội buồn... đừng vội tuyệt vọng, me không đến được chắc còn nhiều lý do. Chưa chắc là me đã từ bỏ ý định đó đâu.
Em ngước lên nhìn ba, đôi mắt ướt nhòe :
- Ba ơi... nếu me trở về với ba, ba có tha thứ cho me không ba ?
Ba nói không suy nghĩ :
- Ba sẽ vì con mà quên tất cả những nông nổi của me, yên trí đi Trang, con chó bông của ba ! Đừng khóc nữa, ba sẽ sẵn sàng đón me bất cứ lúc nào cánh chim đó mệt mỏi muốn quay về tổ ấm.
Em phân vân, có nên nói cho ba biết chuyện me bị bắt vì mở bal bất hợp pháp không. Đó là một vết nhơ không gột rửa hằn dấu lên chân chim, liệu cánh chim có đủ can đảm giã từ trời xanh không ? Chắc me vì mặc cảm mà không muốn trở về, nhưng ba làm sao biết được điều này, em nhất định giấu ba mà, cả dì Dung dì Hạnh dì Phượng cũng đồng lòng rỉ tai nhau đừng nói cho ba biết vụ này. Vậy me còn sợ chi nữa, ba thương me lắm mà, em có nghe bà Ngoại nói với ông Ngoại, thế nào ba cũng bỏ lỗi cho me, tình vợ chồng mười mấy năm hương lửa, làm sao mà đành đoạn dứt nhau dễ dàng như rứa. Lòng em rối loạn như tơ vò, vú Lành đút cho em miếng thịt vàng thơm, em không cảm nhận được mùi vị gì cả.
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét