5
Sau ngày chôn cất ông, bà Nghĩa Hưng vào nhà giam, xin gặp Thanh. Vừa trông thấy mẹ bận đồ tang, Thanh biết việc chẳng lành, chạy lại ôm mẹ, hỏi dồn dập:
- Má ơi, ba con làm sao rồi, má?
Bà Nghĩa Hưng òa lên khóc:
- Con ơi, ba con mất rồi ! Sau ngày con bị giam, ba con liệt giường, má hết sức chạy thầy, chạy thuốc, nhưng không thuyên giảm. Bác sĩ bảo vì ba con lo nghĩ nhiều, lại không chịu ăn uống cho đầy đủ, nên cơ thể yếu nhược hẳn đi. Ba con mất đã năm ngày rồi, má và các anh con đã lo tang lễ cho ba con rất tử tế. Má không muốn cho con hay sớm, vì chắc không thể xin phép cho con về được.
- Con ơi, khi con đứng ra nhận tội đốt nhà thay cho ba con, ba con đã thấy rõ lòng hiếu thảo của con, nên ba con rất hối hận vì đã hiểu lầm con, đã đối xử với con không được tử tế như đối với các anh chị con! Con ơi, trước lúc ba con mất, ba con vẫn gọi tên con!
Thanh điếng người hồi lâu, chàng không khóc thành tiếng, nhưng nước mắt trào ra ràn rụa. Chàng mếu máo bàn tính với mẹ, bán căn phố cho ông bà Đức Hợp để trừ số tiền đã vay mượn của ông bà, và để thanh toán tiền công cho các người thợ đã nghỉ việc. Chàng xin mẹ tạm về ở với vợ chồng anh Thái ít lâu, đợi chàng mãn tù sẽ ra kiếm việc làm, mẹ con sẽ ở với nhau.
Hết giờ, Thanh đứng dậy hôn mẹ rồi đi vào phòng giam. Nhớ đến cha già chết, chàng không được gặp, Thanh sấp mặt xuống nền nhà, khóc to lên:
- Ba ơi! Ba ơi!
*
Bà Nghĩa Hưng trông ngày trông đêm cho tới ngày Thanh được mãn hạn tù. Bà ước ao chớ gì thời gian chạy vùn vụt cho bà mau được thấy đứa con yêu quý.
Chỉ còn hơn một tuần lễ nữa, Thanh sẽ được ra, bà vui mừng hết sức, nhưng bà cũng rất phân vân vì bà không biết đem con về ở đâu. Căn nhà cũ đã cầm bán đi rồi, xin ở tạm nơi nhà Thái, không biết Thái có chịu không. Cuối cùng bà đành liều, nói chuyện với Thái. Thái chưa nghe dứt đã lắc đầu quầy quậy:
- Không được! Không được! Má đem nó đi đâu thì đem, chứ đừng đem về nhà con. Thân danh là một luật sư lại có thằng em ở tù vì tội đốt nhà, việc đó đã làm cho con mất mặt hết sức, huống chi nay lại cho nó về chung trong nhà, thì con còn làm ăn gì được nữa?
Bà Nghĩa Hưng cay đắng trong lòng, bà thương xót đứa con út bị số phận hẩm hiu, nhưng biết làm sao được! Sáng hôm sau, bà đi tìm thuê một căn nhà. Giá nhà cho thuê trong thành phố cao quá, bà đành phải đi về Gò Vấp thuê lại một nửa căn nhà nhỏ của hai vợ chồng già. Ngày Thanh mãn tù, bà đến nhà lao thật sớm. Tám giờ sáng, giấy tờ xong xuôi, Thanh được phóng thích, hai mẹ con ôm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi. Thanh xin mẹ dẫn đi thăm mộ cha, Thanh quỳ phục xuống cạnh mộ khóc sụt sùi. Ngày chàng vào tù, chàng hy vọng khi về lại gia đình, chàng sẽ được cha thương yêu hơn trước. Đối lại, chàng cũng sẽ tận lực xoay xở cho công việc buôn bán được trở lại mức bình thường, để an ủi nâng đỡ cha già một phần nào. Nhưng ý người định mà ý trời không muốn, ngày chàng mãn tù, thì cha đã ra người thiên cổ! Thanh sụt sùi khấn hứa:
- Ba ơi! Ba sống linh chết thiêng, ba hộ phù cho má khỏi khổ, cho con tìm được công việc làm ăn để phụng dưỡng má suốt đời!
Thanh cùng mẹ về Gò Vấp tạm ở. Việc trước tiên của chàng là đi tìm việc làm. Xin vào các công sở thì chàng đành chịu rồi, việc tư thì ở Sàigòn lúc này cũng rất khó kiếm. Miền quê không được yên ổn, một số người bỏ ruộng nương đổ xô về thành phố, bởi thế, tư nhân nào chỉ cần một người thì có hàng chục người tới xin! Thanh đến hãng cũ : công việc chàng làm trước đây, đã có người thay thế lâu rồi. Ông giám đốc thương tình cho chàng một chỗ với điều kiện là phải ra làm ngoài đảo Phú Quốc, sáu tháng mới được về Sàigòn một lần. Suy tính kỹ thấy không còn việc nào hơn nữa, Thanh bằng lòng nhận. Chàng về bàn với mẹ : mẹ con lại tạm xa nhau vì ông Giám Đốc hứa ít lâu nữa sẽ liệu cho chàng về làm lại Sàigòn.
Vài hôm sau, Thanh từ giã mẹ lên tàu ra Phú Quốc nhận việc. Nơi đây, chàng lo kiểm soát và ghi chép mức sản xuất hàng ngày. Công việc không nặng nhọc lắm. Những ngày rảnh, chàng đi câu cá, hoặc vào rừng chơi. Chàng muốn tìm một việc gì làm ngoài giờ, để kiếm thêm tiền, nhưng chưa có cơ hội. Một dịp may, ông cai hãng chàng làm, thấy chàng có học, tính tình đứng đắn, ông muốn nhờ chàng dạy kèm cho các con ông về môn ngoại ngữ. Từ hôm đó, chàng ít có thời gian nhàn rỗi nhưng chàng rất vui sướng. Chàng chỉ mong ước dành dụm được một số tiền kha khá, để trở lại Sàigòn xoay nghề buôn bán, sớm hôm mẹ con sống vui vầy nương tựa nhau. Thấm thoát, chàng ra đảo Phú Quốc được sáu tháng. Theo lệ thường chàng được về Sàigòn hai tuần, nhưng chàng không muốn về, sợ tốn kém ; chàng chỉ viết thơ về thăm và tin cho mẹ yên lòng.
Bà Nghĩa Hưng từ ngày Thanh đi xa, bà trả lại nhà, trở về ở với vợ chồng Thái. Bà quán xuyến công việc nhà cho con, chẳng khác gì một người giúp việc. Sáng sớm, bà giúp người ở nấu nước pha cà phê, quét dọn, xếp mùng màn trong các phòng ngủ, tắm rửa cho các cháu và dẫn chúng đi chơi. Hết việc nầy đến việc khác, chẳng mấy khi bà ở không. Thấy mẹ chồng làm được việc, vợ Thái “nổi máu họ Hà”, bớt đi một người ở cho đỡ tốn. Bao nhiêu năm vất vả, lo lắng cho chồng cho con, bà Nghĩa Hưng nay đã yếu đi nhiều, có lúc bà cảm thấy mệt nhọc và hai tay như bị tê bại, nhưng không bao giờ bà than thở một lời. Thấy mẹ phải làm việc quần quật suốt ngày, Thái không đành lòng nhưng ngại không dám nói ra, sợ vợ tiếng chì tiếng bấc.
Một hôm, vợ chồng Thái có khách sang tới thăm, bà Nghĩa Hưng xuống bếp pha trà. Không may, bà luống cuống thế nào, đánh rơi bộ ấm chén quý xuống nền nhà vỡ tan. Vợ Thái tiếc của, nói nhiều câu thất lễ với bà. Thái cực lòng, không biết ăn nói thế nào. Tối hôm ấy, chờ cho vợ đi ngủ rồi, Thái than thở với mẹ:
- Nhà con khó tính, đối với má thiếu sự kính nể. Con thì bên má, bên vợ, không biết xử trí làm sao! Hay là má về ở với chú thím Thông ít lâu, nhà chú thím ấy chắc vui hơn bên con.
Sáng hôm sau, bà Nghĩa Hưng lủi thủi xách gói sang ở với Thông. Nhà cửa Thông thật là bê bối. Hai người ở, một người lo giữ em, một người lo cơm nước, công việc làm không hết. Bà Nghĩa Hưng thương con, cố gắng thu dọn mọi sự cho khang trang sạch sẽ. Vợ chồng Thông xuềnh xoàng không quan cách như vợ chồng Thái. Nhưng tính Thông vô tư, đối xử với mẹ hơi lãnh đạm, chàng chẳng để ý hỏi han sức khỏe mẹ như thế nào. Đã thế, tối đến bạn bè hội lại đầy nhà, ăn uống vui chơi có khi tới quá nửa đêm, rồi ông khách nầy nhờ bà đi mua giúp cho bao thuốc, ông khách nọ nhờ bà đi mua cho hộp diêm. Họ coi bà như một người giúp việc trong nhà, nên mặc tình sai vặt. Thông đã không cản ngăn, mà có khi chính chàng cũng nhờ bà đi mua thứ nầy thứ nọ lúc đêm hôm nữa. Căn phòng bà nằm nghỉ, có lần cũng phải nhường cho khách, bà lụi cụi xuống ngủ dưới nhà bếp. Mỗi lần Thông phải xin mẹ nhường phòng cho khách, chàng cũng cảm thấy thương mẹ, nhưng có khi chàng cũng đâm ra bực mình : có mẹ ở với, chàng thấy bị vướng trở thế nào. Một hôm chàng bảo mẹ:
- Nhà tụi con chật chội quá, khách khứa tới lui luôn, nhiều lúc má không có chỗ ngủ, tụi con thấy tội nghiệp má quá, mà không biết làm sao được. Hay là má về ở với anh Thái, nhà anh ấy rộng rinh, một người ở hai, ba phòng cũng có!
Bà Nghĩa Hưng ứa nước mắt, trong lòng cay đắng hết sức : đứa con nào cũng từ chối khéo không muốn cho bà ở nữa. Tình đời vẫn thế : một mẹ nuôi được mười đứa con, nhưng mười đứa con không nuôi được một mẹ!
Sáng hôm sau, bà lại xách chiếc làn mây ra đi. Bà không trở về nhà Thái. Bà đi thẳng đến tiệm vàng, bán đôi bông tai bà đang đeo. Ra khỏi tiệm, bà gặp Thu Thảo đi chợ về. Thu Thảo bất ngờ thấy mẹ, mừng rỡ reo lên:
- Má! Má đi đâu đó? Lâu quá con không gặp má! Tháng trước vợ chồng con đem các cháu tới nhà anh chị Thái thăm má, chị Thái bảo là má đi về nhà anh chị Thông ở lại đó luôn. Định chủ nhật nầy, nhà con nghỉ, chúng con đến thăm má, không ngờ lại gặp má đây. Độ nầy má thế nào, con xem như má gầy đi nhiều. Má có đau ốm gì không? Các anh chị ấy đối với má thế nào?
Bà Nghĩa Hưng mỉm cười nhìn con:
- Các anh chị đối với má vẫn tử tế, chứ có gì đâu! Bây giờ má về lại nơi anh Thái rồi. Nhà anh chị Thông con ban đêm khách khứa rộn ràng, má không ngủ được.
Thu Thảo xịu mặt:
- Thế sao má không về ở với con? Nhà con vẫn bảo con mời má về ở cho vui. Má già rồi, cần phải được nghỉ ngơi nhiều. Con nghe nói má ở với các anh ấy khó nhọc lắm, phải không má?
Bà Nghĩa Hưng cười xòa:
- Đâu có, má chỉ làm sơ sơ những việc má làm được, chớ có gì mà khó nhọc. Thôi con về làm cơm kẻo trưa, để má đi.
Thu Thảo kêu lên:
- Má đi đâu bây giờ? Nếu má không muốn về ở với con thì ít nữa mời má đến chơi với các cháu vài hôm chứ? Các cháu ngoan lắm, má à! Thu Thủy nói như con sáo, chạy chơi khắp nhà, còn cháu Lâm thì đang tập đi. Độ trước, nhà neo người, con chả đi đâu được, nay có bà nội lên coi sóc các cháu cho, con cũng đỡ mệt.
Bà Nghĩa Hưng vui vẻ bảo con:
- Được như thế hay quá! Thôi, con nói với bà và nhà con, cho má gởi lời thăm đã, mai kia, má sẽ đến thăm và ở lại ít hôm. Bây giờ má đi mua ít đồ cần dùng cho em Thanh con. À em Thanh con bây giờ làm cho hãng nước mắm ở Phú Quốc, một năm nữa mới về Sàigòn.
Bà Nghĩa Hưng rút trong bọc ra một trăm bạc, đưa cho Thu Thảo và nói:
- Má gởi con ít tiền mua quà cho các cháu.
Thu Thảo giẫy nẩy:
- Không, không! Má để mà tiêu, bây giờ má làm gì ra tiền?
Bà Nghĩa Hưng nhất quyết:
- Con cứ cầm lấy cho các cháu, má còn tiền tiêu đây, con đừng lo.
Thu Thảo bất dắc dĩ phải lấy. Nàng nài nỉ :
- Thế khi má rảnh, má tới ở lại chơi với chúng con vài ngày, nghe má ! Nhà con vẫn nhắc đến má luôn !
Hai mẹ con từ giã nhau. Thu Thảo bước vội về lo cơm trưa. Bà Nghĩa Hưng lững thững đi ra bến Bạch Đằng. Bà ngồi xuống ghế đá, mắt đăm đăm nhìn ra sông. Những chiếc tàu lớn im lìm cạnh bến. Giữa sông, thuyền bè ngược xuôi tấp nập. Nhìn đoàn người, kẻ lên tàu trẩy đi, người xuống bến trở lại nhà, bà Nghĩa Hưng nhớ đến Thanh, đứa con yêu quí đang ở nơi phương trời xa thẳm. Bà buồn bã thở dài, không biết khi nào mẹ con sum hợp với nhau mãi mãi.
Bà ngồi đó rất lâu. Đến gần chiều, bà mới đứng dậy về chợ Bến Thành mua cơm ăn. Ăn xong, bà trở lại chỗ hồi nãy. Đêm hôm ấy, bà ngồi ngủ dựa trên chiếc ghế đá cạnh bờ sông. Sáng hôm sau, bà trở lại bùng binh chợ Bến Thành. Đây là chỗ các người thất nghiệp năng lui tới, để kiếm việc làm. Trước kia, những ngày nhà cần người làm, bà cũng đã đến đây tìm thuê. Nhờ có người mối lái, bà xin vào làm công trong một tiệm bán phở. Công việc bà là rửa chén bát. Được việc làm, bà vui mừng lắm, ít nữa, trong thời gian chờ đợi Thanh chở về, bà được yên tâm, khỏi phiền lụy con cái. Công việc bà làm ở trong bếp, ít người thấy, bà không sợ mất danh giá các con. Bà làm việc hăng hái vui vẻ, các người làm trong tiệm, đối xử với bà rất tử tế. Họ tưởng bà ở vùng quê mới lên, nên hỏi thăm nhiều chuyện, bà ứng đáp khôn khéo, để họ không biết bà là ai. Tiệm phở nầy mỗi ngày chỉ mở cửa hai lần : sáng từ 4 giờ đến 8 giờ, chiều từ 6 giờ đến nửa đêm. Lúc đông người ăn, phải có hai người rửa, người lau bát mới kịp. Ngày nào cũng đứng hàng giờ bên bể nước, hai chân bà như tê liệt, nhất là hai tay bà nhiều lúc run rẩy, cơ hồ như không bưng nổi chồng bát nữa. Tuy vậy bà vẫn cố gắng, tay làm việc, lòng trí bà luôn luôn nghĩ đến Thanh. Bà chỉ mong cho mau đến ngày được gặp con, được ôm lấy con vào lòng. Nghĩ đến con, bà thấy có sức làm việc.
Một buổi tối, bà đã đứng rửa bát hơn bốn tiếng đồng hồ, bà cảm thấy mệt lắm, chân tay run lẩy bẩy. Bà cố gắng bưng chồng bát sắp lên chạn, bỗng mắt bà hoa lên, bà trượt chân ngã xuống, đánh rơi chồng bát vỡ tan tành trên mặt đất. Người ta vội vàng vực bà dậy, tay bà bị nhiều mảnh bát đâm vào, máu chảy đỏ lòm cả cánh tay. Họ tức tốc thuê xe chở bà đến một bệnh viện tư gần đó. Bác sĩ chích thuốc cầm máu và băng bó vết thương cho bà. Vì bà mất máu khá nhiều, nên bác sĩ bảo một cô y tá tiêm thuốc bổ và săn sóc cho bà. Cô y tá đem thuốc và kim tiêm vào. Vừa nhìn thấy bà, cô bỡ ngỡ kêu lên :
- Trời ơi ! Bác Nghĩa Hưng ! Bác làm sao thế ? Cháu sắp đi ngủ, nghe nói có người làm trong tiệm phở, bị mảnh bát làm đứt tay, cháu không ngờ là bác ! Sao anh Thái, anh Thông lại để cho bác ra nông nỗi này ? Anh Thanh đâu rồi bác ?
Thúy Hạnh hỏi một hơi, làm cho bà Nghĩa Hưng không biết đàng nào mà trả lời. Bà cũng bỡ ngỡ hết sức, không ngờ người ta lại chở bà đến nhà thương tư của bác sĩ Hoàng. Bà cũng không dè là Thúy Hạnh đang làm y tá giúp cậu ruột cô ở đây.
Biết không thể nào giấu Thúy Hạnh được, bà đành phải kể hết mọi việc đã xảy ra cho Thúy Hạnh nghe. Thúy Hạnh nắm lấy tay bà, khóc nức nở. Cô không ngờ các anh Thái, Thông lại nỡ tâm phụ bạc bà như thế ! Bà Nghĩa Hưng sợ câu chuyện vỡ lở có hại đến danh giá các con, nên bà nài nỉ Thúy Hạnh giữ kín đừng nói ra với ai. Thúy Hạnh hứa với bà sẽ giữ kín, chỉ xin phép đưa tin cho anh Thanh biết. Đêm ấy, Thúy Hạnh viết vội cho anh Thanh mấy hàng :
- Anh Thanh ơi, anh nên về ngay, má anh bây giờ khổ lắm ! Thúy Hạnh không ngờ anh Thái, anh Thông đối xử tệ bạc với bác như thế…!
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 6
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét