Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Lòng Mẹ (Chương VI - VII) - NHẬT LỆ GIANG

6



Bà Nghĩa Hưng nằm nhà thương được mấy hôm, vết thương đã đỡ, bà nhất định trở vô làm việc lại. Thúy Hạnh nài nỉ bà thôi việc, về ở tạm nhà ba má nàng để đợi Thanh, nhưng bà một mực không chịu. Nàng đành phải để cho bà đi. Ông chủ tiệm thấy bà không thể kham được việc rửa chén bát, giao cho bà lo sạch sẽ trong nhà và chung quanh. Công việc này đối với bà nhẹ nhàng hơn trước.

Gởi lá thơ cho Thanh được hơn một tuần lễ, Thúy Hạnh bồn chồn đợi Thanh về. Nàng chưa biết phải làm thế nào, vì một đàng, nàng đã hứa với bà Nghĩa Hưng là sẽ không nói chuyện nầy với ai, nhưng một đàng, nàng thấy tự mình nàng không thể tìm ra giải pháp nào khả dĩ cứu vãn được tình trạng buồn thảm của bà Nghĩa Hưng. Việc phải đến sẽ đến, Thúy Hạnh vì bận tâm đến chuyện nầy, nên nét mặt nàng trở nên đăm chiêu, buồn bã khác hẳn mọi ngày. Bà Đức Hợp lấy làm lạ, gọi con vào phòng gạn hỏi. Thúy Hạnh chẳng đừng được, phải nói ra cho mẹ hay tự sự, nàng xin mẹ tìm cách giúp bà Nghĩa Hưng thế nào cho êm đẹp, cho nàng khỏi lỗi lời hứa. Bà Đức Hợp bàn riêng với chồng. Hai ông bà và Thúy Hạnh đồng ý với nhau một giải pháp, rồi chờ ngày Thanh về.

Thanh được thơ Thúy Hạnh, chàng vội vàng thu xếp công việc rồi xin phép về Sàigòn ngay. Tàu vừa cập bến, chàng thuê xe về nhà ông bà Đức Hợp, để hỏi thăm Thúy Hanh chỗ mẹ chàng đang làm việc. Thúy Hạnh đi làm chưa về, ông bà Đức Hợp mừng rỡ đón Thanh vào nhà nói chuyện. Bà Đức Hợp kể cho Thanh nghe nông nỗi mẹ chàng từ ngày chàng ra đi cho đến nay. Rồi bà dịu dàng nói tiếp:

- Chắc má cháu không trách Thúy Hạnh đã nói ra cho hai bác biết hoàn cảnh đau buồn của bà. Thật ra nếu bác không bắt buộc, Thúy Hạnh cũng không nói ra đâu. Hai bác thấy má cháu khí khái như thế cũng phải, nhưng mà chấp kinh có khi cũng phải tùng quyền : không phải mối liên lạc giữa gia đình hai bác và ba má cháu rất mật thiết với nhau từ lâu hay sao? Cơ trời để cho xảy ra vậy, để chúng ta giúp đỡ nhau. Nay hai bác bàn với cháu thế này : căn phố má cháu bán cho hai bác, lâu nay bác vẫn khóa lại để đó, chứ chưa cho thuê mướn gì, vả trên giấy tờ chính thức vẫn còn đứng tên ba má cháu. Bây giờ hai bác giao căn phố đó lại cho cháu, cháu đem má cháu về ở, để sớm hôm má con sum họp với nhau. Hai bác sẽ giúp vốn cho cháu mở lại tiệm bán xe đạp như ba cháu hồi trước. Khi nào cháu ăn ra làm được, cháu sẽ trả lại tiền cho hai bác sau, không ngại!

Trước lòng tốt hiếm có của ông bà Đức Hợp, Thanh cảm động khóc sụt sùi. Chàng tận tình cảm ơn ông bà đã tính toán cách rất êm đẹp để giúp má con chàng vượt qua cơn bĩ cực. Từ giã ông bà Đức Hợp, Thanh vội vã đi tìm mẹ. Tiệm phở chưa mở cửa, chàng đi vòng ra phía sau : mẹ chàng đang lom khom quét dọn trong vườn cảnh. Chàng chạy lại, mẹ con ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào. Thấy mẹ chỉ trong mấy tháng mà gầy yếu đi nhiều, Thanh khóc tức tưởi. Chàng vào xin ông chủ tiệm cho mẹ thôi việc, rồi dẫn mẹ ra thuê xe về nhà.

Bà Nghĩa Hưng ngỡ ngàng bước vào căn nhà cũ đã dọn dẹp sạch tử tế. Khi biết được tấm lòng quý hóa của vợ chồng bạn, bà vội vàng sang cảm ơn.

Hơn một năm trời không gặp, ông bà Đức Hợp nắm lấy tay bà Nghĩa Hưng chào hỏi, vui mừng khôn xiết.

Tối hôm ấy, ông bà Đức Hợp mời mẹ con bà Nghĩa Hưng ở lại dùng cơm. Bữa cơm thân mật, chứa đựng bao tình thương mến dịu dàng, bà Nghĩa Hưng hết nhìn ông bà Đức Hợp lại nhìn Thúy Hạnh với đôi mắt đầy trìu mến, biết ơn. Nỗi vui sướng tràn ngập lòng bà, nét mặt bà như tươi trẻ lại.

Sáng hôm sau, Thanh lặng lẽ đến nhà Thái. Chàng định sẽ mắng anh một trận, vì đã đối xử tệ bạc với mẹ. Thanh không cho mẹ hay, sợ bà ngăn cản. Vợ chồng Thái đi vắng. Người nhà cho biết Thái đến diễn thuyết tại một câu lạc bộ nọ để tranh cử chức nghị viên thành phố. Thanh tức tốc chạy tới đó. Thính đường chật ních người. Trên diễn đàn, Thái còn thao thao bất tuyệt. Thanh chen lẫn vào cạnh diễn đàn. Bài diễn văn của Thái sắp sửa kết thúc, Thái trịnh trọng đưa mắt nhìn thính giả một lượt rồi giơ tay lên cao, dõng dạc:

- Thưa quý vị, tôi xin lập lại chương trình của tôi. Nếu được đắc cử, tôi sẽ tận lực theo các mục tiêu tôi đã nêu lên hồi nãy : Tranh đấu cho người nghèo, người nghèo có việc làm, người nghèo có nhà ở, khu lao động có điện nước…

Thấy người anh giả dối lại lên mặt đạo đức nhân nghĩa, Thanh ngứa gan quá, quên cả luật lệ, chàng nhảy lên diễn đàn, nắm lấy áo Thái quát to:

- Anh Thái, anh bảo anh tranh đấu cho người nghèo, sao anh lại để cho má phải đi làm thuê? Anh nói thế mà không thẹn hả?

Thính giả xôn xao, tưởng bọn đối lập thuê người tới phá. Họ hốt hoảng đứng dậy, rùng rùng kéo nhau ra về như vỡ chợ. Họ chen lấn nhau kêu la chí chóe. Một số người hiếu kỳ đứng lại xem. Cảnh binh giữ trật tự ở ngoài nghe lộn xộn, liền chạy vào. Thấy Thanh đang nắm áo Thái kéo đi, họ liền chĩa súng vào người Thanh bắt đứng yên, còng tay chàng lại áp giải về Quận Cảnh sát thẩm vấn. Thái giận tái mét mặt, lủi thủi bước ra khỏi thính đường tìm vợ. Một số thân chủ vây quanh Thái hỏi thăm, Thái chỉ trả lời ầm ừ cho qua chuyện rồi cùng vợ lên xe về nhà. Lúc xảy ra sự việc, vợ Thái ngồi phía dưới nên mục kích rõ ràng. Thế là mộng làm bà nghị sĩ tan như mây khói. Ngồi trong xe về nhà, nàng giẫm chân, đập tay, chửi rủa Thanh không tiếc lời.

Chỉ trong chốc lát, cả khu phố đều hay biết chuyện vừa xảy ra. Vợ chồng Thông nghe tin cũng  chạy đến hỏi thăm, Thông về hùa bảo Thái:

- Cái thằng trời đánh ấy, anh cứ trình nhà chức trách, đổ cho hắn tội phá rối trị an, thế là tù mọt xương!

Vợ Thái gật đầu tán thành:

- Tôi cũng nghĩ thế, chú thím ạ! Mình mất bao nhiêu tiền bạc chạy ngả này ngả nọ, chỉ còn một tí nữa là được việc. Ai ngờ cái thằng chó chết ấy ở tận bên đảo Phú Quốc về phá đám mình. Không biết ai kêu nó về, thật tức chết đi được!

Người nhà bưng nước lên, bốn người vừa uống nước vừa bàn cách xử trí với Thanh. Đang to nhỏ với nhau, thì ông già vợ Thái tới. Mới đặt chân vào nhà, ông đã hỏi:

- Sao, ba nghe nói anh Thái đang diễn thuyết thì chú Thanh đến kéo xuống phải không?

Thái chưa kịp trả lời, thì chị vợ đã kể lể:

- Tức quá ba ơi, cái thằng mất dạy đó, nó bêu xấu, bêu hổ chúng con. Bao nhiêu công trình chạy vạy, bị nó phá đám hết!

Ông ngồi xuống ghế hỏi tiếp:

- Mà tại sao chú ấy lại làm như vậy? Chú ấy nói gì với anh Thái lúc đó?

Thái ấp úng:

- Dạ thưa ba, nó bảo con…

Ông già cười nhạt:

- Có phải chú ấy nói : “Anh nói tranh đấu cho người nghèo, mà mẹ sinh ra anh thì đi làm thuê”, phải không?

Vợ Thái mở miệng toan nói, nhưng bị ông già trừng mắt mắng:

- Con định nói gì? Không phải có như vậy à? Ba cho hay : Trước khi ba tới đây, thì ba đã nghe rõ hết sự thật về chuyện này rồi! Thiệt ba không ngờ các con lại đối xử tệ bạc với bà như thế!

Rồi ông nghiêm nét mặt nhìn vợ Thái:

- Còn con, có phải con cậy thế là ba má giàu có, để khinh dễ mẹ chồng không? Ba má rất xấu hổ vì một người con như con. Lâu nay, mỗi lần ba má hỏi thăm về bà, thì con trả lời ngon lành, ba má cứ tưởng con kính trọng mẹ chồng con lắm, ai ngờ…

Ông già đứng lên,đi lại trong phòng, giọng ông như thét:

- Bây giờ ba mới nghe người ta kể cho biết sự thật: Hồi Sàigòn bị ném bom, ông bà phải tản cư về Mỹ Tho. Đến lúc Sàigòn yên, ông buồn không chịu trở lại Sàigòn làm ăn, vì Thái đi theo Nhật chưa về. Ông thương Thái đến mức đó, thế mà khi ông làm ăn thất bại, đến nhờ Thái giúp thì Thái làm ngơ, đến nỗi ông buồn quá mà chết! Con làm luật sư, thấy cha mẹ phải khốn đốn như thế mà không giúp, thật không phải là con người nữa!

Vợ chồng Thái bị ông già phanh phui tất cả sự thật, cúi đầu xuống, mặt tái mét. Vợ chồng Thông chột dạ, cũng ngồi im thin thít. Ông già ngồi xuống ghế, uống một hớp nước, rồi nói tiếp:

- Làm con mà bất hiếu với cha mẹ thì dại lắm. Vì trời có mắt, trời sẽ xui khiến cho con cháu chúng nó ăn ở bất hiếu lại bằng ngàn lần. Chừng đó hối hận thì đã muộn rồi!

Ông thở dài, im lặng một lát, rồi tiếp, giọng ông có vẻ dịu hơn:

- Chắc các con đã nhận thấy lỗi tày trời của các con, tuy vậy, cũng còn thời giờ để sửa chữa lại được! Bây giờ ba bàn với các con như thế nầy : Thái đến ngay quận cảnh sát xin bãi nại và bảo lãnh chú Thanh về. Còn chú thím Thông và con thì đi với ba đến thăm bà. Ba sẽ liệu lời xin bà tha thứ lỗi dại ngộ trước cho. Bà là người hiền đức, chắc bà không chấp trách đâu. Ba tính thế, các con nghĩ sao?

Hồi nãy đến giờ, vợ chồng Thái, Thông nghe ông phân tích, trách mắng, đều mở mắt nhận thấy mình có lỗi lớn với cha mẹ sinh thành. Họ hối hận lắm, nhưng tội đã phạm rồi, biết làm sao sữa chữa? Nay nghe ông bàn như thế, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, vui vẻ theo lời ông dạy.

7



Bà Nghĩa Hưng, sung sướng nắm lấy tay các con trai, con dâu, cười thỏa mãn. Lòng mẹ bao giờ cũng thương con, dễ dàng quên hết mọi lỗi lầm của con. Bà không hề nhắc đến những nỗi khổ cực đã qua, chỉ bộc lộ niềm sung sướng tràn ngập trong lòng. Bà không ngờ lại được các con sum họp vui vẻ đầm ấm như thế nầy. Hai người con dâu bây giờ mới nhận rõ lòng mẹ chồng thật là độ lượng, đáng kính mến.

Thái, Thông, Thanh bắt tay nhau làm hòa, cười thông cảm. Mẹ con, anh em chị em chuyện trò vui cười huyên náo…

Chiều hôm ấy, Thanh đến nhà bác sĩ Hoàng gặp Thúy Hạnh. Chàng cảm ơn Thúy Hạnh, nhờ nàng mà mẹ con, anh chị em gia đình chàng được đoàn tụ yên ấm, tưởng chưa có lúc nào được như thế.

Thúy Hạnh mỉm cười đáp nhỏ nhẹ:

- Em không dám từ chối lời cám ơn của anh, nhưng em nghĩ rằng : chính nhờ sự nhẫn nại hiếm có của ông bà và lòng hiếu thảo của anh, đã làm động lòng trời, khiến trời thương cho mọi sự xảy ra êm đẹp, chớ đâu có phải là công riêng của em!

Thanh bâng khuâng im lặng một lúc rồi mỉm cười trìu mến nhìn Thúy Hạnh:

- Phải, anh cũng nghĩ như thế, em ạ! 

Nhật Lệ Giang    
 1963            
  
-------------------------------------------------------------------------------------------
Chân thành cám ơn BD đã sưu tầm và đánh máy truyện gửi cho Tủ sách Tuổi Hoa 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét