Tôi Cần Giấy Chứng Nhận Làm Người
Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi đi làm thuê.
- Soát vé
Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.
Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc :
- Ðây là vé trẻ em.
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp :
- Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao ?
Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi :
- Anh là người tàn tật ?
- Vâng, tôi là người tàn tật.
- Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp :
- Tôi… không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em.
Cô soát vé cười gằn :
- Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật ?
Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên
- Anh chỉ còn một nửa bàn chân.
Cô soát vé liếc nhìn, bảo :
- Tôi cần xem chứng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ “Giấy chứng nhận tàn tật”, có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật !
Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích :
- Tôi không có tờ khai gia đình của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra tai nạn ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định…
Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.
Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật…
Trưởng tàu cũng hỏi :
- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu ?
Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình .
Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói :
- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.
Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có hơn 50 ngàn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc :
- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.
Trưởng tàu nói kiên quyết :
- Không được.
Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu :
- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.
Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý :
- Cũng được.
Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi :
- Anh có phải đàn ông không ?
Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại :
- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không ?
- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không ?
- Ðương nhiên tôi là đàn ông !
- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông ?
Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem ?
Mọi người chung quanh cười rộ lên.
Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói :
- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả ?
Ðồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói :
- Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.
Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao. Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành :
- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.
Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng :
- Cô hoàn toàn không phải người ! Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé :
- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì ?
Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:
- Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận “người” của cô ra xem nào…
Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.
Chỉ có một người không cười. Ðó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn trân trân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay thù hận.
Sưu Tầm
_________________________________________________________________________________
Đừng!!!
Ðừng nên thờ ơ với những gì đã quá quen thuộc với bạn. Hãy giữ chắc lấy chúng như những gì quan trọng nhất, vì sẽ có lúc bạn cảm thấy tiếc nuối khi những điều thân thuộc ấy mất đi.
Ðừng hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh bản thân mình với người khác. Mỗi chúng ta là một con người khác nhau và đều có những giá trị khác nhau.
Ðừng mãi mê theo đuổi những mục tiêu mà người khác cho là quan trọng, vì chỉ có bạn mới hiểu rõ những mục tiêu nào là tốt cho mình.
Ðừng ngại học hỏi. Kiến thức là một tài sản vô hình và sẽ là hành trang vô giá theo bạn suốt cuộc đời.
Ðừng ngại mạo hiểm để làm những điều tốt. Ít nhất bạn cũng học được cách sống dũng cảm với những lần mạo hiểm.
Ðừng nên phí phạm thời gian hoặc những lời nói thiếu suy nghĩ. Cả hai thứ ấy một khi đã qua đi hay thốt ra thì không thể nào bắt lại được.
Đừng để cuộc sống đi qua mắt bạn chỉ vì bạn đang sống trong quá khứ hay tương lai. bằng cách sống cuộc sống của mình ngày hôm nay, vào lúc này, bạn đang sống tất cả mọi ngày trong cuộc đời.
Đừng quên hy vọng, sự hy vọng cho bạn sức mạnh để tồn tại ngay khi bạn đang bị bỏ rơi.
Đừng đánh mất niềm tin vào bản thân mình, chỉ cần tin là mình có thể làm được và bạn lại có lý do để cố gắng thực hiện điều đó.
Đừng lấy của cải vật chất để đo lường thành công hay thất bại, chính tâm hồn của mỗi con người mới xác định được mức độ " giàu có" trong cuộc sống của mình.
Đừng để những khó khăn đánh gục bạn, hãy kiên nhẫn rồi bạn sẽ vượt qua.
Đừng do dự khi đón nhận sự giúp đỡ, tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ ở bất kỳ khoảng thời gian nào trong cuộc đời.
Đừng chạy trốn mà hãy tìm đến tình yêu, đó là niềm hạnh phúc nhất của bạn.
Đừng chờ đợi những gì bạn muốn mà hãy đi tìm kiếm chúng.
Đừng từ chối nếu bạn vẫn còn cái để cho.
Đừng ngần ngại thừa nhận rằng bạn chưa hoàn hảo.
Đừng e dè đối mặt thử thách. Chỉ khi thử sức mình, bạn mới học được can đảm.
Đừng đóng cửa trái tim và ngăn cản tình yêu đến chỉ vì bạn nghĩ không thể nào tìm ra nó. Cách nhanh nhất để nhận tình yêu là cho, cách mau lẹ để mất tình yêu là giữ nó quá chặt, cách tốt nhất để giữ gìn tình yêu là cho nó đôi cánh tự do.
Đừng đi qua cuộc sống quá nhanh đến nỗi bạn quên mất mình đang ở đâu và thậm chí quên mình đang đi đâu.
Đừng quên nhu cầu cảm xúc cao nhất của một người là cảm thấy được tôn trọng.
Đừng ngại học hỏi. Kiến thức là vô bờ, là một kho báu mà ta luôn có thể mang theo dễ dàng.
Đừng sử dụng thời gian hay ngôn từ bất cẩn. Cả hai thứ đó đều không thể lấy lại.
Cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua, nó là một cuộc hành trình mà bạn có thể tận hưởng từng bước khám phá...
Đừng bao giờ cho là bạn đã thất bại khi những kế hoạch và giấc mơ của bạn đã sụp đổ, vì biết được thêm một điều mới mẻ thì đó là lúc bạn tiến bộ rồi.
Đừng quên mỉm cười trong cuộc sống.
Đừng quên tìm cho mình một người bạn thực sự, bởi bạn bè chính là điều cần thiết trong suốt cuộc đời.
Và cuối cùng đừng quên ơn những người đã cho bạn cuộc sống hôm nay với tất cả những gì bạn cần. Bởi vì con cháu đời sau của bạn sẽ xem bạn như tấm gương của chúng.
Sưu Tầm
_________________________________________________________________________________
Bí quyết 90/10
Bí quyết đó là gì?
10% cuộc đời là những gì xảy đến đối với bạn.
90% cuộc đời là do những phản ứng của bạn đối với những chuyện xảy đến đó.
Thế nghĩa là sao? Giờ hãy thử xét một ví dụ :
Bạn đang dùng điểm tâm cùng với gia đình. Con gái bạn làm đổ cà phê lên áo bạn. Chuyện đó xảy ra bất chợt, bạn không kiểm soát được. Ðiều xảy ra tiếp sau đó là phản ứng thuộc quyền quyết định của bạn. Bạn mắng cháu. Cháu phát khóc. Bạn trách cả vợ mình đã đặt tách cà phê quá gần rìa bàn. Hai người bắt đầu cãi nhau một hồi. Bạn đùng đùng bước lên lầu thay áo. Khi bạn trở xuống con bạn vẫn còn khóc, chưa ăn xong để đi học. Cháu bị lỡ chuyến xe đưa rước. Vợ bạn phải hối hả đi làm. Bạn đi nhanh ra, đưa con gái đến trường. Sợ trễ, bạn chạy xe vượt tốc độ cho phép. Sau khi chịu phạt nặng, bạn đưa con tới trường trễ hết 15 phút. Con bạn chạy nhanh vào lớp không kịp chào bạn. Bạn đến văn phòng trễ 20 phút, lại thấy mình bỏ quên chiếc cặp ở nhà. Ngày của bạn đã bắt đầu một cách thật khủng khiếp. Chuyện càng lúc càng tệ hại tiếp tục xảy ra.
Buổi chiều bạn buồn chán trở về nhà để thấy vợ con không vui vẻ đón mừng mình như ngày hôm trước.
Tại sao bạn có một ngày buồn chán như thế?
A. Tại tách cà phê chăng?
B. Tại con gái bạn chăng?
C. Tại người cảnh sát à?
D. Do bạn gây ra đấy chứ?
Câu trả lời đúng là D. Bạn đã không làm chủ cái 90% thuộc quyền phản ứng của mình. Cách phản ứng chỉ trong năm giây của bạn đã tạo nên một ngày bất hạnh.
Bạn cũng đã có thể phản ứng một cách khác. Khi tách cà phê đổ, cháu bé muốn khóc, bạn đã có thể nói: “Không sao đâu con, lần sau con nên cẩn thận hơn một chút”. Bạn nhẹ nhàng lên lầu thay áo và mang theo chiếc cặp. Bạn xuống nhà vừa kịp vẫy tay chào lại cháu bé lên xe đưa rước. Vợ chồng bạn hôn nhau rồi cùng đi làm. Bạn đến văn phòng sớm năm phút và vui vẻ chào các đồng nghiệp buổi sáng. Có lẽ sếp cũng khen bạn về một ngày làm việc có hiệu quả.
Hãy nhớ rằng phản ứng của bạn rất quan trọng. Chuyện bất ngờ xảy ra chỉ chiếm 10%, quyết định phản ứng của bạn chiếm tới những 90%. Hãy nhớ và áp dụng bí quyết 90/10 cho mọi việc xảy ra trong ngày, bạn sẽ thấy cuộc đời bạn tốt hơn thật nhiều. Chúc bạn thành công!
Sưu Tầm
_________________________________________________________________________________
Câu chuyện về CHO và NHẬN
Câu chuyện thứ nhất:
Một người đàn ông bị lạc giữa một sa mạc rộng lớn. Ông mệt lả và khát khô, sẵn sàng đánh đổi bất kì cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát.
Đi mãi đi mãi, đến khi đôi chân của ông đã sưng lên nhức nhối, ông thấy 1 căn lều: cũ, rách nát, không cửa sổ.
Ông nhìn quanh căn lều và thấy ở 1 góc tối, có 1 cái máy bơm nước cũ và rỉ sét. Tất cả trở nên lu mờ đi bên cạnh cái máy bơm nước, người đàn ông vội vã bước tới, vịn chặt vào tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có 1 giọt nước nào chảy ra cả.
Thất vọng, người đàn ông lại nhìn quanh căn lều. Lúc này, ông mới để ý thấy 1 cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, ông đọc được dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng cách lấy viên đá cào lên: “Hãy đổ hết nuớc trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, hãy nhớ đổ nước đầy lại vào chiếc bình này”.
Người đàn ông bật cái nắp bình ra, và đúng thật, trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, người đàn ông rơi vào 1 tình thế bấp bênh. Nếu ông uống ngay chỗ nước trong bình, chắc chắn ông có thể sống sót. Nhưng nếu ông đổ hết nước vào cái bơm cũ gỉ, có thể nó sẽ bơm được nước trong lành từ sâu trong lòng đất – rất nhiều nước.
Ông cân nhắc khả năng của cả hai sự lựa chọn: nên mạo hiểm rót nườc vào máy bơm để có nguồn nước trong lành hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc được lời chỉ dẫn? Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác nữa không……
Nhưng rồi cuối cùng, ông cũng quyết định rót hết nước váo cái máy bơm. Rồi ông tiếp tục nhấn mạnh cái cần của máy bơm, một lần, hai lần ….chẳng có gì xảy ra cả!Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại, ông sẽ không còn một nguồn hy vọng nào nữa, nên người đàn ông kiên trì bơm lên xuống, lần nữa, lần nữa …. nước mát và trong lành bắt đầu chảy ra từ cái máy bơm cũ kỹ. Người đàn ông vội vã hứng nước vào bình và uống.
Rồi ông hứng đầy bình, dành cho người nào đó có thể không may mắn bị lạc đưòng như ông và sẽ đến đây. Ông đậy nắp bình, rồi viết thêm 1 câu dưới dòng chữ có sẵn trên bình: “Hãy làm theo chỉ dẫn. Bạn phải cho trước khi bạn có thể nhận.”
Theo thanglongdl
Câu chuyện thứ 2:
Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.
Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.
Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: “Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày.”
Vị giáo sư ngăn lại: “Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao.”
Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.
Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: “Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?” Người thanh niên trả lời: “Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: “Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về“.
Sưu tầm
_________________________________________________________________________________
Câu chuyện con Lừa và bài học cuộc sống
Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả.
Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.
Cuộc sống sẽ đổ rất nhiều thứ khó chịu lên người bạn.
Hãy xem mỗi vấn đề bạn gặp phải là một hòn đá để bạn bước lên cao hơn.
Chúng ta có thể thoát khỏi cái giếng sâu nhất chỉ đơn giản bằng cách đừng bao giờ đầu hàng.
Sưu tầm
_______________________________________________________________________________
Cậu bé mù và câu chuyện về biết ơn cuộc sống
Một đứa bé trai bị mù, ngồi bên lề đường, với một cái nón đặt gần chân nó. Nó dựng một tấm bảng có ghi như vầy: “Tôi bị mù, xin giúp tôi”. Trong cái nón của nó, lúc đó chỉ có thưa thớt một vài đồng bạc cắc.
Một người đàn ông đi qua. Ông ta thò tay vào túi, lấy ra vài đồng bạc rồi thả vào cái nón. Sau đó, ông với tay lấy cái bảng, xoay mặt sau ra phía trước và ghi một vài chữ lên đó. Ông để tấm bảng lại chỗ cũ để những ai qua lại có thể đọc được hàng chữ mới ông vừa viết lên đó.
Sau đó cái nón của đứa bé mù bắt đầu có nhiều tiền. Bây giờ, có nhiều người hơn hồi sáng cho tiền đứa bé mù này. Buổi chiều hôm ấy, người đàn ông đã đổi hàng chữ trên tấm bảng, quay trở lại tìm đứa bé để xem tình hình ra sao. Đứa bé mù nhận ra bước chân của người đàn ông này và hỏi: “Có phải chính ông đã đổi những hàng chữ trên tấm bảng này? Ông đã viết gì trên tấm bảng vậy?”
Người đàn ông bèn đáp: “Chú chỉ ghi ra sự thật mà thôi. Những gì chú ghi ra trên tấm bảng cũng giống như câu cháu đã ghi, nhưng chỉ theo một cách thức khác thôi”
Người đàn ông đã viết trên tấm bảng như sau: “Hôm nay là một ngày đẹp trời nhưng tôi không thấy được”.
Quý vị và các bạn có nghĩ rằng hàng chữ của đứa bé và hàng chữ của người đàn ông có cùng nói lên một điều không?
Dĩ nhiên, cả hai hàng chữ đều cho người ta biết cậu bé bị mù. Nhưng hàng chữ thứ nhất chỉ nói rằng đứa bé bị mù, vậy thôi. Nhưng hàng chữ thứ hai nói với mọi người rằng họ thật là may mắn bởi vì họ không bị mù. Bây giờ quý vị có còn ngạc nhiên vì sao hàng chữ thứ hai, do người đàn ông viết, gặt hái nhiều kết quả cho cậu bé mù hay không?
Sưu tầm
________________________________________________________________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét