Khi tôi rời mắt khỏi tờ báo để ngước lên nhìn trời ban mai xanh ngắt và thơm dịu mùi thiên lý, thì ngoài hàng rào có những tiếng cười khúc khích. Phượng, Thúy, Yến, Linh, Lộc, Thể lấp ló ngoài đó. Phượng lên tiếng:
- Chào ông Hồng Hà. Chúng em không làm phiền ông đấy chứ?
Tôi đứng dậy khỏi chiếc ghế xích đu, đáp lời đám nữ sinh nhỏ bằng một nụ cười:
- Không hề gì cả. Các em có rảnh cứ vào chơi.
Không đợi tôi nói đến lần thứ hai, sáu cái áo dài trắng đã tự mở cổng mà ùa vào. Thiếu cái áo trắng thứ bảy như mọi khi, “thất tiểu nương” vẫn thường đi chung với nhau. Tôi chưa kịp nêu thắc mắc về sự vắng mặt của em gái thứ bảy, Thể đã liến thoắng:
- Chắc ông đang dệt mấy vần thơ?
Thúy cãi bạn:
- Khỉ ngu! Ông Hồng Hà là nhà văn chứ bộ thi sĩ sao mà làm thơ?
Thể chu miệng:
- Úi, không biết thì dựa cột mà nghe đi cho xong chuyện. Ông Hồng Hà trước khi là văn sĩ đã từng làm thơ cả một thời gian dài rồi... Phải thế không thưa ông?
Tôi gật đầu, tuy nhiên vẫn nói thêm để đỡ lời cho em Thúy:
- Chính thế. Nhưng hiện tại, tôi đã từ giã nàng thơ rồi còn gì.
Thể bảo Thúy:
- Thấy chưa? Ông Hồng Hà vừa xác nhận rằng ông có làm thơ đó.
Thúy vin vào câu nói của tôi:
- Nhưng ông ấy cũng xác nhận rằng hiện thời ông đâu còn làm thơ nữa...
Yến chen vào:
- Thôi, cho tao xin hai con quỷ nhỏ đi. Bộ chúng mày quên mục đích của tụi mình rồi sao?
Tôi tròn vo miệng ra dáng ngạc nhiên:
- Ôi chao, té ra hôm nay các em ghé lại đây là có mục đích rõ ràng đấy à? Có quan trọng lắm không?
Phượng leo lên ghế xích đu, đong đưa qua lại vừa cười nói:
- Nhưng trước hết ông để cho tụi em được ngồi đã chứ. Đứng mãi gãy chân còn gì...
Tôi cười xòa:
- Xin lỗi các em nhé. Tôi quên bẵng đi, các em cứ tự nhiên.
Chúng tôi ngồi chen chúc nhau trên chiếc ghế xích đu và trên băng đá cạnh bồn bông móng tay đủ màu rộ nở. Em Phượng như thường lệ, hỏi thăm “bà Hồng Hà” và “cháu Hồng Phi” trước tiên. Tôi trả lời bà Hồng Hà đi chợ chưa về,cháu Hồng Phi đã đến vườn trẻ. Em Linh là chuyên viên thăm hỏi tôi đã ăn sáng chưa, và ăn sáng những gì? Tôi đáp như mọi khi, đã, và một miếng bánh mì pa tê nhỏ với ly cà phê đá. Lộc hỏi truyện Đàn Hạc đến đoạn nào rồi? Tôi kể tiếp đoạn đã kể cho các em nghe lần gặp trước, rằng bé Quỳnh đi chơi với các bạn về thì bị cảm. Phượng reo lên:
- Nhỏ Quỳnh bi cảm thật đó ông Hồng Hà ạ...
Thủy nói:
- Hình như nãy giờ ông quên bẵng nhỏ Quỳnh rồi thì phải.
- Đâu có, tại các em nói đủ thứ chuyện làm tôi không có dịp hỏi đấy chứ. Em Quỳnh bệnh thật à? Thế mà hay nhỉ, trùng hợp với truyện...
Thể:
- Nhưng thôi, bỏ chuyện nhỏ Quỳnh qua một bên đi. Mình nói đến chuyện hiện tại...
- Phải rồi, các em cho tôi biết mục đích của các em trong lần ghé thăm tôi này coi nào.
Mấy cô bé nữ sinh nhìn nhau dò ý. Em Phượng nhìn em Thúy mỉm cười, em Thể lấy tay đẩy em Lộc. Em Linh huých vai em Yến. Cuối cùng, em Thúy đại diện nói:
- Tụi em sắp làm một bài thuyết trình về ông...
Tôi kêu lên:
- Hai tháng trước các em đã thuyết trình về tôi rồi mà...?
- Vâng. Và lần này nữa không được sao cơ?
- Ờ... thì... được chớ sao không. nhưng hơi kỳ... Lần trước các em nói là tự các em chọn, vậy lần này cũng là tự các em chọn chứ?
Phượng đáp nhanh:
- Không, lần này thì cô quốc văn của tụi em chỉ định.
Thể nheo mắt:
- Cô quốc văn của tụi em có cảm tình với ông lắm đấy.
Lộc nhéo bạn:
- Con quỷ, mày nói vậy không sợ ông Hồng Hà phải đi nhà thương vá mũi sao?
Yến thêm:
- ... và bà Hồng Hà sẽ nhéo ông ấy hàng trăm ngàn cái sao?
Cả bảy người cùng cười vui. Tôi nói:
- Các em đừng nói xấu người vắng mặt. Bà Hồng Hà của tôi xem thế chứ hiền lắm...
Phượng:
- Chính vì thế lần này, tụi em định sẽ phỏng vấn cả bà Hồng Hà nữa đó. Tụi em cũng phỏng vấn luôn cháu Hồng Phi.
- Ghê gớm thế!
- Chứ sao! Bởi tụi em muốn bài thuyết trình của tụi em sẽ là một bài thuyết trình công phu và độc đáo nhất.
- Đâu nào, em thử cho tôi biết vài câu phỏng vấn được chứ?
- Sao lại không. Tỉ như tụi em sẽ phỏng vấn bà Hồng Hà như thế này: “Lúc ông viết văn, bà nhận xét gương mặt của ông ra sao? Có nhăn nhó hay vui vẻ như các nhân vật trong truyện ông đang viết hay không?”, “Ông có bao giờ nhõng nhẽo với bà không?”...
Thúy tiếp:
- Với cháu Hồng Phi tụi em sẽ hỏi: “Có bao giờ ba cháu giành ăn kẹo với cháu không?”, “Cháu yêu ba cháu hay yêu mẹ cháu hơn?”...
Tôi lắc đầu:
- Tôi chịu các em rồi đấy! Còn phần tôi, các em muốn hành hạ gì thì cứ ra tay đi...
Thúy:
- Ông nói quá chứ! Phần ông thì tụi em chỉ xin ông dành cho một đặc biệt mà thôi...
- Đặc biệt thế nào?
- Tụi em sẽ ra một đề luận và xin ông cho tụi em một bài làm...
- Ôi chao! Các em bắt tôi tả luận?
- Vâng! Để tụi em trình với cô và các bạn trong lớp một sáng tác độc đáo của ông, văn sĩ Hồng Hà.
Sáu cô bé áo dài trắng quả là quá quắt. Tôi nhớ lại truyện Đàn Hạc mình đang viết, trong đó tả lại những câu chuyện quanh bảy cô bé lớp tám mà tôi nhắm thẳng và lấy tên của chính các em Phượng, Thúy, Yên, Linh, Lộc, Thể, Quỳnh. Tôi đã viết nhiều về tính nghịch ngợm của các nhân vật, nhưng so với các cô bé bằng xương bằng thịt trước mắt tôi đây, có lẽ các nhân vật của tôi còn thua xa. Tôi cứ lắc đầu quầy quậy:
- Chịu các em rồi! Chịu các em rồi! Nào! Sáu cô giáo muốn ra đề luận thế nào thì học tro này sẵn sàng nghe theo...
Phượng lấy ra một tờ giấy đôi trắng, kê trên một cuốn tập giấy dày, loay hoay sửa soạn viết. Em nói:
- Ông nhớ đọc chầm chậm cho em viết nghe. Mà bài luận cũng chỉ nên dài bốn trang học trò là cùng thôi đấy!
- Được rồi.
- Vậy thì đề luận như thế này: Em hãy tả cảnh giờ tan học ở một trường làng...
Tôi chắc lưỡi nói nhỏ một mình, nhưng cũng đủ để cho các em gái nhỏ nghe thấy: “Mình thế này mà bị gọi là em. Mắc cỡ!”.
Thể lấy cây thước đập cạch cạch vào thành ghế xích đu, nói như ra lệnh:
- Im lặng. Im lặng. Hãy cố gắng làm bài...
Tôi gật đầu nói: “Thưa vâng ạ” để hòa mình với các em gái nhỏ trong trò chơi ngộ nghĩnh. Tôi nghĩ cách nhập đề bài luận. Em Phượng ngước nhìn tôi chăm chăm như chờ đợi từng câu văn thốt ra từ miệng tôi. Trong trí tôi bỗng nảy ra câu hỏi: “Mình đang làm văn hay làm luận? Mình đang dự một trò vui trẻ hay đang là học trò bị phạt?”.
q
Các em Phượng, Thúy, Yến, Linh. Lộc, Thể hôm đó đã quên không phỏng vấn bà Hồng Hà khi ba đi chợ về. vừa đúng lúc tôi hoàn thành xong bài luận bốn trang tả cảnh tan học. Các em từ chối luôn lời mời dùng xương xâm của nhà tôi. Và rồi, các em cũng chẳng nhớ đến lời hẹn sẽ trở lại vào ngày hôm sau để phỏng vấn cháu Hồng Phi. Tự dưng tôi phải ngưng ngang truyện Đàn Hạc vì không tìm thêm được ý nào mới cả. Đúng một tuần lễ, các em trở lại. Lần này cũng vào buổi sáng, nhưng khác là lúc ấy tôi đang ngồi nơi ghế xích đu với vợ con, và trong các em, có thêm em Quỳnh đã khỏi bệnh.
Tiếng của Phượng lanh lảnh ngoài hàng rào:
- Chào ông bà Hồng Hà và cháu Hồng Phi! Tụi em vào được chứ?
Tôi gật đầu:
- Mời các em cứ tự nhiên...
Bảy cô bé bước vào xinh như đàn hạc trắng. Vợ tôi hỏi:
- Sao không thấy các em ghé lại phỏng vấn như đã nói?
Em Phượng:
- Thưa bà, tụi em đã nghĩ lại nên không làm rộn bà và cháu Hồng Phi nữa.
- Thế còn bài thuyết trình, các em thành công chứ? Các em được 17 điểm như lần trước không?
Quỳnh cười:
- Thưa bà, chỉ có 13 thôi ạ.
Tôi tròn mắt:
- Sao tệ thế? Các em bị bạn bè hỏi “bí” à? Hay là tại “bài luận” của tôi không hay?
Thúy nhìn các bạn, rồi cả bảy em cùng cười khúc khích với nhau. Thúy nói:
- Thưa ông Hồng Hà, có lẽ tại bài luận của ông không hay đấy. Bài luận ấy, cô quốc văn của tụi em chấm có 13 điểm thôi...
- Tại sao lại chấm điểm bài luận ấy? Đó là một sáng tác đặc biệt để thêm phần độc đáo cho bài thuyết trình kia mà?
Quỳnh lấy trong cặp ra một tờ giấy. Em chỉ tay vào ô vuông có đề “lời phê của giáo sư” và nói:
- Đây là bài luận ông làm. Cô quốc văn tụi em phê là: “Cú pháp vững, nhưng có vẻ một bài văn hơn một bài luận. Cố gắng sẽ có thể trở thành một nhà văn”.
Lộc hỏi:
- Ông thấy sao về lời phê đó?
Linh:
- Bà có thấy cô quốc văn của tụi em rất có mắt tinh đời không?
Tôi kêu lên:
- Thôi, cho xin mấy cô tiên nhỏ nghịch ngợm của tôi đi. Tôi hết hiểu chuyện gì đã xảy ra rồi...
Vợ tôi cũng nói:
- Các em kể đầu đuôi câu chuyện đi. Tôi cũng bắt đầu thấy rối trí rồi đó.
Bấy giờ Thúy mới chịu nói:
- Chẳng là tuần trước tụi em phải góp luận về nhà làm. Cô quốc văn cho tụi em đề luận là “Tả cảnh tan học tại một trường làng”. Nhỏ Quỳnh chẳng may bị bệnh phải nghỉ học, lại chưa làm luận kịp nên không có bài góp. Tụi em bèn bàn tính nhau và đã nói dối ông rằng cần một sáng tác độc đáo cho bài thuyết trình về ông để ông làm giùm nhỏ Quỳnh bài luận. Kết quả bài luận ấy được 13 điểm, về nhì...
Em Quỳnh giơ bài luận cho tôi xem. Tôi liếc sơ những hàng chữ bên dưới. Đúng là nét chữ của em Phượng và lời văn của tôi. Nhưng phía trên tờ giấy có đề tên “Nguyễn Thúy Quỳnh”. Con số 13 màu đỏ với hàng chữ phê của nữ giáo sư quốc văn của các em nổi bật hẳn lên.
Tôi ngước nhìn “đàn hạc trắng” đang đứng bên nhau. Bảy nụ cười như thiên thần chợt nở cùng một lúc. Phượng nói:
- Chắc ông chẳng giận tụi em...
Quỳnh:
- Mà có khi ông còn cảm ơn tụi em nữa. Vì biết đâu nhờ trò tinh nghịch của tụi em mà ông có thêm vài ý tưởng cho câu truyện Đàn Hạc...
Rồi em quay sang nhà tôi:
- Chắc bà cũng nghĩ như thế, bà nhỉ?
Vợ tôi không đáp mà hỏi tôi:
- Phải thế không anh?
Tôi cúi xuống, ôm Hồng Phi vào lòng, hỏi con:
- Phải thế không con?
Hồng Phi ngơ ngác, đưa mắt nhìn quanh rồi đáp:
- Không phải!
Cả chín người chúng tôi cùng phá lên cười.
Mùi hoa thiên lý trên giàn thoảng ngát hương thơm. Gió mai nhẹ như mơn man cảnh vật và “đàn hạc” của tôi, bảy em nữ sinh nhỏ, tượng trưng của tinh khiết, của hồn nhiên, của vui tươi... vẫn mang mang những vỗ về cho tâm hồn tôi, một người đã đi qua tuổi nhỏ quá xa.
Tôi bỗng muốn reo lên như tuổi nhỏ.
_____________________________________
(Bán nguyệt san Tuổi Hoa số 208, ra ngày 1/9/1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét