8
BÀ SÁU RIỆM
Đây, nhà bà Sáu Riệm đây rồi ! Đúng như lời ông chủ trại trồng bắp hồi nãy chỉ cho mình đây mà!
Ái Lan đậu xe trước một căn nhà tranh cũ kỹ cất giữa một cái sân rộng. Chung quanh sân, một hàng rào bằng cây còn chắc chắn, xen lẫn những thanh tre rừng, lâu ngày đã ngả màu trắng bạc. Dây mồng tơi đua nhau phủ kín hàng rào, lá to xanh ngắt điểm lốm đốm những chùm hoa hồng và những quả tròn xinh xinh màu tím thẫm. Bốn góc sân cỏ mọc tốt um. Vách nhà thấp, tưởng như không đủ sức đỡ nổi cái mái lợp bằng lá gồi. Có mỗi một cái cửa ra vào độc nhất. Hai ô cửa sổ hai bên hình như chỉ làm cho có chứ không cốt ý soi sáng, nên bé xíu và đóng im ỉm. Liếp che cửa sổ và cửa ra vào đã bựt nẹp tuột cả đầu nan tre ra, trông căn nhà càng thêm phần tiêu điều hiu quạnh.
Ái Lan ngần ngại lẩm bẩm :
- Quái ! Sao trông như nhà bỏ hoang vậy ? – Em đưa mắt nhìn quanh một lần nữa – nội khu đây chỉ có mỗi một căn nhà này thôi mà, lầm sao được !
Đặt bước chân lên bực tam cấp bằng cây, Ái Lan có ý tránh những chỗ gỗ mọt có thể sụt xuống bất tử lắm.
Ngập ngừng chưa gõ cửa vội, thêm quang cảnh tiều tụy bao quanh, khiến Ái Lan tự nhủ trong một hơi thở dài nhè nhẹ :
- Hừ ! Đây là chuyện đi cuối cùng ! Không được một tia sáng gì nữa thì coi như… bỏ cuộc.
Sau tiếng gõ cửa, chẳng nghe động tĩnh gì hết. Chừng hai phút sau, Ái Lan lại gõ nữa, lần này hơi mạnh hơn. Vẫn im lặng ! Thất vọng, em buồn rầu quay người định bước xuống bậc thềm cây, đột nhiên nghe tiếng động khẽ. Tim đập rộn lên, Ái Lan đợi chờ. Một giọng nói già nua yếu ớt từ phía trong vẳng ra :
- Ai đó ! Bán gì thế ? Đi đi ! Không mua đâu !
Ái Lan nói to :
- Cháu đây, cụ Sáu ơi ! Không phải bán gì đâu ! Cháu đến hỏi thăm cụ câu chuyện này thôi, cụ Sáu à !
Phút im lặng kéo dài, rồi lại giọng nói run rẩy :
- Ai thế !... Ối chà !... Tôi không đứng dậy được. Đau ốm, mỏi mệt quá. Ai đó cứ đẩy cửa mà vào!
Ái Lan đẩy cửa bước vào. Nơi cuối gian nhà tranh tối tranh sáng, em nhìn thấy thấp thoáng một bà cụ già nằm bẹp trên một cái ghế bọc nệm dài của một bộ sa-lông cũ. Một chiếc chăn dạ rách đắp phủ ngang người. Khuôn mặt bệnh hoạn răn rúm vì đau đớn.
Ái Lan lễ phép :
- Dạ, chào bà Sáu ! Cháu là Ái Lan, bữa nay qua đây thăm bà Sáu ! Bà Sáu có cần gì để cháu giúp bà Sáu một tay !
Người ốm mệt nhọc đưa tia nhìn lên mặt cô gái nhỏ. Tia nhìn ngơ ngác khờ khạo như đôi mắt con nít :
- H...ả... ! Giúp tôi ? – giọng bà cụ có vẻ ngạc nhiên lắm, – Trời ơi ! từ lâu lắm rồi tôi có thấy ai muốn giúp đỡ mụ Sáu Riệm này đâu ?
Ái Lan cúi xuống gần bà cụ Sáu :
- Cụ cứ nói thế... ! Ấy khoan ! Để cháu xếp lại cái đệm và mấy cái gối cho cụ đã !
Rồi em đưa tay nhẹ nhàng đỡ ngang lưng người ốm, đặt nằm lại trên tấm nệm cho được thoải mái hơn.
- Hôm qua bước lên thềm bị hụt chân ngã một cái như trời giáng đó cô ơi ! Chắc mắt cá bị bong gân rồi hay sao mà đau lắm, đứng không được nữa, cô ơi !
Ái Lan tròn mắt ngạc nhiên :
- Vậy sao cụ không nhờ người gọi y tá giùm cho ?
- Trời ơi ! Quanh đây nào có ai đâu ! Cô không thấy sao ? – Cụ Sáu thở một hơi dài, rơm rớm nước mắt, – chỉ còn một cách ngã đại xuống chỗ này... xuống chỗ này... chờ đợi, chờ giờ... cô ạ! Già quá, yếu quá rồi, mong "về" sớm được ngày nào hay ngày ấy, cô ơi !
Ái Lan chợt ngăn bà cụ :
- Thôi ! Cụ nghỉ chút cho khỏe đi, nói nhiều mệt đó ! Cứ tin lời cháu đi nhé ! Cụ còn sống lâu mà, còn khỏe mạnh lắm. Thế cụ đã thử đặt chân đi được bước nào chưa ?
- Có, có ! Cũng đi được vài bước, nhưng còn đau lắm, lại phải nằm bẹp một chỗ.
Ái Lan thở ra một hơi dài nhẹ nhõm :
- Vậy thì không lo ! Đâu, cụ cho cháu coi cái mắt cá chân xem sao nào... Á, à ! Thế này thì phải băng lại mới được. Có đồ gì băng không cụ Sáu ?
- À có, có một mảnh vải trắng sạch lắm, tôi để trong tủ dưới bếp ấy... Cô lấy giùm...
Ái Lan lắc đầu :
- Ấy ! Không được, còn phải có dầu nóng nữa chứ ! Thôi để cháu chạy ra ngã ba Liên Khương mua mấy thứ cần thiết rồi về băng cho cụ nhé ! Và mua cả bánh mì với trà nữa !
Cụ Sáu Riệm nhìn ngay mắt cô bé, sắc mặt bà cụ rạng rỡ lên được đôi chút, nhưng bỗng nghiêm hẳn lại :
- Cô… à, tôi không muốn xin bố thí của ai hết ! Cô chịu khó chạy xuống bếp tìm cái bát cổ tôi để ở ngăn tủ, trong cái bát đó có tiền đấy. Cô cầm lấy mua giùm nhé !
Ái Lan đi nhanh xuống bếp. Đúng như em đã nghĩ : tủ rương, ngăn kệ gần như trống rỗng. Chẳng có quần áo, vải vóc, đồ đạc gì ngoài một hũ bột, hũ đường vơi quá nửa, bên cạnh là một cái bát cổ có nắp đậy. Bên trong có bốn tấm giấy hai chục cũ mèm.
Ái Lan để trả lại cái bát cổ vào chỗ cũ. Em cảm thấy xót thương tràn ngập cả tâm hồn :
- Khổ ! Tất cả bạc tiền của bà cụ chỉ còn có thế !
Đoạn lẻn qua phía cửa vườn, em ra khỏi khu nhà, chạy lại lấy xe, đẩy ra thật xa mới cho nổ máy, trực chỉ hướng ngã ba đồn Liên Khương.
Hồi sáng, từ Đà Lạt xuống, tới ngã ba Liên Khương, trước khi quẹo vào con đường đi La Ba, Ái Lan đã chạy xe ngang một dãy nhà buôn bán khá tấp nập.
Em bước vào một tiệm tạp hóa thấy bán cả đồ ăn thức uống nữa, một điểm đặc biệt của những cửa tiệm tọa lạc tại những giao điểm hẻo lánh giữa thành thị và chốn thôn quê. Ái Lan mua ba cuộn băng, một chục lá thuốc dán Như Ý, một chai dầu nóng, một ổ bánh mì lớn và một gói trà. Rồi mở sắc tay, lấy tiền riêng của mình ra trả.
Quay về nhà cụ Sáu, em đi thẳng xuống bếp, vẫn bằng lối cửa sau và sửa soạn đồ để săn sóc cho người ốm. Ái Lan rửa, đắp nước nóng cái mắt cá chân đau, dán thuốc cao Như Ý xong băng lại cẩn thận, nhanh nhẹn và khéo léo vô cùng.
Tiếng bà cụ Sáu :
- Chà ! Dễ chịu quá ! – Đôi mắt già lão nhìn em chớp chớp, – Thiệt tình nếu không có cô em thì già không biết xoay sở ra sao nữa đây !
Ái Lan mỉm cười quay ra nhóm lửa trong cái bếp kiềng đầy tro than nguội lạnh, đặt siêu nước lên. Trong khi chờ đợi cho nước sôi để pha trà, em đi mở hai tấm liếp che cửa sổ. Ánh sáng ban mai qua ô cửa sổ, tràn vào trong gian nhà tối tăm, như nhảy múa tưng bừng. Ái Lan lại chạy ra ngoài xe, lấy ở thùng xe ra một bình mứt dâu, thổ sản của Đà Lạt, mà em có thói quen hay đem theo đi ăn đường.
Nước trong siêu sôi réo như tiếng reo vui. Ái Lan nhanh nhẹn cắt bánh mì, quệt mứt dâu, bưng lên cho người ốm. Và em vui mừng khi thấy bà cụ Sáu Riệm ăn bánh uống nước ngon lành. Thêm nhờ mấy lá thuốc và băng dầu nóng, mắt cá chân đỡ hẳn đau, bà cụ gượng ngồi được ngay ngắn, dựa vào lưng ghế nệm dài. Tia mắt ngó Ái Lan đã có nhiều ánh vui tươi :
- Thật từ xưa đến nay chưa bao giờ tôi gặp một cô bé ngoan ngoãn biết thương người già lão tàn tật như cô đó ! – Cụ Sáu Riệm vừa nói vừa lắc lắc cái đầu tóc bạc trắng như cước, miệng không ngớt chép chép, – Ối chà ! Nếu chú Doanh nó còn sống thì tôi đâu đến nỗi bơ vơ, cô quạnh thế này !
Ái Lan giọng cố làm ra vẻ thản nhiên :
- Vâng ! Kể ra thì cũng lạ là tại sao cụ Doanh lại không ghi tên cụ trên tờ di chúc chứ ?
Có ý giấu nhẹm không muốn để cụ Sáu Riệm biết được mục đích cuộc viếng thăm hôm nay, Ái Lan, ngoài mặt bình thản, nhưng trong lòng đã như lửa đốt. Em băn khoăn tự hỏi : "Chẳng biết cuộc gặp gỡ bà cụ Sáu bữa nay có kết quả gì hay không ? Liệu bà cụ già ốm yếu này có biết tí gì về cái tờ di chúc bí mật của cụ Doanh không ? Hay là lại... ! " – Ái Lan chỉ cầu mong gợi được cho bà cụ nói chuyện một cách tự nhiên mà không muốn gieo vào trí óc bà cái hy vọng được hưởng gia tài biết đâu lại chẳng là hão huyền.
Đột nhiên tiếng nói của cụ Sáu nghe chắc nịch :
- Tôi dám chắc là chú Doanh nó không quên tôi đâu ! Đã biết bao lần chú dặn đi dặn lại rằng : cứ tin ở chú, đừng lo ngại gì về sau hết, vì chú sẽ ghi tên tôi trước nhất vào tờ di chúc mà... Trời ! Tưởng như tiếng nói của chú ấy còn văng vẳng đâu đây...
Ái Lan không tự kiềm chế được, hỏi nhanh :
- Chắc chắn là như thế chứ, cụ Sáu ?
Tiếng nói hơi thất thanh của em chợt làm bà cụ ngạc nhiên, ngẩng lên nhìn chăm chú. Ái Lan hơi giật mình, nhưng may quá, cụ Sáu đã tiếp :
- Chắc chắn chứ cô ! Cô biết không ? Chính mắt tôi... đã nhìn thấy tờ di chúc đó !
Ái Lan vờ thản nhiên :
- À ! Cụ Sáu đã ngó thấy tờ di chúc đó ? – Giọng nói của em bình tĩnh, nhưng cổ họng lại thấy khô đắng.
Người ốm gật đầu :
- Có, tôi thấy rõ lắm mà ! À..., nhưng mà coi chừng nghe ! Tôi ngó thấy thôi chớ tôi không được đọc nên không hiểu bên trong nói gì cả. Đây, thôi để tôi kể rõ cô em nghe nhé ! Bữa đó, tôi đang ngồi khâu bên cửa sổ, trên cái ghế bành kia kìa, thì chú Doanh lừng lững đi vào. Vừa vào đến nơi, chú ấy đã lôi trong túi ra một cái giấy gì đó. Và chú bảo tôi : "Chị Sáu, tôi đã viết xong tờ di chúc đây này. Gớm, mấy ông kia cứ làm khó tôi hoài. Họ tưởng tôi không biết cách viết chúc thư ra làm sao đó chắc !"
- Ngày đó tới nay đã được bao lâu rồi, cụ Sáu ?
Bà cụ ngập ngừng :
- Coi nào ! – Vầng trán bà cụ đã nhăn, giờ đây lại nhíu lại thêm nữa, – Kỳ quá, không còn nhớ được là bao giờ nữa chứ ! – Cụ Sáu lại im lặng, đôi mắt đăm đăm suy nghĩ, một lúc sau mới tiếp,– coi... hình như là ít ngày sau khi chú Doanh về ở với tụi nhà Phàm thì phải ! – Cô để tôi nói nốt đã ! Tôi còn nhớ hôm đó chú ấy có vẻ khoan khoái vui vẻ lắm ! Cười nói huyên thuyên, tờ giấy vẫn cầm ở tay. Chú không đưa cho tôi đọc, nhưng cho tôi biết rõ là, khi hạ hút viết, chú đã ghi tên tôi rồi. Ngay lúc đó, chưa hẳn yên tâm tôi đã hỏi chú là viết chúc thư để lại như thế thì liệu có đúng cách không, và liệu có được pháp luật chịu không ? Chú đã trả lời : "Cứ yên trí đi mà, chị Sáu ! Trước khi viết tôi đã đi hỏi thăm cẩn thận lắm rồi. Pháp luật nhất định phải công nhận chứ ! Chỉ còn thiếu chữ ký của hai người làm chứng nữa là xong !"
Ái Lan hỏi nhanh :
- Hai người chứng này là những ai, cụ Sáu biết không ?
- Không ! Tôi không biết ! Bữa đó tôi không hỏi mà chú Doanh cũng không nói gì thêm ! Đoạn chú quay ra bỏ đi ngay, mặt mày tươi vui hớn hở, cứ vừa cười vừa nói lầm thầm cái gì đó. Chú có cái tật hay cười một mình, nói một mình như thế mỗi khi làm xong được một việc gì ưng ý !
- Thế cụ Sáu có ý nghi ngờ gì về chuyện tờ chúc thư đó hiện giờ ở đâu không ?
- Theo tôi nghĩ thì chắc chú Doanh đã cất giấu một nơi nào đó rồi. Tính kỳ cục lắm, chỉ thích cất kỹ đồ vào những nơi thật chắc chắn ! À... và tôi còn nhớ mang máng chú có nói... "Phải cất vào một nơi mà không ai có thể lấy ra được, trừ phi được pháp luật cho phép". Thế rồi về sau ra sao, tôi cũng chẳng hay nữa ! Có thể là chú ấy đã trao tờ di chúc đó cho một phòng chưởng khế hoặc một ông luật sư nào quen biết rồi chớ chẳng không đâu !
Ái Lan dịu dàng :
- Thế cụ Doanh có còn nói gì thêm nữa không, cụ Sáu ? – Lòng em lo ngay ngáy là với tuổi già còm cõi, cụ già không còn sáng suốt minh mẫn, quên khuấy mất nhiều điểm quan trọng đi chăng?
- … À… à, hình như chú ấy còn nói thêm cái gì nữa này... Ừ, hình như chú sẽ đem tờ giấy đó đi đâu này này, quên mất rồi !
Bà cụ lại lắc đầu buồn bã :
- Nhiều đêm nằm suy nghĩ mãi mà không nhớ ra được chứ !
Ái Lan có cảm giác là kết quả vinh quang vừa sán gần đến tầm tay, lại bỗng vuột bay đi mất hút. Nhưng em tin chắc rằng bà cụ Sáu quả thật có biết được vài điều bí mật quan trọng lắm về tờ di chúc thứ hai của cụ Doanh. Nhưng vì tuổi già chồng chất, điều bí mật đó đã bị chìm sâu trong hố quên lãng. Khó mà nhớ lại được, trừ phi có sự tình cờ mầu nhiệm nào xui khiến điều đó đột ngột xuất hiện trong trí nhớ.
Ái Lan khẩn khoản :
- Cụ thử cố nhớ lại coi, cụ Sáu !
- Vô ích ! Cháu ơi ! Già đã cố gắng lắm mà không sao nhớ lại được ! Thiệt khổ !
Dứt lời bà cụ già lại ngả người xuống cái gối lớn, mắt lim dim vô cùng mệt nhọc.
Ngay lúc đó, chiếc đồng hồ treo phía trên tủ com-mốt thong thả gõ mười tiếng. Đột nhiên, bà cụ Sáu chợt run rẩy toàn thân, mở choàng mắt ra. Tia nhìn của bà thật kỳ dị. Vẻ mặt sững sờ, đôi mắt đăm đăm nhìn vào một điểm vô hình trong khoảng không trước mặt, như đang sống trong một giấc mơ. Có tới gần một phút sau, bà cụ mới từ từ quay đầu, đưa mắt ngó chăm chú chiếc đồng hồ treo.
Ái Lan đậu xe trước một căn nhà tranh cũ kỹ cất giữa một cái sân rộng. Chung quanh sân, một hàng rào bằng cây còn chắc chắn, xen lẫn những thanh tre rừng, lâu ngày đã ngả màu trắng bạc. Dây mồng tơi đua nhau phủ kín hàng rào, lá to xanh ngắt điểm lốm đốm những chùm hoa hồng và những quả tròn xinh xinh màu tím thẫm. Bốn góc sân cỏ mọc tốt um. Vách nhà thấp, tưởng như không đủ sức đỡ nổi cái mái lợp bằng lá gồi. Có mỗi một cái cửa ra vào độc nhất. Hai ô cửa sổ hai bên hình như chỉ làm cho có chứ không cốt ý soi sáng, nên bé xíu và đóng im ỉm. Liếp che cửa sổ và cửa ra vào đã bựt nẹp tuột cả đầu nan tre ra, trông căn nhà càng thêm phần tiêu điều hiu quạnh.
Ái Lan ngần ngại lẩm bẩm :
- Quái ! Sao trông như nhà bỏ hoang vậy ? – Em đưa mắt nhìn quanh một lần nữa – nội khu đây chỉ có mỗi một căn nhà này thôi mà, lầm sao được !
Đặt bước chân lên bực tam cấp bằng cây, Ái Lan có ý tránh những chỗ gỗ mọt có thể sụt xuống bất tử lắm.
Ngập ngừng chưa gõ cửa vội, thêm quang cảnh tiều tụy bao quanh, khiến Ái Lan tự nhủ trong một hơi thở dài nhè nhẹ :
- Hừ ! Đây là chuyện đi cuối cùng ! Không được một tia sáng gì nữa thì coi như… bỏ cuộc.
Sau tiếng gõ cửa, chẳng nghe động tĩnh gì hết. Chừng hai phút sau, Ái Lan lại gõ nữa, lần này hơi mạnh hơn. Vẫn im lặng ! Thất vọng, em buồn rầu quay người định bước xuống bậc thềm cây, đột nhiên nghe tiếng động khẽ. Tim đập rộn lên, Ái Lan đợi chờ. Một giọng nói già nua yếu ớt từ phía trong vẳng ra :
- Ai đó ! Bán gì thế ? Đi đi ! Không mua đâu !
Ái Lan nói to :
- Cháu đây, cụ Sáu ơi ! Không phải bán gì đâu ! Cháu đến hỏi thăm cụ câu chuyện này thôi, cụ Sáu à !
Phút im lặng kéo dài, rồi lại giọng nói run rẩy :
- Ai thế !... Ối chà !... Tôi không đứng dậy được. Đau ốm, mỏi mệt quá. Ai đó cứ đẩy cửa mà vào!
Ái Lan đẩy cửa bước vào. Nơi cuối gian nhà tranh tối tranh sáng, em nhìn thấy thấp thoáng một bà cụ già nằm bẹp trên một cái ghế bọc nệm dài của một bộ sa-lông cũ. Một chiếc chăn dạ rách đắp phủ ngang người. Khuôn mặt bệnh hoạn răn rúm vì đau đớn.
Ái Lan lễ phép :
- Dạ, chào bà Sáu ! Cháu là Ái Lan, bữa nay qua đây thăm bà Sáu ! Bà Sáu có cần gì để cháu giúp bà Sáu một tay !
Người ốm mệt nhọc đưa tia nhìn lên mặt cô gái nhỏ. Tia nhìn ngơ ngác khờ khạo như đôi mắt con nít :
- H...ả... ! Giúp tôi ? – giọng bà cụ có vẻ ngạc nhiên lắm, – Trời ơi ! từ lâu lắm rồi tôi có thấy ai muốn giúp đỡ mụ Sáu Riệm này đâu ?
Ái Lan cúi xuống gần bà cụ Sáu :
- Cụ cứ nói thế... ! Ấy khoan ! Để cháu xếp lại cái đệm và mấy cái gối cho cụ đã !
Rồi em đưa tay nhẹ nhàng đỡ ngang lưng người ốm, đặt nằm lại trên tấm nệm cho được thoải mái hơn.
- Hôm qua bước lên thềm bị hụt chân ngã một cái như trời giáng đó cô ơi ! Chắc mắt cá bị bong gân rồi hay sao mà đau lắm, đứng không được nữa, cô ơi !
Ái Lan tròn mắt ngạc nhiên :
- Vậy sao cụ không nhờ người gọi y tá giùm cho ?
- Trời ơi ! Quanh đây nào có ai đâu ! Cô không thấy sao ? – Cụ Sáu thở một hơi dài, rơm rớm nước mắt, – chỉ còn một cách ngã đại xuống chỗ này... xuống chỗ này... chờ đợi, chờ giờ... cô ạ! Già quá, yếu quá rồi, mong "về" sớm được ngày nào hay ngày ấy, cô ơi !
Ái Lan chợt ngăn bà cụ :
- Thôi ! Cụ nghỉ chút cho khỏe đi, nói nhiều mệt đó ! Cứ tin lời cháu đi nhé ! Cụ còn sống lâu mà, còn khỏe mạnh lắm. Thế cụ đã thử đặt chân đi được bước nào chưa ?
- Có, có ! Cũng đi được vài bước, nhưng còn đau lắm, lại phải nằm bẹp một chỗ.
Ái Lan thở ra một hơi dài nhẹ nhõm :
- Vậy thì không lo ! Đâu, cụ cho cháu coi cái mắt cá chân xem sao nào... Á, à ! Thế này thì phải băng lại mới được. Có đồ gì băng không cụ Sáu ?
- À có, có một mảnh vải trắng sạch lắm, tôi để trong tủ dưới bếp ấy... Cô lấy giùm...
Ái Lan lắc đầu :
- Ấy ! Không được, còn phải có dầu nóng nữa chứ ! Thôi để cháu chạy ra ngã ba Liên Khương mua mấy thứ cần thiết rồi về băng cho cụ nhé ! Và mua cả bánh mì với trà nữa !
Cụ Sáu Riệm nhìn ngay mắt cô bé, sắc mặt bà cụ rạng rỡ lên được đôi chút, nhưng bỗng nghiêm hẳn lại :
- Cô… à, tôi không muốn xin bố thí của ai hết ! Cô chịu khó chạy xuống bếp tìm cái bát cổ tôi để ở ngăn tủ, trong cái bát đó có tiền đấy. Cô cầm lấy mua giùm nhé !
Ái Lan đi nhanh xuống bếp. Đúng như em đã nghĩ : tủ rương, ngăn kệ gần như trống rỗng. Chẳng có quần áo, vải vóc, đồ đạc gì ngoài một hũ bột, hũ đường vơi quá nửa, bên cạnh là một cái bát cổ có nắp đậy. Bên trong có bốn tấm giấy hai chục cũ mèm.
Ái Lan để trả lại cái bát cổ vào chỗ cũ. Em cảm thấy xót thương tràn ngập cả tâm hồn :
- Khổ ! Tất cả bạc tiền của bà cụ chỉ còn có thế !
Đoạn lẻn qua phía cửa vườn, em ra khỏi khu nhà, chạy lại lấy xe, đẩy ra thật xa mới cho nổ máy, trực chỉ hướng ngã ba đồn Liên Khương.
Hồi sáng, từ Đà Lạt xuống, tới ngã ba Liên Khương, trước khi quẹo vào con đường đi La Ba, Ái Lan đã chạy xe ngang một dãy nhà buôn bán khá tấp nập.
Em bước vào một tiệm tạp hóa thấy bán cả đồ ăn thức uống nữa, một điểm đặc biệt của những cửa tiệm tọa lạc tại những giao điểm hẻo lánh giữa thành thị và chốn thôn quê. Ái Lan mua ba cuộn băng, một chục lá thuốc dán Như Ý, một chai dầu nóng, một ổ bánh mì lớn và một gói trà. Rồi mở sắc tay, lấy tiền riêng của mình ra trả.
Quay về nhà cụ Sáu, em đi thẳng xuống bếp, vẫn bằng lối cửa sau và sửa soạn đồ để săn sóc cho người ốm. Ái Lan rửa, đắp nước nóng cái mắt cá chân đau, dán thuốc cao Như Ý xong băng lại cẩn thận, nhanh nhẹn và khéo léo vô cùng.
Tiếng bà cụ Sáu :
- Chà ! Dễ chịu quá ! – Đôi mắt già lão nhìn em chớp chớp, – Thiệt tình nếu không có cô em thì già không biết xoay sở ra sao nữa đây !
Ái Lan mỉm cười quay ra nhóm lửa trong cái bếp kiềng đầy tro than nguội lạnh, đặt siêu nước lên. Trong khi chờ đợi cho nước sôi để pha trà, em đi mở hai tấm liếp che cửa sổ. Ánh sáng ban mai qua ô cửa sổ, tràn vào trong gian nhà tối tăm, như nhảy múa tưng bừng. Ái Lan lại chạy ra ngoài xe, lấy ở thùng xe ra một bình mứt dâu, thổ sản của Đà Lạt, mà em có thói quen hay đem theo đi ăn đường.
Nước trong siêu sôi réo như tiếng reo vui. Ái Lan nhanh nhẹn cắt bánh mì, quệt mứt dâu, bưng lên cho người ốm. Và em vui mừng khi thấy bà cụ Sáu Riệm ăn bánh uống nước ngon lành. Thêm nhờ mấy lá thuốc và băng dầu nóng, mắt cá chân đỡ hẳn đau, bà cụ gượng ngồi được ngay ngắn, dựa vào lưng ghế nệm dài. Tia mắt ngó Ái Lan đã có nhiều ánh vui tươi :
- Thật từ xưa đến nay chưa bao giờ tôi gặp một cô bé ngoan ngoãn biết thương người già lão tàn tật như cô đó ! – Cụ Sáu Riệm vừa nói vừa lắc lắc cái đầu tóc bạc trắng như cước, miệng không ngớt chép chép, – Ối chà ! Nếu chú Doanh nó còn sống thì tôi đâu đến nỗi bơ vơ, cô quạnh thế này !
Ái Lan giọng cố làm ra vẻ thản nhiên :
- Vâng ! Kể ra thì cũng lạ là tại sao cụ Doanh lại không ghi tên cụ trên tờ di chúc chứ ?
Có ý giấu nhẹm không muốn để cụ Sáu Riệm biết được mục đích cuộc viếng thăm hôm nay, Ái Lan, ngoài mặt bình thản, nhưng trong lòng đã như lửa đốt. Em băn khoăn tự hỏi : "Chẳng biết cuộc gặp gỡ bà cụ Sáu bữa nay có kết quả gì hay không ? Liệu bà cụ già ốm yếu này có biết tí gì về cái tờ di chúc bí mật của cụ Doanh không ? Hay là lại... ! " – Ái Lan chỉ cầu mong gợi được cho bà cụ nói chuyện một cách tự nhiên mà không muốn gieo vào trí óc bà cái hy vọng được hưởng gia tài biết đâu lại chẳng là hão huyền.
Đột nhiên tiếng nói của cụ Sáu nghe chắc nịch :
- Tôi dám chắc là chú Doanh nó không quên tôi đâu ! Đã biết bao lần chú dặn đi dặn lại rằng : cứ tin ở chú, đừng lo ngại gì về sau hết, vì chú sẽ ghi tên tôi trước nhất vào tờ di chúc mà... Trời ! Tưởng như tiếng nói của chú ấy còn văng vẳng đâu đây...
Ái Lan không tự kiềm chế được, hỏi nhanh :
- Chắc chắn là như thế chứ, cụ Sáu ?
Tiếng nói hơi thất thanh của em chợt làm bà cụ ngạc nhiên, ngẩng lên nhìn chăm chú. Ái Lan hơi giật mình, nhưng may quá, cụ Sáu đã tiếp :
- Chắc chắn chứ cô ! Cô biết không ? Chính mắt tôi... đã nhìn thấy tờ di chúc đó !
Ái Lan vờ thản nhiên :
- À ! Cụ Sáu đã ngó thấy tờ di chúc đó ? – Giọng nói của em bình tĩnh, nhưng cổ họng lại thấy khô đắng.
Người ốm gật đầu :
- Có, tôi thấy rõ lắm mà ! À..., nhưng mà coi chừng nghe ! Tôi ngó thấy thôi chớ tôi không được đọc nên không hiểu bên trong nói gì cả. Đây, thôi để tôi kể rõ cô em nghe nhé ! Bữa đó, tôi đang ngồi khâu bên cửa sổ, trên cái ghế bành kia kìa, thì chú Doanh lừng lững đi vào. Vừa vào đến nơi, chú ấy đã lôi trong túi ra một cái giấy gì đó. Và chú bảo tôi : "Chị Sáu, tôi đã viết xong tờ di chúc đây này. Gớm, mấy ông kia cứ làm khó tôi hoài. Họ tưởng tôi không biết cách viết chúc thư ra làm sao đó chắc !"
- Ngày đó tới nay đã được bao lâu rồi, cụ Sáu ?
Bà cụ ngập ngừng :
- Coi nào ! – Vầng trán bà cụ đã nhăn, giờ đây lại nhíu lại thêm nữa, – Kỳ quá, không còn nhớ được là bao giờ nữa chứ ! – Cụ Sáu lại im lặng, đôi mắt đăm đăm suy nghĩ, một lúc sau mới tiếp,– coi... hình như là ít ngày sau khi chú Doanh về ở với tụi nhà Phàm thì phải ! – Cô để tôi nói nốt đã ! Tôi còn nhớ hôm đó chú ấy có vẻ khoan khoái vui vẻ lắm ! Cười nói huyên thuyên, tờ giấy vẫn cầm ở tay. Chú không đưa cho tôi đọc, nhưng cho tôi biết rõ là, khi hạ hút viết, chú đã ghi tên tôi rồi. Ngay lúc đó, chưa hẳn yên tâm tôi đã hỏi chú là viết chúc thư để lại như thế thì liệu có đúng cách không, và liệu có được pháp luật chịu không ? Chú đã trả lời : "Cứ yên trí đi mà, chị Sáu ! Trước khi viết tôi đã đi hỏi thăm cẩn thận lắm rồi. Pháp luật nhất định phải công nhận chứ ! Chỉ còn thiếu chữ ký của hai người làm chứng nữa là xong !"
Ái Lan hỏi nhanh :
- Hai người chứng này là những ai, cụ Sáu biết không ?
- Không ! Tôi không biết ! Bữa đó tôi không hỏi mà chú Doanh cũng không nói gì thêm ! Đoạn chú quay ra bỏ đi ngay, mặt mày tươi vui hớn hở, cứ vừa cười vừa nói lầm thầm cái gì đó. Chú có cái tật hay cười một mình, nói một mình như thế mỗi khi làm xong được một việc gì ưng ý !
- Thế cụ Sáu có ý nghi ngờ gì về chuyện tờ chúc thư đó hiện giờ ở đâu không ?
- Theo tôi nghĩ thì chắc chú Doanh đã cất giấu một nơi nào đó rồi. Tính kỳ cục lắm, chỉ thích cất kỹ đồ vào những nơi thật chắc chắn ! À... và tôi còn nhớ mang máng chú có nói... "Phải cất vào một nơi mà không ai có thể lấy ra được, trừ phi được pháp luật cho phép". Thế rồi về sau ra sao, tôi cũng chẳng hay nữa ! Có thể là chú ấy đã trao tờ di chúc đó cho một phòng chưởng khế hoặc một ông luật sư nào quen biết rồi chớ chẳng không đâu !
Ái Lan dịu dàng :
- Thế cụ Doanh có còn nói gì thêm nữa không, cụ Sáu ? – Lòng em lo ngay ngáy là với tuổi già còm cõi, cụ già không còn sáng suốt minh mẫn, quên khuấy mất nhiều điểm quan trọng đi chăng?
- … À… à, hình như chú ấy còn nói thêm cái gì nữa này... Ừ, hình như chú sẽ đem tờ giấy đó đi đâu này này, quên mất rồi !
Bà cụ lại lắc đầu buồn bã :
- Nhiều đêm nằm suy nghĩ mãi mà không nhớ ra được chứ !
Ái Lan có cảm giác là kết quả vinh quang vừa sán gần đến tầm tay, lại bỗng vuột bay đi mất hút. Nhưng em tin chắc rằng bà cụ Sáu quả thật có biết được vài điều bí mật quan trọng lắm về tờ di chúc thứ hai của cụ Doanh. Nhưng vì tuổi già chồng chất, điều bí mật đó đã bị chìm sâu trong hố quên lãng. Khó mà nhớ lại được, trừ phi có sự tình cờ mầu nhiệm nào xui khiến điều đó đột ngột xuất hiện trong trí nhớ.
Ái Lan khẩn khoản :
- Cụ thử cố nhớ lại coi, cụ Sáu !
- Vô ích ! Cháu ơi ! Già đã cố gắng lắm mà không sao nhớ lại được ! Thiệt khổ !
Dứt lời bà cụ già lại ngả người xuống cái gối lớn, mắt lim dim vô cùng mệt nhọc.
Ngay lúc đó, chiếc đồng hồ treo phía trên tủ com-mốt thong thả gõ mười tiếng. Đột nhiên, bà cụ Sáu chợt run rẩy toàn thân, mở choàng mắt ra. Tia nhìn của bà thật kỳ dị. Vẻ mặt sững sờ, đôi mắt đăm đăm nhìn vào một điểm vô hình trong khoảng không trước mặt, như đang sống trong một giấc mơ. Có tới gần một phút sau, bà cụ mới từ từ quay đầu, đưa mắt ngó chăm chú chiếc đồng hồ treo.
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 9
Nguồn : http://tuoihoa.hatnang.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét