Theo sự phỏng đoán của nhiều người thì vào ngày xưa, Vương Quốc huyền bí của chư Tiên quả có thực. Vì ngay cả những người trung hậu, ngay thẳng, thông minh và không mê tín trên trái đất đều không hề phủ nhận điều này.
Tuy nhiên nếu có ai tò mò đặt câu hỏi: “Thế Vương Quốc chư Tiên ở vào vị trí nào trên địa cầu, chỉ cho xem?” thì ắt cũng đến bí, không ai có thể tìm được một câu trả lời chính xác.
Riêng tôi, tôi còn đầu xanh tuổi trẻ, kiến thức lại chẳng được bao lăm về điểm này, xin thú thực với các bạn: tôi thuộc vào cái thứ người mà thiên hạ vẫn nói đến bằng giọng khinh thường, thứchữ nghĩa không đầy ba lá mít ấy mà! Nên tôi không dám quả quyết một điều gì ngoài sự hiểu biết của tôi.
Có một điều tôi nhớ rõ là thuở bé tôi được quen một cụ già, già nhất trong số những cụ già mà tôi biết: tuổi trên chín chục ; cụ lại quen biết nhiều vị có uy tín trong xã hội, những vị này không chỉ là hạng tai mắt, họ còn là những bậc thông thái và chuyên trách về bộ môn khoa học. Vốn kính nể tuổi tác và nếp sống thanh bạch của cụ già, nên những vị này dành cho cụ nhiều đặc ân mà ngay đến những nhà quyền quí thời bấy giờ cũng khó lòng với tới. Một trong những đặc ân ấy là cụ có thể, bất cứ vào ngày giờ nào, bất thần đến chơi với họ, ngay cả khi họ đang bàn họp kín đi nữa!
Một bận, cụ thố lộ cùng tôi rằng cụ có dịp nghe bằng chính đôi tai còn tinh tường của cụ, các vị này bàn cãi sôi nổi về một vấn đề: đó là nên hay không, trong những ngày sắp tới, ghi rõ ràng trên những bản đồ mới nhất vài đường nét dành cho Vương Quốc chư Tiên?
“Thật là một đề nghị táo bạo và sáng suốt, cháu thấy không? Ta thực lòng ủng hộ đề nghị ấy” cụ bảo tôi bằng giọng nồng nhiệt.
Sau này, tiếc thay! – tôi không được biết thêm gì nữa, vì đó là lần hội kiến cuối cùng giữa tôi và ông cụ. Một tháng sau, tôi lên tỉnh trọ học thì cụ mất đi, để lại trong lòng mọi người nhiều thương tiếc. Riêng tôi, ngoài niềm nhớ tiếc còn thêm một thắc mắc không được giải đáp: các nhà thông thái nọ có xúc tiến việc dành chỗ trên các bản đồ mới nhất cho chư Tiên không? Hay họ bỏ dở, lo những việc quan trọng và thực tế hơn? Nhưng rồi thắc mắc đó trôi tuột theo ngày tháng.
Bây giờ đây, tuy đã lớn, tôi vẫn đinh ninh là Tiên giới có thực. Tôi thả mặc cho óc tưởng tượng phong phú của tôi phiêu du đây đó… tôi mơ mộng vẽ vời… tôi ao ước rằng Vương Quốc đáng yêu này được giăng mắc lơ lửng giữa tầng mây nõn, cao vút và xa, xa tít tắp, đừng bao giờ gần quả đất đầy cát bụi!
Viết đến đây tôi chợt nhớ ra điều đáng buồn này: cõi trần lâu nay vắng bóng chư Tiên! Và tôi đoán rằng bởi loài người bây giờ sống xa thiên nhiên quá, máy móc quá, xấu và xử ác với nhau quá nên chư Tiên chán nản, không thèm đoái hoài đến họ nữa, khác hẳn ngày xưa. Ngày xưa?...
Vâng! Ngày xưa chư Tiên ở lẫn lộn với người trần, giúp đỡ họ, ban phúc lành cho họ cũng như… ờ!... cũng như bọn Yêu Quỉ tác hại họ vậy mà!
Làm sao tôi dám quả quyết điều đó là có thật? Bạn hỏi? Xin thưa, tôi chỉ đoán thôi và tôi sẽ kể cho bạn một chuyện làm bằng chứng. Một chuyện cổ trong những chuyện cổ tôi được nghe cụ già khả kính kể cho. Một chuyện mà tôi mê nhất, yêu nhất, thích nhất trong các chuyện.
*
Năm ấy, không nhớ rõ vào triều đại nào, Tiên giới xôn xao, náo nức vì một Tin Lành: có ba cô Tiên bé nhỏ mới ra đời, cả ba đều xinh xắn đặc biệt làm chư Tiên rất mực hài lòng, không tiếc lời khen ngợi. Hơn thế nữa, họ không chỉ xinh đẹp mà thôi, kỳ diệu nhất là cái vẻ ngây thơ trong trắng, đáng yêu, phát xuất từ người họ, một vẻ đáng yêu độc đáo chưa từng có trong thế giới chư Tiên, làm cho ai nấy vô cùng phấn khởi, sung sướng như loài người được của bất ngờ!
Và chư Tiên càng sung sướng hơn khi thấy lớn lên các cô càng tăng vẻ kiều mị, đáng yêu thập bội.
Năm các cô lên mười – Tập tục của chư Tiên khác loài người về chỗ đặt tên – lễ Đặt tên được tổ chức vô cùng trọng thể, chư Tiên bàn tính rất lâu, sau cùng họ đồng ý chọn ba cái tên xứng đáng với những đức tính của ba cô, đó là THANH KHIẾT, THẬT THÀ và NGÂY THƠ. Chỉ mình tiên già Nghiêm Lịch cầu nhầu:
- Tôi, tôi không phủ nhận nết tốt của ba cô, nhưng tôi không ưa mấy cái tên đó tí ti nào. Vả lại, chỉ có những đức ấy chưa hẳn là đã hội đủ điều kiện để trở thành một vị Tiên. Phải khôn ngoan một tí, phải tinh tế nhiều nhiều, phải… ôi chao! làm sao kể ra cho xiết? ờ, ờ… tôi không nói ngoa đâu, tinh quái một chút vẫn hơn. Bằng không, e lại còn tệ hại hơn loài người ấy chứ! Hừ, với loài người, tốt bụng nhiều khi chỉ gây thêm khốn khổ, tai ương mà thôi! Tôi biết, tôi biết…
Bà có tên Nghiêm Lịch vì bà vốn là một vị giáo sư nghiêm nghị và lịch duyệt bậc nhất tại đây. Các Tiên đồng đều phải chịu sự giáo huấn dưới quyền bà một thời gian dài hay ngắn tùy bà định đoạt, trước khi xuống trần tập sự (nghĩa là thi hành công tác của Tiên: cứu giúp loài người).
- Ui chao! Ăn với nói! Bà lúc nào cũng giở giọng nghiêm sự! Tôi thú thật tôi chán cái bài diễn thuyết dài ngoằng của bà từ lâu lắm rồi thưa bà Nghiêm Lịch!...
Tiên Ông Hiền Lành bất bình, lên tiếng phản đối bà Nghiêm Lịch. Ông tiếp:
- Bà muốn nói gì thì nói, phần tôi, tôi chỉ thích vẻ dễ yêu, nết ngây thơ, sự trong trắng của lũ bé. Phải! Tôi thích những ý nghĩ ngộ nghĩnh của THANH KHIẾT, THẬT THÀ, NGÂY THƠ hơn là sự tinh ranh, độc ác làm chi?...
- Rồi xem! Rồi xem! Tôi có nhiều kinh nghiệm hơn ông, ông bạn ạ! (giọng bà Nghiêm Lịch càng nghiêm nghị) Tôi không mấy tin tưởng vào các Tiên đồng này. Rồi xem!
Thực thế, ba Tiên đồng quá đơn giản trong suy tưởng, lời nói cũng như hành động. Trong Vương Quốc chư Tiên ba cô hoàn toàn hạnh phúc và tin tưởng ở đâu cũng thế. Các cô làm cho xứ Tiên rộn rã tiếng cười vì những ý tưởng ngộ nghĩnh của mình. Các cô tưởng rằng không bao giờ có sự bất công tàn ác bất cứ ở đâu. Và các cô ung dung, vui vẻ học tập. (Ấy, Tiên cũng phải học hành… như bất cứ trẻ con xứ nào, bạn ạ!)
Rồi, một ngày kia đến tuổi Xuất Thế, như định luật thông thường của xứ tiên, ba Tiên nữ chuẩn bị rời Vương Quốc yêu dấu, vượt không gian, làm cuộc hành trình thứ nhất xuống trần để thực hiện nhiệm vụ của một vị Tiên: làm việc thiện giúp loài người.
Bà Nghiêm Lịch gọi ba cô lại gần, ân cần dặn:
- Các con yêu! Các con sẽ lần lượt xuống trần. Ta sẽ giao cho các con chiếc đũa thần trước khi rời Tiên Quốc, từ nay các con được quyền sử dụng vật kỳ diệu ấy… Nhưng ta thật áy náy không chút yên tâm, bởi các con quá ngay thật, thơ ngây khiến ta ngại cho cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa các con với loài người quá đỗi. Thế nên, để tránh cho các con mọi sơ xuất, lỗi lầm đáng tiếc về sau, ta đã giới hạn phép mầu của Đũa Thần. Lần này, các con mỗi người chỉ có thể thực hiện một phép mầu bằng đũa ấy. Chỉ một, không đến hai đâu, nhớ lấy. Vậy phải suy nghĩ chín chắn trước khi ban phép giúp ai, kẻo mà hối hận thì quá muộn. Sau đó, các con lập tức trở về đây, thuật lại rõ cho ta hay các việc làm. Phần ta, sau khi xét lại kỹ càng các công việc ấy mà thấy quả các con đủ sáng suốt, biết sử dụng Đũa Thần một cách đúng đắn, hữu ích ; và chỉ khi ấy, ta mới bằng lòng cho các con trọn quyền sử dụng phép mầu một cách tự do, không hạn chế, kiểm soát. Hiểu chưa?
Lần đầu tiên, ba Tiên Nữ phật ý. Các cô cho rằng người ta quá nghiêm khắc với mình, rằng người ta không tin tưởng ở mình, rằng người ta xem thường mình, rằng người ta xử tệ với mình… v.v… Ba cô cầu nhầu, nhăn nhó trông đến hay, nhưng ba cô chỉ cầu nhầu nhăn nhó sơ sơ, in ít thôi, không nhiều lắm, vì lẽ nghĩ đến cuộc hành trình đầy hứa hẹn, thích thú sắp được hưởng ; lại nữa, vững tin vào các đức tính và hạnh kiểm tốt của mình, chắc chắn ba cô sẽ không làm phật lòng bà Nghiêm Lịch. Nghĩ thế nên sau cùng, ba cô không đòi hỏi gì hơn, cúi đầu tuân lệnh trên, lòng đầy phấn khởi.
*
Thoạt đầu, Thanh Khiết từ giã hai em xuống thế. Cô đáp xuống một bình nguyên.
Dĩ nhiên, như tâm trạng bất cứ ai – Tiên hay người tục – lần đầu tiếp xúc với một thế giới khác hẳn thế giới quen thuộc của mình mà mình vừa rời bỏ, cô vô cùng sung sướng. Nhìn cái gì cũng thấy lạ, hay, đẹp, thấy cái gì cũng lấy làm ưa thích. Bầu trời sao mà quang đãng quá! Nắng thì vàng tươi óng ả, cây cối thì vàng sẫm ấm áp. Còn người, chao! Người thì nom nhàn hạ phong lưu làm sao!
Cô chú ý đến một người ngồi ở ven sông, ung dung buông cần cho cá cắn, miệng phì phèo điếu thuốc lá đang cháy dở ; thỉnh thoảng ông ta lại ngừng hút, cao giọng huýt sáo một khúc nhạc nhịp đi, hết sức lạ tai, làm Thanh Khiết nghe mê!
Rồi cô lại chú ý đến bầy trẻ nhỏ đang nô giỡn trên cánh đồng trước mặt. Miệng chúng cười tươi như hoa, giọng chúng ríu rít như chim, chúng đuổi bắt, leo trèo, chạy nhảy thoăn thoắt, chợt xa chợt gần, nhởn nhơ như đàn bướm khổng lồ giữa cánh đồng rực nắng!
Xa xa, mặt bể xanh rờn, sóng gợn nhẹ trên mặt nước dịu dàng và trắng xóa, dễ thường trắng hơn mây! Cát vàng mịn và lấp lánh dưới nắng chói. Tít ngoài khơi, dăm chiếc thuyền dong những cánh buồm trắng, bên trên hàng bầy hải âu là đà bay lượn, chốc chốc lại sà xuống mặt nước tìm mồi. Thanh Khiết tưởng như rặng phi lao trên bờ bể cũng thì thào khen cảnh đẹp ngoài khơi, huống là cô!
Phía sau lưng cô, từ trên ngọn đồi trọc, mấy cụ già chống gậy đi dạo, thong thả dừng lại mỗi khi gặp người quen, cất tiếng chuyện trò hay chào hỏi thân mật cùng nhau… Thanh Khiết buột miệng kêu lên: “Chao! Ở đây người ta sung sướng kém gì Tiên giới đâu nào?” Bỗng chốc niềm hân hoan trong lòng cô Tiên trẻ tuổi giảm đi. Bởi cô nhớ đến bổn phận phải thi hành, mà cô thi hành bổn phận cách nào đây? Với ai đây? Vì rằng xem ra ai cũng không có điều gì tỏ ra đau khổ, buồn rầu hay bất mãn…
- Quả ta có vẻ thừa thãi, ngốc nghếch với chiếc đũa thần kỳ diệu. Không hy vọng gì cả, chẳng ai cần đến sự giúp đỡ của ta đâu. Dễ chừng phải đi nơi khác mất thôi! Ta phải tìm…
Tiên nữ chưa dứt lời thì chợt trông thấy một gã trẻ tuổi ngồi dựa vào gốc cây to, dáng bộ ủ rũ không thể tả. Sở dĩ từ nãy cô không nom thấy anh ta vì áo anh ta cùng mầu với mầu vỏ cây – Tiên nữ tò mò tiến đến bên anh ta, dịu dàng hỏi:
- Thưa anh, có việc gì làm anh phật ý đến nỗi anh buồn bã như thế? Anh xem, quanh đây ai cũng vui vẻ, hài lòng cả kia mà. Dáng bộ khổ sở của anh làm tôi áy náy quá đỗi. Anh hãy coi tôi như bạn, hãy giải tỏ nỗi lòng… may ra tôi có thể làm gì giúp anh đôi chút hay không?
Gã thanh niên nhìn sững Tiên cô. Ban đầu anh muốn đuổi phắt người con gái lạ lùng kia đi cho khuất mắt, nhưng rồi ngắm kỹ dung mạo cô, anh thấy lòng dịu lại một chút. Anh nhủ thầm: “Đây là một người tốt bụng ở xứ lạ mới đến, phải lịch sự với người ta” Và tuy không tin rằng người lạ tốt bụng có thể làm gì giúp mình, anh cũng cứ tình đầu kể rõ:
- Thưa cô! Cô có lòng tốt thì nói thế chứ cô không thể làm gì giúp tôi được đâu. Tôi khổ lắm cô ạ! Ba tháng nay, trời không mưa một giọt, tôi sắp sạt nghiệp đến nơi rồi. Đàn bò tôi khổ công chăn dắt sẽ chết đói nay mai vì tôi không có tiền mua cỏ. Giá chỉ có mình tôi thì tôi không phải lo lắng khổ sở đến như thế này. Khốn nỗi: tôi còn có song thân già yếu phải phụng dưỡng, song thân tôi lại đang ốm nặng, ốm vì thiếu thực phẩm và thuốc men. Khổ quá! Hai người sắp chết rồi… thân trai mà như tôi, quả là bất hiếu, vô dụng…
Anh ta nghẹn giọng, nức lên khóc ròng.
Lần thứ nhất, chạm trán với Đau Khổ, Thanh Khiết vô cùng xúc động. Cô gần như khóc theo con người đau khổ trước mặt nếu không cố gắng, một sự cố gắng phi thường. Đợi cho nhịp tim trở lại bình thường, cô mới cất lời an ủi:
- Anh đừng khóc nữa, trông anh khóc tôi không chịu được, tôi đau lòng lắm cơ. Hãy lau nước mắt và nói cho tôi biết: anh cần giúp đỡ bằng cách gì? Nên làm gì để giúp anh?
Thanh niên nọ gạt nước mắt mà rằng:
- Vô ích! Cô đâu có quyền hạn của một bà Tiên mà tính chuyện giúp tôi? Phải, chỉ có Tiên mới giúp được tôi thôi…
- Kìa! Anh hãy tin tôi, hãy nói xem anh muốn gì đã nào!
- Tôi muốn trời mưa, cô hiểu ra chưa? Mà trời mưa hay nắng thì đâu có thuộc quyền một thiếu nữ như cô, dù cho thiếu nữ đó tốt bụng và xinh đẹp đi nữa…
- A! Đừng tưởng thế! Anh hãy tin tôi. Tôi có thể giúp anh toại nguyện. Hãy xem! Thanh Khiết ôn tồn nói với thanh niên bằng giọng tự tin, đoạn rút đũa thần ra, giơ cao lên, miệng thì thầm một câu thần chú khó hiểu đối với thanh niên – rồi biến mất trong chớp mắt làm thanh niên vô cùng kinh ngạc.
Tức thì, từ phương Tây mây đen ùn ùn kéo đến, che kín bầu trời và trong một khoảnh khắc, mưa tuôn xuống như thác đổ.
Mưa liên tiếp trong bốn ngày đêm liền như thế. Cây cỏ như được hồi sinh. Khắp các cánh đồng, mầu xanh bắt đầu thay thế cho mầu vàng héo úa. Súc vật được tắm mát và sắp ăn no. Thanh niên vô cùng toại nguyện.
Từ tầng cao nhìn xuống, Thanh Khiết cũng hài lòng không kém.
- Chị đã làm một việc rất tốt, cứu nhiều sinh mạng. Chị biết cách sử dụng đũa thần. Hãy cố gắng làm như chị, nghe chưa?
Thanh Khiết bảo Thật Thà khi gặp cô em trên đường về Tiên giới.
*
Thật Thà nghĩ rằng không nên xuống cùng chỗ của chị. Còn ai khổ sở đâu mà đến đó? Cô đến một vùng xa hơn. Cũng một tâm trạng như chị, cô bị mê hoặc ngay từ phút đầu bởi bầu không khí vui tươi, bởi quang cảnh náo nhiệt, cùng sự tiếp đón cởi mở của dân chúng trong vùng. Thật Thà tin ngay rằng dân chúng tại đây hoàn toàn hạnh phúc – vì họ đang mở hội – Và cô thờ thẫn trong cái ý nghĩ: “Phép thần của ta hóa ra vô dụng mất thôi, không một ai cần nó”.
Nhưng cô cũng kiên nhẫn, ở lại đến khi mặt trời trốn biệt sau dãy núi tím thẫm phương Tây, và bụng bảo dạ nên nán xem cuộc vui ban tối của người trần tục ; vả lại, biết chừng đâu cô sẽ gặp người cần đến bàn tay huyền diệu của mình? Bỏ đi sớm hóa ra hấp tấp quá, không nên.
Đêm ấy, Thật Thà dự khán một cuộc khiêu vũ đặc biệt. Thanh niên nam nữ tụ tập lại, nhảy nhót tưng bừng, vui vẻ ; vui vẻ quá đỗi. Thật Thà đâm nôn nả tưởng chừng như có kiến đốt trong giày… Cô nao nức ngứa ngáy đôi chân, muốn lao đến nhập bọn với đám bạn trẻ, nhảy và cười đùa ca hát với họ. May thay, cô tự kiềm chế được! Cô biết rằng Tiên nữ bị cấm khiêu vũ với người trần tục. Thế là, Thật Thà đứng riêng ở một góc xa xa, quan sát mọi người tham dự cuộc vui mà thôi. Và cuộc vui tiếp diễn…
Một lát sau, Thật thà bỗng chú ý đến một thiếu nữ ngồi khuất vào bóng tối, không dự cuộc vui, chốc chốc lại thở dài não nuột. Thấy người lạ nhìn mình, cô gái kia che mặt lại, đoạn quay phía khác, làm Thật Thà càng thêm thắc mắc. Tiên nữ đến gần thiếu nữ lựa lời hỏi duyên cớ nào đã khiến cô không dự cuộc vui chung? Và khiến cô sầu não đến thế?
Thiếu nữ, bằng giọng bực tức trả lời rằng:
- Chả tại sao cả, không thích dự trò vui là quyền của tôi, cô hỏi làm gì? Có quan hệ chi đến cô đâu?
Miệng nói mà mặt không hề ngẩng lên nhìn kẻ đối thoại. Dáng bộ đó làm cho Thật Thà thêm ngờ vực. Tiên nương nhất định phải tìm hiểu mới chịu, bèn hỏi tiếp:
- Nếu không thích, tại sao cô đến đây làm gì? Cô hãy cho tôi biết, may ra tôi có thể làm gì giúp cô chăng? Giúp người khác là điều làm tôi vui nhất và cũng là bổn phận của tôi. Xin cô chớ ngại… chúng ta cùng là bạn gái với nhau cả…
Thật Thà chưa dứt lời, cô gái kia bật lên, nức nở khóc.
Tiên nương vô cùng bối rối, vì chưa từng thấy nước mắt bao giờ. Chứng kiến một người con gái đau khổ, Thật Thà xót xa vô hạn. Tiên nương muốn làm bất cứ cái gì để giúp cô ấy ngay. Nhưng dù đã dùng đủ lời lẽ ôn tồn, dịu dàng an ủi, cô gái vẫn không chịu nói gì, một mực khóc ròng. Thật Thà không nản, cúi xuống lau nước mắt cho cô gái, hết sức dỗ dành như đối với một người thân thuộc của mình.
Sau cùng, cảm động vì lòng tốt của người lạ, cô gái thú thật rằng:
- Tôi thích khiêu vũ lắm, cô ơi! Nhưng tôi không dám chường mặt ra vì tôi xấu xí quá: mũi thì to, miệng lại rộng, mắt thì lác, bước đi khập khà, khập khễnh! Trời ơi! Sao tôi bất hạnh đến thế chứ! Chẳng Thần Tiên nào rủ lòng thương, ngó ngàng đến thân tôi…
- Cô bạn thân mến ạ! Người ta đâu cần phải thật xinh đẹp mới có hạnh phúc? Bà giáo của tôi vẫn bảo rằng “cái nết đánh chết cái đẹp” mãi thôi… cô nên bớt sầu khổ…
Cô gái thờ thẫn nói:
- Vâng! Tôi cũng biết thế, nhưng nói thì nghe dễ, còn…
Giọng cô ta trở thành chua chát:
- Vả lại, cô có xấu đâu mà cô biết nỗi khổ tâm của tôi? Cô đẹp quá… (chợt chú ý đến diện mạo Thật Thà) Cô từ đâu đến? Cô không phải người vùng này, phải không? Cô là ai?
Thật Thà trả lời thẳng thắn:
- Vâng! Tôi không phải người vùng này. Tôi thực lòng muốn giúp cô…
- Vô ích! Chỉ có phép Tiên may ra, cô đâu phải là Tiên? Tôi có người yêu, chúng tôi sắp cưới nhau, nhưng thấy tôi xấu quá, anh ấy đổi lòng. Kìa! (cô ta chỉ tay về phía một thanh niên đang vui vẻ khiêu vũ với một thiếu nữ) Cô thấy chưa? Anh ấy bỏ tôi, theo cô bạn xinh đẹp đó, hai người đẹp đôi chứ? Họ sẽ thành hôn vào mùa thu năm nay. Anh ấy không còn nhớ đến tôi nữa. Tôi cô độc đến già, chắc chắn như vậy… Tôi chán nản quá, chỉ muốn chết cho xong đời…
- Tình cảnh cô chưa hẳn là tuyệt vọng. Vẫn còn có cách, cô hãy tin tôi!
- Thôi đi! Để tôi yên, đừng có khoác lác… Cô nói như một Tiên nương ấy!
Thật Thà không những chẳng giận dữ, mà còn cười một cách vui vẻ, thích thú.
Giọng bí mật, cô bảo người con gái:
- Cô nên nghe tôi, đến rửa mặt nơi giòng suối bên mé rừng kia, rửa xong lau đi, đúng ba lần như thế. Mỗi lần lau mặt nhớ khấn thầm câu này: “Suối Trong ơi! Xin cứu tôi, ban cho tôi sắc đẹp”. Sau đó, cô về ngay nhà, đừng dừng lại ở đâu cả, và cô nhìn vào gương soi, sẽ thấy…
Không mấy tin vào lời người thiếu nữ lạ mặt và xinh đẹp kia, nhưng cô gái cũng tò mò làm thử. Cô nghĩ rằng nếu đúng thì may mắn cho cô, bằng không cũng chẳng hại gì, mình đã quá bất hạnh, còn bất hạnh nào đáng kể hơn mà sợ?
Đúng vào lúc cô gái nhúng mặt mình xuống nước, Thật Thà se sẽ dùng đũa thần chạm vào vai cô ta.
Rồi, không đợi kết quả, Thật Thà tức khắc trở về Tiên giới.
Đúng là một việc thiện đáng làm, nên làm, phải làm. Một việc thiện tốt nhất!
Thật Thà không ngớt lặp đi lặp lại một mình. Cô cho rằng bà Nghiêm Lịch quá cẩn trọng, dặn dò một cách dài dòng vô ích. Bà lẩm cẩm quá! – Thật Thà nhủ thầm – Ta đã trưởng thành, đã làm việc thiện một cách thông minh, sáng suốt biết bao! Ta sẽ trở thành một Tiên nương đủ tư cách trong các Tiên nương, chắc bà sẽ sung sướng, hãnh diện vì ta!
Thật Thà càng hài lòng hơn nghĩ đến sự ngạc nhiên và sung sướng của cô gái khi diện mạo cô đổi khác đúng như lời mình và không thấy ân nhân đâu để ngỏ lời cảm tạ.
Chắc chắn người yêu cô ta sẽ không còn chê cô? Họ sẽ lấy nhau? Con cái đầy nhà? Vô vàn hạnh phúc? Chắc chắn thế! Thật Thà vui lòng quá! Đó há không là ước vọng của bà Nghiêm Lịch hay sao?
*
Tiên nương thứ ba, cũng là vị sau cùng xuống thế, thi hành phận sự. Cô chọn một làng nhỏ, xa đô thị.
Cũng như hai chị, Ngây Thơ phấp phỏng vì nỗi ngại trần gian không ai đau khổ để mình thực hiện phép mầu. Cô ngỡ rằng người trần tục giống như trên tiên giới: ai cũng được như ý, hài lòng.
Nhưng cô kinh ngạc xiết bao vì vừa đến mặt đất, nhân vật đầu tiên cô để mắt tới là một cậu bé đang sướt mướt khóc.
Ngây Thơ cảm thấy tim mình thắt lại, đau nhói lên khi nhìn cặp mắt thơ ngây đẫm lệ. Ngây Thơ đến gần cậu bé, dịu dàng an ủi và hỏi nguyên nhân.
- Em… em… em bị thầy mắng, chị ơi!
- Thầy nào nhỉ? Em có thể nói rõ ra không?
(Chả là cô không có học thầy giáo, cô học hỏi ở bà Nghiêm Lịch nên lạ lùng khi nghe đứa bé nói thầy mắng nó).
- Thưa chị, thầy giáo ở trường em… thầy bảo em là ngu dốt như con bò, không hiểu những lời thầy dạy. Cả tụi bạn nhỏ cũng vậy, chúng gọi em là thằng ngốc, Cả Quỷnh, chỉ được cái… cái đầu to là nhất mà thôi!
Thì ra, cậu bé vừa ở trường về, cặp sách còn mang trên vai. Ngây Thơ an ủi:
- Không! Chị thấy đầu em nhỏ nhắn, vừa phải lắm, có to lớn chi đâu? Em cũng như các bạn em mà. Chúng bày chuyện trêu em chơi đấy thôi. Đừng buồn. Hay là vì em nhác học? Hay là em không chịu làm bài, nên thầy phật lòng chăng?
- Không, trái lại là khác, em chăm lắm, khổ nỗi đầu óc em nó tối tăm làm sao: học trước quên sau…
- Rõ khổ thân em. Hay là em thôi học quách đi?
Cậu bé dẫy lên:
- Ô không! Em phải đi học, ba má em muốn thế, em cũng muốn thế. Em ao ước trở thành một người thông thái, sáng chế ra nhiều máy móc cần thiết. Bạn bè em sẽ hết dám khinh thường em. Không ai coi em như súc vật, chỉ được cái đầu to mà óc rỗng nữa. Chị ơi! Em khổ quá, phải chi em có trí thông minh. Em chỉ ao ước có thế thôi!
Ngây Thơ cũng đau xót, khổ sở ghê gớm. Cô nghĩ thầm: trường hợp em bé này thực đáng cứu giúp, không nên do dự. Người lớn mà đau khổ còn chịu không nổi thay huống là một đứa bé, bé bỏng thế này, không giúp nó, nó đến chết vì sầu héo, đau khổ mất thôi! Thế là Ngây Thơ hành động ngay: cô Tiên dịu dàng, xinh đẹp ấy rút chiếc đũa thần mang theo bên mình, gõ nhẹ vào đầu cậu bé đáng thương ba bận. Cậu bé ngẩn người, không hiểu những tiếng cô thì thầm, toan hỏi, thì Ngây Thơ đã dõng dạc nói:
- Này em! Em hãy yên lòng, từ phút này mà đi, em sẽ trở thành thông minh xuất chúng, trí nhớ em sẽ nở bung như cánh hoa xuân và sau này em sẽ là nhà bác học tên tuổi.
Linh cảm rằng mình đã may mắn gặp Tiên, cậu bé vô cùng sung sướng, nhưng cậu quá đỗi bàng hoàng, xúc động, không kịp thốt một lời cảm ơn Ngây Thơ. Cậu vừa quì mọp xuống đất, lạc giọng nói lên hai tiếng:
- Kính thưa…
thì Ngây Thơ đã lẫn mất trong đám mây nõn trên cao.
*
Trên tiên giới, Thanh Khiết, Thật Thà, Ngây Thơ lại cùng nhau hội ngộ. Họ cùng kể lại việc thiện đã làm và tin rằng cả ba đều hành động đúng. Họ nóng nảy, chỉ những mong lại được xuống trần để làm thêm điều tốt, giúp đỡ kẻ đau khổ, bần hàn, bất hạnh.
Nhưng việc đầu tiên là họ phải hội kiến bà Nghiêm Lịch, kể lại công việc – nói theo lối mới bây giờ thì là “báo cáo công tác” đấy – và chờ bà định đoạt. Trong lúc chờ đợi bà, họ giết thì giờ bằng cách nhắc lại kỳ công của nhau với giọng tin tưởng và mãn nguyện.
Song than ơi! Trái với dự đoán của ba cô, vị tiên già nhăn nhó còn hơn khi phê bình tính nết ba môn đệ ngày nào! Thì ra bà không chút hài lòng về hành động ba cô. Bà gằn giọng hỏi:
- Này! Trước khi dùng đũa thần ban phép, có cô nào tự hỏi xem những kẻ các cô sắp cứu giúp có xứng đáng với ân huệ cõi tiên không?
- Tự hỏi? Thưa bà, không… cháu không hề tự hỏi chi cả…
Thanh Khiết ấp úng trả lời. Nghiêm Lịch cười gằn, hất hàm:
- Thế còn hai cô? Sao? Có suy nghĩ kỹ càng trước khi ban phép lạ không?
Thật Thà bối rối cúi đầu, thấp giọng mà rằng:
- Thưa bà, cháu thấy cô ta khóc, nước mắt ướt đẫm mặt… Cháu… cháu làm sao có thì giờ suy nghĩ? Nhưng cháu chắc rằng cháu làm việc đó rất đúng, nếu không cô ta đến đâm đầu xuống nước mà chết thôi, cô ta tuyệt vọng quá… Thưa…
- Đủ rồi! – vị Tiên già ngăn lại – đừng kể lể dài dòng, vô ích. Đến lượt Ngây Thơ, nào! Cô thử kể xem, cô có biết do dự là gì không? Hở?
- Thưa bà – Ngây Thơ hồi hộp đáp – có ạ!
- Thế thì tốt, cô biết do dự trước khi…
Vừa nói bà vừa đăm đăm nhìn thẳng vào mặt Ngây Thơ. Ngây Thơ hoảng quá, không muốn để bà hiểu lầm thêm, vội vàng thưa:
- Thưa bà không ạ!
- Hả? Thế là thế nào? Các cô định bông đùa với già chắc? Vừa nói có rồi lại nói không là nghĩa làm sao?
- Thưa bà, cháu không do dự, cháu chỉ có nghĩ đến hai tiếng do dự mà thôi.
- Nghĩa là?...
- Nghĩa là cháu nghĩ rằng “ta không nên do dự” thế thôi ạ!
Ngây Thơ lúng túng đáp.
- Hừ! Đúng là một lũ ngốc! Thế mà chưa chi đã tự mãn! Đáng ra, trước khi hài lòng, phải xét kỹ việc làm… Lại đây! Ta cho các cô xem ngay kết quả của hành động ngu xuẩn vừa qua!
Ba cô Tiên nóng ruột như cào, nhưng bà Nghiêm Lịch thì cứ ung dung: bà lau kỹ đôi mắt kính Tiên, thong thả lật từng trang trong cuốn sách to lớn dị thường đặt trên bàn trước mặt mình cho đến lúc đúng vào trang bà đã đánh dấu, đoạn quay sang ba cô, phán bằng một giọng gay gắt cùng cực:
- Tra kính lên mắt rồi nhìn vào đây, chúng ta có thể thấy trước tương lai trên 20 năm. Thanh Khiết, dịch lại đây! Cô sẽ thấy người thọ ơn cô ra sao? Có thấy cha mẹ hắn no ấm, đàn bò hắn béo tốt không?
Thanh Khiết hồi hộp tra kính lên mắt, liếc vào trang sách mở sẵn.
Thoạt tiên, cô hài lòng thấy nhờ trận mưa do phép mầu của mình, anh chàng khốn khổ kia trở thành dễ chịu, đàn bò có cỏ, bố mẹ có thuốc và thực phẩm.
Nhìn lâu tí nữa thì anh ta dần dà khấm khá lên, tậu thêm ruộng nương, nhà cửa, vườn tược và cả một lâu đài xinh đẹp nhất vùng… Nhưng Thanh Khiết bực tức xiết bao: anh ta bắt đầu đổi tính: kiêu ngạo, hung ác, ích kỷ, keo kiệt. Anh trở thành chai đá, không còn chút tình cảm tốt đẹp nào nữa. Ngay đến cha mẹ, anh ta cũng không ngó ngàng đến: ông bà quê mùa quá, không xứng đáng với địa vị anh lúc bấy giờ, hai ông bà vẫn mộc mạc, hồn nhiên trong lúc anh thì đi đứng, nói năng, ăn mặc, nhất nhất đều kênh kiệu, kiểu cách. Anh tắm bằng nước hoa, ăn toàn sơn hào hải vị. Anh thuê bồi bếp từ các thị trấn lớn về, tống cổ bọn tôi tớ cũ đi. Với tá điền, anh khắt khe, bắt bẻ, nặng nhẹ đủ điều. anh nuôi hàng đàn chó săn và đàn chó này được chăm chút còn kỹ hơn song thân già yếu của anh (hai ông bà lúc bấy giờ được con trai tống đến ở chung với bọn giữ ngựa gần kho rơm, vì anh không muốn các khách sang, các nhà quí tộc năng lui tới thăm anh trông thấy hai ông bà, anh xấu hổ vì cha mẹ mình quê mùa quá). Bồi, bếp, con sen, người gác cổng, thư ký riêng, mỗi người đều được mặc thứ trang phục đặc biệt, đắt tiền, tóm lại gia nhân của anh đều ăn mặc sang hơn cha mẹ anh thập bội.
Thanh Khiết không dám khóc tuy lòng cô xót xa gấp mười lần ngày trước, ngày cô xúc động, xót thương cho tình cảnh anh ta.
Nhưng phải đợi đến khi cô nhìn thấy song thân anh chết, chết bởi sự thờ ơ lạnh nhạt của anh, chết trong tủi nhục giữa đêm trường vắng lặng, ngoài chòi rách, bên chuồng ngựa trong khi anh ta còn mải say sưa bên bàn tiệc với hàng trăm thực khách từ các đô thị lớn về chơi, cô mới thực sự bất bình.
Tuy vậy, vì là Tiên cho nên phải gìn giữ, cô không thể dùng thứ ngôn ngữ thô lỗ như loài người hay những lời nguyền rủa độc địa như phù thủy, cô đành ngậm miệng, cắn răng, không thốt một lời. Dù sao, cô tự an ủi thầm, hy vọng hão là sau cái chết của song thân, anh sẽ hồi tâm. Hóa ra sự thực trái lại:
Hay tin cha mẹ uất giận chết đi, anh càng thấy nhẹ mình, vội vàng dâng cho ông bà một lễ mồ long trọng – để lấy tiếng – song rất ngắn. Và chỉ chờ lễ mồ chấm dứt là tiếp tục say sưa, săn bắn, vui chơi. Thanh Khiết đang theo dõi hành động anh ta với sự căm phẫn tột cùng, (lúc này anh ta đang theo tán tỉnh một cô gái con nhà quí tộc, đang huênh hoang, xa xỉ để lấy lòng người đẹp) thì bà Nghiêm Lịch ra lệnh cho cô tháo đôi kính Tiên ra. Thanh Khiết riu ríu vâng lời. Bà giáo già hỏi nàng:
- Sao? Con có thấy rằng nên để cho gã con trai kia vất vả cực nhọc hơn là giúp hắn giàu có, thành công một cách chóng vánh như thế?
Quá thất vọng, Thanh Khiết không thể nào trả lời bà, cô cúi đầu rưng rưng nước mắt vì hối hận giày vò.
Bà Nghiêm Lịch như không quan tâm đến thái độ Thanh Khiết, bà gọi Thật Thà đến gần, cho cô mang kính Tiên vào, đoạn bà lật trang tiếp đó, mà rằng:
- Giờ đến lượt con! Hãy coi thử thiếu nữ ra sao, sau khi xinh đẹp?
Thật Thà tức thì làm theo lời truyền day. Cô thấy gì?
Trước hết là sau khi rửa mặt, lau và thì thầm khấn nguyện những lời cô căn dặn, người con gái về đến nhà lấy gương ngắm thì thấy mình không còn mang bộ mặt xấu xí như lâu nay nữa mà trở thành xinh đẹp tuyệt vời: miệng thanh, mũi thẳng, mắt đều và trong. Tóm lại nàng thấy mình đẹp hơn bất cứ người đẹp nào mà nàng hằng ao ước trở thành. Nàng vội vàng trở lại nơi cuộc vui đang tiếp diễn.
Thật Thà xuýt bật kêu lên sung sướng vì thấy anh chàng kia lại để ý đến vị hôn thê mà chàng đã bỏ rơi. Hai người cùng nhau tâm sự, họ nhảy với nhau…
Và từ ấy, họ không rời nhau nửa bước. Hai tháng sau, họ cưới nhau.
Thật Thà hớn hở quay sang bà Nghiêm Lịch, lễ phép thưa:
- Thưa bà, con thấy họ thành hôn, đúng như con đoán, họ sẽ hạnh phúc? Chắc rằng điều tốt của con làm không phật ý bà?
- Đừng vội! Hãy xem thêm chút nữa. Chưa đến đoạn kết đâu, cô ạ!
Giọng bà lạnh ngắt, dửng dưng. Thật Thà không dám trái lời bà, vội vàng tra kính, chúi đầu vào trang sách dày cộm.
Lúc ấy, hai vợ chồng cô ta đang cãi nhau. Gớm! Cái nhà cô gái kia mới đanh đá làm sao chứ: ỷ mình xinh đẹp, cô đâm ra kiêu ngạo quá thể, cô chẳng hề đặt tay, để mắt đến công việc nội trợ, tề gia gì sốt cả. Cô chỉ ham chưng diện diêm dúa, trang điểm cầu kỳ, rong chơi cùng khắp, hết tiệc nọ đến tiệc kia, nay khiêu vũ, mai dạ hội, chả thiết gì đến chồng con. Có đáng giận chưa?
Lũ trẻ bẩn thỉu, rách rưới, đau yếu quanh năm suốt tháng. Anh chồng vất vả quá chừng chừng. Anh vừa làm cha vừa làm mẹ, vừa lo đảm đương sinh kế, vừa phải bếp núc, vá may. (Kể thì cũng đáng đời anh, ai bảo chỉ ham sắc đẹp) Nhưng Thật Thà khổ tâm quá đỗi: sáu cha con nọ chả là nạn nhân của mình ư? Giá mình biết suy nghĩ chín chắn một tí thì đâu nên nỗi? Thật Thà thắt cả ruột lại…
Thật Thà theo dõi cặp vợ chồng kia đến đoạn thấy họ đánh nhau và lũ trẻ bù lu bù loa thì bà Nghiêm Lịch đòi kính lại. Thật Thà còn dùng dằng chưa muốn trao cho bà, bà đã ôn tồn, dịu giọng:
- Thôi! Thế cũng tạm đủ, ta không muốn con khóc òa ra như Thanh Khiết. Nước mắt của Tiên là báu vật, chớ phí phạm như thế. Vả chăng, cứ lầm lỗi rồi khóc lóc mà mỗi chốc xóa sạch được tội lỗi ru? Phải làm cách nào chứ?
Thật Thà đành chỉ biết cúi đầu, nén khóc – cô đâu dám trái lời bà? – mặc dù nước mắt dâng lên làm nghẹn cổ, mờ cả mắt nàng.
- Thưa bà, chắc phần con, con khỏi phải nhìn vào kính? Một đứa trẻ lên mười… chỉ ao ước trở thành thông thái… Thưa… Khoa Học không thể đem đến cho nó bất hạnh và nết xấu chứ?
Ngây Thơ lễ phép nói với bà Nghiêm Lịch. Bà Nghiêm Lịch cười mỉa mai:
- Rõ là ngây thơ! Thôi, chớ nhiều lời! Hãy nhìn vào rồi thấy…
Ngây Thơ xịu mặt, vâng lời bà giáo nghiêm khắc của mình, lòng tràn chán nản.
Mới tra kính vào mắt, thoạt tiên cô hơi thấy hoa mắt một tí, song rồi bà điều chỉnh kỹ càng. Ngây Thơ hết khó chịu, cô thấy rõ mọi việc:
Ngây Thơ nhận ra nét mặt xinh xắn của cậu bé chịu ơn mình, khác cái bây giờ nó không hề khóc mà chỉ cười thôi. Ngây Thơ lấy làm đắc ý lắm.
Hết niên khóa, cậu bé lên lớp và tấn tới trông thấy. Quả nhiên, không đứa bạn nào trêu chọc nó, gọi nó là “Cả Quỷnh”, là “đầu to óc rỗng” nữa, thầy bạn đều yêu.
Năm tháng qua vùn vụt. Nó trở thành một thanh niên cường tráng, học vấn và sức khỏe phát triển song song.
Rồi… nó tốt nghiệp, ra trường, trở thành một nhà bác học, thông thái mọi ngành. Ngây Thơ xuýt ngất đi vì sung sướng. Song than ơi! Nàng Tiên tốt bụng không sung sướng được lâu: Thay vì dùng kiến thức phát minh, sáng chế những máy móc có ích cho dân chúng, thay vì nghiên cứu các hóa chất và thảo mộc biến chế ra những dược liệu mới, linh nghiệm để cứu giúp bệnh nhân, kẻ thọ ơn của Ngây Thơ lại say mê trong việc nghiên cứu, sáng chế những hóa chất có tác dụng rất độc có thể giết người trong nháy mắt, những vũ khí tối tân, trông bề ngoài nhẹ, nhỏ, hình thể, kích thước không đáng kể mà sức tác hại thì rộng lớn vô song!
Than ôi! Sau cùng, những phát minh mới mẻ, độc đáo của hắn ta chỉ gây ra tang thương, máu lệ: mẹ khóc con, vợ khóc chồng, già khóc trẻ… Tóm lại, Ngây Thơ thấy sự hiểu biết của cậu bé đáng thương ngày nào không chút ích lợi cho ai cả, ngay cha mẹ cậu, hai người ngày đêm hối hận vì mình đã trót sinh ra một kẻ tàn ác, bất nhân!
Thái độ của hai vị này làm cho Ngây Thơ càng khổ sở: nào họ có lỗi gì? Chính nàng mới là người gây ra tội! Nhưng làm sao Ngây Thơ có thể an ủi họ đây? Làm sao?
Mồ hôi tuôn giọt giọt, Ngây Thơ đứng lặng, mờ cả mắt… Biết rằng để nàng thấy mãi vô ích, nàng chỉ thêm khổ sở tội nghiệp, nên bà Nghiêm Lịch bảo:
- Thôi! Đủ rồi! Tháo kính ra! Càng nhìn thấy, càng hối hận khổ sở mà thôi.
Ngây Thơ băn khoăn hỏi riêng hai chị:
- Chúng ta dễ tin quá, hành động nông nổi quá! Nhất là em. Chúng ta làm thế nào chuộc tội bây giờ đây? Để thế này, em không chịu được!...
- Phải! Chúng ta cần hàn gắn những thương đau do chúng ta gây ra!
Thật Thà sốt sắng nói. Thanh Khiết tiếp:
- Chị cũng nghĩ thế! Phải chuộc tội! Chị đã có cách!
- Bằng cách nào đây? Lại đòi ta trao cho đũa thần chắc? Đừng hòng!
Bà Nghiêm Lịch gằn giọng hỏi.
Ba cô đồng thanh:
- Ồ! Không! Không phải thế… chúng con không muốn lạm dụng đũa thần…
- Chúng con sẽ xuống hạ giới với tay không, giúp đỡ kẻ tàn tật, già yếu, kẻ đơn côi, nghèo khổ bằng chính sức lực chúng con. Chúng con sẽ làm việc vất vả như một người thường, không có phép mầu. Như thế, sự giúp đỡ không dễ dàng mà kết quả cũng ít oi. Nhưng con tưởng chỉ có cách ấy mới chuộc được phần nào tội lỗi chúng con đã phạm, nhất là kẻ chịu ơn sẽ không hư hỏng, sa đọa, xấu xa vì được giúp đỡ quá chóng vánh, dễ dàng. Họ sẽ không thành công chớp nhoáng, bất ngờ, họ không đánh mất lương tri vì sự giúp đỡ hấp tấp, dễ dãi…
Bà Nghiêm Lịch kêu lên mừng rỡ:
- Tốt lắm! Tuyệt lắm! Các con thật đáng khen! Ta rất hãnh diện vì các con!
Lần đầu tiên, ba cô học trò thấy bà giáo vui vẻ, hài lòng. Bà giáo già tiếp:
- Ta bằng lòng lắm! Các con không tinh quái, đúng thế, nhưng các con có lòng tốt, các con lại biết phục thiện. Các đức tính ấy xóa được mọi lỗi lầm trong quá khứ. Hãy đi đi! Và nhớ nên suy nghĩ chín chắn trước khi giúp đỡ ai, dù từ nay, các con chỉ giúp được người hạ giới bằng chính sức lực các con, chứ không dựa vào phép mầu nào. Sau mười năm, các con được trở về, trọn quyền sử dụng đũa thần.
Bà ban phép lành và chúc phúc cho ba cô học trò yêu, đoạn rút lui.
Từ đó, mọi sự diễn biến đúng như lời ba cô đã hứa cùng bà Nghiêm Lịch. Mười năm ròng rã, họ vất vả trong mọi công việc cần lao giúp đỡ kẻ bất hạnh dưới trần gian. Không một việc thiện nào làm cho họ phải hối hận sau khi nhúng tay vào. Công việc tuy nhọc nhằn, nhưng tâm hồn ba cô luôn luôn yên ổn, vui vẻ và phấn khởi. Họ hãnh diện và toại nguyện vì họ không dựa vào phép mầu huyền diệu của cõi Tiên. Cuối năm thứ mười, ba cô trở về Tiên giới. Bà Nghiêm Lịch đón ba cô bằng một nụ cười đôn hậu và trao lại ba cô những chiếc đũa thần. Bà bảo:
- Các con đã xứng đáng sử dụng phép mầu. Các con đã chín chắn, đáng cho ta tin cẩn, từ nay…
MINH QUÂN
(truyện phóng tác)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 133, ra ngày 15-7-1970)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét