Thằng Thông giữ lời hứa, mua đá chanh bao bè bạn. Đá chanh mát rượi, uống rồi, đứa nào cũng khỏe và hăng hái. Và đứa nào cũng mong sao đem về chiến thắng. Không đứa nào nhớ đến thằng Lên cả.
Nhưng rồi vào hiệp nhì, bọn lục hai bị đàn áp tơi bời. Lục ba thay mấy đứa mới. Bọn mới vào sung sức chiếm banh, ào xuống phần sân lục hai mấy lần. Thằng Phùng xiểng niểng, rán hết sức cứu nguy mấy lần. Một lúc, banh đã vào chân thằng Phương. Nó lừa qua thằng Tưởng, rồi Hạ, rồi Hiểu, chuyền cho một đứa bạn, đứa bạn chuyền lại nó. Phương đón được banh, dứt mạnh, đường banh chéo góc. Thằng Phùng tung mình ra, banh đã vào tay nó, nhưng thằng Phương đá mạnh quá, trái banh lại vọt ra ngoài, lăn từ từ vào lưới. Mấy đứa lục ba ở gôn bên này mừng, rú lên, có đứa nhảy cỡn sung sướng. Trụ gôn bên kia, bọn lục ba cũng hò reo vang dội. Lục hai thì trái lại, đứa này ngó đứa kia không nói một lời.
Thằng Phùng tự nhiên thấy mắt như đỏ hoe, nhặt banh, đặt xuống. Thầy Sơn huýt còi, Phùng uể oải đá, thằng Hạ đón được, lướt đi. Bị thua, bọn lục hai nóng ruột, cổ võ thằng Hạ vang rân. Nhưng Hạ để mất banh, thằng Cường lấy được lùa ngược lại. Lại vào chân thằng Phương. Bọn lục ba cổ võ, Phương lên tinh thần, lướt nhanh. Nhưng thằng Phu đã phá banh, đưa lên. Hai lớp đua nhau cổ võ. Vì trận banh đã gần dứt, bọn lục ba thì mong thắng thêm trái nữa, chỉ một trái nữa thôi là chúng nó cầm chắc cái thắng rồi. Bọn lục hai lại muốn gỡ hòa, để sau đó, lên tinh thần, may ra còn tạo chiến thắng.
Đứa nào đứng trong sân cũng hồi hộp. Tưởng được banh, chuyền cho Hiểu, lại sang Hạ. Chúng nó chuyền dần sang phần đất lục ba. Bọn lục ba đuổi theo, rối loạn ở một góc sân. Đã vào những giờ phút cuối. Bọn Tưởng, Hạ, Hiểu, Phu, Lộc đổ mồ hôi hột, chỉ sợ thua. Lục ba, kéo về xây thành. Banh vào chân thằng Phu, nó chợt nghĩ ra một kế, dẫn banh về một phía sân. Một thằng lục ba theo bén gót. Đằng sau còn mấy thằng nữa. Chợt Phu dừng lại, thằng lục ba sẵn đà vọt luôn. Phu phóng banh thật nhanh ngược về thằng Hạ, lúc đó chỉ cách trụ gôn lục ba có hơn chục thước. Bọn lục ba đuổi theo Phu chưa trở về kịp. Hạ mím môi, dồn hết sức vào chân phải, đá mạnh, cú đá của nó thật đúng lúc. Banh đi mạnh và thẳng. Thằng gôn lục ba đưa tay đấm banh ra. Trái banh quay một vòng trên tay nó, rồi vọt thẳng vào lưới. Bao nhiêu con mắt trong sân đều dồn vào trái banh nằm gọn trong khung lưới. Thằng Hạ đã gỡ danh dự cho lục hai. Ồn hẳn lên.
Thầy Sơn cũng vừa thổi còi dứt trận. Bấy giờ mọi người mới chú ý đến thằng Hạ. Nó đang nằm dưới sân, ôm chân. Phải dùng sức quá mạnh, thằng bé bị vọp bẻ. Bọn Tưởng, Hiểu xô lại trước tiên. Thầy Tuyên cũng băng sân đến bên học trò. Bạn bè đang thoa bóp cho thằng Hạ. Nó nằm ngửa, mắt nhắm, mặt nhăn nhó vì đau. Nhưng lúc mở mắt ra, thấy thầy Tuyên, nó cười.
Bảy
Lên thấy mình bị ngờ oan rõ ràng, nhưng không có cơ hội nào biện hộ. Hồi trưa đi học, Lên thấy mình như bị bỏ rơi, ít đứa nào còn nói chuyện với nó có vẻ thân mật nữa. Cho đến bọn thằng Tưởng cũng thế, chỉ nói chuyện với nó qua loa. Không đứa nào nói với Lên điều nghi ngờ nó, nhưng nó biết nó bị cả lớp ngờ việc nó nghỉ đá banh chiều chủ nhật có liên quan đến chuyện hơn thua của trận đấu. Thằng Hạ thấy Lên mới đến trường, lại đi xe đạp mới, nói mỉa :
- Chiều chủ nhật ở nhà đi mua xe đạp sướng ghê ta.
Lên nói :
- Đâu có.
Nhưng thằng Hạ làm lơ.
Chiếc xe đạp mới ! Lên nhớ lại chuyện chiều chủ nhật và sáng này. Chú Nhờ với thím ngọt không mua hụi, nên má Lên mua được dễ dàng. Có tiền, về nhà, Lên hỏi má, má nó chỉ nói để may sắm áo quần. Lên tin và thấy vui. Nhưng sáng này, khi đi xóm về, Lên thấy cạnh chiếc xe đạp cũ là một chiếc xe mới, sơn bóng láng. Nó tưởng có ai tới chơi, dựng xe ngoài này, mới rụt rè bước vào nhà. Nhưng không ai cả. Má nó đang sửa soạn làm cơm. Lên hỏi :
- Xe đạp của ai vậy má ?
Má nó ngước lên cười :
- Đố mầy đó ?
Lên đáp :
- Làm sao con biết được, má nói đi…
Má nó tủm tỉm, nói nhẹ :
- Của mầy đó…
Lên muốn chết đứng. Trời ơi ! Chiếc xe đạp mới đó là của con sao má ? Chiếc xe đạp, đẹp, sơn màu xanh da trời con ưng, có đèn, có chuông đó là của con sao má ? Má thương con quá đi thôi ! Con biết rồi, má lấy tiền mua hụi sắm cho con chớ gì. Chiều chủ nhật, con bỏ đi đá banh để đi mua hụi cho má, con đâu mong có lúc này, con chỉ ước sao má sắm đồ mới cho ba, khỏi sắm cho con cũng được, để ba khỏi bị chòm xóm kêu là hà tiện. Nghe chú Nhờ nói ba hà tiện, con muốn khóc. Vậy mà có ngờ đâu, má lại lấy tiền mua hụi mua xe cho con nữa. Hồi nào tới giờ, con vẫn biết má thương con lắm, nhưng thật không dè má thương con tới mức này. Má ơi ! Con sẽ học thật giỏi, con nhất định phải lấy cho được cái hạng nhất môn lý hóa kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt này, dù cho rằng, thằng Hạ ở lớp con học cũng khá lắm, còn hơn con nữa. Để khi nào thầy Tuyên tới chơi thầy trỏ con mà nói : “Em Lên học lý hóa khá đó bác, kỳ đệ nhị lục cá nguyệt rồi, em đứng nhất”. Chừng đó, hẳn con sung sướng lắm, mà má cũng hãnh diện vì con. Con nghĩ, đền ơn ba má, con chỉ còn cách đó.
Má thằng Lên hỏi :
- Mầy chịu chiếc xe đó không ?
Lên chịu đứt đuôi rồi, nói :
- Má thương con ghê…
Má nó cười :
- Bày đặt…
Nhưng bà cũng thấy trong lòng sung sướng nghe con nói được những lời đó. “Má thương con ghê”. Má không thương con thì thương ai bây giờ. Một đời má, má chỉ biết lo cho chồng, cho con. Ba con đó, nghe bà con nói là hà tiện, má chịu đâu được, dù vẫn biết, ba con có hà tiện thiệt. Ổng có lý của ổng. Ổng nói ổng hà tiện là để lo cho các con. Nhưng ba con biết lo cho các con, má không biết lo cho ổng sao ? Mua hụi được, má dành một phần để may sắm cho ba con ít bộ đồ mới, cho con cái quần xanh đi học, đôi áo trắng ngắn tay.. Còn dư nhiều, lại thấy con cứ phải khổ sở vì chiếc xe đạp cũ, nay nổ lốp, mai xì bánh, má mới bàn với ba con mua cho con chiếc xe mới. Cả ba lẫn má cùng chỉ cầu cho con được vui, học hành tấn tới.
Lên nhớ, sau đó, má nó nói nó chạy thử một vòng coi sao. Lên nghe lời, ra dắt chiếc xe đạp mới, leo lên, đạp ra khỏi ngõ. Có đứa bé đi ngược chiều, Lên bấm chuông reng reng, đi ngang chỗ chú Nhờ sửa xe, Lên cũng bấm chuông nữa. Chú Nhờ đang sửa xe, nhìn nó cười cười nói :
- Chà, le dữ ta, có xe mới chạy rồi…
Lên vui, đạp riết.
Nhưng bây giờ, cũng ngồi trên chiếc xe đạp mới, Lên thấy buồn thật buồn. Bị tụi bạn ngờ oan thì còn vui gì. Làm sao cho tụi nó hiểu mình bây giờ.
Mải nghĩ, Lên đạp xe tới đầu cầu hồi nào mà không hay. Nó xuống xe, dắt bộ qua cầu. Chiều xuống, nước sông nhuộm nắng vàng hoe. Lên nhìn xuống mà thấy buồn hơn. Nó nhớ lại những ngày nó cùng bọn thằng Tưởng đùa giỡn dưới sông, nhiều khi đến chiều tối. Bì bõm dưới sông đã thú, có bạn chuyện trò còn thú hơn nữa. Anh Kéo có nói với thầy Tuyên : “Tui nhớ sông ghê, ngặt đi bơi mà không có bạn, buồn lắm”. Có lẽ thằng Lên mất bọn bạn thân thiệt rồi. Nghĩ tới đây, Lên muốn khóc.
Qua hết cầu, Lên uể oải leo lên xe, đạp một cái lấy đà rồi thả dốc. Lại quẹo vào con đường đất bên trái, chui qua cầu xe lửa, quẹo trái nữa, thẳng về nhà. Lên muốn nhắm hẳn mắt lại, vì bất cứ cảnh vật gì trước mắt cũng làm nó nghĩ tới bọn bạn. Cây đa kia, chỗ bọn nó chơi cút bắt. Bụi tre kia, chỗ thằng Hạ bị chảy máu tay vì nhổ tre gặp gai. Quán ông Chín nữa, mấy đứa đã chẳng từng ngồi ăn cóc ngâm, ổi ngâm là gì… Nhớ quá đi thôi…
Tưởng ơi, Hạ ơi, Hiểu ơi ! Sao tụi mày không để tao nói một lời nào. Tụi mày không nói ra, nhưng tao biết, đứa nào cũng cho là tao muốn lớp mình bị thua, mới nghỉ đá banh chiều đó. Hoặc có khi, còn cho là tao hợm mình, ỷ bắt gôn khá rồi làm reo ? Không đâu, bao giờ tao cũng mến tụi mày, tao cũng muốn lớp mình đá thắng. Thằng Hạ đó, tao đã chẳng nói ước sao mầy được nhất nhiều môn để lãnh phần thưởng đặc biệt cuối năm đó là gì. Đó không phải là tao mến mầy, đó không phải là tao muốn lớp mình nổi tiếng sao ?
Bây giờ, tao chỉ mong sao tụi mày chịu nghe tao nói vì sao tao không đi đá banh chiều chủ nhật mà thôi. Rồi sau đó, tụi mày tin hay không cũng được.
Tám
- Dạo này thầy ít thấy em đi với mấy em Tưởng, Hạ…
- Tụi nó giận em rồi thầy…
- Hèn chi tôi rủ đi tắm, em Tưởng hỏi có ghé nhà em không, tôi nói có, mấy em đó liền từ chối, lấy cớ mắc học bài…
- Em buồn ghê…
- Mà sao giận nhau vậy ?
- Em cũng không rõ nữa.
- Kỳ vậy ?
- Bị… như vầy nè thầy… Chủ nhật trước, em mắc chuyện nhà không đi đá banh được. Lớp suýt bị thua. Qua thứ hai đi học, tới lớp em thấy tụi nó có vẻ làm lơ với em. Em muốn nói nhưng tự ái… Với lại, có muốn nói thì biết nói với ai…
Giọng thằng Lên nghẹn, mắt nó đỏ. Thầy Tuyên nhìn học trò ái ngại :
- Không lẽ chỉ vì em không đi đá mà cả lớp giận. Thầy nghĩ không phải tại chuyện đó đâu, mà là chuyện khác…
Gió sông nhẹ, mát. Con thuyền lờ lững. Thằng Lên đổi thế ngồi, nhìn xuống mặt sông. Bóng thầy Tuyên theo con sóng nhỏ lăn tăn. Lên nói vu vơ cho đỡ buồn :
- Ở đây yên lặng quá hé thầy…
Thầy Tuyên đáp :
- Ờ… yên lặng… lại buồn nữa…
Buồn thật. Lên, có lẽ em đang nhớ tới bọn bạn và buồn. Thầy cũng như em đó. Anh Kéo, tôi mến anh lắm, không hiểu vì lý do gì nữa. Có thể vì tính anh ngay thẳng, thành thật ; có thể vì mến tài bơi của anh ; có thể vì anh hợp với tôi ở chỗ chỉ thích sống trong cảnh đồng quê ; mà cũng có thể vì có một lý do huyền bí nào đó, có một sợi dây liên lạc vô hình nào đó giữa hai ta. Đi bơi với anh, nói chuyện với anh, tôi thấy anh thật đáng tiêu biểu cho một con người thôn dã. Thành thật và chất phác. Tôi vẫn ước có một mẫu người như thế để làm bạn. Thế mà… đất nước mình chinh chiến, anh phải đi, lâu lắm mới về một lần. Chúng mình có thật ít dịp gặp nhau. Sau lần đi bơi chung kỳ rồi, biết chừng nào mình mới gặp lại nhau anh Kéo nhỉ ?
Tiếng thằng Lên :
- Thứ tư này có giờ lý hóa, thầy hỏi tụi nó dùm em nghe thầy. Coi có phải tại vậy mà tụi nó giận em không ?
- Ừa. Nhưng em nói cho tôi rõ coi, bữa đó làm sao em nghỉ.
- Em mắc đi mua hụi dùm má em…
- Được rồi, tôi nói cho. Bạn bè ngày nào cũng thấy mặt nhau mà giận nhau thì kỳ lắm.
- Dạ… Chỉ có tụi nó chớ em đâu có gì…
Nói chuyện này hoài buồn chết, chỉ gợi cho mình nhớ anh Kéo. Thôi, để cho thằng Lên biết một tin mừng mới được, tội nghiệp nó. Thầy Tuyên nói :
- Lên nè, bài lý hóa bữa thi em làm khá ghê đi…
Lên nghe, mừng lắm, nó muốn hỏi thầy thật nhiều để biết rõ hơn, nhưng không dám… nói nhỏ :
- Dạ…
Biết ý học trò nóng ruột, thầy Tuyên cho biết luôn :
- Trong lớp có hai bài hoàn toàn nhất, của em với em Hạ. Tôi cho tới mười tám điểm lận. Mừng không…
Lên mừng hẳn rồi. Thế là đạt thành ý nguyện. Má ơi ! Lát nữa đây má sẽ được hãnh diện vì con. Con sẽ gợi để thầy Tuyên nói với má rằng con được hạng nhất môn lý hóa kỳ đệ nhị lục cá nguyệt này. Lúc đó, chắc con sẽ cười, nhìn má. Má cũng sẽ cười, nói với thầy Tuyên : “Vậy mà tôi tưởng nó cũng thường thôi”. Vui, Lên cười hoài.
Thầy Tuyên thấy học trò vui, huyên thuyên nói chuyện trong lớp :
- Em Hạ tôi thấy khá ghê, dường như ngoài môn lý hóa em ấy còn nhất nhiều môn nữa phải không Lên ?
- Dạ nó nhất tới bảy môn cả thẩy. Kỳ đệ nhị lục cá nguyệt này, mới thi quốc văn, lý hóa, vạn vật, nó cũng nhất tuốt…
- Giỏi ghê.
- Trong lớp, em phục có mình nó đó thầy…
Lên, em còn nói được câu đó sao ? Bấy nhiêu thôi, chỉ bấy nhiêu đủ cho thầy biết em tốt với bạn bè là chừng nào rồi. Em Hạ hiểu lầm mà giận em, lơ là với em mà em không oán, em vẫn ca ngợi bạn. Em thật tốt. Thầy nghĩ tâm hồn em phải trong sạch lắm, phải trong sạch lắm mới như thế được. Thầy chấm em nhất lý hóa cùng với em Hạ, nhưng nếu thầy có quyền cho thêm điểm hạnh kiểm vào điểm bài làm của em với em Hạ, thì em sẽ đứng nhất.
Thằng Lên vô tư :
- Em cầu trời cho năm nay thằng Hạ giành được phần thưởng đặc biệt.
- Chắc là được đó em.
- Nó mà được phần thưởng ấy, em mừng lắm.
- Sao vậy ?
- Dạ… không biết sao nữa, tự nhiên em nghĩ thế…
Thầy Tuyên thôi không nói. Thầy bận nghĩ nhiều về đứa học trò trước mặt. Nắng chiều đã dịu, con thuyền trôi ngược dần về bờ sông nhà thằng Lên. Phải chi có đông đủ, hẳn phải vui lắm. Nhưng cũng chẳng mất mát gì. Không được vui cái vui hợp quần, thì thầy cũng được vui cái vui tinh thần bé nhỏ. Niềm vui hé ra từ tâm hồn thằng Lên.
Chín
Kế lớp lục hai là nhà để xe. Hồi thằng Lên vào đệ thất, nhà xe này đã hư rồi. Bây giờ thì quá lắm, coi như teng beng hết. Chỉ còn cái mái. Xe đạp cũng ít, thành ra nhà trường không để ý tới, không cho sửa chữa gì cả. Phần đông đi xe gắn máy, để cả ở ven phòng thí nghiệm đằng dãy trước.
Trường còn một khoảng đất trống phía sau dãy sau ; ở lớp lục hai, mở cửa sổ, thì thấy khu đất này rõ ràng. Ở đấy có hai ngôi mả cổ, xây bằng đá ong, cây um tùm coi dễ sợ. Nhiều đứa nói đó có ma.
Thứ ba, buổi con trai học chiều. Mới một giờ hơn. Thằng Lên tự nhiên thấy nóng ruột, đi từ một giờ. Qua cầu lại mau, đi thẳng lên trường. Lên vào trường lúc trường còn thật vắng. Đi ngang sân chào cờ, liếc về mấy lớp lớn ở dãy trước, Lên thấy mới có một hai anh vào sớm, ngồi dò bài. Lớp lục hai chưa có đứa nào tới cả.
Lên dắt xe về phía nhà để xe. Chiếc xe mới, dắt đi không, vang lên những tiếng lách cách vui tai. Lên lựa một chỗ mát dựng xe, khóa lại cẩn thận. Xe đạp chớ cũng phải coi chừng như thường, lỡ ra mất thì khốn. Lại là xe mới nữa, mất uổng lắm.
Dựng xe xong, Lên lấy cặp đi về lớp, mở cửa định vào bỏ cặp, ngồi dò bài luôn. Cửa hôm nay sao kỳ, cứng ngắc, Lên kéo mãi không ra. Chắc bị kẹt gì đây. Lên bỏ cặp vào một khe chấn song cửa sổ. Trường xây cửa sổ trước theo lối mới, bằng những tấm bê tông đặt xiên, cách khoảng nhau. Những đứa nhỏ con có thể chui lọt, nhưng Lên có hơi lớn con, không lọt. Đành đứng đợi xem có thằng nào tới nữa rồi cùng kiếm cách mở cửa mà vào. Nóng ghê. Mà cũng lâu nữa, chưa thấy đứa nào tới cả.
Có tiếng chuông xe đạp leng keng ngoài sân. Lên nhìn ra. Thằng Tuần học lớp lục ba đang chạy xe đạp vào nhà để xe. Thầy Hiệu Trưởng đã cấm không cho chạy xe trong sân trường, nhưng chắc thằng Tuần ỷ còn sớm, văn phòng chưa có ai, mới phóng xe chạy đại. Thằng nghịch phá nổi tiếng ở lớp lục ba. Cho đến Lên còn không ưa được nữa, dù rằng hai đứa không học chung lớp và nhà lại gần nhau. Có lẽ một phần do ảnh hưởng của người lớn, hai gia đình hai đứa không ưa nhau mấy, ưa có chuyện đôi co. Lên không có ý gì ghét Tuần, nhưng vẫn thường tránh nói chuyện với nó, chỉ sợ rồi chuyện trẻ con mất lòng người lớn. Lên không muốn ba má buồn vì mình.
Thằng Tuần dựng xe xong, lấy cặp đi về phía lớp mình. Tay nó vung vung chiếc cặp. Ngang thằng Lên, không biết vô tình hay cố ý, chiếc cặp vung trúng ngay Lên. Lên đứng lui vào, không nói. Thằng Tuần đứng lại, giọng tử tế :
- Xin lỗi mày nghe…
Lên nói : “không sao” nho nhỏ rồi lơ đãng nhìn ra sân, coi chuyện như không đáng để ý. Trời nắng, bầu trời trong xanh.
- Ê, Lên, chủ nhật tới nữa mày có đá banh không ?
_____________________________________________________________
Xem tiếp Phần V
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 120, ra ngày 15-12-1969)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét