Một
Có tiếng con mực sủa ngoài ngõ, Lên ở trần, nằm lơ mơ trên chõng chống tay ngồi dậy nhìn qua khung cửa sổ. Nắng trưa chói, Lên phải chớp mắt mấy cái liền. Chợt nó reo lên mừng rỡ : “Ý, thầy Tuyên tới”. Rồi vùng dậy, chạy ù ra ngoài ngõ, đụng cả vào võng anh Kéo nó nằm ngủ. Anh Kéo choàng mắt, càu nhàu : “Gì vậy mày ?”. Lên quay cười không đáp, chạy thẳng.
Thầy Tuyên dắt xe Honda, chung quanh, thằng Tưởng, thằng Hạ, thằng Hiểu, đứa ngồi trên xe đạp, đứa tì cằm lên ghi đông xe của thầy. Thằng Hiểu đang ngó ra sông. Lên quát con mực. Thấy chủ, con vật thôi sủa, vẫy đuôi mừng. Lên mở cổng, cánh cổng tre kêu cọt kẹt. Thầy Tuyên hỏi :
- Ba má có nhà không Lên ?
- Dạ, có anh Kéo em mới về phép thôi hà. Ba má em mới đi xóm…
Nghe nói có anh Kéo ở nhà, thằng Hiểu đang lơ đãng nhìn ra sông, quay phắt lại hỏi :
- Anh Kéo đâu rồi mầy, Lên ?
Lên cười :
- Ảnh ngủ, vô kêu dậy chớ khó gì.
- Tao ưng ảnh ghê, bơi một cây. Hôm nay tao phải theo ảnh bơi qua bờ bên kia mới được…
Thầy Tuyên ngạc nhiên :
- Em bơi băng sông được lận, hả Hiểu ?
Hiểu cười bẽn lẽn :
- Đâu có thầy, em đeo phao, ảnh kéo qua đó chớ…
Thầy Tuyên cười : “Tưởng gì chớ ra vậy đó”. Rồi mấy thầy trò dắt xe vào ngõ nhà thằng Lên. Con mực hồi nãy sủa ghê, giờ lặng thinh cúp đuôi theo sau. Lên đóng cổng rồi mới theo vào sau cùng.
Anh Kéo đã thức dậy, vừa rửa mặt xong, chào hỏi thầy Tuyên :
- Lâu quá mới gặp thầy, thầy còn nhớ tui không ?
- Sao không, kỳ gặp anh lần chót năm rồi, tôi nhớ, hai đứa mình bơi băng sông đua đó. Tôi thua anh tới mười phút, mất một chầu cơm rượu bao…
Anh Kéo cười, rủ :
- Lần nầy bơi nữa nghe thầy. Lâu quá mới về phép, tui nhớ sông ghê, ngặt đi bơi mà không có bạn, buồn lắm…
Thằng Hiểu xen vào :
- Cho em đeo phao theo nghe anh Kéo. Em ham hái mận bờ bên kia quá, mùa này chắc trái nhiều…
- Mầy chỉ có vậy…
Anh Kéo nhìn thằng Hiểu nói, rồi lại quay sang thằng Lên :
- Hổng kéo ghế cho thầy sao mầy, Lên. Tụi thằng Hiểu nữa, kéo ghế ngồi chơi một chút cho đỡ mệt rồi ra sông tắm…
Tiếng kéo ghế vang lên. Có cả tiếng quạt phành phạch nữa. Thằng Tưởng cởi nút áo, gấp tờ báo làm quạt. Tất cả chia làm hai phe, hai người lớn nói chuyện, hỏi han nhau, tụi nhỏ ngồi tán dóc. Thằng Tưởng mở đầu :
- Mùa này mùa mận hả Lên ?
- Ừa, hồi về, tụi mầy ra vườn hái ít trái đem về làm quà. Vườn nhà tao năm nay sai trái ghê.
- Còn mía ?
- Cũng bộn, bưởi nữa…
Thằng Hạ tắc lưỡi :
- Nghe nói bưởi, tao thèm ghê.
- Hồi nữa ăn chớ lo gì.
Thằng Hiểu góp ý :
- Làm gỏi ăn nghe mầy, tao ưng món đó.
Thằng Hạ mới đi lần đầu, cũng là dân tỉnh khác mới tới, chưa biết mới hỏi :
- Gỏi gì dó ?
Lên đáp :
- Gỏi bưởi chua. Tao kể cho nghe, nè, bưởi chua hé, đu đủ già hé, bông mít hé, đậu phọng rang hé, thêm tôm khô, nước mắm ớt. Đem trộn chung lại…
Hạ suýt xoa :
- Nghe bắt thèm…
Lên hứa :
- Chút tắm rồi, tao làm cho ăn.
Thầy Tuyên nói chuyện, bỏ dở, góp :
- Chà nghe tả mà thèm, nè Lên, có làm thì dành cho thầy chút nghe.
Lên cười :
- Thầy nói vậy chớ… Em trộn cho thầy với anh Kéo một dĩa thiệt bự.
Anh Kéo trở lên nói với thầy Tuyên :
- Ở nhà có mình nó trộn gỏi, làm mắm ớt ngon nhất đó thầy. Má tui dạy nó mà còn thua nó nữa thì thầy biết…
Thầy Tuyên cười, thằng Lên bẽn lẽn. Hai người lớn lại tiếp nối câu chuyện dở dang. Bọn trẻ cũng thế, đứa nào cũng ham góp chuyện. Chỉ có thằng Hạ là hơi ít nói. Dù gì, nó cũng còn lạ, ưa nhìn quanh quẩn trong nhà, có lúc nhìn ra sông phía trước. Nắng dịu và có gió mát.
Một lúc, đã hết mệt, thầy Tuyên mới hỏi bọn học trò :
- Tắm chưa mấy em ?
Bọn trẻ nhao nhao lên :
- Tắm thầy ! Giờ này mát lắm…
- Anh Kéo nhớ cho em đeo phao theo qua sông nghe.
- Đem theo mía xuống gặm nghe mầy, Lên.
Thầy Tuyên và anh Kéo đứng lên, gật đều hết. Ai cũng cười. Bọn trẻ mừng, cởi áo quần dài máng vào đầu chõng thằng Lên, trần xì có chiếc quần đùi. Thoáng một cái, tất cả đã ùa ra ven sông trước nhà Lên. Thằng Hạ nhanh chân hơn cả, chạy nhanh ra chiếc cầu gỗ nhỏ bắc nhô ra ngoài sông, nhảy ùm xuống, nước bắn tung tóe. Ai thấy cũng náo nức muốn xuống tắm. Thầy Tuyên đứng trên bờ, nói vọng xuống :
- Nè Hạ, tắm gần bờ thôi nghe, coi chừng bị vọp bẻ đó…
Thằng Hạ vừa bơi vừa dạ gọn. Thằng Tưởng và thằng Lên cũng xuống liền đó, bơi đến bên thằng Hạ, nói :
- Đừng lo, có gì có tụi tao đây. Dân Cù-lao chớ bộ…
Rồi ba đứa rủ nhau bơi đua, chỉ ven bờ. Khúc sông bị khuấy động, sóng lăn tăn thật xa. Thầy Tuyên nhìn theo thằng Hạ, dặn một lần nữa :
- Nhớ nghe Hạ, coi chừng vọp bẻ.
Tiếng thằng Hạ dạ từ xa vọng lại. Đằng này, thằng Hiểu cũng đã khoác phao vào mình, nóng lòng nói với anh Kéo :
- Qua sông chưa anh ?
Anh Kéo cười :
- Mầy theo qua sông thiệt sao Hiểu ?
- Dạ.
Thầy Tuyên dặn :
- Cẩn thận đó nghe ! Hôm nay thầy chịu trách nhiệm với ba má mấy em về mấy em đó. Đừng để xảy ra chuyện gì hết mới được…
Hiểu vâng dạ. Được qua sông là Hiểu thích rồi, bảo gì mà nó không nghe theo. Vì nhất định hôm sau đi học, nó có quyền ba hoa với tụi bạn cùng lớp rằng “tao bơi qua sông”, và tụi bạn nó sẽ phục sát đất. Bơi qua sông chớ bộ, dễ gì đứa nào bơi được ? (thằng khôn ghê, chỉ nói là bơi qua sông chớ không nói rõ là đeo phao theo anh Kéo qua sông !).
Thằng Hạ cũng đang sung sướng, nó vùng vẫy dưới nước thỏa thích, trong lúc thằng Tưởng, thằng Lên thôi bơi, lên bờ lấy mía, rồi trở xuống sông, gặm ngon lành. Mía nhà thằng Lên mập, mọng nước mà mềm. Thằng Tưởng bẻ một khúc ném về phía bạn :
- Nè, của mày nè.
Hạ bơi đến vớt khúc mía, đưa lên miệng gặm. Mía ngọt, nó lim dim mắt, thả mình bềnh bồng trên mặt nước, nghĩ đến chuyện hồi sáng này.
Gia đình Hạ mới tới tỉnh này có mấy tháng, nó học trường công nên được chuyển đến học tiếp đệ lục ở N.Q, trường công lập của tỉnh. Nhờ khá, Hạ có bạn thật mau. Các thầy, các cô, phần đông cũng chú ý đến, nhất là thầy Tuyên. Thầy Tuyên lại ưa cùng bọn thằng Tưởng đi bơi ở khúc sông trước nhà thằng Lên. Hạ biết chuyện, nghe thầy nói bữa nay đi tắm, mới xin theo. Thầy Tuyên ưng, nhưng ba má nó không chịu, nói nó ưa bị vọp bẻ, đi tắm sông sợ nguy hiểm. Biết rõ, thầy Tuyên mới khuyên nó ở nhà. Hạ nghe lời nhưng buồn, nó có vẻ không còn hăng hái học nữa. Biết ý học trò, thầy Tuyên chiều nó một lần sáng nay cố xin cho nó được đi. Hạ mừng ghê, nó hứa sẽ học lý hóa môn thầy Tuyên dạy thật cừ.
Nhưng học lý hóa có cừ hay không thì phải đợi thi xong lục cá nguyệt rồi mới biết, chớ còn về môn gặm mía, Hạ quả là cừ ! Nó ăn hết khúc mía thật mau. Thằng Tưởng phải đưa thêm cho bạn khúc mía nữa.
Ba đứa bạn dầm mình dưới sông gặm mía, mắt dõi về phía giữa sông. Anh Kéo, thầy Tuyên và thằng Hiểu nhấp nhô giữa những đợt sóng nhỏ. Họ đã ra giữa dòng. Thằng Tưởng thấy tức cười, cười hoài khi nhìn thằng Hiểu đeo phao được anh Kéo dìu qua sông. Anh Kéo bơi vẫn cừ, chỉ với một tay, còn tay kia, dìu thằng Hiểu. Vậy mà vẫn theo kịp thầy Tuyên.
Nắng vẫn còn, chiều ngang con sông được ba người kia thu ngắn dần. Ba đứa ở bờ bên này cùng tưởng tượng chút nữa, họ trở về, thế nào cũng có ít mận bờ bên kia làm quà. Chợt thằng Hạ chép miệng :
- Không biết chừng nào tao bơi được như anh Kéo…
Tưởng cười :
- Chắc không được quá. Mầy ưa bị vọp bẻ, tập bơi hoài nguy hiểm.
Hạ biết chỗ yếu của mình, lại chép miệng :
- Tao xui ghê.
Rồi nó giận, không biết là giận ai nữa, chắc là giận trời, nổi khùng, ném vụt khúc mía đang ăn dở, nhoài mình bơi thẳng. Nước tung tóe lên mặt nó ran rát.
Hai
Giờ ra chơi, không đứa nào thấy thằng Hiểu đâu cả. Mãi lúc chuông reo vào lớp, học sinh vào gần hết, mới thấy nó le te bước vào. Thầy con chưa cho ngồi xuống, thằng Tưởng đã huých tay bạn hỏi :
- Nãy giờ mầy đi đâu vậy Hiểu ?
Hiểu cười tủm tỉm, ra vẻ bí mật :
- Chút tao nói cho nghe.
Thầy cho ngồi xuống, hàng loạt tiếng động vang lên. Giờ vạn vật thầy ưa hỏi bài, tiếng lật tập, tiếng dò bài là nhiều hơn cả. Bọn thằng Tưởng nghịch nhưng đều khá, không đứa nào dò bài, mà lo hỏi chuyện thằng Hiểu. Chỉ có ba đứa ngồi cùng bàn, Hiểu, Tưởng, Hạ ; thằng Lên ngồi tuốt bàn chót, ngóng lên sốt ruột. Mãi lúc thằng Hạ hỏi, Hiểu mới chịu nói :
- Tụi lục ba hẹn chủ nhật tới đá banh đó.
Chỉ mấy tiếng đó là thằng Tưởng, thằng Hạ hí hửng. Vài đứa khác cũng biết, chuyền dần tin này đi. Lên nghe được, tự nhiên cười và nghĩ đến trận banh sắp tới. Mấy đứa có trong hội banh của lớp dần dần biết tin hết. Một vài đứa trước đó, không thuộc bài sợ xanh mặt, lo dò bài, giờ quên tuốt luốt. Đứa nào cũng vẽ trong óc hình ảnh trận đá banh sắp tới. Hai ba đứa nói chuyện, hẹn phải hạ bọn lục ba mấy bàn trắng. Thầy đang trả bài, thấy ồn, mới gõ thước. Cả bọn nín khe.
Đến lượt thằng Tưởng bị trả bài, nó đang ba hoa với thằng Hạ về thành tích chiến thắng của lớp, nghe gọi tên, giật mình, vơ vội cuốn tập lên bàn thầy. Nó chỉ tạm quên chuyện đá banh trong lúc trả bài, xong, thầy vừa trả tập, nó lại nghĩ đến chuyện này ngay. Thầy vạn vật nhìn nó cười hỏi :
- Hồi nãy ngồi dưới có chuyện gì vậy Tưởng ?
Tưởng cười cười, gãi đầu, ấp úng :
- Đâu có thầy…
Nó nghĩ, về đến chỗ, nó sẽ thôi nói chuyện để thầy khỏi để ý. Nhưng ngồi rồi, nó lại không yên, lại quay sang thằng Hạ nói chuyện. Thằng học trò giỏi này ham chuyện, hỏi :
- Cho tao đá banh với được không ?
Tưởng cười, tròn mắt :
- Mầy mà cũng biết đá banh ?
- Ừa.
Tưởng quay sang Hiểu, nói :
- Thằng Hạ biết đá banh đó mầy.
Hiểu hỏi :
- Cừ không ?
- Ai biết được.
Thầy đã thôi trả bài, ngồi nhìn hai đứa nãy giờ mà không đứa nào biết. Lúc thầy gọi “Hiểu”, hai đứa mới giật mình, hoảng, thằng Hiểu dạ một tiếng. Thầy hỏi :
- Nói chuyện gì đó ?
Hiểu đứng dậy, ấp úng muốn nói lại thôi. Thầy lại hỏi :
- Tưởng, đứng coi, nói chuyện gì vậy ?
Tưởng đứng dậy nhìn Hiểu. Hai đứa im thin thít. Bàn có bốn đứa, hai đứa đã bị đứng dậy, thằng Hạ ngồi kế thằng Tưởng, lo lắng, đợi đến phiên. Nhưng thầy không hỏi đến nó, mà hỏi thằng Tứ ngồi sau lưng Tưởng. Thằng này thưa thật :
- Thưa thầy… tụi nó nói chuyện đá banh…
Mới nghe tới hai chữ đá banh, lớp đã ồn ngay. Bọn học trò hỏi nhau :
- Hồi nào đá banh đó mầy, Đông ?
- Sao hồi nãy hổng nói cho tao biết…
- Đá banh hả ? Sướng ghê, tụi mình đi ủng hộ cho đông mới được.
Thầy đập thước, tiếng ồn ào bàn tán chỉ bớt đi chớ không hết hẳn được. Biết tiếng lớp lục hai này ham đá banh, thầy tha cho hai thằng Tưởng, Hiểu. Hai đứa được ngồi xuống, nhìn nhau cười. Vui, thầy hỏi :
- Chừng nào đá banh Tưởng ?
Thằng Tưởng mới ngồi xuống, nghe thầy hỏi vội đứng lên đáp :
- Chủ nhật này nè thầy.
- Với ai đó ?
- Với lớp lục ba ạ.
Thầy cười :
- Có vậy mà hồi nãy giấu !
______________________________________________________________
Xem tiếp phần II
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 117, ra ngày 1-11-1969)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét