Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Tim Tím Như Hoa Dại (Chương 2) - Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Chương 2

Nguyễn! Chính Nguyễn đã là hình bóng ám ảnh Đoan suốt cả một tuần. Ở trước mắt Đoan, bây giờ, hồ như không còn ai cả. Chỉ có Nguyễn, sống động như biển khơi - và đôi khi cũng trầm lặng như hồ thu. Trong trí Đoan, lúc nào cũng như có đôi mắt sâu buồn của Nguyễn chăm chú nhìn, và bên tai như có tiếng hát ấm áp cùng giọng đàn êm ngọt. Nguyễn đã đến, qua bức chân dung, qua tập ảnh nhỏ, qua chiếc máy thâu băng - trong một giây phút ngắn ngủi ở nhà Thái - với Đoan, bằng cả năm dài. Phải thế không ? Người ta chỉ cần vài giây thôi, đủ bằng mấy tháng mấy năm tìm kiếm. Một phút giây sống động, một phút giây đầy niềm cảm xúc, đủ lưu lại trong tâm trí cô bé những nỗi nhớ vô biên. Đoan bỗng dưng thấy lòng mình có một sự thay đổi, khó giải thích nhưng hết sức thú vị. Đoan đã thoát ra khỏi những muộn phiền vô cớ. Đoan cảm thấy yêu đời, yêu tất cả mọi cảnh vật xung quanh. Bởi vì ở đâu đâu Đoan cũng thấy như có Nguyễn hiện diện. Khi chim hót trên ngọn cây Kim quất, hồ như có tiếng đàn ấm của Nguyễn phụ họa theo. Khi cá lội trong hồ nước trong vắt, có dáng Nguyễn ngồi vẽ lại cảnh nên thơ. Khi hoa Hoàng Hậu rơi rụng trước hiên nhà, cũng có Nguyễn lắng cảm xúc ghi thành lời nhạc. Và lúc Đoan ngồi đàn một mình, cơ hồ có Nguyễn ở một phía vô hình nào cất tiếng hát theo. Có phải Nguyễn là đáp số cho bài toán khó khăn của Đoan? Có phải Nguyễn là câu trả lời cho mọi nỗi băn khoăn mới chớm lên trong lòng cô bé? Đoan cảm thấy đời sống như đã có một vài đổi thay - những đổi thay thú vị, đổi thay trong một khoảng đời bình lặng êm đềm và đổi thay trong tư tưởng đủ để mỗi khi nghĩ đến cô bé lại thấy tim đập nhanh một chút và lòng xuyến xao lạ thường. Nhưng luôn luôn cô bé tự nhủ: phải che giấu đi, thứ tình cảm riêng tư đó, và triệt để che giấu, cô bé đã không hé răng cho một ai biết nỗi niềm riêng của mình. Cô bé cảm thấy như mình vừa phạm tội - một tội đáng yêu - mỗi khi nghĩ đến Nguyễn lòng lại hồi hộp như sợ ai nhìn thấu tư tưởng mình. Chỉ dám hỏi đón đầu Thái một câu “Anh của Thái chỉ về nhà ngày chủ nhật ? “ Vì Thái nói anh ở xa, mỗi tuần đều có về - thì Đoan phải đoán là ngày chủ nhật. Thế thôi, Thái không cho biết gì thêm và như vậy Đoan cũng ngại ngùng không hỏi gì nữa. Đoan sợ Thái biết được Đoan đã tò mò tìm hiểu Nguyễn qua những vật dụng trong nhà, sợ Thái biết rằng Đoan đã ngẩn ngơ khi chạm phải đôi mắt của Nguyễn trong bức chân dung, và đã lâng lâng tâm trí khi lắng nghe lời hát của Nguyễn. Ngược lại, Thái cũng không để ý đến sự đổi thay nơi Đoan. Cả lũ bạn nhỏ cũng vậy. Không ai biết gì về Đoan. Điều này làm Đoan đỡ áy náy hơn. Hôm ấy, Đoan phải giữ nét mặt bình tĩnh ghê lắm để không ai nghi ngờ. Đoan vẫn hòa mình vào những câu chuyện vui vẻ, vào những cuộc chơi lý thú. Giang chèo xuồng đưa cả bọn đi vòng một cái ao rộng. Đoan phải đàn cho tất cả bạn bè nghe. Không ai biết cô bé vừa đàn vừa ngóng mắt về phía gian nhà gạch - nơi mà cô bé nghĩ rằng có Nguyễn chiếm hữu tất cả những vị trí khắp nơi. Ba mẹ Thái rất hiền hòa, để mặc bọn trẻ chơi đùa, ăn uống với nhau. Cuộc vui kéo dài đến mãi bốn giờ chiều, năm đứa mới rủ nhau về.

Đoan sợ cả lũ bạn thân. Tụi nó vô tư quá đi ! Nhưng nếu lỡ có đứa biết được ý nghĩ của Đoan thì sao ? Biết đâu được... Huyền, Giang, Văn, Hướng... đứa nào cũng lém lỉnh cả. Rủi nó biết được, Đoan sẽ mắc cỡ chết thôi. Đoan sợ luôn cả chị Thúy nữa. Chị có vẻ lưu tâm đến sự vui buồn của Đoan lắm. Đoan không dám hé môi nói gì với chị, ngoài những khi phải trả lời những câu hỏi của chị. Đoan không có cái bạo dạn của mấy cô bé trong phần đông những cuốn tiểu thuyết, hơi một tí là sà vào lòng mẹ hay ngồi bên chị kể lể, tâm sự. Dầu thương chị Thúy rất nhiều nhưng Đoan nghĩ sẽ không bao giờ Đoan nói với chị điều ấy. Đoan thấy thứ tình cảm lạ đó, nó yếu đuối, bé mọn lắm - cần phải che giấu với tất cả mọi người. Nhưng trái lại, ở trong Đoan, nó lại mạnh mẽ to lớn, chiếm đầy cả con người... Nguyễn ! Một hình ảnh xa lạ chợt thân mến, chưa gặp nhưng hồ như đã quen nhau tự đời kiếp nào.

Và cứ thế, cô bé Đoan, đã mơ mộng, càng trở nên mơ mộng hơn.
° ° °
- Con nhà Hướng nhắc, ta mới nhớ. Chết không!

Đoan vội vã lấy tờ giấy báo có ép cánh hoa dại ở Suối Dầu ra xem. Lá và hoa đã khô lại và mỏng ra. Mầu hoa vẫn không phai. Hướng mới nhìn thấy đã xuýt xoa:

- Đoan gắn vào tập đi, để ở ngoài nó rách hết đó.

- Dĩ nhiên rồi. Đoan ép đến trang thứ hai trăm thì thôi, không ép nữa.

Hướng trố mắt:

- Sao vậy?

- Vì Nha Trang gần hết hoa dại rồi. Đi đâu cũng gặp lại những thứ hoa cũ. Sợ còn không đến hai trăm thứ hoa.

- Tại Đoan không biết, chứ nếu đi đến những nơi xa xa như ngọn đồi hôm nọ, có nhiều loại hoa dại đẹp “dễ tào ”...

- Gì gì? Hướng nói lại coi…, “dễ tào” là gì?

Hướng cười :

- Danh từ nhập cảng từ Sàigòn đó. “ Dễ tào “ là dễ sợ, là ghê lắm, là vô cùng, là... là...

Đoan cũng cười, xua tay:

- Thôi, biết rồi! Nói tiếp chuyện đi! Bộ Hướng tưởng trời sinh hoa dại cho tụi mình hái hoài sao?

- Chứ gì nữa?

- Hướng lầm rồi ! Ta gọi chúng là hoa dại bởi vì chưa ai đặt tên cho chúng. Nay mai có những thi sĩ, những văn sĩ, hay những nhà thực vật học sẽ lưu ý đến chúng, và sẽ đặt cho mỗi loại một tên. Chúng sẽ không còn là hoa dại của tụi mình nữa. Mà chúng sẽ tầm thường như hoa Cúc, hoa Hồng, hoa Móng Tay, hoa Hoàng Hậu trong sân nhà này vậy thôi.

Đoan thở dài :

- Lúc đó, tập hoa của ta, ta sẽ vứt vào một xó.

Hướng ngạc nhiên trước thái độ của Đoan. Đôi mắt anh chàng mở tròn như để tìm hiểu xem cô bạn của mình đã có gì buồn bực. Nhưng Hướng vẫn không thấy gì hơn là: Đoan vẫn dễ thương, dễ mến và đáng được mọi người chìu chuộng. Hướng nói:

- Thế nếu mà Nha Trang này quả thật hết hoa dại, thì Đoan sẽ tìm ở đâu?

- Nếu chưa đủ hai trăm cây, Đoan sẽ hái thêm ở... Sài gòn.

Hướng giật mình như một lò xo. Điều này thật tình chưa bao giờ Hướng nghĩ tới.

- Đoan vô Sàigòn?

Đoan không để ý đến sự ngạc nhiên của Hướng, vui hẳn lên:

- Huyền nó chưa nói cho Hướng nghe à? Nó bảo nếu Đoan đậu cao, nó sẽ nộp đơn xin cho Đoan vào học lớp đệ nhất Gia Long với nó.

- Hướng đâu có nghe Huyền nói gì!

- Đoan cũng bảo nó khoan nói cho ai biết, vì kết quả chưa có mà! Nhưng sớm muộn gì, trong năm nay, không thì lúc lên đại học, đứa nào cũng phải vô Sàigòn.

Hướng vẫn chưa hết ngơ ngác:

- Nhưng... sao Đoan lại thích học đệ nhất ở trong ấy?

- Vì trong ấy học vui, nhiều sinh hoạt, đầy đủ phương tiện. Đoan lại không lo chỗ ở, vì đã có chị Thúy trọ học trong Sài gòn rồi. Với lại, Hướng thử nghĩ, nếu Đoan xin vào trường công, Đoan đỡ tốn tiền một năm học, trong khi ở đây ba má phải lo cho Đoan học trường tư. Hơn nữa...

Đoan bỗng nghĩ đến Nguyễn, và im bặt. Nguyễn hiện ra, to lớn, lôi cuốn. Đoan muốn nối tiếp câu nói - bằng ý nghĩ - rằng Nguyễn là một sinh viên của một trường đại học nào ở Sài gòn. Chắn chắn là như vậy. Đoan tin là trực giác và sự suy luận của mình đúng. Sài gòn, nơi mà Nguyễn sống nhiều hơn sống ở nhà - sẽ là nơi Đoan đặt chân đến. Đoan tin là nơi đó có Nguyễn. Đoan tin là Đoan sẽ gặp Nguyễn...

Còn Hướng, bỗng nhiên Hướng nghe lòng chùng xuống. Hướng ngơ ngẩn nhìn Đoan, không ngờ bạn mình có những mơ ước xa hơn mình nghĩ. Hướng cũng thi vừa xong, cũng lo âu chờ đợi kết quả, cũng được rảnh rang mấy ngày hè để đi chơi với bạn cho thỏa. Nhưng chưa bao giờ Hướng có một ý nghĩ nào như Đoan, ý nghĩ xa lìa thành phố quen thân này để đi tìm một nơi học khác. Hướng nghĩ nơi đây có quá nhiều người thân, có quá nhiều nguồn vui. Nhất là còn có Đoan - nhỏ bạn gái thân mến từ ấu thời, mà Hướng quý, thương, chìu chuộng luôn luôn - nhỏ bạn gái mà Hướng tự nguyện hái hoa dại cho hắn và thỉnh thoảng đùa vui Hướng vẫn quen miệng xưng hô “bà, tui ” và hắn vẫn tỉnh bơ gọi Hướng là “con nhà Hướng” hay “thằng khỉ ”. Hôm nay Hướng chợt nhận thấy Đoan không còn hoàn toàn là “ Cô Bé ” của những ngày tháng xa xưa. Đoan đã có một chút gì xa lạ. Đoan đã có những ý tưởng mới, những ước mơ mới, và những cử chỉ đối với Hướng cũng mới nốt. Hướng nghe hơi buồn buồn. Tuy nhiên, Hướng không muốn để lộ cho Đoan thấy. Hướng vờ đứng lên huýt sáo nho nhỏ, nhưng đã hết hứng để nói chuyện.

- Hướng ăn ổi không ?- Đoan hỏi đằng sau Hướng.

Hướng lắc đầu, và tiếp tục huýt sáo. Đoan cho rằng đó là cử chỉ bình thường của Hướng, nên thản nhiên ngồi ngắm nhánh hoa dại ép. Bỗng Đoan nhớ ra một điều, liền gọi :

- Hướng này ! Chủ nhật ngày mai Hướng có đi họp không?

- Chắc là không.

Đoan vui mừng :

- Vậy thì bọn mình rủ nhau đi đến nhà Thái nhé!

Hướng quay lại. Một tia nắng vui vừa rọi vào lòng. Thì ra nhỏ Đoan vẫn còn thích đi chơi với lũ nhóc tụi mình. Hướng gật đầu ngay:

- Đi chứ! Nhưng sao không đi chỗ nào khác mà lại đến Thái?

- Đoan thèm uống nước dừa nhà Thái... nhất là môn bơi xuồng... Đoan muốn nhờ Giang nó tập cho Đoan chèo xuồng...

Đoan nói dối tài tình. Hướng tin ngay và vui hẳn nét mặt lên.
° ° °
Hướng và Giang leo xuống chiếc xuồng. Đứa em trai lớn của Thái cũng xuống theo. Hướng kêu lên :

- Đoan! Xuống đây!

Đoan lắc đầu, chỉ vào hai ống quần ướt sũng nước :

- Thôi! xin đi! Leo lên leo xuống ướt hết quần áo người ta rồi đây. Suýt nữa là té chết luôn. Thôi! Tôi sợ rồi! Hướng tập một mình đi.

Đoan cố ý tỏ vẻ sợ sệt cho bạn tin thật. Giang chèo xuồng quay đầu đi. Đoan nhìn Thái, le lưỡi:

- Tưởng là dễ, không ngờ tập chèo khó ghê Thái nhỉ?

Thái cười :

- Rồi cũng quen đi chứ! Nhưng thôi, nếu Đoan sợ thì tụi mình ngồi đây chơi cho mát. Tiếc nhỉ, không có Huyền và Văn cho đủ “ngũ quái” của Đoan.

Đoan gật đầu. Không có Huyền và Văn vì hai người ấy bận việc nhà. Nhưng đã có Giang và Hướng, Đoan vẫn rủ đi được. Khi đến vẫn thấy Thái vui mừng và tươi cười vì có bạn đến chơi. Nhưng trong thâm tâm Đoan, không phải muốn đến để thăm Thái hay để học chèo xuồng, mà cốt để gặp Nguyễn - một hy vọng không lấy gì chắc chắn cho lắm - Đoan mong sẽ gặp Nguyễn, hiện diện ở trước sân nhà, hay trong phòng khách, sau vườn dừa hay trên chiếc xuồng con. Nhưng mãi đến trưa nay, Đoan vẫn chưa thấy ai ngoài Thái, ba mẹ Thái và các em Thái. Đoan muốn hỏi Thái một câu, nhưng cảm thấy vô lý. Đoan lại e một sơ hở nào của mình sẽ khiến Thái biết được ý nghĩ của mình, và lúc đó Đoan sẽ xấu hổ biết bao ! Hay là Nguyễn không có về nhà như Thái nói? Đoan nghĩ thế rồi lại phủ nhận ngay, bởi vì những vật dụng của Nguyễn để trong phòng khách chứng tỏ rằng ít nhất phải có mặt Nguyễn trong nhà một ngày nào đó trong tuần. Càng nghĩ Đoan càng tức tối cho sự nhút nhát của mình và càng băn khoăn vì sự vắng bóng của Nguyễn.

Thấy Thái lim dim mắt sắp ngủ dưới tàn cây mát, Đoan giả vờ đứng lên nói :

- Để Đoan vào phòng khách lấy quyển album cho Thái xem hình năm đứa tụi Đoan nhé ! Đoan để ở trong giỏ mây.

Thái gật đầu trong khi mắt gần như trít lại. Đoan nhẹ nhàng đứng dậy. Đi ngang căn nhà bằng đất Đoan liếc nhìn thấy các em của Thái đang bày trò chơi cho nhau. Đoán chừng ba mẹ Thái cũng đi nghỉ trưa rồi, Đoan se sẽ bước lên phòng khách. Khung cảnh vẫn yên vắng như ngày Đoan đến, như lúc sáng nay. Không có gì thay đổi. Đoan đến bên chiếc giỏ của mình để ở góc phòng. Và Đoan thừ người ra trước bức ảnh bán thân của Nguyễn. Nguyễn vẫn đưa đôi mắt sâu và buồn nhìn Đoan. Đôi mắt như muốn nói gì với Đoan, làm Đoan bối rối. Một cảm giác như ngây dại thoáng qua trong lòng. Đoan tưởng tượng nếu người trong ảnh bây giờ là Nguyễn thật sự, Nguyễn bằng xương bằng thịt... đứng trước mặt Đoan và nhìn Đoan bằng đôi mắt ấy... Đoan nghe nóng bừng hai má, hoảng hốt lui lại. Đoan định với lấy giỏ rồi chạy ra khỏi phòng. Nhưng rồi Đoan lại tự chế nhạo mình đã lo sợ hão. Ở đây không có Nguyễn, không có ai cả, ngoài Đoan. Thái có lẽ cũng đã say ngủ dưới bóng cây. Mấy tên con trai chắc cũng đang bơi xuồng ra đến giữa ao. Đoan lặng yên ngồi xuống ghế, rồi cũng tiện tay… bấm nhẹ nút của chiếc máy thu băng.

... Giọng của Nguyễn lại cất lên, trầm ấm trong một bản nhạc ngọt ngào. Đoan nhắm đôi mắt lại... Nguyễn! Anh là ai? Người của sự thật và người của tưởng tượng. Anh ở đâu? Tại căn nhà này, hay một nơi nào của đất nước, hay chỉ có trong trí tưởng tượng của Cô Bé? Nhưng anh là một thực thể. Anh có đó, bằng hình ảnh và giọng hát. Nghĩa là phải có anh, dù ở một nơi nào... Nguyễn đã chấm dứt bài hát và đang dạo đàn cho bản kế tiếp. Ca khúc này, không êm dịu ngọt ngào như bài trước. Mà Nguyễn hát bằng giọng đau đớn, khắc khoải. Lời hát diễn tả tâm trạng của một người rơi từ đỉnh thác xuống một vực sâu, một người đang ở tột cùng của hy vọng rơi xuống khoảng tối tăm của cuộc sống. Lời lẽ ẩn giấu nỗi tuyệt vọng. Đoan nghe tim nhói đau. Phải Nguyễn đó không ? Phải nỗi lòng của Nguyễn là như thế không? Đoan xúc động nghẹn ngào. Không kềm chế nổi, Đoan bật khóc. Tiếng Nguyễn vẫn vang vọng bên tai…
° ° °
Chị Thúy kê bức tượng con gà lại cho ngay ngắn, rồi gật gù ra vẻ hài lòng lắm :

- Chắc ba sẽ khen cho coi. Đoan ngắm xem có được điểm nào không?

Đoan ngừng viết, nhìn lên:

- Để khuyến khích, em cho mười một điểm bảy mươi lăm. Ba mà không khen thì ai khen bây giờ? À, nhưng chị Thúy ơi, sau con gà này, chị sẽ làm gì?

- Chị sẽ nắn cho Đoan một bức tượng đương ngồi đàn, chịu không?

- Nhất chị Thúy! Em ước gì có tài như chị, để em nặn một bức tượng...

Mắt Đoan trở nên mơ màng. Chị Thúy cười :

- Của ai?

Đoan nói lảng đi :

- Một bức... tưởng tượng. À, em đố chị Thúy, nếu chị nghe một cái tên, chị có đoán ra người mang tên ấy hình dáng, tính tình ra sao không?

Chị Thúy đùa:

- Được chứ! Thí dụ... nghe tên “Đoan”, chị có thể hình dung một cô bé cao lêu nghêu này, da hơi trắng này, mắt to lông mi dài này, mặt xương xương buồn buồn này, đánh đàn ghi-ta giỏi này, tính tình thì hay nổi cáu bất tử, lười biếng như con mèo này...

Đoan phá lên cười :

- Chị Thúy khôn nhé ! Tả người ta kỳ cục quá ! À, thí dụ... tên Hậu?

Chi. Thúy suy nghĩ :

- Tên Hậu... chị tưởng tượng một cô mặt tròn tròn này, da thật trắng này, miệng luôn luôn cười này...

- Tên Đình?

- Đình?... Nếu hắn là con trai, có lẽ là một người ốm, cao, da ngăm đen, mặt vui vẻ và... có đeo kính cận.

- Tên... Nguyễn?

Chị Thúy mở to mắt:

- Nguyễn! Một cái tên khó gợi hình quá! Thật khó tưởng tượng một người tên Nguyễn hình dạng ra sao...

Đoan tủm tỉm cười :

- Chị thử ráng tưởng tượng xem sao ?

- Nhưng mà... Nghe tên mà đoán người đâu có gì là hợp lý? Thí dụ nhiều người mang cái tên thật kiêu kỳ diễm lệ mà thô kệch xấu xí, hay mang tên Trung, Hiếu, Tiết, Hạnh mà lại không có một đức tính nào thì sao? Nghe tên đoán người, chị thấy có vẻ “phản khoa học” lắm Đoan ạ!

- Thì chị đoán thử xem.

Chi. Thúy nhíu mày :

- Ừ thì đoán! Tên Nguyễn... Chà khó dữ! Cái tên không gợi một ý nào... À, thôi thì cứ tưởng tượng chàng Nguyễn nào đó là một anh chàng lùn này, mập này, đen này, lé này, có giọng cười khả ố và... lúc nói chuyện người ta thấy lắp lánh răng “dzàng” này...

Đoan bịt tai lại cười rú lên :

- Á! Ghê quá! Thôi chị Thúy ơi, em xin chị... Tài đoán tướng của chị siêu việt quá, em sợ rồi.

Đoan cười đến chảy nước mắt, cười đến nỗi chẳng thấy gì trước mặt. Chị Thúy cũng che miệng cười:

- Ai tên Nguyễn mà nghe chị đoán như thế chắc giận lắm.

Đoan lẩm bẩm:

- Chị này, làm thầy tướng có nước dẹp tiệm sớm. Người ta... gầy gầy, cao cao, người thanh tao nhã nhặn, đôi mắt sâu và buồn ghê hồn, giọng thì ngọt như gì...

Chị Thúy nghe tiếng được tiếng mất, quay lại nhìn Đoan. Chị thấy Đoan như đang suy nghĩ đến một điều gì. Đôi mắt Đoan trở nên đăm chiêu ghê gớm. Tự nhiên, chị Thúy mỉm cười. Chị lẳng lặng bước xuống sân, vờ như không để ý đến Đoan, và ngóng nhìn một cánh bướm vàng lởn vởn trên đầu cây Kim Quất. Cô bé càng ngày càng tỏ ra thay đổi tâm tính, thấy lạ lạ. Một hình bóng nào đã thoáng qua trong lòng chăng ? Một khung cảnh nào đã mở ra trước đôi mắt nai tơ? Một cung đàn nào đã trổi lên giữa dòng đời phẳng lặng? Tự dưng chị Thúy nghe vui vui, nhưng cũng thoáng chút lo âu. Chị đã qua một thời mơ mộng rồi. Không có gì làm cho chị hài lòng. Mọi việc đều bình thường, đôi khi quá tầm thường, không giống như hình ảnh trong sự mơ mộng. Chị chỉ muốn cho cô bé, càng giữ được sự vui vẻ hồn nhiên ngày nào càng hay ngày ấy. Chị chỉ muốn nhìn Đoan vô tư chơi đùa với đám bạn nhỏ mãi mãi. Chúng đã thân nhau từ ấu thời, thương yêu nhau, đối xử với nhau hết sức chân thật. Đoan sẽ không nghĩ đến những phiền toái, những vây hãm của cuộc đời, bắt con người phải lo nghĩ, phải đối phó - và cầu xin đừng có gì xảy đến cho Đoan, đứa em út mà chị thương yêu vô vàn.

- Chị Thúy ơi! - Đoan gọi phía sau - Hôm nay ổi chín rơi nhiều ghê! Không có con nhà Hướng tới ăn cho đỡ phí của trời.

- Ừ nhỉ ! Sao nó không đến chơi?

- Hình như bữa tập bơi xuồng ở nhà Thái, hắn dầm nước nhiều quá, bữa nay chắc cảm rồi.

Chị Thúy lơ đãng nhìn về phía khu vườn:

- Nhiều trái ổi to quá! Đoan phải rủ mấy đứa lại ăn một bữa. Hướng... à, Hướng nó dễ thương đấy Đoan nhỉ?

Đoan cười :

- Đứa nào cũng dễ thương cả. Nay mai Huyền nó về Sàigòn, chắc buồn dữ.

- A, nói đến về Sàigòn chị mới nhớ...

Chị Thúy chạy đến bên luống hoa Móng Tay đang nở, xuýt xoa :

- Hoa màu đỏ đẹp quá! Bữa nào nhập học chị sẽ mang một ít giống hoa đỏ này vô Sàigòn để xin trồng trong sân trường chị. Sân trường Văn Khoa trông buồn ghê Đoan ạ. Chị nghĩ phải có một ban chỉnh trang để ít nhất sân trường phải có hoa có lá cho vui mắt chứ!

Đoan náo nức:

- Chao ôi! Em còn một năm nữa lận cơ! Em nghe nói đến đại học là mê luôn. Em phải có dịp để ngắm trường Văn Khoa của chị.

Chị Thúy cười :

- Phải đợi khi nào những cây hoa Móng Tay này nở đỏ sân trường chị đã. Ở bên trường chị nhìn qua trường Dược mới sướng mắt.

Lại một điều mới lạ nữa. Đoan hỏi:

- Bên trường Dược có gì hở chị ?

- Có thật nhiều hoa. Hoa đủ màu! Bên đó lại còn có một vườn dược thảo, có đủ loại cây, có một cái hồ nước tròn, chính giữa hồ có tượng ông Galien bằng đồng đen thật là đẹp. Cái hồ đó thẳng hàng với một luống hoa Hồng thật ngay ngắn và luôn luôn nở thật tươi...

- A !

Đoan kêu lên một tiếng và nhớ đến tấm ảnh của Nguyễn chụp trong sân trường. Không sai một tí nào, cảnh trong sân trường của Nguyễn giống y hệt cảnh mà chị Thúy mô tả. Một cái hồ, một bức tượng, một luống hoa, khu vườn dược thảo... Trực giác của Đoan quả không sai. Nguyễn học ở Sài gòn. Nguyễn là sinh viên trường Dược Khoa. Một điều khám phá mới! Một khám phá lý thú và tình cờ! Đoan mỉm cười một mình...
° ° °
- Con nhà Hướng! Khéo không thôi bể cây đàn của tui!

Đoan la lên trong khi Hướng vẫn băng băng đi lên đồi. Huyền cũng bắt tay làm loa gọi phụ họa :

- Hướng ơi! Hướng ời! Đi gì nhanh vậy?

Hướng quay lại nheo mắt:

- Ở trên kia có một đám hoa dại.

Đoan hỏi :

- Sao Hướng biết?

- Tôi lên đây hoài. Để tôi hái xuống cho.

- Nhưng phải cẩn thận, đừng có dùng cây đàn của tôi mà làm gậy nha ông… hướng đạo!

- Ừa mà!

Huyền cúi xuống bẻ những cành lá trải đầy một vuông đất. Cả bọn ngồi lên và Đoan bắt đầu soạn bữa ăn trưa. Hướng từ trên đỉnh đồi chạy nhanh xuống, trên tay cầm một nhánh hoa dại. Giống hoa khác hẳn những giống từ trước đến giờ Đoan đã ép, và đẹp hơn nhiều. Nhưng cánh hoa có màu tím thẫm thật buồn. Và cũng như bao nhiêu lần trước, Hướng nói :

- Cho Đoan đấy! Hoa dại.

Đoan ép ngay vào mảnh giấy báo. Hướng hỏi :

- Đủ hai trăm cây chưa?

- Chưa, mới có một trăm mấy chục loại thôi.

Huyền nói:

- Sau này Huyền mà học Khoa Học, sẽ mượn tập hoa ép của Đoan, đặt tên và trình luận án về... hoa dại ở Nha Trang...

Văn bật cười :

- Cam đoan là sẽ đỗ... Tiến sĩ về “hoa dại”.

Hướng nhớ lại những lời Đoan nói hôm trước, cãi ngay :

- Huyền bò xạo nhé ! Đã được đặt tên mà còn dám gọi là hoa dại sao được?

- Gọi hoa dại vì nó mọc dại, chứ có gì lạ đâu!

- Vậy tôi sẽ cho Huyền bò đậu Ưu hạng...

Huyền đắc chí:

- Chưa hết đâu! Đậu xong, Huyền sẽ bắt học trò của Huyền học thuộc lòng tên của hoa, và bắt phải về ngay tại Nha Trang hái ép đủ hai trăm cây...

Đoan tiếp lời :

-... cho chết luôn. Cứ trung bình mỗi năm có vài trăm sinh viên của Huyền kéo về đây tàn sát hai trăm thứ hoa của tui... chắc mấy ngọn đồi ở đây trọc lóc.

Không ai nhịn cười được. Văn gật gù :

- Gớm nhỉ! “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”.

Huyền thích thú:

- Nhưng người ta đã đổ sơ sơ.. cái tú tài một. Phải cho cô Tú cái quyền nghĩ đến cái tương... , cái lai chứ ! sao lại cấm ta? Chao ôi, nhớ lại cái lúc nhận được tấm giấy điện tín... của ba má ta... báo tin ta thi đậu, ta mừng muốn khóc. Sao mà sung sướng thế? Bây giờ ta đã an phận ta rồi, chỉ còn lo cho mấy nhà ngươi mà thôi.

Văn xua tay:

- Ở đó mà láu táu, cô nương ạ! Hôm nay cô nương khao cả bọn cái gì đây?

- Lúc về sẽ khao năm đứa nhóc ăn phở.

Văn thích chí cười tươi, Hướng lắc đầu :

- Thôi đủ rồi! Tôi không khoái ăn phở của Huyền bò đâu. Hôm nay ăn trưa tại đồi này... gọi là khao Huyền thi đậu đi!

- Í, đâu có được - Văn phản đối - Cơm vắt này là của cô bé nấu, còn phở mới là của Huyền bò.

Để giảng hòa, Đoan nói:

- Thôi thì khao hai đợt vậy, ăn khao bây giờ, chiều về ăn khao nữa. Vả lại, cứ tưởng tượng như bữa cơm này là khao... Đoan thi đậu đi!

Hướng nói :

- Ừ, đúng vậy.

Nhưng chợt Hướng im bặt, mặt sa sầm ngay. Không ai thấy sự thay đổi của Hướng, mà lại tiếp tục tán gẫu. Đoan sắp xếp năm chiếc muỗng xung quanh một đĩa giấy đựng cơm vắt, và giở gói muối mè ra. Cả một buổi dang nắng và đi bộ làm cả bọn đói bụng nên ăn rất hăng hái. Ăn xong, Huyền thu dọn những vật thừa thãi, còn Đoan phải đàn cho cả bọn nghe. Dưới bóng cây râm mát, giữa buổi trưa hè yên lặng, chỉ còn nghe tiếng đàn ấm cúng.

Đoan vừa đàn, vừa phóng tầm mắt nhìn ra dòng suối trước mặt, khung cảnh êm ả vô cùng. Trong một thoáng, Đoan quên cả đám bạn bè vây quanh, mà tưởng tượng đến Nguyễn. Hình bóng Nguyễn vẫn to lớn, mạnh mẽ hiện diện trong tâm trí Đoan, ở mọi hoàn cảnh. Đoan thấy Nguyễn cũng ôm đàn, nhìn Đoan mỉm cười bao dung. Nguyễn chập chờn bên bờ suối, Nguyễn ẩn hiện trong lá cây, Nguyễn bềnh bồng trên những cụm mây trắng mỏng. Khi thì Nguyễn hát những lời ngọt ngào, khi thì Nguyễn hát ray rứt, đau khổ... Đoan không biết rằng sự tưởng tượng của Đoan đã hòa nhập vào bàn tay, đã khiến giọng đàn tự nhiên biến đổi âm điệu, không ngờ. Hướng lạ lùng kêu lên :

- Đoan đàn bản gì vậy?

Đoan ngơ ngác ngừng tay. Giang nhỏm dậy :

- Bản gì lạ thế? Mà hay ghê hồn.

- Hướng nói gì? Giang nói gì?

Vẻ thờ thẫn của Đoan làm ai cũng buồn cười. Huyền đập nhẹ vào tay bạn :

- Người ta hỏi Đoan đàn bản gì hay thế? Bộ Đoan mới sáng tác hở?

Đoan giật mình:

- Ơ, đâu có! Đàn bậy bạ chơi mà! Thôi không đàn nữa đâu!

Huyền tủm tỉm cười:

- Cô bé đang mơ mộng hết hứng rồi!

Hướng bỗng đứng dậy, nói:

- Đoan, đi hái hoa dại không? Tôi biết một nơi này, nhiều thứ cây lạ lắm!

Đoan đáp không suy nghĩ:

- Ừ đi thì đi. Ngồi hoài một chỗ... đâm ra buồn.

- Huyền đi không?

Huyền lắc đầu, cười:

- Không, để dành chân chiều còn lội về chứ ! Hai đứa đi đi, nhưng nhớ đừng để cọp vồ. Còn hai tướng Giang, Văn này tí nữa thế nào cũng nhảy ùm xuống suối. Tôi làm “quản gia” cho.

Huyền nói như một bà già, rồi thản nhiên lấy sách ra đọc.

Đoan theo Hướng đi xuống đến gần Suối Dầu, rồi vòng theo đường lên một ngọn đồi khác. Hướng đun tay vào hai túi quần, vừa đi chậm chờ Đoan.

Buổi trưa thanh vắng. Đoan nghe tiếng chim hót trên những ngọn cây cao. Hướng ngước nhìn lên như đón nắng, nói nhẹ :

- Hướng đã hứa sẽ có lần dẫn Đoan đến xem nhiều nơi ở đây, đẹp dễ sợ Đoan ạ!

- Có tầm thường như những thắng cảnh mà mình đã biết không?

- Không, cam đoan là không. Ai đến Nha Trang cũng cần đi xem những thắng cảnh có những tên rất kêu. Còn cảnh của Hướng, không ai cần đến cũng được. Vì nó rất buồn, và không ai chăm sóc nên...

- … có rất nhiều hoa dại?

- Đúng. Nhưng đó là điểm chính mà Hướng thích. Có khi Hướng đi một mình đến đó. Có khi Hướng muốn rủ Đoan và ba đứa nhóc kia đến đó, nhưng lúc sau này lần nào đi chơi Đoan cũng thích đến nhà Thái, Hướng phải nghe theo vậy.

Đoan liếc nhìn Hướng, thấy mắt Hướng như có vương một tí khói. Tự nhiên Đoan thấy tội nghiệp Hướng. Hướng nói :

- Đoan còn nhớ hôm nhỏ Huyền bò mới ở Sài gòn về không? Bọn mình cũng đến đây. Hôm đó Hướng vui nhất. Bữa nay nhỏ Huyền sắp về Sàigòn, có lẽ là bữa chót mình đi chơi mà đầy đủ cả năm đứa. Không biết có còn dịp nào nữa chăng?

- Hướng chỉ lo sợ hão. Còn thiếu gì dịp? Huyền nó về, rồi sang năm nó lại ra, tụi mình lại đi chơi. Cũng như Đoan...

Giọng Hướng nghe trầm hẳn lại :

- Cũng như Đoan, rồi Đoan cũng được vào Sài gòn học, có còn ai ở đây?

Đoan xúc động :

- Hướng! Hướng cũng xin vô Sàigòn học nhé!

Hướng lắc đầu:

- Hướng không có phương tiện, không có điều kiện. Nhất là bây giờ không ai cho phép Hướng vô Sài gòn.

- Nhưng nếu Hướng đậu cao?

Hướng yên lặng, lầm lũi đi. Rồi chừng như cảm thấy không nên để Đoan buồn lây, Hướng đổi giọng :

- Nhưng mà hôm nay là bữa chót chúng mình đi chơi đầy đủ với nhau, phải vui chứ Đoan nhỉ! Hướng sẽ chỉ cho Đoan ngọn đồi cao nhất ở đây, hoang và đẹp không thể tả.

Hướng và Đoan bắt đầu leo lên một cái dốc cao. Trên mặt đất giăng đầy những thân cây hoang bò chằng chịt. Đất thì bở và rất dễ trợt chân. Hướng rất thành thạo trong lối đi rừng, nhưng Đoan thì không quen. Hướng phải nắm tay Đoan khi leo lên những mô đất cao, và phải trấn an Đoan khi gặp những chú cắc kè giỡn đùa trong đám lá. Hai người đã đến ngọn đồi mà Hướng nói, họ bước lên những bậc đá xếp thô sơ dẫn lên đỉnh đồi.

... Hướng chỉ vào ngôi mộ hình chữ nhật sơn màu nâu đỏ, nói giọng ngậm ngùi :

- Đoan đọc đi ! Mộ của bác sĩ Alexandre Yersin đó ! Từ lâu Hướng muốn dẫn Đoan đến đây, để nói cho Đoan biết ước mơ của Hướng.

Đoan hoảng hốt :

- Hướng? Cái gì?...

Hướng ngồi xuống bên thành mộ :

- Hướng và người dưới mộ không có gì liên hệ với nhau. Nhưng mỗi khi nhìn ngôi mộ này, Hướng thường ao ước mình sẽ được như vậy.

- Hướng! Nghĩa là...

- Nghĩa là Hướng muốn khi chết, được chôn trên một ngọn đồi.

- Hướng nói dại.

- Không. Đời người rồi cũng qua chứ, phải không Đoan ? Lúc Hướng còn tràn trề hy vọng về chuyện học hành thi cử, thì Hướng ao ước đời mình sẽ đi lên mãi, Hướng ao ước về sau làm được một cái gì, như Yersin, để Hướng được chôn trên một ngọn đồi, tuy hoang sơ nhưng tràn đầy ý nghĩa.

Gương mặt của Hướng lúc này nghiêm trang không ngờ. Đoan thấy Hướng thật người lớn, thật chững chạc, khác hẳn Hướng “thằng khỉ” của thường ngày. Hướng nói tiếp:

- Nhưng mới hôm qua, đến hôm nay, Hướng nghĩ khác. Không phải ai muốn làm một Yersin cùng được. Ai cũng có quyền mơ ước, nhưng mơ ước có thành hay không, còn do định mệnh. Hướng nói đến hai chữ “định mệnh” nghe sáo quá Đoan nhỉ ! Mỗi người có một phần số. Mỗi người cố gắng làm được một cái gì trong hoàn cảnh của mình, thế thôi. Hướng cũng sẽ cố gắng làm một cái gì trong phần số của Hướng. Ông Yersin chắc cũng không làm gì hơn được ngoài phạm vi của ông ta.

Đoan nhíu mày :

- Hướng nói gì, Đoan chưa hiểu?

- Ông Yersin chỉ giúp đỡ chúng ta, chứ không bị ràng buộc bởi chúng ta. Nhưng Hướng khâm phục ông Yersin. Mà Hướng chỉ ao ước, dù là người vĩ đại hay chỉ là một người bình thường, khi nhắm mắt Hướng sẽ được chôn trên một ngọn đồi, như ông ta vậy. Vì đây là quê hương của mình. Vả lại, ở đây có nhiều người gần gũi, ít nhất cũng còn gia đình, và lũ bạn bè khóc cho mình nhiều giọt nước mắt...

Nét mặt Hướng thản nhiên, nhưng giọng Hướng hoen đầy lệ. Đoan bùi ngùi:

- Hướng ! Bữa nay Hướng nói gì... giống người lớn quá !

Hướng cúi xuống ngắt một cành cây, rồi cũng như bao lần, Hướng trịnh trọng đưa cho Đoan. Giọng Hướng buồn buồn :

- Cho Đoan nè! Hoa dại !

Đoan nhận lấy, rồi không dằn được, Đoan khóc, nói nghẹn ngào :

- Hướng phải nói cho Đoan biết, tại sao hôm nay Hướng buồn vậy ?

Hướng nhặt một hòn đá, ném cho lăn xuống đồi, và đứng lên nhìn thẳng vào mắt Đoan :

- Đã gần hết buổi đi chơi của bọn mình rồi, Hướng có quyền nói... rằng là chiều hôm qua Hướng đi xem kết quả ở trường. Đoan đậu rồi ! Đoan đậu Bình lận. Văn cũng đậu. Còn Hướng và thằng Giang rớt... Đoan hiểu chưa ?...
° ° °
Buổi sáng trong trẻo như mọi buổi sáng của thành phố. Nhất là buổi sáng đến trong một khu vườn xinh xắn, trước hiên nhà thơ mộng. Nhưng không gian cơ hồ ngưng đọng lại trong một chút buồn phiền. Cả những khuôn mặt trẻ trung cũng không còn nét vui tươi thường lệ. Ngôi nhà của Đoan, giống như theo một quy ước đã có từ lâu, hôm nay lại là nơi họp mặt lần cuối trước khi Huyền về Sàigòn, còn Hướng và Giang thì nhập ngũ.

Mỗi người ngồi trên một chiếc ghế, yên lặng theo đuổi một ý nghĩ riêng. Cảnh đáng lẽ vui nhưng đã mất bao nhiêu hứng thú. Không còn những nô nức của những tấm lòng trẻ dại thích hội họp, thích tìm trò chơi. Nét mặt của Hướng và Giang thì dù đã cố gắng bình thản, vẫn không che giấu được vẻ ủ dột. Cả hai buồn vì sắp xa những người bạn thân mến, và lo vì nghĩ đến những ngày học tập mới, chắc sẽ nhiều cam go hơn là thú vị.

Văn dán mắt vào một quyển sách, cố gắng đọc nhưng không nhận được một ý nào. Từ lúc nghe kết quả, muốn nói gì để an ủi bạn một câu, nhưng sắp mở miệng lại cảm thấy lời an ủi nào cũng vô duyên. Không có sự khách sáo giữa những người bạn thân. Phải vui cái vui của nó và đau khổ với cái buồn của nó. Vì lẽ đó mọi câu an ủi đều vô nghĩa. Từ hôm hai bạn thi rớt, Văn không rủ được họ đi chơi một nơi nào. Không còn một hứng thú nhỏ bé nào nữa. Mỗi người rồi sẽ đi một con đường. Văn còn có thể nối tiếp ước mơ trở thành chuyên viên của Hải Học Viện, nhưng còn hai đứa bạn của mình đã phải rẽ ra một lối khác. Và Văn chợt nhận ra rằng mình vẫn chưa bao giờ được biết Hướng hoặc Giang mơ làm nghề gì sau này. Hình như vì quá thân nhau từ thưở bé nên họ chỉ quen nô giỡn hồn nhiên với nhau mà chưa một lần hỏi han những chuyện xa vời. Tự nhiên Văn cảm thấy một sự hối tiếc hiện đến trong lòng.

Huyền mân mê trong tay một nhánh Trước Đào, màu hoa đỏ trông buồn. Huyền nghĩ đến những cành Phượng giờ này chắc đã nở đỏ rực trong sân trường Gia Long, và nghĩ đến những cuộc chia ly đã xảy ra trong đời học sinh của mình. Hồi thi đậu đệ thất, Huyền đã chia tay với bạn nhỏ ở Nha Trang để vào Sàigòn. Mỗi năm, bãi trường, lại cũng tiễn đưa nhau, viết lưu bút, rồi thì tặng hình kỷ niệm, nhớ cô nhớ thầy, lại cộng thêm sự khóc lóc. Nhưng chưa có lần chia tay nào như lần này. Không phải tạm biệt nhau để hứa hẹn một sự gặp gỡ khác, cũng trong trường lớp cũ, mà để mỗi người đi một lối rẽ riêng. Những người tiếp tục sự học còn có thể cảm thấy mình vẫn bé bỏng. Nhưng ra đi như Hướng và Giang là phải nhận mình đã lớn. Phải gắn liền mình vào những kỷ luật mới, bắt đầu những học tập mới, và chắc chắn sẽ có những bạn bè mới. Nghĩ đến lúc Hướng, Giang thay đổi, xa lạ, Huyền nghe buồn ghê gớm.

Chỉ có Đoan là mang những ý nghĩ phức tạp trong đầu. Cô bé, cùng một lúc, đã đón nhận nhiều sự vui buồn. Đoan đã thỏa mãn mơ ước đậu cao để dễ dàng xin vào học trường công. Nhưng đáng lẽ Đoan phải reo lên vui mừng khi nghe tin ấy, lại phải khóc với nỗi buồn của Hướng và Giang. Đáng lẽ cả bọn phải khao nhau và rủ nhau đi chơi cho thỏa những ngày hè, lại chỉ được họp mặt một lần nữa, để mỗi người đi một con đường. Cùng một lúc nuối tiếc những ngày nô đùa với các bạn ở quê nhà, Đoan lại náo nức nghĩ đến lúc được đặt chân đến đô thành mới lạ. Trong những nỗi vui buồn ấy, Nguyễn hiện ra, rạng rỡ, tươi cười. Nguyễn sinh hoạt sống động trong ngôi trường đại học xinh xắn của Nguyễn. Nguyễn trầm lặng trong không khí bình yên của quê nhà. Nguyễn chập chờn trong ánh nắng. Nguyễn phảng phất trên lá cây. Giọng hát của Nguyễn đọng buồn trước hiên vắng, khi Đoan ngồi yên mỗi chiều tối nhìn hoa Hoàng Hậu rơi đầy sân. Làm sao ngăn cản những ý nghĩ hỗn độn trong đầu? Chúng hiện diện cùng một lúc, bắt Đoan phải quay cuồng với chúng. Có khi Đoan muốn thêu vẽ những hình ảnh tưởng tượng - về Nguyễn, về Sài gòn, về trường Gia Long, về trường Dược - thì nỗi buồn của Hướng, của Giang hiện đến, cộng với những nuối tiếc bao nhiêu kỷ niệm nhỏ dại thân ái làm Đoan băn khoăn. Có khi Đoan muốn quên Nguyễn đi trong một khoảng thời gian nào, để dành trọn tâm trí nghĩ đến các bạn thân sắp phải xa lìa - thì hình ảnh Nguyễn xâm chiếm đầy ắp tư tưởng. Đoan muốn trút phần nào những ý nghĩ của mình cho một người thân - má, chị Thúy, hay Huyền. Nhưng không thể mở lời được với ai cả. Má không thuộc lớp người trẻ. Má lại mang nhiều nỗi ưu phiền. Từ ngày anh Đạm mất, má buồn như một cái bóng. Không có quyền làm cho má suy nghĩ thêm, ngoài việc lo học hành cho má vui lòng. Chị Thúy, dầu là người gần gũi nhất, vẫn có những cách biệt nào đó mà Đoan chưa phân tích rõ. Hình như chị cũng có những suy tư riêng của chị. Chưa bao giờ Đoan được nghe những tâm tình riêng của chị thì Đoan vẫn còn ái ngại khi muốn thổ lộ với chị về chuyện của mình. Còn Huyền, tuy là đứa bạn thân nhất của Đoan, nhưng từ thuở lên trung học, sống xa nhau, hẳn Huyền cũng khác Đoan một phần. Huyền có lối sống, lối suy tưởng của người Sài gòn - trong khi Đoan, chưa đi đâu ra khỏi thành phố này, vẫn còn mang vẻ e dè, kín đáo. Hơn nữa, Huyền lại là bạn của Thái, nên những ý nghĩ của Đoan về Nguyễn lại càng không nên để lộ cho Huyền biết. Và như thế, một mình Đoan giữ kín những ưu phiền của mình, gánh chịu những ý tưởng lẫn lộn, những vui buồn đầy ắp trong một tâm trí nhỏ bé.

Đoan chợt nhìn Hướng, và nảy sinh một ý nghĩ lạ lùng. Nếu Hướng là con gái... thì Đoan hẳn sẽ không khổ sở như thế này. Hướng gần gũi Đoan hơn ba người kia. Hướng cùng học với Đoan từ thuở mà người ta gọi là “mũi xanh còn chảy thò lò” cho đến nay, Hướng có thể được gọi là “người lớn”. Hướng thương mến, chìu chuộng Đoan hơn cả một người anh. Hướng lại có nhiều điểm giống Đoan, thích những cái thích của Đoan, yêu những cái yêu của Đoan. Nhất là hôm tập bơi xuồng ở nhà Thái, Hướng đã đi tìm Đoan giữa lúc Đoan còn say mê với tiếng hát của Nguyễn. Hình như Hướng có đứng một lát trước cửa mà Đoan không hay. Mãi đến khi Hướng lên tiếng gọi, Đoan mới giật mình và bối rối. Có thể Hướng đã hiểu một phần ý nghĩ của Đoan. Hướng thông minh lắm, không có việc gì che giấu được với Hướng. Hướng là người duy nhất có thể hiểu Đoan. Nhưng, ôi, Hướng lại là con trai. Nếu “tâm sự” với Hướng có lẽ Đoan sẽ mắc cỡ chết thôi, không biết phải giấu mặt đi đâu. Nghĩ đến nét mặt của Hướng rủi đã không thông cảm, mà lại giở tướng “khỉ” ra trêu Đoan, Đoan không nhịn cười được.

Tiếng cười của Đoan, nhỏ, nhưng phá tan sự yên lặng vây quanh năm người. Hướng ngẩng mặt, hỏi :

- Đoan có gì vui vậy?

Đoan đứng lên, nói lớn:

- Không có gì vui cả. Nhưng tại sao chúng mình lại buồn nhỉ? Hướng ra đây, Đoan đãi Hướng một bữa trái cây. Hướng muốn ăn gì thì tùy ý. Giang, Văn, Huyền nữa, ra đây!

Rồi Đoan bước xuống sân trước tiên, lấy cây sào dùng để hái trái, chạy vào vườn. Bốn người kia đi theo. Đoan dùng sào để chọc cho rơi xuống những trái ổi vừa chín cho bạn nhặt lấy. Hướng như cũng hăng hái theo, thoăn thoắt leo lên cây “sa-bô-chê” gần đó. Hướng nói vọng xuống :

- Ta sẽ ăn hết trái chín, trái xanh của nhà cô bé.

Văn nói :

- Nhớ chừa mấy con sâu lại...

-... cho thằng Văn.

Huyền cười :

- Khéo tí nữa Hướng với Giang lên xe ôm bụng đấy.

Giang nói :

- Không lo, tôi đã có mang sẵn hai lọ dầu cù là.

Không khí lại vui nhộn lên. Chỉ cần mỗi người một câu hơi tếu, đủ xua tan những nỗi ưu tư. Tuổi nhỏ dễ vui, dễ buồn và cũng dễ quên, nên trong một thoáng không ai còn nghĩ đến những ngày sắp tới nữa.

Hướng hái những trái “sa-bô-chê” chín bỏ đầy hai túi quần rồi trèo xuống, lấy ra đếm. Chỉ vừa đúng năm trái. Hướng chia cho cả bọn. Đoan cũng vừa đem những trái ổi đến giếng nước rửa sạch. Bữa “tiệc” nhỏ diễn ra ngay trong khu vườn. Hướng nói với giọng bùi ngùi:

- Biết bao giờ mới họp mặt đầy đủ ở tại vườn này như hôm nay nhỉ?

Giang nói:

- Cô bé nhớ chăm sóc cây cối cho tươi tốt, khi nào hai đứa tôi về thăm phải có trái chín để ăn đấy!

Đoan cười :

- Khỏi lo, Đoan cũng cưng chúng hết mình. Nếu không có Đoan, đã có ba, có má Đoan, lo gì?

Hướng gật đầu:

- Đúng rồi, mai mốt Đoan cũng vô Sài gòn, học chung với Huyền, có ai ở đây mà săn sóc? Huyền này, nhớ nộp đơn đàng hoàng cho cô bé nghe!

Huyền cười hóm hỉnh :

- Ghê chưa! Cần gì con nhà Hướng ra lệnh, ta đã sẵn sàng cả rồi.

Văn lên tiếng:

- Còn tôi xin tình nguyện ở lại làm người chăn... cá.

Hướng thở dài, rồi há miệng đưa một trái ổi vào, cắn “đốp” một cái.

- Thế là xem như yên thân mỗi đứa rồi nhé! Nhưng việc gì phải buồn? Sang năm tôi mong ai cũng thi đỗ cả.

Mọi người yên lặng.

Giang bỗng đưa tay lên, nhìn đồng hồ rồi nói:

- Đã đến lúc làm lễ “ bế mạc” rồi nha! Phải dành mười lăm phút để đi ra xe.

Hướng vứt mảnh ổi còn thừa xuống đất:

- Hai đứa tôi đi trước. Còn Huyền mai mốt về mạnh giỏi. Văn, mày ở lại lo học.

Hướng quay lại nhìn Đoan. Tia mắt của Hướng tha thiết quá, làm Đoan bối rối. Hướng nói nhỏ :

- Đoan cho Hướng xin... tập hoa ép của Đoan, được không?

- Hướng muốn giữ tập hoa ép để làm gì?

Hướng bật cười:

- Không lẽ để Hướng đặt cho mỗi hoa một cái tên La Tinh như nhỏ Huyền bò?

- Vậy thì... cho Hướng ngay, nhớ phải giữ gìn cẩn thận.

Đoan chạy vào nhà, lấy tập hoa ép ra đưa cho Hướng. Hướng lật tập, lẩm nhẩm đếm và nói :

- Sắp đủ hai trăm cây. Hướng sẽ ép thêm cho Đoan.

- Cho Hướng luôn mà! Không đòi lại đâu!

- Vậy thì hoan hô Cô Bé. Hướng sẽ giữ gìn thật kỹ.

Giọng Hướng vương buồn. Đoan không dám nhìn Hướng, sợ sẽ khóc như hôm nọ trên đồi.
° ° °
Hướng đã lên đường. Giang đã lên đường. Huyền cũng vừa trở vào Sàigòn. Chỉ còn lại Văn và Đoan. Nhưng Văn không thể hoạt náo nếu thiếu Hướng và Giang. Đối với Đoan, bây giờ là bắt đầu cho những ngày buồn chán nhất. Trước đây chưa bao giờ Đoan nghĩ rằng sẽ có lúc mình cô đơn như thế này. Bạn bè chẳng còn lại nơi đây. Đoan chỉ còn một niềm vui duy nhất để hướng tới: được vào Sài gòn để bắt đầu những sinh hoạt mới mẻ hơn.

Thì giờ rỗi rảnh Đoan không biết phải làm gì. Khi thì ra vào giúp việc vặt cho má, khi lại thơ thẩn ngắm nhìn những bông hoa mới nở, chăm sóc từng gốc cây cho ba. Như sáng nay, Đoan xách dao ra vườn xới đất trồng lại hàng Cúc tím cho ngay ngắn. Chiều hôm qua ba xin được một ít cây Cúc tím, đem về và tẩn mẩn giâm xuống đất một mình. Ba làm giữa chạng vạng tối, mắt ba lại kém nên những cây hoa sáng ngày nhìn thấy xiêu vẹo. Đoan thấy thương ba, và nao nao trong lòng. Ba đã già yếu thấy rõ. Từ ngày về hưu đến nay đã được năm năm, ba chỉ còn vui với luống đất, ngọn cây. Con cái chưa làm gì cho ba vui rõ rệt. Ngay cả Đoan, càng lớn càng thấy xa cách ba. Đoan là con út, nên càng thấy ba già nua hơn nữa. Nhưng Đoan chưa làm một điều gì bày tỏ tình thương đối với ba như chị Thúy. Chị Thúy nghỉ hè về nhà không đi chơi đâu cả, mà chỉ lo nắn tượng, trồng cây, săn sóc nhà cửa cho ba. Ít ra lúc chị vô Sàigòn, ba cũng còn có bức tượng con gà để ngắm, hay nhìn luống hoa Móng Tay ba cũng nghĩ “ Con Thúy nó trồng”. So sánh với chị Thúy, Đoan thấy mình vô vị.

Đoan vừa sửa xong hàng Cúc Tím, thì nghe tiếng chị Thúy hắng giọng sau lưng. Chị mặc áo dài, chừng như sửa soạn đi đâu. Đoan đứng lên, chỉ tay vào những cây hoa mới:

- Chị Thúy thấy em trồng lại ngay chưa?

Chị Thúy gật đầu:

- Giỏi lắm! Chắc ba sẽ vừa lòng. Bây giờ rảnh chưa? đi chợ với chị không?

- Đi chợ? Cũng nên lắm. Em đang buồn, không biết phải làm gì.

- Vậy thì đi thay áo mau lên, chị đợi.

Đoan rửa tay, rồi chạy nhanh vào nhà. Thật tình Đoan ít khi thích đi chợ, nhưng bỗng hôm nay Đoan thấy cần phải đi cho vơi bớt sự trống trải. Đoan lựa ngay chiếc áo dài màu xanh, mặc vào rồi chải vội mái tóc để ra với chị Thúy.

Hai chị em thuê xe đi ra chợ, mua những thứ lặt vặt. Khi sắp vào hàng cá, chị Thúy bảo Đoan :

- Hay là Đoan ở ngoài này đợi chị vậy, giẫm vào hàng cá dơ lắm.

- Em phải đợi ở ngoài?

- Nếu Đoan thích, Đoan đi quanh quanh một lát rồi trở lại.

Đoan sắp bằng lòng, nhưng rồi đổi ý:

- Hay là... chút chị về trước đi, em ra tiệm sách mua vài cuốn truyện đọc cho đỡ buồn.

- Cũng được. Nhưng đi đâu thì đi, về đúng giờ để ăn cơm nhé!

Chị Thúy cho Đoan một ít tiền và đi vào chợ. Đoan đi bộ đến một hiệu sách, vào lựa truyện để mua. Nhưng mở quyển nào ra và đọc lướt, Đoan cũng không thấy hài lòng. Truyện nào cũng gặp gỡ, thương nhau, yêu nhau và cuối cùng lấy nhau. Đoan chán nản trả những quyển sách lại chỗ cũ, và tiếp tục đi ra phố. Đường sá có vẻ đông đảo hơn ngày thường, và Đoan sực nhớ rằng hôm nay là chủ nhật, Đoan đi giữa cảnh nhộn nhịp, bỗng chốc lát thấy mình đã đến bến xe. Đoan liếc nhìn đồng hồ trên tay một người đứng cạnh, thấy chỉ mới chín giờ. Tự nhiên trong lòng Đoan hồi hộp lạ. Đoan nảy ra một ý nghĩ: có lẽ nên đến nhà Thái một lần nữa. Ý nghĩ đã xuất hiện trong đầu không có gì ngăn cản nổi. Đoan làm theo sự sai khiến của chính mình, và chỉ một lát sau Đoan đã ngồi trên chiếc xe đi trên đường ra Vạn Giả.
_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét